October 4, 2012

October 5, 2012


Ngày 1 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Ở Malibu, một khu bờ biển nhà giầu cách nơi tôi ở khoảng nửa tiếng lái xe, tuần qua có một người đàn ông dựng tấm bảng viết mấy hàng chữ để kiếm vợ.
Ông có vẻ thành thật muốn giã từ cuộc đời độc thân, và bỏ luôn cả công việc ông vẫn làm, để vui sống cuộc đời hạnh phúc gia đình.
Ông là người thành thật, dám nói ra những điều ông tìm kiếm nơi một phụ nữ để giúp ông chấm dứt cuộc sống cô đơn, hơn hẳn bao nhiêu người đàn ông khác rụt rè, e lệ, chết nhát không dám nói rõ điều mình muốn, rốt cuộc phải căn răng cố vui với những chuyện đòi hỏi rất nhiều thỏa hiệp.
Tấm bảng viết thế này: “Wife wanted rich beautiful and obedient!
Tấm bảng không đủ diện tích để viết đầy đủ câu cú cho đúng văn phạm nhưng đọc qua thì vẫn hiểu như thường. Không cần phải:”Wife wanted. Applicants must be rich, beautiful and obedient!”
Ông rõ ràng lắm. Không phải bất cứ ai cũng có thể được ông cứu xét. Ứng viên phải hội đủ ba điều kiện: phải giầu, phải đẹp và phải biết vâng lời.
Ông cẩn thận thêm cái dấu than (!) ở cuối để nhấn mạnh vào điều ông muốn nói, tức là vào những điều kiện ông đặt ra cho các ứng viên.
Ông khôn lắm. Ông không dựng tấm bảng ở bất cứ một góc đường nào, mà ông phải đến tận Malibu mới chịu dựng lên. Ở đó, cơ hội được những ứng viên lái những chiếc Rolls đi qua đọc thấy lời rao có vẻ nhiều hơn. Ðiều kiện thứ nhất ông đặt ra có thể được hội đủ. Lái những chiếc Rolls hay những chiếc Jaguar thì không thể thuộc thành phần không có tiền được.
Ở Malibu, những người phụ nữ nhiều sẹo trên người, trên mặt, là những thành phần đông đảo nhất ở Mỹ. Những vết sẹo do dao kéo của các thẩm mỹ viện để lại trên người các phụ nữ này đảm bảo là điều kiện thứ hai ông đặt ra, họ cũng có, đó là đẹp. Thành phần đã được bơm, hút, căng kéo ở Malibu rất nhiều để có can đảm … hai mảnh ra bãi cát hay lội xuống biển. Những dấu căng (?) stretch marks chỉ còn lại lờ mờ thì phải coi được. Như vậy là giầu và đẹp đều có thể kiếm ra được ở Malibu.
Ðến điều kiện thứ ba: obedient! là biết vâng lời! mới là khó. Nhưng ông vẫn ghi ra thật rõ. Phu xướng, phụ tùy mới được. Phụ xướng mà phu tùy là đẹp và giầu cách mấy, cho không ông cũng không thèm.
Nhìn tấm bảng người ta thấy ngay ông là người cẩn thận. Sau tấm bảng đó là một tấm bảng khác, nội dung cũng giống như thế. Nghĩa là nếu có ai … cướp tấm bảng của tôi đi, tôi sẽ có tấm bảng khác để thay thế ngay. Không thua gì một nhà thơ của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vài chục năm trước.
Tấm bảng có mấy hàng chữ ông viết cho thấy ông là người văn hay (không lỗi chính tả) chữ lại tốt (viết đẹp) chứ không phải mấy hàng nguệch ngoạc sai lên sai xuống như những tấm bảng khác. Ông xứng đáng có một đời sống tử tế tốt đẹp hơn để khỏi phải đứng đầu đường chìa cái … cán xoong (?) (panhandle) ra kiếm sống.
Nhưng có điều là người thông minh như thế mà sao vẫn cứ đi mây về gió như thế? Tại sao lại thêm cái điều kiện thứ ba vào làm gì cho khó khăn cuộc đời ra?
Cứ hai điều kiện giầu và đẹp là đã bỏ được nghề ăn mày từ lâu rồi không? Tại sao phải đòi thêm cái điều kiện vâng lời vào để đến hôm nay vẫn đầu đường xó chợ?
Ở Việt Nam, đòi miếng xôi gấc đã là khó lắm rồi đấy ông ạ!

Ngày 2 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Nói theo một kiểu nói của người Mỹ, tôi "nợ" giọng Quảng Nam một lời xin lỗi.
Tôi sống ở miền Nam bằng ấy năm mà chưa bao giờ nói được một câu tử tế nào về cái giọng mà các bạn của tôi gọi là "giọng Nẫu" trong khi tôi mê gần chết giọng Sài Gòn và giọng Huế. Tôi di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn khi còn rất nhỏ, mang theo được từ Hà Nội có hai cái dấu hỏi và ngã. Sống ở miền Nam một số năm, tôi cho tôi là một tên Nam kỳ từ đầu đến chân nhờ ăn gạo miền Nam, uống nước miền Nam, và có bạn bè hầu hết là Nam kỳ. Ngoài Huế, tôi không biết gì về những nơi khác thuộc miền Trung, miền có những con người (bị coi là) hay cãi, hay co... tôi mang trong lòng rất nhiều hối tiếc vì chưa đến được Hội An, lại cũng chưa được một lần ghé qua vùng đất của Ngũ Phụng Tề Phi...
Giọng nói của người Quảng Nam bị lôi ra diễu khá nhiều. Ông Nguyễn Cao Kỳ có lần đã phải xin lỗi vì nhái tiếng Quảng tại một cuộc họp báo khi hỏi các nhà báo rằng báo chí có còn "théc méc" gì nữa không...
Một người bạn người Quảng Nam của tôi, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, cũng có lần tự thú nhận trên một trang blog của đài tiếng nói Hoa kỳ là ông không thích cái giọng Quảng của ông, và ông nói thẳng tiếng Việt giọng Quảng không đúng, nhất là các nguyên âm a, ă và o.
Không như nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, người chính gốc Quảng Nam, tôi chẳng bao giờ nói ra điều đó. Những âm thanh nhại theo giọng Quảng Nam bao giờ cũng làm cho người nghe kinh ngạc, rồi khi hiểu ra thì không thể không cười được.
Tôi rất ít (được) nghe giọng của người Quảng. Những người Quảng Nam mà tôi quen thì gần như tất cả đều sửa đi phần nào cái giọng của họ. Giáo sư Quốc là một. Nên có thể nói là nghe chính giọng Quảng thì tôi chưa bao giờ. Giọng nói đã vậy, còn giọng hát thì lại càng không. Những giọng hát mà tôi biết là của đất Quảng Nam cũng không hát bằng giọng Quảng. Điều này thì luôn cả những tiếng hát sinh trưởng ở miền Nam cũng làm. Hầu như tất cả đều hát bằng giọng Bắc vì một suy nghĩ sai lầm cho rằng giọng Bắc mới đúng và mới hay. Trong khi về phương diện ngữ học thì giọng Bắc đúng với miền Bắc, giọng Nam đúng với người miền Nam. Mà đã chắc gì giọng Bắc là hay, và các giọng khác không hay.
Nếu các ông cố đạo Bồ Đào Nha đổ bộ xuống Quảng Nam, ghi lại những âm của phương ngữ xứ Quảng để hình thành hệ thống chữ quốc ngữ thì tiếng Bắc làm thế nào được coi là đúng?
Tôi chưa được nghe giọng Quảng hát tân nhạc Việt. Tôi đã nghĩ sai lầm rằng hát bằng giọng Quảng chắc không hay, không đúng lắm.
Nhưng hôm qua, tôi được nghe giọng Quảng hát một bài ca rất quen. Đó là bài Mưa Chiều Kỷ Niệm của Quốc Kỳ và Duy Yên. Bạn có thể tìm trong internet để nghe bài hát này. Cứ đánh những chữ "mua chieu ky niem anh tuyet" là thấy ngay.
Nghe xong bài ca khúc này, tôi lại càng thấy tôi sai lầm nặng. Ca khúc này hát bằng giọng Quảng nghe hay vô cùng. Vậy mà sao tôi chưa bao giờ được nghe nó bằng giọng Quảng? Thiếu sót và ân hận biết là chừng nào!
Ánh Tuyết đã thực hiện xong nguyên một CD những ca khúc hát bằng giọng Quảng và sẽ phát hành cuối năm nay. Cái CD player trong chiếc xe của tôi chắc sẽ bị cho hát đi hát lại cái CD này của Ánh Tuyết, và bài Mưa Chiều Kỷ Niệm sẽ được cho "repeat" đến tận sang năm để thay một lời xin lỗi và cám ơn muộn màng tới giọng Quảng Nam mà tôi chỉ mới đây mới được nghe.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc có sai lầm khi cho rằng giọng Quảng Nam của ông không hay và không đúng. Giọng Quảng Nam hát tình ca nghe hay không chịu được.

Ngày 3 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Mới đây, hôm 24 tháng 9, ở Sài Gòn, nhà cầm quyền Cộng Sản đã đưa ba blogger thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do là các nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần ra tòa để xử họ về tội chống nhà nước. Đây là những người từng can đảm xuống đường bầy tỏ lập trường tranh đấu cho sự vẹn toàn của lãnh thổ Việt Nam trước việc Bắc kinh ngang nhiên cưỡng chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSaigon
Tôi nhớ được xem bức ảnh chụp một nhóm biểu tình đứng trước trụ sở quốc hội cũ của Việt Nam Cộng Hòa trong đó có nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Những người biểu tình này trương ra một biểu ngữ có nội dung chống cái bản đồ lưỡi bò của Trung quốc và bên cạnh là một chiếc paneau với hình vẽ những chiếc còng đan vào nhau để thành 5 vòng tròn biểu tượng của Olympics lúc ấy đang diễn ra tại Bắc kinh.
Ba nhà tranh đấu kể trên, chỉ vì lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các đảo ở biển Đông đã bị tòa án nhân dân phạt tù tổng cộng 26 năm và 11 năm quản chế. Bản án được các tổ chức nhân quyền thế giới coi là quá nặng dành cho những người chỉ vì đã biểu tình chống Bắc kinh và mang biểu ngữ phản đối hành động xâm lăng của Trung quốc. Tại tòa án, một sĩ quan công an cấp tá của Cộng sản tên là Vũ Văn Hiển, khi trông thấy những chiếc T-shirt của gia đình ông Nguyễn Văn Hải với hàng chữ "Tự Do Cho Người Yêu Nước Điếu Cày - Tạ Phong Tần - Anh Ba SG" đã hét lớn vào mặt những người này gồm con trai (Nguyễn Trí Dũng) và vợ cũ của ông Nguyễn Văn Hải (bà Dương Thị Tân), nguyên văn: "Tự do cái con c...".
Những chi tiết về câu nói của trung tá công an Vũ Văn Hiển tôi ghi lại nguyên văn ở trên là do một nguồn tin trong nước thuật lại. Bản tin tường thuật nguyên văn với chữ "C... " được viết tắt . Dĩ nhiên khi Vũ Văn Hiển hét vào mặt những người thân của ông Điếu Cày tại tòa án thì không hề có chuyện người sĩ quan công an này dùng danh từ chỉ bộ phận sinh dục phái nam được viết tắt. Trong văn nói, không ai làm công việc đó.
Chỉ khi viết, mới có lối ghi lại bằng những chữ "C" với ba cái dấu chấm. Tôi đã thấy những tiếng được viết tắt như thế khi đọc quyển Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc lần đầu tiên hồi học lớp 4 tiểu học ở Hà Nội. Tôi thắc mắc đi hỏi, nhưng người lớn không chịu trả lời. Tuy thế, ngay hôm sau, một người bạn ngồi cạnh trong lớp đã chỉ cho tôi tường tận và còn "tình nguyện" viết đầy đủ vào cuốn sách (lấy lén từ tủ sách của ông bố tôi) tất cả những chỗ viết tắt bằng chữ "C" và chữ "L". Công học hỏi chữ nghĩa hơi sớm của tôi được (trọng) thưởng bằng một trận roi mây quắn đít. Nhưng từ đó, mỗi lần nhìn thấy chữ "C" có ba chấm đi theo, tôi hiểu ngay.
Trung tá Vũ Văn Hiển, như tôi nói ở trên, không viết tắt khi đưa ra lời phát biểu về tự do tại tòa án Sài Gòn với thân nhân ông Điếu Cày. Trung tá Vũ Văn Hiển nói lớn rằng "Tự do cái con cặc".
Ô hay, bác Hồ nói câu "Không gì quý hơn độc lập và tự do", thì nay, độc lập không còn nữa qua thái độ của lũ đồng đảng của bác trước trò cướp nước của Trung quốc và những việc làm dâng đất cho Tầu của bọn cầm quyền Hà Nội, tưởng còn một chút tự do cho những người yêu nước, thì nay một anh công an dí cha nó con cặc vào: "Tự do cái con cặc".
Bác mà còn sống thế nào mà chả điếng người một phen. Ai đời bác nói mãi mới có một câu nghe tạm được thì bị dí ngay con cặc vào.
Việc dùng những bộ phận không thanh tao mấy của cơ thể để nói lên nghĩa phủ định, hay hạ thấp giá trị của danh từ đi theo sau là lối nói được thấy cả ở Thái, ở Indonesia như tôi đã được mấy sinh viên bạn thời đi học ở chung học xá chỉ cho biết. Trong tiếng Anh cũng có lối nói đó. Hồi ông Carter còn làm tổng thống, những người bất mãn về việc làm của ông cũng dán trên cản xe những chiếc bumper sticker với hàng chữ "President Carter, my ass!" đại khái nghĩa là "Tổng thống Carter con cặc tao này!"
Chuyện văng ra như thế ở Mỹ là chuyện thường. Nhưng ngay tại pháp đình Sài Gòn, một người dám lớn tiếng bầy tỏ thái độ về tự do, điều mà bác Hồ nói là không có gì quí hơn thì ghê quá. Gia đình ông Điếu Cày chỉ nhắc khẽ mọi người rằng tự do quí lắm, như bác Hồ đã nói, do đó, nhà nước nên trả tự do cho những người yêu đất nước Việt Nam. Anh công an liền khẳng định đặt tự do bên cạnh con cặc.
Như vậy, anh gián tiếp nói rằng tự do đáng quí cũng chỉ ngang ngửa như con cặc. Láo đến thế là cùng. Ai đời bác vừa tôn vinh tự do thì công an nói ngay tự do chỉ là con cặc.
Tội nghiệp bác. Con cặc được anh trung tá công an ấn ngay vào miệng bác. Thế thì đúng là bác sống trong quần chúng chứ còn cặc gì nữa!
Nếu như những người nhà của ông Điếu Cày phản đối cô Thanh Phượng con thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được trao mấy chức vụ cao cấp trong khi cô không có bao nhiêu khả năng thì trung tá công an Vũ Văn Hiển văng ra câu "Thanh Phượng cái con cặc", hay "Khả năng cái con cặc" thì đúng. Hay những người biểu tình chống con gái Tô Huy Rứa là Tô Linh Hương mặc đầm, diện giầy đỏ đi thanh tra công trường mặc dù không có bằng cấp quản trị kinh doanh hay xí nghiệp mà trung tá công an văng "Linh Hương con cặc" thì vừa hợp lý vừa xứng………... đôi (?) hơn. Hay gia đình ông Điếu Cày đòi trừng phạt tham nhũng mà Vũ Văn Ước hét "Phạt tham nhũng con cặc" thì đúng, vì tham nhũng vẫn tiếp tục sống hùng sống mạnh ở trong nước. Hay hét vào mặt những người mặc T-shirt có những câu phản đối 4 chữ vàng trong liên lạc Việt Trung thì câu "Bốn chữ vàng con cặc" nghe cũng có lý.
Đằng này tự do mà bác ngợi ca được cho là quí hóa ngang với con cặc thì còn gì láo bằng.
Nhưng mà lại đúng mới là khổ cho nước ta.
Chắc cùng số phận với tự do là độc lập và hạnh phúc. Cả hai thứ ấy cũng đều là con cặc hết, cùng với tự do, nên ngày nay đất nước mới nát bét ra như vậy.

Ngày 4 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Bagel, thứ bánh sau gần ba chục năm sống ở Mỹ tôi chỉ đụng vào có không quá hai lần, và cả hai lần đều để lại những kinh nghiệm không lấy gì đáng nhớ lắm, thì nay lại có thể là thứ sản phẩm có khả năng cứu vãn được hạnh phúc gia đình, giúp giữ cho cuộc sống hôn nhân được lành lặn chăng.
Bagel                                   Pretzel
Bagel, cũng như pretzel, thứ bánh từng suýt đưa phó tổng thống Cheney ngồi vào ghế tổng thống cách đây hơn hai năm khi ông Bush bị hóc (miếng pretzel) gần chết trong một buổi tối ở tòa Bạch Ốc, theo tôi, chỉ là một cục bột nhạt thếch được nướng lên không hơn và nhất định không kém. Vậy mà nó cũng làm say mê bao nhiêu người thì tôi đến nay vẫn không hiểu được. Bagel không thể nào sánh được với bánh mì baguette hay bánh croissant.
Nhưng vài năm trở lại đây, nó bỗng xuất hiện trong menu của McDonald's, của Burger King. Nó được kẹp thêm thịt nguội, hay trứng omelet vào để bớt đi phần nào nhạt nhẽo. Và đó là lần thứ hai tôi thử nó.
Tuy thế, bagel vẫn không thể thuyết phục được người đàn ông Á châu này. Và từ đấy, cũng phải hai ba năm gì đó, tôi và những chiếc bagel không có duyên với nhau nữa.
Hôm nay, đọc báo, tôi thấy nó được nại ra để kiện công ty McDonald's vì, theo đơn kiện tại tòa Panama City, Florida, cuộc hôn nhân của một cặp vợ chồng đã bị nó làm tổn hại trầm trọng. Hai ông bà John và Cecilia O'Hare đến ăn ở McDonald's hôm 1 tháng 2, và chiếc bagel ở tiệm làm hư bộ răng giả của ông chồng, luôn cả cuộc hôn nhân của hai người, nguyên văn:... damaged the husband's teeth and their marriage.
Ông chồng cắn chiếc bagel, hàm răng giả của ông bị gẫy. Và bà vợ, sau chuyến đi ăn ở McDonald's, đã bị mất đi những săn sóc, an ủi, tình thương và tình bạn của ông chồng (... the wife lost the care, comfort, consortium and society of her husband...)
Những chiếc bagel kinh khiếp như vậy đó. Vì nó, người vợ có thể mất đi bao nhiêu thứ tốt đẹp của người chồng. Nó có thể gây ra những tác hại khủng khiếp như thế, chỉ vì ông chồng ghé hàm răng giả cắn vào chiếc bagel nhạt thếch của tiệm McDonald's. Lập tức, chiếc bagel làm gẫy ngay bộ răng giả của ông. Ông chồng trệu trạo nhặt hàm răng lên, dẫn vợ ra khỏi tiệm, kiếm luật sư kiện McDonald's đòi bồi thường vài chục ngàn.
Nhưng tôi vẫn chưa hiểu sự liên hệ giữa cái bagel và những thiệt hại trong cuộc sống hôn nhân của hai ông bà. Cái bagel có thể không ngon, thậm vô duyên nhưng làm sao nó có thể làm hỏng cuộc sống hôn nhân của hai người? Vì nó làm gẫy hàm răng giả? Có thể lắm chứ.
Ông chồng đang có hàm răng giả, tối tối vừa đánh răng vừa tán tỉnh bà vợ đâu có như cái thứ răng lợi còn tốt, đang đánh răng, quay ra nói yêu vợ, chỉ nghe lục ục trong miệng, thuốc đánh răng còn tèm nhẹp trên mặt. Xong việc, ông bỏ hàm răng vào cái ly nước để đầu giường, hai người cùng ngắm rồi mới chìm vào trong giấc ngủ, buồn buồn nâng cái ly lên, lắc lắc mấy cái, hàm răng giả đập vào thành ly kêu leng keng, cần gì phải mua cái phong linh treo ngoài cửa chờ gió Santa Ana thổi nhắng lên.
Ðó là chưa nói đến chi tiết khi đeo hàm răng vào, ông cắn bà, răng giả không cho ông cái cảm giác cắn vào đống thịt nhẽo chẳng hạn. Mất hàm răng giả, bà mất đi bằng ấy thứ thì cuộc hôn nhân làm sao tiếp tục lành lặn về lâu về dài được.
Kiện là phải chứ sao lại không.
Nhưng không ăn những cái bagel vô duyên ấy thì có... khá hơn không? Hình như không thì phải.

Ngày 5 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Nếu quả thật những vụ tiểu giải phẫu mà các y sĩ tại đại học Yonsei ở Hán Thành làm được đúng điều mà những người trả tiền nhờ giải phẫu mong muốn (*), thì tất cả các chuyện diễu có từ lâu nay như mời nhau dùng món “fly lice” (**), nhẩy theo nhạc “lock and loll” … sẽ hết được đem ra kể.
Lúc ấy, từ Thái Lan lên tới Nhật Bản, Hàn Quốc, ai cũng nói rõ và đúng là fried ricerock and roll hết cả, nhờ cắt đi một khúc của phần màng nối liền lưỡi với mặt dưới của miệng (frenulum). Các dân tộc từ trước tới nay lúng búng nói không được âm “r”, phát âm tuốt luốt thành “l” sẽ không còn là những cái đích của trò diễu cợt nữa. Phải chi các dân tộc này sửa được những khiếm khuyết đó, thì chúng ta đã không sai theo mấy ông Tầu, và nhờ đó, romanticism đã không trở thành lãng mạn, Paris đã không thành Ba Lê, Roma đã không thành La Mã, America đã không thành A Mỹ Lợi Gia, Korea đã không thành Cao Ly, Roh Tae Woo đã không thành Lỗ Thái Ngu, Syngman Rhee đã không thành Lý Thừa Vãn …
màng frenulum
Những tin tức từ Hán Thành tuần qua cho biết một số người ở đây đã nhờ cắt bỏ bớt một phần của cái màng frenulum để giúp họ nói tiếng Anh cho đúng giọng hơn. Những người này tin rằng cái màng làm cho lưỡi của họ không cử động được dễ dàng nên không phát âm chính xác được một số âm trong Anh ngữ.
Có thực là khúc màng đó khiến các dân tộc Thái, Hoa, Hàn, Nhật không phát âm đúng một số âm trong tiếng Anh và tiếng Pháp không?
Nếu đúng là như thế, thì chúng ta quả là may mắn. Nước sông, khí trời, cây trái, thịt thà ở Việt Nam mà ông cha chúng ta ăn, uống, hít thở đã khiến cho cơ thể của chúng ta được cấu tạo hơi khác và nhờ đó, chúng ta không găïp phải những khó khăn như dân của các nước bên cạnh.
Nhưng chúng ta không hoàn toàn thoát hết những khiếm khuyết về ngôn ngữ. Chúng ta có thể phát âm đúng nhưng cũng có những người trong chúng ta “chua” lắm, rất cần được uốn lại cái lưỡi như mấy câu ca dao chúng ta nghe đã nhiều lần:
Mồ cha con bướm trắng
Mồ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua…

Nói chua, như thế, là do chuyện cái lưỡi bị uốn theo một chiều hướng nào đó nên kho từ vựng chứa trong cái cổ chỉ giữ lại toàn có những chữ dùng để gây sự và nói những điều giấm cũng thua về mức chua và ngoa.
Nếu vậy, phải chăng bản tin của Reuters đánh đi từ Hán Thành cũng xác định rằng việc lột lưỡi những con sáo để dậy cho chúng nói tiếng người là đúng chăng?
Nếu lột lưỡi những con sáo, những con yểng giọng the thé, lanh lảnh để chúng nói giọng hệt như giọng người, thì lột lưỡi có giúp người phụ nữ trong mấy câu ca dao bớt nói chua đi không?
Chuyện này chắc rồi đây thế nào cũng có người làm. Chờ sẽ biết. Có thể những cái tai dị ứng với giọng của giấm sắp hết khổ.
Còn ở các nước lẫn lộn “l” thành “r” và ngược lại thì có thể sẽ đi đến quá độ vì những giải phẫu nhỏ này. Biết đâu đang từ những dân tộc không nói được âm “r”, mọi người quay ra nói âm “r” tuốt luốt, bạ gì cũng “r” thì sao?
Lúc ấy, mỗi 4 năm, ai còn dám cho các phóng viên Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan sang Mỹ tường thuật bầu cử tổng thống Hoa kỳ nữa.
Nghe các nhà báo tường thuật bầu cử tổng thống - presidential election - cứ “l” đọc thành “r” để tưởng là các ông các bà kể lại hoạt động (?) của ông Clinton thì phiền quá đi chứ…
Nhưng trò lột lưỡi coi bộ hứa hẹn nhiều chứ không ít đâu.
(*) A Short Cut to Better Spoken English / Reuters  (**)Gần 90% những người dân của Thái, Trung Hoa, Nhật, Hàn phát âm “r” thành “l”: fried rice (cơm chiên) thành fly lice (ruồi và chí).