September 13, 2012

September 14, 2012

Ngày 10 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Tháng 9 đã qua được hơn một tuần. Những người tự nhận và cũng có thể đó là những người được (nhiều người) coi là có thẩm quyền về thời trang, những người mà người Mỹ gọi là fashion police, nói rằng sau tháng 9, không ai còn mặc quần áo trắng ngoại trừ các y tá làm việc tại các bệnh viện, cho đến mùa hè sang năm . Nhưng điều đó dường như cũng không còn đúng nữa.
Gần hai năm trước, trong chuyến vào bệnh viện để được mổ by-pass, tôi biết được điều đó. Các cô y tá làm việc trong bệnh viện không mặc đồng phục trắng như hình ảnh từ nhiều năm, tôi vẫn có trong đầu nữa. Thay vì những chiếc áo trắng, họ mặc những chiếc áo gọi là scrubs. Đó là những chiếc áo, không phải là mầu trắng nữa, mà là những mầu khác, có khi còn là những chiếc áo in hình hoa rất vui mắt.
Vì thế, mầu trắng vẫn chỉ còn tiếp tục được mặc bởi các tay chơi rẻ tiền ở Địa Trung Hải và các ông trùm Mafia sau tháng 9.
Những chiếc áo mầu khác hơn là mầu trắng của những người làm việc trong bệnh viện làm cho không khí ở bệnh viện có đổi khác. Nó không còn lạnh toát, "vô cảm", thuốc men như trước nữa. Trong vài ba lần đi ăn trưa ở mấy tiệm ăn gần một bệnh viện ở thành phố tôi đang sống, tôi thấy có những người mặc nguyên đồng phục của bệnh viện, những cái scrubs đến ăn trưa. Tôi nghĩ có thể họ không có nhiều thì giờ để thay quần áo nên cứ mặc nguyên những chiếc scrubs đi ăn cho tiện. Nhưng tôi nghĩ những người ấy trở lại bệnh viện để lấy máu, đo nhiệt độ cho bệnh nhân cùng với những chiếc áo còn đầy mùi tiệm ăn với mỡ hành, mùi dầu chiên xào đồ ăn thì phiền quá.
Thời gian ở các tiệm ăn, ngoài không khí mỡ màng bám vào áo, biết đâu còn đi theo những chiếc áo trở lại nơi làm việc là những con vi trùng vô cùng mất dậy để nhẩy sang bám lấy các bệnh nhân thì sao. Đã chắc gì những người này khi trở về bệnh viện sẽ thay những chiếc áo mới, sạch sẽ trước khi làm việc trở lại với các bệnh nhân.
Đó là chưa nói đến chuyện những chiếc áo đó có thể mang vi trùng đến tiệm ăn tặng cho các thực khách mấy chục ngàn con mang về làm kỷ niệm.
Nhưng tại một tiệm ăn khác, tôi lại được thấy, không phải một lần, mà vài ba lần, một chiếc áo scrubs đi ra, đi vào tận nhà bếp để, theo một người bạn cho biết, nấu nướng cho tiệm. Những người khác đi cùng cũng cho biết như thế. Tưởng tượng người y sĩ ấy từ phòng khám bệnh hay phòng mổ của nhà thương đi thẳng tới tiệm ăn, rồi vào thẳng nhà bếp để nấu nướng, thì phiền cho thực khách biết bao nhiêu. Những người làm công việc nấu nướng tuy có thể không phải lúc nào cũng sạch sẽ, vệ sinh lý tưởng từ nhà, từ ngoài đường, trong chợ ... đến nhà bếp để nấu nướng, nhưng có thể những nơi ấy vẫn sạch sẽ hơn là những cái phòng khám bệnh, những phòng mổ của nhà thương.
Mấy năm trước, một bài viết đọc được trong internet nói rằng các y sĩ không nên đeo ca vát đến bệnh viện vì những cái ca vát là những thứ bẩn nhất sau khi những người đeo chúng ra vào bệnh viện nhiều lần. Chúng ta giặt quần áo mặc trên người thường hơn là giặt ca vát. Những chiếc ca vát mà còn bẩn như vậy, huống chi là những cái scrubs. Dẫu sao những chiếc ca vát cũng không tiếp xúc với bệnh nhân và vi trùng nhiều và trực tiếp như những cái scrubs.
Không hiểu người đàn ông ấy nghĩ sao mà lại mặc nguyên cái scrubs của bệnh viện tới nấu nướng trong bếp của nhà hàng (hình như là của ông). Đó là trường hợp ông đến thẳng tiệm ăn. Nhưng nếu ông lấy một chiếc mới để mặc vào trước khi tới tiệm ăn thì điều đó cũng không làm cho thực khách yên bụng chút nào. Điều đó làm cho ông trông không professional bao nhiêu.
Nếu một vũ nữ nhẩy strip-tease không đi hầu tòa bằng hai ba miếng vải nhỏ dán trên người, ông tòa không mặc nguyên chiếc áo đen đi ... hát cô đầu thì những cái scrubs nên để lại bệnh viện thì hơn chăng?

Ngày 11 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Tôi còn nhớ mãi một bài học lịch sử mà tôi phải học thuộc lòng hồi ở lớp 3 tiểu học. Bài học ấy cùng với bài đức dục và bài cách trí mà tôi đã ra rả tụng trong suốt một buổi trưa để đọc cho ông bố tôi trước khi được phép đi học. "Luật bất thành văn" là không thuộc bài thì không được đi học, lại còn quắn đít lên với hàng chục chiếc roi mây nữa là khác.
Tôi nhớ mãi bài lịch sử ấy có câu "Lê Long Đĩnh tức là Lê Ngọa Triều vì dâm dục quá độ nên phải nằm mỗi khi ngự triều..." Tôi trả bài cho ông bố tôi xong rồi thì quay lại hỏi ông rằng "dâm dục" nghĩa là gì. Ông bố tôi trả lời rằng "lớn lên con sẽ biết".
Đó cũng là câu trả lời thỉnh thoảng tôi lại bị ném cho mỗi khi tôi ... thắc mắc nhiều (?) quá với ông bố tôi.
Tôi hiểu (về sau khi đã lớn lên) có thể đó là những câu hỏi mà "ông giáo Bảo" ở nhà không tiện trả lời (như câu hỏi về cái tính của ông vua nhà Lê). Hay có thể là những câu mà ông có cố gắng giảng tôi cũng không thể hiểu được (về máy bay phản lực mà tôi đọc trên báo chẳng hạn). Hoặc giả cũng có thể câu hỏi không có ích lợi gì, như chuyện mua họ (chơi hụi) của mẹ tôi và rất nhiều những thắc mắc vớ vẩn khác của tôi.
Rồi mấy chục năm sau, đến lượt con tôi hỏi tôi về hòa đàm Paris khi nó 5 tuổi, hồi năm 1973. Câu trả lời của tôi đưa ra cũng lại là "lớn lên con sẽ biết".
Nhưng cũng có những câu hỏi, những thắc mắc cần được giải thích, cần phải được nói rõ ngay ra, không cần phải đợi "lớn lên" sẽ biết sau được.
Một cuốn sách giáo khoa cho các học sinh cỡ tuổi của tôi hồi mấy chục năm trước, cuốn Tiếng Việt lớp 3 đã buộc những người có thẩm quyền cũng như trách nhiệm quay ra né tránh một cách ngu xuẩn như mấy bài báo trong nước vừa cho biết. Cuốn sách vừa ra đời thì nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao tác giả cuốn sách đã rất mơ hồ, hay nói thẳng ra là không dám nói ra sự thực, cho dù đó là sự thực lịch sử mà hồi bằng tuổi các học sinh tiểu học ở trong nước ngày nay, chúng tôi đã biết, đã được dậy kỹ. Một bài viết trong cuốn sách đề cập đến cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng nhưng lại không nói rõ hai bà đánh giặc nào. Người viết đã cố tình né không dám viết là hai bà đánh giặc Hán. Khi có nhiều ý kiến thắc mắc về việc né tránh đó, tác giả cuốn sách là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết đã phải viết một bài đăng báo để giải thích. Ông Thuyết nói rằng việc nêu hay không nêu tên giặc Hán là "chuyện nhỏ". Người viết nói rằng các học sinh sẽ được giảng rõ hơn ở các lớp khác, hay nếu không, các em cũng có thể được thầy cô hay phụ huynh ở nhà giải thích. Vẫn theo ông Thuyết, các học sinh (lớp 3) cũng có thể vào internet hay đọc các sách vở khác để hiểu.
Nhưng sách của ông viết thì ông không nhắc tên giặc Hán. Muốn biết thì tự tìm hiểu lấy, hay về nhà hỏi cha mẹ cũng được.
Thế thì viết sách giáo khoa làm con mẹ gì? Đâu phải ai cũng ngu xuẩn và hèn nhát như ông giáo sư tiến sĩ viết sách giáo khoa?
Hơn nửa thế kỷ trước, ở một lớp tiểu học ở Hà Nội chúng tôi đâu có phải tự tìm hiểu hay đi hỏi người nhà để học thêm. Chúng tôi được dậy thật rõ: hai bà Trưng đánh giặc Hán từ Tầu kéo sang đô hộ nước ta. Ngô Quyền, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đều đánh Tầu, chỉ tên của các triều đại là khác, còn thì tất cả đều là Tầu hết. Độc lập là phải như thế. Khoe là độc lập, tự do mà đụng vào cái mả mẹ Trung quốc là không dám thì độc lập cái con chó gì.
Giáo sư tiến sĩ gì mà dốt và hèn đến như thế? Mà thôi, tầu của Ba Tầu vi phạm hải phận, hiếp đáp ngư dân Việt Nam ngay trong lãnh hải Việt Nam mà bọn chó dại chỉ biết câm mồm liếm cứt bọn Tầu, phải gọi đó là những "tầu lạ", không dám gọi đích danh chúng nó ra thì sá gì cái thứ giáo sư tiến sĩ vừa dốt vừa hèn như Nguyễn Minh Thuyết.
Chỉ tội cho tuổi trẻ Việt Nam bị cái thứ xuẩn động như thế dậy dỗ, giáo dục để thành những thứ nô dịch mới trong tương lai.

Ngày 12 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Trang quảng cáo có hình ba phụ nữ đứng quay lưng về phía người đọc. Cả ba đều mặc những chiếc quần bó rất sát, bầy rất rõ những khu vực của cơ thể mà nhờ đó, Jennifer Lopez được nói đến rất nhiều.
Chạy gần suốt chiều ngang của trang báo, là hai hàng chữ nguyên văn như thế này: When you feel this clean, you're confident enough to wear anything. Khi bạn thấy sạch sẽ như thế này thì bạn cũng đủ tự tin để mặc bất cứ gì.
Nếu chỉ xem bức hình, rồi đọc hàng chữ chạy ngang trang báo, thì khó mà có thể đoán nó quảng cáo cho sản phẩm gì. Cái sơ mi lụa trắng khó giặt? Không sạch sẽ, mặc nửa buổi là cái cổ đen xì, làm sao tẩy hết được bụi trần? Cứ mỗi lần mặc, lại giặt khô một lần, giặt mười lần thì bằng giá mua của cái áo mới chăng? Hay là quảng cáo bột giặt? Giặt giũ sạch sẽ rồi thì mặc gì chẳng được. Cứ mặc rồi đem giặt là lại sạch ngay. Ðói cho sạch, rách cho thơm! Hay những dòng chữ được dùng để dậy cho người đọc câu tục ngữ Việt Nam đó?
Nhưng ngó xuống cuối trang báo, thì người ta biết ngay thứ sản phẩm được quảng cáo: những cuộn giấy tròn không thể thiếu trong những cái buồng tắm. Bức hình được dùng để quảng cáo cho những cuộn giấy đi cầu.
Mặc dù bức hình cho thấy ba người phụ nữ đi những đôi dép rất đẹp. Nhưng rõ ràng là sự sạch sẽ mà quảng cáo nói đến không hề là ở nơi những bàn chân của ba cô mặc dù đó là những bàn chân sạch.
Ai lại dùng giấy Cottonelle để lau... chân bao giờ?
Những cuộn giấy tròn đó chỉ được dùng để làm sạch một vùng duy nhất của cơ thể. Không phải là hai cánh tay rất sạch và trắng của người phụ nữ đứng giữa.
Không cần phải là khoa học gia hoả tiễn cũng có thể biết đó là vùng nào, khu vực nào, như một lối nói của người Mỹ. Quảng cáo nói rằng những cuộn giấy đó khi dùng cùng với những tờ giấy được làm ẩm sẵn (pre-moistened) sẽ cho người dùng một cảm giác sạch sẽ hơn.
Tôi rất biết ơn sản phẩm của công ty Cottonelle từ khi sang sống ở Bắc Mỹ và trong suốt bằng ấy năm, bao giờ cũng vẫn chỉ trung thành với Cottonelle, không bao giờ đụng tới White Cloud hay bất cứ một thứ sản phẩm nào khác. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự hữu hiệu của Cottonelle. Biết ơn nó mỗi lần xé những tờ giấy đôi ấy, vì biết rằng không có nó, làm sao bộ sách Hồ Chí Minh Toàn Tập tiếp tục còn nguyên không mất trang nào và được đặt trong tủ sách ở nhà từ bao nhiêu năm nay. Cottonelle là cứu tinh của Hồ chủ tịch, làm sao tôi quên được điều đó.
Nhưng có cần phải quảng cáo cho nó bằng bức hình đầy những gợi ý kinh khủng đó không? Chắc chắn là không. Cottonelle là một cái tên ai cũng biết, nếu sống ở Mỹ và Canada. Dùng nó để làm gì thì không ai là không biết. Vậy nên nó làm cái khu vực nào sạch trong cơ thể chúng ta, cũng không còn là điều cần phải đem ra nói cho rõ nữa.
Nhưng những người trong công ty Cottonelle đã thấy cần phải nói lên điều ấy. Thật là thô bỉ và tệ lậu vô cùng.
Cũng may mà Cottonelle không sản xuất những thứ mà phụ nữ phải cần đến mỗi tháng vài ba ngày. Nếu Cottonelle sản xuất những sản phẩm này thì quảng cáo của họ sẽ như thế nào?
Cũng phải kín đáo một chút chứ.
Thỉnh thoảng vào siêu thị, có mua mấy cuộn Cottonelle thì cũng cẩn thận để xuống dưới, che lại bằng Coca Cola, Heineken, trái cây chứ ai đời mua cả chục bịch rồi nghều nghễu đẩy xe ra quầy tính tiền như thể muốn khoe cho cả chợ biết rằng tui tuy có một mình nhưng mà dùng nhiều Cottonelle lắm à nha... sạch kinh khủng đấy nhá... không tin thì coi... tôi mua bằng này cuộn đây nè!
Xem xong cái quảng cáo Cottonelle làm sao người ta không thể không nghĩ đến những cuộn giấy mỗi khi ra đường trông thấy những thứ từng làm cho Jennifer Lopez nổi tiếng cho được?
Chán ghê vậy đó.

Ngày 13 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Nữ hoàng Victoria của nước Anh (1819-1901) là một bà già khó chịu, mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, cái quạt phành phạch trên tay, có điều gì phật ý là lại vênh mặt lên nói một câu nhớ đời, không một ai là không từng nghe : "I am not amused." Tao không vui.
Bà trị vì (từ năm 1836) vào lúc nước Anh còn là một đế quốc hùng mạnh, câu "The sun never sets on British Empire " (mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh) là để nói đến đế quốc Anh thời Victoria.
Nhưng điều mà nhiều người nhớ đến nhiều nhất về triều đại Victoria là cái thái độ đạo đức cứng ngắc và lạc hậu về đời sống tình dục của người Anh trong những năm bà ngồi trên ngai vàng.
No sex, we are British là câu người Anh vẫn đùa nói với nhau mỗi khi nhắc đến sự thiếu cởi mở trong những năm đó. Giữa một Âu châu còn sót lại những thái độ như vậy về tình dục của thời Victoria thì Sigmund Freud quả là đã làm chấn động với tâm lý học với những tư tưởng táo bạo của ông.
Mọi người sẽ tưởng Victoria là người mỗi khi Albert, ông chồng người Ðức của bà chui vào giường buổi tối, bà chỉ biết nhắm mắt lại và nghĩ tới nước Anh, mong cho mọi chuyện xong càng sớm càng tốt. Nhưng những tiết lộ sau khi bà qua đời cho thấy thực ra, nữ hoàng Victoria không phải lúc nào cũng "close the eyes and think of England " như lời các bà mẹ dặn dò con gái khi đi về nhà chồng.
Bà và Albert có với nhau 4 hoàng tử và 5 công chúa. Vậy thì Victoria và Albert cũng bận rộn lắm đấy chứ.
Nhiều sử gia cho rằng nữ hoàng không biết sì tin, sì tẩy gì hết, cứ nhắm mắt và nghĩ tới nước Anh mà thôi, nghĩa là rất cù lần về chuyện chăn gối với Albert.
Một chi tiết về Victoria mà tôi đọc được mới đây cho thấy có thể Victoria biết nhiều hơn là lịch sử vẫn nói. Có thể bà cũng sì tin sì tẩy chứ không cù lần như các sách vở vẫn nói. Nhất là sau khi Albert chết, theo những tiết lộ của những người biết chuyện, bà cũng có một liên hệ với một người đàn ông khác trong triều, rất giống liên hệ giữa Constance, bà bá tước và người làm vườn trong cuốn Lady Chatterley's Lover của D.H. Lawrence.
Intimate handwritten letters from Queen Victoria, in which she reveals her grief at the death of John Brown
Queen Victoria with John Brown in 1868. There was unease in court circles about their friendship
Năm 1860, Victoria ra một sắc lệnh nói rõ rằng những ai không có vợ thì không được cho gia nhập đội ngự lâm Her Majesty's Rifle Corps. Lý do là theo lời nữ hoàng, những người đàn ông có vợ, có đời sống vợ chồng bình thường, bắn giỏi hơn những người đàn ông không có vợ (... normal married life improves a man's marksmanship... )
A điều đó bây giờ tôi mới được nghe. Hồi đi học quân sự, hình như điểm bắn của tôi dở lắm. Nhưng tôi vẫn tưởng chuyện bắn dở của mình là do hai cái đít chai Coca gây ra. Bây giờ mới biết là không có vợ bắn dở ẹc. Có vợ bắn mới giỏi, mới trăm phát trăm trúng. Không có vợ là lại bắn chỉ thiên trúng người như nhân dân tự vệ ở đầu đường ngay.
Albert, chồng của Victoria không phải là một quân nhân. Không thấy sử sách nói gì về những chiến công của ông nhưng chắc ông là tay súng có hạng. Ðây nhé, ông có vợ, vợ lại là nữ hoàng Anh, người cai trị cả một đế quốc rộng lớn nhất thế giới thời ấy. Ðó là một điều đảm bảo ông bắn rất giỏi. Ông lại chăm chỉ, cần mẫn với vợ: hai người có với nhau 9 con vừa trai vừa gái.
Tưởng tượng Victoria đã được Albert thì thầm vào tai 9 lần rằng chàng bắn trúng mục tiêu thì Victoria phải đi đến kết luận rằng các xạ thủ có vợ bắn giỏi hơn các xạ thủ không có vợ.
Chuyện đó dễ hiểu. Văn ôn, võ luyện. Ngày nào cũng vác súng ra xạ trường tập tác xạ thì bắn phải giỏi, phải trúng chứ. Không có xạ trường, không dùng súng thường xuyên, lâu lâu mới bắn được một phát thì làm sao mà bắn giỏi được.
Kinh nghiệm máu xương (?) thì nói phải đúng chứ. Nhưng tại sao lại có câu "I am not amused" lôi ra mà nói hoài vậy?
Hay Albert cũng có lúc "bắn súng không nên phải đền đạn"?

Ngày 14 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Theo một cuộc nghiên cứu của một đại học, trung bình mỗi ngày, một người đàn ông, từ sáng đến tối, nói khoảng 2000 chữ. Trong khi đó, một phụ nữ trung bình, cũng chỉ từ sáng đến tối, nói chừng 5000 chữ.
Như vậy là có những chênh lệch thấy rõ trong số lượng tín hiệu của hai đài phát thanh.
Vài chục ngàn năm trước, khi người đàn ông bình thường và khỏe mạnh buổi tối trở về hang đá sau một ngày rượt theo, bắt hụt mấy con nai, cầm cái chầy vồ quăng vào góc, ngồi xuống bên ngọn lửa cháy bập bùng nổ lách tách, mắt ngó đăm đăm vào đống than hồng, thỉnh thoảng gãi sồn sột, gục gặc vài tiếng trong khi má sấp nhỏ ngồi khâu mấy miếng da thú bên cạnh nói huyên thuyên về con mụ ở hang bên cạnh mới có khúc xương của chồng tặng để đeo vào mũi cho tăng nhan sắc thì người đàn ông tiền sử, không nói năng chi hết. Nhưng ông cũng không hề tỉnh bơ người đàn bà như nàng có thể nghĩ. Người đàn ông đó chỉ mắc cái tội ít nói mà thôi. Lúc đó, số chữ mà ông ta nói ra không phải là 2000, có thể chỉ là 200 vì ngôn ngữ loài người chưa phát triển để có nhiều chữ cho chàng nói. Tán nàng, nhiều lắm chỉ đại khái mấy câu như: "Mày coi ngon như miếng thịt bò rừng bê bết máu", là cùng. Nhưng nàng hoàn toàn vui vẻ với bằng ấy chữ ít oi của chàng.
Nhưng bây giờ, về đến nhà, sau khi quăng cái ca vát lên ghế, gieo mình xuống chiếc ghế Lazyboy, tay cầm cái hộp viễn khiển truyền hình bấm hết đài Fox, lại CNN, qua MSNBC... để theo dõi tin tức  thì người đàn ông của thế kỷ 21 lập tức bị đổ cho cái tội kinh khủng là không còn "quan tâm, lưu ý gì đến con gái già này nữa"...
Mẹ cháu không hề hiểu rằng bố cháu lúc về đến nhà thì đã hết chữ để nói sau khi dùng hết 2000 chữ ở ngoài đường (để chửi mấy đứa lái xe khốn nạn, đổi lane không thèm ra hiệu, cắt ngang trước đầu xe bố cháu), ở sở để nói phải quấy với các xếp trai cũng như xếp gái (vừa xí trai, vừa xí gái, lại dốt nát, lười biếng, trốn việc, thù vặt, nhỏ nhen, bần tiện,) các đồng nghiệp (ăn nói nhăng nhít, ngớ ngẩn, cười khục khặc như đười ươi Borneo, lâu lâu bơm nước hoa gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống của cả sở, nhan sắc làm bạt vía cả những người đàn ông hết ham sống và liều lĩnh nhất) thì làm sao còn chữ đâu để mà nói với mẹ cháu nữa.
Trong khi đó thì mẹ cháu cũng đâu có ăn nói kiểu như:
... Nói đi em, lời tự tình thánh thót
Hẹn ngàn năm trong một phút êm đềm
Lời tự tình, em hãy nói đi em
Lời tình tự cũng là lời bỡ ngỡ.
..

Mà ông Ðinh Hùng đã viết một cách sai bét như trong Ðường Vào Tình Sử.
Luôn luôn là cảnh mẹ cháu dùng chân đá cho cái ghế một cú, tay chống vào mạng sườn, hất hàm: "I want to talk! Are you listening to me? Anh nghe tôi nói gì không?... Anh không thể là người Việt trầm lặng với tôi như thế. Bộ anh tưởng anh là Graham Greene hay sao? Tôi đã chán cái silent treatment của anh lắm rồi. Tôi muốn được đối xử như một người. Anh nghe chưa? Anh mở miệng ra nói chuyện với tôi coi. Tôi nói phải có người trả lời hiểu không? Bộ anh lại quay ra đóng vai bức tường Bá Linh sao? Tôi không muốn nói chuyện với bức tường anh hiểu không? Anh làm ơn cho tôi biết tại sao mấy hôm nay điện thoại reo, tôi nhấc máy lên thì con đĩ đầu bên kia bỏ máy xuống? Nó là con nào? Nó không trả lời nhưng tôi thừa biết nó là con đĩ. Tôi không ngu như nó và anh nghĩ đâu....Bla bla bla bla bla bla bla ( chữ thứ 4998) bla bla ( chữ thứ 5000)...
Im lặng được trả lại cho làng xóm. Mai nói tiếp. Người đàn ông vươn vai đứng dậy ngó người đàn bà và nói: "Anh yêu..." (đến đây, chưa hết câu, còn thiếu cái túc từ "em" nữa thì đó cũng là chữ thứ 2000, chữ cuối cùng trong ngày, không thể nói thêm được nữa. Hú vía).
Cả hai đều đã hết chữ nói với nhau. Ðúng hệt như cuộc nghiên cứu cho thấy.