June 25, 2009

June 26, 2009

HTML clipboard

Ngày 19 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Hệt như những người đàn ông, đàn bà thuộc giai cấp pariah ở Ấn độ, những chiếc Renault 4CV ở Việt Nam cũng không bao giờ thoát ra được khỏi cái số phận, cái căn phần hẩm hiu rất đáng buồn của nó. Những người thuộc giai cấp pariah, giai cấp không ai dám đụng tới, như danh từ gọi họ trong tiếng Anh, the untouchables, là những người bị bắt phải làm những công việc hạ tiện nhất, đời nọ sang đời kia, cha truyền, con nối. Bất kể họ có trốn ra khỏi làng cũ đi tới một nơi khác sống, họ vẫn phải tiếp tục làm những việc tệ mạt nhất trong xã hội. Họ không thể lấy người ở giai cấp khác. Họ bị buộc phải sống hết đời nọ sang đời kia với những điều mà xã hội tập cấp của Ấn buộc vào họ. Họ không thể thoát ra khỏi giai cấp pariah.

Những chiếc Renault 4CV ở Việt Nam cũng thế. Những chiếc xe này được chế tạo tại Pháp trong những năm từ 1946, đến năm 1961 thì công ty Renault ngưng không sản xuất nữa.


Nó sang Việt Nam chắc phải khoảng đầu thập niên 50. Nó lại chỉ có sang Sài Gòn. Ở Hà Nội, tôi không thấy nó xuất hiện bao giờ. Khi vào Sài Gòn năm 1954 tôi đã thấy nó. Lúc ấy nó đã không còn mới lắm nên chắc nó không thể chỉ mới sang Việt Nam một hai năm. Sang Việt Nam, nó được dùng để chạy taxi. Lần đầu tiên tôi biết nó là khi ngồi ở ghế sau với ông bố trong chuyến đi từ nhà ga Sài Gòn về trường tiểu học Khánh Hội, nơi gia đình tôi tạm trú sau chuyến di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Ngồi nó sướng hơn ngồi tầu điện, xích lô ở Hà Nội nhiều.

Hồi ấy, nó chưa có lớp sơn hai mầu xanh và vàng nhạt như những chiếc còn chạy tới tận năm 1975. Nó có hai mầu đó là do lệnh của chính phủ Ngô Ðình Diệm. Không biết thành phố Sài Gòn có bao nhiêu chiếc taxi Renault 4CV, nhưng thỉnh thoảng được xem những bức hình chụp trước năm 1975, gần như bao giờ tôi cũng thấy nó, không một chiếc thì hai chiếc.

Nó được một toán kỹ sư của Renault bí mật vẽ kiểu trong những năm Pháp bị Ðức chiếm đóng vì hồi ấy, Ðức chỉ cho các nhà máy Pháp sản xuất các loại xe quân sự và thương mại. Một toán kỹ sư Pháp do Fernand Picard, Charles Edmnd Serré và Jean Auguste Riolfo cầm đầu đã vẽ nó để dự tính sản xuất một kiểu xe bình dân khi hết chiến tranh. Chiếc xe mẫu được trưng bầy năm 1942 và năm 1946, chiếc Renault 4CV đầu tiên được thấy tại cuộc triển lãm xe hơi ở Paris năm 1946. Nó được đặt cho cái tên là La Motte De Beurre, cục bơ, vì hình dáng nó ù ù, lại được sơn vàng nhạt, thứ sơn thặng dư còn lại từ thời Ðức chiếm đóng Pháp mà quân Ðức dùng để sơn xe quân sự của họ.

Hồi giữa năm 1949, nó là loại xe bán chạy nhất ở Pháp bất kể vào thời gian đó, kinh tế Pháp đang rất sa sút.

Nó sang Việt Nam khoảng năm 1951 hay 1952. Ðến sau hiệp định Geneve, nó đã rất thịnh hành ở Sài Gòn. Trong ca khúc viết về Sài Gòn thời ấy, người ta đã nghe câu " … có taxi phóng ngay vào trong Chợ Lớn…"

Nó phải có từ trước bài hát đó.

Nó có cái đầu hiền lành, cái đuôi với những lỗ thông hơi như những cánh cửa của những căn nhà Tây hồi ấy. Nó có bốn cửa nên ra vào cũng dễ. Chắc vì thế, người ta chọn nó để chạy xe taxi. Bộ máy của nó giản dị nên khi Việt Nam không nhập cảng được phụ tùng cho nó, thì những người thợ khéo tay của Việt Nam vẫn giữ cho nó tiếp tục hoạt động cho mãi đến tận năm 1975.

Có những chiếc sàn bị mục, ngồi trong xe nhìn thấy đường ở dưới thì cũng có sao. Cái nắp máy được mở lên, chặn lại bàng cái lon guigoz cũng chẳng hề chi. Cái sunroof được cài cái khăn vải để lùa gió vào cho mát thay cho những cái máy lạnh chưa bao giờ nó được gắn. Nhiều chiếc Renault 4CV chỉ có cái đồng hồ tính tiền là còn làm việc. Nhưng khi giá những cuốc xe không bắt kịp với lạm phát, thì một chiếc khăn, một chiếc áo cũ, một tờ báo, một cuốn sách được ấn vào cái hộc có gắn cái taximeter để chúng tôi, chủ xe và khách, trả giá với nhau.

Nó ở với chúng ta trong suốt bao nhiêu năm. Nó đưa tôi đi thi tiểu học với 2 người bạn trong xóm, mỗi đứa mang theo có 5 đồng bạc vẫn còn thừa sau chuyến khứ hồi. Rồi mười mấy năm sau, là vài ba chuyến đi với cô bạn dưới những cơn mưa tầm tã, những buổi tối trời đầy trăng sao, gió mát… Trong suốt những năm ở Sài Gòn, tôi leo lên nó vỏn vẹn không tới mười lần…

Nhưng nghĩ đến Sài Gòn, là tôi nhớ nó.

Tội nghiệp nó. Thỉnh thoảng cũng có người mua nó về, sơn lại mầu khác để chạy. Nhưng nó hệt như người phụ nữ được chuộc ra khỏi lầu xanh, đi đâu cũng có người nhìn ra. Người mua nó về để đi vẫn bị coi là mua taxi về làm xe nhà, lấy đĩ về làm vợ. Sơn lại mầu gì nó cũng vẫn là cái taxi.

Ở Pháp và các nước khác, nó cũng được cưng chiều lắm chứ có phải cả đời chỉ làm taxi đâu. Như những bức ảnh chụp ở Monaco, ở Roma, ở Ðức…Nhưng ở Việt Nam, nó bị chết cứng với cái nghề taxi. Những chiếc Dauphine khi không sơn hai mầu, vẫn có thể là những chiếc xe nhà gọn gàng, xinh đẹp. Những chiếc Peugeot 203 cũng thế. Một số được đem chạy taxi. Nhưng sơn đen, sơn xám nhạt, thì nó vẫn là những chiếc Peugeot 203. Nhưng những chiếc Renault 4CV thì không.

Cho đến chết, cho đến khi thành đống sắt phế thải, nó vẫn là cái taxi Renault 4CV.

Nhưng tôi yêu và nhớ nó biết là bao. Nó là Sài Gòn. Một mảnh của đời sống rất hạnh phúc của tôi.


Ngày 22 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.

Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.

Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.

Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.

Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.

Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.

Ðến như Ðinh Hùng trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Ðau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Ðinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.

Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.

Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...


Ngày 23 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Tôi không nhớ là có quen ông bao giờ. Thực là như vậy. Với vóc dáng, quần áo như thế, ông là người khó ai gặp một lần có thể quên được.

Buổi sáng hôm ấy tôi đến viếng một đám tang. Vừa vào đến nơi, ký được cái tên trong cuốn sổ ghi tên thì ông gọi tôi, bằng một giọng khá lớn, từ một hàng ghế phía trong nhà nguyện. Ông ngoái người lại, mặc dù ở gần nơi để quan tài người chết, hai nhà sư đang đọc kinh, ông vẫn hỏi tôi "Sao mà hốc hác thế? Gầy giộc đi đấy nhá! Có khỏe không?"

Tôi ngó sang hai bên, rồi lại quay người ra phía sau xem ông có ném nhưng câu đó cho người khác không thì thấy đúng là ông nói với tôi. Tôi thì vẫn chưa nhớ ra ông là ai cả. Phải nhận sáng hôm ấy tôi trông có bơ phờ thật. Vừa mới bị cảm mấy ngày, lại cái tin người bạn khá thân thình lình ra đi. Mà đến đám tang thì không thể nào cười toe toét được. Bài đức dục học hồi tiểu học vẫn còn nhớ không cho phép cười như thế. Và chắc vì vậy, tôi bị ngay người đàn ông không quen biết ấy đưa ra một nhận định về mặt mũi, nhan sắc, sức khỏe của mình.

Tôi không hề đưa thẻ bảo hiểm sức khỏe cho ông cà. Không biết ông có phải là y sĩ không, mà nếu ông có là y sĩ thì cũng lại cũng không phải là y sĩ của tôi. Tôi thấy không cần phải khai bệnh ngay ở đó. Tôi ngồi xuống ghế, cầm quyển kinh lên, cố tìm xem hai nhà sư đang đọc ở đoạn nào. Ðang dò những câu tiếng Phạn thì ông đến hàng ghế tôi đang ngồi. Ông đập tay vào vai tôi, bảo tôi ngồi xích vào trong cho ông ngồi. Tôi nhích vào trong. Và đó là hành động sai lầm nhất của tôi trong ngày. Ông hỏi tôi về tình hình đời sống, rồi về công việc và lại quay trở lại chuyện sức khỏe của tôi.

Toàn là những chuyện không nên hỏi nhau trong lúc sơ giao, tuy tôi với ông cũng chưa thể được coi là sơ giao. Tôi bị đẩy vào thế phải trả lời. Tôi biết là không trả lời thì cũng không được.

Tôi nói rất khẽ, đủ để cho ông nghe: "Thưa ông, tôi vẫn ở một mình vì không một người nào chịu nổi một con khỉ già như tôi, đã là khỉ già lại còn khó chịu, ăn nói vô duyên, ở bẩn, không hay tắm, tóc tai dơ dáy, đang thất nghiệp dài cổ ra không kiếm được việc đã cả hai năm nay, nhà cửa thì không có, đang sống trong cái xe thổ tả đậu ở sân chùa, con cái thì nhuộm tóc xanh đỏ đang nhẩy múa cho một hai trung tâm ca nhạc video, cha mẹ đều đã qui tiên, mấy đứa em đã bỏ về Việt Nam lấy vợ nhí… ông có định rủ tôi đi ăn bún bò Huế thì rủ ngay đi không thì tôi lại mì gói chan nước mắt mất thôi. À ông tên gì vậy, tôi hình như chưa quen ông lần nào đấy nhé. Mà sao ông tử tế quá vậy, cứ quan hoài mãi đến tôi thôi… Hồi nẫy nghe ông gọi tôi to quá, ông lại còn chê tôi hốc hác, gầy giộc đi, sức khỏe sa sút. Tôi chỉ sợ những người khác tưởng ông rủa họ, họ đánh ông thì khổ thân ông. Ông nhớ nhé, chúng tôi đều tham sinh úy tử, sợ chết lắm ông ạ. Gặp nhau cứ chẩn bệnh rồi lại định cho toa như ông vừa làm thì khổ lắm … Không, tôi ăn nói quàng xiên như vậy nhưng không điên đâu ông ạ. Ông đi đâu mà vội vã vậy, ngồi lại cho tôi tâm tình hiến dâng ông một chút nữa mà… năn nỉ đấy… nhất định không chịu à? Nhớ là tôi không quen ông đâu, lần tới đừng phát biểu về sức khỏe của những người không quen nữa nhá… Chào ông. Vĩnh biệt! Adios amigo … Hasta la vista… xem ông sau này … see you later alligator… Ciao ciao bambino …"

Tôi biết hôm ấy thế nào ông cũng nói lại cho bạn bè biết việc ông gặp gỡ một người điên tại nhà quàn, bị nói chuyện điên cho nghe gần chết. Ngồi lại ở tang nghi quán cho đến khi hạ huyệt tôi mới đi về. Lái xe ra cửa, ông vẫn còn đứng hút thuốc cho nguôi giận. Tôi biết tên tôi sẽ được ghi thêm vào cuốn sổ có tên của những người ông ghét nhất trên đời. May ra tên tôi được ghi cạnh tên của tổng thống Bush. Chứ cạnh tên của Osama Bin Laden thì chán chết được.


Ngày 24 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Vietnamnet là một tờ báo điện tử, bài vở phổ biến trong internet. Tôi ít khi đọc nó vì chữ nghĩa của nó làm tôi khó chịu.

Hôm nay, đọc một tờ báo Việt ở quận Cam, tôi gặp một chữ làm tôi càng thêm khó chịu.

Rôi vốn ghét chữ "vị". Chữ này được dùng để tôn xưng một người khác một cách không cần thiết. Nó vừa phong kiến, vừa lạc hậu. Khi nói "hai giáo sư" thì cũng không khác gì nói " hai vị giáo sư ". Có nó thì cũng không tăng thêm được sự kính trọng, mà không có nó thì cũng chẳng bớt đi phần nào. Vậy thì hà tất phải thêm chữ "vị" vào. Không thấy ai nói "ba vị tài xế xích lô". Dùng với người này mà không dùng với người kia thì không nên chút nào. Kỳ thị và phân biệt giai cấp thấy rõ. Những người lái xích lô cũng có phẩm chất và danh dự vậy. Tại sao không dùng "vị" với họ.

Các tự điển mà tôi có đều giải thích "vị" là tiếng để tâng bốc, bầy tỏ sự kính trọng một người khác. Nói như vậy để kể tiếp về chữ nghĩa trong bài báo đọc được hôm nay.

Ở trang A5 của nhật báo NV số đề ngày 23 tháng 6, có một bản tin về vụ 200 công nhân Trung quốc làm loạn đánh dân Việt ở công trường Nghi Sơn. Bài báo kể một công nhân Trung quốc đến nhà của một người Việt, xông vào hành hung vợ chồng chủ nhà. Và sau đây là nguyên văn một khúc của bản tin đó:" Vừa lúc đó anh Len về nhà, thấy thái độ ngang ngược của lao động Trung quốc nên đã túm tay vị khách ngang ngược này đẩy ra khỏi quán. Bất ngờ anh Len bị vị khách này quay lại túm tóc đánh ngay tại quán của mình. Sự việc trở nên phức tạp hơn khi anh Len và người nhà chống trả lại thì vị khách này chạy về khu tập trung kéo thêm 40 lao động là người Trung quốc đến …"

Người viết bản tin tường thuật khá kỹ nội vụ. Vì khá kỹ nên người đọc thấy ngay sự phi lý, lộng hành, bất chấp pháp luật của người công nhân Trung quốc trong vụ xô xát này. Phải nói đây là một hành động côn đồ, vô giáo dục, mất dậy của đương sự. Người này đã xông vào nhà một người Việt Nam sau khi mua bán không sòng phẳng, lại túm lấy chủ nhà đánh đập dã man, gây thương tích.

Thế mà người viết bản tin vẫn dùng tới ba (3) lần chữ "vị" để gọi người công nhân Trung quốc này. Ba lần tất cả, cứ "vị khách ", rồi lại "vị khách ", rồi lại "vị khách" trong vỏn vẹn có ba (3 ) câu của bản tin.

Người công nhân Trung quốc này có xông vào nhà của bất cứ người nào thì hành động đó cũng vẫn là hành động sai quấy, cho dù việc đó ở Côn Minh, ở Bắc kinh, ở San Francisco, ở New York đi chăng nữa. Một người có lối hành xử (nói nhẹ là) bất lịch sự như thế có đáng được dành cho sự tôn kính để thêm chữ "vị" ở phía trước hay không?

Tôi nghĩ là không.

Người đàn ông Trung quốc này được cho sang Việt Nam cướp lấy công việc của người Việt Nam rồi lại ngang nhiên xông vào nhà của một người Việt túm đánh người này, gây thương tích cho ông ta như trong bức hình chụp đi kèm, cho thấy người đàn ông ấy không thể được dành cho một sự tôn kính như thế.

Không thể "vị khách" này, "vị khách" kia như thế được.

Nó là một thằng Tầu phù chó đẻ, một thằng khốn nạn tha phương cầu thực, một thằng hèn nhát, cậy đông bắt nạt một gia đình Việt Nam hiền lành chất phác có một tiệm tạp hóa nghèo ở gần khu xây cất.

Thằng Tầu phù chó đẻ đó không lý gì tới luật pháp của Việt Nam (chắc cũng phải có một thứ luật nào đó), không biết một chút lịch sự và ngoại giao tối thiểu, hành xử như … một thằng chó đẻ. Vậy mà người viết tin cho Vietnamnet vẫn gọi nó bằng "vị" tới ba (3) lần trong bản tin.

Ðể làm gì? Ðể bầy tỏ lòng tôn kính với một thằng Tầu phù chó đẻ đó hay sao?

Và tờ NV, tại sao trong ban biên tập cũng vài ba "vị" từng theo học đại học văn khoa Sài Gòn lại không thấy được ba (3) chữ "vị" khốn nạn đó để xóa nó đi cho khỏi tủi lòng ông Nguyễn Văn Len bị "vị khách" Tầu phù chó đẻ đánh vỡ đầu một cách vô cớ như vậy?

Ở nước ngoài mà còn khiếp sợ và tôn kính Tầu phù chó đẻ như thế huống chi là trong nước!


Ngày 25 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Trong tiếng Anh có một thành ngữ mà từ mấy ngày hôm nay có thể hiểu theo nghĩa đen của nó cũng vẫn đúng như thường. To be bitten by the love bug, nghĩa bóng là bị ái tình vật, bị tình yêu hành cho rách nát như cái mền, bị làm cho trần ai khoai củ, vất vả cuộc đời. Nhưng từ thứ sáu tuần trước, thì có hiểu theo từng chữ, là bị con bọ ái tình cắn, thì cũng đúng vậy.

Sáng thứ sáu, vào sở, ngồi xuống bàn làm việc, như mọi ngày, tôi mở e-mail ra xem trong đêm qua có ai thắc mắc đời mình không, thì tôi thấy trong hộp thư hai cái e-mail của hai người gửi tên tuổi lạ hoắc. Một ông là Ken Thoburn, ông kia là Bob Whitehead. Cả hai đều trắng trợn tỏ tình với tôi trên màn ảnh monitor của máy điện toán. Ðược tỏ tình thì nhất định tôi cũng thích, nhưng tình trạng của tôi chưa đến chỗ tuyệt vọng đến độ phải cần tình yêu của hai người đàn... ông tên là Ken Thoburn và Bob Whitehead, mà cả hai lại đều tỏ tình với tôi trong một buổi sáng thì chắc có điều chi không ổn. Tôi vừa bấm nút delete để xóa hai bức thư e-mail của hai người tình không chân dung, đưa hai ông ra khỏi đời tôi, thì cũng lúc đó, màn ảnh hiện lên những hàng chữ cảnh cáo về một con bọ điện toán mới dưới dạng e-mail mang cái tựa hết sức khiêu khích: I LOVE YOU.

Hai cái e-mail tôi vừa xóa chính là hai con bọ định lừa người đàn ông già đang ở một mình, tối tối về nhìn cái trần nhà, đau khổ, tuyệt vọng... mở ra cho cả hệ thống computer sập cái rầm, hết xài được.

Thấy hai cái tên lạ hoắc, lại là tên đàn ông, tôi xóa ngay nên thoát hiểm.

Ðang mừng cho mình thì ở gần chỗ tôi ngồi, tôi nghe một tiếng thét hãi hùng xé thinh không. Con bọ tình yêu đã cắn được một người. Ái tình đã vật nàng té cái rầm. Không cần phải tới tận bàn của nàng, tôi cũng biết chắc là nàng mở hộp thư ra, thấy cái e mail I LOVE YOU, thích quá, bèn download cái thư tình kèm theo vào máy cho bõ những ngày cô đơn đầy những cơ với cực, thì lập tức, bệnh phong tình nhào vô xâm nhập hệ thống của nàng. Ông Trần Tế Xương đau khổ thì cũng đến thế mà thôi:"Thua bạc ra đi với mẹ nhà / bệnh gì không bệnh, bệnh tim la..."

Nàng đã phạm phải một sai lầm nặng trong đời sống: "Ra đường thầy mẹ dặn rằng / làm thân con gái chớ ăn trầu người..." Dẫu cho nó có mời mọc gẫy lưỡi, tán tỉnh toàn giọng văn học nghệ thuật, trích dẫn ca dao, Ðường thi, lôi cả Shakespeare lẫn Basho, Gibran ra thì cũng cứ phải bịt tai chạy về nhà ngay. Lạng quạng là có màn qua cầu gió bay hết nhẫn, áo, nón chỉ có chết.

Nhưng thực ra cũng khó mà cưỡng lại cái e-mail I LOVE YOU. Vừa mới sáng vào sở, đã có lời tỏ tình thì chúng tôi phải đọc ngay chứ.

Nhưng không nên làm thế, một người bạn chúng tôi, một chuyên gia về điện toán nói rằng mỗi khi nhận được cái e-mail nào với tựa I LOVE YOU mà không phải của mẹ cháu thì phải đánh dấu hỏi ngay, không nên mở ra đọc, xóa ngay lập tức.

Chàng rất giỏi về computer nhưng lại chưa có vợ bao giờ nên lời khuyến cáo của chàng sai bét.

Thứ nhất, mẹ cháu không bao giờ gửi e-mail cho bố cháu. Mẹ cháu bốc điện thoại ra lệnh, chỉ thị, phán, truyền. Mẹ cháu không có thì giờ để viết e-mail tỏ tình với bố cháu. Chàng đúng là một người đàn ông không có mẹ cháu bao giờ.

Thứ hai, e-mail có tựa I LOVE YOU thì nhất định không phải của mẹ cháu. Mà không phải của mẹ cháu thì phải đọc ngay lập tức.

Và mở ra đọc là chỉ có chết. Ở sở thì máy hỏng, không làm được việc, có thể bị phiền. Ở nhà, máy hỏng lại càng chết nữa. Sẽ có ngay những hạch hỏi, phê phán điếc lỗ nhĩ... "À như vậy là anh vẫn hò hẹn với đứa nào phải không? Tình yêu bây giờ tối tân nhỉ, ngoại tình cyber cơ đấy! Thảo nào tối ngày cứ chúi đầu vào cái computer. Người ta nói những người như tôi, những người có chồng cả ngày chỉ biết cái computer, là góa phụ computer nào có sai đâu. Nhưng thà là góa phụ computer còn hơn làm một người đàn bà bị phụ rẫy anh hiểu chưa? Già đời người rồi mà vẫn chưa hết cái tính ham hố... cho chết. "Ðoạn trường cho đáng kiếp tà dâm " Uy Viễn tướng công nói nào có sai bao giờ...

Cho nên sau vụ con bọ này, những ai không bị ái tình quật, cho lây bệnh lung tung thì chính là những người tiết liệt đoan trinh, mà bạn của bạn là một vậy.

Bùi Bảo Trúc


TẠP GHI


NHỮNG TÔ GIỚI MỚI

Tô giới, concession, là những khu đất nhường cho người nước ngoài đến kiều cư buôn bán. Những khu như vậy ngày nay hầu như trên thế giới không còn nữa. Ở Trung quốc, có một thời, triều đình Mãn Thanh đã phải nhường nhiều khu cho các cường quốc Tây phương như Áo-Hung, Bồ Ðào Nha, Anh, Ðức, Nga, Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan và Nhật

Ở tất cả các tỉnh lớn như Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Ðông, Thượng Hải, Quảng Châu, Quảng Châu Loan, Hải Nam, Bành Hồ, Thanh Ðảo, Á Môn … đều có các tô giới. Tại các tô giới này, công dân của các nước ngoài được tự do cư trú, buôn bán, đi lại mà không cần phải xin phép chính phủ Thanh triều. Khởi đầu, người Hoa không được phép sống tại các khu tô giới này, nhưng từ khoảng những năm 1860 trở đi, người Hoa cũng được cho đến sống và làm việc tại các tô giới nhưng bị đối xử như những công dân hạng hai ngay trên đất nước của họ. Các công dân nước ngoài được hưởng quyền đặc miễn tài phán, không bị pháp luật Trung quốc ràng buộc. Những công dân nước ngoài có phạm pháp cũng không bị truy tố tại các tòa án Trung quốc. Tình trạng này kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20 và là những vấn đề nan giải của nước cộng hòa Trung Hoa.

Những điều vừa kể hình như đang được người Hoa mang theo để áp dụng tại một số quốc gia họ tới làm ăn. Trong những năm gần đây, Bắc kinh đã tới nhiều nước Phi châu để buôn bán, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tại các nước có dầu hỏa, họ bỏ tiền đầu tư vào những nhà máy lọc dầu, khai thác dầu, xây cất … Họ dùng tiền bạc để mua chuộc các chính phủ tham nhũng độc tài để được cho khai thác và đầu tư, làm ăn tại các nước này. Chính vì bàn tay của Trung quốc mà những rắc rối tại Phi châu không thể giải quyết được như trong trường hợp người ta đã thấy tại Darfur.

Ở Phi châu không biết có những hình thức tô giới như ở Trung quốc trước đây chưa, nhưng ở Việt Nam, những thứ tô giới ô nhục mà người Hoa trước đây phải nhường cho các nước Tây phương đang dần dần xuất hiện.

Hiện nay, khoảng mấy chục ngàn công dân Trung quốc đã được đưa vào Việt Nam làm việc tại các công trường xây cất và những khu khai thác khoáng sản. Các công nhân này được cho sống tại những khu nhà riêng, những khu người Việt không được vào nếu không có phép. Những giao tiếp giữa các công nhân Trung quốc và người Việt sống gần các khu trại của người Hoa tuy thế, vẫn diễn ra qua những hình thức buôn bán lẻ. Ở Hải Phòng, đã có những khu gia cư của các công nhân Trung quốc trong những tình trạng sống không khá giả lắm. Ở đó, những thị trấn Trung quốc nhỏ đang hình thành có đủ cả các quán ăn, các nhà hàng dịch vụ, các quán cà phê karaoke để phục vụ các khách hàng người Hoa.

Những liên hệ giữa các công nhân Trung quốc và người Việt đã được thấy tại các khu này.

Những đụng chạm giữa hai phía chắc chắn phải xẩy ra. Và sau những vụ như thế, người ta càng thấy hiện ra rõ hơn những tô giới ở Việt Nam.

Vụ mới nhất mà báo điện tử Vietnamnet tường thuật là vụ 200 công nhân Trung quốc làm loạn đánh dân Việt ở công trường Nghi Sơn. Trong vụ này, một công nhân Trung quốc có chuyện bất đồng với một chủ tiệm tạp hóa Việt Nam. Người Trung Hoa này xông vào nhà hành hung chủ nhà, rồi sau đó, kéo khoảng 200 người khác mang theo gậy gộc, ống nước đập phá nhà của nạn nhân người Việt, gây thương tích cho nhiều người trong gia đình nạn nhân. Hàng xóm kéo đến can thiệp cũng bị đám công nhân này bạo hành.

Sau khi phá phách, đám công nhân Trung quốc này về trại của họ. Công an địa phương không hề can thiệp hay điều tra nội vụ.

Ðây không phải là một vụ duy nhất, mà còn nhiều vụ khác diễn ra ở Nghi Sơn. Các công nhân Trung quốc đã tự tung tự tác, xúc phạm các công dân Việt, tự xử lấy những vụ đụng độ, tranh chấp với người Việt trong khi nhà cầm quyền không có bất cứ một nỗ lực can thiệp nào mặc dù luật pháp của Việt Nam bị những người Hoa này vi phạm. Hiện có rất nhiều người Hoa nhập cảnh Việt Nam bất hợp pháp để làm việc tại các công trường xây cất của các nhà thầu người Hoa.

Tình trạng này nghe hệt như những tô giới trước đây ở Trung quốc.

Khi còn những tô giới ấy, đã có những khu treo những tấm bảng ghi hàng chữ "No Dogs and Chinese allowed", cấm chó và người Hoa, mà Lý Tiểu Long trong phim Tinh Võ Môn đã bay lên đá cho rơi xuống đất ở lối vào một công viên.

Những cách hành xử của các công nhân người Hoa tại nhiều khu vực ở Việt Nam khiến người ta nghĩ một hình thức tô giới đang dần dần hiện ra ở Việt Nam. Ai là người đã để cho những người công nhân Trung quốc tác yêu tác quái như thế nếu không là bọn mặt chó ở Hà Nội, bọn đã dâng Trường Sa, Hoàng Sa cho Bắc kinh, bọn nhắm mắt câm miệng trước lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ở biển Ðông trong khi chính bọn chó này lại thẳng tay đàn áp những người dám mở miệng phản đối bọn thực dân mới ở Bắc kinh.

Thế thì công an nào dám đụng tới những sợi lông chân của những tên Ba Tầu đang lộng hành ở Nghi Sơn!


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Ba Phải (?) New York, New York

Ðố chúng tắc mộc chiết
Nghị đa tắc đê quyết

Hai câu này nghĩa là mọt nhiều cây phải gẫy, kiến nhiều đê phải vỡ.

Ðố quốc tặc dân là mọt nước, giặc dân

Cụ Nguyễn Lê Thái, Westminster, CA

Sa sả là tên gọi khác của chim bói cá, hay chim chả. Tên tiếng Anh là king fisher.

Sa sả có thể là từ chả mà ra. Mầu cánh chả là mầu xanh biếc có pha tím và xanh lá cây.

Cụ có thể tìm đọc cuốn Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Cuốn sách ghi chép từ đời Bàn Cổ, Tam Hoàng, Ngũ Ðế đến tận năm 1973.

Tất cả các tác phẩm của sử gia Trần Gia Phụng đều đáng đọc. Cụ có thể liên lạc qua địa chỉ e-mail:

Ông Phạm Xuân Vĩnh, Seattle

Tsar cũng viết là Csar hay Czar, là tên gọi Nga hoàng.

Csar là danh từ xuất xứ từ tên của hoàng đế La Mã Caesar. Lý do là vì những ông hoàng đế Nga này coi mình cũng oai, cũng lớn, cũng vĩ đại như Caesar.

Hoàng đế của Bulgaria và Serbia cũng có lúc xưng là Czar.

Chữ này được người Trung Hoa phiên âm là Sa, như trong Sa Hoàng là hoàng đế nước Nga.

Quốc vương Iran không phải là Sa hoàng. Tên của ông là Mohammad Reza Shah Pahlavi.

Sa hoàng chỉ được dùng khi đề cập đến Nga hoàng.

Ayatollah là tước hiệu (trong tiếng Ba Tư) của các cao tăng đạo Hồi, là những người có kiến thức chuyên môn về Hồi giáo trong các lãnh vực luật pháp, đạo đức và triết lý, thường làm công việc dậy tại các tu viện Hồi giáo Shia.

Trên chức Ayatollah là Ayatollah Uzma. Dưới Ayatollah là Hjatoleslam.

Phụ nữ có đẳng cấp ngang với Ayatollah là Mujtahideh.

Hiện nay có 5 Ayatollah Uzma, cao cấp nhất là Ali Sistani, người rất có ảnh hưởng tại Iraq hiện đang sống ở Najaf.