September 27, 2012

September 28, 2012


Ngày 24 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Tờ Japan Times trong một số báo phát hành tuần này cho biết chính phủ Bắc kinh vừa ra lệnh cấm phổ biến các sách báo của Nhật, cấm dịch các sách báo Nhật sang tiếng Hoa và thêm vào đó là lệnh cấm bán các sản phẩm văn hóa của Nhật tại Trung quốc.
Lý do chỉ vì người Nhật dám xuống đường biểu tình chống lại thái độ ngang ngược của Trung quốc trong những xích mích phát sinh từ vụ tranh chấp chủ quyền đất đai giữa Bắc kinh và Tokyo về một hòn đảo mang tên là Sensaku mà Bắc kinh gọi là đảo Điếu Ngư ở phía tây của Okinawa.
Tin tức báo chí cho biết người Nhật, trong những cuộc biểu tình ở thủ đô Tokyo đã mặc những chiếc áo thun có in hàng chữ "Đảo Sensaku không phải là đảo Điếu Ngư" và "Đảo Sensaku là của Nhật Bản". Các cuộc biểu tình đều đã diễn ra một cách ôn hòa. Cảnh sát Nhật không can thiệp, không buộc người biểu tình cởi những chiếc áo thun có in hình những hàng chữ kể trên ra. Cảnh sát Nhật cũng không bắt bất cứ một người biểu tình nào mang nhốt vào trại phục hồi nhân phẩm để giam cả năm trời rồi đưa ra tòa phạt tù nặng nề. Tệ hơn nhất là cảnh sát Nhật không dám đạp vào mặt một người biểu tình chống Trung quốc nào. Nhật lại còn để cho những thành viên của Pháp Luân Công đến biểu tình trước đại sứ quán Trung quốc để chửi cha Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên rồi cũng không hề can thiệp hay cấm cản đoàn biểu tình này.
Chính phủ Bắc kinh cũng rất tức giận vì không có một thủ tướng Nhật nào ký một bức công hàm chó má khẳng định lập trường Nhật cam kết tôn trọng những đường ranh giới biển mà Trung quốc tự ý vẽ ra để Trung quốc có thể ấn vào mồm bọn lãnh đạo phản động Nhật cho chúng nó câm cha nó mồm lại, khỏi bô bô tuyên bố chủ quyền tại đảo Sensaku.
Ngoài ra, khi thấy tầu bè Trung quốc kéo đến vùng lãnh hải của Nhật, chính phủ Tokyo đã không gọi những chiếc tầu này là tầu "lạ" mà gọi đích danh chúng là tầu Ba Tầu. Nhật lại còn không để cho các tầu lạ này gây trở ngại và khiêu khích các tầu đánh của ngư dân Nhật.
Trung quốc còn nhớ nhà cầm quyền Nhật cũng không chịu chi tiền để cho một công ty điện ảnh Trung quốc làm cuốn phim về Amaterasu, nữ hoàng Thái Dương mặc xường xám, để tóc đuôi sam để chiếu cho người Nhật coi cho toàn dân xấu hổ chơi.
Thế nên nhà cầm quyền Trung quốc rất bực bội, bực bội đến nỗi phải cấm luôn cả việc dịch và phổ biến các sản phẩm văn hóa như sách báo của Nhật tại Hoa lục.
Phen này, dân Hoa lục sẽ không còn được đọc sách báo Nhật, không còn được xem Người Phu Xe, La Sanh Môn, Bẩy Người Hiệp Sĩ, Người Ruồi Gieo Máu Lửa, Hiệp Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm, Anh Gắng Nuôi Con … của Nhật nữa.
Nhưng cũng còn may, vì người Nhật vẫn còn được xem phim Tầu chuyển âm sang tiếng Nhật bằng giọng lúc thì ngắc ngứ, lúc thì nói năng như ăn cướp nữa.
Nhưng nếu sau này chính phủ Nhật bầy đặt đưa ra những hạn chế, cấm cản không cho công dân Trung quốc vào Nhật xây nhà cửa mở doanh nghiệp ở với nhau, làm việc với nhau, y sĩ Trung quốc tuồn vào Nhật hành nghề lậu thì người Nhật vẫn có thể sang Việt Nam để xem người Hoa tự do tác yêu tác quái ở nước Việt, tha hồ khai thác các mỏ của quốc gia này mặc tình, chiếm đất đai, hải đảo, sông biển như chúng là mả bố Mao Trạch Đông không bằng.
Người Nhật mê phim Tầu không nên lo nữa. Cứ việc sang California, mở truyền hình Việt Nam ra mà coi là bao nhiêu phim Tầu cũng có hết. Nếu muốn đi du lịch Trung quốc cũng được ngay với giá vé rẻ như bèo, lại được tiếp đãi hết sức tử tế.
Tha hồ, lệnh cấm của Trung quốc không hề được áp dụng tại California. Ở trong nước Việt Nam, việc phổ biến phim ảnh của Trung quốc vẫn được tự do diễn ra, chính là nhờ ở chính sách khôn ngoan của chính phủ ta.
Biểu tình chống Trung quốc thì cho công an đạp vỡ mặt ra. Chống lại chính sách bành trướng cướp đất của nước bạn Trung quốc thì nhốt lại, phang cho vài án tù thật nặng.
Trong khi đó, dân nước tôi tiếp tục tha hồ xem phim Tầu, du lịch Trung quốc, ăn hoa quả trái cây nhiễm độc mua từ Trung quốc. Ở Việt Nam thì người ta bán nông sản, hải sản ngon lành cho Trung quốc để mua lại gà, thịt heo thối của Trung quốc cho cả nước ăn. Phụ nữ Việt vẫn được đem xuất cảng sang Trung quốc, không hề bị hạn chế bằng định số (quota) bao giờ. Chung qui chỉ tại cách hành xử dại dột của chính phủ Nhật mà ra. Nước chúng tôi không làm như Nhật bao giờ. Có gì chúng tôi đưa thằng cha chích dạo sang ôm lấy cái đít béo của Tập Cận Bình hít hà khen thơm phức là yên ngay. Thằng y tá vườn ấy lại được cho về nước cai trị đất nước chúng tôi để cả nước tiến lên làm ngôi sao thứ sáu trên cái "ngũ (xuất) tinh hồng kỳ", cái cờ năm ngôi sao cho thỏa mãn thú tính của cả bọn chó má đang đứng ngồi ở Hà Nội.

Ngày 25 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Trần Thúc Bảo là một ông vua nổi tiếng là hào hoa của thời Nam Bắc triều. Hậu cung lúc nào cũng vang tiếng nhã nhạc với cả trăm phi tần trong cảnh lầu vàng điện ngọc, màn lụa, trướng gấm, cửa giát vàng sáng ngời lộng lẫy.
Nhà vua có hai cung phi mà ông đặc biệt sủng ái là Trương Lệ Hoa và Khổng Quí Tần. Hai người phụ nữ giỏi nghề thơ phú, nhan sắc lại đẹp tuyệt. Cung điện có xây núi Nghinh Phong, có hồ Ngoạn Nguyệt, ngày nào cũng là hội lớn để nhà vua vui với người đẹp, đắm chìm trong hoan lạc. Các nghệ sĩ, thi nhân được mời tới ngâm vịnh cho nhà vua và hai người đẹp thưởng lãm. Những khúc ngâm soạn ra trong những bữa tiệc đó được ghi lại thành những tập nhạc, trong đó có một bài hay nhất nhan đề là Hậu Đình Hoa, nghĩa là những bông hoa ở sân sau để cung nữ đàn hát cho nhà vua nghe. Hậu Đình Hoa là khúc hát bay bướm nhưng cũng hết sức phong tình, dâm đãng.
Nhà vua ngày đêm đắm chìm trong những cuộc truy hoan, lơ là việc nước khiến vua nhà Tùy lợi dụng cảnh suy vi của nhà Trần, đưa quân sang đánh úp vào lúc nhà vua đang say khướt bên các giai nhân. Giặc bắt được đám mỹ nữ tại một cái giếng và đâm chết cả lũ. Trần Hậu quá đau đớn phát điên lên rồi chết.
Sử viết rằng nhà Trần mất ngôi cũng là vì bài Hậu Đình Hoa, bài hát được mô tả là ủy mị, dâm dật.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng có nhắc tới bài ca này. (…Vườn Tây Uyển khúc trùng thanh dạ / Gác Lâm Xuân điệu ngã Đình Hoa…)
Đỗ Mục, một nhà thơ đời Đường trong một đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài (tên khúc sông từ tỉnh Giang Tô chẩy lên phía bắc nhập vào sông Trường Giang) khi nghe vọng từ bên kia sông giọng hát của những người ca nữ hát bài Hậu Đình Hoa đã viết lại cảnh này trong bài thơ nhan đề Bạc Tần Hoài:
Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
Bài thơ này có thể tạm dịch sang tiếng Việt như thế này:
Khói tràn nước lạnh, trăng trên cát
Thuyền ghé Tần Hoài cạnh tửu gia
Kỹ nữ chẳng đau buồn mất nước
Bên sông hát khúc Hậu Đình Hoa
Hôm nay tôi đọc được những bản tin ở trong nước nói là ca sĩ X, ca sĩ Y đã được phép về trình diễn tại Việt Nam. Hiện chưa rõ bao giờ những người này sẽ làm công việc đi về kiếm ít tiền đó. Có thể bạn sẽ nhẩy dựng lên để phản đối. Nhẹ ra thì một hai câu chửi. Nặng ra thì vài chục câu. Nhưng tôi nghĩ bạn không nên nổi nóng như thế. Họ có về thì cũng là để "dzớt cú chót" như một người có thẩm quyền trong việc cho những người này về nước hát đã nói với một tờ báo trong nước. Rõ ràng đây không phải là một phê phán tốt đẹp về người sắp trở về.Thực ra thì cũng đã có một số giọng hát đã về Việt Nam trình diễn và cũng đã phải nói vài ba điều lăng nhăng trong những lần ca hát này, những lời lẽ càng khiến cho xấu mặt chính họ và không có được bao nhiêu sự mến mộ, kính trọng mà những người có liêm sỉ dành cho họ.
Nhưng thôi, tại sao lại phải chờ đợi quá nhiều nơi những người như thế. Có hát thì cứ hát, nhưng không cần phải lôi chính bản thân của mình ra nhục mạ như họ đã làm.
Không biết có ai dám bênh nhạc sĩ Việt Khang được một câu không? Thí dụ nói rằng chỉ hát khi Việt Khang được thả, hay mở đầu chương trình bằng bài Anh Là Ai chẳng hạn.
Hay dành vài ba phút nhớ tới những cái tên Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải? Hay chỉ nói năng lảm nhảm vài câu chửi cha chuyến đi tìm tự do của mình để cho vui lòng bọn chó má?
Chính những câu nói bậy bạ ấy chỉ làm cho mình nhỏ đi mà thôi.
Nhưng có điều tôi không bao giờ phải lo, đó là giọng hát tôi yêu từ suốt mấy chục năm nay sẽ không xin xỏ về nước để hát.
Đó là giọng Thái Thanh. Giọng hát ấy sẽ không bao giờ bỏ chúng ta.

Ngày 26 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Như bạn biết, tôi không mang họ Nguyễn. Tôi không hề căm thù, mà cũng không đặc biệt ưu ái những người mang họ Nguyễn.
Họ Nguyễn là một họ lớn ở Việt Nam, đi đâu cũng gặp họ Nguyễn. Bạn bè của tôi, và những người có liên hệ với tôi cũng có nhiều người họ Nguyễn. Một số người Mỹ có chút ít hiểu biết về Việt Nam thì coi chúng ta, người Việt Nam, ai cũng là họ Nguyễn hết. Nhưng chúng ta cũng không bao giờ thấy bực bội về sự hiểu lầm đó.
Hồi trước năm 1975, trong những chuyến đi ở trong nước Mỹ cũng như ở một vài nuớc khác, khi tìm thấy trong những cuốn điện thoại niên giám ở những trạm điện thoại công cộng dọc đường được một, hai người mang họ Nguyễn như thấy được …người sang, thì tôi liền gọi đến, nhận họ hàng ngay. Và gần như tất cả mọi lần tôi đều được mời về nhà hay cho đi ăn một bữa. Nói vậy để bạn hiểu tôi không có gì chống đối hay coi thường họ Nguyễn, một cái họ cũng đã từng làm vua nước Việt được bao nhiêu đời. Trong khi cái họ của tôi, tổ tiên mang họ Trần, sau khi nhà Trần suy vi, phải đổi thành cái họ ở trên viết bằng chữ "phi", ở dưới viết bằng chữ "y" để giữ lại chút dấu tích … ở trần, không (phi) quần áo (y) của dòng họ.
Hôm qua, nhân vào một trang báo điện tử ở trong nước, tôi tò mò phí thì giờ đọc hết một bài viết vớ vẩn về một phụ nữ trẻ mà tôi không biết cô là người thế nào, nổi tiếng nhờ cái gì ngoài việc dao kéo, bơm hút, căng kéo ở nhiều khu vực trên người, đóng vài ba cuốn phim tôi chưa được coi nên không rõ tài nghệ diễn xuất tới đâu, lập gia đình với một người đàn ông Pháp từng có vài ba cuộc tình lăng nhăng, đã có một hai người vợ và có con ở Việt Nam và ở Thái. Đương sự, người phụ nữ trẻ này, hình như cũng có vài ba tấm ảnh chụp để "lộ hàng" tức là phơi ra một vài khúc của thân thể để đổi lấy sự nổi tiếng. Cô trả lời một cuộc phỏng vấn, kể ra những chuyện chẳng ra đâu vào đâu của cô, về chuyện cô bị người chồng Tây bỏ, nhưng cô vẫn rất kiêu hãnh về con người của cô. Thành tích của cô chỉ có vậy.
Thôi thì cứ kiêu hãnh như thế đi thì cũng chẳng sao, nhưng cô lại nói tiếp một câu khiến người đọc thấy cô sấc láo một cách vô cùng ngu xuẩn. Cô tự cho là một nghệ sĩ có tiếng tăm, chứ nếu cô chỉ là một phụ nữ họ Nguyễn, với cái tên tầm thường như Nguyễn thị Thanh Vân chẳng hạn, có bằng cao đẳng quản trị kinh doanh, nói tiếng Anh ở cấp B… thì chắc cô sẽ chỉ làm thư ký, làm tiếp tân trong một công ty kinh doanh nho nhỏ (nguyên văn) mà thôi.
Nhưng cô không họ Nguyễn, mà họ Phi. Tên của cô là Phi Thanh Vân. Cô nói nếu họ Nguyễn, mà cô nghĩ là tầm thường, không sang trọng và quí phái, thì cho dù có bằng cao đẳng quản trtị kinh doanh, cô sẽ chỉ là một phụ nữ tầm thường, công việc làm nhiều lắm là thư ký cho một công ty nhỏ.
Nhưng cô là Phi Thanh Vân, không có bằng cao đẳng quản trị kinh doanh , nên không làm thư ký tiếp tân cho một văn phòng nho nhỏ, không làm nghề buôn bán để lương khoảng 5 hay 7 triệu một tháng.
Thế thì đáng tiếc cho cô thật. Cô không là những thứ vừa kể trên nên cô theo đuổi nghệ thuật, nhận mình là "một người vô cùng nghệ sĩ" trong lúc bị chồng xù bỏ cho ở lại trong căn phòng một mình với ly cà phê lúc 4 giờ.
Tôi mà là nhà báo phỏng vấn cô, thì tôi phải hét lên cho cô nghe rõ rằng mang cái tên với họ Nguyễn không bao giờ là người đáng phải để cho cô dè bỉu, khinh miệt như vậy. Và nếu người phụ nữ họ Nguyễn đó lại có cái bằng cao đẳng quản trị ở một đại học tử tế thì người phụ nữ họ Nguyễn ấy chắc chắn phải giữ một chức vụ cao quí , xứng đáng nào đó chứ không bao giờ ngồi trong cái văn phòng nho nhỏ như cô nghĩ đâu.
Mà cũng không đến nỗi phải lấy một anh Tây playboy đến Việt Nam dụ dỗ vài ba phụ nữ đâu.
Cô Phi Thanh Vân ơi, cô là cái gì mà dám mở mồm nói ra những lời miệt thị những người không mang họ Phi của cô, những người mang họ Nguyễn như vậy chứ!

Ngày 27 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Một nữ độc giả ở Oregon mới đây có viết cho mục gỡ rối tơ lòng Dear Abby một bức thư khá dài sau khi chấm dứt cuộc sống hôn nhân kéo dài 29 năm với người chồng tệ bạc.
Nàng hình như không ra bờ sông tháo cái nhẫn "ma dê" ném xuống sông như người đàn bà trong thơ của Tú Xương, nhưng quăng cái nhẫn đi thì nàng có làm.
Việc tháo cái nhẫn "ma dê" quăng đi là chuyện dễ, nàng đã làm rồi. Cái nhẫn đã ra đi, đã rời khỏi ngón tay áp út của bàn tay trái, nhưng kỷ niệm của cuộc hôn nhân không hạnh phúc của nàng thì vẫn còn nguyên. Nó vẫn còn nguyên, mà lại rất dễ thấy. Nó là cái vết hằn ở nơi mà cái nhẫn từng ngự trị suốt 29 năm nơi ngón tay đeo nhẫn thì vẫn còn. Cái nhẫn tạo thành một vết cắt rất sâu trên đốt thứ ba của ngón tay. Bản án ly dị đã được tòa ký từ cả năm trước, nhưng vết hằn trên ngón tay thì vẫn còn.
Trong thời gian một năm, nàng đã làm đủ cách nhưng cái vết hằn đó ở nguyên chỗ cũ. Nàng có lên cân nhưng toàn lên ở những chỗ không cần lên. Trong khi cái vết hằn lõm ở ngón tay thì vẫn không chịu đầy lên chút nào.
Phải chi vết hằn trên … lưng con ngựa hoang là một kỷ niệm đẹp thì cũng chẳng sao, nhưng nó lại là nhắc nhớ của một đoạn đời sống không mấy vui nên nàng rất khổ tâm. Nàng cho biết sẵn sàng nhờ đường kim mũi chỉ, con dao cái kéo miễn sao cái dấu tích ô nhục đó không còn nữa.
Dear Abby gợi ý chỉ cần một mũi botox là dấu tích cuộc tình không may đó sẽ ra đi hệt như những vết chân chim quái ác mà thời gian đã để lại trên những khóe mắt, khóe môi của nàng. Đắm đò giặt mẹt. Một công đôi việc. Đến chích mấy lít (?) botox, tiện thể cho cái ngón tay một phát là xong chứ gì.
Kể ra thì cách giải quyết như Dear Abby đề nghị cũng khả dĩ. Nhưng chuyện đi chích botox cũng là chuyện rắc rối, không giản dị chút nào. Vài ba tháng lại phải đi chích lại.
Vậy thì tại sao không nhìn nó bằng một cái nhìn khác? Có cái vết hằn đó thì đã sao? Vẫn đeo cái nhẫn đó trong tay thì đã sao? Càng hấp dẫn chứ. Việc gì phải khổ sở vì nó?
Nhưng tại sao lại phải đeo nó đã? Tại sao không quyết liệt không đeo cái gì trên người ngoại trừ cái đồng hồ? Mà ngày nay, đồng hồ cũng không ai thèm đeo nữa thì đeo cái nhẫn vào tay làm gì?
Ai bắt phải đeo nó? Nếu nhân loại phải đeo nhẫn thì những cái nhẫn đã phải ở trên ngón tay của chúng ta từ lúc chào đời. Thượng đế có đeo nhẫn cho chúng ta đâu mà chúng ta lại làm công việc trái với ý của ngài vậy?
Cứ nhất định phải đeo cái vòng vào ngón tay thì kiếm cái nhẫn tốt nghiệp trung học hay đại học mà đeo cho oai.
Bộ chưa nghe câu … tục ngữ Ăng lê này hay sao? At the wedding, one ring is put on the wife’s finger and the other is put through the husband’s nose.
Vậy thì nàng có cái vết hằn trên ngón tay cũng có chết con ngựa hoang nào đâu!

Ngày 28 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,

Từ suốt mấy chục năm nay, tôi vẫn lái xe đi làm mỗi ngày, nhưng bạn cũng hiểu rằng không ai có thể lái xe từ nhà đến thẳng bàn giấy mà không phải đặt chân xuống đường, không phải băng ngang qua đường, có khi ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, có khi ở những chỗ không có đèn lưu thông.
Tôi phải băng ngang qua đường từ bãi đậu xe vào sở, và trong ngày, thêm vài ba lần để đi ăn trưa, đi mua báo, và buổi chiều trở lại chỗ đậu xe để lấy xe đi về nhà.
Chuyện băng ngang qua đường là việc làm thường xuyên của tôi mỗi ngày. Hơn năm mươi năm nay, ở Việt Nam, cũng như ở những thành phố khác ở ngoài Việt Nam, mỗi ngày tôi đều phải làm công việc đó, ngoại trừ trong những ngày ốm đau sầu não liệt giường liệt chiếu, lết vào buồng tắm còn khó, nói chi đến chuyện ra đường thì phải thôi. Suốt bằng ấy năm, tôi không bao giờ gặp bất cứ một khó khăn nào khi băng ngang qua đường.
Bài học ông cụ dậy cho về cách băng ngang qua đường hồi còn bé ở Hải Phòng, rồi ở Hà Nội: nhìn kỹ hai chiều xe trước khi bước xuống đường, cẩn thận để tránh xe, đừng bao giờ nghĩ là xe sẽ tránh mình. Cho đến nay, chân tay vẫn toàn vẹn là nhờ bài học quí giá đó.
Chuyện phải băng ngang qua đường mỗi ngày, có lẽ ai cũng phải làm. Ngoại trừ Andrei Gromyko, bộ trưởng ngoại giao Liên Xô, trong suốt nhiều năm không hề biết cái mặt đường là gì, vì chàng được xe đưa tận cửa, xe rước tận nhà để đi tới sở làm như một bài báo viết về chàng trên tờ Newsweek đã lâu.
Là người kinh nghiệm đầy mình về chuyện băng ngang qua đường như thế nên tôi rất bực Ann Landers khi đọc câu trả lời của nàng trên báo sáng nay. Một độc giả viết cho nàng, nói rằng bà rất không ưa chuyện chiếu giường, bà ghét cay ghét đắng sinh hoạt mà bà mô tả là messy (bẩn thỉu, nhớp nhúa, bầy nhầy, mất trật tự, bừa bộn, không thứ tự... ). Và đó là chưa kể đến những điều lệ, qui luật về sex cùng với những nguy hiểm đi kèm với hoạt động này.
Ann Landers, trong phần trả lời, có chia buồn với bà độc giả vì bà không tìm được lạc thú trong hoạt động phong phú (rich) và đem lại nhiều đền đáp (rewarding) đó.
Nhưng Ann Landers nói thêm rằng chuyện sex có đi kèm nhiều nguy hiểm thật, nhưng việc đi qua đường cũng thế.
Ann Landers tầm bậy là ở chỗ đem việc băng ngang qua đường của tôi để so sánh với chuyện sex. Ann Landers không còn có thể sai lầm hơn là nàng đã sai lầm trong câu trả lời này.
Chuyện sang đường là một chuyện có những nguy hiểm của nó, nhưng không thể so sánh với sex như Ann Landers đã nói được.
Làm đúng theo lời chỉ dậy của ông cụ tôi, của luật giao thông thì không thể nào thình lình một chiếc xe vận tải 18 bánh lao đầu, đâm rầm vào người bộ hành. Chúng ta phải thấy nó từ trước. Tiếng máy diesel, mùi khói khét lẹt cùng với tiếng còi xé tai của nó... chúng ta nhất định phải nghe, phải ngửi thấy trước hàng vài ba chục thước. Và chiếc xe 18 bánh kéo theo chiếc rờ moọc cũng không bao giờ nhắm người đi đường vô tội mà đâm vào. Những chiếc xe hung hãn này cũng không bao giờ leo lề kiếm người bộ hành mà cán. Chúng lại càng không theo những người bộ hành này vào tận phòng ngủ của họ.
Và nếu có làm những việc vừa kể, và cán xong được những người bộ hành khốn khổ đó, thì những chiếc xe vận tải 18 bánh đó sẽ bị đưa ra tòa kiện tan xác, bắt bồi thường cho nạn nhân chết luôn.
Không bao giờ có chuyện chiếc xe vận tải 18 bánh vác đơn đi kiện người bộ hành mà nó cán gần chết đó.
Cán xong người bộ hành, chiếc xe 18 bánh cũng không lôi thuốc lá ra hút, nhìn lên trần nhà thưởng thức khói thuốc mặc cho nạn nhân nằm lăn lộn bên cạnh. Chiếc vận tải 18 bánh quái ác ấy cũng không bắt nạn nhân quay sang, vòng tay ôm lấy, nói rằng rất yêu giàn máy 20 xy lanh, 60 van, 450 mã lực, 18 vỏ Michelin, fuel injection vân vân nhất cõi đời...
Và nhất là cho dù có bị chiếc xe 18 bánh máy diesel cán bẹp ruột, nạn nhân, khi tỉnh lại trong bệnh viện cũng không bao giờ thấy chiếc xe oan nghiệt đó đến bên giường, dắt theo một chiếc xe vận tải nhỏ, đòi nạn nhân trả tiền mua xăng diesel cho nó.
Như thế thì việc đem chuyện băng ngang qua đường để ví von, so sánh với sex như Ann Landers làm là sai bét, bậy bạ không để đâu cho hết.
Không thể tha được. Hai chuyện khác nhau như ngày và... đêm ấy chứ!