December 26, 2014

December 26, 2014

 BA TRÊN, HAI (?) DƯỚI

Tôi vẫn nghĩ về chuyện chửi, người Việt miền Bắc chửi nhiều chữ nghĩa tục tĩu, nhưng người Việt miền Nam chửi mầu sắc nhiều hơn.

Thí dụ tôi cứ nhớ mãi người phụ nữ chửi cô con gái của bà sau nhà người bạn tôi ở Xóm Chùa chẳng hạn. Chỉ với một câu, bà mắng cô con gái ham hố về cả hai chuyện mà không một bà mẹ Bắc kỳ nào nói ra được, một cách mầu sắc được như vậy. Bà nói tại sao cô lại ham người đàn ông nọ như thế, bộ nó (người đàn ông bạn của cô) có “cái ấy bịt vàng” hay sao.

Ham “cái ấy” là ham chuyện dâm dục. Nhưng vì “cái ấy” của người bạn cô được bịt vàng nên cô còn bị chê thêm về cái tính ham tiền của cô nữa. Những hôm sau đó, mỗi khi chúng tôi thấy cô đi qua nhà, chúng tôi đều cố gắng tìm xem có thấy hai cái tính xấu đó của cô lộ ra ngoài không mà không sao tìm được. Mắng con gái như thế mà chỉ dùng có một câu thì hay tuyệt.

Một người phụ nữ khác, trong một lúc nóng giận cũng chửi người chồng bằng một câu hay không kém. Chồng của người phụ nữ này làm nghề sửa xe đạp ở góc đường gần nhà tôi. Ông ta vắng mặt ở chỗ ông vẫn ngồi vá lốp xe suốt mấy ngày. Khi trở về, ông bị vợ cho một trận. Nghe câu được câu chăng tôi cũng đoán được là ông đã theo bạn bè ham vui không về nhà mấy ngày. Bà vợ ông kể mọi thứ tội của ông, rồi đúng lúc tôi ngừng xe ở đèn đỏ thì bà đưa ra một thách thức cho ông rằng ông ra ngoài, kiếm được người nào có “ba cái ở trên và hai cái ở dưới” thì cứ việc đi theo nó luôn; còn nếu người phụ nữ ấy cũng chỉ có hai cái ở trên và một cái ở dưới thì ở nhà cũng đã có rồi, khỏi phải đi đâu cho mất công.

Chao ôi là hay. Sau bữa chửi đó, tôi thấy người đàn ông tiếp tục ngồi ở góc đường vá xe tiếp. Chắc thế nào ông ta cũng có vài ba nỗ lực tìm kiếm nhưng có lẽ đếm lại (?) thấy không đủ những con số mà bà vợ đưa ra trong câu thách đố nó nên đành chấp nhận cuộc đời đã có vậy.
Tội nghiệp ông. Giá bây giờ ông sang được đất Mỹ này, có thể tôi sẽ an ủi ông một chút rằng nếu ông có thể xuống Florida một chuyến để nhìn thấy tận mắt những thứ khó kiếm đó cho bõ những ngày cơ cực.


Tờ New York Magazine mới đây cho biết một phụ nữ tên là Jasmine Tridevil 21 tuổi làm nghề massage ở Tampa đã chi hơn 20 ngàn đô la để làm một “cái thứ ba” từ một khúc da lấy từ bụng và một túi silicone. Cô đã phổ biến một số hình chụp có thể xem nếu đánh tên cô (Jasmine Tridevil) vào internet.

Ông có thể sẽ thấy được niềm ao ước ấp ủ từ mấy chục năm nay nơi người phụ nữ ở Tampa. Thấy được một lần rồi thôi, chết cũng được, như người ta vẫn nói về Luân Đôn: See London once and die.
Nhưng rồi tôi nghĩ lại thì thấy vẫn chưa thể giúp làm cho ông nguôi ngoai chút nào. Tôi nhớ lại lời thách thức của bà vợ ông đưa ra ở góc đường sớm hôm ấy . Ở trên ba thì có rồi. Tốn phí chỉ có 20 ngàn thôi. Cô Jasmine Tridevil hiện có ba ở trên trong khi người đàn ông sửa xe ở Sài Gòn trước kia còn bị thách kiếm đâu ra hai ở dưới nữa thì mới được trả tự do để muốn đi đâu thì đi.

Như thế thì ông sẽ lại phải trở về Sài Gòn vá xe tiếp mất thôi. Cô Tridevil đã tiêu tốn mất 20 ngàn đô la để có được ba cái ở trên. Không biết cô có định chi thêm tiền để cải thiện hạ tầng cơ sở không.
Nhưng tôi sợ rằng cho dù cô có chỉnh trang thêm đô thị thì người đàn ông ấy, khi tôi lái xe đi qua chỗ ông ngồi vá lốp xe, ông đã trên dưới 40 tuổi. Cộng thêm 40 năm tính từ ngày tôi rời Việt Nam, chắc chắn bây giờ ông phải quá luôn cả cái tuổi “cổ lai hy” của tôi rồi thì cô Jasmine Tridevil có cải thiện tình hình để trên ba dưới hai, đáp lại đúng những thách thức của bà vợ ông đưa ra ngày nào, thì ông cũng đành phải chép miệng lắc đầu chán nản mà ca bài “Torna a Surriento” để trở về mái nhà xưa mà thôi. 

RESOLUTION

Bây giờ, cuối năm 2014, lại đến lúc ngồi xuống viết cái resolution, những điều định làm và không định làm trong năm tới. Và đây là resolution của tôi rong năm mới. Thay vì những tâm nguyện như bỏ thuốc, xuống cân mà chỉ sau vài ba ngày là bị vi phạm nát bấy, sau đây là một vài tâm nguyện trong năm mới mà tuổi thọ cũng chẳng được bao nhiêu:

Cuộc đời quá ngắn ngủi, nên nhất định không uống rượu dở nữa. Cuộc đời quá ngắn: hãy sống hết mình. Tình yêu rất khó kiếm: hãy chụp lấy nó. Hận thù quá xấu xa: quăng nó vào thùng rác. Kỷ niệm quá đẹp: hãy giữ lấy nó. Đừng tiếc những việc đã làm. Hãy tiếc những chuyện đã không làm khi có cơ hội để làm chúng. Đừng làm ngay hôm nay những gì có thể đợi đến ngày mai. Đời sống quá ngắn lại đầy bất trắc, vậy thì phải ăn tráng miệng trước, đợi lỡ không đủ thì giờ ăn tráng miệng thì sao? Uổng. Hãy hưởng trọn ngày hôm nay. Hãy thức tỉnh. Thở hít vào thật sâu. Hãy biết ơn cuộc đời, biêt ơn người. Hãy sống với chủ đích. Đừng sợ hãi. Hãy thử những điều mới. Nhà là nơi treo mấy cái ly uống cabernet sauvignon, merlot hay cognac. Uống một chút sẽ cảm thấy thư thái hơn. Không cần phải giầu tiền lắm bạc vẫn có thể rực rỡ. Cuộc sống không cần phải toàn hảo mới là đẹp. Hãy sống giấc mơ của mình. Yêu thương mọi người. Hãy đi theo bước đi dẫn dắt của trái tim. Hãy tạo ra hạnh phúc cho chính mình. Hãy vui với cả những chuyện nhỏ nhít. Hãy cười lên thật to. Hãy yêu quí mọi giây phút của đời sống. Hãy mơ những giấc thật lớn. Hãy tin vào phép mầu. Hãy ôm lấy mọi cơ hội. Nhớ thở thật sâu. Hãy hát lên trong cơn mưa. Hãy yêu hôm nay là cái ngày ấy đó. Hãy mơ mộng như thể . Hãy yêu như không có gì để mất. Hãy tin như thể điều gì cũng có thể xẩy đến. Hãy yêu như con tim không biết đâu là bờ bến. Hãy sống như chỉ còn có một ngày hôm nay. Hãy cố gắng trong mọi chuyện, đừng quá quan trọng hóa vấn đề. Đừng buông xuôi. Hãy cười với hiểm nguy. Hãy luôn luôn sáng tạo. Đừng bao giờ là bản sao chép của ai khác. Hãy cười lên. Hãy nhẩy theo điệu nhạc. Hãy hát lên. Hãy tin vào những điều mầu nhiệm của chính mình. Hãy theo bước chân của hạnh phúc. Hãy làm một chuyến đi xa. Sống không phải là chờ cho cơn mưa dứt, mà là bước ra, khiêu vũ và ca hát với cơn mưa. Hãy yêu ly cà phê, tách trà pha lấy cho chính mình mỗi sáng. Hãy ra chợ chim, mua cho nàng những con chim, hãy ra chợ hoa, mua cho nàng những bông hoa, nhưng đừng ra chợ sắt để kiếm nhiững sợi xích nặng cho nàng, và hãy đừng ra chợ nô lệ để kiếm nàng mà vô ích như Jacques Prévert trong bài thơ của ông. Ngay cả khi hạnh phúc quên bạn trong một vài giây phút, nhưng đừng bao giờ quên nó. Hãy thắp lên ba que diêm. Que đầu tiên để trông thấy khuôn mặt nàng. Que thứ hai để trông thấy đôi mắt. Que thứ ba để trông thấy đôi môi và bóng tối để nhớ lại tất cả những thứ vừa kể để ôm lấy người trong tay. Hãy làm như Prévert trong mấy câu thơ ấy. Hãy tàn bạo như kỷ niệm. Hãy độc ác như những ân hận. Và hãy dịu dàng như hồi ức. L’Automne est morte souviens-t’en. Nous ne nous verrons plus sur terre. Odeur du temps brin de bruyère. Et souviens-toi que je t’attends. Hãy sửa soạn để ngồi xuống viết mà không cấn phải có tiếng vỗ tay (Hemingway). Đời sống không có gì khó khi chúng ta không có gì để mất mát. Trước khi nói, hãy nghĩ. Trước khi bỏ cuộc, hãy cố gắng. Trong sâu thẳm, lạnh buốt của mùa đông, tôi chợt thấy được trong tôi một mùa hè bất diệt (Albert Camus). Tôi biết chỉ có một bổn phận duy nhất, đó là với tình yêu (Camus). Đừng đi sau tôi vì tôi có thể không dẫn được bạn đi. Đừng đi trước tôi vì có thể tôi không đi theo bạn. Hãy đi bên tôi để chúng ta là bạn (Camus). Chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu bạn mãi mãi đi tìm hạnh phúc và bạn sẽ không bao giờ sống nếu bạn cứ đi tìm ý nghĩa của cuộc đời (Camus). Hãy là người yêu của tôi, cho dù cuối cùng, chuyện đó cũng chẳng có gì quan trọng cả (Camus). Nếu bạn cô đơn khi bạn một mình thì bạn có một người bạn quá dở. Chúng ta không phê phán những người chúng ta yêu (Jean Paul Sartre). Hãy nói em yêu anh, ngay cả khi điều đó không thực (Romain Gary). Không nên sợ hạnh phúc vì hạnh phúc cũng chỉ là một thoáng qua mà thôi (Romain Gary). Chúng ta đều biết cuộc đời quá ngắn nhưng ngắn ngủi so với cái gì chứ (André Maurois). Hãy cùng nhìn về một phía vì yêu nhau không phải chỉ là nhỉn nhau (Antoine de Saint Exupery). Chỉ với trái tim người ta mới nhìn thấy mọi vật (Saint Exupery). Chỉ với trái tim người ta mới nhìn thấy toàn thể cuộc sống (Saint Exupery). Aimer ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction (Saint Exupery). Nếu bạn qua một buổi chiều hoàn tòan vô ích thì bạn đã biết sống vậy (Lâm Ngữ Đường). Ngoài nghệ thuật hoàn tất được một việc, còn có một nghệ thuật khác là bỏ ngang chuyện đang làm, vì cái đẹp của đời sống là bỏ ngang mọi chuyện đang làm (Lâm Ngữ Đường). Không ai biết được chuyến đi tuyệt vời thế nào cho tới khi người ấy trở lại với cái giường cũ của mình. Tiền có thể không mua được hạnh phúc nhưng khóc trong chiếc Jaguar vẫn hơn là khóc trên chiếc xe bus (Francoise Sagan). Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Thế rồi tôi trông thấy bạn và tôi tự hỏi bạn ở đâu mà tôi kiếm bạn bao nhiêu năm nay mà không thấy. Hãy đừng để cho những người không làm gì cho bạn tìm cách kiểm soát đầu óc, tình cảm và tâm tình của bạn. Đừng bao giờ quên tự yêu mình một chút. Con bướm chỉ sống được có vài tháng nhưng vài tháng cũng đã là quá đủ với nó (Rabindranath Tagore). Trên tấm bảng đen của bất hạnh, hãy vẽ lên khuôn mặt của hạnh phúc (Prévert). Hãy quên những thương tích nhưng hãy nhớ những sự tử tế (Khổng Tử). 

December 22, 2014

December 19, 2014

 THE LONE WOLF
Cứ mỗi lần xẩy ra những vụ khủng bố gây chết người như ở Ottawa, ở Sydney, ở Fort Hood … những vụ không do những nhóm võ trang (nhiều người như vụ 911 hay vụ Mumbai, vụ đánh bom ở trạm xe điện ngầm ở Luân Đôn…) mà do một cá nhân đơn lẻ thực hiện là y như rằng người ta lại dùng danh từ “lone wolf”, để mô tả hung thủ.
“Lone wolf”, con sói cô đơn, là hình ảnh thật đẹp, kiêu hùng và lãng mạn biết bao nhiêu. Nó có thể là con sói già, có thương tật, bị bầy gạt ra ngoài đàn, phải sống cô đơn ở bìa rừng, không được tham dự những chuyến săn mồi của bầy sói mà nó đã từng có thời sống chung. Nó phải đi săn một mình. Nó cô đơn là vì thế. Cô đơn nhưng kiêu dũng.
Trong tác phẩm The Jungle Book của Rudyard Kipling, Akela, con sói già cầm đầu của đàn sói Seeonee gồm khoảng trên dưới bốn chục con đã nuôi nấng cậu bé Mowgli cũng được tác giả gọi là con sói cô đơn. Akela trong tiếng Urdu, ngôn ngữ chính của Pakistan, và tiếng Hindi của người Ấn có nghĩa là một mình hay cô đơn. Akela vừa khoẻ mạnh vừa thông minh, sáng suốt. Akela được gọi là con sói cô đơn vì nó đứng ở vị thế lãnh đạo, độc lập một mình trên hết cả bầy sói mà nó dẫn dắt. Akela là hình ảnh oai hùng và khôn ngoan nhất trong khu rừng. Tác giả Rudyard Kipling đã dùng kiểu mẫu của một British gentleman để vẽ lên Akela. Một mình, anh hùng, trách nhiệm, can đảm.
Năm 1927, Charles Lindbergh, người phi công trẻ tuổi một mình lái chiếc máy bay một động cơ Spirit of St Louis vượt Đại Tây Dương từ New York bay một mạch sang Paris, chuyến bay đầu tiên của thế giới, cũng được đặt cho một cái biệt hiệu rất đẹp và lãng mạn là con đại bàng cô độc, “the Lone Eagle”.

Lucky Luke, một nhân vật một nửa là người thật, nửa hư cấu từng sống tại miền viễn tây nước Mỹ trong những năm cuối của thế kỷ 19 cũng mang biệt danh là “the Lone Cowboy”. Trong các truyện bằng tranh của Morris và Goscinny mà tôi đọc mê say trên tuần san Spirou hồi những năm trung học, bao giờ bức tranh cuối cùng cũng có cảnh chàng cưỡi con ngựa Jolly Jumper đi về phía mặt trời lặn, vừa đi vừa nghêu ngao : “I’m a poor and lonesome cowboy…”


 Nhưng bây giờ, hai chữ “lone wolf” đang bị làm bẩn đi khi nó được dùng để gọi những thứ như Timothy McVeigh trong vụ đánh bom ở Oklahoma, hay Malik Hasan trong vụ nổ súng ở Fort Hood… Và mới nhất là Man Horon Manis trong vụ bắt con tin ở tiệm bánh và quán cà phê Lindt ở Sydney. Tất cả đều hành động một mình, nhưng nét anh hùng thì hoàn toàn không thấy ở những con sói cô đơn ấy. Người đàn ông gốc Iran vác một khẩu súng vào tiệm bánh Lindt ở khu thương mại tài chính Sydney lúc 10 giờ sáng, khi tiệm đang đông những người khách vào mua ly cà phê, chiếc bánh cho bữa sáng trước khi đến sở. Người đàn ông 50 tuổi này mấy năm trước đã được nước Úc mở rộng vòng tay cho tị nạn, buổi sáng hôm ấy, đã trả ơn nước Úc bằng cách bắt tất cả những người khách trong tiệm làm con tin và đòi được cung cấp một lá cờ đen, lá cờ của bọn chó dại ISIS là một con sói cô đơn, “a lone wolf” đang bắn giết điên cuồng ở Syria, Irak … và đòi được nói chuyện với thủ tướng Úc thì không nên. Dĩ nhiên đòi hỏi điên khùng đó không bao giờ được thỏa mãn. Cảnh sát Úc, sau gần 10 tiếng đồng hồ, đã phải quyết định hành động để giải thoát các con tin. Hai con tin đã thiệt mạng trong nỗ lực giải thoát. Man Horon Manis cũng bị cảnh sát bắn chết. Vụ bắt giữ con tin chấm dứt.

 

 Nước Úc mà tôi biết, quốc gia lành mạnh, tử tế, hoà bình, thân thiện, độ lượng, nhân ái đã được trả ơn như thế đấy.
Các bản tin báo chí truyền thanh, truyền hình sau đó khi đề cập tới hung thủ đều dùng danh từ “lone wolf”, con sói cô đơn để gọi Man Horon Manis.
Lý do có thể là một phần cũng để trấn an người dân Úc rằng đó chỉ là một cá nhân hành động đơn lẻ chứ không phải là một vụ khủng bố qui mô do một nhóm hay một tổ chức thực hiện. Việc đó đúng. Không nên để cho việc làm đơn lẻ của một cá nhân, Man Horon Manis, tạo hốt hoảng, lo sợ cho người dân Miệt Dưới (Down Under). Nhưng gọi Man Horon Manis, người đàn ông đang bị truy tố về mấy chục vụ xâm phạm tình dục, tình nghi nhúng tay vào một vụ giết người (bạn gái của đương sự) thì không nên.
Không nên làm bẩn danh từ “lone wolf” bằng cách gọi Man Horon Manis là con sói cô đơn.
Vì nó chỉ là một thằng chó đẻ, một son of a bitch thì đúng hơn. Một con chó đẻ mà còn mắc bệnh dại nữa mới đúng. Một con chó đẻ mắc bệnh điên thì đúng hơn.
A rabid son of a bitch có lẽ đúng nhất.

Nó không phải là một con sói cô đơn! Không bao giờ!

 MẮC NẠN
Không biết nàng đến Úc trong trường hợp nào.
Có thể nàng đã vượt biên trên một con thuyền sau chuyến đi kinh hoàng trần ai khoai củ mới đến được một hòn đảo ở Indonesia hay Thái Lan, Malaysia… Và sau một thời gian chờ đợi dài cổ, nàng được chính phủ Úc nhận cho đến Úc tị nạn. Hay cũng có thể nàng được thân nhân (cũng là người tị nạn) bảo lãnh từ Việt Nam sang Úc. Nhưng rõ ràng là nàng được sang Úc sống cho bõ những ngày cơ cực.
Sau vài năm, nàng được cho nhập tịch để thành công dân xứ Kangaroo, niềm mơ ước thầm kín cũng như lộ liễu của rất nhiều người. Nếu nàng sang Úc sớm thì có thể nàng cũng đã đi làm một số năm trước khi về hưu. Nếu sang muộn, có thể nàng trở thành … của nợ của nước Úc ngay sau khi tới Úc. Nàng được bọn Kangaroo bỏ vào … túi nuôi ngay, mỗi tháng cơm bưng nước rót đến nơi đến chốn.
Thế là nàng no cơm ấm cật rậm rật làm trò. Nàng “y cẩm hồi hương”, áo gấm về làng cho chòm xóm ở cái quê hương khốn khổ là Việt Nam đó ghen tức phát điên lên với những câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Ở bên Úc nó như dzầy nè…”
Nàng về Việt Nam chơi đều đều, quần là áo lượt, ai cũng lé mắt luôn. Mỗi năm nàng về Việt Nam vài ba chuyến. Từ Úc về Việt Nam không bao xa nên nàng về thăm quê hương cũng dễ. Chính phủ Úc còn nhiều chuyện khác để lo vì thế không để ý tới những chuyến đi của nàng nên nàng, tuy là tị nạn, vẫn về chơi ở cái xứ sở mà nàng đã bỏ chạy thừa sống thiếu chết để tới Úc (xin tị nạn) ngày nào.
Đi về cũng tốn kém tiền hưu hay tiền già (như người ta vẫn gọi ở bên Mỹ) nên nàng cũng phải tìm cách cải thiện ngân sách. Có người tốt bụng đề nghị mang hộ một số xà bông từ Sài Gòn sang Úc và được trả công bội hậu. Thế là nàng nhận ngay. Nàng đồng ý bỏ trong hành lý 36 cục xà bông để đưa sang Úc giúp bọn Úc tắm rửa cho sạch sẽ hơn, cho hết mùi mỡ và thịt cừu, nhân tiện đầu độc bon Kangaroo cho chúng nó chết bớt đi theo đúng chủ trương qua sông phụ sóng của nàng. Những cục xà phòng mà nàng nhận mang sang Úc trong ruột chứa khoảng 3 kilô bạch phiến thừa sức gây khốn khổ cho hàng ngàn thanh niên Úc. Nhưng tại phi trường Tân Sơn Nhất, người ta khám phá ra số bạch phiến đó.

Nàng bị giữ ở phi trường. Hình chụp trên báo cho thấy nàng ngồi cạnh ngổn ngang những bánh xà bông trong ruột chứa đầy heroin. Hú vía cho bọn Kangaroo. Suýt nữa thì chúng mày tàn đời với bà. Chuyến đi mà trót lọt thì bọn thanh niên Úc chết với bà. Ba kilo heroin chứ bộ ít sao. Chúng mày hít vào mũi cho chúng mày khốn khổ khốn nạn với bà ngay. Còn bà thì lại được trả công bội hậu. Tiền bà lại về Việt Nam chi tiêu thoải mái…


 Bản tin cho biết nàng năm nay 71 tuổi. Bản tin gọi nàng là cụ bà. Tuổi đó gọi là cụ bà thì cũng đúng. Chuyện cụ bà định đưa 3 kilo bạch phiến sang Úc để trả công nước Úc chắc chắn là đã bị mật vụ Úc biết trước và chặn ngay trước khi cụ bà trở lại Úc. Chắc chắn sắp tới cụ sẽ qua những ngày cuối đời trong một nhà tù nào đó thay vì bế mấy đứa cháu, chơi với chúng nó trong buổi hoàng hôn của cuộc đời.
Bạn có thể sẽ kêu lên một tiếng thương cảm cho nàng, tội nghiệp cho nàng, tuổi chiều xế bóng mà con ngồi bóc lịch nhưng tôi thì không. Chắc nàng, gia đình nàng sẽ yêu cầu chính phủ Úc can thiệp cho nàng được hưởng những biện pháp giảm khinh. Nhưng tôi thì chỉ mong nàng mục rữa trong nhà tù cho đáng kiếp một con chó đẻ khốn nạn. Tiên sư cái con cụ bà khốn kiếp đó. Một con đàn bà khốn nạn đã đền ơn cái nước đã cưu mang nó như vậy đó.

Nó hơn tôi 1 tuổi. Năm nay nó 71 tuổi. Khi tôi ở Úc hồi những năm 60 trong vòng tay nhân ái cưu mang của nước Úc thì nó ở đâu mà sao nó khốn nạn như vậy chứ? 

December 11, 2014

December 12, 2014

KIÊNG TÊN

Tin mới đây từ Bình Nhưỡng cho biết nhà cầm quyền nước này đã ban hành lệnh cấm dân chúng Bắc Triều Tiên dùng tên của Kim Chính Ân, lãnh tụ tối cao, đồng thời cũng còn là đương kim bí thư thứ nhất đảng Lao Động, chủ tịch thứ nhất Hội Đồng Quốc Phòng, chủ tịch Quân Uỷ Trung Ương, nguyên soái Bắc Triều Tiên, đặt cho con cái.

Như thế, trò kiêng tên lãnh tụ tưởng như không một quốc gia văn minh, dân chủ nào trên thế giới ngày nay còn làm nữa thì ở cái nước nằm ở phía bắc vĩ tuyến 38 và phía nam sông Áp Lục vẫn có đứa làm.

Dưới thời Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Chính Ân và dưới thời Kim Chính Nhật, cha của Ân, người ta cũng không thấy có cái luật lạc hậu đó. Theo luật này thì những người dân Bắc Triều Tiên nào lỡ có tên là Chính Ân thì phải đổi tên, khai sinh lại, không được dùng tên Chính Ân nữa. Và từ nay, các trẻ mới sinh sẽ không được mang tên là Chính Ân. Không biết những biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng cho các vụ vi phạm. Nhưng chắc luật kiêng tên sẽ không ảnh hưởng tới những người dân Bắc Triều Tiên xưa nay vẫn khinh bỉ ông cháu nhà thằng ranh con Kim Chính Ân. Thử hỏi những người cha và những người mẹ tỉnh táo và biết suy nghĩ nào lại muốn cho con cái của mình đeo cái tên ấy vào đầu để cả đời bị khinh ghét và nguyền rủa, dẫu cho sự khinh ghét và nguyền rủa đó phải được làm một cách kín đáo nếu không muốn có cái nơi cư trú mãn đời tại một trong hàng trăm cái trại tù gulaq kiểu Stalin mà cái chế độ khốn nạn của thằng ranh con Kim Chính Ân vẫn còn tiếp tục duy trì ở Bắc Triều Tiên.

Luật kiêng húy đó chắc chỉ ảnh hưởng tới những đứa tay đầy mùi bi, mũi mầu nâu (brown nosers) suốt đời nịnh bợ ông cháu nhà thằng ranh con, trót dại dùng cái tên lãnh tụ đặt cho con cháu để thỏa mãn thú tính, cho bõ những ngày cơ cực, thì nay bị cấm làm chuyện nâng bi, dụi, cạ (?) mũi vào những khu vực nhậy cảm (?) của lãnh tụ mới là đau. Muốn nịnh lãnh tụ thân thương (?) một tí tẹo cũng không được thì có chán không cơ chứ!

Tưởng tượng mang cái tên đó, ra đường được tung hô, kính mến chưa chắc đã thấy, thay vào đó, lại là những lời nguyền rủa tục tĩu kinh hoàng nhất thì độc lập tự do hạnh phúc (?) cái chỗ nào. Thế nên chỉ có những thứ chó dại ấy là đau hơn cả.

Nhưng nhìn lại thì thấy coi vậy mà Việt Nam vẫn còn khá hơn Bắc Triều Tiên rất nhiều. Dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, người Việt thoải mái trong chuyện đặt tên con cái, chẳng phải kiêng tên lãnh tụ nào hết. Muốn Diệm là có Diệm, muốn Thiệu là có Thiệu. Cũng may hai ông tổng thống này tên tuổi đều đẹp cả. Có đặt cho con cái những cái tên ấy thì chúng cũng không đến nỗi xấu hổ.

Tuần này đọc báo trong nước, không ít người đã ngỡ ngàng khi đọc thấy một cái tên mới nổi lên ở Việt Nam. Một phụ nữ trẻ vừa được bầu làm hoa hậu. Cô có một cái tên rất đặc biệt, trùng tên với một phụ nữ rất nổi tiếng ở cả trong nước lẫn ở hải ngoại. Cô trùng họ đã đành. Họ Nguyễn thì rất nhiều người có. Họ Nguyễn là họ đông nhất Việt Nam. Cô lại có tới hai cái tên lót rất kỳ cục (?) cũng trùng với người phụ nữ nổi tiếng ở hải ngoại. Và tên của cô cũng trùng luôn để tất cả tên họ của cô, bốn chữ, giống hệt như tên người phụ nữ kia.

Nhiều người đã phải đọc bản tin về tân hoa hậu Việt Nam đến cả mấy lần mới tin đó là tên thật của cô. Tôi phải xem đi xem lại mấy bức ảnh trong báo mới tin hoa hậu mới của Việt Nam có cái tên ít người có ấy.

Chuyện cô hoa hậu mới của Việt Nam mang cái tên khai sinh ấy khiến tôi nghĩ tới hai chuyện.

Thứ nhất là cái tên ấy, nhất là hai cái tên lót luôn luôn làm phát sinh ra những tình cảm khinh ghét cũng có, thù hận cũng có ở nhiều người Việt Nam. Trên dưới hai chục năm trước mà đem cái tên ấy đặt cho con mình thì người cha, người mẹ ấy quả là liều mạng. 

Trong khung cảnh cái tên ấy còn bị khinh bỉ và thù ghét mà cho con gái của mình mang cái tên ấy thì nếu không phải là người điên cũng phải là ngu lắm.

Ngu là vì người cố tình dùng một cái tên đã nổi tiếng đó đặt cho con vì muốn con mình giống người phụ nữ kia. Người cha đó có còn cá tính không? Tôi nghĩ là không. Người có cá tính thì không muốn giống hay bắt chước một người nào khác. Tôi nghĩ có thể cảm thông nếu chuyện đặt tên đó mang kỳ vọng đứa con sau này sẽ thành một người tốt đẹp như người có cái tên được đặt cho đứa bé. Thiếu gì người được đặt tên là Hưng Đạo, Khánh Dư, Quốc Toản… Nhưng có ai được cho mang tên Long Đĩnh, Chiêu Thống, Ích Tắc… đâu.

Thứ hai là thái độ của những người trong nước khi nghe cái tên ấy mà không làm gì thì cũng lạ. Có phải là Việt Nam ngày nay đã cởi mở hơn một chút nên người phụ nữ trẻ kia ở trong nước mới giữ được cái tên gốc gác rất phản động mà cũng chẳng hay ho gì mà lại còn trở thành hoa hậu Việt Nam.

Hay có phải đó chỉ là phần thưởng cho một người đã trở về với bọn khốn nạn ở Hà Nội? 

DUYÊN DÁNG VIỆT NAM

Vài ba chương trình mà người ta xem được do Việt Nam sản xuất và đưa ra hải ngoại có cái tên nghe rất đẹp: Duyên Dáng Việt Nam.
Tôi tin là bao giờ thì rồi sẽ vẫn có một Việt Nam rất đẹp. Bao giờ cũng sẽ vẫn có một Việt Nam duyên dáng và tươi đẹp của quan họ Bắc Ninh, của hò mái đầy trên sông Hương, của bài ca nghe tiếng trống nhớ chồng, mà ông già Cao Văn Lầu viết trong một đêm canh lúa ngoài đồng Nam bộ.

Nhưng cũng có những người không thấy được những cái đẹp, những cái duyên dáng đó… em chưa hát ca dao một lần, em chỉ thấy quê hương căm hờn… (Trịnh Công Sơn).

Một cuốn phim nhan đề Nông Dân Hiện Đại của Đại Hàn cũng có nhắc tới Việt Nam. Những đoạn đối thoại đề cập tới Việt Nam này, theo nhiều người, chỉ nghe qua cũng thấy hình ảnh Việt Nam không được tốt đẹp lắm dưới mắt của người Hàn. Tôi chưa xem nguyên cuốn phim đó nhưng theo những người đã xem và kể lại thì một nhân vật trong cuốn phim, vì có một đời sống không mấy gương mẫu, đã bị mẹ quở trách bằng một câu có đề cập tới người Việt Nam.

Câu đối thoại ấy thực ra cũng không phải là một câu nói nặng, lời nói thậm từ mang tính cách nhục mạ phụ nữ Việt. Mẹ người thanh niên trong cuốn phim nói với con rằng nếu anh ta cứ rượu chè tối ngày như thế thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được vợ đâu.
Câu nói chỉ có thế. Không biết trong phim còn có những câu nào khác nặng nề hơn hay không. Chắc là không vì mấy tờ báo khác cũng chỉ trích dẫn có một câu ấy. Tôi không nghĩ đó là một câu nói quá nặng. Nặng đến nỗi theo tờ Tuổi Trẻ, cả ngàn người đã thấy “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã khi thấy cuốn phim Hàn quốc đánh giá cô dâu Việt Nam rẻ như bèo”.

Nếu tỉnh táo một chút thì người ta không nghĩ như thế. Câu nói của bà mẹ khuyên răn con chỉ muốn nói rằng sống bê tha rượu chè như vậy thì có đi Việt Nam cũng không tìm được vợ mà lấy mặc dù ở Việt Nam, kiếm được vợ không phải là chuyện quá khó khăn. Người đàn bà trong phim chắc đã nhìn thấy cả những người già, đui què mẻ sứt qua Việt Nam vẫn kiếm được vợ. Đó là chuyện thật. Người mẹ của người thanh niên không hề nói sai. Vậy thì tại sao lại cả ngàn người nghe câu nói ấy rồi thấy “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã”?

Nghe lại câu nói ấy thì người ta có thể hiểu là phụ nữ Việt Nam cũng không thèm lấy cái thứ đàn ông say sỉn tối ngày đâu.
Vậy thì không nên “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã” .

Nếu thấy buồn, xấu hổ và nhục nhã thì vì nhiều chuyện khác chứ không phải chỉ vì câu nói của người mẹ nói với người con trai để khuyên răn anh ta.

Tôi nghĩ nếu nói là xúc phạm thì phải là những tấm bảng cảnh cáo những người ăn cắp trong các siêu thị, các cửa hàng ở Nhật, ở Đại Hàn, ở Đài Loan… viết bằng tiếng Việt.

Ở Mỹ cũng có những tấm bảng nói rõ các shoplifters sẽ bị truy tố tối đa (prosecuted to the fullest extent of the law). Nhưng tôi chưa thấy những tấm bảng ấy được viết bằng tiếng Việt một cách thoải mái như ở Nhật, Đại Hàn, Đài Loan và Thái Lan. Mấy tháng trước, cảnh sát Nhật đã tới khám xét văn phòng của Hàng Không Việt Nam để tìm hàng hóa ăn cắp. Tại một thị trấn gần Tokyo, một số cảnh sát Nhật đã ghi tên học tiếng Việt, không phải để tìm hiểu văn chương bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du… mà để điều tra những vụ phạm pháp của người Việt ở Nhật.

Nhục nhã, xấu hổ là ở những chuyện như thế chứ một câu nói của một nhân vật trong phim thì nhằm nhò gì!

Coi cô dâu Việt Nam rẻ như bèo là những bài báo, những quảng cáo những chuyến đi mua vợ ở Việt Nam, cô dâu Việt Nam rẻ mà lại còn trinh, về nhà chồng mà bỏ trốn thì được đền ngay cô khác, là cảnh phụ nữ Việt bầy hàng khỏa thân cho bọn khách mua vợ ngay ở Sài Gòn chứ cần gì phải tìm trong phim ảnh Hàn quốc!

Nói gì được khi mà chính lãnh tụ Việt Nam trong một chuyến xuất ngoại còn ăn nói như ma cô chào hàng rằng phụ nữ Việt Nam đẹp lắm, đi Việt Nam chơi đi!

Như vậy thì hãy nên thấy xấu hổ và nhục nhã.

Bùi Bảo Trúc

December 4, 2014

December 5, 2014

DÉJEUNER DU MATIN
Hắn rót cà phê
Vào cái tách
Hắn đổ sữa
Vào tách cà phê
Hắn bỏ đường
Vào tách cà phê sữa
Với cái muỗng nhỏ
Hắn quậy tách cà phê sữa
Hắn uống tách cà phê sữa
Hắn đặt cái tách xuống
Không nói với tôi một lời…
Il a mis le café dans la tasse. Il a mis le lait dans la tasse de café. Il a mis le sucre dans le café au lait. Avec la petite cuillière, il a tourné. Il a bu le café au lait. Et il a reposé la tasse, sans me parler…
Hắn đốt
Một điếu thuốc
Thở những vòng tròn
Bằng khói thuốc
Hắn gạt tàn thuốc
Vào cái gạt tàn thuốc
Không nói gì với tôi
Cũng không ngó tôi
Il a allumé une cigarette. Il a fait des ronds avec la fumée. Il a mis les cendres dans le cendrier, sans me parler, sans me regarder…
Hắn đứng dậy
Hắn đội
Cái mũ lên đầu
Hắn khoác lên người chiếc áo mưa
Vì trời đang mưa
Hắn bước đi
Dưới cơn mưa
Không một lời
Cũng chẳng ngó tôi
Tôi ôm lấy đầu
Trong tay
Và khóc
Il s’est levé. Il a mis son chapeau sur la tête. Il a mis son manteau de pluie parce qu’il pleuvait. Et il est parti sous la pluie. Sans une parole. Sans me regarder. Et moi j’ai pris ma tête dans ma main. Et j’ai pleuré.
Đó là bài Déjeuner du matin của Jacques Prévert, bài thơ theo tôi mãi, ngay từ lần đầu tiên khi một người bạn đọc cho nghe từ thời còn học ở trung học. Cứ mỗi lần ngồi uống ly cà phê buổi sáng, một mình, hay ở một quán ăn, ở Việt Nam, hay ở những nơi ngoài Việt Nam. Suốt mấy chục năm qua. Những buổi sáng lạnh buốt mùa đông Canada, miền đông bắc Mỹ hay những năm còn ở nam bán cầu… những câu thơ ấy cứ trở lại với tôi hoài hoài. Hình ảnh người đàn ông bỏ đường vào tách cà phê, lặng lẽ uống một mình, rồi im lặng khoác chiếc áo mưa lên người bước ra ngoài trời mưa, không một lời, cũng không ngó sang người ngồi gần đó, cũng uống tách cà phê buổi sáng.
Người đàn ông uống xong tách cà phê sữa bỏ đi dưới cơn mưa vẫn không một lời. Bài thơ của Prévert vẽ ra một hình ảnh cô đơn đến tội nghiệp. Tôi rất thích bài thơ chính vì cái hình ảnh cô đơn tội nghiệp của người đàn ông đó.
Nhưng gần đây, hình như tôi không còn thấy người đàn ông ấy ở quán cà phê trong bài thơ Prévert nữa thì phải. Người đàn ông lặng lẽ uống ly cà phê không một lời với tôi, rồi bỏ đi dưới cơn mưa nặng hạt. Tôi thấy đã lâu không gặp ông trong những lần ngồi quán nữa. Tôi nhớ ông, nhớ cách ngồi uống tách cà phê, lặng lẽ, không nói gì, cũng không ngó những người ngồi trong quán. Uống xong tách cà phê thì mặc áo, đội mũ ra đi.
Chao ôi là nhớ ông. Nhớ ông và nhớ tách cà phê buổi sáng bình yên của tôi. Nhớ ông không một lời trong suốt những phút ông một mình lặng lẽ với tách cà phê.
Trong khi đó, nhiều người đàn ông, và luôn cả những người đàn bà ở đây thì lại không uống cà phê như ông. Họ cũng đổ sữa vào cà phê, và cũng bỏ đường vào cà phê. Họ cũng uống những tách cà phê của họ. Nhưng họ vặn thật lớn những cái amplifier gắn trong cổ họng của họ lên. Họ giành giật chiếm bằng được diễn đàn để nói lớn điều họ muốn nói trong khi những gì họ gào lên và làm phiền những người không may ngồi trong phạm vi thẩm âm của những cái amplifier của họ thì cũng chẳng đáng để phải nghe bao nhiêu. Mà những người đàn ông, đàn bà có những cái amplifier với công xuất mạnh đó thì lại rất đông đảo. Đầu đường, xó chợ, thiên nhai, hải giác, hàng quán, chợ búa… đâu cũng thấy đông đảo những cái amplifier đó. Những cái lừ mắt, những cái nhìn dirty nhất của tôi cũng không ăn thua gì. Hai hôm trước, bữa ăn sáng của tôi tại một tiệm ăn quen hoàn toàn bị hỏng bởi những cái amplifier đó. Những cái amplifier ở bàn bên cạnh cứ hồn nhiên tranh nhau kể những chuyện không thể nào có những chuyện nào khác vô duyên hơn. Giọng đàn ông xen lẫn giọng đàn bà hồn nhiên đầy cả quán. Cuối cùng thì tôi chịu thua, bỏ dở bữa ăn sáng.
…nói cho vừa mình anh nghe thôi…
Hai người bạn tác giả câu hát trong bài Bên Kia Sông là Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Ngọc Thạch đều đã khuất còn bản Hiến Pháp Mỹ chỉ qui định quyền nói lên những ý nghĩ của người dân mà quên không hạn chế cái volume của những cái amplifier nên những người dân vô tội mới trở thành những nạn nhân khốn khổ như thế này.

Nhớ người đàn ông trong thơ Prévert vô cùng.