June 25, 2009

June 26, 2009

HTML clipboard

Ngày 19 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Hệt như những người đàn ông, đàn bà thuộc giai cấp pariah ở Ấn độ, những chiếc Renault 4CV ở Việt Nam cũng không bao giờ thoát ra được khỏi cái số phận, cái căn phần hẩm hiu rất đáng buồn của nó. Những người thuộc giai cấp pariah, giai cấp không ai dám đụng tới, như danh từ gọi họ trong tiếng Anh, the untouchables, là những người bị bắt phải làm những công việc hạ tiện nhất, đời nọ sang đời kia, cha truyền, con nối. Bất kể họ có trốn ra khỏi làng cũ đi tới một nơi khác sống, họ vẫn phải tiếp tục làm những việc tệ mạt nhất trong xã hội. Họ không thể lấy người ở giai cấp khác. Họ bị buộc phải sống hết đời nọ sang đời kia với những điều mà xã hội tập cấp của Ấn buộc vào họ. Họ không thể thoát ra khỏi giai cấp pariah.

Những chiếc Renault 4CV ở Việt Nam cũng thế. Những chiếc xe này được chế tạo tại Pháp trong những năm từ 1946, đến năm 1961 thì công ty Renault ngưng không sản xuất nữa.


Nó sang Việt Nam chắc phải khoảng đầu thập niên 50. Nó lại chỉ có sang Sài Gòn. Ở Hà Nội, tôi không thấy nó xuất hiện bao giờ. Khi vào Sài Gòn năm 1954 tôi đã thấy nó. Lúc ấy nó đã không còn mới lắm nên chắc nó không thể chỉ mới sang Việt Nam một hai năm. Sang Việt Nam, nó được dùng để chạy taxi. Lần đầu tiên tôi biết nó là khi ngồi ở ghế sau với ông bố trong chuyến đi từ nhà ga Sài Gòn về trường tiểu học Khánh Hội, nơi gia đình tôi tạm trú sau chuyến di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Ngồi nó sướng hơn ngồi tầu điện, xích lô ở Hà Nội nhiều.

Hồi ấy, nó chưa có lớp sơn hai mầu xanh và vàng nhạt như những chiếc còn chạy tới tận năm 1975. Nó có hai mầu đó là do lệnh của chính phủ Ngô Ðình Diệm. Không biết thành phố Sài Gòn có bao nhiêu chiếc taxi Renault 4CV, nhưng thỉnh thoảng được xem những bức hình chụp trước năm 1975, gần như bao giờ tôi cũng thấy nó, không một chiếc thì hai chiếc.

Nó được một toán kỹ sư của Renault bí mật vẽ kiểu trong những năm Pháp bị Ðức chiếm đóng vì hồi ấy, Ðức chỉ cho các nhà máy Pháp sản xuất các loại xe quân sự và thương mại. Một toán kỹ sư Pháp do Fernand Picard, Charles Edmnd Serré và Jean Auguste Riolfo cầm đầu đã vẽ nó để dự tính sản xuất một kiểu xe bình dân khi hết chiến tranh. Chiếc xe mẫu được trưng bầy năm 1942 và năm 1946, chiếc Renault 4CV đầu tiên được thấy tại cuộc triển lãm xe hơi ở Paris năm 1946. Nó được đặt cho cái tên là La Motte De Beurre, cục bơ, vì hình dáng nó ù ù, lại được sơn vàng nhạt, thứ sơn thặng dư còn lại từ thời Ðức chiếm đóng Pháp mà quân Ðức dùng để sơn xe quân sự của họ.

Hồi giữa năm 1949, nó là loại xe bán chạy nhất ở Pháp bất kể vào thời gian đó, kinh tế Pháp đang rất sa sút.

Nó sang Việt Nam khoảng năm 1951 hay 1952. Ðến sau hiệp định Geneve, nó đã rất thịnh hành ở Sài Gòn. Trong ca khúc viết về Sài Gòn thời ấy, người ta đã nghe câu " … có taxi phóng ngay vào trong Chợ Lớn…"

Nó phải có từ trước bài hát đó.

Nó có cái đầu hiền lành, cái đuôi với những lỗ thông hơi như những cánh cửa của những căn nhà Tây hồi ấy. Nó có bốn cửa nên ra vào cũng dễ. Chắc vì thế, người ta chọn nó để chạy xe taxi. Bộ máy của nó giản dị nên khi Việt Nam không nhập cảng được phụ tùng cho nó, thì những người thợ khéo tay của Việt Nam vẫn giữ cho nó tiếp tục hoạt động cho mãi đến tận năm 1975.

Có những chiếc sàn bị mục, ngồi trong xe nhìn thấy đường ở dưới thì cũng có sao. Cái nắp máy được mở lên, chặn lại bàng cái lon guigoz cũng chẳng hề chi. Cái sunroof được cài cái khăn vải để lùa gió vào cho mát thay cho những cái máy lạnh chưa bao giờ nó được gắn. Nhiều chiếc Renault 4CV chỉ có cái đồng hồ tính tiền là còn làm việc. Nhưng khi giá những cuốc xe không bắt kịp với lạm phát, thì một chiếc khăn, một chiếc áo cũ, một tờ báo, một cuốn sách được ấn vào cái hộc có gắn cái taximeter để chúng tôi, chủ xe và khách, trả giá với nhau.

Nó ở với chúng ta trong suốt bao nhiêu năm. Nó đưa tôi đi thi tiểu học với 2 người bạn trong xóm, mỗi đứa mang theo có 5 đồng bạc vẫn còn thừa sau chuyến khứ hồi. Rồi mười mấy năm sau, là vài ba chuyến đi với cô bạn dưới những cơn mưa tầm tã, những buổi tối trời đầy trăng sao, gió mát… Trong suốt những năm ở Sài Gòn, tôi leo lên nó vỏn vẹn không tới mười lần…

Nhưng nghĩ đến Sài Gòn, là tôi nhớ nó.

Tội nghiệp nó. Thỉnh thoảng cũng có người mua nó về, sơn lại mầu khác để chạy. Nhưng nó hệt như người phụ nữ được chuộc ra khỏi lầu xanh, đi đâu cũng có người nhìn ra. Người mua nó về để đi vẫn bị coi là mua taxi về làm xe nhà, lấy đĩ về làm vợ. Sơn lại mầu gì nó cũng vẫn là cái taxi.

Ở Pháp và các nước khác, nó cũng được cưng chiều lắm chứ có phải cả đời chỉ làm taxi đâu. Như những bức ảnh chụp ở Monaco, ở Roma, ở Ðức…Nhưng ở Việt Nam, nó bị chết cứng với cái nghề taxi. Những chiếc Dauphine khi không sơn hai mầu, vẫn có thể là những chiếc xe nhà gọn gàng, xinh đẹp. Những chiếc Peugeot 203 cũng thế. Một số được đem chạy taxi. Nhưng sơn đen, sơn xám nhạt, thì nó vẫn là những chiếc Peugeot 203. Nhưng những chiếc Renault 4CV thì không.

Cho đến chết, cho đến khi thành đống sắt phế thải, nó vẫn là cái taxi Renault 4CV.

Nhưng tôi yêu và nhớ nó biết là bao. Nó là Sài Gòn. Một mảnh của đời sống rất hạnh phúc của tôi.


Ngày 22 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.

Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.

Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.

Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.

Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.

Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.

Ðến như Ðinh Hùng trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Ðau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Ðinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.

Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.

Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...


Ngày 23 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Tôi không nhớ là có quen ông bao giờ. Thực là như vậy. Với vóc dáng, quần áo như thế, ông là người khó ai gặp một lần có thể quên được.

Buổi sáng hôm ấy tôi đến viếng một đám tang. Vừa vào đến nơi, ký được cái tên trong cuốn sổ ghi tên thì ông gọi tôi, bằng một giọng khá lớn, từ một hàng ghế phía trong nhà nguyện. Ông ngoái người lại, mặc dù ở gần nơi để quan tài người chết, hai nhà sư đang đọc kinh, ông vẫn hỏi tôi "Sao mà hốc hác thế? Gầy giộc đi đấy nhá! Có khỏe không?"

Tôi ngó sang hai bên, rồi lại quay người ra phía sau xem ông có ném nhưng câu đó cho người khác không thì thấy đúng là ông nói với tôi. Tôi thì vẫn chưa nhớ ra ông là ai cả. Phải nhận sáng hôm ấy tôi trông có bơ phờ thật. Vừa mới bị cảm mấy ngày, lại cái tin người bạn khá thân thình lình ra đi. Mà đến đám tang thì không thể nào cười toe toét được. Bài đức dục học hồi tiểu học vẫn còn nhớ không cho phép cười như thế. Và chắc vì vậy, tôi bị ngay người đàn ông không quen biết ấy đưa ra một nhận định về mặt mũi, nhan sắc, sức khỏe của mình.

Tôi không hề đưa thẻ bảo hiểm sức khỏe cho ông cà. Không biết ông có phải là y sĩ không, mà nếu ông có là y sĩ thì cũng lại cũng không phải là y sĩ của tôi. Tôi thấy không cần phải khai bệnh ngay ở đó. Tôi ngồi xuống ghế, cầm quyển kinh lên, cố tìm xem hai nhà sư đang đọc ở đoạn nào. Ðang dò những câu tiếng Phạn thì ông đến hàng ghế tôi đang ngồi. Ông đập tay vào vai tôi, bảo tôi ngồi xích vào trong cho ông ngồi. Tôi nhích vào trong. Và đó là hành động sai lầm nhất của tôi trong ngày. Ông hỏi tôi về tình hình đời sống, rồi về công việc và lại quay trở lại chuyện sức khỏe của tôi.

Toàn là những chuyện không nên hỏi nhau trong lúc sơ giao, tuy tôi với ông cũng chưa thể được coi là sơ giao. Tôi bị đẩy vào thế phải trả lời. Tôi biết là không trả lời thì cũng không được.

Tôi nói rất khẽ, đủ để cho ông nghe: "Thưa ông, tôi vẫn ở một mình vì không một người nào chịu nổi một con khỉ già như tôi, đã là khỉ già lại còn khó chịu, ăn nói vô duyên, ở bẩn, không hay tắm, tóc tai dơ dáy, đang thất nghiệp dài cổ ra không kiếm được việc đã cả hai năm nay, nhà cửa thì không có, đang sống trong cái xe thổ tả đậu ở sân chùa, con cái thì nhuộm tóc xanh đỏ đang nhẩy múa cho một hai trung tâm ca nhạc video, cha mẹ đều đã qui tiên, mấy đứa em đã bỏ về Việt Nam lấy vợ nhí… ông có định rủ tôi đi ăn bún bò Huế thì rủ ngay đi không thì tôi lại mì gói chan nước mắt mất thôi. À ông tên gì vậy, tôi hình như chưa quen ông lần nào đấy nhé. Mà sao ông tử tế quá vậy, cứ quan hoài mãi đến tôi thôi… Hồi nẫy nghe ông gọi tôi to quá, ông lại còn chê tôi hốc hác, gầy giộc đi, sức khỏe sa sút. Tôi chỉ sợ những người khác tưởng ông rủa họ, họ đánh ông thì khổ thân ông. Ông nhớ nhé, chúng tôi đều tham sinh úy tử, sợ chết lắm ông ạ. Gặp nhau cứ chẩn bệnh rồi lại định cho toa như ông vừa làm thì khổ lắm … Không, tôi ăn nói quàng xiên như vậy nhưng không điên đâu ông ạ. Ông đi đâu mà vội vã vậy, ngồi lại cho tôi tâm tình hiến dâng ông một chút nữa mà… năn nỉ đấy… nhất định không chịu à? Nhớ là tôi không quen ông đâu, lần tới đừng phát biểu về sức khỏe của những người không quen nữa nhá… Chào ông. Vĩnh biệt! Adios amigo … Hasta la vista… xem ông sau này … see you later alligator… Ciao ciao bambino …"

Tôi biết hôm ấy thế nào ông cũng nói lại cho bạn bè biết việc ông gặp gỡ một người điên tại nhà quàn, bị nói chuyện điên cho nghe gần chết. Ngồi lại ở tang nghi quán cho đến khi hạ huyệt tôi mới đi về. Lái xe ra cửa, ông vẫn còn đứng hút thuốc cho nguôi giận. Tôi biết tên tôi sẽ được ghi thêm vào cuốn sổ có tên của những người ông ghét nhất trên đời. May ra tên tôi được ghi cạnh tên của tổng thống Bush. Chứ cạnh tên của Osama Bin Laden thì chán chết được.


Ngày 24 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Vietnamnet là một tờ báo điện tử, bài vở phổ biến trong internet. Tôi ít khi đọc nó vì chữ nghĩa của nó làm tôi khó chịu.

Hôm nay, đọc một tờ báo Việt ở quận Cam, tôi gặp một chữ làm tôi càng thêm khó chịu.

Rôi vốn ghét chữ "vị". Chữ này được dùng để tôn xưng một người khác một cách không cần thiết. Nó vừa phong kiến, vừa lạc hậu. Khi nói "hai giáo sư" thì cũng không khác gì nói " hai vị giáo sư ". Có nó thì cũng không tăng thêm được sự kính trọng, mà không có nó thì cũng chẳng bớt đi phần nào. Vậy thì hà tất phải thêm chữ "vị" vào. Không thấy ai nói "ba vị tài xế xích lô". Dùng với người này mà không dùng với người kia thì không nên chút nào. Kỳ thị và phân biệt giai cấp thấy rõ. Những người lái xích lô cũng có phẩm chất và danh dự vậy. Tại sao không dùng "vị" với họ.

Các tự điển mà tôi có đều giải thích "vị" là tiếng để tâng bốc, bầy tỏ sự kính trọng một người khác. Nói như vậy để kể tiếp về chữ nghĩa trong bài báo đọc được hôm nay.

Ở trang A5 của nhật báo NV số đề ngày 23 tháng 6, có một bản tin về vụ 200 công nhân Trung quốc làm loạn đánh dân Việt ở công trường Nghi Sơn. Bài báo kể một công nhân Trung quốc đến nhà của một người Việt, xông vào hành hung vợ chồng chủ nhà. Và sau đây là nguyên văn một khúc của bản tin đó:" Vừa lúc đó anh Len về nhà, thấy thái độ ngang ngược của lao động Trung quốc nên đã túm tay vị khách ngang ngược này đẩy ra khỏi quán. Bất ngờ anh Len bị vị khách này quay lại túm tóc đánh ngay tại quán của mình. Sự việc trở nên phức tạp hơn khi anh Len và người nhà chống trả lại thì vị khách này chạy về khu tập trung kéo thêm 40 lao động là người Trung quốc đến …"

Người viết bản tin tường thuật khá kỹ nội vụ. Vì khá kỹ nên người đọc thấy ngay sự phi lý, lộng hành, bất chấp pháp luật của người công nhân Trung quốc trong vụ xô xát này. Phải nói đây là một hành động côn đồ, vô giáo dục, mất dậy của đương sự. Người này đã xông vào nhà một người Việt Nam sau khi mua bán không sòng phẳng, lại túm lấy chủ nhà đánh đập dã man, gây thương tích.

Thế mà người viết bản tin vẫn dùng tới ba (3) lần chữ "vị" để gọi người công nhân Trung quốc này. Ba lần tất cả, cứ "vị khách ", rồi lại "vị khách ", rồi lại "vị khách" trong vỏn vẹn có ba (3 ) câu của bản tin.

Người công nhân Trung quốc này có xông vào nhà của bất cứ người nào thì hành động đó cũng vẫn là hành động sai quấy, cho dù việc đó ở Côn Minh, ở Bắc kinh, ở San Francisco, ở New York đi chăng nữa. Một người có lối hành xử (nói nhẹ là) bất lịch sự như thế có đáng được dành cho sự tôn kính để thêm chữ "vị" ở phía trước hay không?

Tôi nghĩ là không.

Người đàn ông Trung quốc này được cho sang Việt Nam cướp lấy công việc của người Việt Nam rồi lại ngang nhiên xông vào nhà của một người Việt túm đánh người này, gây thương tích cho ông ta như trong bức hình chụp đi kèm, cho thấy người đàn ông ấy không thể được dành cho một sự tôn kính như thế.

Không thể "vị khách" này, "vị khách" kia như thế được.

Nó là một thằng Tầu phù chó đẻ, một thằng khốn nạn tha phương cầu thực, một thằng hèn nhát, cậy đông bắt nạt một gia đình Việt Nam hiền lành chất phác có một tiệm tạp hóa nghèo ở gần khu xây cất.

Thằng Tầu phù chó đẻ đó không lý gì tới luật pháp của Việt Nam (chắc cũng phải có một thứ luật nào đó), không biết một chút lịch sự và ngoại giao tối thiểu, hành xử như … một thằng chó đẻ. Vậy mà người viết tin cho Vietnamnet vẫn gọi nó bằng "vị" tới ba (3) lần trong bản tin.

Ðể làm gì? Ðể bầy tỏ lòng tôn kính với một thằng Tầu phù chó đẻ đó hay sao?

Và tờ NV, tại sao trong ban biên tập cũng vài ba "vị" từng theo học đại học văn khoa Sài Gòn lại không thấy được ba (3) chữ "vị" khốn nạn đó để xóa nó đi cho khỏi tủi lòng ông Nguyễn Văn Len bị "vị khách" Tầu phù chó đẻ đánh vỡ đầu một cách vô cớ như vậy?

Ở nước ngoài mà còn khiếp sợ và tôn kính Tầu phù chó đẻ như thế huống chi là trong nước!


Ngày 25 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Trong tiếng Anh có một thành ngữ mà từ mấy ngày hôm nay có thể hiểu theo nghĩa đen của nó cũng vẫn đúng như thường. To be bitten by the love bug, nghĩa bóng là bị ái tình vật, bị tình yêu hành cho rách nát như cái mền, bị làm cho trần ai khoai củ, vất vả cuộc đời. Nhưng từ thứ sáu tuần trước, thì có hiểu theo từng chữ, là bị con bọ ái tình cắn, thì cũng đúng vậy.

Sáng thứ sáu, vào sở, ngồi xuống bàn làm việc, như mọi ngày, tôi mở e-mail ra xem trong đêm qua có ai thắc mắc đời mình không, thì tôi thấy trong hộp thư hai cái e-mail của hai người gửi tên tuổi lạ hoắc. Một ông là Ken Thoburn, ông kia là Bob Whitehead. Cả hai đều trắng trợn tỏ tình với tôi trên màn ảnh monitor của máy điện toán. Ðược tỏ tình thì nhất định tôi cũng thích, nhưng tình trạng của tôi chưa đến chỗ tuyệt vọng đến độ phải cần tình yêu của hai người đàn... ông tên là Ken Thoburn và Bob Whitehead, mà cả hai lại đều tỏ tình với tôi trong một buổi sáng thì chắc có điều chi không ổn. Tôi vừa bấm nút delete để xóa hai bức thư e-mail của hai người tình không chân dung, đưa hai ông ra khỏi đời tôi, thì cũng lúc đó, màn ảnh hiện lên những hàng chữ cảnh cáo về một con bọ điện toán mới dưới dạng e-mail mang cái tựa hết sức khiêu khích: I LOVE YOU.

Hai cái e-mail tôi vừa xóa chính là hai con bọ định lừa người đàn ông già đang ở một mình, tối tối về nhìn cái trần nhà, đau khổ, tuyệt vọng... mở ra cho cả hệ thống computer sập cái rầm, hết xài được.

Thấy hai cái tên lạ hoắc, lại là tên đàn ông, tôi xóa ngay nên thoát hiểm.

Ðang mừng cho mình thì ở gần chỗ tôi ngồi, tôi nghe một tiếng thét hãi hùng xé thinh không. Con bọ tình yêu đã cắn được một người. Ái tình đã vật nàng té cái rầm. Không cần phải tới tận bàn của nàng, tôi cũng biết chắc là nàng mở hộp thư ra, thấy cái e mail I LOVE YOU, thích quá, bèn download cái thư tình kèm theo vào máy cho bõ những ngày cô đơn đầy những cơ với cực, thì lập tức, bệnh phong tình nhào vô xâm nhập hệ thống của nàng. Ông Trần Tế Xương đau khổ thì cũng đến thế mà thôi:"Thua bạc ra đi với mẹ nhà / bệnh gì không bệnh, bệnh tim la..."

Nàng đã phạm phải một sai lầm nặng trong đời sống: "Ra đường thầy mẹ dặn rằng / làm thân con gái chớ ăn trầu người..." Dẫu cho nó có mời mọc gẫy lưỡi, tán tỉnh toàn giọng văn học nghệ thuật, trích dẫn ca dao, Ðường thi, lôi cả Shakespeare lẫn Basho, Gibran ra thì cũng cứ phải bịt tai chạy về nhà ngay. Lạng quạng là có màn qua cầu gió bay hết nhẫn, áo, nón chỉ có chết.

Nhưng thực ra cũng khó mà cưỡng lại cái e-mail I LOVE YOU. Vừa mới sáng vào sở, đã có lời tỏ tình thì chúng tôi phải đọc ngay chứ.

Nhưng không nên làm thế, một người bạn chúng tôi, một chuyên gia về điện toán nói rằng mỗi khi nhận được cái e-mail nào với tựa I LOVE YOU mà không phải của mẹ cháu thì phải đánh dấu hỏi ngay, không nên mở ra đọc, xóa ngay lập tức.

Chàng rất giỏi về computer nhưng lại chưa có vợ bao giờ nên lời khuyến cáo của chàng sai bét.

Thứ nhất, mẹ cháu không bao giờ gửi e-mail cho bố cháu. Mẹ cháu bốc điện thoại ra lệnh, chỉ thị, phán, truyền. Mẹ cháu không có thì giờ để viết e-mail tỏ tình với bố cháu. Chàng đúng là một người đàn ông không có mẹ cháu bao giờ.

Thứ hai, e-mail có tựa I LOVE YOU thì nhất định không phải của mẹ cháu. Mà không phải của mẹ cháu thì phải đọc ngay lập tức.

Và mở ra đọc là chỉ có chết. Ở sở thì máy hỏng, không làm được việc, có thể bị phiền. Ở nhà, máy hỏng lại càng chết nữa. Sẽ có ngay những hạch hỏi, phê phán điếc lỗ nhĩ... "À như vậy là anh vẫn hò hẹn với đứa nào phải không? Tình yêu bây giờ tối tân nhỉ, ngoại tình cyber cơ đấy! Thảo nào tối ngày cứ chúi đầu vào cái computer. Người ta nói những người như tôi, những người có chồng cả ngày chỉ biết cái computer, là góa phụ computer nào có sai đâu. Nhưng thà là góa phụ computer còn hơn làm một người đàn bà bị phụ rẫy anh hiểu chưa? Già đời người rồi mà vẫn chưa hết cái tính ham hố... cho chết. "Ðoạn trường cho đáng kiếp tà dâm " Uy Viễn tướng công nói nào có sai bao giờ...

Cho nên sau vụ con bọ này, những ai không bị ái tình quật, cho lây bệnh lung tung thì chính là những người tiết liệt đoan trinh, mà bạn của bạn là một vậy.

Bùi Bảo Trúc


TẠP GHI


NHỮNG TÔ GIỚI MỚI

Tô giới, concession, là những khu đất nhường cho người nước ngoài đến kiều cư buôn bán. Những khu như vậy ngày nay hầu như trên thế giới không còn nữa. Ở Trung quốc, có một thời, triều đình Mãn Thanh đã phải nhường nhiều khu cho các cường quốc Tây phương như Áo-Hung, Bồ Ðào Nha, Anh, Ðức, Nga, Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan và Nhật

Ở tất cả các tỉnh lớn như Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Ðông, Thượng Hải, Quảng Châu, Quảng Châu Loan, Hải Nam, Bành Hồ, Thanh Ðảo, Á Môn … đều có các tô giới. Tại các tô giới này, công dân của các nước ngoài được tự do cư trú, buôn bán, đi lại mà không cần phải xin phép chính phủ Thanh triều. Khởi đầu, người Hoa không được phép sống tại các khu tô giới này, nhưng từ khoảng những năm 1860 trở đi, người Hoa cũng được cho đến sống và làm việc tại các tô giới nhưng bị đối xử như những công dân hạng hai ngay trên đất nước của họ. Các công dân nước ngoài được hưởng quyền đặc miễn tài phán, không bị pháp luật Trung quốc ràng buộc. Những công dân nước ngoài có phạm pháp cũng không bị truy tố tại các tòa án Trung quốc. Tình trạng này kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20 và là những vấn đề nan giải của nước cộng hòa Trung Hoa.

Những điều vừa kể hình như đang được người Hoa mang theo để áp dụng tại một số quốc gia họ tới làm ăn. Trong những năm gần đây, Bắc kinh đã tới nhiều nước Phi châu để buôn bán, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tại các nước có dầu hỏa, họ bỏ tiền đầu tư vào những nhà máy lọc dầu, khai thác dầu, xây cất … Họ dùng tiền bạc để mua chuộc các chính phủ tham nhũng độc tài để được cho khai thác và đầu tư, làm ăn tại các nước này. Chính vì bàn tay của Trung quốc mà những rắc rối tại Phi châu không thể giải quyết được như trong trường hợp người ta đã thấy tại Darfur.

Ở Phi châu không biết có những hình thức tô giới như ở Trung quốc trước đây chưa, nhưng ở Việt Nam, những thứ tô giới ô nhục mà người Hoa trước đây phải nhường cho các nước Tây phương đang dần dần xuất hiện.

Hiện nay, khoảng mấy chục ngàn công dân Trung quốc đã được đưa vào Việt Nam làm việc tại các công trường xây cất và những khu khai thác khoáng sản. Các công nhân này được cho sống tại những khu nhà riêng, những khu người Việt không được vào nếu không có phép. Những giao tiếp giữa các công nhân Trung quốc và người Việt sống gần các khu trại của người Hoa tuy thế, vẫn diễn ra qua những hình thức buôn bán lẻ. Ở Hải Phòng, đã có những khu gia cư của các công nhân Trung quốc trong những tình trạng sống không khá giả lắm. Ở đó, những thị trấn Trung quốc nhỏ đang hình thành có đủ cả các quán ăn, các nhà hàng dịch vụ, các quán cà phê karaoke để phục vụ các khách hàng người Hoa.

Những liên hệ giữa các công nhân Trung quốc và người Việt đã được thấy tại các khu này.

Những đụng chạm giữa hai phía chắc chắn phải xẩy ra. Và sau những vụ như thế, người ta càng thấy hiện ra rõ hơn những tô giới ở Việt Nam.

Vụ mới nhất mà báo điện tử Vietnamnet tường thuật là vụ 200 công nhân Trung quốc làm loạn đánh dân Việt ở công trường Nghi Sơn. Trong vụ này, một công nhân Trung quốc có chuyện bất đồng với một chủ tiệm tạp hóa Việt Nam. Người Trung Hoa này xông vào nhà hành hung chủ nhà, rồi sau đó, kéo khoảng 200 người khác mang theo gậy gộc, ống nước đập phá nhà của nạn nhân người Việt, gây thương tích cho nhiều người trong gia đình nạn nhân. Hàng xóm kéo đến can thiệp cũng bị đám công nhân này bạo hành.

Sau khi phá phách, đám công nhân Trung quốc này về trại của họ. Công an địa phương không hề can thiệp hay điều tra nội vụ.

Ðây không phải là một vụ duy nhất, mà còn nhiều vụ khác diễn ra ở Nghi Sơn. Các công nhân Trung quốc đã tự tung tự tác, xúc phạm các công dân Việt, tự xử lấy những vụ đụng độ, tranh chấp với người Việt trong khi nhà cầm quyền không có bất cứ một nỗ lực can thiệp nào mặc dù luật pháp của Việt Nam bị những người Hoa này vi phạm. Hiện có rất nhiều người Hoa nhập cảnh Việt Nam bất hợp pháp để làm việc tại các công trường xây cất của các nhà thầu người Hoa.

Tình trạng này nghe hệt như những tô giới trước đây ở Trung quốc.

Khi còn những tô giới ấy, đã có những khu treo những tấm bảng ghi hàng chữ "No Dogs and Chinese allowed", cấm chó và người Hoa, mà Lý Tiểu Long trong phim Tinh Võ Môn đã bay lên đá cho rơi xuống đất ở lối vào một công viên.

Những cách hành xử của các công nhân người Hoa tại nhiều khu vực ở Việt Nam khiến người ta nghĩ một hình thức tô giới đang dần dần hiện ra ở Việt Nam. Ai là người đã để cho những người công nhân Trung quốc tác yêu tác quái như thế nếu không là bọn mặt chó ở Hà Nội, bọn đã dâng Trường Sa, Hoàng Sa cho Bắc kinh, bọn nhắm mắt câm miệng trước lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ở biển Ðông trong khi chính bọn chó này lại thẳng tay đàn áp những người dám mở miệng phản đối bọn thực dân mới ở Bắc kinh.

Thế thì công an nào dám đụng tới những sợi lông chân của những tên Ba Tầu đang lộng hành ở Nghi Sơn!


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Ba Phải (?) New York, New York

Ðố chúng tắc mộc chiết
Nghị đa tắc đê quyết

Hai câu này nghĩa là mọt nhiều cây phải gẫy, kiến nhiều đê phải vỡ.

Ðố quốc tặc dân là mọt nước, giặc dân

Cụ Nguyễn Lê Thái, Westminster, CA

Sa sả là tên gọi khác của chim bói cá, hay chim chả. Tên tiếng Anh là king fisher.

Sa sả có thể là từ chả mà ra. Mầu cánh chả là mầu xanh biếc có pha tím và xanh lá cây.

Cụ có thể tìm đọc cuốn Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Cuốn sách ghi chép từ đời Bàn Cổ, Tam Hoàng, Ngũ Ðế đến tận năm 1973.

Tất cả các tác phẩm của sử gia Trần Gia Phụng đều đáng đọc. Cụ có thể liên lạc qua địa chỉ e-mail:

Ông Phạm Xuân Vĩnh, Seattle

Tsar cũng viết là Csar hay Czar, là tên gọi Nga hoàng.

Csar là danh từ xuất xứ từ tên của hoàng đế La Mã Caesar. Lý do là vì những ông hoàng đế Nga này coi mình cũng oai, cũng lớn, cũng vĩ đại như Caesar.

Hoàng đế của Bulgaria và Serbia cũng có lúc xưng là Czar.

Chữ này được người Trung Hoa phiên âm là Sa, như trong Sa Hoàng là hoàng đế nước Nga.

Quốc vương Iran không phải là Sa hoàng. Tên của ông là Mohammad Reza Shah Pahlavi.

Sa hoàng chỉ được dùng khi đề cập đến Nga hoàng.

Ayatollah là tước hiệu (trong tiếng Ba Tư) của các cao tăng đạo Hồi, là những người có kiến thức chuyên môn về Hồi giáo trong các lãnh vực luật pháp, đạo đức và triết lý, thường làm công việc dậy tại các tu viện Hồi giáo Shia.

Trên chức Ayatollah là Ayatollah Uzma. Dưới Ayatollah là Hjatoleslam.

Phụ nữ có đẳng cấp ngang với Ayatollah là Mujtahideh.

Hiện nay có 5 Ayatollah Uzma, cao cấp nhất là Ali Sistani, người rất có ảnh hưởng tại Iraq hiện đang sống ở Najaf.

June 18, 2009

June 19, 2009

HTML clipboard

Ngày 14 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Sau bao nhiêu năm ra vào, lui tới mỗi tuần ít nhất cũng phải dăm ba lượt với ông McDonalds, cuối cùng nhờ mấy dòng ngắn trong tờ Playboy cách đây vài tháng, tôi mới cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm và đỡ hậm hực đi được một chút.

Bạn coi, một bên thì cứ hamburger hoài hoài mà không thấy phía bên kia đáp lễ bằng tô bún bò để loay hoay với đôi đũa cho bên này vui, thì người dễ tính và hiền nhất cũng phải hậm hực.

Chúng tôi thưởng thức những thứ chẳng ra gì của các ông trong khi các ông không ăn thử vài ba món của chúng tôi thì các ông cũng phải để cho chúng tôi bất bình một chút chứ.

Thực ra thì thỉnh thoảng cũng có những người ở phía bên kia vào tiệm gọi tô phở, nhưng phở vẫn bị coi là món quà bình dân. Phở chưa bao giờ được đưa vào danh sách của những món của những tay ăn chơi sành sỏi. Niềm ấm ức vẫn tiếp tục là thế.

Nhưng chúng ta đã được "vô trường công tử" nhẩy ra cứu nguy, đem lại những kiêu hãnh cần thiết cho đời sống ở nước Mỹ, giúp chúng ta ngẩng mặt được lên một chút.

Ðó là công của "vô trường công tử".

Nhờ đọc đoạn tin của tờ Playboy, tôi mới biết là mãi đến bây giờ người ta mới biết đến công tử, biết và trân quí, trong khi công tử đã được Lý Lạp Ông, một nhà văn Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ 17 đề cập đến trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Ký của ông từ mấy trăm năm nay.

Gặp "vô trường công tử " một lần, họ Lý nhớ suốt đời. Tại sao thích, yêu "vô trường công tử " thì Lý Lạp Ông không nói ra được. Duy có điều ông coi "vô trường công tử " là một thứ hết sức lạ trong trời đất. Ông để dành ra một số tiền mỗi năm để đợi tới mùa là đi kiếm mua "vô trường công tử " về cho bõ những ngày cơ cực, đến độ người nhà gọi đó là món tiền để chuộc sinh mệnh của ông. Suốt mùa, ông phải luôn luôn có "vô trường sinh mệnh" bên cạnh, không tối nào là không về với "vô trường công tử". (Xem Nhân Sinh Ðích Nghệ Thuật, The Importance of Living của Lâm Ngữ Ðường, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

"Vô trường công tử " là tên người Trung Hoa gọi con cua, loài sinh vật hình như không có ruột mà Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh cũng có ghi ở trang 563.

Tờ Playboy đã viết về một món cua của chúng ta và coi đó là một món hết sức văn minh, tiến bộ mà các tay ăn chơi sành điệu phải kiếm để thưởng thức.

Ðó chỉ là món cua rang muối, nhưng đọc trong tờ Playboy, thì ai cũng phải nghĩ món cua này là món ăn chơi quí phái lắm.

Sharon Boorstin, người viết mấy dòng ngắn ngủi đó, đã phải nhờ đến vị giác và khứu giác mới kiếm ra mùi tỏi và vị ngọt của đường, chút bơ và phó mát Parmesan để khuyên các tay ăn chơi sành sỏi đi kiếm "vô trường công tử" cho được.

Ôi tưởng gì chứ món cua rang muối thì có gì là quí phái đâu. Chúng tôi đâu có thua gì Lý Lạp Ông trong chuyện ăn cua. Chỉ không làm như họ Lý là viết những câu thảm thiết mà Lâm Ngữ Ðường trích lại như "Ôi cua, cua, cua! đời của người và đời của ta kết liền với nhau từ lúc sinh ra cho đến lúc chết chăng!"

Nhưng có sao đâu, miễn là các tay chơi nhà quê của nước Mỹ thấy được cái đẹp, cái ngon của cua, thứ quà hạng bét của chúng ta, và coi đó là món ăn chơi vô cùng quí phái là được rồi.

Trong khi mấy ai trong chúng ta viết được những lời lẽ tốt đẹp gần như thế về cái hamburger của McDonalds. Nhiều người vẫn nói rằng trả thù cũng hệt như thịt nguội, phải ăn lúc nguội mới ngon. Nhưng cua rang muối thì càng nóng càng ngon. Không thể nguội được.


Ngày 15 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề hết sức của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Hôm đi Virginia mới đây, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người chỉ hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Ðến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.


Ngày 16 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Lĩnh, thứ hàng tơ mặt bóng đã có một thời được quí lắm: không phải ai cũng có thể váy lĩnh mặc chơi cho mát được.

Người đã khó kiếm cái váy lĩnh huống chi mấy con chó. Bởi thế, khi nói "chó có váy lĩnh" thì đó là chuyện chắc phải khó lắm, phải hoang đường lắm, ít khi, nếu không nói là không thể, xẩy ra được.

Trong những năm thơ ấu, đó là một trong những câu tôi thù ghét nhất. Bị nói câu đó vào mặt là bị ném cho một đảm bảo chắc chắn một chuyện gì không thể có được, không thể xẩy ra được. Cho đó là khả năng là một việc gì, hay một ao ước.

"Như thế thì đến chó cũng có váy lĩnh." Chỉ một câu đó, mọi ước muốn, toan tính lập tức tan tành.

Nhưng chuyện chó có váy lĩnh để mặc ngày nay không còn là điều khó xẩy ra được nữa. Chó không những đã có áo lông đắt hơn váy lĩnh rất nhiều lần, mà còn có được nhiều thứ khác hơn nữa chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được để cập nhật hóa câu tục ngữ đã cũ.

Ngày nay, chó đã có thể có kim cương để đeo, được chủ cho hưởng gia tài, đánh bạt con cái của người viết di chúc để trở thành thừa kế duy nhất như đã nhiều lần xẩy ra. Chúng còn có thể nước hoa thơm lừng làm đau lòng biết bao nhiêu người nữa là khác.

Từ hơn bốn mươi năm trước, năm đầu ở đại học, từ khi được tặng chai eau de Cologne Old Spice đến nay, lúc nào tôi cũng có một chai trong buồng tắm, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi bằng Brut, Aqua di Giò, Eau Sauvage, Clinique... Old Spice không gắt như Clinique, không ngọt như Eau Sauvage, không ngựa như Aqua di Giò của Giorgio Armani. Old Spice không bám quá lâu ở người dùng cũng như ở những người không dùng nó (?). Nhưng nó theo tôi lâu nhất là vì cái giá rất thoải mái của nó. Cái giá thoải mái đó khiến lúc nào cũng có hai, ba chai trong nhà, trong ngăn kéo bàn giấy ở sở.

Thế mà nay, chó cũng không thèm có nữa mới đau lòng những người dùng Old Spice từ bao nhiêu năm nay.

Chó đã có eau de Cologne riêng của chúng. Chai eau de Cologne 100ml của chó được bán với giá gần ba chục Mỹ kim là một sự nhạo báng độc ác với những người đàn ông dùng Old Spice.

Oh My Dog! là tên của eau de Cologne chó. Tôi thấy nó sáng hôm qua trong chương trình ABC. Buổi sáng bỗng không còn đẹp nữa. Bước vào cái buồng tắm, ngó chai Old Spice Limited Edition mà tủi thân không sao nói hết được.

Old Spice, đến chó cũng không thèm dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền như thế. Mặt mũi như thế mà... eau de Cologne còn rẻ hơn eau de Cologne của chó. Những câu như thế làm sao không vang vang trong hai tai suốt cả buổi sáng cho được.

Tưởng tượng cảnh sau khi làm ướt cái cột đèn, cậu chó chạy về nhà, lôi chai Oh My Dog! ra, xịt vài cái vào những vị trí chiến lược trên dưới, rồi ưỡn ẹo chạy ra đường kiếm mấy chị trong khu phố, tiếng huýt sáo bỗng vang lừng nổi lên, hòa lẫn với những tiếng sủa ủng oẳng từ bốn phương tám hướng vọng đến thì còn gì có thể tạo nhiều đau đớn, lăng mạ hơn được nữa?

Những Old Spice, Aqua di Giò, Clinique... đã bao giờ làm được những điều đó chưa? Chắc chắn là chưa.

Vào lúc váy lĩnh trở nên lỗi thời, mất đi những thái độ trọng vọng, và loài chó cũng có thể có được dễ dàng, thì váy lĩnh được thay thế bằng eau de Cologne, niềm vui cuối cùng của những người đàn ông trong buồng tắm những buổi sáng, sau khi những chiếc dao cạo lướt trên da mặt, cũng bị xâm phạm và lấy đi vĩnh viễn.

Cái mặt như thế mà dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền hơn là Cologne của chó.

Chán cho chính mình thì không thể có sự chán nản nào lớn hơn và bi thảm hơn được nữa.


Ngày 17 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Lần này thì tôi phải cám ơn Ann Landers vì nhờ nàng, tôi tìm được những chi tiết về một sản phẩm khá mới lạ tôi chỉ nghe người bạn nói qua mà không cách nào tìm được tờ báo có bản tin viết về nó để coi người bạn có nói thật không hay chàng chỉ tặng tôi một con vịt mang về nấu bún măng.

Ann Landers, được sự giúp sức của một thủ thư làm tại thư viện của tờ Daily Breeze ở Redondo Beach, California, đã tìm ra được bài báo của tờ Detroit News. Bản tin của tờ Detroit News cho biết một sinh viên Ý tên là Lino Missio đã xin cầu chứng tại tòa sáng chế của anh mà anh nghĩ là sẽ giúp được rất nhiều trong việc giảm bớt đà tăng dân số khủng khiếp của thế giới cũng như sự lan tràn ở mức đáng báo động của bệnh AIDS ở nhiều khu vực tại khắp năm châu lục.

Sáng chế của Lino Missio là một mạch vi điện tử gắn trong chiếc áo mưa. Chiếc microchip này sẽ phát ra một đoạn nhạc cổ điển của Beethoven nếu chiếc áo mưa bị rách. Ðể làm được việc đó, những chiếc áo mưa được tráng một lớp hóa chất mà khi áo... rách, thì mạch vi điện tử liền phát ra âm thanh, và với sáng chế của Lino Missio, là nhạc của Beethoven.

Lino Missio cho biết sẽ cho khách hàng một số lựa chọn về những đoạn nhạc mà những chiếc áo mưa sử dụng sáng kiến của anh được gắn sẵn. Thí dụ có thể là Dạo Khúc 1812 của Tchaikovsky, hay những đoạn trích từ bài Happy Birthday to You, hay The Anniversary Waltz...

Lino Missio nói thêm rằng cũng có thể cho microchip phát một câu nói rằng người sử dụng áo mưa phải ngưng việc đang làm ngay lập tức để nghe lời cảnh cáo và có biện pháp đối phó tức thời.

Ann Landers không nghĩ đó là một sáng chế cần thiết, nàng muốn các đầu óc thiên tài nhiều sáng kiến của thế giới nên dùng khả năng sáng tạo của họ vào những nỗ lực khác hơn để tìm ra cách chữa trị những thứ bệnh khủng khiếp đang gây kinh hoàng cho nhân loại thay vì ngồi nghĩ ra những cái áo mưa có nhạc như thế.

Nhưng điều quan tâm lớn nhất của Ann Landers là có bao nhiêu người chịu ngưng công việc đang làm để nghe những lời cảnh cáo mà microchip phát ra. Và cũng như nhiều lần trước, ý kiến của Ann Landers lại là những ý kiến tầm bậy. Sáng chế của Lino Missio có thể không chữa được bệnh AIDS, nhưng nhất định cũng đóng góp vào việc phòng ngừa. Còn chuyện có ngưng lại khi nghe tiếng nhạc không thì Ann Landers cũng lại sai nốt. Có thể Ann Landers không... ngưng, có thể nàng sẽ bịt tai lại, cất tiếng hát lớn lên, kiểu "tiếng hát át tiếng bom", cạnh tranh với đoạn nhạc của microchip... để phía bên kia tiếp tục, không bỏ ngang việc đang làm. Nhưng những người khác tỉnh táo hơn, khi nghe tiếng những dạ khúc, những concerto, những overture... thì thường phải ngưng lại ngay. Hay ít ra thì cũng tựa gối, cúi đầu, vò chín khúc, chau đôi mày khi nghe tiềng đàn mới là người nòi tình, biết thưởng thức âm nhạc chứ.

Tôi tin rằng sáng chế của Lino Missio sẽ là sáng chế có lợi cho thế giới. Tôi cầu mong người sinh viên này sẽ có thêm nhiều sáng chế khác để giúp cho nhân loại.

Nếu có ý kiến, tôi chỉ thấy tiếc là những đoạn nhạc đó chỉ phát ra khi áo mưa bị rách. Người sử dụng cứ phải quan tâm, chia trí để chờ nghe đoạn nhạc hay mấy câu cảnh cáo và vì thế, có thể sao nhãng công việc. Hay cũng có thể vì yêu nhạc, người ta sẽ cố làm thế nào để được nghe đoạn nhạc do microchip phát ra thì phiền quá.

Nhưng tại sao không gắn một chiếc microchip để khi xong công tác, nó sẽ phát ra những lời khen ngợi, cổ võ... hay một câu cám ơn. Mạch vi điện tử có thể dùng một chương trình điện toán để đưa ra những đánh giá, thí dụ "xuất chúng" hay "giỏi", hay "trung bình", rồi xuống đến "tạm", "xoàng", "tồi tệ "... hay "cố lên", "quên đi", "dám nữa không?", "đừng làm phiền nhau nữa nhé"... "ối giời, thế thôi à! mai đừng có nói phét nghe chưa?"

Ðó chỉ là một vài ý kiến nhỏ. Biết đâu Lino Missio cũng đã nghĩ ra rồi cũng nên. Lúc ấy, với những lượng giá vô tư dựa trên những tiêu chuẩn được công nhận, biết đâu nhiều người sẽ không bị chê một cách oan uổng nữa.

Hay cũng có thể dùng microchip để tiết ra một mùi nước hoa nào đó để giúp những người phải đeo máy trợ thính mà quên không đeo, hay có đeo nhưng máy hết pin, còn ngửi thấy mùi mà... ngưng lại. Ðói cho sạch, rách cho... thơm mà.

Nhưng những điều đó, Ann Landers lại không viết trong mục trả lời của nàng.


Ngày 18 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Bạn thấy có chán không, lúc chúng ta vừa bắt đầu biết "làm trai", thì ba chuyện cần phải biết làm để có thể được coi là con người văn học, lịch thiệp, hào hoa gần như đã hoàn toàn biến mất.

Tổ tôm, trò chơi với 120 quân bài, cần năm chân không còn ai trong hạng tuổi chúng ta biết chơi nữa. Thứ chè sản xuất ở châu Mạn Hảo thuộc tỉnh Vân Nam không tìm đâu ra được để uống. Và bản Nôm Thúy Kiều thì khó kiếm hết sức, mà nếu có kiếm ra, cũng chỉ để bầy trong tủ sách thỉnh thoảng lôi ra phủi bụi chứ mấy ai còn đọc được.

Cả ba thứ có thể làm nên con người sành sỏi không còn ở với chúng ta nữa:

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè Mạn Hảo, xem Nôm Thúy Kiều

Ðứng cạnh câu ca dao tả cảnh ăn chơi ngày trước, chúng ta cù lần, nhà quê, thiếu văn hóa một cách thảm hại. Tổ tôm không biết đánh, chè Mạn Hảo không có để uống, phải uống trà Tầu trong tiệm mì và truyện Kiều thì đọc đến bản Kiều chú giải của Trần Trọng Kim đủ để đi thi tú tài là hết sức.

Chúng ta sinh sau đẻ muộn, nghe ông Tú Xương đi ăn chơi ở phố hàng Thao với ngón trống chầu bay bướm mà thèm. Bít tất tơ thì không có, giầy Gia Ðịnh như của ông Tú cũng không nốt. Làm sao mà chơi cho lịch, chơi cho đài các như Uy Viễn tướng công để đời biết tay cho được.

Ðến chuyện uống thì cũng quanh đi quẩn lại mấy thứ ấm ớ: hết Heineken thì Bud, Miller hay Michelob... hay Tsing Tao, Alsace, Molson, Dominion của Tầu, Pháp, Gia Nã Ðại hay Tân Tây Lan là cùng.

Chán những thứ vừa kể thì uống gì đây?

Chẳng lẽ uống nước trung tiện như tờ Playboy số tháng 10 giới thiệu ở trang 52?

Người lịch lãm, tay chơi thứ thiệt có thể vào web site: fusion.com mua một thùng 12 lon giá $21.95. Loại nước này do công ty Jones Soda sản xuất, và tên của nó là Whoop Ass. Mà Whoop Ass, theo chỗ tôi hiểu, là cái trung tiện. Công ty Jones Soda gọi nó là energy drink, loại nước uống tăng cường sinh lực. Và các tay chơi sành sỏi đọc Playboy nay có một thức uống mới, nước trung tiện, vừa thanh lịch, vừa để giúp tăng cường sinh lực.

Nước trung tiện làm bằng gì, pha chế ra sao, mùi vị như thế nào, uống như thường hay khi thưởng thức phải bịt mũi? Whoop Ass có phải là loại nước hơi không? Uống loại nước này có hay ợ như khi uống các loại nước có gas khác không? Khi ợ, tiếng có bình thường không, mùi ra làm sao?

Thoạt nghe nói về loại nước uống có cái tên đó, ai mà chẳng có những thắc mắc hợp lý như thế.

Nhưng tìm hiểu để giải tỏa những thắc mắc trên, dẫu cho là hợp lý cách mấy thì cũng đành chịu. Và vì thế, chúng ta lại cứ phải tiếp tục sống một cách cù lần và buồn nản như từ bao nhiêu năm nay. Vẫn không biết đánh tổ tôm, vẫn không có chè Mạn Hảo, và xem Nôm, hay xem lông (?) Thúy Kiều như một cụ ông tôi quen đã có lần đọc cho nghe và giải thích đó là dị bản (?) của câu ca dao vẽ hình ảnh một tay tài tử hào hoa trước cụ vài ba thế hệ.

Và chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ, quê hương ruồng bỏ, lạc loài, bị khinh rẻ, muốn cho lịch lãm con người, không đánh được tổ tôm, không kiếm được chè Mạn Hảo, không xem được Nôm cũng như lông(?) Thúy Kiều, lại bị đề nghị uống nước trung tiện thì làm sao chạy theo kịp văn minh?

Uống cái gì bây giờ?

Bùi Bảo Trúc


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Người phụ trách mục Chữ Nghĩa Chúng Ta xin thay thế bài thường xuyên bằng bài Anh Ngũ Trong Ðời Sống Hàng Ngày, bài thứ 34, đã phát hình trên Hồn Việt Television.

ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 34)

ÐỘNG TỪ TO CARE
(Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện)

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, Quỳnh Anh và xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày.

Tuần qua, QA có chuyển cho ông thầy e-mail của bà Nguyễn Lê thị Anh ở Texas hỏi ông thầy về những chữ viết tắt TLC bà nghe con dâu nói mà không hiểu là gì. Nguyên cô con dâu, bế con lại thăm bà nội và nói với bà rằng cháu bé ở nhà chỉ cần chút TLC là hết nhõng nhẽo ngay. Bà nghe thế thì liền nhớ thỉnh thoảng ngồi xem TV với ông, thấy ông xem chương trình truyền hình TLC nên vặn chương trình TLC lên cho cháu xem. Hình như TLC không phải như vậy. Xin anh trả lời thắc mắc của bà Nguyễn Lê thị Anh.

BBT

Vâng, chương trình truyền hình TLC có thể không phải là điều mẹ cháu muốn bà nội dành cho cháu trong lúc cháu nhõng nhẽo như bà nghĩ. TLC mà ông nội cháu xem trong truyền hình mỗi ngày là tên viết tắt của THE LEARNING CENTER, một chương trình nặng phần giáo dục.

TLC mà mẹ cháu muốn bà nội dành cho cháu là TENDER LOVING CARE là sự ân cần, thương yêu săn sóc dịu dàng. TENDER là dịu dàng, nhẹ nhàng. LOVING là âu yếm, yêu chiều. CARE là săn sóc, nâng giấc. TLC là TENDER LOVING CARE là sự săn sóc âu yếm dịu dàng. Mẹ cháu bé muốn nhờ bà nội cho cháu nhõng nhẽo tiếp chứ không hề muốn bà nội vặn chương trình truyền hình TLC cho cháu xem.

NHÃ LAN

Nhã Lan rõ rồi. Con gái Nhã Lan có lần nói với Nhã Lan là muốn học y tá để đem lại LTC tức là TENDER LOVING CARE cho người bệnh. Bây giờ thì Nhã Lan hiểu. Nhưng nhân dịp anh đề cập đến chữ CARE, Nhã Lan muốn anh nói thêm về chữ này, chữ mà Nhã Lan thấy đã tiến vào tiếng Việt ở Mỹ từ nhiều năm nay. Nhã Lan nghe câu này có đến cả mấy chục lần: TÔI KHÔNG CÓ "KE" VỀ CHUYỆN ẤY. Chắc "KE" đây là CARE phải không anh?

QA

Ðúng đó Nhã Lan, QA thỉnh thoảng nghe mấy cậu em chêm chữ "KE" này trong những lúc nói chuyện với nhau nhưng QA tin là CARE còn nhiều cách dùng khác nữa phải không thưa anh? Nếu đúng là như thế, QA muốn nhờ anh giải thích thêm những nghĩa khác của CARE luôn một thể.

BBT

Ðúng vậy hai cô. CARE là một động từ, một danh từ, rồi từ đó chúng ta còn có tĩnh từ và trạng từ xuất phát từ CARE ra, những chữ rất lý thú và hữu dụng.

Trước hết, CARE là một danh từ cái đã.

NHÃ LAN:

Danh từ CARE là săn sóc như anh nói ở trên. Nhã Lan có lần nhận được một bức thư gửi cho cô bạn, nhưng lại đề địa chỉ của Nhã Lan. Kế bên cạnh tên cô bạn, là người nhận bức thư, người gửi viết tên của Nhã Lan sau hai chữ viết tắt C/O. Nhã Lan biết là người gửi muốn nhờ Nhã Lan chuyển lại cho cô bạn. Nhã Lan biết chữ C là viết tắt của CARE nhưng còn O viết tắt của chữ gì thưa anh?

BBT

Người viết bức thư không biết địa chỉ của cô bạn nên viết về địa chỉ của Nhã Lan và nhờ Nhã Lan "săn sóc " lá thư của cô bạn, mang nó đến trao cho lại cô bạn. C/O là CARE OF. Thực ra phải nói là IN CARE OF và sau đó là tên người được nhờ trao thư lại. Ở Sài Gòn, tôi nghe có người nói là C TRÊN O, rồi C SUR O như cách đọc những cái số nhà trong ngõ hẻm Sài Gòn vậy. Thực ra, C/O là CARE OF. Trong tiếng Pháp, C/O là AU SOIN DE hay AU BON SOIN DE.

CARE còn có nghĩa là lo lắng, quan tâm, lo ngại, bận tâm.

Thí dụ khi nói WHEN I WAS FIFTEEN, I WAS HAPPY BECAUSE AT THAT AGE, I WAS WITHOUT CARE. I HAD NO CARE AT ALL thì câu đó nghĩa là gì cô QA?

QA

WHEN là khi. I WAS FIFTEEN là tôi 15 tuổi. I WAS HAPPY là tôi rất sung sướng, hạnh phúc. BECAUSE AT THAT AGE vì ở tuổi đó, I WAS WITHOUT CARE tôi không có bất cứ một điều lo lắng nào.

Ðó là nghĩa thứ hai của CARE. QA biết CARE còn có nghĩa là trách nhiệm nữa phải không thưa anh?

BBT

CARE cũng còn có nghĩa là trách nhiệm. Thí dụ SHE LEFT THE CHILD IN THE CARE OF HER MOTHER WHEN SHE WAS AT WORK nghĩa là cô ấy giao, gửi con cho mẹ nhờ giữ hộ, coi chừng hộ trong khi cô ấy đi làm.

CARE cũng có nghĩa là quan hoài, lưu ý, quan tâm. HE SHOWS HIS CARE FOR HER ON VALENTINE DAY WITH FLOWERS AND GIFTS. Nhã Lan biết là gì không nào.

NHÃ LAN:

Nghĩa là anh ấy cho thấy anh ấy để ý, lưu tâm, quan hoài đến cô ấy nhân ngày Valentine bằng hoa và quà tặng. Bây giờ nhờ thầy giảng qua động từ TO CARE.

BBT

Ðộng từ TO CARE có mấy nghĩa khác nhau. Dĩ nhiên CARE như trong câu "Tôi không KE về chuyện đó" thì có nghĩa là cần, thích, quan tâm.

QA hiểu câu này thế nào: DO YOU CARE IF I OPEN THE DOOR?

QA

Nghĩa là ông có quan tâm, có thấy phiền, có thấy khó chịu, có thích tôi mở cái cửa này không?

BBT

Ðúng. CARE là tất cả những điều đó, khó chịu, không khó chịu, thích, không thích, nhưng phải là có quan tâm, phải để ý tới chuyện đó. Còn Nhã Lan, cho một thí dụ với động từ TO CARE coi.

NHÃ LAN

Nhã Lan nhớ mấy câu đầu trong bài DIANA của Paul Anka. Nghe người ta nói là chàng thì trẻ quá, mà nàng thì nhiều tuổi, chàng nói: I DON’T CARE JUST WHAT THEY SAY, CAUSE FOREVER I WILL PRAY... Nhã Lan thấy hình như động từ này thường được dùng trong thể phủ định thì phải, đúng không thưa thầy?

BBT

Ðúng vậy.

QA

Còn phải đi theo cái nhún vai nữa phải không thưa anh? QA ghét câu ấy lắm. Nghe hai đứa con gái nói chuyện với nhau, QA thấy câu đó được dùng nhiều nhất. Thí dụ hỏi có thích mầu áo này không, có thích đi shop không, có thích bản nhạc đó không, có giúp rửa cái xe không thì cô nhỏ bao giờ cũng nhún vai trả lời I DON’T CARE. Nhiều khi QA không biết nó thích hay không thích.

Thì cũng giống như trong tiếng Việt khi người ta trả lời SAO CŨNG ÐƯỢC phải không? Thầy Trúc có ghét động từ TO CARE như QA ghét không?

BBT

Có. Ghét lắm. Nhất là khi nói bằng giọng buồn bã, trách móc rằng I KNOW YOU DON’T CARE ABOUT ME mặc dù "KE" thì "KE" quá đi chứ.

NHÃ LAN

Thế còn TO TAKE CARE thì sao anh?

BBT

TO TAKE CARE là săn sóc, coi chừng, lo lắng cho ai đó, cẩn thận.

I AM LEAVING AND YOU STAY AT HOME

REMEMBER TO TEND TO THE MULBERRY TREES AND TAKE CARE OF MY AGED MOTHER FOR ME. Ðố cô QA câu trên nghĩa là gì nào?

QA

Thì anh thông dịch cho ông Nguyễn Bính chứ gì? Anh đi em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.

TO TAKE CARE OF THE HOUSE, THE CHILDREN, THE GARDEN...

BBT

Nhưng TO TAKE CARE cũng có thể hiểu một cách dễ sợ lắm. Người ta kể lại là trong vụ Mỹ Lai, trung úy William Calley chỉ vào mấy người dân làng và bảo hai người lính là "TAKE CARE OF THEM!" Lát sau Calley trở lại, thấy nhũng người dân vẫn còn ở đó, anh ta nói với hai người lính rằng anh tưởng hai người đã TAKE CARE OF mấy người dân làng rồi chứ, thì hai người lính đáp rằng họ đang coi chừng những người dân làng chứ có sao lãng trách nhiệm đâu. Nghe vậy, William Calley nói rằng "tôi nói TAKE CARE OF là giết họ đi chứ tôi có bảo coi chừng họ đâu". Hai người lính quay súng bắn chết những người dân làng ngay sau đó. Ðó cũng là TO TAKE CARE OF. Chúng ta có thể nói TAKE CARE OF THE DEBT (nợ)/ THE ELECTRIC BILL (tiền điện)/ THE HOUSE PAYMENT (tiền nhà).

Như vậy, TO TAKE CARE là giải quyết, lo, thanh toán

QA

TO TAKE CARE cũng được dùng làm một câu chào nhau: TAKE CARE! như trong phim Tầu người ta chào nhau bằng câu "Bảo trọng" vậy phải không anh?

NHÃ LAN

Nhã Lan còn nghe hai chữ này đi đôi với nhau: GOOD và CARE thành GOOD CARE. Anh cho biết cách dùng của chúng.

QA

Ðể QA kể chuyện này. Hôm đó, QA ra cửa thì thấy con trai QA vừa lau cái xe của QA vừa nói: MOM, I TAKE GOOD CARE OF YOUR CAR. MAY I BORROW IT TOMORROW? Như vậy là vừa khoe con cưng, con chiều cái xe của mẹ lắm, con lau nó thật sạch, mai con mượn xe của mẹ được không? Nghe câu sau tự nhiên câu đầu không còn hay nữa.

NHÃ LAN

Còn Nhã Lan thì cuối tuần qua, bà hàng xóm đem con sang nhờ con gái Nhã Lan coi hộ cho bà đi chợ. Bà ra cửa còn ngoái lại nói: MY BOY IS IN GOOD CARE NOW, làm con gái Nhã Lan nghe xong, cảm động vì câu khen, không dám mở TV ra coi nữa.

BBT

Ðộng từ TO CARE còn được dùng trong một câu mời, một đề nghị, một gợi ý trong cách nói rất lịch sự như câu:

DO / WOULD YOU CARE FOR SOME TEA? (Mời ông dùng trà).

DO / WOULD YOU CARE TO STAY FOR DINNER? (Mời ông ở lại dùng bữa).

Trong cách dùng này, động từ CARE gần như luôn luôn ở trong thể hỏi, QUESTION FORM.

Ðể trả lời, chúng ta KHÔNG nói I CARE, mà chỉ nói là YES, PLEASE là đủ.

QA

QA thấy là trong tiếng Anh, hễ có động từ hay danh từ là gần như thế nào cũng có tĩnh từ, hay trạng từ xuất xứ từ những danh từ và động từ gốc đó. Trường hợp của CARE có như vậy không thưa anh?

BBT

Có. CARE là danh từ. Chúng ta đã biết là khi thêm vào cuối một số danh từ hai tiếp vĩ ngữ LESS và FUL là chúng ta có ngay những tĩnh từ. LESS là không có, là thiếu. FUL là có, là nhiều, là đầy.

HOME là danh từ nghĩa là nhà. Thêm LESS vào cuối danh từ này thì chúng ta có HOMELESS là không nhà. SHOELESS là chân đất, không mang giầy. JOBLESS là không có việc. RAINLESS là không có mưa. HATLESS là không đội mũ. CHILDLESS là không có con. HOPELESS là không có hy vọng… Như vậy thêm LESS và CARE thì thành tĩnh từ gì cô QA? Nhân tiện cô QA cho một hai thí dụ dùng chữ CARELESS này coi.

QA

A CARELESS DRIVER CAN EASLILY GET AN ACCIDENT.

HE IS CARELESS WITH HIS MONEY.

I RAN A RED LIGHT BECAUSE I WAS CARELESS AT THE INTERSECTION.

NHÃ LAN

Còn nếu thêm tiếp vĩ ngữ FUL vào cuối danh từ CARE thì chúng ta có tĩnh từø CAREFUL phải không anh? BBT

Nhã Lan còn biết được những danh từ nào khác được tạo thành tĩnh từ bằng cách nối thêm cho cái đuôi FUL không?

NHÃ LAN:

Có. TEAR thành TEARFUL là đẫm lệ. MIND thành MINDFUL là có ý có tứ. BEAUTY thành BEAUTIFUL là đẹp. WONDER thành WONDERFUL là kỳ diệu. Và CAREFUL là cẩn thận. Ðể Nhã Lan dùng thử CAREFUL trong vài câu nhá: WHEN DRIVING IN THE SNOW, YOU MUST BE VERY CAREFUL.

WE MUST BE CAREFUL WITH WHAT WE SAY: WE SHOULD TURN OUR TONGUES SEVEN TIMES BEFORE SPEAKING.

BBT

Cô lại kéo Ðức Thánh Khổng ra cho ngài nói tiếng Anh rồi.

Bây giờ, chúng ta thực hành thêm một cách tạo ra tiếng mới. Dùng một số tĩnh từ, chúng ta có thể biến chúng thành trạng từ bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ LY vào cuối.

Trạng từ là tiếng bổ nghĩa, nói rõ thêm cho động từ.

Khi nói HE DRIVES không thôi, chúng ta không biết ông ta lái xe như thế nào. Dùng trạng từ đi với động từ TO DRIVE, chúng ta sẽ biết thêm cách lái xe của ông ta. Ông ta có thể lái xe nhanh hay chậm, cẩn thận hay ẩu.

Thí dụ HE DRIVES FAST. HE DRIVES SLOWLY. Cẩn thận tĩnh từ là gì hai cô còn nhớ không?

QA

Cẩn thận là CAREFUL. Hồi nẫy anh nói là thêm LY vào cuối tĩnh từ CAREFUL chúng ta có trạng từ gốc từ CAREFUL là CAREFULLY. Như vậy, QA có thể nói HE DRIVES CAREFULLY. SHE INVESTS HER MONEY CAREFULLY. I MUST SPEND CAREFULLY. THEY PUT THE GUN AWAY CAREFULLY.

BBT

Có một chữ này tôi phải dặn hai cô cẩn thận. FREE có nghĩa là tự do, là không bị bó buộc, là không có. Ðặt nó vào cuối một danh từ, cho thêm một dấu nối vào giữa, chúng ta có một tĩnh từ thí dụ DEBT-FREE là không thiếu nợ. GERM là vi trùng, GERM-FREE là không có vi trùng. MORTGAGE-FREE là không nợ tiền nhà. DUTY là thuế, DUTY-FREE là miễn thuế. Vậy nếu theo cách tạo thành đó, dùng với danh từ CARE, chúng ta có tinh từ mới nào? Cô Nhã Lan?

NHÃ LAN:

CARE-FREE. CARE-FREE có cùng nghĩa với CARELESS không thưa anh? LESS là không có. FREE cũng là không có. Hai tĩnh từ này có đồng nghĩa không?

BBT

Ðó là điều tôi muốn hỏi hai cô.

QA

CARE có mấy nghĩa khác nhau. CARE có thể là âu lo. CARE có nghĩa là cẩn thận, quan tâm, lưu ý, chú ý.

QA nghĩ CARE-FREE khác với CARELESS. Có khác thì ông thầy mới hỏi chứ giống thì ông thầy hỏi làm chi.

CARE-FREE là không âu lo, là vô tư lự, là thảnh thơi. A CARE-FREE YOUTH là một thiếu niên vô tư, không có điều gì lo nghĩ, bận tâm. Nhưng A CARELESS YOUNG MAN thì lại nghĩa là một thanh niên liều lĩnh, bạt mạng, ẩu tả.

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ tôi lại nhắc hai cô rằng có nói câu này thì nhớ nói cho đúng. Ngay cả người Mỹ nhiều người cũng nói sai. Mà nói sai thì hiệu quả kém hẳn đi. Nói một câu đanh đá mà nói không đúng thì còn gì là đanh đá nữa. Uổng phí đi.

Tưởng tượng ngồi ở bàn tiệc và phải nghe 1 bà khách nói nửa tiếng đồng hồ về căn nhà 2 triệu ở trên núi, các quí tử toàn học trường Harvard, MIT và Columbia, các công chúa toàn đoạt hết giải hoa hậu này tới giải hoa hậu khác, cái garage nhỏ quá, chứa không nổi 1 chiếc Rolls Royce, 1 chiếc Jaguar, lại thêm 1 chiếc Bentley vân vân thì nhũng người trong bàn phải làm gì để chống lại tình trạng không khí ô nhiễm đó? Phải đứng dậy, đi thẳng vào toilet ngay. Việc đứng dậy giữa câu chuyện đầy khoe khoang hợm hĩnh đó là để nói câu này: I COULD NOT CARE LESS.

CARE là quan tâm, là lưu ý, là thích, ưa, quan hoài. I DO NOT CARE là tôi không cần, là tôi cóc cần. I COULD NOT CARE là tôi không thể quan tâm, lưu ý. LESS là ít hơn. I COULD NOT CARE LESS là tôi không còn có thể nào ít quan tâm về chuyện đó hơn nữa, nghĩa là tôi không quan tâm, một chút nào, một ly nào về mấy cái xe của bà, về căn nhà 2 triệu trên núi của bà, về các hoàng tử công chúa học giỏi lại đẹp gái cả bà...

Nhưng rất nhiều người Mỹ cũng nói sai như chương trình truyền hình của Bill O’Reilly vừa nêu ra tuần trước.

QA

Cám ơn thầy Trúc. I COULD NOT CARE MORE về chương trình của thầy. Nói vậy chắc đúng.

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.