April 1, 2011

April 1st, 2011

NGUYỄN ĐỨC QUANG

1944-2011

http://www.youtube.com/watch?v=xj-u7PbIhkg


Có thể nói chắc rằng ở Việt Nam, không có một thế hệ nào kém may mắn bằng thế hệ của những người ra đời trong những năm cuối của thập niên 30 bắt sang đầu thập niên 50.

Thế hệ này vừa ra đời thì đã phải chạm mặt ngay với hai cuộc chiến lên tiếp ở Đông Dương của những năm 50 , rồi những năm 60 và 70. Họ lớn lên, để tử trận nhiều nhất, góa bụa nhiều nhất và mồ côi nhiều nhất.

Mồ côi trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất. Tử trận và góa bụa trong cuộc chiến Đông Dương thứ hai.

Trong đời sống với cái chết cận kề rình rập như lúc nào cũng sẵn sàng ghé vào thăm, người ta vẫn cần, hay có thể nói là rất cần đến âm nhạc. Âm nhạc để vỗ về, an ủi, để khóc, để đau đớn cho những bất hạnh của thế hệ.

Kháng chiến có âm nhạc của kháng chiến trên những chiếc banjo, những chiếc mandoline, những Hạ Uy cầm, Tây Ban cầm trên vai của những thanh niên thành phố lên đường đổ máu cho quê hương với những bản nhạc của Hoàng Quý, Việt Lang, Văn Cao, Hoàng Giác, Tử Phác … quay quay thương nhớ quyến vào tơ, quay quay may áo rét dâng chàng… Những ca khúc hết sức lãng mạn của thành thị từ chàng ra đi lưng khoác chiến y, mà lòng vương bóng quốc kỳ… Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi … lờ lững đôi chim giang hồ bay.. dưới ánh trăng mơ màng, ngồi kề bên nhau nối tơ lòng, của Ngọc Bích, Nguyễn Thiện Tơ , Đào Thừa Liệt ...

Cuộc chiến Đông Dương thứ nhất kết thúc với cảnh đất nước bị chia cắt. Thanh bình tạm bợ ở với chúng ta vài ba năm thì lại một trận đao binh khác ập tới. Những khúc ca thanh bình của Lam Phương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh … bỗng thấy không còn hợp thời nữa. Thơ lãng mạn tiền chiến trở thành vô nghĩa, ngượng nghịu trên môi người đọc Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Thế Lữ, Xuân Diệu.. .

Tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy thỉnh thoảng lắm mới tìm được một hai bài hát cho họ.

Một buổi sáng mùa đông, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, chết không còn đôi chân…. Về đây nghe em, về đây nghe em, mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao …

Họ hát để quên đi những ca khúc đầy bi thảm, chết chóc : trực thăng sơn mầu tang trắng, em ngại ngùng dạo phố mùa xuân , viên đạn đồng đen, em sang ngang cho làm kỷ niệm

Không có mặt ở Việt Nam mấy năm, đến lúc về nước, thì tôi đã thấy có một phong trào nhạc đang lớn mạnh.

Đó là phong trào Du Ca. Du là đi đây đó. Du ca là vác đàn đi hát ở đây đó. Đây đó là những buổi lửa trại, là sân trường đại học, ở trường Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, ở đại học Đà Lạt, ở trụ sở sinh viên đại học quốc tế đường Duy Tân, Hồng Thập Tự.

Nhạc khí là những chiếc ghi ta với những accord giản dị. Và giọng hát là những tiếng hát bằng tâm tình, bằng lòng thành, bằng tất cả tấm lòng cho cái quê hương có một thời ngạo nghễ ấy, cho giống dân mà gọi là vua đấu tranh… .

Ở một quán nước trên đường Tự Do, tôi gặp hai người, hai tác giả có những ca khúc đặt cạnh nhau chỉ để nói lên những tương phản, nhưng lại cũng nói lên được những ưu tư, những quan tâm, khắc khoải của cái hế hệ bất hạnh ấy.

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang.

Trịnh Công Sơn đụng vào nhiều khía cạnh hơn Nguyễn Đức Quang. Những viên thuốc an thần của Trịnh Công Sơn được gửi đến người nghe, đồng thời vẽ ra một đất nước tan hoang với người yêu chết trận Pleime, đại bác ru đêm, đàn bò ngu ngơ vào thành phố, ngươi con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đầy tiếng súng...

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc khác hẳn của Trịnh Công Sơn.

TCS viết em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn.

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc như thế này: Đường Việt Nam ôi vô tận đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn. Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng mỗi xóm làng một dở dang…

Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng .Tiếng reo vui rộn ràng trong lòng. Gặp nhau do non nước xây cầu… Cùng đi lay Trường Sơn. Cùng đi xoay Hoành Sơn …

Hay: Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm. Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.

Rồi lại: Ta còn những người ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn chiến tranh. Ôi cùng đau thương cùng hoang mang giữa khi khó khăn. Xin chọn nơi này làm quê hương….

Nguyễn Đức Quang như thế đấy. Không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu như Nguyễn Bắc Sơn… Không một lời thù hận bên này hay bên kia. Nguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy.

Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng.
Nguyễn Đúc Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt.

Sự quyến rũ của Nguyễn Đức Quang là ở đó.

Mấy chục năm đã qua, nhưng Nguyễn Đức Quang không bao giờ rời xa hẳn chúng ta. Vẫn còn có những buổi sáng, hai ba câu hát của chàng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta.

Và như thế, có nói là thế hệ này đã tìm được người phát ngôn thì cũng không sai. Nguyễn Đức Quang nói hộ chúng ta biết bao nhiêu điều chúng ta loay hoay nói không được và có nói cũng không hết.

Nguyễn Đức Quang qua đời sáng hôm Chủ Nhật nhưng ông vẫn sống tiếp bằng âm nhạc của ông, chừng nào mà quê hương Việt Nam còn ngạo nghễ, chừng nào mà còn những người đi trên những nẻo đuờng Việt Nam, chấp nhận đó là quê hương.

Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.

Vĩnh biệt Quang.

Bùi Bảo Trúc

27/3/2011


Ngày 28 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Mấy tháng trước đọc một bài báo tôi mới biết cái quán nước ở góc đường Lê Lợi và đường Tự Do không còn nữa.

Thực ra tôi không ngồi ở đó nhiều bằng ngồi ở cái quán góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do.

Quán tôi hay ngồi là quán Cái Chùa. Quán ngó sang khách sạn Continental và trụ sở quốc hội là quán Givral.

Nhưng đó lại là cái quán tôi rủ được một cô bạn đến ngồi lần đầu tiên trong đời khi còn ở lớp cuối bậc trung học. Nàng gọi một ly kem, tôi gọi một chai coca và trong lòng chỉ hồi hộp sợ không đủ tiền trả cho cả hai thì phải làm thế nào.

Vài ba năm sau, khi trở lại ngồi ở Givral, sự hồi hộp, lo lắng không còn nữa. Không còn chai Coca, mà là những chai San Miguel. Người bạn đi biệt tích luôn, không bao giờ gặp lại nữa.

Ở đó, tôi gặp những người khác. Phạm Xuân Ẩn với giọng Nam kỳ, tiếng cười xuề xòa không ai có thể biết ông còn làm những việc tầy trời khác nữa. Ngay sứ quán Pháp và Mỹ còn không biết huống gì là tôi. Mà tôi thì cũng chẳng có gì để cung cấp cho ông. Chúng tôi nói chuyện làm báo, chuyện nuôi chim và nuôi chó của ông. Có thể nói là tôi khai thác ông được nhiều hơn là ông khai thác tôi.

Ở đó, một lần tôi mời được Graham Greene từ khách sạn Continental sang uống cà phê và được tác giả cuốn The Quiet American tặng cho một cuốn với chữ ký Graham Greene (with an "e") để nhắc tôi viết tên ông cho đúng.

Thỉnh thoảng tôi cũng đưa hai đứa con vào ăn món kem đựng trong một quả dứa mà chúng rất thích.

Tôi không biết quán nước này bị phá đi sẽ được thay thế bằng một kiến trúc nào. Nhưng như vậy, lại một góc phố tôi sẽ không còn có thể nhận ra được nếu sau này có về được Việt Nam.

Givral rồi đây cũng sẽ trở thành một cái tên mà mấy đứa con tôi sẽ không bao giờ hình dung ra được hệt như những cửa tiệm mang những cái tên Pháp ở Hà Nội mà ông cụ bà cụ tôi vẫn nhắc khi còn sống. Những cái tên hoàn toàn xa lạ, không một chút liên quan nào với chúng tôi ngay từ thời gian còn sống ở Hà Nội.

Nhưng tôi vẫn còn nhớ cái không khí máy lạnh phả ra khi đẩy chiếc cửa kính bước vào, thoảng có mùi croissant với mùi ly cà phê buổi sáng.

Hôm nay, ngồi nhớ lại, tôi thấy những người tôi gặp ở Givral đều không còn.

Cho nên có về lại được Givral cũng không cách gì tìm lại được họ nữa. Những buổi trưa đi từ nhà sách Xuân Thu ra hành lang Eden, quẹo phải tới góc Lê Lợi sẽ không bao giờ còn quán Givral nữa.

Tiếc thì không, nhưng ngậm ngùi một chút thì có.


Ngày 29 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Một đứa cháu của tôi, tuy chưa có cái MBA như bố nó, và lúc ấy mới học lớp 1 đã rất rành rẽ về những lựa chọn tài chính của nó.

Mấy năm trước, nhân dịp tết, tôi lại nhà thăm và lì xì cho chị em nó, và hơi ân hận vì không kịp đổi được mấy đồng tiền mới. Tôi cầm mấy tờ giấy bạc hỏi nó là muốn lấy tờ hai chục mới hay lấy tờ năm chục đã cũ. Nó rất vui vẻ chọn tờ năm chục đã cũ. Tôi lại hỏi là muốn có cái ví nhỏ để đựng tờ hai chục mới không. Nó lắc đầu nói không cần cái ví, chỉ cần bỏ tờ năm chục đã cũ vào túi là vui rồi.

Như thế thì công ty Dunhill, công ty sản xuất píp, bật lửa và thuốc lá không thể có nó là khách hàng.

The Dunhill Biometric Wallet sports a biometric fingerprint reader that will open only with touch of your fingerprint.The outside of the wallet is constructed from highly durable carbon fibre that according to manufacturers makes it ?virtually indestructible?, while the interior features a luxurious leather credit card holder and a strong stainless steel money clip. Now all this technology won´t make you any good if thieves are going to run with it anyway, you might say. Well, the best part is Read...

Dunhill vừa bầy bán một loại ví mới cho đàn ông mà quảng cáo nói là không thể phá hỏng được. Ví chỉ có thể mở ra bằng tay của chính chủ nhân. Và nếu cái ví rời xa chủ nó khoảng 5 mét thì chủ nó được báo động ngay bằng điện thoại.

Mỗi chiếc ví high tech này được bán với giá 800 đô la. Nhưng ai là người mua nó?

Tôi chắc là có. Không kể tới những chiếc Hermes Birkin giá gần 2 triệu đô la hay những cái rẻ hơn của Vuitton hay Lana Marks, Gardino … khoảng vài trăm ngàn một cái. Tôi đã thấy một người bạn cầm một cái giá khoảng 10 ngàn. Cô cho biết của một người bạn cho.

À thì ra thế. Chứ ai đâu tự nhiên, tự địa bỏ 10 ngàn ra mua cái ví tặng cho cục cưng vui. Tôi tin là niềm vui sẽ lớn hơn với 10 ngàn tiền mặt. Muốn làm gì thì làm. Tại sao lại kẹt cứng với cái ví 10 ngàn đô la mà chưa chắc mọi người biết đó là cái ví đắt tiền. Khoác nó trong tay, nhưng khi mở ra, thì cũng một đống Kleenex nhồi vào để cho nó khỏi nhăn nhúm, lại có vẻ có vài ba chục ngàn khác ở trong ví.

Có cái ví đó rồi thì lại phải quần áo như thế nào để đi kèm cho xứng kỳ đức chứ mặc bộ veste lại phải giữ nguyên cái giá ba ngàn đô la để cho bạn bè trông thấy thì mặc làm gì. Lụa là đắp vào cho mấy thì cũng vẫn giống một anh nông phu Campuchea thì bộ suit ba ngàn mà làm gì. Trong khi George Clooney có cần cái giá tiền bay phất phới mới biết là chàng mặc quần áo đắt tiền đâu.

Có cái ví 800 đô la nhưng trong không có một đồng cắc, la cà vào các quán ăn , chờ được mời mà không thấy ai mời, lại phải vác cái ví 800 đó về nhà ngắm nghía cho vui đời tị nạn thì vui làm sao được.

Bởi thế, không ví Dunhill 800 mà trong túi quần có 800 vẫn vui hơn nhiều.

Con nít cũng biết chuyện đó.


Ngày 30 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Vào lúc mà chúng ta tin là ngày nay, người ta trẻ hơn 20 tuổi so với những người cùng tuổi của ba , bốn chục năm trước thì một cuộc thăm dò ở Anh cho thấy chưa hẳn là như thế.

Hồi từ Hà Nội di cư vào Nam, ông bố tôi chưa đến tuổi tứ thập đã ăn mặc quần áo, mầu sắc như một ông già. Cái ca vát mầu hơi tươi một chút là không đeo vì nó lòe loẹt quá.

Không bù cho bây giờ, ca vát phải vàng, phải tím, phải xanh lá cây nhạt thì những cái cổ sáu mấy, bẩy mươi mới chịu đeo cho.

Nguyễn Khuyến mới 50 đã được lên lão, được / bị gọi bằng cụ, nhận ngay: rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ

Trần Tế Xương qua đời lúc 37 tuổi, còn rất trẻ vậy mà người ta cứ nghĩ ông Tú Vị Xuyên phải già lắm. Có thể cách ăn mặc, cư xử làm cho người ta già đi chăng? Đỗ đầu ba kỳ thi, làm quan, rồi chán cáo quan về hưu thì được gọi là cụ cũng đúng. Người ta gọi chức vụ và chức vụ thì làm cho người ta già thêm. Cụ hiệu trưởng mặc dù cụ mới bốn mươi mấy.

Nhưng trong những năm 80, ngươi ta càng ngày càng trẻ đi, hay nhất định không nhận là mình già thì cũng thế.

Đàn ông ngoài lục tuần vẫn còn … ngựa. Đàn bà ngoài lục tuần vẫn đi kiếm ông ngoại và ông nội … ghẻ cho lũ cháu, vẫn đăng báo tìm bạn trai để tiến tới hôn nhân. Mở báo ra là tìm đọc xem ở đâu bơm hút căng kéo rẻ và đẹp rồi chạy tắp về Thái Lan (?) trên bơm dưới hút để ngạo với nhân gian một tiếng cười cho bõ ghét.

Tục ngữ ca dao Việt Nam có những câu rất độc ác với tuổi tác phụ nữ. Nhất định những câu đó phải là của mấy anh đàn ông heo đực sô vanh, kỳ thị phụ nữ thấy rõ trong khi chính bản thân mình thì tha hồ tang tềnh.

Hai câu sau đây nằm trong loại ca dao heo đực sô vanh đó:

Trai ba mươi tuổi con soan
Gái ba mươi tuổi đã toan về già

Hai câu này không hề dựa trên bất cứ một sự thật nào. Trai ba mươi tuổi trẻ trung ở đâu, và gái ba mươi tuổi thì già ở chỗ nào? Hai câu ca dao này xuất hiện đã rất lâu. Ít ra cũng phải cả trăm năm. Tác giả chắc phải là một người đàn ông có đôi điều căm hờn một hai phụ nữ 29 hay 30 mà chàng quen biết, để một hôm nghĩ ra được hai câu lục bát độc ác đó, mang phổ biến và rung đùi khoái chí. Hai câu này ít được những người truyền tụng chúng tin mặc dù vẫn thỉnh thoảng lôi ra đọc.

Cuộc thăm dò của một tổ chức tên là Avalon Funeral Plans ở nước Anh cho biết các phụ nữ Anh cảm thấy bước vào tuổi 29 là đã thấy mình già trong khi đàn ông thì phải đến tuổi 58 mới thấy mình lão.

Trong số hơn một ngàn người trả lời những câu hỏi của cuộc thăm dò thì đa số đã nói như trên.

Có thể những người được thăm dò chưa ai tới tuổi 58 nên mới dám khẳng định như thế. Bao giờ đến tuổi ấy, chắc lại tìm cách đẩy lùi tuổi già ra sau thêm một chục năm nữa.

Nhưng André Maurois viết trong cuốn Lettre À L’Inconnue thì sau tuổi năm mươi, người ta bỗng thấy con đường phía trước càng ngày càng tối sầm lại, lằn ranh giữa sáng và tối càng ngày càng mờ nhạt, một số chuyện làm rất bình thường vài năm trước thì nay thấy khó làm, một số chuyện khác rất hăng hái làm chỉ mấy năm trước thì nay hứng thú không còn bao nhiêu nữa. Con người ta đã bắt đầu già. Không thẻ nào có cách để vặn ngược những chiếc kim đồng hồ quái ác kia được nữa.

Những phụ nữ trả lời cuộc thăm dò nói là sợi tóc bạc đầu tiên là nhắc nhở phũ phàng cùng với những vết nhăn ở đuôi mắt, ở khóe miệng, ở một khu vực càng ngày càng khó khăn chống lại sức hút của trái đất, cứ muốn chẩy (?) xuống miền nam.

Tất cả nhưng thảm kịch vừa kể đều bắt đầu ở tuổi 29 nơi các phụ nữ.

Nhưng đàn ông thì hình như không mấy ưu tư về những vết nhăn, về những sợi tóc bạc.

Những sợi tóc bạc chẳng thể là những lo sợ. Trừ khi sợ các "em bé" ở Việt Nam không chịu gọi bằng "anh" thì hãy nhuộm cho đen nhánh đi mà thôi. Còn không thì cứ "mái tóc Giáp Thìn đà nhuộm tuyết / điểm đầu Canh Tí chửa phai son" là được.

Nhằm nhò gì mấy sợi tóc. Ngũ Tử Tư sau có một đêm mà tóc bạc trắng, vài ba sợi thì đã tới đâu.

Nhưng tại sao lại phổ biến kết quả cuộc thăm dò vào lúc này ở Luân Đôn?

Hay vì Kate Middleton năm nay cũng vừa 29 tuổi lại sắp dọn nhà đến Buckingham, High Grove … mà điên tiết lên để rồi tung ra cái kết quả thăm dò ấm ớ đó ?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


ĐỘNG TỪ TO CARE

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày.

Tuần qua, QA có chuyển cho ông thầy e-mail của bà Nguyễn Lê thị Anh ở Texas hỏi ông thầy về những chữ viết tắt TLC bà nghe con dâu nói mà không hiểu là gì. Nguyên cô con dâu, bế con lại thăm bà nội và nói với bà rằng cháu bé ở nhà chỉ cần chút TLC là hết nhõng nhẽo ngay. Bà nghe thấy thì liền nhớ thỉnh thoảng ngồi xem TV với ông, thấy ông xem chương trình truyền hình TLC nên vặn chương trình TLC lên cho cháu xem. Hình như TLC không phải như vậy. Xin anh trả lời thắc mắc của bà Nguyễn Lê thị Anh.

BBT

Vâng, chương trình truyền hình TLC có thể không phải là điều mẹ cháu muốn bà nội dành cho cháu trong lúc cháu nhõng nhẽo như bà nghĩ. TLC mà ông nội cháu xem trong truyền hình mỗi ngày là tên viết tắt của THE LEARNING CENTER, một chương trình nặng phần giáo dục.

TLC mà mẹ cháu muốn bà nội dành cho cháu là TENDER LOVING CARE là sự ân cần, thương yêu săn sóc dịu dàng. TENDER là dịu dàng, nhẹ nhàng. LOVING là âu yếm, yêu chiều. CARE là săn sóc, nâng giấc. TLC là TENDER LOVING CARE là sự săn sóc âu yếm dịu dàng. Mẹ cháu bé muốn nhờ bà nội cho cháu nhõng nhẽo tiếp chứ không hề muốn bà nội vặn chương trình truyền hình TLC cho cháu xem.

LÃM THÚY

Thúy hiểu rồi. Con gái Thúy có lần nói với Thúy là muốn học y tá để đem lại LTC tức là TENDER LOVING CARE cho người bệnh. Bây giờ thì Thúy hiểu. Nhưng nhân dịp anh đề cập đến chữ CARE, Thúy muốn anh nói thêm về chữ này, chữ mà Thúy thấy đã tiến vào tiếng Việt ở Mỹ từ nhiều năm nay. Thúy nghe câu này có đến cả mấy chục lần: TÔI KHÔNG CÓ KE VỀ CHUYỆN ẤY. Chắc KE đây là CARE phải không anh?

QA

Đúng đó Thúy, QA thỉnh thoảng nghe mấy cậu em chêm chữ KE này trong những lúc nói chuyện với nhau nhưng QA tin là CARE còn nhiều cách dùng khác nữa phải không thưa anh? Nếu đúng là như thế, QA muốn nhờ anh giải thích thêm những nghĩa khác của CARE luôn một thể.

BBT

Đúng vậy hai cô. CARE là một động từ, một danh từ, rồi từ đó chúng ta còn có tĩnh từ và trạng từ xuất phát từ CARE ra, những chữ rất lý thú và hữu dụng.

Trước hết, CARE là một danh từ cái đã.

LÃM THÚY

Danh từ CARE là săn sóc như anh nói ở trên. Thúy có lần nhận được một bức thư gửi cho cô bạn, nhưng lại đề địa chỉ của Thúy. Kế bên cạnh tên cô bạn, là người nhận bức thư, người gửi viết tên của Thúy sau hai chữ viết tắt C/O. Thúy biết là người gửi muốn nhờ Thúy chuyển lại cho cô bạn. Thúy biết chữ C là viết tắt của CARE nhưng còn O viết tắt của chữ gì thưa anh?

BBT

Người viết bức thư không biết địa chỉ của cô bạn nên viết về địa chỉ của Thúy và nhờ Thúy "săn sóc " lá thư của cô bạn, mang nó đến trao cho lại cô bạn. C/O là CARE OF. Thực ra phải nói là IN CARE OF và sau đó là tên người được nhờ trao thư lại. Ở Sài Gòn, tôi nghe có người nói là C TRÊN O, rồi C SUR O như cách đọc những cái số nhà trong ngõ hẻm Sài Gòn vậy. Thực ra, C/O chỉ là CARE OF. Trong tiếng Pháp, C/O là AU SOIN DE hay AU BON SOIN DE.

CARE còn có nghĩa là lo lắng, quan tâm, lo ngại, bận tâm.

Thí dụ khi nói WHEN I WAS FIFTEEN, I WAS HAPPY BECAUSE AT THAT AGE, I WAS WITHOUT CARE. I HAD NO CARE AT ALL thì câu đó nghĩa là gì cô QA?

QA

WHEN là khi. I WAS FIFTEEN là tôi 15 tuổi. I WAS HAPPY là tôi rất sung sướng. BECAUSE AT THAT AGE vì ở tuổi đó, I WAS WITHOUT CARE tôi không có bất cứ một điều lo lắng nào.

Đó là nghĩa thứ hai của CARE. QA biết CARE còn có nghĩa là trách nhiệm nữa phải không thưa anh?

BBT

CARE cũng còn có nghĩa là trách nhiệm. Thí dụ SHE LEFT THE CHILD IN THE CARE OF HER MOTHER WHEN SHE WAS AT WORK nghĩa là cô ấy giao, gửi con cho mẹ nhờ giữ hộ, coi chừng hộ trong khi cô ấy đi làm.

CARE cũng có nghĩa là quan hoài, lưu ý, quan tâm. HE SHOWS HIS CARE FOR HER ON VALENTINE DAY WITH FLOWERS AND GIFTS. Cô Thúy biết là gì không nào.

LÃM THÚY

Nghĩa là anh ấy cho thấy anh ấy để ý, lưu tâm, quan hoài đến cô ấy nhân ngày Valentine bằng hoa và quà tặng. Bây giờ nhờ thầy giảng qua động từ TO CARE.

BBT

Động từ TO CARE có mấy nghĩa khác nhau. Dĩ nhiên CARE như trong câu Tôi không KE về chuyện đó thì có nghĩa là cần, thích, quan tâm.

QA hiểu câu này thế nào: DO YOU CARE IF I OPEN THE DOOR?

QA

Nghĩa là ông có quan tâm, có thấy phiền, có thấy khó chịu, có thích tôi mở cái cửa này không?

BBT

Đúng. CARE là tất cả những điều đó, khó chịu, không khó chịu, thích, không thích, nhưng phải quan tâm, phải để ý tới chuyện đó. Còn cô Thúy, cho một thí dụ với động từ TO CARE coi.

LÃM THÚY

Thúy nhớ mấy câu đầu trong bài DIANA của Paul Anka. Nghe người ta nói là chàng thì trẻ quá, mà nàng thì nhiều tuổi, chàng nói: I DON’T CARE JUST WHAT THEY SAY, CAUSE FOREVER I WILL PRAY... Thúy thấy hình như động tù này thường được dùng trong thể phủ định thì phải, đúng không thưa thầy?

BBT

Đúng vậy.

QA

Còn phải đi theo cái nhún vai nữa phải không thưa anh? QA ghét câu ấy lắm. Nghe hai đứa con gái nói chuyện với nhau, QA thấy câu đó được dùng nhiều nhất. Thí dụ hỏi có thích mầu áo này không, có thích đi shop không, có thích bản nhạc đó không, có giúp rửa cái xe không thì cô nhỏ bao giờ cũng nhún vai trả lời I DON’T CARE. Nhiều khi QA không biết nó thích hay không thích.

BBT

Thì cũng giống như trong tiếng Việt khi người ta trả lời SAO CŨNG ĐƯỢC phải không?

QA

Thế thì thầy Trúc có ghét động từ TO CARE như QA ghét không?

BBT

Có. Ghét lắm. Nhất là khi nói bằng giọng buồn bã, trách móc rằng I KNOW YOU DON’T CARE ABOUT ME mặc dù KE thì KE quá đi chứ.

LÃM THÚY

Thế còn TO TAKE CARE thì sao anh?

BBT

TO TAKE CARE là săn sóc, coi chừng, lo lắng cho ai đó, cẩn thận.

I AM LEAVING AND YOU STAY AT HOME
REMEMBER TO TEND TO THE MULBERRY TREES AND TAKE CARE OF MY AGED MOTHER FOR ME.

Đố cô QA câu trên nghĩa là gì nào?

QA

Thì anh thông dịch cho ông Nguyễn Bính chứ gì? Anh đi em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.

TO TAKE CARE OF THE HOUSE, THE CHILDREN, THE GARDEN ...

BBT

Nhưng TO TAKE CARE cũng có thể hiểu một cách dễ sợ lắm. Người ta kể lại là trong vụ Mỹ Lai, trung úy William Calley chỉ vào mấy người dân làng và bảo hai người lính là "TAKE CARE OF THEM!" Lát sau Calley trở lại, thấy nhũng người dân vẫn còn ở đó, anh ta nói với hai người lính rằng anh tưởng hai người đã TAKE CARE OF mấy người dân làng rồi chứ, thì hai người lính đáp rằng họ đang coi chừng những người dân làng chứ có sao lãng trách nhiệm đâu thì William Calley nói rằng tôi nói TAKE CARE OF là giết họ đi chứ tôi có bảo coi chừng họ đâu. Hai người lính quay súng bắn chết những người dân làng ngay sau đó. Đó cũng là TO TAKE CARE OF. Chúng ta có thể nói TAKE CARE OF THE DEBT/ THE BILL/ THE HOUSE PAYMENT.

Như vậy, TO TAKE CARE là giải quyết, lo, thanh toán

QA

TO TAKE CARE cũng được dùng làm một câu chào nhau: TAKE CARE! cũng như trong phim Tầu người ta chào nhau bằng câu " Bảo trọng" vậy phải không anh?

LÃM THÚY

Thúy còn nghe hai chữ này đi đôi với nhau: GOOD và CARE thành GOOD CARE. Anh cho biết cách dùng của chúng.

QA

Để QA kể chuyện này. Hôm đó, QA ra của thì thấy con trai QA vừa lau cái xe của QA vừa nói: I TAKE GOOD CARE OF YOUR CAR. MAY I BORROW IT TOMORROW? Như vậy là vừa khoe con cưng, con chiều cái xe của mẹ lắm, con lau nó thật sạch. Mai con mượn xe của mẹ được không? Nghe câu sau tự nhiên câu đầu không còn hay nữa.

LÃM THÚY

Còn Thúy thì cuối tuần qua, bà hàng xóm đem con sang nhờ con gái Thúy coi hộ cho bà đi chợ. Bà ra cửa còn ngoái lại nói : MY BOY IS IN GOOD CARE NOW, làm con gái Thúy nghe xong, cảm động vì câu khen, không dám mở TV ra coi nữa.

BBT

Động từ TO CARE còn được dùng trong một câu mời, một đề nghị, một gợi ý trong cách nói rất lịch sự như câu:

DO / WOULD YOU CARE FOR SOME TEA?

DO / WOULD YOU CARE TO STAY FOR DINNER?

Trong cách dùng này, động từ CARE gần như luôn luôn ở trong thể hỏi, QUESTION FORM.

Để trả lời, chúng ta không nói I CARE, mà chỉ nói là YES, PLEASE là đủ.

QA

QA thấy là trong tiếng Anh, hễ có động từ hay danh từ là gần như thế nào cũng có tĩnh từ, hay trạng từ xuất xứ từ những danh từ và động từ gốc đó. Trường hợp của CARE có như vậy không thưa anh?

BBT

Có. CARE là danh từ. Chúng ta đã biết là khi thêm vào cuối một số danh từ hai tiếp vĩ ngữ LESS và FUL là chúng ta có ngay những tĩnh từ. LESS là không có, là thiếu. FUL là có, là nhiều, là đầy.

HOME là danh từ nghĩa là nhà. Thêm LESS vào cuối danh từ này thì chúng ta có HOMELESS là không nhà. SHOELESS là chân đất, không mang giầy. JOBLESS là không có việc. RAINLESS là không có mưa. HATLESS là không đội mũ. CHILDLESS là không có con. HOPELESS là không có hy vọng. PENNYLESS là không một xu dính túi... Như vậy thêm LESS và CARE thì thành tĩnh từ gì cô QA? Nhân tiện cô QA cho một hai thí dụ dùng chữ CARELESS này coi.

QA

A CARELESS DRIVER CAN EASLILY GET AN ACCIDENT .

HE IS VERY CARELESS WITH HIS MONEY.

I RAN A RED LIGHT BECAUSE I WAS CARELESS AT THE INTERSECTION.

LÃM THÚY

Còn nếu thêm tiếp vĩ ngữ FUL vào cuối danh tư CARE thì chúng ta có tĩnh từ CAREFUL phải không anh? BBT

Thúy còn biết được những danh từ nào khác được tạo thành tĩnh từ bằng cách nối thêm cho cái đuôi FUL không?

LÃM THÚY

Có. TEAR thành TEARFUL là đẫm lệ. MIND thành MINDFUL là có ý, có tứ. BEAUTY thành BEAUTIFUL là đẹp. WONDER thành WONDERFUL là kỳ diệu. Và CAREFUL là cẩn thận. Để Thúy dùng thử CAREFUL trong vài câu nhá: WHEN DRIVING IN THE SNOW, YOU MUST BE VERY CAREFUL.

WE MUST BE CAREFUL WITH WHAT WE SAY: WE SHOULD TURN OUR TONGUES SEVEN TIMES BEFORE SPEAKING.

BBT

Cô lại kéo Đức Thánh Khổng ra cho ngài nói tiếng Anh rồi.

Bây giờ, chúng ta thực hành thêm một cách tạo ra tiếng mới. Dùng một số tĩnh từ, chúng ta có thể biến chúng thành trạng từ bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ LY vào cuối.

Trạng từ là tiếng bổ nghĩa, nói rõ thêm cho động từ.

Khi nói HE DRIVES không thôi, chúng ta không biết ông ta lái xe như thế nào. Dùng trạng từ đi với động từ TO DRIVE, chúng ta sẽ biết thêm cách lái xe của ông ta. Ông ta có thể lái xe nhanh hay chậm, cẩn thận hay ẩu .

Thí dụ HE DRIVES FAST. HE DRIVES SLOWLY. Cẩn thận tĩnh từ là gì hai cô còn nhớ không?

QA

Cẩn thận là CAREFUL. Hồi nẫy anh nói là thêm chữ LY vào cuối tĩnh từ CAREFUL chúng ta có trạng từ gốc từ CAREFUL là CAREFULLY. Như vậy, QA có thể nói HE DRIVES CAREFULLY. SHE INVESTS HER MONEY CAREFULLY. I MUST SPEND CAREFULLY. WE CROSS CAREFULLY AFTER ALL THE CARS HAVE STOPPED.

THEY PUT THE GUN AWAY CAREFULLY .

BBT

Có một chữ này tôi phải dặn hai cô cẩn thận. FREE có nghĩa là tự do, là không bị bó buộc, là không có. Đặt nó vào cuối một danh từ, cho thêm một dấu nối vào giữa, chúng ta có một tĩnh từ thí dụ DEBT-FREE là không thiếu nợ. GERM là vi trùng, GERM-FREE là không có vi trùng. MORTGAGE-FREE là không nợ tiền nhà. DUTY là thuế, DUTY-FREE là miễn thuế. Vậy nếu theo cách tạo thành đó, dùng với danh từ CARE, chúng ta có tinh từ mới nào? Cô Lãm Thúy?

LÃM THÚY

CARE-FREE. CARE-FREE có cùng nghĩa với CARELESS không thưa anh? LESS là không có. FREE cũng là không có. Hai tĩnh từ này có đồng nghĩa không?

BBT

Đó là điều tôi muốn hỏi hai cô.

QA

CARE có mấy nghĩa khác nhau. CARE có thể là âu lo. CARE có nghĩa là cẩn thận, quan tâm, lưu ý, chú ý.

QA nghĩ CARE-FREE khác với CARELESS. Có khác thì ông thầy mới hỏi chứ giống thì ông thầy hỏi làm chi.

CARE-FREE là không âu lo, là vô tư lự, là thảnh thơi. A CARE-FREE YOUTH là một thiếu niên vô tư, không có điều gì lo nghĩ, bận tâm. Nhưng A CARELESS YOUNG MAN thì lại nghĩa là một thanh niên liều lĩnh, bạt mạng, ẩu tả.

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ tôi lại nhắc hai cô rằng có nói câu này thì nhớ nói cho đúng. Ngay cả người Mỹ nhiều người cũng nói sai. Mà nói sai thì hiệu quả kém hẳn đi. Nói một câu đanh đá mà nói không đúng thì còn gì là đanh đá nữa. Uổng phí đi.

Tưởng tượng ngồi ở bàn tiệc và phải nghe 1 bà khách nói nửa tiếng đồng hồ về căn nhà 2 triệu ở trên núi, các quí tử toàn học trường Harvard, MIT và Columbia, các công chúa toàn đoạt hết giải hoa hậu này tới giải hoa hậu khác, cái garage nhỏ quá, chứa không nổi 1 chiếc Rolls Royce, 1 chiếc Jaguar, lại thêm 1 chiếc Bentley vân vân thì những người trong bàn phải làm gì để chống lại tình trạng không khí ô nhiễm đó? Phải đứng dậy, đi thẳng vào toilet ngay. Việc đứng dậy giũa câu chueỵn đầy khoe khoang hợm hĩnh đó là để nói câu này: I COULD NOT CARE LESS.

CARE là quan tâm, là lưu ý, là thích, ưa, quan hoài. I DO NOT CARE là tôi không cần, là tôi cóc cần. I COULD NOT CARE là tôi không thể quan tâm, lưu ý. LESS là ít hơn. I COULD NOT CARE LESS là tôi không còn có thể nào ít quan tâm về chuyện đó hơn nữa, nghĩa là tôi không quan tâm, một chút nào , một ly nào về mấy cái xe của bà, về căn nhà 2 triệu trên núi của bà, về các hoàng tử công chúa học giỏi lại đẹp gái của bà nữa...

Nhưng rất nhiều người Mỹ cũng nói sai như chương trình truyền hình của Bill O’Reilly vừa nêu ra tuần trước.

QA

Cám ơn thầy Trúc. I COULD NOT CARE MORE về chương trình của thầy. Nói vậy chắc đúng.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.