Ngày 17 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Theo luật Sharia của Hồi giáo, bộ luật được áp dụng triệt để ở Ả Rập Xê Út, các phụ nữ ở vương quốc dầu hỏa này bị cấm tuyệt, không được cho ra ngoài làm việc ở những nơi công cộng.
Luôn cả các việc làm tại các cửa hàng, các cơ sở thương mại đều không được dành cho các phụ nữ. Lý do là vì khi làm các công việc đó, phụ nữ sẽ phải có những tiếp xúc với những người đàn ông không phải là người trong gia đình. Và đó là điều cấm kỵ. Mùa màng phải được bảo vệ bằng mọi giá. Đất ta, ta cầy, ruộng ta, ta cấy.
Luật nói rõ phụ nữ khi ra đường phải đi với (những) người (đàn ông) trong gia đình. Không là chồng thì phải là anh, em, chú bác, hay con trai. Tóc phải che lại, không để cho đứa khác dòm. Áo quần kín mít từ đầu đến chân. Hở cái mắt cá chân ra cũng là không được. Vì thế, chị em không sợ bị những người đàn ông khác ... thưởng thức nên cứ ăn uống thả giàn, tha hồ béo phì ra như những con chút chít. Có đua đòi mặc cái quần jean thì cũng vẫn phải có cái hijab đen xịt che lại. Về nhà, chồng muốn coi thì mới cởi (cái hijab) ra cho coi.
Cũng chính bởi thế, tôi cứ nghĩ rằng các nàng không cần kiểu cọ gì nhiều, bất quá lấy mảnh vải quấn khúc trên, khúc dưới lại cũng được chứ ai mà biết được các chị cũng thích ưỡn ẹo bằng những sản phẩm của Victoria’s Secrets.
Một bài báo của tờ Daily Telegraph xuất bản ở Luân Đôn vừa cho tôi biết điều đó. Và cũng nhờ bài báo vừa kể nên tôi mới biết luật Sharia đã gây khó xử cho không ít những người đàn ông ở Ả Rập Xê Út, và chắc chắn, luôn cho cả những người đàn ông ở các xứ Hồi giáo khác.
Đây nhá, luật Sharia cấm đàn bà đi làm ở bên ngoài, thì lấy ai bán hàng đây? Thì đàn ông chứ ai!
Đàn ông ở Ả Rập Xê Út phải lãnh hết. Thế là các chàng phải đứng bán hàng, bán đủ các thứ hàng quần áo, đồ chơi, xe cộ... Và dĩ nhiên là đàn ông cũng phải (?) làm việc tại các tiệm bán quần áo phụ nữ, kể cả các thứ quần áo lót phụ nữ. Đàn bà Ả Rập Xê Út đến các tiệm bán quần áo lót phụ nữ để mua các món phụ tùng đều phải gặp những người đàn ông bán hàng tại đây. Các chàng sẽ cho ý kiến, có khi còn gợi ý cho các loại kiểu cọ cho khách. Nào là push-up, khóa đằng trước, khóa đằng sau, sợi mì (?) spagetti, các loại "cup" khác nhau vân vân. Thế thì luật Sharia hại mấy anh chồng rồi còn chi. Đã không muốn những người đàn ông khác ... thấy vợ mình thì luật cấm phụ nữ đi làm bên ngoài lại gián tiếp cho những tên đàn ông khác thưởng lãm tài sản của mình thì có buồn không. Đâu phải phụ nữ nào cũng có thể bay qua những nước khác để "shop" như vợ con cán bộ nhà nước Hà Nội. Chả nhẽ cứ đo lấy, rồi khum khum bàn tay lại, chạy bay ra tiệm bán "nội y" rồi nhờ người ... coi tay, đoán hộ cho chữ A hay chữ B, hay chữ ...F.
Làm như thế thì thảm họa còn ghê khiếp hơn là những chi tiết báo Mỹ vẫn viết chình ình trên các quảng cáo: 80% women in the U.S. wear the wrong size (bras)! Nguy hiểm còn hơn cả chữ " tác" đánh chữ "tộ", chữ "ngộ" đánh chữ "quá", chữ A (?) đánh chữ C (?) chẳng hạn.
Không thể tiếp tục để cho những đứa đàn ông khác coi của các cậu được.
Thế nên cuối cùng, tuần này, quốc vương Ả Rập Xê Út đã ký một sắc lệnh cấm đàn ông làm việc tại các cửa hàng bán quần áo lót phụ nữ. Và từ nay, phụ nữ Ả Rập Xê Út sẽ được phép đi làm tại các cửa hàng bán lingeries.
Tờ Daily Telegraph cho biết lập tức, hơn 20 ngàn phụ nữ đã nộp đơn xin việc tại các cửa hàng bán quần áo lót ở khắp nơi thuộc Ả Rập Xê Út.
Và như thế, bỗng vài trăm người đàn ông mất việc, lại phải ra sa mạc chăn dê kiếm sống qua ngày, hay cùng quá thì đầu quân cho Al Qaeda cho đỡ hận đời đen bạc.
Từ nay các phụ nữ Ả Rập Xê Út có thể đi "shop" thoải mái, không còn phải mắc cở như trước nữa. Các tiệm bán quần áo lót sẽ là No Men’s Land, mấy cậu đàn ông sẽ không còn được héo lánh vào trong nữa. Các cậu sẽ ngồi, mặt chẩy dài ra như những người đàn ông Mỹ trước cửa các cửa tiệm Victoria’s Secrets ở Mỹ này vậy.
Mấy cậu đàn ông này muốn mua quà cho người mà không phải là bà chằng lửa ở nhà thì nên mua qua catalogue . Nhớ là trả bằng money order để không có dấu tích nào trên credit card nhá.
Ngày 18 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Tờ Providence Journal ở Rhode Island tuần trước vừa chạy một bản tin về một phụ nữ dậy cho con vẹt của bà chửi thề tục tĩu nhắm vào một phụ nữ hàng xóm. Chủ con vẹt bị bà hàng xóm kiện đưa ra tòa.
Chuyện xẩy ra ở thị trấn Warwick. Con vẹt là một con cockatoe có một chùm lông trên đầu rất đẹp. Khi nó nói, chùm lông trên đầu dựng ngược lên, và cứ sau khi nói, nó lại gật gù coi bộ sung sướng lắm.
Con vẹt tên là Willy. Nó biết độc có một tiếng duy nhất: whore!
Và có khi nó lập đi lập lại tiếng đó liên tiếp hàng 10 hay 15 phút. Có điều nó chỉ nói mỗi khi nó thấy người hàng xóm phụ nữ, xuất hiện ở cửa sổ. Con Willie lại rất to tiếng. Nói một hồi mỏi miệng, nó lại gật gù ra vẻ đã đời lắm.
Nội vụ bắt đầu khi chủ nó bị ông chồng ôm cầm thuyền khác, sang ngang với bà hàng xóm và dọn sang nhà nàng. Mà nhà nàng thì lại ở phía bên kia cái giậu mồng tơi xanh rờn mới khiến cho cựu đệ nhất phu nhân điên tiết lên mỗi lần trông thấy người đàn ông tệ bạc và con đàn bà khốn nạn ưỡn ẹo ngay trước mắt ở căn nhà bên cạnh.
Sau vụ này ít lâu, con vẹt Willie bắt đầu nói chữ "whore" đó mỗi khi nó thấy bà hàng xóm xuất hiện. Từ trong cái lồng để sát cửa sổ hướng sang nhà bên cạnh, chuyện nói năng của nó quả đã làm người hàng xóm rất bực nên bà quyết định đưa chủ nó ra tòa về tội làm mất sự bình yên (disturb the peace) cho bà bằng lời lẽ tục tĩu của con vẹt. Whore nghĩa là con đĩ.
Tòa có thể sẽ dùng bộ luật liên quan đến các loại thú vật để khép bà vào tội không nuôi con vẹt đúng cách, gây ồn ào, quấy rầy hàng xóm. Tòa không thể phạt con vẹt về tội dùng
obscene language, ngôn ngữ tục tĩu được.
Không biết vụ này sẽ đi về đâu. Chẳng lẽ tòa bắt chủ con vẹt cắt lưỡi nó hay tẩm bột rồi chiên nó. Như thế thì có thể ông tòa sẽ bị tổ chức PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) kiện cho nát xương.
Mà dậy nó làm sạch ngôn ngữ lại cũng không được. Các chuyên gia về tâm lý thú vật nói rằng mấy con vẹt này dậy (teach) thì dễ, nhưng dậy để bỏ những điều chúng đã học được (unlearn) thì rất khó.
Tờ báo cho biết bà hàng xóm có thể sẽ bán nhà dọn đi chỗ khác để khỏi bị con vẹt mô tả mình một cách chính xác (?) như vậy. Chủ con vẹt sẽ không còn đối tượng để chọc quê nữa. Con vẹt sẽ tiếp tục lẩm bẩm một mình tiếng nó học được của chủ nó. Chỉ sợ người lạ đi qua lại tưởng là nó rao hàng (?) cho chủ thì cũng phiền.
Nhưng nếu bà không muốn dính dáng tới một người đàn ông khác nữa sau vụ này, thì bà chỉ cần nuôi thêm một con chó và một con mèo là đủ.
Một nhà văn người Anh, bà Marie Corelli (1855-1924) có lần nói rằng bà thấy không cần phải lấy chồng vì ở nhà, bà nuôi ba con vật làm được tất cả những điều mà một người chồng thường làm: đó là một con chó sáng dậy đã gầm gừ, một con vẹt chửi thề suốt ngày và một con mèo đi biệt tối khuya mới về nhà.
Nhưng nếu muốn, bà cũng có thể cho thuê con vẹt để người thuê có thể dùng nó thay lời mình gọi những bà bạn gái của những bác trai mà không ai dám đụng tới dù cho là một sợi lông của nó.
Chao ơi, sao lúc cần nó thì lại không có nó để nhờ nó thăm hỏi một vài người ở đây nhỉ!
Ngày 19 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Chỉ điểm là việc làm không bao giờ được coi là tốt đẹp. Chỉ điểm thực ra còn tệ hại hơn méc bu rất nhiều. Hành động chỉ điểm bao giờ cũng đem lại thảm họa cho người bị ngón tay chỉ về phía họ. Bao nhiêu nhà cách mạng yêu nước Việt Nam đã chết, đã chịu cảnh tù đầy dã man của người Pháp vì những trò chỉ điểm đốn mạt. Ông Già Bến Ngự Phan Bội Châu bị một thằng chó bán cho Pháp lấy 10 ngàn tiền Hương Cảng. Thằng chó ấy là ai thì mọi người đều đã biết. Nó đang nằm ở quảng trường Ba Đình. Bao nhiêu người dân Huế cũng đã chết hồi Tết Mậu Thân vì bị bọn nằm vùng chỉ điểm cho Việt Cộng.
Nhưng trong một vài trường hợp, dùng cái ngón tay trỏ cũng là cần thiết. Như trường hợp một người đàn ông mà tôi tin là hiện đang có nhiều người muốn giết ông ta. Tôi mà biết người đàn ông này ở đâu, tôi sẽ chỉ điểm ngay. Tôi sẽ chỉ cho bất cứ một nhóm nào sẵn sàng có biện pháp với ông ta. Dẫu cho biện pháp ấy có quyết liệt đến đâu đi chăng nữa.
Người đàn ông ấy tên là Nakoula Basseley Nakoula. Đương sự mồm ngang mũi dọc ra sao thì nhiều người đã rõ. Ông ta ở San Diego nhưng nay ông ta và cả gia đình của ông ta đều đã dọn ra khỏi địa chỉ cũ. Có thể cảnh sát Mỹ đã biết địa chỉ mới của ông ta. Nhưng Hoa kỳ lần này chắc sẽ chẳng làm gì ông ta mặc dù ông ta đã từng bị phạt tù về tội lừa đảo.
Việc làm mới đây nhất, hay nói đúng ra là hậu quả của việc ông ta làm thực ra đáng trừng phạt hơn là tội lừa đảo rất nhiều.
Việc làm đó của ông ta tôi không coi là việc chính phủ Mỹ cần phải trừng phạt. Nước Mỹ tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Quyền này được Tu Chính Án số Một bảo đảm. Ông làm một cuộn phim. Việc làm phim là quyền của ông ta. Làm cuốn phim là một cách bầy tỏ tư tưởng, một việc làm trong khuôn khổ của tự do ngôn luận. Nhưng cuốn phim ông ta làm thì lại làm phát sinh ra rất nhiều phản ứng của những bọn điên dại trong mấy ngày qua ở rất nhiều nơi trên thế giới. Giận cá chém thớt. Không giết được ông ta, thì giết tạm hơn một chục công dân Mỹ vậy. Bọn điên dại quay sang tấn công cả công dân của một số quốc gia Tây phương khác không hề dính líu gì tới ông ta hay việc làm của ông ta.
Nakoula Basseley Nakoula làm một cuốn phim mang tựa đề là Innocence Of Muslims. Trong phim, giáo chủ của Hồi giáo, tiên tri Mohamad được mô tả là một người dâm đãng, nhiều vợ, nhiều bạn gái, lại còn thêm trò thích hành dâm với trẻ con ( polygamist, child molester). Những chi tiết đó đúng hay không thì tôi không rõ. Nhưng việc nêu ra những điều đó, theo những người theo Hồi giáo, là việc làm xúc phạm nặng nề tới tiên tri Mohamed và cần phải bị trừng phạt.
Không kiếm được con cá Nakoula thì chém tạm cái thớt vậy. Lập tức một loạt bạo động bùng ra ở một số quốc gia Hồi giáo. Đám đông xuống đường tấn công các cơ sở của Hoa kỳ và các nước Tây phương khác, gây tổn thất vật chất và sinh mạng đáng kể.
Không biết tại sao Nakoula làm cuốn pim đó, và mục tiêu của vệc làm cuốn phim đó là gì. Nhưng vì cuốn phim đó, máu đã đổ, một vài binh sĩ Hoa kỳ đã mất mạng vì những đám đông phẫn nộ. Một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa kỳ đã thiệt mạng tại Libya, sau khi cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Bengazi bị đốt phá. Biểu tình chống Mỹ tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi đó, Hoa kỳ và người dân Mỹ hoàn toàn không có lỗi gì hết. Nakoula là một người di dân gốc Ai Cập theo một nhánh Thiên chúa giáo. Việc làm cuốn phim về Hồi giáo của Nakoula đã gây rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho nước Mỹ và người Mỹ.
Nếu những người Hồi giáo cần phải giết kẻ xúc phạm tiên tri Mohamed để hả cơn giận thì tôi sẽ chỉ chỗ kiếm Nakoula cho mà giết!
Chỉ điểm xong rồi còn đề nghị vài cách giết gây ra nhiều đau đớn cho Nakoula nữa chứ không phải là chỉ chỉ điểm không thôi đâu.
Cho nó chừa cái tật làm phiền người khác đi.
Chỉ điểm mà có một lương tâm trong sáng thì cũng nên chỉ điểm lắm chứ!
Ngày 20 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Cũng vác máy ảnh đi săn hình nhưng những paparazzi là những người hoàn toàn khác các phóng viên nhiếp ảnh, nhất là các phóng viên nhiếp ảnh chiến trường vào sinh ra tử ở ngay tuyến đầu mặt trận, những người cầm máy ảnh ghi lại những sự thật kinh hoàng giữa nơi mũi tên hòn đạn. Không ít những người này đã chết hệt như những người lính ngoài mặt trận.. Họ là những người đáng được kính phục.
Larry Borrows chết trong khi ngồi trực thăng khi đi theo đoàn quân đánh sang Lào. Trong trận Mậu Thân cũng mấy người chết của AP, UPI, Time, AFP... Những chiếc Nikon, Leica đã giúp họ tường thuật những trận đánh ác liệt nhất trong những năm chiến tranh Việt Nam.
Những tấm thẻ báo chí đã giúp họ đi tới được những nơi nguy hiểm nhất, những nơi hạn chế không cho những người thường đi tới.
Hình ảnh lãng mạn như William Holden trong phim Love Is A Many Splendored Thing trong chiến tranh Cao Ly cứ ở mãi trong đầu rất nhiều người.
Ở Sài Gòn, tại những cuộc họp báo quân sự của Mỹ cũng như của Việt Nam, họ được những đối xử đặc biệt hơn những thứ ký giả và phóng viên khác. Tuy cũng có một số bị phía Việt Nam Cộng Hòa rất ghét vì những bức ảnh họ chụp không thuận lợi cho Việt Nam. Eddie Adams, người chụp cảnh tướng Loan bắn chết người đặc công Việt Cộng ở đường Sư Vạn Hạnh năm 1968 chẳng hạn.
Những chiếc áo kaki 4 túi (safari jacket) trông vừa giống Ernest Hemingway đi săn sư tử ở Phi châu, vừa có nét phong sương, giang hồ, liều lĩnh. Một hai chiếc Nikon đeo trên cổ lại càng làm cho họ trở thành những người mặc quần áo đẹp (best dressed) nhất như trong những quảng cáo của máy ảnh Nikon thời ấy. Một tấm thẻ báo chí, trên túi áo ngực có chữ PRESS là họ có thể đi khắp nơi. Họ là những nhà báo thứ thiệt.
Nhưng Paparazzi, tiếng Ý có nghĩa là những con bọ, muỗi mòng gây khó chịu cho người ta, quả là những thứ ruồi muỗi. Họ theo sát những nhân vật nổi tiếng, những ca sĩ, tài tử và bất cứ ai có ít nhiều tăm tiếng để chụp những bức ảnh
"nóng" nhất, vào những lúc sơ kỳ bất ý nhất của đối tượng nạn nhân. Bằng cách theo sát không rời, hay bằng những ống kính telé, hay kính zoom có thể thu ngắn khoảng cách lại, họ sẽ tìm cách chụp những bức ảnh không ai muốn bị chụp. Họ đem bán chúng cho những tờ báo lá cải để những tờ báo này bán được thêm báo và gia tăng số độc giả.
Tính tò mò của con người cũng giúp nuôi sống họ. Các paparazzi thường bị ghét nhiều hơn là được ưa vì cách làm việc của họ.
Jacqueline Oanasis bị chụp trong lúc khỏa thân tắm nắng và bức ảnh đó được bán cho tờ Hustler. Nick Nolte có bức ảnh chụp khi bị cảnh sát bắt về tội say rượu lái xe.
Jayne Mansfield bị chụp khi một chiếc vú rơi ra ngoài áo. Marlon Brando bị chụp với thân hình to béo như một con heo, tóc tai rũ rượi. Các paparazzi sống bằng những bức hình đó. Trong phim Godfather, Sonny, con trai của bố già đập vỡ máy chụp ảnh của một paparazzo rồi quăng mấy tờ giấy bạc xuống đất vì người này tìm cách chụp ảnh đám cưới em gái của Sonny.
Mới đây, vợ hoàng tử William của nước Anh là Kate Middleton bị chụp mấy bức hình khi tắm nắng với William ở một biệt thự tại Pháp. Một vài bức đã được tung lên báo. Nhưng hoàng gia Anh cũng đã thành công trong nỗ lực ngăn không cho những bức hình đó bị phổ biến thêm.
Các paparazzi có thể nại quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hành nghề để đòi được phổ biến những bức ảnh đó. Nhưng giả sử đó là những bức ảnh chụp mẹ, vợ, con gái họ thì họ có còn muốn chúng bị phơi bầy ra khắp nơi không?
Có thể họ chưa nghe câu nói của Khổng Tử: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì đừng làm điều ấy cho người khác. Thỉnh thoảng ở đây tôi cũng thấy một người đàn ông đeo một hai cái máy ảnh và mang theo một thùng đồ nghề trông kiểu cọ lắm. Ông còn mặc một chiếc vest có hàng chữ PRESS ở lưng trông như một phóng viên nhiếp ảnh thực sự. Ở cổ ông cũng đeo mấy cái thẻ có hình không biết của ai cấp. Có lẽ ông trình diễn nhiều hơn. Ở đây có ai cấm ông mang máy chụp cảnh chợ búa, hay trong mấy tiệm karaoke nhẩy đầm đâu mà ông trang bị như sắp ra mặt trận đến nơi.
Hay chữ PRESS chỉ có nghĩa là ... ủi quần áo ?