August 9, 2012

August 10, 2012


Ngày 6 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Lần đầu tiên tôi nghe bài hát ấy là qua chiếc radio trên bàn làm việc của chú tôi trong căn phòng thuộc nhà dưới. Gia đình tôi ở trên gác lại không có radio. Muốn nghe radio tôi phải xuống nhà, vào phòng của ông chú lúc ấy không có nhà nhà vì ông còn đang đón đồn ở Đại Đồng, Bùi Chu cùng với tiểu đoàn khinh quân của ông.
Ở tuổi lên 9, tôi không hiểu hết được lời của bài hát nhưng vẫn nhớ được mấy câu, và trong mấy câu ấy, là những câu "…Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi. Đời nhịp cầu lỡ bước, bước hoang mang rồi…"
"Cố lý" là gì? "Cố lý" là ở đâu, có gần … Phủ Lý không, cái tên mà tôi nghe nhiều lần trong những bản tin chiến sự đầy lửa đạn cũng từ cái radio ấy … Tại sao lại "bước hoang mang"? Bước làm thế nào mà lại "hoang mang" được?
Năm ấy là năm 1953.
Hỏi người lớn thì được giải thích "cố lý" là làng cũ, làng xưa… Nhưng "bước hoang mang" thì không được giải thích. Chỉ được trả lời là "sau này lớn lên con sẽ hiểu".
Nhưng bằng ấy lời giải thích cũng đã đủ để tôi thấy bài hát rất hay và nhớ nó mãi.
Đúng như lời ông bố tôi nói, lớn lên, quả nhiên tôi hiểu "bước hoang mang" là gì. Hiểu và lại càng thích hơn bài hát có những chữ ấy.
Bài hát phổ từ thơ nghe qua làn sóng điện của đài phát thanh Hà Nội được khoảng một năm gì đó, thì những chuyến đi trên những "con thuyền viễn xứ" xẩy ra thật, đúng như những lời ca của bài hát. Chúng tôi rời Hà Nội như những lời ca đầy tiên tri của bài hát đó.
Lớn lên, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe lại bài Thuyền Viễn Xứ với nhiều giọng hát khác nhau. Nhưng những bâng khuâng, ngậm ngùi khi nghe lại những lời ca ấy thì bao giờ cũng có. Tôi càng nghe, lại càng thắc mắc về bài thơ được phổ thành nhạc ấy. Nguyên tác nó như thế nào, người phổ nó có giữ được hết bài thơ đó không? Và nhất là người viết bài thơ đó là ai. Huyền Chi là người thế nào? Tác giả viết bài thơ đó trong tâm cảm ra sao, trong hoàn cảnh nào…
Trong suốt nhiều năm, những thắc mắc đó vẫn không được giải đáp.
"Cố lý", hai chữ ấy, trong những năm đi học xa nhà lại càng thêm ý nghĩa. Làng cũ được thay thế bằng một thành phố. Thành phố ấy trong một bản nhạc khác trở thành một người, "…ta nhớ thấy em một chiều chớm thu… nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi…"
Khoảng mười mấy năm trước, đọc tập hồi ký của người nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ đó, tôi được biết tác giả bài thơ là một phụ nữ bán vải trong chợ Sài Gòn. Không một chi tiết nào khác nữa về tác giả. Một phụ nữ bán vải sao lại viết một bài thơ (chắc là phải rất hay) mà tôi chỉ được biết qua bản nhạc phổ từ nguyên tác. Thắc mắc của tôi vẫn còn nguyên.
Cho mãi tới gần đây, khi đọc được bài của Nguyễn Phước Thị Liên, một nhà văn trong nước viết trên tờ Kiến Thức Ngày Nay số 768, tháng 12 năm 2011.
Bài báo có đăng một bức ảnh tác giả chụp năm 1952, khi tác giả 18 tuổi. Trong ảnh, bà là một thiếu nữ rất đẹp, đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Mái tóc chải kiểu lưỡi trai như những bà cô tôi ở Hà Nội, áo dài cổ thấp, đeo một chiếc kiềng. Giản dị và rất đẹp. Bài thơ nhan đề Thuyền Viễn Xứ chắc chắn phải được viết khoảng thời gian đó, có thể trước một hay hai năm. Năm 1952, Huyền Chi 18 tuổi. Như thế, có thể bà đã viết nó năm 16 hay 17 tuổi.
Ở tuổi đó mà viết những câu thơ như thế này sao?
Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái dầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi
Bài thơ còn vài ba chỗ hơi non nhưng toàn bài là một bài thơ đẹp. Chữ nghĩa cổ điển nhưng không sáo mòn. Hình ảnh con thuyền ra khơi đến những bờ bến lạ, cây cối lau lách ủ rũ tiêu điều, những bước đi lỡ làng, tâm trạng hoang mang, chiều xuống ở nơi tha hương, mái tóc bạc chờ mong của mẹ, quê hương mờ mịt… được bầy ra suốt 24 câu.
Qua bài viết của Nguyễn Phước Thị Liên, tôi được biết Huyền Chi sinh năm 1934 tại Bắc Ninh, vào Sài Gòn trước năm 1954, và in tập thơ Cởi Mở năm 1952, trong đó có bài Thuyền Viễn Xứ.
Bà lập gia đình năm 1954 và theo chồng về Nha Trang. Bà về lại Sài Gòn sau năm 1975 và hiện đang sống với 4 người con, 3 người khác thì ở Mỹ.
Như vậy, niềm thắc mắc suốt mấy chục năm của tôi đã được giải tỏa.
Mừng biết là bao khi nghe bà vẫn còn, và nhất là đẹp hệt như tôi vẫn … tin chắc. Bài thơ đẹp như thế thì phải được viết bởi một người đẹp như … vậy.
Chắc bà rất hạnh phúc khi biết những giòng thơ của bà viết hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn ở trong đầu của hàng chục triệu người. Và trong trí của những người yêu mến bài thơ của bà nay lại đã có thêm bức chân dung rất đẹp của tác giả.

Ngày 7 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Trong suốt nhiều năm, tôi bị ám ảnh thường trực bởi bức hình đó. Và ngay cả bây giờ, mỗi lần kiếm một hai cuốn sách, cứ nhìn thấy cuốn sách Without Honor viết về biến cố 30 tháng 4 năm 1975 của Arnold Isaacs trong tủ sách, là tôi lại nhớ đến bức hình đó, mặc dù một người bạn mượn tôi cuốn sách đó rồi xé nó ra, không biết để làm gì.
Tôi không thể nào quên được nó. Bức ảnh hình như của một thông tín viên UPI chụp ở góc đường Tự Do và Lê Lợi khoảng một hai ngày sau khi bộ đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. Trong hình, là một phụ nữ còn trẻ. Cô là một du kích, vì cô không mặc quân phục như các cán binh khác. Cô ôm sát ngực một khẩu AK-47. Cô đội nón tai bèo. Cổ có quấn một chiếc khăn rằn. Cô mặc áo bà ba, quần đen và đi một đôi dép lẫm bằng lốp xe hơi.
Tôi không thể nào quên được khuôn mặt cô. Đó là một khuôn mặt còn nguyên những nét kinh ngạc, hốt hoảng, có thể là do nhiều tháng năm trong rừng. Vẻ sương gió còn nguyên trên mặt. Và nhất là đôi mắt. Cô có hàm răng hô, gò má cao, mái tóc ngắn xòa xuống trán. Chiếc mũ tai bèo không ở vị trí đỉnh đầu mà lật ra sau gáy, một sợi giây quàng qua cổ khiến nó không rơi hẳn xuống. Không có nụ cười trên khuôn mặt đó.
Cô đứng giữa một đám đông những người hiếu kỳ. Trên đường Tự Do, hình chụp cho thấy một chiếc T-54 còn nguyên lá cây ngụy trang, mấy người lính Bắc Việt ngồi trên, bám lấy pháo tháp. Nhiều người đi xe gắn máy chạy bên cạnh.
Sài Gòn vừa thất thủ hai ba ngày trước.
Bức ảnh chỉ ghi chú ở dưới bằng mấy chữ: A Viet Cong guerrilla. Không thấy ghi tên tuổi gì hết.
Nhiều lần tôi cứ thắc mắc không biết sau khi được đưa tới đứng ở góc đường Tự Do và Lê Lợi, cô đi đâu sau mấy ngày ở Sài Gòn, cô có còn ở trong lực lượng du kích không. Chắc là không.
Ba mươi mấy năm đã qua. Cô nay chắc phải gần sáu mươi tuổi là ít. Cô hết làm du kích, có chồng, có con, bây giờ cô sống thế nào? Trên vách nhà treo mấy tấm bằng khen mầu đỏ loét xô lệch không?
Quần áo cô mặc có còn bộ bà ba đen, cái nón tai bèo như hôm ấy không? Cô còn "vẻ đẹp cách mạng" không, hay đã bỏ thứ trang phục ấy để quần áo như những thí sinh thi hoa hậu, "lộ hàng" một cách "hoành tráng" như trong những hình ảnh trên những tờ báo trong nước?
Cô có mặc những quần áo như thứ thời trang mà đồng đội của cô hết sức mạt sát và đả kích là "đồi trụy" như người ta thấy đầy đường Hà Nội và Sài Gòn bay giờ không?
Chắc cô không mặc cái thứ quần áo đó. Không mặc thì khi thấy những thứ quần áo đó, cô nghĩ gì, khi ngó lại những thứ cô đang mặc trên người? Cô nghĩ gì khi thấy những thứ thời trang mà chính cô được dậy là phải dẹp bỏ vì không hợp với cái đẹp của cách mạng? Cô có nhớ những lời hô hào khi cách mạng vào Sài Gòn, đòi dân chúng phải dẹp hẳn lối ăn mặc không theo đúng những nét đẹp của cách mạng, của bưng biền, của kháng chiến chống Mỹ cứu nước không? Cô nghĩ sao về lối ăn mặc bây giờ của bọn con ông cháu cha Cộng Sản sau khi những người như cô hy sinh hết tuổi trẻ để xây dựng (?) lên cái đất nước hôm nay?
Cô có thấy con nhãi Tô Linh Hương, con gái Tô Huy Rứa ăn mặc đầm mầu hồng rất đồi trụy Mỹ Ngụy đi thanh sát một công trường xây cất sau khi nó nhờ bố đưa vào một chức vụ rất lớn mặc dầu không có kinh nghiệm và tài cán gì để rồi phải tự ý rút lui không?
Cô chiến đấu cho những con nhãi mặc quần áo đồi trụy mà cô sau những hy sinh phải sống như cảnh sống của cô hiện nay ư?
Cũng như vợ con của Bẩy Lớp, người đặc công bị tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết ở đường Sư Vạn Hạnh năm 1968, sau khi cách mạng về thành lại chỉ mong đế quốc Mỹ trở lại để có công việc như một đài truyền hình Nhật kể lại.
Đó, hy sinh là để được đãi ngộ như thế đấy.
Cô du kích ơi, bây giờ cô ở đâu? Nhưng nếu cô đang sống ở Mỹ sau lần vượt biên thập tử nhất sinh để chạy trốn cái bọn cách mạng ấy thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên gì.
Bọn nhà nước đểu giả có ba tăng mà chịu khó gom mấy cái vỏ chanh lại, đem bán cũng được khối tiền đấy chứ không đùa đâu.

Ngày 8 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.
Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...
Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".
Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.
Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.
Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.
Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Đến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.
Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.
Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?
Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?
Không được.
Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.
Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...
Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.
Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.

Ngày 9 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
George Clooney, vai chính trong các phim Perfect Storm, The Peace Maker... người đang làm bao nhiêu trái tim phụ nữ Mỹ thổn thức vừa bị tờ Elle một tờ báo thời trang phụ nữ viết cho một bài với những chi tiết làm chàng điên lên vì tức.
Tờ báo này viết rõ ở ngoài bìa câu cảnh cáo: Don't Date George Clooney (Đừng hẹn hò đi chơi với George Clooney). Bài báo bên trong kể lại kinh nghiệm của một nữ tài tử từng có lần đi chơi với George để dẫn tới câu cảnh cáo ngoài bìa. Người phụ nữ này kể rằng George có một trò mà chàng ưa thích đặc biệt, một thứ fetish, đó là ngửi nách phụ nữ.
George liền viết một bức thư cho tờ Elle phủ nhận những chi tiết viết trong bài báo, nói rằng chàng không hề thích ngửi nách phụ nữ như tờ báo đã đề quyết.
Lá thư của George Clooney làm người đọc có cảm tưởng George coi chuyện ngửi nách là một tội trọng, là một việc làm cấm kỵ, không thể chấp nhận được, một việc làm có thể làm giảm giá trị của chàng, khiến chàng sẽ mất đi một số khán giả ái mộ.
George Clooney không cần phải làm thế.
Trước hết, chuyện ngửi nách, dẫu cho chàng có làm, cũng không có gì xấu xa cần phải cải chính hết.
Trái lại, đó chỉ là một việc làm rất thường tình.
Cái mà xã hội chúng ta đang sống gọi là mùi hôi nách và làm đủ mọi điều có thể làm được để đè nó xuống, chặn nó lại, lên án nó, tìm cách tiêu diệt nó bằng xà bông, bằng nước hoa, bằng phấn, bằng deodorant, thực ra không có gì hôi trong đó hết.
Xã hội khi không tự nhiên thù ghét nó, đổ cho nó mọi tính xấu, hô hào mọi người phải dẹp nó, coi nó là đáng gớm, đáng tởm vân vân. Thế rồi chúng ta chấp nhận điều đó.
Trong khi nó là một mùi rất hấp dẫn. Nó là dấu tích còn lại của tổ tiên loài vật của chúng ta, như Desmond Morris, tác giả cuốn The Naked Ape, Animal Watching... đã viết. Nó chính ra là một mùi quyến rũ vô cùng.
Như những con vật hạ đẳng khác, mùi nách, và những mùi khác của cơ thể, chỉ có một vai trò duy nhất là hấp dẫn, lôi cuốn những con thú đực hay cái vào mùa tình ái. Con hươu xạ, con chồn hương gửi trong gió những mùi đặc biệt của nó để con bạn tìm đến. Con đom đóm thì quảng cáo mình bằng những nhấp nháy trong bóng tối. Dế đực gọi dế mái bằng cách cọ hai cánh vào nhau.
Con người thì là mùi nách.
Nách trẻ con không có mùi vì chưa phải là lúc cần có mùi. Chỉ khi chúng lớn, trưởng thành về mặt tình dục, thì mới có lý do để có mùi: để hấp dẫn con trai, và để con trai hấp dẫn con gái.
Nhân loại đang vui sống với mùi nách của nhau thì một bữa, một người nào đó bỗng cho rằng mùi nách là mùi hôi, phải tận diệt nó. Người ta coi nó là một mùi hôi và phải nén nó xuống, đè nó lại. Sau một thời gian, nguyên một nền văn hóa nhẩy ra chống lại mùi nách, nhất định coi nó là xấu, và những người thích ngửi nó là những người kỳ quái, bất bình thường.
Không, không có gì bất bình thường hết.
George Clooney không cần phải bực bội như thế. Cứ vui tiếp với trò chơi của mình, và thỉnh thoảng đóng phim cho chúng tôi coi là được rồi.
Dick Morris, cố vấn chính trị của tổng thống Clinton rất sáng suốt trong các nước cờ chính trị cho ông thì tại sao phải thắc mắc về chuyện chàng thích gặm ngón chân cái cô bạn gái của chàng?
Bề gì, cái nách cũng ở trên cao hơn mấy cái ngón chân mà.

Ngày 10 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Tục ngữ Việt Nam có câu "câm như hến", trong tiếng Anh, thành ngữ "to clam up" là làm con "clam", làm con hến, con sò, con nghêu, con ngao, là không nói năng gì hết, là câm miệng, là ngậm miệng.
Tưởng đã là hến, là ngao, hay sò thì đều kín tiếng cả, nhưng cũng có thứ hến, ngao, sò... nói được, mà lại nói rất nhiều nữa mới kỳ lạ.
Cả hai thứ tiếng chúng ta quen dùng, tiếng Việt và tiếng Anh, đều gọi nó là... hến. Có thể vì hình thù của nó. Và cũng có thể nó ít nói. Thực ra thì là vì nó không nói năng gì hết. Nhưng theo Eve Ensler, tác giả của vở kịch (?) nhan đề The Vagina Monologues, thì nó nói nhiều lắm. Nó nói một mình. Nó độc thoại, như trong tên của vở kịch: Những Đoạn Độc Thoại Của Con Hến.
Vở kịch này đầu tiên diễn ở New York, không ở Broadway như các danh tác khác. Nhưng nó cũng rất thành công.
Ngày nay, The Vagina Monologues đã được đưa đi Chicago, Los Angeles, San Francisco... diễn tiếp. Như thế, rõ ràng là nó được hoan nghênh dữ lắm.
Và theo tờ Eastern Economic Review, nó đã được đem đi diễn ở Manila, Hongkong và ở Singapore.
Tác giả Eve Ensler cho biết chất liệu dùng để viết vở Những Đoạn Độc Thoại Của Con Hến được lấy từ hơn 200 cuộc phỏng vấn các phụ nữ, về những con... hến (?) của họ. (Nhưng có lẽ phải nói là CÁI hến thì mới đúng. Cụ Phan Khôi nói rằng trong tiếng Việt, hễ vật gì động đậy được thì dùng mạo tự "CON", không động đậy gì hết, thì dùng mạo từ "CÁI". Tuy nhiên hến trong kịch biết... nói, vậy thì dùng CON hay CÁI đều được chăng?)
Vở kịch có ba vai, tất cả đều do phụ nữ đóng gồm những đoạn độc thoại kể lại cuộc đời, kinh nghiệm, ái tình và sự nghiệp của hến.
Tưởng tượng ba người đàn ông trong một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi trên sân khấu, mô tả những khu vực cơ thể kín đáo nhất của họ, nói rõ họ dùng chúng như thế nào, thì nhất định khán giả sẽ đùng đùng đứng dậy, bước ra khỏi rạp hát để khỏi phải nghe những đoạn độc thoại thô tục và như trẻ con mới lớn đó.
Nhưng đó chính lại là những gì người ngồi xem vở The Vagina Monologes được nghe từ sân khấu vọng xuống. Vì nó là những tâm sự của hến. Vì hến nói được nên cũng làm cho nhiều người lo. Nó nói được, nó đem chuyện của mình đi kể thì xấu hổ chết mất.
Những ông thầy địa lý phong thủy tha hồ nói láo vì các ông thừa biết cái gọi là long mạch, khu đất có hình con hổ ngồi, có con rồng phục... đều không lên tiếng nói được. Ông thầy muốn khen, muốn chê sao cũng tha hồ, không sợ bị phản đối. Chứ "hòn đất mà biết nói năng / thì thầy địa lý cái răng không còn".
Cũng thế, nếu loài hến biết nói như vở kịch The Vagina Monologues gợi ý, thì nhiều người đàn ông trên thế giới này sẽ vất vả lắm. Chuyện phét lác, khoe khoang, nổ bậy bạ của chúng tôi cũng bớt đi nhiều.
Những thứ chuyện đại khái để tuyên dương thành tích của chính mình, nào là đánh đông dẹp bắc, xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan sẽ không còn được đem ra để huênh hoang nữa.
Lỡ những con hến nghe được, chúng hét lên rồi lêu lêu thì mắc cở lắm. Những vụ "khóc ngoài biên ải" sẽ được tường thuật ngay tình và đầy đủ, cảnh đánh cờ "pháo nổ đùng" sẽ được nói lại cho rõ nét bi thảm thì phiền vô cùng.
Cho nên khán giả lại yên trí ngồi xem nốt, biết rằng hến chẳng bao giờ đem chuyện đi kể trên sân khấu, dẫu cho hến có buồn, có đau, có chán đời mấy đi chăng nữa.
Có điều chưa biết bao giờ thì có một vở để phản bác lại. Như đã có Tây Hồ Phú của Nguyễn Huy Lượng thì sau phải có Chiến Tụng Tây Hồ Phú của Phạm Thái để đả lại chứ.
Lúc ấy "thủy hỏa tương giao sôi sùng sục" như cảnh hút thuốc lào mới là... đã điếu chứ!

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 149)
DIRECT / INDIRECT SPEECH
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 149 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, tuần này chương trình nhận được thư của một khán giả yêu cầu anh giảng về DIRECT và INDIRECT SPEECH. Đây cũng là thắc mắc của QA. Thỉnh thoảng, trong lúc nói chuyện với các con, QA muốn thuật lại vài ba chuyện nghe được của người này, người kia cho các con QA nghe, và gần như lần nào QA cũng bị các con sửa … lưng, lúc thì nói QA sai chỗ này, lúc thì QA sai chỗ kia. QA vẫn chưa hiểu rõ về DIRECT và INDIRECT SPEECH.
BBT
Hai cách nói mà vị khán giả của chương trình cũng như QA muốn tôi đề cập hôm nay khá quan trọng. Chúng ta cần phải biết cách dùng chúng để người nghe hiểu chúng ta chính xác hơn, tránh hiểu lầm. Chúng ta nghe những chuyện của người khác nói với chúng ta và đem thuật lại cho những người không có mặt, không ở tại chỗ, không chính tai nghe thấy nguyên văn những điều đó. Nếu chúng ta kể lại nguyên văn, đúng từng chữ những lời người đó nói với chúng ta và chúng ta nghe trực tiếp, chúng ta nhắc lại đầy đủ, không bỏ sót một tiếng, một chữ nào, thì cách nói đó là DIRECT SPEECH hay là QUOTED SPEECH. Nhưng khi những điều đó được thuật lại cho người khác nghe, qua miệng của chúng ta, không hoàn toàn nguyên văn từng chữ một, thì đó là INDIRECT SPEECH hay REPORTED SPEECH. INDIRECT nghĩa là gián tiếp, là không trực tiếp vì khi thuật lại, những điều đó đã qua miệng chúng ta rồi.
Nếu cứ chỉ dùng DIRECT hay QUOTED SPEECH thì nhiều khi chúng ta có thể làm cho câu chuyện khó hiểu, chúng ta có thể bị hiểu lầm là đằng khác. Thí dụ tôi nghe một người nói với tôi rằng, và đây là nguyên văn: I AM AUSTRALIAN, rồi nhắc lại cho hai cô nghe rằng HE SAYS I AM AUSTRALIAN thì như thế đúng hay sai?
TRÚC GIANG
Sai vì chú đâu phải là người Úc. Khi chú nói HE SAID I AM AUSTRALIAN thì cháu có thể hiểu chú là người Úc.
QA
Thưa anh, ông kia mới là người Úc chứ đâu phải anh. Phải nói rằng ông ấy nói rằng ông ấy, tức là HE chứ không phải là I là người Úc mới đúng.
BBT
Đúng vậy. Vì thế tôi không thể dùng lại đại danh từ "I" được. Khi viết thì được, nhưng cần phải đặt toàn câu giữa ngoặc kép, tức là QUOTATION MARKS. Thí dụ HE SAID, "I AM AUSTRALIAN". Nhưng khi nói, trong văn nói thì người nghe làm sao thấy được những ngoặc kép đó để biết đó là lời ông kia nói, không phải lời của tôi. Trong tiếng Việt cũng thế. Chúng ta nói thế này thì dễ bị hiểu lầm: ông ấy nói tôi là người Úc. Tôi thì không bao giờ là người Úc cả. Người Úc là ông kia.
Thế thì chúng ta nên kể lại như thế nào để khỏi bị hiểu lầm, Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Thưa chú, phải nói rằng : ông ấy nói ông ấy là người Úc.
BBT
Đúng rồi. Câu ông ấy nói ông ấy là người Úc thì đó là INDIRECT SPEECH hay REPORTED SPEECH cũng vậy. Vậy thì QA nghe ông ấy nói ông ấy là người Úc thì khi QA kể lại cho người khác nghe, cô sẽ nói thế nào? HE SAID THAT I AM AUSTRALIAN nhé.
QA
Không đúng, thưa anh. QA phải đổi đi một chi tiết. Không thể dùng lại đại danh từ "I" nữa. Phải nói HE SAID THAT HE IS AUSTRALIAN.
BBT
THAT là giới từ tức là PREPOSITION, tiếng dùng để giới thiệu cho điều chúng ta muốn nói sau đó. THAT là RẰNG trong tiếng Việt. HE SAID THAT nghĩa là ông ấy nói rằng…Trúc Giang tường thuật lại câu này cho tôi nghe coi. Mấy chục năm trước, khi tôi gặp ông ấy ở Sài Gòn, ông ta nói với tôi : I LIVE IN BIEN HOA.
TRÚC GIANG
HE SAID THAT HE LIVES IN BIEN HOA.
BBT
Vậy có đúng không QA?
QA
Thưa không đúng. Năm 1975, ông ấy đi Mỹ nên phải nói HE SAID THAT HE LIVED IN BIEN HOA. QA phải dùng PAST TENSE của động từ TO LIVE, thay vì LIVES trong nguyên văn, trong DIRECT SPEECH.
TRÚC GIANG
Nhưng ở trên, chị QA nói HE SAID THAT HE IS AUSTRALIAN, vậy có đúng không?
BBT
QA nói vậy có thể được coi là đúng. HE SAID THAT HE IS AUSTRALIAN mặc dầu chuyện ông ấy nói câu đó đã xẩy ra từ hôm qua. Hôm nay, ông ấy có thể vẫn là người Úc, ông ấy chưa đổi quốc tịch. Không cần phải nói HE WAS AUSTRALIAN. Lý do là vì có những chuyện luôn luôn đúng, hay không bao giờ thay đổi, bao giờ cũng là chân lý thì không cần phải chuyển PRESENT thành PAST TENSE.
TRÚC GIANG
Cháu hiểu. Như vậy, chúng ta nói HE SAID THAT BURMA IS IN ASIA chứ không nói HE SAID THAT BURMA WAS IN ASIA.
BBT
Cám ơn Trúc Giang. Nếu nói HE SAID THAT SAIGON IS THE CAPITAL OF VIETNAM thì có đúng không, QA?
QA
Thưa anh, phải đổi IS thành WAS mới đúng, vì Sài Gòn không còn là thủ đô Việt Nam nữa. Nhưng nếu nói HE SAID THAT TRƯỜNG SA AND HOÀNG SA WERE PARTS OF VIETNAM thì có đúng không?
BBT
Đúng, nếu đó là lời của Phạm Văn Đồng. Người Việt Nam thì phải nói: PRESIDENT DIEM SAID THAT TRƯỜNG SA AND HOÀNG SA ARE PARTS OF VIETNAM vì đó là một sự thật bất biến.
Hôm nay chúng ta chỉ cần nhớ là khi dùng INDIRECT SPEECH, chúng ta lùi lại một thì, một TENSE. Nếu câu nguyên thủy là PRESENT TENSE thì chúng ta lùi lại thành PAST TENSE. Và nếu câu nguyên thủy là PRESENT CONTINUOUS TENSE thì chúng ta đổi thành PAST CONTINUOUS TENSE. Thí dụ tuần trước, khi gặp cô ấy ở phi trường, cô ấy nói I AM FLYING TO NEW YORK thì nếu Trúc Giang thuật lại cho QA nghe thì Trúc Giang phải nói thế nào?
TRÚC GIANG
SHE SAID THAT SHE WAS FLYING TO NEW YORK
BBT
Như thế, chúng ta phải đổi WILL thành WOULD. Thí dụ ông ấy nói I WILL RETIRE WITHIN A YEAR thì QA sẽ kể lại như thế nào?
QA
HE SAID THAT HE WOULD RETIRE WITHIN A YEAR.
BBT
Trúc Giang và QA mỗi cô cho tôi nghe 3 câu DIRECT SPEECH, dùng PAST, PAST CONTINUOUS và WOULD coi.
TRÚC GIANG
I WANT TO BUY CHRISTMAS PRESENTS EARLY. SHE SAID THAT SHE WANTED TO BUY CHRISTMAS PRESENTS EARLY.
I AM MAKING SOME COFFEE. SHE SAID THAT SHE WAS MAKING SOME COFFEE.
I WILL STAY HOME ON SUNDAY. SHE SAID THAT SHE WOULD STAY HOME ON SUNDAY.
QA
I COOK A BIG MEAL FOR THE WHOLE FAMILY. HE SAID THAT HE COOKED A BIG MEAL FOR THE WHOLE FAMILY.
I AM DRIVING TO SAN DIEGO ON SATURDAY. HE SAID THAT HE WAS DRIVING TO SAN DIEGO ON SATURDAY.
I WILL FINISH THE BOOK IN THREE DAYS. HE SAID THAT HE WOULD FINISH THE BOOK IN THREE DAYS.
BBT
Giới từ THAT được dùng để giới thiệu, dẫn nhập vào điều chúng ta tường thuật, kể lại. HE SAID THAT… Nhưng giới từ THAT có thể bỏ đi, không dùng cũng không sao, ý nghĩa không thay đổi, hệt như chữ "rằng" trong tiếng Việt. Bỏ "rằng" đi cũng không sao.
Ngoài ra cũng còn một vài thay đổi khác. Đó là I thành HE hay SHE. WE thành THEY. HE và SHE sẽ không thay đổi. Thí dụ người ấy nói với chúng ta HE, hay SHE chúng ta sẽ không đổi mà giữ nguyên HE và SHE trong câu INDIRECT SPEECH.
Đây nhé, ông ta nói bà ấy đang ở nhà: SHE IS AT HOME thì câu INDIRECT sẽ như thế nào, Trúc Giang?
TRÚC GIANG
HE SAID (THAT) SHE WAS AT HOME. Giữ nguyên SHE.
BBT
QA cho nghe một câu khác coi. Dùng HE trong câu DIRECT SPEECH.
QA
HE WANTS TO STUDY ENGINEERING. SUSAN SAID (THAT) HE WANTED TO STUDY ENGINEERING. Không đổi HE.
BBT
Trúc Giang đổi câu này ra INDIRECT SPEECH coi: THEY BUY A VERY LARGE HOUSE NEAR THE BEACH.
TRÚC GIANG
HE SAID (THAT) THEY BOUGHT A VERY LARGE HOUSE NEAR THE BEACH không cần phải đổi THEY.
BBT
Dĩ nhiên chúng ta không phải lúc nào cũng dùng HE SAID thế nọ, SHE SAID thế kia. Chúng ta có thể dùng các động từ khác thay vì cứ dùng HE SAID, SHE SAID hoài. Thí dụ thay vì SAID, chúng ta có thể nói HE TOLD ME THAT là ông ấy kể cho tôi nghe rằng, hay SHE LET US KNOW THAT là cô ấy cho chúng tôi biết rằng, hay THEY INFORMED US THAT là họ thông báo cho chúng tôi…
Các động từ khác có thể thay thế cho SAID là ARGUED (lập luận); ASSERTED (khẳng định); MAINTAINED (quả quyết); DECLARED (khai báo); CONFESSED (thú nhận); ADMITTED (nhận); AGREED (đồng ý); COMPLAINED (phàn nàn); PROMISSED (hứa); EXPLAINED (giải thích); ORDERED (ra lệnh); REPLIED (trả lời) … vân vân.
Bây giờ nếu câu DIRECT SPEECH là THE EARTH IS ROUND thì QA có thể dùng các động từ nào?
QA
QA có thể nói HE ARGUED THAT THE EARTH IS ROUND hay HE ASSERTED, HE MAINTAINED, HE EXPLAINED …
BBT
Còn Trúc Giang sẽ dùng động từ nào với LIFE AFTER COLLEGE IS NOT EASY?
TRÚC GIANG
Cháu sẽ nói HE EXPLAINED, hay HE ADMITTED, HE DECLARED, HE CONFESSED, HE REPLIED…
BBT
Các cô có thấy dùng các động từ khác thay vì HE SAID hoài, câu INDIRECT SPEECH vừa hay vừa rõ hơn không?
Bây giờ QA cho nghe câu nay bằng INDIRECT SPEECH coi: I WANT TO GO HOME NOW.
QA
SHE LET US KNOW THAT SHE WANTED TO GO HOME THEN.
BBT
Cám ơn QA. Cô đổi NOW thành THEN là đúng lắm. Chúng ta còn phải đổi HERE thành THERE; TODAY thành THAT DAY; THIS YEAR thành THAT YEAR vân vân.
Tôi nghĩ nói về INDIRECT SPEECH như vậy đã tạm đủ. Chúng ta sẽ còn trở lại vài ba lần nữa mới có thể nói hết được về DIRECT và INDIRECT SPEECH.
TRÚC GIANG
HE SAID HE EXPLAINED ENOUGH ABOUT INDIRECT SPEECH FOR TODAY. HE SAID HE WOULD TELL US MORE ABOUT IT SOON.
BBT
Đúng, đó là hai câu INDIRECT SPEECH mà chúng ta vừa đề cập trong chiều nay mà Trúc Giang đã dùng để "giải thoát" cho tôi. Cám ơn Trúc Giang.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.