May 5, 2011

May 6, 2011

Ngày 2 thang 5 năm 2011

Bạn ta,

Bây giờ Osama Bin Laden đằng nào cũng đã chết rồi. Nhưng có một số người nhất định không ngừng ở đó. Chó chết nhưng những người này không cho là hết chuyện.

Một số chi tiết vừa được tiết lộ thêm về vụ bắn hạ Osama khiến nhiều người đòi làm rõ thêm nội vụ và bắt đầu bắt bẻ việc làm của toán biệt kích được gửi tới Abbottabad để giết Osama.

Tin tức ban đầu của tòa Bạch Ốc nói là Osama Bin Laden dùng súng chống lại biệt kích và bị bắn chết khi không chịu buông súng. Nhưng trong cuộc họp báo hôm sau, phát ngôn viên tòa Bạch Ốc lại nói là Bin Laden không mang súng , không chống cự khi bị bắn.

Lập tức một số người liền nhẩy dựng lên, nói rằng nước Mỹ, và toán biệt kích đã không hành xử đúng cách. Đáng lẽ khi thấy Osama Bin Laden không có võ khí trong tay, lực lượng Mỹ chỉ nên bắt sống, đưa đương sự ra tòa chứ không nên vô cớ bắn chết người như thế.

Thế rồi người ta còn đòi nước Mỹ phải làm thêm nhiều chuyện khác nữa. Thí dụ việc chôn cất phải diễn ra đúng theo luật của Hồi giáo như phải chôn xuống đất, đầu người chết phải hướng về Mecca vân vân. Chứ thủy táng như thế làm sao Osama Bin Laden chạy được lên thiên đường để được 72 trinh nữ đón như chàng vẫn mơ ước.

Những người làm nghề hành khất vẫn thường bị chê trách trò đòi xôi gấc của họ, nhưng so với những đòi hỏi mà người ta nghe thấy quanh cái chết của Osama Bin Laden thì mấy ông mấy bà ăn mày vẫn chưa đáng để bị chê trách như thế.

Người ta đòi toán biệt kích phải anh hùng mã thượng, không được dùng súng, phải tay không bắt Osama mang về giam ở Guantanamo rồi chờ ông Eric Holder, bộ trưởng Tư Pháp đưa ra tòa dân sự ở New York xử cho đúng đường lối pháp trị của nước Mỹ.

Rất may nhưng điều đó không xẩy ra. Bin Laden bị bắn hai phát chết tại chỗ. Khỏi tốn cơm tù, khỏi phải cho người hầu hạ, thủng thẳng đưa ra tòa tốn kém công quĩ hàng trăm triệu đô la chơi.

Những người đòi dành cho Osama Bin Laden những cách đối xử khác đã quên cách đối xử mà những tên khủng bố đàn em của Osama Bin Laden dành cho hơn ba ngàn người ở Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở New York, ở Ngũ Giác Đài, ở một cánh đồng thuộc Shanksville tiểu bang Pennsylvania hôm 11 tháng 9 năm 2001.

Tất cả những người chết đều không mang võ khí trong tay. Bất chấp điều đó, tất cả đều bị tiêu diệt tức khắc một cách tàn bạo, chết không toàn thây, không hề được bắt đưa đi xử bằng luật sharia của Hồi giáo bao giờ. Một số xác của những người này đã tan vào đống gạch vụn của những kiến trúc bị những chiếc phản lực cơ phá tan tành. Nhiều người cũng không được chôn cất tử tế.

Có ai đòi cho họ được đối xử tốt đẹp hơn trong loạt khủng bố đó đâu?

Vậy mà bây giờ lại có những người đòi phải đối xử với một tên giết người dã man kinh tởm như thế một cách tử tế là thế nào? Cứ nghĩ vậy là lại muốn dùng câu cuối của bài Hịch Đuổi Kẻ Ăn Mày của cụ Tản Đà mà văng ra rằng "Có con c… ông!"

Nhặt lên mang về luộc mà ăn với nhau nhé.

Mẹ kiếp có súng phải bắn đã đành. Không có súng càng nên bắn. Dễ trúng hơn và dễ chết hơn. Một phát vào ngực. Một phát vào mặt, bay luôn một mảng sọ. Xác đổ cái rầm xuống. Máu phun ra một đống trên sàn nhà. Gói cái xác lại, mang lên trực thăng bay ra hàng không mẫu hạm ném xuống biển cho mát là tử tế lắm rồi. Đòi hỏi chi nhiều quá vậy.

Muốn một trận quyết đấu với Gary Cooper trong High Noon hay với Kirk Douglas trong Gunfight At The OK Coral chăng?


Ngày 4 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Thời đại mới, đời sống mới… vậy thì chuyện hăm dọa, thề bồi cũng phải được hiện đại hóa cho kịp với nếp sống mới.

Ngày xưa, hai kẻ yêu nhau có thể tìm cách giữ nhau bằng những câu hăm dọa như em mà bỏ anh, anh biến thành con ma, anh về bóp cổ cho em chết lè lưỡi ra mà coi. Hay nếu không, tha thiết hơn, thì rằng em mà không lấy anh thì không thằng nào đụng được vào em nữa đâu. Anh sẽ ôm em cho em … hôi giống anh là không ai dám lại gần nữa cho em chết già làm nghề giải đáp tâm tình phụ nữ vô duyên không ai thèm nghe … à nha.

Nhưng mấy câu như thế chắc khòng ăn thua gì nữa. Bây giờ phải đánh vào túi tiền thì may ra nàng mới sợ. Một người đàn ông Ý đã làm đúng điều đó. Hóa ra những người đàn ông Ý, những người vốn "nòi tình" (chữ của Chu Mạnh Trinh trong bài Vịnh Kiều) mà cũng khốn khổ như thế đấy.

Chàng 32 tuổi, được nàng chịu cho bàn tay. Hai người tổ chức lễ cưới nhưng hôm đám cưới, chàng đến nhà thờ, có cha bên cạnh sửa soạn làm phép cưới cho đôi trẻ thì nàng đổi ý, nhờ cậu em chạy đến nhà thờ, nói lại với chàng ràng nàng đã đem lòng yêu một người khác rồi, chàng nên dẹp lễ cưới đi không thì phí tiền.

Chàng liền kiếm luật sư đưa nàng ra tòa đòi bồi thường 500 ngàn Euro, tương đương với khoảng 743 ngàn đô la Mỹ. Trong đơn , chàng nói là chàng bị tổn hại về tình cảm và tài chính sau khi thuê một chiếc villa ở Roma để làm đám cưới, giữ chỗ đi trăng mật ở Nam Thái Bình Dương và sửa sang lại căn apartment theo ý nàng để hai người dọn vào.

Bây giờ nàng đổi ý, mọi sửa soạn, giàn xếp đều phải dẹp hết.

Bắt đền đấy.

Chàng nhất định đưa nàng ra tòa, đòi đúng bằng ấy tiền bồi thường cho nàng chừa cái … tật dám bỏ chàng đi theo thằng đĩ chó khác. Phải kiện chứ. Bị xù như vậy thì quê lắm. Mà càng đâu có dở gì cho cam. Mới 32 tuổi, lại có tiền có bạc, chiều nàng đến điều vậy mà vẫn bị bỏ thì có tức không cơ chứ.

Nhờ chàng, từ nay, những cách hăm dọa của các cặp nam nữ cũng sẽ khác đi.

Câu người Mỹ hay nói "You will hear from my lawyer!" bây giờ lại càng có thêm ý nghĩa. Và câu tôi nghe được từ miệng mấy người bạn hồi còn nhỏ bỗng vang vang trong tai: " Ông thì bỏ tù mọt gông cả lò nhà mày nhá" bỗng dưng nghe lại có lý vô cùng.


Ngày 5 tháng 5 năm 2011

Bạn ta,

Tôi không bao giờ dám coi rẻ những bàn tay của người nông dân. Không bao giờ dám nhận là nhất sĩ nhì nông. Nhận như thế rồi khi hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ hay sao?

Nguyễn Khuyến đỗ mấy kỳ thi, hoạn lộ hanh thông như thế, đến lúc chán làm quan thì về làng Bùi ở Hà Nam sống như một ông nông dân. Bùi Hữu Nghĩa cũng vậy. Tác giả Kim Thạch Kỳ Duyên cũng bằng cấp đầy mình , chán làm quan về quê làm ruộng. Nhưng cũng có những trường hợp làm nông dân bất đắc dĩ như người đàn ông tên là Trần Văn On trong một bài báo tôi mới đọc được do một người bạn gửi cho.

Người đàn ông này nói là ông học xong tú tài năm 1968 thì có lệnh tổng động viên. Ông gia nhập không quân Việt Nam Cộng Hòa. Được gửi sang Hoa kỳ học lái máy bay chiến đấu, sau 18 tháng, về nước ông được cho lái phản lực cơ A-37.

Sau khi Đà Nẵng thất thủ, phi công Trần Văn On bỏ theo Cộng Sản và cùng với 4 phi công khác dùng phi cơ oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất ngày 28 tháng 4 năm 1975.

On được dùng thêm vài năm nữa trong vai trò phi công. Sau cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, On xin ra khỏi không quân về làm ruộng ở Tiền Giang, sống một cuộc sống cơ hàn, đi cầy nuôi 6 con. Vợ của On nguyên là một cô giáo đã phải bỏ nghề để đi cầy với chồng.

Hơn ba mươi năm làm ruộng, Trần Văn On và vợ vẫn chỉ có được một căn nhà nhỏ, ruộng phải chia cho con lớn đã ra ở riêng.

Trong căn nhà , gia chủ treo một huân chương chiến công giải phóng hạng nhất có ghi rõ tên tuổi. Nhưng theo bài báo của tờ Pháp Luật thì sau 36 năm, nhà nước vẫn chưa công nhận Trần Văn On là cựu chiến binh.

Có thể ở Việt Nam ngay những kẻ phản bội cũng không có một thứ qui chế nào chăng?

Tưởng theo cách mạng làm được nên vương nên tướng gì chứ về nuôi heo nái vẫn không đủ sống thì theo cách mạng làm con chó gì. Khốn khổ khốn nạn cho cậu phi công Trần Văn On là vậy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Nhân mới đây QA nghe lại bài Diana của Paul Anka, thấy câu YOU AND I WILL BE AS FREE, AS THE BIRDS UP IN THE TREES nên QA nghĩ trong Anh ngữ chắc phải có nhiều kiểu so sánh và ví von như thế lắm. Trong bài học chiều nay, QA nhờ thầy dậy cho những câu dùng để so sánh, hay ví von trong tiếng Anh. QA thấy có một số câu ví von của người Anh và người Mỹ rất giống như cách chúng ta nói trong tiếng Việt như AS HARD AS IRON, AS HEAVY AS LEAD, AS LIGHT AS A FEATHER, AS QUICK AS A FLASH .... Nhưng cũng có những cách so sánh hoàn toàn khác với chúng ta phải không Lãm Thúy?

LÃM THÚY

Đúng vậy. Chúng ta nói DỄ NHƯ ĂN CƠM SƯỜN nhưng người Mỹ chắc không nói như thế. Người Mỹ cả đời có ăn đĩa cơm sườn nào đâu mà ví von như chúng ta.

BBT

Đúng như cô Thúy nói, người Mỹ không nói AS EASY AS EATING A PLATE OF RICE AND RIBS mà họ nói là dễ như ABC. AS EASY AS ABC. Nhưng tôi xin nói ngay ở đây là tôi sẽ không thể đem hết những câu ví von của người Mỹ ra nói trong một bài học. Tôi sẽ chỉ nêu ra những cách ví von rất đặc biệt của tiếng Anh, có khi rất lạ lùng, rất khó hiểu nhưng lại rất hay gặp khi chúng ta nghe người Mỹ và người Anh nói chuyện. Một số những câu ví von khác, chúng ta có thể cứ dịch thẳng từ tiếng Việt sang, người nghe vẫn có thể suy nghĩ một lúc là hiểu được ngay.

QA

Tuy nhiên, nếu dịch tối như hũ nút, tối như đêm Ba Mươi, tối như bưng sang tiếng Anh thì cũng không cách gì hiểu được.

BBT

Tôi đề nghị là trước tiên, chúng ta học những cách ví von trong tiếng Anh nhưng lại rất giống cách chúng ta nói trong tiếng Việt bằng cách dịch những câu ví von tiếng Việt sang tiếng Anh như những câu cô QA vừa kể ra ở trên.

Thí dụ trắng như tuyết là AS WHITE AS SNOW. Tôi sẽ đưa ra một câu cho cô Thúy để cô dịch sang tiếng Anh. Sau đó, cô Thúy sẽ đố cô QA một câu, cô QA trả lời, rồi sau đó, cô QA đố lại cô Thúy một câu ví khác. Cô Thúy dịch thử câu ví von này sang tiếng Anh coi: đẹp như tranh …

LÃM THÚY

AS PRETTY AS A PICTURE. Khỏe như trâu.

QA

AS STRONG AS AN OX. Đen như than.

LÃM THÚY

AS BLACK AS COAL. Xẹp lép như cái bánh kẹp.

QA

AS FLAT AS A PANCAKE. Cứng như đá.

LÃM THÚY

AS HARD AS ROCK. Ngu như lừa

QA

QA chịu thua. Nhưng QA cũng không nghĩ lừa là giống vật ngu xuẩn.

BBT

Cô QA nói đúng. Người Anh người Mỹ nói AS STUBBORN AS A MULE nghĩa là cứng đầu, bướng như con la. Những điểm tương đồng giữa những câu ví của Việt Nam với Mỹ có lẽ cũng chỉ có thế. Như đã nói ở trên, tôi sẽ kể ra đây một số câu ví trong tiếng Anh hơi kỳ cục một chút nhưng chúng ta nên biết vì đó là cách nói đặc biệt của họ. Thí dụ AS AMERICAN AS APPLE PIE. Mỹ như cái bánh táo. Người ta nói như thế vì món bánh táo là món đặc biệt của người Mỹ, hệt như bánh chưng của người Việt Nam vậy.

QA

Người Mỹ có nói giống nhau như hai giọt nước không anh?

BBT

Không. Tiếng Anh nói AS ALIKE AS TWO PEAS IN A POD, giống nhau như hai hạt đậu trong trái đậu. Hai cô biết con hải ly chứ, con beaver trong tiếng Anh, con vật biểu tượng cho nước Canada. Con hải ly lúc nào cũng bận rộn, thoăn thoắt xây những cái đập của chúng. Vậy thì người Anh sẽ dùng nó để ví von chuyện gì?

LÃM THÚY

Về sự bận rộn luôn tay của nó, chúng ta nói AS BUSY AS A BEAVER. Ở Mỹ không có bèo nên không ai ví rẻ như bèo. Người ta nói rẻ như gì thưa anh?

BBT

AS CHEAP AS DIRT, rẻ như bụi đất. Chúng ta nói sạch như lau như ly. Cái còi dùng để cho vào miệng thổi nên chúng ta không nỡ để cho nó dơ dáy. Vậy thì cô QA sẽ nói thế nào nếu cái còi tiếng Anh là A WHISTLE?

QA

AS CLEAN AS A WHISTLE. QA biết một câu ví rất lạ lùng AS CUTE AS A BUTTON. Tại sao vậy thưa anh?

BBT

Tại vì người Anh , người Mỹ thấy cái nút áo … xinh quá nên nói như thế. Chúng ta thì không thấy như vậy. Cái cúc áo có gì mà xinh để ví von AS CUTE AS A BUTTON! Hai cô nên nhớ là chúng ta, ngay khi cùng là người Việt Nam, cùng nói tiếng Việt, vẫn có thể nhìn sự vật rất khác nhau. Ông Nguyễn Tất Nhiên viết: Em hiền như ma soeur nhưng một người bạn của tôi học trường ma soeur thì lại không nghĩ như thế. Những người thuộc các xã hội, văn hóa khác thì lại càng khác chúng ta về cách nhìn. AS FRESH AS A DAISY là tươi như hoa cúc. Ông Nguyên Sa thấy mầu áo vàng thì về yêu hoa cúc. Một thi sĩ Mỹ có thể sẽ không thấy như thế. Tôi mà thấy áo nàng vàng thì về yêu lọ mù tạc để ăn với miếng steak chẳng hạn. Nhưng người Mỹ lại nói là AS KEEN AS MUSTARD, nghĩa là sâu sắc như mù tạc. AS HIGH AS A KITE thì tạm hiểu được: cao như diều. Thế còn AS NEAT AS A NEW PIN là gì, cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

AS NEAT AS A NEW PIN là gọn gàng như cái kim mới. Thúy nghĩ cái kim mới thì sạch chứ sao lại NEAT, gọn gàng?

QA

Thì văn hóa, cách nhìn khác nhau như ông thầy nói mà. Thế còn thưa anh, câu ví von này nghĩa là gì: AS NUTTY AS A FRUIT CAKE?

BBT

Hai cô chắc biết món fruit cake chứ. Giáng Sinh là dịp người ta hay ăn thứ bánh này. Fruit cake là món bánh cũng chẳng ngon gì. Fruit cake làm bằng trái cây khô và vài ba thứ hạt như hạnh nhân, hột điều. Mấy thứ hạt đó, tiếng Anh là NUT. Nhưng NUTTY vừa có nghĩa là có nhiều hạt, lại còn có nghĩa là khùng khùng, điên điên, dở người. AS NUTTY AS A FRUIT CAKE là điên điên , khùng khùng như cái bánh fruit cake. Nhưng trong tiếng lóng Mỹ, danh từ fruit cake vừa là một người ngu đần, vừa là một người đàn ông đồng tính luyến ái. Câu ví trên có hai ba nghĩa khác nhau, muốn hiểu thế nào cũng được.

LÃM THÚY

Thế còn tại sao người ta lại nói là AS PROUD AS A PEACOCK?

QA

Thúy thấy mấy con công đi đứng không? Nhất là khi mấy anh công muốn giựt le mấy chị công. Chao ôi, vừa xòe lông cánh, lông đuôi ra, luôn cả mấy cái lông trên đầu cũng dựng lên, kêu quác quác rồi lại đi vòng vòng quanh mấy chị. Thế mà không phải là dáng kiêu kỳ, bàn tay năm ngón anh vẫn kiêu sa hay sao… Nhưng thưa thầy câu này nghĩa lý thế nào, tại sao lại nói như vậy: AS SNUG AS A BUG IN A RUG?

BBT

Câu cô vừa nói thực ra không có ý nghĩa gì hết. Đây chỉ là một câu nói cho có vần có điệu mà thôi. SNUG là nằm gọn. BUG là con sâu, con bọ. RUG là cái thảm. AS SNUG AS A BUG IN A RUG . Hai cô hồi các cháu còn nhỏ, quấn tã cho chúng xong trông có giống con sâu không? Đặt xuống nôi, chặn hai cái gối lại, đắp cho cái chăn lên thì có đúng là AS SNUG AS A BUG IN A RUG không?

Câu ví này thì tôi không hiểu. Nhưng chúng ta vẫn nghe người Mỹ nói, và nếu chúng ta dùng thì phải dùng như cách dùng của họ: AS TOUGH AS OLD BOOTS. Thông thường thì đôi giầy mới mua về, bao giờ cũng làm cho chân chúng ta bị đau. Đi nhiều lần, da mềm đi, giãn ra, thì không đau chân nữa mới phải. Nhưng người ta vẫn nói AS TOUGH AS OLD BOOTS. Câu này nữa: AS WISE AS AN OWL.

QA

QA thấy là người Việt chúng ta rất ghét những con chim cú. Nào là hôi như cú, nào là cú kêu là điềm gở. Nhưng người Anh người Mỹ lại rất yêu chúng. Cú được coi là giống vật thông minh nên chắc vì thế, người ta mới nói là khôn ngoan như cú phải không thầy? AS WISE AS AN OWL.

BBT

Cũng như AS SICK AS A PARROT, đau yếu, bệnh hoạn như vẹt. Tôi chưa thấy con vẹt nào trông có vẻ đau yếu cả. Nhưng AS MAD AS A BEAR WITH A SORE HEAD, bực bội, tức tối như con gấu bị nhức đầu thì có lý hơn. Tuy vậy, tôi nghe câu ví này thường hơn: AS MAD AS A WET HEN là cáu bực như con gà mái bị trời mưa.

LÃM THÚY

Thúy thấy câu này dễ hiểu hơn : AS QUIET AS A MOUSE. Nhưng mẹ của Thúy thì lại ví câm như thóc.

BBT

Người Mỹ không trồng lúa, không ăn cơm nên không nói như thế. Người ta nói AS SILENT AS A CLAM.

QA

Vậy thì giống Việt Nam, chúng ta nói câm như hến. QA nhớ câu lù đù như chuột chù đội vỏ trứng không biết tiếng Anh có nói như thế không?

BBT

Gần như thế. Mole là con chuột chũi, cả đời chỉ ở trong hang, mắt quen bóng tối, ra sáng lóa mắt trông không thấy đường nên trong Anh ngữ, câu tương đương với câu của cô QA là AS BLIND AS A MOLE. Cũng có khi nói AS BLIND AS A BAT. Cô Thúy nghĩ con sư tử thì trong câu ví von sẽ như thế nào?

LÃM THÚY

Vua Richard của nước Anh rất can đảm nên được gọi là KING RICHARD THE LION-HEARTED. Sư tử thì can đảm nên người ta chắc sẽ nói AS BRAVE AS A LION phải không thưa anh?

BBT

Đúng. Con chồn, con cáo rất tinh ranh , khôn ngoan và xảo quyệt nên người ta cũng dùng nó trong cách ví von. Tôi gợi ý cho cô QA nhé: CUNNING là mưu mô, xảo quyệt.

QA

AS CUNNING AS A FOX. QA cũng nghe người ta nói AS SLY AS A FOX. Như thế SLY cũng là CUNNING chăng?

BBT

Đúng vậy. Câu ví này thì rất lạ: AS DEAD AS A DOOR NAIL. Chết như cây đinh trên cửa. Nghĩ lại thì cũng đúng. Lấy búa đóng cây đinh vào cánh cửa thì nó nằm im, hết ngọ nguậy. AS DEAD AS A DOOR NAIL. Cô QA, trái dưa chuột làm cô nghĩ tới điều gì?

QA

QA thấy nó tươi, mát. Hay là AS COOL AS A CUCUMBER?

BBT

Điều đó đúng. Nhưng COOL có hai nghĩa. Một là mát. Nghĩa thứ hai là tỉnh queo coi như không có chuyện gì xẩy ra. Kiểu như người Anh, như khi thái tử Charles bị một người cầm dao xông đến gần, chàng vẫn tỉnh queo, đọc tiếp bài diễn văn. Đó là COOL, là AS COOL AS A CUCUMBER. Nhân nói tới CUCUMBER mà không nhắc tới củ dền thì cũng thiếu sót. Củ dền mầu gì cô Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ nó mầu đỏ. AS RED AS A BEET đúng không thưa anh?

BBT

Câu này thì nghe hơi lạ tai nhưng nghĩ lại thì cũng đúng. AS FIT AS A FIDDLE. Hai cô biết FIDDLE là cái ARCHET trong tiếng Pháp tức là cái cung kéo đàn, đàn nhị, đàn vĩ cầm, trung hồ cầm. FIT là vừa, là mạnh khỏe. TO KEEP FIT là giữ gìn sức khỏe. Cái FIDDLE hay cái ARCHET mà ốm đau sầu não, những sợi lông đuôi ngựa chùng xuống thì làm sao kéo đàn. Hay AS OLD AS THE HILLS. Chúng ta nói trăng bao nhiêu tuổi trăng già / núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Nhưng người Anh thì lại nghĩ khác. Đồi già, núi già … vì thế mà có câu ví AS OLD AS THE HILLS.

QA

Có phải vì vậy nên khi nói ai già thì tiếng Anh nói là OVER THE HILLS phải không thưa anh?

BBT

Có thể. Nhưng OVER THE HILLS có nghĩa là sau khi leo lên đến đỉnh đồi, tuổi sung mãn nhất của đời sống, thì người ta bắt đầu xuống giốc.Trên 65 tuổi chẳng hạn. Nói HE IS OVER THE HILLS là nói ông ta đã già háp, già cúp bình thiếc rồi.

Còn câu này nữa: AS POOR AS A CHURCH MOUSE là nghèo như con chuột ở nhà thờ. Đố hai cô là một sự kiện, một vật gì rất khan hiếm, rất hiếm thấy thì người ta nói làm sao.

QA

Xin chịu.

LÃM THÚY

Như bạn của Thúy vẫn giả giọng Huế nói con chó không có răng mô… Chắc không được, chó nhiều răng chứ có ít bao giờ đâu.

BBT

Cô đã đi đến được rất gần, sao không nói tiếp: AS SCARCE AS HEN’S TEETH, hiếm như răng gà. Gà mới không có răng mô chứ.

À tiếng Anh cũng có một cách ví hệt như người Việt, như khi chúng ta nói mềm hay trơn như lụa. Người Anh sẽ nói là AS SMOOTH AS SILK. Trơn thực ra là SLIPPERY. Câu ví von với SLIPPERY là AS SLIPPERY AS AN EEL. Trơn như da lươn, chúng ta cũng nói vậy.

LÃM THÚY

Có một câu nào hoàn toàn ngược với lối ví von của người Việt không thưa anh?

BBT

Nếu bẻ queo đi thì cũng có. Hai cô chắc đã nghe câu biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nghe là nghe người khác giảng, nói cho mà vỡ trí khôn ra. Nhưng nếu hiểu dựa cột mà nghe là nghe cái cột thì cái cột như thế phải biết nói. Nhưng tiếng Anh lại nói là AS DUMB AS A POST, câm như cái cột nhà. Cái cột nhà câm nên chúng ta đi hay đụng phải nó. Lục Vân Tiên, người con chí hiếu trong truyện của cụ Nguyễn Đình Chiểu vì thế mới đụng phải cột nhà và lại phải cõng cụ bà chạy vô nhà là như thế. Không, cụ Chiểu không viết thế. Bọn con cháu tinh nghịch của cụ mới nói như thế. Xin lỗi cụ.

LÃM THÚY

Cám ơn thầy Trúc, chỉ từ một câu hát của Paul Anka, thầy lôi ra mấy chục câu ví von trong tiếng Anh. Cám ơn QA đã truy bài ông thầy giùm cho khán giả Hồn Việt Television.

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.