March 6, 2014

March 7, 2014

Ngày 3 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Mới đây, tại buổi sinh hoạt của hội cựu nữ sinh một trường trung học nọ, tôi được xếp cho ngồi cạnh hai cựu giáo sư của trường. Đang sung sướng và hân hạnh được gặp hai nhà giáo khả kính, ôn lại một số chuyện cũ của thời đi học, thì niềm vui của tôi bị cắt đứt ngang. Một phụ nữ mà tôi nghĩ là một cựu nữ sinh của trường đến tận nơi, yêu cầu hai vị giáo sư này chuyển xuống ngồi ở một hàng ghế dưới để dành các ghế hàng đầu cho những người khách khác chưa tới. Tuy không biết những người khách chưa tới là ai nhưng tôi chắc không phải là ông bà Obama. Dẫu thế, tôi vẫn thấy rất khó chịu. Hai vị cựu giáo sư này không tự ý chiếm lấy hai chỗ của hàng ghế đầu. Cả hai được một cựu nữ sinh khác dẫn đến tận nơi mời ngồi xuống ghế, để rồi mấy phút sau, hai cụ bị bà cựu nữ sinh yêu cầu đổi xuống hàng ghế dưới, nhường chỗ cho người khác. Tôi bị cản ngay lúc ấy nên đã không nói được vài ba lời phải quấy với người đàn bà ấy. Mãi sau buổi lễ, tại một tiệm ăn, khi ngồi ăn với một số bạn bè, tôi mới nói lên được (thẳng vào mặt của bà ta) việc làm sai quấy của bà ta, việc làm mà tôi chắc chắn bất cứ ai nghe qua cũng thấy rất khó chịu.
Trước hết, hai vị cựu giáo sư đã không tự ý ngồi xuống ở hàng ghế đầu, mà hai cụ đều đã được ban tổ chức đưa tới tận nơi. Nếu có lầm lẫn trong việc xếp chỗ (đưa hai cụ lên ngồi hàng ghế đầu) thì việc yêu cầu hai cụ đổi chỗ cũng đã là việc rất không nên. Đằng này, hai cụ rất xứng đáng được mời ngồi ở hàng ghế đầu. Hai cụ đều là những người có tuổi. Đã chắc gì những người khách chưa tới đó đáng được nể trọng hơn hai cụ về tuổi tác?
Hai cụ không thể bị đối xử như vậy. Hai cụ phải được dành cho những cách đối xử trân trọng hơn những người khách chưa tới. Giản dị là vì hai cụ đều là những người từng dậy ở cái trường có tổ chức cựu nữ sinh ấy.
Sau ít phút thì những người khách mời được dành cho hàng ghế đầu cũng lục tục kéo tới. Buổi lễ bắt đầu sau đó, và những người khách đó liền cười nói trò chuyện với nhau thoải mái bất kể nỗ lực thông dịch sang tiếng Anh của ban tổ chức. Tôi nhìn sang thì thấy mấy khuôn mặt đã gặp vài ba lần ở mấy buổi sinh hoạt khác. Họ là những đại diện của mấy khu vực thuộc địa phương, chứ chưa phải là cỡ tiểu bang, và lại càng không phải là cấp liên bang. Những người ấy, có người tuổi tác có thể chưa bằng con cái của hai vị cựu giáo sư. Những đóng góp của họ cho ngôi trường trung học cũ ở Việt Nam phải nói ngay là không có gì. Vậy mà họ được dành cho cách đối xử trịnh trọng hơn là cách đối xử mà người cựu nữ sinh kia dành cho hai cựu giáo sư. Bậy hết chỗ nói.
Kế đến, những người này được mời lên nói dăm ba câu và tặng cho hội cựu nữ sinh mấy tấm bằng khen (tiền chế) mà bất cứ một tổ chức nào mời họ đến, họ đều in ra để tặng cho có lệ. Có một tấm tưởng lục tặng cho hội thì in sai cả tên trường, thành trường TRUONG VUONG. Làm việc như thế thì họ coi ngôi trường của hội có ra cái gì đâu, mà họ lại vẫn được trọng vọng hơn là hai cụ giáo cũ của trường? Một phụ nữ dân cử khác thì trọ trẹ vài câu tiếng Việt đánh dấu sai bét, đọc sai lên sai xuống rồi quay ra cười ngặt nghẽo mãi. Hai người phụ nữ được mời lên sân khấu thì phục sức như vừa đi chợ về. Đôi ba câu phát biểu không sửa soạn trước cùng với lối ăn mặc như vừa kể có phải là thái độ trân trọng đối với ngày hội của trường và cần được đối xử tử tế hơn là cách đối xử dành cho hai cựu giáo sư của trường không?
Tất cả, sau khi xuất hiện cho có lệ thì bỏ về ngay, trong khi đó, hai cô giáo cũ của trường thì ngồi lại đến tận phút chót và lại còn có quà bằng hiện kim không nhỏ cho quĩ hoạt động của trường. Trong khi đó, quà của những ông bà dân cử cho hội chỉ là mấy tờ tưởng lục gọi là ghi nhận việc làm của hội. Rồi liền tất tả biến ngay.
Như vậy, ai là người nên được đối xử tử tế hơn trong dịp này?
Nên nhớ những người đại diện đó cần chúng ta hơn là chúng ta cần họ. Họ cần phiếu của chúng ta. Nếu chúng ta không đi bầu, không bỏ phiếu cho họ thì họ không thể ngồi vào được những chiếc ghế dân cử đó. Bởi thế, không cần dành cho họ những đối xử đặc biệt nào, nhất là không được coi họ cao hơn là những cựu giáo sư của trường.
Thỉnh thoảng đi ngoài đường tôi nhìn thấy những chiếc bumper sticker dán trên cản của những chiếc xe chạy trên đường. Người hút thuốc, chống lại những luật chống hút thuốc thì khẳng định: I SMOKE AND I VOTE. Người chống phá thai thì I AM PRO LIFE AND I VOTE, người ủng hộ quyền sở hữu súng thì I HAVE GUNS AND I VOTE...
Tất cả những cái bumper sticker đó, tuy nghe thì hài hước, nhưng lại chính là những lời hăm dọa nhắm vào các ứng cử viên: chúng tôi có lá phiếu nên các ông các bà phải biết điều với chúng tôi...
Như vậy thì ai cần ai?
Họ mới là người cần và đến với chúng ta là vì họ cần lá phiếu của chúng ta. Nhưng chúng ta thì đã có thời, thời tuổi trẻ đi học của chúng ta, chúng ta đã rất cần các thầy cô của chúng ta. Vậy thì có cần phải quá nịnh bợ những người ấy một cách không cần thiết và quay sang vô lễ với các cựu giáo sư có tuổi của mình như cô cựu nữ sinh kia không?
Tôi nghĩ là không.
Nếu cần phải yêu cầu dời chỗ thì chính tôi mới là người mà bà cựu nữ sinh kia phải chiếu cố. Chứ đuổi hai cô giáo cũ của trường đi ngồi chỗ khác thì vừa bậy vừa hỗn. Không thể tha được.

Ngày 4 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Ở Việt Nam đang có đề nghị bỏ hẳn việc luyện chữ đẹp cho các học sinh và bỏ luôn việc dậy cho trẻ làm tính nhẩm, vì theo các chuyên viên giáo dục trong nước, thì cả hai việc kể trên đều tốn rất nhiều thì giờ trong khi lại không thực sự hữu ích.
Một ý kiến cho rằng viết chữ đẹp là không cần thiết và việc làm tính nhẩm cũng không nên là chuyện bắt buộc vì học sinh vẫn có thể dùng máy tính để tính rất nhanh.
Máy tính thì nhất định tính nhanh và chính xác hơn tính nhẩm nhiều. Nhưng không phải lúc nào các em cũng có cái máy tính trong tay. Khả năng tính nhẩm vẫn rất cần thiết trong tất cả mọi sinh hoạt thường ngày của chúng ta.
Không biết làm tính nhẩm nên mới xẩy ra chuyện "một quan tiền tốt mang đi / nàng mua những gì mà tính chẳng ra?" đành phải đi hỏi người biết tính nhẩm mới ra đáp số "chẵn thì một quan". Tính nhẩm vẫn cần thiết trong các sinh hoạt bình thường của cuộc sống hàng ngày là vậy. Tại sao lại bỏ đi?
Thế còn chuyện viết chữ đẹp?
Chữ đẹp vẫn còn rất cần thiết. Không phải Lúc nào cũng có sẵn cái computer, cái laptop trong tay, cái điện thoại smart phone để text cho nhau. Vẫn cần cái bút và tờ giấy.
Tuởng tượng những hàng chữ như gà bới, thì lời thư có đẹp cách mấy, cảm tưởng về người có nét chữ xấu nhất định là những cảm tưởng không mấy tốt...
... Em ướp hương vào những giấy thư
Tôi hôn lên chữ một đôi tờ
Nghĩ rằng em gửi hồn thơm đấy
Là bởi lòng kia vẫn ước mơ

Mơ ước hiền như chuyện trẻ thơ
Hoài nghi từng nét mực phai mờ
Chữ "yêu" lượn nét hoa kiều diễm
Tưởng thấy nghìn đuôi mắt hẹn hò
(Đinh Hùng)
Chữ đẹp vẫn là điều cần thiết trong đời sống của chúng ta.
Nhớ lại những bài tập viết ở những năm tiểu học, chúng ta biết ơn các ông thầy, các bà giáo biết là chừng nào. Những bài tập viết hồi ấy ngoài việc luyện cho bàn tay vụng về của chúng ta biết cầm cái quản bút gắn cái ngoài bút lá tre để viết xuống những bài học... bài tập viết còn kèm theo vài ba câu châm ngôn tục ngữ để chúng theo chúng ta suốt bao nhiêu năm sau khi ra khỏi lớp học , chẳng hạn như những câu "anh em như chân như tay", "ai ơi đừng bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu", " công cha như núi Thái Sơn", "nhất tự vi sư, bán tự vi sư"...
Những đứa bé cúi trên tập vở, viết chữ "o" thì cái miệng phải tròn lại, viết chữ "c" thì phải có cái chống cho khỏi ngã, viết những chữ khác thì phải "xịt" mũi để kéo cái "ống bễ" cho mũi giãi khỏi chẩy xuống vở. Ôi sao mà tôi nhớ cụ giáo Vũ Vĩnh Tuy, cụ Phạm thị Mão, cụ Bùi Đình Côn, cụ Nguyễn thị Nghĩa, cụ Nguyễn thị Huyền (chị ông Nguyễn Cao Kỳ) biết là chừng nào.
Tại sao phải đề nghị bỏ những giờ tập viết ấy đi?
Tiết kiệm được một ít thì giờ để mà tung chưởng đánh nhau, tụt quần áo của nhau ra rồi lấy điện thoại cầm tay ra thu hình cho lên facebook chăng?
Nhân đọc bài báo nói về "đề xuất bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh", tôi thấy có một bức ảnh đi kèm với bài viết. Bức ảnh chụp trong một lớp dậy viết chữ đẹp có một ông giáo đang viết trên bảng cho các học sinh xem những hàng chữ đẹp của ông. Người đàn ông còn rất trẻ đang dùng phấn trắng viết lên tấm bảng xanh một bài thơ lục bát. Phải công nhận ông viết chữ rất đẹp. Dùng phấn trắng mà viết được những hàng chữ nét đậm nét nhạt hệt như dùng ngòi bút viết trên giấy.
Ông viết một bài thơ có 4 câu lục bát. Nét chữ chân phương với những dòng này:
Chiều trên đồng lúa
Trời xanh lồng lộng trên đầu
Mênh mông mặt đất một mầu lúa xanh
Nàng thơ thổi gió thênh thênh
Tiếng chim thấáp thoáng như hư không
chu-dep-5-1349351880-480x0-6984-13929787
Bài thơ không hay lắm, thôi thì cũng được, nhưng điều đáng nói ở đây là câu cuối là một câu lạc vận. Câu thứ ba vần hơi khiên cưỡng một chút nhưng có thể tha thứ được: XANH ( câu thứ hai) mà phải vần với THÊNH thì hơi ép nhưng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, THÊNH thì không thể vần với chữ thứ sáu của câu cuối (câu tám) là "LÀ" được.
Vì thế, bài mẫu cho học trò viết theo lại là một bài lục bát không hiệp đúng vần của thơ lục bát. Tiếc biết là chừng nào!
Nhưng đó không phải là bài tập viết sai về âm vận, mà còn có một bài tập viết mẫu khác, chữ viết rất đẹp, nhưng cũng lại sai về cách hiệp vần. Bài viết được viết trên bảng nguyên văn như thế này:
Con yêu mẹ nhất trên đời
Ơn trời nhờ mẹ nên người hôm nay
Cưu mang chín tháng mười ngày
Ba năm ẵm bế đong đầy sữa ngon
Ngày con biết nói ê a
Đầu đời tiếng gọi sẽ là "Mẹ ơi!"
Câu số bốn, chữ cuối "ngon" thì không thể vần với "a" ở cuối câu số năm được.
Có lẽ chi tiết hay nhất, đáng kể nhất trong bài lục bát để trẻ tập viết là câu cuối: "Đầu đời tiếng gọi sẽ là "Mẹ ơi!"
Câu cuối đã minh oan cho những đứa bé Việt Nam, đó là khi học nói, "tiếng đầu lòng" chúng không bao giờ gọi tên cái thằng cha ác quỉ Liên Xô Sít ta lin bao giờ hết.
Còn những bài tập viết khác mà người ta có thể tìm thấy trong internet thì toàn những bài như "Bác là non nước trời mây / Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn..." hay "Đến thăm nhà Bác..."
Thế thì bỏ những bài tập viết dốt nát và ngớ ngẩn như vậy là đúng. Chúng chỉ làm bẩn tâm hồn trẻ thơ đi mà thôi.

Ngày 5 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Chuyện một số người kéo nhau đến "múa đôi" tại quảng trường Lý Thái Tổ thuộc vườn hoa Chí Linh hôm 16 tháng 2 vừa qua để át giọng những người tổ chức mít tinh tưởng nhớ mấy chục ngàn người Việt bị binh lính của Đặng Tiểu Bình tàn sát trong cuộc chiến biên giới cách đây 35 năm đã được một số ý kiến ví việc làm đó cũng hệt như lũ con hát không biết hờn vong quốc, vẫn ca hát trong tửu gia cạnh bến sông Hoài trong bài tứ tuyệt của Đỗ Mục.
Bài thơ nhan đề Bạc Tần Hoài của họ Đỗ nguyên văn như sau:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
mà một dịch giả đã dịch thành:
Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia
Con hát biết chi hờn mất nước
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa
Hậu Đình Hoa (hoa ở sân sau) là một tập thơ được viết thành nhạc để Trần Hậu Chủ, tức là Trần Thúc Bảo, một ông vua đời Hậu Trần thời Nam Bắc Triều cùng với đám các cung nữ và phi tần hát xướng trong những tiệc tùng linh đình trong cung. Những cuộc vui tưởng như bất tận đó của ông vua ham chơi đã chấm dứt khi quân nhà Tùy kéo đến đánh Đại Thành. Vua Trần Hậu Chủ phải cùng với mấy người cung phi sủng ái nhẩy xuống giếng tự trầm. Người sau cho rằng chính ca khúc Hậu Đình Hoa đã đưa tới việc nhà Hậu Trần bị diệt vong. Hậu Đình Hoa bị coi là khúc ca mất nước.
Đỗ Mục trong một chuyến đi đã neo thuyền trên bến Tần Hoài gần một tửu gia. Đêm khuya trăng lạnh, sương khói mờ mờ, ánh trăng loang trên bến cát. Từ đó, vẫn nghe tiếng đàn hát của các ca nhi trong tửu quán bên kia sông vọng qua. Đám ca nhi như không biết cái hờn mất nước nên vẫn thản nhiên ca hát bản Hậu Đình Hoa.
Đỗ Mục ngậm ngùi khi nghe tiếng đàn giọng hát bay từ bên kia sông tới nên đã viết bài Bạc Tần Hoài. Lời thơ có ý trách những ca nhi trong tửu quán vẫn hằng đêm ca xướng, không biết đến mối nhục mất nước. Nhưng Đỗ Mục làm như vậy có phải là quá nghiêm khắc với những cô thương nữ đó không? Có thể là có. Co lẽ ông không nên đòi hỏi và kỳ vọng quá nhiều vào những người làm nghề ca xướng đó. Họ chỉ có nghề ca hát để kiếm sống. Đêm đêm vẫn phải chuốc rượu cho khách, giúp vui cho khách bằng tiếng đàn, giọng hát. Những người ca nhi đó làm được gì khác hơn là ca hát để nuôi thân?
Bài thơ thì hay nhưng ông già họ Đỗ thì quá khe khắt. Ông không thích nghe thì bịt tai lại và làm thơ tiếp. Không nên quá khó với các cô ca nhi tiếp rượu và hát cho khách nghe.
Vậy thì không nên ví những người thương nữ này với bọn ngợm kéo nhau đến xập xình ở trước tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày kỷ niệm những người dân vô tội bị bọn giặc Tầu tàn sát một cách dã man như nhũng bức ảnh chụp đã cho thấy. Một bọn kệch cỡm ôm nhau nhẩy nhót trong ngày kỷ niệm đau đớn như thế thì đáng tởm hơn việc hát xướng của các ca nhi trong tửu lầu bên sông Hoài rất nhiều. Bản nhạc mà bọn chó dại này đem ra dùng để nhẩy nhót với nhau lại là một bản nhạc Tầu nhan đề "Trung Quốc Chính Nghĩa". Bài ca được chuyển dịch sang tiếng Việt với những lời ca như thế này : "Cô gái Trung quốc xinh đẹp như đóa hoa/ đi trên đường phố cô nhìn khắp nơi/ cô nương có đôi môi hồng tươi / chính lúc nàng ngoảnh lại cất tiếng vui tươi / là lúc tiết trời hoan lạc / chính lúc nàng ngoảnh lại cất tiếng vui tươi / là lúc thời tiết âu sầu... cha cha cha... "
Mả mẹ mấy con đĩ cùng với mấy thằng ma cô!
Bọn đười ươi đó mới là bọn bất tri vong quốc hận chứ mấy cô ca nhi trong quán rượu bên sông Hoài thì có đáng trách chi!
Riêng Hà Giang, 2/1979 đã có 3240 người chết dưới bàn tay bọn xâm lược phương Bắc. (
Mẹ cha chúng nó không biết chúng nó có còn nhớ những phụ nữ Việt Nam bị lính Tầu cưỡng hiếp rồi dùng dao cắt vú, khoét âm hộ, quăng xác xuống giếng, hay để mặc cho giòi bọ đục khoét những thân xác tội nghiệp ấy không?
Cha cha cha ... bố tiên sư cụ nhà chúng nó, bọn chó dại, đười ươi nhẩy nhót theo điệu nhạc của bài "Trung Quốc Chính Nghĩa" chứ mấy cô ca nhi bên bến sông Hoài thì tội tình gì!

Ngày 7 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Cách đây không lâu, tôi có dự một đám cưới và nhận ra một điều là khá nhiều người Việt Nam chúng ta mắc một thứ bệnh trầm kha, đó là bệnh dịch.
Cụ Nguyễn Văn Vĩnh mà còn sống thế nào cụ cũng cho một bài không thua gì bài Gì Cũng Cười đăng trên Đông Dương Tạp Chí để cho chúng ta nhớ đời cho mà coi.
Đại khái chắc cụ sẽ viết rằng An nam ta có một thói lạ là thế nào cũng ... dịch. Bất cứ ở đâu, hễ dịch được là phải dịch ngay. Một cuộc họp le ngoe hai, ba người Mỹ là phải có ngay một người lên sân khấu để dịch. Có khi không có một người Mỹ nào cũng phải dịch. Cử tọa ở dưới toàn các cụ ông, cụ bà chắc còn hiểu và nghe tiếng Việt được. Nhưng vẫn phải dịch mặc dù ở dưới không thấy một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai chỉ nói và hiểu toàn tiếng Anh. Nhưng vẫn dịch.
Đám cưới tôi dự thì chú rể người Việt, cô dâu người Mỹ. Nhà gái có khoảng 5 người ngồi ở một bàn với nhau. Còn lại thì toàn là người Việt phe nhà trai. Thôi thì trong đám cưới Việt Mỹ như vậy, chuyện nói thêm vài ba câu tiếng Anh cho nhà gái hiểu qua loa về đám cưới cũng được đi. Nhưng cũng không cần phải dịch từng câu và tất cả những lời phát biểu cũng như những câu giới thiệu họ hàng, bạn bè thân sơ của chú rể sang tiếng Anh. Bàn nhà gái hình như không mấy để ý tới những chi tiết được dịch sang tiếng Mỹ. Họ nói chuyện với nhau trong khi nhà thông dịch mất bao nhiêu công để dịch trên sân khấu. Họ nhà trai phải nghe phần giới thiệu phát biểu bằng tiếng Việt, rồi sau đó bằng tiếng Mỹ. Và hình như cũng không mấy ai để ý đến những gì hai em-xi Việt Mỹ nói.
Ở một cuộc họp mặt khác, người dịch cũng có toan tính giáo dục cho vài ba người khách Mỹ về văn hóa, lịch sử Việt Nam bằng tiếng Mỹ. Hay lắm, nhưng tôi cũng không nghĩ những người khách Mỹ đó ra về, mang theo được bao nhiêu kiến thức về lịch sử Việt nhờ phần thông dịch sang tiếng Anh đó.
Tưởng tượng vài ba người Việt được mời dự một buổi sinh hoạt của người Thái. Một em-xi nói được tiếng Việt thông dịch từng câu tiếng Thái sang tiếng Việt về xứ Thái, về vài ba triều vua Thái, về lịch sử Thái vài ba trăm năm trước ... sau khi tan cuộc, trở về nhà thì mấy ai trong chúng ta nhớ được tên dài loằng ngoằng của mấy ông vua Thái? Con cái ở nhà hỏi bố đi đâu về thì nhiều lắm cũng là câu trả lời đại khái vừa đi dự một cuộc họp mặt của mấy người Thái, nghe câu được câu chăng về ông vua thuê bà giáo người Anh sang dậy học cho các bà phi và các hoàng tử công chúa là cùng.
Vậy thì dịch tiếng Thái sang tiếng Việt cho ... tôi nghe làm gì cho phí sức?
Bây giờ tưởng tượng chúng ta là mấy người Mỹ đến một cuộc tụ họp của một tổ chức người Việt. Ban tổ chức làm lễ giỗ vua Quang Trung chẳng hạn. Em-xi dịch liên miên về trận Đống Đa, về Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống... về chuyến hành quân đêm, ngày từ miền Trung ra miền Bắc... Mấy người bạn Mỹ về nhà, khi bị vợ con hỏi về cuộc tụ họp thì thử hỏi bài học Việt sử cấp tốc tại cái hội trường ồn ào đó còn được bao nhiêu trong đầu, và những người Mỹ đó, sau khi nghe về vua QuangTrung, bao nhiêu người còn nhớ đến người anh hùng áo vải Tây Sơn mà em-xi đã cố dịch sang tiếng Anh, hay lại cũng chỉ là cái nhún vai trả lời rằng "Well... they talked about a Vietnamese guy fighting some Chinese guys a couple of hundred years ago... I guess." Đó, nhưng như thế cũng là nhiều rồi.
Thế mà vẫn bắt chúng tôi, đám đông thầm lặng phải ngồi nghe hết phần thông dịch sang Anh ngữ trong khi những người khách Mỹ thì ... như vậy đó.
Nhưng vẫn phải dịch như thường. Trước là khoe tài nói tiếng Anh của mình, sau là vì An nam ta có một thói lạ là thế nào cũng dịch. Người ta khen cũng dịch, người ta chê cũng dịch. Hay cũng dịch, mà dở cũng dịch, quấy cũng dịch. Dịch một cái là mọi việc hết nghiêm trang.


Và chẳng có Mỹ nào thèm nghe cả. Đến khổ!