Ngày 14 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
"Vị" là tiếng dùng để tôn xưng, bầy tỏ thái độ kính trọng dành cho đối tượng xứng đáng (với sự tôn kính đó). "Vị" thuộc bộ "nhân" được viết bằng chữ "nhân" (đứng) bên trái và bên phải là chữ "lập".
Thực ra, bỏ chữ "vị" đi, sự tôn kính dành cho những tiếng đi theo nó không hề thay đổi. Danh từ đi sau có thể tự nó đã mang sẵn ý nghĩa tôn kính. Sự tôn kính đó có thể đến từ danh từ chỉ chức tước, hay thành phần, vai vế của người ấy. Thí dụ khi nói "Vua đãi đại yến cho các (vị) tân tiến sĩ". Có thêm chữ "vị" trước những chữ "tân tiến sĩ" hay không thì ý nghĩa không thay đổi. Sự tôn kính mặc nhiên đã được dành cho các ông tân khoa được vua đãi yến.
Tuy thế, chữ "vị" không được dùng với các đối tượng thuộc các thành phần không cao trong xã hội hay tư cách không có. Người ta không bao giờ thấy nói các "vị" du đãng, các "vị" đòi nợ mướn chuyên cào đầu ăn vạ như Chí Phèo chẳng hạn.
Không ai gọi Chí Phèo là "vị du côn của làng" bao giờ.
Trong cách ăn nói hàng ngày, gọi Chí Phèo là "vị" đã chướng và không nên, cũng như không cần thiết. Trong ngôn ngữ báo chí thì lại càng không cần tôn xưng hay hạ thấp bất cứ một ai trong bản tin. Nhà báo phải trung lập, không nên đưa lập trường của mình ra để ép buộc độc giả phải đi theo lập trường đó bao giờ.
Thí dụ trong những bản tin (tiếng Anh) về tình hình Syria hiện nay, lực lượng chống lại ông Assad có thể được gọi là "rebels", nhưng trong tiếng Việt thì không nên viết là "phiến quân" mặc dù danh từ "rebels" trong tiếng Anh có thể dịch sang Việt ngữ là "phiến quân" hay "quân nổi dậy" đều được cả. Lý do là vì khi gọi những người này là "phiến quân", thì người viết tin đã có ý lên án, chống lại họ, đứng về phe ông Assad rồi. Gọi họ là "lực lượng nổi dậy" thì hợp lý hơn. Phe nổi dậy có thể đúng, có thể sai, có thể tốt, có thể xấu. Nhưng gọi họ là "phiến quân", hay "phản loạn", hay "loạn quân" thì nhất định đã cho họ là xấu rồi. Tin báo chí không nên viết như thế.
Nạn nhân bị hành hung tại sân Golf
Đọc báo trong nước, có những lúc người ta thấy chữ "vị" được đem ra dùng một cách rất "hào phóng". Thí dụ một bản tin của Việt Nam Express (Tin Nhanh Việt Nam) hôm nay, 14 tháng 8, tường thuật vụ một phụ nữ làm việc tại một sân golf ở Phúc Yên bị một người đàn ông chơi golf hành hung gây thương tích phải vào bệnh viện. Người đàn ông 28 tuổi khai là làm việc tại quốc hội ở Hà Nội có hành vi hung bạo và côn đồ này đã từng chửi mắng mấy nhân viên khác của sân golf trong những lần trước đó. Nạn nhân 25 tuổi , một phụ nữ làm công việc nhặt banh, kéo xe đựng gậy đánh golf cho khách bị người đàn ông không hài lòng với công việc của cô nhân viên đã đạp vào đùi, vào ngực cô, xô cô ngã xuống hồ nước. Sau đó, cô đã được các bạn tiếp cứu đưa lên bờ và chở đi bệnh viện.
Một người đàn ông có hành vi hung hãn và vô giáo dục như thế với một phụ nữ (đạp nạn nhân xuống hồ, ăn nói mất dậy, thô tục) mà bản tin vẫn gọi là "vị khách trẻ".
Tại sao lại phải dùng chữ "vị" cho một người tư cách hành vi tệ lậu như thế? Bỏ chữ "vị" đi, gọi đương sự là "người khách trẻ" có được không? Chắc chắn là được. Được và hợp lý.
Cũng trong trang web hôm 14 tháng 8 của Vietnam Express, ngay bên cạnh bản tin vừa kể trên, là một bản tin khác với cái tựa nguyên văn "Cô gái bán kim cương dũng cảm bắt vị khách lừa đảo". Bản tin cho biết một phụ nữ bán hàng ở Đà Nẵng đã giúp bắt giữ một người đàn ông nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để mua một số hàng đắt tiền. Công an sau đó đã bắt giữ tất cả những người trong nhóm lừa đảo. Những người đàn ông Singapore này, theo công an, đã nhiều lần có hành động lưu manh, trộm cướp tại Việt Nam. Đó là những thành phần phạm pháp bất hảo, nhưng người viết tin đã dùng chữ "vị" tới ba lần trong bản tin, gọi những thành phần bất hảo này là "vị khách nước ngoài".
Tại sao lại phải dùng chữ "vị" với chúng?
Rồi cách đây không lâu, một người đàn ông ở tỉnh Hà Giang tên là Sầm Đức Xương, bị bắt về tội hiếp dâm 2 học sinh của chính ngôi trường mà ông ta là hiệu trưởng. Đương sự bị tòa phạt 9 năm tù về tội hiếp dâm trẻ vị thành niên. Một tờ báo Việt ngữ ở đây đăng lại bản tin của báo trong nước với nguyên văn một điều "vị hiệu trưởng" hai điều " vị hiệu trưởng".
Khi có người thắc mắc về việc dùng chữ "vị" một cách ngu xuẩn như vậy thì liền có những đứa nhẩy lên đùng đùng (cứ như ngồi phải cọc), bênh người đàn ông đã bị án tù 9 năm về tội hành dâm với trẻ em.
Đúng là ở trong nước quăng ra cái gì là cũng vồ ăn lấy ăn để là vậy. Cứ thuổng nguyên văn chữ nghĩa của mấy bản tin như thế mà đem dùng một cách ngu xuẩn thì tệ quá. Cũng như nhắm mắt nhắm mũi đớp cho bằng hết, hệt như cái trò vồ luôn cả một truyện ngắn của Kurt Vonnegut, một nhà văn Mỹ, dịch từng chữ từ nguyên tác, rồi nhận là của mình, gửi đăng báo (để thỏa mãn thú tính) nữa mới là dơ dáng dại hình.
Như thế thì làm sao là "vị" … nhà văn cho được!
Ngày 15 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.
Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.
Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Đó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.
Tội ác của em học sinh 11 tuổi này? Em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại, cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.
Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Đoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:
Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...
Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.
Đây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...
Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.
Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..." thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...
Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.
Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát không vú.
Tội đó đáng bị phạt nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.
Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.
Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?
May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:
Con gái chơi với con trai
Về sau hai vú bằng hai quả dừa...
Về sau hai vú bằng hai quả dừa...
Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.
Ngày 16 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Mấy năm trước, ở Washington D.C. người ta thấy một văn phòng có tên là Husbands For Hire với số điện thoại ghi rõ trong quảng cáo trên báo để tiện liên lạc. Có thể đường dây điện thoại của cơ sở này đã bị bận liên tiếp trong suốt nhiều ngày đến độ đỏ rực máy tổng đài trước khi các khách hàng được cho biết là những người đàn ông cho thuê ấy không làm những dịch vụ (?) mà rất nhiều người gọi điện thoại hỏi.
Những "người chồng" mà cơ sở này cho thuê thực ra chỉ là những handymen, những người chuyên làm những công việc (thường là trong nhà) mà nhiều phụ nữ không làm được.
Với tiền thuê khoảng hai, ba chục đô la một giờ, những người đàn ông khỏe mạnh và khéo tay này sẽ đến tận nhà giúp dọn dẹp cái garage, cái sân sau, chặt cái cành cây, sửa cái cổng, sơn lại bức tường … như những ông chồng thứ thiệt, chịu khó và dễ bảo nhưng lười biếng không chịu làm.
Còn những công việc khác (?) những người đàn ông đó cũng có thể đảm nhận, tùy theo kết quả của việc thương lượng riêng. Nhưng nếu cần một người đàn ông mặt mũi như Daniel Craig, như Sean Connery (trong các vai James Bond 007) để mặc tuxedo đi cạnh tới các party, lái một chiếc Aston Martin mui trần thì hơi khó.
Tuy vậy, chẳng lẽ người ta chỉ có thể thuê được mấy người đàn ông vai u thịt bắp, cổ cầy vai bừa (red necks) về làm chồng mấy tiếng, mà không có cả dịch vụ Wives For Hire thì bất công cho những người đàn ông Mỹ quá.
Thì bây giờ, đã có dịch vụ cho thuê vợ, và dịch vụ này đang làm cho nhiều người đàn ông mừng gần chết. Thực ra, cũng chẳng chỉ có mấy ông mới có thể dùng các dịch vụ của các cơ sở cho thuê "vợ", mà luôn cả các phụ nữ cũng có thể sử dụng mấy chị "vợ" này bằng cách gọi số điện thoại cho cơ sở tên là CALL YOUR WIFE ở số (323) 644-2850.
Những chị "vợ" này có thể lái xe đưa đón mấy đứa con ở trường, nấu ăn chiều, giặt đống quần áo bẩn, chùi cái bếp, phòng khách, buồng tắm, soạn lại những tủ quần áo, treo lại cho có thứ tự, ủi những quần áo cần ủi, mua sắm quà cáp cho Giáng Sinh, năm mới, tổ chức party sinh nhật cho mấy đứa con, đi chợ, kê lại bàn ghế, đem quần áo đi giặt khô, lấy quần áo về, dẫn chó đi … dạo, cho mèo ăn và một trăm thứ việc khác.
Như kể trên, những chị "vợ" này làm luôn cả những việc mà những chị vợ thật (có giá thú đàng hoàng) bận quá hay không muốn làm, những việc ghi trong cái TO DO LIST dán trên cửa tủ lạnh. Luôn cả những việc khác như đơm cái khuy áo, đánh xi mấy đôi giầy để cho các chị vợ (có giấy) ngồi rảnh tay cạo lông chân, lông nách hay đi shop đến vẹt đế giầy luôn. Nhưng có ai cấm những chị vợ thuê này lắng nghe những tâm tình hiến dâng của những người đàn ông sống một mình cảnh "mẹ anh chết sớm, vợ "xù" đã lâu".
Và sau đó, những chuyện có thể tới thì nhất định sẽ tới.
Vậy mà tôi không biết cho đến tận tuần trước, để vẫn tiếp tục trung thành với hai cô bạn gái cứ 6 tuần lại chỉ cùn rế rách đến nhà làm sạch cái phòng khách, phòng ngủ, hai cái buồng tắm và một cái bếp vốn đã sạch sẽ quanh năm với giá 80 đồng.
Hai cô bạn gái này đã đi ra, đi vào căn nhà của tôi từ hơn 6 năm nay. Cả hai đều ít nói, làm hùng hục khoảng 2 tiếng đồng hồ thì nhà cửa sạch láng.
Nhưng chuyện tâm tình hiến dâng với hai cô thì chưa. Ngoại trừ một lần, cô trẻ hỏi tôi bằng câu nửa Ăng lê nửa Mễ: "Where senora?" và được trả lời :"No senora!"
Cuộc đàm thoại chấm dứt. Vấn đề không bao giờ được nêu ra nữa. Hay là tại như thế nên hai bên tiếp tục gặp nhau trong vòng … lễ giáo, không bao giờ thắc mắc về dịch vụ Wives For Rent từ bấy nay?
Ngày 17 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Tháng trước, báo chí trong nước có phổ biến mấy bức ảnh chụp được từ facebook cho thấy một thanh niên mặc quần jeans, áo maillot đen đứng lên đầu một "cụ" rùa đá đội bia tiến sĩ trong Văn Miếu.
Người ta đoán thanh niên này là một học sinh, đeo trên vai một chiếc túi bằng da, đang cười với máy chụp ảnh.
Tôi nhớ trong sân Quốc Tử Giám, qua khỏi Khuê Văn Các và dọc hai bên chiếc hồ nước, là hai hàng rùa đá đội bia tiến sĩ ghi tên tuổi và thành tích văn học của các ông nghè, ông cống của mấy trăm năm trước. Khi tôi còn ở Hà Nội thì những hàng bia này nằm lộ thiên. Ngày nay, những con rùa đội bia có mái che ở trên. Tôi nhớ khá rõ những hàng bia này vì hồi ấy tôi học vẽ với họa sĩ Mạnh Quỳnh và được ông chở bằng chiếc "bình bịch" của ông từ xưởng vẽ ở phố Hòa Mã tới vẽ những kiến trúc ở Văn Miếu.
Ông bố tôi cũng dậy một lớp mà trường Lý Thường Kiệt (trường Sinh Từ) gửi tới học vì trường chính thiếu chỗ. Ông dậy ở căn nhà ngang ở sân sau. Hồi ấy, tuy Văn Miếu không được chăm sóc cẩn thận, quang cảnh có phần hoang phế, cỏ cây mọc lan khắp nơi, nhưng chúng tôi, bọn trẻ học ở trường Sinh Từ hay sống gần Quốc Tử Giám, trong những lần vào Văn Miếu đều không dám phá phách những cây cối, hay những hàng rùa đá bao giờ. Văn Miếu vẫn có một cái gì khiến chúng tôi không dám phá phách, đi đứng e dè hơn, có thể là vì những lời răn đe của người lớn.
Những con rùa đá được người dân gọi là "cụ" cũng là do cái thái độ kính trọng nơi tôn nghiêm của Văn Miếu, của lịch sử. Vì là nơi văn học, nên từ lâu, nhiều sĩ tử trước khi đi thi thường hay tới Văn Miếu để thắp hương cầu may, mong các tiền bối khoa bảng giúp cho họ được bảng hổ đề danh. Tục lệ này ngày nay vẫn còn. Trong sân sau có một cái vạc lớn nơi người cầu may có thể đốt hương khấn niệm. Cả nhiều em bé cũng được cha mẹ dẫn vào Văn Miếu để cầu xin cho học giỏi. Nhiều học sinh tin là rờ đầu các cụ rùa sẽ được các cụ phò hộ thi đâu đậu đấy.
Sử cũng còn chép lại việc Đặng Trần Thường năm 1803 lôi Ngô Thời Nhiệm (tên thật là Nhậm nhưng kiêng tên vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên đọc thành Nhiệm) ra trước Văn Miếu đánh bằng roi tẩm thuốc độc đến chết như một cách trừng phạt và sỉ nhục một con người văn học.
Thế nên hành động của người thanh niên này liền bị "ném đá" dữ dội khiến những bức hình đó bị xóa đi.
Nhưng chỉ vài ngày sau thì trên facebook lại xuất hiện thêm những bức ảnh khác của mấy thiếu nữ ngồi lên đầu cụ rùa trong tư thế đùa nghịch. Rồi lại thêm mấy bức ảnh khác của hai thiếu nữ mặc quần ngắn ngồi lên đầu cụ rùa.
Tại sao lại bỗng nhiên có những bức hình chụp cảnh xúc phạm những nơi thiêng liêng như thế? Những thành phần trẻ và đáng lẽ là những người có học lại đổ đốn ra như thế? Họ không cần những độ trì của các cụ rùa cho việc thi cử của họ nữa hay sao?
Chuyện họ xúc phạm các cụ rùa có thể là vì cái xã hội ngày nay đã đổ đốn đến một mức độ khủng khiếp, đạo đức không còn được duy trì tôn trọng như xưa nữa. Học sinh không còn được dậy những bài đức dục luân lý như chương trình học cũ. Ai cũng thằng nọ thằng kia, chửi thề tục tĩu luôn miệng. Không ai còn coi cụ rùa là những vị thần văn học nữa, nên vì thế mà những cháu ngoan khốn nạn của bác Hồ mới có trò đùa nghịch, giải trí như thế. Không ai còn cần sự phò hộ, độ trì của các cụ rùa, của các tiến sĩ của thời văn hiến, kỷ cương trong lịch sử nữa.
Ngày nay, muốn có bằng thì mua cha nó vài cái là thành ngay tiến sĩ, xin ngay được công việc, chức vụ để làm cho đất nước càng ngày càng khốn nạn thêm. Cần chó gì các cụ rùa nữa. Nên leo len đầu các cụ để chơi là chuyện dễ hiểu chứ còn gì nữa?
Ngày 18 tháng 8 năm 2012
Bạn ta,
Lớp 10 ở Việt Nam ngày nay tương đương với lớp đệ Tam của chương trình trung học Việt Nam trước kia. Hồi ấy, chúng tôi vừa học hết các lớp đệ nhất cấp, thi xong kỳ thi trung học phổ thông và đang dưỡng sức để sửa soạn thi Tú Tài.
Chương trình học lớp đệ Tam không còn giống như chương trình đệ nhất cấp nữa. Chúng tôi học kim văn của các tác giả Tự Lực Văn Đoàn, cổ văn thì tiếp tục học Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc... Ngoại ngữ thì phải học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp.
Nói chung thì học đệ Tam là lớn rồi. Viết nghị luận văn chương và luân lý đụng toàn những chuyện lớn, khác hẳn những năm học đệ Ngũ đệ Tứ.
Thế nên khi đọc lá thư xin nghỉ học của một học sinh lớp 10 ở Hà Nội gửi cho cô giáo và hiệu trưởng của trường em đang học mới đây, tôi kinh ngạc vô cùng.
Bức thư ngắn tôi xin chép lại nguyên văn, không sửa một chữ nào, như thế này:
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Ngĩa Việt Nam
Độc lập – tự gio – hạnh phúc
Đơn xin phép ngỉ học
Độc lập – tự gio – hạnh phúc
Đơn xin phép ngỉ học
Ngày 9 tháng 2 năm 2012
Kính gửi: cô giáo chủ nhiệm lớp 10H và hiệu chưởng
nhà trương: ten em là TVM học xinh chường …Hôm lay em viết cái đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lớp học em đùa ngịch và học hành con yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhắc nhở lêm em ngĩ em không xứng đáng làm học xinh của chường nữa lên em viết đơn lày mong cô và nhà chường cho em ngỉ học em xin cám ơn cô và nhà chường …
Chữ kí phụ hunh
Chữ kí học
xinh
Lá đơn ngắn xin nghỉ học có tất cả 28 lỗi chính tả. Người viết đang học lớp 10, và như bạn cũng biết, tương đương với lớp đệ Tam, lớp mà thời của bạn và tôi, các học sinh đã phải viết tiếng Việt rất đúng cả về văn phạm cũng như chính tả.
Nếu em học sinh này viết sai những chữ khó một chút, chuyên môn một chút thì cũng có thể tạm tha được, tạm hiểu được. Nhưng những chữ mà em viết sai thì đều là những chữ rất thường gặp như tự do, nghỉ học, hiệu trưởng, trường, học sinh, phụ huynh, nên, làm… thì tôi không hiểu được. Tất cả đều là những chữ mà ngay ở lớp đầu của bậc tiểu học, học sinh nào cũng đã phải gặp, phải đã từng viết xuống, phải biết viết đúng chính tả. Em học sinh này đã viết sai hết.
Như vậy thì trong chiều dài 10 năm để lên được lớp 10, em đã học được những gì, đã được thầy cô dậy những gì mà học lớp 10 em vẫn còn dốt tệ dốt hại đến như thế?
Nếu ngồi tiếp tại lớp 10, chịu khó tiếp tục vào lớp ngồi mỗi ngày, có thể em sẽ học xong trung học vào năm 2014. Và nếu em đã "sống sót" được 10 năm để được cho học lớp 10 như chúng ta đã thấy, thì rất có thể em sẽ tốt nghiệp trung học để lên đại học.
Em sẽ tốt nghiệp đại học, em sẽ có việc làm, em sẽ một ngày lên lãnh đạo đất nước. Học đại học luật trong rừng mà vẫn có bằng tiến sĩ luật, lên làm tới chức thủ tướng cơ mà. Hay nếu không thì kiếm cái bằng tầm bậy cũng vẫn vinh hiển một đời như khối đứa đã làm. Có khi có cả MBA như một cậu ở Phú Thọ, trong khi một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, lại cũng không đi học ở Mỹ bao giờ.
Đọc lá thư của em học sinh lớp 10 ở Hà Nội, tôi lại tiếc không còn ông Tú Xương để được đọc những bài thơ khác của ông trước chuyện học ở trong nước.
Tiếc nhưng lại mừng cho ông. Mừng ông khỏi phải chết vì uất lên cũng có mà cười đến đứt ruột cũng có khi nhìn thấy những chuyện mà chúng ta đang thấy ở Việt Nam.
Hồng còn hơn chuyên là như thế. Nhưng đỏ cái lỗ đít thì làm sao mà khá được!