March 21, 2013

March 22, 2013


Ngày 18 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Đọc báo trong nước những ngày qua, người ta thấy tờ Giáo Dục Việt Nam, tờ báo nói là "cơ quan ngôn luận của hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam" đã không hề có một bài nào nói về những cuốn sách nhảm nhí đang được cho lưu hành ở trong nước, những cuốn sách được coi là rất nguy hiểm vì nội dung của chúng có thể tiêm nhiễm vào đầu óc của học sinh nhiều điều sai trái, tạo ra những cái nhìn lệch lạc cho những thế hệ sắp tới về con người và đất nước Việt Nam.
Tờ báo Giáo Dục Việt Nam trong số mới nhất vẫn chỉ đăng tải những bài báo về các ngôi sao ca hát, các kiểu mẫu trong ngoài nước, các tin thể thao, thời trang, những trò ăn chơi của những thành phần nhiều tiền lắm bạc ở trong nước cũng như ở ngoại quốc.
Tờ báo này không hề đề cập gì tới những cuốn sách học đánh vần, những cuốn sách gọi là giúp mở mang trí tuệ của những học sinh ở cấp tiểu học, mẫu giáo… do những con buôn mua nguyên bản của Tầu mang về dịch sang tiếng Việt để dậy cho trẻ Việt Nam bất kể nội dung của chúng hoàn toàn không thích hợp với trẻ Việt.
Mới đây, người ta còn tìm thấy những cuốn sách dậy tiếng Anh cũng lại là những sách sản xuất ở bên Tầu được dịch sang tiếng Việt để giúp trẻ học tiếng Anh. Chỉ cần liếc qua vài ba trang của những cuốn sách đó cũng thấy ngay là không được.
SACH TRUNG CONG 4
SACH TRUNG CONG 3
Cuốn sách dậy ngữ vựng thì dùng những hình ảnh rõ ràng là của Tầu để dậy học sinh Việt Nam học tiếng Anh. Thí dụ bức họa đi kèm danh từ library thì có những chữ Hán to như cái mả bố Hồ Chí Minh là nghĩa lý làm sao? Danh từ Flag được in cạnh lá cờ 5 sao của Bắc kinh là thế nào?
SACH TRUNG CONG 1
Một cuốn sách dậy tiếng Hoa thì in cha nó tấm bản đồ có hình lưỡi bò để dậy danh từ bản đồ.
SACH TRUNG CONG 2
Bài dậy những ngữ vựng chỉ những người trong gia đình thì có hình của grandfather, grandmother, father, mother, uncle… Tất cả đều sử dụng những bức hình chụp rất đẹp của những người đàn ông mặt mũi phương phi, quần áo đẹp đẽ. Người mẹ trẻ thì mặc một chiếc áo rõ ràng là một chiềc trường sam. Toàn là những hình ảnh rất đẹp (chưa chắc đã thật) về một gia đình Tầu. Tại sao không kiếm nổi hình ảnh của một người phụ nữ mặc áo bà ba, áo dài, một người đàn ông Việt Nam bình thường, ừ thì có cho đội cái nón cối cũng được đi, mà phải kiếm cho bằng được hình mấy anh chị Tầu… đẹp như thế?
Tất cả những hình ảnh đó đều tạo ra những ấn tượng rất tốt đẹp về nước Tầu, một quốc gia khốn nạn đang đe dọa sự tồn vong của nước Việt Nam bằng những hành động gây hấn, xâm lấn đất đai, biển đảo của Việt Nam.
Những thứ sách vở như thế đang tràn lan khắp trong nước. Nhiều người cho rằng không dưới 50% số sách dành cho thiếu nhi bầy bán là những thứ sách dịch của Tầu. Hiện tượng này đã trở thành những lo ngại rất lớn của các phụ huynh quan tâm đến việc học hành của con em. Phản ứng của nhà cầm quyền là bào chữa qua loa, cho rằng đó là những sơ xuất và nói là sẽ cho thu hồi để sửa chữa. Việc giáo dục trẻ em không thể phó mặc cho những con buôn chữ nghĩa mà người ta tin chắc là có bàn tay xúi giục thâm độc của người Tầu ở sau.
Chưa thấy nhà nước làm gì để dẹp với những cuốn sách đầu độc trẻ em trong khi không thể nói là nhà nước lúng túng, không biết phải làm thế nào. Nhà nước biết phải làm gì chứ. Nhà nước không những biết mà lại còn rất giỏi trong cách giải quyết là đằng khác.
Bạn không tin sao?
Thì cứ nhớ lại trò tịch thu sách vở của miền Nam sau tháng 4 năm 1975 mà coi. Bọn chó dại đi vào khắp hang cùng ngõ hẻm lục tung các tủ sách gia đình của người dân mang đi đốt cho bằng hết. Các kho sách của các nhà sách như Khai Trí cũng bị đem đi hủy cả triệu cuốn thì được.
Vậy mà bây giờ, nhà nước nín khe trước việc làm của bọn con buôn có mấy thằng Tầu đứng sau. Và báo Giáo Dục thì im thin thít, chỉ dám đăng những tin tức nhảm nhí.
Tin tức tuần qua còn cho biết hàng chục ngàn cử nhân phải đi bán hàng, làm việc trong những hãng xưởng vì kiếm không ra việc.
Không kiếm được việc vì dốt quá chăng? Có lẽ đúng vì bằng cấp như thế cũng không viết nổi vài cuốn sách dậy trẻ tiểu học, phải mua sách Tầu về dịch rồi đầu độc các trẻ em Việt Nam.

Ngày 19 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Trong bộ bài tổ tôm có một quân bài tôi không biết rõ là quân gì, chỉ nghe mấy ông cụ đánh tổ tôm với ông bố tôi gọi là quân bán vợ đợ con. Tôi nghĩ chắc là nghèo lắm.
Nghèo đến độ nhìn quanh quẩn trong nhà thấy không còn gì bán được tiền, phải lôi vợ ra bán đắt, bán rẻ đi lấy tiền thì đích thị là phải nghèo thật.
Một người đàn ông Brazil tuần qua đã đem bán vợ trong internet. Giá cả mà ông ta đặt ra là năm chục đô la Mỹ. Ông mô tả vợ khá kỹ, lại kể ra đầy đủ những tính tốt của vợ và cho biết vợ ông 35 tuổi. Ông nói thêm rằng vợ ông với giá đó thì rất đáng mua.
Người đàn ông mà báo chí cho biết tên là Breno, nói rằng ông bán vợ vì lý do riêng mà ông không muốn nói ra. Lý do khác là vì ông cần tiền.
Nhưng quảng cáo vừa xuất hiện trên Mercado Livre, một dịch vụ thuộc eBay thứ Sáu tuần trước thì hôm sau, thứ Bẩy, chính phủ Brazil ra lệnh huỷ bỏ vì luật của Brazil cấm buôn bán các bộ phận cơ thể, người, máu, xương hay da.
Người phụ nữ được rao bán rõ ràng nằm trong danh sách những thứ không được bán. Không biết có ai nhanh tay nhanh mắt đọc được cái quảng cáo và giúp ông Breno giải quyết chuyện thiếu hụt tiền bạc của ông chưa.
Tôi tò mò muốn biết người chồng đăng báo bán vợ như thế nào. Quảng cáo rao bán vợ có khác quảng cáo bán cái xe không. Bán cái xe thì phải kể rõ là xe mấy máy, đã chạy bao nhiêu ngàn dặm, máy móc còn tốt không, máy lạnh còn chạy không, vỏ xe ra sao, mấy đời chủ (?). Muốn xem xe và chạy thử (?) thì liên lạc điện thoại. Giá cả là bao nhiêu. Giá nhất định hay có thể mặc cả, hay là OBO (Or Best Offer) ai trả cao nhất thì lôi về. Có khi chủ còn nêu ra lý do bán xe để gợi ý với khách muốn mua là xe tốt, bán nó không vì nó chạy dở, mà vì đã mua xe mới, không có chỗ đậu, dọn nhà đi xa, bị vợ bỏ, bị đào xù vân vân.
Viết một đoạn quảng cáo bán vợ khó hơn nhiều.
Thí dụ: Ði xa, bán gấp một chị vợ, 35 tuổi, một đời chồng, còn mặn mòi lắm. Vừa tân trang trên dưới bơm hút căng kéo đầy đủ hết. Răng lợi, ruột gan phèo phổi không hư chỗ nào. Chưa cắt đốt cột, lại cũng không vào nhà bảo sanh lần nào. Nấu ăn giỏi, đảm đang (?) chỉ phải tội hay đi shop. Thích mặc St John, mang ví Prada, giầy Valentino, kính Versace, đồ lót Victoria’s Secrets... đã max bốn cái credit card. Nay không còn cái credit card nào nên muốn có mấy cái mới để shop tiếp.
Có thể đến coi và dẫn đi ăn... thử. Xin hẹn trước. Cần xuất trình công hàm (?) độc thân. Gọi bất cứ giờ nào, không gặp xin để lại lời nhắn. Không phân biệt tuổi tác, xấu đẹp, thất nghiệp OK (?). Giá phải chăng, chỉ có 50 đô la Or Best Offer. Cần bán trước cuối tháng.
Rất tiếc là cái quảng cáo này đã bị dẹp, chứ nếu chưa, chỉ đọc được cái quảng cáo nghe cũng đã mát ruột rồi.
Nhưng còn cái giá 50 đô la. Tại sao lại rẻ rúng nhau như thế?
Cái quảng cáo đó mà còn, thế nào cũng có nhiều con heo đất bị giết móc ruột ra, rồi luôn cả những đồng quarter nằm kẹt dưới nệm ghế sa lông cũng bị moi ra cho bằng hết không chừa đồng nào để đi Brazil cho mà coi.

Ngày 20 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Cho mãi đến tận hôm nay, nếu không đọc bản tin của một tờ báo trong nước thì tôi vẫn tin chắc rằng nhạc của Trịnh Công Sơn được nhà cầm quyền Hà Nội dành cho những cách đối xử đặc biệt lắm.
Nhưng sự thực thì không phải là như thế. Không phải toàn bộ tác phẩm của ông đều đã được trình diễn tự do ở trong nước. Một số vẫn chưa được phép phổ biến ở Việt Nam. Tin báo chí cho biết cục nghệ thuật biểu diễn hôm 15 tháng 3, tức là cách đây chỉ 5 ngày, mới cho phép phổ biến thêm 8 ca khúc trong tập Ca Khúc Da Vàng của ông. Đó là những bài nhan đề Cánh Đồng Hòa Bình, Đồng Dao Hòa Bình, Người Mẹ Ô Lý, Nước Mắt Cho Quê Hương, Đôi Mắt Nào Mở Ra, Dựng Lại Người, Dựng Lại Nhà, Ta Thấy Gì Trong Đêm Nay, Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói. Tất cả là 8 bài.
Tập Ca Khúc Da Vàng với những ca khúc viết về quê hương, thân phận người Việt trong cuộc chiến, những ao ước về hòa bình đã đưa các sáng tác của ông sang một chiều hướng mới, và Trịnh Công Sơn được coi là một tiếng nói chống lại chiến tranh, phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.
Lời ca của những ca khúc này đã cho thấy lờ mờ những hình ảnh mà phía bên kia thường hay dùng, như trăm ngọn cờ bay, những nhà máy, công trường …Khi Trịnh Công Sơn viết hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng thì đó chỉ có thể là võ khí của Mỹ và miền Nam. Khi viết người yêu chết trận Chu Prong ở chiến khu D, chết ngoài Hà Nội … thì chắc người yêu đã chết đó phải ở bên kia…
Những ca khúc đó được hát rất nhiều ở miền Nam trước năm 1975, in thành sách, thu thanh trên đĩa nhựa, băng từ tính. Lý do là vì người ta cũng có thể hiểu những thanh niên miền Nam cũng có những người tử trận ở những chiến trường nhắc tên trong những bài hát ấy. Nhưng cố ý viết về phía bên kia thì chắc là có.
Vậy mà phe Cộng sản vẫn cấm những ca khúc rõ ràng là có dấu tích của những tình cảm mà Trịnh Công Sơn dành cho họ.
Trịnh Công Sơn phản chiến. Mà theo lối hiểu thông thường thì phản chiến là chống chiến tranh theo kiểu Cộng sản, là thiên Cộng. Vậy thì đáng lý ra, Cộng sản phải ôm lấy các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, giữ độc quyền lấy Trịnh Công Sơn, không cho ai nhận Trịnh Công Sơn là của họ hết. Nhưng không, Trịnh Công Sơn vẫn không được Cộng Sản đối xử như thế. Sau tháng 4 năm 75, Trịnh Công Sơn vẫn bị đẩy đi kinh tế mới, vẫn bị Trần Hoàn đì lên đì xuống. Và trong suốt những năm còn lại của đời sống, Trịnh Công Sơn chỉ viết được hai, ba bài, trong đó có bài Trịnh Công Sơn viết nhân chuyến đi Mạc Tư Khoa nhưng lại không được phổ biến nhiều lắm. Bài Hai Mươi Mùa Nắng Lạ viết theo đơn đặt hàng của thành ủy Sài Gòn để kỷ niệm 20 năm Cộng Sản vào Sài Gòn đã được viết rất kín đáo không tung hô không khẩu hiệu, nghe tưởng như một tình khúc.
Có thể vì thế, nhà cầm quyền thấy vẫn không "bảo" được Trịnh Công Sơn nên họ vẫn không tin ông.
Và cũng bởi thế, cho đến tận hôm nay, họ vẫn còn những biện pháp cấm cản nhắm vào Trịnh Công Sơn.
Trong số 8 ca khúc mà Hà Nội vừa cho phép hát của Trinh Công Sơn có bài Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương. Ca khúc này Trịnh Công Sơn hát lần đầu trong căn phòng của một người bạn ở Sài Gòn. Và chúng tôi, mấy người có mặt đã thích ngay phần nhạc cũng như lời ca của bài hát ấy. Nghe nó, người ta tưởng đó là những tiếng khóc của một người còn rất trẻ trong cái không khí đau đớn, kinh hoàng, tan nát, bi thảm của cuộc chiến. Nó có thể như được nghe thấy trong đêm tối phập phồng ưu tư, đầy lo sợ ở Sài Gòn, ở Huế, mà cũng có thể là ở Hà Nội, ở bất cứ nơi nào có tuổi trẻ Việt Nam trong những ngày tháng đạn bom đó…
Giọt nước mắt thương con, con ngủ me mừng
Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong
Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non
Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân
Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chẩy miên man
Ôi giọt nước mắt chẩy hoài
Giọt nước mắt đời đời
Giọt nước mắt thương ai
Ôi giọt nước mắt trong tim
Chẩy lai láng vào hồn
Nửa đêm gọi đến mình
Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương…
Những lời ca của bài hát này, càng nghe, tôi càng không hiểu tại sao chúng bị cấm trong suốt mấy chục năm qua.
Thương cho bầy chim phải bỏ rừng, thương cho cây rừng đổ xuống, cho cái chết của người em yêu quí, cho người dân tội nghiệp, cho dòng sông, cho quê hương, cho chính thân phận bi thảm của mình mà những giọt nước mắt vẫn bị cấm nhỏ xuống từ suốt mấy chục năm qua.
Không thể hiểu được.
Vì thế, nhiều người vẫn nghĩ là nếu không được sống và lớn lên ở miền Nam thì Trịnh Công Sơn không thể là một nhạc sĩ với những sáng tác mà ông đã để lại.
Và cái nhà nước Hà Nội đối xử với một người đáng lẽ ra chúng phải tử tế hơn là như thế đó.

Ngày 21 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Lục bát, thể văn vần có thể được coi là dễ làm nhất, vẫn có những luật về âm vận khiến cho người ta không cách nào đổi chữ cuối của câu ca dao sau đây thành một tiếng đoản bình thanh được, mà nhất định phải là một tiếng tràng bình thanh với dấu huyền:
Củi mục bà để trong rương
Ai mà đụng đến, trầm hương của bà

Chữ cuối phải là “”, không thể là “ông” được. Muốn đổi, phải đổi chữ thứ sáu thành tràng bình thanh đã rồi mới đổi chữ thứ tám thành đoản bình thanh được.
Vì thế, người bảo vệ đến hơi thở cuối cùng, quyết không để “như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” đến thanh củi đã mục đó được phải là “”.
Thanh củi mục đốt chỉ ra toàn khói, bà không dùng được vào việc gì, bà quăng vào trong rương, bà cất đó, bà để... bà chơi. Nhưng đứa nào đụng đến, định lấy đi, hay mượn tạm vài bữa, thì lập tức thanh củi …hết mục ngay. Nó trở thành gỗ trầm, thành thanh quế, thành thứ vương mộc liền lập tức.
Ðắt tiền lắm à!
Nhưng chủ của thanh củi mục không phải luôn luôn và bao giờ cũng là phụ nữ. Nhiều khi cũng có những người chủ của những thanh củi là những người đàn ông, những người cầy có ruộng như thời đệ nhị cộng hòa vẫn khẳng định trong những biểu ngữ treo khắp đường phố. Trong những trường hợp như thế thì câu ca dao phải đổi lại như thế nào?
Một thiên tài thi ca Việt Nam mách nước như thế này: đổi “bà” thành “chàng”:
Củi mục chàng để trong rương
Ai mà đụng đến, trầm hương của chàng

Tuyệt!
Ở West Point tiểu bang Mississippi có một chàng như thế. Củi mục của chàng có người đụng đến. Chàng hô hoán lên rằng đó là trầm hương của chàng. Chàng ra tòa, đòi người lấy trầm hương của chàng phải bồi thường cho chàng.
Người đàn ông này tên là Albert Edwin Holcombe.
Thanh củi mục của chàng là Andrea Holcombe. Albert và Andrea lấy nhau năm 1980. Ðến năm 1997 thì Andrea thành củi mục nhưng vẫn ở trong rương, chưa ra ngoài đường.
Vài năm sau, Harry Stevens thương củi mục Andrea quá, nên Harry lôi củi mục ra ngoài rương.
Albert liền kiện Harry, nói là Harry phá hỏng liên hệ giữa chủ và... trầm hương, vì lúc đó, củi mục đã biến thành trầm hương rồi. Albert đòi bồi thường cho chuyện trầm hương của mình bị lôi đi ra khỏi cái rương.
Toà đồng ý với chủ củi mục rằng củi mục đã biến thành trầm hương và buộc Harry Stevens phải bồi thường cho Albert $175,000.
Albert Edwin Holcombe phải được coi là người may mắn nhất trong năm. Ở thành phố tôi sống trước đây, cái xe cũ không đi được nữa, cảnh sát kéo đi quăng vào nghĩa địa, sau đó gửi cho chủ xe cái bill bắt trả tiền câu xe.
Luật lệ quái đản này, sau phán quyết của tòa Mississippi phải được tu chính để cảnh sát phải trả cho chủ xe tí tiền mới hợp lý.
Hay nếu không thì phải đảo ngược phán quyết của tòa, dậy Albert, chủ củi mục, phải trả cho Harry, người lôi thanh củi mục ra khỏi rương ít nhiều bao nhiêu cũng được, chứ bắt Harry trả tiền cho Albert là làm khó nhau quá.
Xe đậu ngoài đường, củi mục trong rương, ai lấy đi thì phải tặng ân nhân món quà to nhỏ mới phải chứ!

Ngày 22 tháng 3 năm 2013
Bạn ta,
Người đàn ông 30 tuổi cao 5 ft 6, nặng 245 lbs ở Florida nên được khen ngợi về sáng kiến rất kỳ lạ của ông. Việc ông làm, theo tôi, còn hay hơn mưu của nhân vật trong truyện ngắn của Anton Chekhov rất nhiều.
Chekhov có một truyện ngắn, hình như tựa là Boa Constrictor, trong đó, nhân vật chính là một người đàn ông không giỏi lắm về kỹ thuật làm quen các bà các cô nên phải nghĩ ra một cách để đến đến gần họ. Chàng giả bộ là một người cả thẹn, than thở đau khổ vì không biết nói chuyện với phụ nữ. Thế là các bà, các cô nghe xong, thấy thương hại quá, ngồi xuống chỉ dẫn cho chàng cách tán, rồi lại còn bắt chàng thực tập luôn tại chỗ. Nhờ thế, chàng chẳng phải làm gì mà vẫn không lúc nào ngơi tay. Chàng cứ từ tốn như một con trăn xiết con mồi cho đến chết rồi đớp gọn.
Người đàn ông ở Florida không cần mất công như thế. Tờ nhật báo Charlotte Sun Herald cho biết chàng cứ đến gần các bà, các cô là lại giả bộ trợn mắt lên, ho sặc sụa, hai tay giơ lên trời như sắp chết nghẹn đến nơi. Các bà, các cô trông thấy liền chạy đến, ôm ngang lưng chàng, xiết một cái, chàng phun bật từ miệng ra một miếng táo, rồi quay lại ôm hôn người vừa mới cứu sống chàng rối rít.
Tính ra, mỗi lần như thế, chàng được người phụ nữ ôm một cái đến nơi đến chốn, rồi chàng lại ôm trả lễ một cái, hôn một cái. Hoàn toàn miễn phí.
Chàng làm như thế cả 5, 6 lần là ít vì cảnh sát nhận được 5, 6 cú điện thoại báo cáo việc làm của chàng. Cảnh sát cho biết không thể can thiệp, vì chàng không vi phạm bất cứ một bộ luật nào, mà việc chàng làm cũng không bị coi là một hành động phạm pháp. Nên chàng vẫn tiếp tục vui chơi tại Florida. Thỉnh thoảng giả bộ ói một cái, lại được ôm qua, ôm lại mấy cái miễn phí.
Ðây là một người đàn ông rất giỏi. Chàng biết đánh thức bản năng làm mẹ của các phụ nữ. Còn cảnh nào trông tội nghiệp hơn cảnh một người hai tay giơ lên trời, miệng ú ớ, mắt trợn ngược lên? Người phụ nữ, bản tính hay cứu giúp, liền ra tay. Kỹ thuật cứu hóc hay nghẹn, một cái ôm xiết mạnh ngang hoành cách mô gọi là Hemlich học ở lớp cứu thương được đem ra dùng. Những bịch silicone qua mấy lớp vải vẫn có thể làm vật ngáng ở cổ họng phải bật ra.
Sau đó là thủ tục cám ơn như tờ báo tường thuật lại.
Nhưng cũng may cho chàng, chàng không giả bộ nghẹn với bà cô tôi với cách chữa nghẹn của bà. Nghẹn hả? Hóc hả? Dễ ẹc: lấy cái đũa chống lên đỉnh đầu, cầm cái đũa kia, gõ hai cái đũa vào nhau và nói: "Ở gần thì ra, ở xa thì vào."
Thế là hết, khỏi phải ôm gì hết.
Kỹ thuật chữa hóc và chữa nghẹn đó hình như cũng có nhiều người biết chứ không chỉ mình bà cô tôi. Cuối tuần qua, tại một tiệc cưới, tôi thấy một phụ nữ rất trẻ và rất đẹp. Cô để một kiểu tóc cũng đẹp. Nhưng thay vì những cái kẹp tóc, thì tôi thấy rõ ràng là một đôi đũa xiên ngang lọn tóc cột cao trên gáy. Ðôi đũa Nhật bằng sơn mài tôi thấy bán ở chợ Nhật nay tìm được một chỗ mới và hợp lý hơn là bên cạnh đĩa sushi. Ðôi đũa thật là tiện dụng: tiệm thấy chúng tôi Tây quá, quên không mang đũa ra, thì đã có sẵn một đôi cài trên tóc, thò tay ra đằng sau la có đũa ngay.
Hóc hay nghẹn ư? Ðừng chờ một cái ôm mà hố. Hai cái đũa rút ra, gõ lên đầu là xong ngay.
Người nào bắt chước người đàn ông ở Florida mà gặp người phụ nữ tại tiệc cưới thì chẳng ăn thua gì hết.
Có khi hóc thật, nghẹn thật, lăn xuống chết cũng chỉ được hai cái đũa gõ lên đầu mà thôi.
Thà xin làm hai cái đũa còn có lý hơn.