January 29, 2015

January 30, 2015

 MỘT TRÒ MẤT DẠY ĐẦY SÁNG TẠO

Ở Việt Nam này nay, chuyện người ta đánh nhau công khai giữa những nơi công cộng là chuyện quá thường. Tại những nơi trước đây ít ai nghĩ là ít khi diễn ra bạo động thì nay, những vụ bạo hành xẩy ra như cơm bữa. Mở bất cứ tờ báo nào trong nước ra là người đọc tìm thấy cả chục vụ đánh nhau, hành hung nhẹ thì thương tích đầy người, nặng thì trí mạng mà nhiều khi nguyên do đưa tới bạo động chỉ là vì một bản nhạc trong một quán karaoke. Ở các trường học, đã xẩy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau tàn bạo trong khi các bạn cùng lớp thản nhiên đứng vây chung quanh, dùng máy điện thoại thu hình rồi đưa lên facebook cho mọi người xem. Có khi là nam sinh đánh nhau, nữ sinh đứng vừa xem vừa cổ vũ. Có khi là các nữ sinh xung trận, xé áo quần của nhau, ngôn ngữ đi kèm là những thứ chữ nghĩa không thể nhắc lại trên báo chí cũng được các bạn nam cũng như nữ thu video đưa lên internet.
Tại một trường trung học nọ ở Hà Nội, ban giám đốc đã phải dựng một tấm bảng ở giữa sân để nhắc nhở các học sinh không được cởi quần áo của nhau trong khi đánh nhau. Chi tiết này cho thấy là những vụ đánh nhau rồi lột quần áo của nhau chắc phải thường xuyên diễn ra lắm. Thường xuyên đến độ nhà trường phải dựng bảng cảnh cáo ngay ở giữa sân.


Ở trường học sinh đánh nhau là chuyện rất thường. Học sinh cũng đánh luôn cả thầy giáo, cô giáo. Tại một trường khác, ngay dưới hàng chữ treo ở chỗ cao nhất trong lớp có ghi rõ câu nhắc nhở các học sinh học tốt, giáo viên dậy tốt học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì đoạn video clip của một học sinh của lớp thu được cảnh một học sinh xông lên bục đấm đá , lên gối ông thầy dậy môn hóa học chỉ vì ông thầy trẻ này vừa kỷ luật một học sinh. Mới cách đây hai hay ba tuần, một cô giáo cũng bị một nữ sinh cho một trận nhừ tử ngay giữa lớp của cô. Trong khi ở cổng trường là những hàng chữ nguyên văn: Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch.

Cảnh “nhà kia lỗi đạo con khinh bố / Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như trong hai câu của ông Tú Vị Xuyên thì đã nhằm nhò gì. Ngày xưa, trò đánh nhau ở trường rất ít khi xẩy ra, mà có xẩy ra thì hung khí nhiều lắm là cái khóa xe đạp là đã ghê khiếp lắm rồi. Các tay sừng sỏ như Tư Cóc, Năm Lửa … nổi tiếng một thời thì cũng rất hiền, không bao giờ đánh bạn. Thường thì những trận thư hùng của các chàng cũng chỉ diễn ra ở ngoài cổng trường. Đó là ở các trường nam. Các trường nữ thì không bao giờ xẩy ra những chuyện như thế.

Nói cho ngay thì trò đánh nhau ở ngoài đường hồi đó, trước năm 1975 cũng có xẩy ra. Luôn cả trò xé áo xé quần của đối phương cũng có nhưng một trận đánh xẩy ra mới đây được báo chí tường thuật khá kỹ làm hai kỳ cho thấy đánh nhau ngày nay cũng cần phải có nét sáng tạo ở trong nữa mới được.
Hôm tháng 9 năm ngoái, năm 2014, ở tỉnh Đắc Nông có xẩy ra một vụ xích mích nặng của mấy người trong một gia đình đưa tới xung đột bạo động. Một toán người đã kéo đến nhà của cặp vợ chồng anh C. và chị T. Sau khi đập phá tan hoang nhà của vợ chồng này, đám đông lôi hai người ra trước nhà đánh tiếp. Một người trong đám đông hành hung hai nạn nhân bỗng hét lớn: “Lột quần nó ra vặt hết lông đi”. Đám đông liền chấp hành nghiêm chỉnh theo lời đề nghị đầy sáng tạo đó. Bản tin của tờ An Ninh Thủ Đô cho biết chị T. liền bị lột hết quần áo và đám đông đã xông vào làm đúng lời hô hào. Và như vậy, người ta không thèm hành hung theo kiểu đánh cẩu tặc nữa. Không dùng roi chích điện, không thèm gây thương tích rồi nổi lửa đốt như người ta vẫn thường thấy nữa. Cũng không chỉ lột quần áo như những trò thường tình nữa.

Vặt. Người ta vặt. Không nhổ. Nhổ là có chút cẩn thận ở trong. Nhổ là bứt đi từng sợi một. Nhổ có nét nâng niu. Vặt tàn bạo hơn. Vặt không bao giờ mang ý nghĩa từng sợi một. Túm lấy nguyên cả một nắm. Giật mạnh. Không cần quan tâm tới chi tiết phía bên kia có đau hay không. Đau càng tốt. Giết con vịt, con gà thì ai lại nhổ lông chúng. Vặt thì mới là cách làm cho những cái lông ấy rời ra khỏi thân mình chúng.

Đám đông đã tỏ ra vô cùng tàn bạo nhưng cũng đầy sáng tạo trong trận bạo hành ở Đắc Nông. Đánh có đánh. Tàn bạo cũng rất tàn bạo nhưng với cái lệnh vặt cho bằng hết đã làm cho vụ hành hung này có được thêm phần sáng tạo.

Chắc là học của bác Hồ. Ai bảo bầy đặt giống bác. Các cháu ngoan của bác liền vặt cho hết giống bác.


Cho bần chí tử luôn.

January 27, 2015

January 23, 2015

NHỮNG CON LỢN XỔNG CHUỒNG

Thực ra những con lợn này không phải lúc nào cũng tệ lậu như thế. Chúng đã từng có một lịch sử cổ xưa, một nếp sống văn hóa, văn minh lâu dài, từng đi được những bước dài đầu tiên cho nhân loại.

Đọc Nhân Sinh Đích Nghệ Thuật (Một Quan Niệm Sống Đẹp do Nguyễn Hiến Lê dịch) và Ngã Quốc Dữ Ngã Dân (Nước Tôi Dân Tôi) của Lâm Ngữ Đường, người ta thấy ngay những điều ấy. Dân tộc Trung Hoa đã có lúc là đàn anh thiên hạ, coi các nước khác từ Âu sang Á là man di, mọi rợ, cỏ rác hết.

Nhưng từ khoảng một thế kỷ nay, Trung Hoa đã trải qua rất nhiều đổi thay, cả về đất nước lẫn con người khiến cho những nét đẹp của nó đã mất đi rất nhiều. Tác giả Bá Dương sinh ra tại Hoa lục, lớn lên ở Đài Loan là người có đủ thẩm quyền để đưa ra nhận định đó. Ông từng sống ở cả trong lục địa lẫn Đài Loan, những chuyến xuất ngoại càng làm cho ông thấy rõ hơn những nét tiêu cực để viết lại trong cuốn Xú Lậu Đích Trung Quốc Nhân (Người Trung Quốc Xấu Xí do Nguyễn Hồi Thủ dịch sang Việt ngữ), cuốn sách bầy ra tất cả những điều xấu xa của người Hoa ngày nay mà chính Đặng Tiểu Bình cũng đọc rồi không nói được gì để phản bác lại tác giả Bá Dương. Ông Bá Dương coi nước Trung Hoa của ông là một cái vại tương hôi thối xấu xa, người dân mang tất cả những điều xấu xa tệ lậu nhất ở trên đời này, tranh nhau để sống bằng những trò giành giật ác độc bất nhân nhất. 

Gần đây, một người viết phụ nữ ở tuổi rất trẻ, khoảng dưới 30, Echo Wang có viết một cuốn sách, về mặt văn chương không có bao nhiêu, nhưng những ghi chép qua kinh nghiệm của cô đã phản ảnh được rất nhiều về những người cùng gốc gác với cô. Echo Wang không ra đời hay lớn lên ở Hoa Lục. Cô là người gốc Hoa sinh trưởng tại một nước trong vùng Đông Nam Á, làm việc cho một công ty ngoại quốc, đã từng thăm viếng hơn 40 nước vì việc làm của cô. Trong những chuyến đi đó, cô có dịp quan sát những toán du khách người Hoa từ Trung quốc. Những điều cô chứng kiến đã làm cho cô kinh hoàng không ít. Những toán du khách này, qua các hành động của họ, đã trở thành những chuyện kinh hoàng cho dân chúng bản xứ vì sự thiếu văn minh và văn hóa của họ mà họ mang theo từ những vùng làng quê Trung quốc nơi họ sống cả một đời làm lụng vất vả, kiếm được ít tiền rồi rủ nhau đi du lịch để xem thế giới bên ngoài như thế nào. Và nạn nhân của họ là những người sống kề cận với họ ở những nước “núi liền núi, sông liền sông” với họ. Đó có thể là Thái Lan, Việt Nam… Xa hơn một chút là Malaysia, Singapore, Indonesia… Đâu đâu người dân của những nước này cũng rất ghê sợ đám du khách từ Hoa lục này. Thị trấn Chiang Mai ở bắc Thái Lan rất cần tiền của du khách nhưng lại rất ghét các du khách người Hoa. Tại một số nước Âu châu, du khách người Hoa cũng bị ghét không ít. Một số khách sạn không tiếp du khách Trung quốc nêu lý do rất rõ là những trò khạc nhổ, ăn nói ồn ào, không chịu xếp hàng, đánh nhau ngoài đường, ăn cắp… khiến các khách sạn này không muốn tiếp họ.

Mới nhất là khách sạn rất sang trọng Zadig & Voltaire trên đại lộ Grenelle ở tả ngạn sông Seine thủ đô Paris, vừa khai trương năm 2014 đã nói rõ là không cho các du khách từ Hoa lục thuê phòng.

Một số ý kiến cho rằng những nét tốt đẹp của văn hóa Trung quốc đã bị xóa sạch trong hơn một chục năm cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Đám du khách từ Hoa lục, mà đa số, căn bản chỉ là những nông dân thất học có ít tiền bầy đặt ra nước ngoài du lịch. Echo Wang gọi những thứ ngợm này là một lũ lợn xổng chuồng thì không một cách mô tả nào chính xác hơn.

Trên một vài chuyến bay của hàng không Việt Nam mới đây phi hành đoàn nhiều lần đã bắt được mấy du khách Trung quốc trộm tiền bạc của các hành khách Việt Nam ngay trên máy bay. Đọc những bản tin như thế, nhiều người có thể nghĩ đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ, quít Hoài Nam có quả chua, quả ngọt. Nhưng rồi những vụ đánh nhau, hành hung các nữ tiếp viên hàng không Thái trên máy bay, mở cửa máy bay cho … mát đã khiến người ta thấy quả thực những con lợn xổng chuồng này có vấn đề: cho trẻ con phóng uế ngay trong điện Versailles, Paris, tiểu tiện hồn nhiên trên ghế máy bay, vẽ bậy trên một pho tượng cổ Ai Cập, ném ly nước nóng vào mặt tiếp viên hàng không trên phi cơ…

Và mới đây, chính nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải nhắc nhở các công dân khi ra nước ngoài phải cư xử cho lịch sự tử tế để gìn giữ những hình ảnh tốt đẹp của nước Trung Hoa.

Nhưng lời kêu gọi đó được đưa ra thì đã quá muộn. Bọn lợn đã xổng chuồng đang giở những trò khốn nạn nhất cho thế giới thưởng thức rồi còn gì nữa.

January 15, 2015

January 16. 2015

Ngày 12 tháng 1 năm 2015

Hồi còn ở Sài Gòn, khoảng năm 1971 hay 72 , có những ngày cuồng chân không biết đi đâu, mà cũng chẳng thể đi được đâu, tôi hay lái xe chở hai đứa con vào phi trường Tân Sơn Nhất. Trên lầu của nhà ga có một quán nước. Chúng tôi kiếm chỗ ngồi, cho các cháu chạy lòng vòng, leo lên chiếc bàn sát cửa sổ để xem những chuyến máy bay lên xuống…
Cảnh phi trường buồn bã đến tuyệt vọng. Âm thanh của bom đạn vọng lại từ một nơi nào đó không xa Sài Gòn bao nhiêu. Không khí chiến tranh trùm lên khắp thành phố. Ngồi ở đó cho đến tối bắt đầu xuống chúng tôi mới về nhà.

Chiều trên phi trường anh bỗng nhớ em, nhớ chuyến đi xa đầy hẹn ước đây mùa xuân không đến, lũ cỏ hèn mọc trên diện tích xi măng khô…

Mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền cứ luẩn quẩn mãi trong những buổi chiều như thế. Rồi những cảnh , tôi không nhớ rõ trong những cuốn phim nào của Jean-Claude Brialy, hay Jean-Paul Belmondo, Alain Delon … khi họ chạy ra phi trường, đậu vội chiếc xe, chạy vào cửa lên máy bay… và bay đi Luân Đôn, Bruxelles, Roma… lại ùa vào trong trí. Tại sao những chuyến đi có thể dễ dàng, thản nhiên như thế trong khi tôi thì vẫn mãi là “những chuyến đi xa đầy hẹn ước”.

Thế rồi những chuyến đi xa đầy hẹn ước đó cuối cùng cũng đã diễn ra. Những chuyến đi từ những nơi ở ngoài Việt Nam  tới Roma, Paris … rồi cũng đã làm được.

Nhưng những mơ ước của một thời xưa cũ ấy cũng không ở lại với tôi được bao nhiêu lâu. Những chuyến đi sau đó, khoảng mười năm trở lại cũng lại trở thành nhiêu khê, rắc rối. Phải tháo đôi giầy ra, giây lưng, đồng hồ, computer, chìa khóa, điện thoại, tiền cắc … bỏ hết vào chiếc khay, giơ tay lên làm chim bay cò bay, lại còn bị nắn trên, bóp dưới mãi rồi mới được lên máy bay.

Sau những thủ tục như thế thì còn đâu là cảnh hào hoa như trong những cuốn phim thời đó nữa. Chúng ta đã phải chịu đựng những trò nham nhở đó từ cả chục năm nay, từ sau vụ khủng bố 911.

Nét hồn nhiên đã bỏ chúng ta không biết đến bao giờ mới tìm lại được.

Không còn có thể làm những chuyện tầm thường, giản dị và vô tội như chúng ta đã từng làm được trước đây nữa. Như chạy vào phi trường lên một chuyến bay đi thăm một người bạn. Như chuyến đi dạo trên bờ sông Seine trong buổi tối lãng mạn như Gregory Peck và Ava Gardner trong phim The Snows of Kilimanjaro. Hay cảnh thắp lên những que diêm để nhìn thấy mắt môi của nàng trong đêm tối ở Paris như trong một bài thơ của Jacques Prévert…

Paris, thành phố của những thứ ấy không còn nữa. Ít nhất là trong mấy ngày hôm nay, sau những vụ khủng bố.

The loss of innocence. Nét hồn nhiên đã mất, đã bỏ chúng ta. Ngày trở về của nó không biết đến bao giờ. Phải chăng chúng ta sẽ không bao giờ trở lại được căn nhà cũ như cái tựa “You Can’t Go Home Again” một tác phẩm của Thomas Wolfe.

Nhớ lại những ngày ở Paris, những chuyến đi lang thang trên tả ngạn, những quán cà phê, khu Montmartre … “xuôi xuống vàng Mont-Parnasse / ngược lên vàng Sacré Coeur” (Vũ Hoàng Chương)… tất cả không còn nữa. Mà có làm thì cũng không còn như những ngày xưa cũ.

Chỉ vì những trò điên dại của hai ba đứa khốn nạn như những vụ vừa xẩy ra mới đây.

Và có thể chúng ta sẽ không còn trở lại được ngôi nhà cũ rất đẹp đó nữa.

Tổ cha mấy thằng khủng bố khốn nạn ấy.

Ngày 14 tháng 1 năm 2015

Hôm nay (14 tháng 1 năm 2015), trên tờ Vietnamnet, một tờ báo điện tử ở trong nước, người ta đọc được những tin hết sức hãi hùng và sau đây là tiêu đề tóm lược của những bản tin đó:

Không kiềm chế được đưa nhân viên ra cánh đồng hiếp dâm.
Uống rượu say trong tiệc cưới, giở trò đồi bại với bé 13 tuổi.
Giở trò đồi bại với 2 bé gái, yêu râu xanh lĩnh án.
Những kỹ năng tuyệt vời giúp bạn đối phó yêu râu xanh.
Cận mặt kẻ cưỡng dâm bé gái 15 tuổi rồi lừa bán sang Trung quốc.
Tử hình kẻ bệnh hoạn giao cấu với xác chết.
Xét xử đối tượng hiếp dâm và trốn trại.
Yêu râu xanh 52 tuổi khiến trẻ tâm thần mang thai.
Bắt đối tượng có hành vi giao cấu nhiều lần với trẻ em.
Giao cấu với trẻ em còn bán người sang Trung Quốc.
Yêu râu xanh 76 tuổi hiếp dâm thiếu nữ.
Công nghệ “đai trinh tiết” mới chống hiếp dâm.
Hiếp dâm hụt gã gian dâm tồng ngồng chạy ngoài đường.
Tử hình kẻ giết bà chủ quán nhậu.
Trêu gái làng rồi đánh đến tử vong.
Tìm thấy thi thể cháu bé bị người tình của mẹ sát hại.
Giết hàng xóm lấy 400 nghìn để đi gặp bạn gái.
Tranh giành bạn gái, học sinh lớp 9 đâm bạn tử vong.

Tờ Vietnamnet, trong có một ngày, đã đăng tất cả 18 bản tin kinh hoàng như thế. Thực ra không phải tất cả những vụ phạm pháp đó đều diễn ra trong cùng một ngày. Có vụ xẩy ra một năm, hay vài ba tháng nhưng chỉ mới đây cuộc điều tra mới hoàn tất và được đưa ra tòa xét xử. Dĩ nhiên cũng còn có những vụ khác nhưng vì cuộc điều tra chưa kết thúc nên chưa được đưa lên báo. Tuy thế, chỉ trong một số báo của một ngày thì đó con số 18 vụ cũng là một con số đáng sợ.

Đọc những tiêu đề tóm lược những bản tin đó, người ta còn nhận ra một hai tiết khác nữa: chỉ có hai người phạm pháp ở trong hạng tuổi ngoài 50. Một người 52 tuổi và một người 76 tuổi. Hai người này, trước năm 1975 một người 12 tuổi và người kia 36 tuổi. Chỉ có hai người này thuộc thành phần ra đời và lớn lên trước khi Việt Nam thống nhất. Vì thế, có nói hai người này là sản phẩm của cái xã hội đồi trụy đầy rẫy những tội ác của Mỹ Ngụy thì cũng tạm chấp nhận được đi, nếu cả hai đều ra đời và lớn lên ở miền Nam. Nhưng trước năm, một thiếu niên chỉ mới 12 tuổi thì chuyện lĩnh hội những cái xấu xa của Mỹ Ngụy của người thiếu niên ấy chắc cũng không được bao nhiêu. Ngay sau đó thì cách mạng tiến vào. Và với hệ thống giáo dục mới của cách mạng thì những cái xấu xa Mỹ Ngụy để lại cũng bị gột rửa sạch hết rồi chứ. Bộ cái đầu của người này là cái đầu con vịt hay cái lá khoai cái hay sao mà bảo “lòng tôi như chiếc lá khoai / đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu” như trong một câu thơ Nguyễn Bính?

Khi đọc chi tiết của những bản tin kinh khủng kể trên thì người ta thấy là tất cả những can phạm, những người nhúng tay vào những tội ác mà tờ Vietnamnet tường thuật đều ra đời sau năm 1975, tức là sau ngày đất nước thống nhất và Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản dưới quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Nếu cứ tính 25 năm là một thế hệ thì nay đã có hai thế hệ ra đời và lớn lên trong chế độ Cộng Sản. Họ lớn lên được dậy dỗ để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như các khẩu hiệu treo trong các lớp học tại tất cả các trường học tại Việt Nam. Gần đây còn có những chiến dịch học tập để theo gương đạo đức Hồ Chí Minh ở nhiều nơi trong nước.
Nhưng kết quả của việc học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh là gì?

Những video clip mà ngay cả những tờ báo chính thức của nhà cầm quyền phổ biến cũng cho thấy rất nhiều cảnh học sinh đánh nhau ngay trong lớp, học sinh hành hung thầy, cô giáo, nữ sinh giao chiến, lột quần áo của nhau. Một trường trung học ở ngay giữa thủ đô Hà Nội đã phải trưng một tấm bảng ghi rõ cấm học sinh đánh nhau cởi quần áo của nhau trong sân trường.

Nhưng đánh nhau, lột quần áo của nhau mà đã nhằm nhò gì so với những vụ phạm pháp đăng trong tờ Vietnamnet. Đó là những vụ phạm pháp kinh hoàng nhất: những vụ giết người, hiếp dâm, lừa bán bạn bè vào những ổ điếm, giết người để lấy tiền chơi game, dụ dỗ thiếu nữ vào đường dâm đãng…

Đó là kết quả của mấy chục năm học tập và noi gương đạo đức của Hồ Chí Minh, người đàn ông dâm đãng hết với Tăng Tuyết Minh, lại với vợ một đồng chí của chính mình, rồi Nông Thị Xuân, con rơi con rớt vài ba đứa. Những tin tức dễ sợ như vậy thì đã nhằm nhò gì.

Nước Việt Nam của tôi, của bạn, của chúng ta đâu rồi?

January 11, 2015

January 9, 2015

SÁCH DẠY TIẾNG ANH MẤT DẠY

Tôi không biết làm cách nào mua được hai cuốn sách dậy tiếng Anh hãi hùng đó vì tôi chỉ được đọc có một hai trang của những cuốn sách đó do một người bạn gửi cho xem qua internet. Mấy trang sách ấy lại không được gửi kèm với bìa nên tôi không biết soạn giả là những ai và do cơ sở nào xuất bản. Nhưng tôi tin là chúng phải … có thật và có được bán, lưu hành tại Việt Nam.

Trên mỗi trang của một cuốn có ba cột. Cột thứ nhất là những câu tiếng Anh. Cột thứ hai là phiên âm những câu tiếng Anh đó và cột thứ ba là phần dịch những câu đó sang tiếng Việt.


Phần tiếng Anh có thể được lấy từ một cuốn sách dậy tiếng Anh nào đó của một tác giả nước ngoài. Vì thế, đóng góp của soạn giả chỉ là phần phiên âm và dịch nghĩa những câu tiếng Anh sang tiếng Việt.

Phần dịch nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt không có gì đáng nói, vì với một cuốn tự điển Anh Việt, người ta có thể hoàn tất việc đó không khó khăn bao nhiêu. Thêm nữa, những câu Anh ngữ trong sách (bài số 13) không phải là những câu hành văn phức tạp gì cho cam, chỉ là những câu mệnh lệnh thường gặp trong Anh ngữ. Chính phần phiên âm những chữ tiếng Anh để giúp người dùng sách phát âm cho … đúng mới là chi tiết đáng nói ở đây.

Nhưng phần phiên âm đó có đúng không?

CON CU LAY TINH

Câu trả lời là không. Phát âm như sách chỉ dẫn thì có bố Mỹ cũng chịu thua, không cách gì hiểu nổi.
Thí dụ bờ rinh mi quơ tờ; woát đít; pút phít in tu dờ phờ ri dờ; ơrên dơ cờlâu… thì nhất định là ta nói ta nghe, Mỹ nói Mỹ nghe là cùng. Những câu phát âm đó là gì vậy? Xem cột thứ nhất thì đó là các câu bring me water; wash dishes; put fish into the fridge; arrange the cloths (đáng lẽ phải là clothes vì cloth là vải chưa may thành quần áo, không có số nhiều).

Rốt cuộc xin chút nước, nhờ rửa mấy cái chén bát, yêu cầu bỏ cá vào tủ lạnh, xếp quần áo thì người được nhờ làm những việc đó cứ thế mà đứng ngây người ra mà im lặng thở dài, nghiêm và buồn cả buổi mà thôi.

Người soạn cuốn sách dậy tiếng Anh rõ ràng là người không biết nói tiếng Anh. Người này không hề biết rằng tiếng Việt không có một số âm rất thường gặp trong tiếng Anh. Vì thế, người ta không thể dùng các âm Việt ngữ để phiên âm tiếng Anh. Thêm vào đó, những âm cuối của những tiếng trong Anh ngữ đều bị soạn giả bỏ qua, không ghi xuống, cho dù đó là những danh từ số nhiều (fruits, dishes, papers…) hay những âm cuối của lunch, cupboard, hand, trash, arrange… Soạn giả cũng không biết phân biệt những nguyên âm dài, ngắn và do đó cũng không chỉ dẫn cho người dùng sách những chỗ nhấn (stresses). Rõ ràng là ông ta chưa bao giờ nghe nói hay biết tới, nói chi tới chuyện biết sử dụng những ký hiệu phiên âm quốc tế (international phonetic symbols). Bởi thế nên mới có cái mệnh lệnh nghe ghê rợn là pút dơ đít in tu dơ cắp bo và woát đít.

Một cuốn sách khác (chắc là thế vì cách trình bầy có hơi khác) lại còn ghê rợn hơn cả cuốn kia. Thí dụ chữ calculating thì được phiên âm thành con-cu-lây-tinh. Âm đầu của chữ này không hề có âm “o” trong cách phát âm của người Anh cũng như người Mỹ. Nhưng nó đã được phiên âm là “con” thay vì là “can” mặc dù “can” cũng đã là không đúng. Ngay ở dưới là một compound adjective ( tĩnh từ kép) mean-minded thì được phiên âm thành min-mai-địt.

DAY TIENG ANH

Đọc trang sách này, tôi rùng mình khi nghĩ tới cách phiên âm của soạn giả dùng cho danh từ calculator. Rùng mình vì không biết tại sao nó phải “la to” như soạn giả có thể sẽ phiên âm theo kiểu phiên âm của ông ta.

Đó là cách phiên âm gì vậy? Học Anh ngữ bằng cách phiên âm ấy thì nói tiếng Anh như thế nào và cho ai nghe đây? Nói tiếng Anh như Nguyễn Tấn Dũng chăng?

Tiếng Anh gì mà sexy quá vậy? Sexy hay mất dạy đây? Thế mà chỉ vừa mấy tuần trước, báo chí trong nước đã nhắng lên rằng trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam được coi là cao nhất Đông Nam Á.
Sách dạy tiếng Anh mà như vậy thì trình độ nhất tiếng Anh với ai đây?

TỘI NGHIỆP LỤC BÁT

Lục bát là thể thơ đặc biệt của người Việt Nam. Người Hoa không có lục bát. Ở Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan có lục bát với cách gieo vần giống như lục bát của chúng ta. Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và nhiều tác giả khác trong văn học Việt Nam đã sử dụng lục bát trong các tác phẩm của họ. Người bình dân trong những câu hò, câu lý, trong ca dao cũng đã đến với lục bát. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ lục bát dễ làm nhưng làm được một bài lục bát hay thì rất khó. Dở một chút thì lục bát thành vè ngay.

Nhưng có thật là lục bát dễ làm không?

Ở bậc trung học trước năm 1975, ngay ở năm đầu, tôi nhớ là học sinh lớp đệ thất cũng đã được dậy về luật thơ lục bát: chữ cuối của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám; chữ cuối của câu tám phải vần với chữ cuối của câu sáu, và chữ thứ sáu của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám … và cứ như thế tiếp tục trong suốt 3254 câu của truyện Kiều.

Cách hiệp vần lục bát như vừa nêu ra ở trên thoạt nghe thì có vẻ khó nhớ, nhưng chỉ cần lẩm nhẩm mấy câu đầu của truyện Kiều là nhớ ngay cách hiệp vần lục bát:

Trăm năm trong cõi người TA
Chữ tài chữ mệnh khéo  ghét NHAU
Trải qua một cuộc bể DÂU
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn lòng

Trong những câu trên, TA vần với LÀ; NHAU vần với DÂU, với ĐAU. Tuy dễ như vậy, nhưng hình như không phải người Việt Nam nào cũng biết cách hiệp vần của thơ lục bát. Mới đây, một cựu học sinh của một trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn trước đây cũng đã lạc vận một cách tệ hại trong mấy câu gọi là lục bát của ông:

…Ấy ơi, ấy hãy vào ĐÂY
Cho em đổi lại cái QUẦN chút COI
Cái quần duy nhất của EM
Hôm qua anh lấy về BÊN ấy rồi
Hôm nay mưa đổ sụt SÙI
Tớ không hong nữa cái QUẦN không PHƠI
Bên hiên vẫn vắng bóng NÀNG
Rưng rưng tôi nghiện cái QUẦN của em

Trong 8 câu lục bát, chỉ có mấy chữ EM, QUÊN và NÀNG, QUẦN là tạm có thể coi là có vần với nhau mặc dù có hơi khiên cưỡng. Những câu khác thì đều lạc vận. ĐÂY không thể vần với QUẦN; COI không thể vần với EM; SÙI không thể vần với QUẦN; PHƠI không thể vần với NÀNG.

Thơ tự do thì không cần phải có vần. Nhưng nếu một câu sáu kế đó là một câu tám thì đó là lục bát và phải theo luật của lục bát và phải hiệp vần.

Mấy câu đó được nghe thấy trong một cuộc họp mặt tất niên của các cựu học sinh mấy trường trung học ở Sài Gòn trước đây. Nguyên đó là một bài thơ lục bát của Nguyễn Bính gồm 42 câu kể chuyện một cuộc tình bi thảm của một thanh niên với cô hàng xóm. Mối tình chưa có dịp thổ lộ thì người phụ nữ trẻ qua đời. Bài thơ này đã được ít nhất hai nhạc sĩ phổ thành nhạc. Và một trong hai bản nhạc cũng được sửa lời để hát diễu thành hai người lấy lộn quần của nhau vì cùng phơi trên một cái cọc giữa hai căn nhà. Nhưng rồi chính lời diễu của bài hát diễu đó cũng lại được sửa lại thành những câu lục bát lạc vận một cách thảm hại được hát lên trong buổi họp mặt vừa qua. 

Tác giả của những lời ca được sửa lại lần nữa với những câu lục bát què quặt ấy, theo bài tường thuật trên báo, cho biết có giữ bản quyền. Việc đó không cần thiết vì lục bát mà như vậy thì sẽ không có ai chôm chỉa của ông đâu khiến ông phải quá lo xa.

Nếu tác giả chỉ đọc cho vợ con nghe trong bếp thì tôi sẽ không bao giờ có ý kiến. Nhưng vì nó được phổ biến ở một nơi công cộng nên người nghe được quyền có ý kiến và nhận xét.

Có ý kiến vì tôi sợ rằng sẽ có người nghe hay đọc thấy những câu ấy rồi tưởng thơ lục bát là như thế rồi cứ thế mà bắt chước làm thơ lục bát thì tội cho cụ Tiên Điền biết là chừng nào. Bỗng nhớ hai câu bi thảm của Nguyễn Du:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Ba trăm năm nữa có dư / Biết còn ai khóc Tố Như Tiên Điền)

Thưa Tố Như tiên sinh, lục bát, thể thơ mà tiên sinh dùng để viết truyện Kiều đã bị thảm sát như vậy thì con số người khóc tiên sinh chắc chắn không phải là nhỏ.

Mà cũng tội nghiệp cho lục bát biết là chừng nào! Ấy là chưa nói tới câu cuối (rưng rưng tôi nghiện cái quần của em) là một câu tuyệt đại cực kỳ nham nhở và dơ dáy.


Nên cũng tội nghiệp luôn cả Nguyễn Bính nữa.

January 6, 2015

January 2, 2015

ĐẶC SẢN

Lần đầu tiên khi đọc thấy hai chữ “đặc sản” trên những trang báo trong nước, tôi đã rất không thích chúng, những từ ngữ mà tôi nghĩ là được đem dùng quá bừa bãi ở Việt Nam. Nhưng nghĩ lại thì những thứ được mô tả bằng hai chữ ấy cũng đúng là đặc sản chứ không phải là không.

Đúng là vì chỉ ở Hà Nội, không ở tại bất cứ một nơi nào khác lại có những tô phở ăn kèm với những lời lẽ thô tục và vô giáo dục của chủ quán. Nói những tô phở chửi đó là đặc sản của Hà Nội thì đúng chứ còn gì nữa.

Thực ra, đặc sản của Hà Nội không phải chỉ có phở chửi ở phố Bát Đàn, Lý Quốc Sư… mà còn ốc lắm mồm ở đường Hồ Đắc Di, cháo mắng ở chợ Ngô Sĩ Liên … Những người bán hàng ở những tiệm ăn đó, cứ mở miệng ra là phun toàn những thứ ngôn ngữ mà Nguyễn Trãi đã dậy con gái phải hết sức tránh như trong một bài trong Gia Huấn Ca mà cụ Nguyễn viết cách đây 6 thế kỷ.

Trong những quán ăn đó, khách hỏi xin quả ớt, mấy cọng rau thơm, chút nước dùng , thì nhẹ ra sẽ bị lườm nguýt đổ quán xiêu đình, nặng một chút là bị dăm ba câu xỏ xiên, hay luôn cả mấy câu chửi tục tĩu. Nhưng có một điều lạ là khách vẫn tiếp tục kéo đến chiếu cố những thứ phở, bún kèm theo những câu nói chỏng lỏn, hỗn láo, vô giáo dục đó.

Tại sao những người khách đó không đứng dậy, hất những tô phở những bát bún có kèm theo những câu ăn nói kiểu đó xuống đất và nói thẳng vào mặt những người chủ quán rằng sẽ không bao giờ thèm trở lại những cái quán mất dậy đó nữa. Nhưng hình như chưa có ai làm công việc ấy nên đến nay, các thứ đặc sản đó vẫn còn rất đông khách. Việc tiếp tục ngồi ăn những tô phở, những tô bún trong những lời ăn tiếng nói thô tục oang oang bên cạnh mà lại vẫn thấy ngon miệng để còn tiếp tục trở lại có thể là một dấu hiệu bất bình thường về mặt tâm lý. Nó có thể là bệnh khổ dâm (masochisme), một thứ bệnh tâm lý, người mắc bệnh này sẽ chỉ cảm thấy thích thú trong sinh hoạt sinh lý nếu bị (hay đúng ra phải nói là “được”) đối tác hành hạ về cả hai mặt tâm và sinh lý như sỉ nhục, lăng mạ, bạo hành. Những người mắc bệnh này có khi phải trả tiền thuê để được hành hạ như một nhân vật trong phim Belle De Jour (với Catherine Deneuve).

Đó là trường hợp bệnh hoạn của phía tự nguyện. Nhưng còn những trường hợp không tự nguyện mà bị xúc phạm như các thực khách tại những tiệm phở chửi, cháo mắng ở Hà Nội thì sao?

Tôi nghĩ ở Hà Nội thì không sao. Các chủ quán cứ chửi mắng khách hàng tự nhiên. Những người khách này nghe chửi xong thì vẫn tiếp tục rủ nhau đến ăn, nhiều khi cũng chẳng phải mắc chứng masochisme gì. Thêm nữa, có bực mình thì cũng chẳng làm gì được các bà chủ tiệm mất dậy ấy. Nhưng ở những nơi khác như ở nước Mỹ chẳng hạn, thì những chuyện như vậy không thể tiếp tục được. Thí dụ ngỏ lời xin mấy củ hành trần, quả ớt mà bị chủ tiệm chửi vào mặt là tay sai Mỹ Ngụy (một tội rất nặng, một cái nhãn rất xấu ở Hà Nội), hay thứ Do Thái Zionist, hay khủng bố Al Qaeda, hay gay/ lesbian là có chuyện ngay. Người bị chửi sẽ kiếm luật sư lôi chủ quán ra tòa lập tức.


Tòa thấy những lời vu oan đó không có cơ sở thì chủ tiệm bún mắng phở chửi chắc chắn sẽ không vui lắm đâu. Tòa có thể dí cho phía bên kia những khoản tiền phạt khủng (ngôn ngữ Hà Nội) để cho chừa cái trò bún mắng, phở chửi cho hết đặc sản đi.