Ngày 4 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Mấy hôm trước, trong lúc vào internet, tình cờ tôi xem được một YouTube dài khoảng 2 phút với hình ảnh của một em bé khoảng 4 tuổi, giọng nói Hà Nội khá rõ ràng, không chút ngọng nghịu. Nhưng nghe kỹ thì tôi không biết phải nghĩ như thế nào nữa.
Em bé mặc áo đầm, chân đi đôi giầy rất kiểu cọ, quàng trên vai một chiếc túi như để sửa soạn đi shop, tay cầm một chiếc cell phone, và nói vào điện thoại những câu nói ít ai có thể tưởng tượng ra được.
Đó là những lời lẽ hết sức nặng nề, đầy giọng trì chiết như từ miệng của một người đàn bà điêu ngoa, độc ác, đanh đá nói với người chồng ở đầu bên kia: "A hóa ra anh nói dối em. Anh còn đi về quê làm gì nữa? Anh có biết là em rất quan tâm đến anh mà anh chả quan tâm gì đến em? Bây giờ, em sẽ ở với chồng khác mà không ở với anh nữa… Anh hỏi con làm gì? Nó đang ăn… muốn nói chuyện với con làm gì? Nó ghét anh rồi đấy…
Toàn là những ngôn ngữ của một người lớn, của một người phụ nữ đay nghiến người chồng cũ, sau khi bỏ đi để theo một người đàn ông mới. Người phụ nữ còn dùng cả một chiêu rất độc ác hệt như trong những vụ vợ chồng bỏ nhau: ly gián cha con, ngăn không cho con nói chuyện với bố, dậy cho con ghét bố... Rồi quay sang bảo người đàn ông mới dẫn đi ăn kem, đi shop.
Cô gái nhỏ nhất định không thể tự nghĩ ra được những câu nói như thế. Có thể em đã nghe rất nhiều lần ở nhà. Cũng có thể em được dậy từng câu, từng chữ vì em nói bằng giọng rất lưu loát, lên bổng xuống trầm, không có vẻ gì là ngượng nghịu, thiếu tự nhiên.
Không phải chỉ là những câu trách móc nhẹ nhàng, mà toàn là những câu mang đầy nét hiện thực của một cặp vợ chồng đang cãi nhau nặng lời. Người vợ trách người chồng không quan tâm gì đến mình, người vợ đâm chán và quyết định ra đi với một người đàn ông khác.
Phải nói đó là những lời lẽ cay nghiệt nói bằng một giọng đầy thuyết phục nếu không phát ra từ cái miệng rất xinh, còn thơm mùi sữa của một em bé, mà bình thường chắc chỉ biết nói những lời tử tế, ngây thơ, trong sáng.
Đó là những câu mà Nguyễn Trãi mô tả trong Gia Huấn Ca, bài Mẹ Dậy Con Gái: "Gieo tiếng ra chết cây gẫy cối / Mở miệng nào có ngọn có ngành / Đến tay Bụt cũng không lành…"
Nghe kỹ một chút người ta sẽ thấy giọng của một người lớn xưng là "Mẹ" nói với em rằng "Gọi cho chồng kia đi rồi mẹ lại quay tiếp…" Và lập tức, em tuôn ra một tràng : "Chồng cũ của em, em chán lắm rồi… Anh đón em đi ăn kem…"
Đúng là "vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay". Cô bé 4 tuổi ấy nói bằng giọng lầu lầu, như một diễn viên rất thuộc bài, không ngập ngừng, không cần phải chờ được nhắc bài sau mỗi chữ.
Cô được dậy khá kỹ. Mà nếu không được dậy thì cũng phải được nghe, chứng kiến nhiều lần những cuộc đối thoại dữ dằn như thế ở nhà. Nhưng nếu cô phải chứng kiến những chuyện độc địa như vậy, thì cha mẹ, dẫu cho là đã đi đến quyết định xa nhau, thì cũng chẳng bao giờ nên để cho những lời lẽ cay nghiệt đó lọt vào tai của con gái, nói chi đến chuyện dậy cho con nói những lời chua cay, độc địa như vậy.
Tôi hoàn tòan không hiểu cách dậy con của người đàn bà này. Cũng hoàn toàn không thể hiểu nếu người mẹ giải thích là chỉ định dậy cho con mấy câu nói nghe cho vui.
Trẻ con là một tờ giấy trắng, là bãi biển buổi sáng khi thủy triều rút đi, mịn, đẹp, tinh khôi, trong sáng. Bất cứ gì được viết lên đều sẽ ở lại có thể rất lâu dài, hay cũng có thể mãi mãi. Hay người mẹ nghĩ con mình có năng khiếu diễn xuất, có thể trở thành kịch sĩ giỏi. Nhưng có nên dậy cho em những đoạn diễn xuất như thế không? Shirley Temple của điện ảnh Mỹ cũng diễn xuất giỏi từ khi cô còn ở tuổi đó: khởi nghiệp từ 3 tuổi, 4 tuổi nổi tiếng với Curly Top, Heidi.. mà cũng có cần phải ăn nói ngoa ngoắt, cay độc như thế đâu.
Lớn lên không biết em bé ở Hà Nội sẽ như thế nào.
Biết đâu em sẽ mở tiệm "phở chửi, bún mắng" là những việc làm hay nhất nếu không trở thành một con nặc nô ăn nói mất dậy từ khi mới nứt mắt, bỏ chồng theo trai soành soạch.
Có phải cái xã hội khốn nạn ngày nay chỉ sản sinh ra cái thứ trẻ em kinh hoàng như vậy không?
"Đặc sản" của "ngàn năm văn vật đất Thăng Long" là thế sao?
Ngày 5 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Vừa được xem cái YouTube ăn nói mất dậy của cô bé 4 tuổi chửi chồng vuốt mặt không kịp thì tôi đọc được một bản tin trên một tờ báo trong nước về một cậu bé có những điều rất khác với cô bé trong đoạn video khá nhiều.
Tôi không nhớ rõ chi tiết của bản tin này như tên của cậu, nơi sinh sống của gia đình cậu và ngày giờ diễn ra câu chuyện mà tờ báo đăng tải. Tôi chỉ nhớ cậu là một học sinh tiểu học, 10 tuổi ở một làng nhỏ, gia đình không dư giả lắm.
Bài báo cho biết bữa đó, cậu đang trên đường đi học về thì nhặt được một chiếc túi trong đựng một số tiền do một phụ nữ đi xe đạp làm rớt xuống đường. Nhặt cái túi lên, cậu thấy số tiền rất lớn ở trong, nhưng khi cậu nhìn lên, thì người phụ nữ làm rơi cái túi đã đạp xe đi mất. Cậu quyết định đem cái túi đi tìm khổ chủ để trả lại. Cậu đi tìm khắp làng, và cuối cùng, cậu tìm được nhà của người làm mất chiếc túi. Cậu gặp người phụ nữ đúng lúc bà vừa nhận ra là bà làm rơi chiếc túi không biết ở đâu. Cậu trả lại chiếc túi còn nguyên số bạc cho bà.
Chuyện gì xẩy ra sau đó thì không cần phải đọc nốt bản tin, chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra được. Người phụ nữ tưởng đánh mất chiếc túi đã hết sức vui mừng tìm lại được đầy đủ số tiền lớn đó. Bà tìm đến nhà cậu bé cám ơn cậu và gia đình của cậu. Hình như bà có thưởng cho cậu một món quà nhỏ. Cha mẹ cậu cho biết nhà cũng không khấm khá gì, nhưng ông bà cố gắng dậy con, mong con lớn lên trở thành người lương thiện. Ông bà đã thành công trong cố gắng đó ngay từ rất sớm, không còn phải chờ đến khi cậu lớn lên.
Như vậy, cũng may mà đất nước vẫn còn có được những gia đình tử tế, dậy con những điều tốt đẹp, lương thiện. Chuyện như thế cũng đã bắt đầu hơi hiếm thấy bên cạnh rất nhiều những bản tin báo chí tường thuật những vụ như 6 thanh niên tuổi từ 15 đến 17 phục rượu cho một thiếu nữ 14 tuổi, bạn gái của một trong 6 cậu để hiếp dâm suốt đêm, hay những vụ bán luôn cả bạn gái sang Tầu làm điếm, hay cháu giết bà để cướp tiền đi chơi game, hay một thanh niên hiếp nạn nhân 8 tuổi và chém chết em gái 4 tuổi của nạn nhân để khỏi bị tố cáo…
Bản tin cho thấy trong cái xã hội suy đồi, nhiễu nhương, tội ác đầy rẫy, nhân tính ở Việt Nam như không còn nữa, thì thỉnh thoảng vẫn còn có được một hai viên ngọc quí.
Nếu chuyện cậu bé lương hảo không tham của người chỉ ngừng lại ở đó thì cũng là một chuyện vui, đáng để mừng vì những viên minh châu sáng ngời đó, nếu bài báo không đưa ra thêm một chi tiết khác ngay sau đó.
Khi tin về việc làm của cậu bé lương hảo đó được loan ra, thì lập tức, hiệu trưởng của ngôi trường cậu đang theo học liền đem trao tặng cậu một tấm bằng khen "Cháu Ngoan Bác Hồ".
Thối và nham nhở là ở chỗ đó. Nếu gọi cậu là hậu duệ của một danh nhân nào nổi tiếng về tính cương trực và liêm khiết trong lịch sử như Chu Văn An, Nguyễn Trãi… thì nghe còn có lý. Ai đời gọi cậu là cháu ngoan của một tên phản phúc bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp lấy 10 ngàn tiền Hương Cảng, lấy Nguyễn thị Minh Khai rồi sang lại cho Lê Hồng Phong , xài đã đời em sơn nữ Nông Thị Xuân, để có con với cô, sau đó thải ra cho Trần Quốc Hoàn chơi sái nhì rồi giết thảm, vứt xác lên dốc Cổ Ngư, bỏ con trai là Nguyễn Tất Trung cho Vũ Kỳ nuôi và vài chục hành vi khốn nạn khác thì cái bằng khen "Cháu Ngoan Bác Hồ" đúng là chỉ làm bẩn một cậu bé lương hảo chứ danh dự cái nỗi gì!
Thế thì ai mà muốn làm cháu ngoan của một tên khốn nạn như vậy! Cháu ngoan phải là những đứa mà tin tức loan hàng đống mỗi ngày ấy chứ. Con nhà người ta tốt đẹp như thế mà vội vơ lấy cho làm cháu ngoan bác Hồ là cái chó gì.
Ngày 6 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Không cần phải nói ra, bạn cũng thừa biết tôi không bao giờ từng có lúc ở "lứa tuổi thích ô mai". Nhưng chuyện thích ô mai thì có thích thật. Ô mai nào cũng thích. Ô mai (ơ quả) mơ, ô mai cam thảo, ô mai quất … tôi đều thích hết. Tuy vậy, tôi nhớ là chưa bao giờ nói ra điều này. Nhưng hôm nay tôi kể chuyện tôi rất thích ô mai, vì bây giờ, tôi không còn dám thích nó nữa.
Lý do là vì chuyện thích ô mai nghe không… đàn ông chút nào. Nhất là đàn ông già. Đàn ông đã già mà lại còn thích ô mai thì hơi bất thường. Thích cái gì khác thì được chứ thích ô mai thì cứ như là … đệ Ngũ Trưng Vương hay Gia Long vậy. Không được. Nhất là tuổi thích ô mai còn bị Hoàng Anh Tuấn kèm theo một câu căn dặn: "…Có đi qua xin em đừng đánh phấn / tóc buông rèm rèm lứa tuổi thích ô mai…"
Đã không đánh phấn mà lại cũng không có tóc buông rèm, cũng chẳng bao giờ ở cái lứa tuổi thích ô mai thì không tự thú là phải.
Thực ra có những buổi làm việc khuya, buồn miệng mà có mấy trái ô mai thì cũng có lý. Vì thế, trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn ghé một tiệm bán ô mai, mua vài ba thứ về để dành những tối khuya làm việc.
Kệ, thích ô mai chỉ là một chuyện rơi rớt lại của cái tuổi ngây thơ vô tội, "the age of innocence" xưa cũ. Nghĩ cho cùng thì cũng có gì đâu mà phải dấu. Ấy vậy mà trong nhiều năm, tôi không bao giờ nhận là mình thích ô mai. Hút thuốc lá tuy là rất hại, nhưng đàn ông và oai hơn là… ô mai (trừ cơm) nhiều. Hay mê tiết canh chó cũng có thể kể ra, còn thích ô mai thì không. Không thể khai chuyện thích ô mai ra được. Khai chuyện hút thuốc lá và mê tiết canh chó thì được. Thích ô mai thì không thể khai ra.
Nhưng cái thú của những trái ô mai, nhất là ô mai mơ với ổi hơi xanh một chút thì có lý vô cùng. Chỉ phải mỗi tội là không dám nói ra mà thôi.
Bây giờ tôi không dám ăn ô mai nữa. Những trái ô mai làm tại Trung quốc bỗng làm tôi phải xét lại chuyện thích ô mai của mình. Tôi quyết định không thích ô mai nữa. Và tôi cũng bỏ luôn chuyện thỉnh thoảng mua cho mấy đứa cháu vài ba gói ô mai. Những thứ hóa chất dùng trong việc chế tạo ô mai làm tôi sợ, không phải "tham sinh úy tử " gì, nhưng tại sao lại phải bỏ những thứ hoá chất ấy vào bụng của mấy đứa cháu, của mình?
"The age of innocence", tuổi thích ô mai bỗng nhiên bị mất. Mất luôn cả cái thú của những trái ô mai của những năm thơ ấu. Mất luôn cả kỷ niệm của những trái ô mai tặng cô bạn nhỏ ở cư xá Xóm Chùa năm cuối trung học làm nàng cảm động mềm người. Có sống lại những ngày tháng cũ cũng không dám … quà nghèo chỉ có gói ô mai cho nàng nữa.
Những trò độc địa của những ông bạn người Hoa đã làm mất đi cái thơ ngây đó. Mà rồi cũng chẳng riêng chỉ có những trái ô mai đã làm mất đi, lấy đi niềm vui thơ ngây đó, mà năm nay, tôi cũng không dám nghĩ tới việc mua những cái bánh Trung Thu làm ở Hoa lục cho lũ cháu như mấy năm trước nữa.
Tại sao lại nỡ lòng nào mua những thứ quà độc ác như thế cho chúng được. Những bản tin đọc được từ mấy tờ báo trong nước cho biết những chiếc bánh Trung Thu làm ở Trung quốc đang tràn ngập các thành phố Việt Nam. Những thứ nhân bánh được pha trộn, chế tạo với những chất độc của những người bạn láng giềng thâm hiểm vẫn được chuyển sang Việt Nam cùng với bao nhiêu sản phẩm nguy hiểm khác.
Đối với ngay đồng bào của họ, họ cũng vẫn sẵn sàng đầu độc để hưởng lợi thì họ thương yêu gì giới tiêu thụ người Việt. Sữa được chế với với thủy ngân, melamine gây suy thận cho trẻ em cũng như người lớn đã được tìm thấy tại Hoa lục thì họ ngần ngại gì mà không tha Hoa kỳ.
Trung quốc bỗng lộ ra cái mặt độc địa của họ. Tránh xa họ là phải. Không ô mai, bánh Trung Thu gì nữa. Rộng hơn là cứ thấy những chữ Made In China thì quăng mẹ nó đi cho được việc.
Tự nhiên làm mất cha nó cái tuổi … thơ ngây của cậu thì có bực không cơ chứ!
Ngày 7 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Tôi không biết phải làm gì để thoát ông ta. Chuyện đó hơi khó vì tiệm ăn ông làm chủ lại là tiệm tôi hay đến với mấy người bạn.
Ông dành cho tôi những đối xử khá đặc biệt. Và chính điều đó làm tôi rất khó chịu.
Cứ mỗi lần ghé tiệm của ông, mà ông có mặt ở đó, là tôi lại bị làm phiền vô cùng. Bắt đầu là câu chào của ông. Hễ gặp tôi, bao giờ ông cũng nói rất lớn: "Chào người đẹp!"
Lẽ ra tôi phải rất vui vẻ với câu chào đó. Nhưng tôi lại rất ghét câu chào của ông. Tôi không phải là người đẹp. Không bao giờ. Và rồi ngay sau đó, ông ghé bàn tôi ngồi, đưa tay bắt tay tôi, rồi dùng tay cặp lấy cổ tôi và hôn lên trán tôi mấy cái.
Tội nghiệp tôi biết là chừng nào.
Sau những cái hôn đó, tôi phải giải quyết chuyện ăn uống thật nhanh để về nhà, tắm ngay một cái. Thỉnh thoảng nghĩ lại những cái hôn đó, tôi vẫn còn thấy ghê ghê làm sao!
Những cái bái bắt tay của ông cũng làm khổ tôi không ít. Trước khi đụng đũa, bao giờ tôi cũng đi rửa tay cẩn thận. Sắp ăn, ông đi tới, chìa tay ra bắt tay tôi. Sau những cái bắt tay đó, tôi nghĩ đến việc sẽ phải dùng tay của mình ngắt những cọng rau thơm, cuốn miếng cá hay miếng thịt bằng cái bánh tráng , là tôi lại phải đứng dậy đi rửa tay lần nữa. Làm sao biết bàn tay của ông đã đi những đâu, ghé vào những chỗ nào, đếm bao nhiêu tờ giấy bạc mệnh giá 1 đô la bẩn nhất của nước Mỹ trước khi thò ra bắt tay tôi. Đứng lên rửa tay như tấm bảng có hàng chữ "Wash Your Hands" được dịch một cách cẩn thận và ngớ ngẩn là "Hãy Rửa Tay Của Bạn" như thể chúng tôi đều là những con người khật khùng chỉ rửa bàn tay người khác không bằng!
Nhưng tôi đã nghĩ ra một cách để né chuyện bắt tay với ông. Ông vừa chìa tay ra định bắt tay tôi, thì tôi chìa cái cùi tay ra, giải thích là tay tôi còn ướt, vừa rửa xong. Ông thông cảm, chỉ nắm lấy cái cùi tay của tôi. Và như vậy, tôi tránh được cái bắt tay của ông, không để cho những con vi trùng, vi khuẩn mất dậy từ tay ông nhào sang tay của tôi. Đồng thời, chìa cho ông cái cùi tay, tôi lại có thể mời ông ăn … cái cùi loi của mình nữa.
Nhưng tôi vẫn chưa thoát hẳn. Rất nhiều lần, ông còn kéo ghế ngồi xuống bàn để góp chuyện với chúng tôi bằng những phát biểu vớ vẩn, lạc đề, thiếu hiểu biết của ông. Cứ mỗi lần thấy ông đến bàn của chúng tôi, là chúng tôi lại ghé sát vào nhau giả bộ "tâm tình hiến dâng" thì ông mới đành phải tha chúng tôi. Nhưng cứ vậy làm sao ăn?
Khổ biết là chừng nào! Mà đó lại là "những niềm riêng làm sao nói hết"?
Thôi thì hôm nay bèn phải sửa câu hát của Lê Tín Hương thành "Có những niềm riêng … mà ai cũng biết" là vậy.
Ngày 8 tháng 9 năm 2012
Bạn ta,
Mấy tuần trước, trong mục Nối Nhịp Thân Yêu của đài Little Saigon Radio, có một thịnh giả gọi điện thoại vào đài nhờ làn sóng điện giúp ông tìm một người bạn.
Nhưng lời nhắn của ông làm tôi rất khó chịu.
Theo những chi tiết ông cho biết về ông và về người bạn ông muốn tìm, tôi đoán ông phải là người đã lớn tuổi. Vẫn theo ông, trước năm 1975, ông là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bạn của ông cũng phục vụ trong quân ngũ. Ông phải ở trong hạng tuổi trên dưới sáu mươi.
Nghe những chi tiết ông cho biết về ông và bạn ông, tôi đoán ông đã ở lại Việt Nam sau biến cố tháng Tư năm 1975.
Và vì thế, ông làm tôi khó chịu.
Ông gọi biến cố năm 1975 là "giải phóng".
Hai chữ này đã lâu tôi không nghe. Vì ông gọi điện thoại vào đài Little Saigon nên tôi mới nghe lại hai chữ ấy.
Nếu người dùng hai tiếng này là một cán binh Cộng sản hay một người làm việc cho nhà cầm quyền Hà Nội, hay là một người dân miền Bắc thì tôi không có ý kiến mặc dù nhiều người dân ở miền Bắc cũng rất mỉa mai khi dùng hai chữ này, và một số khác thì phủ nhận hoàn toàn không nghĩ đó là một cuộc giải phóng.
Nhưng người đàn ông gọi vào đài lại là một người sống ở miền nam, lại từng có thời ở trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
Điều đó làm tôi rất khó chịu.
Nếu ông ta không ở trong quân đội, thì sự khó chịu của tôi cũng nhỏ thôi.
Nhiều ngưòi ở miền Nam trong khoảng thời gian ngay sau ngày 30 tháng 4 cũng đã dùng hai chữ này. Bị bắt phải dùng cũng có. Phải dùng để được yên thân cũng có. Mà tự nguyện dùng vì nghĩ là sẽ được tha cũng có. Rồi một hồi sau, thành ra quen miệng mà dùng.
Nhưng rất nhiều trong số những người này, sau cơn hốt hoảng ban đầu, và thấy thực sự họ cũng chẳng hề thấy là được giải phóng gì hết, nên hai chữ này không còn được đem dùng nữa.
Chuyện quen mồm rồi cũng bớt …quen. Vì thế, hai chữ giải phóng cũng thưa thớt dần và nay, ít người còn dùng chúng trong những lúc nói chuyện hàng ngày.
Người đàn ông gọi điện thoại vào đài nhờ tìm bạn, cho tới cách đây mấy ngày, thì vẫn dùng hai chữ ấy.
Ông cho biết ông cũng là sĩ quan. Như thế chắc chắn ông có đi tù Cộng Sản. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về mốc thời gian năm 1975.
Sau những đối xử tàn tệ , dã man trong tù Cộng Sản, ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trong khi ông ở tù, chắc vợ con ông ở bên ngoài cũng không khá gì như hầu hết những người Việt ở miền Nam thời ấy. Đời sống phải khốn khổ trăm bề. Nhưng ông lại vẫn dùng hai chữ "giải phóng" một cách bình thản.
Ông ra tù, có thể được thân nhân bảo lãnh sang Hoa kỳ sống. Ông vẫn vui vẻ làm giấy tờ, chạy đôn chạy đáo hoàn tất thủ tục để đi khỏi Việt Nam. Sau những chạy vạy vất vả đó mãi rồi ông cũng được giấy đi Mỹ. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về cái duyên cớ ông đi tù, vợ con nheo nhóc khốn đốn và cuối cùng ông đi Mỹ, xa rời cái vùng đất gây cho ông và gia đình ông bao nhiêu khốn khổ. Nhưng ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng".
Cũng có thể ông ở tù Cộng sản nhiều năm nên được cho đi Mỹ. Ông ở tù lâu như thế, mà vẫn gọi cái ngày khởi đầu thời gian ở tù Cộng sản của ông là "giải phóng".
Ông sang Mỹ muốn đi đâu, ở tiểu bang nào, làm việc gì tuỳ ý. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về cái ngày ông phải bỏ đất nước ông đã lớn lên để ra ngoài sinh sống.
Thì tôi không thể hiểu được.
Việc dùng hai chữ "giải phóng" không thể nói là quen miệng mà dùng mãi đến ngày nay. Ở trong tù bằng ấy năm, ra tù sống thêm một thời gian, khốn khổ là chuyện ắt phải có. Vậy mà vẫn,mở miệng ra nhắc đến cái ngày khốn nạn đó là ngày "giải phóng" thì sao được.
Không thể quen được. Em họ tôi đi bộ đội bỏ xác ở Trường Sơn. Nhưng cô tôi không một lần, trong các thư từ, nói là nó "đi Nam giải phóng, chống Mỹ cứu nước". Mà cô tôi là người sống suốt đời ở miền Bắc.
Mấy chục năm qua đã là thời gian đủ để nhìn lại xem đó có phải là ngày giải phóng không.
Nếu là một đứa bé, một kẻ thất phu như chữ nghĩa người xưa vẫn dùng mà mở miệng ra dùng những chữ ấy thì còn có thể tha thứ được. Nhưng đây cũng là người cầm bát cơm lên biết đổi đầu đũa mà còn nói ra những lời lẽ còn nặng hơn là tiếng chửi lại mình, tiếng nhục mạ danh dự của chính mình thì không thể không bực mình cho được.
Không lẽ bỏ Việt Nam đi tìm miếng ăn.
Nhưng cho dẫu có như thế, thì cũng chẳng thể nào gọi đó là ngày "giải phóng" được
"Giải phóng" rồi còn vác mặt sang Mỹ làm cái gì vậy?