Ngày 7 tháng 9 năm 2009
Bạn ta,
Ông Già Bến Ngự, cụ Phan Bội Châu, như cách gọi thân tình và yêu quí của người dân Huế vẫn dành cho cụ, là người không lạ gì với chuyện tù đầy. Cụ Phan, trong những năm bôn ba cứu nước, đã ở tù thực dân không biết bao nhiêu lần. Trong một bài thơ viết cảnh đi tù, cụ thanh thản coi chuyện ấy hoàn toàn như không phải là chuyện đáng để nói tới ...
Chuyện ở tù, vào tù ở vài ba năm, mấy tháng không bao giờ là chuyện lớn với cụ Phan. Nhưng người khác mà ở tù thì biết. Cụ Phan, tuy thế, cũng không bao giờ xin được bắt nhốt. Ở tù thì ở. Thả thì ra. Chạy mỏi chân thì lại ở tù vậy.
Mới đây, một phụ nữ ở Việt Nam vừa làm một công việc rất ít ai làm. May ra thì có một nhân vật của một tuyện ngắn của văn chương Mỹ tôi đọc đã lâu ngày nên đã quên tên cũng có cùng một ý tưởng như thế. Nhân vật chính trong một tối gần ngày Giáng Sinh trong túi không một đồng bạc, đói và lạnh. Chàng muốn vào tù để được ăn uống, có chỗ ngủ cho ấm. Ðến trước một quán ăn, nhìn vào trong, chàng thấy người ta ăn uống vui vẻ. Chàng nghĩ nếu đi vào, giật lấy cái bánh, hay miếng thịt thì chắc chủ tiệm sẽ gọi cảnh sát cho chàng vào tù ngay lập tức. Chàng làm đúng điều toan tính, nhưng trong không khí của ngày hội, trong tinh thần Giáng Sinh, chủ tiệm đã không gọi cảnh sát bắt chàng, mà lại mời chàng ngồi xuống ăn bữa tối miễn phí. Thế là hy vọng vào tù của chàng tan biến luôn. Chàng muốn vào tù mà không được.
Người phụ nữ 33 tuổi tên là Nguyễn Thu Trâm nguyên quán ở Hưng Yên đang sống tại Sài Gòn, hôm mồng 9 tháng 7 cô đã viết một bức thư gửi cho giám đốc công an tỉnh Bình Dương xin được vào tù. Bức thư cho thấy cô là người có ăn học, chữ nghĩa chính xác, viết bằng máy tính, có kèm theo một bức ảnh chụp, gương mặt sáng sủa.
Cô cho biết cách đây hai tháng, cô mở một cơ sở thương mại ở số 1 đường Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Trong thời gian hai tháng hoạt động, tiệm, hay quán của cô đã bị công an đến hốt 6 lần. Mỗi lần như thế, cô bị thiệt hại rất nặng. Cô phải đi vay nợ để tiếp tục giữ cơ sở của cô. Nay cô mắc nợ quá nhiều mà không có khả năng trả. Cô làm đơn xin công an cho cô ở tù để khỏi phải nghĩ đến việc trả nợ. Bức thư được viết bằng giọng từ tốn, bình tĩnh. Cô cho biết không có bất cứ một cách nào để thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện nay. Mở lại quán hay cửa tiệm thì lại vẫn sẽ tiếp tục bị công an sách nhiễu. Bị sách nhiễu xong thì lại phải chạy chọt tiền bạc để sống, để mở lại tiệm. Vay nợ thì phải trả, vốn lời nay đã lên đến một con số quá lớn. Cô lại đi vay ở những nơi cho vay cắt cổ. Cô nghĩ cùng quá, cô sẽ phải đi bán dâm hay buôn bán ma túy. Cả hai chuyện đều chắc chắn đưa cô vào tù. Vậy thì cô xin vào tù ở trước cho tiện.
Hiện chưa thấy nhà cầm quyền giải quyết nội vụ thế nào. Ước muốn của cô liệu có được toại nguyện không, hay cô vẫn phải tiếp tục phải ở ngoài để đối phó với chủ nợ và bọn côn quang đầu trâu mặt ngựa.
Tôi không giúp được gì cho cô Thu Trâm. Tôi không có quyền gì để dẹp bọn côn quang, mà cũng không có quyền đưa cô vào tù như cô muốn. Tôi chỉ có thể an ủi cô một điều. Ðó là cô đã có một lựa chọn rất đúng. Cô có thể sẽ phải vào tù về một chuyện khác hoàn toàn không liên quan gì đến việc mở quán của cô, hay bất cứ về một chuyện gì khác mà cô làm.
Có thể cô sẽ bị bắt giam về tội châm chọc nhà nước. Cô xin vào tù, là cô gián tiếp nói rằng ở tù còn sướng hơn là ở trong cái đất nước mà cô ghi rõ ở đầu lá thư là: Ðộc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc.
Cô xỏ xiên nói xấu nhà cầm quyền. Vì cô không muốn ở trong cái nước Ðộc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc nên điều đó rõ ràng cho thấy cái quốc gia ấy không có độc lập, chẳng có tự do và cũng không hạnh phúc nên thà vào tù ở cô còn thấy sướng hơn.
Than ôi, có cái đất nước nào như thế không! Có cái xứ nào nhà tù là một lựa chọn tốt hơn giữa hai chuyện ở tù và ở ngoài!
Nhưng cô lựa chọn rất đúng. Ngày nay, ở Việt Nam có rất nhiều tù nhân là những người rất đàng hoàng và tử tế. Thời Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi trước đây có bao giờ có được những thứ tù tử tế, danh giá như ngày nay ở Việt Nam đâu.
Chỉ ở Việt Nam ngày nay mới có những người từng vào tù ra khám như Hòa Thượng Quảng Ðộ, ông Ðiếu Cầy, luật sư Lê thị Công Nhân, bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, luật sư Lê Công Ðịnh, và nay sắp là cô Thu Trâm.
Ngày 8 tháng 9 năm 2009
Bạn ta,
Nếu không đọc bài báo đăng trên tờ L.A. Times thì tôi không thể biết được là đời sống này lại có những bất công và bi thảm đến như thế.
Một người đàn ông trẻ tuổi ở Century City, California, cần tiền tiêu, nên đã phải bán tinh trùng của mình cho một phòng thí nghiệm. Một trong những đứa bé mà chàng giúp cho ra đời, bị di truyền bệnh thận của chàng, và tòa thượng thẩm ở California buộc chàng phải ra tòa để khai trước tòa về tình trạng sức khỏe của chàng.
Khía cạnh pháp lý là thuộc thẩm quyền tòa án, tôi không thể lạm bàn.
Nhưng những chi tiết khác của bài báo cho thấy ở nước Mỹ vẫn còn những bất công không biết đến bao giờ mới dẹp bỏ được. Ðó là bất công mà những người đàn ông sẽ còn phải chịu trong một thời gian lâu dài nếu chiều hướng như hiện nay được để cho tiếp tục.
Người đàn ông này, theo những chi tiết của bài báo, trong thời gian mấy năm, đã tới phòng thí nghiệm bán tinh trùng của mình tất cả 320 lần, và được trả $11,200. Như vậy, làm một con tính nhỏ, người ta thấy ngay là mỗi lần, chàng được trả đúng $35.
Và chính đây là chi tiết cho thấy những bất công, bất bình đẳng ghê gớm ở nước Mỹ, sự rẻ rúng mà đàn ông trong xã hội tân tiến nhất thế giới vẫn tiếp tục bị gánh chịu. Ðó là các phòng thí nghiệm, trong khi trả cho người đàn ông này, hồ sơ tại tòa gọi là Donor 276, tức là người hiến tinh trùng số 276, mỗi lần $35, thì phụ nữ được trả ít nhất là gấp một trăm lần như thế, và cao nhất có thể là gần ba ngàn lần như những quảng cáo tìm mua trứng các nữ sinh viên theo học tại các đại học danh tiếng.
Equal pay for equal work, chủ trương thù lao phải được trả ngang bằng cho cùng một thứ công việc của lao động Mỹ hoàn toàn không được tôn trọng trong trường hợp này. Người đàn ông này đã làm cùng một thứ việc, nhưng không hề được trả thù lao tương đương với các nữ sinh viên đại học của các trường Ivy League hàng đầu của nước Mỹ.
Bán vài chục ngàn con tinh trùng mà chỉ được có 35 Mỹ kim trong khi đó, với một quả trứng, hay cứ coi là vài quả đi, người bán trứng có thể được trả cả ngàn hay mấy chục ngàn Mỹ kim. Bất công không thể tả được.
Nhưng làm thế nào được, khi mà người mua đặt ra những cái giá khủng khiếp như vậy. Chính phủ không thể can thiệp, nhất là trong lúc nước Mỹ đang hô hào các nước phải khác trên thế giới phải thực hiện những cải cách kinh tế thị trường tự do.
Những người đàn ông Mỹ vẫn tiếp tục bị đối xử bất công như thế về mặt giá cả ngoài thị trường. Giá trung bình ở New York hiện nay là khoảng từ 50 đến 75 Mỹ kim cho mỗi lần mua bán như thế.
Ðó là điểm bất công không biết làm sao giải quyết.
Ðiểm bi thảm của bài báo là chi tiết cho biết người đàn ông này vì cần tiền túi mà phải đi bán tinh trùng lấy tiền.
Pocket money, tiền túi, như bài báo cho biết, không phải là món tiền để thanh toán tiền nhà hàng tháng, hay trả tiền nợ xe, nợ credit card, mà là những chi tiêu lặt vặt như đổ xăng, mua tờ báo, đi xi nê, mời cô bạn đi chơi, đi ăn cuối tuần.
Người đàn ông này mỗi lần cần một số tiền nhỏ cho những chi tiêu kể trên, chàng liền ghé phòng thí nghiệm, đúng hơn là cái tinh tử khố, cái spermbank tên là California Cryobank, bán khoảng một hai muỗng (?), là lại rủng rỉnh tiền bạc ngay.
Trong thời gian năm năm, vẫn theo bài báo, người đàn ông trẻ tuổi này tới Cryobank tất cả 320 lần. Như vậy, mỗi năm, chàng bán 64 lần. Mỗi tuần một lần, còn 12 lần kia có thể là để cho những món chi tiêu bất ngờ trong những dịp lễ lạc để mua quà cáp, hoa hồng cho cô bạn trong dịp Valentine, sinh nhật, Giáng Sinh, năm mới chẳng hạn. Những tuần lễ rơi vào những dịp lễ lạc đặc biệt như vậy thì chàng ghé tinh tử khố hai, ba lần là lại thành con người chi tiêu hào hoa rộng rãi ngay.
Nhưng những người được chàng mời đi ăn, đi uống, đãi đằng quà cáp có biết cách chàng kiếm tiền để chi cho những món quà hay những bữa ăn đó không?
Họ vẫn tin rằng chàng đem đồng lương chàng kiếm được bằng sức lao động của chàng? Nhưng nếu biết được rằng chàng đã kiếm được tiền bằng cách ấy, thì có ai còn muốn đi ăn đi chơi với chàng nữa không? Tưởng tượng đang ăn, chàng lẩm nhẩm tính lại số tiền có trong túi, và hốt hoảng vội vã xô ghế chạy ra cửa, thẳng tới Cryobank, lúc sau trở về bàn với cô bạn, tự tin trở lại bằng số tiền vừa nhận được của món hàng vừa bán.
Bi thảm vô cùng. Nhất là ngay liền sau bữa ăn, nàng đòi chàng đưa về phòng nghe (?)... nhạc chẳng hạn. Lúc ấy còn gì là... nhạc (?) nữa mà nghe!
Ngày 9 tháng 9 năm 2009
Ban ta,
Helen Gurley Brown là ai, làm gì, nàng là một nhà văn hay một tài tử, một chính khách hay một thương gia... tôi nghĩ tất cả những chi tiết trên đều không cần thiết.
Nhưng bạn nên đọc bài viết của Helen Gurley Brown trong tờ Newsweek. Bạn là người không thích nghe ai khuyên cả, nhưng lần này có thể bạn sẽ nghĩ khác sau khi đọc nàng. Nàng có một hai lời khuyên, mà tôi nghĩ bạn cũng có thể đem ra dùng được.
70 còn phải học 71 huống chi nàng không chỉ 71, mà là 78 như nàng cho biết ở ngay đoạn đầu của bài báo, và bạn thì chưa bao giờ 70 cả. Có nghe nàng khuyên vài câu thì cũng không sao đâu.
Lời khuyên ấy nằm ngay ở tựa bài báo: Don't Give Up on Sex After 60. Nàng không muốn bạn về hưu sau năm 60.
Nàng 78 tuổi. Chồng nàng, David Brown, một nhà sản xuất điện ảnh, 83 tuổi. Vậy mà vừa mới tối hôm qua, họ vẫn còn làm chuyện đó: "I had sex last night". Ðó là câu đầu của bài báo. Vậy mà bấy lâu nay tôi vẫn nghĩ là những người ở tuổi của họ, họ đã thôi, đã rửa tay, đã gác kiếm, đã giải nghệ kiếm cung, đã quên hết mọi chuyện.
Nhưng hơn bạn và tôi 27 tuổi, David Brown vẫn tiếp tục. Hơn chúng ta 15 tuổi, Helen Gurley Brown vẫn còn.
Vậy mà chúng ta đang nói chuyện về hưu.
Theo Helen, phụ nữ (Helen cũng là phụ nữ, nên nàng rất có thẩm quyền để nói về chuyện này) vẫn tiếp tục không phải chỉ ở tuổi 40 và 50, mà còn tiếp tục cho đến tuổi 60 và 70 nữa.
Helen Gurley Brown 78 tuổi thì vừa … mới tối hôm qua. Và nàng nói rằng phụ nữ như nàng -- 78 tuổi -- lại còn thắc mắc về chuyện đó hơn bất cứ lúc nào.
Helen viết một câu hay tuyệt nhưng đọc xong, tôi thắc mắc cả tuần nay đến nay vẫn còn thắc mắc. Helen viết rằng sex là một trong ba chuyện thú vị nhất trên đời nhưng hai cái kia thì nàng không biết là những cái gì -- Sex is one of the three best things there are, and I don't know what the other two are.
Hai thứ kia là gì?
Tại sao người đàn bà này không biết? Tại sao nàng ngưng ở đó, không chỉ thêm cho những người đàn ông sáng chỉ biết chơi ô chữ, tối đọc sách và nghe nhạc để những người này còn biết, để khi không có cái này, còn có hai cái kia. Hai cái kia không biết là những cái gì thì làm sao sống nổi.
Nhưng Helen Gurley Brown thì lại chỉ nói về sex. Theo nàng, sex giúp chúng ta tiếp tục liên hệ với loài người, tránh cho chúng ta trở thành những con người mặt mũi táo bón, khó khăn, ngột ngạt, dấm dẳn, khật khùng... Sex giúp bạn (?) thành một phụ nữ còn hoạt động được thay vì là một mụ đàn bà già đeo, khô héo quắt queo không có sex: It makes you a functioning female instead of a sexless old crone.
Những người phụ nữ sau tuổi 50 và 60, phải làm theo lời khuyên của Helen là ngày ngày phải tâm niệm câu thần chú nguyên văn như thế này: "I'm a sexual person; I want sex in my life; I deserve it, and I'm not gonna let it disappear." Tôi là một sinh vật tính dục; tôi muốn có sex trong đời sống; tôi xứng đáng được có sex; tôi sẽ không để cho sex bỏ tôi, biến khỏi đời sống này...
Rồi Helen Gurley Brown kê ra một số việc các nàng phải làm như phải xuất hiện với hình ảnh của một phụ nữ tài giỏi, lão luyện, đẹp, thích vui sống, tốt trong giường (good in bed) (?) và có tí tiền... nếu muốn hấp dẫn những người đàn ông trẻ.
Và khi xong việc (?), nhớ đi giật lùi ra khỏi phòng nếu nghĩ rằng phía trước (?) trông đỡ hơn phía sau (?) nhầu nhẹt, nhăn nhúm...
Toàn là những điều tôi chưa hề biết trong cuộc đời quá lục tuần này.
Bài báo mới được có một tuần nên chưa thể biết có bao nhiêu phụ nữ sẽ đọc lẩm bẩm câu thần chú Helen Gurley Brown mách nước đó. Nhưng từ nay, chúng ta nên lắng tai nghe kỹ hơn, biết đâu lại chẳng nghe thấy những điều khấn nguyện nào xứng đáng, nào quyết tâm không cho nó bỏ đi, biến mất khỏi cuộc đời... thì liệu nước mà chạy ngay không thì chỉ có từ chết đến trọng thương mất thôi.
Ngày 10 tháng 9 năm 2009
Bạn ta,
Nếu ông ta là người ra ứng cử một chức vụ nào thì dễ cho tôi biết là bao.
Nhưng ông là ứng cử viên nên tôi nghĩ mãi mà vẫn không biết phải làm gì với ông.
Một tuần lễ thế nào tôi cũng phải gặp ông hai hay ba lần trong những hôm ghé qua tiệm ăn sáng. Tôi chọn ngồi một xó tuốt phía trong để tránh gặp ông, nhưng hệt như các ứng cử viên, ông cứ lừng lững đi tới trong khi tôi kẹt cứng ở phía trong, không cách nào thoát được. Ông đi tới, và như các ứng cử viên trong những chuyến đi vận động tranh cử, ông đi đến từng người một để bóp thịt -- press the flesh -- như ngôn từ của mùa tranh cử tại Mỹ. Ông thò tay bắt tay tất cả mọi người. Không tha một ai. Không phân biệt thân, sơ, có quen hay không quen.
Và đó là điều làm tôi chán đầu tiên.
Trước khi ngồi vào bàn, nhớ lời mẹ tôi dặn từ lúc lên năm, lên sáu, tôi rửa tay kỹ, lau khô rồi mới ngồi vào bàn. Khi tô phở được bưng ra, cùng đĩa rau thơm, thì tay đã rửa sạch, việc ngắt những cọng rau, dẫu là cho chính mình, vẫn cần phải làm bằng những bàn tay sạch. Không đến nỗi như nhân vật Melvin Udall trong As Good As It Gets, với cái hội chứng tâm lý obsessive compulsive, rửa tay ba lần, bẩy lượt với những bánh xà phòng mới, nhưng bao giờ ngồi vào bàn, tôi cũng phải rửa tay sạch.
Và nhiều lần, chưa kịp ngắt những cọng rau thơm bỏ vào tô phở, thì ông đã chìa bàn tay vào tận mặt để bắt tay tôi.
Nhưng cầm lấy cái tay ông để 8 trăm 67 ngàn 594 con e-coli nhẩy sang bàn tay vừa rửa của mình hay sao? Rồi làm sao tống những con e-coli mất dậy, vô giáo dục đó ra khỏi tay để còn ngắt những lá rau thơm?
Không thể đứng dậy rửa tay lần nữa vì đang trong cảnh hoa lạc giữa rừng gươm làm sao nhẩy qua những gươm giáo tuốt trần đó để chạy vào phòng rửa tay?
Bèn bỏ chuyện ngắt những cọng rau húng xanh, những cần thiết ắt phải có trong tô phở buổi sáng vậy. Và thò tay bắt tay ông.
Nhưng đó mới chỉ là điều phiền toái thứ nhất. Có thể giải quyết chuyện đó bằng cách đưa mu bàn tay hay cánh tay dưới ra mời ông... bắt tạm, thoái thác rằng tay đang ướt. May ra ông sẽ chỉ túm lấy những khu vực chìa ra và tôi sẽ được yên thân dùng bữa sáng.
Ðiều phiền toái thứ hai là khi ông chìa bàn tay vào mặt, ngó lên, thì ông lại quay sang nói chuyện với một người cách đó hai cái ghế. Ông ngoái hẳn người lại phía người bạn của ông, tiếp nối câu chuyện chắc là quan trọng lắm, không về vụ Do Thái xây thêm những khu gia cư mới ở đông Jerusalem thì cũng về vụ NATO đánh bom lầm một ngôi làng ở Afghanistan. Trong khi bàn tay ông vẫn chìa vào tận mặt của tôi. Và tôi thấy mình bỗng nhỏ bé, không là cái gì so với những chuyện ông đang bận tâm. Ông nghĩ ông chỉ thò tay bắt tay tôi lấy lệ, chẳng lẽ tôi ngồi chình ình đó, ông không chìa tay ra như ngoại trưởng John Foster Dulles tại phi trường Geneve năm 1954 không thèm ngó nhìn và chìa tay cho Chu Ân Lai bắt thì khinh nhau quá. Nên ông chìa tay cho tôi bắt, trong khi mắt ông vẫn hướng nhìn về nơi khác, miệng thì đang nói chuyện với một người khác.
Tại sao còn đang thảo luận những chuyện quan trọng ấy thì không thảo luận tiếp đi, thò tay gây rối tôi làm chi?
Không eye contact, mắt không ngó vào mắt nhau, như những điều lịch sự tối thiểu phải biết khi bắt tay nhau. Không hỏi nhau, dù cho là một câu vô thưởng vô phạt.
Chỉ một bàn tay với trên 8 trăm ngàn con e-coli đang lúc nhúc chờ được nhẩy cái ào từ tay ông sang tay tôi để thử mùi Acqua Di Giò của Giorgio Armani trên tay tôi.
Tôi phải làm gì với ông?
Ông ngó sang người ngồi bên cạnh tôi, hỏi thăm ông bạn này trong khi tay ông vẫn chìa vào mặt tôi... làm gì chăng? Mà có cần thế không, hay là cứ lo tô phở cái đã?
Ngày 11 tháng 9 năm 2009
Bạn ta,
Tờ Time số mấy tuần trước có một bài của Richard Stengel viết về cuốn You're Too Kind: A Brief History of Flattery của chính ông trong hình thức của một bài essay, một bài đọc rất thú vị.
Flattery là chữ người Anh mượn của người Pháp: flatterie, do động từ flatter nghĩa là vuốt ve, làm vui thích, nịnh hót, bợ đỡ, xưng tụng. André Maurois trong cuốn Lettres à L'Inconnue thì gọi đó là cách làm đẹp lòng người (lá thư số 32). Ở cuối lá thư, Maurois nói thẳng: làm đẹp lòng người là một cái đức.
Bernard Shaw, kịch tác gia người Anh thì nói rằng đàn bà đợi lời tán tụng của đàn ông cũng như con nhện đợi con ruồi vậy. Mà nhện thì rất thích ruồi.
Người ta ai cũng thích được vuốt ve bằng lời nói, tán tụng, nịnh bợ, xưng tụng, nhưng Stengel cho rằng chúng ta ngày nay đã làm mất cái nghệ thuật làm đẹp lòng người, biến nó thành những câu nói rẻ tiền, thiếu hẳn công hiệu. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong khi làm công việc xưng tụng, vuốt ve đó đã mỏi mệt, đã quá cũ, đã trở thành giả dối vì thiếu rất nhiều chất sáng tạo. Trong khi người ta thì lại rất cần những câu như vậy. Jean Jacques Rousseau có lần viết rằng con người dã man, sơ khai thì chỉ sống với mình trong khi con người sinh vật của xã hội thì chỉ biết sống với những ý kiến của người khác.
Khen ngợi, xưng tụng cũng là một cách rất hữu hiệu để dậy dỗ, như Robert Smith Surtees, một tiểu thuyết gia người Anh đã viết: nhiều người được tán tụng rồi sống đạo hạnh hơn là số người bị buộc phải từ bỏ tội lỗi của mình bằng những biện pháp mạnh. Ðiều này thấy rõ nhất trong lúc dậy trẻ.
Richard Stengel trong cuốn sách của ông, có đưa ra một số những gợi ý mà độc giả có thể đem dùng để tán cho thành công. Một số đề nghị nghe được, nhưng đề nghị thứ hai của ông có thể sẽ không thành công mặc dù ông cho rằng cách này là viên đạn bằng bạc trong kỹ thuật tán tỉnh, nghĩa là hay lắm: Praise the beautiful for their intelligence, and the intelligent for their beauty. Hãy ca ngợi những người đàn bà đẹp về trí thông minh của họ, và ca ngợi những người đàn bà thông minh về vẻ đẹp của họ.
Sai bét. Phụ nữ chỉ thích được khen đẹp. Ðã đẹp thì càng muốn được khen đẹp. Lỡ không đẹp cũng thích được khen đẹp. Càng không đẹp, càng muốn được khen là đẹp. Nếu cần phải cầm dao kề cổ dọa giết để được khen đẹp thì cũng vẫn phải làm như thường.
Tưởng tượng đứng trước Cindy Crawford, cứ tán tụng nét thông minh của nàng thì sẽ không đi đến đâu hết. Ðược mời ngồi lên chiếc Rolls Royce, cứ xuýt xoa khen cái radio thì khó có thể được mời đi Rolls Royce một lần nữa trong tương lai. Khen kiểu ấy thì có khác gì sau bữa ăn mà gia chủ mất nguyên một buổi để nấu, chỉ tằng hắng khen nước mắm và ớt ngon không? Hay là khen cái khung của bức sơn dầu rất đẹp cho họa sĩ... vui lòng?
Kiểu khen ngợi, xưng tụng đó nếu không vụng về thì phải gọi là đểu.
Khen người đẹp về đầu óc của nàng là không thèm ngó gì đến nàng. Một người mất hai tiếng đồng hồ để sơn bộ móng tay sau khi đã đánh, rồi chùi đi hai ba mầu, thay gần một chục chiếc áo, chải hai kiểu đầu khác nhau rồi mới quyết định được một kiểu để đi chơi, và người kia đến bấm chuông, nàng ra cửa để nhận được một câu đại khái là "... úi giời sao mà thông minh quá vầy nè!" thì cái cửa phải đóng cái rầm trở lại vào mặt tức khắc.
Hay một người vừa thi xong bài trắc nghiệm thương số thông minh (I.Q.) với số điểm trên 120 mà được khen là đẹp não nùng thì cũng hoàn toàn không được.
Kiểu khen ớt cay, nước mắm pha khéo, bia... ngon thì tương lai thấy rõ nhất là tiếp tục mì gói và TV dinner đến chết mà thôi.
Phải khôn hơn một chút chứ. Thí dụ ăn xong, phải khen lấy khen để đòn chả lụa... sao mà khéo đi chợ thế... tôi mua thì chẳng bao giờ ngon được thế này đâu... giỏi quá hà... con dao cắt miếng chả trông cũng quí phái làm sao...ối giời ơi, cái bình nước mắm sao mà xinh quá đi thôi...mì gói bạn nấu cũng ngon hơn mấy cha đàn ông bạn độc thân nhà nghề của tôi nữa đấy...
Khen hay nịnh mà như đề nghị của Richard Stengel thì sẽ không đi đến đâu ngoài cái cửa ra đường hết. Khen đường kim, mũi kéo của thẩm mỹ viện còn dễ nghe hơn là khen nàng thông minh, học nhanh, giỏi đại số và hình học nhất trường chẳng hạn.
Bùi Bảo Trúc
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 47)
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 47 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2009.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Hôm nay, QA muốn nhờ ông thầy dậy cho những câu mà QA nghe rất nhiều lần trong đời sống hàng ngày. Vâng, đúng là Anh ngữ trong đời sống hàng ngày như tên của chương trình của đài Hồn Việt, những câu thực ra cũng đã bị đem dùng rất nhiều, nhiều đến độ chúng đã trở thành quá thường, quá cliché trong lối nói của ngươi Anh và người Mỹ, nhưng chúng vẫn tiếp tục được dùng vì mỗi khi dùng chúng, người nghe sẽ đặc biệt chú ý hơn, chờ coi người nói sắp nói gì.
NHÃ LAN
Hay là QA cho ông thầy một thí dụ coi. Nhã Lan cũng rất muốn biết những câu mà QA nói là những câu gì .
QA
Thí dụ câu này chẳng hạn: THE NAME OF THE GAME IS. Tại sao lại nói như vậy? Không lẽ câu ấy lại nghĩa là tên của trò chơi là gì gì đó phải không thưa thầy.
BBT
Cô QA nói đúng. Không thể hiểu câu ấy như vậy được. Tên của trò chơi là… Trong tiếng Việt, không ai nói như thế. Câu ấy, đúng như cô QA nói, là một trong vài chục câu gần như lúc nào cũng ở trên môi của những người Mỹ. Chúng được dùng rất nhiều, nhiều đến độ nhàm, nhiều đến độ trở thành sáo ngữ. Nhưng người ta vẫn dùng nên chúng ta cũng rất nên biết. Thực ra, THE NAME OF THE GAME IS chỉ có nghĩa là vấn đề cốt lõi, chuyện quan trọng, điều cần thiết là... Người ta dùng chúng để giới thiệu, để sửa soạn cho những gì sắp nói ra. Dùng những câu này, chúng ta có ngay được sự chú ý của người nghe. Việc dùng chúng cũng không khó. Chỉ cần câu sau nghe sao cho hợp lý , hay có một chút liên quan đến câu đó một chút là được.
Hai cô nghe câu này có lọt tai không: THE NAME OF THE GAME IS MY CAT LIKES TO DRINK COFFEE.
QA
QA thấy không ổn. Chuyện quan trọng là chuyện gì khác chứ không thể là … con mèo của tôi thích uống ly cà phê được. Ðể QA thử dùng câu này coi có được không: THE NAME OF THE GAME IS TO BUY REAL ESTATE, TO BUY FORECLOSED PROPERTIES NOW.
BBT
Ðúng quá chứ còn gì nữa. Câu ấy là một lời khuyên rất hợp lý: Chuyện quan trọng và nên làm là mua bất động sản, mua nhà cửa bị tịch thu vào lúc này. Còn cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
THE NAME OF THE GAME FOR HER IS TO GET THE BEST LAWYER. Nhã Lan có cô bạn quyết định chia tay với ông chồng thì chuyện quan trọng, cần phải làm nhất là kiếm một luật sư giỏi. Hay câu này: THE NAME OF THE GAME IS TO SEND OUT THE RESUMES TO AS MANY COMPANIES AS POSSIBLE: chuyện phải làm trong lúc công việc khó khăn vào lúc này là gửi đơn xin việc đi tới càng nhiều nơi càng tốt.
BBT
Câu này cũng là một câu chúng ta hay nghe: TO MAKE THE LONG STORY SHORT. Trong tiếng Việt, chúng ta cũng hay nói như thế: nói gọn lại, nói tóm tắt lại, để rút ngắn câu chuyện lại. Chúng ta dùng câu này khi muốn bỏ bớt những chi tiết rườm rà, không cần thiết để làm ngắn câu chuyện dài dòng văn tự, tràng giang đại hải lại. TO MAKE THE LONG STORY SHORT, THEY GOT MARRIED AND HAD 3 CHILDREN nghĩa là chuyện dài lắm, nhưng nói cho ngắn lại là hai người lấy nhau và có với nhau 3 con. Cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
TO MAKE THE LONG STORY SHORT, WE LEFT VIETNAM FOR AMERICA 5 YEARS AFTER THE COLLAPSE OF SAIGON. Hay TO MAKE THE LONG STORY SHORT, THE LITTLE BOY YOU MET NOW IS A UNIVERSITY LECTURER.
QA
TO MAKE THE LONG STORY SHORT, I MET MY LONG LOST FRIEND IN LITTLE SAIGON, AND SHE IS NOW HAPPILY MARRIED TO HER NEIGHBOR OF MANY YEARS AGO IN VIETNAM.
TO MAKE THE LONG STORY SHORT, MY SON IS A VERY GOOD WRESTLER AND A SECOND YEAR COLLEGE STUDENT MAJORING IN COMPUTER SCIENCE.
BBT
Hai cô đúng là sáng dạ, nói đâu hiểu đó, lại còn tiết lộ ra bao nhiêu chi tiết lý thú cho người khác nghe nữa. Bây giờ đến một câu hai cô chắc phải nghe vài ba lần rồi. Ðó là câu khá giống như một câu của chúng ta, đại khái là đi thì cũng dở, ở không xong, hay trường hợp tiến thoái lưỡng nan. Làm cũng bị chê, không làm cũng bị trách, làm cũng sai, không làm cũng hỏng. Người Mỹ nói là: YOU’RE DAMNED IF YOU DO AND YOU’RE DAMNED IF YOU DON’T. Thí dụ chuyện Hoa kỳ tiếp tục ở lại Afghanistan. Ở lại thì kẹt, thì khó khăn. Rút thì mang tiếng là bỏ cuộc. Con ngựa đói và khát đứng trước thùng nuớc và bó cỏ nhưng chỉ được chọn có một thứ. Hoặc uống, hoặc ăn. Uống thì không được ăn, ăn thì không được uống. Như người đàn ông đang loi ngoi dưới nước, bên thì vợ, bên thì mẹ, cứu ai bây giờ trong khi sức thì chỉ cứu được một. Thế nên YOU’RE DAMNED IF YOU DO, cứu mẹ bỏ vợ thì không xong, mà cứu vợ, không cứu mẹ cũng không được, YOU’RE DAMNED IF YOU DO.
QA
Như hồi cuối tháng 4 năm 1975 gia đình QA cũng thế. Bỏ lại nguyên tài sản mồ hôi nước mắt để ra đi, hay ở lại ôm lấy tài sản đó. Gia đình cô bạn cũ của QA có một cậu con trai mắc vào bạch phiến, bị bắt. Cứu ra cũng không được mà để mặc cho ở tù cũng không được. QA thấy câu anh vừa chỉ là một câu kết hay tuyệt trong những lúc khó xử như vậy.
NHÃ LAN
Có một câu này Nhã Lan vừa nghe hôm trước trong sở. Vào giờ ấy chắc không còn có ai đang ngủ, cũng không có ai đang uống cà phê. Bỗng nhiên Nhã Lan nghe người bạn ngồi ở bàn bên cạnh nói khá lớn với người bạn khác rằng WAKE UP AND SMELL YOUR COFFEE. Nhã Lan chắc câu ấy có nghĩa là đừng có ngủ mơ nữa phải không anh?
BBT
Ðúng rồi cô Nhã Lan. Câu cô nghe tôi cũng nghe nhiều lần. Ðó là câu có vẻ chê phía bên kia là lỗi thời, là ngủ mơ, là không thức tỉnh, chuyện đời nay đã đổi khác rất nhiều rồi. Có gia đình người bạn của tôi cứ lo tìm mai, kiếm mối cho con trai, sợ con trai mình ế vợ, không kiếm được bạn gái. WAKE UP AND SMELL YOUR COFFEE: THEY DO NOT NEED US TO ARRANGE THINGS FOR THEM. NO ARRANGED MARRIAGE PLEASE! Cô QA muốn nói gì?
QA
QA cũng nghe hai cô con gái nói với nhau như thế. Câu này có nghĩa rất mỉa mai, có ý chê phía bên kia không hiểu chuyện, không thực tế. Chắc QA phải nói câu này với một người có họ xa với QA đang tính về Việt Nam tìm vợ trẻ và dễ bảo mới được. HE SHOULD WAKE UP AND SMELL HIS COFFEE: WOMEN IN VIETNAM ARE VERY SMART NOW.
BBT
Nói chuyện mỉa mai, có một câu này cũng mỉa mai lắm. Hai cô có muốn "lơ thơ tơ liễu buông mành, con oanh học nói trên cành mỉa mai" một chút không?
NHÃ LAN
Nhưng tại sao lại có hai câu anh vừa đọc?
BBT
Ðây là hai câu trong truyện Kiều tả cảnh vườn của nhà Thúy Kiều. Cảnh trêu chọc một cách kín đáo. Nhưng câu mỉa mai mà tôi định chỉ cho hai cô là câu này: IT DOES NOT TAKE A ROCKET SCIENTIST TO. Câu này, người Việt Nam cũng nói, nhưng cay cú hơn. Ðó là khi chúng ta nói chuyện ấy chó nó cũng làm được. Nhẹ hơn thì nói là chuyện ấy, nhắm mắt tôi làm cũng được. Thí dụ sai con trai sửa cái chuông ngoài cổng, cậu con trai cứ khất lần mãi không chịu sửa, vì mê cái remote control của cái TV trong nhà thì cô QA sẽ phải nói với con thế nào?
QA
LOOK HERE! IT DOES NOT TAKE A ROCKET SCIENTIST TO FIX THE DOOR BELL! QA chắc sẽ phải dùng câu này cuối tuần này thì may ra chàng sinh viên đẹp trai nhất xóm mới chịu sửa cho mẹ cái chuông ngoài cổng bị hư suốt mấy tháng nay.
NHÃ LAN
Nhã Lan cũng sẽ dùng ngay vào cuối tuần này với hai cô con gái thì may ra phòng của hai cô con mới gọn gàng sạch sẽ một chút, mẹ lại không phải xuất sắc trong vai tì nữ, hay thành thạo trong vai ô sin nữa. I DO NOT THINK IT WILL TAKE A ROCKET SCIENTIST TO TIDY UP YOUR ROOMS. Nhưng thưa anh, hình như Nhã Lan còn nghe người ta dùng NUCLEAR thay vì ROCKET phải không?
BBT
Ðúng vậy, chúng ta cũng có thể nói IT DOES NOT TAKE A NUCLEAR SCIENTIST TO, nghĩa là không cần phải một khoa học gia nguyên tử mới làm được việc đó.
Tiếp tục với những câu cửa miệng mà cô QA đề nghị, tôi lại vừa nhớ được câu này nữa: IT IS NOT THE END OF THE WORLD. Người Việt chúng ta cũng có một câu tương tự. Thí dụ khi thấy người bạn mất việc than khóc quá xá cỡ, dể an ủi, chúng ta đến vỗ vai người bạn và nói thế nào cô QA?
QA
QA nghĩ là sẽ nói với bạn QA rằng THERE ARE ALWAYS JOBS OUT THERE. Thêm vào đầu câu mà anh vừa nhắc để thành: COME ON! IT IS NOT THE END OF THE WORLD. THERE ARE ALWAYS PLENTY OF JOBS OUT THERE.
NHÃ LAN
Ðúng đó thưa anh, nghe nhẹ đi rất nhiều. Ðoạn đầu là để an ủi, thôi mà đâu phải là ngày tận thế, đâu phải thế giới đã bỏ chúng ta. IT IS NOT THE END OF THE WORLD, YOU WILL MEET SOMEONE NICE AND COMPATIBLE TO YOU SOMEWHERE, SOMEHOW, SOME DAY…
BBT
Cô học tiếng Anh hay cô đang an ủi tôi đây? Nhưng nghe câu này, tôi lại nhớ sang một câu khác, đó là THE FACT OF THE MATTER IS… QA thử nối thêm vào coi.
QA
THE FACT OF THE MATTER IS THAT HE IS A GROUCHY OLD MAN sự thực của vấn đề là ông ấy là một ông già khó tính, khó chịu, "khiếu chọ" lắm. Không ai chịu nổi đâu.
BBT
Cám ơn hai cô. Nhưng sự thực là đúng như thế đó. THE FACT OF THE MATTER IS… Câu này bỏ đi cũng được, nhưng thêm vào đầu thì điều chúng ta nói ra sau đó sẽ có được sự chú ý của người nghe. Ðó cũng là một cách nhấn mạnh vào câu phát biểu đi theo sau.
Kế đến là câu THE BOTTOM LINE IS. LINE là dòng, dòng chữ. Dòng cuối BOTTOM LINE trong một bức thư, một cuốn sách, một bản giao kèo là những tóm tắt, những điểm chính yếu của vấn đề, những chi tiết quan trọng nhất của vấn đề.
Cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
Vâng, Nhã Lan cũng đã gặp một trường hợp mà Nhã Lan thấy có thể dùng câu này được. Hai bên thảo luận gay go lắm, chuyện quan trọng vô cùng. Nhã Lan thấy nói đã đủ, muốn kết thúc, muốn ra về. THE BOTTOM LINE IS THE INSURANCE COMPANY WILL PAY FOR EVERYTHING. Nói vậy có đúng và có được không thưa anh?
BBT
Ðúng lắm. Nhưng còn cô QA. Cô cho nghe trường hợp nào cô dùng THE BOTTOM LINE IS coi.
QA
Con trai QA muốn làm chủ lấy mình, không muốn đi làm cho ai hết. Lần nào ở trường về thăm mẹ cũng nói là phải mở công ty này, phải mở công ty nọ. QA nghe xong bao giờ cũng muốn nhắc một chuyện, một chuyện mà thôi. THE BOTTOM LINE IS YOU MUST HAVE A GRADUATE DEGREE FIRST, điều quan trọng nhất là con phải có bằng cao học cái đã.
BBT
Cùng để nói ra điều đó, QA cũng có thể dùng câu này. Ðại khái nghĩa là mẹ muốn con hiểu rõ, mẹ muốn nói rõ, mẹ muốn con biết là con phải có bằng cao học trước đã: I WANT TO MAKE CHRYSTAL CLEAR THAT… QA nói tiếp coi.
QA
I WANT TO MAKE CHRYSTAL CLEAR THAT YOU MUST HAVE A GRADUATE DEGREE FIRST.
BBT
Còn cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
I WANT TO MAKE CHRYSTAL CLEAR TO HIM THAT I ONLY WANT TO BE HIS FRIEND.
BBT
NO MORE AND NO LESS, không hơn, không kém. Nào, bây giờ, tôi dành idiom này cho cuối bài. AT THE END OF THE DAY. Thành ngữ này dĩ nhiên có nghĩa là vào lúc cuối ngày, cuối cùng, sau khi làm việc, bận rộn suốt một ngày. Thí dụ AT THE END OF THE DAY, EVERYBODY WANTS TO HAVE A PLACE TO REST.
Nhưng đó không phải là ý tôi muốn chuyển cho hai cô. AT THE END OF THE DAY nghĩa là sau khi suy nghĩ, cứu xét, tính toán kỹ lưỡng. Thí dụ AT THE END OF THE DAY, WE WILL HAVE TO DECIDE WHAT CAR TO BUY.
QA
Thưa quí khán giả, AT THE END OF THE DAY, THE STUDENTS OF THIS ENGLISH CLASS WILL HAVE TO SAY GOODBYE NOW. Kính thưa quí vị khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.
CHỮ NGHĨA CHÚNG TA
Cụ Ngô Trung Hiếu, Westminster, California
Hổ là chữ Hán. Hùm là chữ Nôm. Hùm là tên gọi của cọp dựa trên tiếng kêu của loài thú này. Chúa Sơn Lâm là tiếng tâng để gọi cọp. Ở rừng Á châu, cọp quả là chúa rừng. Ba Mươi là tên gọi kiêng của cọp. Những người sống ở gần rừng tin là nhắc tới tên của cọp, cọp sẽ tới bắt đi nên gọi cọp là Ông (để tỏ lòng tôn kính) Ba Mươi. Ngoài tên Ông Ba Mươi, cọp còn được gọi là Ông Kễnh, Ông Mãnh và Ông Khái. Ba tên Ông Kễnh, Ông Mãnh và Ông Khái nay ít thấy dùng.
Ông Trần Hậu, Austin, Texas
Ba vạn chín nghìn, không đọc là ba mươi chín ngàn, cũng không bao giờ viết 39,000, là tiếng gọi bộ phận sinh dục phụ nữ. Ðây là từ ngữ miền Bắc: vạn và nghìn là tiếng Bắc. Từ ngữ này chỉ được dùng trong những câu chửi nhưng vẫn còn cố gắng giữ một chút kiêng cữ, không dùng thẳng những chữ thông thường. Từ ngữ này không được dùng trong bất cứ một trường hợp nào khác.
Ba vạn tám nghìn tư thì lại là những chữ dùng để khen ngợi vẻ đẹp hay tài khéo của một phụ nữ.
Chúng tôi không biết nguồn gốc và nguyên do tại sao lại dùng hai từ ngữ ông hỏi trong thư.
Cửu nguyên là chín suối. Người cửu nguyên là người đã chết. Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên (Kiều câu 3000)
Ông Stephen A. Smithson, San Clemente, California
Ông có thể đọc Vo Phien and the Sadness of Exile của John C. Schafer. Tác giả Schafer từng dậy tại đại học Huế, viết và nói được tiếng Việt.
Bà Kim Nguyên, San Diego, California
Gương vỡ lại lành là do câu phá cảnh trùng viên. Truyện kể công chúa Lạc Xương nước Trần, khi giặc kéo đến chiếm thành đã đập tấm gương của vợ chồng ra làm hai mảnh, giữ lại một mảnh, mảnh kia trao cho chồng là phò mã Từ Ðức Ngôn và dặn là vào ngày thượng nguyên đến chợ Trường An tìm nhau. Phò mã Từ Ðức Ngôn chạy thoát. Công chúa Lạc Xương bị bắt phải làm vợ Việt Công (không có dấu nặng).
Ðúng ngày hẹn, Từ Ðức Ngôn ra chợ tìm vợ, thấy có người bán nửa gương kia, bèn hỏi thăm thì mới biết tình cảnh của vợ. Từ Ðức Nguyên làm một bài thơ gửi cho vợ:
(người đi, gương cũng đi / gương về người chưa về / Hằng Nga đâu chẳng thấy / chỉ thấy bóng trăng loe) Công chúa Lạc Xương đọc được bài thơ thì bật khóc thảm thiết. Việt Công hỏi thì biết tình cảnh hai người, bèn thả Lạc Xương cho về với chồng.
Bây giờ gương vỡ lại lành (Kiều câu 3071)
Bách Gia Chư Tử là các học giả đời Xuân Thu Chiến Quốc gồm 189 người, mỗi người giỏi một môn.
Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh là câu các học giả đời Hán dùng để ca ngợi sự phát triển của văn học nghệ thuật Ðông Chu. Năm 1956, Mao Trạch Ðông dùng lại câu trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng này để kêu gọi các tầng lớp trí thức thẳng thắn thi đua phát biểu ý kiến, lập trường quan niệm của mình đối với chính sách của nhà nước.
Ðỗ Phục Hưng dph431949@yahoo.com
Chiên ghẻ là phần tử xấu làm ô danh một đoàn thể.
Black sheep là con cừu đen. Vì lông đen không nhuộm được nên giá bán không cao như lông của những con cừu trắng trong khi cừu đen vẫn ăn uống tốn kém như cừu trắng. Vì thế, những con cừu đen không đáng để nuôi trong bầy cừu.
Bigwig. Wig là tóc giả. Tại nước Anh, các tai to mặt lớn ngày xưa ra ngoài bao giờ cũng trùm lên đầu một bộ tóc giả. Bigwig do đó có nghĩa như V.I.P (Very Important Person/People).
Mãi tới gần đây, các ông tòa Anh cũng vẫn còn đội tóc giả. Tại các tòa án theo truyền thống tòa án của Anh, các ông tòa cũng đội tóc giả như ở Úc, Tân Tây Lan, Nigeria vân vân. Tục lệ này đang từ từ biến mất.
V.I.P. có thể hiểu một cách đùa nghịch là Very Ignorant People.