June 24, 2010

June 25, 2010

Ngày 21 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Khi sinh thời, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có làm báo, nhưng ít người coi ông là một nhà báo, mặc dù ông viết cho khá nhiều báo thời bấy giờ, những tờ như An nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Hữu Thanh... ông vẫn chỉ nổi tiếng là một nhà thơ. Báo không phải là nghề của ông.

Ông có một bài thơ, đọc cái tựa thì nghe như một bản tin báo chí. Nhưng đọc cả bài thì thấy nhà báo Tản Đà của chúng ta còn rất nhiều điều phải học thêm về cách viết tin. Duy có cách đặt tựa của ông thì đúng là cách đặt tựa giật gân của báo bây giờ: "Bóp Vú Đau Tay".

Bài thất ngôn Đường luật của ông nguyên văn như sau:

Hàng xứ đồn lên lắm chuyện hay
Con người như thế hóa non tay
Gớm cho cô bé già gan tệ
Chết nỗi làng chơi phải miếng cay
Hùm đã biết hang sao cứ mó
Chim chưa vỡ bọng dễ mà bay
Từ đây buộc chỉ chừa thôi nhé
Đừng dám chơi dao lại có ngày

Bài thơ này được tác giả chú thích ở dưới là để "Riễu một cậu học trò ghẹo gái bị gái đánh đau tay." (Tản Đà Vận Văn Toàn Tập trang 110 Sống Mới in lại ở Hoa Kỳ)

Bản tin báo chí mà viết như vậy thì editor sẽ quăng ngay vào sọt rác. Tất cả các chi tiết căn bản của một bản tin mà một người học lớp vỡ lòng báo chí phải biết đều không được đọc thấy ở trong 56 chữ mà cụ Nguyễn viết.

Cụ không cho biết người học trò và người phụ nữ đó tên gì. Chú thích chỉ ghi là để "riễu một cậu học trò..." Chưa đủ.

Cụ Nguyễn cũng bỏ qua chi tiết nơi chốn xẩy ra vụ này. Không nói rõ ở Nam Định, Hà Nội, Nghệ An, Tu-ran (mà cụ có đi qua và ghi lại trong bài lục bát hài văn Thú ăn Chơi) hay Sài Gòn mà cụ "nhớ vị cá cha"...Cụ cũng không ghi chi tiết ngày tháng xẩy ra nội vụ, tại sao và như thế nào người học trò kia đã bị đau tay.

Tất cả 5 chữ W (What, Who, When, Why, Where, How) đều không được nói rõ cho sáng tỏ.

Nên đến nay, đọc lại, người ta không biết được thêm bao nhiêu chi tiết của cái tin do cụ Nguyễn viết. Tất cả những điều cụ viết đều rất mơ hồ. Làm báo không được quyền mơ hồ như thế.

Những chi tiết mà cụ không cho biết làm cho bản tin thiếu đi rất nhiều điều đáng lẽ đã giúp những người sau biết thêm được về đời sống văn hóa, phong tục của xã hội Việt Nam lúc ấy.

Thí dụ nơi chốn xẩy ra vụ này sẽ cho chúng ta, những người sau của cụ biết được ở tỉnh nào, học trò Việt Nam có trò giải trí đó. Và ở tỉnh nào lúc đó phụ nữ đã mạnh bạo như vậy. Cụ Nguyễn cũng không cho biết nạn nhân (cậu học trò?) có kiện cáo gì không, và nạn nhân kia (cô gái?) có nhờ pháp luật can thiệp không? Nếu có, nạn nhân gẫy tay được bồi thường bao nhiêu, ở tù bao nhiêu ngày, và nạn nhân đánh người được bồi thường bao nhiêu.

Đó là không nói đến sự kiện đọc toàn bài thơ, nếu không nhờ cái tựa, người ta không thể biết chuyện gì đã xẩy ra cho "cô bé". Người học trò được mơ hồ nhắc đến bằng chữ "con người". Hành động của người học trò cũng không được nói rõ. Khu vực bị xâm phạm thì có thể bị hiểu sai thành một khu vực khác: hang hùm. Hang hùm thì không thể là nơi người học trò có tiếp xúc. Nơi mà chàng tiếp xúc đó không hề có hang, động... gì hết, chỉ có "ngổn ngang gò đống kéo lên" mà thôi. Hay gọi là... núi Tản thì đụng chạm tới quê hương của cụ Nguyễn?

Tuy nhiên đây là một bài thơ hay. Nhà thơ kín đáo đưa hai chữ "non tay" vào câu thứ nhì để cho người đọc thấy bộ phận phạm pháp nơi người học trò, đồng thời cũng nhắc được chuyện người học trò này bị một người "già gan" đập lại cho đau cái bàn tay... lông lá của chàng. ở hai câu 5 và 6, Tản Đà đưa được vào những thành ngữ phổ thông như "hang hùm" mà Hồ Xuân Hương cũng đã dùng (...chốn ấy hang hùm chớ mó tay...)"chim chưa vỡ bọng" như trong tục ngữ "chưa vỡ bọng cứt đã đòi bay bổng". Cụ Nguyễn cũng đưa vào hai câu 7 và 8 các thành ngữ khác như "buộc chỉ cổ tay""chơi dao có ngày đứt tay".

Nhưng nếu là một bản tin thì quá dở. Tuy thế, nhờ ở cái nét quá dở đó, bài thơ này, nếu mang vào tòa Bạch Ốc đọc cho ông Clinton nghe hồi ông còn làm tổng thống và còn bị mấy cái lăng nhăng nó quấy, thì người nghe vẫn có thể thấy thấm thía. Cũng non tay, cũng cô bé, cũng làng chơi phải miếng cay... Chỉ tiếc một điều là ông Clinton đã không làm được như ý của hai câu cuối là thề buộc chỉ cổ tay không bao giờ chơi dao nữa. Ông vẫn chơi dao tiếp nên mới khổ.

Còn một điều nữa là nếu đọc bài thơ ấy cho ông Clinton nghe , thì không thể dùng cái tựa "Bóp Vú Đau Tay" được nữa, vì Paula Corbin Jones không đánh vào tay ông trong lúc ở cái khách sạn Excelsior hồi ấy. Ông không đau tay, nhưng phải trả cho Paula 850 ngàn Mỹ kim, một nửa lấy từ quỹ để dành của vợ.

Hay là đặt lại cái tên cho bài thơ của cụ Nguyễn là "Bóp Vú Đau Bóp"?

Chữ "bóp" sau là danh từ Pháp Việt, cái bóp tầm phơi, cái ví tiền - portefeuille. Mất mấy trăm ngàn thì phải đau cái bóp chứ!

Nhưng tại sao không gọi trại đi một chút cho đỡ sỗ sàng là "Bóp Ví Đau Bóp"? Ví là... cái bóp ấy mà!


Ngày 22 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Theo một nhà dân số học thì Trung quốc, với số dân hơn 1 tỉ và vài trăm triệu người, nếu xếp hàng một đi xuống biển tự sát như những con lemming, một loài gậm nhấm thỉnh thoảng lại kéo nhau xuống biển tự trầm ở Bắc Âu để giải quyết tình trạng lemming... mãn của chúng, thì hàng người đó sẽ không bao giờ hết. Số người 1 tỉ mấy trăm triệu đó, với đà sinh sản hiện nay, tuy đã giảm đi rất nhiều nhờ các nỗ lực kế hoạch hóa gia đình, sẽ vẫn tiếp tục sinh sản hoài hoài, mãi mãi, người này vừa bước xuống biển thì đâu đó trong hàng người, vẫn có tiếng khóc oe oe chào đời để rồi lại tiến tới phía trước, giữ cho hàng người không bao giờ chấm dứt.

Đó chỉ là cách nói hơi cường điệu, thậm xưng để giải thích cho vấn đề và để cho thấy vấn đề dân số đáng được báo động như thế nào vì sau đó, có người đã hỏi nhà nhân số học này là đoàn người vừa đứng, vừa đi như vậy mà … làm sao vẫn sinh sản được.

Nhưng người ta vẫn phải nhận là người Trung Hoa sinh sản giỏi. Không giỏi làm sao có được hơn 1 tỉ mấy trăm triệu người?

Thực ra, họ không giỏi hơn chúng ta, nếu để nguyên không có những trợ giúp từ bên ngoài. Nhưng nhờ họ đi tìm đủ mọi cách để thăng tiến khả năng của họ, và cũng vì họ thấy hầu như tất cả mọi thứ trên mặt đất đều có thể giúp họ gia tăng được khả năng đó, và họ có vẻ đã thành công.

Thí dụ như ở con hải cẩu, ở con hổ, ở cái sừng của loài tê giác, ở các vỏ cây, rễ cây... Họ pha chế để thành những toa thuốc giúp Đường Minh Hoàng rượt Dương Quí Phi, lại giúp luôn Dương Quí Phi rượt Đường Minh Hoàng, những thứ thuốc chồng uống vợ tấm tắc khen hay, truyền lại từ bao nhiêu đời nay.

Ngay cả mấy người không mấy tin vào các thứ thuốc này cũng phải nhận rằng hình như những thứ đó có làm được ít nhất một cái gì. Điều rõ ràng nhất là trên thế giới, giống đông nhất vẫn là giống Trung Hoa. Vậy thì có thể thuốc của họ có công hiệu thật.

Nhưng loài tê giác không thể sinh sản nhanh để có đủ sừng giúp cho dân tộc Trung Hoa mãi được. Trên khắp thế giới, chỉ còn khoảng 2 ngàn con tê giác. Loài hổ cũng đang trên đà tuyệt chủng vì người Trung Hoa tin là ăn óc cọp thì bổ óc, ăn gân cọp thì bổ gân... mà họ thì cần cải thiện một thứ khả năng đặc biệt của họ nên loài cọp vất vả. Làm sao có đủ cọp để phục vụ một nước Trung Hoa quá đông dân như thế trong khi mỗi con cọp đực chỉ có một bộ phận có thể giúp người Trung Hoa được. Người Trung Hoa sắp sửa trở lại với những sinh hoạt bình thường như các dân tộc khác

Nhưng rồi một công ty dược phẩm của Mỹ tình cờ khám phá ra một công dụng khác của thuốc Viagra, đó là khả năng có thể làm được đúng việc mà bộ phận kia của con cọp có thể làm cho người Trung Hoa.

Với khám phá đó, không những loài cọp, loài hải cẩu, loài tê giác có cơ sẽ thoát khỏi cảnh tuyệt chủng, mà người Trung Hoa cũng có cơ bớt lo lắng.

Thuốc Viagra được tiêu thụ ào ạt ở Trung quốc mặc dù có lúc nhà cầm quyền sợ rằng có thuốc, người dân Hoa lục hết tin vào sự toàn thắng của đảng cộng sản Trung quốc quang vinh, mà quay ra xì xụp tôn sùng những viên Viagra, quên lửng công lao gian khổ của bác Mao, bác Đặng để quay ra tung hô Viagra sống mãi trong quần chúng thì chán quá. Nghĩ cũng phải. Chẳng lẽ bao nhiêu năm nay cố gắng hết sức để đào tạo ra những con người cộng sản giỏi giang tốt đẹp, đạo đức cùng mình, nay tất cả vứt hết những cuốn sách đỏ của Mao Trạch Đông để đi kiếm viên thuốc mầu xanh... là mầu anh trót yêu thì hỏng bét.

Các vua làm đồ giả thấy được cách kiếm tiền mới nên không thể ngồi bó tay lâu được. Các ông liền bắt tay vào làm việc ngay, và công ty dược phẩm Phi Long ở Hương Cảng liền tung ra những viên Viagra bào chế tại Hương Cảng .

Không thể dùng tên Viagra, tên đã được cầu chứng của công ty Pfizer, công ty dược phẩm Phi Long liền đặt cho sản phẩm của họ cái tên khá gần với Viagra, là Vĩ Ca, phát âm theo giọng Quảng Đông là weige, nghe cũng nhập nhằng gần như Viagra.

Vĩ trong chữ Hán nghĩa là to, lớn. Ca là anh, cùng nghĩa với huynh. Vĩ Ca là người anh lớn.

Thuốc có hay hay không thì không biết, nhưng cái tên thuốc thì thật hay. Đọc lên nghe rất gần với Viagra, mà ý nghĩa thì tuyệt.

Nhưng đã có anh lớn, thì phải nghĩ ngay đến em nhỏ. Khả năng liên tưởng của con người bắt những cái đầu của chúng ta phải làm công việc đó.

Và... Bingo!

Nghĩ đến đây thì tôi tin chắc người đặt tên cho loại thuốc này phải quen người bạn tôi ở đây, Bạn tôi, trong một chiều mưa tầm tã, đã bỏ ông Kim Thánh Thán ngồi một mình đau khổ trong ngôi miếu cổ nghiền ngẫm từng phút vui trong đời để viết vào bài tựa cho cuốn Tây Sương Ký, một mình phóng xe Honda xuống xóm. Vừa dựng được chiếc xe, chưa lau được những giọt nước mưa ướt sũng trên mặt, thì người phụ nữ chủ cơ sở làm ăn đã rũ ra cười và vừa cười vừa nói một câu, nếu văn học nghệ thuật, thì phải là câu đại khái như "vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa". Người phụ nữ ấy nhìn bạn tôi và nói: "Chu choa! Thằng nhỏ làm tội thằng lớn!"

Và chắc có quen bạn tôi, nên ông ta đặt cho loại thuốc này là Vĩ Ca, nghĩa là thằng lớn vậy.

Nhưng thực ra thì cũng không biết đứa nào làm khổ đứa nào. Tại sao không có chuyện thằng lớn làm tội thằng nhỏ?


Ngày 23 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Phải lâu lắm, ít ra cũng phải khoảng năm mươi năm, kể từ khi một tờ Playboy cũ gói trong một chiếc bao giấy lần đầu tiên được người bạn tốt bụng đưa lén cho mượn dưới gầm bàn, cho đến khi tôi có thể cầm đọc nó một cách công khai, và mỗi tháng, nhận được nó gửi đến tận nhà qua đường bưu điện.

Tờ báo của Hugh Hefner trong suốt mấy chục năm qua, đã dùng đủ mọi cách để thuyết phục mọi người rằng nó là tờ báo đáng để đọc, đều là những người bình thường, khỏe mạnh, lịch sự và tử tế. Tờ Playboy số nào cũng bỏ ra một trang để tự quảng cáo và đưa ra một thuyết phục về những độc giả của nó.

What Sort of Man Reads Playboy? Độc giả Playboy là người như thế nào? Câu trả lời là một bức ảnh chụp một người đàn ông đẹp trai, quần áo bảnh bao bên cạnh một phụ nữ rất trẻ và rất đẹp, và dưới bức ảnh những câu mà tờ báo đưa ra để phụ đề: đó là một người đàn ông biết sống, biết sống đẹp, biết hưởng thụ những thứ tốt đẹp trên đời, lợi tức thường niên trên trung bình, lái một chiếc xe hơi kiểu nào đó vân vân.

Người độc giả đích thực của tờ Playboy dĩ nhiên không bao giờ phải chờ nghe những câu quảng cáo thuyết phục đó. Người độc giả ấy không cần phải đọc xong những câu quảng cáo vẽ ra một mẫu người tốt đẹp như vậy rồi mới tưởng đó là mình, và chạy ào ra tiệm sách để mua tờ báo đem về đọc, để vẫn thấy cái xe đậu trước cửa chưa là cái Porsche, chưa là cái Lamborghini, chưa phải là cái Alpha Romeo... và lương chưa ở mức 80 ngàn trở lên. Nhưng vẫn có rất nhiều người đọc tờ Playboy. Hơn 5 triệu người.

Người độc giả đích thực không cần làm những việc đó. Họ là những người tìm thấy những truyện ngắn, những bài viết của John Updike, Vladimir Nabokov, Tom Wolfe... trong những trang báo. Nhưng dường như tờ báo vẫn cần phải thuyết phục những người không đọc tờ báo này rằng tờ Playboy có rất nhiều bài đáng đọc, tờ báo tặng các độc giả mua dài hạn chiếc T-shirt có in hàng chữ: "I read Playboy for the articles!" như một lời giải thích chẳng phải vì những bức hình rất đẹp mà có tờ Playboy trong tay.

Tờ Playboy dần dần tạo được cho nó chỗ đứng xứng đáng. Những bài phỏng vấn của nó có được những người trả lời như Jimmy Carter, Henry Kissinger, Lech Walesa... những người ít ai trước đó có thể tưởng tượng sẽ để cho phái viên của tờ Playboy đến gần.

Ông cụ tôi hồi còn sống trong những lần từ Canada sang thăm tôi, thấy nó nằm trong đống báo của tôi cũng không nói gì. Cụ coi nó chỉ như những tờ National Geographic, Photography, Time, Newsweek, US News...

Tờ Playboy như vậy đã tiến vào được mainstream, được chấp nhận như một thứ báo tử tế.

Và người làm tờ báo này cũng có được phần nào nể trọng. Cách đây chừng vài ba tháng, tôi thấy một bức hí họa trên tờ The New Yorker. Bức hí họa vẽ một cặp vợ chồng đầy vẻ ưu tư ngồi nhìn đứa con trai dáng chừng 7 hay 8 tuổi gì đó đang đứng ngó ra ngoài cửa sổ, tay chắp sau lưng. Người chồng nói với người vợ bằng giọng đầy âu lo rằng hồi trước, đứa con của hai người chỉ ước ao lớn lên được làm Hugh Hefner, chủ nhiệm của tờ Playboy, nhưng bây giờ, tự nhiên nó đổi ý, chỉ muốn làm tổng thống Mỹ...

Làm tổng thống Mỹ mới nhiều trò vui chứ làm Hugh Hefner thì đã ăn thua gì. Ý nói Hugh Hefner và tờ báo của ông ta vẫn còn hiền lành chán. Tờ Playboy được coi là hiền hơn ông tổng thống Mỹ. Việc đứa bé muốn trở thành tổng thống Mỹ làm cha mẹ đứa bé lo âu nhiều hơn là khi nó muốn làm chủ nhiệm tờ Playboy.

Và bây giờ, một tờ báo khác đang tìm cách thuyết phục người độc giả Mỹ rằng nó cũng là một tờ báo đứng đắn, cũng viết về những vấn đề chính trị, những tham luận đứng đắn, những bài biên khảo giá trị...

Nó là tờ Hustler, một tờ báo ghê rợn nhất trong những báo tục tĩu. Chủ nó, Larry Flynt có lúc lợi dụng vụ luận tội ông Clinton tại thượng viện để tìm cho tờ báo của ông ta cái áo sạch sẽ, lương hảo hơn. Ông ta dùng số tiền một triệu Mỹ kim để mua những thứ rác rến dơ dáy nhất quăng vào mặt những người dám đụng tới ông Clinton ở quốc hội Mỹ như ông ta đã nói thẳng với các hãng tin.

Và sau khi làm trò săng ta, blackmail, bắt chẹt như thế, ông nhận tờ báo của ông là một tờ báo có sinh hoạt chính trị. Và bắt đầu có người tin (?), như trong bức hí họa của Wright cho tờ Palm Beach Post. Bức hí họa vẽ hai ông bà già ngồi cạnh nhau, ông đọc báo, bà thắc mắc tại sao ông đọc tờ Hustler, cái thứ báo dễ sợ như thế thì ông trả lời ông chỉ đọc nó vì các bài viết về các nhân vật chính trị mà thôi - I only read it for the political profiles.

Tôi hy vọng đó chỉ là một bức hí họa và sẽ không có những người Mỹ đưa ra những lời bào chữa như thế.

Tờ Playboy đã trở thành một tờ báo đáng để đọc không nhờ một ông chủ nhiệm như Larry Flynt. Nó đã có thể được đọc một cách công khai mà người đọc không còn bị những phê phán vội vàng như trước kia nữa.

Nhưng có một điều mà tôi thấy rất lạ là cách đây mười mấy năm, khi tới thăm căn phòng con trai của tôi ở Berkeley khi nó tốt nghiệp, tôi không thấy dấu tích tờ báo đó trong đống sách báo nó quăng ra thùng rác trước khi dọn khỏi nơi nó thuê để ở trong mấy năm học tại San Francisco.

Nó không có thì giờ đọc hay nó hiền quá? Bây giờ tôi tin là cả hai lý do đều đúng cả.


Ngày 24 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Chuyện "...tay bưng thúng nếp lên chùa / thắp hương lạy Phật xin bùa em đeo...", và sau khi xin được bùa, em đem cái bùa ấy về đeo ở cổ để thành một trong mười điều thương (điều thương thứ ba: "ba thương cổ yếm đeo bùa...") của những câu ca dao có thể sắp không còn chỉ là... ca dao nữa, mà sẽ là chuyện thật đến nơi. Chuyện bùa yêu thuốc dấu là có thật. Đã đội gạo, lại còn yếm thắm mà bỏ bùa thì người bị bỏ bùa rất khó sống. Ca dao đã nói vậy. Ít ra là phải "ốm lăn ốm lóc", "dạ sầu" "ruột héo như bầu đứt dây..." Bùa có thật.

Thực ra, ngay từ bây giờ, với 1/10 ounce Falling In Love do công ty Philosophy Cosmetics chế tạo và bán với giá $60, người ta có thể gia tăng được khả năng hấp dẫn của mình lên rất nhiều, để những kẻ đứng gần, sau khi phát hiện ra những phân tử pheromonesFalling In Love phát ra và cho lượn lờ bay chung quanh, sẽ đi theo, quấn sát lấy người xức Falling In Love như một con chó con bám chủ ngay. Pheromones, những phân tử không mùi vị giống như một hóa chất do cơ thể con người phát ra, là chất mà theo các khoa học gia, làm cho người này hấp dẫn người khác. Nó là thủ phạm gây ra đủ mọi chuyện vui và rắc rối trong đời sống này.

Những nghiên cứu mới của khoa học cho thấy tình yêu lãng mạn, trước đây vẫn được coi là những "đặc sản" của các nhà thơ, các nhà văn, các phim ảnh sướt mướt ướt mấy cái khăn mùi xoa (five-hankie movie), thực ra lại là sản phẩm của cả tình cảm con người lẫn những hóa chất mà cơ thể con người phát ra. Công ty Philosophy Cosmetics cho biết sản phẩm Falling In Love của họ chỉ bắt chước những chất hóa học của con người và dựa trên những dữ kiện khoa học để chế ra sản phẩm của công ty mà thôi.

Pheromones có thể là giải thích cho những cú sấm sét - coup de foudre - chăng? Khoa học nói rằng mái tóc, đôi mắt, nụ cười, cái răng khểnh có thể làm phát sinh ra những phản ứng hóa học dây chuyền và đưa tới những chân tay lính quýnh, nói năng cà lăm lia lịa, hơi thở hào hển bất thường. Bất cứ cái gì có thể tái tạo được những phản ứng hóa học đó là bùa. Falling In Love, sản phẩm của Philosophy Cosmetics là bùa. Bùa làm cho chemistry tác động trở lại.

Và như vậy, những điều mà người ta vẫn tưởng là tin nhảm trước kia đều là tin... đúng cả. Thí dụ như khi ngồi ta nói the chemistry is gone, khi sự hấp dẫn không còn nữa, có thể là hai bên, hay một bên không tiết ra những pheromones nữa. Em không yêu anh nữa, anh không yêu em nữa, chúng ta không yêu nhau nữa vì mấy cái hóa chất trong người chúng ta nó không còn nữa vậy thôi. Không có con đĩ chó nào đứng giữa hai chúng ta hết.

Nhưng có thể chúng ta không còn phải phó mặc cho yếu tố hóa học tự nhiên trong người chi phối cuộc sống tình cảm của chúng ta nữa. Trong vòng 10 năm nữa, có thể sẽ có một thứ thuốc xịt vào mũi để giúp những trường hợp the chemistry is gone, theo giáo sư James H. Fallon, giáo sư đại học y khoa Irvine mà tờ Life đã viết trong một số báo cách đây vài năm. Thứ thuốc này sẽ giúp gia tăng và củng cố tình yêu của những cặp yêu nhau.

Lúc đó, thế giới sẽ khác đi biết là bao nhiêu. Thay vì phải vài trăm bông hồng gửi đến nhà, vài chục bài thơ quăng vào cửa, vài đêm ôm đàn gào thét, rên rỉ dưới ban công nhà nàng hát hết vài chục bài Karaoke làm ô nhiễm không khí cả khu xóm, thì Romeo chỉ cần kiếm chai Falling In Love xịt vào người, rồi ưỡn ẹo qua lại trước mặt Juliet cho pheromones bay tới bay lui thì có mà cả họ nhà Capulet chạy ra chặn cũng không cản được cuộc tình của đôi trẻ.

Thế rồi khi cái chemistry giữa hai phía bắt đầu nhạt đi, yếu đi, thì đôi ta lại ra đầu đường kiếm một lọ thuốc xịt mũi. Tổng tượng sáng ra đầu tóc bù xù, răng chưa đánh, mặt chưa rửa, son phấn nhạt nhòa, mascara lem luốc, cái bụng bia chẩy gần xuống đầu gối, râu ria chưa cạo, hai bên đang ngán ngẩm chán ngán nhìn nhau ở bàn ăn sáng thì bỗng nhớ ra lọ thuốc xịt mũi vừa mua tối hôm trước, cả hai bên vùng dậy, chạy đi kiếm lọ thuốc xịt mũi, bơm nửa lọ vào mũi là lại có thể quay lại yêu nhau tưởng như chưa bao giờ yêu nhau như thế, và để cứ thế "nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời". Cần quái gì phải "vai kề một mái thơ phong nguyệt". Đôi ta cứ ngồi nguyên như thế ở trong bếp là cũng "hạnh phúc nhìn nhau mỉm miệng cười".

Không còn thấy sự cần thiết của những đêm trăng sáng bên bờ nước, gió thổi qua rặng liễu, phong thơ tình... ngây dại nữa. Không cần Shakespeare, Tagore, Lý Thương Ẩn, Đinh Hùng, Nguyên Sa... tỏ tình hộ nữa. Cũng chẳng cần bất cứ một nỗ lực làm đẹp nào nữa. Có nhiêu xài nhiêu. Không nước hoa, không deodorant, không eau de Cologne gì hết. Cũng không quần áo đẹp làm gì cho phí tiền. Cứ chiến tranh hóa học chúng tôi dùng là đối phương chỉ từ chết tới trọng thương. Vẩy vài ba giọt Falling In Love lên người thì phía bên kia chỉ có bám theo cái áo da thú bò lết theo, chẳng cần tay cầm cái chầy vồ, tay túm lôi tóc về hang đá nữa.

Nhưng đó là khi muốn ở lại. Giả sử không muốn ở lại thì sao? Lúc ấy sẽ phải có những thứ thuốc để hóa giải tác dụng của pheromones. Cứ trang bị một bình thuốc giải bùa, trong uống ngoài xoa thì còn may ra. Chứ lúc ấy mà lôi The Gardener của Tagore như: "Free me from your spells..." (bài 48) hay "What call from the dark urges you? What awful incantation have you read among the stars in the sky, that with a sealed secret message the night entered your heart, silent and strange?" (bài 63) ra mà năn nỉ xin được giải thoát khỏi những bùa chú của... nó thì chắc chết vẫn hoàn chết, không chữa được.


Ngày 25 tháng 6 năm 2010

Bản ta,

Có một quyển sách xuất bản đã lâu, đáng lẽ một số người đã phải đọc, và đọc kỹ, nhưng vì không đọc nó, hay đọc mà đọc không kỹ và không làm đúng những điều viết trong sách, nên tình hình nước Mỹ mới ra nông nỗi này.

Không phải cuốn The Ugly American, cuốn sách nhìn thấy ra được nguyên nhân đưa tới việc Hoa Kỳ can thiệp ở Đông Nam Á rồi lại thất bại ở đó, như bạn nghĩ. Nó cũng không Binh Thư Yếu Lược gì cho cam, tựa của nó là Stalemates: The Truth About Extramarital Affairs của Bakur Weiner và Bernard Starr, in lần đầu năm 1989.

Những ai cần phải đọc nó? Tôi nghĩ là tất cả mọi người. Đọc để biết cách, và đọc để đối phó. Biết cách để khỏi bỏ mạng và đối phó để nếu chuyện ấy xẩy ra thì làm sao biết mà dẹp nó. Nhưng để mà làm gì thì cũng cần phải đọc.

Những điều viết trong cuốn sách thực ra không có gì mới. Hai tác giả Weiner và Starr chỉ hệ thống hóa một số sai lầm rất thường phạm phải và khuyên nên tránh. Cuốn sách có thể được xếp vào tủ sách Học Làm Người, của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, hay những loại sách Self Help mà người Mỹ rất ưa chuộng. Nó chỉ cách làm sao ngoại tình cho an toàn để khỏi bị đẩy vào những tuyệt lộ nguy hiểm. Nếu nó được viết muộn thêm vài năm, thì có thể nó đã có cái tựa đề hấp dẫn hơn, thí dụ The Idiot's Guide to Extramarital Affairs hay The Dummy's Book of Extramarital Affairs như loạt sách có những cái bìa mầu vàng, mầu cam rất được ưa chuộng hiện nay. Biết đâu nhờ cái tựa khiêu khích chọc giận đó - Idiot / Dummy - mà nhiều người tìm đọc hơn, và nó đã cứu được nhiều người hơn.

Cuốn sách đưa ra 8 qui luật mà nếu vi phạm, dù cho chỉ một điều, cũng đủ để không cách gì có thể thoát hiểm. Những điều đó thực ra cũng không khó tránh, nhưng vì khinh xuất, bất cẩn, mà người ta vẫn tiếp tục ngộ nạn.

Qui luật số 1: Không chụp hình, nhận hình, tặng hình. No picture taking or receiving. (Somehow they will be found). Sớm muộn rồi cũng sẽ lọt ra ngoài. Cho vào Internet cũng không được. Bỏ ngay cái trò "nhớ em hổng biết để đâu / để trong túi áo lâu lâu lại dòm". Không hình ảnh gì hết.

Qui luật số 2: Không viết xuống bất cứ gì. Bút sa, gà phải chết. Các liên hệ này rất dị ứng với thư từ, giấy tờ, nhật ký. Những cuốn nhật ký lại càng nguy hiểm hơn gấp đôi. Nothing in writing. Affairs are allergic to anything in writing. That goes double for diaries, strictly a no-no. Không cả e-mail nữa. Những e-mail gửi qua máy điện toán của bộ quốc phòng lại càng chết. Xóa cũng không hết. Các chuyên viên điện toán chuyên truy lùng các hồ sơ đã bị xóa mất (LAN Administrator) dùng để làm gì? Nếu dùng máy điện toán cá nhân, desk top hay lap top ở nhà thì phải kiếm cái búa tạ nện cho vài chục cái, đổ acid vào hard disk, quăng ra... biển thì may ra mới hy vọng thoát hiểm.

Qui luật số 3: Không kỷ vật cho em, cho anh gì hết. No souvenirs. Pack rats as we are, we want mementos of everything. Definitely not a good idea for those engaged in liaisons. Tính người ta là thích lưu giữ mọi thứ, cất dấu kỷ niệm của mọi chuyện, nhưng trong những liên hệ cần giữ kín thì không bao giờ kỷ vật anh cho, kỷ vật em cho gì hết. "Viên đạn đồng đen..." cũng quăng ngay lập tức, đừng có thấy "em sang ngang cho làm kỷ niệm" làm gì. Trò tình cảm, cộng với cái tính hay bấu víu vào kỷ niệm là những thứ giết người. Quăng hết.

Qui luật số 4: Không bao giờ lạng quạng ở trong xóm nhà mình, hay ở ngoài đường. Tuyệt đối không bao giờ tỏ lộ tình cảm ở nơi công cộng, bất kể có ở xa nhà mình cách mấy đi nữa. Not in the neighborhood or in public. Also, never display affection in public places, no matter how far away you are from the neighborhood.

Qui luật số 5: Không bao giờ được quyền khinh xuất, phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Chỉ một giây phút bất cẩn cũng đủ để kéo sập cả thế giới đầy nguy hiểm, rủi ro. Cái khăn quàng, cái găng tay của ngồi lạ lơ đãng quăng vào hộc xe là chết. No thoughtlessness. Just one moment of incaution can bring down the whole world of risks...

Qui luật số 6: Không bao giờ làm chuyện đó ở nhà hết. Never at home. Có mê hai phim Home Alone 1 và 2 của MacCauley Culkin thì cũng không bao giờ nghĩ mình ở nhà một mình rồi muốn làm gì cũng được. Chỉ có chết.

Qui luật số 7: Không bao giờ được lơ là, dù những chi tiết nhỏ. Trước khi về nhà, kiểm soát lại hết các túi áo, túi quần. Luôn cả cặp táp đi làm cũng phải soát lại.

Xem kỹ áo có dính sợi tóc lạ nào không. Dặn phía bên kia đừng dùng nước hoa hay son phấn có thể để lại dấu tích. Cẩn thận khi mua quà cáp bằng thẻ mua chịu, đừng để số điện thoại hiện trên hóa đơn gửi về nhà. Never forget to keep track. For males, particularly, comes the suggestion to check all pockets before going home after a tryst. This also applies to briefcases. And check your jacket and shirt for stray hair. Ask your lover not to wear perfumes or scented cosmetics that leave traces. Be careful of presents or calls that appear on credit cards or itemized bills. Luôn luôn có trong xe chai dầu Nhị Thiên Đường. Trước khi về nhà, đổ một nửa lọ lên người. Làm như vậy có thể vừa đánh bay mùi Giorgio, Aria, Poême, Trésor... vừa làm ra vẻ bệnh hoạn, ảo não, âu sầu có thể tạo được rất nhiều thương cảm thay vì bị tra tấn ngay từ cửa. Cũng có thể khuyến khích cả hai phía dùng cùng một thứ nước hoa hay cùng một thứ after shave. Tất cả mọi chỗ vẫn dùng để cất dấu tài liệu mật của Ngũ Giác Đài phải dọn cho sạch hết. Dưới chậu cây, dưới hộc tủ, sau ngăn kéo, vườn sau nhà, gáy những cuốn tự điển, cánh quạt trần, gác xép, dưới bánh secours... Các hóa đơn thẻ tín dụng và điện thoại đều có thể xin phó bản. Không bao giờ dùng điện thoại ở nhà. Luôn luôn dùng thẻ để gọi ở đầu đường xó chợ. Muốn khỏi bị mấy sợi tóc tố cáo, kiếm người không có tóc cho an toàn.

Qui luật số 8: Không bao giờ đổi thay cách sống, thay đổi style của mình. Những thay đổi đó sẽ được nhận diện ngay lập tức. Cờ đỏ kéo lên ào ào đầy khắp chân trời. Khả nghi vô cùng. Tự nhiên tại sao tử tế hơn? Tại sao nói cười nhiều hơn? Tại sao bỗng nhiên chải chuốt? Tại sao không đeo mấy cái ca vát mầu già nữa? Tại sao hết nước hoa, lại eau de Cologne rầm trời? Tại sao tự nhiên quà cáp? Mặc cảm phạm tội thấy rõ, tặng phẩm là guilt gift? Tất cả đều là những dấu hiệu, những che lấp ngụy trang vụng về. Mẹ cháu không thể không nhìn thấy. Người tinh mắt là phải khởi sự cật vấn, lấy cung ngay tức khắc. Nên nhớ càng đóng kịch, càng chỉ được... Oscar là cùng, nhưng rắc rối thì chắc chắn là sẽ không tránh được.

Nhưng mục đích của cuốn sách không phải là khuyến khích, chỉ dẫn cho người đọc đi lạc. Quyển sách phải đọc thế nào để thấy là cứ lạng quạng thì phải chết. Bài học mà cuốn Stalemates: The Truth About Extramarital Affairs của Weiner và Starr muốn đưa ra là: "Rice at home, gifts from wife" mà tiếng Việt tạm dịch là cơm nhà, quà vợ. Chỉ như thế may ra - nhấn mạnh: may ra - mới thoát.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 80)

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 79 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, đọc cuốn Một Quan Niệm Sống Đẹp của Nguyễn Hiến Lê dịch Lâm Ngữ Đường, Thúy thấy người Trung Hoa gọi Lâm Ngữ Đường là "u mặc đại vương", Thúy nghĩ chữ "u mặc" không phải là chữ Hán, mà có thể là của người Anh mà người Trung Hoa mượn, dựa theo âm của tiếng Anh để làm thành một tiếng mới cho chữ Hán giống như trường hợp danh từ "lãng mạn" mà có lần Thúy được giải thích là do danh từ ROMANTICISM mà ra. "U mặc" là gì thưa anh?

BBT

Đúng như cô nói, đây lại là một trường hợp người Trung Hoa lấy danh từ HUMOR của người Anh rồi phiên âm thành u mặc để dùng. Như vậy, u mặc là hài hước. Lâm Ngữ Đường là người có óc hài hước. Trong tiếng Anh, óc hài hước là SENSE OF HUMOR. A GOOD HUMORED PERSON là người vui tính. BAD HUMOR là tính tình khó chịu, tính hay cáu bẳn.

QA

Thế thưa anh, JOKE là gì?

BBT

JOKE là khôi hài, chuyện khôi hài, chuyện chọc cười. TO TELL A JOKE là kể chuyện cười, kể chuyện diễu, chuyện tiếu lâm. TO JOKE là đùa giỡn, không thật. I AM ONLY JOKING nghĩa là tôi chỉ đùa đấy thôi, không thật đâu.

LÃM THÚY

Thế thì trái ngược lại với JOKING là gì thưa anh?

BBT

SERIOUS. I AM NOT JOKING. I AM SERIOUS. I AM DEAD SERIOUS, nghĩa là tôi nói thật đấy, chuyện nghiêm trọng chứ không phải là nói đùa đâu. TO PLAY A JOKE ON SOMEBODY là đùa, chơi giỡn ai. TO TAKE A JOKE là biết cười, có óc hài hước. Như khi nói HE CAN’T TAKE A JOKE, nghĩa là nghe ai diễu về mình một chút thì nổi giận liền, không nhìn ra khía cạnh hài hước của câu nói.

Nhân nói đến A SENSE OF HUMOR, hai cô chắc thấy người Mỹ và người Anh hay nói đùa, hay kể chuyện JOKE lắm phải không?

QA

Nhưng nhiều khi QA nghe chẳng hiểu gì cả nên không biết mà cười.

Sáng hôm nay, QA xem trong báo thấy có một bức tranh hài hước vẽ một người đàn ông vào một tiệm bán hoa và cây. Ông ta nói với người bán hàng: I KNOW PLANTS ARE INTELLIGENT. I WANT TO BUY AN INTELLIGENT PLANT. Người bán hàng nói với ông YOU SHOULD BUY THIS CACTUS. IT IS VERY SHARP. Như vậy thì tại sao lại cười?

BBT

Cô biết SHARP có nhiều nghĩa. SHARP có thể là thông minh, cũng có thể là sắc, là nhọn. Cây CACTUS là cây xương rồng có rất nhiều gai nhọn. Người chủ tiệm chơi chữ, đề nghị mua cây CACTUS vì nó rất SHARP, nghĩa là nó có gai nhọn nhưng đồng thời chữ SHARP còn có nghĩa là thông minh nữa.

Kiểu chơi chữ trong các chuyện khôi hài như vậy rất nhiều. Trong tiếng Việt cũng thế. Chúng ta cũng có nhiều chuyện, nghe thì cười ngay trong khi một người Mỹ học tiếng Việt, nói chưa rành, chưa biết được những lắt léo của tiếng Việt làm sao cười được. Thí dụ có một ông kia tên là Khanh. Có người hỏi thăm về công việc làm của ông ta bằng câu này: "Sở Khanh ở đâu?" thì một người Mỹ học tiếng Việt nhưng không biết truyện Kiều của Nguyễn Du thì làm sao hiểu điều xỏ xiên của câu hỏi, vì SỞ KHANH vừa là sở làm của Khanh vừa có thể hiểu là người đàn ông độc ác với phụ nữ như nhân vật Sở Khanh trong truyện Kiều đâu rồi…

LÃM THÚY

Có lần con gái Thúy hỏi Thúy CAN A BUS CROSS THE OCEAN Thúy đáp là không. Con gái Thúy nói là mẹ nói sai. Câu trả lời đúng phải là YES, COLOMBUS CROSSED THE OCEAN. Như vậy, Thúy bị con gái lừa, cứ nghĩ BUS là cái xe BUS trong khi BUS này là COLOMBUS, người vượt đại dương tìm ra Mỹ châu.

QA

QA đố ông thầy biết tại sao cậu nhỏ ấy đem chôn cái đèn pin xuống đất? WHY DID HE BURY THE FLASH LIGHT?

BBT

Chịu thua.

QA

BECAUSE THE BATTERY WAS DEAD. Cục pin chết thì mang chôn đi chứ còn giữ làm gì. Thế còn WHY COWS HAVE BELLS?

LÃM THÚY

Vì bò đi ngoài đồng cỏ phải có chuông đeo ở cổ để khỏi đụng vào nhau phải không?

QA

Không phải. Bò có chuông đeo ở cổ BECAUSE THEIR HORNS DON’T WORK.

BBT

Hay tuyệt. Bò đeo chuông vì những cái HORNS của chúng không hoạt động. HORNS vừa là sừng, vừa là cái còi như còi xe hơi. TO BLOW THE HORN là nhận còi. Thế hai cô biết tại sao chữ "T" lại có thể là một hòn đảo không? Thôi, để tôi trả lời luôn. BECAUSE IN THE MIDDLE OF THE WORD "WATER", THERE IS A LETTER "T". Rồi, đây là một câu khác: HOW MANY LETTERS ARE THERE IN THE ALPHABET?

LÃM THÚY

Câu này thì Thúy biết: THERE ARE EIGHT LETTERS .

QA

Tại sao? ALPHABET có 25 LETTERS chứ.

LÃM THÚY

QA đếm lại coi. A-L-P-H-A-B-E-T… không là 8 chữ đó sao?

QA

YOU TRICKED ME THÚY. YOU PLAYED A TRICK ON ME. Cùng một cách hỏi mẹo đó, QA hỏi ông thầy: WHY IS "SMILES" A VERY LONG WORD? Tại sao chữ SMILES lại là một chữ rất dài?

BBT

Vì giữa chữ "S" đầu và chữ "S" cuối là nguyên một dặm, một MILE thì sao không dài cho được?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ là anh biết câu trả lời từ trước. Vậy thì còn gì vui nữa.

BBT

Đúng rồi, một cái JOKE nghe lại lần thứ hai thì không còn là JOKE nữa. Nó là A STALE JOKE, một câu chuyện diễu đã bị … thiu rồi. Bởi thế, các tay kể chuyện diễu thường hay bắt đầu bằng câu này: HAVE YOU HEARD THIS…? rồi sau đó mói kể. HAVE YOU HEARD THIS… A CUSTOMER IN A COFFEE SHOP SAID TO THE WAITER: "HEY, THERE IS DIRT IN MY COFFEE." THE WAITER SAID: " OH … BECAUSE IT WAS GROUND HALF AN HOUR AGO."

LÃM THÚY

Khách phàn nàn trong ly cà phê có ĐẤT, có DIRT. Ông waiter cho biết cà phê vừa được xay cách đó nửa giờ thì có gì đáng cười đâu?

BBT

IT WAS GROUND là vừa được xay do động từ TO GRIND, GROUND, GROUND. Nhưng GROUND còn có nghĩa là đất, mặt đất, nền đất. IT WAS GROUND HALF AN HOUR AGO có thể hiểu là cà phê vừa được xay (động từ TO GRIND, GROUND, GROUND) đồng thời cũng có thể hiểu là mới nửa giờ trước nó còn là đất mà.

QA

QA phải đố ông thầy câu này: WHY CAN A FROG JUMP HIGHER THAN A HOUSE? Tại sao con ếch lại có thể nhẩy cao hơn căn nhà?

BBT

Cô Thúy cứu tôi được không?

LÃM THÚY

BECAUSE A HOUSE CANNOT JUMP. Nhà không biết nhẩy, cứ nằm ỳ ra một chỗ thì thua con ếch về chuyện nhẩy chứ sao?

BBT

Cho tôi phục hận một chút. Đố hai cô cột đèn xanh đỏ giao thông nói gì với đoàn xe? WHAT DOES THE TRAFFIC LIGHT SAY TO THE CARS?

QA

QA chịu thua.

BBT

Cô Thúy thua luôn nhé: Đèn giao thông nói với đoàn xe rằng DON’T LOOK… I AM CHANGING.

LÃM THÚY

Thúy hiểu rồi. TO CHANGE là đổi, đổi mầu đỏ sang mầu xanh, mầu xanh sang mầu đỏ. Nhưng TO CHANGE cũng còn có nghĩa là thay quần áo. Cột đèn nói với đoàn xe là đừng ngó, tôi đang thay quần áo. Cái này có thể đem ra tòa cãi tội RUNNING A RED LIGHT được đó QA. Tôi vượt đèn đỏ vì cái cột đèn bảo tôi đừng có ngó. Tôi không ngó, nên vượt đèn đỏ thì tòa phải tha tôi chứ.

BBT

Chúc cô may mắn tại tòa. Không bị phạt thì nên dùng số tiền đó làm một bữa sushi chăng?

LÃM THÚY

Nhân nói chuyện DRESSING, Thúy có một câu chuyện tương tự. Đó là câu hỏi MAYONNAISE nói gì với cái tủ lạnh? WHAT DOES THE MAYONNAISE SAY TO THE FRIDGE? Câu trả lời là THE MAYONNAISE SAID TO THE FRIDGE: "I AM DRESSING, PLEASE CLOSE THE DOOR." Trong câu này, DRESSING vừa là sốt mayonnaise, vừa là thay quần áo. Đằng nào thì cái tủ lạnh cũng phải đóng cửa lại.

BBT

Vẫn nói chuyện tủ lạnh, xin hỏi hai cô tại sao không nên bỏ chữ "M" vào ngăn đá?

QA

Câu này thì QA biết. Con gái dậy. Bữa đó hai mẹ con lau cái tủ lạnh. Con gái QA nói rằng bỏ chữ gì, bất cứ chữ gì ANY LETTER vào trong tủ lạnh cũng được …PUT ANY LETTER IN THE FRIDGE IS OK. Nhưng đừng bỏ chữ "M" vào ngăn đá, vì bỏ vào là thành chuột ngay BUT DON’T PUT THE LETTER"M" IN THE FRIDGE BECAUSE THERE WILL BE MICE IN IT.

LÃM THÚY

Tại sao ngăn đá lại có chuột được?

BBT

Vì trong FREEZER có nước đá. Nước đá là ICE. Bỏ chữ "M" vào ngăn đá thì M + ICE = MICE phải không cô QA?

Bây giờ đố hai cô câu này WHY CAN’T A MAN LIVING IN CALIFORNIA BE BURIED IN VIRGINIA?

QA

Tại sao một người sống ở California lại không thể đem chôn tại Virginia? Tại vì chi phí chuyên chở quá cao chăng? Thôi thì chôn ở đâu chẳng được. Nét hài hước nằm ở đâu đây ông thầy?

BBT

Dễ thôi. Ông ta đang sống ở California… A MAN LIVING IN CALIFORNIA nghĩa là HE IS LIVING IN CALIFORNIA. Ông ấy đang sống ở California thì làm sao đem ông đi chôn cho được! Phải chết rồi mới đem chôn được chứ. Chết xong rồi thì muốn chôn ở đâu chẳng được!

Thế còn tại sao phụ nữ có chồng lại mập? WHY ARE MANY MARRIED WOMEN FAT?

LÃM THÚY

Tại vì ăn cơm chung, ăn có cặp vui hơn. Vui hơn nên ăn nhiều hơn và vì thế nên mập ra phải không QA?

BBT

Không phải. A SINGLE WOMAN SEES THE FRIDGE AND GOES TO BED.

QA

Người phụ nữ độc thân ngó cái tủ lạnh, chán quá, bỏ vào giường. Không ăn nên không mập. Đúng không thưa anh? Phụ nữ có chồng thì hai người nấu nướng ăn với nhau nên mập . Chắc vậy.

BBT

Cô chỉ đúng một nửa A SINGLE WOMAN SEES THE FRIDGE AND GOES TO BED.

LÃM THÚY

Thế còn A MARRIED WOMAN thì làm gì?

BBT

A MARRIED WOMAN SEES WHAT IS IN BED AND GOES TO THE FRIDGE là người phụ nữ có chồng, đứng ngó vào cái giường thấy có một sinh vật nằm trên giường đang ngáy vang ầm như sấm, chán quá, xuống bếp mở tủ lạnh lôi tất cả các thứ ra ngồi ăn cho bõ ghét thì phải mập chứ.

QA

Nói chuyện đàn ông đàn bà mà không kể chuyện này thì chưa đủ. Trong một lớp Anh Ngữ, có người viết câu này lên bảng: WOMAN WITHOUT HER MAN IS NOTHING. Ông thầy yêu cầu các học viên sửa lại một chút cho ý nghĩa mạnh hơn. Một nam học viên lên bảng, thêm vào đó hai dấu PHẨY, hai cái COMMAS để thành: WOMAN, WITHOUT HER MAN, IS NOTHING . Chàng đắc ý lắm, vì câu mới nghe mạnh hơn: đàn bà, không có người đàn ông của mình, thì không là gì cả. Lập tức, một nữ học viên lên sửa lại bằng một dấu than (EXCLAMATION MARK) và một dấu phẩy (COMMA) để thành WOMAN! WITHOUT HER, MAN IS NOTHING.

BBT

Hay tuyệt. Đàn bà! Không có nàng, thì đàn ông không là cái gì hết. Câu này cũng như một câu tiếng Pháp chúng tôi được một ông thầy dậy cho ở trung học. Xin dịch sang tiếng Anh : THE HEADMASTER SAID THE TEACHER IS STUPID. Nếu đánh dấu phẩy vào sau HEADMASTER và sau TEACHER thì sẽ thành THE HEADMASTER, SAID THE TEACHER, IS STUPID.

Câu đầu là ông hiệu trưởng nói ông thầy không thông minh lắm. Câu sau ý nghĩa đổi hẳn để thành ông hiệu trưởng bị ông thầy coi là không thông minh.

LÃM THÚY

Mấy câu này chắc sẽ làm cho mấy ông không vui: A WOMAN I KNOW LOVES ANIMALS. SHE HAS MINKS ON HER BACK, A JAGUAR IN HER GARAGE. A TIGER IN HER BED, AND A JACKASS TO PAY FOR THEM: Bà ấy yêu thú vật lắm. Trên lưng bà có chiếc áo lông chồn. Trong garage có chiếc Jaguar. Trên giường ngủ có con cọp. Và một con lừa ngu ngốc để thanh toán tiền bạc cho tất cả những thứ ấy.

BBT

Nói chuyện thú vật thì đây là một chuyện liên quan đến thú vật nhưng lại xẩy ra giữa một người Mỹ và một người Pháp. Ông người Pháp không nói được tiếng Mỹ. Ông Mỹ thì cũng chê tiếng Pháp. Hai người gặp nhau trong một quán nước. Ông Mỹ vừa được bồi mang đến cho một ly bia. Ông sắp cầm lên uống thì ông Pháp trông thấy con kiến đang bơi trong ly bia. Ông muốn chỉ cho ông Mỹ thấy con kiến. Nhưng ông không biết tiếng Anh gọi con kiến là gì. Ông đành phải dùng tiếng Pháp vậy. Ông nói : "FOURMI! FOURMI!" Ông Mỹ không biết tiếng Pháp nên không hiểu ông Tây cảnh cáo là có con kiến. Ông tưởng ông Tây nói ly bia đó là của ông và đáp: "NO…NO… NOT FOR YOU, FOR ME!" Ông Tây vẫn muốn cảnh cáo ông Mỹ nên tiếp tục nói "FOURMI! FOURMI!" Sau hai ba lần như thế, ông Mỹ tức quá, đấm cho ông Tây một quả vào mặt. Ông Tây đau quá, bèn bỏ chạy mất. Sau đó có người giảng cho ông Mỹ biết lòng tốt của ông Tây. Ông Mỹ ân hận quá chừng. Hôm sau, ông Mỹ lại ra quán chờ ông Tây đến để xin lỗi. Vừa trông thấy ông Tây, ông Mỹ liền vẫy tay ra hiệu và nói lớn về phía ông Tây: "COME HERE! COME HERE!" Ông Tây không hiểu tiếng Anh lại tưởng ông Mỹ dụ đến gần để tặng thêm quả đấm nữa nên xua tay và nói nhanh, vừa nói vừa chạy ra cửa: " NON…NON…PAS COMME HIER!"

Bài học Anh ngữ thứ 80 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television xin tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.