February 26, 2015

February 27, 2015


TẠI SAO PHẢI DẤU ?

Tờ Tiền Phong trong một số báo mới đây đã phổ biến mấy bức ảnh chụp tư gia của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hình như ở bên hồ Tây thì phải. Tôi rất ghét hai chữ “hoành tráng” nhưng đành phải dùng chúng vì không tìm được những chữ nào khác hơn và chính xác hơn để mô tả nội thất của người đàn ông ấy.


Ông Ngô Đình Diệm, theo một người (đại úy Châu, em ruột họa sĩ Mạnh Quỳnh) rất thân cận với ông, vẫn chỉ ngủ trên một chiếc giường trải chiếu, ăn cháo trắng, có 3 bộ complet, mấy cái ca vát, 2 đôi giầy. Ông Diệm là tổng thống của đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam. Đến lúc chết, đời sống của ông cũng chỉ có thế. Đạm bạc, giản dị, tầm thường, khổ hạnh.

Tổng thống Thiệu cũng không khá gì hơn. Số vàng 10 hay 16 tấn mà người ta nói là ông mang theo khi rời Sài Gòn là chuyện không hề có. Frank Snepp, người lái xe cho ông Thiệu ra phi trường đi Đài Bắc viết trong cuốn Decent Interval xác nhận chi tiết đó. Số vàng ấy do thống đốc ngân hàng quốc gia  Lê Quang Uyển giữ tại ngân hàng và sau được con Lê Duẩn đưa sang Nga  bán lấy tiền, nói là để trả nợ, bây giờ ai giữ thì đi hỏi Lê Duẩn may ra biết như ông Phạm Kim Ngọc đã nói từ những năm của thập niên 60, một tiên đóan rất chính xác của Đường Xăng Đại Huynh (tên của Đạo Cấy đặt cho tổng trưởng kinh tế Phạm Kim  Ngọc).

Ông Nguyễn Cao Kỳ thì hớt hơ hớt hải bay chiếc trực thăng đáp vội xuống hàng không mẫu hạm Mỹ chỉ có bộ quần áo trên người.

Ghé thăm tư gia của Nông Đức Mạnh người đàn ông gốc thiểu số nông dân thuộc tỉnh Bắc Kạn  thì đúng là một trời một vực. Gọi là tư gia thì không đúng lắm. Tư dinh thì đúng hơn. Dinh Độc Lập hồi ông Thiệu còn là tổng thống cũng không  bằng. Biệt điện của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn ở Đà Lạt cũng thua xa. Nơi ông Nguyễn Cao Kỳ ở trong căn cứ không quân thì còn tồi tệ không thể nào đem  sánh với trú sở của anh thiểu số người Tày họ Nông này.  Dinh của Nông Đức Mạnh là một kiến trúc tráng lệ rõ ràng là đắt tiền. Tất cả đều được làm bằng cẩm thạch và đá hoa cương từ sàn  lên đến trần. Phòng khách bầy hai chiếc ghế thếp vàng, chạm trổ hình đầu rồng kê hai bên  một chiếc bàn cũng thếp vàng, phía sau là một bức tượng vàng của người đàn ông đã cấy một con tinh trùng vào mẹ của người đàn ông này mà hắn vẫn không dám nhận là cha. Trên tường treo một mặt trống đồng lớn. Phải nói là nơi tiếp khách ở lâu đài Windsor hay điện Buckingham của nữ hoàng Anh cũng không  “khủng” bằng. Nơi tổng thống Mỹ tiếp khách cũng chỉ là mấy chiếc ghế không có gì đặc biệt. Chiếc ngai nữ hoàng Anh ngồi mỗi khi thiết triều ở Westminster cũng không sánh nổi với chiếc ghế của Nông Đức Mạnh ở phòng khách nhà hắn.

Có thể những đồ trang trí đó đắt tiền vì được mạ vàng hay thếp vàng,  nhưng chúng vẫn có cái vẻ nhà quê, diêm dúa một cách quá đáng. Đó là kiểu trang trí của mấy anh nouveau riche mới giầu lên muốn khoe của  nhưng mắt thẩm mỹ thì không có. Nông Đức Mạnh nhất định không chịu thua Lê Khả Phiêu.   

Anh họ Lê này cũng bầy ra cảnh giầu sang trong ngôi nhà của anh ở Hà Nội. Trong nhà đầy những đồ đạc đắt tiền, bước vào là thấy ngay một chiếc trống đồng, mấy cái tủ kính, tranh ảnh  chụp với các ngợm khác. Cứ thế, anh này không chịu thua anh kia. Anh họ Nông qua mặt anh họ Lê, không ai chịu thua ai.

Nhưng hình như làm vậy cũng chuế thì phải, vì sau khi những bức ảnh đó xuất hiện trên trang điện tử của tờ Tiền Phong thì chúng bị lấy xuống không có một lời giải thích nào.
Nhiều người cho rằng tờ báo này phải lấy xuống vì có nhiều ý kiến phản đối cảnh (cựu) lãnh tụ sống xa hoa quá đáng trong khi người dân thì quá khổ sở. Điều đó có thể đúng. Nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng cần phải phổ biến những bức ảnh đó để cho thấy  nhà nước của ta đối xử tử tế như thế nào với những người có công với đất nước chứ đâu có như cách đối xử của  lũ Ngụy   dành cho các cựu lãnh tụ của chúng.

Kể ra xuất thân từ một anh thiểu số  theo cách mạng mà giầu sang được như vậy là giỏi quá rồi còn gì. Mặc dầu là vẫn nhà quê nhà mùa gốc Tày vậy. Cũng có khác gì cảnh “xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe” mà Trần Tế Xương đã có lần nhắc đâu!

Người ta nhớ đến đoạn cuối của cuốn The Animal Farm của George Orwell, cảnh mấy con heo tiệc tùng với mấy tên trại chủ láng giềng  sau khi cách mạng lật đổ lão chủ trại, nói là để giải phóng cho lũ gia súc trong trại. Milovan Djilas, nhà văn Nam Tư gọi chúng là Giai Cấp Mới. Chúng nó còn tệ hơn là anh chàng Jourdan  trong kịch  hơn Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng Giả Học Làm Sang) của Molière vì chúng nó không chỉ nhà quê nhà mùa mà còn cực kỳ  khốn nạn nữa. Chúng nó cách mạng chỉ để ăn trộm ăn cướp với nhau mà thôi.


Nhìn nhà cửa của chúng nó là thấy liền.

February 13, 2015

February 13, 2015

 CẦU AN
Một câu trong bản hiến pháp Hoa kỳ, câu “all men are created equal”, tất cả mọi người sinh ra đời đều bình đẳng nhất định không đúng trong tất cả mọi trường hợp. Câu này cũng đã bị mấy con heo trong cuốn Animal Farm của George Orwell sửa lại khi nó được viết trên bức tường của cái lẫm lúa nơi bọn gia súc họp với nhau trong những buổi tối. Mấy con heo gian ác đã thêm một câu vào phía sau để thành : “All animals are equal, but some animals are more equal.” Tất cả mọi thú vật đều bình đẳng nhưng vài con thú thì bình đẳng hơn.

Mới đọc thì thấy không ổn, nhưng nghĩ lại thì cũng thấy xuôi tai. Không phải con thú nào cũng như con thú nào. Những con ngựa đua thì được săn sóc, được đối xử tử tế hơn những con ngựa thồ, những con ngựa kéo xe thổ mộ gầy ốm tội nghiệp ở Việt Nam. Làm thế nào chúng bình đẳng với nhau được.
Luôn cả những đồ vật cũng vậy. Đôi giầy của Kate Middleton chắc chắn được đối xử nhẹ nhàng hơn những đôi giầy của chúng ta chẳng hạn. Chắc chắn là như vậy. Chiếc xe tôi đang đi cả hai tháng nay không được những bàn tay của mấy ông Mễ vỗ về đánh bóng. Thế thì làm gì có chuyện xe cộ bình đẳng với nhau tuy cũng cùng ra đời ở mấy cái xưởng sản xuất xe hơi ở Đức cả đấy chứ.

Vì thế, chẳng chỉ thân gái như hạt mưa sa (hạt vào gác tía, hạt ra cánh đồng) mà luôn cả những cái xe cũng vậy. Chiếc xe của tôi chạy cả hai chục năm nay bị đối xử chẳng thể nào được coi là tử tế ngoại trừ đúng ngày, đúng tháng hay mấy cái đồng hồ hiện lên vài ba câu hăm dọa hay nhắn nhủ thì mới thay nhớt, điều chỉnh cái này, sửa lại cái kia.


May mà cái xe của tôi không biết đọc báo chứ nếu nó mà đọc được mấy tờ báo trong nước thì không biết nó nghĩ về tôi như thế nào nữa. Cũng là xe cả, mà tôi đối xử với nó thua xa cách đối xử của một đại gia ở tỉnh Kiến An hôm tháng trước. Đúng ra là ngày 21 tháng 1 năm 2015. Chàng mới mua một chiếc Porsche, hình như đó là một chiếc 911 mầu trắng. Chàng liền thuê mấy ông sư (chắc là quốc doanh) đến đọc kinh cầu an cho cái xe của chàng. Xe mới mua, trước khi chạy những cây số đầu tiên, chàng kiếm sư nhờ, (nhưng chắc là thuê), vì chắc không có sư (?) nào chịu cầu an chùa (?) cho chàng cả. Trong ba tấm hình đi kèm theo bản tin cầu an cho xe, người ta thấy có hai người đàn ông mặc áo tu đi vòng quanh chiếc Porsche. Một người tay cầm lọ nước chắc là nước phép để vẩy lên xe. Người kia chắp tay cung kính theo sau.

Chao ôi là sư với chả sãi! Tu hành không biết bao nhiêu năm để rồi vì vài triệu tiền công phải chắp tay cung kính với cái Porsche. Hai người đàn ông này cầu xin những điều gì cho cái đống sắt ấy, cho dù là nó được mua với cả trăm ngàn đô la?

Có thể là như thế này: Lạy Phật, Phật phù hộ độ trì cho cái Porsche này cho nó chạy ngon lành đừng nằm đường bậy bạ, không bị mấy đứa ghen ghét cào trầy sơn cho bõ ghét. Phật phù hộ chủ nó lái không nhắm mấy cái gốc cây, mấy cái cột đèn mà nhào đến, có chở theo con nào thì thỏa sức vui chơi, khỏi bị thằng C. đô la qua mặt hay mấy em chân dài đi những chiếc xe “khủng” khác át giọng. Phật phù hộ chủ nó an toàn trên xa lộ, không bị bọn chống tham nhũng cuội đòi chứng minh lấy tiền đâu mua xe, đòi xem giấy chủ quyền dọc đường xin tiền mãi lộ. Cầu Phật phù hộ cho mấy con chân dài ham ăn ham chơi không chịu làm cháu ngoan bác Hồ được thả cửa ăn chơi trước khi bị lừa bán vào động điếm bên Trung quốc…

Chắc phần cầu an cho chiếc Porsche phải đại khái như vậy.

Nhưng đã có trò cầu an cho chiếc xe Porsche thì chắc mấy ông sư này sẵn sàng bảo gì làm nấy, cứ chi cho ít tiền là lại kinh kệ xuống đường ê a đọc kinh ngay chứ gì. Chao ơi, lúc ấy thì tha hồ hốt bạc. Các thí chủ muốn mấy ông sư quốc doanh này làm gì là các ông làm ngay. Có người nhờ cầu an cho cái mũi plastic cũng được ngay. Người kia nhờ cầu an cho hai bịch silicone, cho cái bộ phận vừa được làm nhỏ như thời con gái chắc hai ông sư này cũng làm liền.

Vui kể gì.

Có một chi tiết khác cũng nên biết ở đây, đó là chủ chiếc xe Porsche này là một cán bộ nhà nước. Không biết lương lậu bổng lộc được bao nhiêu mà còn làm kiêm luôn… đại gia rồi còn mua được cả xe Posche nữa. Không hiểu được.

February 5, 2015

February 7, 2015

MUA XE CALI

Người Mỹ sống ở hai miền đông và tây rất khác nhau. Ít nhất là ở một chuyện. Đó là chuyện xe cộ và  quần áo.

Người Mỹ ở miền đông thích quần áo hơn người miền tây. Mấy năm trước nhân sinh nhật của cậu bé con một gia đình tôi quen ở New York, tôi muốn mua cho cậu một món quà nhưng không biết mua gì. Tôi điện thoại hỏi thì cậu cho biết là muốn có một cái t-shirt nhưng phải là của Armani Exchange mới được. Tôi hỏi mấy người mới biết tiệm ở đâu. Cuối cùng rồi cũng kiếm ra tiệm ở South Coast Plaza. Tôi mua một chiếc mầu đen đúng như lời căn dặn cho sinh nhật thứ 12 của cậu. Cái áo tôi thấy không đẹp đẽ gì cho cam nhưng cái debit card của tôi bị trừ nghiến đi $75. Đó là người New York 12 tuổi.
Người miền tây thì thích xe hơi. Tôi được nghe kể một cậu nhỏ một hôm nhất định không chịu để mẹ đón ở cổng trường vì hôm đó, mẹ cậu đến bằng chiếc Corolla mượn của người bạn cùng sở vì xe của mẹ cậu, chiếc Lexus, bị trục trặc máy. Cậu sợ các bạn biết là cậu phải lên chiếc Toyota Corolla mẹ cậu lái đến trường hôm ấy. Cậu là người California, cũng 12 tuổi.

Cuối tuần qua, tôi phải hành nghề tài xế đưa đón một người bạn ở Washington D.C. qua chơi. Suốt hai ngày tôi phải chở chàng đi khắp nơi. Tối chủ nhật, trước khi lên đường về lại miền đông, chàng cho biết là có thể sẽ dọn sang California và khi đó, sẽ phải nhờ tôi giúp chàng mua một cái xe cũ còn chạy được để đi lại. Tôi thú nhận là người rất dở trong chuyện mua bán, nhất là xe cộ. Cũng may cái xe già của tôi không hay lăn đùng ra làm khó chủ của nó. Tôi hỏi tại sao chàng không đem cái xe chàng đang chạy ở Washington mà vừa mới năm ngoái tôi sang chơi thấy vẫn còn mới, còn chạy được thêm 5 năm nữa là ít, thì chàng nói là chàng thích mua xe ở California hơn. Ngay cả xe cũ của người California cũng tốt hơn xe cũ ở miền đông, tốt hơn cả chiếc xe chàng đang đi.

Nghe chàng nói vậy, tôi nghi chàng bắt đầu lên cơn sốt mê xe của miền tây mất rồi chăng. Tôi nói lên  điều thắc mắc ấy và được chàng giải thích là người California cẩn thận đối xử với xe của họ nhẹ nhàng hơn, không phá xe như người ở các tiểu bang khác nên nếu mua xe cũ thì nên mua ở California. Như thế chàng sẽ yên bụng hơn. Tôi nghe cách giải thích ấy của chàng thì lại càng thấy thắc mắc hơn. Bề gì tôi cũng đã bỏ miền đông sang California từ hơn mười năm nay nhưng tôi có thấy người lái xe ở California tử tế, nhẹ nhàng với xe của họ hơn là những người lái xe ở các tiểu bang khác mà tôi đã đi qua bao nhiêu đâu. Nói cho bạn tôi nghe nhận xét đó thì bạn tôi trả lời rằng cứ lái xe đi ở trên những con đường ở California là thấy ngay. Người lái xe, và nhiều phần, chắc đó cũng là chủ xe, rất gượng nhẹ với những chiếc xe họ lái. Bạn tôi giải thích rõ hơn rằng chủ xe ở California giữ gìn xe hết sức cẩn thận. Ngoài chuyện những cái gạt nước ít khi phải dùng tới vì California ít mưa, người ta còn ít dùng, hà tiện luôn cả việc sử dụng những cái đèn hiệu khi quẹo trái hay queo phải nữa. Ông cho biết trong suốt mấy ngày đi nhiều nơi ở California, ông nhận ra một điều là rất ít người dùng đèn signal để ra hiệu cho những người lái xe khác biết họ sắp quẹo. Ông nói thêm rằng những người ấy, nếu biết cách, chắc họ còn sửa luôn cả những cái đèn stop để khi đạp thắng, đèn sẽ không báo xe sắp stop cho đỡ tốn điện và không cháy bóng rồi hư thì … khổ. Vì thế, xe cũ ở California chắc chắn tốt hơn vì chủ rất nhẹ tay, cẩn thận khi lái.

Tôi lặng im ngồi nghe, không nói được gì. Mà nói gì khi mà chính tôi cũng nhận ra chi tiết ấy sau hơn một chục năm lái xe trên những con đường ở California.

Ấy là chưa nghe ông nói về những khuôn mặt quạu đeo từ những parking lot chạy ra nhập vào đường lớn mà cũng vẫn không theèm ngạo với nhân gian một nụ cười. Cứ tiếp tục nghiêm và buồn với người nhường đường cho xe của mình. Hay cũng cứ nghiêm và buồn để đóng cho trọn vẹn vai Việt Nam bi thảm Đông Dương khi có người mở cửa rồi lại giữ cửa để cánh cửa khỏi bật lại đập vỡ cái bản mặt táo bón của mình hệt như mấy con sẩm đáng ghét mà ông Bá Dương đã cực tả trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí của ông.

Còn nhiều chuyện khác ở California mà tôi sợ phải mất mấy ngày mới cho chàng nghe hết được, chàng không về miền đông đúng ngày thì khổ đời chàng. Hay nghe hết chàng không dám sang California thì sao đây?

February 6, 2015

NĂM MÙI NÓI CHUYỆN DÊ 
Bảo Lâm

Năm nay là năm dê, năm  Ất Mùi. Những năm Mùi chỉ đi cùng với 5  can là Ất, Đinh, Tân và Quí. Do đó chỉ có các năm Ất Mùi, Đinh Mùi, Kỷ Mùi, Tân Mùi và Quí Mùi.

Tháng Mùi là tháng 6 âm lịch. Giờ Mùi là từ 1 giờ đến 3 giờ chiều. Xem phương hướng thì Mùi là Tây Nam. Mùi tương ứng với Thổ. Theo thuyết âm dương thì  Mùi cùng với Sửu, Mão, Tị, Dậu và  Hợi là âm, trong khi  Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân và  Tuất là dương.

Một chi tiết liên quan đến thập can và thập nhị chi có lẽ cũng  nên nói ở đây. Đó là tục đặt tên ở miền Bắc và miền Nam.  Tất cả tên của thập nhị chi đều có thể dùng để đặt cho nam cũng như nữ ở miền Bắc nhưng kiểu đặt tên này ít khi thấy ở miền  Nam. Thí dụ có  ông Thìn thì cũng có  bà Thìn. Có chị Mùi thì cũng có cụ Mùi ông. Trong khi đó, tên của thập can thường chỉ được đặt cho phái nam. Phụ nữ ít có tên lấy từ thập can. Tục đặt tên này cũng thường gặp ở miền Bắc. 

Tử vi Việt gọi năm nay là năm con dê. Tử vi Tầu gọi là năm con cừu.  Mùi  viết chữ Hán còn có thể đọc là “vị”. Mùi hay vị là chi thứ tám trong 12 chi. Việt Nam gọi là năm Ất Mùi, Tầu gọi là Ất Vị. Theo tử vi đông phương thì  những người cầm tinh con dê thường nhút nhát, hay cả thẹn, hướng nội, có óc sáng tạo và  có tính thích gì cũng phải toàn hảo.

Dê chữ Hán là dương.  Người Tầu gọi cừu là miên dương. Miên là bông, bông gòn. Cừu là dê … có lông. Cừu, do đó, là dê lông bông nên biến thành cừu.

Dê mà người ta nuôi để lấy thịt và sữa gốc gác từ giống sơn dương  đã có mặt từ rất lâu trong vùng tây nam Á châu và đông Âu. Dê đã được thuần hóa để sống với người  ít ra cũng từ hơn 10 ngàn năm trước.

Dê họ hàng rất gần với cừu nên hễ nói tới dê là phải nhắc đến cừu. Có khoảng hơn 300 giống dê khác nhau nhưng cừu thì chỉ có vài chục giống. Hiện nay, theo tổ chức Lương Nông Thế Giới (Food and Agriculture Organization của Liên Hiệp Quốc) thì thế giới có khoảng hơn 1 tỉ con cừu  được người ta nuôi để lấy thịt và sữa trong khi chỉ có chừng chín trăm triệu dê. Hai nước trên thế giới có nhiều cừu hơn người, đó là Úc và Tân Tây Lan. Ở Úc con số cừu hiện chỉ còn trên dưới 100 triệu. Đã có lúc, khoảng năm 2000, số cừu ở Úc lên tới hơn 120 triệu nhưng con số này giảm xuống vì tình trạng hạn hán và nhu cầu len trên thế giới giảm bớt. Số cừu nuôi ở Úc là khoảng 1/10 tổng số cừu của thế giới. Dân số Úc hiện nay là khoảng trên 36 triệu. Tân Tây Lan có 3 triệu dân trong khi nước này có tới hơn 60 triệu con cừu. Hai quốc gia này ăn rất nhiều thịt cừu. Người Úc và Tân Tây Lan ăn thịt cừu từ lúc lọt lòng ra đời  đến lúc chết nên nếu  có nói hai nước này là hai quốc gia thịt cừu luôn luôn xuất hiện trong menu (mutton on the menu) thì cũng không ngoa. Đi máy bay ngang qua Úc và Tân Tây Lan khi ngó xuống dưới, người ta có thể trông thấy cơ man  nào là những chấm trắng trên những đồng cỏ xanh mướt. Đó là những bầy cừu của hai nước này. Tại  các siêu thị ở Mỹ người ta có thể mua thịt cừu của Úc và Tân Tây Lan vài ba ngày trước còn là những con cừu nhởn nhơ chạy nhẩy tung tăng trên những cánh đồng cỏ ở Úc và Tân Tây Lan về làm món thịt cừu (hôi nhưng nếu ăn quen thì sẽ thấy) ngon vô cùng.  

Ở Nigeria, Phi châu, có một giống dê nhỏ hơn những con dê thường gặp. Chúng có tên là pigmy goats tức là dê lùn, chiều cao chỉ khoảng 60 cm. Lớn nhất  là giống Anglo-Nubian có thể nặng tới 250 cân Anh. Một giống dê ở  tiểu bang Tennessee tên là dê myotonic xứng đáng được trao giải Oscar về diễn xuất vì chúng đóng kịch rất giỏi. Khi gặp chuyện sợ hãi, chúng biết giả chết nằm ngay đơ, các bắp thịt cứng lại trong vòng 10 giây rồi lại đứng lên … dê tiếp. Giống dê này có một nét đặc biệt : chúng có hai mắt lồi khác hẳn những giống dê khác. Mỗi năm vào tháng 10 ở quận Marshall, Tennessee nhân ngày đại hội Goats Music and More Festival, những con dê myotonic lại được cả đại hội tôn vinh.

Dê cũng cho lông tuy không nhiều như cừu. Một giống dê ở vùng Kashmere thuộc Ấn Độ và Pakistan sản xuất ra một loại len rất mềm, ấm và đẹp gọi là cashmere. Len cashmere thường được dùng để may khăn quàng cho các ông và áo lạnh cho các bà. Khỏi nói, cả hai đều rất đẹp, rất nổi tiếng và đắt tiền.

Có một vài giống dê trông khá giống cừu. Dê cũng có giống có lông dài và ấm tuy không dầy như cừu. Nhưng nhìn kỹ một chút thì thấy ngay hai loài vật này có khác nhau. Khác nhau khá nhiều là đằng khác.

Thứ nhất là  chỉ cừu mới có một đường chẻ dọc từ mũi xuống miệng. Dê thì không. Giữa mũi và mịệng dê không có đường chẻ. Dê đực và dê cái đều có râu. Râu dê cái thường ngắn hơn của dê đực. Kiểu râu này chỉ mọc ở cằm rất  giống râu dê nhưng không có nghĩa là cũng oai hùng như dê mà cũng chưa chắc đã dê được ai. Tướng Nguyễn Khánh chẳng hạn. Có râu dê mà vẫn bị các tướng lãnh khác đá văng buộc phải lưu vong.

Đuôi dê luôn luôn chổng ngược lên.  Đuôi cừu luôn luôn cụp xuống, che kín phần dưới nên chỉ có dê mới bị chiếu cố món ông thầy . Đồ nghề của cừu cũng oai hùng và hung hãn  không kém gì của dê nhưng vì khéo che đậy nên của cừu không bị lôi ra nấu nướng như của dê cho mấy người đàn ông ham hố ăn với nhau hy vọng được vợ và đào khen. Họ đâu có hiểu là phụ nữ khi lên tiếng khen là khen  đồ đạc của dê chứ khen gì mấy anh đàn ông  mất nết già mà ham đó.

Đầu  dê cũng có nét đặc biệt hơn đầu cừu. Dê có sừng. Sừng dê đực dài hơn sừng dê cái. Sừng của dê rỗng, cong về phía sau, không chẻ ra nhiều nhánh như gạc hươu, nai. Dê  dùng sừng để tự vệ hay bảo vệ chủ quyền (các chị dê cái). Sừng dê khiến cho dê không có hàm trên. Có sừng thì đừng  hàm trên là vậy. Cừu thì chỉ một số có sừng. Đầu dê còn có một công dụng khác mà đầu cừu thì không.  Người ta dùng đầu dê treo ngoài cửa trong khi trong tiệm bán thịt chó chứ không bao giờ treo đầu cừu bán thịt chó. Món thịt chó bán trong các tiệm này gọi là dương thế tức là món thay thế cho thịt dê.

Dê là loài nhai lại. Dạ dầy  của dê rất lớn, sức chứa có thể lên tới 30 lít chia ra làm 4 ngăn có những trách nhiệm khác nhau như ngăn để chứa thức ăn chưa qua tiến trình tiêu hóa; một ngăn để nghiền lá cây và cỏ, một ngăn để tiêu hóa các chất dinh dưỡng ở thể lỏng và một ngăn có nhiều mạch máu và tuyến tiêu hóa. Vì vậy, dê ăn uống cũng khác, chỉ dùng lưỡi quơ nhanh, nhai đểu đảo qua loa rồi nuốt… rỗi rãi thì tính sau hệt như trâu bò cùng họ nhai lại với nhau cả.

Dê, giống như cừu, là loài có móng kép. Nhưng dê leo trèo giỏi hơn cừu. Dê có thể leo cây để ăn lá, ăn luôn cả gai ở trên cao trong khi cừu chỉ ăn cỏ ở dưới. Dê ăn được cả những thứ lá rất độc mà không việc gì.

Dê còn khác cừu ở chi tiết này nữa: dê thông minh và sống độc lập hơn cừu. Dê cũng được nuôi thành đàn nhưng những đàn dê thường nhiều  lắm chỉ là khoảng vài chục con. Dê là giống sống hợp quần nên  dê không thể nuôi làm cảnh một con như các loài thú cưng khác.  Cừu thường được nuôi thành đàn, có khi cả ngàn con vì cừu dễ chăn hơn dê. Để chăn những đàn cừu ngàn con như thế người ta chỉ cần khoảng năm, mười con chó là đủ.  

Dê là giống trở lại làm thú hoang rất nhanh. Chỉ cần một thời gian ngắn xổng ra ngoài là dê trở thành  dê rừng ngay. Lợn và mèo là hai giống cũng nhanh chóng trở thành lợn rừng và mèo hoang. Tại Úc, Tân Tây Lan, Anh và Galapagos có những bầy dê rừng rất đông đảo trước là của người nuôi nhưng xổng ra ngoài rồi trở thành hoang dã. Tại những nơi vừa kể chúng không bị các loài thú dữ như hổ, sư tử đe dọa  nên mặc sức sinh sản. 

Dê sống được ở nhiều nơi phong thuỷ, thổ ngơi khác nhau. Có giống dê thân mình to lớn gọi là đại dương. Loài dê lớn xác này còn có tên là đại Tây dương sống nhiều ở bên Tây tức là nước Pháp. Dê sống ở nam bán cầu trong khu vực nước biển  bị đóng băng là nam băng dương. Dê sống thành băng đảng ở biển bắc là Bắc băng dương. Dê cậy số nhiều kéo nhau đi tấn công nước Pháp là dương đông kích Tây. Dương lịch là giống dê ăn mặc chải chuốt, lịch sự lịch sàng. Trái với dương lịch là dương trần chuyên ở trần ra đường đi thả dê.  Dê có râu rậm khi cười thành tiếng thường nghe be he, be he gọi là dê xồm. Phụ nữ nghe thấy tiếng cười đó ở chỗ vắng thì nên tìm mọi cách để giữ mình. Dê cao niên sống lay lứt nhờ Viagra gọi là dê cụ. Nhưng dương cụ lại là dụng cụ để dê. Cũng có khi gọi cà ông giặc. Trong môn wrestling, các đô vật còn mang tên là dê hay vật nhau tức là dương vật chơi trò vật lộn như trâu trong hội chọi trâu ở Bắc Việt Nam. Nghĩa đen là hai con dê vật nhau vui đáo để. Dê sống ở khu vực phía tây Thái Lan, Malaysia là Ấn Độ dương. Dê làm  nghề thầy cúng chuyên làm lễ, đọc kinh lấy tiền để sống là dê tế thần. Có một con dê tưởng là văn minh lắm nhưng đã làm mất nguyên một quốc gia, đẩy cả nước vào vòng trầm luân bể khổ là dương văn minh. Dê không làm ăn gì được nữa chỉ chạy chơi vòng vòng ở ngoài là dương liệt hay liệt dương thì cũng vậy.

Tuổi thọ của dê, nếu không bị biến thành dê xào lăn hay lẩu dê, là khoảng 18 năm. Nhưng cũng có con sống được tới ngoài  20 tuổi. Dê cái có tuổi thọ bị giảm đi đáng kể vì sinh đẻ. Tuổi thọ của dê cái có khi chỉ còn 10 năm. Dê cũng bị những thứ bệnh của những loài thú có móng như bệnh lở mồm long móng. Dê có thể truyền một số bệnh sang người thí dụ như bệnh lao.

Có hai người chăn dê nổi tiếng, một  là ông Tô Vũ. Ông này tên thật là Tô Tử Khanh người đất Đỗ Lăng, là một bề tôi trung thành của Hán Vũ Đế. Ông được vua Hán sai đi sứ sang Hung Nô để thương thuyết, hy vọng Hung Nô không đánh chiếm giang sơn nhà Hán. Nhưng vì Tô Vũ  có một hành động làm phật lòng vua Hung Nô nên ông bị vua Hung Nô giữ lại, không cho về nước nữa. Tô Vũ bị vua Hung Nô bỏ vào một hang đá cho chết đói. Nhờ uống những giọt sương mà Tô Vũ sống. Vua Hung Nô nghe chuyện thì rất kinh hãi, coi Tô Vũ là một ông thần nên mới sống nổi qua tình cảnh ngặt nghèo như  thế,  nhưng vua Hung Nô  vẫn không chịu thả Tô Vũ mà  bắt Tô Vũ đi chăn dê ở một nơi xa xôi, hẻo lánh thuộc miền Bắc với lời hứa khi nào những con dê đực trong bầy đẻ ra dê con thì mới được thả cho về Hán. Vua Hung Nô nói với Hán Vũ  Đế rằng Tô Vũ  đã chết nên không về Hán được  nữa.  Trong cơn tuyệt vọng, Tô Vũ viết một bức thư cho Hán Vũ Đế và buộc vào chân một con ngỗng trong đàn ngỗng  trời  bay về Nam. Vua nhà Hán nhận được thư của Tô Vũ do con ngỗng đem tới liền đem thư cho vua Hung Nô xem. Vua Hung Nô không chối được đành phải thả Tô Vũ cho về Hán.  

Người chăn dê kia tên là Long. Không biết người gốc gác ở đâu. Chỉ biết Long đi chăn dê (?), làm mất (?) dê tức là không còn dê nữa. Đầu đội nón (?), tay cầm một cây gậy (?) trông người đàn ông tên Long (?)  này rất quái đản nhưng ai (?) cũng thích ông (?)  ta.

Dê là một giống vật giúp rất nhiều cho người. Dê cho người ta thịt. Nhưng thịt dê có người thích có người không . Người Âu thích thịt cừu. Ít người Âu chuộng thịt dê. Người Ấn thích thịt dê trong khi ở Trung Đông người ta thích cả hai thứ. Người theo Hồi giáo cũng thế. Người Việt không thích thịt cừu mà chỉ ưa thịt dê. Thịt dê được nấu thành nhiều món: lẩu dê, dê tiềm thuốc bắc, tiết canh dê, dê ông thầy… Không thấy thịt cừu được nấu nhiều món như thế.  Sữa dê  không quá nhiều chất béo và cholesterol như sữa bò. Sữa dê không thích hợp cho trẻ con  như sữa bò vì ít chất sắt, sinh tố C, B6 và acid pantothenic rất cần cho trẻ, lại có thể gây suy thận cho trẻ em. Sữa dê có khi được các phụ nữ dùng để  tắm cho đẹp da và bớt (?) mùi và tính (?) dê. Tại một số nơi trên thế giới, phân dê có thể dùng để đốt thay cho than củi. Ruột dê và ruột cừu được dùng làm dây đàn đại hồ cầm (contre bass) trong khi cái archet để kéo vĩ cầm, hồ cầm, trung hồ cầm và đại hồ cầm thì lại dùng lông đuôi ngựa. Nhưng đem những thứ đàn ấy mà kéo cho trâu nghe thì hỏng hết. Ruột dê còn được chế thành chỉ để khâu các vết thương hay trong những cuộc giải phẫu.

Dê và cừu gần nhau như thế thì dê có …dê cừu không? Và cừu có dê … dê không? Có. Nhưng kết quả ra sao?

Cọp và sư tử có lạng quạng với nhau. Ngoài thiên nhiên, hai giống thú này sống ở hai châu lục khác nhau: cọp ở Á châu trong khi sư tử thì ở Phi châu và vài trăm con ở Ấn Độ. Nhưng khi cho chúng sống chung như trong các safari park thì chuyện chung chạ cũng diễn ra để đẻ ra  những con tigon (cha cọp tiger và  mẹ sư tử lion) hay liger (cha sư tử lion, mẹ cọp tiger). Ngựa với lừa, với ngựa  vằn, cũng có … đụng độ và cũng có những con hybrid hệt như xe vừa chạy xăng vừa chạy điện. Dê và cừu vì số nhiễm thể (chromosomes) khác nhau (dê có 60 và cừu có 54) nên không thành công mấy cũng như voi Á châu và voi Phi châu vậy. Thường kết quả của những giao phối này không sống được lâu.
Thế dê có dê người không, và  người có dê dê không? Dê thì không dê người nhưng người thì có dê… dê. Theo một số bài viết đọc được trong internet thì Ayatollah Khomeini, một giáo sĩ Hồi giáo, người lật đổ chế độ vương quyền ở Iran để thành lập cộng hòa Hồi giáo Iran trong một cuốn sách  có đề cập tới trò chung đụng này. Theo những bài viết đó thì Ayatollah  Khomeini khẳng định rằng người theo đạo Islam có thể giao phối với lạc đà, dê, cừu, bò … nhưng xong chuyện, thì phải giết những con thú này ngay. Tuy nhiên luật Sharia của Hồi giáo cấm bán thịt của  chúng cho những người cùng làng xóm nhưng bán cho dân làng khác thì được. Hiện có rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc  và sự trung thực của  những chi tiết nói là được ghi trong cuốn sách có tựa đề là Tahrir-al-Vasyleh ( 4th edition, Darol Elm, Qom, Iran, 1990).

Dê là giống có khả năng sinh sản cao. Dê đực khoảng 5 tháng là có thể làm cha trong khi dê cái khoảng trên dưới 7 tháng là có thể sinh con. Thường dê cái đẻ mỗi lần 1 hay  2 con nhưng cũng có những trường hợp sinh 3.  Thời kỳ mang thai của dê là 140 ngày. Dê đực trong thời kỳ nổi máu dê có một mùi rất đặc biệt toát ra từ một tuyến ở gần đuôi. Mùi dê đực rất hôi nhưng lại rất hấp dẫn dê cái. Muốn loại trừ mùi hôi của dê đực chỉ có một cách là thiến.  Dê có thể thiến khi được 7 tháng. Sau đó dê trở nên thất học vì không còn ông thầy (?) nữa. Một cách khử mùi dê khác thì dã man hơn. Trước khi giết thịt dê đực, người ta đánh cho nó chạy và kêu lớn,  mồ hôi đầm đìa ra là bớt mùi hôi ngay.
Dê được thờ như một thứ thần linh ở cổ Ai Cập. Người Ai Cập dùng dê để tế thần ác thay cho người. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Pan có nửa dưới là dê, đầu có sừng và có râu dê. Ông thần Pan này rất dê hay rượt các phụ nữ trẻ nếu các cô đi lạc đường vào trong rừng. Có phải vì vậy mà dê mang tiếng là dê không? 

Thánh kinh cũng có nhắc tới dê. Dê cùng với cừu, lừa và bò là những con vật  giúp làm ấm cho Chúa hài đồng trong đêm Giáng Sinh lạnh lẽo.Trong lễ Yum Kippur của người Do Thái, hai con dê được chọn để tế thần nhưng chỉ một con bị giết. Bằng cách bốc đại một trong hai cọng rơm, một con được thả cho chạy thoát, mang theo tất cả tội lỗi của cộng đồng. Từ chuyện này, mới có danh từ scapegoat, con dê tế thần. Scapegoat sau có nghĩa là người phải gánh chịu mọi tội lỗi thay cho người khác trong khi chính người ấy không hề phạm phải. Một số người đồng hóa hình ảnh của quỉ Sa Tăng với dê.  Hình ngôi sao lộn ngược  được những người thờ Sa Tăng  dùng làm biểu tượng cho Sa Tăng với cặp sừng, hai tai và chòm râu.

Dê là chữ trong tiếng Việt dùng để tả tính người thích làm ẩu phụ nữ (làm không ẩu thì không phải là dê). Chữ dê với nghĩa này chỉ có sau thập niên 40 vì nó không xuất hiện trong cuốn tự điển của các cụ trong hội Khai Trí Tiến Đức.  Đây là tiếng miền Nam, cũng như hai chữ  “băm lăm” vậy. Sở dĩ có từ ngữ băm lăm con dê hay dê băm lăm là vì trong trò chơi đánh đề, hình ảnh con dê được cho đi kèm với con số 35.

Trong văn chương Việt Nam dê chỉ được nhắc đến trong Lục Súc Tranh Công, tác phẩm  viết bằng văn vần mà tên của tác giả không ai rõ, chỉ biết tác phẩm này ra đời khoảng Lê mạt hay Nguyễn sơ tức là trong những năm thuộc thế kỷ 18. Lục Súc Tranh Công kể chuyện sáu con vật tranh nhau kể công, con này chê con kia vô tích sự hay  công lao không bằng mình. Sáu con đó là trâu, ngựa, gà, chó, dê và lợn. Nhờ có chủ đứng ra hòa giải nên chúng mới sống lại được với nhau. Dê  bị ngựa chê “hữu đầu vô vĩ”, như có hạ nang, sớn sác trông như đứa ăn cướp. Dê lại chê ngựa  và gà là không làm được bao nhiêu công trạng gì trong khi dê tự nhận là “vật tế lễ…để hòng khi về hạng tư văn /để dành khi tế thánh tế thần … hễ có việc lấy dê làm trước / dê dâng vào người mới lạy sau…”

Dê cũng rất có ích trong việc dọn dẹp những bụi cây để ngừa hỏa hoạn như ở nhiều vùng thuộc California. Dê rất được việc vì chúng ăn bất kể loại thảo mộc nào mọc ở dưới thấp hay trên cao chúng cũng leo trèo tới được, giá thuê một bầy dê lại rất rẻ. Ở miền tây nước Mỹ người ta cho thuê những đàn dê để làm công việc phòng hỏa trong mùa hỏa hoạn.

Dê có ích như thế mà lại vẫn bị coi thường, khinh bỉ như vài ba thành ngữ trong tiếng Pháp và tiếng Anh. Người Pháp  dùng danh từ bouc (dê đực) để chỉ một người đàn ông thô tục, một người chồng bị vợ khinh bỉ. Danh từ chèvre, dê cái, cũng không khá hơn  bao nhiêu.  Chèvre trong tiếng Pháp còn có nghĩa là một phụ nữ không có nhan sắc như khi nói  Il serait amoureux d’une chèvre  coiffée là thằng cha  ấy thấy con dê cái (một mụ đàn bà xí gái) có tí tóc là nó cũng mê mẩn chết luôn. Trong tiếng Anh, thành ngữ play/ act the goats là làm trò điên khùng. To get the goats là làm cho ai bực mình, tức giận.  To separate the sheep from the goats nghĩa là chọn lựa người tốt hay vật có giá trị từ những thứ tồi tệ, không có bao nhiêu giá trị.



Vì muốn nói lên đôi điều tốt đẹp về dê  nên bài viết này được viết ra để nhớ những con dê đã đi ngang đời của người viết. Cám ơn dê nhiều lắm. Dê muôn năm.Đời đời nhớ dê.


DÊ TRONG VÀI TRANG TỰ ĐIỂN
(Những từ ngữ liên quan đến dê bị kiểm duyệt không được ghi trong một số tự điển)
Ký Giả Hạng Bét sưu tầm
DÊ: Động vật có sừng có vú bốn chân móng chẻ. Dê sống hoang dã ngoài thiên nhiên gọi là sơn dương. Dê được nuôi để lấy thịt và sữa. Dê cũng được nuôi trong nhà. Khi thả ra thì chúng đi dê tùm lum, không tha ai, nhất là phụ nữ trẻ.
DÊ CỎN: Dê con, dê nhỏ tính hay húc bậy. Thấy giậu thưa cũng nghĩ sảng là phụ nữ nên lao vào húc lia chia (dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa - Hồ Xuân Hương)
DÊ GIÀ: Dê cao niên mà vẫn còn ham hố, gặp ai dê nấy. Tính thích trống bỏi. Tuổi cao mà vẫn muốn đào non. Cũng gọi là GIÀ DÊ.
DÊ XỒM: Dê có râu rậm. Khi cười thành tiếng thường nghe be he, be he. Phụ nữ nghe thấy tiếng cười đó ở chỗ vắng thì nên tìm mọi cách để giữ mình.
DÊ CỤ: Dê rất cao niên. Sống nhờ Viagra. Nhiều khi cũng chỉ ham hố cho vui thôi, làm ăn không được bao nhiêu. Kêu thành tiếng nghe yếu ớt, không còn be he nữa mà thành he he. Khổ lắm.
DÁI DÊ: Cũng có khi gọi là ông thầy. Mấy anh đánh bạc giả lúc nào cũng tự xưng là giáo sư, có khi còn xưng là giáo sư tiến sĩ cả đống trong  các chương trình TV để thỏa mãn thú tính trong khi thực ra chỉ là những cái dái dê thường, được gọi thác đi là dê ông thầy cho đỡ thô tục.
Một loại trái cây mầu tím trông giống bộ phận sản xuất tinh trùng của loài dê. Cũng có khi gọi là cà dái dê. Còn gọi là cà dê hay cà (?) dái nghe tục chịu không nổi.
Một cách gọi khác là “cà ông giặc” nghe như có họ với các ông Chiêm Thành hồi nào: Nặc Ông Chân, Nặc Ông Nộn… Cà ông giặc vì thế nên là thứ cà rất oai hùng.
DÊ XÀO LĂN: Có hai cách xào là xào khô và xào ướt. Xào khô (?) thì xào ở đâu cũng được: ngoài công viên, ghế đá, trong rạp xi nê tối thui như rạp Lê Lợi ở Sài Gòn từng một thời rất nổi tiếng trước năm 1975. Xào ướt thì đòi hỏi không gian và nơi chốn (tiện nghi) hơn. Trên cái giường chẳng hạn. Nhưng có khi một tàu lá chuối che sương cũng … vừa.
Dê xào lăn có khi còn gọi là dê xào lăn lộn tức là món xào khô rất điệu nghệ. Đối tượng của món xào (?) này có khi lăn chiêng, bò lê bò càng ra không chừng. Lăn lộn xong lại còn giẫy lên đành đạch, (lòng đòi tình) vật vã khôn nguôi như trong một ca khúc của Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Ngọc Thạch.
DÊ TIỀM THUỐC BẮC: Người được (?) tiềm thuốc bắc thì chỉ có cách ôm dê (?) mà chạy lung tung, bạ đâu dê đó thì may ra mới đỡ dê. Các hãng dược thảo đang hẹn sẽ dùng nhiều loại củ (?) mới lạ để chế loại thuốc sữa dê đực (?)  cho bọn dê uống để cải thiện sinh hoạt với các chị dê cái.
MÁU DÊ: Loại máu này rất hiếm, không như A, B, AB hay O. Ai có máu dê thì chỉ thích làm dê, làm sao cho giống dê, thả dê làm phiền người khác. Người có máu dê có thể khốn khổ vì luật sexual harassment (sách nhiễu tình dục) ở Mỹ hiện nay.
DẾ DAI: còn gọi là CÁI CON DÊ (dế con dai) tức là dái con dê là một loại cà mầu tím giống cái con dê (?).
MÙI TẦU: Một loại rau thơm còn có tên là ngò gai rất hợp với các món phở.
Mùi Tầu còn có nghĩa là mùi ba tầu, một cái mùi rất hôi. Đi đến đâu là ba tầu cũng mang cái mùi dễ sợ tới đó, khiến ai cũng ghê khiếp đến nỗi một tác giả gốc Hoa tên là Echo Wang phải viết nguyên một cuốn sách nhan đề Pigs On The Loose: Chinese Tour Groups để nói về nguồn gốc của cái mùi kinh khủng đó. Mùi Tầu là do chữ Mùi, tên của năm con dê mà ra.
RÂU DÊ: Râu mọc ở cằm cho giống dê nhưng không có nghĩa là cũng oai hùng như dê mà cũng chưa chắc đã dê được ai. Tướng Nguyễn Khánh chẳng hạn. Có râu dê mà vẫn bị các tướng lãnh khác đá văng buộc phải lưu vong.
LẨU DÊ: Món lẩu ăn vào thì nổi máu dê đùng đùng, dùng toàn các bộ phận của dê để nấu. Ăn quá nhiều sẽ biến thành dê cũng như ăn quá nhiều thịt chó sẽ biến thành cẩu tặc đi đâu cũng mang theo bả chó và roi chích điện...
CÀ RI DÊ: Cà ri do dê đứng nấu. Ăn món này xong thì nói tiếng Anh rặt giọng accent của ông Nehru và bà Indira Gandhi.
DÊ DÔ: Cũng có khi viết là DÊ RÔ hay ZÊ ZÔ, là điểm của các bà cho các ông khi các ông làm ăn không nên cơm cháo gì, có nuốt cả vốc Viagra cũng không ăn thua gì hết trơn.
DÊ DIẾU: Cắm một cặp sừng dê cho người chồng mắc cở chơi.
DÊ TẾ THẦN: Dê làm nghề thầy cúng chuyên làm lễ, đọc kinh lấy tiền để sống.
BỊT MẮT BẮT DÊ: Giả bộ không trông thấy đường để dụ người làm chuyện dê.
THẢ DÊ: Cho dê đi tự do, gặp ai dê nấy.
QUÍ MÙI: Giống dê quý dùng để lấy giống.
DƯƠNG: Chữ Hán nghĩa là dê.
DƯƠNG TRƯỜNG: Ruột dê. Khác với ruột ngựa thẳng tắp, không dấu được chuyện gì. Ruột dê thì vòng vo như đường xá quanh co khúc khuỷu để đi tới trường học nên muốn đỡ mệt thì mua bằng cấp giả mang về xài như Ba Ếch cho rồi.
DƯƠNG QUAN: Cổng cho dê chui ra chui vào. Dê xong thì chia tay anh đường anh, tôi đường tôi. Loi thoi bờ liễu mấy nhành Dương Quan (Kiều).
DƯƠNG MAI: cũng gọi là giang mai. Một thứ bệnh phong tình, hậu quả của những chuyến đi dê bậy, bạ đâu dê đó, không cẩn thận, kiêng cữ, áo mưa, áo miếc gì hết.
DƯƠNG CỤ: Dụng cụ để dê. Cũng còn có nghĩa là cà ông giặc. Một cách hiểu khác là dê cụ, dê già hay già dê.
DƯƠNG VẬT: Hội chọi dê như chọi trâu ở Bắc Việt Nam. Nghĩa đen là hai con dê vật nhau vui đáo để.
DƯƠNG DƯƠNG TỰ ĐẮC: Hai con dê kiêu hãnh, đắc ý về các chuyện dê của cả hai.
DƯƠNG GIAN: Dê làm bậy có thể bị tù.
DƯƠNG THẾ: Thịt chó, thay thế cho món thịt dê khi ngoài cửa treo cái đầu dê, trong tiệm thì bán thịt chó.
DƯƠNG TÍNH: Máu dê, tính thích làm chuyện dê.
DƯƠNG TRẦN: Dê không mặc quần áo để dê.
DƯƠNG XỈ: Dê mà còn chửi rủa, xỉ vả người khác.
DƯƠNG ĐÔNG KÍCH TÂY: Dê cậy đông để đánh Pháp.
DƯƠNG CẦM: Dương là dê. Cầm là đàn. Dương cầm là đàn dê, nhiều con dê. Cũng có nghĩa là đánh đàn cho dê nghe, giống như đàn cầm gẩy tai trâu.
DƯƠNG CẦM THỦ: Món dê tay cầm.
DƯƠNG LỊCH: Dê ăn mặc lịch sự.
DƯƠNG OAI: Cái dũng, cái uy của loài dê.
DƯƠNG DANH: Tên của dê.
DƯƠNG OAI DIỄU VÕ: Dê nổ lia chia cho những con dê khác nghe thấy mà sợ.
DƯƠNG LIỆT: Dê không nhúc nhích được, chỉ nói phét cho vui. Cũng có khi đọc là liệt dương. Cùng nghĩa với dương nuy và dương sự bất cử.
DƯƠNG NGUYỆT: Tháng mười âm lịch, tháng để đi thả dê.
DƯƠNG NGUYỆT ÁNH: Dê ngắm trăng.
DƯƠNG NHẬT: Dê ban ngày.
DƯƠNG CỰC: Nỗi khổ của dê.
DƯƠNG BÁO: Nhật trình của dê.
DƯƠNG BỐ: Cha của dê, tính hay diện, sáng đi mặc áo trắng, chiều về mặc áo đen nên con chó nuôi trong nhà không nhận ra, sủa cho một trận dê kêu luôn. Cổ Học Tinh Hoa kể chuyện Dương Bố như thế.
ÂM THỊNH DƯƠNG SUY: Đàn bà đi lên, dê đi xuống.
ÂM DƯƠNG CÁCH TRỞ: Nam nữ thọ thọ bất thân.
XUẤT DƯƠNG: Dê đi du học.
SÁU MƯƠI CHIA HAI TRỪ NĂM CỘNG MƯỜI tức là 35 con dê.
BỎ ĐI TÁM: Đừng có dê sảng nữa nghe cha nội! (do số 8 là 3+5). Bỏ đi Tám là đừng có 35 nữa nghe cha… uống thêm Saigon tea không? Bỏ tay ra…kêu lính bắt bây giờ! (Đối thoại ngắn trong snack bar Sài Gòn).
DƯƠNG QUÍ PHI: Vợ cưng của dê.
TẦM DƯƠNG: Bến sông nơi tìm dê để dê (chứ còn để làm gì nữa).
DƯƠNG CUNG BẮN SẺ: Dê dùng cung tên để bắn lén.
ĐẠI DƯƠNG: Một giống dê lớn.
ĐẠI TÂY DƯƠNG: Giống dê thân mình to lớn sống ở bên Pháp.
THÁI BÌNH DƯƠNG: Giống dê yêu hoà bình, không bao giờ gây sự với ai, không bắt nạt các tầu cá của Việt Nam bao giờ.
BẮC BĂNG DƯƠNG: Giống dê sống thành băng đảng ở miền bắc.
NAM BĂNG DƯƠNG: Giống dê bao giờ cũng đeo băng (?) trong mình, bất kể ngày nào trong tháng.
ẤN ĐỘ DƯƠNG: Dê sống ở Ấn Độ.
TRIỆU TỬ DƯƠNG: Biến cố làm một triệu con dê chết. Một lãnh tụ quyền cao chức trọng bao giờ cũng được đái trong bình (Đặng Tiểu Bình) đã bắt giam một triệu con dê chết này cho đến … chết sau vụ Thiên An Môn.
DƯƠNG QUA: Còn gọi là Dương Quá tức là dê quá xá là dê. Vồ được Tiểu Long Nữ xong rồi thì con dê này về Cổ Mộ xa lánh thế giới tục lụy.
DƯƠNG VĂN MINH: Một con dê tưởng là văn minh lắm nhưng đã làm mất nguyên một quốc gia, đẩy cả nước vào vòng trầm luân bể khổ.
DƯƠNG CHẤT HỔ BÌ: Dê đội lốt hổ, mượn oai người để đi thả dê.
DÊ CHÂN NGƯỜI: Dê có chân dài như hot girl (Chân mình thì lấm bê bê / lại cầm bó đuốc mà dê chân người).
HẢI DƯƠNG: Dê sống ở vùng biển.
ĐẠI DƯƠNG CHÂU: Viên ngọc dương lớn tức là dê ông thầy cỡ đại.
BÌNH DƯƠNG: Dê yêu hòa bình, chỉ đẹp gái thôi. Rất nổi tiếng với Thẩm Thúy Hằng Người Đẹp Bình Dương.
DƯƠNG CHÂU: Dê chuyên nấu cơm chiên rất ngon, món cuối trong các bữa tiệc cưới.
BỔ DƯƠNG: Bất cứ món nào có thể giúp gia tăng khả năng của dê.
LÊ DƯƠNG: Thứ lính rất dê gốc gác tùm lum lê đến đâu là để lại kỷ niệm chiến tranh ở đó.

TỰ TRUYỆN CỦA MỘT ANH DÊDương Ngọc Mùi
(Ký Giả Hạng Bét nghe kể và viết lại bảo đảm xạo từ đầu đến cuối)

Tôi tên là Mùi, tên gọi thân mật (?) là dê. Đời của tôi nói riêng và loài dê nói chung không có được lúc nào vui như nhiều người có thể đã nghĩ rất sai lầm về chúng tôi.
Thí dụ biết bao nhiêu người cứ mở miệng ra là ước ao sao được như anh ngựa và bọn dê chúng tôi, rồi quay ra cám cảnh cho anh khỉ: Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, riêng tôi ngậm ngùi vì nỗi tuổi Thân.
Cứ nhìn hai anh ngựa và khỉ rồi nhìn chúng tôi là thấy ngay những ước ao của họ đều chẳng có được mảy may sự thật nào. Anh ngựa, và luôn cả chị ngựa lúc nào cũng tung tăng, nhóng nhảnh, cái đầu cất cao, cái bờm bay tung trong gió, cái đuôi cong lên, bốn vó lộp cộp rộn ràng vui vẻ. Họ được mô tả là đĩ ngựa, vui biết là bao. Nhưng có ai gọi chúng tôi là đĩ dê bao giờ không? Không bao giờ. Còn anh khỉ cũng vậy. Mấy trò của anh khỉ bao giờ cũng được nhắc đến bằng đầy vẻ thương mến. Nào là “Đồ khỉ nà…Sao cứ làm trò khỉ hoài vầy nè…” Trách mà trách yêu chứ có trách thật như nói về chúng tôi đâu. Chúng tôi thì bị chê là … dê. Hết dê cụ rồi lại còn dê xồm nữa chứ. “Đó… lại thả dê rồi nhá…đồ dê…đồ máu dê…” Thực ra thì chúng tôi cũng không… dê bao nhiêu. Thế gian thường tình, chúng tôi cũng chỉ tối đa là mấy chị dê chứ có làm gì khác … người đâu thế mà bị gọi ngay là … dê. Chuyện đèo bòng như thế thì cũng thế gian thường tình, bọn người cũng làm mấy cái chuyện đó đều đều chứ phải đâu chỉ có chúng tôi mới …dê. Giá như anh vua Tề Tuyên Vương công khai thú nhận rằng anh ta mê gái (quả nhân hữu tật, quả nhân đa dâm) thì có gọi anh là người có máu dê đã đành. Đằng này tự nhiên bọn dê chúng tôi mang cái tiếng không đẹp đó vì loài người có cái trò chơi rất xấu là hễ cái gì không đẹp là chúng nó đổ cho chúng tôi liền.
Cũng như mấy cái phim toàn chuyện (người) chúng nó với nhau, thì chúng nó gọi là phim con heo. Xem kỹ nào có thấy anh heo hay chị heo nào đâu. Chỉ toàn chúng nó … kiểu cọ (?) với nhau không thôi. Hay chúng nó lộn xộn với nhau là bị gọi là ngựa, là ngựa bà, là đĩ ngựa, là ngựa trời…
Cái (?) của chúng tôi thì cũng bình thường thôi, vậy mà bọn người ví nó với quả cà ông giặc và gọi nó là cà dế dai. Những quả cà ấy có gì độc ác đâu mà gọi nó là cà ông giặc? Bọn dê chúng tôi đã tìm cách vận động để loài người bỏ hẳn cái cách ăn nói đó đi nhưng vẫn chưa ăn thua gì. Loài người dòm ngó cái dụng cụ ấy của chúng tôi rồi làm khổ chúng tôi cũng vì cái ấy.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Quả thực của (?) chúng tôi cũng có “hoành tráng” thật. Về thân xác, chúng tôi thì thua bọn người rất nhiều. Chúng tôi nhiều lắm, to xác lắm thì cũng nặng chỉ khoảng 30 đến 40 kilô là cùng. Trong khi giống người thì leo lên cân là kim chỉ 70 hay 80 kilô là chuyện thường. Nhưng đồ nghề của chúng tôi trông ác liệt hơn của bọn người nhiều. Chúng nó thấy của chúng tôi thì thèm phát điên phát khùng lên. Thế là áp dụng lối suy nghĩ ăn gì bổ … nấy, chúng nó cứ lôi … cà ông giặc của chúng tôi lôi ra mà ăn nhậu với nhau. Nhưng chẳng lẽ gọi món đó là món dái chúng tôi, bọn người gọi trại ra thành món dê ông thầy cho lịch sự. Tội nghiệp mấy ông thầy giáo. Tự nhiên mấy ổng bị lôi vào vòng chiến chỉ vì người ta ăn cái … của ấy của chúng tôi rồi giả bộ mắc cở và lịch sự nên gọi nó là món (dê) ông thầy.
Không phải chỉ ở Việt Nam người ta mới mê món dê ông thầy, mà ở nhiều nước khác trên thế giới cũng vậy. Người ta đớp của mấy anh bò, mấy anh ngựa, mấy anh cừu… Nhưng ngon nhất và được ưa chuộng nhiều nhất vẫn là … của chúng tôi. Có thể là vì chúng tôi trông lồ lộ quá chăng? Trong khi của mấy anh cừu đâu có thua gì của chúng tôi, nhưng vì các anh giỏi che đậy (bọn cừu luôn luôn cụp đuôi xuống) nên khó trong thấy. Vì thế, các anh không bị dòm ngó và thèm muốn một cách thầm kín và công khai như của chúng tôi. Cả mấy anh ngựa cũng vậy. Của các anh ấy oai hùng hơn của dê nhiều. Sài Gòn có cả trăm cây dái ngựa đang bị chặt đi để lấy chỗ xây đường xe điện ngầm. Bọn Ăng lê cũng nhìn ra điều đó nên mới có thành ngữ “to be hung like a horse” chứ có ai nói “hung like a goat” đâu.
Thời xưa người ta còn dùng những cái roi gọi là roi cặc bò để hành hạ nhau như những tên cặp rằn trong những đồn điền cao su chẳng hạn. Nhưng chỉ có của chúng tôi là bị bọn người cắt ra ăn với nhau mà thôi.
Bọn người rất kỳ lạ. Khi cáu giận bực tức nhau, lăng mạ nhau, chúng nó mời nhau ăn mấy thứ (?) của  chúng nó (?). Nào là con c… của ông này, cái gì gì của bà này… đem về mà xào nấu lên ăn với nhau. Mời nhau ăn những thứ của chúng nó thì chúng nó điên lên giết nhau được. Nghĩa là chúng nó kiêng không ăn của chúng nó, nhưng chúng nó rất thích đi đớp của chúng tôi không à. Thí dụ của mấy anh bò thì ngẩu pín, chúng nó cũng đớp của mấy anh heo, mấy anh ngựa. Và đặc biệt là của chúng tôi mà bọn người gọi tôn lên là ngọc dương. Chúng nó cứ thế mà xào nấu lên, chấm mắm ruốc… Ăn xong thì về nhà làm khổ vợ, rồi chờ (một cách tuyệt vọng) được vợ … khen (?) mới là vớ vẩn. Mà nếu có khen là khen chúng tôi đấy chứ ai khen gì mấy thằng đàn ông ấy. Cho nên cà ông giặc, cà dê thì cũng chẳng ăn thua gì cả. Cắt ra ăn thì cũng có khác gì món đậu hũ chiên đâu. Thế mà chúng nó vẫn rủ nhau đi ăn cái của chúng tôi trong khi bảo chúng nó ăn của chúng nó thì chúng nó dẫy nhẩy lên đùng đùng thì có lạ không cơ chứ. Cha mẹ đẻ ra nuôi cho lớn tưởng ăn cái gì ngon lành cho khôn, cho mở mang thêm chút trí tuệ thành đỉnh cao trí tuệ loài người, ai ngờ cứ kiếm cái ấy của chúng tôi mà ăn. Lêu lêu mắc cở hết sức.
Thực ra không chỉ người Việt Nam mới thích món dê ông thầy của chúng tôi, mà nhiều dân tộc khác cũng rất yêu quí món hàng độc này. Từ các nước Ả Rập cho đến các xứ văn minh ở Bắc Âu, người ta đều chết mê chết mệt với món cà ông giặc của chúng tôi.
Từ bé tôi đã bị không biết bao nhiêu là tủi nhục mà tôi tin là không một đứa bé nào nên bị bắt gánh chịu. Vừa đến tuổi đi học, được cho đến trường kiếm vài ba chữ thì tôi phải bỏ ngang. Trong những bức tranh dân gian của làng Đông Hồ mà ai cũng yêu quí thì bọn cóc cũng được cho đến trường, có cả thầy đồ cóc ngồi dậy học. Ông thầy không bị mang xào nấu, tiềm thuốc bắc ăn nhậu cho cải thiện sinh hoạt giường ngủ như những quả cà ông giặc của bọn dê chúng tôi. Luôn cả bọn mèo cũng có đứa làm ông thầy dậy học có sao đâu. Rồi cả bọn cọp cũng có đứa làm thầy dậy học, luôn cả lũ ếch nhái cũng có lớp học như những bức tranh in trên giấy gió mà các nghệ nhân làng Đông Hồ ghi lại. Nhưng chúng tôi, vừa được dắt đến trường, thay vì hát bài “A, B, C … dắt dê đi học” để khuyến khích việc học của chúng tôi thì bọn trẻ con rượt theo lũ dê con chúng tôi rồi hét vào tai chúng tôi rằng “A, B, C… dắt dê đi ỉa “ thì chúng tôi vãi ra mấy cục … thuốc tễ cho chúng nó nhặt về ăn với nhau cho “trẻ khỏe và …dê” chứ. Chúng tôi bỏ không thèm học nữa. Cần thì mua bằng giả bán đầy đường tại Việt Nam mà xài cũng có sao đâu. Lớ ngớ có khi mả bố táng đúng vào cái cầu tiêu, nơi tụ của, nhờ đó mà leo lên chức thủ tướng như thằng Ba Ếch không chừng. Đến nay, chuyện đi học của chúng tôi chỉ còn chút hoài niệm mơ hồ còn sót lại trong bài đồng dao này:
Dung dăng dung dẻ
dắt trẻ đi chơi
đến ngõ nhà trời
lạy cậu lạy mợ
cho cháu về quê
cho dê đi học
cho cóc ở nhà
cho gà bới bếp
ngồi xệp xuống đây…
Mà tội chúng tôi thật. Vừa mọc nhú lên tí sừng cho oai một chút là bị chọc “Ê con dê mọc sừng” ngay. Rồi cái bà nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng không tha chúng tôi, làm thơ, làm phú lôi cũng phải luôn cả chúng tôi vào cho đứng cạnh mấy con ong để giễu chúng tôi: ong non ngứa nọc châm hoa rữa / dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa. Mọc bộ sừng cho vui cũng bị giễu. Bị tặng, cắm cặp sừng cho oai như chúng tôi thì ngồi mà khóc. Có mở hai mắt còn chưa ăn thua gì lại bịt mắt đòi bắt dê thì làm ăn thế nào! Có ngọc dương tiềm đủ thứ cũng bằng thừa.
Tôi có anh dê bạn bị cắt mất ông thầy trông tội nghiệp lắm. Ông thầy của bạn tôi bị cắt xong chúng nó khâu cái túi lại trông quê vô cùng (hàm răng tuy có, hàm răng rụng / túi đạn dẫu còn, túi đạn không). Chúng nó xào nấu ăn uống với nhau hình như vẫn không làm nên cơm cháo gì nên thỉnh thoảng thấy bạn tôi đi qua, mấy thằng đàn ông từng ăn nhậu ông thầy của anh ấy lại cay cú oán trách bạn tôi đến điều. Chắc vì mấy con mụ vợ chê ỏng, chê eo, chúng nó bèn đổ cho anh bạn tôi không ăn cỏ tốt nên ông thầy của anh chẳng giúp được gì. Chúng nó thật vô ơn bạc nghĩa: đã đớp ông thầy của anh ấy lại còn chê trách bạn tôi. Có thể đó chỉ là ông thầy nên không khá. May ra tìm cái… “giáo sư tiến sĩ” ngồi đầy trên Tivi mang về xào lăn lộn thì làm được việc chăng.
Tội nghiệp ông thầy của anh dê bạn tôi. Chỉ vì bỏ học sớm đi theo cách mạng, không chịu tự xưng giáo sư tiến sĩ, nên tiềm thuốc bắc vẫn như không vậy.
Một anh bạn khác của tôi thì còn xấu số hơn anh kia nhiều. Anh bị chúng nó làm thịt để nấu cà ri, lẩu và tiết canh. Món ông thầy dĩ nhiên không thể bỏ qua. Nhưng cách chúng nó giết anh bạn tôi mới là hãi hùng. Không biết cái đứa ác ôn nào nghĩ ra cách giết chúng tôi dã man như vậy. Chúng nó tin là cột anh dê bạn này vào gốc cây rồi đánh cho anh chạy vòng vòng ở trong sân cho mệt lè lưỡi, cho kêu be be ầm lên, toát mồ hôi ra thì thịt mới hết mùi dê có ngu không hở Giời! Thịt dê mà không có mùi ngọc dương tức là mùi dế dai thì ăn dê làm gì! 
Bây giờ nói qua một chút về gia đình, dòng họ của tôi. Hồi xưa gia đình tôi cũng từng có một ông cụ làm việc trong cung vua rồi đấy chứ. Cụ được các cung phi yêu quí lắm vì nhờ cụ mà các nàng khỏi phải vò võ một mình “trải vách quế gió vàng hiu hắt” mỏi mòn chờ vua đến ban chút ơn mưa móc (?). Nguyên là cụ chúng tôi tối tối kéo xe cho vua đi thăm các nàng. Muốn được xe do cụ tôi kéo ghé thăm, các nàng rắc lá dâu trước cửa phòng. Cụ chúng tôi thấy cửa phòng nào lá dâu ngon, có dressing  Italian hay Blue cheese, Ranch thì dừng lại ăn, thế là vua ghé vào thăm (?) nàng cung phi ấy. Cụ chúng tôi được các bà quí lắm, cho ăn đủ thứ của ngon vật lạ nên cụ béo tốt phương phi cho đến lúc chết. Chuyện như thế ít khi xẩy ra lắm, thuộc loại “cổ lai hy” đấy. Chứ thường ra thì lại thành lẩu dê từ lâu rồi chứ làm gì có chuyện sống lâu được như thế.
Mấy cụ khác thì có lần còn giúp cho ông Tô Vũ có bầu có bạn trong suốt mấy năm ông ta bị bọn Hung Nô cầm tù, nói láo với vua nhà Hán của ông rằng ông đã chết. Mãi tới khi một anh ngỗng trời đem bức thư ông Tô Vũ viết cho vua, vua Hán đưa cho vua Hung Nô xem, lúc ấy nó mới nhận là ông (Tô Vũ) còn sống. Thế là ông được thả về nước. Bức tranh “Tô Vũ Mục Dương” Tô Vũ chăn dê đến nay vẫn được coi là một tuyệt tác hội họa. Ông Tô Vũ thoát cảnh lưu đầy, về nhà liền viết bài “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” đến nay vẫn còn được yêu quí, ca sĩ nào cũng lôi ra hát.  Các cụ trong đàn dê như thế đã giúp cho âm nhạc một tuyệt tác là như thế. Chỉ phải mỗi tội cụ Tô Vũ sau mấy năm chăn dê đã quên vài ba phép nịnh đầm tối thiểu nên người em bé bỏng đến thăm cụ trong chiều mưa đến lúc về thì cụ Tô Vũ mặc kệ em bé ra về một mình dưới trời mưa buốt giá, chẳng chịu gọi cái taxi đưa em về dưới mưa gì hết trơn hết trọi…
Một cụ khác của bọn dê chúng tôi thì oai hơn, sang Hy Lạp rồi biến thành thần thoại. Đó là ông Pan đi bằng hai chân sau, có sừng, thổi kèn rất hay.
Đồng bào thượng của chúng tôi thì có mấy anh sơn dương trông cũng được lắm. Sừng siếc trông đến nơi đến chốn, leo trèo số một, chỉ toàn chọn lối đoạn trường mà đi. Bình nguyên không chịu ở, cứ lên núi mà ở với nhau. Không biết có phải ông tổ dê chúng tôi chia tay với cụ dê tổ bà, dẫn 50 anh lên núi, dẫn 50 chúng tôi xuống đồng bằng không mà chọn núi non mà ở chăng.
Chúng tôi, tuy vậy vẫn có một vài chi tiết còn giống nhau. Đó là các em dê cái nhà chúng tôi cũng có râu như bọn dê đực cho nên bọn dê chúng tôi có ‘"nghì” hơn bọn người nhiều: dê cái không râu bất nghì, không có cái vú lấy gì cho …vui. Các em có vú với hai cái đầu tí, không như mấy chị bò có tới 4 cái hay mấy chị heo có cả 8 đầu dzú trông thô tục vô cùng. Các chị cho bọn người uống sữa ké, uống không hết chúng nó làm phó mát dê ngon đáo để như ở Hy Lạp.
Nhưng bọn người vẫn đối xử với chúng tôi rất tệ. chúng làm gì sai quấy thì đổ hết cho chúng tôi nên mới có thành ngữ dê tế thần là vậy. Bọn Hồi giáo Ả Rập giết chúng tôi còn dã man hơn nhiều. Chúng nó treo ngược chúng tôi lên rồi cắt cổ cho máu chẩy cho hết ra ngoài rồi chúng nó mới ăn. Đó là cách giết thịt kiểu halal nhà chúng nó.
Hôm nay viết lại chuyện đời, tôi hết sức thành thật còn thẳng hơn cả ruột ngựa mặc dầu ruột dê của chúng tôi (dương trường) thì quanh co vô cùng.
Có người hỏi tôi rằng ở bàn nhậu, ai cũng tiết canh dê, cũng thịt dê, lẩu dê, cà ri dê thì làm sao né mấy thứ đó mà không mất lòng bạn ở bàn nhậu. Có một cách né mà không ai nỡ giận mà còn thông cảm ngay. Cứ nói tôi không thích có thêm máu dê trong người và lại càng không thích ăn thịt …đồng loại. Cam đoan không bị bắt làm dê tế thần buộc ăn dê ông thầy và tiết canh dê nữa.
Chúc quí vị một năm thật dê thoải mái.


SỚ TÁO QUÂN
Ký Giả Hạng Bét nhờ National Security Agency của Mỹ đọc lén sớ  của The Apples Three (Bộ Ba Táo) và chép lại sau đây:
Hai mươi ba tháng Chạp, trời đã về chiều ở Thiên Đình. Ngọc Hoàng ngồi gần suốt cả một ngày nghe  các táo lên báo cáo chuyện dưới trần. Đứng, ngồi, nằm, lăn lóc  đủ các thứ táo nào là táo tây, táo tầu, táo  xanh, táo đỏ, táo vàng, táo Rome, táo McIntosh, táo Grannie Smith, táo tỏng, táo Fuji, táo khô, táo ướt, táo bung,  táo khát, táo đặc, đại táo, tiểu táo, trung táo, táo bón, táo bạo, táo tợn, táo bộp, táo bột, táo dòn, táo dại, táo đầu đường, táo xó chợ, táo bếp ga, táo bếp dầu hôi, táo củi, táo rơm, táo golden delicious, táo kinh niên, táo nhục, táo uất, táo nhiệt, táo thấp, táo thuốc, táo cấp, táo cuồng, táo gan, táo nộ, táo suất, táo tác, táo tính, táo tác, táo tớ, táo đột, táo thần, táo vương…kể không cách nào hết.
Ngọc Hoàng phát chán đời đang ngồi nhậu với mấy em cung nữ cho qua thì giờ, thỉnh thoảng lại  ngáp mấy cái trẹo cả quai hàm mà các táo vẫn chưa xong, vẫn còn  chờ đến lượt đọc những lá sớ viết suốt cả năm thì cửa xịch mở. Bộ ba táo Mít quần áo lếch thếch mở cửa xộc vào…

TÁO  GIAI:

Khải tấu Ngọc Hoàng
Thần là Táo quân
Khấu đầu bái yết
Chuyến đi quá mệt
Vì xe tuần lộc
Lộc cà lộc cộc
Đường xá thì xa
Lại sợ bọn Nga
Chơi quả tầm nhiệt
Trúng chỉ có chết
Né tới né lui
Nhờ thế lại vui
Nên giờ mới tới
Khiến ngài phải đợi
Bọn Táo đắc tội
Xin ngài xá lỗi

NGỌC HOÀNG:

Nhưng sao mọi năm
Bay có cá chép
Cớ sao lại dẹp
Để xài tuần lộc
Lóc ca lóc cóc
Tao đợi dài cổ
Sớ viết cho cố
Đọc  bao giờ xong
Đừng có lòng thòng
Tao nghe phát mệt
Sớ nào cũng hệt
Toàn chuyện vớ vẩn
Có gì hấp dẫn
Đọc lẹ tao nghe
Đừng có lè nhè
Nghe chán thấy mẹ
Thế còn con … ghệ
Nào ngon … thế này
Đứng lại gần đây…
Để cho tao ngó
À … cũng đặng chớ
Í… mụ Táo Gái
Y phục kỳ quái
Tao ngỡ đứa nào
Nhưng mà nói mau
Tao cấm mặc quần
Sao … chơi blue jean?

TÁO  GÁI:

Bẩm tấu Ngọc Hoàng
Lúc sắp lên đường
Trời bỗng trở lạnh
Không quần lạnh cẳng
Kiếm được cái khố
Vừa tưởng đỡ  khổ
Hai chả  tranh nhau
Gái  còn gì đâu
Nhưng thật là hên
Gặp già Nô Ên
Vừa xong công tác
Còn đang sớn xác
Gái  lột …cái một
Cái quần còn tốt
Mặc vô vừa khít
Tạm ấm cái đít
Bỗng thấy lóc cóc
Cái xe tuần lộc
Bọn Táo vồ luôn
Nhớ chuyện… vũ  môn
Bèn tha  anh chép
Để ảnh…nhóp nhép
Với chị cá Koi
Còn gái … tả tơi
Áo quần lôi thôi
Là vì sợ lạnh
Giỏi  nhưng không …  mạnh
Chỉ đỡ cụ lanh (?)
Nên vậy mới thành
Gái có mặc quần
Còn ở khúc trên
Đây Ngọc Hoàng … xem
Toàn thứ bí mật
Mấy thứ xí-krịt
Vic-to-ri-a
Gái mà cởi ra
Ngọc Hoàng cũng… chết

NGỌC HOÀNG

Thôi tao đang mệt
Gái cứ để sau
Sớ thì đọc mau
Đâu còn có đó
Lấp la lấp ló
Tao ngó muốn khùng
Lát sớ đọc xong
Rồi tao sẽ … xử
Bây giờ bay cứ
Đọc sớ nghe coi

TÁO RĂM

Bẩm tấu Ngọc Hoàng
Năm dê chưa sang
Vẫn còn anh Ngọ
Thế mà bọn chó
Lộng hành hết biết
Thế giới phát mệt
Đông tây hai thằng
Nháo nháo nhâng nhâng
Giở trò gây sự
Mặc ai cự nự
Chúng vẫn tỉnh bơ
Như ở Crimea
Ngang nhiên nó  chiếm
Bắt nạt Ukraine
Hăm he miền bắc
Mấy xứ Ban Tích
Cũng thấy xôn xao
Nhớ lại không lâu
Từng bị nó chiếm
Trong thời thế chiến
Khiến cả phương tây
Đồng loạt ra tay
Chế tài kinh tế
Lúc đầu nói mẽ
Nó bảo không sao
Dầu khí … của tao
Tao xài mệt nghỉ
Cho Tây cho Mỹ
Khốn khó chút chơi
Khi nào hụt hơi
Lại …vũ như cẩn
Nhưng thật bi thảm
Vì chuyện rớt giá
Dầu khí than đá
Đồng rúp không khá
Cũng bị mất giá
Làm cậu Putin
Phải bớt hung hăng

TÁO GÁI

Còn ở miền đông
Là thằng Bình híp
Một thằng khốn kiếp
Không chút nghĩa hiệp
Chuyên môn  ăn hiếp
Các nước nhỏ bé
Nào dám hó hé
Là nó cậy đông
Chơi trò hội đồng
Cậy  nó nhiều thịt
Để đè con nít
Đất người nó chiếm
Biển người nó lấn
Không phận quốc tế
Nó cũng bắt né
Nếu không có phép
Do chính nó cấp
Toàn trò ngang ngược
Của phường ăn cướp

TÁO GIAI

Nó mua đâu được
Một cái tầu cũ
Lôi về sơn sửa
Hù dọa cả vùng
Coi trời bằng vung
Đem chạy vài vòng
Thỏa mãn thú tính
Rồi lại về bến
Tưởng thế là bảnh
Là thành anh lớn
Nhưng lầm, lầm to
Đâu phải chơi trò
Bá quyền là được
Trong khi đất nước
Dân trí thấp kém
Chuyên đi ăn cắp
Rồi khoe của mình
Máy bay tàng hình
Kỹ thuật không nhái
Ta chôm thoải mái
Cả một lũ gian
Ích kỷ hại nhân
Cái gì độc hại
Chúng cho xuất ngoại
Đầu độc thế giới
Nhưng Trời ngó lại
Nước nó ô nhiễm
Hết đường  thoát hiểm
Chúng nó sẽ chết
Vì tay … bọn chệt

TÁO RĂM

Ngó sang gần đó
Thấy thằng mặt chó
Nhưng lại cốt lợn
Chính là thằng Ủn
Một thứ thằng ranh
Thò lò mũi xanh
Ăn tranh cơm chó
Sớm học gây sự
Vài quả nguyên tử
Đã tưởng là ngon
Cả nước ốm nhom
Đói lên đói xuống
Mùa màng khốn đốn
Chỉ béo mấy thằng
Mề đay leng keng
Kéo cả miền bắc
Xuống hố đen hoắc

TÁO GÁI

Ô hay Táo Răm
Hình như anh lầm
Đang thằng Ủn Kim
Sao qua Việt Nam?
Mà thôi cũng được
Chuyện kéo đất nước
Xuống tận đất đen
Thì cũng xêm xêm
Một bọn ngu xuẩn
Đi theo cắt mạng
Leo lên đầu dân
Với giặc thì hèn
Với dân thì ác
Tổ cha Các Mác
Lẽ quăng thùng rác
Chúng đem về thờ
Dân mới … được nhờ
Rủ nhau xuống vực
Chúng phá đất nước
Chỗ bán, chỗ nhường
Tổ quốc rách bươm
Bức dư đồ nát
Nghĩ là muốn khóc
Câu thơ Tản Đà
Từ  đấy đã xa
Vẫn làm đau nhói
Mỗi lần nghe nói
Đến tên Việt Nam
Đất nước điêu tàn
Độc lập tiêu tan
Tự do bóp nghẹt
Hạnh phúc chuyện phét

TÁO GIAI

Cũng trong năm ngoái
Một bọn chó dại
Lòng thú lốt người
Nổi lên mấy nơi
Nhân danh Hồi giáo
Gieo rắc đổ máu
Khắp vùng Trung Đông
Máu chẩy thành sông
Táo xin Ngọc Hoàng
Phái Thiên Lôi xuống
Búa hết bọn chúng
Cho hết tóc tang
Suốt từ bao năm
Chuyện còn nhiều lắm
Không bao giờ cạn
Nhưng cũng thế thôi
Chẳng có gì vui
Trời mà ngó lại
Cứu giúp sinh linh
Thoát chốn cực hình
Được vậy thì Táo
Kết thúc báo cáo
Thật mừng hết lớn

NGỌC HOÀNG

Bay đọc đã chưa?
Tao ngủ một lèo
Cóc nghe gì hết
Vậy càng đỡ mệt
Bây giờ ba Táo
Mấy đứa báo cáo
Cho biết cần gì

TÁO GÁI

Gái nhắc Ngọc Hoàng
Lương lậu không tăng
Đã từ lâu lắm
Lựa cơm gắp mắm
Nhưng Táo thiếu tiền
Túng quẫn kinh niên
Làm sao … có mắm?
Dẹp chuyện mua sắm
Cả mấy năm nay
Áo quần không may
Táo cũng đành bỏ
Nhưng có chuyện nhỏ
Gái muốn Trời giúp
Cho gái một chút
Để gái chỉnh trang
Hai quả mướp hương
Mấy ảnh nguôi ngoai
Khỏi phải thở dài
Nghe đến … phát mệt
Xin Trời  đặc biệt
Cấp cho một ít
Mua Cyalis
Cho hai anh … sung
Mà gái cũng mừng

NGỌC HOÀNG


Được rồi… được rồi
Nhưng tao nhờ bay
Mua hộ mấy cái
Bay khoe hồi nẫy
Nhưng phải “hoành tráng”
36 cũng … đặng
Còn “C” là chữ
Vừa hết mấy mụ
Thôi thế đủ rồi
Bay lo về thôi
Còn mà ăn Tết
HAPPY NEAR YOU… HAPPY NEW YEAR
Bye… Bye