July 31, 2014

August 1, 2014

Ngày 28 tháng 7 năm 2014
Bạn ta,
Những thói quen cũ có từ  lâu ngày khi đã trở thành một phần của con người ý thức của chúng ta sẽ khó mà có thể một sớm một chiều bỏ đi được. Người Anh có một câu tục ngữ nói đúng điều đó: old habit dies hard. Thói quen cũ khó mà dứt được.
Thỉnh thoảng đọc những tờ báo trong nước người ta thấy rõ điều đó. Một học sinh viết thư cho nhà trường xin được nghỉ học vì tự xét thấy  không thích đi học mà cũng thấy học khó quá, có cố học rồi cũng sẽ chẳng đi tới đâu, lại chỉ tạo trở ngại  cho các bạn cùng lớp. Một  phụ nữ viết một bức thư cho uỷ ban nhân dân  xin chứng nhận là thành phần nghèo để được trợ cấp. Một người viết bản tự khai tại đồn công an  về những hành động không hợp pháp của mình. Một gia đình nhờ công an giúp chặn đứng những vụ trộm chó vì gia đình của ông vừa bị trộm mất con chó.
Toàn là những chuyện mà mức độ quan trọng  không có được bao nhiêu, nhưng thói quen mà mấy chục năm nay họ được dậy để viết những lá thư như thế đã khiến họ ngồi xuống viết thư là phải viết ngay những chữ nghĩa đúng theo một khuôn mẫu không suy suyển.
Thói quen đó khiến lá thư nào họ viết  cũng phải có những chữ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc.
Không nói chuyện độc lập và tự do khi mà khắp nước đâu cũng thấy người Tầu, phố Tầu, hàng hóa của Tầu, công trình xây cất của Tầu, phim ảnh của Tầu, thái thú Tầu ra vào, chỉ thị, ra lệnh cho nhà nước, ngoài biển thì thuyền đánh cá của ngư dân bị phá, người Việt đánh cá trong hải phận Việt Nam bị bọn Tầu khốn nạn bắt giữ để đòi tiền chuộc…Độc lập và tự do ở đâu mà nói.
Nhưng chuyện học hành quá dốt,  không  học tiếp nổi, mất con chó, xin cái giấy chứng nhận nghèo, vi phạm luật pháp gây tội ác mà cũng phải lôi chuyện hạnh phúc ra nói thì kỳ quá.
Trong trại giam tù nhân bị bắt viết bản tự khai sau những trận đòn thù cũng vẫn phải xác nhận không gian trại tù là không gian hạnh phúc, tự do. Nhà nghèo không cơm ăn áo mặc muốn có cái giấy cho nghèo luôn may ra khá hơn công dân Bangladesh, Congo…cũng phải nhận là đang sống trong một nước hạnh phúc. Thấy mấy anh công an quá mất dậy chỉ biết làm tiền lẻ, không biết làm tiền lớn, lại không có bằng cử nhân luật rừng như thủ tướng Ba Ếch  nên khiếu nại chơi thì cũng phải coi mình là công dân của một quốc gia hạnh phúc…
Tại sao sau bằng ấy năm sống trong cái nước khốn khổ khốn  nạn ấy người ta vẫn cứ tiếp tục viết những hàng chữ vô nghĩa lý ấy? Có thể vì thói quen cứ mở mồm ra là nhờ ơn bác và đảng, đặt bút xuống là  phải viết Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc nên ngồi viết cái đơn xin nghỉ học ở trong bếp, viết cái đơn  cớ cảnh sát, công an vừa viết vừa chửi thề đù cha đéo mẹ các cậu Dũng, Duẩn, Phiêu, Minh…cũng vẫn viết  cho đủ bằng ấy chữ ngớ ngẩn như vậy.
Hay cũng có thể là một hình thức mỉa mai, khôi hài đen để chửi cha nhà nước lên nên viết mới  viết lách như thế?
Chứ người tử tế, con nhà có học, sống trong vòng lễ giáo ai lại viết lách như vậy bao giờ.
Độc lập gì cái xứ sở nô dịch ô nhục ấy. Tự do gì cái nhà tù khốn nạn ấy. Và hạnh phúc gì cái cuộc đời chó đẻ đó!

Ngày 29 tháng 7 năm  2014
Bạn ta,
Cô chủ nhỏ của tôi chắc là rất khó chịu về cái bàn làm việc của tôi. Cô biết tôi không leo lầu được sau lần mổ by-pass cách đây mấy  năm nên đã đặc biệt  làm cho tôi một căn  phòng  ở tầng dưới.
Tôi rất thích cái phòng làm việc nhỏ ấy.  Nó có chỗ trên tường cho hai cô Marilyn Monroe và Audrey Hepburn ngự trị. Nó có cái bàn cho cái computer, cái tủ sách cho những cuốn tự điển yêu quí, lại có đủ chỗ cho một cái recliner cho cái thân già ngả người lơ mơ nghe nhạc từ cái i-Pod.
Khỏi phải về nhà (ngay).
Và  cũng vì  thế mà cô đâm ghét cái phòng cô tốn bao nhiêu  tiền làm cho tôi.
Càng ngày nó càng bừa bộn thêm. Sách trên bàn, trên những chiếc  giá của cái tủ sách từ từ nhẩy xuống đất nằm lăn lộn khắp nơi. Các ông Mai Thảo, Võ Phiến, Nhật Tiến, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Đinh Hùng… nằm bên nhau vui vẻ. Hai ba cuốn từ điển  mở ra những trang khác nhau, đánh dấu bằng đủ mọi cách. Mấy  ly café Starbucks uống hết từ mấy tháng trước  vẫn trang hoàng cho cái bàn làm việc. Những bức ảnh của mấy đứa cháu nội ngoại nằm sau đống báo cao nghều nghễu.
Tại sao nó lại ra cái nông nỗi ấy?
Là vì có thể đang đọc tới trang sách ấy, đang tìm một chữ nào trong từ điển thì một người bạn  điện thoại, đang cầm tờ báo thì có người bước vào… Bỏ mọi thứ xuống bàn, xuống  đất, xuống ghế … nên cái bàn, cái bàn giấy, cái sàn nhà mới thành ra như thế.
Làm thế nào nó ngăn nắp, ngay hàng thẳng lối  được như những cái tủ sách để  biểu diễn  cho đẹp và oai. Những cái tủ sách ngay ngắn, những cuốn sách đóng gáy da mới tinh  làm background cho những bức chân dung của các ông tòa tối cao pháp viện, các nhà làm luật, các luật sư… mà tôi nghĩ chính các ông cũng chẳng bao giờ đọc tới huống chi…
Cô chủ nhỏ đã lắc đầu mấy lần sau những chuyến  mạo hiểm ghé mắt ngó vào cái phòng làm việc của tôi. Tôi biết cô chán nó lắm nhưng không nỡ nói ra.
Còn tôi, tôi cũng không nói gì. Tôi nghĩ cô càng chán cái phòng và cái bàn làm việc của tôi sau khi xem đoạn video thu hình văn phòng của  người đàn ông nọ. Chắc cô muốn cái phòng của tôi, cái bàn , cái tủ sách cũng phải đẹp, ngăn nắp như của ông ấy.
Nhưng cái phòng cô làm cho tôi là cái phòng làm việc, thực sự làm việc. Những cuốn sách ngổn ngang dưới đất là những cuốn  tôi có đọc thật.
Nên  tôi có … hơi bừa bộn thật.
Tôi công nhận  là có  bừa bộn và mất trật tự thật. Nhưng rằng quen mất nết đi rồi. Tôi sẽ không bao giờ có thể có một cái phòng  và cái bàn giấy chỉ để biểu diễn như vậy được.  Tôi đành để nguyên như cũ để cho cô muốn chán ghét tôi thế nào cũng được. Chứ có cái bàn ngăn  nắp và cái tủ sách toàn những cuốn sách ác hiểm khó đọc bầy thật đẹp để  hù dọa  mọi người thì nhất định là không có tôi. 
Tuần trước, tức quá, tôi mang cái tượng thạch cao mua được ở chợ trời mấy năm trước có một hình người đàn ông gần như bị chôn  ngập trong đống sách vở, báo chí và giấy tờ ngổn ngang trên cái bàn giấy của  chàng và hàng chữ ghi lại câu nói này của Albert Einstein: A neat desk is a sign of a sick mind, một chiếc bàn giấy ngăn nắp gọn gàng là dấu hiệu của một tâm hồn bệnh hoạn.
Tôi thích cái bàn giấy và tủ sách  rất ngổn ngang bừa bộn sau lưng của Andy Rooney nhiều  hơn. Chàng nói rằng cái tủ sách bừa bộn của chàng là cái tủ sách của một người làm việc, có  làm việc, không để  bầy chơi để dọa mọi người
Cái phòng làm việc, cái tủ sách và cái bàn giấy rất bừa  bộn (toàn những sách cũ đọc đã nát ra)  của tôi cũng vậy.
Ai muốn ghét thì cứ việc.

Bùi Bảo Trúc

July 24, 2014

July 25, 2014

CHIA SẺ

Không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng mỗi năm, đài BBC đều đưa ra một danh sách những chữ bị ghét nhất trong Anh ngữ. Đó có thể là những chữ bị lạm dụng nhiều nhất, bị dùng sai nhiều nhất và bạ đâu cũng đem ra dùng nhiều nhất. Có năm  danh sách này có  chữ “lovely”, một chữ tôi thấy cũng chẳng có gì đáng để ghét bao nhiêu tuy nó hơi … phụ nữ một chút, có thể là vì các little old ladies hay dùng nó, theo tờ New York Times  mấy năm trước. Thực ra, chữ “lovely” này quả là  được  nhiều người đem ra dùng một cách bạt mạng thật. Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào người ta cũng có thể  lôi ra trám đại vào chỗ trống theo kiểu tử vi nam nữ xem chung, hớt tóc unisex hay thuốc  cao đơn hoàn tán trị bách bệnh, bệnh nào cũng  chữa mà  chẳng bệnh nào khỏi cả.
Nó đã khiến cho nhiều người rất khó chịu. Một số editor, những người có trách nhiệm về chữ nghĩa trong các tòa báo, trong các nhà xuất bản coi danh sách những chữ đáng ghét này là những chữ phải tránh, phải tuyệt đối tránh hẳn. Thấy những chữ đó là phải delete ngay lập tức không mảy may thương tiếc.
Thực ra việc lập ra danh sách ấy không phải là việc của hàn lâm viện hay một cơ quan nào được chính thức trao cho quyền hạn  làm sạch chữ nghĩa, giữ cho ngôn ngữ trong sáng như hàn lâm viện của Pháp. Nó chỉ là ý kiến của một số người thấy khó chịu cái lỗ tai khi nghe thấy những chữ ấy, hay thấy gai con mắt   khi đọc thấy nó rồi lập ra cái danh sách đó. Đọc thấy vui, làm theo hay không làm theo là tùy người.
Nếu có một cái danh sách như thế  cho những người dùng tiếng Việt thì tôi tin chắc phải có hai chữ “chia sẻ”.
Hai chữ “chia sẻ” này thình lình xuất hiện hình như chỉ mới khoảng một chục năm trở lại đây nhưng  nó lập tức được tiếp nhận một cách nhiệt tình và hết sức rộng rãi.  Nó được dùng một cách bừa bãi để thay thế cho nhiều từ ngữ mà những người sử  dụng nó không  dùng những chữ chính xác hơn. Lý do có thể vì lười biếng cũng có, mà cũng có thể vì khả năng ngôn ngữ hạn hẹp, không có được một kho từ vựng  đầy đủ để dùng cho đúng ý tưởng muốn diễn đạt.
Những tự điển  coi hai chữ “chia sẻ” không mấy quan trong nên  có cuốn không thèm  đưa nó vào. Thí dụ các cuốn của  Khai Trí Tiến Đức, Lê Văn Đức đều không có nó. Cuốn của Linh mục Trần Văn Kiệm chỉ dành cho nó vài dòng.
Nhưng nó lại được lôi ra dùng rất bừa bãi.
Thí dụ thay vì  dùng những chữ như trình bầy, nói thêm, phát biểu, giải thích… thì người ta lôi ngay hai chữ “chia sẻ” ra dùng cho xong chuyện. Vì thế mới có những hành văn như thay vì phải nói: tác giả trình bầy… đương sự nói thêm… diễn giả phát biểu… anh ấy giải thích… thì người ta quăng ngay hai chữ “chia sẻ” vào là xong ngay.
Trong một đoạn quảng cáo cho một dealer bán xe, muốn người bán xe nói về những chiếc xe trong bãi đậu thì … yêu cầu ông ta “chia sẻ”. Mời độc giả gửi những hình ảnh, video cho toà báo thì … xin “chia sẻ”. Một nạn nhân bị đụng xe nằm  gần chết trong bệnh viện nói thều thào về tai nạn  cũng “chia sẻ”. Nhà có đại tang đang bối rối thì gia đình cũng “chia sẻ” tin buồn ấy.  Nhận định về những xáo trộn ở Israel  và Gaza thì lại “chia sẻ” luôn. Ông X. lăm le ra tranh cử cũng “chia sẻ” với các cử tri…
Mở những trang báo trong nước ra có khi trên  có một trang người ta có thể đếm đươc  gần  hai chục  lần “chia sẻ”. Và ở ngoài nước thì cũng thế. Hai chữ “chia sẻ” đã cứu nguy được bao nhiêu người là vậy.
Thế rồi sau một hồi, thấy hai chữ “chia sẻ” bắt đầu xuất hiện hơi nhiều thì người ta đảo ngược hai chữ này theo kiểu ăn nói của Hồ chủ tịch để thành “sẻ chia” cũng như “đơn giản” thành “giản đơn”, “khai triển” thành “triển khai”
Và người ta lại ào ào “sẻ chia” để cho “chia sẻ” …ngồi nghỉ một chút.
Chỉ sợ rồi quýnh quáng nói thành “chẻ sia” ra mất thôi. Lúc ấy lại phải mang ra sơi cho hết chứ làm sao “chia sẻ” cho ai được bây giờ.
Chán hai chữ này quá nên hôm nay phải “chia sẻ” với quí độc giả vậy.


July 18, 2014

July 18, 2014

KHÔNG BÁN NƯỚC


Bức ảnh không biết được chụp ở đâu vì background  không rõ lắm. Chỉ là những chấm sang xanh đỏ của đèn đêm. Trong hình có hai phụ nữ tóc đen, rõ ràng là người Á châu. Một người ở gros plan có cầm trong tay một tấm bìa trắng  có những chữ viết bằng  bút đỏ. Kiểu chữ cho thấy người viết phải là người Việt vì dấu được đánh rõ ràng, đúng  chỗ, không phải là người không biết chữ Việt chỉ cố gắng … vẽ lại những chữ đó một cách vụng về.
Hàng chữ nguyên văn như thế này: “Bán trôn không bán nước”.

Trôn là tiếng ngày nay thấy ít có người dùng nhưng ý nghĩa thì mọi người đều hiểu. Ít người dùng có thể một phần  là vì ý nghĩa của nó không  thanh tao lắm. Ngay khi dùng nó, người ta cũng dùng để tránh khỏi phải dùng cái tên chỉ bộ phận kia, thô tục hơn nhiều. Trôn là bộ phận  dưới cùng của cơ thể con người dùng trong việc bài tiết. Người ta dùng trôn để không phải gọi bộ phận kia bằng đích danh của nó. Cũng có thể để đối với “miệng”, người ta dùng “trôn” chăng?

Câu tục ngữ xuất hiện trong các từ điển tiếng Việt đều ghi rõ là “bán trôn nuôi miệng”.

Nhưng dù gì chăng nữa thì “bán trôn nuôi miệng” cũng là việc làm không tử tế và danh giá bao giờ. Nói thẳng ra,  “bán trôn nuôi miệng” là làm đĩ.

Bán cái bộ phận ấy để nuôi thân thì vừa thảm vừa nhục nhã. Nhục nhã vì phải dùng cái bộ phận ấy ở phía dưới, không  sạch sẽ  để nuôi cái bộ phận ở trên cao, nơi dùng để ăn, để ăn uống nuôi cơ thể, lại còn là nơi phát ra tiếng nói, là “tú khẩu cẩm tâm”, là lời vàng tiếng ngọc. Đem bán cái ở dưới để nuôi cái ở trên thì còn gì thảm hơn, nhục nhã hơn?

Những người  phải làm công việc ấy không bao giờ được dành cho những sự đối xử tử tế, nếu không nói thẳng ra là bị khinh bỉ, ghê tởm nhất trong xã hội.
Người phụ nữ trong bức ảnh không biết có làm cái nghề bán cái bộ phận ấy hay không. Trông cô có vẻ hiền lành hơn là hình ảnh chúng ta có sẵn trong đầu. Cô có nét mặt không vui. Một tay cầm tấm bìa, tay trái  chỉ vào hàng chữ trên tấm bìa. Hàng chữ khẳng định cô có thể bán cái ấy của cô nhưng cô không bán nước.

Chao ôi, cô sẵn sàng nhận cô làm đĩ. Cô nói thẳng ra như vậy. Cô không dấu giếm chuyện làm đĩ của cô. Nghề của cô không vinh dự và cao quí gì nhưng cô vẫn sẵn sàng  nhận là cô làm việc đó. Cô đem bán cái của cô. Cô không đem bán những thứ không phải của cô, những thứ của dân tộc, của tổ tiên lịch sử để lại. Những thứ ấy thì cô không bán. Cô không bán cả mấy ngàn cây số vuông  ở gần biên giới miền bắc, không tự động dâng hết đất lại đến biển, nhường quyền khai thác các tài nguyên, quặng mỏ cho nước ngoài, không  cho người ngoài ngang nhiên vào sinh sống xây nhà cửa thành phố như những vùng đất hoang vô chủ.

Nhìn cô người ta không thể không nghĩ tới bài thơ của Đỗ Mục, bài Tần Hoài Dạ Bạc. Đỗ Mục  có vẻ buồn trong bài thơ ông viết trong đêm neo thuyền ở  bến sông Tần Hoài:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

Đời sau, nhiều người cho là Đỗ Mục quá khe khắt với người thương nữ . Đâu phải người thương nữ nào cũng thản nhiên vô tình với cảnh mất nước nhà tan. Mà cũng đâu phải những người không phải là thương nữ cũng đều biết đau niềm đau mất nước.

Người thương nữ trong bức ảnh  cầm tấm bìa nhận là cô có làm đĩ thật nhưng  việc cô chỉ bán cái trôn của cô. Cô bị đẩy tới việc phải theo nghề làm đĩ vì cái đất nước nằm trong tay cai trị của một bọn chó má tệ lậu hèn với giặc, ác với dân, đem  biển đảo ngoài khơi, đất đai tiền nhân để lại đem bán hết cho giặc rồi nhâng nhâng nháo nháo khoe giữ nước, với lại dựng nước.

Để cô đứng cạnh những thứ như thế thì cô vẫn là người đáng quí trọng hơn nhiều. Trông cô bình thản không mắc cở gì về cách kiếm sống của cô chút nào.

July 13, 2014

July 13, 2014

Ngày 7 tháng 7 năm 2014
Bạn ta,
Gió bên đông động bên tây
Đấy nói bên ấy bên đây động lòng
Đầu tháng 6, một người đàn ông gánh hai thùng nước đến một nơi đông người qua lại tại công viên Tao Đàn, và  đặt gánh nước xuống  mời mọi người dùng nước.  Giữa cơn nóng nực, những ly nước của ông đã được chiếu cố tận tình. Nhưng chi tiết đáng nói nhất về những ly nước của ông là  ông không nhận tiền của khách. Ông mời mọi người dùng nước miễn phí. Ông nhất định từ chối không lấy một đồng tiền nào của những người nhận những ly nước của ông. Khách uống nước lúc đầu không biết nguyên do vì đâu lại có người tử tế như thế  giữa  cái xã hội đã bị  những người Cộng sản làm bẩn đi không ít từ mấy chục năm qua,  nhưng sau khi nhìn thấy hai tấm bảng người chủ gánh nước treo bên hai thùng nước thì mọi người liền hiểu ngay. Hai tấm bảng có những hàng chữ nguyên văn: “Nước nhà không bán”“Mất nước là chết”.
Thì ra là như thế. Chuyện nước mới là chuyện chính. Ông chỉ mời mọi người uống nước.  Ông không bán nước.
Ai hiểu mấy câu ông viết như thế nào cũng được. Nhưng chính vì hiểu thế nào cũng được mà những người uống nước của ông lại hiểu rất đúng điều ông muốn nhắn nhủ.
Ông đã khéo léo lợi dụng cái lắt léo, uyển chuyển của ngôn ngữ Việt để nói ra đề ông muốn nói mà không cần phải huỵch toẹt ra.
Ông bình tĩnh, không nói gì. Chỉ mời mọi người uống nước giữa cơn nóng bức, rồi nhẹ nhàng nói với những người đang mang cơn quốc bệnh trong người cái nguy của căn bệnh. Mất nước (dehydration) là chết.
Ông không làm như người phụ nữ mất con gà đứng trong sân chửi vọng ra bên ngoài, đứa nào ăn cắp con gà của bà nghe chửi rồi thấy động mồ động mả tổ tiên phải trả lại con gà.
Ông không nói gì vậy mà có khối đứa giật mình. Giật mình vì có tật.  Khi không tại sao lại mang nước ra mời người qua đường uống miễn phí? Khi không tại sao lại khuyên mọi người phải lo chuyện nước nôi?
Việc làm của ông liền có nhiều người làm theo. Ở Hà nội, nhiều người trẻ cũng mang nước ra đường mời người qua đường miễn phí. Cũng những ly nước bên lề đường không lấy tiền, chỉ mời không mọi người. Và cũng kèm theo những tấm bảng có những dòng chữ  nói rõ nước của họ chỉ để mời không phải trả tiền. Không phải trả tiền vì nước không để bán.
Nước nhà không bán. Mất nước là chết. Muốn hiểu thế nào cũng được. Nghĩa đen cũng được mà nghĩa bóng lại càng hay hơn.
Đến đây thì có ngu nhất, có mặt dầy nhất, có vô liêm sỉ nhất thì cũng phải hiểu.
Câu chửi ngầm của ông đã được nghe thấy và ý nghĩa đã khá rõ. Lập tức ông bị bắt giữ nhưng sau đó  ông đã được thả. Lý do có thể là  nếu giam ông, đưa ông ra tòa, đem ông đi mất tích thì lại là một sự tự thú là có … bán nước hay sao?
Thôi thì đành câm cái mồm lại và tiếp tục độc quyền  bán nước vậy. Ai không bán nước thì cứ việc mang nước ra đường mời mọi người  uống miễn phí.

Ngày 8 tháng 7 năm 2014
Bạn ta,
Mấy chục năm qua, cứ thỉnh thoảng tôi lại nghe không ít người nói rằng tiếng Việt hay lắm, đáng yêu lắm, phong phú lắm, giàu có lắm… Và cứ mỗi lần nghe những nhận định như thế, tôi lại phải vui vẻ đồng ý ngay, sợ bị chụp cho cái mũ vong bản đội chơi cho vui đời lưu vong thì khổ.
Nhưng trong lòng thì đồng ý được khoảng một nửa cũng đã là nhiều lắm rồi.
Tiếng Việt của Nguyễn Du, Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương … trong máu của chúng ta, mà chúng ta đã "yêu từ khi mới ra đời như Nguyễn Đức Quỳnh đã khẳng định hồi nào, như Phạm Quỳnh đã gắn vận mệnh, sự sống còn của nó cùng với đất nước và truyện Kiều quả là có đáng yêu và đẹp thật nhưng nó có được "anh hùng chen chân thế giới" thì mới đây mới thấy. Nhưng thấy được rồi thì lại cũng chẳng vui được bao nhiêu.
Một bản tin của thông tấn xã Jiji cho biết một số cảnh sát viên ở một thành phố cách Tokyo không bao xa mới đây đã ghi tên theo học tiếng Việt ở mấy trường dậy Việt ngữ ở thủ đô Nhật. Những người này còn định đi Việt Nam để học thêm vì muốn sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo hơn nữa.
Nghe vậy mà không sướng ư!
Phen này, những người chiếu cố học tiếng của chúng ta sẽ đọc văn chương truyện Kiều thoải mái, đọc Hồ Xuân Hương bù lại những ngày chúng ta đọc Basho, Issa, Kawabata, Mishima … rồi nhá.
Nhưng đọc hết bản tin thì mới biết những người cảnh sát Nhật này học tiếng Việt không phải để yêu Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương … hay để nghe quan họ, hò Huế, vọng cổ … gì hết.
Họ học tiếng Việt vì nhu cầu công việc. Công việc của họ đòi hỏi họ cần biết tiếng Việt để dùng trong công việc khi phải có những tiếp xúc với một số người Việt ở ngay thành phố của họ. Những người Việt này một số không nói được tiếng Nhật và những cảnh sát viên này thì lại không nói được tiếng Việt. Ngôn ngữ bất đồng. Hai bên không cách gì hiểu được nhau. Phiền vô cùng.
Thành phần họ phải tiếp xúc là những người Việt bị bắt về tội trộm cắp. Cảnh sát không cách nào thẩm vấn họ, lấy lời khai của họ được. Chẳng lẽ bó tay. Thế nên họ quyết định phải đi học tiếng Việt. Học để nói được một cách thông thạo chứ không thể tiếp tục ra hiệu bằng tay mãi được nữa. Những tấm bảng cảnh cáo không nên ăn cắp viết bằng chữ Việt treo ở nhiều nơi tại cái thị trấn ấy không giảm được những vụ phạm pháp của người Việt. Thì thôi đi học tiếng Việt cho rồi.
Nhu cầu nói và hiểu được tiếng Việt của cảnh sát ở thị trấn này chắc phải nhiều lắm. Nhiều đến độ các cảnh sát phải đi học tiếng Việt. Như vậy có nghĩa là con số người Việt phạm pháp nhiều lắm và những lần phải làm việc với những người này cũng phải thường xuyên lắm. Thường xuyên đến độ các cảnh sát viên phải học tiếng Việt để dùng cho tiện, không thể chờ kiếm được thông dịch viên như năm thì mười họa, vài ba năm một lần được nữa.
Phải học tiếng Việt là vì vậy chứ không vì một lý do văn học nghệ thuật nào cả.
Tuần trước, ở Malaysia, một phụ nữ Việt bị bắt quả tang ăn trộm điện thoại đã bị đám đông hành hung và làm nhục ngay giữa đường phố. Báo chí đăng hình còn ghi rõ quốc tịch Việt Nam của cô.
Một con ranh, con một ông lớn trong nước cũng chơi trò bàn tay nhám tới hai lần, một lần ở Anh, một lần ở Phần Lan nhưng nhờ gốc lớn, nó lại về nước xuất hiện trên các chương trình văn hóa Việt trên đài truyền hình của bố nó.
Nham nhở đến tận cùng của sự nham nhở.
Không thể đổ cho tàn dư Mỹ Ngụy nhá. Mấy chục năm học tập theo gương đạo đức của Hồ chủ tịch đấy chứ Mỹ Ngụy hồi nào hè!
Tội nghiệp tiếng Việt biết là chừng nào là như vậy. Học tiếng Việt chỉ là để lấy lời khai của các cháu ngoan trộm cắp của bác Hồ đấy chứ.

Ngày 12 tháng 7 năm 2014
Bạn ta,
Bọn ngợm ở Hà nội là những thứ không biết phải mô tả như thế nào cho đúng. Bọn chúng có những lối hành xử không ai có thể hiểu được. Thí dụ ngợm Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch quốc hội chẳng hạn.
Tháng trước, tại phiên họp bế mạc của kỳ họp thứ 7 (24 tháng 6) của quốc hội, ngợm này đã lên tiếng kêu gọi "người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước láng giềng Việt Nam và Trung quốc."
Mẹ kiếp bọn Tầu không thèm dấu giếm gì những việc làm cực kỳ khốn nạn của chúng đối với Việt Nam, với đất nước, với người dân Việt Nam thì ngợm Hùng vẫn gọi những quan hệ giữa hai nước là "hữu nghị" và kêu gọi người Việt trong cũng như ngoài nước gìn giữ những quan hệ hữu nghị đó.
Thế nào là hữu nghị?
Chắc chắn không là thứ quan hệ thể hiện qua những vụ bọn chúng dùng tầu lớn húc vào tầu của Việt Nam, chèn ép, phá hỏng, gây hư hại, bắt giữ các ngư dân, cướp các tầu đánh cá của họ tại các vùng biển của Việt Nam. Hữu nghị cũng không thể là dùng võ lực đánh chiếm lấy đất đai, biển đảo của bạn. Nhưng phía bọn Tầu khốn nạn thì chúng đã làm tất cả những điều kể trên và còn rất nhiều chuyện đểu cáng khác nữa.
Bất kể những việc làm đó của Bắc Kinh, bọn ngợm ở Hà Nội vẫn một lòng cúc cung trong những giao tiếp với lũ khốn nạn rồi còn lên tiếng kêu gọi người Việt gìn giữ những liên lạc gọi là hữu nghị đó như Nguyễn Sinh Hùng vừa kêu gọi.
Làm trái lại là chúng bắt giam ngay, có khi chúng đưa đi biệt tích như ông Điếu Cày, hay đầy ải, ngược đãi, tù đầy như Nguyễn Phương Uyên, Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy…
Nhưng hình như ở hải ngoại đã có đứa làm đúng những lời kêu gọi của ngợm Hùng rồi thì phải. Mấy tháng trước tôi có viết một bài nhân vụ 6 phụ nữ Việt bị mấy tên ma cơ ma cạo Trung Hoa lừa bán sang Ghana làm điếm. Sót cho số phận tội nghiệp của các nạn nhân ấy, tôi đã gọi bọn ma cô là bọn Tầu khốn nạn và một hai danh từ khá nặng khác. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy chúng rất xứng đáng với những từ ngữ tôi dùng trong lúc quá phẫn nộ đó.
Lập tức có ngay một anh nhà quê nào đó viết ngay một bài trên internet đổ cho tôi là đã xúc phạm cả dân tộc Trung Hoa mặc dù tôi chỉ nói về mấy thằng ma cạo hại đời những người phụ nữ Việt Nam tội nghiệp đó. Anh ta cho là tôi không nên viết như thế, vì lỡ Tập Cận Bình đọc bài báo ấy rồi tức giận đem quân đánh Việt Nam thì sao. Anh ta nói là bài viết của tôi làm cho anh rất tức giận, hơi nóng bốc xì xèo trên đầu.
Rõ thật là ấm ớ. Tôi không bao giờ hoang tưởng đến độ cho rằng Tập Cận Bình sẽ đọc bài báo của tôi rồi nổi giận đem quân đi đánh Việt Nam.
Tôi muốn anh cứ yên tâm. Không cần phải đọc bài báo ấy bọn Tầu khốn nạn ấy cũng đang sửa soạn đánh Việt Nam rồi đấy.
Bọn chúng không cần phải đợi anh ta méc bu đâu.
Đâu phải đi chơi Hoa lục một chuyến, xúng xính mặc một bộ quần áo Tầu vào chụp vài ba bức ảnh xoè răng ra cười vô duyên là về Mỹ ôm lấy đít Tập Cận Bình hít hà rồi lên mặt dọa dẫm, dậy dỗ mọi người được đâu.
Trịnh Công Sơn đã rất sai khi viết "một ngàn năm đô hộ giặc Tầu".
Vẫn còn tiếp tục bị đô hộ và vẫn còn bị nô lệ đấy chứ!

Và ngợm Nguyễn Sinh Hùng có ngay một anh nhà quê làm đúng như lời kêu gọi rất ngu xuẩn rồi đó nhé.