April 21, 2011

April 22, 2011

Ngày 18 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Hôm qua, ở một tiệm ăn quen thuộc, đã mấy lần tôi định đứng dậy đi đến cái bàn gần bàn của tôi để nói vài ba lời cám ơn với mấy người đàn ông đang ngồi ở đó.

Tôi thầy cần phải cám ơn những người ấy. Không lẽ họ mất công giúp vui cho bàn chúng tôi như thế mà chúng tôi lại không một lời nào với các ông.

Họ vào sau chúng tôi khoảng mấy phút. Và khi họ ngồi xuống bàn, thì buổi sáng thanh bình của chúng tôi không còn nữa. Bàn có năm người, nhưng chỉ có hai ông đại diện lên tiếng. Hai ông thay phiên nhau. Nhiều khi không thay phiên, mà cùng lên tiếng một lúc. Không ông nào chịu nhường ông nào. Diễn đàn bị chiếm và không ai chịu bước xuống.

Nghe chuyện thì chúng tôi biết hai ông vừa đi Việt Nam về. Hai người cùng mở điều trần để nói về chuyến đi. Từ lúc bước chân xuống phi trường cho đến lúc trở lại Mỹ. Hai ông kể những chi tiết mà ngồi ở xa, chúng tôi cũng đếm được một ông ba lần với ba người phụ nữ, người kia được năm lần từ Nam ra Bắc cho đủ Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Hai ông không ông nào chịu thua ông nào, hễ một ông đưa ra một chi tiết lý thú thì ông kia phải có một chi tiết hấp dẫn hơn. Thân xác của mấy người phụ nữ trẻ ở Việt Nam được các ông đem ra để minh chứng cho chuyến về đầy kỳ thú đó.

May cho chúng tôi, ngó đi ngó lại không thấy ông Bá Dương, tác giả viết cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí ngồi đâu đó trong tiệm. Chỉ sợ ông Bá Dương nghe được cuộc đối thoại trong tiệm rồi về nhà kiểm thảo phê bình, rút lại chương viết về cái tính hay to tiếng của người Hoa, vì người Hoa của ông nói chưa chắc đã to hơn hai người đàn ông ở trong quán. Người Hoa của ông Bá Dương thua nặng. Ông Bá Dương cho rằng cấu trúc của những câu văn nói khiến người Hoa phải nói lớn mới hiểu được nhau. Ông Bá Dương sẽ thấy là ông sai bét. Hai người đàn ông trong quán phở không hề nói tiếng Hoa mà sao vẫn như lệnh vỡ thì không ai hiểu được.

Tôi định sang bàn của hai ông, cám ơn hai ông đã tường trình về chuyến đi khiến những người chưa về Việt Nam bao giờ như tôi và người bạn có thể ghen tức đến chết ngay tại chỗ.

Thưa hai ông… Chúng tôi xin cám ơn hai ông đã chia sẻ (?) về chuyến đi Việt Nam của hai ông. Hai ông thật tử tế, đem tiền ở Mỹ về để tiêu cho những phụ nữ khốn khổ ở trong nước. Vài ba trăm hai ông quăng ra chắc chắn đã giúp nhiều cho các phụ nữ này. Nếu hai ông kẹt lại ở Việt Nam, không chạy được sang Mỹ, con trai phải đi làm lao động, con gái phải đi bán bia ôm, bắt được cái mối đi cùng với hai ông để du lịch thì gia đình ông chắc phải biết ơn mấy ông Việt kiều này biết là bao nhiêu. Hai ông chắc hài lòng về những người phụ nữ trẻ này lắm nên đã kể ra rõ ràng từng chi tiết của những cuộc vui. Hai ông mà kể rành rẽ như thế, biết đâu các cháu ở nhà lại chẳng xin đi theo cùng hai ông về Việt Nam, kiếm vợ cho gia đình có con dâu Việt… Mừng cho hai ông, chi có vài trăm bạc mà mua được bằng ấy chuyện vui thì … vui là phải. Phen này, bà nhà có hó hé nói nặng nhẹ gì hai ông, thì hai ông đã có một nơi để đi về cho bõ ghét. Vừa được chiều chuộng, vừa … hay tuyệt để về Mỹ còn có chuyện nói cả tháng chưa hết. Hai ông mà kể những chi tiết chúng tôi nghe được trong tiệm phở để các bà, các công tử và tiểu thư nghe trong những bữa cơm tại nhà thì còn chi vui bằng.

Chỉ xin hai ông giữ những chuyện đó kể cho nhau nghe. Ðừng phí hơi cho những người khác nghe cùng. Thôi, đã vui như thế thì đem kể cho con cháu nghe cho chúng thêm phục tài của bố, của ông nội, ông ngoại chứ kể cho chúng tôi nghe làm gì cho phí hơi.

Nhưng nghĩ thêm một chút nữa thì tôi lại thấy không cần đến gặp hai ông nữa. Cứ để hai ông kể chuyện cho cả tiệm phở nghe cũng chẳng sao.

Cầu mong cho con cháu ông không phải làm cái công việc đem lại niềm vui cho những người đàn ông giống như hai ông. Những người đàn ông mà hai ông khi tỉnh táo, chắc cũng ghê tởm họ như chúng tôi ghê tởm hai ông vậy.


Ngày 19 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Ông Trời vậy mà nhiều khi cũng vẫn còn dở. Ông chế ra cái gì cũng hay, mà có một cái thì dở quá là dở. Dở không biết để đâu cho hết dở.

Con người dở thì đã đành. Thí dụ những cái máy chụp hình mà người ta vẽ kiểu chẳng hạn. Mấy chục năm qua, người ta vẫn có thể chế những chiếc Leica tốt hơn, dễ dùng hơn, chụp đẹp hơn cái đầu tiên. Hay những chiếc xe hơi cũng thế. Năm nào cũng có vài ba chục kiểu xe mới, mà những chiếc mới bao giờ cũng đẹp hơn, tốt hơn, sử dụng dễ dàng hơn và ngồi bên trong cũng đã đời hơn những chiếc của năm trước.

Ông Trời nặn ra con người, ném xuống địa cầu là thôi, không cần sửa sang, vẽ lại bất cứ một cái gì nữa.

Cái mắt làm đúng những gì chúng ta cần. Không cần phải sửa sang lại nữa. Cần lắm thì cắt bỏ đi vài miếng mỡ ở mí mắt, đêm nằm ngủ mở mắt thao láo nhìn trần nhà cho vui, nhưng cũng không cần thiết lắm. Tim có nghẹt vài ba chỗ vì những miếng mỡ gầu, những miếng vè dòn vui anh, vui em thì by-pass vài ba cái là lại kéo dài thêm được những ngày trên trần thế. Ðó là cần lắm thì mới phải sửa sang lại chút ít.

Nhưng những thứ ông Trời cho chúng ta thì không cần sửa sang, tu bổ gì hết.

Lấy những cái ngón tay làm thí dụ coi. Những cái ngón tay giúp chúng ta làm được tất cả mọi việc cần trong đời sống. Bàn tay của người khác bàn tay của khỉ nên người thông minh hơn khỉ. Chính Aristotle đã nói không phải vì có bàn tay mà người ta là sinh vật thông minh nhất, mà con người thông minh nhất vì con người có hai bàn tay (…c’est parce qu’il est le plus intelligent qu’il a des mains…).

Hai bàn tay làm được rất nhiều việc, không việc gì mà bàn tay không làm được cho cơ thể con người. Từ ngoáy tai, móc mũi, khều miếng thịt kẹt giữa những cái răng, kiểm soát đốt xương sống cuối cùng , rồi lại đếm được số răng của mình… như Ðông Phương Sóc lừa được vua để vua thò tay vào đít rồi lại thò tay vào mồm…

Có bàn tay mới gãi được. Gãi được mới ra thơ như cụ Hương trong một bài thơ sáng tác trong tù.

Tưởng tượng bàn tay không mò tới được những nơi cần gãi thì khổ biết là chừng nào.

Ông Trời quả là giỏi. Gãi đầu cũng được. Lừa lừa vồ con chấy ném ra sân cũng làm được. Rồi lại gãi cho cơ thể lăn tăn cái thân già cũng hay.

Nhưng ông Trời cũng có khi dở. Ðó là ông cho con người đeo cái bộ phận chiến lược rất quan trọng trong người ở một chỗ hiểm yếu. Nhưng ông không chế nó như cách ông đã chế cái đầu gối của chúng ta. Cái đầu gối bị hành hạ đủ cách mà vẫn không sao. Quì mài, bái lễ cũng nhờ cái đầu gối. Không có gì để nói, lôi nó ra, nói với nó những chuyện vô duyên đến đau chăng nữa, đầu gồi vẫn chẳng buồn hay giận gì hết.

Nhưng cái bộ phận chiến lược của đàn ông thì hễ bị đụng nhẹ một chút là nó cũng có thể làm cho người ta đau chết được. Sợ quá là nó teo lại. Nhiều khi nó chạy tuốt lên đến cổ , không sao dỗ dành để nó xuống trở lại được.

Biết được điều đó, các chuyên gia về tra tấn cứ nó mà hành hạ. Bóp bằng tay, quất bằng roi, lấy kìm kẹp … là hỏi gì cũng khai hết, trong khi rút vài ba cái móng tay thì không khai cũng chẳng sao. Ðụng tới khu chiến lược ấy là chịu thua. Phải chi ông Trời đưa nó vào một nơi khác kín đáo hơn có phải đỡ cho nhân loại được bao nhiêu khó khăn không.

Tuần qua, bộ quốc phòng Hoa kỳ mới nhìn thấy điều đó nên đã quyết định gửi sang chiến trường Afghanistan một ngàn chiếc quần lót có thể chống được đạn của khủng bố Taliban. Những chiếc quần này được chế tạo bằng một loại vật liệu đủ sức chống lại những viên đạn, những mảnh bom của những lượng chất nổ gài bên lề đường. Lính Anh đã đươc phát từ mấy tháng trước. Nay tới lượt lính Mỹ.

Người ta tin là một thời gian nữa, những chiếc quần kỵ đạn này sẽ được bán cho người dân dùng. Hệt như trước đây, xe Humvee được chế cho quân đội thì nay, ai cũng có thể mua về lái nghênh ngang, hung hãn trên đường phố.

Lý do là nhiều người đàn ông, sau khi rời chiến trường Afghanistan vẫn chưa thể biết chắc là chiến khu D (?) không bị đe dọa. Mua những chiếc quần lót chống đạn này, những người đàn ông Mỹ này sẽ yên trí nằm ngửa khi ngủ, không phải nằm sấp, tay ôm lấy bác Hồ kính yêu nữa. Sáng dậy chạy thẳng xuống bếp pha ly cà phê uống cho bõ ghét, khỏi phải ngó xuống, kiểm soát lại các khu vực trên cơ thể như Công Dã Tràng, học trò của Khổng Tử phải làm mỗi sáng để biết chắc thân thể cha mẹ cho vẫn còn nguyên, không có khúc nào bị cho ra nằm ở bãi cỏ như chuyện Wayne Bobbit hồi mấy chục năm trước bị "một nhát dao bay nghìn thuở đẹp" của vợ mà khốn khổ đời trai nữa.

Bạn thấy ông Trời dở không?

Trong khi Trời lại rất tử tế, ân cần và chu đáo với phụ nữ là thế nào?


Ngày 20 tháng 4 năm 2011

Bạn ta,

Bộ trưởng giao thông và vận tải của chính phủ Obama, ông Ray LaHood đã rất nghiêm khắc với các nhân viên kiểm soát không lưu trong mấy ngày qua. Những người này vì ngủ trong khi làm việc nên bị cơ quan an ninh không lưu cho nghỉ việc lập tức.

Tất cả đều bị một hoàn cảnh chung của rất nhiều người Mỹ: sleep deprivation, thiếu ngủ. Họ bị bắt làm việc liên tiếp trong nhiều giờ mà không được cho nghỉ ngơi lấy lại sức. Thực ra họ bị mất ngủ thật. Không phải là ngủ thì vẫn ngủ được, nhưng vẫn … khoe là mất ngủ như mải mê suy nghĩ đi tìm đường cứu nước và dựng nước...

Ngủ trưa một giấc là trò người Anh và người Mỹ thường không làm như người Tây Ban Nha và người Pháp. Danh từ siesta của tiếng Tây Ban Nha được Pháp hóa thành sieste , rồi qua Việt Nam thành la xiết. Người Anh và người Mỹ không có chữ này.

Nhưng ngủ vài ba phút, bắt 40 cái chợp mắt (catch 40 winks) là chuyện rất nên làm, và ngày nay, một số người cũng đã thấy được những cái lợi của giấc ngủ trưa. Ngủ trưa không phải là dậy muộn : giầu đâu những kẻ ngủ trưa / sang đâu những kẻ say sưa tối ngày…

Ngủ trưa là ngủ ngày. Thủ tướng Anh, một người làm được bao nhiêu chuyện cho nước Anh cũng ngủ trưa. Leonardo Da Vinci, Albert Einstein … đều mỗi ngày chợp đi khoảng 10 hay 15 phút. Trở dậy, họ đều nói là tinh thần sảng khoái, sáng suốt, làm việc hữu hiệu hơn. Churchill gọi đó là power nap rồi còn giải thích rằng power nap giúp chúng ta có được 3 chữ R là REST, RELAXATION và RECOVERY. Quan trọng là hồi phục, lấy lại được sức lực để làm việc tiếp.

Ông LaHood tuyên bố lấy làm phẫn nộ trước tin nói là mấy ông kiểm soát viên không lưu ngủ khi làm việc, trong khi có một người khác đáng lẽ phải tỉnh táo thì nhắm mắt lại … tìm thoáng hương xưa, cho về đường cũ đường cũ nên thơ cho gặp người xưa ước mơ… mà chẳng ai nói gì hết.

Chàng nhắm mắt ngủ thoải mái trong khi xếp của chàng đọc bài diễn văn quan trọng về tình trạng thâm hụt ngân sách . Bài diễn văn của xếp chàng dài 44 phút. Chàng … dắm mắt mất 30 giây. Rồi bỗng chàng giật mình, mắt mở ra, dặm dặm mấy cái rồi mới nghe tiếp. Không biết nghe tiếp chàng có hiểu cái gì không.

Không biết lúc về tòa Bạch Ốc, chàng sẽ lỏn lẻn vào phòng bầu dục pha … chè vai ba câu vô duyên, chờ cho ông Obama bình tĩnh lại và tìm cách giải thích tại sao chàng dám ngủ trong khi ông chánh đọc diễn văn.

Cứ nghĩ đến những chi tiết đó thi không cách nào không thấy hiện ra trong đầu hình ảnh một con mèo bị cắt tai: tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.

Nhưng nghĩ lại thì thà chàng ngủ gục cũng vẫn còn đỡ hơn là chàng đứng cạnh ông Obama và đưa ra một lời khen như chàng đã làm khi ông Obama loan báo dự luật về bảo hiểm sức khỏe hôm 23 tháng 3 năm 2010. Hôm ấy, sau khi nghe loan báo của ông Obama, chàng ghé sát tai ông Obama , nói đủ lớn để microphone thu đầy đủ được câu nói nguyên văn: "The bill is a big fucking deal!"

Viết tới đây, tôi đã định viết tắt, chỉ dùng chữ "F". Nhưng khi chính ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ còn dùng một cách thoải mái giữa chốn nhĩ mục quan chiêm như vậy thì tại sao phải né không dám viết nguyên văn?

Kể ra, chàng ngủ như thế vẫn còn đỡ hơn là lại ném ra một quả bom"F" khác nữa.

Thí dụ chàng ghé tai ông Obama và hỏi: " Ông thấy tôi ngủ lại còn ngáy đèo không?"

Ông Obama chắc không dám nói lại … mà ngủ có đủ không hè?


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, hôm nay Thúy có thắc mắc này xin nhờ anh giải đáp. Thúy biết quá khứ của động từ khiếm khuyết CAN COULD. COULD được dùng để nói tới một khả năng, một việc có thể, có đủ sức, có khả năng làm được trong quá khứ. Thí dụ Thúy có đứa cháu khi nó mới có 3 tuổi đã biết đọc. Vậy thì Thúy nói MY NEPHEW COULD READ WHEN HE WAS ONLY THREE YEARS OLD là đúng phải không anh?

BBT

Ðúng vậy. Thế thì thắc mắc của cô là gì?

LÃM THÚY

Từ trước tới nay, Thúy vẫn dùng CAN với thì hiện tại PRESENT TENSE trong trường hợp thế này: CAN YOU OPEN THE DOOR FOR ME? Thúy nghĩ không có gì sai cả. Nhưng tại sao Thúy lại thấy có người nói COULD YOU OPEN THE DOOR FOR ME?

Chuyện nhờ mở cái cửa là vào lúc này, lúc đang nói, lúc hai người đang đứng trước cửa chứ nào phải là chuyện hôm qua, hôm kia đâu. Nhờ thì nhờ lúc này chứ ai lại nhờ làm một chuyện trong quá khứ? Xin anh cho biết nghĩ như vậy có đúng không?

BBT

Cô nói rất đúng. Nhưng CAN YOU OPEN THE DOOR? cũng đúng, mà COULD YOU OPEN THE DOOR ? cũng đúng luôn. Cô QA thấy như thế nào?

QA

QA thấy câu sau COULD YOU OPEN THE DOOR? nghe nhẹ hơn là CAN YOU OPEN THE DOOR? phải không thưa anh?

BBT

Cô QA nói đúng. Dùng COULD nghe nhẹ hơn CAN. Khi cần lễ phép, nhẹ nhàng một chút, chúng ta dùng COULD thay vì CAN. Ðó là lối nói một cách lễ phép.

Hai cô nhớ là khi mới học tiếng Anh, chúng ta được dậy để nói những câu giản dị, dễ hiểu, dễ dùng, dễ nói, rồi sau mới đến những cách nói khác khó hơn, bóng bẩy hơn, và lịch sự hơn.

Những đứa bé mới học nói cũng vậy. Chúng nói I WANT THIS, I WANT THAT… Năm sáu tuổi, bố mẹ chúng mới nhắc chúng : SAY PLEASE… Nhưng phải đến tuổi mười lăm, mười bẩy chúng mới biết cách để nói lễ phép hơn: WOULD YOU MIND GIVING ME THIS, DOING THAT vân vân.

Thí dụ động từ WANT chẳng hạn. WANT là muốn. Khi tôi ngồi một mình, nghĩ tới sóng biển, gió biển, những cây cọ, trời nắng và nói với chính mình rằng I WANT TO RETIRE IN FLORIDA thì tôi không phải lễ phép với ai hết. Hay khi nói với mấy đứa cháu ở nhà, thì có nói I WANT MY COFFEE WITHOUT SUGAR cũng sẽ không có ai bắt bẻ cả. Nhưng nếu mẹ tôi đang đứng dưới bếp, mà nói như vậy thì không được. Câu ấy nghe như là một đòi hỏi, một mệnh lệnh vậy. Với người trên, với khách, bạn bè cũng thế, hay nhiều khi với con, với cháu thì lịch sự, lễ phép một chút chắc phải là tốt hơn là I WANT MY COFFEE WITHOUT SUGAR, A VERY LIGHT WHIFF OF MILK AND ON A TRAY, NOW!

LÃM THÚY

Nếu muốn lịch sự, không nói I WANT MY COFFEE NOW thì phải nói thế nào, thưa anh?

BBT

Không dùng WANT. WANT nghe rất khó chịu, nghe như một mệnh lệnh, như một đòi hỏi. Trừ khi muốn ra lệnh thì hãy dùng.

LIKE nhẹ hơn. I WANT BLACK COFFEE. I LIKE BLACK COFFEE thì LIKE nhẹ hơn là WANT. LIKE là thích. WANT là muốn. Muốn REQUEST, yêu cầu, xin, nhờ vả chuyện gì thì không nên dùng WANT và LIKE. Nếu quả thực muốn cho lễ phép thì dùng WOULD LIKE TO thay vì WANT TO hay LIKE TO.

Hai cô tưởng tượng điện thoại reo, nhấc máy lên trả lời mà nghe phía bên kia trịch thượng thế này: I WANT TO TALK TO THE CURRENT RESIDENT… thì hai cô sẽ trả lời như thế nào? Còn tôi thì sẽ hết sức từ tốn mà nói rằng: GET LOST!

QA

QA cũng bực mình lắm. Có cách nào nói nhẹ hơn, lễ phép hơn không thưa thầy?

BBT

À như thế thì nếu tôi có khó chịu cũng là thế gian thường tình. Vậy thì thay vì nói I WANT TO TALK TO THE CURRENT RESIDENT, cô Thúy sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

I WOULD LIKE TO TALK TO

BBT

Ðúng vậy. Cũng có thể nói là I WOULD LOVE TO TALK TO … Cô QA, muốn ly cà phê không đường một cách lễ phép thì cô sẽ nói như thế nào?

QA

I WOULD LIKE A CUP OF COFFEE WITHOUT SUGAR.

BBT

Hay I WOULD LIKE MY COFEE WITHOUT SUGAR cũng được.

Cô Lãm Thúy, cô hỏi bạn cô là muốn 1 muỗng đường hay 2 muỗng đường, thay vì DO YOU WANT YOUR COFFEE WITH ONE OR TWO SPOONS OF SUGAR? cô sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

HOW WOULD YOU LIKE YOUR COFFEE? WOULD YOU LIKE IT WITH ONE OR TWO SPOONS OF SUGAR?

BBT

Cám ơn cô Thúy. Còn cô QA, thay vì cô hỏi WHEN DO YOU WANT YOUR COFFEE? cô sẽ hỏi sao cho lịch sự hơn?

QA

QA sẽ nói thế này: WHEN WOULD YOU LIKE YOUR COFFEE?

BBT

Vậy hai cô nhớ là đừng dùng WANT, mà dùng WOULD LIKE TO cho dễ nghe hơn. Chuyện kể là một nhà ngoại giao Anh có lần nói với một nhà ngoại giao Pháp rằng sự lịch sự của người Pháp chỉ là một chút gió thoảng, A LITTLE AIR chứ có gì quan trọng đâu. Nhà ngoại giao Pháp nói là đúng thế, nhưng chút AIR đó bơm vào cái vỏ xe hơi thì xe chạy sẽ êm hơn nhiều. Do đó, ngay cả khi nói với con cái, với người dưới thì cũng cứ dùng WOULD LIKE TO thay vì WANT TO.

WHAT DO YOU WANT? nghe đằng đằng sát khí hơn là …

LÃM THÚY

WHAT WOULD YOU LIKE?

BBT

Cô QA cho nghe mấy câu hỏi với WHERE và WHEN coi.

QA

WHERE WOULD YOU LIKE TO SIT ?

WHEN WOULD YOU LIKE TO HAVE DINNER?

LÃM THÚY

Thúy sẽ dùng WHAT và HOW coi có đúng cách không… WHAT WOULD YOU LIKE TO WEAR FOR THE NEW YEAR PARTY OF HONVIET TELEVISION?

HOW WOULD YOU LIKE TO HAVE YOUR EGGS DONE?

BBT

Ðúng lắm. Nhân thí dụ của cô Thúy, tôi nhớ một cách nói tôi muốn chỉ cho hai cô mà tôi nghĩ là nếu dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hai cô có thể sẽ sai.

Trong tiếng Việt, chúng ta nói TÔI MỚI CẮT TÓC. Câu này hoàn toàn đúng trong cách nói của chúng ta. Nhưng hai cô đều biết rằng có cố gắng lắm, gắn cho mấy cái gương, uốn éo cả vài ba tiếng trước gương thì tôi cũng không thể tự cắt tóc mình được. Tôi phải tới tiệm cắt tóc, ngồi xuống ghế, lấy tờ báo có mục tìm bạn bốn phương, cách làm món nghêu xào lá quế đọc… và để cho một người khác cắt tóc cho tôi. Nhưng trong tiếng Việt, không bao giờ chúng ta nói hôm qua, tôi đi đến tiệm hớt tóc gần nhà để cho người ta cắt tóc cho tôi. Nói năng như thế thì sẽ bi chê là ăn nói vớ vẩn. Nói hôm qua tôi đi cắt tóc là đủ. Nhưng tiếng Anh thì không nói I CUT MY HAIR. Trừ khi là Robinson Crusoe lạc lên hoang đảo thì mói phải làm điều đó.

QA

QA thì nghĩ là QA làm được điều đó. Tỉa bớt hai bên, cắt cho ngắn lại.

BBT

Ðồng ý, nhưng trong trường hợp của tôi thì không. Và vì thế, tôi không thể nói I CUT MY HAIR được. Tôi trả tiền, nhờ người khác làm việc đó cho tôi thì trong tiếng Anh phải là TO HAVE SOMETHING DONE. Hay rõ hơn là TO HAVE SOMETHING + PAST PARTICIPLE.

Thí dụ I HAVE MY HAIR CUT ONCE A MONTH.

CUT là PAST PARTICIPLE của động từ TO CUT.

QA dọn vào nhà mới cách đây mấy tháng, cô có sơn lại nhà không?

QA

YES, I HAVE THE HOUSE REPAINTED. REPAINTED là PAST PARTICIPLE của TO REPAINT.

LÃM THÚY

I ALWAYS HAVE MY HAIR DONE FOR THE ENGLISH LESSON. DONE là PAST PARTICIPLE của TO DO.

BBT

Ðến một thành phố mới, bao giờ tôi cũng tìm một garage sửa xe tin cậy được. I HAVE MY CAR CHECKED/ LUBRICATED / FIXED / REPAIRED/ TUNED UP BY A GOOD FRIEND OF MINE, MISTER KIÊN OF SONNY AUTO REPAIR.

Như vậy, hai cô nhớ là việc gì không làm lấy được , phải nhờ, phải thuê, phải mướn người khác làm thì phải dùng cách đặt câu như trên: TO HAVE SOMETHING DONE.

TO HAVE THE LAWN MOWED/ WATERED/ RESEEDED/ TRIMMED.

LÃM THÚY

Vừa rồi anh nói A FRIEND OF MINE. Ðó là cách nói mới sao anh?

BBT

Không phải. Ðó là cách nói nhấn mạnh vào danh từ đi phía trước. Thí dụ khi nói MY FRIEND LIVES IN SAN FRANCISCO thì chúng ta không nhấn mạnh vào chi tiết nào trong câu đó .

Nhưng nếu nói A FRIEND OF MINE LIVES IN SAN FRANCISCO thì chi tiết bạn tôi, người bạn của tôi, một người bạn của tôi là chi tiết tôi muốn nhấn mạnh trong câu nói đó, là điều tôi muốn nói rõ hơn với người nghe.

QA

Vậy thì sau OF, QA phải dùng POSSESSIVE PRONOUNS , SỞ HỮU ÐẠI DANH TỪ phải không thưa anh?

BBT

Ðúng rồi. Thí dụ A BOOK OF YOURS, A BROTHER OF OF HERS, A PENCIL OF HIS, A COUSIN OF OF OURS, A LONG LOST PICTURE OF THEIRS .

QA

QA có thắc mắc này về cách đặt câu. Hôm nọ đi chợ, QA thấy một tấm bảng có hàng chữ PLEASE CHECK YOUR MERCHANDISE BEFORE LEAVING.

QA hiểu ý nghĩa của hàng chữ trong tấm bảng. Nhưng tại sao câu ấy không có chủ từ gì hết?

BBT

Câu ấy không có chủ từ vì đó là câu IMPERATIVE, một câu để đưa ra một đề nghị, một mệnh lệnh cho người đang đối diện. Các câu mệnh lệnh cách IMPERATIVE SENTENCES không cần chủ từ. PLEASE CHECK YOUR MERCHANSISE BEFORE LEAVING là xin xem lại hàng hóa trước khi ra khỏi chợ.

LÃM THÚY

Còn tại sao lại là BEFORE LEAVING mà không phải là BEFORE YOU LEAVE?

BBT

Dùng BEFORE, AFTER, UPON, WHILE… những PREPOSTION và theo sau là PRESENT PARTICIPLE tức là động từ có cái đuôi ING phía sau khi chúng ta có hai câu độc lập nhưng có cùng CHỦ TỪ mà chúng ta muốn nối lại với nhau thành một.

Thí dụ I COME HOME. I CALL HIM ON THE PHONE.

Hai câu này có MỘT CHỦ TỪ là I. Có hai việc trong hai câu. Tôi về nhà. Tôi gọi điện thoại cho ông ấy. Một việc trước, một việc sau. Bước vào nhà là việc trước. Gọi điện thoại là việc sau. Nối hai câu lại với nhau là I COME HOME THEN I CALL HIM ON THE PHONE. Nhưng muốn làm cho câu ngắn lại, khỏi phải phải nhắc lại chủ từ "I" hai lần, chúng ta nói thế này: AFTER COMING HOME, I CALL HIM ON THE PHONE.

Sau những PREPOSITIONS như BEFORE, WHILE, AFTER, UPON … chúng ta có thể dùng cách nói này. Nhưng cần nhớ là chủ từ của hai việc phải là một. QA cho nghe hai thí dụ với WHILE và BEFORE coi.

QA

WHILE DRIVING TO WORK, I GOT A PHONE CALL FROM HER.

BBT

Cách nói kia là gì?

QA

I DROVE TO WORK. I GOT A CALL FROM HER.

QA đặt một câu nữa nhé: BEFORE DECIDING TO GO TO IRVINE UNIVERSITY, MY SON WAS ADMITTED TO UCI. Tức là BEFORE MY SON DECIDED TO GO TO IRVINE UNIVERSITY, MY SON WAS ADMITTED TO UCI.

BBT

Còn cô Thúy. UPON và AFTER.

LÃM THÚY

UPON RETURNING TO MOSCOW, ZHIVAGO FOUND OUT LARA HAD GONE. Ðáng lẽ Thúy có thể nói là ZHIVAGO RETURNED TO MOSCOW. ZHIVAGO FOUND OUT LARA HAD GONE.

Và đây là câu với AFTER… AFTER FINISHING HER M.A. SHE WANTED TO PURSUE HER DOCTORATE DEGREE.

QA

Và thưa quí vị, đến đây là kết thúc bài học Anh Ngữ do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.