September 24, 2009

September 25, 2009

Ngày 21 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Hôm nay, Ann Landers, người phụ nữ cái gì cũng biết, cái gì cũng có câu trả lời của báo chí Mỹ, lại sai lầm thêm một lần nữa khi gỡ rối cho một nữ độc giả ở Texas.

Ðộc giả này chắc còn trẻ, cô cho biết cô có người bạn trai, hai người định thành hôn trong một ngày rất gần. Người bạn trai của cô cái gì cũng được, chỉ có một điều làm cho cô khó chịu, đó là trong ngăn kéo đựng áo sơ mi của chàng, chàng vẫn còn giữ chiếc áo ngủ bằng sa tanh của người bạn gái cũ. Những thư từ hình ảnh của người bạn gái cũ của chàng mà chàng vẫn giữ không làm cho cô khó chịu bằng chiếc áo ngủ. Khi cô nói với chàng rằng cô thấy không ổn khi chàng tiếp tục giữ chiếc áo ngủ của mối tình cũ thì chàng nói rằng đó là một đoạn quá khứ của chàng và cô nên chấp nhận.

Nhưng chấp nhận thế nào được khi nó là cái áo ngủ kiểu Baby Doll, hay của Frederick's, của Victoria's Secrets... vừa thơm, vừa mỏng, vừa có vẻ chưa được giặt sau lần gặp gỡ cuối cùng.

Ann Landers mách nước là không nên thắc mắc, hỏi han, nhắc, đề cập đến chiếc áo ngủ đó nữa, nó sẽ lặng lẽ biến mất, và khi nó biến mất, cũng đừng hỏi là nó đi đâu, vì có thể nó đã bị ném vào đống bít tất cũ của chàng.

Dở ẹc. Không bao giờ có chuyện đó. Phải vùng lên, không thể thụ động, không thể đợi bất chiến tự nhiên thành được. Muốn... thành, phải vạn cốt khô, phải máu chẩy thành sông, xương chất thành núi mới được.

Chàng giữ cái áo ngủ để trong ngăn kéo để làm gì? Chắc chắn không để làm giẻ đánh giầy. Giữ là giữ mùi hương. Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh / Trùng phong khâm tử hộ dư hương... Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi... Hết Trần Danh Án thời Lê mạt, lại Dực Tông đời Nguyễn cũng chỉ muốn giữ lại mùi hương.

Vậy thì đó là mùi hương. Quăng nó vào máy giặt, đổ vào nửa thùng thuốc giặt, vặn nút heavy duty, nước nóng sôi là khử hết trùng, luôn cả mùi hương con đĩ để lại. Xong rồi, lấy ra, ném vào máy sấy, vặn nút normal, sấy một tiếng đồng hồ, đem ra, ủi thẳng thớm, để vào ngăn kéo trở lại. Cam đoan thằng chả sẽ mê mẩn... bình thuốc giặt Wisk, ban ngày nhớ, ban đêm ôm bình Wisk vào giường, ú ớ gọi Wisk lia lịa.

Lúc ấy, chắc chẳng ai còn thèm đòi quăng bình thuốc giặt mầu đỏ đó vào thùng rác nữa. Một công đôi ba việc, giao cho nó công tác giặt ủi cho nó được gần gũi mùi thuốc giặt có phải đỡ bận tâm, là có phải không còn bực bội nữa không nào.

Ghen với mùi thuốc giặt làm gì cho khổ tuổi xuân.

Cách thứ hai là khi dọn đến nhà chàng, trong va ly nhớ bỏ thêm vào một chiếc quần lót kiểu boxer, xếp vào ngăn kéo, có ai thắc mắc tại sao phụ nữ lại có cái quần lót quái đản ấy trong tủ áo, thì chỉ cần nhún vai nói khẽ đó là một phần đời quá khứ, chàng nên chấp nhận cho vui.

Cam đoan trong nửa phút, cái quần boxer và cái áo ngủ sẽ được chàng bịt mũi, lấy cái mắc áo khều bỏ vào bao rác cho lên xe, chạy đi kiếm cái thùng rác công cộng nào ném vào ngay lập tức. Trong khi đó, mình lái xe chạy theo sau, chờ cho chàng ném vào thùng rác, lôi ra, xé tan tành, ném xuống đất, nhẩy lên lấy chân chà, đạp, đá, nhổ bọt, vác đá chọi cho... chết luôn, đáng cái đời áo ngủ tầm bậy tầm bạ.

Và về nhà thơ thới hân hoan như đi xi nê thời đệ nhất cộng hòa không bị người bên cạnh hút thuốc lá thở vào mặt nữa.

Trả lời như vậy mới là... trả đũa chứ. Hơn thế nữa, những đề nghị như vậy sẽ có thể dùng cho cả các nam cũng như nữ độc giả, kiểu tử vi nam nữ xem chung, ai xem cũng sai hết chứ.

Ann Landers càng ngày càng lẩm cẩm bạn thấy không?


Ngày 22 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Nguyễn Du là người đau khổ.

Ðại Nam Liệt Truyện kể lúc chết, ông vẫn còn bao nhiêu điều u uất. Lúc bệnh, ông không chịu uống thuốc. Khi biết sắp ra đi, ông sai người nhà sờ tay chân xem còn nóng hay đã lạnh. Người nhà cho biết đã lạnh ông nói là được, rồi qua đời, không một lời trăn trối, dặn dò. Nhưng trước đó, ông có đọc và gia đình còn ghi lại hai câu thơ chữ Hán đầy bí ẩn, đau xót:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Ông mong có được những giọt lệ tiếc thương mà có lẽ trong lúc sống, ông không có được, chẳng biết ba trăm năm sau có được hay không.

Tác phẩm ông để lại, Truyện Kiều mà Phạm Quỳnh hết sức trân trọng, nối kết sự tồn vong của nó với đất nước, với ngôn ngữ Việt. Nhưng trong lúc ông còn sống, sự trân quí không có được bao nhiêu.

Tác phẩm của ông bị vua Tự Ðức chơi trò độc đoán lôi ra sửa chữa lung tung, đưa vào những đóng góp vụng về, rồi cho in ở Huế. Ðó là bản kinh. Bản phường do Phạm Quí Thích, bạn ông, đem khắc và in ở phố Hàng Gai, Hà Nội, cũng bị sửa đi ít nhiều. Sự tôn trọng dành cho tác giả, như thế là không được bao nhiêu.

Và đau cho ông nhất là cả hai bản được phổ biến khắp nơi, mà không ai chịu tổ chức ra mắt cho ông một lần nào.

Ít ra, cũng phải làm một buổi ở Quốc Tử Giám, hay một sảnh đường nào trong thành nội để trình làng tác phẩm của ông. Mở đầu cũng phải có bài giới thiệu của vua Tự Ðức, khen ông vài ba câu, rồi dăm ba người bạn, như Phạm Quí Thích chẳng hạn, đăng đàn ca cẩm ông hết mình, kiểu nghị luận văn chương chúng ta viết ở trung học đệ nhất cấp, mời thêm Hồ Xuân Hương, mối tình văn học của ông đến đọc vài bài thơ cảm đề Truyện Kiều... Ngoài ra cũng có thể kiếm mấy giọng hát, cỡ như má ông Ðào Duy Từ, đến ngâm vài đoạn trong Kiều, hay một chị mặc giả làm Kiều đỡ cây đàn treo sẵn ở hiên sau mà "vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày" so dây Vũ, dây Văn đánh vài bài cho cả bọn ngồi dưới điên cuồng lên, lúc cúi đầu, lúc ngơ ngẩn sầu, lúc vò chín khúc...

Nguyễn Du không có được một lần ra mắt sách có phụ diễn tân nhạc, lại có em-xi lên bục trổ tài ăn nói duyên dáng, dẫn nhập như hành văn trung học, rồi mời khách khứa dùng tiệc trà và mua sách, với Tố Như tiên sinh ngồi ký ở cửa, có hai em bé thơm phức ngồi thu tiền, mời ký sổ vàng, giả bộ lười trả lại tiền khách mua sách, cười nham nhở đề nghị tặng luôn cho tác giả, đóng góp ít nhiều cho tiệc trà vân vân.

Phạm Quí Thích không khen, cũng không chê, trong bài Tổng Vịnh Truyện Kiều hạ hai câu kết:

Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian...

Không biết họ Phạm chỉ Nguyễn Du hay chỉ Kiều.

Nguyễn Công Trứ thì gián tiếp phang Nguyễn Du đến nơi đến chốn: nào chê Kiều hiếu vào đâu, lẽ ra phải nặng vì hiếu, nhẹ vì tình mới phải, cho nên đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm, nghĩ mà ngán cho đời.

Khen cho vài câu chỉ có Chu Mạnh Trinh:

Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu
Ðem bắc đồng cân đáng mấy vàng...

Mãi đến gần đây Vũ Hoàng Chương mới có được vài giọt lệ:

Thúy Kiều xưa khóc Ðạm Tiên
Hoàng lang giờ lại khóc Tiên Ðiền...

Không được ra mắt sách, cũng không có được một bài điểm của mấy cây bút đang lên gửi cho vài ba tờ báo ở Thăng Long, ở Huế, ở Gia Ðịnh đăng cho mát... người một chút.

Ông Nguyễn, sao mà ông khổ thế?

Giá ông sống vào lúc này, thế nào ông chẳng được tổ chức ra mắt sách, thế nào chẳng có vài ba giọng ngâm "bức xúc" nghe thánh thót chào xuân như "chim vàng li (?) cổ điển" để xoáy trên "quĩ đạo đồng cốt mê tơi" " hiếu vô thường, ham thất thố, thích thả buông, dám liều lĩnh, mê phiêu bồng... muốn định cư và thiết lập một cân bằng bền nào đó"... theo lối hành văn rất nhiều rổn rảng mà hiểu chẳng bao nhiêu của một bài giới thiệu "hàm hồ" do một nhà thơ nọ viết.

Ông Nguyễn Du, ông khổ thật đấy chứ lị! Nhưng ông yên trí, ba trăm năm sau ngày ông qua đời, sẽ vẫn còn người khóc văn tài của ông. Và khóc thật, thưa ông. Không phải ở những buổi ra mắt mà ông không được bạn bè tổ chức cho trong lúc còn sống


Ngày 23 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Những ngày như hôm nay, tôi lại nhớ một nhân vật mà tôi rất yêu từ khi còn bé.

Nhân vật này mang đủ mọi tiếng xấu, nhưng bị ghét thì hình như không bao nhiêu. Ðó là người đàn ông có tên là Cuội. Ông ta là người Việt Nam, không phải như những nhân vật mà cả người Trung Hoa cũng như chúng ta cùng có chung trong các cổ tích, như Ngưu Lang, như Hậu Nghệ...

Tên ông không thể viết được bằng chữ Hán, thì làm sao ông là người phương Bắc được. Gia thế của ông rất mù mờ. Có khi cổ tích nói rằng ông mồ côi cha mẹ, được chú mang về nuôi và bị đối xử không ra gì vì cái tật nói dối không thể chừa được của ông.

Nhưng theo những dị bản khác của cổ tích, hay trong một đoạn ca dao, ông Cuội có mẹ, có cha đầy đủ. Cha ông thì cắt cỏ trên đồi. Mẹ ông oai hơn, cưỡi ngựa đi mời quan viên. Cuội thảnh thơi để trâu ăn lúa, hoảng sợ thì cũng chỉ gọi cha ời ời, không một nỗ lực chạy ra ngăn mấy con trâu không cho ăn lúa, mà chỉ tiếp tục ngồi ở gốc cây đa. Cuội quả có hay nói dối, nhưng là một người có lòng nhân. Lấy được thuốc tiên thì cũng chỉ để mang về cứu người. Có vợ thì chiều vợ hết lòng, vợ hay đái bậy cũng không la mắng gì, chỉ căn dặn đừng đái vào gốc cây thuốc quí vì cây sẽ bay mất. Ðến lúc vợ cứ nhắm gốc cây mà đái, thì Cuội cũng chỉ biết bám vào rễ cây bay lên cung trăng ở với thỏ ngọc và cóc. Thỉnh thoảng chị Hằng ghé qua bẹo má một cái là sướng gần chết.

Cuội cũng là một trường hợp mà cái tên của ông trở thành một danh từ chung, để gọi những người hay nói dối, và một tĩnh từ để nói về cái tính hay nói dối ấy của ông. Cuội được đưa vào thành ngữ "nói dối như Cuội"; hay "nó Cuội lắm"; hay "Cuội đất" để chỉ người hay... Cuội như trong một bài phú:"phường Cuội đất bán ruộng chung thiên hạ".

Cuội nói dối nhưng toàn những điều vô hại. Nói Cuội xạo thì đúng hơn. Những câu xạo không hề có chủ đích hại người. Nói khoác cùng nghĩa với nói phét, nghĩa là nói xạo, để tạo cho người nói một tư thế tốt đẹp hơn, cao hơn, oai hơn. Nói dóc đồng nghĩa với nói xạo, cũng là một lối nói vô hại. Nói bịa cũng như thế.

Cuội không nói dối để hại người. Ông Chiêu Hổ bị Hồ Xuân Hương bóng gió gọi là Cuội khi không giữ lời hứa cho vay tiền.

Như vậy, Cuội không phải là người đáng ghét. Nhưng có đôi lần, Cuội bị nhắc đến, không được nhẹ nhàng cho lắm: "thằng Cuội già".

Trong cách đề cập này, Cuội không hề được bất cứ một sự nể nang tôn trọng nào. Ðã cao niên, lớn tuổi, đã già, mà vẫn bị gọi là "thằng". Nhạc sĩ Lê Thương có thể không quá khinh ghét nhân vật Cuội, nhưng vì những đòi hỏi của lời ca, của những câu 4 chữ, và để vần với "trắng ngà" nên phải cho Cuội... già đi một số năm. Tuy vậy, chữ "thằng" có cần thiết hay không?

Cuội được đối xử tử tế hơn, không bị gọi là "thằng" trong một bài hát khác. Cuội được gọi bằng "chú".

Nếu thế thì ai trong chúng ta lại chẳng có vài ba lần đóng vai Cuội xuất sắc. Và có phải vì thế mà tôi yêu nhân vật này hay không? Và cũng có phải vì thế mà những người phụ nữ cũng yêu... Cuội chăng? Nếu không được nhiều người yêu quí như thế, làm sao còn... Cuội được cho đến ngày nay?


Ngày 24 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Bạn than mệt và không biết tại sao lại thấy mệt mỏi như mấy ngày hôm nay. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao bạn có thể … mệt được.

Bạn nói rằng, cũng hệt như nhiều người khác, bạn bị ấn vào tay quá nhiều việc trong khi bạn không có được bao nhiêu thì giờ để làm nhũng việc đó.

Tuần lễ này, bạn than là dài như vô tận, như không bao giờ nhìn thấy nhng ngày cuối tuần mặc dù hôm nay đã là thứ Năm. Bạn nói rằng bạn làm đủ các thứ việc ở sở, hết việc nhỏ đến việc lớn, không lúc nào nghỉ tay, nghỉ chân. Bạn mang cả đống việc về nhà. Bạn mệt đứt hơi. Bạn nói bạn như cái chai đổ đã hết nước. Không còn lấy một giọt. Bạn xin nghỉ một ngày để dưỡng thương.

Nhưng có thật như vậy không? Bạn ngồi xuống làm thử vài con tính coi chơi.

Một năm có 365 ngày nhưng bạn không làm 2 ngày mỗi tuần. Vì thế, một năm có 52 tuần thì có 104 ngày bạn nghỉ. Trừ đi 104 ngày đó, bạn chỉ còn có 261 ngày để làm việc.

Nhưng mỗi ngày, bạn chỉ đến sở làm có 8 tiếng. Thời gian còn lại 16 tiếng thì bạn phải ăn, ngủ, làm chuyện nhà. Ðem 16 tiếng nhân với 261 ngày, bạn có 4,176 giờ ở nhà. Mỗi ngày có 24 tiếng, chia 4,176 giờ cho 24, bạn ở nhà 174 ngày.

Bạn phải đem 261 ngày trừ đi 174 ngày không đến sở. Như vậy thì bạn chỉ làm việc có 87 ngày trong năm. Mỗi ngày bạn phải đi ăn trưa. Thông thường các sở cho nhân viên 45 phút để ăn trưa. Có khi 45 phút thành ra 1 tiếng. Có khi thành 2, hay 3 tiếng là thường. Theo những uớc lượng rất bảo thủ, bạn dùng 42 ngày trong năm để ăn trưa. Ðem 87 ngày trừ đi 42 ngày ăn trưa thì bạn còn đi làm bao nhiêu ngày? Xin thưa 45 ngày.

Thế còn coffee break để uống cà phê thì bạn để đâu? Tính ra bạn tiêu hêm 21 ngày trong 1 năm để cà phê. Bạn lấy 45 ngày mà trên nguyên tắc bạn phải ngồi ở bàn giấy trừ đi 21 ngày cà phê cà pháo thì bạn còn bao nhiêu ngày để làm việc? Thưa bạn chỉ còn 24 ngày.

Còn 2 tuần nghỉ thường niên bạn chưa tính. Hai tuần là 10 ngày làm việc. Ðem 24 ngày trừ đi 10 ngày nghỉ thường niên thì bạn chỉ làm việc có 14 ngày.

Thế rồi bạn cũng lại chưa tính những ngày Giáng Sinh, Năm Mới, Tạ Ơn, Ðộc Lập, Lao Ðộng tất cả 5 ngày. Ðem 14 ngày trừ đi 5, bạn chỉ làm việc có 9 ngày.

Nhưng bạn lại còn được nghỉ 10 ngày có lương thì bạn đi làm ngày nào đâu mà kêu mệt?


Ngày 25 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Là một ngươi sống chết với tiếng Anh từ 40 năm nay, lại thêm hai ba cái bng đại học Mỹ trong người như bạn, mà hôm qua, nói chuyện với bạn qua điện thoại, bạn làm tôi hết hồn mấy lần vì tiếng Anh của bạn.

Thí dụ khi bạn hỏi tôi đã "fax" cái tài liệu ấy cho bạn chưa, mà bạn cứ hồn nhiên, Việt hóa cách đọc chữ "fax" thành "PHẮC" thì làm sao tôi chịu thấu? Thiếu hẳn âm "x" ở cuối. Phiền vô cùng.

Hay tôi đề nghị bạn dùng nguyên chữ "facsimile" thay vì nói tắt là "fax" để giảm bớt nguy cơ đau tim của tôi chăng.

Ở quân trường, tôi đã sợ huấn luyện viên bắt "PHẮC" mỗi khi vào hàng quân, sang đến đây lại phải nghe chữ "fax" của bạn, tôi thấy vất vả quá.

Nhưng thực ra, tôi không phải là người duy nhất sợ và thắc mắc về "fax" như bạn nghĩ. Tuần trước tôi tìm được 1 trang hỏi đáp về "fax" đọc lại nghe lạ lắm. Ðây là những câu hỏi và trả lời đọc được trong trang tài liệu về "fax" mà tôi tạm dịch sang tiếng Việt như thế này:

Hỏi: Có cần phải là vợ chồng mới có thể "fax" an toàn không?

Ðáp: Tuy các cặp vợ chồng thường hay "fax" (cho) nhau nhưng cũng có những người độc thân lại "fax" (cho) người lạ đều đều, hàng ngày.

Hỏi: Cha mẹ tôi nói rằng hồi còn trẻ, hai ông bà không "fax" mà phải viết thư cho nhau cho tới khi cả hai 21 tuổi. Bây giờ thì phải đến tuổi nào mới "fax" được?

Ðáp: Tuổi nào cũng "fax" được sau khi được chỉ dẫn những thủ tục đúng đắn về "fax".

Hỏi: Nếu tôi tự "fax" (cho tôi) , tôi có bị mù mắt không?

Ðáp: Không, theo chỗ tôi biết thì không.

Hỏi: Ở đường gần nhà tôi có một chỗ người ta có thể trả tiền để "fax". Dịch vụ trả tiền để "fax" này có còn hợp pháp không?

Ðáp: Còn. Nhiều người không có chỗ để giai quyết những nhu cầu về "fax" nên họ phải trả tiền để những người chuyên môn giúp họ "fax" nhất là khi nhu cầu "fax" lên quá cao.

Hỏi: Khi "fax" có luôn luôn cần phải dùng bao bìa (cover) không?

Ðp: Nếu không biết rõ người mình "fax" thì phải dùng bao bìa cho an toàn.

Hỏi: Nếu không làm đúng thủ tục và "fax" quá mau thì sao?

Ðáp: Ðừng quýnh quáng. Nhiều người (nhất là đàn ông) "fax" quá mau khi đã lâu không được dịp "fax". Cứ làm lại, không ai coi chuyện đó là phiền nhiễu đâu.

Hỏi: Tôi có máy "fax" ở nhà và tại sở cũng có máy "fax". Việc "fax" ở nhà rồi lại "fax" ở sở có thể bị rắc rối không?

Ðáp: Là người "fax" hai chiều (bi-faxual) có thể gặp rắc rối nhưng nếu dùng bao bìa mỗi lần "fax" thì bạn sẽ không chuyển những gì mà bạn không dự tính chuyển tới phía bên kia.

Chúc bạn "fax" vui!

Tôi dọc đi đọc lại hai ba lần mà vẫn chỉ hiểu lơ mơ. Có lẽ đó là một tài liệu đi kèm với cái máy vô tuyến điện thư do hãng sản xuất gửi cho tôi, vì tôi có một cái máy "fax" ở nhà. Nhưng những chi tiết như những tiệm nhận và gửi "fax" mà còn bị thắc mắc về tính chất hợp pháp hay bất hợp pháp của nó làm tôi càng thắc mắc thêm và không nghĩ nó chỉ là tài liệu chỉ dẫn về máy "fax". Thí dụ những câu hỏi về "premature fax" ("fax" quá mau), "safe fax" ("fax" an toàn) về tuổi để "fax", về "fax drives" (nhu cầu "fax") … chẳng hạn.

Chỉ dẫn về cái máy "fax" do công ty Ricoh của Nhật chế tạo mà lại cũ rích như của tôi thì đâu cần phải nói miên man sang cả những chuyện không ăn nhậu gì đến cái máy vô tuyến điện thư ấy.

Thế rồi chuyện "fax" tức là chuyện gửi những tài liệu qua cái máy "facsimile" này thì có bao giờ khiến cho người gửi vui sướng hay phiền não đâu mà phải chúc chủ máy "fax" vui vẻ (happy faxing) như cuối trang tài liệu mà tôi nêu ở trên ?

Bạn có những thắc mắc đó như tôi không, và có giúp được cho tôi hiểu thêm về trang tài liệu này không?

Nếu có thì cũng đừng "fax" (cho) tôi. Cứ gọi điện thoại là được rồi, vì cái máy "fax" của tôi vừa hết giấy xong .

Tại lâu quá không "fax" nên giấy trong máy hết lúc nào cũng không biết ấy mà.

Bùi Bảo Trúc


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 48)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 48 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa quí khán giả, thưa thầy Trúc, QA có một câu hỏi xin hỏi thầy trước, sau đó thầy sẽ trả lời thắc mắc của khán giả sau. Gần một năm trời pha trà cho thầy thì cũng phải được chút đặc biệt chứ thưa quí vị khán giả. QA tin là thắc mắc của QA cũng là thắc mắc của nhiều khán giả nên QA xin quí khán giả cho phép QA hỏi trước.

Thưa anh, QA có chuyện tranh cãi với cậu em trong nhà hồi cuối tuần qua. Cậu em QA nói câu nguyên văn thế này: I CAN’T HELP CRYING EACH TIME I THINK OF MY LAST DAYS IN SAIGON.

QA nghĩ đúng ra phải nói là I CAN’T HELP TO CRY EACH TIME I THINK OF MY LAST DAYS IN SAIGON. Anh cho biết QA đúng hay cậu em đúng. Chuyện này quan trọng vì ai đúng sẽ được bên thua mời một bữa sushi.

BBT

Tôi nghĩ QA nên chọn lấy một tiệm sushi ngon nhất đi thì vừa.

QA

Như vậy là QA thắng hay sao? Mừng quá…

BBT

Mừng là vì được mời cậu em đi ăn sushi chăng? QA thua. Cậu em thắng.

NHÃ LAN

Nhã Lan có thể đóng góp một phần chi phí với QA vì Nhã Lan cũng thua luôn. Vậy thì thầy giảng cho cả hai cách dùng sao cho đúng để nếu thua lần này thì còn nhớ để lần sau dùng cho đúng.

BBT

CANNOT HELP hay CAN’T HELP được dùng để nói tới những trường hợp mà người ta không thể tránh được, không thể ngăn chặn để cho không xẩy ra được.

NHÃ LAN

Có phải như trong tiếng Việt Nhã Lan nói là "KHÔNG THỂ KHÔNG" có phải không anh?

BBT

Ðúng vậy. Nhưng có điều là cách dùng để nói "KHÔNG THỂ KHÔNG", cách đặt câu này gần như luôn luôn được dùng trong thể phủ định (NEGATIVE). Thí dụ như cậu em của QA nói I CAN’T HELP CRYING EACH TIME I THINK OF MY LAST DAYS IN SAIGON.

Hai cô nhớ, nếu không muốn thua một bữa sushi nữa, là sau CANNOT HELP, bao giờ cũng dùng GERUND tức là động từ có cái đuôi ING ở cuối. Vì thế, I CAN’T HELP CRYING. CRYING là động từ CRY+ ING, tức là GERUND của TO CRY, hay nói đó là PRESENT PARTICIPLE của động từ TO CRY cũng đúng.

Bây giờ QA thực tập vài câu với cách đặt câu này coi.

QA

I CANNOT HELP LAUGHING WHEN I SEE MY SON WEARING A BOW TIE FOR THE FIRST TIME.

WE CANNOT HELP THINKING OF THE HOUSE WE LEFT IN VIETNAM.

Và đây là tựa của một bài ca nổi tiếng của Elvis Presley: CAN’T HELP FALLING IN LOVE WITH YOU.

BBT

Tôi cũng còn nhớ mấy câu đầu: WISE MEN SAY ONLY FOOLS RUSH IN. BUT I CAN’T HELP FALLING IN LOVE WITH YOU … Tán như vậy thì làm sao mà nàng chịu thấu. Các nhà hiền triết nói là chỉ có những kẻ điên khùng mới nhào đầu vào tình yêu. Nhưng anh thì không thể nào không té vào cái tình yêu của em được… Còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Xin hỏi anh rằng CAN’T HELP cũng có thể dùng trong thì quá khứ chứ? Nhã Lan có thể đổi CAN’T

HELP thành COULD NOT / COULDN’T HELP cho những chuyện đã xẩy ra trong quá khứ được không?

BBT

Chắc chắn.

NHÃ LAN

Vậy thì đây là mấy thí dụ của Nhã Lan: I COULD NOT HELP KISSING MY CUTE LITTLE NIECE.

WE COULD NOT HELP ASKING HIM TO STOP TALKING.

HE COULD NOT HELP GOING OUTSIDE FOR A CIGARETTE.

BBT

Cũng có khi người ta dùng cách đặt câu đó trong thể xác định (AFFIRMAITIVE). Thí dụ câu mà Nhã Lan vừa nói: HE COULD NOT HELP GOING OUTSIDE FOR A CIGARETTE chẳng hạn. Câu ấy có nghĩa là anh ấy không thể không ra ngoài hút một điếu thuốc được. Cô có thể phản đối : OF COURSE HE CAN. HE CAN HELP IT. HE CAN HELP NOT LIGHTING A CIGARETTE.

Bây giờ để tôi chỉ cho hai cô một cách nói khác nữa. Thay vì nói I CAN’T HELP LAUGHING AT HIS SUGGESTION nghĩa là tôi không thể nào nín cười được khi nghe lời đề nghị của anh ấy, cô có thể nói thế này: I CAN’T HELP BUT LAUGH AT HIS SUGGESTION… Ý nghĩa cũng hệt như vậy. Chỉ khác là chúng ta dùng ÐỘNG TỪ KHÔNG CÓ TO (INFINITIVE WITHOUT TO) ở sau BUT. Thí dụ nói tôi không thể không đọc hết nguyên cuốn sách tại chỗ: I CAN’T HELP BUT READ THE WHOLE BOOK FROM COVER TO COVER AT ONE SITTING.

Ðộng từ READ, không có TO ở trước là INFINITIVE WITHOUT TO , là động từ nguyên mẫu, chưa chia, không có TO; cũng không phải là READING, GERUND của động từ TO READ.

Ðể coi cô QA đã được trả lời thỏa đáng chưa, mời cô cho nghe hai thí dụ với CAN’ HELP BUT.

QA

I CAN’T HELP BUT LET MY DAUGHTER GO TO RIVERSIDE UNIVERSITY.

WE CAN’T HELP BUT AGREE WITH MY BROTHER ABOUT THE HOUSE.

NHÃ LAN

Nhã Lan tình nguyện với hai câu dùng thì quá khứ được không… I COULDN’T HELP BUT QUIT THE SECOND JOB.

HE COULDN’T HELP BUT SAVE THE HOUSE FROM BEING FORECLOSED.

BBT

Cám ơn hai cô đã cho nghe những thí dụ rất hợp thời, nào cho con đi học xa, nào mua nhà, nào thôi việc thứ hai, nào tránh cho nhà khỏi bị ngân hàng tịch thu…

QA

Bây giờ, QA xin trở lại với thư của cụ Lê Châu ở Portland, Oregon. Cụ năm nay đã 75 tuổi. Cụ nhận là bạn đồng song với Nhã Lan và QA. QA xin chào bác. QA không dám nhận là bạn đồng song, cùng lớp với bác. QA chỉ xin nhận đọc lá thư của bác gửi cho chương trình học Anh ngữ mà thôi. QA và Nhã Lan chỉ đáng là con cháu của bác. Bác hỏi ông thầy về những động từ mà bác gọi là các động từ tri giác và cách dùng các động từ này. QA xin chuyển cho anh thư của cụ Lê Châu.

BBT

Thưa cụ, những động từ tri giác cụ hỏi, tiếng Anh gọi là VERBS OF PERCEPTION hay PERCEPTIVE VERBS. Ðó là những động từ để nói về hành động nhận biết, nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy (TO PERCEIVE) như các động từ TO HEAR, TO SEE, TO FEEL. Các động từ này có cách dùng đặc biệt. Sau TO HEAR, TO SEE và TO FEEL, chúng ta dùng DANH TỪ, hay ÐỘNG TỪ NGUYÊN MẪU KHÔNG CÓ TO, hay GERUND tức là động từ có ING ở cuối.

NHÃ LAN

Xin cho Nhã Lan thử tài trước. Nhã Lan sẽ dùng cả 3 động từ với danh từ theo sau. Nhã Lan nghĩ cũng dễ thôi:

I SEE THE BLUE SKY WHEN I OPEN THE WINDOW.

HE HEARS THE WINDS FROM THE SEA.

WE FEEL THE HEAT IN THE MIDDLE OF WINTER. Trong 3 câu này, SKY, WINDS, HEAT là các danh từ theo sau các động từ SEE, HEARS, FEEL.

BBT

Cám ơn cô Nhã Lan. Bây giờ đến lượt cô QA.

QA

QA sẽ dùng cả INFINTIVE WITHOUT TO lẫn GERUND trong ba câu sau đây:

THEY HEAR THE DOOR CLOSE.

THEY HEAR THE DOOR CLOSING.

WE SEE THE MAN LEAVE.

WE SEE THE MAN LEAVING.

I FEEL THE FLOOR SWAYING

I FEEL THE FLOOR SWAY.

Câu cuối là một câu trong bài HELLO, DOLLY! Của Louis Armstrong nên QA tin chắc là đúng phải không thưa anh?

BBT

Ðúng vậy. Thưa cụ Lê Châu, hai động từ TO HEAR và TO SEE cũng còn có thêm một điểm đặc biệt đáng nhớ nữa. Ðó là chúng ta không dùng chúng với nghĩa tri giác trong thể liên tiến, CONTINUOS TENSES. Không nói I AM SEEING. Cũng không nói I AM HEARING.

NHÃ LAN

Anh nói là không thể dùng hai động từ này trong thể liên tiến nếu chúng ta muốn diễn tả nghĩa tri giác. Nhưng khi dùng chúng với nghĩa khác thì sao?

BBT

Khi dùng với nghĩa khác thì được. Thí dụ nói HE IS SEEING AN ITALIAN GIRL.

QA

Trong trường hợp này thì nghĩa của động từ TO SEE lại khác. TO SEE không còn co nghĩa là thấy, trông thấy nữa, mà là hò hẹn, đi chơi với ai, cùng nghĩa với TO DATE phải không Nhã Lan? QA nghĩ chúng ta cũng có thể dùng TO SEE trong thể liên tiến như trong câu này: THE DOCTOR IS SEEING ABOUT TEN PATIENTS A DAY có đúng không anh?

BBT

Ðúng như vậy. Khi ông ấy nói I AM SEEING NOBODY NOW thì câu này nghĩa là gì Nhã Lan?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ câu này có nghĩa là HE HAS NO GIRL FRIEND có phải không thầy? Khi hỏi thì chắc phải là ARE YOU SEEING SOMEBODY RIGHT NOW?

QA

Nghĩa là ông có đang DATE ai không, hay ông có ai là bạn gái không chứ gì. Nhưng hỏi chi mà tò mò quá vậy!

BBT

Nhìn qua là biết ngay chứ gì?

TO SEE cũng có thể dùng với nghĩa này nữa: WE ARE SEEING HIM OFF AT THE AIRPORT nghĩa là chúng tôi đang ở phi trường để tiễn chân ông ấy.

Ðộng từ TO HEAR cũng không dùng trong thể liên tiến với nghĩa là nghe thấy, nhận thức được bằng thính giác, ghi nhận tiếng động bằng tai. Không thể nói I AM HEARING THE SONG "I"LL BE THERE" BY MICHAEL JACKSON.

Nhưng nói thế này có đúng không hai cô? CONGRESS IS HEARING GENERAL McCHRYSTAL THIS MORNING.

NHÃ LAN

Câu này đúng, vì nghĩa của nó là quốc hội đang nghe tướng McChrystal điều trần về tình hình Afghanistan phải không thưa anh?

QA

Tuần trước, QA đọc bản tin về người đàn ông bắt cóc cô Jaycee Dugard. Phillip Garrido nói rằng ông ta nghe thấy tiếng nói trong đầu. HE IS HEARING VOICES. Trường hợp này thì không phải nhà nhận thức, tri giác được âm thanh và tiếng nói vì muốn để ý, lắng nghe mà là tự nhiên, xua đuổi cũng không được, là một trường hợp tâm bệnh, nói theo kiểu tiếng Việt ở California là "men-tồ" phải không anh?

NHÃ LAN

Thưa anh, có sự khác biệt nào về ý nghĩa giữa trường hợp dùng INFINITIVE WITHOUT TO và GERUND hay không?

BBT

Có. Nhưng rất nhỏ. Thí dụ I SAW MY DAUGHTER MAKE A CAKE I SAW MY DAUGHTER MAKING A CAKE. Hai câu này có khác nhau. Một chút thôi.

NHÃ LAN

Nhã Lan không thấy có gì khác nhau giữa hai câu nay cả.

BBT

Có khác. Một câu nghĩa là tôi thấy con gái tôi làm một chiếc bánh. Tôi ngồi coi nó làm bánh, từ lúc pha bột, đánh trứng, bỏ vào lò nướng, lấy bánh ra, ăn hết nguyên cái bánh, không chia cho ai hết.

Câu kia nghĩa là tôi đi từ trên lầu xuống, trông thấy nó đang làm bánh trong bếp. Tôi không ngừng lại, tôi thấy nó đang đánh trứng. Tôi chào nó rồi đi làm. Tôi không đứng đó coi nó làm cái bánh từ lúc đầu cho đến khi nó lấy ra khỏi lò. Hai cô có thấy khác biệt chưa?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ I SAW HER MAKE A CAKE là tôi coi cô ấy làm bánh, từ đầu đến cuối.

QA

Câu I SAW HER MAKING A CAKE là tôi xem một đoạn thôi, không đứng lại xem hết cô ấy làm bánh.

BBT

Bây giờ hai cô nghe thử hai câu này rồi nói thêm nhé: I HEARD MR BROWN SINGI HEARD MR BROWN SINGING. Có khác nhau không?

NHÃ LAN

Khi nói I HEARD MR BROWN SING thì Nhã Lan nhấn mạnh vào chuyện NGHE THẤY.

QA

Còn QA thì nghĩ khi nói I HEARD MR BROWN SINGING thì QA muốn nhấn mạnh vào chuyện CA HÁT của ông Brown.

Ðến đây hai học trò sẽ SEE MR BUI LEAVE hay SEE MR BUI LEAVING, hay HEAR MR BUI LEAVE hay HEAR MR BUI LEAVING thì đều giống nhau cả vì giờ học đã hết.

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


TIẾNG ANH / TIẾNG PHÁP

Ðứng bên cạnh tiếng Pháp, tiếng Anh đã có thời bị coi là ngôn ngữ thiếu những nét bay bướm của văn chương, không có được sự chính xác của khoa học, không uyển chuyển để thích hợp với các văn kiện ngoại giao, ít nhất là cũng tới thế kỷ XIX, lại không được coi là tiếng nói của ăn chơi, của lịch lãm, của tình yêu lãng mạn. Ngay chính người Anh cũng đã có thời coi tiếng Pháp đẹp hơn, hay hơn tiếng của mình. Hồi sinh thời của Shakespeare, quí phái, vương giả là phải nói với nhau bằng tiếng Pháp. Ngay cái motto của đế quốc Anh, thời nữ hoàng Victoria cũng là mấy chữ tiếng Pháp: " Dieu Et Mon Droit".

Nhưng tiếng Anh, bằng âm nhạc, thể thao, khoa học, phim ảnh, thương mại, báo chí … đã âm thầm trả được mối thù này bằng cách xâm nhập, đưa vào ngôn ngữ của Lamartine, Verlaine, Gide, Camus … một số danh từ, động từ nhiều đến độ người Pháp giờ đây có thể dùng một cách thoải mái những tiếng lấy từ Anh ngữ như le marketing, le cash flow, le stress, le kit, le hamburger, le hot-dog, le week-end, le walkman, le brainstorming…

Sự thoải mái đó đã khiến cho nhiều người Pháp hốt hoảng. Những người quan tâm đến tiếng Pháp, từ thời Pompidou cách dây hơn ba chục năm, đã phải nhiều lần lên tiếng báo động, sợ tiếng nói của họ sẽ bị ô nhiễm bởi sự xâm nhập của Anh ngữ và tìm cách ngăn chặn, không cho những thứ con hoang đó vào nằm chung với tiếng Pháp, giữ cho tiếng Pháp được thuần khiết.

Cách đây hơn 15 năm, chính phủ Pháp đã phải có một bộ luật nhắm ngăn chặn những sự xâm nhập của tiếng Anh bằng cách cấm sử dụng tiếng Anh trong các văn kiện của tư nhân cũng như của chính phủ, tin tức báo chí, truyền thanh, truyền hình, các quảng cáo nếu trong tiếng Pháp đã có tiếng tương đương. Mọi vi phạm đều bị phạt tiền hay bị mất tài trợ của chính phủ.

Nhưng người ta thấy là bộ luật ấy đã không làm được gì hơn là một bộ luật tương tự có từ năm 1975.

Người Pháp cũng cố gắng đẻ ra những từ vựng mới để dùng. Thí dụ puce, con rận , để gọi mạch vi điện tử thay vì phải dùng microchip của tiếng Anh. Thay vì le shuttle, họ dùng la navette để gọi xe điện chở khách qua đường hầm biển Manche.

Có những tiếng Anh được du nhập vào tiếng Pháp thì mang những nghĩa mới khác hẳn nghĩa nguyên thủy trong Anh ngữ. Thí dụ le pressing là giặt khô, le footing là chạy bộ jogging, động từ loger là từ to log của tiếng Anh, thêm cái đuôi er để thành một động từ mới có nghĩa là mở máy điện toán.

Bộ văn hóa Pháp đã phải in một tập từ vựng tiếng Pháp để thay thế cho những tiếng Anh được dùng nhiều ở Pháp.

Thí dụ best seller được thay thế bằng succès de librairie, cameraman được thay thế bằng cadreur, cockpit bằng habitacle, data bankbanque de données, fast foodreataurant rapide, jumbo jet bằng gros porteur, marketing bằng mercatique, pop corn bằng mais soufflé, talk show bằng causerie, walkman bằng balladeur.

Nhưng những từ ngữ của Pháp kể trên chỉ là những nỗ lực phiên dịch mà không chở theo được ý nghĩa của những chữ tiếng Anh. Talk show không thể là causerie được; best seller không thể là succès de librairie; walkman không là balladeur được.

Mà đó là chưa nói đến prime time thì không thể là heures de grande écouteair bag phải ngắn gọn hơn là coussin gonflable de protection.

Ngôn ngữ phải đi kèm theo cái tiện lợi của nó. Luật lệ không thể vẽ cho ngôn ngữ những lối đi. Việc làm của bộ văn hóa Pháp liền bị một đài phát thanh ở Paris chê là pas très cool!

Không cool là đúng lắm, vì các quốc gia nói tiếng Anh đã mượn rất nhiều từ ngữ của tiếng Pháp mà có ai hốt hoảng gì đâu.

Thí dụ mở một cái menu ở một tiệm ăn sang trọng ra, là tiếng Pháp đổ ra đầy bàn. Trong ngôn ngữ hàng ngày, người Anh và người Mỹ dùng không biết bao nhiêu là tiếng Pháp. Nào là rendez vous, nào en route, au lieu de, de luxe, tête à tête, pas de deux, entre nous, roman à clef … thì có ai phải nghĩ chuyện bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ Anh, đòi loại bỏ những chữ Pháp này đâu.

Rõ là pas très cool thật.

September 17, 2009

September 18, 2009

Ngày 14 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Sau những vụ khủng bố bằng chất nổ trên máy bay, mà vụ chiếc Boeing 747 của Pan Am bị phá nổ trên không phận Lockerbee, Tô Cách Lan là vụ khủng khiếp nhất, mỗi lần gửi hành lý ở phi trường để lên máy bay, hành khách lại bị hỏi một câu nghe thì rất ngớ ngẩn, nhưng nghĩ lại, cũng rất cần thiết

Ðó là câu ông / bà có đích thân làm va ly cho ông / bà không, và sau khi làm va ly, có ai mở va ly của ông/ bà ra không, hành lý của ông/ bà luôn luôn ở bên cạnh với ông/ bà chứ?

Thì chúng tôi làm lấy chứ còn ai làm hộ cho nữa. Có phải là thái tử Charles của nước Anh đâu mà có quân hầu, đầy tớ làm va ly. Dăm ba món quần áo lót, mấy cái ca vát, vài cái sơ mi, mấy cái quần, bàn chải đánh răng, bít tất, dao cạo râu, lược, hai đôi giầy, chai eau de cologne ... quăng hết vào va ly, leo lên trên ngồi, ấn xuống là xong, lấy ai làm hộ va ly bây giờ? Cũng có ai ngồi cạnh để mà nói là vật bất ly thân để mà bị hỏi nghe muốn điên lên như vậy...

Hành khách lúc đầu còn lắng tai nghe kỹ rồi mới trả lời, nhưng sau khi nghe quen, người ta không còn chờ để bị hỏi hết câu nữa, mà trả lời ngay lập tức, trước khi nhân viên hãng máy bay hỏi xong. Vâng, chính tôi làm va ly, không ai đến gần cái va ly của tôi, cũng không có ai nhờ tôi mang theo gì hết...

Nhưng hỏi vậy cũng phải. Lỡ có người cho vào va ly cái đồng hồ với hai sợi dây điện gắn vào một nắm nhựa dẻo thì cũng phiền. Hay nếu không, vài ba gói bột trắng mà không phải xà phòng bột, lại là sản phẩm của Colombia thì nhất định là khổ đời chủ va ly ngay.

Những câu trả lời ở phi trường như ở trên là được, là đúng cách, là an toàn nếu thực sự chủ va ly làm lấy va ly, không cho ai đứng gần, cũng không mang hộ ai cái gì trong va ly.

Nhưng có khi những câu trả lời cho các câu hỏi trên có thể không an toàn chút nào cho hành khách.

Một bữa đã lâu, Cindy Crawford xuất hiện trong chương trình Tonight Show của Jay Leno, và cùng với Jay Leno chơi một ván strip poker, trò chơi mà ai thua thì phải cởi một món trên người bỏ lên bàn. Cindy bị thua lần thứ nhì, phải bước ra sau ghế, quăng lên bàn của Jay Leno cái quần lót. Jay Leno xin để mang về nhà. Cindy Crawford không chịu, nhưng tiết lộ một chi tiết mà những người hay đi máy bay từ nay sẽ phải rất cẩn thận.

Người nữ kiểu mẫu này nói rằng đã xẩy ra một số trường hợp, các công nhân chuyên việc chất và rỡ hành lý của hành khách mở những chiếc va ly của hành khách gửi trên máy bay, lấy vài món ở trong, rồi đem bỏ vào va ly của những người khác. Thường thì không phải là bom, súng, chất nổ plastic hay bạch phiến, mà là những món quần áo.

Tưởng tượng người phụ nữ, sau chuyến đi, về tới nhà, mở va ly ra lấy quần áo ra treo vào tủ, thì một cái nịt vú, hay một cái quần lót phụ nữ lạ hoắc rơi ra. Vậy thì không có gì đáng nói cả. Chồng nàng có trông thấy thì cũng khó mà biết được, mà nếu thấy, thì cũng đâu có việc gì. Mang lộn của một người bạn về nhà thì đã sao.

Nhưng nếu là một chiếc quần lót kiểu jockey của đàn ông thì sao? Người đàn ông, chồng của nàng sẽ cầm lên, xem con số ở cạp quần, lắc đầu nói: "Wrong size...", không phải cỡ của chàng, rồi ngồi xuống thản nhiên đọc báo tiếp, hay vui vẻ cười, mời vợ đi ăn cơm Thái cho nàng vui một chút?

Người phụ nữ có thể sẽ có cách thoát hiểm như nàng vẫn luôn luôn thoát hiểm trong những trường hợp khó khăn như vậy. Nhưng nếu người đi xa về nhà là người đàn ông, và vật rơi ra từ va ly của ông là một món của phụ nữ thì liệu ông ta có toàn thây không?

Ðó là lúc phải phải xét lại câu trả lời mà ông ta vẫn quen đưa ra tại phi trường. Không thể nói chính tôi làm va ly, không có ai đứng cạnh, cũng không ai nhờ mang theo cái gì hết.

Trả lời như vậy thì chỉ có chết.

Ðích thân làm va ly mà tại sao lại có cái quần lót này? Không ai đứng gần cái va ly mà cũng có cái quần lót này là vì sao? Không ai nhờ mang theo món gì mà cái quần lót nằm trong va ly thì đúng là mang nó về là một hành động có dự mưu. Ðể làm gì? Ðể ghi nhớ những ngày vui qua mau chăng? Nó là ai? Thành thật khai báo cái coi. Ðứa nào mà lại mặc của Cacique, 100% cotton, size S/5, lại còn kiểu Bikini Hi-Cut thế này? Ối giời ơi, lại còn đăng ten, lại còn cái hoa hồng tết ở trước nữa có chết không cơ chứ lị...

Những câu hỏi kế tiếp chắc chắn sẽ khiến cho chủ chiếc va ly ước gì được khủng bố Hezbollah chiếu cố còn có cơ hội chết vinh hơn sống nhục như thế.

Không biết tiết lộ của Cindy Crawford có giúp làm cho tình hình đỡ hơn cho những người đàn ông khốn khổ này hay không. Nhưng trò chơi của các nhân viên phụ trách hành lý của các hãng máy bay chắc chắn thế nào cũng đã khiến cho một số người chết oan, và số nạn nhân nhất định phải nhiều hơn số người chết vì khủng bố ở Lockerbee là vậy. Tại sao lại cứ phải va ly mà không... "quần áo cứ thế cắp nách" cho an toàn như các chiến sĩ hải quân?


Ngày 15 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Tờ US News & World Report số cách đây một tháng có một bức hình có thể sẽ khiến cho nhiều người hết sức lo ngại.

Ở trang BC-16, kèm theo những thư từ của độc giả gửi cho tờ báo này nhân số đặc biệt viết về cuộc khủng hoảng giữa đời -- midlife crisis -- là bức ảnh chụp một phụ nữ trong một phòng tập thể dục. Người phụ nữ trong hình mặc võ phục trắng, dây lưng đen, hai tay đeo găng, loại găng quyền Anh, đang đấm vào một hình nhân. Theo lời chú ở dưới bức hình, đây là bài tập để chống lại những trạng thái căng thẳng tâm lý và đồng thời cũng để kiểm soát cân lượng của cơ thể.

Những phương pháp tập luyện này hiện có khá nhiều, trong đó, phương pháp Tae Bo đang được nhiều người ưa thích, mà đông đảo là phụ nữ. Người tập đeo găng quyền Anh đấm, đá, đạp một địch thủ vô hình. Thỉnh thoảng trông họ tập trong những đoạn phim quảng cáo trên truyền hình, tôi sợ lắm. Cứ phải xem kỹ, cố nhớ lấy những khuôn mặt ấy để lỡ có hôm nào lên xe điện đi làm, thấy thì đi sang toa khác đứng cho yên thân. Mà đấy là họ chỉ đấm vào gió, vào không khí, vào thinh không. Trong lúc giơ tay lên đấm, người đứng trước mặt có thể là người cảnh sát viên vừa tặng cái giấy phạt hôm trước, ông bạn trai cũ, bố cháu vân vân. Nhưng ít ra, những quả đấm vẫn chỉ được tung ra phía trước, một khoảng không, một cái xác vô hình. Sự lo ngại có, nhưng không quá lớn. Biết đâu người tập đang tưởng tượng ra một con bò (?) một bức tường.

Nhưng trong bức ảnh của tờ US News & World Report thì trước mặt người phụ nữ đang vung những quả đấm ra phía trước, là một hình nhân. Nói rõ hơn, là một bức tượng bằng cao su bán thân, từ rốn trở lên, với ngực bụng đầy những bắp thịt, có cổ, có đầu, và đầu là của một người đàn ông. Rõ ràng là một người đàn ông. Bộ ngực ấy thì nhất định phải là một bức tượng đàn ông.

Và đó là điều khiến cho nhiều người lo ngại. Tại sao phải dùng một bức tượng đàn ông để cho nhận những quả đấm, dù là những quả đấm trong phòng tập vào mặt (như trong hình), vào ngực, vào bụng?

Thế giới chưa đủ bạo động chăng? Tại sao không chỉ là cái punching bag như người ta vẫn dùng trong các phòng tập quyền Anh của Everlast cho các võ sĩ tập đấm? Tại sao phải dùng đầu, ngực, bụng của một người đàn ông?

Ðó là ước muốn của người tập? Là thể hiện của bạo động nhắm vào người đàn ông? Là điều muốn làm mà chưa làm được? Là điều Freud vẫn cảnh cáo? Là ước muốn chưa hoàn thành mà ông vẫn nói?

Từ đó bước sang sự thật có còn xa nữa không?

Người tập trong hình cho thấy không chỉ là một cái vung tay thể dục, mà là một quả đấm nhắm vào giữa mặt của hình nhân. Người tập đang nhắm những chỗ nhược của hình nhân... để giúp giảm bớt những căng thẳng.

Thế rồi khi về nhà, không có cái hình nhân như trong phòng tập, thì phải làm gì? Người đàn ông trong nhà đi qua đúng vào lúc ấy thì những gì có thể xẩy ra? Ông ta sẽ phải hét lên những câu hăm dọa để hàng xóm yên tâm và cố giữ cho mình chút danh dự và tự ái đã bầm dập như câu truyện cười nọ bạn cũng đã nghe?

Tôi không muốn nghĩ tới nữa. Bức hình làm nhiều người hết sức lo sợ là vậy.


Ngày 16 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Bạn có thấy là ở Mỹ, càng ngày càng nhiều chó, mèo được đặt cho những cái tên thường trước đây chỉ dành cho người không?

Những Max, Belle, Ginger, Walter, Sam càng ngày càng thấy nhiều hơn ở chó và mèo. Nhưng cũng không phải là chỉ có chó và mèo mới được đặt cho những cái tên người như vậy, mà luôn cả những đồ vật -- những thứ không thể gọi thì "dạ" hay "vâng" rồi chạy lại -- cũng được đặt cho những cái tên rất người. Robert Kincaid trong The Bridges Of Madison County của Robert James Waller đặt cho cái pick-up của chàng một cái tên rất không có vẻ pick-up chút nào khiến cho khi đọc cuốn sách này lần đầu, độc giả lơ đãng có thể không hiểu tại sao chàng lại mua cái máy mới gắn cho... ông bạn của chàng để ông bạn chạy cho khỏe nữa.

Những chuyện như thế, khi chưa quen thì thấy kỳ cục, quen rồi thì thấy cũng không sao cả, có khi còn thấy có lý nữa là khác.

Thí dụ cái tên Sue mà người ta đặt cho khủng long Tyrannosaurus Rex đang được trưng bầy tại viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Field ở Chicago chẳng hạn.

Ðó là một cái tên thật ngắn, thật gọn và thật dễ nhớ đối với những người trí nhớ đang dần dần bỏ đi như tôi. Không cần phải La Tinh dài dòng văn tự, Tyrannosaurus Rex, mà cũng chẳng còn cần phải viết tắt cho ngắn lại là T-Rex nữa. Cứ Sue là đủ.

Tôi thích cái tên Sue này từ vài chục năm nay, từ hồi còn đi học, khi căn nhà tôi ở trọ chỉ cách nhà nàng có một cái giậu holly ( tức là cây ô rô) xanh rờn. Sáng sáng Susan House ngồi xe bố chở đi học thì đúng là Mán: Xu hào (Sue House) rủng rỉnh Mán ngồi xe... như ông Tú Vị Xuyên cũng đã có lần "gặp" nàng.

Bạn phải đồng ý là người đầu tiên đến với chúng ta bằng một cái tên nào đó, thì từ đó trở đi về sau, những người khác không thể mang cái tên ấy mà không gợi lại cho chúng ta người đầu tiên (mang cái tên mà chúng ta đã quen) đó. Không một ai được quyền có cái tên đó nữa, nếu không là Sue ở trường Princess Margaret của tôi. Nói chi đến một chị (?) nhan sắc nản chí bầu cua như Sue ở Chicago.

Sue... mới này sống cách đây 65 triệu năm trước, cao 4 mét, dài 13 mét, đo từ đầu mũi đến đuôi. Răng của Sue to bằng cái chân người, khi đói, nàng gặp thứ nhỏ nhắn như bạn, thì chỉ một miếng, có khi còn không bõ dính răng. Và nàng được đặt cho cái tên Sue, cái tên tóc rất vàng, và chân rất dài, thích nhẩy Bossa Nova mà tôi quen hồi ấy. Ngó nàng thì thấy không giống Sue của tôi bao nhiêu. Giận hết sức.

Có điều kỳ cục là Sue mới -- Tyrannosaurus Rex -- mang cái tên rất đàn bà ấy nhưng cho đến nay, các khoa học gia, các nhà cổ sinh vật học vẫn chưa biết khủng long Sue là khủng long đàn bà hay đàn ông nữa mặc dầu bộ xương đào được ở North Dakota là bộ xương hóa thạch đầy đủ và toàn vẹn nhất từ trước tới nay. Tại nơi đào được bộ xương, người ta không thấy có những bịch silicone (?) nên không thể nói chắc đó là một khủng long đàn bà, từng ra vào các thẩm mỹ viện của các madam ở California mỗi năm vài ba lần để căng (da mặt) kéo (da bụng), bơm (vú) hút (mỡ). Cũng không thấy có những thùng bia lăn lóc bên cạnh để biết đó là khủng long đàn ông. Loài đẻ trứng không cần những cái xương chậu nở nên khủng long nam nữ đều... coi chung như tử vi trên các báo. Càng khó cho việc xác định phái tính của khủng long T-Rex.

Thế thì tại sao lại... Sue? Người ta giải thích rằng khủng long được đặt cho cái tên đó là vì người tìm ra bộ xương là Sue Hendrickson. Cho Sue nọ (Sue Hendrick) tìm thấy Sue kia (Tyrannosaurus Rex) là hợp lý. Nhưng chưa biết khủng long là đàn bà hay đàn ông, tại sao lại dùng tên phụ nữ đặt cho nó? Tại sao không là Sam, để nếu là đàn ông, thì là Samuel, là đàn bà, là Samantha có... hàng hai mà lại còn an toàn hơn không?

Hay là dựa trên tính tình của loài khủng long Tyrannosaurus Rex, nói chung, là hung dữ, ác, độc, ăn sống nuốt tươi không tha cái gì hết, nói nhiều, cãi chầy cãi cối, nấu hủ tiếu thường cũng thành hủ tiếu "dai", nấu rau muống cũng thành rau "đay", chiên khoai cũng thành khoai "nghiền" mà đi đến kết luận là phải đặt cho bộ xương một cái tên đàn bà?

Cái đó, chỉ có toán khoa học gia đào bới được bộ xương hóa thạch của khủng long Tyrannosaurus Rex mới nói được. Nhã Ca, trong một truyện dài viết sau năm 1975 cũng nhận mình là khủng long.

Không biết tại sao nữa. Cũng không biết tại sao nhiều phụ nữ bị gọi lén là khủng long. Hay đổi qua, gọi tất cả các khủng long móng đỏ, nước hoa thơm lừng là... Sue hết cho tiện?


Ngày 17 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Sau mấy chục năm sống ở nước Mỹ, tôi mới biết thêm được một thứ mà tất cả những người đàn ông may mắn khác đều đã biết từ lâu.

Tôi không biết Saran Wrap là cái gì hết, cho đến chiều nay, ghé chợ làm công việc nội trợ cho cuối tuần, tình cờ thấy nó trên một cái giá bầy các sản phẩm dùng trong nhà bếp.

Tôi không biết Saran Wrap là nó.

Wrap mà tôi biết trước đây là cái sarong mà Heddy Lamarr đã cho khán giả màn ảnh Mỹ làm quen trong một cuốn phim về nam Thái Bình Dương hồi những năm 1940. Cũng có khi nó được gọi là wrap-around mà ngày nay, nhiều phụ nữ thỉnh thoảng vẫn còn mặc nó. Tôi không có điều gì để phản đối chuyện đó hết. Nó tạo ra những ẩn hiện không lường được những khi người mặc nó bước đi, gió thổi, lên cầu thang hay leo lên những chiếc SUV cao nghều nghệu như chiếc Honda Passport của tôi. Trí tưởng tượng những lúc đó được kích thích tối đa, một thứ tập luyện cho đầu óc khỏi ù lỳ, lười biếng, nhất là với những người tuổi tác đã quá nửa thế kỷ.

Phụ nữ Indonesia, Malaysia, Miên, Miến Ðiện... và luôn cả đàn ông ở Tonga, Samoa, Fiji cũng mặc nó.

Thế rồi cách đây mấy hôm, Marabel Morgan, một tiểu thuyết gia Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, có đưa ra một đề nghị để giữ hạnh phúc cho các gia đình Mỹ: sáng đưa chồng ra cửa đi làm, chiều đón khi chàng ở sở về, người phụ nữ nên quấn quanh người bằng cái (?) Saran Wrap.

Tôi thấy nhà văn này rất có lý. Thay vì đầu bù tóc rối, cái áo ngủ nhầu nhẹt, đôi sleepers lẹp xẹp, vừa đi vừa ngáp trông như cái đường hầm Lincoln vào thành phố New York, để tiễn chàng ra cửa, người phụ nữ đi một đường sarong như Heddy Lamarr thì được quá đi chứ. Lại cho thêm tí nhạc Hạ Uy Di uốn éo như sóng biển mà không được sao? Chuyện này phải đưa thêm vào những phút vui trong đời của Kim Thánh Thán mới đúng. Kể cho ông nghe, thế nào nhà phê bình văn học Trung quốc của thế kỷ 17 thế nào chẳng hét ầm lên rằng,"Chẳng cũng khoái sao!"

Chao ơi, tại sao hạnh phúc toàn là những điều chỉ xẩy ra cho những người khác, như bạn tôi vẫn than thở? Tại sao Thượng Ðế lại bất công như thế, trong khi mỗi ngày, biết bao nhiêu người đàn ông trở về nhà, mở cửa bước vào chỉ thấy một đống giấy đòi tiền và thư từ nhảm nhí mời mua cái này cái nọ, chẳng thấy sarong ra đón gì hết trơn hết trọi.

Tôi mang niềm ấm ức như thế suốt mấy ngày vừa qua, thắc mắc không biết những chiếc sarong do Saran sản xuất, hay kiểu của Saran vẽ như thế nào, Victoria's Secret có bán không, và trông ra sao, có giống Heddy Lamarr không, có in hoa dâm bụt, hoa đại, hoa phượng như những cái sarong ở nam Thái Bình Dương không, hay làm bằng vải batik như ở Indonesia.

Và chiều nay, ở siêu thị, tôi thấy nó. Trông nó không có vẻ gì là để... mặc lên người hết. Lúc ấy, đứng cạnh tôi là một phụ nữ. Ðem hết can đảm còn lại, tôi hỏi bà về cách dùng của nó. Tôi được giảng giải ngọn ngành, nhưng trong những công dụng của nó, tôi không thấy cách dùng mà Marabel Morgan đề nghị. Người phụ nữ kia, sau khi giải thích cho một người đàn ông Á châu ngớ ngẩn, đã bỏ đi nên tôi không thể hỏi tiếp là Saran Wrap... đi ra cửa đưa đón chồng như thế nào.

Ðứng lại trong chợ, tôi đọc những câu chỉ dẫn cách dùng thì cũng không thấy đề cập đến cách dùng mà Marabel Morgan gợi ý.

Người ta dùng Saran Wrap để gói những thứ cần giữ trong freezer. Ðó là cách dùng ghi ngoài vỏ hộp. Thế thì tại sao lại dùng nó như một cái sarong?

Chẳng hiểu được. Hay là tại vậy, nhiều người đàn ông ở Mỹ hay than thở rằng người phụ nữ ở nhà lạnh như một con cá chết -- cold like a dead fish?

Hay quấn cái sarong Saran Wrap cũng không có gì là hạnh phúc?


Ngày 18 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.

Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.

Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.

Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.

Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.

Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.

Ðến như Ðinh Hùng trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Ðau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Ðinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.

Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.

Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Hanna Nguyen (hang0100@hotmail.com)

DUCK XINGPEDESTRIAN XING

XING là ghép hai chữ X và ING. Trong trường hợp này, X là viết tắt của CROSS. Do đó XING là CROSSING nghĩa là qua đường.

Duck Xing là bảng đường khuyến cáo người lái xe chạy chậm lại vì có những đàn vịt thỉnh thoảng chạy qua đường.

PED XING cũng viết là Pedestrian Xing là nơi qua đường của bộ hành.

Ở Falls Church, Virginia có một con đường mang tên là Bailey’s Crossroads thường được viết tắt thành Bailey’s X Roads.

X còn là chữ viết tắt của nhiều tiếng khác. Thí dụ Xmas thì X viết tắt của Christmas.

XO là KISS và HUG.

XO trên những chai Cognac là Extra Old …

Ông Nguyễn Hoàng Bách, San Diego, California

SHUCKS là gì? Tại sao lại nói "Oh, shucks!"?

Shucks là vỏ đậu, vỏ bắp, những vật vô giá trị. "Shucks!" hay "Oh, shucks!" là những chữ dùng để bầy tỏ sự bực bội, khó chịu. Khi mô tả một người nào đó là shucks thì muốn nói người ấy vô giá trị : He is not worth shucks.

SILVER SPOON là cái muỗng làm bằng bạc. Tại lễ rửa tội, người đỡ đầu cho một đứa bé thường tặng con đỡ đầu của mình một chiếc muỗng bằng bạc. Nhưng những đứa bé con cái những gia đình giầu có không cần phải đợi đến lễ rửa tội mới có những cái muỗng bằng bạc nên câu "He is born with a silver spoon in his mouth" nghĩa là nó giầu từ trong trứng giầu ra, vừa ra đời đã có cái muỗng bạc trong miệng.

Câu "trọng nghĩa khinh tài" là câu chúng ta mượn của Trung Hoa: "hiếu nghĩa khinh tài". Hiếu là ham thích. Khinh là coi nhẹ.

Ngọa tân thường đởm là nằm gai nếm mật. Thực ra ngọa tân là nằm trên đống củi; thường đởm là nếm mật. Ý nói sống đời khổ cực thường là một hành động hy sinh hạnh phúc để mưu làm những việc lớn. Lê Lợi thường tự cho mình là người nằm gai nếm mật suốt mười năm để chống quân Minh.

Ông Trần Quang Nhật, Houston, Texas

Tiếng sen là tiếng chân người đẹp. Gót sen là chân người đẹp. Thời xưa, trong thơ văn cổ Trung quốc, bàn chân của phụ nữ đẹp thường được mô tả là những bông hoa sen: bộ bộ sinh liên hoa. Tục bó chân cũng là để cố làm cho hai bàn chân của người phụ nữ có hình dáng như những bông sen chưa nở.

Giấc điệp cũng là giấc bướm là nằm mơ thấy mình là bướm. Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa thành con bướm. Tỉnh dậy không biết Trang Chu mơ thấy hóa thành bướm hay bướm nằm mơ thấy là Trang Chu.

ÐÁ VÀNG là do hai chữ kim thạch mà ra. Người Việt nói là đá vàng chứ không nói là vàng đá có thể là vì âm thanh hay hơn. Ðá vàng là sự bền bỉ, vĩnh viễn, không bao giờ suy xuyển.

Ðã gần chi có điều xa
Ðá vàng đã quyết, phong ba cũng liều
(Kiều)

Mắt xanh do điển Nguyễn Tịch đời nhà Tấn khi nhìn người có thể kính trọng được thì dùng đôi mắt xanh, không vừa lòng thì dùng đôi mắt trắng:

Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không
(Kiều)

Cô Nguyễn Hồng Bảo, Garden Grove, California

Trái với "công tử bột" là "tiểu thư vôi". Hai bên rất xứng nhau, một bên thì có gốc nhà quan nhưng lêu lổng, ăn chơi không ra gì, bên kia con nhà khá nhưng cũng chỉ bề ngoài, bề trong rỗng tuếch, chỉ có cái mã.

Bài Phong Kiều Dạ Bạc là của Trương Kế, một trong khoảng 40 bài thơ còn truyền lại của họ Trương.

Trương Kế người Hồ Bắc, sinh năm nào không rõ, chỉ biết qua đời năm 756. Ông đậu tiến sĩ đời Ðường Huyền Tông, làm Tự Bộ Viên Ngoại Lang trong triều.

Ðây là bài Phong Kiều Dạ Bạc:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Ðã có nhiều người dịch bài này sang tiếng Việt nhưng hay nhất vẫn là bản dịch của Tản Ðà:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Trong nhạc Cung Tiến, bài Hương Xưa, có nhắc tới "tình nhị hồ vẫn thương Cô Tô". Cô Tô là một địa danh của tỉnh Giang Tô.

Ông Trần Tú, Pasadena, California

Việt gian là người Việt nhưng theo giặc, theo ngoại xâm, làm những điều hại cho nước Việt.

Hán gian là người Trung Hoa theo giặc. Người đàn ông Việt Nam ngả sang theo Trung quốc trong bài báo ông gửi cho xem là Việt gian, không thể là Hán gian được.

Sông Áp Lục (Yalu) chẩy ở gần ranh giới Trung quốc và Bắc Hàn phát nguyên từ Cát Lâm chẩy qua Liêu Ninh rồi vào Hoàng Hải.

Từ Hải là nhân vật có thật, từng đi tu và trở thành hòa thượng. Từ Hải có một thời rất mạnh nhờ hợp tác với các đảng cướp Nhật đánh phá nhiều nơi thuộc Giang Tô và Chiết Giang. Bị Hồ Tôn Hiến dụ về hàng, khi biết bị lừa, Từ Hải chạy đến Thẩm Trang thì nhẩy xuống sông tự tử chết năm 1556.