August 30, 2012

August 31, 2012


Ngày 27 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Tờ Los Angeles Times có một mục bao giờ tôi cũng tìm đọc đầu tiên, đó là mục Only In L.A. của Steve Harvey, mục viết về những chuyện mà Steve cho là chỉ xẩy ra ở Los Angeles, mà không thể ở một nơi nào khác tại nước Mỹ. Thực ra thì nhiều chuyện mà mục này chép lại cũng là những chuyện có thể xẩy ra ở bất cứ một thành phố nào khác chứ chẳng riêng gì chỉ ở Los Angeles.
Một độc giả, Carole Brooks ở Ventura kể là mới đây bà bị một tai nạn xe hơi, chiếc xe của bà bị một chiếc pickup đụng nát ở phía sau. Xe của Carole bị hư nặng, không sửa được. Nhưng điều đáng kể không phải là mức độ hư hại của chiếc xe, mà là người lái chiếc xe kia. Người gây tai nạn là một thiếu nữ 16 tuổi, sau khi đụng phải xe của Carole Brooks, mãi một lúc sau mới mở cửa xe bước xuống để gặp Carole. Cô vừa giải thích vừa xin lỗi Carole là đã không xuống xe ngay được vì cô đang bận mặc quần. Lý do là trước khi tai nạn xẩy ra, cô đang tìm cách thay chiếc quần jeans để mặc chiếc quần vào. Và khi loay hoay làm việc đó, chân cô trượt ra khỏi bàn thắng, chiếc pickup cô lái húc vào xe của Carole .
Chuyện này, tôi nghĩ, đúng là chỉ có thể xẩy ra ở Los Angeles mà thôi. Tôi đã thấy những người ở miền đông vừa lái xe vừa chơi ô chữ, vừa cạo râu, kẻ lông mày, bôi mascara, đánh phấn, tô son, đọc báo, thắt ca vát, nói chuyện điện thoại... Nhưng vừa lái xe vừa thay quần áo thì chưa bao giờ.
Trong khi ở California thì chuyện này có vẻ xẩy ra hơi nhiều.
Cách đây mấy năm, mục Metro của tờ Orange County Register cho biết là nhân viên của Caltrans lo việc dọn dẹp và giữ sạch các đoạn xa lộ 5, 91 và 405 chạy ngang qua quận Cam ngày nào cũng nhặt được khá nhiều quần lót, mà hầu hết là của phụ nữ. Các nhân viên Caltrans nói là thảng hoặc mới có ngày họ không nhặt được các món này.
Ðem hai chuyện đặt cạnh nhau, ai cũng hiểu ngay rằng phụ nữ California nhiều người vừa lái xe vừa thay quần. Thỉnh thoảng, thấy cái quần lót cũ, không đáng để mang về nhà giặt, thì lập tức mở cửa xe, "gửi gió cho mây ngàn bay," cho nó "cuốn theo chiều gió ".
Nhưng tại sao lại vừa lái xe vừa thay quần? Không thể làm việc đó ở chỗ khác hay sao? Và tại sao lại nhiều người làm công việc đó như thế?
Không thể hiểu được. Hay là... yêu nhau cởi áo cho nhau?
Nhưng làm thế là khi đang đi trên cầu gió lồng lộng chứ. Sao lại ở trong xe?
Còn người lái xe gây tai nạn thì cảnh sát sẽ cho cái giấy phạt như thế nào?
DWI (Driving While Intoxicated) lái xe trong khi say rượu hay DWG (Driving While Getting Changed) lái xe trong lúc đang thay quần áo?
Thế những trường hợp son phấn trên xe thì phải làm gì? Cảnh sát có cần lôi thơ ông Hoàng Anh Tuấn ra nhắc nhở không:
Có đi qua xin em đừng đánh phấn
Tóc buông dài lứa tuổi thích ô mai...

Hay cho cái giấy phạt là đủ?
Những người này, khi bị hỏi là "có bận gì không," nhiều khi nói "không bận gì," thì đúng là "không bận gì" thật, nhất là trong lúc đang lái xe ở Los Angeles vậy.
Ðang thay quần thì đúng là "không bận" thật đấy chứ.
Mà có trả lời là đang "bận" thì cũng có sai đâu! Ðang "bận" lái xe và mặc quần đấy thôi...
Nhưng lúc ấy thì có "bận" gì đâu...

Ngày 28 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Chắc còn phải lâu lắm tôi mới trở lại cái tiệm ăn Tây ở khu phố cổ gần bờ sông Alexandria. Ít ra thì cũng phải đến khi quên bớt đi những nhắc nhở của nó... Ngày cuối năm, người bạn rủ đi ăn tối, nói rằng tiệm La Bergerie là một trong những tiệm hàng đầu ở quanh thủ đô. Nhưng ngay khi cầm cái thực đơn, tuy được in rất đẹp, tôi muốn trở ra cửa ngay. Lý do là vì mấy câu chú thích in dưới những cái dấu hoa thị bên cạnh một vài món trong thực đơn làm bữa ăn mất ngon đi rất nhiều.
Mấy chục năm trước, những dòng chữ xuất hiện trên vỏ của những bao thuốc Kent đã làm tôi bỏ thuốc lá mặc dù nội dung của nó lúc ấy vẫn còn dè dặt lắm, đại khái các y sĩ tin rằng thuốc lá có đóng góp phần nào cho việc gây ra ung thư phổi. Thế là mất đi bao nhiêu hứng thú, bèn bỏ quách. Bây giờ, hàng chữ cảnh cáo nghe ghê rợn hơn nhiều. Chuyện bỏ thuốc của tôi hồi đó không phải là điều ân hận bao giờ. Chỉ vì một câu hăm dọa nhẹ nhàng đó.
Nhưng rồi càng nhiều tuổi, thì người ta càng lì ra. Nhất là khi biết yêu những chai đỏ của Úc, của Á Căn Ðình, của Napa, của vùng sông Rhône... Thì lại gặp phải những cái nhãn quái ác, trên đó, những chi tiết về mùa nho, về nước trong vùng, về những cái château nơi chúng được vào chai... thì chẳng thấy ghi. Thay vào đó là những câu hăm dọa mới như theo lời tổng giám đốc y tế, các phụ nữ không nên uống rượu trong khi mang thai vì có thể hại tới thai nhi...
Vừa nghĩ mình vô can vì không thể … bầu bì được, thì ngay ở dưới là một đoạn hăm dọa khác: uống rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và có thể gây ra những vấn đề sức khỏe...Và như thế, bỏ tiền mua chai rượu khá một chút để vẫn phải nghe hai ba câu hăm dọa thì làm sao vui được, dẫu cho có tay tiên rót chén rượu đào...
Ðổ đi thì tiếc. Nên cứ uống, nhưng chừng mực một chút.
Tối hôm ấy, cầm đọc cái menu của La Bergerie để... đi chợ, tôi thấy được mấy món có vẻ rất được. Cá, bò, cừu đều được cả. Nhưng cứ món nào được một chút, cho đó là roast beef hay rack of lamb, hay vài ba thứ fruits de mer, là bên cạnh lại thấy cái hoa thị (*), nhìn xuống phía dưới, là đụng ngay vào những câu hăm dọa. Ðó là lần đầu tiên, trong thực đơn tôi đọc thấy chúng.
Câu hăm dọa đó cũng nhẹ thôi: các món thịt nấu không chín có thể gây ra những bệnh do các loại siêu vi trong nhóm salmonella truyền đi trong thịt, cá...
Nhưng vậy thì làm sao còn có thể dám gọi miếng steak kiểu Tatar, đụng dao vào còn ứa máu đào? Còn đâu là những miếng thịt cừu non Tân Tây Lan ăn cỏ trên những cánh đồng gần Christchurch hay Palmerston North một thời thân thiết? Làm thế nào còn dám đụng tới cái steak kiếm ngư -- sword fish -- còn hơi sống một chút để tưởng hôm qua nó còn vẫy vùng trong dòng Gulf Stream vật nhau tuyệt vọng với lão ngư ông của Hemingway?
Thôi thì chín quắt lại cho đỡ lo nhé...
Nhưng tại sao phải hăm kỹ như thế? Ði bộ băng ngang qua đường nguy hiểm biết là bao cũng nào có tổng giám đốc y tế hay bộ trưởng giao thông công chánh đứng cảnh cáo là việc đó có hại cho sức khỏe đâu? Trong khi chuyện bị cái Jaguar S-2000 đụng chết dễ hơn là bị salmonella hại đời... trai rất nhiều.
Nếu nhà cầm quyền quan tâm đến phúc lợi, sức khỏe, an nguy, thịnh vượng của người dân thì sao không treo những câu hăm dọa về nguy hiểm của việc sang đường ở các ngã tư đi?
Tại sao biết cảnh cáo để không cho trẻ con chơi những bao plastic vì chúng có thể trùm lên đầu làm ngạt thở trong khi lờ những nguy hiểm của những thứ sản phẩm khác đi? Tại sao làm mất đi cái ngon miệng bằng những câu hăm he in trong thực đơn trong khi không in vài ba câu cảnh cáo trên cái chai J'adore của Christian Dior? Thí dụ ít ra cũng phải viết rằng mùi hóa chất đựng trong chai này có thể làm cho người ngửi nó không suy nghĩ một cách tỉnh táo và thông minh được... không nên đứng gần quá lâu nếu nó bay ra từ một “tòa thiên nhiên” chẳng hạn.
Hay rõ hơn một chút: những người dùng thứ hóa chất này có thể rất nguy hiểm cho tự do, độc lập, hạnh phúc của những người đàn ông...
Hay điều đó quá rõ, không cần phải hăm nữa?

Ngày 29 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Ðã lâu tôi khôngvào thư viện công cộng nên không biết các thủ thư xếp cuốn sách của Laura Doyle do nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành hồi đầu năm nay và có lúc đã ở trong danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất của Amazon vào loại sách nào. Nhiều năm trước, tôi đọc được, hình như trong Reader's Digest, câu chuyện kể một độc giả hỏi thăm người quản thủ thư viện, nhờ tìm hộ cuốn sách nhan đề "Ðàn Ông Là Xếp Chúa Trong Nhà", và được trả lời là ông ta có thể kiếm cuốn sách đó trong kệ sách dành cho các loại sách truyện cổ tích, thần tiên.
Ngoài đời thật không thể có thứ xếp chúa nào như thế, ý nói trong truyện thần tiên thì may ra.
The Surrendered Wife là tựa cuốn sách của Laura Doyle. Bạn muốn dịch là Người Vợ Hồi Chánh hay Người Vợ Ðầu Hàng, Người Vợ Chịu Thua... hay thế nào cũngđược. Cuốn sách này không biết phải đi tìm ở tủ sách dành cho loại sách học làm người, khéo tay làm lấy (self help), tham khảo, tâm lý, triết học hay chính trị?
Tác giả, Laura Doyle, là một phụ nữ 33 tuổi, sống ở miền tây Hoa kỳ, một bữa sáng tỉnh dậy và thấy không thể tiếp tục đối xử với chồng như nàng vẫn làm từ lâu nay được nữa nếu muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của hai người.
Laura Doyle chợt nhớ nhà của hai người đã có mấy chiếc thảm chùi chân đặt ở cửa trước, cửa sau, buồng tắm, nhà xe... và vì thế, chồng nàng nên được dùngvào việc khác (?).
Muốn chùi chân thì cứ dùng những cái thảm chùi chân là đủ.
Laura Doyle quyết định tha cho người chồng chức năng làm thảm chùi chân.
Không những thế, Laura còn quyết định ngưng hẳn mọi nỗ lực để kiểm soát, phê bình, chỉ trích, ngắt lời, dậy dỗ, chỉ bảo, cho ăn canh rau đay, hủ tiếu dai, bắt ngậm bồ hòn... và họp thượng đỉnh (?) với chồng mỗi tuần ít nhất một lần cho dù nàng không ở trong tình trạng đầu óc để họp.
Laura Doyle viết xuống tất cả những điều đó cộng thêm với một số ý kiến của mấy người bạn, và kết quả là cuốn sách mà nàng đặt cho cái tựa TheSurrendered Wife, Người Vợ Hồi Chánh.
Cuốn sách trở thành bestseller, bán chạy nhất tại nước Mỹ, nước Mỹ của thế kỷ thứ hai mươi mốt, xứ sở của phong trào phụ nữ giải phóng, của những người đàn bà lái xe ngồi ghế sau -- back seat driver --chuyện gì cũng nhẩy vào đòi can thiệp, chiếc nhẫn ở tay người chồng được lấy ra, xỏ vào mũi những người đàn ông này, lôi đi; đất nước của những người đàn bà đang cố hết sức để đổi cái váy của mình cho những người đàn ông để mặc quần...
Trong một bối cảnh như thế, thì cuốn sách của Laura Doyle ra đời và bán chạy như tôm tươi.
Ai là những người mua cuốn sách đó? Phụ nữ, dĩ nhiên, và luôn cả đàn ông nữa. Nhưng chắc chắn người đọc có những lý do khác nhau để đọc nó, và đọc nó xong rồi thì cũng rút tỉa ra nhiều điều rất khácnhau.
Một phía đọc để xem lịch sử và tiến bộ của con người đang bị âm mưu kéo giật lùi lại như thế nào, và phía kia thì đọc để nhớ lại những cổ tích nghe trong thời thơ ấu, khi người đẹp trong tranh bước ra, cơm nước cho chàng học trò nghèo, khi Châu Long thay chồng giúp bạn, khi trái thị biến thành người vợ hiền thảo, khi "chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì..."
Không nhẩy dựng lên ném ra đủ mọi thứ ngôn ngữ kinh hoàng nhất...nước Mỹ.
Ðó, người ta đọc cuốn sách của Laura Doyle là vì những lý do như thế.
Cũng như người Mỹ tiêu tốn bao nhiêu tiền mua những cuốn sách chỉ cách xuống cân, tiêu mỡ và kết quả là quá nửa người Mỹ có cân đo quá khổ. Những cuốn sách đều chung phần số, ra nằm trong mấy thùng giấy chất trong ga ra xe.
Mấy điều Laura Doyle viết trong cuốn sách đó, có thể mới, lạ với các độc giả Mỹ. Các ông già Lê Quí Ðôn, Nguyễn Trãi đã dậy chúng tôi từ vài trăm năm nay, không tin cứ đến đây chúng tôi chỉvài ba người phụ nữ đoan chính, dịu dàng của chúng tôi cho mà... coi.
Hiền dễ sợ luôn!Hiền ác!

Ngày 30 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Chim ở xứ Mỹ quả là có sướng. Ðược nuôi cho béo, cắt, tỉa lông cho đẹp, bây giờ lại còn được cho mặc tã để tha hồ tự do đi chơi khắp nơi, không còn bị nhốt mãi một chỗ nữa. Chuyện trở về Cali (hayParis, tôi không nhớ rõ) có thể để quên con tim, chứ để quên những con chim thì không thể xẩy ra được. Chim rất được yêu quí như bài báo tôi mới đọc được trong phụ trang Business của tờ Washington Post.
Avian Fashions một công ty nhỏ ở gần thủ đô đã rất thành công mới chỉ sau có hai năm hoạt động. Sản phẩm mà công ty đang bán khá chạy là những cái tã cho chim.
Những người nuôi chim đều muốn thả cho chúng chạy nhẩy, bay lượn tự do trong nhà thay vì nhốt chúng mãi trong lồng. Nhưng thả cho chúng tự do ra ngoài thì nhiều khi cũng phiền: phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ đâu cũng có thể là vùng oanh kích tự do của chúng. Và bọn chim, với khả năng vừa bay, vừa oanh tạc nên nhiều khi đỉnh đầu của chủ chim cũng có thể bị ăn bom như thường. Ðỉnh đầu còn nhiều tóc thì lúc sau mới biết. Có khi hôm sau, đi tắm, gội đầu mới thấy một mảng tóc dính két lại với nhau: kỷ niệm của trò chơi rất vô phép của chim. Ðỉnh đầu còn rất ít tóc biết ngay: thấy ướt và nóng trên đầu là hiểu vừa có chim bay qua.
Ðể tránh những vụ oanh tạc bừa bãi đó của chim, chủ chim có thể cắt lông chim (ở hai cánh) để chim không bay được nữa. Hay cũng có thể mặc tã cho chim.
Những chiếc tã này được vẽ khiểu rất khéo. Tã ôm kín lấy bụng chim với hai quai quàng qua cánh và được cột lại ở trên lưng. Như thế, cánh chim vẫn tự do hoạt động để bay trong khi phía …dưới không thể thả bom được. Tã làm bằng vải, mỗi lần mặc khoảng bốn tiếng đồng hồ, sau đó, tháo ra, giặt phơi khô để có thể dùng lại. Mỗi chiếc tã vải như thế được bán với giá $19.95, mùa nào kiểu ấy: cái cho Halloween, cái cho Giáng Sinh, cái cho ngày của thánh Patrick vân vân.
Tin này có thể là tin vui cho người bạn có con vẹt của tôi. Con chim làm phiền khách khứa khá nhiều với câu nói do chủ cũ của nó dậy từ trước khi bạn tôi mua mang về nhà mà bạn tôi không cách gì làm cho nó bỏ được. Cứ thoáng trông thấy khách của chủ đến gần chuồng, là nó lại nghiêng đầu nói:"Big deal! Big deal!"
Làm cái gì mà cứ nhắng lên như thế! Cứ nghe nó lảm nhảm như thế ai mà không tức điên người lên?
Tôi sẽ thông báo để người bạn mua mấy cái tã về lo cho (con) chim của chàng. Tưởng tượng sáng sáng chàng ra góc nhà, thò tay vào trong lôi chim ra. Sau khi vuốt ve nó mấy cái, xoa xoa cái đầu, vuốt xuống lưng chim, chàng mặc tã cho chim, cài cột cẩn thận rồi thả cho chim đi tự do trong phòng, nếu thích, chim có thể đi khắp nơi trong nhà như chỗ không người... mà không sợ chim của mình làm bậy.
Hiện nay công ty đang vẽ kiểu một sợi dây để cột chim, không cho chim vượt khỏi tầm tay kiểm soát của chủ, đi hoang gây phiền nhiễu cho chủ.
Những người không đồng ý với việc mặc tã cho chim thì cho rằng sản phẩm mới này làm cho chim mất đi đời sống tự nhiên. Chim phải được cho sống tự do gần gũi với thiên nhiên. Ở ngoài trời, có con chim nào mặc tã đâu? Sao lôi chúng ra rồi choàng lên mình chúng những cái tã?
Không muốn mỗi sang phải làm sạch chuồng chim bằng những tập thơ dở mà nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã than thở mua lầm phải một đống ở đầu cuốn "Thơ và vân vân" của ông, thì thả cho chim tự do đi luôn. Tại sao phải loay hoay tã lót cho... chim?
Mất công vì chim nhưvậy thì cắt (mọi liên hệ, trợ giúp) chim đi cho rồi. Tã lót mà làm chi? Chim làm bậy (?) như vậy thì không đáng nuôi nữa.
Tại sao lại để cho chim làm bậy rồi làm khổ mình như vậy?
Nhưng có chim mà không lo cho nó, bẩn chim hết sao?

Ngày 31 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Theo tạp chí Boating, tờ báo của những người lắm tiền nhiều bạc sống đời cao sang quyền quí kiểu "trên ô tô dưới thì ca nô, nằm giường Tầu đắp them nệm gấm, trên đầu lại xịt dầu thơm, dầu thơm" như một bài ca tả những tay chơi Nam kỳ xưa mà Vương Hồng Sển có dẫn trong một cuốn sách của cụ, thì những ông chủ tầu, chủ du thuyền không là những tay nịnh đầm, những người hùng, những hiệp sĩ oai phong như nhiều người có thể lầm tưởng. Tờ báo này cho biết là nếu người đi cùng trên tầu, trên du thuyền của các chủ tầu này có không may ngã xuống sông, xuống biển, thì cứ 100 chủ tầu, chủ du thuyền, chỉ có 13 người chịu bỏ tầu nhẩy xuống nước cứu bồ.
Thực ra, nói là "người đi cùng trên tầu" cho nhẹ, chứ trong cuộc thăm dò của tờ Boating, những người đó là vợ hay chồng -- nguyên chữ trong bài báo là "spouses" -- của chủ thuyền, chủ tầu.
Như vậy, đó phải là vợ hay chồng của chủ tầu, mà thường thì là vợ, vì số chủ tầu, chủ thuyền phụ nữ không nhiều lắm. Hầu như chủ tầu, chủ du thuyền bao giờ cũng là những người đàn ông áo sơ mi không cài cúc, phanh ngực, quần shorts, giầy boatshoes có giây bằng da, miệng ngậm tẩu bull dog, kính aviator, mũ lưỡi trai đứng hiên ngang cạnh tay lái tầu trong gió biển, gió sông lồng lộng.
Oai hùng và đẹp biết là chừng nào!
Vậy mà trong số 100 người như thế, chỉ có 13 người dám nhẩy xuống nước cứu vợ. Và 87 người kia thì tiếp tục đứng trên tầu, trên du thuyền cho gió sông, gió biển lồng lộng vuốt ve mái tóc.
Nhẩy xuống để... tóc gió thôi bay hay sao?
Như thế thì tồi thật.
Tại sao các chàng lưỡng lự rồi đi đến quyết định ở lại trên tầu? Tầu của chàng chưa chìm nên không thể nói là thuyền trưởng phải ở lại chết theo thuyền.
Vậy thì các chàng nghĩ gì?
Nghĩ tới cái bảo hiểm nhân thọ các chàng è cổ đóng cho vợ nay là lúc tốt đẹp nhất để đòi bồi thường cho bõ những ngay cơ cực?
Hay tới bầy cá mập đang bơi cạnh nàng? Làm sao phân biệt đâu là nàng, đâu là cá mập? Lỡ mắt mũi kèm nhèm nhìn gà hóa cuốc, nhìn vợ thành con great white, con tiger, con hammerhead, rồi cứu lầm con cá mập thay vì cứu vợ thì sao? Mang tiếng chết!
Trong khi những người đàn ông không giầu có, hào hoa như các chàng, không du thuyền, không ca nô gì hết, nhưng đi xe với chúng tôi, có té xuống sông, xuống biển(?) là chúng tôi tông cửa xe nhẩy xuống cứu cái một. Không những nhẩy xuống cứu, mà chúng tôi còn mở cửa cho lên xe nữa chứ.
Vậy mà có người nói xấu chúng tôi rằng khi một người đàn ông mở cửa xe cho một người đàn bà lên xe, thì một trong hai thứ phải mới: hoặc cái xe mới, hoặc người đàn bà mới.
Ý nói cái xe mới mua mà để cho đứa phàm phu tục tử mở lấy leo lên xe để hỏng để sứt sát xe cậu ư? Vậy thì cậu đành mở cho nó lên vậy.
Còn nếu nó mới, mà xe cũ thì chiều nó một chút có sao, nó đỡ chê xe mình cũ!
Nhưng đây đúng là một câu nói vu khống đầy ác ý. Người nghĩ ra câu đó chắc chắn đang ở với một người không còn mới nữa, nên phải bịa đặt ra nhận xét đầy ác độc đó để cho nàng chịu cho chàng mua xe mới, chứ không là người tử tế bao giờ hết.
Chỉ có người đàn ông đi cái Honda Passport cao vòi vọi, khi đi với một người mặc mini lên không nổi, thì đứng cạnh, mở cửa cho đương sự lên, rồi nếu cần, tiện tay tiện chân giúp nó leo lên thì cũng có sao. Trước mua vui sau làm nghĩa chứ mất mát gì đâu.
Còn lúc xuống, thì giúp mở cái cửa cho đương sự ra khỏi xe thật lẹ cho … khuất mắt thì đúng rồi còn nói chi nữa? Ðâu cần phải mới, xe cũng như người mới làm những việc như vậy.
Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa xe cho lên cho xuống. Và vì thế, người không có tầu và du thuyền vẫn lịch sự, đáng yêu hơn những người có tầu,có du thuyền là thế.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 151)
THE+SUPERLATIVE + PRESENT PERFECT
IDIOMS WITH THE VERB TO STAND
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 151 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, tuần này chương trình nhận được thư của một khán giả, cụ ông Trần Quang Thái ở Florida muốn anh nói về một structure dùng so sánh hơn nhất cộng với thì Present Perfect. QA đọc câu hỏi của cụ mà cũng không hiểu cụ muốn hỏi gì. Cái structure này là cái gì, thưa anh.
BBT
Đây là một cách đặt câu rất có ích, chúng ta có thể dùng ngay trong khá nhiều trường hợp. Chắc hai cô thế nào chẳng đã có lần nói rằng đó là cuốn phim hay nhất, bài hát hay nhất mình đã được xem, đã được nghe, hay chuyện gì đó đáng nhớ nhất mà mình đã sống qua phải không? Chúng ta sẽ nói về cách đặt những câu như thế trong tiếng Anh.
Câu này có hai phần. Trong nửa đầu, chúng ta luôn luôn dùng hình thức so sánh nhất, tức là SUPERLATIVE COMPARISON của các tĩnh từ. Khi các tĩnh từ này là tĩnh từ ngắn, tức là có HAI ÂM, chúng ta chỉ cần thêm cái đuôi EST vào cuối là có so sánh nhất. Nhân đây, chúng ta cũng sẽ nói về cách so sánh hơn tức là COMPARATIVE và so sánh hơn nhất, SUPERLATIVE COMPARISON của các tĩnh từ. Để có hình thức so sánh hơn, chúng ta thêm ER và hơn nhất, chúng ta thêm EST và cuối. Thí dụ NICE, PRETTY, LOUD, NOISY, SOFT, STRONG… là những tĩnh từ ngắn. NOISY và PRETTY có HAI ÂM nên cũng được coi là tĩnh từ ngắn. Trên hai âm là tĩnh từ dài như BEAUTIFUL, INTERESTING, ATTRACTIVE... Thúy cho biết thể so sánh hơn và hơn nhất của NICE, PRETTY và LOUD là gì nào.
LÃM THÚY
NICE so sánh hơn là NICER và hơn nhất là NICEST; PRETTY là PRETTIER và PRETTIEST; LOUD là LOUDER và LOUDEST.
QA
NOISY so sánh hơn là NOISIER và so sánh nhất là NOISIEST; SOFT là SOFTER và SOFTEST ; STRONG là STRONGER và STRONGEST.
LÃM THÚY
Thưa anh, có bữa Thúy nghe con của Thúy dùng chữ BADDEST hình như không đúng thì phải.
BBT
Cám ơn cô Thúy. Cô nhắc tôi một chuyện rất quan trọng. BADDEST là sai, là không đúng xét về văn phạm. Nhưng tuổi trẻ như các con của cô thì nhiều khi chúng không lý gì tới văn phạm cả. Vì thế mới có chữ BADDEST. Nhưng đây là lối nói của tuổi trẻ. Mà ngay chữ BAD, bây giờ chúng cũng dùng với nghĩa hoàn toàn khác. BAD có thể có nghĩa là hay, tốt, đẹp tức là hoàn toàn khác với nghĩa của chữ BAD mà chúng ta đã biết là xấu, là dở. Thí dụ IT IS A REALLY BAD CAR nghĩa là cái xe rất hay, rất tốt, không phải là cái xe dở, xấu.
So sánh hơn nhất của BAD không phải là BADDEST mà là WORST.
QA
Như vậy là ngoại lệ phải không anh? Tiếng Anh có nhiều ngoại lệ như thế không?
BBT
Trong tiếng Anh có một số tĩnh từ ngắn nhưng không theo qui luật chúng ta nói ở trên, chúng ta không thêm ER cho so sánh hơn và không thêm EST ở cuối cho so sánh nhất. Đó là các tĩnh từ GOOD, WELL, BAD, OLD và FAR. Đó là những ngoại lệ.
GOOD so sánh hơn là BETTER và hơn nhất là BEST.
WELL là tĩnh từ nghĩa là khỏe mạnh, phân biệt với WELL trạng từ ADVERB nghĩa là giỏi. Tĩnh từ WELL so sánh hơn là BETTER và so sánh nhất là BEST.
BAD nghĩa là xấu, tồi, tệ. So sánh hơn là WORSE và so sánh nhất là WORST.
OLD so sánh hơn là OLDER và cũng là ELDER. So sánh nhất là OLDEST và cũng là ELDEST. So sánh hơn của FAR là FARTHER và cũng là FURTHER. So sánh hơn nhất là FARTHEST và FURTHEST.
QA
Thưa anh, ELDER, ELDEST có khác OLDER và OLDEST không?
BBT
Có. OLD là già, là cũ. OLDER là già hơn, cũ hơn. OLDEST là già nhất, cũ nhất. Còn ELDER và ELDEST thì cũng có nghĩa là già, nhưng chỉ dùng cho người, không dùng cho thú vật hay đồ vật. ELDER và ELDEST được dùng cho người, nhưng chỉ được dùng với những người trong nhà, trong cùng một gia đình như BROTHER, SISTER, AUNT, UNCLE... Thí dụ MY ELDER BROTHER, MY ELDEST UNCLE. Chúng ta không dùng ELDER và ELDEST với những người lạ, không thuộc gia đình của chúng ta. Vì thế, chúng ta nói MY OLDER CO-WORKER, hay MY OLDEST CLASSMATE.
LÃM THÚY
Thế còn FARTHER và FARTHEST có khác với FURTHER, với FURTHEST không thưa anh?
BBT
Khi nói về những chiều dài, những khoảng cách vật lý có thể đo được bằng miles, bằng kilometers thì chúng ta dùng FAR, FARTHER, FARTHEST. Khi đó là những khoảng cách KHÔNG đo được bằng kilometers, bằng miles, chúng ta dùng FURTHER và FURTHEST.
QA
Xin anh cho nghe thí dụ với FURTHER và FARTHER vì QA vẫn chưa hiểu.
BBT
Tôi hỏi cô là nếu nói đường từ Los Angeles đi San Jose XA hơn từ Los Angeles đi San Diego thì những đoạn đường này có đo được bằng MILES không?
QA
Đo được. Vậy thì QA nói THE DISTANCE FROM LOS ANGELES TO SAN JOSE IS FARTHER THAN FROM LOS ANGELES TO SAN DIEGO có đúng không?
BBT
Đúng rồi. Nhưng khi nói anh ấy định học cao hơn sau khi có bằng B.A. thì chuyện (học) cao hơn đó có đo được bằng miles hay kilometers không Thúy?
LÃM THÚY
Thưa không. Vì thế, Thúy sẽ phải dùng FURTHER chứ KHÔNG dùng FARTHER và nói là AFTER GETTING HIS BACHELOR DEGREE, HE WENT TO HARVARD FOR FURTHER STUDIES.
BBT
Đó là trường hợp so sánh hơn và so sánh nhất của các tĩnh từ ngắn. Khi gặp các tĩnh từ dài, tức là từ BA âm trở lên thì chúng ta dùng MORE để so sánh hơn và MOST để so sánh nhất. Thí dụ BEAUTIFUL, INTERESTING, EXCITING, WONDERFUL, TEMPERATE, COMPLICATED, INTELLIGENT là các tĩnh từ dài. QA cho biết so sánh hơn và so sánh nhất của BEAUTIFUL, INTERESTING, EXCITING coi.
QA
MORE BEAUTIFUL, MOST BEAUTIFUL; MORE INTERESTING, MOST INTERESTING; MORE EXCITING và MOST EXCITING.
BBT
Thế còn Thúy?
LÃM THÚY
MORE TEMPERATE, MOST TEMPERATE; MORE COMPLICATED, MOST COMPLICATED; MORE INTELLIGENT và MOST INTELLIGENT.
BBT
Bây giờ chúng ta trở về phần đầu của câu. Bao giờ chúng ta cũng dùng so sánh nhất trong phần đầu này. Thí dụ nói đó là cuốn phim hay nhất thì chúng ta nói IT WAS THE BEST FILM. Thúy cho nghe ba thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON.
SHE IS THE NICEST GIRL.
THEY ARE THE MOST INTERESTING PEOPLE.
QA
Thưa anh, tại sao lại phải dùng THE, mạo tự xác định, DEFINITE ARTICLE ở trước?
BBT
Khi so sánh nhất, khi nói đó là cô gái tử tế nhất, tốt nhất thì chúng ta đã xác định cô ấy là ai rồi, là người tốt nhất, tử tế nhất, nhất trong số những người chúng ta quen. Vậy thì người ấy đã được xác định, không còn bất định nữa, nói đến là biết đó là ai rồi, không phải là bất cứ cô gái nào, mà là chính cô ấy, do đó, chúng ta phải dùng THE, mạo từ xác định ở trước.
QA
Cám ơn anh. QA xin đưa ba thí dụ với so sánh nhất sau đây:
THAT WAS THE MOST EXCITING MOVIE.
HE DRIVES THE MOST EXPENSIVE CAR.
SHE SPEAKS THE BEST ENGLISH.
BBT
Bây giờ qua phần thứ hai của câu. Phần đầu chúng ta nói đó là cuốn phim lý thú nhất. Nói vậy nghe vẫn chưa đủ. Chúng ta cần một số chi tiết khác cho rõ và đầy đủ điều chúng ta muốn nói. Thúy thấy cần phải thêm gì nữa?
LÃM THÚY
Đó là cuốn phim lý thú nhất mà chúng tôi đã xem.
BBT
Mà chúng tôi đã xem được thì tiếng Anh nói là THAT WE HAVE SEEN. Thúy nói nguyên cả câu coi.
LÃM THÚY
THAT WAS THE MOST EXCITING MOVE THAT WE HAVE SEEN.
BBT
Cám ơn Thúy. Bây giờ hai cô cho nghe mấy thí dụ khác coi.
QA
Nhưng trước hết, QA muốn hỏi là KHÔNG dùng PRESENT PERFECT có được không?
BBT
Chúng ta dùng PRESENT PERFECT để nói là cho đến nay, UP TO NOW, đến bây giờ, nên chúng ta phải dùng PRESENT PERFECT, không thể dùng PRESENT hay PAST được. Lý do là vì PRESENT PERFECT được dùng để nói về một sự kiện chưa chấm dứt hoàn toàn, vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay. Thí dụ nói ông ấy lái một chiếc xe đắt tiền nhất mà (cho đến nay) tôi đã được thấy. QA nói thử bằng tiếng Anh câu trên coi.
QA
HE DRIVES THE MOST EXPENSIVE CAR THAT I HAVE SEEN.
SHE SPEAKS THE BEST ENGLISH THAT WE HAVE HEARD nghĩa là cô ấy nói thứ tiếng Anh hay nhất mà chúng tôi đã được nghe (tính từ trước đây cho đến nay).
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON THAT WE HAVE MET.
SHE IS THE NICEST GIRL THAT HE HAS KNOWN.
THEY ARE THE MOST INTERESTING PEOPLE THAT WE HAVE TALKED TO.
BBT
Muốn cho ý nghĩa những câu trên mạnh hơn chúng ta thêm EVER vào ngay sau động từ TO HAVE. Thí dụ HE WAS THE MOST INTELLIGENT PERSON THAT WE HAVE EVER MET… THAT HE HAS EVER KNOWN…THAT WE HAVE EVER TALKED TO…
Muốn mạnh hơn nữa thì thêm IN THE ENTIRE WIDE WORLD nghĩa là trên khắp thế giới.
Hay cũng có thể thêm IN MY WHOLE LIFE nghĩa là trong đời tôi. Thí dụ hai cô thế nào mà đã chẳng được nghe câu này từ mấy đứa con: MOM, YOU ARE THE BEST MOM THAT I HAVE EVER HAD IN MY WHOLE LIFE IN THIS ENTIRE WIDE WORLD. Đúng không?
QA
Dạ đúng. Thưa anh, hôm nay, QA muốn anh cho nghe một số idioms thường hay gặp nhất của động từ TO STAND.
BBT
Idioms với TO STAND thì nhiều lắm, nói ra không hết đâu mà các cô cũng sẽ không nhớ được tất cả. Chúng ta sẽ chỉ cần biết một số idioms mà chúng ta thường gặp thôi. TO STAND là đứng. Cho thêm một PREPOSITION ở phía sau, ý nghĩa của nó đổi khác ngay. Thúy hiểu STAND FOR trong câu này là gì nào: THE LETTERS U.S. STAND FOR UNITED STATES.
LÃM THÚY
STAND FOR nghĩa là thay thế cho, tượng trưng cho phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. THEY SAY THERE IS NO SEAT ON THE PLANE SO WE MUST STAND BY. QA hiểu câu này ra sao?
QA
QA nghĩ STAND BY là đợi, đợi đến lượt mình, đợi để lên tầu bay.
BBT
Thế còn I CANNOT STAND HIS TALKING Thúy hiểu là gì?
LÃM THÚY
TO STAND còn có nghĩa là chịu, chịu đựng. Thúy cũng còn nghe câu này: IF YOU CANNOT STAND THE HEAT, GET OUT OF THE KITCHEN có phải là "có cứng mới đứng đầu gió" không thưa anh?
BBT
Cũng gần như thế. Nếu không chịu được nóng thì đừng đứng trong bếp nữa. Câu này có nghĩa là nếu không chịu được chuyện gì, không chịu nổi ai đó thì tránh ra đừng đến gần. Nhớ là idiom này thường được dùng ở thể NEGATIVE, rất ít khi được dùng trong thể AFFIRMATIVE. Đừng nói I CAN STAND HER COOKING. Dùng BEAR nghĩa là chịu đựng thì hơn: I CAN BEAR HER COOKING.
Hai cô cẩn thận khi nói TO STAND FOR OFFICE thì cũng hệt như là TO RUN FOR OFFICE. Cả hai câu STAND FOR và RUN FOR đều có thể dùng cho ông Romney cả. Cô QA thử làm một câu dùng STAND FOR hay RUN FOR coi.
QA
MISTER ROMNEY IS STANDING FOR OFFICE THIS YEAR. Hay cũng có thể nói HE IS RUNNING FOR OFFICE.
BBT
Thúy hiểu TO STAND IN trong câu này như thế nào: HE IS STANDING IN FOR WILLIAM BECAUSE WILLIAM IS SICK TODAY.
LÃM THÚY
STAND IN trong câu này nghĩa là thay thế, thế chỗ tạm cho ai đó. Thưa anh, thế còn "đứng dưới" người nào đó thì nghĩa là gì?
BBT
À câu này thì tôi không hiểu. I DO NOT UNDERSTAND YOU AT ALL.
LÃM THÚY
Như vậy là thầy hiểu em định chơi chữ, diễu thầy rồi còn gì. YOU UNDERSTAND ME rồi đó thôi.
BBT
NOW I UNDERSTAND YOU. BUT I DON’T STAND UNDER YOU. YOU MADE MY HAIR STAND ON END. Cô làm tóc tôi dựng ngược hết lên thấy chưa? THANK YOU !
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.