March 28, 2013

March 29, 2013


BÙI BẢO TRÚC SẼ NGHỈ MỘT TUẦN, KHÔNG CÓ BÀI TRONG TUẦN LỄ TỪ NGÀY 1 ĐẾN 5 THÁNG 4

Ngày 25 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên thỉnh thoảng lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.
May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.
May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.
Nhưng đó là hơn hai mươi năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về cô. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.
Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.
Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.
Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.
Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamen caudate.
Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.
Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.
Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.
Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như ông thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:
...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.
..

Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.
Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.
Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.
Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.
Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.
Thế giới sẽ dễ sống biết là chừng nào!

Ngày 26 tháng 3 năm 2012
Bạn ta,
Ðúng vào lúc tôi có quyết định làm bức tượng thay vì làm chim bồ câu, thì sự lựa chọn của tôi không còn là một quyết định khôn ngoan và hợp lý nữa.
Tôi suy nghĩ đến bạc đầu và đi tới quyết định gạt bỏ giải pháp lựa chọn làm chim bồ câu, không phải vì sợ làm chim bồ câu sớm muộn gì cũng vào cái chảo trong các tiệm cơm Tầu, để cho các thực khách tại những đám cưới mời nhau dùng... chim ngay cho nóng, làm bộ ngượng, rồi vẫn ăn như điên, mà vì những lý do khác.
Nhưng bây giờ, muốn làm tượng cũng không được nữa.
Ở gần sở cuõ cuûa tôi có rất nhiều chim bồ câu. Chúng làm tổ trên những nóc nhà cao, trong những công ốc của chính phủ. Chuyện ăn uống của chúng được các du khách lo, chúng chẳng bao giờ đói. Chúng chỉ bay ào ào, đáp xuống cho có ăn, ăn xong thì đi ỉa bậy, cứ kiếm mấy bức tượng ở công viên gần đó mà oanh kích tự do, làm ông nào cũng mặt mũi, đầu tóc trắng xóa những cứt chim. Thỉnh thoảng, chúng cũng lầm tôi là tượng, cho một bãi lên đầu, lên vai đến khổ.
Nhưng bầy bồ câu ở công trường Trafalgar, Luân Ðôn thì khác. Tôi có cảm tưởng chúng nó tử tế hơn, không mất dậy như những con bồ câu ở gần quốc hội Mỹ. Những con ở công trường Trafalgar không ào xuống như ăn cướp, mà chúng rất từ tốn. Hai đứa con tôi hồi còn nhỏ rất yêu chúng, chủ nhật nào cũng đòi đi công trường Trafalgar cho chim ăn và chơi với bốn con sư tử dưới chân tượng đô đốc Nelson, hay tượng Sir Charles James Napier, tượng Sir Henry Havelock gần đó. Bầy chim bồ câu dạn người bay là là đáp xuống đậu trên tay, trên vai du khách chờ được cho ăn như chúng đã làm từ cả gần một thế kỷ nay.
Nhưng nếu đô trưởng Luân Ðôn thực hiện được ước muốn của ông, thì mấy pho tượng, trừ tượng thủy sư đô đốc Lord Horatio Nelson, người có công đánh tan hạm đội Pháp Tây Ban Nha ở gần Gibraltar, sẽ bị cho ra bờ sông Thames đứng chơi, và bầy bồ câu sẽ bị đưa đi nơi khác.
Thế là chọn không làm bồ câu, chọn làm "tượng thờ nghìn bệ những công viên" (thơ Mai Thảo) cũng không xong, cũng không được những giọt mưa rớt xuống mặt, bị cứt chim rơi xuống tóc kể như là không được.
Sở dĩ có chuyện chọn làm tượng mà không làm chim là vì mấy hôm trước tôi đọc được một câu thật hay viết trên bậc cửa của một toa xe điện ngầm. Vị triết gia vỉa hè có một câu hay tuyệt: Nên sớm chọn lấy trong đời một quyết định, đó là làm pho tượng hay làm con bồ câu ở công viên.
Làm con chim câu, như những con rất du côn ở gần sở tôi, hay như những con rất đàng hoàng và tử tế ở công trường Trafalgar, đều chung nhau một trò chơi rất đểu, đó là ỉa lên đầu những pho tượng.
Không thể sống trong đời sống chỉ làm có một việc là ỉa đái lên đầu những pho tượng. Không thể cả đời cứ sống như thế mãi được. Làm công việc ấy không có gì vui cả.
Nhưng làm những pho tượng, cả đời chỉ để cho những con bồ câu ỉa lên đầu thì cũng có gì vui? Nhất định là không vui rồi. Cứ đứng "trơ trơ như đá, vững như đồng" như phỗng đá của Nguyễn Khuyến có thể cũng có những điều hài lòng khác. Không phản ứng lại, không vung được cả cánh tay để xua chim đi, cho chim khỏi ỉa xuống mình có thể là một hành động tuyệt đẹp của một Thiền sư.
Cuốn Thiền Nhục Thiền Cốt của Nyogen Senzaki kể chuyện Thiền sư Hakuin bị một cô gái trong làng đổ cho là cha của cái bầu cô đang mang. Cha mẹ cô gái giận lắm, đến chửi rủa Hakuin thậm tệ. Hakuin nghe chửi đầy tai, chỉ nói lại có một câu: "Vậy sao?" Cô gái sinh con, đem đưa cho Thiền sư Hakuin nuôi. Hakuin đi xin sữa về nuôi đứa bé. Một năm sau, cô gái ân hận, thú thật anh bán cá ngoài chợ mới là cha đứa bé. Cha mẹ cô gái đến xin lỗi, xin đem cháu về nuôi. Hakuin trao đứa bé lại, và cũng vẫn chỉ nói: "Vậy sao?"
Hai bức tượng của Napier và Havelock sắp ra bờ sông đứng với những oan khuất của những bãi cứt chim lại còn không làm được cả việc của Thiền sư Hakuin là hỏi lại một câu.
Nhưng bị đem ra bờ sông Thames bầy thì chán chết, làm tượng đứng bờ sông mà làm gì. Sao mà chán the này hở Giời ơi là Giời!
Nhưng bị đạp lên đầu, bị xô xuống đất, bước lên người cũng có cái vui riêng, và một lương tâm trong sáng. Làm tượng vẫn hơn làm bọn bồ câu mất dậy chuyên ỉa lên đầu tượng.

Ngày 27 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Hồi ở trung học, gần như tất cả chúng ta đều học Anh ngữ với bộ Anglais Vivant của Pierre Carpentier và Madeleine Carpentier-Fialip, bộ sách mà nhiều người cho là tại sao học sinh Việt Nam phải dùng bộ sách do một cặp giáo sư Pháp viết cho các học sinh Pháp.
Nhưng nghĩ lại thì bộ sách ấy đã giúp chúng ta rất nhiều khi học tiếng Anh và văn hóa của nước Anh. Ngoại trừ một số ngữ vựng hơi cũ, nhưng chúng ta không thấy bỡ ngỡ bao nhiêu khi tiếp xúc với người Anh và người Mỹ hồi những năm 60 khi đi học ở các nước sử dụng tiếng Anh.
Sau đó, bộ Life With The Taylors, Let’s Learn English, English For Today của những năm 60 thì mới hơn để học tiếng Mỹ cùng những bộ dậy Anh ngữ của nhà xuất bản Longman mà ở Việt Nam cũng được sử dụng rất nhiều để học.
Ngày nay, những bộ sách đó không còn được dùng ở Việt Nam nữa, mà người ta dùng những sách của Tầu dịch sang tiếng Việt để dậy tiếng Anh. Những bộ sách chúng ta dùng trước đây đều do các nhà giáo đầy kinh nghiệm dậy tiếng Anh viết nên tất cả đều là những tài liệu giá trị đã qua được những thử thách ở nhiều nước trên thế giới.
Nhưng những cuốn sách Tầu thì có thể tin được không? Sách thì do Tầu viết, giáo viên thì thuê Phi dậy cho rẻ thì lối giáo dục như thế ở Việt Nam sẽ dậy người học Anh ngữ ra làm sao?
Thì đây, học thứ sách vở , tài liệu giảng huấn như thế chỉ làm được có một việc là tập cho học sinh làm quen với cái bản đồ lưỡi bò và lá cờ ngũ tinh hồng kỳ của Tầu chứ dậy được cái gì.
Học những thứ sách như thế thì sẽ nói và viết tiếng Anh như thế nào?
Bạn coi thử mấy thí dụ về cái thứ tiếng Anh dùng những thứ tài liệu học tiếng Anh mà người ta thấy ở Hoa lục nhé.
You consciously flush là cái gì? Nhớ giật nước thì tại sao không viết DON’T FORGET TO FLUSH?
Don’t Play Dog In Park thì ai chẳng nghĩ là đừng đóng vai chó (người Tầu chắc đóng vai này xuất sắc lắm) trong công viên. Tại sao không viết là DO NOT LET YOUR DOGS RUN FREE IN THE PARK?
Muốn dặn người sử dụng nhà cầu là tiểu vào bồn mà viết Urinating into the pool you are the best thì mọi người sẽ tiểu vào bể bơi mới là con người tốt hay sao? Tại sao không viết DO NOT URINATE OUTSIDE THE URINALS?
Tất cả các món trong thực đơn đều ghê rợn, nhưng dễ sợ nhất là món Fries pulls out the rotten child. Có thể đây là món khoai chiên. Fries số nhiều tại sao động từ đi sau lại là pulls? Nhưng món khoai chiên này lại móc ra từ một đứa bé ung thối thì bố Mao Trạch Đông cũng không dám đụng đũa.
Programmers Urine Shrimp là tôm nước đái thảo chương viên điện toán ăn thế nào thì may ra Tập Cận Bình mới biết được.
Tấm bảng này dặn khách chú ý dùng răng thì khỏe mạnh thay vì dùng cái gì đây?
Lời căn dặn là trượt chân một cách cẩn thận. Thế không cẩn thận thì té vào cái mả mẹ thằng Ba Dũng hay sao?
Boiled Meat (Lamp) , món thịt đèn luộc là món ăn dưới ánh đèn cho … sáng dạ chắc. Thịt cừu non là LAMB, thịt cừu …lớn tuổi là MUTTON chứ bộ đói lắm hay sao phải đớp cả cái đèn (LAMP)?
HINH SO 9
We can not speak English but We can feel you !! là chúng tôi không nói tiếng Anh nhưng chúng tôi có thể sờ nắn quí vị !!
HINH SO 10
A dairy style Rain coat. It can put on the day of rain the day of chilly. May ra người đọc sẽ hiểu là áo mưa kiểu sữa (daily mới là thường ngày). It can put on… là cái áo tự nó mặc lấy trong ngày mưa lạnh hay sao? Tại sao không viết CONVENIENT FOR RAINY, CHILLY DAYS?
HINH SO 11
Lời dặn dò rất chất phác: xin chỉ đái vào đây, nếu không sẽ bị phạt. Ối chao ôi là tiếng Anh!
Thuốc bóp chân mà sao lại phải chà xát (rubbing the horny) cái của nợ ấy?
HINH SO 12
Biết chết liền!
HINH SO 14
Học tiếng Anh của sách Tầu thì sẽ viết những câu đại loại thế này: Loại mìn này được dùng để bú ( suck 4 enemy warships) 4 tầu địch bởi nhóm 126 của hải quân Việt Nam.
Học Anh ngữ bằng sách Tầu thì chỉ nói và viết tiếng Anh như … Tầu mà thôi.
Đường xa nghĩ noi sau này mà kinh!

Ngày 28 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không thể nào nhớ được tên người đã nói câu "Le moi est haissable".
Cuốn Petit Larousse mà tôi có cũng không giúp gì được. Ở trang 667 của ấn bản 1962, câu này chỉ được dẫn như một thí dụ cho đại danh từ số ít ngôi thứ nhất "moi", mà không cho biết tác giả là ai. Không có tác giả, tức là của dân gian, và như vậy, thì tất cả dân tộc Pháp đều ghét "cái tôi" ư? Sao lại có cái dân tộc khiêm tốn, nhún nhường, không ích kỷ đến như thế!
Le moi est haissable, "cái tôi" đáng ghét, nhưng thực ra, có lẽ phải dịch là "cái tao" mới đúng.
"Tôi" là đại danh từ ngôi thứ nhất, là tiếng tựï xưng khi nói chuyện với người khác. Nhưng trong cách tự xưng đó, sự khiêm tốn, nhún nhường đã có sẵn rồi. Tự xưng là "tôi" hay " tớ", là tự hạ mình xuống làm kẻ hầu người hạ cho người đứng trước, người đang nói chuyện, đang đối thoại với mình.
Xưng "tao" thì sấc xược và phách lối, hỗn hào hơn nhiều. Vậy thì "cái tao" mới là cái đáng ghét. Ðối tác của "tao" "mày". Mày tao là cách xưng hô không lịch sự lắm. Phải thân tình lắm nếu không thì lại là người trên nói với kẻ dưới ngay.
Mày tao không phải là tutoyer. Tutoyer khi yêu dùng cũng được, lại càng rất được nữa mới đúng:
Je dis tu à tous ceux que j'aime ( Barbara / thơ Prévert)
Nhưng mày tao trong tiếng Việt thì khác. Không ai muốn bị những người không thân thiết lắm gọi là "mày", xưng là "tao" hết.
Ngoại trừ người Việt di tản, nhất là những người Việt di tản sống tại Mỹ. Không biết sự kiện này bắt đầu ở đâu và vào lúc nào. Nếu cần định ra một mốc thời gian thì có thể nó bắt đầu sau năm 1975 khi người Việt đến Mỹ.
Trong những giao tiếp hàng ngày, khi những cuộc đối thoại bằng tiếng Anh được đem kể lại, thì hầu như tất cả những người Việt mà tôi quen, già cũng có, trẻ cũng có, người trước kia làm to, người trước kia không làm to, nam cũng như nữ đều cho phép những người đối thoại với mình xưng là "tao" và gọi mình bằng "mày" một cách thoải mái.
Nghe câu chuyện được kể lại, để ý thì có thể thấy người kể để cho phía bên kia, có khi là một thanh niên trẻ, tự xưng là "tao" và gọi người kể truyện, có khi là một cụ lục tuần, thất tuần, là "mày". Có lần tôi thắc mắc hỏi một cụ ông đang cao hứng kể một câu chuyện, trong đó, anh chàng người Mỹ nào đó tuổi chắc chỉ bằng cháu của cụ, mà cụ cứ cho gọi cụ là "mày", xưng "tao", tôi sốt ruột quá, chặn cụ lại để hỏi tại sao cụ lại để cho những điều vô lễ như thế xẩy ra, thì cụ hứ cho một cái, không thèm trả lời, tiếp tục kể nốt chuyện, cho anh chàng Mỹ nọ... hỗn láo tiếp.
Tại sao đại danh từ "I" trong tiếng Anh lại cứ phải được dịch là "tao" "you" thì nhất định phải là "mày"?
Tôi nghĩ tôi tìm ra được nguyên do.
Nguyên do là vì chúng ta là những người rất khiêm cung, lúc nào cũng muốn hạ mình xuống, tâng người khác lên. Do đó mà khi kể lại câu chuyện có mình ở trong, chúng ta đẩy nhẹ chúng ta thấp xuống một chút, và lịch sự đưa người kia lên. Do đó mà mới có nhưng đoạn đối thoại kỳ lạ như thế, cho phía bên kia gọi chúng ta bằng "mày", xưng "tao" rất tự nhiên.
Ở bên Tây chắc không có chuyện như vậy. Cứ xưng là "moi", gọi phía bên kia là "toi" là tiện nhất, là không ai vô lễ với ai, là không ai phải tự hạ thấp xuống với ai cả.
Chỉ trừ khi kể lại chuyến đi chơi bằng xe lửa thì nên dấu chuyện đã làm trong đêm khi xe chạy từ Pháp sang Ðức: đêm đó, kẹt quá, "moi" phải leo đại lên đầu toa, "moi" đi tiểu tùm lum...
"toi""toa" trong những lúc như thế không sao mà phân biệt được. Chỉ có cách lấy tay sờ đầu, nếu thấy đầu không ướt thì là... toa tầu. Ướt thì là "toi" vậy.
Nhưng vẫn đỡ hơn là mày tao như ở bên Mỹ nhiều.

Ngày 29 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Sau nhiều năm áp dụng những luật lệ hết sức nghiêm ngặt để hạn chế sinh sản, kiểm soát mức gia tăng dân số, trừng phạt nặng những cặp vợ chồng có nhiều con hơn là số mà chính phủ cho phép, Singapore đã bắt đầu thấy hậu quả của những biện pháp đó: mức tăng trưởng dân số hạ giảm, và điều đó sẽ tạo ra những khó khăn cho nền kinh tế trong những năm sắp tới.
Sinh suất của Singapore đã xuống thấp tới mức phải báo động, và một số biện pháp nhắm đảo ngược chiều hướng hiện nay đã được đem ra áp dụng để gia tăng mức sinh sản cho người dân đảo quốc này.
Một trong những cơ sở lớn và quan trọng tại Singapore là DBS Group Holdings, một ngân hàng đầu tư với 8,000 ngàn nhân viên đã có một quyết định để ủng hộ cho mục tiêu gia tăng số sinh để giúp dân số Singapore tăng thêm ngõ hầu đáp ứng nhu cầu nhân công trong tương lai, khỏi bị bỏ lại đằng sau, khi việc toàn cầu hóa kinh tế đi tới khắp ngang cùng ngõ hẻm trên thế giới.
Ngân hàng DBS Group Holdings quyết định cắt ngắn giờ làm việc của các nhân viên, đang từ năm ngày rưỡi mỗi tuần, xuống còn năm ngày. Nửa ngày này các nhân viên được nghỉ để giúp cho chương trình Focus On The Family Programme nhắm gia tăng mức sinh sản của Singapore. Ngân hàng khi quyết định như trên, đã nói khá rõ với các nhân viên về cách tiêu nửa ngày không phải đi làm đó. Ngân hàng muốn nhân viên dùng nửa ngày được nghỉ vào việc giúp gia tăng số sinh của Singapore.
Như vậy, Singapore không hoàn toàn là nơi không đáng để sống như một vài người bạn của tôi đã nói. Nước gì mà cấm nhập cảng chewing gum, không giật nước trong nhà cầu bị phạt cả trăm Mỹ kim, ném mẩu thuốc lá đã hút xuống đường cũng bị phạt, đi qua đường không đúng chỗ cũng bị phạt, đi tiểu trong thang máy cũng bị phạt rất nặng. Ông kẹ Lý Quang Diệu tuy không còn nắm quyền, nhưng ảnh hưởng của ông  vẫn không giảm bớt. Ông con trai là Lý Hiển Long vẫn lấp ló đằng sau, đối lập không dám hó hé gì hết.
Nhưng Singapore lại có cái ngân hàng thật là dễ thương: cho nhân viên nghỉ nguyên nửa ngày để giúp gia tăng dân số.
Nhân viên được nghỉ ở nhà là phải làm đúng như ngân hàng đã nói. Không có chuyện nằm nhà chơi ô chữ, hát Karaoke, đọc sách, nuôi cá, đi câu hay làm bất cứ chuyện gì khác.
Vợ của các nhân viên ngân hàng sẽ nhắc nhở các ông chồng phải làm đầy đủ công việc mà ngân hàng DBS Group Holdings đã trao phó khi cho nghỉ một nửa ngày, khỏi phải đến sở. Như vậy, chuyện nài nỉ không còn cần thiết nữa, cứ lôi ngân hàng ra dọa là phía bên kia bỏ cả lồng chim, chậu cá, ô chữ... vào tuân lệnh răm rắp. Các ông không làm, các bà có thể khiếu nại với sở, tố cáo các ông không tuân lệnh của sở, tiêu phí nửa ngày vào những chuyện vô bổ khác thì mất việc là cái chắc. Ở một nước kỷ luật nghiêm ngặt như Singapore, chuyện vặn cái radio quá to còn bị phạt lè lưỡi ra thì hình phạt cho những người không tuân lệnh không thể coi thường được.
Tờ Far Eastern Economic Review không cho biết là các nhân viên được nghỉ mà không có hoạt động gì để giúp gia tăng dân số của Singapore sẽ bị những hình phạt gì, nếu có lý do chính đáng có được ân miễn không, làm thế nào để chứng minh là có làm đủ công việc trao phó vân vân.
Nhưng như vậy thì đâu còn được gọi là cho... nghỉ nữa? Ngân hàng gì mà ác quá vậy?
Có phải vì thế mà nhiều người không dám về hưu không? Sức người có hạn thôi chứ!

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 166)
MOST, ALMOST
SOME USEFUL PHRASAL VERBS
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 166 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm nay tôi sẽ chỉ cho hai cô một cách nói mà tôi nghĩ hai cô cũng thường hay gặp, nhất là từ phía các con của hai cô. Đó là câu "nhất từ xưa đến nay" mà chính chúng ta cũng thường hay nói trong tiếng Việt, với một chút phóng đại ở trong. Thí dụ nói một ngày rất nóng thì nhiều khi chưa đủ, mà phải nói đó là một ngày nóng nhất từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa bao giờ trải qua một ngày nóng như thế.
IT WAS THE HOTTEST DAY I HAVE EVER LIVED THROUGH chẳng hạn. Kiểu nói này chúng ta sẽ cần cách so sánh nhất: SUPERLATIVE tức là với tĩnh từ ở cấp so sánh NHẤT.
Làm thế nào để có so sánh lớn nhất, Lãm Thúy?
LÃM THÚY
Với tĩnh từ ngắn tức là có 1 hay 2 syllables, người ta thêm EST ở cuối để thành SUPERLATIVE COMPARISON. Như HOT thành THE HOTTEST, COLD thành THE COLDEST, PRETTY thành THE PRETTIEST, NOISY thành THE NOISIEST. Với tĩnh từ dài tức là có BA syllables trở lên, chúng ta dùng THE MOST đứng ở phía đằng trước. Thí dụ THE MOST BEAUTIFUL, THE MOST INTELLIGENT, THE MOST DIFFICULT…
QA
Nhưng thưa anh, cũng có những trường họp ngoại lệ như GOOD thành THE BEST; BAD thành THE WORST; FUN thành THE MOST FUN; BORING thành THE MOST BORING, ILL thành THE WORST.
BBT
Cám ơn cô QA. Theo sau đó là mệnh dề THAT+ SUBJECT+PRESENT PEFECT .
Thí dụ đó là câu hỏi khó nhất tôi đã gặp… IT WAS THE MOST DIFFICULT PROBLEM THAT I HAVE SEEN (to see, saw, seen). Lãm Thúy nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: Đó là một người thông minh nhất mà tôi đã gặp.
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT MAN THAT I HAVE MET (to meet, met, met). Thúy làm thêm một câu nữa là SHE IS THE MOST BEAUTIFUL LADY THAT HE HAS KNOWN. (to know, knew, known)
BBT
Cám ơn Thúy. Đúng lắm. Còn QA?
QA
IT WAS THE MOST BORING BOOK THAT I HAVE READ. (to read, read, read)
THAT IS THE WORST CAR THAT I HAVE DRIVEN. (to drive, drove, driven)
BBT
Muốn cho ý nghĩa của câu mạnh hơn, chúng ta thêm EVER vào giữa HAVE và PAST PARTICIPLE để có nghĩa "đã từng" . Câu của QA có thể đổi thành THAT WAS THE WORST CAR THAT I HAVE EVER DRIVEN (to drive, drove, driven). QA sửa câu thí dụ kia của cô với EVER coi.
QA
IT WAS THE MOST BORING BOOK THAT I HAVE EVER READ (to read, read, read).
LÃM THÚY
HE WAS THE MOST INTELLIGENT MAN THAT I HAVE EVER MET (to meet, met, met).
SHE IS THE MOST BEAUTIFUL LADY THAT HE HAS EVER KNOWN (to know, knew, known). Nhưng thưa anh, Thúy có thể bỏ THAT trong những câu ấy không?
BBT
Được chứ. Cô làm thử hai thí dụ mà không dùng THAT coi.
LÃM THÚY
HE IS THE RICHEST PERSON WE HAVE EVER MET. (to meet, met, met)
THEY WERE THE WARMEST PEOPLE WE HAVE EVER KNOWN. (to know, knew, known)
QA
SHE IS THE BEST SINGER WE HAVE EVER HEARD. (to hear, heard, heard)
THAT IS THE COLDEST NIGHT WE HAVE EVER SPENT (to spend, spent, spent) IN CALIFORNIA.
BBT
Dĩ nhiên chúng ta cũng có thể dùng cách nói này trong thể phủ định tức là NEGATIVE như MISTER OBAMA IS NOT THE BEST PRESIDENT WE HAVE HAD. Thúy cho nghe hai thí dụ của cô coi, rồi tới QA.
LÃM THÚY
ROLLS ROYCE IS NOT THE MOST EXPENSIVE CAR I HAVE SEEN. (to see, saw, seen)
BRAD PITT IS NOT THE MOST TALENTED ACTOR WE HAVE MET. (to meet, met, met)
QA
THE WAR IN IRAQ IS NOT THE LONGEST WAR THAT AMERICA HAS FOUGHT. (to fight, fought, fought)
"WAR AND PEACE" IS NOT THE BEST NOVEL TOLSTOY HAS WRITTEN. (to write, wrote, written)
BBT
Bây giờ chúng ta tập đặt câu hỏi với kiểu đặt câu trên. Chúng ta dùng WHAT, WHO … thí dụ WHAT IS THE BEST NOVEL TOLSTOY HAS WRITTEN? (to write, wrote, written) Thúy cho nghe thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
WHO IS THE NICEST PERSON IN THAT FAMILY THAT YOU HAVE MET? (to meet, met, met)
WHAT IS THE BEST FILM YOU HAVE SEEN (to see, saw, seen) OF GARY COOPER?
QA
WHAT IS THE NICEST PLACE YOU HAVE BEEN (to be, was/were, been) TO?
WHAT IS THE MOST EXPENSIVE HOTEL YOU HAVE SLEPT (to sleep, slept, slept) IN?
LÃM THÚY
Thúy muốn anh dậy cho mấy câu thường hay gặp khác để dùng trong những lúc giao tiếp hàng ngày.
BBT
Chỉ mấy câu thôi sao? Có rất nhiều câu hai cô nên biết nhưng hôm nay, tôi sẽ chỉ nói về 5 PHRASAL VERBS, tức là những động từ đi kèm với một hai chữ khác mà chúng ta hay gặp và tiện dụng nhất. Trước hết là TO LOOK FORWARD TO nghĩa là mong đợi để làm việc gì đó hay chờ một chuyện gì đó sẽ xẩy đến. Đây là cách dùng mà tôi tin chắc thế nào hai cô cũng dùng sai. QA cho nghe một thí dụ coi.
QA
Thí dụ câu này: I LOOK FORWARD TO MEET MY NEW NEIGHBOR nghĩa là QA nóng lòng muốn gặp hàng xóm mới dọn đến bên cạnh nhà QA.
BBT
Quả nhiên, đúng như tôi nghĩ. QA nói như vậy không đúng. Phải nói là I LOOK FORWARD TO MEETING MY NEW NEIGHBOR . Rất nhiều người nói sai vì PREPOSITION TO khiến người ta đem dùng ngay một INFINITIVE, một động từ nguyên mẫu. Trong khi đúng ra thì sau TO LOOK FORWARD TO chúng ta dùng một DANH TỪ hay một DANH ĐỘNG TỪ (GERUND: VERB+ING) mới đúng. QA cho một thí dụ khác coi.
QA
MY DAUGHTER IS LOOKING FORWARD TO HER TRIP (NOUN) TO WASHINGTON DC hay TRAVELLING (GERUND) TO DC.
LÃM THÚY
I ALWAYS LOOK FORWARD TO THE WEEK-END (NOUN).
CHILDREN ALWAYS LOOK FORWARD TO GOING (GERUND) TO THE BEACH.
BBT
QA và Thúy thử dùng thể hỏi (QUESTION FORM) của những câu đó coi.
QA
DOES HE LOOK FORWARD TO VACATIONING (GERUND) IN WASHINGTON DC ?
DO YOU LOOK FORWARD TO THE GRADUATION DAY (NOUN) ?
LÃM THÚY
ARE YOU LOOKING FORWARD TO SUMMER (NOUN) ?
DID HE LOOK FORWARD TO HIS WEDDING (NOUN)?
BBT
Thể phủ định thì dễ rồi. Bây giờ chúng ta qua một động từ khác là TO GET ALONG WITH, nghĩa là hợp, hòa hiếu với ai đó, trở thành thân thiện với người khác. Thí dụ I GET ALONG WITH HIM EASILY là tôi hợp với anh ấy một cách dễ dàng. Lãm Thúy cho biết cô có thể GET ALONG với những gì nào?
LÃM THÚY
I THINK I CAN GET ALONG WITH OLD PEOPLE, WITH MY IN-LAWS, WITH MY HISPANIC NEIGHBORS.
QA
Còn QA thì I CAN GET ALONG WITH DOG PEOPLE, những người yêu chó, WITH NIGHT PEOPLE, những người thức khuya, WITH CHILDREN.
BBT
HAI cô KHÔNG GET ALONG với những người thế nào?
LÃM THÚY
I CANNOT GET ALONG WITH NAGGERS, WITH STINGY PEOPLE, WITH BRAGGERS.
QA
I CANNOT GET ALONG WITH SELFISH PEOPLE, WITH LOUD CHILDREN, WITH BOSSY PEOPLE.
BBT
Động từ TO PUT UP WITH cũng là động từ chúng ta nên biết vì chúng ta hay gặp những trường hợp phải dùng đến nó. TO PUT UP WITH SOMETHING, SOMEBODY là chịu đựng một chuyện gì hay một người nào đó. Thí dụ I HAD TO PUT UP WITH HIS SWEARING, HIS FOUL LANGUAGE là tôi phải chịu đựng trò chửi thề, ăn nói tục tĩu của ông ta. Còn Thúy thì sao?
LÃM THÚY
I HAD TO PUT UP WITH THE BAD WEATHER, WITH MY TEENAGE CHILDREN, WITH THE ECONOMY.
QA
WE ALL HAVE TO PUT UP WITH THE TRAFFIC ON 405 EVERYDAY, WITH MISTER OBAMA FOR THREE MORE YEARS, WITH NORTH KOREA AND IRAN .
BBT
Động từ TO GIVE UP SOMETHING cũng hay gặp và rất nên biết. Động từ GIVE UP là bỏ, là ngưng, là chừa như chừa thuốc lá, chừa rượu. What about you, Thúy?
LÃM THÚY
Thúy nghĩ Thúy phải GIVE UP COFFEE, BUT I CANNOT GIVE UP SHOPPING. I NEED TO GIVE UP WORRYING TOO MUCH ABOUT THE KIDS.
QA
QA thì cần GIVE UP SUGARY DRINKS. I MUST GIVE UP READING AT NIGHT. I WANT TO GIVE UP GARDENING .
BBT
Động từ này cũng rất cần cho chúng ta, đó là TO PUT OFF SOMETHING nghĩa là trì hoãn, lần lữa, không làm ngay một việc gì đó. Câu này của Benjamin Franklin là câu tôi ghét kinh khủng vì hồi còn bé, tôi hay bị la về chuyện để việc hôm nay tới ngày mai: NEVER PUT OFF UNTIL TOMORROW WHAT YOU CAN DO TODAY. Còn hai cô thì hay hoãn binh những gì?
LÃM THÚY
I ALWAYS PUT OFF THE WASHING, CLEANING FOR THE CHILDREN UNTIL SUNDAY.
QA
I ALWAYS PUT OFF BILL PAYING UNTIL THE END OF THE MONTH.
LÃM THÚY
Thưa anh, đó là TO PUT OFF, trái nghĩa với TO PUT OFF có phải là TO PUT ON không?
BBT
Không phải. TO PUT ON thì lại là đeo vào, mặc vào, khoác vào như TO PUT ON NEW CLOTHES, TO PUT ON AN IMPORTANT AIR nghĩa là làm ra bộ quan trọng. TO PUT ON SOME WEIGHT là lên cân, mập ra… Động từ TO PUT có thể đi với rất nhiều PREPOSITIONS để thành những nghĩa rất khác nhau. Chúng ta sẽ trở lại với động từ này trong một dịp khác.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy có thắc mắc về cách dùng của hai chữ MOST và ALMOST. Hai chữ này có giống nhau không, có thể thay MOST bằng ALMOST và ngược lại không?
BBT
MOST và ALMOST khác nhau. MOST là một tĩnh từ (ADJECTIVE), nghĩa là phần lớn, hầu hết. Có thể nói là 80 hay 90%. Thí dụ MOST PEOPLE IN VIETNAM SPEAK VIETNAMESE. Khoảng 10 đến 15% kia thì dùng các ngôn ngữ khác. Trong khi ALMOST là một trạng từ (ADVERB) được dùng để phụ nghĩa cho động từ, nói rõ hơn về động từ ấy. ALMOST nghĩa là gần, gần như, cùng nhĩa với NEARLY hay VERY CLOSE.
Thời gian giữa tháng BA thì chưa phải mùa xuân nhưng mùa xuân cũng đã gần đến thì chúng ta dùng ALMOST. Thí dụ IT IS ALMOST SPRING. QA cho nghe một câu với MOST và một câu với ALMOST rồi sau đó đến lượt Thúy.
QA
MOST MONEY IS FOR THE FOOD.
MY SON IS ALMOST 25 YEAR OLD NOW.
LÃM THÚY
MOST CHILDREN LIKE CANDIES.
HE WAS ALMOST LATE FOR SCHOOL.
QUỲNH ANH
Cám ơn ông thầy, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

March 21, 2013

March 22, 2013


Ngày 18 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Đọc báo trong nước những ngày qua, người ta thấy tờ Giáo Dục Việt Nam, tờ báo nói là "cơ quan ngôn luận của hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam" đã không hề có một bài nào nói về những cuốn sách nhảm nhí đang được cho lưu hành ở trong nước, những cuốn sách được coi là rất nguy hiểm vì nội dung của chúng có thể tiêm nhiễm vào đầu óc của học sinh nhiều điều sai trái, tạo ra những cái nhìn lệch lạc cho những thế hệ sắp tới về con người và đất nước Việt Nam.
Tờ báo Giáo Dục Việt Nam trong số mới nhất vẫn chỉ đăng tải những bài báo về các ngôi sao ca hát, các kiểu mẫu trong ngoài nước, các tin thể thao, thời trang, những trò ăn chơi của những thành phần nhiều tiền lắm bạc ở trong nước cũng như ở ngoại quốc.
Tờ báo này không hề đề cập gì tới những cuốn sách học đánh vần, những cuốn sách gọi là giúp mở mang trí tuệ của những học sinh ở cấp tiểu học, mẫu giáo… do những con buôn mua nguyên bản của Tầu mang về dịch sang tiếng Việt để dậy cho trẻ Việt Nam bất kể nội dung của chúng hoàn toàn không thích hợp với trẻ Việt.
Mới đây, người ta còn tìm thấy những cuốn sách dậy tiếng Anh cũng lại là những sách sản xuất ở bên Tầu được dịch sang tiếng Việt để giúp trẻ học tiếng Anh. Chỉ cần liếc qua vài ba trang của những cuốn sách đó cũng thấy ngay là không được.
SACH TRUNG CONG 4
SACH TRUNG CONG 3
Cuốn sách dậy ngữ vựng thì dùng những hình ảnh rõ ràng là của Tầu để dậy học sinh Việt Nam học tiếng Anh. Thí dụ bức họa đi kèm danh từ library thì có những chữ Hán to như cái mả bố Hồ Chí Minh là nghĩa lý làm sao? Danh từ Flag được in cạnh lá cờ 5 sao của Bắc kinh là thế nào?
SACH TRUNG CONG 1
Một cuốn sách dậy tiếng Hoa thì in cha nó tấm bản đồ có hình lưỡi bò để dậy danh từ bản đồ.
SACH TRUNG CONG 2
Bài dậy những ngữ vựng chỉ những người trong gia đình thì có hình của grandfather, grandmother, father, mother, uncle… Tất cả đều sử dụng những bức hình chụp rất đẹp của những người đàn ông mặt mũi phương phi, quần áo đẹp đẽ. Người mẹ trẻ thì mặc một chiếc áo rõ ràng là một chiềc trường sam. Toàn là những hình ảnh rất đẹp (chưa chắc đã thật) về một gia đình Tầu. Tại sao không kiếm nổi hình ảnh của một người phụ nữ mặc áo bà ba, áo dài, một người đàn ông Việt Nam bình thường, ừ thì có cho đội cái nón cối cũng được đi, mà phải kiếm cho bằng được hình mấy anh chị Tầu… đẹp như thế?
Tất cả những hình ảnh đó đều tạo ra những ấn tượng rất tốt đẹp về nước Tầu, một quốc gia khốn nạn đang đe dọa sự tồn vong của nước Việt Nam bằng những hành động gây hấn, xâm lấn đất đai, biển đảo của Việt Nam.
Những thứ sách vở như thế đang tràn lan khắp trong nước. Nhiều người cho rằng không dưới 50% số sách dành cho thiếu nhi bầy bán là những thứ sách dịch của Tầu. Hiện tượng này đã trở thành những lo ngại rất lớn của các phụ huynh quan tâm đến việc học hành của con em. Phản ứng của nhà cầm quyền là bào chữa qua loa, cho rằng đó là những sơ xuất và nói là sẽ cho thu hồi để sửa chữa. Việc giáo dục trẻ em không thể phó mặc cho những con buôn chữ nghĩa mà người ta tin chắc là có bàn tay xúi giục thâm độc của người Tầu ở sau.
Chưa thấy nhà nước làm gì để dẹp với những cuốn sách đầu độc trẻ em trong khi không thể nói là nhà nước lúng túng, không biết phải làm thế nào. Nhà nước biết phải làm gì chứ. Nhà nước không những biết mà lại còn rất giỏi trong cách giải quyết là đằng khác.
Bạn không tin sao?
Thì cứ nhớ lại trò tịch thu sách vở của miền Nam sau tháng 4 năm 1975 mà coi. Bọn chó dại đi vào khắp hang cùng ngõ hẻm lục tung các tủ sách gia đình của người dân mang đi đốt cho bằng hết. Các kho sách của các nhà sách như Khai Trí cũng bị đem đi hủy cả triệu cuốn thì được.
Vậy mà bây giờ, nhà nước nín khe trước việc làm của bọn con buôn có mấy thằng Tầu đứng sau. Và báo Giáo Dục thì im thin thít, chỉ dám đăng những tin tức nhảm nhí.
Tin tức tuần qua còn cho biết hàng chục ngàn cử nhân phải đi bán hàng, làm việc trong những hãng xưởng vì kiếm không ra việc.
Không kiếm được việc vì dốt quá chăng? Có lẽ đúng vì bằng cấp như thế cũng không viết nổi vài cuốn sách dậy trẻ tiểu học, phải mua sách Tầu về dịch rồi đầu độc các trẻ em Việt Nam.

Ngày 19 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Trong bộ bài tổ tôm có một quân bài tôi không biết rõ là quân gì, chỉ nghe mấy ông cụ đánh tổ tôm với ông bố tôi gọi là quân bán vợ đợ con. Tôi nghĩ chắc là nghèo lắm.
Nghèo đến độ nhìn quanh quẩn trong nhà thấy không còn gì bán được tiền, phải lôi vợ ra bán đắt, bán rẻ đi lấy tiền thì đích thị là phải nghèo thật.
Một người đàn ông Brazil tuần qua đã đem bán vợ trong internet. Giá cả mà ông ta đặt ra là năm chục đô la Mỹ. Ông mô tả vợ khá kỹ, lại kể ra đầy đủ những tính tốt của vợ và cho biết vợ ông 35 tuổi. Ông nói thêm rằng vợ ông với giá đó thì rất đáng mua.
Người đàn ông mà báo chí cho biết tên là Breno, nói rằng ông bán vợ vì lý do riêng mà ông không muốn nói ra. Lý do khác là vì ông cần tiền.
Nhưng quảng cáo vừa xuất hiện trên Mercado Livre, một dịch vụ thuộc eBay thứ Sáu tuần trước thì hôm sau, thứ Bẩy, chính phủ Brazil ra lệnh huỷ bỏ vì luật của Brazil cấm buôn bán các bộ phận cơ thể, người, máu, xương hay da.
Người phụ nữ được rao bán rõ ràng nằm trong danh sách những thứ không được bán. Không biết có ai nhanh tay nhanh mắt đọc được cái quảng cáo và giúp ông Breno giải quyết chuyện thiếu hụt tiền bạc của ông chưa.
Tôi tò mò muốn biết người chồng đăng báo bán vợ như thế nào. Quảng cáo rao bán vợ có khác quảng cáo bán cái xe không. Bán cái xe thì phải kể rõ là xe mấy máy, đã chạy bao nhiêu ngàn dặm, máy móc còn tốt không, máy lạnh còn chạy không, vỏ xe ra sao, mấy đời chủ (?). Muốn xem xe và chạy thử (?) thì liên lạc điện thoại. Giá cả là bao nhiêu. Giá nhất định hay có thể mặc cả, hay là OBO (Or Best Offer) ai trả cao nhất thì lôi về. Có khi chủ còn nêu ra lý do bán xe để gợi ý với khách muốn mua là xe tốt, bán nó không vì nó chạy dở, mà vì đã mua xe mới, không có chỗ đậu, dọn nhà đi xa, bị vợ bỏ, bị đào xù vân vân.
Viết một đoạn quảng cáo bán vợ khó hơn nhiều.
Thí dụ: Ði xa, bán gấp một chị vợ, 35 tuổi, một đời chồng, còn mặn mòi lắm. Vừa tân trang trên dưới bơm hút căng kéo đầy đủ hết. Răng lợi, ruột gan phèo phổi không hư chỗ nào. Chưa cắt đốt cột, lại cũng không vào nhà bảo sanh lần nào. Nấu ăn giỏi, đảm đang (?) chỉ phải tội hay đi shop. Thích mặc St John, mang ví Prada, giầy Valentino, kính Versace, đồ lót Victoria’s Secrets... đã max bốn cái credit card. Nay không còn cái credit card nào nên muốn có mấy cái mới để shop tiếp.
Có thể đến coi và dẫn đi ăn... thử. Xin hẹn trước. Cần xuất trình công hàm (?) độc thân. Gọi bất cứ giờ nào, không gặp xin để lại lời nhắn. Không phân biệt tuổi tác, xấu đẹp, thất nghiệp OK (?). Giá phải chăng, chỉ có 50 đô la Or Best Offer. Cần bán trước cuối tháng.
Rất tiếc là cái quảng cáo này đã bị dẹp, chứ nếu chưa, chỉ đọc được cái quảng cáo nghe cũng đã mát ruột rồi.
Nhưng còn cái giá 50 đô la. Tại sao lại rẻ rúng nhau như thế?
Cái quảng cáo đó mà còn, thế nào cũng có nhiều con heo đất bị giết móc ruột ra, rồi luôn cả những đồng quarter nằm kẹt dưới nệm ghế sa lông cũng bị moi ra cho bằng hết không chừa đồng nào để đi Brazil cho mà coi.

Ngày 20 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Cho mãi đến tận hôm nay, nếu không đọc bản tin của một tờ báo trong nước thì tôi vẫn tin chắc rằng nhạc của Trịnh Công Sơn được nhà cầm quyền Hà Nội dành cho những cách đối xử đặc biệt lắm.
Nhưng sự thực thì không phải là như thế. Không phải toàn bộ tác phẩm của ông đều đã được trình diễn tự do ở trong nước. Một số vẫn chưa được phép phổ biến ở Việt Nam. Tin báo chí cho biết cục nghệ thuật biểu diễn hôm 15 tháng 3, tức là cách đây chỉ 5 ngày, mới cho phép phổ biến thêm 8 ca khúc trong tập Ca Khúc Da Vàng của ông. Đó là những bài nhan đề Cánh Đồng Hòa Bình, Đồng Dao Hòa Bình, Người Mẹ Ô Lý, Nước Mắt Cho Quê Hương, Đôi Mắt Nào Mở Ra, Dựng Lại Người, Dựng Lại Nhà, Ta Thấy Gì Trong Đêm Nay, Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói. Tất cả là 8 bài.
Tập Ca Khúc Da Vàng với những ca khúc viết về quê hương, thân phận người Việt trong cuộc chiến, những ao ước về hòa bình đã đưa các sáng tác của ông sang một chiều hướng mới, và Trịnh Công Sơn được coi là một tiếng nói chống lại chiến tranh, phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.
Lời ca của những ca khúc này đã cho thấy lờ mờ những hình ảnh mà phía bên kia thường hay dùng, như trăm ngọn cờ bay, những nhà máy, công trường …Khi Trịnh Công Sơn viết hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng thì đó chỉ có thể là võ khí của Mỹ và miền Nam. Khi viết người yêu chết trận Chu Prong ở chiến khu D, chết ngoài Hà Nội … thì chắc người yêu đã chết đó phải ở bên kia…
Những ca khúc đó được hát rất nhiều ở miền Nam trước năm 1975, in thành sách, thu thanh trên đĩa nhựa, băng từ tính. Lý do là vì người ta cũng có thể hiểu những thanh niên miền Nam cũng có những người tử trận ở những chiến trường nhắc tên trong những bài hát ấy. Nhưng cố ý viết về phía bên kia thì chắc là có.
Vậy mà phe Cộng sản vẫn cấm những ca khúc rõ ràng là có dấu tích của những tình cảm mà Trịnh Công Sơn dành cho họ.
Trịnh Công Sơn phản chiến. Mà theo lối hiểu thông thường thì phản chiến là chống chiến tranh theo kiểu Cộng sản, là thiên Cộng. Vậy thì đáng lý ra, Cộng sản phải ôm lấy các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, giữ độc quyền lấy Trịnh Công Sơn, không cho ai nhận Trịnh Công Sơn là của họ hết. Nhưng không, Trịnh Công Sơn vẫn không được Cộng Sản đối xử như thế. Sau tháng 4 năm 75, Trịnh Công Sơn vẫn bị đẩy đi kinh tế mới, vẫn bị Trần Hoàn đì lên đì xuống. Và trong suốt những năm còn lại của đời sống, Trịnh Công Sơn chỉ viết được hai, ba bài, trong đó có bài Trịnh Công Sơn viết nhân chuyến đi Mạc Tư Khoa nhưng lại không được phổ biến nhiều lắm. Bài Hai Mươi Mùa Nắng Lạ viết theo đơn đặt hàng của thành ủy Sài Gòn để kỷ niệm 20 năm Cộng Sản vào Sài Gòn đã được viết rất kín đáo không tung hô không khẩu hiệu, nghe tưởng như một tình khúc.
Có thể vì thế, nhà cầm quyền thấy vẫn không "bảo" được Trịnh Công Sơn nên họ vẫn không tin ông.
Và cũng bởi thế, cho đến tận hôm nay, họ vẫn còn những biện pháp cấm cản nhắm vào Trịnh Công Sơn.
Trong số 8 ca khúc mà Hà Nội vừa cho phép hát của Trinh Công Sơn có bài Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương. Ca khúc này Trịnh Công Sơn hát lần đầu trong căn phòng của một người bạn ở Sài Gòn. Và chúng tôi, mấy người có mặt đã thích ngay phần nhạc cũng như lời ca của bài hát ấy. Nghe nó, người ta tưởng đó là những tiếng khóc của một người còn rất trẻ trong cái không khí đau đớn, kinh hoàng, tan nát, bi thảm của cuộc chiến. Nó có thể như được nghe thấy trong đêm tối phập phồng ưu tư, đầy lo sợ ở Sài Gòn, ở Huế, mà cũng có thể là ở Hà Nội, ở bất cứ nơi nào có tuổi trẻ Việt Nam trong những ngày tháng đạn bom đó…
Giọt nước mắt thương con, con ngủ me mừng
Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong
Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chẩy miên man
Ôi giọt nước mắt chẩy hoài
Giọt nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai
Ôi giọt nước mắt trong tim
Chẩy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình
Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương…
Những lời ca của bài hát này, càng nghe, tôi càng không hiểu tại sao chúng bị cấm trong suốt mấy chục năm qua.
Thương cho bầy chim phải bỏ rừng, thương cho cây rừng đổ xuống, cho cái chết của người em yêu quí, cho người dân tội nghiệp, cho dòng sông, cho quê hương, cho chính thân phận bi thảm của mình mà những giọt nước mắt vẫn bị cấm nhỏ xuống từ suốt mấy chục năm qua.
Không thể hiểu được.
Vì thế, nhiều người vẫn nghĩ là nếu không được sống và lớn lên ở miền Nam thì Trịnh Công Sơn không thể là một nhạc sĩ với những sáng tác mà ông đã để lại.
Và cái nhà nước Hà Nội đối xử với một người đáng lẽ ra chúng phải tử tế hơn là như thế đó.

Ngày 21 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Lục bát, thể văn vần có thể được coi là dễ làm nhất, vẫn có những luật về âm vận khiến cho người ta không cách nào đổi chữ cuối của câu ca dao sau đây thành một tiếng đoản bình thanh được, mà nhất định phải là một tiếng tràng bình thanh với dấu huyền:
Củi mục bà để trong rương
Ai mà đụng đến, trầm hương của bà

Chữ cuối phải là “”, không thể là “ông” được. Muốn đổi, phải đổi chữ thứ sáu thành tràng bình thanh đã rồi mới đổi chữ thứ tám thành đoản bình thanh được.
Vì thế, người bảo vệ đến hơi thở cuối cùng, quyết không để “như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” đến thanh củi đã mục đó được phải là “”.
Thanh củi mục đốt chỉ ra toàn khói, bà không dùng được vào việc gì, bà quăng vào trong rương, bà cất đó, bà để... bà chơi. Nhưng đứa nào đụng đến, định lấy đi, hay mượn tạm vài bữa, thì lập tức thanh củi …hết mục ngay. Nó trở thành gỗ trầm, thành thanh quế, thành thứ vương mộc liền lập tức.
Ðắt tiền lắm à!
Nhưng chủ của thanh củi mục không phải luôn luôn và bao giờ cũng là phụ nữ. Nhiều khi cũng có những người chủ của những thanh củi là những người đàn ông, những người cầy có ruộng như thời đệ nhị cộng hòa vẫn khẳng định trong những biểu ngữ treo khắp đường phố. Trong những trường hợp như thế thì câu ca dao phải đổi lại như thế nào?
Một thiên tài thi ca Việt Nam mách nước như thế này: đổi “bà” thành “chàng”:
Củi mục chàng để trong rương
Ai mà đụng đến, trầm hương của chàng

Tuyệt!
Ở West Point tiểu bang Mississippi có một chàng như thế. Củi mục của chàng có người đụng đến. Chàng hô hoán lên rằng đó là trầm hương của chàng. Chàng ra tòa, đòi người lấy trầm hương của chàng phải bồi thường cho chàng.
Người đàn ông này tên là Albert Edwin Holcombe.
Thanh củi mục của chàng là Andrea Holcombe. Albert và Andrea lấy nhau năm 1980. Ðến năm 1997 thì Andrea thành củi mục nhưng vẫn ở trong rương, chưa ra ngoài đường.
Vài năm sau, Harry Stevens thương củi mục Andrea quá, nên Harry lôi củi mục ra ngoài rương.
Albert liền kiện Harry, nói là Harry phá hỏng liên hệ giữa chủ và... trầm hương, vì lúc đó, củi mục đã biến thành trầm hương rồi. Albert đòi bồi thường cho chuyện trầm hương của mình bị lôi đi ra khỏi cái rương.
Toà đồng ý với chủ củi mục rằng củi mục đã biến thành trầm hương và buộc Harry Stevens phải bồi thường cho Albert $175,000.
Albert Edwin Holcombe phải được coi là người may mắn nhất trong năm. Ở thành phố tôi sống trước đây, cái xe cũ không đi được nữa, cảnh sát kéo đi quăng vào nghĩa địa, sau đó gửi cho chủ xe cái bill bắt trả tiền câu xe.
Luật lệ quái đản này, sau phán quyết của tòa Mississippi phải được tu chính để cảnh sát phải trả cho chủ xe tí tiền mới hợp lý.
Hay nếu không thì phải đảo ngược phán quyết của tòa, dậy Albert, chủ củi mục, phải trả cho Harry, người lôi thanh củi mục ra khỏi rương ít nhiều bao nhiêu cũng được, chứ bắt Harry trả tiền cho Albert là làm khó nhau quá.
Xe đậu ngoài đường, củi mục trong rương, ai lấy đi thì phải tặng ân nhân món quà to nhỏ mới phải chứ!

Ngày 22 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Người đàn ông 30 tuổi cao 5 ft 6, nặng 245 lbs ở Florida nên được khen ngợi về sáng kiến rất kỳ lạ của ông. Việc ông làm, theo tôi, còn hay hơn mưu của nhân vật trong truyện ngắn của Anton Chekhov rất nhiều.
Chekhov có một truyện ngắn, hình như tựa là Boa Constrictor, trong đó, nhân vật chính là một người đàn ông không giỏi lắm về kỹ thuật làm quen các bà các cô nên phải nghĩ ra một cách để đến đến gần họ. Chàng giả bộ là một người cả thẹn, than thở đau khổ vì không biết nói chuyện với phụ nữ. Thế là các bà, các cô nghe xong, thấy thương hại quá, ngồi xuống chỉ dẫn cho chàng cách tán, rồi lại còn bắt chàng thực tập luôn tại chỗ. Nhờ thế, chàng chẳng phải làm gì mà vẫn không lúc nào ngơi tay. Chàng cứ từ tốn như một con trăn xiết con mồi cho đến chết rồi đớp gọn.
Người đàn ông ở Florida không cần mất công như thế. Tờ nhật báo Charlotte Sun Herald cho biết chàng cứ đến gần các bà, các cô là lại giả bộ trợn mắt lên, ho sặc sụa, hai tay giơ lên trời như sắp chết nghẹn đến nơi. Các bà, các cô trông thấy liền chạy đến, ôm ngang lưng chàng, xiết một cái, chàng phun bật từ miệng ra một miếng táo, rồi quay lại ôm hôn người vừa mới cứu sống chàng rối rít.
Tính ra, mỗi lần như thế, chàng được người phụ nữ ôm một cái đến nơi đến chốn, rồi chàng lại ôm trả lễ một cái, hôn một cái. Hoàn toàn miễn phí.
Chàng làm như thế cả 5, 6 lần là ít vì cảnh sát nhận được 5, 6 cú điện thoại báo cáo việc làm của chàng. Cảnh sát cho biết không thể can thiệp, vì chàng không vi phạm bất cứ một bộ luật nào, mà việc chàng làm cũng không bị coi là một hành động phạm pháp. Nên chàng vẫn tiếp tục vui chơi tại Florida. Thỉnh thoảng giả bộ ói một cái, lại được ôm qua, ôm lại mấy cái miễn phí.
Ðây là một người đàn ông rất giỏi. Chàng biết đánh thức bản năng làm mẹ của các phụ nữ. Còn cảnh nào trông tội nghiệp hơn cảnh một người hai tay giơ lên trời, miệng ú ớ, mắt trợn ngược lên? Người phụ nữ, bản tính hay cứu giúp, liền ra tay. Kỹ thuật cứu hóc hay nghẹn, một cái ôm xiết mạnh ngang hoành cách mô gọi là Hemlich học ở lớp cứu thương được đem ra dùng. Những bịch silicone qua mấy lớp vải vẫn có thể làm vật ngáng ở cổ họng phải bật ra.
Sau đó là thủ tục cám ơn như tờ báo tường thuật lại.
Nhưng cũng may cho chàng, chàng không giả bộ nghẹn với bà cô tôi với cách chữa nghẹn của bà. Nghẹn hả? Hóc hả? Dễ ẹc: lấy cái đũa chống lên đỉnh đầu, cầm cái đũa kia, gõ hai cái đũa vào nhau và nói: "Ở gần thì ra, ở xa thì vào."
Thế là hết, khỏi phải ôm gì hết.
Kỹ thuật chữa hóc và chữa nghẹn đó hình như cũng có nhiều người biết chứ không chỉ mình bà cô tôi. Cuối tuần qua, tại một tiệc cưới, tôi thấy một phụ nữ rất trẻ và rất đẹp. Cô để một kiểu tóc cũng đẹp. Nhưng thay vì những cái kẹp tóc, thì tôi thấy rõ ràng là một đôi đũa xiên ngang lọn tóc cột cao trên gáy. Ðôi đũa Nhật bằng sơn mài tôi thấy bán ở chợ Nhật nay tìm được một chỗ mới và hợp lý hơn là bên cạnh đĩa sushi. Ðôi đũa thật là tiện dụng: tiệm thấy chúng tôi Tây quá, quên không mang đũa ra, thì đã có sẵn một đôi cài trên tóc, thò tay ra đằng sau la có đũa ngay.
Hóc hay nghẹn ư? Ðừng chờ một cái ôm mà hố. Hai cái đũa rút ra, gõ lên đầu là xong ngay.
Người nào bắt chước người đàn ông ở Florida mà gặp người phụ nữ tại tiệc cưới thì chẳng ăn thua gì hết.
Có khi hóc thật, nghẹn thật, lăn xuống chết cũng chỉ được hai cái đũa gõ lên đầu mà thôi.
Thà xin làm hai cái đũa còn có lý hơn.

March 14, 2013

March 15, 2013


Ngày 11 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Tại Việt Nam, một cuốn sách nhan đề Vở Luyện Từ và Câu lớp 3, tập 2 vừa bị thu hồi và tạm ngưng phát hành để chỉnh sửa những sai sót trong sách.
Ở trang 5 của cuốn sách vừa kể có một bài viết tay với tuồng chữ rất chân phương và rất đẹp. Nhưng nội dung của đoạn viết tay đó đã để lại những sai sót tầy đình. Đây là nguyên văn đoạn viết tay ấy :
"Quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông sang đánh nước ta. Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng . Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên che lấp các cọc nhọn. Lý Thường Kiệt cho thuyền nhẹ bơi ra khiêu chiến , vừa đánh vừa rút lui nhử cho giặc vào nơi quân ta mai phục. Vừa lúc ấy thủy triều xuống quân mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh rất mạnh. Giặc hốt hoảng quay thuyền chạy thì bị va vào cọc thuyền bị thủng đâm hàng loạt . Cuộc xâm lược của dịch hoàn toàn thất bại. Mùa xuân năm 939 Lý Thường Kiệt lên ngôi vua."
Cuốn sách này được hình thành bởi 5 người, trong đó có một chủ biên, 4 người kia không biết giữ những công việc và trách nhiệm gì.
Nhưng với 5 người như thế mà vẫn để lại những sai sót vô cùng tệ hại thì quả là bọn biên soạn cuốn sách ngu thật.
Bài viết được giao cho một người có chữ viết rất đẹp để viết làm mẫu cho các học sinh tập viết. Phải nói người viết có nét chữ rất đẹp. Nhưng cũng chính vì đó là chữ viết tay, không phải là được sắp chữ, hay đánh bằng máy điện toán nên không thể nói đó là lỗi typo. Người viết chỉ có nhiệm vụ viết, nhưng ít nhất cũng phải có một chút kiến thức về sử để nhìn ra chi tiết lộn Ngô Quyền thành Lý Thường Kiệt. Nhưng người này đã không thấy được sai sót đó. Viết xong chắc chắn bài viết phải được đọc lại để sửa chữa nếu có chi tiết, chữ nào bị viết sai, thiếu nét, đánh dấu lầm... Nhưng rõ ràng là (những) người đọc lại bản viết cũng không nhìn ra được sai sót nên Lý Thường Kiệt mới được trao cho một công việc khác là đánh quân Nam Hán, để cho Ngô Quyền ở không, ngồi chơi sơi nước.
Trong đoạn văn, quân Nam Hán được nhắc tới hai lần. Lý Thường Kiệt được nhắc tên ba lần. Lý Thường Kiệt cũng được trao cho công việc đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, để đánh đoàn chiến thuyền Nam Hán. Việc đó, ai học sử Việt cũng phải biết là việc làm của Ngô Quyền, và sau đó, năm 1288 Hưng Đạo Vương cũng dùng kế đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng để đánh quân Nguyên.
Lầm Ngô Quyền thành Lý Thường Kiệt mới chỉ là một cái lỗi mà người ta nhìn thấy trong bài viết.
Nhưng thực ra, còn có những lỗi khác nữa thì lại không thấy những độc giả góp ý với tờ Dân Trí nêu ra.
Đó là ở cuối của bài viết, người ta đọc thấy nguyên văn câu này: "Năm 939, Lý Thường Kiệt lên ngôi vua."
Thực ra thì Ngô Quyền mới là người lên ngôi vua năm 939 tức là năm Kỷ Hợi, đóng đô ở Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. Ngô Quyền chết năm Giáp Thân (944), thọ 47 tuổi.
Lý Thường Kiệt thì không bao giờ đánh quân Nam Hán. Lý Thường Kiệt là người đánh quân Tống và Chiêm Thành (Phá Tống, Bình Chiêm). Ông đánh Chiêm Thành năm 1075 để trừng phạt việc Chiêm Thành đem quân sang quấy phá Việt Nam. Sau khi đánh Chiêm Thành xong, Lý Thường Kiệt mới quay sang đánh quân Tống.
Đến năm Quí Mùi (1103) ở Diễn Châu có Lý Giác làm phản. Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Lý Giác. Lý Giác chạy sang Chiêm Thành, đem vua Chiêm là Chế Ma Na đánh lấy ba châu của Việt Nam. Năm 1104, Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành. Chế Ma Na thua chạy, xin trả lại đất cho Việt Nam.
Lúc ấy, Lý Thường Kiệt đã 70 tuổi. Một năm sau khi đánh Chiêm Thành (năm 1105), Lý Thường Kiệt mất, hưởng thọ 71 tuổi. Đó là dưới triều vua Lý Nhân Tông. Lý Thường Kiệt là tướng tài, không lên ngôi vua ngày nào.
Lộn Ngô Quyền thành Lý Thường Kiệt là một chuyện. Lộn quân Tống thành quân Nam Hán là chuyện thứ hai. Kế hoạch đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền thì trao cho Lý Thường Kiệt là sai lầm thứ ba.
Lý Thường Kiệt sinh năm 1034, chết năm 1105 thì viết khơi khơi là năm 939, tức là trước khi Lý Thường Kiệt ra đời tới 95 năm, Lý Thường Kiệt đã lên ngôi vua.
Than ôi, một đoạn viết ngắn có 13 dòng viết tay mà để lại một đống lỗi như thế thì dậy dỗ cái con chó gì.
Mẹ kiếp viết lịch sử láo toét như thế, lại bao nhiêu người không nhìn ra những sai sót đó cho nên học sinh mới quá chán học môn sử (như tờ Giáo Dục Việt Nam đã viết hồi tháng trước) là như vậy.
Học sinh học tới lớp 5, sống lù lù ngay ở Hà Nội, mà không biết thủ đô của Việt Nam là gì thì cũng là do mấy thứ ngu dốt đó dậy dỗ.
Đã dốt như thế, lại còn dở trò bóp méo, xuyên tạc lịch sử thì mới có cái thứ chó cái như con nhãi Lê Phong Lan làm loạt phim về Mậu Thân và đổ hết tội cho Hoa kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã giết mấy ngàn người ở Huế.
Mẹ kiếp con nhãi con xuyên tạc lịch sử để tẩy rửa cho các tội ác của Việt Cộng thì cũng hiểu được. Nhưng cướp công của Lý Thường Kiệt từ tay Ngô Quyền và cho Lý Thường Kiệt lên ngôi vua để … nói xấu tổng thống Ngô Đình Diệm (?) vì cùng họ với Ngô Quyền hay sao?
Mà rồi cả đống trong nước cũng không thấy được những sai lầm láo toét như thế nên đất nước mới là không khá được.
Giá chịu khó đọc vài trang trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim từ trang 68 đến trang 107 cũng thấy ngay là Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, không phải Lý Thường Kiệt chư sao mà lại nhắm mắt nhắm mũi viết bậy như thế! Nhà nước thì mấy tháng sau mới quyết định thu hồi lệnh thu hồi cũng nói là "tạm". Tại sao lại "tạm thu hồi" mà không đốt cha nó cái đống sách mả mẹ ấy đi cho sạch cái … mình?
Tôi chắc giờ học sử của các em không bao giờ có cảnh như thế này:
Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử
Thầy tôi bảo :"Các em nên nhó rõ,"
"Nước chúng ta là một nước vinh quang,"
"Bao anh hùng thuở trước của giang san,"
"Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc."
…(Đoàn Văn Cừ)
Chứ học sử mà gặp phải thứ sách khốn nạn như thế thì giữ nước thế chó nào được.

Ngày 12 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Trong lối nói của người Anh và người Mỹ, có một câu như thế này: "…like opening a can of worms", đại khái là như mở một cái hộp đựng sâu bọ, khiến giòi bọ lồm cồm bò ra, đóng lại không kịp. Lối nói ví von như thế, bây giờ nghe lại giống hệt như những gì đang thấy ở Việt Nam.
Cái hộp giòi bọ, lỡ tay mở ra thì một đống sâu giòi lúc nhúc kéo nhau ra trình diện hệt như vì tìm ra được một chuyện xấu, thì lập tức một đống chuyện xấu khác lếch thếch kéo nhau ra. Như ở Việt Nam mới đây, thoạt đầu là cuốn sách với một trang in hình lá cờ Trung quốc để các học sinh quan sát và tập kể chuyện. Rồi vài ngày sau đó, người ta lại tìm thấy một cuốn sách khác dậy đánh vần (Bé làm quen với chữ cái) của nhà xuất bản Sư Phạm với mấy sai sót tệ hại khác.
Cuốn sách sửa soạn cho các em vào lớp 1 nguyên là một cuốn sách mua của một nhà xuất bản ở Trung quốc mang về dịch và giữ nguyên lá cờ Trung quốc trong bản tiếng Việt thì được bào chữa một cách ngu xuẩn rằng vì sách của Trung quốc mua lại để dịch sang Việt ngữ nên phải giữ nguyên nội dung, không được thay đổi để tránh vi phạm những hợp đồng đã ký khi mua cuốn sách đó.
Nhưng cuốn dậy đánh vần là của một người tên là Nguyễn Thúy Hà viết, do nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm xuất bản. Ở bài học số 14 dậy các em đánh vần chữ "C" có kèm theo hình vẽ như cua, cam, cá, cây và cờ, những vật có tên bắt đầu bằng chữ "C", thì con đĩ dại Nguyễn Thúy Hà đã dùng lá cờ 5 sao của Trung quốc để đi kèm với chữ "CỜ".
Cuốn sách dậy đánh vần tiếng Việt, không phải là cuốn sách dịch từ tiếng Hoa nên mới dùng những vật có tên viết với chữ "C".
Người viết cuốn sách này đã dùng lá cờ 5 sao của Trung quốc để minh họa cho chữ "cờ".
Vì thế nó mới lòi cái đuôi ngu xuẩn khốn nạn ra. Tại sao không là lá cờ đỏ sao vàng (*) mà lại dùng lá cờ Tầu? Nếu không dùng lá cờ máu ấy thì tại sao không dùng hình vẽ cái cờ đuôi nheo, cái cờ dải phướn… mà nhất định phải dùng cái cờ 5 sao của Trung quốc?
Tôi nghĩ đây là một việc làm có tính toán, tính toán một cách hiểm độc, đó là cấy vào đầu óc non nớt, trong trắng của trẻ em hình ảnh cái lá cờ 5 sao đó để thế hệ này lớn lên, sẽ quen với lá cờ ấy và sẽ không phản đối khi những lá cờ đó được kéo lên ở khắp nước Việt Nam. Ngoài khơi thì ở Hoàng Sa, Trường Sa, trên cao nguyên thì ở khu khai thác bô xít, ở Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương, trên những chiếc lồng đèn đỏ treo ở Hải Phòng, Lào Cai, Vũng Tầu…
Và điều đó nguy hiểm còn hơn cả cái ngu xuẩn và dốt nát của bọn viết sách giáo khoa cho trẻ em như con chó dại Nguyễn Thúy Hà đã cho thấy trong cuốn sách dậy đánh vần.
Chứ bọn viết sách ngu dốt ấy, nếu bí quá không tìm được những chữ bắt đâu bằng chữ "C" thì cứ nói. Tôi sẽ đưa cho chúng nó xem ảnh của mấy thằng đầu trâu mặt ngựa, bọn chó đẻ trong cái chính trị bộ của chúng để ở trang dậy đánh vần "C" có ngay mấy chữ bắt đầu bằng chữ "C": CON CỦ …CẢI.
Đâu cần phải cầu kỳ mà lại lộ rõ ra cái mặt vừa ngu vừa nô dịch để phải dùng lá cờ Ngũ Đại Xuất Tinh Hồng Kỳ của Bắc Kinh cho vào sách học vần dậy cho trẻ em Việt Nam?
Cuốn sách do nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm in mới là khốn nạn. Đại Học Sư Phạm là trường huấn luyện các giáo viên mà dám để cho một cuốn sách như vậy được in ra sao? Khi chuyện đổ bể, cả bọn cuống cuồng lên để giải thích và bào chữa. Một đứa nói là đó chỉ là bản in thử đem bầy bán thử nên mói có sai sót đó, và bộ Giáo Dục thì cũng chỉ ra lệnh tạm thu hồi là thế nào? Lũ giòi bọ tiếp tục bò ra từ cái hộp đó
Chưa hết đâu.
(*) Thế nào cũng sẽ có người bắt bẻ tại sao tôi lại viết là cuốn sách nên dùng lá cờ đỏ sao vàng. Mong … ít người sẽ nghĩ như thế!

Ngày 13 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Thì đúng như tôi nói trong lá thư trước, người ta lại tìm thấy một cuốn sách khác trong loại sách dành cho trẻ em Việt Nam có hình vẽ một em bé đang phất một lá cờ Tầu.
Cuốn sách nhan đề "Bồi Dưỡng Tình Cảm" tập 2 trong bộ sách "10 phút cho bé trước giờ đi ngủ."
Trước khi lên giường, trẻ em ở đâu cũng muốn nghe kể chuyện. Thường là truyện cổ tích như những thần thoại với đoạn kết tốt đẹp để đưa trẻ vào giấc ngủ với nụ cười trên môi, nối tiếp vào những giấc mơ hạnh phúc.
Ngày xưa, chúng ta yêu truyện bà lão và quả thị, cậu bé tí hon, con mèo đi hia… Ngày nay, thế giới đã có nhiều điều đổi khác nên truyện kể cho trẻ em trước khi ngủ cũng khác những truyện ngày xưa. Trẻ em không còn tin là người có thể lấy cóc, Thạch Sanh thì đã giết được chằng tinh, lại còn lấy được công chúa…
Nên ở trong nước, người ta phải mua những cuốn sách viết ở Trung quốc, viết cho trẻ em Trung quốc, đem dịch sang tiếng Việt để cho trẻ em Việt Nam sớm được đồng hóa thành người Trung quốc, nước Việt Nam sớm trở thành ngôi sao nhỏ thứ 5 trên lá cờ Ngũ Tinh Hồng Kỳcủa Trung quốc như những lá cờ mà nhà nước đã in ra, phát cho trẻ em phất khi đón một nhân vật của Bắc kinh sang thăm Việt Nam cách đây không lâu.
Cuốn sách "Bồi dưỡng tình cảm" được viết (dịch) cho trẻ từ 2 đến 4 tuổi phát hành tháng 6 năm 2012. Ở trang 8 của tập 2 cuốn sách này, có một bài mang tựa đề "Yêu Tổ Quốc" với hàng chữ nguyên văn :"Tổ quốc chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng. Bé hãy tô mầu cho đúng lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta nhé." Và ngay bên cạnh là hình vẽ một đứa bé đang cầm … cha nó lá cờ Ngũ Tinh Hồng Kỳ đếm được đủ 5 ngôi sao. Phía cuối trang còn có một câu dặn dò "Dậy trẻ nhận biết quốc kỳ đất nước, bồi dưỡng tình yêu đất nước cho trẻ từ nhỏ".
Mẹ kiếp đúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Dậy trẻ nhận biết lá cờ của nước nhà, rồi chìa mẹ nó ra cái cờ năm ngôi sao. Trẻ nhận biết xong lá cờ 5 sao đó, liền cứ bám mẹ nó cái cờ ấy mà yêu, mà bồi dưỡng tình yêu tổ quốc thì còn chó gì là đất nước Việt Nam nữa.
"Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay" là thế.
Các cháu ngoan của bác cứ thế ôm lấy lá cờ đỏ năm sao mà hôn trong khi bác thì ôm lấy đít của Mao sếnh sáng mà hít lấy hít để.
Bố tiên sư chúng nó, có ngu thì cũng ngu vừa, còn cho mười mấy thằng khác trong bộ chính trị ngu với chứ. Trong thiên hạ có 4 bồ ngu, chúng nó tranh nhau chiếm hết thì còn nhường cho ai ngu cùng nữa?
Cả nước không kiếm được một người nào biết vẽ cái cờ Việt Nam nữa hay sao? Bộ photoshop không biến được lá cờ Xuất Tinh Hồng Kỳ thành lá cờ đỏ sao vàng hay sao?
Thế thì chúng nó dậy trẻ yêu nước Trung quốc chứ yêu mẹ gì nước Việt Nam (cho dù là nước Việt Nam Cộng Sản, cờ đỏ sao vàng đi nữa).
Vậy nên chúng nó mới bỏ tù Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Việt Khang… đạp vào mặt, đấm đá hành hung tàn bạo những người dám động tới cái cờ mả mẹ nhà chúng nó.
Chờ lũ trẻ đọc những thứ sách vở cứt đái đó lớn lên thì sẽ cờ 5 sao vác chạy đầy đường cho mà coi.
Bố tiên sư chúng nó.

Ngày 14 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Người ta thấy là những cuốn sách mua của Trung quốc đem dịch sang tiếng Việt không chỉ tìm cách bơm vào đầu óc của trẻ em những điều sai lầm về sử ký địa lý Việt Nam trong khi tìm cách dẫn dắt lối suy nghĩ của các em theo chiều hướng chấp nhận sự bành trướng đất đai của Trung quốc nhắm vào Việt Nam, mà những thứ sách đó còn nhắm cả vào những thành phần không phải là trẻ em nữa.
Bắc kinh đang nỗ lực làm công việc đó và đang được sự tiếp tay của những con buôn bị người Tầu mua chuộc để làm theo những toan tính đồng hóa nước Việt Nam dần dần của họ.
Thương cho tổ tiên của chúng ta, những người quyết không để răng trắng, không nói tiếng Tầu, không quần áo Tầu suốt bao nhiêu năm để giữ được bản chất, gốc Việt của mình.
Ở Hà Nội mới xuất hiện một cuốn sách nhan đề là "Cầu Vồng" tập số 9 do nhà Dân Trí xuất bản phát hành hồi tháng 2 năm 2013. Ở trang 24 của cuốn sách này, có một bài viết về phong tục, tập quán liên quan đến Tết của người Việt. Bài viết có những chi tiết về các món ăn, cách trang hoàng nhà cửa trong dịp đầu năm Âm lịch, kèm theo một bức vẽ 12 con giáp.
Và đó là chi tiết làm cho nhiều người khó chịu. Nói là khó chịu thì còn là nhẹ. Việc làm của những người dịch và in cuốn sách này là một cố gắng để tìm cách cấy vào đầu người đọc một chuyện chỉ có người Tầu làm và người Việt thì không làm như thế bao giờ. Bài viết của cuốn sách còn kêu gọi các em nhỏ dùng bút tô mầu cho bức vẽ để dự thi cuộc thi "tô mầu đẹp". Các em sau đó gửi những bức tranh do các em tô mầu đến một trung tâm giáo dục để dự thi.
Bức vẽ 12 con giáp có một chi tiết chỉ đúng với người Tầu. Đó là chi thứ tư của thập nhị chi (12 con giáp) có hình vẽ một con thỏ.
Chúng ta ai cũng biết chi thứ tư, với người Việt Nam, là con mèo, là năm Mão (Mẹo) chứ không bao giờ là con thỏ. Người Hoa, người Cao Ly, người Nhật thì gọi chi thứ tư là con thỏ. Chỉ có người Việt là gọi con vật thứ tư trong thập nhị chi là con mèo. Mèo bị chuột đánh lừa, không gọi mèo dậy sớm nên mèo đến bệ kiến Đức Phật muộn. Nhưng mèo vẫn xin được Đức Phật tha cho gặp trước khi Đức Phật ra đi. Vì thế mèo mới thâm thù chuột, ghét chuột , ghét cay ghét đắng cho đến tận ngày hôm nay. Mèo được người Việt cho vào danh sách 12 con giáp. Ngoài ra cũng còn hai chi tiết khác mà người Việt dùng khác với người Hoa. Đó là chúng ta cho con trâu vào số 12 con giáp trong khi người Hoa thì dùng con bò. Lịch Việt Nam cũng dùng con dê trong khi người Hoa dùng con cừu.
Cuốn sách "Cầu Vồng" như thế cũng nhắm vào cả trẻ em Việt Nam với cuộc thi tô mầu. Những đứa bé ấy lớn lên sẽ gọi năm đến sau năm con cọp và trước con rồng là năm con thỏ. Và những đứa bé ra đời vào năm 2023 sẽ nhất định cãi lại cha mẹ chúng là chúng sinh năm con thỏ chứ không là tuổi con mèo. Chúng sẽ không bao giờ nhận là tuổi Quí Mão, và có thể khi chúng biết nói, ngôn ngữ chúng dùng sẽ là tiếng Quảng Đông không chừng.
Và khi đó, chúng sẽ hệt như những người mà ông Bá Dương mô tả trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí.
Chưa thấy có đề nghị hay quyềt định thu hồi cuốn sách này. Nhà xuất bản Dân Trí cũng là cơ sở in cuốn sách có cờ Trung quốc cắm trên nóc một ngôi trường, cuốn sách mầu của Trung quốc, dịch sang tiếng Việt để giúp các trẻ em phát triển trí tuệ trước khi vào học lớp 1.
Dậy nô dịch lúc còn thơ
Học cho sớm khỏi chờ lớn lên

Ngày 15 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Chắc là con rùa ở hồ Hoàn Kiếm đã gây "bức xúc" rất nhiều cho một cậu trong hội đồng di sản quốc gia lắm nên cậu này mới đây đã lên tiếng phản đối việc đề cử rùa Hồ Gươm là một thứ bảo vật quốc gia.
Cậu này là GS Ngô Đức Thịnh, chẳng biết GS là cái con chó gì nhưng ăn nói thì ngu hết sức.
Cậu nói rằng không hề có chuyện vua Lê Lợi đi trên hồ Hoàn Kiếm. Cậu cho đó chỉ là huyền thoại, không phải là lịch sử. Vì thế không nên coi rùa hồ gươm là một bảo vật quốc gia.
Chuyện vua Lê có đi thuyền trên hồ hay không thì không ai dám tin chắc là có hay không. Chuyện nếu có thực thì cũng đã từ thế kỷ thứ 15. Mà nếu không có thực thì cũng đã 6 thế kỷ trôi qua, không một nhân chứng nào còn sống đến ngày hôm nay để có thể nói có hay không.
Nhưng Lê Lợi là nhân vật có thật. Giữa Hà Nội có một cái hồ. Trong cái hồ ấy có (một, hay hai ba) con rùa. Con rùa ở hồ Gươm thỉnh thoảng có xuất hiện. Mới đây nó bị bệnh đã được đưa lên bờ chữa trị những vết thương trên đầu, trên mai. Ở đền Ngọc Sơn có xác một con được ướp và trưng bầy trong một chiếc tủ kính.
Chuyện vua Lê đi thuyền trên hồ, thấy một con rùa nổi lên, vua cầm gươm chỉ vào con rùa thì bị rùa đớp lấy thanh gươm và biến mất. Thế rồi thành chuyện vua dẹp xong giặc Minh thì rùa đòi lại thanh gươm mà trước đây rùa đã trao cho ông ở Lam Sơn.
Thực hư ra sao thì từ mấy thế kỷ nay không ai nói chắc được. Nhưng chúng ta đã tin như thế suốt mấy trăm năm qua. Đó là một câu chuyện đẹp. Việc đánh quân Minh giải phóng bờ cõi là do Trời muốn. Trời cho Lê Lợi thanh gươm trong một lần người nông dân áo vải đất Lam Sơn này đi đánh cá. Lê Lợi được trao cho sứ mạng đánh đuổi "quân cường Minh tứ ngược". Xong công tác thì Trời đòi lại thanh gươm. Rùa hiện lên ở cái hồ giữa Thăng Long và lấy lại thanh gươm từ tay Lê Lợi.
Câu truyện rùa đòi gươm không ai có thể làm chứng là đã xẩy ra. Nhưng người ta tin là đã có chuyện đó. Cho dù chuyện ấy không thực sự xẩy ra thì nó cũng là một câu truyện đẹp. Thiếu gì những câu chuyện đẹp, đầy nét huyền thoại như thế. Nước Nhật thì có Thái Dương thần nữ. Đức Phật thì hiểu được tiếng của loài vật. Lý Bạch chết một cái chết tuyệt đẹp của một thi sĩ…
Có ai trong chúng ta thấy tận mắt được những chuyện như thế? Nhưng chúng ta vẫn tin là có Phù Đổng Thiên Vương vươn vai leo ngựa sắt đánh tan giặc Ân, Nguyễn Trãi viết những chữ "Lê Lợi Vi Quân, Nguyễn Trãi Vi Thần" trên lá cây rừng, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, nước giếng trong thành Cổ Loa làm cho ngọc trai sáng và đẹp ngời…
Đang có những chuyện đẹp như thế, thì cái nhà anh Ngô Đức Thịnh này đòi dẹp đi, xóa đi cái huyền thoại quá đẹp đó vì anh ta lý luận là không có chuyện vua Lê đi chơi hồ Hoàn Kiếm.
Chúng ta không thế chứng minh vua Lê có đi thuyền trên hồ. Nhưng cũng không ai có thể chứng minh nhà vua không bao giờ leo lên thuyền đi chơi hồ.
Anh Thịnh này có thể không có việc gì làm ở cái hội đồng di sản quốc gia đó nên lôi chuyện rùa ở hồ Gươm ra nói.
Cũng có thể là chuyện con rùa có liên quan đến việc Lê Lợi đánh quân ngoại xâm từ phương Bắc, lại còn được Nguyễn Trãi kể trong Bình Ngô Đại Cáo, toàn những chuyện làm cho bọn Bắc Kinh không vui nên anh Ngô Đức Thịnh này nhẩy ra nói xấu và dẹp chuyện hoàn kiếm của vua Lê chăng?
Tôi thì tin chắc là vua Lê có đi thuyền trên hồ.
Như lời Đức Ki Tô đã nói với thánh Tô Ma: "Phúc cho những ai không thấy mà tin."
Bùi Bảo Trúc