January 30, 2014

January 30, 2014

Ngày 25 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Hôm nay cần mua vài ba thứ, tôi ghé một ngôi chợ Việt Nam, và khi đi ngang qua quầy bầy bán hương nến, vàng mã cùng các vật dụng cần thiết để bầy bàn thờ, tôi thấy những tấm giấy viết bằng chữ Hán dùng cho việc cúng kiếng đủ mọi chuyện.
Chuyện cúng ông Công, ông Táo, Thổ thần, cúng cô hồn... đều có người làm cả, và ai cũng đã biết. Nhưng trên cái giá để hàng, tôi thấy cả những thứ cần cho việc "cúng tiểu nhân", những chữ ghi rõ ràng như thế.
Ô hay, tại sao phải cúng cái thứ này nhỉ? Thì trên kệ có đề rõ những thứ để cúng tiểu nhân mà.
Cúng là việc dâng lễ vật lên thần thánh, tổ tiên, là để tỏ bầy tấm lòng tôn kính dành cho các vị đó. Nhưng còn tiểu nhân, tại sao phải cúng, phải tỏ lòng cung kính với tiểu nhân, phải đem lễ vật dâng lên cho cái thứ bụng dạ nhỏ nhen đáng khinh, cái thứ hạ tiện chỉ rình rập, phục kích hại người, đâm chém người khác, ngậm máu phun người, bí mật hại người, bọn ném đá dấu tay... làm tất cả những chuyện tệ lậu đốn mạt trên đời chỉ để gây khổ đau tối đa cho người.
Tiểu nhân là ngược lại với quân tử. Vậy thì nếu có cúng thì cúng người quân tử chứ tại sao lại cúng tiểu nhân? Nhưng mấy chữ ở cái chợ nọ còn lù lù ở đấy. Chắc chuyện cúng tiểu nhân là chuyện có thật, và có nhiều người làm lắm thì mới có nguyên những thứ dùng cho việc cúng kiếng chúng nó.
Thế thì cúng tiểu nhân bằng gì?
Không thể bằng hương đèn thơm ngát được. Hương đèn phải được đặt trên bàn thờ, nơi cung kính nhất trong nhà. Không thể bầy các vật cúng kiếng, mâm cao cỗ đầy cho tiểu nhân về ăn được. Mà nếu tiểu nhân ghé ăn xong, ai dám lấy mấy thứ đồ cúng đó xuống mà ăn? Phí của giời đi.
Không bàn thờ, lư hương, không xôi gà, không thủ lợn, giò chả, bánh trái thì cúng tiểu nhân bằng gì? Còn gì mà cúng nữa đâu?
Thì cứ cho cái bàn thờ, nếu có một cái cái dành cho tiểu nhân, hương tàn khói lạnh. Một nén hương cũng không cho nó. Một miếng xôi cũng không.
Cứ như ông Kim Thánh Thán kể trong 36 lúc vui trong đời mà ông viết lại trong một buổi chiều mưa ngồi trong ngôi miếu cổ. Họ Kim kể là một sáng thức dậy thấy xôn xao tiếng người dưới bếp, ông xuống hỏi xem có chuyện gì thì gia nhân nói rằng trong đêm, một người độc ác, đê tiện, xấu xa nhất trong thành vừa lăn ra chết. Kim Thánh Thán nghe xong liền thốt lên rằng "Chẳng cũng khoái ư!"
Đó, nếu cần phải cúng tiểu nhân thì cứ thanh thản và khoái trá như Kim Thánh Thán là đủ.
Không cần chúc ác cho nó. Để người khác chúc ác cho nó là đủ rồi. Nó đánh lén mình, kệ nó. Sẽ có người khác xử. Nó lái xe qua mặt mình làm mình suýt gây tai nạn. Kệ thân phụ nó. Sẽ có ngày, một tay súng trong cơn "road rage" sẽ cho nó một phát. Nó vô cớ đục mình một quả, sẽ có người khác bị nó đục sẽ đục lại nó. Nó sẽ thất cơ lơ vận, không có chỗ dung thân. Nó nói xấu mình thì nó sẽ không còn chỗ mà ... phát thanh nữa, lêu bêu như chó mất chủ, nay đài này, mai đài nọ.
Vì thế, không cần phải mua sắm gì về để cúng nó. Nó sẽ lang thang đầu đường xó chợ, sống vô gia cư , chết vô địa táng cho mà xem.
Nhất định là không cần phải cúng nó.

Ngày 26 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Tôi không biết những dòng chữ viết trên một bức tường ở đoạn giữa Lai Châu đi Điện Biên có còn không, hay đã bị xóa đi mất rồi.
Một nhóm vài ba sinh viên ở vùng Tây Bắc xuống học ở các thành phố ở dưới đồng bằng , trong một chuyến đi về thăm nhà, một nơi rất gần biên giới Việt Trung, đã quyết định dùng sơn viết những hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam, để bầy tỏ thái độ yêu nước của họ trên thành cầu, trên những bức tường sát bên đường xe đi.
Lúc đầu họ chỉ viết những chữ tắt HS.TS.VN. nhưng sợ người đọc không hiểu nên họ viết thẳng ra là Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam. Rồi họ lại nghĩ là viết như thế chưa rõ, nên trên một bức tường khác, họ viết rõ hơn: "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam."
Viết xong hàng chữ này, họ nghĩ điều muốn nói đã được nói lên rất rõ. Những chữ viết trên tường rất đẹp và rất rõ mầu sơn đỏ trên bức tường xi măng mầu xám rất dễ đọc.
Các sinh viên này cho biết là vừa viết xong thì một người đàn ông trung niên đến hỏi tại sao lại viết thế. Khi được các sinh viên giải thích là họ muốn khẳng định các hải đảo là của Việt Nam, ý nói không phải là của Trung quốc. Người đàn ông trung niên cho biết ông là bộ đội từng đánh nhau với quân đội Trung quốc, có thể là hồi xẩy ra cuộc chiến Việt Trung những năm 1984-1988. Ông nói viết dòng chữ như các sinh viên vừa viết có thể dân chúng đọc không hiểu. Ông lấy sơn viết thêm ở dưới bốn chữ, không cần tới phương châm 16 chữ của Giang Trạch Dân nhét vào mồm bọn lãnh đạo Hà Nội, mà nay đọc lên chỉ muốn giết hết mấy cái đứa nô dịch theo Tầu.
Bốn chữ mà ông trung niên viết thêm là, nguyên văn đọc thấy rõ trong bức hình chụp: "Đéo phải của Tầu".
Chao ôi, chữ "đéo" nghe đã đời làm sao!
Không phải là một câu phủ định tầm thường như "không phải của Tầu", mà là "đéo phải".
Lối nói phủ định dùng những từ ngữ hoặc để nói về việc giao hợp (đéo) hay về một bộ phận cơ thể (đếch) có mục đích là làm cho ý nghĩa của câu mạnh hơn, khẳng định hơn, rõ ràng hơn, pha thêm ít nhiều sự phẫn nộ ở trong. Những chữ đó thường không được viết xuống, chỉ thường xuất hiệ trong văn nói.
Trên bức tường, hai dòng chữ viết bằng sơn đỏ, một của mấy sinh viên, một của một người đàn ông trung niên, nhưng cả hai đều là nhũng thông điệp chính trị.
Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.
Đéo phải của Tầu.
Câu của các sinh viên được câu của người bộ đội từng đánh nhau với Tầu đã được làm cho mạnh hơn, quyết liệt hơn, và dễ hiểu hơn với những người dân quê ở cái vùng gần biên giới Việt Trung đó.
Chuyện xẩy ra đã mấy năm không biết những hàng chữ đó có còn không, hay đã bị bọn tay sai của Tầu cạo đi rồi. Nhưng tôi tin là còn, vì một người đàn ông khác đã hứa với mấy sinh viên rằng nếu có ai xóa những chữ ấy đi thì anh ta sẽ viết lại vì anh là người làm đường ở đó.
Lời nói của anh nghe đầy giọng của Phùng Quán:
"...Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá."
Như vậy, nếu những hàng chữ ấy bị bôi xóa đi, thì nó sẽ được viết lại.
Có điều là nhà cầm quyền không bắt... bức tường đem nhốt như đã nhốt ông Điếu Cầy chỉ vì ông đã khẳng định bằng một câu tương tự về Hoàng Sa và Trường Sa.
Có giỏi thì lôi bức tường ra tòa coi nào.
 
 
Chú cũng là lính biên phòng hồi chống Tàu đây, chúng mày kẻ như thế chưa đủ, phải viết thêm vào cho chú câu '' Đéo phải của Tầu''.  Chúng tôi nói cho chú biết, mình làm thế này cần phải văn minh, nói như thế người đọc không thiện cảm. Người đàn ông càng tức hơn, chú ấy quát:

- Mẹ, ở đây miền ngược không như dưới xuôi, cái gì cũng phải thẳng luôn. Chúng mày sợ không dám làm thì sơn làm gì. Mày viết đi để bà con đây đọc xong, tao sẽ giải thích. Chứ viết của Việt Nam thì người ta chả hiểu gì hết. Chúng mày có viết không thì để tao viết.

Anh em chúng tôi nhìn nhau, sau cũng đành gật đầu chiều ông cựu chiến binh máu nóng đó. Thế là thành dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam lại thêm cái đoạn Đéo Phải Của Tầu ở phía dưới là vậy.


Ngày 27 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Kim Phạm thiệt mạng một cách lảng xẹt. Thực ra thì không có cái chết nào là hợp lý, là không lảng xẹt cả. Nhưng Kim là một phụ nữ rất không nên chết một cách lảng xẹt như thế bao giờ.
Cô còn quá trẻ, xinh đẹp, thông minh, học thức và là một cây viết đầy triển vọng. Cô có thể trở thành một nhà văn. Hai tiểu luận của cô rất được người đọc ưa thích. Nhưng hơn tất cả những điều vừa kể, cô là một người tốt. Cô rất tốt với bạn bè, và luôn cả những người cô không quen, không biết. Cô luôn luôn nghĩ tới người khác trong chiều dài đời sống quá ngắn ấy của cô. Cô cẩn thận viết xuống giấy là nếu có chuyện gì xẩy ra cho cô, cô muốn hiến tặng các bộ phận của cơ thể để cứu những người khác.
Cô nghĩ đến cách khi chết cô vẫn còn có thể cứu được những người khác. Cô đã cứu được 5 người bằng các bộ phận cô hiến tặng.
Cô là người luôn luôn nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác. Ngay cả khi cô vĩnh biệt đời sống. Cô chỉ có thể mô tả là một cách chính xác nhất bằng chữ selfless. Một người không nghĩ tới mình. Cô chỉ nghĩ tới người khác.
Cô qua đời sau khi bị hành hung trí mạng trong một buổi đi chơi với vài ba người bạn. Cảnh sát đã bắt giữ hai phụ nữ bị tình nghi dính líu vào vụ đả thương. Tiền thế chân để được tại ngoại của mỗi người được đặt ra là 1 triệu đô la. Cảnh sát chắc chắn phải có trong tay một số bằng cớ để có thể giữ các đương sự. Nhưng cảnh sát vẫn cần thêm các nhân chứng có mặt ở nơi xẩy ra vụ bạo động.
Nạn nhân buổi tối hôm ấy (19/1/2014) có đi cùng với mấy người bạn gốc Việt khác nhưng chưa có một người nào chịu gặp cảnh sát để trả lời các câu hỏi của cảnh sát trong nỗ lực điều tra vụ hành hung gây ra cái chết của cô Kim. Tờ LA Times nói rằng những người này đã từ chối không nói chuyện với cảnh sát vì không tin vào việc làm của cảnh sát và sợ bị trả thù. Tờ báo nói rằng những người cùng đi với cô có thể đã trông thấy người đánh nạn nhân đến bất tỉnh cũng như ai đã đá vào đầu nạn nhân khi cô ngã xuống. Nhưng mọi nỗ lực của cảnh sát muốn có lời khai của những người bạn của nạn nhân đã không có kết quả. Một người nói thẳng với cảnh sát là không muốn gặp cảnh sát.
Cuộc điều tra vẫn có thể tìm ra manh mối nhưng có thể sẽ mất công hơn dù có hay không có lời khai hay sự hợp tác của những người-gọi-là-bạn-của-nạn-nhân. Vậy thì đúng là "khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai".
Cô Kim khi còn sống, ai quen biết cô cũng đều nói rằng cô là người bao giờ cũng nghĩ tới người khác. Nay cô chết đi thì những người biết cô, đi chơi với cô và chắc thế nào chẳng đã có người từng được cô đối xử tử tế, đã không chịu mở miệng ra nói được đôi ba điều để làm sáng tỏ cái chết của cô. Họ đi chơi với cô, có mặt ở nơi xẩy ra vụ bạo hành, có thể đã nhìn thấy tận mắt những hung thủ đánh hội đồng cô. Nhưng tất cả, cho đến hôm nay, vẫn giữ im lặng, thậm chí nói thẳng là không muốn dính vào chuyện cô bị sát hại.
Họ có nêu ra lý do gì, nại ra cái cớ nào đi chăng nữa thì nghe cũng không ổn, khi cô Kim là bạn của họ, hay chỉ quen biết họ khi cô còn sống.
Bạn bè mà đối xử với nhau như vậy hay sao? Biết đâu trong số những người không chịu giúp cảnh sát điều tra nội vụ lại chẳng có người từng được cô Kim đối xử rất tốt khi cô còn sống?
Người Mỹ hay nói câu này: với bạn bè như vậy thì ai còn cần phải có kẻ thù nữa (With friends like these, who needs enemies?)

Đúng làm sao là đúng!

January 26, 2014

January 26, 2014

Ngày 20 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Cuốn lịch năm 2014 in ở Hà Nội, quà tặng đầu năm của một ngân hàng dành cho các thân chủ, có đưa ra một khám phá khá mới về hồ Hoàn Kiếm.
Ngay ở tờ lịch ngày đầu năm, ngày 1 tháng 1, người ta đọc được mấy dòng về hồ Gươm. Đọc xong thì thấy một chi tiết khá mới về Lê Lợi mà nhiều người chưa được nghe bao giờ.
Mấy dòng chữ ấy nguyên văn như thế này: "Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm, Một lần nhà Vua dạo (sic) chơi bằng thuyền trên hồ bắt gặp một sinh vật là (sic) Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn mất xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm."
Không kể những lỗi về chấm câu, đặt câu, hành văn ngô nghê (...gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên...), đoạn viết trên tờ lịch cho rằng rùa bơi về phía thuyền của vua Lê, bị vua Lê tuốt gươm đuổi rùa đi chỗ khác. Bất ngờ rùa xông tới, cướp thanh kiếm của vua Lê rồi lặn mất.
Như vậy, theo tờ lịch, không hề có chuyện rùa thần đòi lại thanh bảo kiếm Thuận Thiên mà vua Lê đã được thần Kim Qui trao cho để đánh quân Minh. Sử chép rằng Lê Lợi dẹp được ngoại xâm, rùa thần hiện lên đòi lại thanh gươm quí nên vua Lê đặt tên cho hồ là hồ Hoàn Kiếm. Nhưng theo những dòng chữ trên tờ lịch thì con rùa du côn bơi sát thuyền của nhà vua và cướp lấy thanh gươm như chuyện ăn cướp mỗi ngày xẩy ra hàng mấy chục vụ ở Hà Nội chứ chẳng hề có chuyện trả lại gươm (hoàn kiếm) như các sách sử từ bao lâu nay vẫn viết.
Thế là lại một huyền thoại rất đẹp của sử Việt bị xuyên tạc bởi một cây viết láo lếu thất học, văn chương nhảm nhí.
Theo tờ lịch ấy, thì các bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Tân Biên, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí... của Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Huy Chú ... là toàn tầm bậy hết. Rùa hồ Gươm chỉ là một con rùa du côn sống bằng trò cướp giật như bọn hậu duệ của nó chạy đầy đường Hà Nội, ngồi cả ở Bắc Bộ Phủ như con X nhái, cóc, cắc ké ... tầm bậy tầm bạ chứ không bao giờ có chuyện rùa trao gươm Thuận Thiên do tay Lê Thận dâng lên cho Lê Lợi.
Huyền thoại rùa thần trao gươm cho Lê Lợi tuy là chuyện do Nguyễn Trãi bầy ra để tạo danh tiếng cho Lê Lợi hệt như chuyện bôi mỡ lên lá cây cho kiến ăn thành những chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" nhưng trong giai đoạn lịch sử của thời bị nhà Minh đô hộ thì đó lại là chuyện rất cần cho công cuộc kháng Minh.
Những huyền thoại rất đẹp đó đã giúp vận động được người dân đứng lên để cùng Lê Lợi đánh đuổi bọn "cường Minh tứ ngược" giải phóng đất nước. Huyền thoại rùa thần không những chỉ đẹp mà còn cần thiết cho cuộc kháng Minh của Việt Nam thời ấy. Dân tộc nào trên thế giới cũng có những huyền thoại đẹp và oai hùng tiền nhân để lại.
Ngày nay, Hà Nội có một cái hồ rất đẹp có những gắn liền với một thời hùng anh của sử Việt thì bị một đứa dốt nát, ngu xuẩn tìm cách đập tan cái huyền thoại đầy thi vị đó bằng chi tiết vua Lê cầm gươm đuổi con rùa và bị con rùa chôm mất thanh gươm (chắc để đem bán lấy tiền chơi game).



Con rùa có tên khoa học là Rafetus Leloii (Lê Lợi) được đặt dựa theo huyền thoại Lê Lợi trả gươm Thuận Thiên và vì lý do đó, hồ mới mang tên Hoàn Kiếm nghĩa là trả lại thanh kiếm. Không biết tên ngu dốt nọ viết xuống những chi tiết nhảm nhí là vì nó dốt hay nó làm thế để bôi bẩn một huyền thoại đẹp chỉ vì huyền thoại đó xoay quanh chuyện đánh đuổi quân Minh mà bọn cướp ở Bắc kinh rất không muốn nghe.
Đặt tên cho mấy cái tầu chiến của hải quân mà còn né không dám dùng tên của các nhân vật lịch sử Việt Nam có công đánh Tầu vì kỵ húy, sợ mấy thằng ba Tầu buồn, thì nay bôi bẩn cái huyền thoại Lê Lợi trả gươm cho rùa thần cũng chỉ là chuyện dễ hiểu.
Ngay cả những chuyện vừa mới xẩy ra trong lịch sử lâu dài của Việt Nam mà còn bị bọn chó má xuyên tạc , bôi bẩn như lòng yêu nước của người Việt miền Nam thì chuyện rùa thần và thanh gươm diệt Minh của Lê Lợi bị dung tục hóa đi là điều thường tình của bọn chó.
Trong khi đó, nhà nước chỉ mới nói là đã ghi nhận chuyện đó, đang nghiên cứu để xử lý.

Ngày 23 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Một người đàn ông tên Lê Hiếu Đằng vừa qua đời tại Sài Gòn hôm 22 tháng 1, ở tuổi 70. Một vài tờ báo loan tin này và gọi đó là một tin buồn.
Tôi không thấy buồn một chút nào về chuyện ông ta chết. Ông đã sống một cuộc đời dài: 70 năm, trong chiều dài này, ông có 45 năm là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam. Chuyện buồn, thôi thì cứ để cho các đồng chí của ông, các bạn sinh viên trong các tổ chức tranh đấu nội thành của ông buồn là đủ. Những nạn nhân của ông không coi đó là tin buồn.
Làm một vài con tính nhỏ thì người ta thấy ông trở thành đảng viên từ năm ông 25 tuổi. Khi ấy, ông còn là sinh viên của đại học Sài Gòn. Chắc chắn ông đã phải hoạt động rất tích cực cho Cộng Sản từ trước khi được kết nạp vào đảng. Phải có quá trình sinh hoạt với Cộng Sản suốt mấy năm mới được cho vào đảng. Không ai xin vào đảng là được thu nhận ngay.
Ông là sinh viên của đại học Sài Gòn. Lợi dụng không khí tự do của thủ đô, ông cùng đám bạn bè ăn phải bả Cộng Sản đã tích cực đánh phá chế độ từng nuôi dưỡng ông và do đó, ông đã đóng góp rất nhiều vào việc làm cho Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng Sản. Sau ngày Sài Gòn đổi chủ, ông được nhà cầm quyền Cộng Sản đãi ngộ xứng đáng, được trao cho những công việc quan trọng. Ông từng là phó chủ nhiệm, phó tổng thư ký , phó chủ tịch hội đồng tư vấn này, ủy ban trung ương nọ... Ông rất sung sướng nhận những bổng lộc mới của Cộng Sản trong gần bốn mươi năm cho mãi tới hai ba tháng trước khi qua đời.
Trong gần bốn mươi năm giữ những chức vụ ấy ông không hề lên tiếng về những khổ đau mà người dân Việt Nam phải gánh chịu dưới ách cai trị của bọn trâu bò. Ông không thể không chứng kiến trò bỏ tù, đầy đọa hàng mấy trăm ngàn người trong các trại tập trung khổ sai ngay sau năm 1975. Ông không thể nói là không biết những hoạt động bán nước của bọn chóp bu trước cũng như sau năm 1975. Ông không thể nói là không nhìn thấy tình trạng sa đọa đến cùng cực của xã hội Việt Nam, hàng triệu người bị biến thành nô lệ, đầy tớ cho các nước ngoài, phụ nữ bị đem bán đưa đi làm đĩ và hàng ngàn chuyện sai quấy khốn nạn khác mà bọn chó má đã trùm lên đầu người dân cả hai miền đất nước. Không thấy được những điều đó thì ông là người vô cảm không thể tha thứ được. Nếu không, ông cũng là đồng lõa của những việc làm khốn nạn đó. Trong suốt 45 năm là đảng viên của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mãi đến cuối năm 2013 ông mới tuyên bố từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam vì ông nói là ông nhận ra đảng Cộng Sản chỉ là một tập đoàn đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Ô hay, ông ở trong cái chăn khốn nạn đó trong suốt gần bốn mươi năm mới thấy ra điều đó hay sao? Ông không phải là thành phần thất học. Ông từng tốt nghiệp đại học của miền Nam.Đáng lẽ ra, ông phải nhìn ngay ra những việc làm xấu xa tàn ác đê hèn chó má của bọn cầm quyền Hà Nội. Ông không phải là người đứng ngoài. Ông có mặt và hoạt động ở ngay trong guồng máy Cộng Sản. Ông đã sống nhiều năm dưới cả hai chế độ mà vẫn không làm nổi một việc so sánh nhỏ để thấy ra những điều tệ lậu của nhà cầm quyền Cộng Sản sớm hay sao? Ông phải đợi gần bốn mươi năm mới nhìn ra thực chất của bọn Hà Nội ư?
Việc ông làm, ra khỏi đảng Cộng Sản sau khi nhìn ra mặt trái của cái chế độ đã đè lên đầu, lên cổ người dân miền Bắc suốt từ năm 1954 và người dân miền Nam từ sau năm 1975 và mới chỉ lên tiếng đòi thay đổi hồi cuối năm ngoái chỉ là một việc làm quá ít và quá trễ.
Chính ông đã đóng góp rất nhiều cho việc củng cố cho chế độ và giúp để cho tiếp diễn những chuyện không hay đó.
Nếu ông sớm nhìn ra những chuyện khốn nạn của bọn cướp ở Hà Nội thì có lẽ cái chết của ông còn đáng để được coi như là một tin buồn. Chứ đến bây giờ ông mới chết thì tin ông chết chỉ có thể là tin buồn cho vài ba người là cùng.
Những đóng góp của ông cho những việc làm tàn độc của Cộng Sản Việt Nam là những đóng góp lớn. Nó càng lớn thì mức độ đau buồn khi nghe tin ông chết càng nhỏ đi.
Chuyện vài ba tên công an kéo đến giật đi mấy cái biểu ngữ, vòng hoa viếng ông chỉ là chuyện dễ hiểu xẩy ra cho những người chơi với bọn chó dại. Chơi với chó thì bị chúng nó đối xử như vậy là đáng đời ông.
Còn những món nợ ông còn mắc của người Việt thì chúng tôi cho ông thiếu. Buồn về cái chết của ông thì không.

Ngày 24 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Lái xe ở quận Cam thỉnh thoảng người ta thấy những quảng cáo nghe rất lạ, nếu là người không sử dụng hay không hay biết gì về những dịch vụ mà các cơ sở này cung cấp.
Những tấm bảng quảng cáo gắn ở cùng khắp đầu đường xó chợ chào khách cho những dịch vụ như du lịch, du học, quốc tịch với hai chữ như một cam kết chắc nịch ở dưới: BAO ĐẬU.
Tại sao lại rao bán cả những bao đậu? Mà đậu gì? Dậu đen, đậu đỏ hay ... đậu phọng?
Những người không biết chuyện sẽ nêu ra những thắc mắc như thế. Nhưng đậu đây là qua khỏi, thoát, bảng vàng ghi danh trong những cuộc thi để nhập quốc tịch. Nếu không thì khi nhờ các văn phòng dịch vụ đứng ra lập hồ sơ xin đi du học, du lịch ở Mỹ thì được sứ quán Hoa kỳ chấp thuận, không bị bác.
Văn phòng cung cấp cách dịch vụ đó chắc là có tay trong ở sứ quán hay lãnh sự Mỹ ở Việt Nam để tạo dễ dãi cho các đơn xin đi Mỹ, nên mới dám bảo đảm, bao, cam kết ... cho tới khi bị bắt như một nhân viên ngoại giao Mỹ ở tòa tổng lãnh sự Hoa kỳ tại Sài Gòn mới đây. Đó là bao đậu.
Khi đọc thấy quảng cáo du học mà bao đậu thì nhiều người đã vui sướng nhẩy cẫng lên mừng là cứ sang Mỹ học là được bao đậu, mang vài cái bằng về nước rồi về quê làm mắm ruốc hay xin làm công an ăn cướp những bản văn về quốc tế nhân quyền như một nhô con tại một cuộc biểu tình của những người dân tranh đấu đòi nhân quyền cách đây không lâu.
Nhưng không phải là như vậy. Bao đậu chỉ là mấy cái bao đậu xanh, đậu đỏ bánh lọt, bao đậu phọng da cá. Bao đậu là cam kết nộp đơn xin du học qua văn phòng lo dịch vụ làm đơn là người xin sẽ được chấp thuận để cho đi Mỹ học tại các đại học ở Hoa kỳ. Còn sang đến Mỹ, cắp sách đến các đại học Mỹ, cuối năm đi thi có qua khỏi các kỳ thi hay không thì đó lại là chuyện khác. Vì thế, bao đậu là chỉ bao khúc đầu, kiểu như bao đến cửa tiệm mà thôi. Vào ăn thì chuyện trả tiền là không có bao gì hết.
Muốn được bao đậu thì cứ ở Việt Nam là có bao đậu ngay. Hà cớ gì phải sang Mỹ, bưng (phở, bún bò) hay mua xe đắt tiền trả tiền mặt, đi chơi cho đã đời cho sướng đời con ông cháu cha bọn du đãng côn đồ ở trong nước.
Nhưng thực ra, chuyện bao đậu đại học ở Mỹ không bao giờ có. Muốn bao đậu đại học thì cứ ở Việt Nam. Nhiều khi chẳng thi cử gì cũng vẫn có bằng đem về dọa ngáo ộp chơi như một cậu nào ở Phú Thọ, một chữ tiếng Anh không biết, lại chẳng bao giờ ra khỏi Việt Nam hay sang đến Mỹ mà vẫn có bằng MBA đem về nhà treo chơi cho bõ những ngày cơ cực. Cứ bỏ ít tiền ra mua là các lái bằng mấy cái bằng là có bằng ngay. Không thì mua cái bằng giả bán đầy đường cũng được. Nhưng nghĩ lại thì cần gì phải làm mấy việc nhiêu khê đó. Cứ xưng là có bằng cử nhân luật sau mấy năm ở trong rừng là thành thằng cu Ba Ếch ngay đó à.
May quá, chuyện du học và được bao đậu để tốt nghiệp các đại học ở Mỹ là chuyện vẫn chưa thể làm được như chuyện học hành ở Việt Nam.

Chỉ mới có chuyện bao bố, bao tải, bao thơ, bao bì, bao cấp, bao đồng, bao cao su. Đậu thì chỉ có đậu hủ, đậu bắp, đậu mùa, đậu cu... ve hay củ đậu mà thôi.

January 20, 2014

January 20, 2014

Ngày 14 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Thời gian là khoảng giữa những năm 60 đến đầu thập niên 70. Cuộc chiến Việt Nam khởi đi từ những ngày đầu đến giai đoan khốc liệt nhất. Ở Sài Gòn người ta có thể thỉnh thoảng nghe pháo đài bay B-52 đào bới những vùng chung quanh, hỏa tiễn 122 ly lâu lâu rơi vào thành phố, xuống đường biểu tình chống đủ thứ. Nhưng trong cái ốc đảo có những lúc bình yên, có lúc xao động ở mức địa chấn ấy, người ta vẫn sống. Và đời sống của những người sống trong cái ốc đảo ấy, có những ngõ ngách mà nhiều khi người ta ít thấy ngay cả khi đứng ngay bên cạnh nó.
Không gian là khu vực đóng khung giữa bốn con đường Gia Long, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn và Công Lý. Khu đất trước là khám lớn của Sài Gòn thời còn người Pháp. Khám lớn được phá bỏ, một kiến trúc mới được xây lên để trở thành trường đại học Văn Khoa. Rồi trường Văn Khoa được chuyển tới một trại binh cũ trên đường Cường Để và đại lộ Thống Nhất. Trụ sở cũ của trường Văn Khoa bị phá, lấy chỗ xây thư viện quốc gia.
Đó là khung cảnh và thời gian của cuốn sách nhan đề Cũng Cần Có Nhau của Hoàng Xuân Sơn, một người làm cái gì cũng part time. Sinh viên part time. Chơi cũng part time. Ngồi cà phê part time, la cà ngoài đường phố cũng part time, làm business part time, đàn hát part time. .. nhân vật đó, người ghi lại một đoạn đời sống của những năm ấy là người quen rất nhiều người, biết rất nhiều chuyện.
Cuốn sách của Hòang Xuân Sơn được chính tác giả gọi là một tập phóng bút. Ông không coi nó là một hồi ký mặc dù nó rất thấp thoáng những nét của một tập hồi ký. Ông kể cho người đọc, mà rất nhiều người đã sống qua thời gian và không gian của cuốn sách những chuyện, những chi tiết không ít người biết.
Hoàng Xuân Sơn viết về người và vật của những năm ông có măt ở trường đại học Văn Khoa, luôn cả những chuyện ở bên ngoài của ngôi trường này, khu vực chung quanh trường, những lề đường, những quán xá, những thời gian la cà ở những nơi đó. Thế nên có lầm đó là một đoạn hồi ký của những năm ấy, những năm tháng của một thời cũng chẳng sao. Tác giả cũng như người đọc đều đã có một thời còn trẻ, những năm của tuổi hai mươi vừa ra khỏi bậc trung học, đang còn áo trắng thư sinh trước khi vào đời.
Đoạn đời ấy vẫn còn ở lại trong trí nhớ của người viết chút lãng mạn như những dòng thơ này:
Ta vẫn chờ em dưới mái Tây
Trong đêm còn vọng bước sen gầy
Dù nay trăng đã xa lầu cũ
Em đã xa rồi chim cũng bay
Tương kiến thời nan biệt diệc nan (*)
Em bây giờ đã quá quan san
Đêm đêm ngâm khúc Đường thi cũ
Tiếc áo văn khoa với tuổi vàng
Ta nhớ ngày xưa cuối giảng đường
Mắt đầy sao và áo đầy hương
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân
Ta nhớ chiều rơi trên hành lang
Nắng loang vệt nhỏ dưới sân trường
Chiều đi, trời bỗng vàng trên mái
Thành phố bâng khuâng lá ngập đường
Ta nhớ con đường em vẫn đi
Con đường xanh cỏ dấu chim di
Chiều nay ngâm khúc Đường thi cũ
Yên thảo có còn như bích ti? (**)
(* thơ Lý Thương Ẩn)
(** thơ Lý Bạch)
(thơ BBT)
Hoàng Xuân Sơn mượn mấy chữ trong bài Diễm Xưa để làm tựa cho cuốn sách. Câu hát của Trịnh Công Sơn, người mà Hoàng Xuân Sơn rất thân thiết, một hôm đánh thức tác giả rằng những tảng đá không hoàn toàn vô tri vô giác.. Nó cũng có hoài niệm như những điều người ta khắc lên nó, như rong rêu bám hoài vào nó và một ngày nào đó, ngay cả những chuyện tạp nhạp, nhỏ bé của đời sống cũng sẽ trở thành những chuyện cần thiết cho đời sống của chúng ta. Đôi khi, những giây phút đáng quý nhất trong đời lại chỉ là những phút giây chẳng đáng kể là bao nhiêu. Một buổi sáng bình an. Một chiều ngồi nhìn dòng nước trôi trên sông một buổi tối về khuya. Hãy để ra một chút thì giờ để nghĩ lại những giây phút kỳ diệu đó. Chúng ta không bao giờ muốn mất chúng, luôn cả những ngày, những tháng rất buồn:
Sài Gòn có những ngày rất buồn
Sáng tinh sương một loạt nổ vang
Lối xóm xôn xao tin pháo kích
Lại một xóm nào vài mạng chết oan
Sài Gòn có những sáng rất buồn
Chuông reo còn ngoài cửa phân vân
Bước vào lớp giảng qua bài mới
Dậy chúng gì rồi cũng tới quân trường?
Sài Gòn có những trưa rất buồn
Ciné thường trực tối như bưng
Chán đời xem hết hai phim chưởng
Phim hết dường như vẫn rất buồn
Sài Gòn có những chiều rất buồn
Báo mới trăm người tử trận cao nguyên
Trang cáo phó nhạt nhòa tên người bạn
Bỗng dưng bỏ Sài Gòn, bỏ vợ, bỏ con
Sài Gòn trong Pagode rất buồn
Bạn bè ta ngồi đấu hót lung tung
Hết chuyện nắng mưa, sang hòa bình, hiệp định
Chuyện da beo và chuyện Tống Lê Chân
Sài Gòn có những tối rất buồn
Chạy khắp nơi mà không hết chồn chân
Khi trở về hỏa châu soi đầu ngõ
Đại bác nổ dồn, thành phố giới nghiêm
(thơ BBT)
Đọc Cũng Cần Có Nhau người đọc sẽ thấy thấp thoáng trong những chuyện tạp nhạp đó có chính mình, mình của một thời mà thoắt một cái, đã nửa thế kỷ...
Hôm nay chủ nhật em đi đâu
Ngày treo trên một chiếc ly sầu
Hàng cây lá mục nghiêng mình ngóng
Mây cũng chờ em, em ở đâu?
Hôm nay Chủ nhật em đi đâu
Chiều loang một chút nắng không mầu
Gió ơi , giữ hộ mùi hương cũ
Thuở những bàn tay chưa xa nhau
Chiều đã đi cùng những chuyến xe
Tan theo dạ khúc đổ sau hè
Vẫn nghe từ đám mù sương ấy
Giọng hát em trên khắp lối về
Ngày đã ra đi với ngại ngần
Con đường toàn những ngả phân vân
Đêm ơi hãy đến bằng đôi cánh
Chở hết đi xa Chủ nhật buồn
(thơ BBT)
Tôi gặp Hoàng Xuân Sơn ở trường Văn Khoa Sài Gòn khoảng gần cuối những năm 60. Một ông Huế rất chịu chơi nhưng lại cũng rất hiền lành trong cái đám Bắc kỳ, Nam kỳ lê lết ở trường hồi ấy . Sơn hát rất hay. Ôm lấy chiếc ghi ta là có thể ngồi bên nhau hát theo đàn suốt đêm trong những buổi tối ngồi chơi với bạn bè ở sân sau trường Văn Khoa Nguyễn Trung Trực. Người thanh niên lúc nào quần áo cũng tươm tất học ban Triết nhưng ngồi ngoài hành lang nhiều hơn ở trong giảng đường, lêu bêu trên những con đường của quán xá, cà phê lại vẫn đỗ đạt đều đều để hoàn tất chương trình cử nhân Triết rồi cao học chính trị kinh doanh để trở thành một công chức nhưng không bao giờ bỏ hẳn trò chơi lêu bêu của chàng cho nên làm công chức tuy là full time nhưng rất part time để chàng tiếp tục những trò chơi khác của chàng. Triết học dậy cho chàng những việc làm dấn thân khác của cái thế hệ của chàng. Chàng đi cứu trợ, sinh hoạt với các tổ chức thanh niên và sinh viên thời đó.
Một nửa cuốn sách được dành cho những năm Sơn ở trường Văn Khoa và phần sau của cuốn sách được dành cho mấy người bạn rất đặc biệt của tác giả, trong đó có Trịnh Công Sơn.
Thật khó mà nói về cuốn sách của Hoàng Xuân Sơn. Chỉ xin mời bạn đọc nó. Trong những trang của cuốn sách này, người ta có thể thấy phần nào đời sống của mình, một hai người bạn, có người vẫn quanh đây, có người đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta. Xin hãy đọc để tìm lại một thời gian đã mất, một đoạn của đời sống đã có lúc rất đẹp nhưng cũng rất bất hạnh, những loay hoay của những bước đi của một thế hệ ra đời, lớn lên trong chiến tranh, trong Mậu Thân khói lửa, trong hạnh phúc lận đận khi thảm họa vẫn rình rập ngay trên đầu, những kỷ niệm rất cũ trùng điệp về những ngày cũ trong cái thành phố vẫn còn đó mà không sao tìm lại được, những người bạn người còn, người mất vĩnh viễn không còn nữa.
Kể ra đây làm sao hết được. Thôi thì mời bạn đọc cuốn sách mà cứ mỗi trang sách là lại vài ba hình ảnh cũ hiện về, vài ba cái tên với chân dung rõ nét trở lại.
Đây là cuốn sách rất nên đọc. Đọc, và thỉnh thoảng đọc lại. Cám ơn quí vị và cám ơn Hoàng Xuân Sơn và những kỷ niệm còn lưu giữ được và viết xuống trong những trang của cuốn Cũng Cần Có Nhau.
Ngày 15 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Bức ảnh đó tôi chụp bằng chiếc Minolta SRT 101 hôm 27 Tết Quý Sửu, cái tết âm lịch cuối cùng tôi còn ở Sài Gòn, năm 1973.
Sáng hôm ấy tôi từ sở ra chợ hoa đường Nguyễn Huệ. Sở của tôi ra chỉ là một khoảng cách ngắn. Buổi sáng nắng trong và xanh. Chợ hoa đang ở lúc đẹp nhất. Không còn quá sớm mà cũng không quá muộn. Hoa lá rực rỡ. Tôi chưa chụp được bức nào, vì còn đang tìm những bông cúc đại đóa ưng ý, thì tôi thấy cô đứng bên một cành mai. Cô còn trẻ, khoảng chưa đến ba mươi, tóc dài, rẽ ngôi giữa, áo lụa nội hóa trắng, mảnh mai, thanh thoát. Cô đang chăm chú nhìn một cành mai. Ánh nắng chiếu ở phía sau tới , những sợi tóc xõa xuống trán, đong đưa sáng loáng bạc. Tôi đưa máy lên, bấm nhanh một bức với kính 135mm, mở khẩu độ tối đa, chỉ focus vào mặt, cho phía sau mờ hết, để những bông cúc chỉ là những chấm vàng lấp lánh. Tiếng sập của kính làm cô quay lại. Tôi xin lỗi cô vì đã chụp cô mà không xin phép. Cô không nói gì nhưng sau đó, quay hẳn về phía tôi, cười thoảng. Tôi chụp liên tiếp khoảng năm bẩy bức khác. Tôi hỏi địa chỉ để gửi ảnh cho cô nhưng cô lại vẫn không nói gì và bước đi. Cô khuất nhanh sau một kiosk bán hoa phía gần Tòa Hòa Giải.
Tôi không bao giờ gặp cô nữa.
Cuộn phim gửi đi khoảng hai tuần sau thì tôi nhận được tập ảnh từ Hawaii gửi về. Trong số ảnh tôi chụp cô, có một tấm đẹp nhất, tấm đầu tiên tôi chụp lúc cô không biết có người chụp lén. Bức ảnh ấy hơi bị out of focus nên tôi quyết định không phóng lớn.
Tôi mang theo bức ảnh ấy khi rời khỏi Việt Nam lần cuối. Trong nhiều năm, nó nằm ép trong quyển tự điển Chambers trên bàn làm việc của tôi trong suốt nhiều năm, mãi tới một lần dọn nhà cách đây hơn 10 năm, tôi mất hai thùng sách, trong đó có cuốn Chambers, và có luôn cả bức ảnh của cô.
Tôi không biết tên cô. Khuôn mặt cô trong bức ảnh hơi bị tối vì ánh sáng ngược. Nhưng tôi vẫn nhớ khuôn mặt ấy.
Tính đến nay, lần gặp cô đã là hơn 40 năm. Nếu hồi ấy cô ngoài hai mươi thì nay, cô phải trong hạng tuổi 60. Cô bây giờ ở đâu sau những dâu biển, đổi dời? Cô có còn ở đâu đó tại Việt Nam không? Cô có bình yên sau trận hồng thủy kinh hoàng xẩy ra cho mấy chục triệu người Việt không? Cô có lưu lạc xứ người không?
Người học trò đời Đường ghé đào hoa trang vậy mà lại may mắn hơn tôi nhiều. Chàng ghé vào căn nhà xin nước uống, người con gái mở cửa, dung nhan ửng lên mầu hoa đào. Chàng uống nước, từ biệt rồi đi tiếp. Năm sau khi chàng trở lại thì chỉ thấy hoa đào cười với những cơn gió từ phương đông thổi lại. Người thanh niên viết một bài tứ tuyệt dán lên cửa nhà nàng..."Khứ niên kim nhật thử môn trung / Nhân diện đào hoa tương ánh hồng…"
Hôm nay, cũng là gần Tết. Tưởng tượng trở lại chợ hoa đường Nguyễn Huệ. "... nhân diện bất tri hà xứ khứ..." Người phụ nữ năm xưa không thể nào gặp lại. Mà gặp lại thì liệu có còn nhận ra nhau nữa không? Thời gian xa cách từ buổi sáng cận Tết Quí Sửu tới nay đã gần gấp đôi tuổi của cô. Đã quá nhiều chuyện xẩy ra trong đời. Gia đình tôi, các con đều đã lớn. Tuổi của chúng còn hơn cả tuổi của cô trong bức ảnh đã thất lạc đó.
Phan Khôi viết bài Tình Già có mấy câu cuối như thế này:
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung , đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi.
Hôm nay, đất khách, hơn hai mươi bốn năm đã rất nhiều. Không gặp lại nhau được. Mà cũng chẳng bao giờ gặp lại. Gặp thì cũng khó mà nhận ra nhau.
Có quen "lung" đâu mà nhìn ra. Thế thì làm sao mà "con mắt còn có đuôi" được.
Cuối năm nhớ lại con đường Nguyễn Huệ và cành mai sáu cánh buổi sáng hôm ấy đấy mà.

January 6, 2014

January 6, 2014

Ngày 29 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Điệp viên James Bond 007 có một cái giấy phép rất dễ sợ, đó là cái giấy phép giết người. Giấy phép giết người, licence to kill là quyền đặc biệt mà một chính phủ hay một cơ quan của chính phủ cấp cho một nhân viên, mà thường là một điệp viên trong khi thi hành nhiệm vụ trao phó, được quyền dùng tất cả các biện pháp cần thiết để thành đạt được mục tiêu, kể cả việc giết người.
Trong lịch sử Việt Nam, Trần Hưng Đạo được vua nhà Trần cho phép "tiền trảm, hậu tấu", nghĩa là cứ chém đầu trước rồi về tâu vua cũng được. Lúc ấy, Việt Nam đang bị quân Nguyên xâm lăng. Quyền chém trước báo cáo sau là cần thiết. Quyền ấy phải do vua đặc cách trao mới được.
Nhưng ngày nay, chẳng có ông vua quái nào ban cho cái quyền này hay quyền nọ, mà nhiều người vẫn tự cho mình vài ba cái quyền cũng dễ sợ không kém.
Chúng ta ai cũng đã có vài ba lần trông thấy những cái quyền đó được đem ra dùng và làm khổ không ít người.
Bạn đến một bữa tiệc, có ca hát phụ diễn, bạn phải mua vé. Nhiều khi phải mua vé hạng nhất, để có chỗ danh dự, có bàn VIP nếu muốn được chỗ tốt để thưởng thức chương trình ca nhạc.
Bạn mua được bàn tốt chọn mãi mới được, không bị mấy cái cột che mất sân khấu, không bị giàn loa làm điếc tai. Tốt lắm.
Nhưng khi chương trình ca nhạc bắt đầu diễn ra trên sân khấu thì một thứ đặc quyền tự ban được đem ra sử dụng.
Và bạn có thể phát điên lên.
Chỗ ngồi tốt trong bàn tiệc VIP của bạn bỗng không có giá trị nữa. Bạn không còn được chỗ tốt hạng danh dự nữa mặc dầu bạn đã phải mua với giá đặc biệt.
Tầm nhìn của bạn bị chặn lại bởi không phải chỉ một hay hai người có cái licence tự họ cho họ, mà là năm bẩy người.
Những người đó, rất hồn nhiên, đứng choán ngay trước mặt bạn, trước hàng ghế danh dự của bạn, che hẳn sân khấu, bạn không còn nhìn thấy gì trên sân khấu nữa.
Những người đó cầm trong tay một đồ vật mà họ cho là vì nó, họ quyền đứng chình ình trước mặt bạn, che lấp hẳn cái tầm nhìn của bạn. Cái vật đó là cái máy chụp hình.
Họ cầm trong tay cái camera và lập tức họ cho họ quyền đứng trước mặt chúng ta.
Vừa mới mấy hôm trước, trong một sinh hoạt gây quĩ, tôi đã bị những người tự ban cho họ cái quyền đó, quyền đứng án ngữ trước mặt khá nhiều người. Chương trình ca hát vừa bắt đầu thì những người này ào lên phía trước, đứng ở ngay trước bàn của chúng tôi và khởi sự áp dụng cái quyền họ tự ban cho họ.
Có sáo thì sáo nước trong
Chớ sáo nước đục, đau lòng cò con...
Phải chi những chiếc máy ảnh họ cầm là những chiếc Leica, Hasselblad, Nikon ... thì cũng đỡ đau lòng cò con đang bị họ đứng án ngữ trước mặt một cách rất hồn nhiên. Nhưng đây chỉ là mấy cái point and shoot camera mà họ cầm trong tay rồi bỗng nhiên tưởng họ là Larry Burrows hay Richard Avedon, hay Yousouf Karsh mới là khổ chúng tôi. Các chàng ngắm tới ngắm lui đã đời rồi mới chụp. Có chàng cầm cả cái ipad to tổ chảng che lấp hẳn sân khấu, cho dẫu chúng tôi có nghiêng đầu, nhổm người lên vẫn không thấy được sân khấu. Các chàng lại dùng khả năng thu video của các máy này để thu hình tòan bộ chương trình ca nhạc, đứng nguyên tại chỗ gây phiền nhiễu và khó chịu không biết bao nhiêu cho chúng tôi.
Cuối cùng, cũng có một người giúp trí nhớ cho các chàng rằng các chàng đang block cái view của chúng tôi, các chàng mới quay lại lườm cho chúng tôi một trận rồi mới rút đi trả lại bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Vì thế, chúng tôi suýt nữa thì mất luôn buổi tối lẽ ra rất đáng nhớ đó chỉ vì cái đặc quyền các chàng tự trao cho mình.
Mong các chàng lần sau mang cái máy đắt tiền và nhà nghề một chút cho chúng tôi đỡ đau lòng cò con là vậy.

Ngày 30 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Selfie là một chữ chỉ mới xuất hiện hồi gần đây, sau sự ra đời của những chiếc điện thoại cầm tay có khả năng chụp hình và thu video. Với những chiếc smart phone, chỉ cần cầm chiếc điện thoại, đưa ra phía trước cách khoảng một tầm tay là người ta có thể tự chụp lấy cho mình một bức ảnh, không cần phải gắn camera lên tripod, dùng bộ phận self timer là có hình của mình ngay, không còn cần phải nhờ người khác chụp hộ.
Động từ selfie sang đến Việt Nam thì được một người nào đó dịch một cách vớ vẩn là "tự sướng".
Lúc đầu chắc không ít người đã nghĩ chuyện hai chữ "tự sướng" không hề dính dáng gì tới việc tự chụp hình cho mình bằng smart phone. Chụp lấy cho mình một bức hình thì ... sướng cái nỗi gì. Có một lần tôi được thấy một phụ nữ trẻ ngồi cạnh cứ ... tự sướng liên tiếp. Cả buổi, cô cứ thế uốn éo tự chụp hình cho mình, hoàn toàn không để ý gì tới người mà chúng tôi định giới thiệu cho cô. Rốt cuộc chuyện mai mối không thành vì cô thích tự sướng hơn.
Sau hôm đó, tôi thấy hai chữ "tự sướng" có thể là cách dịch rất có lý của chữ selfie.
Nhiều người đã tự sướng chứ chẳng phải chỉ có người phụ nữ tôi gặp ở biển hồi mùa hè.
Hồ Chí Minh có nhờ (?) một người tên là Trần Dân Tiên viết một cuốn sách ca ngợi chàng đến tận mây xanh. Nhưng rồi mọi người biết Hồ Chí Minh đã nhờ Trần Dân Tiên (?) viết cho mình cuốn sách bốc thơm đó. Và rồi người ta lại biết thêm Trần Dân Tiên là bút danh của Hồ Chí Minh. Và như vậy, Hồ Chí Minh đã tự ca ngợi mình cho ... các cháu xem chung bằng cuốn sách nhan đề Những Mẩu Chuyện Về Đời hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch.
Nham nhở và vô liêm sỉ hết chỗ nói. Nhưng đó thật đúng ý nghĩa của hai chữ tự sướng.
Chữ selfie đã được chính thức đưa vào tự điển Oxford từ cuối năm 2013.
Muốn tự sướng thực ra chẳng cần cầm cái smart phone lên nhắm vào mặt của minh rồi cười xòe răng ra cho ... sướng. Làm như Hồ Chí Minh là chắc ăn nhất và cũng vô liêm sỉ nhất. Cứ bầy đặt viết cái hồi ký, thêm râu thêm ria, tô mầu đại vĩ tuyến là có ngay một cuốn sách làm bạn bè tức điên lên mấy hồi. Tự vẽ chân dung của mình, của vợ, của chồng, của con thông minh tài giỏi, mình thì đẹp (trai / gái) vợ hay chồng thì tài ba nhất đời thành một cặp trai tài gái cũng có luôn cả sắc , viết luôn cả cảnh bố chồng đứng đái trong vườn xong không cài khuy quần, và chuyện mình có cái mụn ở chỗ kín nữa... rồi bắt mọi người thưởng thức.
Thôi thì làm gần được như thế cũng đủ tự sướng rồi. Có thể dụ vài ba người quen biết lại hay nể nang lấy cái ống đu đủ thật to thổi cho mình vài hơi, viết mấy bài ca cẩm vớ vẩn về mình, rồi đích thân bỏ tiền ra in thành sách, tổ chức ra mắt để thỏa mãn thú tính, dềnh dang ăn uống, đóng kịch giả bộ khiêm tốn, cười cười tự mãn, đạo diễn thêm màn tặng quà lưu niệm cho mình như một ông giáo sư (tự cho mình giữ chức giáo sư) mãn đời nọ (mặc kệ chuyện phấn trắng bảng đen của chàng đã chấm dứt từ lâu rồi) thì không là selfie thì là gì bây giờ?
Tội nghiệp mấy ông thầy thứ thiệt như Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Thẩm, Thẩm Quỳnh, Nguyễn Khắc Hoạch, Phạm Cao Dương... cả đời dành cho chuyện dậy dỗ, công lao không làm sao kể hết thì chẳng được tự sướng được lần nào.
Các ông đều là những ông thầy khả kính, khiêm tốn, tự trọng.
Các thầy không bị cái bệnh khó chữa, bệnh mà hình như khá nhiều người mắc phải. Đó là bệnh bắng nhắng hay là bặng nhặng thì cũng vậy.
Bắng nhắng là trò rối rít, lăng xăng, ồn ào cốt để gây sự chú ý của mọi người, tự làm ra vẻ quan trọng lắm, mà chung qui chỉ vì sợ bị bỏ quên, không ai biết đến mình nên phải tự sướng một cái cho bõ những ngày cơ cực.
Nhưng bắng nhắng cách mấy thì cũng vẫn chỉ là bắng nhắng, hay bặng nhặng là cùng.
Phường tuồng vô cùng: "Dẫu rằng dối được đàn con trẻ / cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn..." (Yên Đổ)
Chướng ơi là chướng!

Ngày 3 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Tục ngữ Việt Nam có câu "Ăn đã vậy, múa gậy làm sao". ( Được cho) ăn no cái bụng rồi thì phải múa chứ. Không múa may quay cuồng gì thì chướng lắm. Mà phải múa cho ra trò mới được. Chứ múa cho có lệ là không được.
Người Mỹ cũng có một câu tương tự "Bang for the buck", đáng đồng tiền bát gạo. Mất tiền (buck) mua pháo thì pháo phải nổ cho to (bang) mới bõ tiền bỏ ra mua pháo.
Theo báo trong nước thì chiếc tiềm thủy đĩnh đầu tiên mà Việt Nam mua của Nga đã về tới Việt Nam. Tầu do một hãng đóng tầu của Nga đóng xong từ tháng trước sau đó, tầu được đưa lên một tầu hải vận tên là Rolldock Sea của Hà Lan chở từ Nga về Việt Nam. Tầu ngầm mang tên là Hà Nội đã được đem về tận Cam Ranh trên tầu vận tải và đã được cho cập bến Cam Ranh.
Mặc dù tầu không dính nước biển Đông một chút nào trên đường đi Cam Ranh, báo chí trong nước, theo lối tường thuật huênh hoang cố hữu, đã viết nhắng lên rằng tầu ngầm Hà Nội đã xẻ ngang biển Đông về Việt Nam. Xẻ đâu mà xẻ, nếu có xẻ biển Đông là cái Rolldock Sea làm chứ tiềm thủy đĩnh Hà Nội nằm an toàn trong lòng chiếc tầu vận tải chứ có "rửa chân" ở biển Đông lúc nào đâu mà phét lác.
Trước đó, mấy tờ báo trong nước cũng hô hoán ầm lên rằng tầu Kilo của Việt Nam là hay nhất, mạnh nhất, hơn cả những tầu Kilo mà hải quân Ấn mua của Nga, và vượt luôn cả các tiềm thủy đĩnh của Tầu Cộng.
Thôi nghe vậy thì cũng mừng cho nước ta mua được đồ tốt.
Chi mấy tỉ mà có được tầu ngầm tốt hơn những chiếc tầu cùng kiểu, cùng do Nga sản xuất thì đáng mừng lắm.
Tầu mang về an toàn tới tận quân cảng Cam Ranh rồi thì nay nên mang ra chạy ngay đi chứ còn mắc cở gì nữa?
Nhưng có vài ba chuyện nên nói ra ở đây. Quân cảng Cam Ranh có một số nơi nằm sát các khu vực đậu tầu chiến đã bị đem cho mấy anh Tầu thuê để nuôi cá từ mấy năm nay. Từ những nơi nuôi cá này, mấy anh Tầu nuôi cá có thể quan sát rất kỹ lối vào lối ra, các cầu tầu nơi các chiến hạm thả neo rồi thì liệu các chiến hạm Việt Nam có còn giữ được bí mật để hoạt động hữu hiệu không? Câu hỏi này không cần trả lời.
Theo các tài liệu về loại tầu ngầm Kilo thì tầu ngầm Hà Nội có thể trang bị các loại võ khí tấn công và phòng thủ với ngư lôi, phi đạn chống tầu và phi đạn phòng không.
Nhưng người ta có dám dùng các chiến hạm võ trang hùng mạnh như thế vào việc bảo vệ các đảo và hải phận của Việt Nam không? Có nhiều lý do để tin là không.
Cho mãi tới tận gần đây, nói tới Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là những điều cấm kỵ. Người ta vẫn còn sợ làm phật lòng đàn anh lắm. Ngay việc đặt tên cho các chiến hạm mới mua của Nga cho hải quân Việt Nam cũng được làm một cách rất dè dặt. Dè dặt đến mức độ hèn nhát. Sợ phạm húy, phải kiêng không dám đặt cho các chiến hạm mày tên của các nhân vật lịch sử từng đánh Tầu và các địa điểm từng diễn ra những trận đánh tan quân xâm lược miền Bắc.
Thí dụ hai chiến hạm mang tên Đinh Tiên Hoàng HQ-011 và Lý Thái Tổ HQ-012 chẳng hạn. Hai ông vua anh hùng này của Việt Nam có rất nhiều công lao với đất nước. Nhưng cả hai đều không đánh Tầu một trận nào. Không dám đặt những tên như Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... chỉ vì mấy ông này đã từng đánh Tầu tơi tả.
Còn sáu chiếc tầu ngầm mới mua thì đặt tên là Hà Nội HQ-182, Thành phố Hồ Chí Minh HQ-183, Hải Phòng HQ-184, Đà Nẵng HQ-185, Khánh Hòa HQ-186, và Bà Rịa Vũng Tầu HQ-187...
Tất cả những địa danh kể trên đều chưa bao giờ diễn ra một trận hải chiến nào với Tầu. Nếu lẫn vào những cái tên chiến hạm là 1 hay 2 cái tên húy kỵ thì cũng có thể tạm hiểu được. Nhưng khi tất cả 6 chiếc tầu ngầm đều được đặt cho những cái tên sợ phạm húy như thế thì ... hèn thấy rõ.
Rồi đây, sau khi có được những chiếc tầu ngầm mới này, có dám đem chúng ra húc bỏ mẹ mấy cái tầu thường xuyên bắt nạt ngư dân Việt Nam không?
Hèn từ cách đặt tên hèn đi thì làm sao có chuyện đánh mấy cái tầu của ba Tầu được.

Ngày 5 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Từ hơn một tuần nay, một số báo trong nước như các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục Việt Nam ... đã đăng tải (nhiều kỳ) một số bài viết về Hoàng Sa nhân sắp đến kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng đưa quân đánh chiếm (ngày 19 tháng 1 năm 1974).
Đáng kể nhất là các bài viết của Trần Công Trục, cựu Trưởng Ban Biên Giới của Hà Nội, trong đó, lần đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa đã được đề cập đến bằng danh xưng chính thức là Việt Nam Cộng Hòa, không phải là nhà cầm quyền Sài Gòn, và nhất là không bằng cách gọi xách mé đầy hỗn hào và hận thù là chính phủ Ngụy, Ngụy quyền, lính Ngụy...
Các ông Nguyễn Văn Thiệu , Vương Văn Bắc đều được nhắc đến bằng danh xưng tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và tổng trưởng Ngoại Giao Vương Văn Bắc thay vì tổng thống Ngụy, bộ trưởng Ngoại Giao Ngụy. Các sĩ quan hải quân được gọi bằng các chức vụ đầy đủ. Việt Nam Cộng Hòa được viết tắt bằng các chữ VNCH. Trong một bài viết, tác giả Trần Công Trục đã dùng chữ "ta" để nói về lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa trong trận đối đầu với lực lượng của Trung quốc. Việc Trung quốc chiếm Hoàng Sa lần đầu tiên được gọi một cách công khai trên báo là một hành động "phi nghĩa" và hành động chống trả lại Trung quốc của các quân nhân hải quân Việt Nam Cộng Hòa được mô tả là "kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng" như trong bài của Đỗ Hùng trên tờ Thanh Niên số đề ngày 5 tháng 1 năm 2014.
Tất cả các tờ báo kể trên đều đăng lại hình chụp của các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tham chiến tại Hoàng Sa như tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10. Ngoài ra, bài viết của Trần Công Trục còn sử dụng di ảnh của thiếu tá Ngụy Văn Thà và 5 sĩ quan, binh sĩ tuẫn tiết theo chiến hạm Nhật Tảo.
Các bài báo đều dựa trên các tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa như tuyên cáo số 015/BNG của bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa và các bài viết của các sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm, Hồ Văn Kỳ Thoại thay vì những thứ tài liệu một chiều ngụy tạo để mạ lỵ phía Việt Nam Cộng Hòa như từ trước tới nay.
Rõ nhất là đoạn cuối của bài Quyết Liệt vì Hoàng Sa nguyên văn: "Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chi bất khuất của người Việt trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng".
Kẻ thù rõ ràng "kẻ thù" trong đoạn viết vừa dẫn là Trung quốc và các "quân nhân kiên cường" là các binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Như thế, sau suốt mấy chục năm không dám hé môi nói bất cứ gì về trận Hoàng Sa vì há miệng mắc quai, thò ra cái đuôi nô dịch bán nước, hèn nhát sợ nhắc đến hành động xâm lăng của Trung quốc và chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của phía Việt Nam Cộng Hòa, những bài viết trên mấy tờ báo trong nước đã lần đầu tiên nói lên sự thực về trận Hoàng Sa.
Chỉ mấy tháng trước, nói đến trận Hoàng Sa là bị đàn áp, bắt dẹp ngay như ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, mặc cái áo thun có hình lưỡi bò bị xóa , hay hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cũng đủ để bị bắt như trường hợp Điếu Cầy và nhiều người khác. Nhưng nay, với mấy bài viết như đã kể trên, người đọc có thể hiểu là lập trường của Hà Nội đang đổi khác để hòa hợp, hòa giải chăng?

Chắc là không. Sau khi quyết liệt bênh vực Trung quốc, đàn áp những người yêu nưôc chống lại Tầu Cộng từ bao lâu nay mà thấy chẳng ăn thua gì, có thể bọn Hà Nội định quay ra ve vuốt người dân bằng những bài báo sặc mùi ... Việt Nam Cộng Hòa trong trận Hoàng Sa để mong có được sự ủng hộ của người dân trong việc đối phó với Bắc kinh trong những ngày tới chăng?