November 27, 2014

November 28, 2014

 THƠ TỤC (?) TRONG CHÙA

Ở Quảng Ninh có một ngôi chùa tên là Vân Tiêu. Chùa Vân Tiêu là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị vua đời Trần có rất nhiều công với Phật giáo Việt Nam, từng trải qua những thời gian dài đến đó tu luyện.

Gần đây, chùa được xây dựng lại qua những trợ giúp tài chính của UNESCO và của Phật tử. Ngoài những đóng góp tiền bạc để trùng tu chùa, các Phật tử còn tặng chùa một số tặng phẩm để bầy trong chùa. Trong số những tặng vật này có một cặp lục bình được bầy ngay nơi chánh điện, nơi thờ vua Trần Nhân Tông. Xem kỹ những hình chụp hai chiếc lục bình này, người ta thấy ngay chúng không phải là đồ cổ loại đắt tiền mà chỉ là những thứ rẻ tiền bán đầy trong những tiệm Tầu ở San Francisco hay New York. Giá trị nghệ thuật hoàn toàn không có được bao nhiêu. Tuần qua, báo chí trong nước cho biết ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã quyết định dẹp cặp lục bình này, không cho bầy ở chánh điện, có thể được đưa vào hậu liêu, vì lý do cặp lục bình có hai câu thơ chữ Hán “tục tĩu” đề cập tới chuyện “sex”, không thích hợp với nơi thờ phượng trang nghiêm.

Nếu cặp lục bình này được trang trí bằng những họa tiết diễn tả cảnh Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh hay hình ảnh Bồ Đề đạo tràng … thì cũng có thể hiểu được, nhưng những hàng chữ Hán viết trên hai chiếc bình thì lại không dính dáng gì đến Phật giáo nên nếu bị dẹp cũng là phải.

Hai câu chữ Hán nguyên văn thế này:

Nhất chi hồng diệm lộ ngưng hương
Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường

Hai câu trên bị gọi là “thơ tục” chắc vì hai chữ Vu sơn nhắc lại điển vua Sở mây mưa trên đỉnh núi, rồi về sau Vu sơn lại còn được hiểu là nơi trai gái hẹn hò nhau để làm chuyện trên bộc trong dâu. Câu thứ nhì đáng lẽ phải được viết là “Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường” nhưng mấy anh Tầu thất học đã viết sai thành “Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường”.

Hai câu viết trên cặp lục bình không thể bị coi là tục tĩu. Chúng chỉ có nghĩa là một cành hoa (thược dược) thắm đẹp đọng lại hương thơm/ cảnh mây mưa (vân vũ) ở Vu sơn khiến nàng buồn đứt ruột… 

Hai câu ấy được trích từ ba bài thất ngôn tứ tuyệt của Lý Bạch viết để ca ngợi vẻ đẹp của Dương Quí Phi theo ý của Đường Minh Hoàng. Đây là nguyên văn bài thơ của Lý Bạch:

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự
Khả lân Phi Yến ỷ tân trang
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoa
Thường đắc quân vương đái tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can

Theo những truyền thuyết còn lưu lại thì một hôm Đường Minh Hoàng cùng Dương Quí Phi thưởng hoa trong vườn thượng uyển, nhà vua nhìn những bông thược dược thì muốn có một bài hát ngợi ca vẻ đẹp của ái phi. Đường Minh Hoàng sai người đi kiếm Lý Bạch nhờ viết bài ca ấy. Lý Bạch đang say khướt được đưa vào cung để làm thơ theo lệnh của vua. Họ Lý bắt Cao Lực Sĩ cởi giầy và mài mực cho ông và phóng bút viết 3 bài tứ tuyệt (đệ Nhất, đệ Nhị và đệ Tam thủ). Lý Quý Niên phổ ngay thành nhạc đặt tên là Thanh Bình Điệu:

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự
Khả lân Phi Yến ỷ tân trang
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan
Trường đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm hương đình bắc ỷ lan can

Ý nghĩa của ba bài thơ Lý Bạch viết như sau:

Nhìn mây thì ngỡ là áo, nhìn hoa lại tưởng đến sắc đẹp (của Dương Quí Phi). Gió xuân thổi, sương móc còn nồng đượm. Nếu không gặp được (người đẹp) trên đỉnh Quần Ngọc sơn thì sẽ gặp nàng dưới ánh trăng của Dao đài vậy. Một cành hoa thắm sương đọng hương thơm. Cảnh mây mưa càng làm cho nàng buồn đứt ruột. Thử hỏi trong cung nhà Hán có ai được như nàng? Ngay Triệu Phi Yến cũng phải trang điểm vào mới (tạm) được. Cành hoa đẹp cùng với sắc đẹp nghiêng nước cả hai đều là những vẻ yêu kiều nên thường được nhà vua sủng ái tươi cười. Muốn dẹp bỏ nỗi buồn vô hạn của gió xuân thổi lại nên cùng nàng tựa lan can đình Trầm hương để ngắm cảnh sắc trong vườn.

Ngô Tất Tố dịch:

Thoảng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt hạt sương trong
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông
Hương đông móc đọng một cành hồng
Non Giáp mây mưa những cực lòng
Ướm hỏi Hán cung ai dám đọ
Uổng công Phi Yến mất bao công
Sắc nước hương trời khéo sánh đôi
Quân vương nhìn ngắm những tươi cười
Sầu xuân man mác lan đầu gió
Đỉnh bắc đình trầm đứng lẻ loi

Và đây là bản dịch của Trần Trong San:

Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây
Hiên sương phơ phất áo xuân bay
Nếu không gặp gỡ nơi Quần ngọc
Dưới nguyệt Dao đài sẽ gặp ai
Một nhánh hồng tươi móc đọng sương
Mây mưa Vu giáp uổng sầu thương
Hỏi nơi cung Hán ai người giống
Phi Yến còn nhờ mới điểm trang
Hoa trời sắc nước thẩy đều vui
Luôn được vua trông với nụ cười
Mối hận gió xuân bay thoảng hết
Bên đình thơ thẩn tựa hiên chơi

Cả hai bản dịch đều không hay lắm. Nhưng cả hai đều không thấy ý nghĩa tục tĩu nào ở trong. Cũng không thấy nét tình dục nào trong hai câu.

Trong các bản tin đề cập tới chuyện này, không có ai nêu ra điểm bài thơ nguyên tác là của Lý Bạch với nhan đề Thanh Bình Điệu mà bất cứ ai biết chút ít về thơ Đường cũng đều nhìn ra ngay. Luôn cả mấy ông trong viện Hán Nôm cũng chưa thấy nói gì là thế nào?
Việc dẹp hai chiếc lục bình là phải. Nhưng nói hai câu thơ trên cặp lục bình là tục tĩu thì không đúng.

Tục tĩu và cần phải dẹp là những bức tượng Hồ Chí Minh bầy tại những ngôi chùa Phật giáo ở nhiều nơi trong nước chứ!


Quẳng cha nó đi cho được việc.

November 20, 2014

November 21, 2014

 NAM KỲ KHỞI NGHĨA TIÊU CÔNG LÝ

Những người ở tù chung với Vũ Hoàng Chương tại khám Chí Hoà thời gian sau tháng 4 năm 1975 kể lại rằng trong nhà giam Cộng Sản, một lần, khi nhắc chuyện đường xá thay tên ở Sài Gòn, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX (bằng một giọng chắc là ngán ngẩm lắm), đã đọc hai câu này:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Ở Sài Gòn, đường Công Lý chạy song song với đường Pasteur ngang tòa án sau tháng 4 liền bị đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Tự Do (Catinat cũ) bị đặt tên mới là đường Đồng Khởi. Công Lý và Tự Do mất tiêu sau khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi.

Chữ nghĩa của nhà thơ họ Vũ thật ghê gớm. Đối nhau chan chát. Hai câu đều mang tính chất tiên tri như người Việt Nam đã thấy quá rõ. Không chỉ hai con đường rất đẹp của Sài Gòn bị mất tên, mà hai thứ quí giá nhất của miền Nam là công lý và tự do cũng không còn nữa. Vũ Hoàng Chương ra đi ít lâu sau khi ra khỏi tù (tháng 10 năm 1976).

Không như những cái tên lịch sử mà Cộng Sản thù ghét bị thay tên mới lập tức, đường Công Lý hoàn toàn không đụng chạm gì tới những người chủ mới của Sài Gòn cũng bị dẹp bỏ vì những người Cộng Sản rất dị ứng và thù ghét công lý. Trong khi tên đường Tự Do thì chỉ có chính phủ mới được quyền nhận vơ ghép vào giữa hai thứ mà họ chẳng hề đem lại cho cái nước Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam là Độc Lập và Hạnh Phúc.

Hai câu của Vũ Hoàng Chương ghép mấy cái tên đường cũ mới của Sài Gòn càng nghĩ càng thấy đúng.

Tuần qua, báo chí trong nước bỗng xôn xao hẳn lên vì hai cuốn sách cũng dính líu ít nhiều tới công lý qua những cái bìa của chúng.


Một cuốn có tựa đề là Bộ Luật Dân Sự Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014. Cuốn thứ nhì là Bộ Luật Hình Sự Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014. Cả hai đều do nhà xuất bản Lao Động Xã Hội in và phát hành. Nếu chỉ có những hàng tựa của hai tập tài liệu về luật này thì đã không có gì để gây xôn xao suốt mấy ngày qua. Chính những cái bìa của hai cuốn sách đã tạo ra những phản ứng của các độc giả của nhiều báo trong nước. Hai cái bìa còn kèm theo những hình minh họa chắc để cho đỡ khô khan. Việc làm đó (kèm theo hình minh họa) cũng là chuyện bình thường. Bộ sách Triết của linh mục Trần Văn Hiến Minh cho học sinh ở cấp trung học hơn nửa thế kỷ trước sử dụng bức ảnh chụp tác phẩm điêu khắc Le Penseur của Rodin thì vừa đẹp vừa hợp lý. Cuốn luật dân sự dùng hình của một người đàn ông trên người có độc nhất một chiếc quần shorts rất ngắn, hai tay cầm hai chiếc bàn cân giống như một chiếc cân thiên bình. Người trình bầy bìa cuốn sách dường như muốn dùng hình ảnh chiếc cân để gợi ý cho nội dung cuốn sách luật. Thay vì dùng hình ảnh của tượng nữ thần công lý của La Mã hay Hy Lạp thường thấy tại các pháp đình ở nhiều nơi trên thế giới với tay trái cầm thanh gươm hai lưỡi, tay phải cầm chiếc cân, hai mắt bịt kín tượng trưng cho công lý vô tư, công bình, thì bìa cuốn sách dùng bức ảnh người đàn ông mặc quần shorts ngắn cũn cỡn để tạo ra hình chiếc cân công lý.

Có điều khuôn mặt ghép cho thân hình lực lưỡng đó là hình chụp một diễn viên hài kịch nổi tiếng nghệ danh là Công Lý. Như thế, kịch sĩ hài hước Công Lý được cho thay thế nữ thần công lý trên bìa cuốn sách luật dân sự.

Nếu như cái mặt không phải là của diễn viên hài kịch, mà của một người không ai biết thì cũng tạm chấp nhận được đi. Nhưng ông ta lại là một nghệ sĩ chuyên đóng hài kịch thì bộ luật pháp, công lý là trò hề hay sao?

Bìa cuốn sách thứ hai, cuốn mang tựa đề Bộ Luật Hình Sự thì dùng hình của một chiếc cân với một bàn cân trên có một sấp đô la trông rất rõ, không thể lầm là bất cứ một thứ gì khác. Thế thì có phải là chẳng có cái quái gì là công lý cả. Cứ ấn cho một nắm đô la là xong hết hay sao? Đến nỗi chuyện chạy án cũng được bầy ra ngoài bìa sách thì việc hướng dẫn thi hành là bằng đô la chăng?

Sau khi có nhiều ý kiến không tốt về bìa hai cuốn sách, Cục Xuất Bản mới quyết định đình chỉ phát hành cả hai cuốn sách và phạt nhà xuất bản 252 triệu đồng.
Người vẽ kiểu bìa sách có thể là một ngươì quá ngu dốt nên mới dùng chân dung một anh hề để làm bìa cho cuốn sách. Đáng lý bìa cuốn sách phải được trình bầy một cách nghiêm túc thì nó được minh họa hài hước như vậy.

Nhưng cũng có thể người vẽ mẫu bìa cho cuốn sách luật dân sự là một người cực kỳ thông minh dùng nó để chửi cái chế độ không hề có công lý như câu chơi chữ của Vũ Hoàng Chương đã tiên đoán.


Hai cái bìa sách chỉ nói đúng được chuyện công lý ở Việt Nam thôi mà. Tịch thu rồi còn phạt làm khó nhau mà chi trong khi ai mà chẳng biết công lý thì tiêu từ khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hay nếu có thì cũng chỉ là trò hề thôi mà. 

November 13, 2014

November 14, 2014

MỘT LỜI XIN LỖI CHÂN THÀNH

Nói theo một lối nói của người Mỹ mà nay nhiều người chúng ta đã rất quen, là tôi nợ những bản nhạc mà chúng ta thường gọi là “nhạc lính” một lời xin lỗi. Một lời xin lỗi thật lớn, thật chân tình nhất và thành thật nhất.
Xin lỗi những bản nhạc lính, những người trình diễn chúng, những người yêu chúng, không chỉ một, mà một ngàn lời xin lỗi. Một vạn lời xin lỗi. Mà vẫn thấy chưa đủ.
Một buổi tối tuần trước, ngồi với Phan Nhật Nam, chúng tôi nhận ra một điều là cuộc chiến Việt Nam bi thảm và vô cùng tàn bạo lại để lại cho chúng ta, những người ở miền Nam, một kho tàng hết sức quí báu, đó là những bản nhạc viết về những người lính trong chiến tranh, và tuy ngày nay, cuộc chiến đã kết thúc, những bài hát ấy vẫn còn ở lại với chúng ta và chúng vẫn còn tạo ra biết bao nhiêu là cảm động, biết bao nhiêu xao xuyến, và vẫn còn được hát lên để nhớ lại nguyên một thời binh đao tưởng như cung kiếm đã xếp lại, bụi dầy đã phủ kín. Bức tượng người lính dáng điệu mệt mỏi ở lối vào nghĩa trang quân đội Biên Hòa bị kéo sập không biết nay ở đâu nhưng những bài hát viết cho những người lính này vẫn còn ở mãi với chúng ta.
Những bài hát đầu tiên về những người lính ấy mơ hồ tôi nghe từ chiếc radio trên căn gác ở Hà Nội của người chú…bài Chiến Sĩ Của Lòng Em với những câu: …khi nước nhà phút ngả nghiêng em mơ người trai anh dũng mang thân thế hiến giang sơn chí quật cường hiên ngang … chiến sĩ của lòng em đắm đuối ước mơ ở chiến trường xa dãi nắng dầm mưa nhịp bước oai hùng chàng tiến trong tim em trong khi vang ca say theo chiến thắng…
Vài tháng sau chú tôi tử trận.
Vào Sài Gòn, khoảng năm 1957, tôi nghe bài Em Gắng Chờ của Huỳnh Anh và yêu ngay những câu này: …vai súng hiên ngang hẹn cùng người cũ…trong bóng vinh quang rộn ràng anh bước hiên ngang về làng trời Nam hân hoan reo vang thanh bình ca… tôi yêu bài hát ấy vì một cô bạn hàng xóm, tưởng tượng cô là người đứng trên bến sông…
Nhưng đó mới chỉ là những bài hát về lính còn quá hiền lành, khi cuộc chiến chỉ mới bắt đầu…Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới gốc dừa nắng chiều lên ái tóc, tình quê hương đơn sơ… anh chiến binh tiền tuyến ơi về giải phóng quê hương… Một thời gian sau, vài ba người bạn trong lớp bỏ học lên đường nhập ngũ… bạn ơi, mai này ai hỏi đến tên tôi, thì xin hãy đáp khoác chiến y rồi… người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền… Lời ca lãng mạn, hơi bầy đặt, rẻ tiền nhưng tội nghiệp vô cùng. Tôi nhớ một tối lén đi uống bia với người bạn tiễn chàng đi lính. Bài hát ấy được hát lên bởi một người bạn bên những chai bia đầu tiên. Nội trong năm ấy, cả hai đều chết trận.
Hai năm sau, tôi đi học xa, mấy năm sau mới về. Tôi không nghe những bài hát ấy nữa. Tôi nghe Beatles, Rock, nhạc cổ điển Tây phương, nhạc đồng quê, nhạc dân ca Mỹ, nhạc phản chiến… Ở Việt Nam, cuộc chiến đang trở nên khốc liệt hơn. Những bản nhạc tôi nghe trong những năm xa nhà là thứ nhạc hoàn toàn khác. Bob Dylan, Joan Baez, Peter Paul & Mary, Pete Seeger… cũng nói về chiến tranh đấy, nhưng trở lại Sài Gòn tôi mới lại được nghe những bản nhạc lính mà tôi đã bỏ quên đi trong suốt những năm xa nhà. Thư nhà cho biết dăm ba người bạn cùng lớp đã vinh thăng thiếu uý…
Sáng nay vừa thức dậy, nghe tin em gục ngã nơi chiến trường… trong vườn tôi vô tình hoa tường vi vẫn nở thêm một đoá…Nếu em không là người yêu của lính… tên thật la em các bin, họ hàng em có trăm nghìn… từ ngay tôi lên cai việc làm tôi rất nhiều, binh ngoan cho nốt tốt, lười cho coóc vê…đi quân dịch là thương nòi giống…hãy nhớ tới anh luôn luôn, yêu em vì lòng chờ mong…anh đi chiến dịch… lòng súng nhân đạo cứu người lầm than…anh là lính đa tình…phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên…
Trở lại Sài Gòn, những buổi chiều trong quán nước mở trang báo ra đọc thấy tên bạn bè mấy người trên trang cáo phó chết trận cao nguyên.
viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu… đừng trước ngõ cũ nghe giặc tràn qua thôn xóm… thăm em dăm ba ngày rồi anh đi… xuyên lá cành trăng lên lều vải… chiều mưa biên giới anh đi về đâu…anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương…quì hôn đất thân yêu, Quảng Trị ơi mừng quê hương giải phóng
Nhạc Việt đã đổi khác…em ngại ngùng dạo phố … bên người yêu tật nguyền … anh trở về trên đôi nạng gỗ… bại tướng cụt chân
Những bài hát như thế phải có cả trăm bài cho đến nay vẫn còn được hát lên. Hát để nhớ lại những bất hạnh của một thời tuổi trẻ. Những chuyện đáng lẽ phải quên đi. Nhưng những chuyện đó cũng lại là một phần của đời sống chúng ta.
Chúng ta phải cám ơn những bài hát ấy mặc dù chúng bi thảm, đau đớn. Chúng vẫn nhắc chúng ta về những thương tích không bao giờ lành trên cơ thể của mỗi người.
Trong khi những người lính miền Bắc không có được những bài ca như thế. Chỉ là những bài ca đặt hàng, ngợi ca lãnh tụ hay những tiếng chầy trên sóc Bom Bo cum cụp cum …tìm diệt Mỹ giải phòng cho dân mình…bóng cây kơnia, tiếng đàn ta lư…
Họ không có được những ca khúc nên hồn để còn hát lên được cho mãi tận này hôm nay. Trong khi những mất mát của họ không hề nhỏ. Nhưng ngày nay, còn đươc mấy người hát những bài hát ấy. Và nếu hát chúng lên thì có được bao nhiêu người xúc động?
Cám ơn những bài nhạc lính. Xin lỗi những bài nhạc lính, những bài nhạc có một thời mà không ít người trong chúng ta đã coi thường nó, cũng có thể đã khinh bỉ nó, coi nó là quê mùa, sến…trong khi chúng hay biết là chừng nào. Nửa trên vĩ tuyến 17 không có được một nền nhạc như thế.
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng một trăm ngàn lần.

 Mà vẫn thấy chưa đủ.

November 6, 2014

November 7, 2014

 MỘT LỜI CÁM ƠN
Hôm 1 tháng 11 vừa qua, trong cuộc thi tuyển người mẫu ở Việt Nam, một thí sinh sau khi nhận được điểm khá cao của ban giám khảo để thi tiếp cuộc thi, đã đi thẳng vào trong hậu trường thật nhanh. Ngay lập tức, cô bị Adam Williams, một giám khảo người Úc gọi trở lại và thông báo quyết định của ông. Ông đổi ý và không muốn để cho cô tiếp tục thi vòng sau nữa.
Lý do ông cho biết là vì cô đã không biết chào và cám ơn ban giám khảo. Cả 3 giám khảo kia cũng đồng ý với chuyên gia về trình diễn thời trang người Úc.
Các bản tin trên báo đều không cho biết khi được thông báo quyết định đó, cô thí sinh này có nói gì không. Nếu cô trở ra, đến trước các giám khảo, nói một câu, một câu ngắn thôi, đại khái cô xin lỗi, nói là vì cô quá hồi hộp, lo sợ, mất bình tĩnh bởi thế nên đã quên cám ơn giám khảo. Cô xin lỗi và xin cám ơn số điểm cô nhận được từ ban giám khảo để có thể thi tiếp.
Tôi tin chắc những người ngồi ghế giám khảo nếu nghe cô giải thích như thế sẽ đổi ý và cô sẽ được cho thi tiếp. Nhưng hình như cô không nói gì nên các giám khảo phải cho cô về nhà. Cô đã đánh mất cơ hội cô đã gần như đã chắc nắm trong tay để bị loại, không được cho tiếp tục cuộc thi chỉ vì không biết nói lời cám ơn khi nhận được điểm tốt của những người chấm thi.
Sau khi bản tin về cô xuất hiện trên báo thì đã có nhiều độc giả gửi thư cho tòa báo, cho ý kiến về quyết định của ban giám khảo. Một số đồng ý với việc cô bị loại, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cô dự thi làm kiểu mẫu thì nếu đủ tiêu chuẩn làm kiểu mẫu thì cô phải được cho tiếp tục. Cuộc thi không tuyển người lễ phép, lịch sự thì tại sao đánh hỏng cô. Đó là ý kiến của khá đông người.
Và chi tiết đó là điều đáng nói ở đây.
Những câu chào hỏi thường ngày, những câu cám ơn đã biến mất trên miệng của (đa số) người Việt Nam từ bao giờ? Người đàn ông Úc ngồi ghế giám khảo đã phải mấy lần quay sang hỏi các giám khảo người Việt rằng tại sao họ (các thí sinh) không biết chào và cám ơn ban giám khảo. Như vậy không phải chỉ một thí sinh không biết nói câu cám ơn, mà còn cả những người khác nữa. Nhưng có thể những người kia không được điểm cao nên không thèm cám ơn ban giám khảo. Đến cô thí sinh được cho điểm cao để tiếp tục thi thì cũng đi thẳng vào trong hậu trường nên Adam Williams mới gọi lại và loại cô khỏi cuộc thi.
Chuyện không biết những phép lịch sự tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày đã được nói tới rất nhiều lần. Những người hành xử thiếu văn hóa đó thuộc đủ mọi thành phần ở Việt Nam. Đa số là người ở miền Bắc, nhưng nay, hình như cách hành xử thiếu văn hóa đó đang đi tới nhiều nơi khác nữa. Những người Việt sống ở nước ngoài khi về Việt Nam thường bị nhận ra ngay khi mở miệng ra là cám ơn và xin lỗi lia lịa. Trong nước, những cách ăn nói lịch sự đó không còn thấy nhiều nữa. Nhưng thực ra, lối hành xử văn minh, lịch sự cũng đang dần biến mất ở cả những người Việt sống ở ngoài Việt Nam nữa chứ không phải chỉ riêng tại Việt Nam.
Lái xe trên đường mà nhường đường cho đồng hương rất ít khi nhận được một nụ cười, một cái khoát tay, vẫy tay. Mở cửa nép sang một bên nhường cho đồng hương đi trước cũng không một cái nhếch mép làm như thể vừa giúp kiếm cho việc mở cửa cho mình không bằng. Lúc ấy chỉ muốn làm như ông Bá Dương, tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, là buông tay ra, cho cánh cửa sập lại cho vỡ mặt cái thằng cha hay cái con mẹ nghiêm và buồn vời vợ(?) cho bõ ghét. Những chuyện như thế ngày nào tôi cũng gặp hai ba lần ở đây.
Chỉ khi nào những câu cám ơn, những lời xin lỗi đó trở thành những phản xạ, những hành động tự nhiên, một thứ second nature tự động bật ra thì may ra những cách hành xử như cô thí sinh thi làm người mẫu mới không xẩy ra nữa.
Tiếng Anh có cả chục cách nói cám ơn. Hay nhờ đó, rất ít khi xẩy ra chuyện như cô thí sinh nọ. Thank you…thanks a million…thanks a lot…much obliged…I do appreciate it…thank you very much indeed… thanks a whole lot…from the bottom of my heart…I can’t thank you enough…what would I do without you…you are an angel…you are too kind… you are the best…thanks a bunch…I don’t know how to thank you, but thank you so much…
Cô thí sinh bị loại thực ra cũng lại không là người chim sa cá lặn gì cho cam. Cô chưa là “top model” mà đã như vậy. Thử hỏi nếu cô thắng cuộc thi và trở thành người mẫu hàng đầu thì cô còn thiếu văn hóa như thế nào nữa.
Có một câu không biết của ai, nhưng nếu cô cư xử được như thế này thì hay biết bao: It is nice to be important but it is important to be nice. Là người quan trọng thì cũng hay đấy, nhưng chuyện quan trọng là phải tử tế với mọi người.
Cô chưa là cái gì mà đã như thế thì khi cô trở thành “top model” thì cô còn thế nào nữa? Đó là học tập theo gương đạo đức của bác Hồ chăng? Cháu ngoan của bác mà thiếu văn hóa vậy sao? Cái nết đánh chết cái đẹp. Nhưng cái đẹp cũng không có được bao nhiêu, lại thêm không có nết thì bị đuổi là phải.

Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.