March 30, 2021

Những Bài Tạp Ghi viết năm 2009 của Bùi Bảo Trúc

1-5-2009


13,015 NGÀY

Cho tới ngày hôm nay, tôi đã xa Sài Gòn đúng 13,015 ngày, tính từ buổi trưa hôm ấy, sau một trận mưa đổ ào xuống thành phố.

Trên đường ra phi trường, tôi nói với người lái xe dừng lại góc đường Lê Lợi và Pasteur mua hai cuốn sách đem theo.

Không bao giờ tôi nghĩ đó lại là lần cuối cùng tôi ghé cái quầy báo quen thuộc ấy.

Tám tháng sau thì Sài Gòn đổi chủ. Tôi chưa trở lại cái thành phố nơi tôi đã sống nhiều hơn con số năm sống ở Hà Nội. Tôi học năm cuối của tiểu học ở đó, qua 7 năm trung học, đi khỏi nó mấy năm, rồi trở lại. Hai đứa con tôi đều ra đời tại cái thành phố ấy.

Một buổi tối ở Toronto, khi tôi nhắc lại những điều vừa kể trên, ông bố tôi chép miệng đọc hai câu Kiều:

Thôi con còn nói chi con
Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người

Ông đọc hai câu ấy cho tôi. Ðó là lời Vương bà nói với Thúy Kiều trước khi Kiều lên đường bắt đầu 15 năm luân lạc. Nhưng Kiều, sau những năm luân lạc, đã trở lại được nhà cũ. Những ly biệt chỉ kéo dài có 15 năm. Còn tôi, nay đã xa cái thành phố ấy một số năm dài hơn gấp đôi con số những năm chìm nổi của Kiều. Nguyễn Du không viết gì thêm sau cuộc đoàn viên, nhưng người đọc tin chắc Kiều đã không phải chết nơi quê người như lời của mẹ.

Còn tôi, tôi chắc đời sống sẽ hệt như câu 890 trong Kiều.

Tôi yêu cái thành phố ấy ngay khi xuống máy bay ở Tân Sơn Nhất để về một trại tạm trú ở Khánh Hội sau chuyến bay từ Hà Nội vào Nam. Căn nhà ở Chợ Lớn nơi ông bố tôi đưa gia đình đến ở, ngôi trường tiểu học, cô giáo dậy tôi năm đó tôi gặp lại ở California, những năm trung học, người thiếu nữ làm tôi cà lăm khi đến gần, những người bạn dăm ba người đang có mặt ở đây, những con đường, những hàng cây, bầy ve sầu rất đúng hẹn, những cơn mưa, những buổi trốn học đi xi nê, bức thư tình đầu tiên nhận được trong đời, những buổi tối nghe giọng Ðinh Hùng của chương trình Tao Ðàn vọng ra từ phòng làm việc của ông bố, sau vài ba năm đi xa, trở lại, chiến tranh bắt đầu khốc liệt, một hai người bạn nằm xuống, những âu lo về tương lai, tiếng bom đạn vọng về làm rung những chiếc cửa kính, những lớp học, những người học trò nay gặp lại đã năm mươi mấy...

Tự nhiên một ngày, tất cả biến mất, tan tác như những chiếc lá sau trận cuồng phong. Căn nhà bỏ lại, cái mùi căn phòng của hai đứa con, những người không kịp từ biệt, gia đình nhà hàng xóm, những đứa bé gặp lại không biết có nhận ra chúng nữa hay không, hai người phụ nữ bế ẵm hai đứa con tôi ở đâu, có bao giờ hai đứa con tôi còn nhớ đến những người đàn bà hiền lành ấy không...

Ðã 13 ngàn 015 ngày tôi xa những người ấy, những thứ ấy. Cái công viên tôi chở con đến chơi mỗi cuối tuần, cái gốc cây nó chạy vấp té tôi còn nhận ra trong một bức ảnh mói chụp của người bạn. Nếu đúng 18 năm, những con ve sầu của mà hè năm 1974 ngoi lên và đẻ trứng dưới những gốc cây, thì con của chúng chỉ sang năm là lại trở về ca hát vang thành phố.

Nhưng tôi thì vẫn chưa về Sài Gòn. Có thể tôi sẽ không bao giờ về được. Tôi cứ nhớ mãi tựa cuốn tiểu thuyết của Thomas Wolfe: You Can’t Go Home Again. Tôi cũng thế.

Tôi muốn đi Hội An một chuyến. Tôi muốn trở lại Huế, tôi muốn tìm lại căn nhà cũ ở Hà Nội xem những nét vẽ bằng bút chì trên cái vách nơi kê cái giường của tôi có còn không. Con đường Lê Thánh Tôn một buổi chiều mưa ngồi trong xích lô với cô bạn, căn nhà ở Gia Ðịnh với cây mai sáu cánh, phòng làm việc của ông bố tôi, cửa mở ra một cây cau hoa thơm ngát, buổi chiều nghe tiếng chuông từ ngôi chùa bên cạnh vọng sang.

Tôi muốn đi tìm lại những thứ ấy.

Nhưng về thì không được.

Ông già Hạ Tri Chương trong bài Hồi Hương Ngẫu Thư coi vậy mà còn hạnh phúc hơn tôi nhiều:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
...

Bài thơ tôi viết khi đọc Hạ Tri Chương vẫn còn nguyên những tình ý như khi tôi viết xuống cách đây hơn 20 năm:

Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi: "Lâu không gặp?"
Ðáp khẽ: "Ði xa mới trở về"

Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ

Ô hay "tiền bối" Hạ Tri Chương
"Tiền bối " xa quê thuở Thịnh Ðường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng?

Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Hơn chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn.

Chuyến trở về căn nhà ở Ngã Sáu trong bài thơ vẫn chỉ là một chuyến đi tưởng tượng.

Tôi nhớ Sài Gòn vô cùng.

2-1-2009


THƯ CHO ÔNG GIÀ NOEL

Ðây là một bức thư tìm thấy trên đường đi làm sáng nay. Bức thư gửi ông già Noel không biết tác giả là ai, nhưng những điều viết trong thư khá giống ý nghĩ của một số chúng ta nên xin ghi lại ở đây.

Kính gửi ông già Noel,

Thưa ông,

Bây giờ chắc ông đã làm xong công việc hàng năm trong dịp Giáng Sinh của ông. Hy vọng ông đã đi thăm được hết những đứa bé trên khắp thế giới như ông vẫn nói và như nhiều đứa trẻ đã tin như vậy. Chắc trong chuyến đi đêm hôm 24 rạng ngày 25 tháng 12, ông đã không quên những đứa bé sống trong các trại tị nạn ở Phi châu, tạm trú trong những túp lều bằng lá giữa cái nóng khủng khiếp của sa mạc Darfur, nơi không có những cái ống khói cho ông leo xuống, cũng chẳng có ly sữa và những chiếc bánh cookies mà những đứa bé ở Âu châu, ở Băc Mỹ đã làm hư ông và ông đã làm hư chúng, dậy cho chúng chơi trò hối lộ để được ông cho quà.

Những đứa bé sống trong các trại tị nạn rất cần ông ghé thăm, an ủi chúng cho vơi bớt đi những thống khổ mà chúng đã phải gánh chịu suốt mấy năm nay. Mong ông cũng không quên những đứa trẻ 10 tuổi, 11 tuổi bị bắt cầm súng trong những cuộc nội chiến kinh hoàng ở đó, những đứa bé gái bị bắt đi làm nô lệ xác thịt cho những đạo quân ác quỉ ở Congo, Sierra Leone, Rwanda...

Những đứa bé sống ở những bãi rác, bới móc đống phế thải để nuôi thân, nuôi gia đình ở Ai Cập, ở Philippines, ở Iraq, ở Afghanistan...

Và nhũng đứa bé gái Việt nam, 6, 7 hay 8 tuổi đã bị bán sang những địa ngục trần gian ở Campuchea để làm điếm vì cha mẹ chúng quá nghèo và vì bọn chó bọ cầm quyền ngoảnh mặt làm ngơ không biết bảo vệ nhũng em bé trai cũng như những em bé gái Việt Nam đó.

Mong ông đã làm được những chuyến đi thăm các em bé này. Chứ cứ ngồi trên cái xe tuần lộc cười hố hố, ghé lại những căn nhà sang trọng ấm cúng ở đây như tôi thấy ông đã làm thì chán quá.

Ông nên bớt những việc đó, mà cố gắng làm một số chuyện thiết thực khác.

Thí dụ ông nên dậy lũ trẻ mừng ngày ra đời của Chúa bằng những cách khác hơn là bầy trò gửi mấy tỉ tấm thiệp làm tổn hại bao nbiêu cây rừng bị đốn xuống nghiền làm bột để chế tạo giấy in những tấm thiệp đó mà việc duy nhất mà chúng làm được là làm giầu cho các hãng sản xuất thiệp. Thế giới cần cây xanh hơn là đốn bớt cây để làm những tấm thiệp đó.

Lũ trẻ nên được dậy là chúng không cần những quà cáp tốn kém để mừng ngày Chúa giáng sinh. Những quà cáp chúng đòi do những xúi bẩy, dụ dỗ của ông năm nào cũng làm khốn đốn những người cha, những người mẹ, nhất là trong dịp cuối năm nay, khi kinh tế thế giới trì trệ, công việc khó khăn, tiền bạc khó kiếm. Ông thừa biết chuyện ông cho quà lũ trẻ chỉ là chuyện người ta đặt ra cho vui, tô vẽ ra vài ba nét thần tiên cho tuổi thơ. Nhưng rồi những nhà buôn túm lấy những chuyện đó để tìm cách moi tiền của cha mẹ những đứa bé. Thí dụ tại sao phải có cái iPod mới mừng được sự giáng thế của một vị giáo chủ cả đời chịu khổ đau cho nhân loại? Bọn trẻ không cần búp bê Barbie thân hình sexy quá đáng như thế để mừng Chúa ra đời. Chúng cũng không cần những món đồ chơi chế tạo bằng những vật liệu gây nguy hại cho sức khỏe của chúng được chở từ Trung quốc đi bán ở khắp nơi. Nhất định những thứ ấy không là những thứ cần thiết và có ích trong dịp Giáng Sinh.

Nhưng ông tiếp tục làm đủ mọi cách để cho những đứa bé tin vào những điều không ích lợi đó.

Ông có biết rằng ông đã gây ra bao nhiêu khốn khổ cho nhiều gia đình trên khắp thế giới trong mấy tuần qua hay không?

Tiếng cười hố hố của ông là những nhắc nhở cho những chuyện làm khổ không biết bao nhiêu gia đình. Do những xúi bẩy của ông, bọn trẻ viết ra một danh sách dài những thứ chúng muốn ông đem lại cho chúng trong đêm Chúa giáng sinh. Chỉ khổ cho cha mẹ chúng. Cả trăm thứ chi tiêu, bao nhiêu nợ nần, lại phải quà cáp cho chúng, rồi bao nhiêu điều tử tế mà chúng nghĩ thì đều dành cho ông hết.

Rốt cuộc là ông không làm gì thì được tất cả mọi tình cảm tốt đẹp của lũ trẻ, trong khi cha mẹ chúng phải làm việc quần quật, nhín chỗ này, nhịn chỗ kia để nhân danh ông quà cáp cho chúng.

Tôi phải nói thẳng rằng ông là tượng trưng cho tất cả những cái đáng ghét và không tốt trong những ngày như thế.

Tôi viết lá thư này để trách ông về những chuyện như thế.

Nhưng thực ra, không phải chuyện gì ông làm cũng xấu cả. Có vài ba chuyện ông làm cũng được lắm. Ðể cho công bằng, tôi cũng nói ra ở đây.

Cám ơn ông đã cho nhiều đứa bé nhũng niềm vui mà không một ai đem lai được cho chúng. Mấy hôm trước tôi đã thấy được điều đó. Thế nên nghĩ lại, tôi vẫn cám ơn ông. Sang năm ông cứ trở lại nhhé. Mặc dù lắm lúc ông cũng dễ ghét không ít.

Merry Christmas ông nhé ông già Noel rất đáng ghét của tôi.


KHÓC TRƯƠNG TRỌNG TRÁC

1941-2009

Kể đã lâu tôi không gặp ông
Gặp làm chi? Nghĩ cũng chẳng cần
Lấy cái điện thoại bấm vài số
Là lại tha hồ, đấu suốt đêm

Gặp thì không, nhưng vẫn nhớ ông
Cái dáng hồi ở Chu Văn An
Vẫn theo ông mãi, mà nay cũng
Thoắt đó đã gần năm mươi năm

Nhớ xưa ông học trên lầu chính
Thỉnh thoảng xẹt qua dẫy nhà tôn
Cứ nghe tiếng từ vài mươi thước
Cả bọn lại leo tường trốn học với ông

Hồi ấy ông học giỏi nhất trường
Hai cái tú tài có một năm
Lúc thì đi học, lúc hướng đạo
Cái nét hiền xưa mãi vẫn còn

Hai mươi mấy năm gặp nhau xứ lạ
Hỏi thăm toàn những chuyện tào lao
Ðứa luật sư nay đi bán phở
Ðứa dậy học, thì nay viết thuê

Dăm tên bạn khác thời đi học
Lên bàn thờ cả mấy chục năm
Tên rớt tầu bay, tên chết pháo kích
Tên trúng AK, đứa vướng mìn

Sang đây Vũ Kiện, Vũ Thư Thanh
Rồi Ðinh Ngọc Mô, Hồ Hải Trân
Cùng dăm tên khác nhớ không hết
Giờ cũng nghìn trùng đã gửi thân

Nhớ lần uống rượu vừa năm ngoái
Còn đùa Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê
Sao không ở lại vài năm nữa
Ðể bọn mình còn thất thập cổ lai

Nhưng Hà, bạn nhớ giùm tôi nhé
Trác đi rồi nhưng vẫn mãi còn đây
Những trang báo xưa, những tập hình cũ
Chiếc Nikon còn mãi dấu bàn tay

Dẫu sao, bạn cũng được mấy chục năm
Hạnh phúc bên ông chồng rất hiền
Toàn Bò với tôi, xa về không kịp
Nhờ bạn thắp cho mấy nén hương

Cùng khóc Trác


Bùi Bảo Trúc
Nguyễn Thế Toàn

3-4-2009


BỨC DƯ ÐỒ RÁCH

Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu là một nhà văn, một nhà thơ, một nhà báo có một đời sống rất tội nghiệp. Ông thất bại nhiều lần trong đời. Chuyện thi cử, tình duyên, công việc, và chuyện viết báo của ông đều không thành công. Hết ngoài Bắc, rồi lại vào Nam làm báo, nghề viết của ông không đem lại cho ông một đời sống dễ chịu. Có lúc ông phải quay ra xem bói để kiếm thêm tiền, đăng những lời rao mời khách đến xem bói nghe thật thảm.

Nhưng thơ của ông thì rất hay. Có những bài nghe ngông nghênh như có một chút gì phách lối ở trong, nhưng đọc kỹ, người ta lại thấy những u uất, chán chường. Ông sống trong giai đoạn đất nước đang trải qua những chuyện mà người ưu thời mẫn thế, lo cho đời, thương cho đời như ông, nếu không bất mãn thì mới là điều lạ.

Ðó là thời của Nguyễn Khuyến lui về sống ở vườn Bùi, ngó ông phỗng đá mà ngao ngán:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông
Trơ trơ như đá, vững như đồng
Ðêm ngày coi sóc cho ai đó
Non nước đầy vơi có biết không...

Ðó cũng là thời của những ưu uất được che đi bằng những vần trào phúng như trong thơ Trần Tế Xương, ước ao, muốn làm bao nhiêu chuyện, rồi cũng không làm được, thất chí, quay ra chơi bời, hát xướng để cố quên đi những bất lực trong đời sống của mình:

"Ðêm nảo đêm nao tớ cũng buồn". Cứ nằm đó mà "nghe tiếng ếch bên tai" để giật mình, khi nghĩ tới những đổi thay trước mắt "sông kia rầy đã nên đồng"...

Tản Ðà có một bài thơ nói rõ hơn những ẩn dụ, những gợi ý xa xôi của Nguyễn Khuyến, của Trần Tế Xương. Bài Vịnh Bức Dư Ðồ Rách là một bài thơ kỳ lạ, ít nhất là với ngươi viết bài này. Chỉ đọc nó một lần trong chương trình Việt văn lớp đệ tam là không bao giờ quên được. Bài thất ngôn bát cú của ông, khi đọc lên, người ta nghĩ chắc ông đã viết nó một cách dễ dàng. Bài thơ trơn tuồn tuột đi một hơi từ câu đầu đến câu cuối:

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách đàn con trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi

Tấm bản đồ cũ đã rách tơi tả nhưng chắc khi còn mới nó đẹp lắm, sông núi được tô vẽ thật đẹp. Tổ tiên để lại một đất nước với những hy sinh của các triều vua, của một công chúa để thêm được hai châu Ô, Lý, của những cuộc chiến, những buớc chân đi từ miền bắc vào mở mang thêm mãi về phía nam. Thế mà bọn con trẻ đã quên đi những cố gắng có rất nhiều máu và nước mắt để mặc cho tấm bản đồ rách nát như vậy.

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi

Ông Tản Ðà hứa với mình như thế.

Ông chết năm 1939 lúc mới ngoài năm mươi tuổi. Ông chưa làm được điều ông muốn. Bức dư đồ ông đứng nhìn, trông những vết rách tả tơi, thương cảm viết ra bài thơ ấy đến nay lại càng rách thêm rất nhiều.

Ông chết đi, nên không nhìn thấy bức dư đồ càng ngày càng rách và đang có cơ bị xé đi một cách tàn bạo.

Nguyễn Khắc Hiếu chết sớm nên ông tránh được những đau khổ của một người lúc nào cũng ưu tư lo lắng về tổ quốc Việt Nam.

Bây giờ, bức dư đồ của ông đang bị xé nát với mấy ngàn dân và lính Trung quốc được "cõng" vào Tây nguyên để khai tác quặng mỏ bauxite bất chấp những tàn hại môi sinh sẽ xẩy ra tại vùng quặng mỏ, đem lại thảm họa cho người dân sống trong vùng. Kế hoạch khai thác mỏ bauxite của Bắc kinh đã được nhà cầm quyền Hà Nội chấp thuận sau những nhượng bộ về lãnh hải, đất đai của Việt Nam. Từ bức thư bán nước không được một đồng nhân dân tệ của Phạm Văn Ðồng đến những vụ dâng đất ở Bản Giốc, vẽ lại bản đồ để nhường thêm đất đai cho Trung quốc đến thái độ phục tòng hèn hạ của Hà Nội không dám để cho dân nói lên lòng bực bội đối với Bắc kinh đã khiến cho chủ quyền của Việt Nam gần như không còn nữa.

Việc khai thác mỏ bauxite chỉ là một bức màn che tự nó đã rất nguy hiểm cho tham vọng chiến lược của Bắc kinh.

Ðể rồi xem lực lượng người mà Trung quốc đưa vào Việt Nam để khai thác mỏ bauxite bao giờ sẽ được rút ra khỏi Việt Nam sau khi phá nát môi trường sống của vùng Tây nguyên.

Khi không bọn chó má lại lôi Việt Nam trở lại với thời An Nam Ðô Hộ Phủ ô nhục của cả ngàn năm trước.

Ông Tản Ðà chết sớm thế mà lại may cho ông.

Ông sống đến bây giờ, ông còn đau biết là bao nhiêu nữa?

6-2-2009


NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI GIẤU MẶT TRONG NỘI BỘ ÐẢNG

Mấy hôm nay, người ta có thể vào internet xem một số hình ảnh không rõ do ai chụp được ở bên trong căn nhà số 7/36 đường Lý Nam Ðế, Hà Nội. Những bức hình được chú thích là chụp trong tư gia của Lê Khả Phiêu, một người từng có thời giữ một chức vụ cao cấp nhất ở Việt Nam

Căn biệt thự kín cổng cao tường của cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam bên trong trưng bầy bộ sa lông bằng gỗ đắt tiền, trên tường treo nhiều tranh ảnh, vài ba bức bức thư pháp với một bức viết chữ "tâm" bằng chữ Hán. Ngoài những tranh mỹ thuật, chủ nhà còn treo chân dung Hồ Chí Minh, Mác và Lê Nin, một bức vẽ Hồ Chí Minh ngồi đọc sách ở vườn sau nhà ... Ở một góc, là một tủ sách, một tủ đựng các tượng nhỏ, một cặp ngà voi, nhiều chân dung chụp cũng như vẽ của chủ nhà. Căn nhà ở một khu sang trọng mới xây, chung quanh cũng là những biệt thự mái đỏ ba bốn tầng. Nhà của Lê Khả Phiêu còn có sân thượng với một vườn rau để gia đình vợ con khỏi phải đi chợ mua rau tưới bằng nước phân như người dân thường.

Căn nhà rõ ràng là đắt tiền. Nhưng cách bầy biện cho thấy chủ nhà là người không có mắt mỹ thuật. Tranh ảnh không theo một cách sắp xếp nào. Tranh cốt treo cho có, đa số diêm dúa, không mỹ thuật, vừa để lấp trống những khoảng tường vừa để hù dọa khách đến thăm nhà là chủ nhà gốc lớn, lại khoe thành tích đi đây đi đó, đồng thời cũng để tôn sùng ngay chính mình.

Chủ nhà mặt mũi tự đắc, cười tít mắt dẫn khách đi xem phòng khách. Chiếc trống đồng giả được đặt đại lên hai cái ghế. Một chiếc tầu buồm không có vẻ gì là tầu của Việt Nam được đặt trong một tủ kính nhỏ.

Khách khứa đến thăm được cho ngồi trong phòng khách và được tặng cho mỗi người một cuốn sách của chủ nhà viết không rõ bên trong viết cái gì mà có cái tựa vừa kêu vừa rỗng tuếch: "Mênh Mông Tình Dân". Cuốn sách có chữ ký của tác giả đề ngày 22 tháng 12 năm 2008.

Như vậy, chuyến thăm Lê Khả Phiêu vừa diễn ra cách đây không lâu. Ngày diễn ra chuyến thăm viếng làm người ta nghĩ có thể chủ nhà và đàn em cũng mừng Giáng Sinh, cũng quà cáp mà không dám nói ra.

Làm cách mạng vô sản đến cuối đời có căn nhà đẹp như thế thì ai mà lại chẳng thích đi làm cách mạng. Lê Khả Phiêu từng nhận là người học trò giỏi nhất của "Bác Hồ" đã sống như thế ở Hà Nội.

Cho là có ghét ông Nguyễn Cao Kỳ đến đâu đi chăng nữa thì cũng phải nhận là cái nhà ông ở trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất thua xa căn nhà của Lê Khả Phiêu. Ông Dương Văn Minh cũng không có một căn nhà đẹp như thế. Cụ Trần Văn Hương thì nhất định là người có nơi ăn chốn ở tồi tệ nhất. Tổng thống Diệm thì nằm giường trải chiếu, không chăn êm nệm ấm bao giờ. Ông Thiệu thì hình như không có nhà.

Những người xem loạt hình chụp trong căn nhà đều nổi giận, bực bội trước cảnh sống giầu sang, tuy vẫn nhà quê và thất học, của Lê Khả Phiêu. Tại sao không là một căn nhà bình thường giản dị, sạch sẽ, ngăn nắp? Ðiều đặc biệt là trong căn nhà, không có lấy một bức ảnh chụp những người bộ đội. Không thấy bầy một chiếc nón cối, một đôi dép Bình Trị Thiên, một khẩu AK... những thứ giúp đưa một người như Lê Khả Phiêu lên chức vụ cao cấp đó và căn nhà đắt tiền để sống lúc về hưu. Cũng chẳng có lấy một bức tranh thành nội, quốc tử giám, trong khi lại có một bức không ra Renoir, lại cũng chẳng Cézanne hay Seurat vẽ mấy bà đầm váy đầm tha thướt trong vườn cây. Hai bức khác là tranh Tầu, cũng chẳng phải là tranh của danh họa gì cho cam.

May mà không có tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí ... Lý do là vì tiến trình học làm sang chưa tiến đến mức đó.

Nhưng gần hết những người xem loạt hình chụp nhà Lê Khả Phiêu vì quá phẫn nộ nên đã bỏ quên mất một chi tiết. Ðó là lời tuyên bố của Trương Tấn Sang thuộc ban bí thư trung ương đảng sau khi được xem những bức ảnh chụp nhà của Lê Khả Phiêu. Trương Tấn Sang đòi phải vạch mặt những kẻ phá hoại giấu mặt trong nội bộ đảng.

Kẻ phá hoại giấu mặt ấy không phải là Lê Khả Phiêu, người đảng viên sống xa hoa trong căn nhà đắt tiền ấy.

Kẻ phá hoại là người đã chụp những bức hình này rồi đem phổ biến trên internet.

Tại sao lại gọi người chụp những bức hình trong nhà của Lê Khả Phiêu là phá hoại?

Nhưng đúng là như thế. Người chụp những bức ảnh đó là kẻ phá hoại thật. Ðang trình diễn cảnh vô sản trên răng dưới dép để dân chúng khỏi bất mãn thì đem chụp rồi phổ biến một loạt hình chụp cái phòng khách bầy toàn đồ đắt tiền ấy thì làm sao tiếp tục nói là sống cần kiệm, thanh liêm cho dân nghe được. Phải giấu như mèo giấu những thứ bài tiết mới được. Phô ra những thứ đi ngược lại với những lời giả dối của đảng, không là phá hoại thì là cái gì bây giờ.

Hồi còn sống, ông Hồ đi đâu cũng có hai loại thuốc lá. Trước nhân dân, ông hút thuốc Tam Ðảo hay thuốc Ðiện Biên. Khi nào không có nhân dân đứng gần, thì ông ta hút, nếu không Lucky thì cũng là Kent của Mỹ. Ông Hồ không thể hút thuốc đế quốc trong khi toàn dân phải hút thuốc nội hóa khét lẹt. Ông ta tự nhận là người hy sinh một đời cho cách mạng, quên cả hạnh phúc cá nhân nên chuyện ông ta lấy sẩm Tăng Tuyết Minh, hay dính líu với vợ của Lê Hồng Phong, rồi có con với Nông Thị Xuân đều bị giấu kín.

Giấu là vì những chuyện đó không có lợi cho đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thế nên chuyện sống xa hoa của Lê Khả Phiêu nhất định là phải giấu.

Tội cho Nguyễn Tấn Trung, hòn máu ông Hồ để lại sau những dan díu với Nông Thị Xuân. Vì phải giữ cho hình ảnh tốt đẹp của cho ông Hồ, mà hòn máu này đang phải sống rất cơ cực tại Việt Nam. Cộng Sản Việt Nam nhất định không nhận Nguyễn Tấn Trung là con của Nguyễn Ái Quốc, thà để mặc cho sống khốn khổ còn hơn là phá vỡ huyền thoại.

Thế nên người bầy ra những bức hình chụp đời sống đích thực của các lãnh tụ bị coi là phá hoại thì nhất định là đúng.

Dân mà thấy rõ cảnh sống giầu sang của Lê Khả Phiêu như trong những bức ảnh thì làm thế nào có được "Mênh Mông Tình Dân" như tựa cuốn sách mà ông ta viết được.

6-3-2009


CỨU CÁNH VÀ PHƯƠNG TIỆN

Câu "cứu cánh biện minh cho phương tiện" không phải là của những người Cộng Sản nghĩ ra như khá nhiều người vẫn tin mặc dù những người Cộng Sản đã nhiều lần đem cứu cánh để giải thích, biện hộ cho những việc kinh khủng mà họ làm. Stalin bỏ đói 22 triệu người dân Ukraine (The Grim Harvest của Robert Conquest), Mao Trạch Ðông giết hàng triệu người trong thời kỳ diễn ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa, và Hà Nội đã giết không gớm tay mấy ngàn người dân Huế. Làm xong những việc đó, câu "cứu cánh biện minh cho phương tiện " lại được đem ra để biện hộ cho những việc họ làm.

Thực ra, Sophocles, một nhà soạn kịch Hy Lạp từ thế kỷ thứ 5 trước Thiên Chúa giáng sinh đã viết trong kịch phẩm Electra của ông câu "cứu cánh giải thích cho tất cả mọi chuyện xấu xa trên đời".

Ý của câu này lại được Machiavelli viết trong cuốn Quân Vương: La fin justifie les moyens.

Và rồi cứ mỗi lần làm xong những điều sai trái, câu đó lại được viện dẫn để làm cho những hành động không đúng đó để được dễ dàng chấp nhận hay bỏ qua đi.

Thường thì việc đem cứu cánh để biện hộ cho những phương tiện không mấy tốt đẹp luôn luôn bị coi là việc làm không đúng. Câu "cứu cánh biện minh cho phương tiện" được dùng như những cách bào chữa, mà thường là không mấy vững. Nhưng không phải lúc nào lối biện hộ ấy cũng là sai, là không nên dùng.

Mới đây, một số hồ sơ liên quan đến những những vụ lấy cung của tình báo Mỹ được công bố và một vài ý kiến đòi điều tra những vụ lấy cung các nghi can khủng bố. Gọi là nghi can khủng bố cho đúng chữ dùng trong các hồ sơ của Khalid Sheik Mohammed, Abu Faraj al-Libi và Ramzi bin Al-Shibh. Luật lệ Hoa kỳ coi tất cả đều là những người này vô tội cho đến khi tòa án chứng minh được là họ có tội.

Khalid Sheik Mohammed là người chủ mưu loạt khủng bố 911. Khalid bị bắt tại Pakistan và được nhà chức trách Pakistan trao cho Hoa kỳ. Khalid Sheik Mohammed cũng là người đứng sau vụ đặt bom năm 1993 tại Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới, vụ đánh bom 1 hộp đêm tại Bali năm 2002 và cũng là người âm mưu tấn công các mục tiêu tại Anh quốc, Singapore, Panama, ám sát giáo hoàng Gio An Phao Lồ đệ Nhị và các tổng thống Mỹ.

Khalid Sheik Mohhamed bị giữ tại một địa điểm bí mật trước khi được đưa tới trại tù Guantanamo.

Ở địa điểm giam giữ bí mật nào đó, có thể trên một chiến hạm Hoa kỳ, mà cũng có thể là một nhà giam ở Trung Á, ở Ðông Âu, nghi can Khalid bị đè ra đổ nước vào mũi. Tất cả hai lần. Bị đổ nước, Khalid khai hết. Nhờ những lời khai của Khalid mà Abu Faraj al-Libi và Ramzi bin Al-Shibh đã bị bắt.

Chuyện đè Khalid Sheik Mohammed ra đổ nước hai lần bị một số ý kiến coi đó là tra tấn. Chính phủ Bush thì khẳng định không coi đó là tra tấn. Nhưng bộ trưởng tư pháp của chính phủ Obama gọi đó là tra tấn và nói là sẽ mở lại các hồ sơ này.

Mở lại để làm gì? Ðể qui lỗi cho chính phủ Bush là đã tra tấn các tù nhân? Ðể trừng phạt những nhân viên dùng biện pháp mạnh trong việc lấy cung? Ðể truy tố cựu tổng thống Bush ra tòa như một vài gợi ý.Những việc đó chắc khó có thể xẩy ra.

Nhưng phải hiểu những người như Khalid Sheik Mohammed, Abu Faraj al-Libi và Ramzi bin Al-Shibh không phải là những thường dân vô tội. Tất cả đều có những bàn tay dính máu. Mà tay của họ không chỉ dính máu một hai người, mà là nhiều người, cả ngàn người.

Nếu không nhờ lời khai của Khalid, thì hai người kia, Abu Faraj al-Libi và Ramzi bin Al-Shibh, chắc không bị bắt. Cả hai vẫn có thể tiếp tục các hoạt động khủng bố của họ, và tay của họ sẽ còn dính thêm máu của nhiều người khác nữa.

Việc đổ nước vào lỗ mũi không phải là một việc thích thú cho người làm công việc đó cũng như cho người bị đổ nước. Người bị đổ nước có cảm tưởng như sắp chết đuối, nước theo lỗ mũi vào họng, vào khí quản, vào phổi trong khi tay chân bị trói chặt, miệng bị bịt... chắc chắn phải tạo ra rất nhiều kinh hoàng. Người bị đổ nước vì bản năng sống còn, vì sợ chết, vì mối lo không còn nhìn lại được những người thân nên bao nhiêu bí mật khai ra hết.

Ðó là phương tiện. Phương tiện này, nhìn từ phía nào thì cũng phải nhận là có ác thật.

Nhưng làm thế nào để lấy được những tin tức mà đương sự giữ kín trong đầu? Không thể bổ cái đầu của đương sự ra để lấy những in tức ấy, mà cũng không thể từ tốn, nhỏ nhẹ và lịch sự rằng: "Thưa ông, ông làm ơn cho chúng tôi biết các đồng đảng của ông đang ở đâu, các ông đang âm mưu những gì, ông làm ơn nói đi... chóng ngoan tôi thương... ông muốn hút thuốc à? Ðây là thuốc ba con 5, ông hút cho khỏe nhé... Có chai nước suối trong tủ lạnh đây mời ông. À còn nếu muốn ra ngoài bar uống rượu coi thoát y vũ thì lát nữa chúng tôi đưa ông đi. Ông khai ra đây cho chúng tôi nhờ. Ông không khai à? Thôi vậy. Chúng tôi tôn trọng quyền của ông. Ông không muốn khai thì thôi. Chúng tôi chúc ông ngủ ngon và mơ những giấc mơ đẹp vậy..."

Lấy cung mà như thế thì nước Mỹ đã bị tấn công thêm hàng chục lần sau vụ 911 là ít.

Vậy thì phải trói lại, đặt nằm trên một tấm ván gỗ, đầu giốc xuống một chút. Một chiếc khăn được đắp lên mũi. Sau đó, dùng nước đổ vào mũi và hỏi tiếp. Lắc đầu thì đổ thêm nước nũa. Kêu lên ằng ặc thì cũng cứ đổ tiếp. Cứ đổ nữa, may ra sẽ lấy được những chi tiết cần biết về các hoạt động của Al Qaeda ờ Afghanistam, ở Pakistan, cùng với các âm mưu tấn công mới. Và quả nhiên, Khalid Sheik Mohammed đã hót như khướu, "sing like a canary".

Hai đồng bọn của Kahlid Sheik Mohammed bị bắt ở Pakistan và biện pháp khai thác cũng lại được dùng để lấy thêm tin tức về các âm mưu khủng bố khác.

Nhờ thế, nước Mỹ và thế giới đã thoát được vài ba vụ khủng bố kinh hoàng khác.

Tránh được những vụ khủng bố đó là cứu cánh.

Ðổ hai ba bình nước vào mũi là phương tiện.

Thế thì đổ nước cũng tốt đấy chứ.

Chẳng lẽ lại mong cho vợ con của những người đòi đặt vấn đề lấy cung phải ở những hoàn cảnh và trường hợp như ở trong một tòa nhà bị đặt chất nổ. Một người biết những mật mã để có thể vô hiệu hóa quả bom đó lại cứ ưỡn ẹo "em chã, em chã" nhất đinh không khai cho nhà chức trách, thì để coi những con người từ tâm ấy sẽ hành xử như thế nào?

Tiếp tục hỏi cung từ tốn để không bao giờ có được mật mã tháo gỡ ngòi nổ của quả bom, hay đổ cho người ấy một ga lông nước suối ướp lạnh.

Sự lựa chọn đó không phải là một lựa chọn khó.

8-5-2009


IT’S A FREE COUNTRY!

Có một câu tôi nghe đã rất nhiều lần từ khi sang Mỹ, mà tôi nghĩ là có thể dùng như một thứ thuốc trị bá bệnh, là câu "It’s a free country". Câu này được dùng gần như luôn luôn để bào chữa cho một việc làm có vẻ sai trái nào đó. Chỉ cần nhún vai một cái, nói "It’s a free country" là xong hết.

Ðây là xứ tự do mà. Tôi làm gì thì thây kệ tôi, mắc mớ gì đến các người mà đụng tôi.

Thì đồng ý nước Mỹ là xứ tự do. Tự do nên muốn làm gì cũng được, muốn ăn nói, quần áo, hành xử ra sao cũng được, miễn là đừng đụng tới những chuyện luật pháp không cho phép mà thôi. Cho dù những chuyện đó có trái tai và gai mắt đến mấy đi chăng nữa. Ai cũng biết điều đó. Và chính điều đó làm nước Mỹ là một nơi đáng sống hơn nhiều nước khác. Tự do cá nhân được tôn trọng tối đa.

Nhưng nhiều khi có những chuyện tự do không nói không được.

Cuối tuần trước, mấy người bạn và tôi kéo nhau đến một nhà hàng có nhạc sống để ăn tối. Ăn xong là một chương trình khiêu vũ. Không phải là một dạ tiệc để phải nơ đen, smoking, cũng chẳng cần suit cho nóng vì trời không còn lạnh nữa, có thể là còn hơi nóng là khác.

Khách kéo nhau ra sàn tung quăng ném quật. Người nhẩy đẹp, người thì ngó qua là biết vừa xong một khóa khiêu vũ. Những cái vung tay, múa tay phải, rồi tay trái chưa tự nhiên lắm tuy đã dượt với nhau bao nhiêu lần ở trong bếp trước khi kéo nhau ra piste, cẩn thận nhẩm đếm trong miệng, rồi mới hạ chân xuống cho đúng nhịp. Tất cả mọi người đều ra đời bình đẳng và đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc có thể là buổi khiêu vũ có vài ba bước trật nhịp cũng không sao. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với điều đó. Không phải là cứ nhẩy giỏi, hay nghĩ là mình nhẩy giỏi để chiếm lấy piste biểu diễn, cố tình nạt nộ những cặp khác bằng mấy bước "phăng" cho mọi người phải né vào trong, trở về chỗ mà coi.

Nhưng buổi tối hôm ấy có một kỵ sĩ quả thực đã làm mấy người trong nhà hàng rất khó chịu. Ông ta không còn trẻ nhưng cũng chưa già, khoảng ngoài bốn mươi. Người Mỹ thường rất informal, không lễ nghi cầu kỳ về nhiều mặt. Cả về cách ăn nói cũng như quần áo. Tại đám cưới một người quen cách đây không lâu, tôi thấy một ông khách Mỹ quần jeans, áo T-shirt đến dự, ngồi ngay hàng ghế đầu trong khi chung quanh mọi người đều mặc suit, ca vát chỉnh tề. Ông ta có vẻ thấy không thoải mái, nên ngồi một lúc thì bỏ về sớm.

Ở nhà hàng cuối thứ sáu tuần trước, người đàn ông này còn chơi bạo hơn nữa. T-shirt thì đã đành. Ông chi cho một cái quần shorts, ống quần còn đong đưa những sợi dây không chịu cột lại. Chưa hết, dưới chân ông đi một đôi dép Nhật. Ðã thế, cha cha ông cũng ra, sì lô ông cũng ra, bebop ông cũng kéo được người ra piste. Mà ông nhẩy cũng không đẹp chút nào. Những người ông lôi ra đều có chiều cao hơn ông. Ðã thế, ông không chịu ra giữa sàn nhẩy cho tất cả khách trong nhà hàng thưởng lãm. Ông chỉ uốn éo, ưỡn ẹo ngay trước mặt tôi gần suốt buổi.

Như đã nói ở trên, tôi hoàn toàn đồng ý với mấy câu trong hiến pháp Hoa kỳ. Ai cũng được mưu cầu hạnh phúc. Chuyện quần shorts có bốn sợi dây đong đưa, cái T-shirt, đôi dép Nhật giẫm nát bữa ăn tối không hề đụng chạm ai hết. Ông được toàn quyền vui chơi. Ông ra đời bình đẳng với mọi người.

Nhưng không phải vì thế mà ông không khiến cho một số người khó chịu về mặt thẩm mỹ.

It’s a free country. Ðúng. Nhưng một nước tự do không có nghĩa là những người khác không được quyền khó chịu. Chúng tôi cũng mưu cầu hạnh phúc, cũng muốn có căn nhà nhìn ra bãi biển. Không ai muốn ở căn nhà ngó ra bãi rác bao giờ.

Nhưng đó chỉ là chuyện buổi tối thứ Sáu. Trưa thứ bẩy phải mua vài ba thứ cần dùng, tôi ghé một ngôi chợ Việt Nam. Ở chỗ bán trái cây, một phụ nữ quần áo đẹp hơn người đàn ông quần shorts, áo T-shirt, dép Nhật ở nhà hàng, nhưng nàng cũng làm tôi rất bực mình. Nàng nếm thử cũng đến cả chục quả nhãn, thản nhiên phun vỏ và hột xuống ngay dưới chân. Ðiều đó cũng chưa ăn thua gì. Nàng để cái xe đi chợ ở ngay giữa lối đi. Nàng có thể để xích sang một bên cho những người khác đi qua. Nhưng nàng cho nó chình ình giữa lối đi. Phải vất vả lắm, tôi mới lách qua được để đi tới nơi bầy cà phê. Quay trở lại thì nàng lại đẩy cái xe, cũng ra giữa lối đi. Lại phải lách mới đi qua được. Nàng nhìn thấy tôi làm như thế, chỉ nhìn thôi, cứ như thơ Lưu Trọng Lư... nhìn thôi mà chẳng nói.

Trời ơi, làm sao mà tôi khổ thế này? Muốn nói mà không dám nói. Chỉ sợ một cai nhún vai, và câu "It’s a free country" thì làm sao!

Trong có một cuối tuần, mà hai lần bị nghe "It’s a free country" thì làm sao sống?

9-1-2009


NHỮNG TẤM THIỆP

Như vậy là Giáng Sinh năm nay tôi hoàn toàn không nhận được bất cứ một tấm thiệp Giáng Sinh nào mặc dù bạn bè vẫn còn đông đủ cả. Vài ba người ra đi nhưng đó cũng lại là những người mấy năm chúng tôi đã không gửi thiệp cho nhau. Không gửi không phải là vì chúng tôi không nghĩ đến nhau nữa, mà là vì chúng tôi không thấy bất cứ một lý do gì để gửi cho nhau nhũng tấm thiệp vô bổ ấy, những tấm thiệp chỉ làm được hai việc, đó là làm giầu thêm cho các công ty sản xuất thiệp trong khi lại làm hại cho môi trường sống không ít.

Mấy tỉ tấm thiệp gửi cho nhau trong dịp Giáng Sinh và Tết dương lịch đã khiến cho bao nhiêu cây rừng bị đốn xuống, nghiền nát thành bột để chế tạo giấy dùng để in những tấm thiệp vớ vẩn đó. Một linh mục Thiên chúa giáo cho biết ngài cũng chống lại việc gửi những tấm thiệp đó.

Không gửi những tấm thiệp đó không hề là việc làm đi ngược lại đạo Thiên chuá.

Khoảng gần mười năm trước, tôi chỉ gửi thiệp để trả đũa, để đáp lễ những tấm thiệp tôi nhận được. Nhiều người chơi cũng ác, là chờ cho đến tận gần ngày Giáng Sinh mới gửi. Khi những tấm thiệp đó đến nơi, người nhận sẽ mang đầy mặc cảm tội lỗi, vì không gủi kịp đáp lễ. Thế là lại phải kiếm mấy cái belated Christmas cards để gửi cho phải phép. Tôi nhất định không gửi trước cho bất cứ ai. Những người quen, những người bạn hình như cũng bắt đầu già, lười biếng nên dần dần cũng không gửi thiệp cho tôi nữa. Ðến tuần lễ sau ngày đầu năm, không thấy ai ngó ngàng quan tâm gì đến mình trong hộp thư, thế là coi như thoát.

Số thiệp tôi nhận được càng ngày càng thưa đi. Những năm trước, tôi còn mang bầy chúng trên giá lò sưởi. Nhưng khi số thiệp nhận được chỉ còn vài ba tấm thì cái giá trên lò sưởi không còn được dùng để bầy chúng nữa.

Mà bầy chúng lên để làm gì khi những tấm thiệp đó chỉ vỏn vẹn có một cái chữ ký với con số năm ở dưới.

Những câu chúc được in sẵn do những người được các công ty sản xuất thiệp thuê mướn viết ra, nghe thì có kêu lắm, rổn rảng lắm, nhưng ý nghĩa thì chẳng có được bao nhiêu. Ðó là chưa nói tới chuyện liệu người gửi thiệp có thực sự muốn chúc những câu đó không, hay tấm thiệp chỉ là một tấm trong cái hộp đựng hơn một chục cái mua từ năm trước, sau ngày Giáng Sinh được tiệm đem bán đại hạ giá bớt 70% mà người gửi lo xa mua trước để tiết kiệm được vài đồng bạc.

Những tấm thiệp đó hoàn toàn không chuyên chở bất cứ một điều gì, bất cứ một điều ước, một lời chúc nào gửi đến người nhận.

Những lời chúc ấy không phải là của những người thợ viết thì là của ai đây?

Thế nên nhận những tấm thiệp ấy, người nhận cũng chẳng vui mừng bao nhiêu. Nếu muốn nghe, đọc hay nhận những lời chúc tiền chế ấy thì tại sao không quá bộ đến mấy tiệm bán thiệp, đọc vài chục tấm thiệp chúc Giáng Sinh bầy bán trong tiệm rồi bỏ lại chỗ cũ và ra về mà không sung sướng hay sao?

Thiệp chúc Giáng Sinh đâu có phải là những miếng plastic one size fits all mà các chuyên gia thẩm mỹ cho vào mũi thân chủ. Lời chúc chứ đâu phải những đôi bít tất một cỡ dùng cho mọi người được.

Vì thế tôi nhất định không thể đối xử với bạn bè một cách vô tình như thế. Gửi những lơi chúc của người khác cho bạn bè làm gì, và vui sướng nỗi gì khi nhận được lời chúc của các ông các bà thợ viết làm việc cho các công ty sản xuất thiệp.

Thế là từ từ bạn bè thấy được điều đó, và tha cho tôi cũng như tôi tha cho họ.

Tôi không còn là cậu bé học lớp nhì trường tiểu học Sinh Từ lần đầu tiên trong đời nhận được tấm thiệp Giáng Sinh của cô bạn nhỏ cùng lớp để cảm động đờ đẫn mặt mày ra nữa. Thế nên không nhận được tấm thiệp nào cũng không thấy buồn. Mà nhận được thì cũng chẳng vui thêm chút nào.

Năm nay, tôi thoát nợ. Không gửi và cũng không nhận được những tấm thiệp Giáng Sinh tiền chế nữa.

Nhưng thay vì nhận được những tấm thiệp Giáng Sinh làm hại cho môi sinh như thế, thì thời gian gần đây, không biết ai là người phổ biến địa chỉ e-mail của tôi cho một vài ba người, và cái e-mail của tôi bỗng nhiên xuất hiện trong những danh sách gửi e-mail của một số người, của một số tổ chức mà tôi không hề nghe tên, không hề quen biết hay muốn gia nhập bao giờ. Tôi bị gửi cho những e-mail mà tôi không hề thắc mắc về các sinh hoạt của họ. Tôi nhận được những bản nhạc của nhạc sĩ X phổ thơ của nhà thơ Y do ca sĩ Z hát. Sau đó vài hôm, hộp thư e-mail của tôi lại nhận được năm bẩy cái thư khác gửi đến để ca ngợi, xưng tụng, tôn vinh "giòng" nhạc, giọng hát của những bài hát mà tôi không đủ can đảm nghe hết một nửa. Một tờ báo nhận là văn học nghệ thuật tháng nào cũng gửi cho đọc mà mỗi lần nhận được, thì cái thân già của tôi lại phải bấm cái nút delete để xóa nó đi ngay lập tức. Một tổ chức chính trị tranh đấu khác thì thông báo cho tôi những việc làm mà tôi không muốn biết, kèm theo những thông báo hiếu hỉ của các đoàn viên, lễ Tạ Ơn, rồi Giáng Sinh thì ném vào hộp thư e-mail của tôi nhưng câu chúc bằng tiếng Anh viết sai cả hai chữ Thank(S)giving, thiếu chữ S và Mer(R)y Christmas thiếu 1 chữ R.

Tội nghiệp thân tôi, tôi lại phải xóa kết những thứ thư từ ấy đi. Ðã hơn 1 lần, tôi viết một bức thư lời lẽ cố gắng từ tốn xin các ngài ấy làm ơn, làm phúc, làm giầu bỏ cái tên của tôi ra khỏi danh sách gửi e-mail của họ. Nhưng không có kết quả. Khi viết những e-mail đó, tôi cũng ngại, chỉ sợ lại bị các ngài ấy coi tôi là người không có tinh thần tranh đấu, yêu nước, các ngài chỉ thông báo có chút hoạt động mà cũng khó chịu.

Nhưng tôi quả thật là rất khó chịu.

Càng ngày tôi càng nhận được nhiều e-mail ấm ớ như thế, kể lể, thông báo về những thứ hoàn toàn không ăn nhậu gì tới tôi, để tôi lại phải vất vả cái thân già delete chúng đi, xong rồi lại còn phải xác nhận với máy là quả thực muốn xóa chúng đi, chúng mới ra khỏi cái computer của tôi.

Một người bạn nói là trò chơi này giống hệt như một cách nói của người Mỹ, the gift that keeps on giving. Câu nói này, tôi thấy người ta dùng để chỉ việc một người dính bệnh phong tình, truyền cho một người khác, rồi người nhận lại truyền cho vài ba người khác, vài ba người khác lại truyền đi tiếp tục mãi.

Nhưng đó là bệnh phong tình, có lạng quạng thì có chịu. Chứ còn tôi, một người đàn ông già, xấu trai, ăn nói ấm ớ, có làm gì gây thù oán với những người gửi những cái e-mail bao giờ đâu mà họ đối xử với tôi như thế. Không lẽ thay đổi cái địa chỉ e-mail để không phải nhận những thứ e-mail ấm ớ đó?

Mà đã chắc gì đổi địa chỉ là sau đó tôi sẽ được tha hẳn đâu. Nên chỉ mong các ngài động lòng thương xót mà buông tha cho mà thôi. Các ngài ấy nên tìm một trò chơi khác hợp lý hơn là trêu ghẹo một người đàn ông già và xấu trai như tôi.

10-4-2009


THẰNG DẠI LÀM HẠI THẰNG KHÔN

Tôi không nhớ rõ tôi có lối đọc báo như thế từ bao giờ, nhưng mỗi lần cầm những tờ báo Mỹ lên đọc, ở miền đông thì hai tờ Washington Post, New York Times, ở miền tây thì tờ Los Angeles Times và tờ Orange County Register... tôi đều làm như vậy.

Ðó là cứ khi nào đọc thấy những cái tựa bản tin có những chi tiết hơi khác thường, có thể là một tai nạn, có thể về một hai cái chết, vài ba vụ phạm pháp, là toi lại đọc thật nhanh, kiếm xem bản tin có ghi rõ những cái tên không, và vừa đọc, vừa cầu sao không phải là những cái tên Việt Nam.

Cầu người bị tai nạn không phải là người Việt Nam. Mong sao mấy vụ phạm pháp không có thủ phạm là những người Việt Nam. Mà nếu có là người Việt Nam, thì đừng có những họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm, Hoàng vân vân là được.

Cầu nạn nhân không phải là người Việt thì là chuyện dĩ nhiên. Như vụ một hai cụ già băng ngang qua đường bị xe đụng thiệt mạng cách đây không lâu. Các cụ đi đâu mà 5, 6 giờ sáng đã ra đường, chân tay chậm chạp, đường phố mùa đông còn tối, chiếc pickup trờ tới, đụng phải rồi bỏ chạy.

Thỉnh thoảng đọc thấy những bản tin án mạng giết người thì lại cầu mong nạn nhân không mang cái tên Việt, và thủ phạm cũng đừng mang những cái họ Việt Nam. Hơn ba chục năm sống ỏ đây, những cái họ thường gặp của người Việt đến nay cũng không còn xa lạ với người Mỹ. Nghe nói là người Việt, họ hỏi ngay lại một ông Nguyễn, bà Nguyễn nữa chăng... another Mr or Mrs Nguyen, I presume...

Không Nguyễn thì Phạm, hay Trần vậy... Ðọc thì lơ lớ, thành Nuyen, Pham và Tran. Nhưng họ biết đó là những họ của người Việt. Vài ba vụ phạm pháp, lừa đảo, buôn bán các sản phẩm lậu thuế, lường gạt các sòng bài, băng đảng du đãng được đưa lên báo, là những cái họ quen thuộc của người Việt cũng có góp mặt.

Cách đây mấy năm, vụ 1 sinh viên gốc Nam Hàn bắn chết hơn ba chục người ở đại học Virginia Tech cũng làm cho nhiều người Việt Nam lo ngại. Nhất là những người có con ở Virginia Tech. Thủ phạm là người Nam Hàn, nhưng mấy ai biết được con cái chúng ta không phải là người Nam Hàn như anh chàng sinh viên tên là Cho nọ.

Vụ 911 xẩy ra, những cái tên Abu, Mohammed, Hussein... tự nhiên trở thành đáng ghét. Mặc dù đó chỉ là những cái tên rất thường gặp của những người Ả Rập hay những người theo Hồi gíao. Biết là như thế nhưng vẫn thấy không thoải mái, không thích thú lắm khi ở gần họ. Thế nên nếu có không ưa, hay thậm chí có ghét những cái tên ấy thì cũng dễ hiểu.

Thành kiến không phải là chuyện dễ mà gột cho sạch được.

Người đàn ông Á châu 42 tuổi hôm thứ Sáu tuần trước vác súng bắn chết 13 người trong một văn phòng trợ giúp người di dân mới đến Mỹ ở thị trấn Binghamton có cái tên lúc đầu làm cho nhiều người Việt thở ra nhẹ nhõm.

Nhẹ nhõm vì nghe cái họ của hung thủ không phải là Nguyễn, Phạm, Lê, Trần...

Họ của đương sự, họ Wong thì nhất định không phải là họ của người Việt. Wong thì phải là họ của người Hoa. Người đàn ông này còn có một cái tên khác nữa. Mà cái tên kia của đương sự cũng nhất định không phải là một cái tên Việt Nam. Voong không phải là họ của người Việt. Yên trí thêm được một chút nữa. Cái tên mà người Mỹ gọi là first name của hung thủ, Jiverly cũng không phải là tên Việt Nam. Mà nếu nó là tên Mỹ thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy.

Jiverly Voong hay Wong thì nhất định đương sự không phải người Việt. Những người Mỹ nhớ lại tên của cuốn phim của William Holden và Nancy Kwan, phim The World of Suzy Wong, cô kỹ nữ ở Hương Cảng thì nghĩ ngay hung thủ là một người Hoa.

Nhưng người đàn ông này lại ra đi từ Việt Nam đến Mỹ khoảng hai chục năm trước. Ông nhập tịch, trở thành công dân Mỹ, và tuy ông ta ra đời, lớn lên ở Việt Nam ông vẫn giữ cái họ Wong của ông. Chắc ông cũng chẳng bao giờ sống và hành xử như một người Việt, cái đất nước đã cưu mang ông và gia đinh của ông ít ra cũng một hai thế hệ.

Sang Mỹ, có thể ông cũng chẳng bao giờ nhận ông là người Việt như nhiều người tị nạn trong khu phố người Hoa ở Toronto, Canada, khu đường Dundas và Spadina. Liệu có được bao nhiêu người ở khu phố vừa kể nhận là người Việt, là người cùng ở Sài Gòn, Chợ Lớn với chúng ta ngày trước? Vài ba câu tiếng Việt chỉ được họ dùng để buôn bán. Khách Việt Nam nghe mấy câu tiếng Việt thì sẵn sàng và vui lòng đến mua sắm trong khu phố ấy.

Nhưng họ thì chỉ nhận họ là người Hoa.

Tuy thế, những tờ báo, những bản tin báo chí, truyền hình mấy hôm nay, hễ nhắc tới vụ bắn giết kinh hoàng ở Binghamton, là lại một điều Vietnamese immigrant, hai điều Vietnamese immigrant...

Trong hoàn cảnh kinh tế đang hồi khó khăn như bây giờ, những người Mỹ bình thường nghe mấy chữ Vietnamese immigrant đó mà có nổi giận, có bực bội về chuyện mở rộng vòng tay cho ông di dân này vào nước Mỹ để rồi ông ta biến thành con ong tổ bố bay vù vù tù trong tay áo ra đốt 13 người chết lăn quay ra thì cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng làm sao nói để cho những người Mỹ đó hiểu rằng ông ta từ Việt Nam tới đây, nhưng ông ta chưa một lúc nào là người Việt Nam cả.

Wong và Jiverley thì Việt Nam ở cái khúc nào mà cứ gọi ông ta là Vietnamese immigrant cho đau lòng lưu lạc thế này hở Trời!

13-2-2009


MICHELLE OBAMA

Vogue là một tờ báo thời trang phụ nữ xuất bản mỗi tháng một lần.

Một người đàn ông bình thường và khỏe mạnh thì không mua và không đọc tờ báo này ngoại trừ những lần đi hớt tóc, tìm không ra một tờ báo nào khác như National Geographic, Time hay Newsweek... nên bèn phải mở những trang báo đầy tóc vụn, phấn talc, những quảng cáo nước hoa chắc chắn đã có người mở ra hít hà nên phải biết mà tránh cạ mũi vào để khỏi khuân vài triệu con vi khuẩn cúm về nhà mà khổ cái thân đời.

Nhưng phải nhận là hình bìa của Vogue bao giờ cũng đẹp. Không cô kiểu mẫu này thì cũng một nữ diễn viên kia. Số báo mới nhất, tờ báo này chọn in hình Michelle Obama làm bìa.

Cũng được đi. Nhiều chân dung khác không chim sa cá lặn bao nhiêu cũng vẫn được lên bìa mà. Nhưng tờ Vogue gọi Michelle là "first lady of American fashion" đệ nhất phu nhân của thời trang Hoa kỳ thì có hơi quá.

Câu nhận định mà chúng ta nghe nhiều lần bỗng thấy rất đúng: xấu đẹp tùy người đối diện. Michelle có thể đẹp dưới mắt của tòa soạn Vogue. Nhưng gọi Michelle là đệ nhất phu nhân của thời trang Hoa kỳ thì sẽ có rất nhiều người chống đối.

Với những người có những quan niệm về đẹp khác thì Michelle không phải là người đẹp. Cái đẹp thay đổi theo những qui ước do xã hội đặt ra. Rất tiếc là những quy ước về đẹp hiện nay không coi Michelle Obama là người đẹp và nhất định không phải là người phụ nữ có cách ăn mặc đẹp vào hạng nhất ở Hoa kỳ.

Phải nói quan niệm đẹp của chúng ta phần nhiều được dựa trên những qui ước do xã hội đặt ra. Những qui ước ấy thay đổi theo với dòng lịch sử chứ không nằm yên đó bất biến bao giờ. Cleopatra có thể đẹp vào thời ấy. Nhưng cái mũi như vậy thì bây giờ chỉ đẹp ngang với Barbra Streisand là cùng.

Ðã có lúc, phụ nữ phải nhiều da nhiều thịt mới đẹp như trong các họa phẩm của Renoir ghi lại hồi cuối thế kỷ 19. Rồi sau đó, đẹp là phải không được nhiều thịt mỡ như các phụ nữ trong tranh Renoir. Có lúc phải ốm o gầy mòn như phụ nữ trong tranh của Modigliani. Rồi sau đó, phải kích thước như Marilyn Monroe hồi những năm 50. Qua thập niên 60, đẹp thì phải gầy còm như Twiggy, nhưng rồi vẻ đẹp đó cũng lại bị đào thải để thay thế bằng những qui ước đẹp khác. Những Lauren Hutton, Jean Shrimpton, rồi Cindy Crawford, rồi Kate Moss, Heidi Klum vân vân.

Chúng ta bị ấn vào mắt những kiểu mẫu đó rồi chúng ta chấp nhận vẻ đẹp phải là như thế.

Vẻ đẹp mai cốt cách, tuyết tinh thần, vóc hạc mình mai, gầy như liễu trong cổ văn không còn nữa.

Nhưng quần áo, dung mạo như Michelle thì không thể là đẹp bậc nhất Hoa kỳ.

Xin đừng vội gán cho nhận định này là nhận định kỳ thị đen trắng. Ðen cũng đẹp chứ. Marylin McCoo trong ban The Fifth Dimension mà không đẹp sao? Hay Vanessa Williams, hay Halle Berry cũng đẹp đó chứ. Cũng xin đừng nói rằng ý kiến này coi họ đẹp là vì họ không giống như người Phi châu nữa. Vì Michelle Obama, tóc thẳng, chứ không Afro, mắt môi đều mang những nét của người da trắng chứ có đen thuần đâu.

Nhưng tờ Vogue ca ngợi, xưng tụng là đệ nhất phu nhân thời trang Hoa kỳ thì là nói quá.

Nước Mỹ coi vậy mà cũng kỳ lạ thật. Ông Obama vừa đắc cử tổng thống thì liền được một tờ báo về thời trang đàn ông đưa ngay lên bìa và mô tả là người mặc quần áo đẹp nhất. Nói là đẹp thì cũng được. Nhưng đẹp nhất thì chắc không.

Làm sao mà không đẹp cho được. Gọi thợ vào đo cho đúng ni tấc, là phải đẹp.

Mua những bộ prêt-à-porter off the rack mang về sửa cũng không thể nào đẹp được. Không 42 regular, không 43 regular mà oái oăm lại là 42 rưỡi thì làm sao mua được ở K-Mart chẳng hạn. Ấy là chưa nói đến K-Mart thì không có cách gì đẹp được. Làm tổng thống thì quần áo phải đẹp hơn người thường. Nhưng quần áo đẹp thì phải là Peter Jennings, phải là George Clooney, phải là Bill Clinton... mới là quần áo đẹp.

Những bộ suits hơn 7 ngàn đô la của Peter Jennings thì phải đẹp hơn những bộ mua ở Macy’s hay JC Penney nhiều. Ông Obama không thể mua quần áo ở Target. Cho nên quần áo của ông đẹp hơn quần áo của những người đàn ông bình thường và khỏe mạnh là cái chắc.

Và nay, đến cả Michelle Obama cũng được gọi là first lady of American fashion thì nghe làm sao được khi mà còn Nicole Kidman, còn Gwyneth Paltrow, còn Diane Sawyer đứng quanh quẩn đâu đó.

Cũng không thể nói đó là việc khen phò mã tốt áo được. Vì phò mã thì chắc phải đẹp trai, giỏi giang, quần áo đẹp thì công chúa mới thích, vua cha mới chịu đưa chàng về dinh.

Chứ Michelle Obama, quần áo đắp vào, rồi gọi là đệ nhất phu nhân của thời trang Hoa kỳ thì không đúng.

Lúa tốt vì phân.

Còn đây là lụa. Ðem đắp lụa vào thì phải khá hơn chứ. Nhưng gọi Michelle là đệ nhất về thời trang thì báo Vogue coi vậy mà cũng giỏi nịnh thế sao!

13-3-2009


MÊNH MÔNG TÌNH DÂN

Xem một trong những bức ảnh chụp ở căn nhà của Lê Khả Phiêu, người ta thấy chủ nhà sau khi tiếp khách đến thăm hồi cuối năm ngoái đã tặng cho mỗi người một cuốn sách nhan đề là Mênh Mông Tình Dân do Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia ấn hành.

Trước đó, những người đến thăm đã được chủ nhà, Lê Khả Phiêu, dẫn đi xem các phòng ốc trong nhà, trên tường phòng khách treo đầy những hình chụp chủ nhà, lúc đứng bên người này, lúc cạnh người kia, mấy bức hình chụp Hồ Chí Minh, trong đó có một bức vẽ họ Hồ đang ngồi ghế ngoài vườn đọc sách. Phòng khách có một chiếc trống đồng không biết thật hay giả, một bàn thờ Phật với tượng của Hồ Chí Minh đặt cạnh tượng Phật.

Trong phòng khách cũng có mấy bức chân dung, một tượng bán thân của chủ nhà mặt mũi quê mùa, hai mắt cười híp lại một cách thỏa mãn. Trò tôn sùng cá nhân, một trong những trò chơi rất thích thú của mấy anh nhà quê lớn nhỏ đâu cũng thấy.

Anh lớn thì có đàn em cầm ống đu đủ thổi. Thấy thổi chưa đã, anh lớn còn tự tay viết nguyên một cuốn, ký một cái tên giả để nói về mình, để tự suy tôn, tự thổi ống đu đủ cho mình. Các đàn em biết thừa cái cậu Trần Dân Tiên viết cuốn sách ngọi ca Hồ Chí Minh chỉ là Hồ Chí Minh, nhưng không cậu nào dám đem chuyện đó ra nói, lại còn quả quyết rằng Hồ Chí Minh là người khiêm tốn, không muốn để người khác viết về mình. Chắc vì thế nên chính mình viết về mình cho chắc ăn. Cái ống đu đủ được bẻ vòng xuống phía dưới. Tự biên tự diễn. Tự thổi cho sướng. Những người dân bị bịt mắt như những con ngựa kéo xe, cắm đầu vào đọc cuốn Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Bác Hồ do chính Hồ Chí Minh ký tên giả là Trần Dân Tiên viết để cho thêm lòng kính yêu lãnh tụ.

Các anh lớn như Stalin, Lenin, Mao Trạch Ðông, bố con Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Nicolae Caucescu... đều chơi những trò nham nhở đó.

Các anh nhỏ, kiểu nhà quê thất học, mà tầm cỡ cũng chưa đến đâu, thua xa anh lớn như Lê Khả Phiêu cũng ra lệnh cho các đàn em viết những bài ca ngợi mình rồi gom góp đem in lại để thỏa mãn thú tính, lôi ra tặng đàn em lia chia, giấy tốt làm nghẹt không biết bao nhiêu là cầu xí.

Ðó là nguồn gốc của cuốn Mênh Mông Tình Dân mà Lê Khả Phiêu đem tặng khách khứa đến thăm nhà.

Thay vì Tình Dân Mênh Mông như cách viết và nói bình thường của tiếng Việt, thì các đàn em đảo ngược vị trí của hai tiếng tĩnh từ lên phía trước của danh từ và đẻ ra cái tựa quái thai ấy. Thế là cuốn sách mang tên là Mênh Mông Tình Dân.

Mênh mông nghĩa là mờ mịt. Cũng có khi đọc là mênh mang, minh mang, hay minh mông.

Mênh mông cũng có nghĩa là rộng lớn. Nhưng nghĩa nào thì cũng có thể hiểu là hết sức rộng.

Mênh Mông Tình Dân hay Tình Dân Mênh Mông thì cũng đều có nghĩa là tình của người dân mênh mông rộng lớn, vô bờ. Tình yêu của người dân, theo cuốn sách, là tình cảm rất rộng, rất mênh mông dành cho cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Lê Khả Phiêu.

Nội dung cuốn sách là những bài viết của các đàn em đề cao đến trời xanh anh nhà quê Lê Khả Phiêu, gọi anh là một trong những nhà lãnh đạo luôn luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của dân để cùng Trung Ương Ðảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư đưa ra những quyết định và chính sách đúng đắn mang lại nhiều lợi ích cho đất nước cho dân. Lê Khả Phiêu, theo một bài viết giới thiệu cuốn sách, luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hết lòng vì dân, lo cho dân nhất là vào lúc khó khăn như hiện nay vân vân và vân vân. Lê Khả Phiêu, vẫn theo bài báo thối tha ấy, luôn luôn tâm niệm là Ðảng lo cho dân lúc khó khăn vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa... Vì thế nên tình dân mới mênh mông dành cho anh nhà quê.

Nhưng ngay tại căn nhà số 7/36 đường Lý Nam Ðế ở Hà Nội, người ta thấy ngay những việc làm vì dân của anh nhà quê này như thế nào ngay.

Trên sân thượng nhà anh, nơi nhân dân khốn khổ không thể nào nhìn thấy được, anh nhà quê này có nguyên một cái vườn rau xanh để bồi dưỡng. Có vườn rau này, anh có rau xanh ăn suốt năm cho bõ những ngày cơ cực, kệ xác bọn dân ở dưới tha hồ ăn rau tưới nước phân, rửa bằng nước ô nhiễm.

Chỉ riêng một chuyện nhỏ đó, mà nếu dân biết được thì ở đó mà Mênh Mông Tình Dân.

Thế nên những bức ảnh chụp trong căn nhà đắt tiền của cựu tổng bí thư đảng Cộng San Lê Khả Phiêu khi bị phổ biến ra ngoài cho mọi ngỗi biết, thì Trương Tấn Sang trong ban bí thư đảng đã la lối rằng có kẻ phá hoại giấu mặt làm công việc đó. Công việc đó là phổ biến những bức hình cho thấy sự giầu có của anh nhà quê lúc nào cũng nói là cần kiệm liêm chính.

Lộ ra những thứ đó thì làm thế nào tình dân còn mênh mông được nữa.

15-5-2009


TO BE OR NOT TO BE

William Shakespeare trong kịch Hamlet, ở màn 3, cảnh 1, có cho nhân vật chính, hoàng tử Ðan Mạch Hamlet, nói một câu mà nay, ngay cả những người không đọc Shakespeare bao giờ cũng biết, cũng đã nói một hai lần trong đời.

Ðó là câu "To be, or not to be..." câu nói cho thấy sự khó xử của Hamlet, những lựa chọn không dễ dàng gì của chàng.

Mấy hôm trước cũng có một người đàn ông trong một căn nhà lớn mầu trắng trên đại lộ Pensylvania ở thủ đô Washington DC lẩm bẩm một câu tương tự: "To release the pictures or not to release the pictures."

Phổ biến hay không phổ biến những bức hình. Ðó là vấn đề. That is the question.

Ðó là những hình chụp ở Abu Ghraib, một nhà tù ở ngoại ô thủ đô Baghdad có từ thời Saddam Hussein, được quân đội Mỹ sửa sang lại năm 2003 và dùng để giam nhũng tù nhân Iraq. Năm 2004, một loạt ảnh chụp được trong nhà tù được phổ biến cho thấy cảnh các quân nhân thuộc Ðại đội 372 Quân Cảnh và một vài cơ quan khác của chính phủ Hoa kỳ ngược đãi, đánh đập, hạ nhục một số tù nhân Iraq.

Trong những bức ảnh đó, một số tù nhân Iraq bị những quân nhân Hoa kỳ, cả nam lẫn nữ đánh đập, bắt trút bỏ hết quần áo, buộc phải quì, nằm đè lên nhau, quàng trên đầu quần lót của phụ nữ, bịt mắt, bắt đứng, hai tay giang ra, bị dọa sẽ bị điện giật nếu té xuống vân vân.

Cuộc điều tra của bộ quốc phòng Mỹ sau đó đã đưa tới việc giáng cấp một sĩ quan cấp tướng và án tù cho 7 quân nhân khác.

Những người nhúng tay vào các vụ bạo hành đã bị trừng phạt. Những trường hợp ngược đãi tù nhân như thế không còn xẩy ra nữa. Lý do giản dị là không ai còn dám làm những chuyện như thế nếu không muốn bị trừng phạt.

Vụ Abu Ghraib đã tạo ra những hình ảnh rất xấu về nước Mỹ. Tại các quốc gia Ả Rập, những người Hồi giáo đã rất phẫn nộ về những hành động mà họ coi là nhục mạ người Ả Rập. Hình ảnh người tù bị bịt mắt đứng giang tay trên một thùng gỗ sẽ mãi mãi ở lại với lương tâm người Mỹ.

Trong khi vận động tranh cử, ông Obama hứa là sẽ tìm cách cải thiện hình ảnh của nước Mỹ, để có được một thái độ thân thiện hơn từ phía những người Hồi giáo Ả Rập. Ông hứa sẽ rút khỏi Iraq trong 16 tháng, đóng cửa trại giam Guantanamo vào năm 2010, điều tra những vụ tra tấn tù nhân và đưa những người có trách nhiệm ra trước công lý.

Người ta thường nói rằng có một số điều không ai có thể tin được, đó là những lời hứa trước khi bầu cử và những chuyện kể sau chuyến đi câu về.

Ông Obama vào ngồi trong phòng bầu dục tòa Bạch Ốc vừa được hơn 100 ngày. Trong hơn 100 ngày đó, ông đã làm được một số điều đã hứa. Một số lời hứa khác ông chưa làm, hay đang làm nhưng không thể đúng hệt như đã cam kết. Việc rút quân khỏi Iraq là một. Việc đóng của trại tù và giải quyết trường hợp bị giữ ở Guantanamo là hai. Cả hai việc có thể sẽ mất nhiều thì giờ và phức tạp hơn ông nghĩ.

Tháng trước, ông Obama nói là sẽ không chống lại việc phổ biến thêm mấy chục bức hình khác chụp cảnh các tù nhân Iraq bị binh sĩ Hoa kỳ ngược đãi.

Nhiều người sợ là việc phổ biến những bức ảnh đó sẽ tạo ra những khó khăn mới cho nước Mỹ vào lúc Hoa kỳ đang tìm cách rút khỏi Iraq đồng lúc gia tăng nỗ lực chống lại Taliban và Al Qaeda ở Afghanistan.

Nhưng sáng hôm thứ Tư 13 tháng 5 năm 2009, ông Obama đổi ý và cho biết ông sẽ chặn không cho phổ biến những bức hình đó. Ông nói là làm như thế sẽ chỉ khiến cho tình cảm chống Mỹ gia tăng và tạo thêm nguy hiểm cho các binh sĩ Hoa kỳ tại Iraq và Afghanistan.

Người ta tin là những bức ảnh mới cũng sẽ không khác những bức ảnh đã được phổ biến năm 2004 bao nhiêu với hình các binh sĩ Mỹ cười đùa cạnh các tù nhân, một số người tù không mặc quần áo, một số bị xích ở cổ như xích chó. Những bức ảnh mới chỉ làm được một việc duy nhất là giúp trí nhớ những thành phần thù ghét nước Mỹ trên thế giới và gia tăng thêm những thái độ bài Mỹ, chống Mỹ. Ở Mỹ, không ai muốn xem những bức hình như thế. Không cần xem lại những bức hình như vậy, lương tâm của nước Mỹ cũng chưa thể quên, và cũng đã bị dầy vò quá đủ rồi.

Chính ông Obama cũng nói là những bức ảnh đó không thể ghê rợn hơn những bức ảnh đã được phổ biến.

Chỉ những thành phần thù ghét đảng Cộng Hòa, có chủ đích chính trị, và chống nước Mỹ mới đòi phổ biến nốt những bức ảnh chắc chắn không có gì mới, không thể tàn bạo hơn loạt ảnh năm 2004.

Ông Obama đã rất khổ tâm về chuyện này. Nếu phổ biến, những bức ảnh đó không đem lại lợi lộc gì cho ông, cho đảng Dân Chủ, cho nước Mỹ. Không phổ biến thì những người ủng hộ ông cho rằng ông đã phải nhượng bộ áp lực của phe Cộng Hòa.

Nhưng biết đâu ông đã thấy được là những tranh cãi về tra tấn tù nhân mấy tuần qua cũng đã gây tai hại đủ cho Hoa kỳ rồi chăng?

16-1-2009


LIFE HAS TO GO ON

Có một câu thỉnh thoảng tôi nghe từ khi sang Mỹ nhưng tuần qua tôi mới thấy thấm thía cái ý nghĩa của nó.

Life has to go on. Ðời sống phải tiếp tục. Ðây là câu nói có thể được dùng gần như trong tất cả mọi trường hợp và mọi hoàn cảnh. Nó có thể được dùng để an ủi, để chia bớt nỗi khổ đau, bất hạnh. Nó cũng được dùng như một thái độ thản nhiên, không một mảy may quan tâm mà cũng có thể để bầy tỏ một thái độ quan hoài không ít.

Một chuyện tình bỏ đi. Ðau đớn tưởng chết được như ông Mai Thảo có lần nói. Nặng như mối tình của TTKH. Nhưng rồi cuộc đời vẫn phải tiếp tục. Có ái ân lạt lẽo, có đi bên cạnh cuộc đời thì cuộc đời vẫn tiếp tục diễn ra. Có đến nay tôi hiểu thì tôi đã, làm lỡ tình duyên cũ mất rồi thì cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Chàng ra đi buổi chiều trên bến sông, nàng ở lại, lấy chồng, cuộc sống không vui lắm, nhưng rồi những đứa con ra đời, đời sống phải tiếp tục.

Kiều Thu bỏ Vũ Hoàng Chương. Mấy mối tình của Ðinh Hùng bỏ Ðinh Hùng. Nhưng cuộc đời vẫn tiếp tục diễn ra. Hai ông vào Sài Gòn, làm thơ tình tiếp tục cho đến lúc chết.

Life has to go on.

Loạt khủng bố 911 đã khiến Jay Leno của chương trình Tonight Show nghĩ là rồi đây, nước Mỹ khó mà có thể còn tìm thấy nụ cười được nữa. Nhưng sau ít ngày, chương trình Tonight Show lại trở lại. Nước Mỹ lại tìm được nụ cười tưởng như đã mất sau buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 khi 4 chiếc máy bay lao vào hai cao ốc ở New York, ở một cánh đồng tại Pennsylvania hay ở tòa nhà có 5 góc ở ngoại ô Washington.

Bỏi vì life has to go on. Cuộc đời phải tiếp tục diễn ra, con người phài đi tới với đời sống.

Câu nói đó tôi được nghe từ gia đình của một người vừa nằm xuống. Người đàn ông vợ chết trong một hoàn cảnh bi đát. Tôi đang định kiếm một điều gì nói với bạn để tìm cách làm giảm bớt đi nỗi khổ của ông, thì ông nói "Life has to go on".

Ðúng. Life has to go on. Ngay cả sau những đau đớn tưởng không còn có thể có niềm đau nào lớn hơn trong đời sống.

Khi ông cụ tôi mệt nặng, tôi nghĩ ngay đến sự ra đi vĩnh viễn của ông. Tôi không thể tưởng tượng ra đời sống của tôi mà không có ông. Tôi không biết làm thế nào có được những ngày tháng bình thường khi ông ra đi. Công việc làm, đời sống của tôi sẽ không thể nào bình thường được nữa. Những chuyện tôi làm hàng ngày cũng sẽ không thể tiếp tục. Nói những điều đó cho một người bạn, thì bạn tôi nói, bằng một giọng bình thản: "Life has to go on."

Và câu nói tưởng như một câu đầu môi, nói cho qua chuyện, nói để lấp một chỗ trống thì lại có một tác dụng không thể ngờ được. Nó giúp, ít nhất, một người là tôi, nhìn ra một sự thật, đó là bất kể những chuyện gì ghê khiếp nhất, kinh hoàng nhất xẩy ra, thì cuộc đời vẫn cứ phải tiến tới, đời sống vẫn cứ phải tiếp tục.

Ông cụ tôi mất, tôi trở lại với công việc hàng ngày ở sở và những việc làm hàng ngày ở nhà. Nhắm mắt lại là tôi lại thấy người đàn ông ở với tôi, kể cả những lúc tôi sống ở xa Việt Nam, suốt hơn nửa thế kỷ, như khi ông còn sống. Tiếng cười, bước chân đi, mùi Bien Être ông dùng mấy chục năm... Cái bút Parker ông cho tôi hồi đỗ tú tài 1 đã nhiều năm không dùng vẫn còn trong ngăn kéo, cái triện son đặt làm tại Bắc kinh, hai tập Bách Khoa lấy trong tủ sách của ông ở Sài Gòn, cứ trông thấy là lại nhớ.

Tuần trước, một người bạn lâu năm qua đời. Bận công việc tôi không xuống viếng được, tôi gọi điện thoại chia buồn với gia đình bạn. Không biết tại sao tôi bật ra nói câu Life has to go on. Tôi không biết người nghe có nghĩ về câu nói đó như tôi nghĩ không. Tôi sợ mình đã làm buồn thêm một người đang quá buồn. Câu Life has to go on chỉ là một nỗ lực an ủi sau một mất mát quá lớn như tôi đã được an ủi vài ba lần trong đời bằng câu đó. Và cũng tự an ủi chính mình khi đụng mặt với hai cái mất mát lớn. Nói câu đó ra, tôi không hề muốn giảm thiểu những mất mát của gia đình người bạn. Nếu câu nói ấy làm gia tăng nỗi buồn của gia đình bạn thì ân hận biết là chừng nào.

Nhưng sáng nay, chính người tôi điện thoại chia buồn đã nhắc lại câu nói ấy nên chuyện tôi gây thêm ra đau buồn cho tang gia hình như không đúng.

Vậy nên Life has to go on lại chính là một câu phần nào làm nguôi đi những khổ đau cho gia đình bạn.

Life has to go on.

17-4-2009


NGƯU TẦM NGƯU, MÃ TẦM MÃ

Ðầu tháng này, bất chấp những cảnh cáo và chống đối của thế giới, Bắc Triều Tiên đã phóng một hỏa tiễn Ðại Pháo Ðồng 2, nói là để đưa một vệ tinh nhân tạo lên quĩ đạo, trong khi Hoa kỳ và một số quốc gia khác thì tin rằng Bình Nhưỡng chỉ muốn thí nghiệm một hỏa tiễn ba tầng có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân.

Vì tầm hoạt động xa của hỏa tiễn, nhiều nước tỏ ra rất lo ngại. Nhất là Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Tầm bay của hỏa tiễn có thể đe dọa cả các tiểu bang ở miền tây Hoa kỳ.

Nhưng hỏa tiễn Ðại Pháo Ðồng 2 đã không thành công. Tầng đầu của hỏa tiễn rơi xuống biển Nhật bản. Hai tầng còn lại không tách rời được ra khỏi nhau, và sau đó, đã rơi xuống Thái Bình Dương.

Nếu đầu của hỏa tiễn có mang theo một vệ tinh viễn thông như Bình Nhưỡng nói, thì vệ tinh ấy cũng đã rơi xuống biển cùng với hai tầng thứ hai và thứ ba của hỏa tiễn.

Thông điệp của lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật dĩ nhiên đã không được phát đi từ vệ tinh viễn thông đang nằm dưới đáy biển cách Hawaii một đọan đường.

Tại Bình Nhưỡng liền diễn ra một cuộc mít tinh vĩ đại để mừng cái gọi là thành công của vệ tinh viễn thông. Thông tấn xã nhà nước hô hóan ầm lên rằng vệ tinh đã được đặt trong quĩ đạo để phát đi tư tưởng của Kim Chính Nhật cho tòan thế giới nghe. Người dân Bắc Triều Tiên bị bưng bít và lừa bịp đã quen, không thắc mắc về tin đó đúng hay sai, mà cũng chẳng cần nước họ có vệ tinh viễn thông hay không nữa. Tối ngày sáng đêm họ đã được nghe đầy tai những thứ tuyên truyền nhảm nhí từ hơn nửa thế kỷ nay, cần gì phải nghe thêm từ vệ tinh truyền xuống.

Nhưng chắc chắn vài ba cậu đã bị đánh cho một trận nhừ tử về tội làm mất mặt chủ tịch kính mến. Người lùn Kim Chính Nhật tưởng phen này phóng được hỏa tiễn ba tầng là cao thêm được vài phân, hóa ra lại phải tiếp tục chải cho tóc dựng ngược lên, đi giầy cao gót như từ bao nhiêu lâu nay cho cao thêm chút ít.

Hỏa tiễn Ðại Pháo Ðồng 2 lần này không thành công, nhưng có thể lần tới sẽ khá hơn. Bắc Triều Tiên nhờ đó có thể đem kỹ thuật hỏa tiễn ra bán cho những nước như Iran và một số nước khác muốn có vài ba món đồ chơi để hù dọa, bắt chẹt thế giới.

Hội Ðồng Bao An Liên Hiệp Quốc, theo lời yêu cầu của Nhật, đã nhóm khẩn cấp để thảo luận về việc làm của Bắc Triều Tiên, việc làm vi phạm các nghị quyết trước đây của Liên Hiệp Quốc. Hoa kỳ, Nhật, Nam Triều Tiên đều muốn có những biện pháp trừng phạt gắt gao nhắm vào Bình Nhưỡng và một nghị quyết mới lên án việc làm của Bắc Triều Tiên.

Nhưng ý kiến đó đã bị chặn bởi Nga và Trung quốc cùng một hai nước khác. Chuyện Nga và Trung quốc bênh Bắc Triều Tiên thì dễ hiểu. Cả hai có rất nhiều quyền lợi trong vụ này. Nga và Trung quốc cố tình nuôi dưỡng một con chó điên để bất cứ lúc nào cần cũng có thể lôi ra gây khó khăn cho Hoa kỳ và Nhật. Dùng Bình Nhưỡng, Nga và Trung quốc có thể làm được nhiều chuyện mà không bị bẩn tay. Tất cả đều là những chuyện có thể hiểu được.

Nhưng còn hai nước phụ họa theo lập trường và việc làm của Nga và Trung quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên là những nước nào?

Tin cho biết đó là Li-Bi và Việt Nam. Ðại sứ của ông Muammar Qadaffi tại Liên Hiệp Quốc có lập trường như vậy cũng dễ hiểu. Trước đây, có một lúc, ông Qadaffi đã nuôi một toán vệ sĩ toàn phụ nữ Bắc Triều Tiên đai đen Thái Cực Ðạo để bảo vệ an ninh cho ông. Nay ông có điên khùng, ngộ dại bênh Bắc Triều Tiên một chút thì cũng là điều thường tình.

Nhưng còn Việt Nam? Tại sao Việt Nam lại đứng về phía Bắc Triều Tiên, chống lại những ý kiến muốn đưa ra bản nghị quyết với lời lẽ nghiêm khắc nhắm vào Bắc Triều Tiên?

Việt Nam có quyền lợi gì ở Bắc Triều Tiên, một thứ pariah không ai muốn đụng tay vào, chuyên kiếm ăn bằng cách cào đầu ăn vạ, sẵn sàng để cho vài triệu dân chết đói, bắt chẹt lương tâm thế giới khiến thế giới phải đem thực phẩm trợ giúp rồi quay lại cắn vào bàn tay vừa cho ăn như người ta đã thấy trong suốt hơn mười năm qua?

Bắc Triều Tiên trong hoàn cảnh đó thì giúp gì được cho Việt Nam trong khi thái độ của Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc lại là thái độ công khai đi ngược lại lập trường của Hoa kỳ và Nhật, hai quốc gia từng có những trợ giúp cho Việt Nam rất nhiều về mọi mặt.

Ðáng lẽ đây là lúc Việt Nam phải trả lại cái ơn của Nhật, thì Hà Nội chống lại Nhật, đứng về phía Bắc Triều Tiên, Nga và Trung quốc.

Ðó là một thái độ ngu xuẩn, vô ơn bạc nghĩa.

Nếu không như thế thì tại sao lại đứng chung về một phía với Nga và Trung quốc?

Hay là vẫn tiếp tục thái độ đàn em, cúc cung khấu đầu phục tùng đàn anh như một thứ nô lệ mới?

Trong khi vừa bị đàn anh bợp tai đá đít ở các đảo ngoài khơi, ngang nhiên và công khai chiếm lấy những đảo ấy của Việt Nam?

Và nay lại còn sẵn sàng kowtow với mấy ông con trời ở Bắc kinh như những thứ hèn hạ Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống?

20-2-2009


VỀ MỘT BỨC HÍ HỌA

Tờ New York Post, một tờ báo lá cải xuất bản tại New York trong số xuất bản đề ngày 18 tháng 2 ở trang 6 có đăng một bức hí họa của Sean Delonas vẽ hình hai cảnh sát viên, một người cầm khẩu súng nòng còn đang bốc khói, phía trước là một con hắc tinh tinh (chimpazee) nằm chết, trên mình có mấy lỗ đạn, máu me tung tóe trên sân cỏ.

Bức vẽ ghi lại một chuyện vừa xẩy ra tại Stamford thuộc tiểu bang Connecticut hôm thứ Hai vừa qua. Hôm ấy, con hắc tinh tinh Travis sống với chủ từ hơn một chục năm thình lình nổi điên tấn công một phụ nữ khi người này đến thăm chủ của nó. Con chimpanzee gây thương tích nặng cho nạn nhân và bị cảnh sát bắn chết. Sean Delonas vẽ lại cảnh vừa kể. Nhưng với những chi tiết như thế thì bức vẽ của Sean Delonas không phải là một bức hí họa. Lý do là vì những chi tiết của bức tranh không tạo cho người xem tranh một nụ cười nào. Một phụ nữ bị thương tích trầm trọng còn đang hôn mê ở bệnh viện. Người chủ phải dùng dao đâm con hắc tinh tinh nhiều nhát nó mới chịu buông nạn nhân ra. Cuối cùng, cảnh sát phải bắn chết nó theo lời yêu cầu của chủ nó, khi nó tìm cách mở cửa xe của cảnh sát để tấn công cảnh sát viên ngồi trong xe.

Câu chuyện toàn những chi tiết quá bi thảm.

Bức vẽ chỉ trở thành một bức biếm họa khi người ta đọc thấy hàng chữ từ miệng của người cảnh sát trong bức vẽ nói nguyên văn:" They’ll have to find someone else to write the next stimulus bill."

Thế là người ta lại phải kiếm một người khác để viết bộ dự luật kích động kinh tế sắp tới.

Ngoài đời, không một cảnh sát viên nào có mặt tại hiện trường đã nói câu đó.

Hôm thứ Ba vừa qua, tổng thống Barack Obama đã ban hành bộ luật kích động kinh tế tại Colorado. Câu nói của người cảnh sát trong bức hí họa rõ ràng muốn nói con khỉ nằm chết là ông Obama. Con khỉ chết nên người ta phải kiếm người khác viết bộ dự luật kích động mới.

Ai cũng biết là ở Mỹ, cách đây cũng không lâu lắm, những người không ưa người da đen, hễ cứ nói về người da đen, là người ta lôi con khỉ ra. Những con đười ươi, hắc tinh tinh là giống thú ở Phi châu. Người da đen được đưa từ Phi châu sang châu Mỹ để làm nô lệ. Do đó, không cần phải vận dụng đầu óc nhiều lắm, người ta cũng thấy ngay họa sĩ vẽ ông Obama là con khỉ đột.

Bức vẽ đưa ra hai gợi ý. Thứ nhất, con hắc tinh tinh là ông Obama. Thứ hai, ông Obama nên bị ám sát chết.

Cả hai đều là những điều không thể cười được.

Sau khi tờ báo được bầy bán, lập tức hàng mấy trăm cú điện thoại đã gọi vào tòa soạn để nói lên sự phẫn nộ, đòi tờ New York Post phải xin lỗi. Một số người kéo tới biểu tình trước tòa soạn, kêu gọi tẩy chay và đòi đóng cửa tờ báo.

Trước phản ứng của đám đông, chủ bút của tờ báo là Col Allan đã biện hộ cho bức hí họa này, nói rằng bức vẽ chỉ diễu chuyện con chimpanzee hung hãn bị bắn chết tại Connecticut đồng thời chế nhạo nỗ lực hồi sinh nền kinh tế Mỹ của chính phủ Obama.

Người ta cũng có thể nói rằng bức vẽ gợi ý là bộ luật kích động kinh tế quá dở đến nỗi ngay mấy con khỉ cũng viết được. Nhưng rất nhiều người cho là bức vẽ đã ví ông Obama với một con chimpanzee hóa dại.

Bức vẽ bị phản đối dữ dội. Chuyện này chắc chắn chưa chấm dứt tại đây. Bức hí họa sẽ còn bị nhiều tiếng nói khác đả kích. Nhiều tiếng nói khác sẽ tiếp sức để đòi Sean Delonas và tờ New York Post xin lỗi về bức vẽ làm phát sinh ra những thái độ phẫn nộ chính đáng. Tờ báo có thể sẽ bị tẩy chay, các thân chủ quảng cáo sẽ ngưng quảng cáo, đe dọa sự sống còn của tờ báo. Có thể chính Sean Delonas cũng bị đe dọa.

Người ta không tin là Sean Delonas sẽ thoát trong vụ này. Don Imus, một nhà báo truyền thanh chỉ vì một câu nói đụng chạm tới đội bóng rổ phụ nữ da đen của đại học Rutgers hồi tháng 4 năm 2007 cũng bị NBC và CBS ngưng cộng tác.

Sean Delonas chưa lên tiếng giải thích việc làm của mình. Có thể người họa sĩ này lại lôi lập luận cũ rằng bức vẽ chỉ là một cách bầy tỏ tư tưởng, và là một nghệ sĩ, Sean Delonas có quyền làm như thế, rồi tìm cách giải thích thêm về bức vẽ. Có thể Sean Delonas sẽ nói là ông ta không yêu, cũng không ghét người da đen, rằng ông ta chỉ làm công việc báo chí và nghệ thuật.

Ông ta có thể nại hiến pháp Hoa kỳ ra để biện giải.

Nhưng có tin những giải thích đó và có tha thứ việc làm khiêu khích đó hay không thì người ta còn phải chờ mới biết được.

Ðể coi vụ Sean Delonas và bức vẽ con chimpanzee được giải quyết như thế nao. Lúc ấy mới có thể nói nước Mỹ có là nơi tự do tuyệt đối, nghệ sĩ được toàn quyền diễn tả tư ưởng của mình bất kể những cái gọi là tác phẩm ấy xúc phạm người ta như thế nào đi chăng nữa hay không.

Ðể coi cộng đồng da đen đối xử hế nào với người nghệ sĩ Sean Delonas.

Coi Sean Delonas có còn già mồm nữa hay không.

Hình như mới đây, ở một nơi có nhiều người Việt Nam, cũng có một vụ khiêu khích tương tự bằng một búc ảnh thì phải.

20-3-2009


CHO TAO CHƯỞI MÀY MỘT TIẾNG

Người Việt Nam là một dân tộc hay chửi và chửi cũng hay nữa. Người Việt miền Bắc, miền Trung hay miền Nam cùng làm công việc đó. Khác chăng là miền Bắc viết và nói là "chửi". Miền Trung và Nam là "chưởi".

Mất con gà, con vịt, thay vì văng ra vài ba câu tục tĩu cho hả cơn tức giận rồi quay ra đi làm việc khác, thì người ta chửi, chửi cho đến khi phía lấy cắp con gà, nếu chưa kịp hóa kiếp cho nó, thì phải thả nó ra ngay, nếu trót ăn con gà rồi thì sẽ phải nhổ nước bọt lia lịa để phỉ phui, hóa giải những câu chửi đó. Người mất con gà hướng sang phía căn nhà bị nghi là có người lấy cắp mà chửi. Chửi có bài có bản, bài chửi miền Bắc, miền Nam và miền Trung tuy có khác nhau một vài chi tiết nhưng tất cả đều có lớp lang, thứ tự, văn học nghệ thuật, có vần có điệu, có điển, có tích chứ không chỉ dăm ba câu tục tĩu như người Mỹ, người Anh.

Chửi có khi là đem tất cả những thứ không ngon trên đời ra để mời đối tượng ăn. Các thứ bộ phận sinh dục, các chất bài tiết được lôi ra mời phía bên kia ăn cho bằng hết. Khi phía bên kia đã no nê rồi, thì đem những chuyện không hay nhất trên đời đẩy sang. Chưa hết, người chửi còn mang toàn những chuyện khủng khiếp nhất ném sang cho gia đình người bị chửi, nào đẻ ngược, đi sông chết đuối, trên cạn thì voi dầy ngựa xé, trời đánh, thánh đâm, tuyệt tự, chết đâm, chết chém. Và cuối cùng, đem cha mẹ, tổ tiên dòng họ của đối phương ra mà đổ cho những điều dữ dằn nhất. Thí dụ mong những người ấy toàn gặp những chuyện bất hạnh trên đời, như ra đường bị chó đớp mất vài ba bộ phận trên người để thành tàn phế vân vân.

Với những thành viên phụ nữ của gia đình bị chửi thì người chửi đòi làm những hành động tình dục. Tất cả đều chỉ nhắm xúc phạm nặng nề, lăng mạ tối đa những người phụ nữ sinh thành ra đối phương. Luôn cả những phụ nữ bề trên như bà nội, bà ngoại, rồi cả những phụ nữ ngang cấp với người bị chửi như chị, em già trẻ đều không được tha.

Hình như không một nền văn minh nào lại có lối tấn công bằng tiếng nói dễ sợ như thế. Một ý kiến cho rằng trong những nền văn minh không thờ phụng tổ tiên, cha mẹ, ông bà, thì không có lối chửi đó. Trong tiếng Anh, không thấy một câu chửi nào tương đương với một câu chửi cửa miệng của người Việt Nam. Ông bà tổ tiên, nội ngoại của người Mỹ được đặc miễn, không bị đem ra xúc phạm.

Tuần qua, tôi đọc được bài thơ của một tác giả Việt Nam, nhà thơ Trạch Gầm. Ông nguyên là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Về lon lá, ông không nhiều lắm. Hai bông mai vàng trên vai khi miền Nam thất thủ. Ông xuất thân từ một gia đình danh giá, đạo đức. Vậy mà bài thơ ông viết đã dùng thứ ngôn từ chửi bới hết sức thô tục.

Bài thơ không viết bằng thứ ngôn ngữ chuốt lọc của thi ca. Ðây không phải là một bài thơ tình mà là một bài thơ đọc lên thấy nghẹn ngào, phừng phừng phẫn nộ.

Trong một chương trình phát thanh, người phụ trách chương trình đã đọc nguyên văn không thiếu một chữ bài thơ của ông. Chắc chắn đó là lần đầu tiên làn sóng điện 1480 AM của đài Little Saigon Radio đã chuyển đi một câu chửi tục như vậy. Sau chương trình phát thanh sáng ngày thứ Hai 16 tháng 3, cô Mai Khanh đã không một lời phiền trách việc văng tục trên đài phát thanh của cô, mà thính giả cũng không một ai phiền trách như vài ba lần các xướng ngôn viên chỉ hơi sơ hở một chút cũng bị trách cứ nặng nề.

Trong bài thơ, tác giả Trạch Gầm đã nói rất thẳng ở ngay câu đầu. Nhưng nét từ tốn của ông vẫn còn nguyên, xuyên suốt toàn bài. Ðây là nguyên văn bài thơ của Trạch Gầm:

Ðụ má, cho tao chưởi mầy một tiếng
Ðất của Ông Cha sao mầy cắt cho Tàu
Ngậm phải củ gì mà mầy cứng miệng
Ðảng của mầy, chết mẹ... đảng tào lao
Chế độ mầy vài triệu tay cầm súng
Cầm súng làm gì... chẳng lẽ hiếp dân
Tao không tin lính lại hèn đến thế
Lại rụng rời... trước tai ách ngoại xâm
Mầy vỗ ngực. Anh hùng đầy trước ngõ
Sao cứ luồn, cứ cúi, cứ van xin
"Môi liền răng", à thì ra vậy đó
Nó cạp mầy, mầy thin thít lặng thinh
Ông Cha mình bốn ngàn năm dựng nước
Một ngàn năm đánh tan tác giặc Tàu
Thân phận mầy cũng là Lê, là Nguyễn
Hà cớ gì... mầy hèn đến thế sao!
Chuyện mầy làm Toàn Dân đau như thiến
Mầy chết đi, tao nghĩ chẳng đất chôn
Hãy tỉnh lại ôm linh hồn sông núi
Cứ đà này... chết tiệt còn sướng hơn
Ðàn gảy tai trâu... xem chừng vô ích
Giờ mầy nghe tao chưởi còn hơn không

Ông Trạch Gầm, ông đã nói hộ tất cả người Việt Nam bằng mấy câu thơ của ông. Chúng tôi cũng muốn văng ra những câu chửi tục như ông đã làm hộ cho chúng tôi.

Nhưng ông chỉ chửi có một tiếng thôi sao? Phải chửi nhiều hơn nữa chứ. Tuy thế, tôi vẫn phải cám ơn ông và bài thơ của ông.

Cứ nghĩ tới bọn chó má là phải văng tục ra là như thế.

22-5-2009


CẢM ƠN CÂY CAM

Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi...

Tô Thùy Yên đã viết hai câu trên trong bài thơ dài, bài Ta Về mà chắc ít người có thể nói là không biết.

Người về, cảnh vật đã thay đổi "như cánh chim quá trễ", thế giới đã già đi sau mười năm cổ lục, giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ...

Nhưng những bông hoa vẫn nở, một an ủi rất tình cờ cho người trở về. Tình cờ vì người không nghĩ là hoa còn nhớ đến người mà nở.

Cách đây mười mấy năm, khi tôi còn ở miền đông, một buổi sáng sau mùa đông, tôi ra cửa thì thấy ở góc vườn mấy hôm trước còn đầy tuyết, những đọt tulip đã vươn lên xanh mướt. Mùa đông khắc nghiệt vừa đi qua, tuyết tan và những củ tulip tôi giúi xuống đất rồi quên luôn từ mùa hè năm trước, và quên bẵng đi, đã ngoi lên.

Tôi nhớ hai câu thơ ấy của người bạn.

Tôi là người có hai ngón tay cái không có mầu sắc chi cả. Giá nó mầu xanh, green thumb, như người Mỹ vẫn nói, thì những cái vườn của những căn nhà tôi ở qua trong mấy chục năm nay đã có những kỷ niệm tôi để lại. Nhưng vì những ngón tay cái của tôi không xanh nên những cái vườn của những căn nhà tôi dọn đến rồi dọn đi vẫn chẳng có một cái cây mới nào để lại. Ngoại trừ mấy cây tulip trước căn nhà ở Woodbridge.

Mấy hôm sau đó, tôi sáng nào cũng ra ngó nó. Trong lúc tôi đi làm, về nhà, vào phòng làm việc, rồi ngủ, sáng hôm sau thức dậy, lại đi làm, thì những đọt tulip vẫn tiếp tục vươn lên từ góc vườn mặc dù tưới bón cho nó là việc tôi không bao giờ có thì giờ để làm. Một sáng, những cái búp nở ra thành những bông hoa mầu đỏ thắm. Thế là từ Hà Lan, những cây tulip được đưa sang đông bắc nước Mỹ, để làm vui cho người đàn ông ở căn nhà ấy được mấy ngày xuân. Bây giờ, mười mấy năm đã qua, không biết chủ mới của căn nhà Woodbridge có còn để cho nó sống tiếp ở góc vườn không, hay những ngón tay cái có mầu xanh, giỏi việc trồng cây đã bứng nó đi, thay bằng những cây khác.

Tôi ở căn nhà hiện nay đã năm năm. Góc vườn sau có một cây cam của chủ cũ để lại. Thỉnh thoảng nhớ ra, và thấy những cái lá quắt lại vì thiếu nước, tôi lấy vòi nước tưới cho nó. Rồi tôi lại quên bẵng nó đi. Buổi sáng ra đi vội vã, chiều tối về nó đã ngủ. Cuối tuần thì bận đi chơi. Ít khi ngó ngàng tới nó. Nhưng năm nào nó cũng có trái, đỏ vàng rực rỡ góc vườn. Khi thấy những quả trên cây chín hết, tôi thuê một người Mễ tới hái và cho ông ta mang về luôn. Cả hai bên đều vui. Người có cây cam thì giải quyết xong mấy chục quả cam trên cây, để chúng khỏi thối rồi rơi xuống đất. Người đàn ông Mễ vui vì có mấy chục quả cam mang về sau khi được trả tiền thuê để hái chúng xuống. Mỗi năm tôi đều làm như thế.

Và vì vậy, tôi không hề biết mùi vị của những quả cam sau vườn như thế nào. Chua hay ngọt đều không hay. Lý do là mỗi tuần đi chợ, tôi đều khuân về một ít cam, khi thì cam California, khi thì cam Texas to và nhiều nước lại ngọt, giá cả cũng vừa phải.

Cuối tuần qua, những trái cam trên cây đã chín hết. Ðứng ở cổng sau, tôi tò mò hái thử một trái thì thấy mặc dù không chăm bón gì cho nó suốt mấy năm nay, những trái của cây cam cũng không nhỏ lắm. So với những trái cam navel California, nó cũng một mười một chín. Chỉ thua những trái cam navel mua ở chợ là thiếu những cái rốn tôi rất thích vì nó hơi cay nhưng lại rất thơm.

Tôi trở vào nhà, lấy cái máy vắt cam ra thử trái cam vừa hái ở vườn thì tôi quyết định ra hái thêm mấy trái khác mang vào vắt nước. Tôi nghĩ nó phải chua lắm. Nhưng không, nó rất nhiều nước, và ngọt không ngờ.

Tôi nghĩ ông Tô Thùy Yên trông thấy bông hoa nở sau khi trở về từ nhà tù chắc cũng chỉ vui như thế. Những bông hoa đón người đàn ông trở về sau những năm chết dấp trong những nhà tù, ngẩn ngơ trông trời đất cũ nghe tàn cát bụi tháng năm bay.

Ông Tô Thùy Yên cám ơn những bông hoa đã vì ông mà nở, an ủi, đón mừng người về.

Cây cam sau vườn căn nhà tôi đang ở cũng kết thành mấy chục quả cam rất ngọt. Ðáng lẽ nó chẳng cần phải làm như thế cho một người đàn ông vô tích sự, hờ hững, bỏ bê nó, chỉ thỉnh thoảng lắm mới tưới cho nó một ít nước. Nó có giận mà không thèm ra quả, hay chỉ ra những quả chua và nhỏ, thì người đàn ông vô tích sự ấy cũng không có quyền buồn nó. Thế mà mấy chục quả cam tôi nhờ người hái mấy hôm trước lại là những quả cam rất ngọt và rất nhiều nước.

Người đàn ông vô tích sự không xứng đáng được những quả cam từ cây cam đó.

Tôi không làm như ông Tô Thùy Yên. Không thể chỉ cám ơn cây cam đã vì tôi mà đơm trái. Tôi phải xin lỗi nó và cảm ơn nó. Tiểu bang California chưa phải hạn chế nước nên tôi sẽ nhớ tưới cho nó mỗi ngày một ít nước. Chẳng phải tưới cho nó là để mong năm nay, nó lại cho vài chục quả cam ngọt và nhiều nước.

Nhưng ít nhất cũng phải làm một việc gì để tạ lòng nó, cám ơn nó. Một người rất vô tình và bạc bẽo như thế mà nó vẫn âm thầm tặng cho mấy chục quả cam thì phải cám ơn nó, cám ơn và xin lỗi nó.

23-1-2009


CÁM ƠN DUBYA

Hỏi một người vừa về nhà sau một ngày ở sở, lái một đoạn đường ba bốn chục dặm mới về đến nhà rằng ông có gì vui không, thì có rất nhiều cơ hội ông sẽ trả lời rằng không có gì cả, vẫn một ngày như mọi ngày, không có gì vui cả.

Nhưng thực ra, ông đáng lẽ đã phải nói rằng ông đã có một ngày tốt đẹp, hạnh phúc.

Này nhé, ông vẫn có công ăn việc làm, tuy ở sở có vài ba đồng nghiệp không dễ chịu lắm, ông chủ sở thì hắc ám. Nhưng ông vẫn có một công việc, hai tuần một tấm ngân phiếu trả lương, có một căn nhà để trở về, cơm canh tuy không ngọt lắm, bà nhà thỉnh thoảng vẫn càm ràm ông về những chuyện không đâu, nhưng ông vẫn còn một căn nhà, một chiếc giường để ngả lưng.

Ông vẫn là người hạnh phúc.

Ông nên nhớ đến những người không có công việc làm, đi mòn giầy không kiếm ra việc. Ông có nhà, dẫu cho là đang phải đi thuê. Chiếc xe ông lái không là chiếc Rolls Royce, cũng không phải một chiếc Porsche, một chiếc Jaguar nhưng nó vẫn chạy.

Ông là người hạnh phúc.

Hôm nay, đi làm, ông không bị chặn lại hỏi vài ba cái giấy, ấn vào tay một cái giấy phạt. Chuyến đi và về trên xa lộ của ông cũng an toàn, không có tai nạn xẩy ra cho ông hay cho vợ con ông. Hãy nghĩ những điều đó, ông sẽ thấy mình là người hạnh phúc.

Hạnh phúc hơn những người Palestine đang sống tại Gaza trong khi bom đạn của Israel có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, hay những người tị nạn khốn khổ ở Darfur, thiếu thốn trăm điều. Một chuyện nhỏ như ly nước cũng khó mà có được nói chi đến vào phòng tắm vặn cái vòi nước, tắm một cái cho khỏe người, một chuyện giản dị và dễ dàng mà ông làm mỗi ngày...

Vì thế, hạnh phúc nhiều khi chính là những bất hạnh không xẩy ra cho chúng ta mà thôi. Lái xe đi làm về đến nhà an toàn là hạnh phúc, là đã thoát được bao nhiêu chuyện có thể đã xẩy ra trong ngày. Một chiếc xe vận tải 18 bánh lao vào xe của mình, chiếc máy bay đang ngồi bỗng lao xuống đất, cây cầu đang yên lành bỗng đổ sập vì động đất. Bao nhiêu chuyện có thể xẩy ra. Như ở Mumbai, Ấn độ, chỉ 10 người võ trang nổ súng bừa bãi cũng làm chết cả trăm người. Như ở Luân Ðôn, Madrid... những lượng chất nổ được gài trên những toa xe điện làm chết bao nhiêu người mà tội của họ chỉ là đi đến sở làm như ông.

Về đến nhà an toàn như thế mà ông nói là không có gì vui, không hạnh phúc chút nào là không đúng. Cứ nghĩ đến những chuyện có thể xẩy ra cho ông, nhưng lại không xẩy ra thì ông nên vui lên mới phải.

Nói vòng vo như thế thực ra chỉ để nói là chúng ta đã may mắn biết là chừng nào. Thực ra cũng chẳng phải là may mắn, mà phải nói là nhờ công của một người mà nước Mỹ vừa làm một công việc hệt như hắt một chậu nước dơ ra ngoài đường.

Sau loạt khủng bố 911, nước Mỹ không bị một vụ khủng bố nào mặc dù khủng bố không phải là không muốn làm một cái gì nhắm vào nước Mỹ. Những đầu óc nham hiểm, những quả tim thú vật, những toan tính dã man, những quyết tâm khốn nạn của chúng rất muốn, và đã làm đủ mọi cách để đánh nước Mỹ những đòn khủng khiếp khác mà chúng muốn là phải tàn bạo, khốc liệt gấp vài chục lần so với loạt khủng bố năm 2001.

Nhưng tất cả những toan tính đó đều đã không thể xẩy ra. Không phải vì khủng bố nhân đạo, từ bỏ những trò giết người đó. Mà là vì chính phủ Mỹ đã chặn được, đã bẻ gẫy được tất cả những toan tính man rợ đó.

Người ta nói là trại tù Guantanamo phải được đóng cửa. Ðúng, vì nó tạo ra những hình ảnh rất xấu cho nước Mỹ, nhờ những khai thác đầy ác ý và tận tình của báo chí. Nhiều người chê trách việc lấy nước đổ vào mũi của một hai nghi can khủng bố như Khalid Sheik Mohammed, người chủ mưu vụ 911. Nhưng người ta cố tình không nói là chỉ sau có hai lần đổ nước vào mũi, Khalid Sheik đã khai ra một số tên tuổi khác, và nhờ đó, ít nhất là mấy vụ âm mưu khủng bố đã bị phá vỡ, như kế hoạch ám sát Ðức Giáo Hoàng Gio An Phao Lồ đệ Nhị, cựu tổng thống Bill Clinton và một loạt khủng bố nhắm vào Los Angeles, Chicago, Seattle, New York và nhiều mục tiêu khác ở Philippines, Nam Triều Tiên, Kenya, Thổ Nhĩ Kỳ, trụ sở của NATO...

Chúng ta đã thoát bao nhiêu âm mưu khủng bố. Nên nếu có nghe lén điện thoại của một số người, rút vài cái móng tay móng chân, mấy chục quả đấm, đổ cho vài lít nước... mà tránh được bao nhiêu chuyện khủng khiếp như vậy thì có gì đáng để mà la toáng lên như thế.

Chuyện kinh tế khủng hoảng là chuyện chung của thế giới, chẳng phải vì ông Bush gây ra. Ông Bush mà gây ra khốn đốn cho Hoa lục, cho Nhật, cho Nga, cho Phi châu hay sao?

Hãy nghĩ tới những thảm họa không xẩy ra cho chúng ta thì sẽ thấy công lao của ông Bush lớn như thế nào.

Và ngay cả lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Obama mấy hôm trước đã diễn ra một cách bình an, không rắc rối, cũng là nhờ các biện pháp và chính sách an ninh của ông Bush. Thử tưởng tượng giữa cái đám đông hơn một triệu người đó, chỉ cần một quả lựu đạn, chỉ một quả lựu đạn thôi, là xáo trộn sẽ như thế nào.

Những người ghét ông Bush có thể không nghĩ ra điều đó. Mà cũng có thể có nghĩ ra điều đó, nhưng không muốn ghi nhận.

Tục ngữ Việt Nam có một câu xuất hiện đã lâu lắm: Bạc như dân.

Ðúng, nhiều người Mỹ đã tỏ ra rất bội bạc trong cách đối xử với ông Bush.

Trong khi nước Mỹ nên cám ơn ông thì phải hơn.

27-2-2009


MỘT ÐỊNH NGHĨA MỚI CỦA HAI CHỮ LIỆT SĨ

Liệt sĩ, theo tự điển Khai Trí Tiến Ðức, là người có khí tiết mạnh mẽ. Tự điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa liệt sĩ là người đàn ông biết trọng đại nghĩa. Ðào Duy Anh ở trang 506 của Hán Việt Từ Ðiển định nghĩa liệt sĩ là người chí sĩ trượng nghĩa.

Các tự điển giải thích liệt nữ là người phụ nữ anh hùng, cũng gọi là anh thư, cùng nghĩa với liệt phụ. Nguyễn thị Giang, Bùi thị Xuân, các bà Trưng và Triệu... là các liệt nữ, liệt phụ.

Lịch sử Việt Nam không thiếu những người như thế. Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực, Hàm Nghi, Nguyễn Biểu, Lê Lai, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Trần Văn Bá... những cái tên nhiều không thể kể hết được.

Ðó là những người anh hùng, đem thân hiến cho đại cuộc, cho đất nước. Họ là liệt sĩ.

Các định nghĩa ở trên đều được dẫn từ các tự điển xuất bản hay in lại trước năm 1975 ở Sài Gòn.

Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ in ở Hà Nội năm 1987 cũng ghi một định nghĩa tương tự: liệt sĩ người đã hy sinh vì nước, vì dân trong khi làm nghĩa vụ.

Như vậy, cho đến năm 1987, những người làm cuốn từ điển ở Hà Nội cũng vẫn còn hiểu hai chữ liệt sĩ giống như các tự điển của miền Nam.

Nhưng liệt sĩ của nước này nhiều khi lại không là liệt sĩ của nước khác được. George Washington không thể là anh hùng của nước Anh. Phi công Thần Phong của Nhật lao máy bay vào tầu chiến của Mỹ tự sát hồi cuối đệ nhị thế chiến thì không thể là liệt sĩ của nước Mỹ.

Phạm Hồng Thái, tiếng bom Sa Ðiện, là anh hùng, là liệt sĩ của Việt Nam. Với người Pháp, với toàn quyền Ðông Dương Martial Merlin, mục tiêu của quả bom trong chiếc máy chụp ảnh của Phạm Hồng Thái ném tại khách sạn Victoria ở Quảng Châu đêm 19 tháng 6 năm 1924, thì người đàn ông họ Phạm này là một tên khủng bố.

Nhưng ngày nay, ở Việt Nam, danh từ liệt sĩ đã mang những nghĩa mới.

Tại gần tỉnh Cao Bằng, phía bên kia biên giới, trong phần đất mà Trung quốc mới chiếm của Việt Nam, có một nghĩa trang tên là Long Châu, nơi chôn những tử sĩ Trung quốc trong toán quân tiến sang đánh phá một số vùng nằm trong lãnh thổ Việt Nam hồi đầu năm 1979. Mới đây một phái đoàn của xã Ðề Thám, thị xã Cao Bằng đã tới Long Châu, mang một vòng hoa đến đặt tại nghĩa trang này.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Những người có đạo đức, có giáo dục không xúc phạm mộ phần của những người chết như những hành động đã xẩy ra tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi bức tượng Tiếc Thương bị kéo đổ, nhiều mộ bia tử sĩ bị phá.

Nhà cầm quyền Hà Nội sau khi dung túng những việc làm tồi tệ, hèn hạ nhắm vào nghĩa trang của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, mà bề gì thì cũng là cùng tổ tiên huyết thống, thì lại để cho một bọn dốt nát, ngu xuẩn kéo đến thăm nghĩa trang Long Châu và để lại vòng hoa với tấm băng đen có viết những chữ mầu trắng nguyên văn: HÐND (Hội Ðồng Nhân Dân), UBND ( Ủy Ban Nhân Dân), UBMTTQ (Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc) XÃ ÐỀ THÁM.

Ở dưới là hàng chữ ÐỜI ÐỜI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SỸ (*)TRUNG QUỐC.

Xã Ðề Thám thuộc ngoại ô của thị xã Cao Bằng, giáp ranh với tỉnh Quảng Tây, hồi tháng 2 năm 1979, khu vực này bị quân đội Trung quốc phá thành bình địa, tàn sát một số phụ nữ và trẻ em.

Ba mươi năm sau vụ thảm sát của các binh sĩ Trung quốc, vòng hoa để lại nghĩa trang Long Châu có hàng chữ như thế.

"Ðời đời nhớ ơn" những người lính Trung quốc có xác chôn tại nghĩa trang. Những người lính Trung quốc bỏ mạng ở Long Châu đã làm gì cho cái xã có tên là Ðề Thám để nhân dân của xã này phải "đời đời nhớ ơn" và gọi họ là "liệt sỹ"?

Muốn biết thì cũng không khó gì. Chỉ cần tới thôn Tổng Chúp, xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An cũng thuộc tỉnh Cao Bằng là có thể tìm ra những hành động đáng để "nhớ ơn đời đời "đó.

Ở đó có một tấm bia trong tình trạng đổ nát bị lau lách, cây dại mọc dầy che kín. Mới đây, một người đi tìm tấm bia đó đã phải phá những cây dại mới chụp được hình tấm bia và hàng chữ viết bất chấp cách chấm câu, hành văn lôi thôi thất học, không biết chấm phẩy, nguyên văn: "VỤ THẢM SÁT TẠI TỔNG ÔNG CHÚP XÃ HƯNG ÐẠO HUYỆN HÒA AN QUÂN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC DÙNG CỌC TRE BÚA BỔ CỦI ÐẬP CHẾT 43 PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM QUĂNG XÁC XUỐNG GIẾNG NƯỚC".

À thì ra thế. Giết 43 phụ nữ và trẻ em bằng cọc tre, búa bổ củi là những hành động cần phải " đời đời nhớ ơn", và bọn giết người ấy được gọi là "liệt sỹ", xã Ðề Thám phải đem vòng hoa đến đặt cho có tình có nghĩa. Còn cái bia ghi tội bọn lính Trung Cộng giết 43 người Việt Nam thì để mặc cho lau lách, cây dại mọc che kín.

Như thế là thế nào? Danh từ "liệt sỹ" nay đã mang ý nghĩa mới chăng? Liệt sĩ nay được hiểu là bọn giết người dã man, tàn bạo, vô nhân đạo. Nhưng như thế thì coi sao tiện?

Vì hiểu như thế thì các bà "mẹ liệt sĩ" thỉnh thoảng được Hà Nội ve vuốt lấy lệ chính là mẹ của bọn giết người dã man vô nhân đạo, và những cái xác nằm trong những "nghiã trang liệt sĩ" ở khắp Việt Nam với ngôi sao đỏ trên mộ bia đều là mả của bọn giết người dã man vô nhân đạo hay sao?

Người ta có thể hiểu, nếu những chữ trên vòng hoa được viết bằng chữ Hán, và những người đem vòng hoa đó đến đặt tại nghĩa trang là những người Trung quốc. Nhưng vòng hoa lại là của những người ở xã Cao Bằng mới là đáng nổi giận.

Nhà cầm quyền Hà Nội, sau khi làm đủ mọi cách để phá cho bằng được những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ở Indonesia, ở Malaysia thì tại sao chưa phá nốt tấm bia kể tội lính Trung quốc? Ðể mặc cho lau lách, cây dại che lấp đi chưa đủ.

Phải phá tan mới đúng là "đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung quốc."

----------

(*)Các tự điển đều viết liệt sĩ với "i" ngắn. Băng tang của xã Ðề Thám viết là liệt sỹ với "y".

27-3-2009


THỦ TƯỚNG ÚC

Thủ tướng Úc, ông Kevin Rudd vừa tới thăm Washington. Ông Rudd có thể dậy cho các chính khách Hoa kỳ cũng như nhiều chính phủ khác trên thế giới một vài chuyện.

Hôm đầu tháng, ông Kevin Rudd có đưa ra một vài lời tuyên bố sâu khi cộng đồng người Hồi giáo ở Úc phản đối việc cảnh sát và an ninh Úc đưa người len lỏi xâm nhập các đền Hồi giáo, các tổ chức của người Hồi giáo ở Úc.

Ông Rudd nói là sau những vụ khủng bố bằng chất nổ ở Bali làm chết gần 200 người Úc hồi mấy năm trước, chính phủ Úc có lý do để theo dõi các hoạt động của các nhóm hồi giáo ở Úc. Nhưng những phát biểu về người di dân Hồi giáo ở Úc mới là điều đáng chú ý.

Ông Rudd nói thẳng là đây là nước của người Úc, là đất của người Úc, lối sống ở đây là lối sống của người Úc. Người Úc cho các di dân đến Úc để những người di dân đó cũng có cơ hội được hưởng đời sống ở Úc. Nhưng nếu đến Úc rồi lại quay ra phàn nàn, chê trách, chỉ trích, chống báng lại lá cờ Úc, phản đối lời thề trung thành với nước Úc, chống lại niềm tin vào Thượng Ðế của người Úc, không đồng ý về lối sống của người Úc thì ông đề nghị những người đó hãy lợi dụng ngay một quyền tự do rất lớn của người Úc, đó là quyền tự do đi ra khỏi nước Úc. Ông nói rằng nếu những người ấy không vui vẻ khi sống ở nước Úc thì hãy ra khỏi nước Úc. Nước Úc không buộc họ phải đến Úc. Chính họ xin đến Úc.

Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Ông Rudd rõ ràng là có lựa lời để nói. Nhưng bảo rằng ông lựa lời để cho vừa lòng những người cứ mở miệng ra là đòi phải được thế này, thế nọ theo ý của họ trong khi chê trách nước Úc đủ điều thì chắc chắn là không. Ông nói rằng những di dân đến Úc phải thích ứng với đời sống ở Úc. Người Úc không phải thích ứng với bất cứ ai hết. Người Úc chấp nhận các tôn giáo mà người di dân mang đến. Ngược lại, người di dân phải chấp nhận tôn giáo của người Úc. Nếu ý niệm về Thượng Ðế của người dân Úc làm phật lòng những người ấy, thì ông đề nghị họ đi đến những nơi khác của thế giới mà sống, vì Thượng Ðế là một phần của văn hóa Úc. Người Úc nói tiếng Anh. Người Úc không nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Nga hay một thứ tiếng nào khác. Vì thế, nếu muốn trở thành một phần của xã hội Úc thì hãy học để mà nói tiếng Anh.

Lời ngọt nhớ lâu
Lời đau nhớ đời

Nhiều người sẽ coi những lời ông Kevin Rudd nói là những điều khó nghe. Họ nên nhớ đời những điều đó. Không vui vẻ ở nước Úc thì đi chỗ khác mà sống. Vào xứ của người ta thì phải tuân theo những luật lệ, thói tục của xứ người ta. Muốn dùng luật Sahria chặt tay, cắt cổ người thì đến những nơi áp dụng luật Sharia mà sống, để tha hồ cấm đoán nữ sinh đến trường, để ném đá cho chết những phụ nữ dám yêu người mình yêu, để tạt acid vào mặt các phụ nữ dám đi ra ngoài một mình như vài ba vùng ở Pakistan, Ả Rập Sauđi, Afghanistan...

Nói tóm lại, gọn và ngắn là "Cút xéo!"

Không thấy có một chính khách nào, một chính phủ nào dám nói ra những điều đó.

Những cuộc biểu tình ở Luân Ðôn mới đây với những biểu ngữ đòi giết hết những kẻ chống lại Hồi giáo, đòi tiêu diệt thế giới không theo Hồi giáo, đòi giết hết những người ngoại đạo đã khiến cho chính phủ Anh không dám để cho một nhà làm luật Hà Lan đến nước Anh để chiếu cuốn phim do ông thực hiện về Hồi giáo vì trong phim có những điều có thể làm cho những người Hồi giáo không vui.

Thành phố Luân Ðôn đang biến thành Londonistan. Ở đó, có những giáo sĩ giảng đạo trong các đền Hồi giáo thường xuyên và công khai kêu gọi tấn công khủng bố nhắm vào nước Anh và nước Mỹ.

Trong khi đó, tại một đại học Mỹ, nhà trường đã phải dành riêng cho một khu để các sinh viên Hồi giáo mỗi ngày đến quì đọc kinh 5 lần. Chính phủ Mỹ của ông Obama cũng không dám dùng những chữ khủng bố Hồi giáo (Islamic terrorists) nữa mặc dầu tất cả những người cướp máy bay lao xuống nước Mỹ trong vụ khủng bố 911 đều là những người Hồi giáo.

Những nghi can khủng bố bị bắt giữ thì phàn nàn, trách cứ đủ điều nào không được tự do tụ họp, nào không được hưởng những đối xử như đã được qui định trong hiến pháp Mỹ.

Người Mỹ không dám nói lên những câu mà ông Rudd vừa nói hôm đầu tháng 3.

Trong khi ấy, những người nghe ông Rudd nói thì vẫn tiếp tục ở lại Úc. Chứ cút xéo đi thì lại về mấy cái xứ trước đây đã từng bỏ đi, năn nỉ xin được vào nước Úc hay sao?

29-5-2009


XƯA CHÚ HÁT

Trên đời này có hai câu nói tôi ghét vô cùng. Một câu là của con kiến nói với con ve trong một bài ngụ ngôn của Lafontaine. Con ve mải mê ca hát suốt mùa hè, không lo dự trữ thực phẩm để khi muà đông ào tới, ve không còn gì ăn phải qua nhà kiến xin vay vài hạt để sống qua ngày. Kiến cay độc bảo ve là xưa hát thì nay múa đi. Không cho vay, Kiến còn đểu giả xỏ xiên ve.

Thực ra, ve không sống qua được hết mùa hè để phải đi xin ăn vào lúc trời bắt đầu trở lạnh. Kiến thức về sinh vật học thời Aesop rất hạn hẹp nên tác giả Aesop của Hy Lạp đã hiểu lầm loài ve như vậy. Tuy thế, câu nói của kiến không phải vì thế mà bớt đi phần nào độc ác và đểu.

Nhiều người ghét câu nói của kiến vì kiến đã không giúp ve mà còn cay độc với ve.

Câu thứ hai là câu "I told you so!" của tiếng Anh. Ðã bảo mà. Một người vừa làm một lỗi lầm, vừa sai sót, vừa phạm phải một điều cấm kỵ. Phía bên kia liền đổ thêm muối vào vết thương bằng câu "Ðã bảo mà!"

Thì đồng ý là đã-bảo-mà nhưng nay cơ sự đã xẩy ra như thế thì cũng chẳng cần phải độc địa thêm nữa.

Nhưng hai câu trên bỗng thình lình hiện ra, đi cạnh nhau, không sao xóa đi được khỏi đầu tôi suốt mấy hôm nay.

Hai câu nói ấy cứ vang vang trong đầu sau khi tôi được xem bức ảnh chụp một người đàn ông cầm tấm bảng trước ngực ghi tên tuổi của ông trong khi ông đứng phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chiếm đất đai, nhà cửa của ông.

Người đàn ông này mặt mũi nhăn nhó đứng ở công viên Lê Nin Hà Nội. Bức tượng Lê Nin được thấy rõ trong bức ảnh.

Người đàn ông này tên là Kha Văn Chầu. Tấm bảng cho biết ông năm nay 61 tuổi, người An Giang. Ông lặn lội ra tận Hà Nội để kêu cứu và phản đối việc tài sản của ông bị bọn cướp chiếm lấy ba lần tất cả kể từ khi Cộng Sản chiếm miền nam.

Nếu không có những chi tiết trong bài viết đi kèm, thì tôi đã có rất nhiều cảm tình với ông. Ông thấp cổ bé miệng, kêu ở địa phương không ăn thua gì, ông phải lặn lội ra tận ngoài Hà Nội để kêu. Tội nghiệp ông. Tài sản của ông không biết có được bao nhiêu. Nhiều lắm là căn nhà, miếng đất, thửa vườn ở An Giang. Nhưng mất những thứ ấy thì khổ lắm. Ðau lắm. Kêu là phải. Ông còn viết một lá thư kêu gọi người Việt ở khắp nơi trên thế giới tiếp tay với ông để đòi nhà cầm quyền phải trả lại tài sản của ông cho ông.

Tôi rất thương ông. Thương cả những người cùng đi biểu tình với ông. Ðòi hỏi của ông là đòi hỏi chính đáng. Nhà cầm quyền, theo nội dung tấm bảng ông ôm trước ngực, đã nhắm mắt, bịt tai trước những lời kêu cứu của ông ba lần trong suốt 29 năm qua.

Ðó là theo lời ông, qua tấm bảng ghi tên tuổi, quê quán của ông mà ông ôm trước ngực khi đứng tại công viên Lê Nin.

Nhưng hình như "dzẩy mà hổng phải dzẩy!"

Câu nói của người Việt miền Nam hay tuyệt. Coi như thế nhưng không phải là như thế đâu. Khác lắm đấy. Tin như vậy là không đúng, là vỡ mặt. Chuyện dài dòng như thế, mà chỉ cần có 5 tiếng để tóm lại: "dzẩy mà hổng phải dzẩy!"

Bài báo đi kèm bức hình cho biết ông đã từng gia nhập hàng ngũ Việt Cộng, từng được cách mạng thưởng cho mấy cái huy chương.

Không biết ông giết được bao nhiêu thằng Mỹ, bao nhiêu thằng Ngụy?

Miền Nam "giải phóng" chắc trong hàng quân trở về An Giang ông cũng oai lắm chứ không đùa. Trên ngực vài cái mề đay lủng lẳng. Bà con cô bác chòm xóm ra đón người chiến sĩ "giải phóng" vui mừng biết là bao. Ông thoát ly theo cách mạng, được phát cho khẩu AK, tha hồ mà đánh lính Ngụy, giết giặc Mỹ đã đời. Ông phục viên, trở về làng cũ trong vinh quang kể gì.

Tưởng là đánh Mỹ, giết Ngụy xong, công trạng như thế, không cướp được hai ba cái biệt thự ở đường Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Duy Tân, Yên Ðổ, Hiền Vương … ở Sài Gòn thì ông cũng được trở về với căn nhà, mảnh đất, khu vườn của gia đình ông. Ông phải được cho về căn nhà cũ mà ông đã từ bỏ đi theo cách mạng bưng biền chống bọn Mỹ Ngụy ác ôn là ít chứ.

Nhưng cách mạng dùng thủ đoạn ăn cướp hết những thứ ấy của ông. Ông kêu ca nhiều lần mà cũng không ăn thua gì. Ðành phải ra Hà Nội, đến tận công viên Lê Nin biểu tình cho nhà nước biết nỗi lỗng đau khổ của ông.

Thì ra là thế.

Biết ra những chi tiết ấy thì tôi chỉ muốn nói với ông rằng xưa ông đi theo giải phóng, đi theo cách mạng… thì nay múa cái coi.

Còn việc ông thoát ly gia đình theo bọn Việt Cộng, thì chúng tôi đã cảnh cáo ông bao nhiêu lần rằng đừng nghe, đừng loan tin, đừng tuyên truyền, đừng theo Việt Cộng. Hãy nhìn những gì chúng làm, đừng tin những gì chúng nói. Ông không nghe lời chúng tôi, bây giờ ông ráng mà chịu.

Ðã bảo mà!

Hai câu đó lôi ra nói lúc này sao mà nó thấm quá là như vậy!

Mà tại sao đã thế ông còn vác xác đến công viên Lê Nin mà biểu tình phản đối? Coi không đặng chút nào hết trơn. Ông có biết rằng người đàn ông có tượng đặt trong công viên chính là đầu mối của những khốn khổ của đời ông không?

30-1-2009


NGHĨ TỚI MỘT ÐIỀU SỢ PHẢI NGHĨ TỚI

Trong bài Chiều Trên Phá Tam Giang, Tô Thùy Yên có nhắc đến một nữ sinh viên ở trong thành phố nơi cô đi học và một người đàn ông bạn của cô là một quân nhân.

Cô nữ sinh viên có người yêu làm lính trong thời chiến. Mỗi lần cô nghĩ tới người đàn ông ấy, cô bất giác rơi lệ. Ðó là những lúc cô chợt nghĩ tới điều cô sợ không dám nghĩ:

Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới

Ðiều mà cô sợ phải nghĩ tới là điều có thể xẩy ra cho một người lính trong thời chiến. Ðiều xẩy ra đó có thể là một thương tích, một cái chân, cái tay bỏ lại chiến trường và cũng có thể là một cái chết cướp đi vĩnh viễn người lính.

Tôi cũng đã có lúc nghĩ tới điều ấy. Từ khi còn rất nhỏ, mỗi khi người chú ruột trở lại mặt trận sau mấy ngày về phép ở Hà Nội. Chuyến đi cuối cùng của ông kéo dài hơi lâu. Mặt trận ở Ðại Ðồng, Bùi Chu diễn ra dữ dội hơn những tháng trước. Cả nhà tôi lo ngại. Bà nội, ông bố tôi, mấy người chú . Ai cũng lo mà không ai dám nói ra. Ðó là nỗi sợ hãi khi nghĩ tới điều không dám nghĩ tới. Cái chết của người lính, chuyện có thể xẩy ra cho bất cứ một ngươi lính nào.

Câu Kiều mà bà tôi bói được có những chữ đọc lên mà sợ:

Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa

Thế rồi chú tôi chết, tử trận ở Ðại Ðồng khi đồn của ông bị tràn ngập trong một buổi tối trước hiệp định Geneve khoảng một năm.

Trong nhũng năm chiến tranh ở Việt Nam, lúc nào tôi cũng nghĩ tới những điều đó. Những buổi chiều ngồi trong một quán nước quen, đọc những trang cáo phó, tên của vài ba người bạn mới hai mươi mấy tuổi hiện ra. Tôi lo sợ cho một người, một trung úy quân y Thủy Quân Lục Chiến Phạm Quang Trường ở đồn Carrol, thỉnh thoảng nghĩ đến những điều không dám nghĩ đó. Và một người bạn khác trong pháo binh Dù, đại úy Nguyễn Quốc Trụ, người ngồi cạnh suốt mấy năm trung học, lúc diễn ra trận Hạ Lào. Một người bạn khác thiếu tá Nguyễn Tiến Sơn, nhập ngũ từ năm đang học tú tài 1. Cả ba đều sống sót trở về.

Ở Mỹ, khoảng hai năm nay, tôi cũng đã nhiều lúc không muốn nghĩ tới điều đó, về một điều không hay cho một người. Một người lính mà tôi không quen biết, chưa bao giờ gặp. Có thể là rất khó gặp.

Ông là một quân nhân cấp tá thuộc một lực lượng thiện chiến nhất thế giới. Sư đoàn 82 Dù. Bài báo viết về ông trên tờ Los Angeles Times toàn những điều khen ngợi người sĩ quan này khi ông chỉ huy những người lính dù dưới quyền ông đến giúp các nạn nhân trận bão Katrina ở Louisiana.

Tôi đọc bài báo, cảm phục ông chẳng phải vì ông là một ngươi đàn ông gốc Việt. Nhưng nhất định vì đó, tôi có ngưỡng mộ ông thêm.

Ít lâu sau, tôi nghe tin ông đi Iraq.

Và đó là lúc tôi sợ nghĩ tới điều người nữ sinh viên trong bài thơ của Tô Thùy Yên không dám nghĩ đến.

Con số binh sĩ Hoa kỳ tử trận tại Iraq lúc ấy đã lên đến trên ba ngàn người.

Người ta vẫn nói khi chết một vài người thì đó là tin, đó là điều tạo xúc động. Nhưng khi con số ấy vượt qua con số trăm, con số ngàn thì đó chỉ là những con số. Tôi không nghĩ vậy.

Trong những năm chiến tranh Việt Nam, thỉnh thoảng đọc những bản tin chiến sự đại khái địch chết 125 người, thiệt hại phía ta không đáng kể.

Không đáng kể là thế nào? Tại sao lại nói như thế? Một người chết, cho dù người ấy có đáng ghét đến đâu chăng nữa thì người ấy vẫn có cha, mẹ, vợ, mấy đứa con, vài ba người anh hay em trai gái. Như vậy, cứ tính lại mà coi, một cái chết cũng làm bẩy , tám người đau buồn. Thế thì tại sao lại nói năm, bẩy, mười mấy cái chết là không đáng kể?

Tôi không muốn chuyện không hay xẩy ra cho ông tại Iraq. Công việc hàng ngày của tôi là viết tin tức cho một đài truyền hình. Ngày nào tôi cũng đọc những tin chiến sự Iraq, Afghanistan. Ngày nào cũng một hai người chết. Tôi không muốn và cầu mong không phải đọc thấy một cái tên Việt Nam nào trong những bản tin đó. Chúng tôi chết bằng ấy đủ rồi.

Nhất là ông trung tá nhẩy dù Lương Xuân Việt.

Tuần qua, tôi được tin ông đã trở lại nước Mỹ. Tôi thực tình vui mừng đọc thấy cái tin ấy.

Ông đeo lon mới, lon đại tá và ngày 5 tháng 2 sẽ đảm nhận trách nhiệm mới: Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 3, Sư Ðoàn 101 Dù tại Fort Knox, tiểu bang Kentucky.

Mừng ông. Mừng nhiều lắm. Mừng thật tình. Mừng ông về nước bình yên. Ông có một tương lai tốt đẹp và dài trước mặt. Mong ông bình an và luôn luôn tăng tiến trong đời sống quân đội.

Bây giờ, tôi bớt đi, không còn phải nghĩ tới một điều không dám nghĩ tới nữa. Cám ơn Trời Ðất. Cám ơn ông. Cám ơn Ðại Tá Việt.