June 12, 2009

June 12, 2009

HTML clipboard

Ngày 6 tháng 6 năm 2009

Bạn ta

Khi tôi đọc được bản tin của Associated Press trong tờ USA Today số cuối tuần trước, thì ván đã đóng thuyền, mọi chuyện đã muộn, đã lỡ làng hết, không thể làm bất cứ gì để cứu vãn được.

Tôi tiếc vô cùng vì mỗi buổi tối trở về nhà, tôi cần nó cho căn nhà tôi đang ở có tiếng nói, có đời sống, và cũng vì càng ngày tôi càng thấy mình đồng ý thêm với Marie Corelli, một nhà văn của văn học Anh (1855 - 1921), khi bà viết rằng bà không lập gia đình bao giờ vì bà không thấy có nhu cầu phải lấy chồng: bà có ba con vật nuôi trong nhà làm đúng những việc người chồng thường làm, đó là một con chó càu nhàu suốt buổi sáng, một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt buổi chiều và một con mèo chỉ khuya lắm mới về nhà, nên đã có ba con vật ấy thì lấy chồng làm gì cho khổ đời.

Tôi cần một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt buổi chiều, chẳng phải để thay cho một người đàn ông như trong trường hợp của Marie Corelli, hay thế chỗ một người đàn bà hung ác, nói ra là "gẫy cây gẫy cối / mở miệng nào có ngọn có ngành" như trong một đoạn Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, nhưng một con vẹt biết nói, mà lại biết chửi thề thì thật là tuyệt cho căn nhà của tôi.

Con vẹt tuyệt vời này đã có người nhận nuôi, và không chắc là người nhận nuôi nó sẽ chịu chuyển giao quyền giám hộ lại cho tôi, dẫu cho tôi có huy động được rất nhiều người đứng sau để xin cho nó về sống với tôi.

Flounder, con vẹt biết nói tục ở Charlotte, North Carolina đã được cho người khác nuôi. Ngày xưa, cảnh Hàn Hoành đi làm quan xa, trở về kiếm người kỹ nữ họ Liễu ở đường Chương Ðài, Trường An, mới hay nàng bị tướng Phiên cướp mất thì cũng chỉ gây những tiếc thương nhiều như khi tôi đọc bản tin AP về con vẹt Flounder là cùng.

Theo bản tin này, con vẹt Flouder có một mớ từ vựng có thể làm tóc người nghe dựng đứng lên nhờ những người dậy nó là những người biết không thiếu một chữ tục tĩu nào trong Anh ngữ, và nó cũng không thèm... viết tắt một chữ nào khi nói. Chủ cũ của nó không biết vì lý do gì, đem nó gửi ở hội bảo vệ súc vật ở Charlotte và bỏ đi luôn. Hội thấy nó nói tục vui quá, liền giữ lại nuôi cho văn phòng có tiếng nói. Và đó cũng chính là lý do tôi muốn nuôi nó. Nhưng nay thì muộn rồi.

Tưởng tượng nếu tôi có nó, nó sẽ giúp tôi được biết bao nhiêu chuyện. Những điều khó nói với những quen biết rất khó chịu của tôi, nó làm hộ hết. Thí dụ một đề nghị về tình ái với bà, và mời ông đi xuống địa ngục chẳng hạn. Tôi sẽ không phải răng trên bặm vào môi dưới, nói thầm để tạo thành âm có chữ "F" ở đầu cho bà phải mất công "đọc môi" -- lip read-- tôi làm gì cho mất công, lại có khi hiểu lầm. Cứ búng tay cái chóc, vẹt Flounder xổ ra một tràng, trúng ai người ấy chịu.

Còn gì sướng bằng.

Người nghe, ai dám đụng vào... lông vẹt Flouder? Muốn ra tòa hay sao mà đụng vào nó?

Nhưng khi không còn những ngươi gây ra những khó chịu cho tôi nữa thì tôi sẽ phải làm gì cho vẹt Flounder khỏi bệnh văng tục? Dễ ợt.

Ðưa nó vào siêu thị, chỉ cho nó coi những con gà tây, gà ta của ông già Perdue ở quầy gà đông lạnh, và nói cho nó biết rằng chỉ vì nói hơi tục, mà những họ hàng xa của nó, những con gà tây, gà ta đã bị chặt cổ, vặt lông đem bán ở siêu thị.

Nó nên liệu hồn là vừa. Chỉ cần làm thế, nhất định tật nói tục của nó phải hết ngay lập tức.


Ngày 7 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.

Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.

Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Ðó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.

Tội ác của em học sinh 11 tuổi này? Em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.

Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Ðoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:

Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...

Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.

Ðây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...

Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.

Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn quắn đít lại là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..." thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...

Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.

Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát không vú

Tội đó đáng bị phạt nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.

Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.

Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?

May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:

Con gái chơi với con trai
Về sau hái vú bằng hai quả dừa...

Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.


Ngày 10 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Sáng nay, trong phụ trang về sắc đẹp phụ nữ của một nhật báo ở đây, tôi đọc được câu hỏi về cách làm đẹp của một độc giả mà trang báo không ghi rõ tên. Người hỏi muốn biết khi nào là lúc tốt nhất để nhổ lông mày.

Người giữ mục làm đẹp là một phụ nữ từng làm nghề kiểu mẫu. Ðiều đó bảo đảm những lời khuyên, những gợi ý của cô đều có giá trị. Cứ làm theo chỉ dẫn của cô là phải đẹp tuyệt trần ngay.

Cô trả lòi thắc mắc của người viết lá thư rằng lúc thuận tiện nhất là lúc vừa tắm xong, lỗ chân lông nở rộng, hơi nước làm cho mềm chân tóc là lúc tốt nhất để nhổ lông mày.

Và nhờ câu trả lời đó, tôi đã học thêm được một điều mới. Ở tuổi này mà vẫn còn nhiều điều có thể học được. Lý thú là như thế.

Chao ôi, sau hai lần con Giáp Thân trở lại, tôi mới biết được những điều lạ lùng như vậy. Từ trước đến giờ, tôi cứ nghĩ là lúc nào có cái nhíp, và lúc nào có cái gương, lúc nào có sợi lông mày mọc ngược thì cứ tay gương, tay nhíp, trợn mắt ngó vào gương, kiếm cho ra sợi lông mày quái ác ấy, lấy nhíp kẹp lại, rút mạnh là có ngay một sợi lông mày dài có khi tới 2 cm, dán lên gương buồng tắm làm kỷ niệm những ngày xa quê hương ngay.

Bây giờ mới biết là khi tắm xong mới là lúc tốt nhất để nhổ lông mày. Lúc khác, chân lông chưa nở, nhổ vẫn được, nhưng đau lắm. Chờ đến khi lỗ chân lông nở ra, lôi sợi lông mày ra sẽ dễ dàng. Người phụ trách trả lời thắc mắc còn dặn là nên nhổ lông mày vào buổi sáng, ánh nắng tự nhiên sẽ làm rõ những sợi lông mày, dễ nhổ hơn. Và khi nhổ xong, cô khuyên nhớ bôi một chút Witch Hazel hay Aloe Vera vào chỗ vừa mất đi một sợi lông. Cô còn cẩn thận cho biết tên và kiểu nhíp có khả năng nhổ chính xác, không nhổ lầm sang những sợi khác.

Có cái nhíp Tweezerman (slant tip tweezer) việc nhổ lông mày sẽ dễ dàng hơn.

Cuộc sống hiện đại ngày nay bầy ra những thứ đời sống xưa kia không thể nào có được. Nếu có cái nhíp Tweezerman, một người phụ nữ Cao Ly đã không bị người chồng hiểu lầm khi ông đang ngủ trưa chợt thức dậy, trông thấy vợ cầm con dao định cắt một cọng rau mọc ngược của ông, và hô hoán ầm lên đổ cho nàng tội định giết mình. Có cái nhíp, người phụ nữ xinh đẹp, khuôn mặt hiền hậu đó đã không bị nghi oan, khỏi phải bỏ đời sống thường ngày để đi tu, lánh xa chốn tục lụy.

Và nay, bàn thờ của tôi đã không có bức tượng người phụ nữ xinh đẹp hiền hậu ấy, Quan Âm Thị Kính.

Trở lại chuyện nhổ lông mày. Một người đàn ông tài hoa và đa tình của Việt Nam cất công đi mua gạch từ làng Bát Tràng về xây cái hồ cho nàng rửa chân, chỉ để nhắc khéo rằng em có đôi mắt đẹp lắm, đôi lông mày của em sắc lắm, anh chỉ sợ em rửa lông mày là mấy con cá Koi, mấy con cá La Hán của anh thả dưới hồ chết hết thì anh lấy cá đâu mà làm chả cá Hà Nội cho em ăn đây…

Tán em bé như thế thì cách gì em bé thoát khỏi cảnh … cá chậu, chim lồng.

Tôi thú thật là không đọc Kim Dung. Không đọc bất cứ một cuốn nào, mà vẫn sống được đến ngày nay trước sự kinh ngạc của rất nhiều bạn bè. Nhưng tôi cũng biết một nhân vật của Kim Dung mà một người bạn tôi đã viết thành mấy câu lục bát (tôi đã quên gần hết) tả lại cảnh chàng vẽ lông mày cho nàng…

Lại gần đây, lại gần đây
Cho anh nhìn rõ bàn tay phong trần

Rồi chàng nhẹ nhàng vẽ cho nàng cặp lông mày (chắc chắn sau khi đã nhổ trụi hết của nàng lông mày của nàng mà không cần cái tweezer nào hết).

Như vậy đâu cần chờ đến lúc nàng tắm xong, lỗ chân lông nở lớn mới … đè ra mà vặt lông. Mà vặt như vậy thì đã đời hơn nhiều, hơn nhiều so với cảnh trợn mắt, ghé sát vào cái gương để tự nhổ lấy lông của mình.


Ngày 11 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Quà Father’s Day của tôi năm nay đến sớm hơn mọi năm. Người gửi không có một lý do nào để gửi cho tôi. Không là con. Lại càng không phải là ông bố. Cũng không phải là mẹ để quà cáp cho tôi vào cái ngày thậm vô duyên này.

Người gửi là một người bạn mới quen. Món quà rất đặc biệt. Nhận nó rồi, tôi bâng khuâng không hiểu "thông điệp" gì được gửi kèm với nó.

Quà là một cuốn sách mới xuất bản. Tác giả của nó là William Whitaker. Cuốn sách này thực ra cũng không mới mẻ gì. Mấy năm trước đã có cuốn How To Survive The Worst Scenario, với những chỉ dẫn cách đối phó với những điều tệ hại nhất, những chuyện kinh hoàng nhất trong đời sống. Cuốn sách mới này nhan đề How To Get Out Of Everything. Tôi chắc chúng cũng đại khái giống nhau như những cuốn trong tủ sách Idiot’sDummies chuyên viết về những vấn đề khúc mắc nhất bằng lối viết giản dị và dễ hiểu.

How To Get Out Of Everything, làm thế nao thoát được tất cả mọi chuyện trên đời. Có lý lắm chứ. Kéo được hơn 60 năm kể cũng đã là giỏi lắm rồi. Bạn bè mấy chục người cùng khởi đi từ những năm tiểu học nay đã thiếu gì cố trung úy, cố đại úy truy thăng, đã thiếu gì người leo lên bàn thờ ngó xuống cạnh cái lư hương của hãng phim Cosunam…Thỉnh thoảng mở báo ra đọc lại thấy cái tên rất quen, hình như đã gặp đâu đó ở Sài Gon, ở sân trường trung học, ở những quán nước quen… Nhưng cũng vẫn nên đọc cuốn How To Get Out Of Everything xem còn có những chuyện gì cần phải tìm cách thoát nữa hay không.

Cuốn How To Survive The Worst Scenario đưa ra nhiều trường hợp cũng có lý lắm chứ không phải là không. Thí dụ làm thế nào sống sót qua một cuộc hôn nhân tồi tệ, một liên hệ xấu, một anh xếp hắc ám, một công việc khốn nạn… Cũng có những chuyện khác khó có thể xẩy ra như bị sư tử (?) vồ; bị tấn công bằng võ khí nguyên tử; bị một người nói chuyện thối mồm mà cứ ghé sát vào mặt để nói chuyện; bị bắt quả tang (?) ; bị một người đàn ông có râu ôm hôn vào má ướt nhẹp; tóc bị cắt quá nhiều mặc dầu đã nhắc cô thợ hớt tóc bao nhiều lần là không thích cắt ngắn (?) …

Cuốn sách tôi được gửi cho cũng có những chỉ dẫn đại loại cho những hoàn cảnh tương tự. Nhưng những thứ mà tôi thật sự muốn thoát thì lại không thấy viết. Thí dụ làm thế nào thoát mấy cái roi mây đi kèm với trang thông tín bạ rất xấu; làm thế nào sống qua hết được những giờ toán, lý, hóa, những giờ học có công hiệu mạnh hơn những viên valium mạnh nhất; làm thế nào sống qua được 7 năm trung học; làm thế nào sống sót sau những lần cật vấn gằn giọng vào lúc 3 giờ sáng; làm thế nào sống thoát cảnh mấy cái địa chỉ, mấy cái tên viết trên những tấm giấy nhỏ nhét trong gáy của những cuốn tự điển để trên tầng cao nhất của cái giá sách mà vẫn bị tìm ra; làm thế nào sống qua giấc mơ ú ớ gọi một cái tên của một loài thảo mộc (?) nghe lạ hoắc vân vân. Tất cả những chuyện kinh khủng đó tôi đã sống qua, và vẫn toàn thây cho đến tận ngày hôm nay.

Cuốn sách tặng có một trang được gấp lại từ trước khi nó đến tay người nhận. Trang bị gấp lại có một bài viết với những mách nước đại khái làm thế nào thoát được khỏi một cái hẹn tồi tệ, How To Get Out Of A Bad Date.

Tưởng tượng chàng (?) cầm cái menu đọc lên những món rẻ tiền nhất, đọc rõ cả mấy chục xu, rồi lại thay món ấy bằng một món rẻ hơn ở trang sau, lật qua lật lại cái menu, mắt chỉ nhìn vào cột ghi giá tiền. Chàng gọi mấy món, không tham khảo gì người ngồi trước cả. Rồi chàng bắt đầu dùng chân cạ vào chân mình ở dưới bàn. Rút chân lại, chàng thụt người xuống, cố đưa đôi chân ngắn của chàng về phía chân mình, cạ tiếp trong khi ở trên vẫn cười cười nham nhở. Rồi chàng ăn, lúc thì mở miệng ra nhai tóp tép, lúc húp sì sụp gây tiếng động làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi, lúc thì nhai méo cả mồm, trại cả quai hàm trông rất kỳ lạ. Rồi chàng thò ngón tay móc những vụn thức ăn dính ở răng, tiện tay chàng tháo cái bridge ra, cậy cho hết những vụn thức ăn rồi lại đeo vào ăn tiếp. Và chắc chắn đầu thì đang toan tính làm thế nào dẫn được mình về thăm cái … tủ sách của chàng chẳng hạn.

Thì phải làm sao?

Dễ ợt, ngó lên trần nhà đếm xem nhà hàng có mấy cái đèn; liếc xem truyền hình đang chiếu đoạn phim Tầu chuyển âm kiểu thất học đến khúc nào; cầm tờ menu học thuộc lòng cái menu, học luôn cả số điện thoại của nhà hàng; ngáp một cái dài từ ải Nam Quan đến mũi Cả Mâu; làm bộ chú ý hớp từng chữ một khi chàng đem thơ của chàng ra đọc, cố nhớ cho hết để tham dự những cuộc thi đọc thơ dở sau này…

Rồi lấy tay bóp trán, chàng hỏi thì trả lời là thấy như cúm, mấy hôm nay lại sợ ăn thịt heo, coi tử vi thì nhớ là sinh năm Hợi… Chắc chắn chàng sẽ làm rơi đôi đũa, lắp bắp hỏi có về một mình được không, cần về cứ về trước đi, ngồi lại lâu biến thành con heo kêu ủn ỉn thì đúng là A-H-1-N-1 chứ không đùa.

Nhớ ra đến xe, mở máy, lên kính, khóa cửa rồi hãy cười. Vậy thì cần gì phải đọc cuốn sách tặng ấy.


Ngày 12 tháng 6 năm 2009

Bạn ta,

Có phải cuộc sống ngày nay đã quá nhàm chán đến nỗi người ta đã phải làm tất cả mọi thứ để có thể đem lại một chút hào hứng cho đời sống hay không.

Chuyện đám cưới chẳng hạn. Ðã có những cặp rủ nhau lên đỉnh núi, hay kéo nhau xuống vực sâu, xuống đáy biển để làm lễ cưới. Vài ba cặp khác thì cử hành đám cưới trên những chuyến bay ở những độ cao cách mặt đất vài cây số.

Cuối tháng này, Noah Fulmor và Erin Finnegan ở New York sẽ làm đám cưới trên một phản lực cơ Boeing 727-200 được cải biến để có thể tạo ra tình trạng vô trọng lượng trong lòng máy bay, thoát được ra khỏi cái lực làm cho quả táo rơi trúng đầu Issac Newton để ông Ăng lê này sực tỉnh và khoe với mọi người là ông khám phá ra sức hút của trái đất.

Chiếc 727 này trong khi bay ở một độ cao nào đó, có thể tạo ra tình trạng không trọng lượng hệt như trên Hỏa tinh hay nguyệt cầu. Các phi hành gia trên các chuyến bay lên ngoại tầng không gian đều đã có những kinh nghiệm ấy. Nhưng người thường thì không thể ai cũng làm được một chuyến bay lên không gian như vài ba ông nhà giầu sẵn sàng chi mấy chục triệu để được đưa lên trạm không gian chơi ít ngày.

Cặp Noah Fulmor và Erin Finnegan sẽ lên máy bay tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở mũi Canaveral vào ngày 20 tháng 6 tới đây sau khi đóng một khoản lệ phí cho công ty Zero Gravity Corporation. Hai người sẽ được đưa lên không trung, và hôn lễ sẽ được tổ chức khi phi cơ ở trong tình trạng không trọng lượng. Hai người đã mua sắm áo cưới, tuxedo, nhẫn cưới, rượu champagne và đem theo cả mục sư để làm lễ.

Loài người đã quen sống trên mặt đất. Trong tình trạng vô trọng lượng nhiều chuyện rắc rối sẽ chắc chắn xẩy ra. Cái nhẫn cầm không khéo là vuột ra bay lơ lửng phải bơi theo lấy lại mới đeo vào tay cho nàng được. Hai ly champagne có thể sẽ đổ hết ra ngoài, lủng lơ bay trong thân máy bay, hai người sẽ phải rượt theo để hớp lấy vân vân. Cái mạng nàng che mặt, có thể sẽ tạo vấn đề khi nó không chịu ở phía sau để chàng hôn nàng chẳng hạn.

Ðó mới chỉ là vài ba chuyện rắc rối lẻ tẻ không quan trọng mấy so với những chuyện tiếp theo (?) sau lễ cưới. Không lẽ đã bay lên mấy ngàn bộ để cưới nhau mà không xử lý(?) ngay, lại để dành đến khi xuống đất mới xử lý thì chán chết. Cả thế giới, ai cũng có thể làm được. Vậy thì thường quá. Ðã mất công bay lên trong tình trạng vô trọng lượng thì tại sao lại bỏ qua cơ hội ấy. Và lúc đó, vấn đề mới hiện ra.

Việc bế cô dâu trên tay, đưa nàng qua ngưỡng cửa cho thêm phần lãng mạn có thể dễ hơn khi làm việc đó ở dưới đất. Không trọng lượng thì nàng có nặng 200, hay 300 lbs cũng chẳng sao. Lấy một ngón tay nhấc nàng lên cũng được. Bế lên lại càng dễ.

Nhưng đặt xuống mới là khó. Hai người cứ lửng lơ như hai con cá vàng bơi lội quằn quại, giường không chịu nằm xuống, cứ "hờ hững đôi chim (?) giang hồ bay" như trong một câu nhạc của Ngọc Bích thì làm sao giải quyết vấn đề song phương?

Tuy thế, chắc chắn làm một cái đám cưới như thế thì nhất định phải vui. Không vui sao lại chịu tốn kém như vậy? Hạnh phúc được cưới nhau trên chín tầng mây khói, hơn hẳn chuyện lái cái xe cột vài ba cái lon sắt cho kêu lảng cảng để khoe với chòm xóm là "just married!"

Vui nhất là những lúc (thế nào cũng có), khi hai người có chuyện không vui, giận nhau, nàng rít lên: "À … anh bây giờ có còn thương yêu gì tôi nữa … anh có coi tôi ra một cái kí lô nào đâu …"

Lúc ấy, khác với những người đàn ông khác trên đời, chàng biết vợ chàng nói đúng, không có ngoa ngoắt như những phụ nữ khác.

Vì đã có lúc, ngay trong ngày hai người cưới nhau, nàng cũng có là cái kí lô nào đâu.

Nhẹ hều à!

Bùi Bảo Trúc


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Cụ Nguyễn X. Thu, McLean, Virginia

Ðây là bài thơ nổi tiếng của cụ Trần Văn Hương. Bài thơ này ai cũng nghe nói nhưng ít người biết toàn bài. Bản chúng tôi có cũng là được nghe đọc lại và chép xuống nên không thể cam đoan là đúng như nguyên tác.

Cụ Hương sinh năm 1902, qua đời năm 1982. Chức vụ cuối cùng của cụ là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa khi tổng thống Thiệu từ chức và trao chức tổng thống lại cho cụ hôm 21 tháng 4 năm 1975. Một tuần sau, ngày 28 tháng 4, tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền lại cho Dương Văn Minh. Cụ bị nhà cầm quyền quản thúc tại gia. Năm 1977 nhà cầm quyền Cộng sản đề nghị phục hồi quyền công dân cho cụ, nhưng cụ không nhận. Cụ nói là chỉ khi nào các quân nhân và công chức của Việt Nam Cộng Hòa được thả thì cụ mới nhận đề nghị phục hồi quyền công dân cho cụ. Ðòi hỏi của cụ không được thỏa mãn. Cụ qua đời tại nhà riêng năm 1982. Bài thơ này trích trong tập Lao Trung Lãnh Vận.

Ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi ăn
Chưa thấy chuyện gì chuyện khó khăn
Nẳm khểnh sờ cằm, râu lủa tủa
Ngồi rù gãi háng, dái lăn tăn
Làm sang phe phẩy tay còn quạt
Ði tắm trần truồng mỗng thiếu chăn (*)
Ăn ngủ, ỉa xong đầy đủ cả
Muốn làm chi nữa, biết mần răng

(*) chẳng thấy mông)

Ông Ðào Nguyên (duynhan09@yahoo.com)

Câu "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách" là một thành ngữ của Trung Hoa, không biết tác giả là ai và có từ bao giờ. Ông hỏi ngày nay câu này có còn ý nghĩa nữa không nhất là đối với ngưỗi Việt tị nạn ở hải ngoại thì xin trả lời là ý nghĩa thì vẫn còn, và quốc gia vẫn còn đó. Về nước ăn chơi thì thất phu hay không thất phu cũng … đáng trách cả.

Con trai út chữ Hán là quí nam. Con gái út là quí nữ. Ấm là phúc đức ông bà, cha mẹ để lại. Ấm là chức của triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên.

Ấm sinh là con quan đi học đỗ kỳ hạch ấm.

Ấm tôn là cháu, ấm tử là con quan.

Chiêu cũng có nghĩa như ấm, là con các quan đỗ tiến sĩ từ đời Lê trở đi.

Cậu ấm, cô chiêu là những tiếng gọi tôn con cái của bạn lên một cách thân tình.

Xin đọc bài thơ sau đây của Trần Tế Xương, bài Bỡn Ông Ấm Ðiềm:

Ấm không ra ấm, ấm ra nồi
Ấm chạy lăng quăng ấm chẳng ngồi
Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu
Luộc giò, ninh thịt, lại đồ sôi.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Chuyển tả bài số 36 do Nhã Lan thực hiện)

*********

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, Quỳnh Anh và xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày.

NHÃ LAN

Hôm nay, trước khi thầy giảng bài mới, Nhã Lan phải nhờ thầy Trúc giải thích cho Nhã Lan làm sao dùng hai thành ngữ này cho đúng. Ðó là TO BE INTERESTED và TO BE INTERESTING.

QA

Thưa anh, đó cũng là thắc mắc của QA. Mới hôm qua, con gái Quỳnh Anh vừa chỉnh QA về chữ INTERESTING. QA nhớ là buổi tối, QA nói với nó rằng mẹ rất INTERESTING về chuyện nó chọn ngành để đi học đại học. Cả hai chị em nó cười lăn ra. Rồi QA bận chuyện khác nên không kịp hỏi con là QA sai ở chỗ nào. QA có sai không thưa anh?

BBT

Sai nặng. Mà QA không phải là người duy nhất trên đời này dùng sai chữ INTERESTING. Nếu cô muốn nói với con gái rằng mẹ quan tâm, mẹ muốn biết, mẹ muốn tìm hiểu, mẹ tò mò về chuyện học hành của con, con lên đại học con chọn môn gì mà QA nói I AM INTERESTING là không được. QA đáng lẽ đã phải nói I AM INTERESTED IN YOUR MAJOR.

TO BE INTERESTED IN phải luôn luôn có IN, theo sau là túc từ, một danh từ, hay một đại danh từ. Thí dụ cô đi xem căn nhà để mua, nghĩa là cô muốn biết thêm về căn nhà thì cô phải nói thế nào, cô QA?

QA

QA phải nói là I AM INTERESTED IN A SINGLE HOME.

BBT

Ðúng rồi. Còn Nhã Lan, cô hiểu cách dùng này chưa? Cho tôi nghe thử một thí dụ coi.

NHÃ LAN:

I AM INTERESTED IN A TRIP TO EUROPE. BUT I AM NOT VERY INTERESTED IN EASTERN EUROPE. I AM UNITERESTED IN ALBANIA, BULGARIA. BUT I AM A LITTLE BIT INTERESTED IN HUNGARY AND POLAND.

BBT

Hỏi một câu mà đúng là BUY ONE GET THREE FREE là vậy. Bây giờ cô QA cho nghe một thí dụ dùng TO BE INTERESTED IN nhưng trong thể nghi vấn coi. Thí dụ cô hỏi con gái rằng con có thích học dược không thì cô phải nói thế nào?

QA

ARE YOU INTERESTED IN PHARMACY? Phủ định thì thêm NOT sau TO BE phải không thầy? Thí dụ HE WAS NOT INTERESTED IN DENTISTRY. THEY WERE NOT INTERESTED IN LIBERAL ARTS.

Thế còn tương lai thì dùng WILL hay SHALL phải không anh? Thí dụ QA nói thế này có đúng không: WILL YOU BE INTERESTED IN A PICNIC THIS WEEK-END? WILL THEY BE INTERESTED IN A PART-TIME JOB?

BBT

Ðúng lắm. Còn Nhã Lan, câu này nghĩa là gì: A VERY NICE MAN TOLD ME HE IS INTERESTED IN NHÃ LAN.

NHÃ LAN:

Làm gì có chuyện đó.

QA

Chắc đúng đấy, hôm nọ ở party nhà người bạn, QA cũng thấy có một ông rất thắc mắc, rất tò mò, rất muốn biết, rất muốn tìm hiểu về Nhã Lan đó. Bây giờ xin thầy cho biết tại sao khi QA nói I AM VERY INTERESTING, QA chỉ muốn nói với con gái rằng mẹ muốn tìm hiểu, mẹ quan tâm về việc chọn ngành học của con mà hai chị em nó cứ cười QA là thế nào?

BBT

Khi có người nói với cô rằng QUỲNH ANH IS VERY INTERESTING thì câu này đúng. Nó có nghĩa là cô QA là một người rất hay, rất lý thú, rất hấp dẫn. Nhưng cô nói về mình mà lại nói là I AM INTERESTING thì hơi lạ tai. Không lẽ mình lại tự khen mình là hấp dẫn, lý thú, rất hay, rất đẹp. Ðồng ý mẹ hát thì con khen hay, nhưng để con nói vẫn hơn.

QA

Không phải QA muốn nói là QA đẹp, mà QA chỉ muốn nói với con gái rằng mẹ muốn biết về chuyện học hành của con. QA dùng sai mới thành thế kia. Bây giờ QA biết rồi. Phải nói là I AM INTERESTED IN YOUR UNIVERSITY MAJORS. Trời đất, xẩy một ly đi một dặm là thế.

BBT

Cô Nhã Lan, cô cho tôi nghe hai thí dụ, một câu dùng INTERESTING và một câu dùng INTERESTED.

NHÃ LAN:

THE BOOK IS INTERESTING. I AM INTERESTED IN THIS BOOK. Ðúng chưa thầy?

BBT

Ðúng. Bây giờ để tôi hỏi hai cô điều này. Có thể nói HE IS INTERESTING được không?

NHÃ LAN:

Ðược. HE IS INTERESTING nghĩa là ông ta là người hay lắm, lý thú lắm, dễ thương lắm.

BBT

Ðúng rồi. Nhưng HE IS A PERSON OF INTEREST có nghĩa như thế không?

QA

QA không nghĩ vậy, nhưng lại không thể giải thích được. QA bữa nọ đọc báo, thấy có tin một phụ nữ bị giết. Cảnh sát nói rằng người chồng là một PERSON OF INTEREST. Chắc chắn là có nghĩa không hay, không như HE IS INTERESTING mà Nhã Lan vừa nói ở trên.

BBT

Ðúng rồi. Cảnh sát chưa coi người chồng là một nghi can, lại cũng chưa coi người chồng là thủ phạm giết vợ. Nhưng cảnh sát thấy ông ta có vài hành động khác thường, tuy chưa có bằng cớ để nghi người chồng, nhưng người đàn ông đó đã khiến cho cảnh sát để ý và muốn hỏi ông ta vài ba điều. Thí dụ tại sao vợ mói chết mà lại nước hoa thơm lừng như thế chẳng hạn.

NHÃ LAN

Cám ơn ông thầy giải thích rất rõ về TO BE INTERESTED và TO BE INTERESTING. Bây giờ Nhã Lan xin nói bằng tiếng Anh câu này: I AM INTERESTED IN "IT", THE IMPERSONAL PRONOUN AND HOW TO USE IT. THIS IMPERSONAL PRONOUN IS VERY INTERESTING.

BBT

Cám ơn cô Nhã Lan. Cô dùng hai động từ tôi vừa giải thích rất là đúng. Cô muốn biết thêm (INTERESTED IN) về đại danh từ chỉ trống (IMPERSONAL PRONOUN) vì đại danh từ IT này rất lý thú (VERY INTERESTING).

QA

Tại sao lại gọi nó là IMPERSONAL PRONOUN, và đại danh từ chỉ trống là gì thưa anh, đại danh từ ấy thay cho ai?

BBT

Vì nó không thay cho ai cả nên trong văn phạm gọi nó là đại danh từ chỉ trống. Nếu nó dại diện cho một cái gì, một vật gì, thì nó là đại danh từ rồi, như I, YOU, HE, SHE, WE, THEY.

Thí dụ I HAVE A FRENCH DICTIONARY. IT GOES WITH ME EVERYWHERE.

IT GOES… IT là đại danh từ hay đại danh từ chỉ trống?

QA

IT trong câu này là đại danh từ. Nó thay thế, đại diện cho FRENCH DICTIONARY. Vì nó có thay thế, đại diện cho cuốn từ điển nên nó không phải là đại danh từ chỉ trống. Nhất định đó không phải là IMPERSONAL PRONOUN.

NHÃ LAN

Như thế, khi Nhã Lan nói IT RAINS A LOT IN SEATTLE thì IT là đại danh từ chỉ trống, là IMPERSONAL phải không thưa anh?

BBT

Không phải. Một số chuyên gia về văn phạm gọi nó là WEATHER "IT", nghĩa là tiếng dùng cho thời tiết. Chúng ta có thói quen là những chuyện thời tiết gió mưa thì đem đổ cho ÔNG TRỜI hết. Trời mưa, trời nắng, trời tuyết, trời gió, trời lạnh, trời nóng vân vân.Trong tiếng Anh, người ta nói IT RAINS; IT SHINES; IT SNOWS; IT IS HOT; IT IS WINDY; IT IS COLD; IT IS FREEZING; IT IS BEAUTIFUL…

NHÃ LAN

Nó không đại diện cho ai thì nó làm gì thưa thầy?

BBT

Thì nó là đại danh từ chỉ trống. Nó không phải là cách nói trống không trong tiếng Việt. Trống không là không xưng mình ta, không TÔI, TỚ, TAO … gì hết. Cũng không gọi phía bên kia là gì hết. Nói với … cái tường chơi thôi. Thí dụ: ĂN XONG THÌ THU DỌN CHO SẠCH. KHÔNG CÓ HẦU MÃI ÐƯỢC. THÍCH THÌ ĂN, KHÔNG THÌ ÐI ĂN TIỆM. CHÁN NẤU NƯỚNG LẮM RỒI. Tất cả những câu trên đều không có chủ từ, túc từ gì hết. Ðó là nói trống không. Tiếp theo là những đoạn gây sự, và cuối cùng là cãi nhau.

NHÃ LAN

Ông thầy có vẻ được nghe kiểu nói ấy hơi nhiều rồi đó. Thôi chuyện đó để lần khác nói tiếp. Nhã Lan muốn anh chỉ cho cách dùng lối đặt câu mà Nhã Lan nghe nhiều lắm nhưng vẫn thấy ngờ ngợ không hiểu rõ lắm, đó là những câu bắt đầu bằng đại danh từ IT. Tự nhiên IT ở đâu rơi xuống, Nhã Lan không biết tại sao lại IT IS. Nó thì sao, cái gì. Nhã Lan chịu thua.

QA

Chắc Nhã Lan muốn nói về những câu mà QA cũng có nghe. Hôm nọ, lúc QA bảo con nói tiếng Việt ở nhà con gái QA nói với QA thế này: IT IS EASY TO UNDERSTAND VIETNAMESE BUT IT IS DIFFICULT TO SPEAK IT.

Thầy giáo cho biết tại sao lại IT IS thế này, IT IS thế kia.

BBT

Những câu bắt đầu băng IT IS thực ra cũng không có gì khó. Theo sau, chúng ta dùng một tĩnh từ. Tĩnh từ đó có thể là EASY, DIFFICULT, POSSIBLE, IMPOSSIBLE, NICE, TERRIBLE vân vân. Kế đó, chúng ta dùng một động từ, động từ ấy cho thấy cái gì khó, cái gì dễ, cái gì có thể làm được, không thể làm được, tốt hay xấu. Ðó là những câu rất tiện dụng, các cô nghe qua là hiểu ngay và có thể dùng được liền. Nhã Lan, khi cô nói thật khó mà hiểu được anh ấy thì cô nói thế nào, dùng cách đặt câu IT IS…

NHÃ LAN:

IT IS DIFFICULT TO UNDERSTAND HIM.

BBT

Thế còn QA?

QA

QA nhớ có một bài hát đồng quê, country music của Tammy Wynette mà QA có lần dùng trong một chương trình nhạc chủ đề của đài Little Saigon Radio. Bài ấy có câu đầu là SOMETIMES IT IS HARD TO BE A WOMAN, đôi khi làm đàn bà cũng khó lắm. Ðó là 1 câu than thở, tâm sự một phụ nữ đồng quê Mỹ trong bài STAND BY YOUR MAN.

QA thấy cách đặt câu này rất lý thú: IT IS IMPOSSIBLE TO DO THREE OR FOUR THINGS AT THE SAME TIME.

IT IS COOL TO WEAR JEANS.

IT IS POSSIBLE TO BE IN PARIS AND IN NEW YORK IN THE SAME DAY.

IT IS GOOD TO SEE AN OLD FRIEND FROM HIGH SCHOOL DAYS.

BBT

Cô Nhã Lan đổi câu này sang thể hỏi, biến nó thành câu hỏi, question form coi: IT IS NICE TO GO STRAIGHT HOME AFTER WORK.

NHÃ LAN:

Nhã Lan đổi vị trí của động từ TO BE là xong ngay. IT IS NICE đổi thành IS IT NICE phải không thầy? IS IT NICE TO GO STRAIGHT HOME AFTER WORK?

BBT

QA cho một thí dụ với thể hỏi, dùng IT IS.

QA

IS IT POSSIBLE TO LEARN ENGLISH IN THREE MONTHS?

IS IT DIFFICULT TO UNDERSTAND AUSTRALIAN ENGLISH?

IS IT EXPENSIVE TO LIVE IN PARIS?

BBT

Cô Nhã Lan cho mấy thí dụ IT IS trong thể phủ định coi.

NHÃ LAN:

IT IS NOT EASY TO MAKE A SUSHI MEAL.

IT IS NOT POSSIBLE TO TRAVEL IN SOUTH AMERICA WITHOUT A SPANISH DICTIONARY.

BBT

Bây giờ chúng ta học thêm một chút nữa về cách đặt câu với IT IS. Khi nói thật khó mà có thể hiểu ông ấy, thì tôi nghĩ là ai cũng thấy là ông ấy khó hiểu. Nhưng cũng có khi chỉ mình tôi không hiểu được ông ấy, những người khác đều hiểu ông ấy dễ dàng, thì tôi thêm FOR ME sau tiếng tĩnh từ.

Thí dụ IT IS DIFFICULT TO UNDERSTAND HIM. Cô QA sửa lại một chút để thành câu có nghĩa thật là rất khó cho tôi để hiểu ông ấy muốn gì, nói gì…

QA

IT IS DIFFICULT FOR ME TO UNDERSTAND HIM phải không thầy?

QA cũng có thể thay ME thành YOU, thành HIM, thành HER, thành US, thành THEM phải không thưa anh?

BBT

Rất đúng. IT IS IMPOSSIBLE FOR US TO PLEASE EVERYBODY. Nhã Lan nói tiếp những câu này coi: IT IS POSSIBLE…

NHÃ LAN:

IT IS POSSIBLE FOR US TO TRAVEL IN CHINA WITH 10 DOLLARS A DAY.

BBT

IT IS HARD …

NHÃ LAN:

IT IS HARD FOR HER TO HEAR ME WITH THE STEREO ON

BBT

Cô QA nói tiếp câu này: IT IS IMPOSSIBLE …

QA

IT IS IMPOSSIBLE FOR HIM TO FIX THIS COMPUTER VIRUS

BBT

IT IS NOT EASY…

QA

IT IS NOT EASY FOR HER TO FEED THE FAMILY WITH ONLY 20 DOLLARS A DAY

BBT

IS IT POSSIBLE FOR ME TO GO HOME NOW?

NHÃ LAN:

OF COURSE, IT IS POSSIBLE FOR YOUR STUDENTS TO GO HOME TOO.

QA

THE LESSON WAS VERY INTERESTING. I AM SURPRISED THAT IT IS POSSIBLE FOR YOU TO COVER SO MANY THINGS THAT WE ARE INTERESTED IN WITH ONLY ONE LESSON.

BBT

Cám ơn hai cô rất nhiều.

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.