May 26, 2011

May 27, 2011

Ngày 23 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Nói gì thì nói, tôi vẫn phải công nhận ông là người thân thiện, hiếu khách. Tôi chưa gặp ông bao giờ trước khi ngồi xuống cùng bàn với ông tại bữa tiệc cưới cuối tuần trước.

Ông bắt tay tôi và tự giới thiệu tên. Khách khứa ồn ào quá, tôi không nghe rõ và có nghe cũng không thể nhớ nổi tên ông hay vài chục cái tên lần đầu tiên nghe thấy tại nhũng tiệc tùng như thế. Tôi cũng lí nhí nói tên mình để đáp lại. Ông bắt đầu hỏi về gia cảnh của tôi. Tôi rất khó chịu. Chưa quen biết nhau bao nhiêu, ông đã đòi xét sổ gia đình và đọc gia phả của tôi. Tôi trả lời lấy lệ và tìm cách tránh trả lời những câu hỏi khác của ông bằng cách quay sang nói chuyện với một người bạn lâu ngày không gặp ở bên cạnh.

Nhưng ông vẫn không tha tôi. Ông cầm ly rượu của tôi lên và đưa cho tôi mặc dù nó đã ở ngay trước mặt tôi. Ly rượu có cái chân ông không cầm, ông cầm ngay ở miệng ly đưa cho tôi để bảo tôi uống. Tôi cầm lấy, đặt xuống bàn thì ông cứ hối tôi uống ngay. Chưa lau được cái thành và cái miệng ly thì làm sao dám uống đây. Tôi lắc đầu, bỏ ly rượu xuống, kín đáo đi tìm chiếc khăn để chờ ông quay đi, lau cái miệng ly chắc chắn có dính những ngón tay của ông.

Tiệc cưới rồi cũng bắt đầu. Tôi bắt đầu hồi hộp vì tôi biết ông sẽ tiếp thức ăn cho tôi như ông đã tiếp cho người bên cạnh ông ở ghế bên phải. Miếng tôm hùm hơi to suýt nữa thì rơi trở lại đĩa. Ông dùng tay đỡ lấy, gắp cho ngươi ngồi cạnh. Tôi thấy rõ những ngón của bàn tay trái đỡ chiếc càng của con tôm hùm. Tiếp xong người bên phải, ông gắp cho ông. Và như thế, chắc chắn chỉ vài giây nữa ông sẽ gắp cho tôi bằng đôi đũa ông vừa đưa lên miệng mút một cái, rồi lại còn chép miệng nữa mới là khổ cho tôi. Quả nhiên, ông đề nghị tôi ăn tôm hùm. Tôi từ chối, đưa ra con số về cholesterol cuả tôi kèm theo lời hăm dọa của người vừa mổ tim cho tôi. Ông gạt đi, ép thêm một lần nữa. Tôi vẫn giữ nguyên lập trường. Thì ông quay ra nhắc tôi ly rượu. Tôi lờ đi, giả bộ không nghe ông nói gì. Tôi nghĩ là tôi thoát. Ông quay ra hỏi tôi có biết ông X. không, và nói rằng đó là cháu của ông, làm nhiều tiền lắm, lai mới về Việt Nam chơi mấy tháng. Tôi thú nhận là một người quê mùa, không biết cháu ông, và ăn tiếp. Ông hỏi thêm hai ba cái tên lạ hoắc khác và nói một người trong số đó mới có tang, ông có đi đưa đám và vì thế, ông nhận ra tôi. Như vậy là ông quen tôi rồi đấy. Chỗ quen biết cả nên ông lại càng thân tình với tôi hơn. Ông vỗ vai tôi, nhắc tôi ăn đi kẻo tối lại đói. Đi ăn cỗ thì phải ăn cho no. Ông nói với tôi như thế.

Còn tôi, tôi không còn bụng dạ đâu để mà ăn nữa. Tôi nhớ bàn tay trái của ông vừa vỗ lên vai và nhắc tôi ăn. Cũng bàn tay ấy, trước đó ông đã đỡ cái càng tôm hùm. Ông vỗ vai tôi. Không chỉ một cái mà ba, bốn cái. Chắc dấu tích của cái càng tôm hùm đã từ tay ông nhẩy qua vai áo của tôi. Tối nay về nhà, treo nó vào tủ áo thế nào mấy con dán mất dậy cũng đánh hơi ra tôm hùm và kéo nhau vào ăn, tiện thể nhai cái vai aó. Cái áo mới sẽ thủng vài ba lỗ để tôi nhớ mãi bữa tiệc cưới. Tôi nhắc tôi phải ném ngay cái áo vào cái bao nylon để đem giặt khô ngay sáng hôm sau.

Ly rượu đỏ vẫn còn khá nhiều. Đổ đi thì tiếc. Uống vào không biết có say không nhưng nghĩ thấy hơi ghê ghê.

Người bạn nghe tôi kể chuyện, liền thắc mắc thế lỡ đó là bàn tay tiên rót chén rượu đào thì sao?

Tại sao bạn tôi lại quay ra viết truyện khoa học giả tưởng như vậy hè?


Ngày 24 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Trong số bẩy chú lùn sống với Bạch Tuyết, tôi thích nhất anh chàng khó tính, mặt khó đăm đăm, lúc nào cũng quạu quọ. Chàng tên là Grumpy. Grumpy là cau có, khó chịu, khó tính, cộc cằn, lỗ mãng.

Thầy Đồ, Khe Khắt, Ngủ Khì, Xuềnh Xoàng, E Lệ, Hắt Xì, Vui Tươi...

Thực ra, nguyên thuỷ, cả bẩy chàng, không chàng nào có tên cả. Mãi đến khi Walt Disney thực hiện cuốn phim hoạt họa dựa trên truyện Bạch Tuyết của Brothers Grimm năm 1937, các chàng mới có tên.

Grumpy là người thương Bạch Tuyết nhiều nhất mới là kỳ lạ. Chàng có được Bạch Tuyết thương lại nhiều như chàng thương Bạch Tuyết không thì không rõ. Nhưng nếu bây giờ họ còn sống với nhau thì có thể Bạch Tuyết lại thương Grumpy nhất.

Tôi tự nhiên cũng thích Grumpy hơn các chú lùn khác, ngay từ khi xem cuốn phim này lần đầu tiên ở Hà Nội hồi mới 8 hay 9 tuổi.

Theo một cuộc nghiên cứu ở Canada thì tôi thương Grumpy là rất đúng. Cuộc nghiên cứu cho thấy đàn ông có cái vẻ cộc cằn, khó tính, mặt mũi táo bón, không chịu "ngạo với nhân gian một nụ cười" lại là những người đắt hàng nhất. Cười tươi tỉnh là không được. Các phụ nữ, ít ra thì cũng là các phụ nữ Canada, không thích những khuôn mặt vui vẻ, lúc nào cũng như sắp sửa cười một cái đến nơi.

Trong khi đàn ông lại chỉ thích phụ nữ vui vẻ, mặt mày tươi tắn. Chuyện đó dễ hiểu. Kết quả cuộc nghiên cứu đăng trên tập san của hội tâm lý gia Hoa kỳ cho thấy là dưới mắt nhìn của phụ nữ, đàn ông mà lúc nào cũng tươi cười là không sexy. Phải nghiêm và buồn mới được. Phải lúc nào cũng quạu đeo, mặt mũi khó đăm đăm, lúc nào cũng như sắp nổ cái đùng đến nơi các phụ nữ mới thích. Những người đàn ông lúc nào cũng cười bị coi là nhiều nữ tính, không đàn ông. Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy phụ nữ rất yêu những người đàn ông xấu tính, độc ác, và phải là bad boy mới được. Thí dụ Charlie Sheen, một bad boy của Hollywood với đủ mọi tính xấu, tưởng không ai thèm ngó. Vậy mà rời chị này là có ngay vài ba chị khác đứng đợi, tay cầm cái đơn ngay.

Cho nên đàn ông thấy là "týp si tư" ăn khách hơn là đàn ông lúc nào cũng cười tươi, răng vàng chớp nhoáng.

Hay là cứ cười thì trông lại giống như những con heo tự mãn. John Stuart Mill đã khẳng định rằng thà làm một người thỏa mãn còn hơn làm một con heo khốn khổ, thà làm Socrates khốn khổ còn hơn là một thằng điên tự mãn.

Nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy ngược lại như người đàn ông tôi gặp ở một chỗ nhẩy đầm. Chàng chải chuốt kỹ lắm, đi giầy cao gót, tóc đánh rối cho cao thêm được vài cm, lúc nào cũng nụ cười trên môi. Vậy mà chàng rất đắt đào. Chàng luôn luôn đi với vài ba phụ nữ, có của ăn, của để. Bài nào chàng cũng ra nhẩy, và chao ôi cái mặt thì tự mãn làm sao! Lúc nào cũng một nụ cười. Đó, tươi cười mà vẫn dắt hàng đấy thôi. Hay là đắt hàng xong rồi thì trở thành con heo tự mãn mà Stuart Mill đã nói?


Ngày 25 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Một hai tuần trước trên sông Sài Gòn đã xảy ra một tai nạn chìm tầu. Một chiếc tầu chở khách trên có nhà hàng ăn đã chìm ở giữa sông gây thiệt mạng cho một số người trên tầu. Những tai nạn vì bất cẩn, vì kỹ thuật đóng tầu, vì thủy triều lên xuống thất thường, vì chở quá sức đã xẩy ra khá thường ở nhiều nơi tại Việt Nam, nhất là ở các nơi có nhiều du khách. Ở vịnh Hạ Long cũng đã có mấy tai nạn chìm tầu gây chết người hồi gần đây.

Nhưng có một chi tiết nhất định gây chú ý cho người đọc những bản tin về tai nạn chìm tầu trên sông Sài Gòn.

Đó là tên của chiếc tầu. Chiếc tầu không mang tên Anh hay Pháp, cũng không mang tên Việt Nam, mà mang một cái tên rất khó hiểu, một tác hợp của một tiếng không có trong Việt ngữ với một tiếng có trong tiếng Việt.

Tên của chiếc tầu được viết khá lớn ở trên hông của tầu: Nhà Hàng Du Thuyền Dìn Ký.

Dìn là tiếng không có trong tiếng Việt. Vì không thấy chữ này viết bằng Hoa ngữ nên không biết "Dìn" đọc như thế nào theo lối phát âm Hán Việt của chúng ta.

Dìn Ký nhất định phải là tiếng Hoa. Chủ nhân của tầu chắc chắn phải là người Hoa. Tầu hoạt động trên sông Sài Gòn để làm thương mại cho chủ nhân người Hoa của nó. Nhưng chủ nó khi đặt tên cho nó rõ ràng đã không lý gì tới cái tên của nó. Cái tên ghi lại theo lối phát âm nửa Hoa nửa Việt. Thực ra thì chủ nó muốn đặt tên Hoa cho nó cũng chẳng sao. Nhìn những bảng hiệu của các cơ sở thương mại tại các khu Chinatown ở Hoa kỳ thì thấy ngay. Tiệm ăn của người Nhật thì dùng tên Nhật. Tiệm ăn Ấn độ, Pakistan không cần phải dùng tên Mỹ. Việt nam chắc cũng không đòi tên các cơ sở thương mại phải dùng tên Việt. Dìn Ký, cái tên năm cha ba mẹ, cái tên của một thứ con hoang đó được cho hoạt động trên sông Sài Gòn thì đã sao. Nhưng cái thái độ chắc là có của chủ tầu khi dùng cái tên nửa Tầu nửa Việt rõ ràng là một thái độ coi thường cái đất nước đang dung dưỡng họ. Dìn Ký có thể là Diễm Ký, Doanh Ký, Dương Ký hay gì gì Ký cũng chẳng sao. Nhưng nó làm xấu cái tên đó đi. Người đặt tên muốn cho thấy họ toàn quyền muốn làm gì thì làm cho cái cơ sở thương mại của họ. Những bản tin đọc được ở trong nước cho thấy một vài chi tiết khác nữa. Đó là tầu Dìn Ký bị cấm hoạt động vì một số vấn đề an toàn và kỹ thuật. Nhưng tầu vẫn lén lút hoạt động để rồi gặp tai nạn.

Sài Gòn dẫu sao cũng vẫn còn là một phần của lãnh thổ Việt Nam, không hề là một hòn đảo ở biển Đông để nói là chủ quyền đang trong vòng tranh chấp. Nhưng luật lệ của Việt Nam ở ngay Sài Gòn đã không được chủ tầu tôn trọng. Trong khi đó, tin báo chí trong nước cho biết là tại Bình Dương, người ta sắp xây cất một thị trấn cho người Hoa như các Chinatown ở Mỹ.

Những vụ tầu hải quân Trung quốc tấn công tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ các ngư dân rồi đòi tiền chuộc đã xẩy ra nhiều lần.

Những cảnh lấn lướt như vậy đã trở nên qúa thường ở Việt Nam nên rồi vụ tầu Dìn Ký có điều tra thì cũng sẽ chẳng đi đến đâu.

Ông Tản Đà hứa bồi lại bức dư đồ rách. Ông qua đời đã lâu, bức dư đồ không được bồi lại, càng ngày càng rách tơi tả …

… Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sao con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi…

Đâu phải là đàn trẻ, mà là một bọn chó đẻ đang phá tan hoang cái đất nước thì có…


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 100)
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 100 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2011.

BBT

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Cô Trúc Giang hình như cô có thắc mắc gì đây… Mời Trúc Giang

TRÚC GIANG

Thưa chú, chiều hôm qua, cháu mới la cho con bé lớn một trận vì nó chửi thề. Chồng cháu nói rằng đó không phải là câu chửi thề, nên chuyện cháu la con là sai. Con gái lớn của cháu không biết học ở đâu câu WHAT IN THE WORLD … mà nó nói suốt ngày hôm qua. Theo chú, đó có phải là một câu chửi thề không? Chú thấy ai phải, ai trái?

BBT

Tôi không nghĩ đó là một câu chửi thề cần phải áp dụng biện pháp mạnh. Con gái cô đang ở cái tuổi học và phát triển thêm về ngôn ngữ. Ra trường, nó nghe thấy bạn bè nói vài ba câu lạ tai, hay mấy chữ mới chưa bao giờ nghe mẹ và bố nói ở nhà thì đem về dùng với em, và luôn cả với mẹ nên mới bị la cho một trận. Không, câu mà con gái Trúc Giang dùng chưa phải là một câu chửi thề. Bố bênh con là đúng.

LÃM THÚY

Nhưng thưa anh, câu ấy cũng là một câu nghe không nhẹ nhàng chút nào phải không thưa anh?

BBT

Câu ấy thì không nhẹ chút nào. Tưởng tượng con gái Trúc Giang mới 8 tuổi, một bữa chống nạnh nói với ông nội : WHAT IN THE WORLD ARE YOU TALKING ABOUT? thì chắc chắn là không được rồi. Nói với mẹ thì tạm tha. Nhưng với ông bà nội ngoại thì không được.

TRUC GIANG

Thế thì thưa chú, người ta dùng WHAT IN THE WORLD để làm gì?

BBT

Đây là cách dùng để làm cho ý nghĩa của câu mạnh hơn mà thôi. Thay vì nói WHAT ARE YOU READING? Thì ý nghĩa không mạnh lắm. Muốn cho câu mạnh hơn, thí dụ cô bước vào phòng của con thì thấy nó đang cầm quyền sách, trông thấy cô, nó vội giấu vào dưới gối, thì câu WHAT ARE YOU READING? chưa đủ mạnh. Muốn cho mạnh một chút, thì thêm IN THE WORLD vào là được. WHAT IN THE WORLD ARE YOU READING? Nghe cũng như trong tiếng Việt chúng ta hỏi " Mày đọc cái giống gì / cái đồ quỉ gì/ cái khỉ gió lăn đùng gì … vậy?"

LÃM THÚY

Thúy nghĩ những chữ WHAT IN THE WORLD là những chữ đã được đổi đi một chút cho nhẹ đi chứ thực ra, cách nói đó nguyên thủy dùng những chữ mạnh hơn nhiều phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Nguyên nó là THE HELL. Cô sẽ thấy những chữ này khá nhiều trong ngôn từ của những nhân vật trong truyện của Ernest Hemingway. Nhưng hai chữ THE HELL là hai chữ cấm kỵ. THE HELL nghĩa là địa ngục, những chữ dùng để chửi thề nên thường người ta tránh dùng chúng.

TRÚC GIANG

Người ta dùng những chữ gì thưa chú?

BBT

Người ta dùng THE HECK thay cho THE HELL. Thí dụ nói WHERE THE HECK DID YOU GO? thay vì WHERE THE HELL DID YOU GO?

LÃM THÚY

Và WHERE THE DEVIL DID YOU GO? như Thúy mấy lần nghe lũ con của Thúy nói với nhau ở nhà.

BBT

Đúng thế. Và dĩ nhiên còn có thể nói WHERE IN THE WORLD DID YOU GO?

TRÚC GIANG

Chỉ trong có một buổi sáng ở trường, con gái Trúc Giang đã học ngay được những điều mẹ nó ở Mỹ bao nhiêu năm mà không biết.

BBT

Thực ra thì mấy câu con gái Trúc Giang học được cũng không khó lắm. Cứ đưa ra một câu hỏi, rồi thêm IN THE WORLD sau WHERE, WHEN, HOW, WHAT, WHY là được. Thúy thử cho nghe vài câu với IN THE WORLD coi…

LÃM THÚY

WHERE DID HE GO LAST NIGHT? WHERE IN THE WORLD DID HE GO LAST NIGHT?

WHEN DID SHE COME HOME? WHEN IN THE WORLD DID SHE COME HOME?

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

HOW DID HE FINISH THE WORK ON TIME? HOW IN THE WORLD DID HE FINISH THE WORK ON TIME?

WHY DID THEY NOT BUY THE HOUSE? WHY IN THE WORLD DID THEY NOT BUY THE HOUSE?

BBT

Có điều hai cô phải nhớ là khi nói những câu đó, phải gằn giọng, nhấn mạnh vào những chữ IN THE WORLD thì câu mới có nghĩa. Bây giờ còn định chạy về nhà la con nữa hay không, Trúc Giang?

TRUC GIANG

Chắc không, nhưng cháu vẫn không muốn con gái cháu còn nhỏ mà lại ăn nói có giọng đanh đá như thế.

BBT

Nhưng đó lại là cách ăn nói của chúng ở trường. Nhiều khi nói tục hay chửi thề cũng chỉ là cách để được bạn bè chấp nhận mà thôi. Tôi nghĩ gần hết chúng ta ai cũng chửi thề cả. Có điều chúng ta lựa lúc, lựa chỗ, lựa người mới lôi ra dùng mà thôi.

LÃM THÚY

Thúy có một thắc mắc về động từ MUST. Thúy biết đây là một defective verb, một động từ khiếm khuyết. Nó không có các thì khác như Future, Past, Present Continuous, Perfect vân vân. Muốn diễn tả một sự bắt buộc trong các thì khác, người ta dùng TO HAVE TO. Nhưng thưa anh, có phải MUST bao giờ cũng có nghĩa là TO HAVE TO không? Có lúc nào MUST không cùng nghĩa với TO HAVE TO không?

BBT

Thực ra thì MUST có thể dùng để diễn tả những điều phải làm trong quá khứ và trong tương lai.

Thí dụ I MUST HAND IN THE ESSAY LAST WEEK. Chúng ta dùng MUST nhưng kèm theo LAST WEEK để diễn tả ý nghĩa quá khứ.

Thí dụ MISTER OBAMA MUST LEAVE THE WHITE HOUSE IN 2016. Động từ MUST không hề thay đổi khi diễn tả ý nghĩa quá khứ hay tương lai. MUST không có S khi đi với các ngôi thứ BA số ít như HE MUST, SHE MUST …

Nhưng khi dùng MUST ở thể PHỦ ĐỊNH là MUST NOT thì động từ này không còn giống TO HAVE TO nữa.

Trúc Giang có thấy sự khác nhau giữa hai câu này không:

HE DOES NOT HAVE TO COME TO WORK TOMORROW.

HE MUST NOT COME TO WORK TOMORROW.

TRÚC GIANG

Cháu nghĩ câu đầu HE DOES NOT HAVE TO COME TO WORK TOMORROW có nghĩa ngày mai là ngày lễ, ông ấy không phải, không cần, không bị bắt buộc đến sở.

Trong khi câu thứ hai HE MUST NOT COME TO WORK TOMORROW thì có nghĩa la ông ấy bị cấm đến sở ngày mai, có thể vì ông ấy bị cúm heo, bị một bệnh hay lây và nguy hiểm nên sở cấm ông ấy đi làm để tránh lây bệnh sang người khác.

BBT

Cô Thúy có thể tóm tắt sự khác biệt giữa MUST NOT và NOT TO HAVE TO được không?

LÃM THÚY

Thưa anh, MUST NOT mạnh hơn NOT TO HAVE TO. MUST NOT là cấm, hoàn toàn không được làm một việc nào đó, trái lệnh có thể bị phạt rất nặng. NOT HAVE TO là không cần, không phải, muốn làm cũng được.

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ , nhân tiện, hai cô nên biết thêm vài kết hợp với động từ MUST mà chúng ta thường gặp.

Những kết hợp này là những danh từ kép. Đó là MUST HAVE và MUST SEE.

Thí dụ khi nói muốn viết tiếng Việt bằng computer thì chương trình VNI là cái phải có thì Trúc Giang nói thế nào? Cô là một chuyên viên về computer mà…

TRÚC GIANG

TO WRITE IN VIETNAMESE, THE VNI PROGRAM IS A MUST HAVE.

BBT

Đúng lắm. Cô Thúy, cô dịch thử câu này: Đám cưới của hoàng tử William là một chương trình phải xem.

LÃM THÚY

THE WEDDING OF PRINCE WILLIAM AND KATE MIDDLETON IS A MUST SEE ON TELEVISION.

Thưa anh, nhân đang nói về TO HAVE TO, Thúy muốn nhờ anh nói về động từ USED TO.

BBT

Đây là một động từ khá kỳ lạ. Nó không dính dáng gì tới động từ TO HAVE TO. Động từ USED TO không có các thì khác như PRESENT, FUTURE. Chúng ta dùng một động từ nguyên mẫu ngay sau nó để diễn tả một thói quen, một việc lập đi lập lại nhiều lần trong quá khứ. Những việc này xẩy ra nhiều lần nhưng hiện nay đã chấm dứt, không còn xẩy ra nữa.

Trúc Giang nói hồi xưa gia đình Trúc Giang sống ở Bắc California coi…

TRÚC GIANG

MY FAMILY USED TO LIVE IN NORTHERN CALIFORNIA.

BBT

Cô Thúy nói hồi xưa cô lái một chiếc xe Nhật coi.

LÃM THÚY

I USEDTO DRIVE A JAPANESE CAR.

BBT

Hai cô cần nhớ là những việc đó không còn xẩy ra nữa. Tất cả đều đã chấm dứt trong quá khứ. Một điều nữa về động từ USED TO cần nhớ là các nhà văn phạm không thích dùng USED TO trong thể hỏi và thể phủ định. Người ta dùng thì SIMPLE PAST TENSE là đủ rồi.

Thí dụ I USED TO WORK AT NIGHT là thể xác định (AFFIRMATIVE) nghĩa là hồi xưa tôi làm việc ban đêm.

Muốn đổi thành thể hỏi, người ta dùng PAST TENSE: DID YOU WORK AT NIGHT ? PAST TENSE cũng được dùng để diễn tả ý nghĩa phủ định (NEGATIVE) I DID NOT WORK AT NIGHT.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hai câu này: I USED TO COME TO THIS LIBRARY TO STUDY và I CAME TO THIS LIBRARY TO STUDY. Trúc Giang thấy sự khác nhau như thế nào?

TRÚC GIANG

I USED TO COME TO THIS LIBRARY nghĩa là tôi thường đến thư viện này, tôi hay đến thư viện này, tôi tới đây rất nhiều lần, tôi có thói quen đến thư viện này nhưng bây giờ thì tôi hết tới đó rồi.

I CAME TO THIS LIBRARY nghĩa là tôi tới thư viện này vài ba lần, cũng có thể là nhiều lần nhưng không phải là thói quen, không phải là việc tôi làm thường xuyên. Bây giờ cũng hết tới thư viện rồi.

BBT

Cám ơn hai cô. Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Trúc Giang xin kính chào quí vị.

May 19, 2011

May 20, 2011

Ngày 16 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Việc rút mấy cái móng tay, đổ cho vài lít nước vào mũi, treo ngược lên trần nhà, hai tay trói quặt ra sau lưng … không bao giờ là những việc nên làm với người khác. Nhưng lịch sử nhân loại cho thấy những hình thức tra tấn đó ở đâu cũng có, thời đại nào cũng diễn ra.

Nhân loại lên án tra tấn nhưng vẫn tiếp tục các trò này cho đến tận bây giờ.

Khi Khalid Sheik Muhammad bị bắt ở Pakistan và được nhà cầm quyền Pakistan trao cho Hoa kỳ, người đàn ông này nắm rất nhiều tài liệu hữu ích mà Hoa kỳ rất cần trong nỗ lực chống khủng bố. Vấn đề là làm thế nào lấy được những tài liệu đó từ đương sự. Khalid Sheik Muhammad là người chủ mưu loạt khủng bố 911 nên đương sự phải nắm nhiều điều Hoa kỳ muốn biết. Hoa kỳ phải tìm cách lấy được những tài liệu đó. Nhổ vài cái móng tay, lấy kìm xiết hai quả dịch hoàn, đổ cho vài thùng nước vào mũi là có ngay. Quả nhiên, chàng … hót như khướu. Tình báo Hoa Kỳ cho biết đương sự khai rất nhiều và dựa trên những lời khai đó, Hoa kỳ đã dùng máy bay không người lái và phi đạn Hellfire hạ được một số khủng bố của Al Qaeda ở Pakistan, ở Yemen, ở Afghanistan...

Khalid Sheik Muhammad đầu tiên được đưa lên một chiến hạm Mỹ, sau đó được chuyển tới trại Guantanamo và hiện vẫn còn bị giam ở Guantanamo. Những bức hình béo phị của đương sự khi mới bị bắt ở Karachi nay được thay thế bằng hình ảnh của một người với một bộ râu rậm, mặt mũi buồn thảm làm như vén mãi bộ râu cũng chưa ăn được vài ba sợi mì. Khổ vô cùng.

Khi trả lời những câu hỏi của quốc hội, FBI và CIA nói là chỉ đổ nước (waterboarding) đương sự có ba lần nhưng cũng có được rất nhiều tài liệu. Mới đây, người ta biết số lần chàng bị đổ nước là hơn 180 lần. Nhờ những điều chàng thành thật khai báo cũng như không thành thật khai láo, cộng với lời khai của những người khác, Hoa kỳ mới biết được nơi Oama trốn tại Pakistan, và kết quả là Osama được giúp lên đường nhanh chóng để đi gặp 72 trinh nữ cho bõ những ngày cơ cực, phải xem phim X suông và toan tính thay mấy chị vợ già bằng mấy em bé trẻ hơn.

Vấn đề là phải tra tấn đương sự, mà đổ nước vào mũi là một trong những cách khai thác bị coi là tra tấn, mặc dù trò này được mô tả bằng hai chữ khác: enhanced interrogation: thẩm vấn cao cấp (?).

Ông Obama khi vận động tranh cử nói là nếu đắc cử ông sẽ cấm tuyệt trò này. Ông đắc cử, lên làm tổng thống, bèn ra lệnh cấm tra tấn. Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder còn ngu xuẩn đòi truy tố một số người từng sử dụng kỹ thuật lấy cung này.

Vụ Osama bị giết đã khơi lại chuyện tra tấn. Một số ý kiến nói là biện pháp tra tấn không đem lại kết quả. Tin tức thu thập được phần lớn đều không chính xác.

Nhưng Osama Bin Laden vẫn bị giết dựa trên những tin tức thu thập được qua nhũng vụ đổ nước vào mũi. Thế là vấn đề tra tấn lại được phe Dân Chủ đem ra nói, để đổ hết tội cho phe Cộng Hòa. Phe Dân Chủ nhất định nói là không bao giờ nên tra tấn bất cứ ai hết.

Nhưng liệu có thể nào nhất định như thế mãi được không?

Chắc không. Thỉnh thoảng cũng nên tra tấn một cái chứ.

Hỏi ông Obama rằng nếu tòa nhà nơi đang có Michelle, có Sasha và Malia ở trong, tòa nhà ấy lại bị đặt cho một quả bom tổ chảng, một người đàn ông xấu trai như Taliban và Al Qaeda bị bắt, đương sự biết mật mã để có thể vô hiệu hóa quả bom, cứu được Michelle, Sasha và Malia cùng vài trăm người khác.

Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa như cô đầu chôm cái ô tây của ông Tú Xương, lắc đầu quầy quậy, không chịu tiết lộ thì FBI phải làm gì? Bó tay vì lệnh tổng thống cấm tra tấn? Nghi can khủng bố cứ "Em chả…em chả" không khai là không khai. Tổng thống Obama đến bên cạnh, dỗ ngon dỗ ngọt, cậu khủng bố vẫn lắc đầu … hổng có chiệu đâu à nha

Phải làm gì bây giờ để cứu mẹ cháu và hai cháu?

Nhún vai một cái, ra xe đi đánh một trận basket ball vói Koby Bryant, rồi về tòa Bạch Ốc hồi hộp chờ nghe một tiếng nổ để chạy ra hiện trường … kiếm ba mẹ con?

Hay là hét lên: "Đưa tao cái kìm, tao làm móng tay cho thằng chó đẻ này… móng bột, móng nước, móng … chó gì ông cũng rút hết…. Có khai không thì nói? Nước đâu, mang ra đây đổ vào mũi nó, cho nó sặc thấy mẹ nó đi cho tao…"

Tôi nghĩ ít nhất cũng phải làm như vậy chứ.


Ngày 17 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Tôi không biết là ngủ trong một căn phòng ba ngàn đô la một đêm thì thấy thế nào, có sung sướng, hạnh phúc hơn là ngủ trong căn phòng của tôi mà tiền nhà mỗi tháng chưa bằng tiền trả cho căn phòng khách sạn đó một đêm không?

Tôi thì hoàn toàn vui vẻ với căn phòng không tốn 3 ngàn một đêm của tôi. Cứ được cho ngủ ở đó mãi như hiện nay là hạnh phúc rồi. Cả đời ăn những thứ đắng, hay không ngọt, cuối đời được một hai miếng không đến nỗi đắng, hay hơi hơi ngọt một chút thì vẫn vui hơn là cả đời ăn ngọt, cuối đời bị quăng cho quả bồ hòn thì chịu sao được.

Dominique Strauss-Kahn là tổng giám đốc điều hành Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, quyền hành đầy người, nay đến Đức họp với thủ tướng Angela Merkel, mai qua Luân Đôn, ghé số 10 Downing Street nói chuyện với thủ tướng Cameron, trở về Pháp là tổng thống Sarkozy lo sốt vó vì chàng càng ngày càng đi lên, có thể hạ ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới dễ như trở bàn tay… Đến New York thì phải khách sạn Sofitel ở Times Square 3 ngàn đô la một đêm mới ngủ cho… Ấy thế mà hôm thứ Bẩy 14 tháng 5, chàng thức dậy, ăn sáng, tắm rửa để sửa soạn ra phi trường bay đi Berlin thì gặp nạn.

Người phụ nữ dọn phòng đẩy cửa vào dể dọn dẹp. Nàng đang lui cui lau cái buồng tắm, thì chàng từ phía sau đi tới, trên người không một … sợi chỉ. Chàng vồ người phụ nữ gốc Phi châu 32 tuổi này, lôi vào phòng ngủ, làm một … cái, bất kể bị chống cự, phản đối. Người phụ nữ này vùng dậy, bỏ chạy, chàng đuổi theo, vẫn không một mảnh vải trên người, theo cô vào buồng tắm, khóa cửa lại, đòi cô một cái nữa. Cô chạy thoát ra ngoài phòng, báo cáo với khách sạn. Cảnh sát được thông báo, đến khách sạn thì chàng đã ra đi. Cảnh sát ra phi trường, lôi chàng từ trên máy bay xuống , đem về bót thẩm vấn suốt đêm thứ Bẩy qua sáng Chủ Nhật. Chàng đang bị giam tại nhà tù Riker chờ ngày ra tòa. Phòng giam ở nhà tù Riker chắc chắn không bằng cái phòng tắm trong căn phòng chàng vừa ngủ tối hôm trước.

Chàng là một kinh tế gia lỗi lạc, một chính trị gia khôn khéo. Thế mà chàng gặp nạn một cach lãng xẹt. Không dùng cái đầu (trên) mà để cho cái đầu kia (?) lôi chàng đi nên chàng mới khốn khổ đời trai. Ngoại lục tuần, tù hai chục năm, ra khỏi nhà tù thì còn quái gì là đời nữa.

Chàng nào phải là không có tiền mua bánh. Mà nào phải bánh khó mua gì cho cam. Ngoắc tay gọi bất cứ một người làm việc nào ở khách sạn, hay dúi cho người giữ thang máy mấy chục, nheo mắt làm hiệu một cái thì vài phút sau nhất định có người đến gõ cửa phòng nạp … thịt. Thơm phức. Muốn tóc vàng có tóc vàng, muốn tóc nâu có tóc nâu,. Muốn 34C có 34C, muốn 36D cũng có luôn. Giá cả nhẹ nhàng (như kiểu văn chương rao vặt trên báo Việt ngữ ở quận Cam), chiều tới bến, phục vụ tận tình thoải mái, giúp (các anh) thư giãn (?) sau giờ làm việc.

Vậy thì tại sao phải vồ đại cô người làm ở khách sạn đang chùi buồng tắm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hôi hám, nước bông chưa kịp thoa … lại còn bị chống cự kịch liệt để giằng co với nàng, rượt chạy ầm ầm vào buồng tắm, đòi tiếp cái nữa để ra cơ sự làm vậy.

Chung qui cũng là tại để cái ấy nó lôi đi. Tục ngữ Việt Nam nói đâu có sai bao giờ: Trâu lấy thừng mà dắt, người nắm cặc mà lôi.

Khốn khổ đời chàng. Có ra tù thì làm sao mà ngó vợ, ngó con?


Ngày 18 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Đọc Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố … độc giả ai cũng tội nghiệp cho cuộc đời của những phụ nữ bất hạnh. Những phụ nữ nhà nghèo phải đem thân đi làm thuê. Công việc nặng nhọc, đầu tắt mặt tối. Ban ngày làm việc không ngơi tay. Tối đến, mấy ông chủ mò xuống. Cả nể, để lỡ làng ra, bà chủ biết đánh cho bò lê, bò càng rồi đuổi đi. Ông chủ thì tỉnh queo, làm như chuyện của ai không bằng.

Cụ lớn nhiều khi cũng sáng láng, có tiền, có của, có chức phận. Cụ lớn chứ bộ. Cũng quan nọ quan kia oai kể gì. Nhưng thực ra thì "ban ngày quan lớn như thần/ đêm về quan lớn tần mần như ma".

Cụ lớn dỗ "Nằm im, cụ lớn thương…" Bao nhiêu phụ nữ tội nghiệp đã phải nghe nhữõng câu khốn nạn như thế. Tưởng những chuyện đó chỉ có trong những trang tiểu thuyết của cái thời đã xa ở Việt Nam. Vũ Trọng Phụng thì ho lao chết. Ngô Tất Tố theo Việt Minh rồi cũng chết. Nhưng ở Mỹ thì lại vẫn còn.

Người đàn ông rất thành công từ Áo sang Mỹ lập nghiệp. Cả ngày chỉ vật nhau với mấy quả tạ thì bắp thịt phải đẹp chứ. Chàng chiếm bao nhiêu giải thưởng lực sĩ đẹp. Được mời đóng phim khoe các bắp thịt cuồn cuộn, chàng lại thành công nữa. Có một phụ nữ trẻ thuộc một gia đình thế gia vọng tộc, chàng tán , nàng rớt như một trái cây chín mõm. Hai người lấy nhau, chàng lấy được luôn cả những connections rất cần thiết cho đời sống. Chàng có tiền, muốn thành công thêm một lãnh vực khác. Chàng ứng cử làm theo con đường của ông Reagan, và đắc cử thống đốc California mặc dù tên của chàng vừa khó đọc vừa khó viết: Arnold Schwarzenegger .

Trong nhà, quân hầu đầy tớ không thiếu. Ông chủ, trong một đêm hè rạo rực, chiều vợ xong nhưng vẫn thấy còn thòm thèm. Không lẽ lấy xe chạy ra Sunset Boulevard ngoắc tay vài ba cái như Hugh Grant đã làm. Nhưng làm vậy thì lại sợ vớ phải một ông tây đen giả gái như Hugh Grant đã bị với Divine Brown thì khốn khổ cho chàng.

Chợt nhớ trong nhà cũng có , đi đâu loanh quanh cho đời mỏi … cẳng. Thôi thì rón rén đi xuống nhà dưới. Ở đó đã có sẵn Mildred Patricia Baena, cô người làm mà gia đình chàng gọi là thuộc household staff thay vì dùng chữ servant…

Trong nhà gì đẹp bằng sen
Áo phin quần lãnh lại thêm răng vàng…

Thế là chuyện phải đến đã đến. "Im cụ lớn thương mà". Chắc chàng không phải nói tới câu đó. Patty, tên trong nhà gọi nàng, mừng quá. Mấy ai được "The Terminator" chiếu cố. Xong chuyện, chàng còn nói "I’ll be back!" Nàng mừng vô số kể. Thế là chàng trở lại. Trên lầu thì Maria có cái bầu. Dưới nhà nàng cũng có theo. Công tư vẹn cả đôi bề. Hai đứa bé cùng tuổi. Chồng của Patty tưởng là của mình. Nhưng sau một năm, đứa bé càng ngày càng giống người đàn ông ở nhà trên. Nàng cho chàng biết. Cả hai quyết định cứ để nguyên tình trạng đó, chưa nên nói ra. Chàng đắc cử thống đốc hai nhiệm kỳ và cây kim trong cái túi vải đã lòi ra. Bà chủ biết. Chàng không dấu được nữa. Người nhà dươi dọn đi. Chàng phải nhận đã làm những việc đó.

Và cuộc hôn nhân 25 năm chấm dứt.

Lại một vụ không biết ăn bánh trả tiền trong khi bánh thì thiếu gì mà tiền thì cũng không thiếu.

Càng cao danh vọng , càng nhiều...


Ngày 19 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Hoàng tử William của hoàng gia Anh chắc khi tán Kate Middleton không đến nỗi vất vả lắm như những người khác.

Chỉ sợ gạt ra không hết.

The most eligible bachelor , người dàn ông độc thân đắt giá nhất thì nhất định phải là chàng chú còn là ai vào đây nữa? Đẹp trai. Tóc có hơi hói sớm một chút. Gia đình có tiền. Lại còn chịu khó học hành. Thế nên một chục Kate Middleton thì cũng chết hết với chàng.

Vậy thì chắc William không mất nhiều công mới tán được Katye. Nhiều lắm thì cũng ấm ớ đại khái như:

Cô kia cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
Sang đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này: "Có lấy anh không?"

Dễ vậy thôi chứ.

Nhưng nếu xin bàn tay mà như cậu này thì có một không hai.

Cậu là người tiểu bang Georgia. Cậu thích cô này đã lâu. Nay cậu muốn đưa nàng về dinh. Cậu bèn nhờ một người bạn làm cho cậu một đoạn phim, rồi trả tiền cho một rạp xi nê để rạp chiếu đoạn phim này. Chàng thuyết phục cô bạn gái đến rạp để xem một cuốn phim với cậu nhưng cậu sẽ đến muộn một chút. Và khi đèn tắt, rạp bắt đầu chiếu những đoạn phim quảng cáo, thì nàng bắt đầu hơi ngờ ngợ khi thấy trên màn ảnh có hai người đàn ông ngồi nói chuyện với nhau nhưng lại không cho thấy mặt. Một giọng nói thì giống giọng của cha nàng hết sức. Giọng kia thì không thể phân biệt được với giọng của chàng. Hai người đàn ông tâm tình với nhau. Giọng người đàn ông trẻ nói là đang yêu một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là con gái của người đàn ông kia. Hai người nói qua nói lại, người đàn ông già cảm động thấy có người yêu con mình hết lòng. Khi người đàn ông trẻ nói là định xin bàn tay của con gái ông, thì ông nói ngay là còn đợi chờ gì nữa, làm ngay đi chứ. Theo lời hối thúc của ông, người đàn ông trẻ vùng dậy, chạy ra xe, leo lên lái thật nhanh đi kiếm nàng. Lúc ấy nàng mới nhìn thấy mặt của hai người đàn ông. Người lớn tuổi là cha của cô. Người trẻ tuổi thì chính là bạn trai của cô chứ chẳng phải là diễn viên đóng phim bao giờ.

Đến đoạn đó, thì chàng ở ngoài cửa rạp tiến vào. Chàng đến trước mặt nàng, quì xuống, lấy chiếc nhẫn ra và hỏi nàng có chịu lấy chàng không. Nàng đưa ngón tay cho chàng đeo nhẫn, và tất cả rạp liền đứng dậy vỗ tay mừng hai ngươi.

Chuyện xẩy ra tại rạp The Great Escape ở thị trấn McDonough thuộc tiểu bang Georgia. Người làm đoạn phim là Michael Escobar.

Đoạn kết ra sao thì chắc không cần kể lại đây. Chuyện kết thúc bằng một chuyến xe hoa. Cầu mong hai người tìm thấy hạnh phuc đích thật. Đừng để vài năm sau, lại xẩy ra cảnh hai người nói rít qua kẽ răng: "You will hear from my lawyer… in court!"

Nhưng cũng may cho cả hai, vì phản ứng của những người trong rạp đều rất tốt đẹp. Tưởng tượng đi xem xi nê, chờ vào phim chính coi cho xong còn đi về thì cặp này tỏ tình với nhau, xin nhau bàn tay thì thế nào chẳng có người bực bội, nhây nhổm lên, hét lớn rằng : "Này … mấy đứa kia… muốn sống muốn tốt thì ngồi xuống ghế cho ông xem … ông xem không được ông đến ông bẻ cổ cả lũ ra bây giờ… Có nghe ông nói không hở … hai cái đứa kia …"


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Tuần này, QA nhận được một bức thư của cô Nguyễn Đình Ngọc Bích ở Oregon muốn nhờ được chỉ cách dùng chữ EVER. Đó cũng lại là thắc mắc của cả Thúy và QA. Vậy thì xin thầy nói về EVER trong bài học hôm nay vậy.

LÃM THÚY

Thúy biết chữ EVER này nghĩa là bao giờ . Chữ này Thúy hay gặp lắm, nhưng chắc nó có nhiều cách dùng phải không thưa anh?

BBT

Cô nói đúng. EVER là một trạng từ (ADVERB), nghĩa của nó, như cô Thúy nói, là bao giờ, có bao giờ. Nó cũng có nghĩa là luôn luôn. Thí dụ EVERGREEN là cây vạn niên thanh, luôn luôn xanh mướt.

Trước hết, chúng ta có thể dùng nó để làm cho nghĩa của động từ mạnh thêm, nhấn mạnh vào động từ, làm cho nghĩa rõ hơn, mạnh hơn.

Thí dụ khi tôi hỏi DID YOU LIVE IN SEATTLE? thì tôi chỉ hỏi cho có chuyện, hỏi cho biết, hỏi nhưng cũng không mấy cần phải được trả lời, trả lời có cũng được, không cũng được, không có gì quan trọng cả. Nghe nói cô QA đã ở một tiểu bang miền tây bắc, tôi tò mò, thắc mắc không biết cô có ở Seattle, thành phố mà tôi cũng có lần đi ngang qua hay không.

QA

QA nghĩ là trong trường hợp anh quả tình muốn biết, vì Seattle là một thành phố rất đặc biệt, anh có vài ba người quen ở đó, có một hai tiệm ăn nổi tiếng ở đó, anh muốn biết QA có ở đó, có ở Seattle chưa, thì QA nghĩ lúc ấy QA sẽ dùng trạng từ EVER.

BBT

Đúng vậy. Thế thì cô nói thử coi.

QA

DID YOU EVER LIVE IN SEATTLE?

LÃM THÚY

Để nhấn mạnh thêm, Thúy thấy người ta nhắc đi nhắc lại EVER một hai ba lần nữa đúng không thưa anh?

BBT

Đúng. DID YOU EVER, EVER, EVER LIVE IN SEATTLE? Bây giờ qua câu trả lời. Nếu đã có lần ở Seattle, thì chúng ta KHÔNG DÙNG EVER. Chúng ta dùng ALREADY.

QA

YES, I ALREADY LIVED IN SEATTLE đúng không ông thầy?

BBT

Đúng. EVER dùng cho câu hỏi. ALREADY dùng cho câu xác định ( AFFIRMATIVE) và trong câu phủ định (NEGATIVE), chúng ta dùng NOT EVER. Hay nói ngắn lại là NEVER.

Cô Thúy chắc chưa ở Seattle bao giờ phải không?

LÃM THÚY

NO, I NEVER LIVED IN SEATTLE.

QA

Từ nẫy đến giờ, QA nghe mấy câu thí dụ anh đưa ra QA thấy hơi kỳ kỳ. Hình như QA thấy người ta dùng EVER với thì PRESENT PERFECT thường hơn phải không anh?

BBT

Đúng vậy. Cám ơn cô QA nêu ra chi tiết này. Cô nói rất đúng. EVER là bao giờ, có bao giờ. Thường khi nói bao giờ là chúng ta hàm ý là TÍNH TỚI NAY, CHO TỚI NGÀY HÔM NAY thì CÓ BAO GIỜ CHƯA.

Thì Present Perfect được dùng cho những chuyện bắt đầu trong quá khứ nhưng chưa chấm dứt, chưa hoàn tất, và cho những chuyện mà chúng ta còn tính tới ngày hôm nay, lúc này, bây giờ.

Vì thế, cô QA nói là cô nghe EVER thường được dùng với thì Present Perfect thì rất đúng. HAVE YOU VISITED THE ANGKOR WATT? nghĩa là cho đến ngày hôm nay, ông đã đi thăm Đế Thiên Đế Thích chưa? Nhưng thêm EVER vào thì nghĩa có mạnh hơn: HAVE YOU EVER VISITED ANGKOR WATT?

Hay thêm trạng từ BEFORE vào cũng sẽ làm cho nghĩa mạnh hơn: HAVE YOU EVER VISITED ANGKOR WATT BEFORE?

Cô QA, cô có thể cho nghe một, hai thí dụ với PRESENT PERFECT và EVER không?

QA

HAS HE EVER OWNED A MERCEDES BEFORE?

HAS SHE EVER MET PRESIDENT OBAMA BEFORE?

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ đến lượt cô Thúy.

LÃM THÚY

HAVE THEY EVER BEEN INSIDE THE WHITE HOUSE BEFORE?

HAVE WE EVER TASTED THIS AUSTRALIAN WINE BEFORE?

QA

Thế trong những câu phủ định, chúng ta cũng dùng NEVER chứ ?

BBT

Đúng. I HAVE NEVER SEEN OSAMA BIN LADEN BEFORE.

LÃM THÚY

Đúng như vậy đó. Thầy Trúc gặp rồi thì chuyện gì sẽ xẩy ra đây?

QA

HE MAY NOT BE HERE TODAY. HE MAY BE IN GUANTANAMO.

BUT MISTER BUI, HAVE YOU EVER SET FOOT ON CUBA?

BBT

NO , I HAVE NEVER VISITED MISTER CASTRO’S CUBA BEFORE. AND MAY NEVER WILL. Cô Thúy cho nghe hai câu với PRESENT PERFECT và EVER coi.

LÃM THÚY

HAVE YOU EVER MADE SUSHI AT HOME BEFORE?

HAVE THEY EVER SHOPPED IN LONDON BEFORE?

QA

Thưa anh, có dùng EVER trong các câu xác định không?

BBT

Có, nhưng nghĩa NEGATIVE vẫn nằm ở trong. Thí dụ khi chúng ta nói thế này:

THAT WAS THE BEST BOOK I HAVE EVER READ. Câu này nghĩa là đó là cuốn sách hay nhất mà tôi đã đọc được. Đây là một câu xác định. Không hề có chữ NOT ở trong. Nhưng ý nghĩa phủ định đã nằm sẵn ở trong: I HAVE EVER READ tuy ở thể xác định (AFFIRMATIVE) nhưng lại được hiểu là từ bé đến lớn, tử thuở cha sinh mẹ đẻ, từ lúc hiểu biết, từ lúc ra đời đến nay, TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐỌC ĐƯỢC CUỐN SÁCH NÀO HAY NHƯ THẾ.

Cô Thúy, khi cô nói HE IS THE MOST HANDSOME MAN THAT I HAVE EVER MET thì câu đó nghĩa là gì?

LÃM THÚY

Chàng là người đẹp trai nhất mà tôi đã gặp được trên đời này. Nhưng đó là thí dụ của anh đưa ra chứ Thúy thì chưa bao giờ có dịp nói câu đó. I HAVE NEVER SAID THAT.

BBT

Cô QA, tưởng tượng sau khi ăn tối tại tòa Bạch Ốc xong, trên đường cô sẽ nói gì?

QA

IT WAS THE WORST DINNER THAT I HAVE EVER BEEN INVITED TO. Cầm cái muỗng, con dao cũng phải theo đúng cách, lấy cái khăn chùi miệng cũng phải làm điệu làm bộ. QA thích đi ăn cơm Thái, cơm Nhật với lũ con thoải mái hơn là được mời ăn tối với Michelle và Barrack Obama.

BBT

Cách nói như thế cũng không có gì khó cả. Chúng ta dùng thể so sánh cao nhất (SUPERLATIVE) trong mệnh đề đầu.

GREGORY PECK WAS THE BEST ACTOR THAT…

MISTER REAGAN WAS THE OLDEST PRESIDENT THAT…

MISTER OBAMA IS THE FIRST AFRICAN AMERICAN THAT…

THE LAMBORGHINI IS THE MOST EXPENSIVE CAR THAT…

THE WINTER OF 1980 WAS THE COLDEST WINTER THAT …

SANS SOUCI IN WASHINGTON DC IS THE NICEST RESTAURANT THAT…

Bây giờ mời hai cô nối vào sau những mệnh đề trên bằng những mệnh đề với trạng từ EVER coi hai cô đã hiểu chưa.

QA

GREGORY PECK WAS THE BEST ACTOR THAT HOLLYWOOD HAS EVER PRODUCED.

MISTER REAGAN WAS THE OLDEST PRESIDENT WHO HAS EVER LIVED IN THE WHITE HOUSE.

MISTER OBAMA IS THE FIRST AFRICAN AMERICAN THAT WAS EVER ELECTED TO THE PRESIDENCY.

LÃM THÚY

Bây giờ đến lượt Thúy:

THE LAMBORGHINI IS THE MOST EXPENSIVE CAR THAT ITALY HAS EVER MADE.

THE WINTER OF 1980 WAS THE COLDEST WINTER THAT WE HAVE EVER KNOWN.

SANS SOUCI IS THE NICEST RESTAURANT THAT THEY HAVE EVER BEEN TO.

QA

Thưa thầy, một khán giả khác, ông Nguyễn Thiện ở Orlando, Florida hỏi cách dùng động từ TO NEED làm sao cho đúng.

BBT

NEED có thể vừa là danh từ, vừa là động từ. Khi là danh từ, NEED có nghĩa là nhu cầu, điều cần thiết, cái mà chúng ta cần.

Trong Anh ngữ có câu tục ngữ dùng danh từ NEED các cô nên biết. Cũng dễ nhớ thôi, đó là A FRIEND IN NEED IS A FRIEND INDEED.

IN NEED là vào lúc cần thiết, vào lúc đang thiếu, cần phải có. A FRIEND IN NEED nghĩa là người bạn đến với chúng ta trong lúc chúng ta gặp cảnh cùng quẫn nhất thì đó chính mới là bạn đích thực của chúng ta, IS A FRIEND INDEED, hay IS INDEED A FRIEND nhưng nói IS A FRIEND INDEED thì vần với IN NEED ở trên.

LÃM THÚY

Thế khi không cần thì nói NO NEED được không thưa thầy?

BBT

Được chứ. Thí dụ nói vào ngày 1 tháng 1, ngày đầu năm, các nhân viên không cần phải đến sở thì nói thế nào, cô Thúy nói thử coi…

LÃM THÚY

ON NEW YEAR’S DAY, THERE IS NO NEED FOR US TO COME TO THE OFFICE.

QA

Hôm chở con QA xuống trường, QA đưa cho nó 100 đô la, nó đưa lại, và nói: MOM, I HAVE NO NEED FOR MONEY AT SCHOOL.

BBT

Như vậy , chúng ta hiểu cách dùng NEED khi nó là danh từ. NEEDY là tĩnh từ, nghĩa là nghèo. Thí dụ THE SALVATION ARMY TRIES TO HELP THE NEEDY PEOPLE AT CHRISTMAS.

NEEDLESS là không cần. Hai cô nên biết cách nói này để dùng IT IS NEEDLESS TO SAY. Cô QA đoán thử IT IS NEEDLESS TO SAY nghĩa là gì nào?

QA

IT IS NEEDLESS TO SAY nghĩa là khỏi cần nói cũng biết, cũng phải làm một chuyện gì đó. QA có nghe trong một bản tin mới đây câu đó nên mới biết khi bị ông thầy hỏi.

Thí dụ QA nói thế này có đúng không.

IT IS NEEDLESS TO SAY THAT THE DEMOCRATS DO NOT LIKE MRS PALIN NO MATTER WHAT SHE DOES OR SAYS.

BBT

Cô Thúy cho nghe một câu với IT IS NEEDLESS TO SAY coi.

LÃM THÚY

WITH THREE CHILDREN IN HIGH SCHOOL, IT IS NEEDLESS TO SAY THAT MY JOB AT HOME IS VERY DIFFICULT .

BBT

Khi nó là động từ, TO NEED có cách dùng hơi khác một chút. Các cô nên để ý.

NEED có thể được dùng như một trợ động tự (AUXILIARY VERB). Khi đó, NEED "cư xử" như CAN hay MAY, nghĩa là ngôi thứ BA số ít KHÔNG CÓ S, hệt như HE CAN, HE MAY. Theo sau là động từ nguyên mẫu không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO)

Thí dụ: HE NEED NOT COME. Cô Thúy cho một thí dụ với NEED dùng như một trợ động tự coi.

LÃM THÚY

Để Thúy … thời sự một chút nhé: PRESIDENT OBAMA NEED NOT BOW TO EMPEROR AKIHITO được không anh?

BBT

Được quá đi chứ. Còn cô QA?

QA

MY SON NEED NOT PAY TUITION FOR HIS UNDERGRADUATE DEGREE.

BBT

Trong thể hỏi, chúng ta đặt NEED lên đầu, theo sau là CHỦ TỪ (SUBJECT), tiếp theo là động từ nguyên mẫu không có TO. Đây là một câu phủ định về chuyện con trai cô QA được học bổng đi học nên không phải trả tiền học phí: HE IS ON SCHOLARSHIP SO HE NEED NOT PAY TUITION. Thúy đổi thành thể hỏi, tức là thể nghi vấn (QUESTION FORM hay INTERROGATIVE FORM) coi.

LÃM THÚY

NEED HE PAY TUITION?

BBT

Còn cô QA, cô đặt câu hỏi ông Obama có cần cúi đầu khi chào Nhật Hoàng thì cô nói làm sao?

QA

NEED HE BOW TO EMPEROR AKIHITO?

BBT

Nhưng khi NEED là động từ chính (MAIN VERB) thì chúng ta phải dùng nó như các động từ khác.

Thí dụ HE NEEDS A NEW PAIR OF GLASSES. Cô Thúy thấy khác không?

LÃM THÚY

Lần này nó là động từ chính. Ngôi thứ BA phải có S. Khi nó trợ giúp cho một động từ khác, thì nó là trợ động từ ( AUXILIARY VERB), nó không có S trong ngôi thứ BA số ít.

I KNOW HE IS VERY BUSY SO HE NEED NOT ANSWER MY LETTER.

Khi nó là động từ chính, ngôi thứ BA số ít phải có S: SHE NEEDS A DRIVER.

BBT

Khi ấy, câu hỏi sẽ như thế nào, cô QA?

QA

Khi ấy chúng ta phải dùng TO DO để hỏi và TO DO cho thể phủ định.

SHE NEEDS A DRIVER là xác định (AFFIRMATIVE)

DOES SHE NEED A DRIVER? là nghi vấn, là thể hỏi (INTERROGATIVE).

SHE DOES NOT NEED A DRIVER là thể phủ định (NEGATIVE)

BBT

THUY, DO YOU NEED MORE EXPLANATION?

LÃM THÚY

NO, I DON’T NEED MORE EXPLANATION. NEED WE SPEND MORE TIME ON THIS VERB?

QA

NO I NEED NOT.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.

May 12, 2011

May 13, 2011

Ngày 9 tháng 5 năm 2011

Ban ta

Cuốn The Wedding Workout làm cho những điều tôi nghĩ về các cụ Nguyễn Trãi và Lê Quí Ðôn là sai hết. Từ lâu, tôi vẫn nghĩ các cụ là những người chu đáo: Nguyễn Trãi có bài khuyên con gái trước khi về nhà chồng; Lê Quí Ðôn thì có bài kinh nghĩa đầu bài lấy từ chữ kinh Lễ: "Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử " nghĩa là mày (đại danh từ "mày" là nguyên văn của Lê Quí Ðôn) về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái lời chồng...

Các cụ chỉ răn dậy các cô dâu theo lời Khổng Tử khi xuất giá cố giữ đúng tam tòng tứ đức. Bài kinh nghĩa của Lê Quí Ðôn hay tuyệt: tác giả cài được vào trong bài bao nhiêu là ca dao, tục ngữ quen thuộc để răn dậy cô dâu. Nhưng tuyệt nhiên cụ Lê cũng như cụ Nguyễn đều không dậy các phụ nữ trẻ của chúng ta ngày trước những điều ghi trong cuốn The Wedding Workout của Tracy Effinger và Suzanne Rowen.

Không cần phải cặn kẽ và chi tiết làm đỏ mặt những người yếu bóng vía (?) như những cuốn sách gối đầu giường in bằng mộc bản mà các cô dâu Nhật và Trung Hoa dấu dưới gối từ mấy thế kỷ nay, cuốn The Wedding Workout chỉ gồm những bài tập giúp các cô dâu sắp lên xe hoa có được thân thể dẻo dai, mềm mại (flexibility) và dáng bộ đứng ngồi cho đẹp (posture). Ngoài ra, những bài tập này, theo hai tác giả, cũng sẽ giúp cho máu lưu thông điều hòa, xương cốt (?) cứng cáp.

Toàn là những điều có lý cả. Nhưng khi xem những bức hình trong sách thì những điều đó lại càng có lý hơn nữa.

Thí dụ bài tập cánh tay trên chẳng hạn. Cô dâu tương lai, theo bài tập này, sẽ ngồi xuống sàn, hai tay đặt ra đằng sau, chống xuống sàn. Hai chân cũng đặt trên sàn. Từ từ nâng người lên, giữ cho thân mình thẳng song song với sàn nhà. Hạ thấp người xuống sàn cho đến khi tay gập lại ở khuỷu thành một góc 90 độ.

Sách cũng dậy tập lưng, tập bụng để làm mạnh các bắp thịt ở lưng và ở bụng. Nhưng có mô tả ra cho rành rẽ cách mấy bạn cũng khó mà có thể hình dung ra được. Chi bằng mua một cuốn về xem hình mà tập là hợp lý nhất. Vì những hình chụp của Albane Navizet trong cuốn sách này cũng rất đáng xem.

Như vậy, trước khi lên xe hoa, các cô dâu cũng cần phải tập dữ như vậy đó. Tập để làm gì? Ðể cho các bắp thịt làm việc khỏe chứ gì nữa. Bắp thịt tay, bắp thịt lưng, bắp thịt bụng. Toàn những bắp thịt hữu dụng về mặt chiến lược cả.

Trong khi bài kinh nghĩa của Lê Quí Ðôn thì chỉ dậy toàn những "khi anh nó hoặc ra xô xát chi lời, cũng tươi, cũng đẹp, cũng vui cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể lể... chớ cậy khôn, cậy khéo, cậy duyên, cậy tài: khi anh nó hoặc nổi bầng bầng chi sắc, thì lạy, thì van, thì lễ phép, đừng học chi những tuồng đĩ thõa mà hoặc dây mơ rễ mái chi lôi thôi... Ðời có kẻ xem chồng như đứa ăn, đứa ở, thậm đến điều mày tớ chi khinh. Chẳng biết rằng ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người...Ðời có kẻ giận chồng mà đánh con, đánh cái, thậm chí đến mày tao chi quá. Chẳng biết rằng khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy có vụng dại cũng là đàn ông..."

Toàn là những chuyện đâu đâu. Bây giờ, để sửa soạn cho ngày lên xe hoa, phải là những bài tập trong cuốn The Wedding Workout mới được.

Phen này có sách mới, các cô dâu trong lúc chờ đến ngày lên xe hoa, có thể lôi sách ra tập lia lịa cho tay to, lưng thẳng, bụng nhỏ, bắp thịt đâu ra đấy, sai khiến cái bắp, cái cơ nào là nó tuân theo răm rắp. Muốn co là nó co, muốn bóp là nó bóp... chết luôn. Vậy mới hay chứ lôi kinh Lễ ra mà "vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử" làm quái gì.

Mấy cuốn sách Nhật với lại Tầu in mộc bản của các cô dâu thời trước cứ là đi đứt. Chấp luôn cả Kama Sutra luôn.

Có điều đến bây giờ, khi chúng ta không còn cần nữa thì nó mới ra đời là thế nào? Tại sao nó không xuất hiện... vài (?) "thập niên tiền" khi chúng ta còn "nhị thập tam"?


Ngày 11 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Thỉnh thoảng nhìn một hai người bạn của tôi đứng nấu nướng trong bếp, tay dao, tay chảo, tay nồi, tay đũa, và mặc dầu các chàng chưa giỏi đến độ khiến người đứng coi phải nổi cơn ghen tài lồng lộn lên như người đàn ông chủ quán ăn mà Võ Phiến mô tả trong một tùy bút của ông, tôi cũng đã thấy chán tôi vô cùng.

Chưa bao giờ nấu lấy được cho mình một bữa ăn, có lẽ tôi phải là một trong số những người đàn ông vô tích sự nhất Việt Nam quốc gia cũng như Việt Nam cộng sản. Những người đàn ông này, từ những năm thơ ấu, đã được rót vào tai vài ba câu đại khái “Ðàn ông con trai không được vào bếp, xấu lắm!

Rồi sau đó, lớn lên, tôi thấy quả thực là vào bếp thì … xấu thật, và do đó rất không nên vào bếp, nhất là sau mấy nỗ lực thảm bại với chính sách “bếp nhà, ta nấu”, và câu “... với sức người, gạo Ông Phật (?) cũng thành cơm...” vân vân.

Vì thế, cái bếp của tôi là cái bếp sạch nhất California. Ai đến thăm cũng phải tấm tắc khen là lúc nào cũng toàn mùi pot pourri hoa chanh, hoa đào, hơn đứt cái bếp của ông Mai Thảo trước đây.

Chưa nấu nổi cho mình được bữa nào thì làm gì có chuyện nấu cho người khác. Nhưng cũng vì thế, mà chưa ai là nạn nhân của tài làm bếp của tôi. Và tôi cũng không làm cho ai nhớ đến tài làm bếp của mình.

Nên khi nghe một cuốn sách có tên là The Ex Boyfriend Cookbook của Erin Ergenbright và Thisbe Nissen vừa được bầy bán, tôi nghĩ mình sẽ phải đi kiếm về đọc để xem những người đàn ông giỏi giang bếp núc để lại được những gì nơi hai người phụ nữ viết cuốn sách.

Thế rồi tôi nghĩ có lẽ cũng không nên mua cuốn sách này về nhà làm gì. Những người đàn ông bạn trai của Erin Ergenbright và Thisbe Nissen sẽ chỉ làm tăng thêm mặc cảm tự ti của những người đàn ông vô ích sự.

Những người đàn ông vô tích sự để lại được những gì sau khi liên hệ không còn tốt đẹp nữa? Chắc không bao nhiêu. Tài nấu mì gói và TV dinner của các chàng có gì để nói đâu, thì làm sao viết xuống được. Các chàng đi qua đời của các nàng không lưu lại được gì ngoài những cái thùng giấy đựng những gói mì ăn liền. Viết về các chàng chẳng lẽ kể về sở thích của các chàng: mì hai con cua ngon hơn mì Ðại Hàn; mì Thái Lan dở ẹc, thua xa mì Singapore; mì ly tiện hơn mì gói vì không phải rửa tô, cứ đứng cạnh thùng rác, ăn xong, buông tay là cái ly không rơi ngay vào thùng rác. Khỏi rửa tô, rửa chén, tiết kiệm được bao nhiêu nước cho thế giới đang càng ngày càng cạn dần tài nguyên này.

Có điều làm cho độc giả thắc mắc: nấu dở bị các nàng bỏ thì đáng đời và cũng là chuyện tự nhiên, nhưng nấu giỏi, giỏi đến độ các nàng phải xin recipe chỉ dẫn cặn kẽ cách nấu nướng thì tại sao lại bị... xù?

Hay hai người đàn bà này chỉ bắt bồ với các chàng để học của mỗi chàng vài ba món rồi nghỉ chơi với các chàng, thu thập đủ tài liệu để viết một cuốn sách thì thôi?

Các chàng dại vô cùng. Phải tay những người đàn ông được các bà mẹ Việt Nam dậy nấu nướng thì các nàng còn lâu mới viết được sách. Muốn học, thì chỉ, nhưng chỉ dẫn kiểu các bà mẹ Việt Nam thì các nàng vô phương học. Thí dụ: “Thêm một dúm muối vào chảo với một chút mỡ, để lửa liu riu cho đến khi miếng thịt săn lại thì lấy ra. Bỏ một vốc hành vào chảo, đảo qua trên bếp, lấy nhanh ra... là thành bún thang ngon hết sẩy!

Cứ dậy nhau nấu kiểu đó với những “dúm”, “liu riu”, “vốc”... thì cơm khó mà lành, canh khó mà ngọt được. Trở thành Ex Boyfriend, bạn trai mãn nhiệm (?) là đáng đời lắm!


Ngày 12 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Tuần qua, trong phụ trang quảng cáo địa ốc của tờ Washington Post, tôi đọc được một lời rao bán đất nghĩa trang rất lý thú.

Người rao bán chắc chắn phải là một người đàn ông tuy ông không nêu rõ tên mà chỉ cho biết số điện thoại. Và người đọc cũng tin rằng ông là người chồng trong một cuộc hôn nhân nửa đường đứt gánh. Ông muốn bán lô đất mà hai người mua chung khi bà còn sống.

Lời rao nguyên văn như thế này: Well kept cemetery lot for sale. Person occupying other half is very nice and beautiful, not the nagging, jealous type. All gentlemen over 65 are welcome to inquire with reasonable offers. Please call...

Miếng đất ông muốn bán không phải chỉ là một miếng đất bình thường như những miếng đất khác. Nó là một nửa của lô đất gồm hai miếng mà ông và bà đã mua với dự tính hai người sẽ ở cạnh nhau lúc sống cũng như lúc đã sang bên kia thế giới. Nhưng một nửa lô đất nay đã có người nằm, người chưa dùng đến nó muốn bán. Người rao bán không nêu lý do như chúng ta thỉnh thoảng đọc thấy trong những lời rao bán xe, bán nhà như đi xa, xuất ngoại vân vân. Chi tiết duy nhất về miếng đất như được gìn giữ, chăm sóc cẩn thận được ghi ngay trên đầu, để có thể hiểu là có trồng hoa, cỏ được cắt tỉa cẩn thận.

Nhưng chi tiết đó không phải là chi tiết đáng để ý nhất. Chính những chi tiết về người đang nằm ở nửa kia mới đáng nói.

Người đăng lời rao cho biết người đang nằm dưới đất là người đẹp và hiền, không phải là thứ hay mè nheo, ghen bậy, ghen bạ. Ông cho biết thêm một chi tiết khác về tuổi tác của nười nằm dưới khi mời các ông trên 65 gọi điện thoại nếu muốn mua đất.

Ðây là một người chồng tuyệt vời. Bà ra đi trước, ông làm đúng lời hứa của những cặp yêu nhau: Anh hứa là sẽ chôn em nếu không được thì em chôn anh. Ông sống với bà đến lúc bà đi. Như thế là ông đã chôn bà. Nghe thì rùng rợn nhưng nghĩ lại, những cặp vợ chồng nên đưa ra một lời hứa như thế. Phải hứa như thế mới nói được sự hết lòng với hôn nhân. Hứa yêu nhau đến lúc đầu bạc răng long là chưa đủ. Vẫn có thể tới lúc đầu bác, răng long, một trong hai bỏ đi theo mái tóc bạc và hàm răng long khác thì sao? Phải đem chôn mới chắc ăn.

Ông chôn bà, lại sửa sang phần mộ cho đẹp, trồng hoa, lập bia cho bà. Còn chuyện xuống ngay với bà thì có thể ông chưa sẵn sàng. Có thể thỉnh thoảng ông mơ thấy bà hiện về, bà nhắc ông mau xuống với bà, bà cô đơn, không có người đấm lưng, kể truyện tiếu lâm, pha cà phê cho bà uống buổi sáng, bóp chân cho bà... Ông nghe nhiều lần mà không làm được gì để chiều bà ngay, nên ông đăng báo tìm người chịu xuống sớm hơn với bà. Ðể đề nghị thêm hấp dẫn, ông cho biết bà rất hiền và đẹp, không mè nheo, ghen lồng lộn.

Thế nào miếng đất ông rao bán cũng sẽ bán được rất nhanh. Có thể ông chưa sẵn sàng để xuống ngay với bà, nhưng thiếu gì người ở nước Mỹ thỉnh thoảng lại phát điên hét toáng lên rằng thà chết còn sướng hơn là sống với những mè nheo sáng trưa chiều tối đó. Và đó là những người sẵn sàng mua miếng đất mà ông đang kiếm người để bán. Ðó có thể là những người không biết học đâu được câu nói lưu danh muôn thuở của Trần Bình Trọng, để thỉnh thoảng lại sửa đi một chút rồi gầm lên đưa ra so sánh giữa chuyện làm quỉ dưới âm còn hơn làm người đàn ông khốn khổ trên dương thế.

WestwoodH4E20090716 025

Tôi tin là số người điện thoại hỏi ông sẽ rất đông đảo. Nhất là những người biết là mấy năm trước, cái "ngăn kéo" bên cạnh cái "ngăn kéo"... đựng Marilyn Monroe ở một nghĩa trang tại Hollywood đã có người mua, Hugh M. Hefner, chủ bút tờ Playboy mua đứt.

Sau này, khi ông chủ miếng đất muốn thăm bà thì cũng dễ. Chỉ sợ lúc ấy, lại bị một cụ bà trông lạ hoắc kéo tay lôi phắt đi không cho đến gần cái nghĩa trang ở gần thủ đô mà thôi. Nhưng đã chắc gì cụ nằm dưới lại muốn cụ ông ghé thăm sau bao nhiêu lần nước đã chẩy qua cầu... ào ào?


Ngày 14 tháng 5 năm 2000

Bạn ta,

Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên thỉnh thoảng lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.

May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.

May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.

Nhưng đó là hơn hai mươi năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về cô. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.

Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.

Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.

Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.

Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamen caudate.

Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.

Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.

Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.

Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như ông thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:

...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.
..

Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.

Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.

Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.

Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.

Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.

Thế giới sẽ dễ sống biết là chừng nào.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


MẤY CÂU TỤC NGỮ

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Trúc Giang xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Một vài danh từ, hai ba động từ, những thành ngữ chúng ta nghe rất quen, mấy điểm văn phạm chúng ta đã quên, những cái kỳ quái của tiếng Anh sẽ được gửi tới quí vị trong những chương trình mỗi tuần Chương trình có một thành viên mới. Cô QA bận một số công việc mới khiến việc xuất hiện thường xuyên của cô trong các chương trình trở nên rất khó. Chương trình xin giới thiệu Trúc Giang, một người mà đài Hồn Việt kiếm mãi mới ra. Trúc Giang cũng như Lãm Thúy, sẽ là những đóng góp cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày.

TRÚC GIANG

Đây là thư của một khán giả, cụ Nguyễn Hồng Bảo ở San Francisco. Cụ muốn thầy kiếm cho cụ câu tục ngữ nào trong tiếng Anh tương đương với câu CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH. Mời thầy.

BBT

Tôi nghĩ có thể câu A ROTTEN APPLE SPOILS THE BARREL là câu gần với câu tục ngữ tiếng Việt CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH nhất. ROTTEN là thối, quá khứ phân từ của động từ TO ROT. Past Tense là ROTTED. Một quả táo thối làm hỏng luôn cả những quả táo khác trong thùng. BARREL là cái thùng.

LÃM THÚY

Nhân anh trả lời cụ Nguyễn Hồng Bảo, Thúy có ý kiến là nhờ anh dậy cho một số tục ngữ của Anh và Mỹ tương đương hay rất gần với những câu tục ngữ mà Trúc Giang và Thúy biết để thỉnh thoảng đem ra nói với lũ con ở nhà.

TRÚC GIANG

Đúng rồi, nhũng câu thật ngắn, gọn, mang nhiều ý nghĩa mà không phải dài dòng. Cháu nhớ câu này, muốn nói với các con mà không biết nói thế nào cho chúng nó hiểu. Câu này, cháu nghe của mẹ bao nhiêu lần: ẤU BẤT HỌC, LÃO HÀ VI nghĩa là bé không học, lớn làm gì. Chú nói câu này bằng tiếng Anh như thế nào?

BBT

Đây là một câu gần câu cách ngôn của Trung quốc mà cô hỏi nhá: A YOUNG IDLER, AN OLD BEGGAR. Rất gần thôi . TO IDLE là ngồi không, là không làm gì hết. Cô ngồi trong xe, cho xe nổ máy, không sang số để chạy. Đó là TO IDLE. Còn danh từ IDLER là một kẻ ăn không ngồi rồi, không chịu học hành làm lụng gì hết. Bé không học, già thì chỉ đi ăn mày. TO BEG là xin. BEGGAR là ăn mày, hành khất.

LÃM THÚY

Đây là câu Thúy đọc thấy trong một bài báo hồi năm Sửu, câu NGƯU TẦM NGƯU, MÃ TẦM MÃ . Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa. Đầu trâu mặt ngựa thì chơi với nhau. Người Mỹ và người Anh nói thế nào thưa thầy?

BBT

Gần với ý đó chắc phải là câu BIRDS OF THE SAME FEATHER FLOCK TOGETHER. Có khi nói là BIRDS OF A FEATHER FLOCK TOGETHER. FEATHER là lông. BIRDS OF THE SAME FEATHER là những con chim cùng một giống với nhau. TO FLOCK là họp lại thành bầy. A FLOCK là một bầy, một đàn như đàn gà, đàn vịt. TO FLOCK TOGETHER là họp thành đàn với nhau.

TRÚC GIANG

Hồi nẫy cháu đọc thiếu một câu hỏi khác của cụ Nguyễn Hồng Bảo. Cụ còn hỏi câu MỘT GIỌT MÁU ĐÀO HƠN AO NƯỚC LÃ tiếng Anh nói thế nào. Đây cũng là thắc mắc của cháu nên xin hỏi thầy luôn.

LÃM THÚY

Thúy biết câu này. BLOOD IS THICKER THAN WATER đúng không?

BBT

Đây là sự tương đồng hay tuyệt. Hai nền văn hóa khác nhau đã gặp nhau trong câu này. Cả hai đều dùng MÁU để nói về sự gần gũi, thân tình, liên hệ máu mủ. THICKER là đặc, là dầy, là không loãng. Loãng là THIN. THICK là dầy, đặc. Máu đặc hơn nươc lã thì đúng là một giọt máu đào hơn ao nước lã.

TRÚC GIANG

Đây là câu mà cậu hàng xóm nhà cháu hay bị ông bố mắng mà cháu nghe được . Đó là câu NHÀN CƯ VI BẤT THIỆN. Người Mỹ có nói câu nào tương tự như thế không thưa chú?

BBT

Có. Đó là câu CONSTANT OCCUPATION PREVENTS TEMPTATION. CONSTANT là luôn luôn, không dứt, không ngơi nghỉ. OCCUPATION là sự bận rộn, cũng có nghĩa là nghề nghiệp. TO OCCUPY là bận làm một chuyện gì đó. TO KEEP SOMEBODY OCCUPIED là cho ai việc gì làm để bận tay, bận chân. TO PREVENT là ngăn cấm, là tránh không để cho chuyện gì xẩy ra. TO TEMPT là cám dỗ. Khi nói I WAS TEMPTED nghĩa là tôi bị cám dỗ. I WAS TEMPTED TO SAY YES. I WAS TEMPTED BY THE ICE CREAM. TEMPTATION là sự cám dỗ. THE FIRST TEMPTATION là quả táo phải không hai cô. Toàn câu, CONSTANT OCCUPATION PREVENTS TEMPTATION nghĩa là bận rộn luôn tay thì tránh được những cám dỗ. Như vậy cũng rất gần câu NHÀN CƯ, ở không, VI BẤT THIỆN thì sẽ đưa tới những việc am không hay, không tốt.

LÃM THÚY

Con trai Thúy bữa nọ nói với Thúy là nó để dành bao giờ đủ tiền sẽ mua cho em gái nó món qùa sinh nhật lớn nhất từ trước tới nay. Thúy muốn bảo nó là đừng có nói trước như thế. Cứ chờ khi nào có đủ tiền hãy nói. Thúy muốn biết một câu như chuyện cô BÊ RẾÙT mang liễn sữa, tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện, cuối cùng bị té, liễn sữa đổâ hết.Thế là hết mộng mua gà, mua bò. QA nhớ đọc bài ngụ ngôn ấy của cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Anh cho một câu tục ngữ với ý nghĩa như vậy để Thúy lấy le với các con.

BBT

Cô có thể dùng câu này: DO NOT COUNT YOUR CHICKENS BEFORE THEY ARE HATCHED.

TRÚC GIANG

Cháu hiểu tất cả mấy chữ đầu: Đừng đếm những con gà của bạn trước khi chúng HATCH. HATCH là gì thưa chú?

BBT

Động từ TO HATCH là nở. THE EGGS HATCH AFTER 21 DAYS. A HATCHLING là con gà, con vịt, con chim mới nở.

TRÚC GIANG

Người Mỹ có nói THÙNG RỖNG KÊU TO không chú? Như người Việt hay nói rằng ông ấy hay "nổ" bậy lắm. Chẳng có gì hết nhưng nói thì cứ oang oang thôi.

BBT

Toi nghĩ đó có thể là câu EMPTY VESSELS MAKE THE MOST NOISE. VESSELS là cái tầu, cái thuyền, cái thùng, cái chậu. EMPTY là rỗng, là không có gì ở trong. EMPTY HANDED là tay không, là trắng tay. EMPTY VESSELS là những cái thùng không có gì ở trong . MAKE THE MOST NOISE là phát ra, làm ra nhiều tiếng động nhất.

LÃM THÚY

Anh nói chuyện thùng rỗng kêu to làm Thúy nhớ một người quen. Ông ấy nói tầm bậy tầm bạ, chẳng kiêng nể gì ai hết. Như vậy có phải là GẦN CHÙA GỌI BỤT BẰNG ANH không? Nếu vậy thì người Mỹ nói thế nào?

BBT

Có thể là câu này: FAMILIARITY BREEDS CONTEMPT.

FAMILY là gia đình . FAMILIARITY là thân quen như trong gia đình. HE LOOKS FAMILIAR nghĩa là ông ấy trông quen quen. TO BREED là nuôi, lấy giống, làm phát sinh. DOG BREEDERS là người chuyên nuôi chó lấy giống để bán. CONTEMPT là khinh nhờn, lờn mặt.

CONTEMPT OF COURT là tội khinh mạn tòa án, nhục mạ thẩm phán.

FAMILIARITY BREEDS CONTEMPT là sự thân mật quá đáng sẽ làm phát sinh ra thái độ lờn mặt, bất kính. Gần chùa gọi Bụt bằng anh chắc cũng là như thế.

TRÚC GIANG

Như thế thì chắc cũng không khác gì câu ĐƯỢC ĐẰNG CHÂN LÂN ĐẰNG ĐẦU phải không chị Thúy? Vậy nói tiếng Anh thì phải nói thế nào thưa thầy?

BBT

GIVE SOMEONE AN INCH AND THEY WILL TAKE A MILE chắc là câu tương đương với câu của Trúc Giang hỏi. Cho ai một INCH thì rồi người ấy đòi một MILE.

LÃM THÚY

Câu anh vừa nói có phải là DỤC TỐC BẤT ĐẠT không thưa anh?

BBT

Không phải. Chắc cô nghe INCH với MILE nên nghĩ đó là chuyện di chuyển, chạy nhanh phải không? DỤC TỐC BẤT ĐẠT là muốn nhanh thì hỏng việc, thì không thành công, không tới được đích. DỤC TỐC BẤT ĐẠT là HASTE MAKES WASTE. HASTE là vội vàng. WASTE là phung phí, phí phạn. Vì muốn làm cho nhanh, thì có khi hỏng việc, phải làm lại, thế là phung phí thời gian và vật liệu. Đó là DỤC TỐC BẤT ĐẠT.

TRÚC GIANG

Mẹ Trúc Giang thỉnh thoảng hay nói câu này: CƯỜI NGƯỜI CHỚ VỘI CƯỜI LÂU / CƯỜI NGƯỜI HÔM TRƯỚC, HÔM SAU NGƯỜI CƯỜI. Trong tiếng Anh có câu giống câu của mẹ cháu hay nói không?

LÃM THÚY

Thúy biết câu này. Cũng lại học của con đó: HE LAUGHS BEST WHO LAUGHS LAST phải không thưa anh?

BBT

Câu tôi biết thì hơi khác một chút. Nhưng cả hai đều cùng một nghĩa.

HE WHO LAUGHS LAST WILL LAUGH BEST nghĩa là người cười cuối cùng là người cười được nhiều nhất vì sau đó, không còn ai cười người đó nữa.

TRÚC GIANG

Đây cũng là câu Trúc Giang học được của mẹ: CHA NÀO CON NẤY. Người Mỹ sẽ nói thế nào thưa chú?

BBT

Người Mỹ có 1 câu giống hệt như vậy. Hình như cô Thúy biết phải không?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ đó là câu LIKE FATHER, LIKE SON.

TRÚC GIANG

Thưa chú, có câu này tiếng Việt nói thế nào cháu biết mà quên mất rồi. Đó là câu chữ Hán. Tiếng Anh, nói NOBODY IS PERFECT thì mình nói thế nào. Cháu biết đây là một câu chữ Hán mà nhớ không ra.

LÃM THÚY

NHÂN VÔ THẬP TOÀN, không có ai tốt được cả 10 phần. Đúng không?

BBT

Bây giờ tôi đố hai cô câu này NOTHING VENTURED, NOTHING GAINED có câu nào tương tự trong tiếng Việt không? TO VENTURE là phiêu lưu, là liều. ADVENTURE là cuộc phiêu lưu. TO GAIN là có được, là được, là chiếm được, đoạt được. TO GAIN WEIGHT là điều hai cô sợ lắm.

TRÚC GIANG

TO GAIN WEIGHT là lên ký phải không thưa chú? NOTHING VENTURED, NOTHING GAINED nghĩa là không liều thì không có được. Cháu nhớ có nghe mẹ ở nhà nói cái gì như là không vào hang cọp, thì không bắt được cọp con phải không ?

BBT

Câu ấy chúng ta mượn của người Trung Hoa: BẤT NHẬP HỔ HUYỆT , AN ĐẮC HỔ TỬ. Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con. Đố hai cô thêm câu này nữa nhá: OUT OF SIGHT, OUT OF MIND.

LÃM THÚY

Phải XA MẶT CÁCH LÒNG không ?

BBT

Đúng vậy. SIGHT là thị giác, là tầm nhìn. MIND là đầu óc. Không ở trong tầm nhìn thì cũng không còn ở trong trí nữa. Xa mặt cách lòng. Nhưng cũng có khi ngược lại: ABSENCE MAKES THE HEART GROW FONDER nghĩa là sự xa cách lại làm cho tình cảm sâu đậm hơn.

TRÚC GIANG

Có câu này bây giờ chắc ở Mỹ không ai làm nữa nhưng cháu vẫn muốn hỏi chú: YÊU CHO ROI CHO VỌT, nghĩa là dậy con phải có cái roi như mấy ông bố hồi xưa vẫn áp dụng. Người Mỹ có roi vọt không thưa chú?

BBT

Có chứ . Câu cô hỏi rất gần với câu này: SPARE THE ROD AND SPOIL THE CHILD. Động từ TO SPARE là chừa ra. Trời mưa thì mặc Trời mưa / Tôi không có áo Trời chừa tôi ra. TO SPARE cũng có nghĩa là để dành, là không dùng đến. THE ROD là cái roi. TO SPOIL là làm hỏng. THE RAIN SPOILS THE PICNIC nghĩa là trận mưa làm hỏng bữa ăn ngoài trời.

SPARE THE ROD AND SPOIL THE CHILD là không đòn vọt là làm hư đứùa trẻ.

LÃM THÚY

Câu tục ngữ này có câu tương đương trong tiếng Anh không thưa anh? VẮNG CHÚA NHÀ, GÀ MỌC ĐUÔI TÔM.

BBT

Câu cô Thúy dẫn sai một chi tiết nhỏ. Không phải là GÀ MỌC ĐUÔI TÔM. Gà mọc đuôi tôm thì không có ý nghĩa gì hết. GÀ VỌC NIÊU TÔM thì có lý hơn. Tục ngữ Anh có câu này: WHEN THE CAT IS AWAY, THE MICE PLAY nghĩa là khi mèo đi vắng thì lũ chuột mở party.

TRÚC GIANG

Nói tới cái niêu tôm thì cháu nghĩ tới một câu tục ngữ Anh mà cháu không nhớ hết , đại khái câu gì có chữ BROTH là nồi canh ở trong. Câu ấy nguyên văn thế nào, thưa chú?

BBT

Tô nghĩ Trúc Giang định nói câu này: TOO MANY COOKS SPOIL THE BROTH phải không. Nhiều đầu bếp quá thì nồi canh bị hỏng. Đúng không?

LÃM THÚY

Người Việt hình như nói hơi khác một chút: LẮM THẦY THỐI MA phải không anh? Nhiều thầy pháp quá, ông đòi thế này, ông đòi thế kia, người chết thì cứ nằm đó. Cho Thúy hỏi TAI VÁCH MẠCH DỪNG tiếng Mỹ nói làm sao?

BBT

Thì cô cứ dịch thẳng là ra ngay: NHỮNG CÁI TƯỜNG CÓ TAI...

LÃM THÚY

Phải WALLS HAVE EARS không? Thế bây giờ nói NHẬP GIA TÙY TỤC hay ĐI XỨ LÈO ĂN MẮM NGÓE thì nói tiếng Anh thế nào?

TRÚC GIANG

Trúc Giang biết câu này trong tiếng Mỹ vì cháu đang định đi Âu châu mùa hè tới: Phải đó là WHEN IN ROME, DO AS ROMANS DO không?

BBT

Cô rất xứng đáng để đi Âu châu rồi cô biết không? Khi ở La Mã thì phải làm như người La Mã. Nghĩa là ăn pizza và spaghetti chứ đừng có đòi ăn phở nghe chưa.

LÃM THÚY

Anh cho hỏi CÓ CHÍ THÌ NÊN nói tiếng Anh là làm sao?

BBT

IF YOU HAVE LICE, YOU SHOULD WASH YOUR HAIR.

TRÚC GIANG

Cháu nghĩ là chú diễu. Câu ấy dịch sang tiếng Việt là CÓ CHÍ THÌ NÊN GỘI ĐẦU phải không chú?

BBT

Ủa tôi tưởng cô Thúy hỏi vậy đó chứ. Thôi, nói đùa mãi. CÓ CHÍ THÌ NÊN tiếng Anh nói là WHERE THERE IS A WILL, THERE IS A WAY nghĩa là ở đâu có ý chí, có quyết tâm thì ở đó có một con đường để đi.

LÃM THÚY

Mấy hôm trước trời mưa dữ quá. California thường thì ít mưa, nhưng mấy hôm trước thì không thiếu mưa. Anh có câu tục ngữ nào về những trận mưa mới đây không?

BBT

Có chứ: IT NEVER RAINS BUT IT POURS. Họa vô đơn chí là ý nghĩa của câu tục ngữ đó.

LÃM THÚY:

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Trúc Giang và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tới.