August 23, 2012

August 24, 2012


Ngày 20 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Trước khi có những chuyến di cư, tức là khoảng năm 1953, ở Sài Gòn đã xẩy ra vụ một phụ nữ nổi ghen, đổ dầu hôi châm lửa đốt chết người chồng. Tin được đăng trên cả hai tờ nhật báo ở Hà Nội là các tờ Giang Sơn và Tia Sáng. Tôi nhớ rõ chuyện này, vì tên của người phụ nữ rất khó đọc, với tôi, vào lúc ấy, cô Quờn. Vụ cô Quờn đã trở thành chuyện rất nhiều người nhắc đến, ngay cả vào lúc những tin tức chiến sự đang rất xôi động vào thời điểm ấy.
Với người dân lúc đó, hành động đốt chồng là một tin rất lớn. Nhạc sĩ Trần Văn Trạch cũng nhắc đến chuyện ấy và viết thành một ca khúc hài hước rất nổi tiếng của ông.
Năm 1962, một phụ nữ khác ở Sài Gòn cũng vì ghen đã thuê người dùng acid tạt vào mặt một vũ nữ có dan díu với chồng của bà, một sĩ quan cấp tá. Khuôn mặt nạn nhân bị acid hủy hoại hoàn toàn. Báo chí Sài Gòn lại được dịp tốn nhiều giấy mực viết về vụ đánh ghen khủng khiếp đó suốt cả tháng trời.
Tôi nhắc hai chuyện này vì hồi ấy, những chuyện như thế là những chuyện họa hoằn lắm mới xẩy ra nhưng lại gây rất nhiều chấn động ở Việt Nam. Vài ba năm mới có một vụ như vậy.
Nhưng ngày nay, những chuyện như vậy không còn là những chuyện lạ nữa. Những chuyện đó, nói theo chữ nghĩa ở trong nước bây giờ, không còn là những tin "sốc" nữa.
Vì loại tin như thế được báo chí đề cập đến quá nhiều ở Việt Nam.
Trên tờ Công An Nhân Dân số đề ngày 20 tháng 8, người ta đọc được những tựa đề toàn những chuyện kinh khủng như "Bán người ra đảo Phú Quốc làm gái mại dâm", "Sát hại bạn gái rồi cướp tài sản", "Phá động mãi dâm ở Quảng Tây , giải cứu 11 cô gái Việt", "Sát hại người tình lớn tuổi vì không được cho ở chung", "Thanh niên hiếp em gái 9 tuổi, giết luôn em của nạn nhân 4 tuổi", "Giết bạn gái vì chiếc điện thoại di động", "Bán 5 cô gái sang Trung quốc trước ngày cưới", "Con gái 9 tuổi tố cáo cha đánh chết mẹ", "Giết người mang chôn ở hố bùn", "Giết người rồi giao cấu với tử thi", "Giải cứu 10 phụ nữ bị ép bán dâm ở Hà Nội", "Hiếp cụ bà 80 rồi cướp giây chuyền"…
Tổng cộng là 12 tin, không tính những tin về các vụ lừa đảo, gian lận, phạm pháp khác. Xã hội Việt Nam đã thay đổi như vậy rồi sao? Còn đâu là đời sống hiền lành, luân lý của ngày trước nữa.
Trên một trang khác, người ta thành lập nguyên một mục có tựa đề là "Học tập theo gương đạo đức của Bác" để nói về những việc làm tốt đẹp, những lời nói răn dậy của Hồ Chí Minh.
Nhưng học tập gương của Bác sao lại hành xử như thế?
Hoặc là các cháu đếch nghe lời Bác, nếu không thì các cháu biết tỏng Bác là người thế nào rồi. Không thể che mắt được các cháu nên các cháu làm theo bác để vui chơi bốn mùa. Hay cũng có thể các cháu chỉ làm đúng theo những tấm gương Bác để lại.
Mà những tấm gương ấy thì cũng chẳng tốt đẹp gì. Bác vồ Nguyễn Thị Minh Khai, vợ của đồng chí Lê Hồng Phong ở Mạc Tư Khoa. Bác bạ đâu là … cách mạng ở đó. Bác lấy Tăng Tuyết Minh, một chị xẩm, rồi lại mê cả Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai, rồi hết với má Nông Đức Mạnh, lại với cô Nông Thị Xuân mà xài xong, bác tặng cho Trần Quốc Hoàn dùng sái nhì rồi Hoàn giết quăng xác ra đê Yên Phụ…
Có vậy thì mới giải thích được những thứ tin tức khủng khiếp như trên trang báo của một ngày như đã thấy ở trên.
Đất nước ngày nay đã trở thành một nơi độc địa như thế rồi sao?

Ngày 21 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Mỗi năm, khoảng tháng 12, đài BBC lại đưa ra một danh sách những từ ngữ bị ghét nhất và bị coi là vô duyên nhất trong tiếng Anh. Đó là những chữ đã bị dùng nát bươm, đã mất đi hẳn ý nghĩa nguyên thủy, hay vì đã bị lạm dụng quá mức đến độ biến thành vô nghĩa, và hơn hết, cho thấy sự lười biếng, thiếu sáng tạo của người dùng nó.
Hai chữ "You know" cũng đã được ghi vào danh sách đó cả ở Anh cũng như ở Mỹ, như trong danh sách tương tự của nhật báo New York Times và Washington Post.
Nhưng người ta vẫn tiếp tục nhắm mắt nhắm mũi dùng nó. Caroline Kennedy, con gái cố tổng thống Kennedy, mấy năm trước ngấm nghé chiếc ghế thượng nghị sĩ New York khi bà Hillary Clinton bỏ thượng viện để tham gia nội các Obama, cũng vì dùng văng mạng hai chữ "You know" mà giấc mơ vào thượng viện tan tành. Trong một cuộc phỏng vấn, Caroline Kennedy đã dùng hai chữ "You know" tới 142 lần. Bản chuyển tả ghi chép lại nguyên văn bài phỏng vấn đã không bỏ sót một chữ "You know" nào. Chiếc ghế thượng nghị sĩ New York trước đó gần như chắc chắn vào tay Caroline Kennedy thì sau cuộc phỏng vấn truyền hình đó với 142 lần "You know" đã vuột khỏi tay người phụ nữ từng được cả nước Mỹ yêu mến và ái mộ, người còn lại duy nhất của gia đình cố tổng thống Kennedy. Hễ kiếm không ra chữ dùng đích đáng, là "You know" cho được việc. Người ta liền nghi ngờ khả năng của người phụ nữ có bằng luật đó. Ăn nói như thế thì làm sao có được sự can đảm tại nghị trường như tựa đề cuốn sách nổi tiếng của cha cô, "Profiles in Courage", để thành một nhà làm luật giỏi cho được.
Trong tiếng Việt cũng có những chữ vô duyên hết sức như thế, từ khi ông Hồ lôi chúng ra dùng. Một trong những chữ đó là "tốt". Cái chó gì cũng "tốt". Như cái khẩu hiệu viết trên tường của một trường học nơi diễn ra những trò dùng tài liệu, chép từ "phao" trong giờ thi hồi cách đây mấy tháng. Đó là cái khẩu hiệu "Dậy tốt, học tốt".
Thay vì nói các nhà giáo làm việc tận tâm, các học sinh học hành chăm chỉ, thì cứ "tốt" mà phang vào. Cho nên mới xẩy ra cảnh gian lận thi cử một cách "tốt" như đã thấy. (đáng lý ra phải nói là " gian lận một cách trắng trợn và công khai").
Ở Mỹ, tại một cuộc thi hát mới đây, các giám khảo cuộc thi, khi đưa ra ý kiến về các thí sinh và giọng hát của họ, thì các ông bà giám khảo cứ hết hát "tốt", lại đến thể hiện "tốt" … là xong phần nhận định và phê bình. Thế thì những từ ngữ chính xác hơn để mô tả giọng hát hay kỹ thuật trình bầy như truyền cảm, chừng mực, xuất sắc, thuyết phục, điêu luyện, già dặn, đầy cảm xúc, tình cảm … để đâu mất hết rồi. Ngôn ngữ đã thoái hóa và nghèo nàn đến thế rồi ư? Đòi hỏi như thế đối với các giám khảo cuộc thi có là quá đáng không?
Hình như không.
Còn có hai chữ khác mà chúng ta cũng không cách nào thoát được khi đọc báo, nghe radio và xem các chương trình truyền hình ở đây. Đó là hai chữ "chia sẻ". Cái quái gì cũng chia sẻ hết.
Xướng ngôn viên đọc cái cáo phó trên đài radio mời thính giả "chia sẻ" tin buồn. Sao lại làm thế! Tin buồn thì của tang gia, cáo phó là thông báo cái tin buồn đó cho bạn bè thân thuộc của tang quyến để biết mà thăm viếng, phúng điếu chứ mắc mớ gì tới các thính giả nghe radio? Buổi sáng đang tốt đẹp, ấn cho chúng tôi cái tin buồn, chia sẻ cho chúng tôi những đau đớn, buồn khổ thì khổ cho chúng tôi quá. Nếu chúng tôi có dính líu, quen biết với người quá vãng hay gia đình của người chết thì chúng tôi sẵn sàng cảm thông với những mất mát đó. Nhưng chúng tôi không quen biết người ra đi và tang gia thì tại sao chia cho chúng tôi một ít đau buồn và muốn chúng tôi đau buồn?
Trong quảng cáo về những xe hơi trong một đợt bán hạ giá, người xướng ngôn cũng xin người bán xe "chia sẻ". Chia sẻ cái gì bây giờ? Chia cho chúng tôi một cái xe lái về miễn phí sao? Tại sao không nói là yêu cầu người bán xe cho biết giá cả và số xe đang có sẵn ở parking lot?
Nghe những nhà truyền thông quảng cáo bán thuốc cũng sẽ thấy những câu vớ vẩn và ngớ ngẩn xin các ông bà lang ta …"chia sẻ". Người bệnh được yêu cầu "chia sẻ", các ông lang cũng "chia sẻ". Sao lại hào phóng một cách kỳ lạ như vậy?
Đọc báo trong nước người ta mới thấy hai chữ "chia sẻ" này xuất phát từ trong nước mà ra. Ở dưới một bản tin chó chết mới đây, một độc giả viết "Tôi rất chia sẻ". Chia cái con chó gì? Thông cảm, đồng cảm, cùng những suy nghĩ như bản tin… chứ tại sao lại "chia sẻ"?
Rất nhiều những bản tin báo chí, thay vì viết "ông XYZ cho biết thêm" hay "nói rõ hơn", hay "giải thích thêm"… thì cứ thế lôi "chia sẻ" ra dùng cho …bõ ghét.
Chia sẻ là đem cái của mình chia cho người khác. Nhưng chia sẻ không có nghĩa là cho hết, mà chỉ cho một phần, còn giữ lại một phần. Chia sẻ miếng cơm manh áo, chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ kiến thức thì có lý. Nhưng chia sẻ một chuyện thì có nói hết câu chuyện đó không? Hiển nhiên, theo cách hiểu chính xác của hai chữ "chia sẻ", thì không. Nói rằng tổng thống Obama "chia sẻ chương trình medicare", thì chắc chắn ông còn giấu nhiều điều, không cho người dân biết. Tại sao không nói là tường trình, trình bầy, nói về … medicare?
Trong một bản tin trong nước, nhà báo viết: "ông X chia sẻ căn bệnh phong tình với chúng ta". Tại sao lại viết như thế? Ông X nói về bệnh phong tình của ông thì cứ nói, chứ chia cho chúng tôi một ít vi trùng lậu, giang mai thì không được. Xin ông cứ giữ chúng trong người. Đừng chia sẻ như một số người Phi châu tin là cưỡng hiếp các nữ tu ở các tu viện, thì những nạn nhân sẽ lấy đi vi trùng bệnh phong tình, vi khuẩn HIV và người bị bệnh sẽ khỏi.
Đó là cách nói lười biếng, không chịu tìm chữ dùng cho chính xác, mà cũng có thể là không có chữ, nên cứ lôi "tốt" với "chia sẻ" ra mà dùng một cách vô tội vạ như thế.
Đố bạn nghe radio, xem truyền hình và đọc báo ở đây mà thoát được mấy chữ này.
Bạn mà thoát được thì tôi sẽ xin cho bạn "một tràng pháo tay", một câu cực kỳ vô duyên và ngớ ngẩn khác mà chúng ta bị nó tra tấn đến độ chúng ta không bao giờ có thể một ngày qua đi mà thoát được chúng.
Không tin thì cứ nghe mấy ông bà em xi mà coi.

Ngày 22 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Hôm qua, theo một bản tin từ Bắc Kinh thì nhà cầm quyền Trung quốc đã lên tiếng than phiền là Việt Nam đang hạn chế phổ biến những phim Tầu trên các đài truyền hình ở Việt Nam.
Tôi không ở Việt Nam, mà có sống ở đó, cũng sẽ không bao giờ xem phim Tầu chuyển âm sang tiếng Việt. Giản dị là vì tôi không thích loại phim này. Xem để mà phải nghe, rồi lỡ nhập tâm những câu như, "em muốn gả ai là em gả à" rồi lâu dần lỡ chính mình ăn nói quàng xiên theo những văn chương đối thoại tiếng Việt của những cuốn phim này, hay phải nghe mấy đứa cháu khen "ông nội xuất sắc trong vai tì nữ" hay sao?
Vì không ở trong nước nên tôi không biết trước đây các đài truyền hình ở Việt Nam chiếu bao nhiêu phim Tầu, và nay, con số phim Tầu bị giảm đi là bao nhiêu, và từ bao giờ. Nhưng đọc bản tin tường thuật những lời than phiền của Bắc kinh thì tôi thấy những người bạn tốt của chúng ta ăn nói như cứt.
Không biết việc giảm bớt con số những thứ phim ảnh ấy có là chủ trương mới của nhà cầm quyền Hà Nội để phản đối thái độ và hành động mất dậy của mấy anh Tầu đối với Việt Nam hay không, nhưng tôi tin là không. Thế nhưng tôi vẫn thấy mấy anh Tầu là chướng, là vô lối, và ăn nói như cứt.
Mẹ kiếp mấy anh đừng vội phản đối chuyện số phim Tầu bị cắt bớt, mà hãy nhìn kỹ những gì … Cộng Sản Hà Nội đang làm (xin lỗi tổng thống Thiệu vì đã thuổng câu nói quá hay của ông). Việc quái gì mà mấy anh phải nhắng lên như thế.
Đây nhá, chúng tôi vẫn chỉ dám gọi tầu của … Ba Tầu là "tầu lạ" nhá. Chúng tôi vẫn không dám gọi ba cái tầu ấy là tầu của Ba Tầu. Chúng tôi kiêng cữ như thế là rất kỹ rồi còn nói gì nữa. Rồi tầu của Ba Tầu đụng nát tầu của ngư dân Việt Nam, Ba Tầu lại còn bắt những người đánh cá khốn khổ này, giam giữ đòi tiền chuộc, đồng thời không hề bồi thường các thiệt hại gây ra cho ngư dân Việt Nam, mà chính phủ chúng tôi vẫn trơ mắt ếch ra, đếch dám làm gì nhá. Dân trong nước chúng tôi mà nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa là chúng tôi bắt ngay, cho công an đạp vào mặt, đánh đập nhừ tử, nhốt trong trại phục hồi nhân phẩm, làm như tranh đấu cho Hoàng Sa và Trường Sa là mất cha nó nhân phẩm cần phục hồi lại nhá. Biểu tình chống Tầu là chúng tôi dẹp đến nơi đến chốn. Chưa xuống tới đường để biểu tình, chúng tôi đã cho công an đến tận nhà hăm dọa, cấm đi biểu tình. Công an chúng tôi còn theo dõi cô Huỳnh Thục Vi vào tận Sài Gòn, bắt cô đem về tận nhà ở miền Trung, không cho biểu tình chống Tầu nhá. Chúng tôi bắt tất cả những ai dám chống lại hay nói xấu Trung quốc nhá. Ngay như Pháp Luân Công không chống gì chúng tôi mà biểu tình trước sứ quán Trung quốc ở Hà Nội là chúng tôi cum hết nhá.
Nước bạn Ấn độ đưa chiến hạm tới thăm chúng tôi bị hăm dọa chúng tôi im như hến, có dám nói gì đâu. Ấn độ thăm dò dầu khí ở vùng biển của chúng tôi thì bị lên án trong khi bộ trưởng quốc phòng của chúng tôi mới đây vẫn ca ngợi tình hữu nghị thắm thiết 16 chữ vàng đó thôi.
Vài ba cuốn phim Tầu bị bớt chiếu thì ăn thua gì, chúng tôi vẫn cho các ông lang Tầu không có giấy phép hành nghề mở phòng mạch, dùng thuốc quá hạn, chúng tôi cũng để mặc bán rau trái nhiễm độc của Trung quốc bán sang Việt Nam, ngoảnh mặt quay đi để gian thương Ba Tầu sang Việt Nam lừa đảo nông dân Việt Nam gây thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Rồi cả trăm ngàn Ba Tầu được đưa lậu vào Việt Nam, cướp đi công ăn việc làm của người dân Việt trong khi các anh bạn vừa bắt giữ mấy ngàn người Việt sang làm việc ở Trung quốc chúng tôi có nói gì đâu. Kế đến, dân Ba Tầu nhập cư lậu chiếm đất đai xây cất những khu nhượng địa thành những Đông Đô Đại Phố như ở Bình Dương, toàn quyền lấy phụ nữ Việt, sinh con đẻ cái, tìm mọi cách ở lại nước chúng tôi thì được. Ba Tầu cũng được cho mặc sức khai thác tài nguyên của Việt Nam, tổ chức khai thác hải sản ở nhiều nơi ngay trong lãnh thổ Việt trong khi các thực phẩm độc hại của Trung quốc vẫn tiếp tục tràn qua Việt Nam để đầu độc lâu dài người Việt, chúng tôi cũng có làm gì đâu.
Hễ nói ra, thì các bạn Trung quốc lại lôi cha nó cái công hàm mả mẹ Phạm Văn Đồng ra ịn vào mặt chúng tôi là chúng tôi ú ớ luôn đó thôi.
Ở hải ngoại, mở đài truyền hình ra là coi phim Tầu thả giàn có ai cắt đốt cột gì đâu.
Phim ảnh của chúng tôi thì cũng do Ba Tầu làm giùm như cuốn phim Lý Công Uẩn cũng có ai dám nói gì đâu!
Mẹ kiếp, bỏ đi vài cuốn phim mà đã làm nhắng lên như thế là thế nào? Cứ thủng thẳng, chúng tôi sắp thành ngôi sao thứ 6 trên cái Ngũ Tinh Hồng Kỳ của mấy anh rồi không thấy sao? Chúng tôi đã in sẵn những cái cờ ấy cho trẻ đem phất để chờ ngày lá cờ chính thức có 6 sao, bộ mấy anh không thấy sao?
Mấy anh đúng là chơi cha chúng tôi quá rồi đấy nhá. Nhưng biết sao bây giờ, khi mà mấy anh đã "đ… mẹ" mấy thằng lãnh đạo khốn nạn của nước chúng tôi rồi còn chó gì nữa. Chơi cha là đúng rồi còn chi!

Ngày 23 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Người ta hy vọng tòa án sẽ không xử phạt công ty hàng không US Airways về việc công ty này buộc 6 tu sĩ Hồi giáo phải xuống máy bay tại phi trường Minneapolis-St Paul cách đây mấy tháng.
Tôi cũng mong công ty sẽ không xin lỗi những người này như mấy ông tu sĩ này đang muốn và mong chuyện xẩy ra trên chuyến bay sẽ dậy cho họ ý nghĩa của câu "nhập gia tuỳ tục". Không thể cứ bắt người khác phải tôn trọng lề thói của mình mà không lý gì tới lề thói của nước chủ nhà.
Những người này lên máy bay ở phi trường Minneapolis-St Paul để đi Phoenix Arizona sau khi dự một cuộc hội nghị về Hồi giáo. Trên máy bay, ba người đứng dậy đọc kinh Koran trong lúc máy bay sắp chạy ra phi đạo để cất cánh. Tiếp viên yêu cầu các ông ngồi xuống, cột dây lưng an toàn lại như luật an ninh không lưu. Tất cả không chịu, tiếp tục đọc lớn một đoạn kinh Koran. Điều này, họ không phủ nhận. Một người tổ chức biểu tình để phản đối công ty US Airways tên là Mahdi Bray nói rằng các tu sĩ này, theo luật Hồi giáo, phải đọc kinh thật lớn ( ... they were supposed to pray out loud.)
Biết rồi. Nhưng trên máy bay đang sửa soạn cất cánh thì hãy "tuỳ tục" cái đã.
Tùy tục như thủ tướng Margaret Thatcher khi sang Ả Rập Sauđi cũng choàng khăn lên đầu che tóc lại như tập tục của phụ nữ Hồi giáo, hay như công nương Diana đi thăm Pakistan cũng mặc áo tay dài để khỏi lộ cánh tay trần ra như phụ nữ Pakistan vẫn làm khi ra đường.
Mà đó là những người bề gì cũng, nếu muốn, cứ phục sức như ngày thường ở nước Anh thì cũng chẳng ai làm gì được. Nhưng vì câu "nhập gia tuỳ tục" mà cả hai đã làm như thế.
Đằng này 6 ông chỉ là mấy ông thầy tu, i mam, i miếc gì đó đi trên máy bay, luật lệ đòi hỏi phải ngồi xuống ghế, đeo dây lưng an toàn thì nhất định không chịu, đòi phải đứng và đọc kinh Koran thật to cho mọi người nghe miễn phí, không lý gì tới luật lệ của hàng không Mỹ cũng như hàng không thế giới.
Nếu ở một nước chưa xẩy ra vụ 911 thì thôi, chúng tôi sẵn sàng bỏ qua trò nhập gia không tùy tục cho các ông. Nhưng sau vụ 911, không ai có thể trách cứ người dân Mỹ, trong đó có cả các hành khách trên chuyến bay của US Airways hốt hoảng khi thấy những hành động khả nghi của các ông, nhất là các ông lại chọn ngồi ở những hàng ghế sát phòng lái, giữa máy bay và cuối thân tầu hệt như vị trí của những tên khủng bố trong chuyến bay bị chúng cưỡng đoạt và lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania hôm 11 tháng 9 năm 2001.
Các ông không chịu ngồi xuống. Máy bay không thể chạy ra phi dạo để cất cánh được. Vậy thì giải pháp duy nhất có thể thi hành trong trường hợp này là mời các ông xuống máy bay. Nhưng các ông lại không chịu xuống và cảnh sát phải lên máy bay can thiệp. Vậy mà các ông vẫn không chịu xuống, thế thì phải còng tay lôi các ông xuống.
Thế là các ông hét nhắng lên rằng các ông bị xúc phạm, bị hạ nhục. Các ông nói rằng thái độ của nhân viên công lực là thiếu hiểu biết về đạo của các ông.
Chúng tôi làm sao hiểu được cái đạo chủ trương phải đem chất nổ và đại pháo trên chiến xa để phá tan hai pho tượng Phật vĩ đại ở Afghanistan. Làm sao chúng tôi hiểu được những người cướp máy bay hôm 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa kỳ, ôm bom lao vào các đám đông ở Iraq, cầm dao cắt cổ ngưòi và trước đó đều hô lớn Allah Akbah tuyên dương giáo chủ của các ông? Làm sao hiểu được các lãnh tụ của Al Qaeda hễ mở mồm là hăm đánh bom ở nước này, hăm khủng bố ở nước khác đều bắt đầu bằng câu đại khái nhờ ơn Allah, thể theo ý nguyện của Allah, như Allah cho phép ...?
Ông Mahdi Bray đứng ra tổ chức biểu tình bênh các ông và giải thích cho việc làm của các ông là người có cái họ nghe cũng lạ đời.
Thảo nào mà ông ăn nói tào lao xịt bộp như tin báo chí cho biết.
Họ của ông là Bray thì ăn nói nghe như lừa kêu là phải. Không tin chịu khó ra tự điển coi chữ "bray" có phải là lừa rống không.

Ngày 24 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Câu "We cannot live with women and yet we cannot live without them" của ai tôi không thể nào nhớ nổi, đại khái nghĩa là chúng ta không thể sống với đàn bà nhưng chúng ta cũng không thể sống mà không có đàn bà.
Ý nghĩ loay hoay đó đến nay vẫn còn nhiều người tin. Và phụ nữ cũng có những người nghĩ như thế, nhưng ngược lại, đó là họ không thể sống với đàn ông nhưng họ cũng lại không thể sống mà không có đàn ông.
Tin cho biết chính phủ Ả Rập Sauđi sẽ cho xây một thành phố mới dành riêng cho phụ nữ theo đúng với bộ luật sharia khắt khe của Hồi giáo, nơi phụ nữ sẽ được hoàn toàn tự do sống và làm việc mà không bị đàn ông làm phiền hay gây khó dễ.
Tại các nước áp dụng luật sharia, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà nếu không có đàn ông đi cùng, nhưng phải là những người đàn ông trong gia đình, như chồng, con hay anh em. Phụ nữ cũng không được làm việc ở ngoài gia đình. Ở Ả Rập Sauđi, các phụ nữ không được phép làm việc ngay cả tại những tiệm bán quần áo lót phụ nữ. Ở những tiệm Victoria Secrets, những người bán hàng đều là đàn ông. Nhưng như thế, chuyện mua bán " nội y" của các phụ nữ sẽ gặp trở ngại. Đã cấm tiếp xúc với đàn ông lạ, lại không để cho các chàng đo đạc (?) thì làm sao mua cho đúng … cỡ được. Mà phụ nữ thì lại không được cho làm việc ở đó.
Mà những người đàn ông ở một số nước thì cũng kỳ cục thật. Ở Ai Cập, một số phụ nữ xuống đường biểu tình chống chính phủ Hosni Mubarak mới đây đã bị những người đàn ông "bốc hốt", tấn công ngay ở ngoài đường phố. Ở Ấn độ, lợi dụng xe lửa đông người, các "soạng giả" hành nghề lia chia khiến chính phủ ở Mumbai đã phải dành riêng một số toa xe cho phụ nữ, cấm nam hành khách đi chung. Hiện tượng này cũng thấy tại cả Indonesia.
Trong khi đó, các nước này đang rất cần phát triển, nhưng lại vướng những bộ luật quái đản hạn chế các sinh hoạt và việc làm của phụ nữ.
Ả Rập Sauđi cho biết thành phố sắp được xây cất sẽ có các cơ sở thuê mướn các phụ nữ trong nhiều lãnh vực.
Cơ hội kinh tế cho các phụ nữ sẽ được cải thiện rất nhiều. Phụ nữ sẽ được hưởng nhiều tự do hơn. Thí dụ khi ra đường, họ được mặc các thứ quần áo theo ý muốn, không phải mặc burqa kín mít vì sẽ không có đàn ông nào ngó họ, xâm phạm … độc quyền thưởng thức (?) họ của các ông chồng.
Hỡi các phụ nữ Ả Rập Sauđi hãy ngẩng cao đầu lên, những ngày tủi nhục sắp qua rồi (*). Chúng ta sẽ được quyền mặc váy ngắn, "thong" thiếc … thong thả. Thích kiểu nào của Victoria Secrets cũng được, cứ mát mẻ đi ra đường tự do push-up, strapless, muốn có mấy sợi spaghetti vắt ngang vai cũng được. Cứ phoi phới đi ra đường.
Nhưng ra đường để mấy con mẹ khác ngó thì cũng chán chết. Lượn qua, lượn lại cũng chẳng nghe mấy con chó sói (?) huýt gió gì cả. Lại thêm mặc quần áo mát mẻ như vậy thì phải tìm cách che cái thùng nước lèo lại, không thể ăn mặc kín mít như chỉ có chàng với… thiếp được nữa. Người ngoài, dẫu cho là phụ nữ với nhau cũng phải giữ gìn chứ.
Đó sẽ là vấn đề của các nàng. Thực ra, một thành phố riêng của phụ nữ cũng không phải là chuyện mới lạ.
Huyền thoại Hy Lạp kể rằng đã có một quốc gia của toàn phụ nữ ở Tiểu Á Tế Á, ngày nay là vùng Lybia. Ở đó chỉ có toàn phụ nữ rất giỏi nghề kiếm cung. Quốc gia này mang tên là Amazon mà gốc Hy Lạp của chữ này có nghĩa là không có vú. Theo truyền thuyết, các phụ nữ Amazon đều dùng lửa đốt vú bên trái đi để… bắn cung cho dễ. Luật của Amazon cấm ngặt mọi giao phối với đàn ông ở trong nước của họ. Để khỏi bị tuyệt giống, mỗi năm hai lần, các phụ nữ Amazon đi tới các vùng bên cạnh để tìm đàn ông. Khi có con, nếu là con trai thì các phụ nữ này giết ngay, hay đem cho các bộ lạc gần bên, và chỉ giữ con gái để lại theo nghiệp kiếm cung của mẹ.
Vương quốc Amazon tồn tại được 100 năm rồi biến mất. Có thể các phụ nữ Amazon mỗi năm chỉ được gần đàn ông có hai lần nên thấy là … ít quá nên muốn gần nhiều hơn, và dần dần bỏ xứ đi hết để được nhiều lần (?) hơn.
Bởi thế, không biết cái thành phố không có một mạng đàn ông nào ở Ả Rập Sauđi sẽ tồn tại được bao nhiêu. Hay được vài tuần lại phải đội burqa vào kín mít đi tìm mấy anh ba trợn mà … rất vui đó. Sharia thì mặc sharia chứ thiếu mấy anh là chúng tôi không chịu được.
(*) Câu này (đã được sửa đi vài chữ) nguyên là của đại tá Nasser khi đảo chính lật vua Ai Cập Farouk.  

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 150)
TO DARE
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 150 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, từ khi con bé gái thứ hai của cháu đi học, cháu thấy hai chị em chúng nó ăn nói khác hẳn hồi cách đây một năm. Vừa mới tối hôm qua, hai đứa nói gì với nhau mà hết DARE thế này, lại DARE thế kia. Hình như chúng nó mới biết dùng động từ này ở trường, vì ở nhà tụi cháu ít khi nói vói chúng bằng cái giọng đó lắm. Con em vừa tối hôm qua nói với con chị câu này: DON’T YOU DARE TOUCH MY DOLL AGAIN! Hình như nó không muốn cho con chị chơi con Barbie Doll của nó. Nhưng tại sao lại nói DON’T YOU DARE...?
BBT
Trúc Giang hỏi câu rất hay. TO DARE là một động từ rất bất thường. Nó vừa là một động từ thường, tức là một ORDINARY VERB, lại vừa là một trợ động từ, tức là một AUXILIARY VERB. Nó cũng rất có ích nên chúng ta sẽ nói về nó trong bài hôm nay.
QA
QA hiểu TO DARE là dám, là có can đảm làm một việc gì đó. Nhưng QA nhớ hình như nó còn có nghĩa là thách đố, thách thức, đố ai làm một việc gì nữa phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Chúng ta sẽ nói về cả hai nghĩa của nó. Cũng hơi rắc rối một chút. Trước hết, chúng ta sẽ nói về TO DARE nghĩa là dám, hay có can đảm làm một việc gì đó. Trong ý nghĩa này, TO DARE có thể được dùng như một động từ thường, một ORDINARY VERB, theo sau là một INFINITIVE WITH TO nghĩa là một động từ chưa chia, một INFINITIVE có TO. Thí dụ nói anh ấy là một người can đảm, dám nói và dám làm. Trúc Giang nói thử câu trên bằng tiếng Anh coi.
TRÚC GIANG
HE DARES TO SAY AND TO DO THINGS.
BBT
Đúng rồi. QA dịch câu này sang tiếng Anh coi: Tờ báo này dám nói lên sự thực.
QA
THE PAPER DARES TO TELL THE TRUTH.
BBT
Với nghĩa là dám, động từ TO DARE cũng giống như các động từ thường khác nên khi ở thể hỏi, QUESTION FORM, chúng ta dùng nó với trợ động từ TO DO. Chúng ta cũng dùng trợ động từ TO DO để tạo thành câu phủ định, NEGATIVE. Trúc Giang và QA đổi câu thí dụ của mình sang INTERROGATIVE tức là QUESTION và NEGATIVE coi.
TRÚC GIANG
HE DARES TO SAY AND TO DO THINGS
DOES HE DARE TO SAY AND TO DO THINGS?
HE DOES NOT DARE TO SAY AND TO DO THINGS.
QA
THE PAPER DARES TO WRITE THE TRUTH
DOES THE PAPER DARE TO WRITE THE TRUTH?
THE PAPER DOES NOT DARE TO WRITE THE TRUTH.
BBT
TO DARE nghĩa là dám trong thì quá khứ cũng giống như các động từ thường khác mà hai cô đều đã biết. Hai cô cho nghe thí dụ vơi TO DARE trong thì quá khứ tức là PAST TENSE và trong thể hỏi và thể phủ định coi.
TRÚC GIANG
THE LION DARED TO AMBUSH THE ELEPHANT
DID THE LION DARE TO AMBUSH THE ELEPHANT?
THE LION DID NOT DARE TO AMBUSH THE ELEPHANT
QA
THE GRASSHOPPER DARED TO KICK AT THE CHARIOT
DID THE GRASSHOPPER DARE TO KICK AT THE CHARIOT?
THE GRASSHOPPER DID NOT DARE TO KICK AT THE CHARIOT
BBT
Như đã nói ở trên, TO DARE cũng có thể được dùng như một trợ động từ, một AUXILIARY VERB tức là nó giúp cho một động từ khác. Khi đó, theo sau nó là một động từ chưa chia, một INFINITIVE không có TO.
Thí dụ THE FISHERMEN DARE FISH NEAR THE PARACELS.
Trúc Giang cho nghe một câu với TO DARE coi.
TRÚC GIANG
HE DARES TALK TO HIM FACE TO FACE
BBT
Tôi quên không nói với hai cô rằng khi TO DARE là một trợ động từ thì ngôi thứ BA số ít (THIRD PERSON SINGULAR) như HE, SHE, IT thì DARE KHÔNG có "S". Trúc Giang nói lại coi.
TRÚC GIANG
HE DARE TALK TO THEM FACE TO FACE
BBT
Bây giờ tới QA.
QA
THE BOY NEXTDOOR DARE DRIVE TO CANADA ALL BY HIMSELF.
BBT
Ở hai thể NEGATIVE và INTERROGATIVE, chúng ta KHÔNG dùng TO DO nếu TO DARE được dùng là một AUXILIARY VERB. Hai cô chuyển thí dụ của mình thành phủ định và nghi vấn coi.
TRÚC GIANG
HE DARE TALK TO THEM FACE TO FACE
DARE HE TALK TO THEM FACE TO FACE?
HE DARE NOT (DAREN’T) TALK TO THEM FACE TO FACE
QA
THE BOY NEXT DOOR DARE DRIVE TO CANADA ALL BY HIMSELF
DARE HE DRIVE TO CANADA BY HIMSELF?
HE DARE NOT (DAREN’T) DRIVE TO CANADA BY HIMSELF
BBT
Nhưng trong thực tế, ngày nay người ta ít dùng TO DARE mà thay vào đó, người ta dùng những cách nói khác. Thí dụ I DARE SAY WHAT I HAVE IN MIND thì cũng có thể nói là I AM NOT AFRAID TO SAY WHAT I HAVE IN MIND.
Trúc Giang cho nghe một thí dụ coi.
TRÚC GIANG
WE DARE NOT QUIT OUR JOBS AT THIS MOMENT hay WE ARE AFRAID TO QUIT OUR JOBS NOW.
QA
CHINA DARE NOT ATTACK JAPAN cũng giống như CHINA IS AFRAID TO ATTACK JAPAN.
BBT
Thông thường trong lúc nói thì người ta hay nói CHINA DOES NOT DARE ATTACK JAPAN thay vì CHINA DARE NOT ATTACK JAPAN và câu của Trúc Giang thì người ta hay nói HE DOES NOT DARE TALK TO THEM thay vì HE DARE NOT TALK TO THEM FACE TO FACE.
Người ta cũng thường dùng THEY DON’T DARE và DO THEY DARE tức là trong thể phủ định và thể hỏi.
Thí dụ I DON’T DARE DRIVE ALONG ROUTE 1 AT NIGHT và DO YOU DARE GO CAMPING IN WINTER? Thường được dùng nhiều hơn là I DARE NOT DRIVE ALONG ROUTE 1 AT NIGHT và DARE YOU GO CAMPING IN WINTER?
TRÚC GIANG
Trở về với câu DON’T YOU DARE thì câu ấy nghĩa là gì thưa chú?
BBT
Đó là một trong mấy cách dùng đặc biệt của TO DARE mà chúng ta nên biết.
Đó là những cách dùng có hàm ngụ một ý nghĩa răn đe, muốn làm nản lòng phía bên kia. Thí dụ cô con gái muốn mặc chiếc váy quá ngắn đi party, mẹ cô có thể nói: YOU DARE! Hay DON’T YOU DARE! Nghĩa là đừng có mà làm như thế nhé… Có một chút hăm dọa ở trong. Thí dụ DON’T YOU DARE TALK TO ME LIKE THAT! DON’T YOU DARE BOTHER HER!
QA
QA còn nghe câu này nữa nhưng chưa hiểu cách dùng của nó, đó là câu HOW DARE YOU…?
BBT
HOW DARE YOU không phải là một câu hỏi. Thí dụ như khi nói HOW DARE YOU GO OUT TO EAT WITHOUT ME! thì câu ấy chỉ có nghĩa là sao ông dám đi ăn một mình mà không mời tôi chẳng hạn… Hai cô dùng HOW DARE YOU hay HOW DARE THEY, HOW DARE HE… trong mấy thí dụ coi.
TRÚC GIANG
HOW DARE YOU TALK TO ME WITH THAT VOICE!
HOW DARE YOU COME WITHOUT CALLING FIRST!
QA
HOW DARE CHINA ARREST VIETNAMESE FISHERMEN FISHING IN OUR WATERS!
HOW DARE YOU ACCUSE US OF LYING!
BBT
Có một EXPRESSION này nữa các cô cũng nên biết, đó là I DARE SAY (hai chữ viết rời) hay I DARESAY (một chữ viết liền). Câu này nghĩa là I CAN SAY CERTAINLY hay IT IS CERTAIN THAT hay I AM SURE…Thí dụ I DARESAY MISTER OBAMA WILL WIN AGAIN. Trúc Giang cho nghe một câu thí dụ của cô với I DARE SAY coi.
TRÚC GIANG
I DARESAY YOU ARE WRONG TO CALL CHINA A GREAT COUNTRY.
QA
Chắc cũng như trong tiếng Việt chúng ta nói… TÔI DÁM CHẮC RẰNG phải không thưa anh? Thế còn một nghĩa khác nữa của TO DARE là gì, xin anh nói tiếp.
BBT
Động từ TO DARE còn có một nghĩa khác là thách, là đố. TO DARE không … dữ dằn như TO CHALLENGE. Động từ TO CHALLENGE là thách đố. Thí dụ THE COWBOY CHALLENGED THE STRANGER TO A GUN FIGHT.
TO DARE SOMEBODY TO DO SOMETHING là thách ai, đố ai làm một việc gì đó. QA có thể cho nghe một thí dụ với TO DARE là thách, là đố không?
QA
I DARE HIM TO FINISH THE BOOK IN 2 HOURS.
THEY DARE HER TO COOK A FULL DINNER IN 5 MINUTES.
BBT
Còn một danh từ có gốc DARE là DAREDEVIL nghiã là một người liều lĩnh luôn luôn sẵn sàng làm những việc hết sức nguy hiểm như chui vào một chiếc thùng để vượt thác Niagara vậy.
QA
Một người thò đầu vào miệng sư tử hay cá sấu có phải là một DAREDEVIL không thưa anh?
BBT
Tôi không biết còn có một chữ nào đúng hơn nữa nên chắc phải dùng chữ đó vậy, cô QA.
TRÚC GIANG
MISTER BUI, YOU ALWAYS DARE US TO GIVE YOU EXAMPLES IN ENGLISH BUT IT IS OKAY WITH US.
BBT
THANKS FOR SEEING THAT.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.