January 6, 2014

January 6, 2014

Ngày 29 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Điệp viên James Bond 007 có một cái giấy phép rất dễ sợ, đó là cái giấy phép giết người. Giấy phép giết người, licence to kill là quyền đặc biệt mà một chính phủ hay một cơ quan của chính phủ cấp cho một nhân viên, mà thường là một điệp viên trong khi thi hành nhiệm vụ trao phó, được quyền dùng tất cả các biện pháp cần thiết để thành đạt được mục tiêu, kể cả việc giết người.
Trong lịch sử Việt Nam, Trần Hưng Đạo được vua nhà Trần cho phép "tiền trảm, hậu tấu", nghĩa là cứ chém đầu trước rồi về tâu vua cũng được. Lúc ấy, Việt Nam đang bị quân Nguyên xâm lăng. Quyền chém trước báo cáo sau là cần thiết. Quyền ấy phải do vua đặc cách trao mới được.
Nhưng ngày nay, chẳng có ông vua quái nào ban cho cái quyền này hay quyền nọ, mà nhiều người vẫn tự cho mình vài ba cái quyền cũng dễ sợ không kém.
Chúng ta ai cũng đã có vài ba lần trông thấy những cái quyền đó được đem ra dùng và làm khổ không ít người.
Bạn đến một bữa tiệc, có ca hát phụ diễn, bạn phải mua vé. Nhiều khi phải mua vé hạng nhất, để có chỗ danh dự, có bàn VIP nếu muốn được chỗ tốt để thưởng thức chương trình ca nhạc.
Bạn mua được bàn tốt chọn mãi mới được, không bị mấy cái cột che mất sân khấu, không bị giàn loa làm điếc tai. Tốt lắm.
Nhưng khi chương trình ca nhạc bắt đầu diễn ra trên sân khấu thì một thứ đặc quyền tự ban được đem ra sử dụng.
Và bạn có thể phát điên lên.
Chỗ ngồi tốt trong bàn tiệc VIP của bạn bỗng không có giá trị nữa. Bạn không còn được chỗ tốt hạng danh dự nữa mặc dầu bạn đã phải mua với giá đặc biệt.
Tầm nhìn của bạn bị chặn lại bởi không phải chỉ một hay hai người có cái licence tự họ cho họ, mà là năm bẩy người.
Những người đó, rất hồn nhiên, đứng choán ngay trước mặt bạn, trước hàng ghế danh dự của bạn, che hẳn sân khấu, bạn không còn nhìn thấy gì trên sân khấu nữa.
Những người đó cầm trong tay một đồ vật mà họ cho là vì nó, họ quyền đứng chình ình trước mặt bạn, che lấp hẳn cái tầm nhìn của bạn. Cái vật đó là cái máy chụp hình.
Họ cầm trong tay cái camera và lập tức họ cho họ quyền đứng trước mặt chúng ta.
Vừa mới mấy hôm trước, trong một sinh hoạt gây quĩ, tôi đã bị những người tự ban cho họ cái quyền đó, quyền đứng án ngữ trước mặt khá nhiều người. Chương trình ca hát vừa bắt đầu thì những người này ào lên phía trước, đứng ở ngay trước bàn của chúng tôi và khởi sự áp dụng cái quyền họ tự ban cho họ.
Có sáo thì sáo nước trong
Chớ sáo nước đục, đau lòng cò con...
Phải chi những chiếc máy ảnh họ cầm là những chiếc Leica, Hasselblad, Nikon ... thì cũng đỡ đau lòng cò con đang bị họ đứng án ngữ trước mặt một cách rất hồn nhiên. Nhưng đây chỉ là mấy cái point and shoot camera mà họ cầm trong tay rồi bỗng nhiên tưởng họ là Larry Burrows hay Richard Avedon, hay Yousouf Karsh mới là khổ chúng tôi. Các chàng ngắm tới ngắm lui đã đời rồi mới chụp. Có chàng cầm cả cái ipad to tổ chảng che lấp hẳn sân khấu, cho dẫu chúng tôi có nghiêng đầu, nhổm người lên vẫn không thấy được sân khấu. Các chàng lại dùng khả năng thu video của các máy này để thu hình tòan bộ chương trình ca nhạc, đứng nguyên tại chỗ gây phiền nhiễu và khó chịu không biết bao nhiêu cho chúng tôi.
Cuối cùng, cũng có một người giúp trí nhớ cho các chàng rằng các chàng đang block cái view của chúng tôi, các chàng mới quay lại lườm cho chúng tôi một trận rồi mới rút đi trả lại bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Vì thế, chúng tôi suýt nữa thì mất luôn buổi tối lẽ ra rất đáng nhớ đó chỉ vì cái đặc quyền các chàng tự trao cho mình.
Mong các chàng lần sau mang cái máy đắt tiền và nhà nghề một chút cho chúng tôi đỡ đau lòng cò con là vậy.

Ngày 30 tháng 12 năm 2013
Bạn ta,
Selfie là một chữ chỉ mới xuất hiện hồi gần đây, sau sự ra đời của những chiếc điện thoại cầm tay có khả năng chụp hình và thu video. Với những chiếc smart phone, chỉ cần cầm chiếc điện thoại, đưa ra phía trước cách khoảng một tầm tay là người ta có thể tự chụp lấy cho mình một bức ảnh, không cần phải gắn camera lên tripod, dùng bộ phận self timer là có hình của mình ngay, không còn cần phải nhờ người khác chụp hộ.
Động từ selfie sang đến Việt Nam thì được một người nào đó dịch một cách vớ vẩn là "tự sướng".
Lúc đầu chắc không ít người đã nghĩ chuyện hai chữ "tự sướng" không hề dính dáng gì tới việc tự chụp hình cho mình bằng smart phone. Chụp lấy cho mình một bức hình thì ... sướng cái nỗi gì. Có một lần tôi được thấy một phụ nữ trẻ ngồi cạnh cứ ... tự sướng liên tiếp. Cả buổi, cô cứ thế uốn éo tự chụp hình cho mình, hoàn toàn không để ý gì tới người mà chúng tôi định giới thiệu cho cô. Rốt cuộc chuyện mai mối không thành vì cô thích tự sướng hơn.
Sau hôm đó, tôi thấy hai chữ "tự sướng" có thể là cách dịch rất có lý của chữ selfie.
Nhiều người đã tự sướng chứ chẳng phải chỉ có người phụ nữ tôi gặp ở biển hồi mùa hè.
Hồ Chí Minh có nhờ (?) một người tên là Trần Dân Tiên viết một cuốn sách ca ngợi chàng đến tận mây xanh. Nhưng rồi mọi người biết Hồ Chí Minh đã nhờ Trần Dân Tiên (?) viết cho mình cuốn sách bốc thơm đó. Và rồi người ta lại biết thêm Trần Dân Tiên là bút danh của Hồ Chí Minh. Và như vậy, Hồ Chí Minh đã tự ca ngợi mình cho ... các cháu xem chung bằng cuốn sách nhan đề Những Mẩu Chuyện Về Đời hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch.
Nham nhở và vô liêm sỉ hết chỗ nói. Nhưng đó thật đúng ý nghĩa của hai chữ tự sướng.
Chữ selfie đã được chính thức đưa vào tự điển Oxford từ cuối năm 2013.
Muốn tự sướng thực ra chẳng cần cầm cái smart phone lên nhắm vào mặt của minh rồi cười xòe răng ra cho ... sướng. Làm như Hồ Chí Minh là chắc ăn nhất và cũng vô liêm sỉ nhất. Cứ bầy đặt viết cái hồi ký, thêm râu thêm ria, tô mầu đại vĩ tuyến là có ngay một cuốn sách làm bạn bè tức điên lên mấy hồi. Tự vẽ chân dung của mình, của vợ, của chồng, của con thông minh tài giỏi, mình thì đẹp (trai / gái) vợ hay chồng thì tài ba nhất đời thành một cặp trai tài gái cũng có luôn cả sắc , viết luôn cả cảnh bố chồng đứng đái trong vườn xong không cài khuy quần, và chuyện mình có cái mụn ở chỗ kín nữa... rồi bắt mọi người thưởng thức.
Thôi thì làm gần được như thế cũng đủ tự sướng rồi. Có thể dụ vài ba người quen biết lại hay nể nang lấy cái ống đu đủ thật to thổi cho mình vài hơi, viết mấy bài ca cẩm vớ vẩn về mình, rồi đích thân bỏ tiền ra in thành sách, tổ chức ra mắt để thỏa mãn thú tính, dềnh dang ăn uống, đóng kịch giả bộ khiêm tốn, cười cười tự mãn, đạo diễn thêm màn tặng quà lưu niệm cho mình như một ông giáo sư (tự cho mình giữ chức giáo sư) mãn đời nọ (mặc kệ chuyện phấn trắng bảng đen của chàng đã chấm dứt từ lâu rồi) thì không là selfie thì là gì bây giờ?
Tội nghiệp mấy ông thầy thứ thiệt như Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Thẩm, Thẩm Quỳnh, Nguyễn Khắc Hoạch, Phạm Cao Dương... cả đời dành cho chuyện dậy dỗ, công lao không làm sao kể hết thì chẳng được tự sướng được lần nào.
Các ông đều là những ông thầy khả kính, khiêm tốn, tự trọng.
Các thầy không bị cái bệnh khó chữa, bệnh mà hình như khá nhiều người mắc phải. Đó là bệnh bắng nhắng hay là bặng nhặng thì cũng vậy.
Bắng nhắng là trò rối rít, lăng xăng, ồn ào cốt để gây sự chú ý của mọi người, tự làm ra vẻ quan trọng lắm, mà chung qui chỉ vì sợ bị bỏ quên, không ai biết đến mình nên phải tự sướng một cái cho bõ những ngày cơ cực.
Nhưng bắng nhắng cách mấy thì cũng vẫn chỉ là bắng nhắng, hay bặng nhặng là cùng.
Phường tuồng vô cùng: "Dẫu rằng dối được đàn con trẻ / cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn..." (Yên Đổ)
Chướng ơi là chướng!

Ngày 3 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Tục ngữ Việt Nam có câu "Ăn đã vậy, múa gậy làm sao". ( Được cho) ăn no cái bụng rồi thì phải múa chứ. Không múa may quay cuồng gì thì chướng lắm. Mà phải múa cho ra trò mới được. Chứ múa cho có lệ là không được.
Người Mỹ cũng có một câu tương tự "Bang for the buck", đáng đồng tiền bát gạo. Mất tiền (buck) mua pháo thì pháo phải nổ cho to (bang) mới bõ tiền bỏ ra mua pháo.
Theo báo trong nước thì chiếc tiềm thủy đĩnh đầu tiên mà Việt Nam mua của Nga đã về tới Việt Nam. Tầu do một hãng đóng tầu của Nga đóng xong từ tháng trước sau đó, tầu được đưa lên một tầu hải vận tên là Rolldock Sea của Hà Lan chở từ Nga về Việt Nam. Tầu ngầm mang tên là Hà Nội đã được đem về tận Cam Ranh trên tầu vận tải và đã được cho cập bến Cam Ranh.
Mặc dù tầu không dính nước biển Đông một chút nào trên đường đi Cam Ranh, báo chí trong nước, theo lối tường thuật huênh hoang cố hữu, đã viết nhắng lên rằng tầu ngầm Hà Nội đã xẻ ngang biển Đông về Việt Nam. Xẻ đâu mà xẻ, nếu có xẻ biển Đông là cái Rolldock Sea làm chứ tiềm thủy đĩnh Hà Nội nằm an toàn trong lòng chiếc tầu vận tải chứ có "rửa chân" ở biển Đông lúc nào đâu mà phét lác.
Trước đó, mấy tờ báo trong nước cũng hô hoán ầm lên rằng tầu Kilo của Việt Nam là hay nhất, mạnh nhất, hơn cả những tầu Kilo mà hải quân Ấn mua của Nga, và vượt luôn cả các tiềm thủy đĩnh của Tầu Cộng.
Thôi nghe vậy thì cũng mừng cho nước ta mua được đồ tốt.
Chi mấy tỉ mà có được tầu ngầm tốt hơn những chiếc tầu cùng kiểu, cùng do Nga sản xuất thì đáng mừng lắm.
Tầu mang về an toàn tới tận quân cảng Cam Ranh rồi thì nay nên mang ra chạy ngay đi chứ còn mắc cở gì nữa?
Nhưng có vài ba chuyện nên nói ra ở đây. Quân cảng Cam Ranh có một số nơi nằm sát các khu vực đậu tầu chiến đã bị đem cho mấy anh Tầu thuê để nuôi cá từ mấy năm nay. Từ những nơi nuôi cá này, mấy anh Tầu nuôi cá có thể quan sát rất kỹ lối vào lối ra, các cầu tầu nơi các chiến hạm thả neo rồi thì liệu các chiến hạm Việt Nam có còn giữ được bí mật để hoạt động hữu hiệu không? Câu hỏi này không cần trả lời.
Theo các tài liệu về loại tầu ngầm Kilo thì tầu ngầm Hà Nội có thể trang bị các loại võ khí tấn công và phòng thủ với ngư lôi, phi đạn chống tầu và phi đạn phòng không.
Nhưng người ta có dám dùng các chiến hạm võ trang hùng mạnh như thế vào việc bảo vệ các đảo và hải phận của Việt Nam không? Có nhiều lý do để tin là không.
Cho mãi tới tận gần đây, nói tới Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là những điều cấm kỵ. Người ta vẫn còn sợ làm phật lòng đàn anh lắm. Ngay việc đặt tên cho các chiến hạm mới mua của Nga cho hải quân Việt Nam cũng được làm một cách rất dè dặt. Dè dặt đến mức độ hèn nhát. Sợ phạm húy, phải kiêng không dám đặt cho các chiến hạm mày tên của các nhân vật lịch sử từng đánh Tầu và các địa điểm từng diễn ra những trận đánh tan quân xâm lược miền Bắc.
Thí dụ hai chiến hạm mang tên Đinh Tiên Hoàng HQ-011 và Lý Thái Tổ HQ-012 chẳng hạn. Hai ông vua anh hùng này của Việt Nam có rất nhiều công lao với đất nước. Nhưng cả hai đều không đánh Tầu một trận nào. Không dám đặt những tên như Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... chỉ vì mấy ông này đã từng đánh Tầu tơi tả.
Còn sáu chiếc tầu ngầm mới mua thì đặt tên là Hà Nội HQ-182, Thành phố Hồ Chí Minh HQ-183, Hải Phòng HQ-184, Đà Nẵng HQ-185, Khánh Hòa HQ-186, và Bà Rịa Vũng Tầu HQ-187...
Tất cả những địa danh kể trên đều chưa bao giờ diễn ra một trận hải chiến nào với Tầu. Nếu lẫn vào những cái tên chiến hạm là 1 hay 2 cái tên húy kỵ thì cũng có thể tạm hiểu được. Nhưng khi tất cả 6 chiếc tầu ngầm đều được đặt cho những cái tên sợ phạm húy như thế thì ... hèn thấy rõ.
Rồi đây, sau khi có được những chiếc tầu ngầm mới này, có dám đem chúng ra húc bỏ mẹ mấy cái tầu thường xuyên bắt nạt ngư dân Việt Nam không?
Hèn từ cách đặt tên hèn đi thì làm sao có chuyện đánh mấy cái tầu của ba Tầu được.

Ngày 5 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Từ hơn một tuần nay, một số báo trong nước như các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giáo Dục Việt Nam ... đã đăng tải (nhiều kỳ) một số bài viết về Hoàng Sa nhân sắp đến kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng đưa quân đánh chiếm (ngày 19 tháng 1 năm 1974).
Đáng kể nhất là các bài viết của Trần Công Trục, cựu Trưởng Ban Biên Giới của Hà Nội, trong đó, lần đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa đã được đề cập đến bằng danh xưng chính thức là Việt Nam Cộng Hòa, không phải là nhà cầm quyền Sài Gòn, và nhất là không bằng cách gọi xách mé đầy hỗn hào và hận thù là chính phủ Ngụy, Ngụy quyền, lính Ngụy...
Các ông Nguyễn Văn Thiệu , Vương Văn Bắc đều được nhắc đến bằng danh xưng tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và tổng trưởng Ngoại Giao Vương Văn Bắc thay vì tổng thống Ngụy, bộ trưởng Ngoại Giao Ngụy. Các sĩ quan hải quân được gọi bằng các chức vụ đầy đủ. Việt Nam Cộng Hòa được viết tắt bằng các chữ VNCH. Trong một bài viết, tác giả Trần Công Trục đã dùng chữ "ta" để nói về lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa trong trận đối đầu với lực lượng của Trung quốc. Việc Trung quốc chiếm Hoàng Sa lần đầu tiên được gọi một cách công khai trên báo là một hành động "phi nghĩa" và hành động chống trả lại Trung quốc của các quân nhân hải quân Việt Nam Cộng Hòa được mô tả là "kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng" như trong bài của Đỗ Hùng trên tờ Thanh Niên số đề ngày 5 tháng 1 năm 2014.
Tất cả các tờ báo kể trên đều đăng lại hình chụp của các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tham chiến tại Hoàng Sa như tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10. Ngoài ra, bài viết của Trần Công Trục còn sử dụng di ảnh của thiếu tá Ngụy Văn Thà và 5 sĩ quan, binh sĩ tuẫn tiết theo chiến hạm Nhật Tảo.
Các bài báo đều dựa trên các tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa như tuyên cáo số 015/BNG của bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa và các bài viết của các sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm, Hồ Văn Kỳ Thoại thay vì những thứ tài liệu một chiều ngụy tạo để mạ lỵ phía Việt Nam Cộng Hòa như từ trước tới nay.
Rõ nhất là đoạn cuối của bài Quyết Liệt vì Hoàng Sa nguyên văn: "Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chi bất khuất của người Việt trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng".
Kẻ thù rõ ràng "kẻ thù" trong đoạn viết vừa dẫn là Trung quốc và các "quân nhân kiên cường" là các binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Như thế, sau suốt mấy chục năm không dám hé môi nói bất cứ gì về trận Hoàng Sa vì há miệng mắc quai, thò ra cái đuôi nô dịch bán nước, hèn nhát sợ nhắc đến hành động xâm lăng của Trung quốc và chính nghĩa bảo vệ tổ quốc của phía Việt Nam Cộng Hòa, những bài viết trên mấy tờ báo trong nước đã lần đầu tiên nói lên sự thực về trận Hoàng Sa.
Chỉ mấy tháng trước, nói đến trận Hoàng Sa là bị đàn áp, bắt dẹp ngay như ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, mặc cái áo thun có hình lưỡi bò bị xóa , hay hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cũng đủ để bị bắt như trường hợp Điếu Cầy và nhiều người khác. Nhưng nay, với mấy bài viết như đã kể trên, người đọc có thể hiểu là lập trường của Hà Nội đang đổi khác để hòa hợp, hòa giải chăng?

Chắc là không. Sau khi quyết liệt bênh vực Trung quốc, đàn áp những người yêu nưôc chống lại Tầu Cộng từ bao lâu nay mà thấy chẳng ăn thua gì, có thể bọn Hà Nội định quay ra ve vuốt người dân bằng những bài báo sặc mùi ... Việt Nam Cộng Hòa trong trận Hoàng Sa để mong có được sự ủng hộ của người dân trong việc đối phó với Bắc kinh trong những ngày tới chăng?