August 2, 2012

August 3, 2012


Ngày 30 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Một số ý kiến cho là lối chửi bới mang cha mẹ, ông bà, tổ tiên ra xúc phạm có thể chỉ thấy ở Việt Nam vì đa số người Việt chúng ta thờ cúng tổ tiên. Các dân tộc khác không thờ cúng tổ tiên nên không có lối chửi như chúng ta.
Nhiều ý kiến khác cũng tin là chính vì tập tục thờ cúng tổ tiên nên người Việt mới có tục kiêng tên, kỵ húy, tránh dùng tên của cha mẹ, ông bà… đặt cho con cái. Người Tây phương thì lại rất khác chúng ta trong chuyện này. Yêu ai, để tưởng nhớ đến ai, thì họ dùng tên người ấy, kể cả cha mẹ, ông bà, để đặt cho con cái, và luôn cả chó mèo trong nhà nữa.
Ở Việt Nam, chuyện kiêng tên tổ tiên không dùng đặt cho con cái không chỉ thấy ở những người Việt thờ cúng tổ tiên, mà luôn cả ở những người Việt theo đạo Ki Tô cũng thế.
Việc né tránh đó không hề được rõ ràng ghi xuống, nhưng dường như tất cả người Việt đều không đụng tới những cái tên phải tôn kính của gia đình, của giòng họ. Khi còn chế độ vua chúa, việc đụng tới tên của hoàng gia là chuyện cấm kỵ bị phạt rất nặng.
Nhiều người Việt Nam đã sinh sống ở Mỹ và một số quốc gia Tây phương khác từ mấy chục năm nay. Một số tập tục cũ của chúng ta bây giờ đã thấy ít đi, hay không còn được tôn trọng (nhiều) nữa. Khởi đầu là trong những dịp hội hè, tết nhất. Chuyện kiêng cữ trong những ngày đó gần như không còn nữa.
Và nay, một sự kiêng cữ khác cũng đang biến đi, từ từ.
Tuần qua, chuyện ấy xẩy ra ngay trong gia đình tôi.
Mấy chục năm trước, khi còn ở Việt Nam, bà ngoại tôi thấy chị em chúng tôi dùng tên ông cụ, bà cụ làm tên đệm cho các con, cụ đã (giả bộ) bực lắm rồi. Cụ phàn nàn là con cái không biết kiêng tên bố mẹ gì hết, chúng nó (tức là chúng tôi) lôi cả tên bố tên mẹ ra đặt cho con cái.
Trong khi chính ông bà nội ngoại của lũ con cháu chị em chúng tôi thì không phàn nàn gì hết. Tôi biết các cụ còn thích là đằng khác.
Qua tới một thế hệ khác, một đứa cháu tôi, con người em út vừa có con. Đứa bé phải gọi tôi là ông bác, gọi ông bà cụ tôi là cụ nội ông và cụ nội bà. Kể ra thì từ ông bà cụ tôi xuống tới nó đã khá xa, cách nhau tới bốn đời.
Vợ chồng cháu tôi lấy tên của ông bà cụ tôi, tức là ông bà nội của chúng đặt cho con gái. Vì là con gái nên first name của nó là tên mẹ tôi, tên lót của nó là tên bố tôi.
Một cặp luôn. Không bỏ sót ai cả.
Bố mẹ nó, tức là ông bà nội của cháu, vợ chồng em út tôi thông báo cho cả mấy chị em tôi biết về cái tên mới đặt đó.
Tôi không nghe một lời phàn nàn, phản đối nào hết. Trái lại, sau đó, tôi biết là ai cũng vui về cách đặt tên vừa kể.
Tôi nhớ đến những tờ báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn mà ông bố tôi mua khi mới quen mẹ tôi. Ông ký tên mẹ tôi ở trước rồi tới tên của ông. Những tờ báo từ những năm 1940 ấy đã theo hai người đến căn nhà cũ ở Hà Nội, rồi chúng lại được mang theo vào Sài Gòn năm 1954 và chỉ tới sau tháng 4 năm 1975 chúng mới không còn ở với chúng tôi nữa.
Hai cái tên của ông bà cụ, nhiều lúc, chúng tôi nghĩ chắc vài năm, mười mấy, hai chục năm nữa (là cùng) sẽ không còn ai nhắc tới nữa.
Nhưng nay, với con bé cháu tôi, hai cái tên ấy sẽ tiếp tục còn được nhắc tới trong ít nhất là hơn nửa thế kỷ nữa ở cái nước rất xa Việt Nam, rất xa Hà Nội nơi cậu giáo Bảo mới ra trường gặp cô Mỹ vấn tóc trần mặc áo dài Lemur rồi yêu nhau lấy nhau.
Hai cái tên đó sẽ tiếp tục ở cạnh nhau thêm nhiều năm nữa.
Thế thì không kiêng tên cũng hay đấy chứ!

Ngày 31 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mỗi lần lên máy bay tôi đều phải có nó. Đeo nó vào vừa giúp tôi dễ ngủ vì không bị chói mắt, cho dù bên cạnh có người mở đèn đọc sách tôi vẫn có thể ngủ được.
Mà nếu không cần ngủ thì đeo nó cũng giúp không bị người ngồi cạnh gạ chuyện vớ vẩn, hay cho xem những tấm ảnh của con cháu, hỏi những câu ấm a, ấm ớ… như rất nhiều lần tôi đã bị làm cho điên đầu trong suốt chuyến bay.
Nó là cái eye sleep mask, những cái mặt nạ che đúng khu vực hai mắt để ánh sáng không lọt vào. Thay vì phải đắp tờ báo lên mặt để ngủ như hồi còn nhỏ để bị nói là trông giống người chết phủ tấm giấy bản lên mặt, có cái mask coi bộ hợp lý hơn. Đó là không nói đến chuyện tờ báo dính mực in lên mặt thì không thể lấy chuyện đó khoe là chữ nghĩa đầy trên mặt được. Nhất là lại có khi có bức ảnh "con đầm" từ trang báo in lên mặt.
Tôi đã mấy lần phải mua những cái mask ở những quầy bán báo, kẹo, nước tại phi trường để mang lên máy bay. Nhưng về lại nhà, là tôi lại thất lạc nó, để những lần đi máy bay sau đó lại phải mua cái khác.
Tuần qua, một người bạn gửi cho tôi cái eye sleep mask rất đặc biệt. Nó là sản phẩm của một công ty tên là Sweet Dream. Tên của nó bảo đảm là người đeo sẽ có những giấc mơ đẹp. Nó được làm bằng loại hàng có đăng ten mầu đen để ánh sáng chói gắt không thể lọt qua vào mắt người đeo. Điều đặc biệt nhất là nó được làm giống hệt như một cái nịt vú, nhưng nhỏ hơn để ôm vừa lấy hai mắt.
Cũng vì kích thước của nó nên không ai có thể nghi ngờ nó là … đồ thật, và có chủ đàng hoàng. Nó chỉ là cái eye sleep mask được làm một cách kiểu cọ cho đẹp và kích động trí tưởng tượng của người đeo.
Cũng không ai có thể nghĩ nó của một ai khác được giữ lại để dành hơi. Nếu nó là của ai đó thì cũng không nên hoảng hốt mà chi. Kích thước như thế thì không đáng sợ chút nào cả.
Do đó, tôi tin là đeo nó, lên máy bay sẽ không bị làm phiền nữa. Nhiều khi còn được coi là … thánh nữa không biết chừng.
Chứ bộ chúng ta không có câu nói rằng "lấy vải thưa che mắt thánh" hay sao?
Nói đùa chứ mang bầy trên tủ sách thỉnh thoảng … ngó cho bõ những ngày cơ cực chứ làm sao dám đeo lên mặt. Đeo vào rồi lại bị dọa là bị "nó" ám là chỉ có mà mê mẩn đời lên mất. Dẫu cho là "văn chương chữ nghĩa bề bề".
Trong khi tôi thì không … bề bề chút nào cả.

Ngày 1 tháng 8 năm 2012
Bạn ta
Báo Time trong một số đã lâu có bài của Richard Stengel viết về cuốn You're Too Kind: A Brief History of Flattery của chính ông trong hình thức của một bài essay, một bài đọc rất thú vị.
Flattery là chữ người Anh mượn của người Pháp: flatterie, do động từ flatter nghĩa là vuốt ve, làm vui thích, nịnh hót, bợ đỡ, xưng tụng. André Maurois trong cuốn Lettres à L'Inconnue thì gọi đó là cách làm đẹp lòng người (lá thư số 32). Ở cuối lá thư, Maurois nói thẳng: làm đẹp lòng người là một cái đức.
Bernard Shaw, kịch tác gia người Anh thì nói rằng đàn bà đợi lời tán tụng của đàn ông cũng như con nhện đợi con ruồi vậy. Mà nhện thì rất thích ruồi.
Người ta ai cũng thích được vuốt ve bằng lời nói, tán tụng, nịnh bợ, xưng tụng, nhưng Stengel cho rằng chúng ta ngày nay đã làm mất cái nghệ thuật làm đẹp lòng người, biến nó thành những câu nói rẻ tiền, thiếu hẳn công hiệu. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong khi làm công việc xưng tụng, vuốt ve đó đã mỏi mệt, đã quá cũ, đã trở thành giả dối vì thiếu rất nhiều chất sáng tạo. Trong khi người ta thì lại rất cần những câu như vậy. Jean Jacques Rousseau có lần viết rằng con người dã man, sơ khai thì chỉ sống với mình trong khi con người sinh vật của xã hội thì chỉ biết sống với những ý kiến của người khác.
Khen ngợi, xưng tụng cũng là một cách rất hữu hiệu để dậy dỗ, như Robert Smith Surtees, một tiểu thuyết gia người Anh đã viết: nhiều người được tán tụng rồi sống đạo hạnh hơn là số người bị buộc phải từ bỏ tội lỗi của mình bằng những biện pháp mạnh. Điều này thấy rõ nhất trong lúc dậy trẻ.
Richard Stengel trong cuốn sách của ông, có đưa ra một số những gợi ý mà độc giả có thể đem dùng để tán cho thành công. Một số đề nghị nghe được, nhưng đề nghị thứ hai của ông có thể sẽ không thành công mặc dù ông cho rằng cách này là viên đạn bằng bạc trong kỹ thuật tán tỉnh, nghĩa là hay lắm: Praise the beautiful for their intelligence, and the intelligent for their beauty. Hãy ca ngợi những người đàn bà đẹp về trí thông minh của họ, và ca ngợi những người đàn bà thông minh về vẻ đẹp của họ.
Sai bét. Phụ nữ chỉ thích được khen đẹp. Đã đẹp thì càng muốn được khen đẹp. Lỡ không đẹp cũng thích được khen đẹp. Càng không đẹp, càng muốn được khen là đẹp. Nếu cần phải cầm dao kề cổ dọa giết để được khen đẹp thì cũng vẫn phải làm như thường.
Tưởng tượng đứng trước Cindy Crawford, cứ tán tụng nét thông minh của nàng thì sẽ không đi đến đâu hết. Được mời ngồi lên chiếc Rolls Royce, cứ xuýt xoa khen cái radio thì khó có thể được mời đi Rolls Royce một lần nữa trong tương lai. Khen kiểu ấy thì có khác gì sau bữa ăn mà gia chủ mất nguyên một buổi để nấu, chỉ tằng hắng khen nước mắm và ớt ngon không? Hay là khen cái khung của bức sơn dầu rất đẹp cho họa sĩ... vui lòng?
Kiểu khen ngợi, xưng tụng đó nếu không vụng về thì phải gọi là đểu.
Khen người đẹp về đầu óc của nàng là không thèm ngó gì đến nàng. Một người mất hai tiếng đồng hồ để sơn bộ móng tay sau khi đã đánh, rồi chùi đi hai ba mầu, thay gần một chục chiếc áo, chải hai kiểu đầu khác nhau rồi mới quyết định được một kiểu để đi chơi, và người kia đến bấm chuông, nàng ra cửa để nhận được một câu đại khái là "... úi giời sao mà thông minh quá vầy nè!" thì cái cửa phải đóng cái rầm trở lại vào mặt tức khắc.
Hay một người vừa thi xong bài trắc nghiệm thương số thông minh (I.Q.) với số điểm trên 120 mà được khen là đẹp não nùng thì cũng hoàn toàn không được.
Kiểu khen ớt cay, nước mắm pha khéo, bia... ngon thì tương lai thấy rõ nhất là tiếp tục mì gói và TV dinner đến chết mà thôi.
Phải khôn hơn một chút chứ. Thí dụ ăn xong, phải khen lấy khen để đòn chả lụa... sao mà khéo đi chợ thế... tôi mua thì chẳng bao giờ ngon được thế này đâu... giỏi quá hà... con dao cắt miếng chả trông cũng quí phái làm sao...ối giời ơi, cái bình nước mắm sao mà xinh quá đi thôi...mì gói bạn nấu cũng ngon hơn mấy cha đàn ông bạn độc thân nhà nghề của tôi nữa đấy...
Khen hay nịnh mà như đề nghị của Richard Stengel thì sẽ không đi đến đâu ngoài cái cửa ra đường hết. Khen đường kim, mũi kéo của thẩm mỹ viện còn dễ nghe hơn là khen nàng thông minh, học nhanh, giỏi đại số và hình học nhất trường chẳng hạn.

Ngày 2 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Tôi cứ bị ám ảnh mãi về cái đĩa giấy ấy kể từ ngày hôm chủ nhật cách đây hai tuần, hôm diễn ra một buổi họp mặt ngoài trời có ăn trưa ở một công viên trong thành phố. Công viên Mile Square Park không xa nơi tôi ở là bao nhiêu.
Hôm đó, trời nắng đẹp, không quá nóng như mấy hôm trước. Một số cựu nữ sinh của một trường trung học đứng ra tổ chức buổi họp mặt, trong đó có một vài người tôi quen biết, và đó là lý do tôi được rủ đến dự cuộc họp mặt của họ.
Tôi tìm được chỗ ngồi trên một tảng đá gần bên hồ nước để mở tờ báo ra đọc. Những bóng cây xòa bóng mát xuống với những trận gió nhẹ làm cho buổi trưa đẹp hơn. Hồ hôm ấy sạch hơn những lần tôi thỉnh thoảng ghé qua chắc vì mới được thay nước. Những lần trước, nước hồ thường lều bều những lông vịt, lá chết và rác. Những con vịt trời sống ở hồ bơi lội đuổi nhau, thỉnh thoảng lại đập cánh bay túa lên loạn xạ.
Tôi ngồi đọc báo, thỉnh thoảng ngó lên. Quanh bờ có vài người tản bộ, không khí thanh bình yên ả. Thình lình tôi trông thấy cái đĩa giấy trên mặt hồ. Nó thủng thẳng bập bềnh trên mặt nước. Những cơn gió nhẹ đẩy nó ra giữa hồ, rồi về phía cuối hồ. Vài ba con vịt thỉnh thoảng bơi lướt qua, ngó nó, rồi lại bơi ra xa để nó bồng bềnh, nhởn nhơ tiếp.
Tại sao nó lại ở đó? Qua ống kính télé của cái máy ảnh tôi mang theo, zoom lại gần, tôi thấy nó còn sạch lắm. Nó không thể đã ở dưới hồ từ mấy hôm nay. Nó có dính thức ăn nên không thể là một chiếc đĩa sạch bị gió thổi bay từ đâu đến.
Từ đâu đến không thể từ một chỗ nào khác hơn là chiếc bàn ban tổ chức đang bầy các món ăn ra cho bữa ăn trưa ngoài trời trưa hôm ấy. Cũng không có một gia đình hay một nhóm người khác đang pic-nic gần đó. Rõ ràng nó không thể bị gió thổi từ cái bàn xếp thức ăn rồi rơi xuống hồ vì khoảng cách từ bàn ra hồ cũng khá xa.
Chiếc đĩa giấy đúng là đã được sử dụng rồi. Những dấu vết thức ăn vẫn còn thấy rõ ở lòng đĩa, và lòng đĩa còn có luôn cả một chiếc nĩa nhựa. Chiếc đĩa đã hoàn tất công việc nó được trao phó. Nó đã phục vụ xong người nào dùng nó. Thay vì nó được đem bỏ vào một trong những chiếc thùng rác ở mấy cái gốc cây gần đó, nó được thả xuống hồ nước.
Thả xuống hồ, hay ném xuống, quăng xuống thì cũng thế mà thôi. Chuyện nó lênh đênh, lêu bêu ở dưới hồ mới là chuyện đáng nói. Tôi không nghĩ những người phụ nữ trong nhóm tổ chức buổi họp mặt ở công viên Mile Square Park hôm ấy đã ném nó xuống hồ. Phụ nữ thường không làm những việc như thế. Tôi đã có dịp quan sát (lâu năm) những người phụ nữ tôi quen biết và gần gũi. Mẹ tôi chắc chắn là không. Chị và em gái, các cô em dâu, con gái, mấy đứa cháu trong nhà đều không có cái trò kỳ quái đó. Họ gọn gàng và thứ tự ngăn nắp một cách kỳ lạ, theo tôi.
Trong số những người dự buổi họp mặt có một số nhỏ khoảng một chục hay hơn, những người đàn ông.
Chẳng lẽ lại là một trong những người ấy. Tôi không muốn nghĩ thêm…
Nhưng một lúc sau khi tôi khám phá ra nó, thì có một gia đình đi qua. Người cha, người mẹ và hai đứa con đi ngang qua chỗ tôi ngồi. Họ cũng nhìn thấy nó. Đứa con trai chỉ cho chị nó và cha mẹ nó cái đĩa giấy. Người đàn ông nói với đứa con trai mà vì tôi đang ngồi gần nên nghe rất rõ: "Somebody threw it down there!" Đứa bé trai nói:"Maybe they wanted to feed the ducks!"
Hay quá!
Biết đâu lại chẳng là một bàn tay nhân đạo nào đó thương tình bầy vịt đói khát dưới hồ, mang cho chúng đĩa thức ăn và cẩn thận kèm theo cái nĩa cho chúng ăn để khỏi phải bốc bải rất thiếu văn minh.
Chao ôi, như vậy mà tôi nỡ lòng nào để cho ông Tào Tháo trong tôi nhẩy ra rồi nghi ngờ là có người vứt rác xuống hồ!
Tôi … nợ người ấy một lời xin lỗi. Tôi rất có lỗi là đã nghi một bàn tay nham nhở lông lá rất thiếu công dân giáo dục nào đó đã quăng cái đĩa giấy xuống hồ để cái gia đình Mỹ đó đổ ngờ cho cái đám Mít đang pic-nic bên hồ.
Nghĩ mà thương con cò bị oan:
Cái cò, cái vạc cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi
Nhưng ấm ức và ám ảnh thì vẫn còn.
Và ông Tào Tháo thỉnh thoảng cũng đúng chứ chẳng phải không.

Ngày 3 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Vừa đọc được qua mấy bài báo ở Hà Nội về chuyện chửi tục trong nước, một hiện tượng đang thấy ở mọi thành phần trẻ tuổi với những loại ngôn từ nghe xong không ai không thể không lo ngại và hoảng sợ, thì tôi được một người bạn chuyển cho một video clip thu bằng điện thoại di động ở một phi trường trong nước.
Không rõ chuyện xẩy ra ở đâu, nhưng rõ ràng là ở Việt Nam, tại quầy vé của một hãng hàng không bay đường nội địa. Một hàng chữ lớn đọc được trên tường cho thấy tên của hãng máy bay, hãng VietJet. Quầy vé lúc ấy không đông, chỉ thấy một phụ nữ, qua giọng nói, vì hình ảnh không rõ lắm. Người phụ nữ này chắc là một hành khách, mặc áo nâu, kiểu áo của các tu sĩ Phật giáo có mang theo một chiếc va ly, mở ra nằm trên sàn. Người phụ nữ lấy từ trong va ly hai mảnh vải mầu vàng, cỡ như những chiếc khăn trải giường, nối chúng lại với nhau để thành một tấm dài. Người ấy vừa nối hai tấm vải lại, vừa vung tay vung chân chửi thề rất tục tĩu.
Nghe những câu chửi ấy thì tôi hiểu vì một lý do nào đó không rõ, cô không được cho lên máy bay, và cũng có thể cô đến muộn, máy bay đã ra phi đạo, cô bị lỡ chuyến bay. Nhân viên tại quầy vé lúc ấy không có ai. Nhưng cô vẫn chửi rất lớn tiếng. Cô nhìn thấy người đang quay video, cô chửi luôn. Hình như cũng còn có mấy người khác đứng nhìn cô. Cô chửi luôn họ. Cuối cùng có mấy nhân viên an ninh mặc đồng phục đến túm lấy cô lúc cô đang đứng trên quầy, mắc được tấm vải lên một xà ngang không biết để làm gì. Cô bị lôi xuống. Cô vùng vẫy đạp chân lên quầy, làm đổ vài thứ xuống đất. Và tiếp tục chửi tục tĩu, nói rằng cô có làm gì đâu mà bị ngăn cản, can thiệp.
Trong tất cả những chữ mà cô dùng để chửi, tôi không thấy hai tiếng chửi thường của các nhà sư, mà Hồ Xuân Hương cũng có nhắc trong thơ của bà.
Đó là hai chữ "bá ngọ".
Tôi không biết rõ nguồn gốc của hai chữ này và chưa truy nguyên ra được. Nhưng đó là hai chữ chửi thề của (một số) vài ba nhà sư. Có thể nó được nói trại đi để tránh không phải dùng những tiếng quá … hiện thực. Người phụ nữ này thì rất … hiện thực. Cô văng ra nguyên văn, không hề dè dặt chi cả. Cô ào ào, nhắc đi nhắc lại mấy lần về kế hoạch xúc phạm tình dục thân mẫu những người cô chửi.
Vì những tiếng chửi đó, tôi đâm ra nghi ngờ không biết đó là một phụ nữ thật, hay một người đàn ông cải trang thành ni cô. Nhưng cái giọng ấy, cũng như những ghi chú của người gửi cái video thì lại khẳng định đó là một phụ nữ, một ni cô. Cô "mày tao" với tất cả các đối tượng có mặt đã đành, cô còn đòi mây mưa với mẹ của tất cả những người này. Cô nói thẳng, đầy đủ, không viết tắt, vì trong văn nói thì làm sao viết tắt được. Cô chửi thật lớn, bằng giọng Bắc, rõ ràng. Tôi xem kỹ lại cái video đó thì thấy là trong chiều dài 1 phút 27 giây đó cô văng ra 16 lần những tiếng tục tĩu.
Không biết cô tu ở đâu, cô đi máy bay có việc gì mà gấp gáp quá vậy? Người ta đối xử với cô như thế nào mà cô nổi cơn thịnh nộ ngay ở phi trường?
Cô là gì?
Hay cô là mấy chữ trong câu của Pascal khi được cố ý hiểu sai đi một chút: "L’Homme n’est ni ange, ni bête…"
Cô là "ni" bête (thú vật) chăng?
Ở Việt Nam chắc chưa bao giờ có cái thứ "ni" (bête) như thế? Hay là cái nước này đã hỏng hết một cách thê thảm như vậy rồi sau mấy chục năm có cái cờ đỏ khốn nạn đó?

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 148)
INTERJECTIONAL SENTENCES
THE VERB MAY
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 148 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, bữa nọ ở nhà Thúy nghe con gái Thúy nói một câu mà Thúy nghĩ mãi không hiểu nó nói gì. Lúc ấy nó đang chơi với con chó. Nó nói một câu nghe như "you are a boy". Không lẽ nó gọi con chó là "boy"…
BBT
Tôi nghĩ cháu nói ATTABOY! Chính ra, nói rõ ra, không nói tắt, thì phải nói là THAT’S THE BOY! Nhưng rồi người ta nói nhanh, nuốt bớt đi mấy âm để thành ATTABOY! Đó là một thành ngữ hô thán, một câu thán tán, tiếng Anh gọi là INTERJECTION. Khi viết xuống, nó luôn luôn có dấu than tức là EXCLAMATION MARK (!) ở cuối. Và khi nói, ATTABOY! phải được nhấn mạnh (vào âm cuối) thì mới có ý nghĩa. ATTABOY! là câu, gọi nó là câu, là sentence (vì nếu nói đầy đủ, nó có chủ từ, động từ, túc từ) dùng để bầy tỏ sự tán thành, hay khen ngợi, khuyến khích về một việc nào đó của một người đàn ông, hay một cậu trai, hay một con vật giống đực. ATTABOY! nghĩa là hay quá, giỏi quá, cố lên! Thí dụ thấy một người dùng tay không đấm vỡ cục gạch, chúng ta nói: ATTABOY! YOU’RE REALLY A STRONG MAN! Hay thấy cậu bé độc tấu một bản flamenco với cây ghi-ta chúng ta cũng nói ATTABOY! YOU ARE SUPER! Hay con chó mang cho chúng ta tờ báo ở ngoài cửa vào, chúng ta xoa đầu nó và cũng nói ATTABOY! GOOD DOG! GOOD DOG! Tôi tin con gái Thúy đã nói câu INTERJECTION đó với con chó của nó.
QA
Thưa anh, nhất định phải có những câu tán thán khác nữa trong tiếng Anh. Người học tiếng Anh cũng phải biết cách nói đó. Vậy thì những câu hô thán đó được cấu tạo như thế nào?
BBT
Tôi sẽ chỉ cho hai cô hai cách dễ nhất. Chúng ta dùng WHAT và HOW để tạo thành những câu như thế.
Trước hết là những câu với WHAT. Chúng ta dùng một danh từ, một tiếng NOUN sau WHAT. Thí dụ thấy chiếc xe đẹp, chúng ta kinh ngạc về cái đẹp của nó và thốt lên WHAT A CAR! Nếu nó đẹp, chúng ta thêm một ADJECTIVE, chẳng hạn tĩnh từ BEAUTIFUL vào trước để thành WHAT A BEAUTIFUL CAR! Vậy cũng là đủ rồi. Nếu muốn nói rõ hơn về cái xe đó, chúng ta có thể thêm IT IS hay nếu đó là cái xe của cô QA hay cô Thúy thì chúng ta thêm YOU HAVE. Toàn thể câu sẽ là WHAT A BEAUTIFUL CAR YOU HAVE!
QA sẽ nói gì khi tôi khoe cô cái điện thoại Smart-phone của tôi?
QA
WHAT A NICE PHONE YOU BOUGHT!
BBT
Đúng rồi. Thúy thử cho nghe ba câu hô thán của cô coi.
LÃM THÚY
WHAT A WONDERFUL MORNING IT IS!
WHAT AN EXPENSIVE WATCH SHE IS WEARING!
WHAT A FAST MOTORCYCLE HE IS RIDING!
BBT
Nhớ rằng đó không phải là câu hỏi, nên mặc dù chúng ta có chữ WHAT đứng đầu, nhưng động từ theo sau là xác định , là AFFIRMATIVE chứ không ở thể QUESTION. WHAT A WONDERFUL MORNING IT IS! chứ không phải là IS IT. QA cho nghe thí dụ của cô coi.
QA
WHAT A DELICIOUS MEAL SHE SERVED!
WHAT A NICE SONG THEY PLAYED!
WHAT A PRETTY DRESS SHE MADE!
Thưa anh, những câu dùng cách đặt câu này, khi dịch sang tiếng Việt thì phải dịch thế nào?
BBT
Cô Thúy biết không?
LÃM THÚY
Thúy nghĩ dịch là LÀM SAO hay BIẾT BAO đều được cả.
BBT
Đúng lắm. WHAT A WONDERFUL MORNING IT IS! là trời buổi sáng đẹp BIẾT BAO! hay trời buổi sáng đẹp LÀM SAO! đều đúng cả.
Nhưng nếu muốn, chúng ta có thể bỏ tất cả những tiếng tĩnh từ, tức là bỏ hết các ADJECTIVES đi cũng được.
Thí dụ WHAT A MORNING IT IS! hay bỏ luôn những chữ đi sau danh từ cũng được, để thành WHAT A MORNING!
QA
Nhưng thưa anh, WHAT A MORNING! Nói như thế có thiếu không? Nói như thế đã đủ ý nghĩa chưa?
BBT
Còn tùy. Thí dụ cô đang ở bờ biển, trời nắng, không nóng, gió nhẹ thì tôi nghĩ cô sẽ cho đó là một buổi sáng đẹp hay không đẹp?
QA
Buổi sáng đẹp. Như thế không cần phải nói WONDERFUL nữa. WHAT A MORNING! là đủ phải không anh?
BBT
Và nếu trời xấu, gió mạnh và lạnh, biển có sóng dữ dội, người ta nói WHAT A MORNING! thì Thúy có thể ngầm hiểu đó là một buổi sáng đẹp không?
LÃM THÚY
Chắc chắn là không.
BBT
Do đó, những câu EXCLAMATORY SENTENCES các cô vừa làm ở trên đều có thể nói ngắn lại, hệt như THAT’S A GOOD BOY! để thành ATTABOY! vậy.
Bây giờ chúng ta chuyển qua một cấu trúc khác, dùng HOW. Với HOW, chúng ta dùng một tĩnh từ (ADJECTIVE) hay một trạng từ (ADVERB) đi theo sau. Thí dụ HOW GOOD là tĩnh từ, hay HOW SLOWLY là trạng từ.
QA
Nhưng thưa anh đâu có thể nào dừng ở đó, vì khi chỉ nói HOW GOOD! thì người nghe không biết cái gì, ai, người nào… GOOD, phải không Thúy?
BBT
Đúng thế, nên sau đó, chúng ta sẽ phải nói thêm để người nghe hiểu rõ điều chúng ta muốn nói. Thí dụ chúng ta muốn khen ngợi chú bé đánh đàn ghi ta hay thì chúng ta phải thêm THE YOUNG GUITARIST IS để thành HOW GOOD THE YOUNG GUITARIST IS!
QA cho nghe ba thí dụ với cách đặt câu dùng HOW coi.
QA
HOW BORING THE BOOK WAS!
HOW SWEET HER SINGING VOICE IS!
HOW GRACIOUS SHE IS!
BBT
Còn thí dụ của Thúy?
LÃM THÚY
HOW DIFFICULT THE ECONOMY IS!
HOW TERRIBLE THE STORY WAS!
HOW MEAN HE CAN BE!
BBT
Hai cô nhớ rằng nếu nói HOW DIFFICULT IS THE ECONOMY? thì đó là câu hỏi, nghĩa là nền kinh tế khó khăn như thế nào? Còn nếu nói như Thúy HOW DIFFICULT THE ECONOMY IS! thì câu ấy là câu hô thán, không phải câu hỏi, nghĩa là nền kinh tế mới khó khăn làm sao!
Khác với những câu bắt đầu bằng WHAT, nhũng câu bắt đầu bằng HOW không thể rút ngắn, bỏ bớt những chữ ở đằng sau được. Chúng ta phải nói đầy đủ HOW WONDERFUL HE IS! Không thể nói HOW WONDERFUL! được. Cô QA sẽ dịch những câu ở trên như thế nào?
QA
QA cũng sẽ dịch là LÀM SAO hay BIẾT BAO. Thí dụ HOW BORING THE BOOK WAS! có thể dịch là quyển sách mới chán và vô duyên làm sao! hay quyển sách mới chán biết bao!
BBT
Tuần trước, QA có nhắc tôi nói thêm về động từ MAY thì hôm nay, chúng ta sẽ trở lại với động từ này. MAY là một động từ khiếm khuyết, một DEFECTIVE VERB. Nó khiếm khuyết, tức là nó thiếu, nó thiếu các thì tương lai FUTURE và các thì PERFECT. MAY chỉ có PRESENT TENSE và PAST TENSE. Động từ này cũng không bao giờ có TO đứng trước.
LÃM THÚY
Như động từ CAN, WILL, SHALL phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy.
Chúng ta dùng MAY thường là để nói lên một điều, một chuyện có thể xẩy ra, một POSSIBILITY. Thí dụ cuối tuần này có thể tôi sẽ đi San Jose mà cũng có thể là không. Nếu bận thì tôi không đi, nếu muốn gặp mấy người bạn thì tôi sẽ đi. Tôi dùng động từ MAY. Cô QA nói thử câu trên bằng tiếng Anh và cho nghe thêm hai thí dụ của cô coi.
QA
I MAY GO TO SAN JOSE THIS WEEK-END.
HE MAY BE AT WORK NOW.
THEY MAY LIKE THE HOUSE.
BBT
Thúy cho nghe thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
SHE MAY BE LATE FOR THE WEDDING PARTY.
IT MAY RAIN TOMORROW.
WE MAY STAY A LITTLE LATE.
BBT
Cách dùng thứ hai của MAY là để diễn tả sự được phép, hay cho phép. Thí dụ YOU MAY TAKE THE GRAMMAR BOOK HOME WITH YOU. QA thử cho phép người khác làm vài việc coi.
QA
WE MAY GO TO MEXICO WITH OUR DRIVERS’ LICENCES.
THEY MAY KEEP THE LIBRARY BOOK FOR 2 WEEKS.
YOU MAY LEAVE THE TABLE WHEN YOU FINISH YOUR DINNER.
LÃM THÚY
MY SON MAY USE MY CAR FOR A WEEK.
SHE MAY CHARGE MY ACCOUNT FOR THE SHOES.
THE BOY MAY STAY UP LATE ON FRIDAY NIGHT.
BBT
Chúng ta dùng động từ MAY để xin phép thí dụ MAY I USE YOUR TELEPHONE TO CALL HOME? Nhưng ngày nay, việc dùng động từ MAY để cho phép hay xin phép, hay nói về sự được phép càng ngày càng thấy ít đi.
QA
Vậy thì thưa anh, người ta dùng động từ nào để thay thế cho MAY trong những trường hợp anh vừa nói, tức là để xin phép, hay cho phép, hay được phép?
BBT
Chúng ta dùng CAN và COULD. Thực ra, CAN và COULD được dùng để nói về khả năng. Thí dụ khi nói I CAN UNDERSTAND SPANISH thì câu đó có nghĩa là tôi có khả năng hiểu tiếng Tây Ban Nha. Nhưng CAN cũng có thể được dùng để xin phép, hay cho phép thí dụ khi chúng ta muốn xin phép để đậu cái xe trước cửa nhà ông hàng xóm, chúng ta nói CAN I PARK THE CAR ON YOUR DRIVEWAY? Động từ CAN ở đây không có nghĩa là tôi có khả năng đậu cái xe trước cửa nhà ông không, mà là tôi có được phép đậu không hay xin phép ông cho tôi đậu xe trước nhà ông. Thúy cho ba thí dụ dùng CAN thay vì MAY coi.
LÃM THÚY
MAY I MAKE A PHONE CALL? hay CAN I MAKE A PHONE CALL?
HE MAY BORROW MY CAR hay HE CAN BORROW MY CAR.
PEOPLE CAN TRAVEL TO CUBA NOW hay PEOPLE MAY TRAVEL TO CUBA NOW.
BBT
Thế còn QA?
QA
MAY I MAKE SOME COFFEE? hay CAN I MAKE SOME COFFEE?
SHE MAY NOT DRIVE AT NIGHT hay SHE CANNOT DRIVE AT NIGHT.
JACK MAY WRITE A CHECK FOR IT hay JACK CAN WRITE A CHECK FOR IT.
BBT
Chúng ta có thể thay thế MAY và CAN bằng động từ TO BE ALLOWED TO thì rõ hơn. TO BE ALLOWED TO là được phép. Thí dụ HE MAY STAY IN FRANCE FOR SIX MONTHS có thể dùng CAN để thành HE CAN STAY IN FRANCE FOR SIX MONTHS hay HE IS ALLOWED TO STAY IN FRANCE FOR SIX MONTHS.
Cô QA cho nghe ba câu với TO BE ALLOWED TO coi.
QA
HE IS ALLOWED TO SPEND THE MONEY OF HIS FATHER.
HE IS NOT ALLOWED TO SPEND THE MONEY OF HIS FATHER.
IS HE ALLOWED TO SPEND THE MONEY OF HIS FATHER?
LÃM THÚY
WE ARE ALLOWED TO BUY CIGARS FROM CUBA NOW.
WE ARE NOT ALLOWED TO BUY CIGARS FROM CUBA.
ARE WE ALLOWED TO BUY CUBAN CIGARS NOW?
BBT
Hy vọng tôi đã trả lời và giải đáp được các thắc mắc của hai cô.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.