March 14, 2014

March 14, 2014

Ngày 11 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Tôi có thể nói chắc rằng ngày xưa người ta sống vui hơn chúng ta rất nhiều. Muốn làm gì là người ta làm được ngay, chẳng bao giờ phải toan tính bao nhiêu chuyện rắc rối, nhiêu khê như chúng ta ngày nay.
Thí dụ như chuyện người đàn ông này:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng...
Người đàn ông thanh lịch này có vợ con hẳn hoi, nhưng chuyện thưng đấu thì chàng đẩy vào tay mẹ cháu để một mình mẹ cháu làm thân cò lặn lội nơi quãng vắng, vất vả nuôi đủ năm con với một chồng, lại còn gánh thêm bà mẹ chồng nữa để chàng rảnh tay đi chơi cho thỏa chí trai. Chàng đi "trẩy hội nước non Cao Bằng" chứ nào phải đi lo cho vợ con, mẹ già đâu. Đã thế, lại còn tay bầu rượu, tay nắm nem, túi giắt ít tiền của mẹ cháu giúi cho lót túi, còn vui anh vui em bõ những ngày cơ cực...
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương...
Chàng đem tiền đi tiêu thoải mái, đến tối, nằm nghĩ tiếc tiền không biết kiếm đâu cho ra, tính đi mò sông... Thương vậy.
Ngày nay, chỉ cần toan tính đi chơi một chuyến là đã bị mẹ cháu quăng ra một đống chuyện, nghe qua là mưu toan đi giang hồ một chuyến phải dẹp ngay lập tức.
Ôi sao mà ngày xưa những người đàn ông lại có thể oai đến là làm vậy. Một ông thì ngày xuân bao tươi thắm sau mấy năm phiêu linh về thăm nhà, ông nhớ người em hàng xóm bé bỏng khi ông ra đi, nàng đứng bên hàng tường vi, dõi theo người anh phong sương (không biết đi đâu) nay trở về, chàng thắc mắc không biết cô láng giềng còn nhớ chàng không. Sao không đến thăm nàng ngay đi, còn đứng hỏi "Cô hàng xóm (?) ơi, không biết cô còn nhớ đến tôi?" (Cứ hát thử câu này lên là biết ngay!)
Sung sướng đến thế là cùng. Đi giang hồ đã đời, dừng bước phiêu linh về thăm nhà, rồi vẫn vác mặt về tìm người em bé bỏng. Gan thật!
Còn người đàn ông khác thì "ngày mai lênh đênh trên sông Hương, theo gió đưa hồn về đâu". Đó, cứ lênh đênh, lêu bêu nay đây mai đó mà ... vẫn sống được mới là kỳ la. Bây giờ, ra khỏi thành phố đang ở này là bao nhiêu là chuyện cần giải quyết. Bỏ việc làm sao sống kiếp giang hồ được. Thư từ chuyển đi đâu, tiền nhà tiền cửa, nợ xe cộ tính sao đây...
Nhưng đi là cứ đi. Cứ "giũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang" như ông Thế Lữ xúi bậy.
Chao ơi sao mà sướng thế. Cứ thế mà làm "người đó bên sông đứng ngóng đò", lại còn tay vít dây hoa trắng cạnh lòng mới là romantica chứ. Mà hay hơn nữa là lênh đênh chán trên sông Hương, chàng còn hứa với em bé một câu rằng "kiếp sau xin chắp lời thề cùng sống kiếp lang thang". Ô hay, kiếp này đã lênh đênh hết làng cùng sông, lại cứ thế mà trên sông Hương nhớ ngày nào cùng tắm nắng vườn đào rồi lại hẹn nhau sống kiếp lang thang tiếp.
Hay thật. Thế ra bà đầm già Simone de Beauvoir sai bét. Bà viết trong Le Deuxième Sexe rằng đàn ông dưới hai mươi thì sẵn sàng bỏ nhà đi theo gái. Nhưng đàn bà thì tuổi nào cũng bỏ nhà đi theo trai được. Thế mà mấy người đàn ông trong mấy bài hát thì lúc nào cũng sẵn sàng bỏ nhà đi giang hồ ngay lập tức.
Vậy mà sao lại có những người khổ như tôi thế này? Đi không dám đi. Nổi máu giang hồ lên là bao nhiêu chuyện ào đến. Đi sao nổi.

Ngày 10 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Có vài ba cách để giải thích câu thân gái mười hai bến nước.
Theo một lối hiểu thì mười hai bến nước là mười hai nghề và địa vị trong xã hội của những người đàn ông mà phụ nữ có thể ghé bến neo thuyền, lấy làm chồng. Các địa vị mà những người đàn ông có được là công, hầu, khanh và tướng. Còn 8 nghề của người đàn ông có thể lấy làm chồng là sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh và mục. Có khi thay vì công, hầu, khanh tướng thì là công, hầu, bá, tử, nhưng lại bỏ nam (nam tước) ra ngoài. Mười hai cũng có thể hiểu là mười hai con giáp nên chuyện hôn nhân cũng được tính bằng việc so đôi tuổi, tuổi nào hợp, tuổi nào xung.
Những cách giải thích như vừa kể trên đều có những lối có thể chấp nhận được, và có những cách thì không. Lý do là con số mười hai đó có thể không nêu đủ mọi loại và hạng người cho người phụ nữ lấy làm chồng. Thí dụ số lấy phải ăn mày, kẻ trộm, tướng cướp thì sao? Vẫn có những người đàn bà lấy phải những người chồng như thế đấy chứ có phải thấy xấu xa, đê tiện là né được hết đâu. Nhưng trong số những địa vị và nghề nghiệp như vừa nói thì lại hoàn toàn không có những nghề nghiệp đó. Thí dụ như nghề ma cô, ma cạo của Mã Giám Sinh.
Còn thêm một vế sau nữa: "trong nhờ, đục chịu" mà. Tức là số lấy ăn mày thì thành bà ăn mày. Số lấy tướng cướp thì thành bà cướp. Số lấy trộm thì thành bà trộm chẳng hạn. Lấy phải những anh chồng như vậy thì cố gắng mà chịu. Đại khái là như thế.
Nhưng cách giải thích của cụ Huỳnh Tịnh Của trong Việt Nam Quốc Âm Tự Vị in năm 1895 thì mười hai bến nước đó nghĩa là "thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần."
Chính vì con số mười hai đó đã làm cho người ta phải đi tìm sao cho đủ mười hai bến đỗ cho người phụ nữ. Và như chúng ta thấy, mười hai bến (nghề nghiệp địa vị) kể ra ở trên, như trong bộ tự điển của hai cụ Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì có hơi khiên cưỡng. Trong đó có những nghề được nhắc tới hai lần. Thí dụ đã có nông sao còn ghi thêm canh vào làm gì. Hay công được nhắc tới hai lần. Trong khi số mười hai đó lại có thể là còn thiếu. Nếu theo ông Trần Tế Xương thì con số mười hai đó là quá ít:
Trời đất sinh ra chán vạn nghề
Làm thầy, làm thợ, lại làm thuê
Bác này mới thật thái vô tích
Sáng vác ô đi, tôi vác về
Chán vạn nghề là nhiều lắm, cả vạn nghề là ít.
Vậy thì cách giải thích với mười hai nghề và địa vị có thể không đúng.
Cách giải thích của nhà làm tự điển Huỳnh Tịnh Của có vẻ hợp lý hơn. Trong ca dao, tục ngữ, nhiều khi chỉ vì muốn cho câu nói dễ nghe hơn, hay hợp với vận của câu trên, hay câu dưới, tác giả phải thêm vài ba chữ nhiều khi không có ý nghĩa gì hết, chỉ cốt làm cho xuôi tai mà thôi.
Thực ra không phải chỉ có thân gái mười hai bến nước, mà thân trai cũng vậy. Có những người đàn bà nhờ lấy chồng mà nên danh giá, giầu sang phú quí, có người thì khổ một đời vì chồng. Đàn ông cũng thế. Đâu phải chỉ có những người đàn ông mới phá nát đời của những người phụ nữ thiếu may mắn, mà những người phụ nữ cũng có thể làm tan nát đời của những người đàn ông. Trong lịch sử thế giới thiếu gì những anh hùng khốn khổ vì mỹ nhân. Vì thế, nếu chỉ nói thân gái mười hai bến nước thì e là hơi thiên vị, làm như thể đàn ông là cưỡng lại được căn phần của mình không bằng. Có lẽ phải sửa đi một chút để thân trai cũng như thân gái đều ... mười hai bến nước cả.
Còn khúc sau thì cũng nên cập nhật hóa một chút cho thích hợp với tình thế hiện nay, với những tiến bộ của nhân loại, nam cũng như nữ, bằng câu mà chúng ta nghe đã vài ba năm nay. Bây giờ nên chính thức hóa vế sau để thành "trong nhờ, đục chạy" cho hợp lý, hợp tình và hợp cảnh hơn.

Ngày 12 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Ghana là một quốc gia ở tây Phi châu nằm cạnh Côte D’Ivoire , Togo và Burkina Faso. Đọc một hai tài liệu về xứ này thì tôi nghĩ là nếu chọn một nơi để du lịch, chắc chắn tôi không bao giờ chọn đi Ghana. Có chăng là ... kiếp sau vậy. Kiếp này thì đành đi chỗ khác chơi.
Đi chơi thì đã như vậy. Đi làm thì tại sao lại chọn lối đoạn trường mà đi. Thế nên đi làm cũng không chọn Ghana. Có bị coi là kỳ thị thì đành nhận vậy. Đi chơi hay đi làm thì cũng chọn nơi nào khá hơn chứ dại gì mà vác xác đến Ghana.
Mà tại sao hôm nay tôi lại nhắc đến Ghana? Tại vì tôi đã tìm ra được một nơi tồi tệ khủng khiếp hơn là những cái cũi ở Mumbai (tên mới của Bombay) trên đường Falkland. Những cái cũi nhốt người, những nhà điếm mà nhiếp ảnh gia Mary Ellen Mark  đã ghi lại trong cuốn sách ảnh của bà. Bạn có thể vào inernet, tìm cage girls of bombay thì sẽ thấy những hình ảnh và bài viết về khu địa ngục này.
cover
Vậy mà Falkland Road còn khá hơn là một khu nhà thổ tại Ghana rất nhiều. Ở thành phố Takoradi thuộc phía tây Ghana, nhà chức trách, nhờ một phóng sự của Anas Aremeyaw Anas, đã giải thoát được 6 phụ nữ Việt Nam khỏi một ổ điếm. Các phụ nữ này đã bị hai người Hoa dụ dỗ hứa cho công ăn việc làm rồi bị buộc phải bán dâm, mang tiền về cho hai người này. Báo chí Ghana cho biết tất cả đều trong hạng tuổi 30, đã sống là làm việc ở Ghana từ hơn một năm nay. Sứ quán Trung quốc tại Ghana đã không bình luận gì về tin này nhưng người ta biết rằng các Hoa kiều tại Ghana đã dính líu vào rất nhiều hành động bất hợp pháp và trong năm qua, chính phủ Ghana đã trục xuất hơn 120 người Hoa ra khỏi Ghana vì tội nhập cảnh lậu và các hoạt động phạm pháp khác, từ khai khẩn mỏ không có giấy phép tới buôn bán ma túy giả và nhiều việc khác.
Gái VN bị Tầu bán cho các ổ điếm tại Ghana
Những phụ nữ Việt Nam, với những cái tên đẹp như Hoa, Thi, Mai, Anh... chắc chắn cũng từng có những năm thơ ấu rất đẹp, những mơ ước cho đời sống tử tế hơn. Tất cả đều bị bọn Tầu bất lương sang tận Việt Nam dụ dỗ đem sang Ghana bắt làm điếm kiếm tiền cho chúng. Các phụ nữ này cho biết giấy tờ tùy thân của họ đã bị bọn ma cô giữ hết, ngôn ngữ xa lạ, không cách nào liên lạc được với gia đình hay người quen để nhờ giúp đỡ.
Tôi có một tấm poster in hình của James Dean đang co ro trong chiếc áo lạnh bước trên một con đường ướt sũng nước mưa với nhan đề mà tôi rất thích. Nghe thật lãng mạn và thơ mộng: Boulevard Of Broken Dreams. Con đường của những giấc mơ tan nát.
Lời của bài hát thì buồn thảm, không liên quan gì đến câu chuyện khổ đau của sáu người phụ nữ Việt bị buộc phải làm điếm ở Ghana để đem tiền về cho mấy thằng Tầu khốn nạn. Những người phụ nữ ấy cũng là người Việt đấy chứ. Cũng có gia đình, cha, mẹ, anh em, có thể cả chồng con nữa. Ra đi họ có kịp ngó nhà mấy cột ngó cau mấy buồng không? Có sót người tựa cửa hôm mai không? Có bao giờ nhìn những đám mây Ghana mà nhớ quê cũ không? Cảnh bước chân đi của họ có giống như của Kiều trên xe với Mã Giám Sinh không?
Những giấc mơ của họ cũng đều đã tan nát từ cái chuyến đi theo mấy thằng Tầu khốn kiếp đó.
Chao ôi đi làm điếm ở đâu cũng đã là địa ngục. Làm điếm ở cái xứ Phi châu Ghana ấy thì còn gì tang thương hơn!
Thế nhưng bọn Tầu khốn nạn vẫn được cho tự do ra vào đất nước Việt Nam, vẫn làm đủ mọi chuyện khốn nạn trên quê hương của chúng ta, trên thân xác của phụ nữ Việt. Chúng vẫn đang tiếp tục làm những chuyện đó. Đầu độc người dân bằng những hàng hóa đầy chất độc, hãm hại nông dân bằng đủ mọi trò. Rồi vẫn ra vào thong thả. Chúng không còn chỉ mua phụ nữ Việt đem sang Tầu bán cho các ổ điếm nữa, mà còn đưa cả những phụ nữ xấu số sang tận Phi châu để mang thân xác ra nuôi chúng nó.
Đất nước Việt Nam sao lại khổ đến như thế!

Ngày 14 tháng 3 năm 2014
Bạn ta,
Hôm 24 tháng 2 vừa qua, một tai nạn sập cầu ở Lai Châu đã khiến cho gần hết những người tham dự một đám tang đang di chuyển trên cầu bị hất xuống một dòng suối cạn đầy đá tảng ở dưới. Kết quả là 9 người chết và hơn 40 người bị thương. Hầu hết các nạn nhân đều là những người Mông sinh sống ở địa phương.
Tin tức sơ khởi cho hay nguyên do gây ra vụ sập cầu Chu Va ở xã Sơn Bình thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một con ốc bị gẫy đứt. Chiếc cầu chỉ chịu được một sức nặng khoảng 1 tấn rưỡi trên mỗi mét trong khi trọng lượng của những người dự đám tang trên cầu đã vượt quá sức chịu của cây cầu.
Cuộc điều tra sơ khởi cũng cho thấy là những chiếc cột chính neo giữ những dây cáp đỡ cầu đều được xây bằng gạch lỗ ôm lấy những chiếc cột bê tông ở trong. Gạch lỗ được dùng, theo một vài nguồn tin, là để tăng mỹ thuật cho cầu nhưng thực ra, là để che phần bê tông "ốm yếu" vì bị nhà thầu cắt xén vật liệu xi măng cốt sắt đem bỏ túi như những chuyện đã xẩy ra với nhiều công trình xây cất khác.
Trong khi đó giám đốc công an tỉnh Lai Châu là Trần Duân thì lại nói rằng chưa thể khẳng định tai nạn xẩy ra là vì làm ẩu hoặc "thi công không đúng". Anh tướng công an này đưa ra một giải thích khá lý thú, nói rằng cầu sập vì "người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh."
Nhận định của anh công an này có hai chi tiết cần phải nói ở đây.
Thứ nhất, khi anh ta nói nguyên văn rằng "người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh" thì anh ta đã dựa trên những gì để quả quyết như vậy? Người Mông khi khiêng quan tài thường đi nhanh vì đó là phong tục của người Mông? Họ đi nhanh vì tập quán? Hay vì người Mông, về phương diện chủng tộc, có những điểm khác (về chân cẳng ?) so với những giống dân khác, nên khi di chuyển trên cầu thường đi rất nhanh? Vận tốc di chuyển của những người Mông ở Lai Châu khi bước đi bình thường trên đất bằng là bao nhiêu và trên cầu là bao nhiêu kilômét giờ thì anh ta không cho biết rõ.
Người ta không nghĩ người Mông có cấu trúc cơ thể khác với các sắc tộc khác sinh sống ở Việt Nam khiến họ đi nhanh hơn người Kinh. Cũng không ai nghĩ người Mông ngày thường đi không nhanh lắm nhưng khi có đám tang thì đi nhanh hơn mà khi đi trên cầu thì lại càng nhanh hơn.
Như vậy nhận định của anh tướng công an này hoàn toàn bố lếu bố láo.
Thứ hai, anh ta nói rằng vì đi nhanh nên cầu sập. Trên thế giới này có thứ cầu nào hạn chế tốc độ di chuyển của người và xe cộ trên cầu không? Những hạn chế chỉ có thể về trọng lượng của xe cộ chứ không bao giờ có hạn chế về vận tốc di chuyển. Nếu cần phải di chuyển chậm hơn để tránh cho cầu khỏi bị sập thì ở hai đầu cầu có bảng ghi rõ chi tiết đó hay không? Cầu chỉ có thể sập vì không chịu nổi sức nặng của xe và người di chuyển ở trên mặt cầu chứ không thể vì vận tốc di chuyển, nhất là chuyện người di chuyển nhanh chậm, chạy trên mặt cầu bao giờ. Nói thế thì còn ai dám tổ chức chạy thi hàng năm trên các cây cầu như Golden Gate ở San Francisco, Brooklyn ở New York, Harbour Bridge ở Sydney... nữa?
Rõ ràng là những lời tuyên bố thiếu hiểu biết lại còn mơ hồ là chỉ nhắm gỡ tội cho bọn nhà thầu xây cầu ăn bớt tiền xây cầu để bỏ túi.
Cầu Chu Va sập nhất định không phải vì người Mông khiêng quan tài đi quá nhanh.
Thực ra, ở một nơi khác, chuyện di chuyển quá nhanh có thể làm sập cầu thật. Nhưng những người di chuyển trên chiếc cầu đó không phải là người Mông. Những người đó cũng không khiêng quan tài khi ào ào tranh nhau chạy trên cầu. Cây cầu phao bị sập là cây cầu bắc ngang qua sông Hồng ở Phượng Nhãn. Và những người chen nhau chạy qua cầu là đám quân nhà Thanh của Tôn Sĩ Nghị bị quân Quang Trung đánh cho tan nát phải bỏ chạy về Tầu.
Chứ cầu Chu Va sập vì một con ốc bị hư. Anh tướng Công An này nói người Mông đi nhanh quá nên làm cầu sập là vì trong đầu của anh ta có một con ốc bị ... lỏng, như một cách nói trong tiếng Anh: he has a screw loose in his head. Nói rõ hơn, chỉ có cái thứ điên khùng, ngu xuẩn thì mới ăn nói như thế.
Nhưng đi cầu không nhanh, đi cầu chậm cũng có thể là một chuyện khá phiền. Thí dụ đứng chờ để dùng cái cầu mà người Việt thường gọi là cái lăng bác thì nên đi nhanh. Đi chậm lại còn hát ông ổng thì bị người ở ngoài đá cho sập cầu có khi.
Như vậy, đi chậm mới có thể gây chuyện sập cầu chứ đi nhanh thì không thể làm cho cầu sập được.

Đến là chán cái thứ ngợm vừa ngu lại vừa xuẩn!