June 3, 2010

June 4, 2010

HTML clipboard

Ngày 31 tháng 5 năm 2010


Bạn ta,

Lâm Ngữ Đường
林語堂
Linyutang.jpg
Ảnh của Carl Van Vechten, năm 1939

Trong cuốn Sinh Hoạt Ðích Nghệ Thuật (The Importance of Living), Lâm Ngữ Ðường có vẻ chê người Mỹ làm việc quá nhiều, không biết hưởng cái thú nhàn tản thung dung như người Trung Hoa. Sống nhàn tản, theo họ Lâm, là một thứ triết lý mà người Mỹ không có.

Mà người Mỹ làm việc quả là có nhiều thực. Làm việc, với một số người Mỹ, cũng như chuyện nghiện ngập, không thể bỏ được. Từ danh từ alcoholic nghĩa là người nghiện rượu, tiếng Mỹ đẻ thêm ra một tiếng mới để chỉ những người điên cuồng về công việc như thế: workaholic.

Trái với sự tin tưởng trước kia cho rằng máy móc, kỹ thuật sẽ đem lại nhiều thì giờ cho đời sống nhàn tản, người ta sẽ bớt được số giờ ở sở làm để vui sống như Lâm Ngữ Ðường viết ở một đoạn sau, sự thực không thế.

Công việc, chính lại nhờ máy móc, kỹ thuật, theo con người về tận nhà. Lúc đầu là những cái beeper, rồi đến cái máy fax, cái máy điện toán có modem để telecommute giúp người ta có thể ngồi nhà làm việc mà không cần vào sở, rồi đến cái laptop ôm theo bên mình, điện thoại cầm tay... Người ta có thể tan sở về nhà, nhưng không bao giờ thực sự rời cái bàn giấy và công việc sở.

Và luôn cả những lúc nghỉ ngơi, đi chơi, công việc cũng vẫn có thể theo người ta ra biển, lên núi, vào rừng... Thế nên nếu có định "ta đi vào tận rừng xanh / vớt cánh rong vàng bên suối" coi bộ cũng khó mà thoát khỏi cái cellular phone, cái beeper, những cái e-mail trong cái laptop.

Và bây giờ, là những cái iPhone có thể nhận và gửi e-mail, theo dõi giá cả thị trường, tình hình chứng khoán với bộ nhớ 32MB, chứa được 24 ngàn địa chỉ, những cái hẹn trong 20 năm, 6 ngàn công việc phải làm, 6 ngàn memo, 1600 lời nhắn.

Làm sao dùng cho hết?

Và ai là những người cần đến chúng?

Thì những workaholic chứ còn ai vào đây nữa. Ði chơi ở Jamaica, ở Cancun, ở Bali, ở Venice... nhưng cái iPhone vẫn bên cạnh, để đọc e-mail, để... làm việc, để vẫn có thể thương thuyết ký những hợp đồng vài chục triệu.

Như vậy, có nghỉ bao giờ đâu. Vui xuân không quên công việc. Người ta gọi chuyến đi đó là working vacation, vừa đi nghỉ vừa làm việc. Thế thì sung sướng nỗi gì? Liệu có được như Edward Lewis (do Richard Gere đóng) và Vivian Ward (do Julia Roberts đóng) trong phim Pretty Woman không?

Nhưng cũng có thể lắm chứ. Mà nếu được như vậy, thì những chuyến working vacation cũng đâu có đến nỗi tệ lắm.

Tôi tin là cũng có thể có những chuyến working vacation lý thú chứ không phải là không.

Tờ Asahi Shimbun ở Nhật cho biết sở thú Tokyo vừa quyết định cho Ling Ling, con gấu trúc (giant panda) đi một chuyến working vacation sang Mexico City, thủ đô của Mexico. Ling Ling sẽ đến ở chung với hai chị gấu khác ở sở thú Mexico City. Ling Ling năm nay 15 tuổi, tức là chỉ còn một thời gian rất ngắn để kiếm vài ba gấu con nối dõi tông đường trong một thế giới chỉ sót lại khoảng một ngàn con gấu trúc. Ling Ling sắp trở thành vô dụng nên sở thú Tokyo quýnh quáng tìm cách cho Ling Ling làm cha cho khỏi phí của Giời.

Có lẽ như vậy nên sở thú Tokyo không nỡ gọi đó là một chuyến đi nghỉ ngơi (vacation). Vì cũng có làm việc đấy chứ. Nên tờ Asahi dùng từ ngữ working vacation để nó về chuyến đi của gấu trúc Ling Ling.

Nếu chuyến đem chuông(?) đi đấm(?) xứ người thành công, thì Tokyo chỉ xin một con gấu trúc nhỏ, còn bao nhiêu, Mexico giữ hết.

Ai bảo không thể trộn business (công việc) với pleasure (lạc thú) được?

Những người nghĩ như thế chắc chắn chưa bao giờ là gấu trúc. Nhưng cũng tội, cuối đời rồi mà còn phải đối phó với hai chị nổi tiếng là hỗn (như gấu) thì cũng vất vả chứ không chơi đâu. Thế nên cứ tối tối về nằm nhìn cái trần nhà yêu dấu chưa chắc đã là khổ như bạn tôi vẫn than thở.


Ngày 1 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Sáng nay, tôi đọc được một bài báo khá lý thú. Một hình vẽ đi kèm để minh họa cho nội dung bài báo. Và chính vì bức vẽ đó mà tôi đọc tiếp.

Bức vẽ có hình một người mặc quần lót, áo maillot, đứng trên một chiếc sofa, hai tay đang như chơi một cây ghi ta, mà người Mỹ gọi là air guitar, một cây ghi ta tưởng tượng, như chúng ta vẫn làm khi nhìn The Beatles hát bài I Saw Her Standing There, trong những lúc ngó trước sau không thấy ai, như những lúc đứng hát trong buồng tắm chẳng hạn.

Phía trước người này là chiếc TV, một hộp cereal nắp còn mở ở cạnh. Trên chiếc bàn gần đó, là mấy hộp giấy đựng cơm Tầu, còn nguyên một đôi đũa cắm ở trong. Dưới đất, là một lon bia đổ ướt một chỗ trên thảm, cạnh chiếc điện thoại cầm tay, và phía bên kia là một thùng sách, mấy cuốn sách nằm la liệt trên sàn nhà.

Bức vẽ sinh vật quái dị đó được dùng để minh họa cho bài viết về những người sống một mình, không vợ chồng con cái, mà những người như thế chiếm 1/4 những người trưởng thành ở nước Mỹ, và lần đầu tiên, thành phần này đông đảo hơn những cặp vợ chồng ở với con cái.

Tác giả bài báo có vẻ không ưa những người sống cuộc đời như vậy. Ông vẽ ra những cảnh kinh hoàng của căn nhà, căn apartment, chiếc condo mà những người này đang sống. Như ly sữa uống dở dang để trên bàn phòng khách hàng mấy ngày. Như chiếc giường bừa bộn còn nguyên dấu tích của giấc ngủ đêm trước khi chủ nhân nằm chéo góc, tờ báo đọc trước khi ngủ rơi xuống đất còn nằm nguyên ở chỗ tối hôm trước. Cuộn phim video mà nếu sống chung với một ngưồi khác hay có trẻ con bên cạnh thì chẳng bao giờ dám thuê về coi còn trong chiếc VCR. Những mảnh vụn móng tay, móng chân cắt rơi vương vãi trong buồng tắm. Những sợi tóc sót lại ở trong cái lược.

Tác giả nói rằng 1/4 tổng số những người Mỹ trên 18 tuổi sống như thế. Và bài báo vẽ tiếp những hình ảnh bi thảm về những cuộc sống của những người này. Nào là trong tủ lạnh không có thức ăn, chỉ có khoảng 12 loại bia khác nhau, cái bếp bừa bộn, đống chén bát chưa rửa còn đầy bồn, những mảnh vụn thức ăn rơi rớt trên mặt bàn ăn, đống quần áo giặt rồi nhưng chưa gấp, chưa treo vào tủ, những chiếc CD la liệt dưới đất, đĩa một nơi, vỏ một nơi, mấy cái ca vát nằm trên chiếc sofa phòng khách, quần áo lót dưới chân giường...

Người viết làm như tất cả những điều đó là những thảm họa kinh hoàng của đời sống.

Có thể ông ta chưa đọc mấy dòng này của Franz Kafka: "You do not need to leave your room. Remain sitting at your table and listen. Do not even listen, simply wait. Do not even wait, be quite still and ordinary. The world will offer itself to you. It has no choice; it will roll in ecstasy at your feet..." Bạn không cần phải ra khỏi căn phòng của bạn. Hãy ngồi nguyên ở bàn và lắng nghe. Cũng đừng lắng nghe làm gì, hãy cứ đợi. Mà cũng đừng đợi làm gì, cứ lặng yên bình thường. Thế giới sẽ đến tận nơi, dâng hiến. Thế giới không có một lựa chọn nào khác, mà sẽ hân hoan lăn đến chân bạn...

Ðóng cửa lại, căn phòng, dẫu bé và bừa bộn cách mấy, vẫn là của riêng bạn. Không một câu nói làm nản lòng người nghe như một câu trong bài Home On The Range: "... not a discouraging word."

Ðống quần áo chưa giặt, chưa gấp, chưa treo vào tủ thì đã sao? Chén bát thì tại sao không... rửa đến đâu dùng đến đó? Tại sao phải xếp lại đống CD trong khi đã biết chắc cái đĩa Nat King Cole và Barbra Streisand... nằm ở đâu? Tại sao phải chất trong tủ lạnh một thứ bia trong khi có hơn một chục thứ bầy bán ở siêu thị? Tại sao phải nằm như một cái xác chết (tẩm bất thi) như Khổng Tử rất ghét mà không nằm những kiểu nằm thoải mái nhất?

Tại sao phải dấu những cuốn báo vào những chỗ... khó tìm nhất? Tại sao chúng không được quyền nằm trên mặt bàn phòng khách?

Còn biết bao nhiêu lạc thú khác làm sao kể ra cho hết. Nhưng tác giả bài báo, ở cuối có viết một câu rất đúng, đó là những người như vậy có thể đang chờ một tiếng gõ cửa, hay cũng thừa biết người gõ cửa là ai để... không thèm đứng dậy mở cửa mời vào.

Vì lúc đó, đang maillot quần lót, ra mở cửa sao tiện?


Ngày 2 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Theo kết quả của một cuộc thăm dò mới đây, những người có cuộc sống lành lặn như bạn, mỗi năm có thể để trong trương mục tiết kiệm được khoảng một trăm ngàn Mỹ kim.

Nếu bạn không làm được việc đó, nghĩa là không tiết kiệm được số tiền trên dưới một trăm ngàn đó, thì thú thật, tôi không biết tại sao. Nhưng kết quả cuộc thăm dò thì phải đúng, phải chính xác, vì Dartmouth là một đại học danh tiếng, uy tín vào bậc nhất nước Mỹ.

Theo cuộc thăm dò này, mà kết quả tôi đọc được trong báo Time thì một cuộc hôn nhân hạnh phúc mỗi năm trị giá khoảng một trăm ngàn Mỹ kim. Cuộc thăm dò của đại học Dartmouth đưa ra con số vừa kể sau khi làm những con tính cộng, trừ, nhân, chia những khoản tiền mà những người ( ngầm hiểu là đàn ông độc thân) sống một mình phải chi tiêu để có được những hạnh phúc, sung sướng ngang bằng với những cặp hạnh phúc trong hôn nhân.

Như thế nào là hạnh phúc trong hôn nhân?

Là những người sống chung với nhau dưới một mái nhà (tháng tháng trả tiền nợ của ngân hàng cho căn nhà to hơn của vợ chồng con mẹ X gặp tại đám cưới mấy năm trước), là người chồng đi làm, ngân phiếu trả lương được chuyển thẳng vào trương mục của hai người, do người vợ kiểm soát, không thiếu một cắc, kể cả những giờ phụ trội, những giờ làm thêm, những ngày nghỉ có đi làm, những ngày nghỉ ốm có trả tiền... Là sáng đi làm, vợ cho năm đồng trong túi để ăn trưa, tối về khám túi, lại thấy có mười đồng, nghĩa là không tiêu mất năm đồng, lại có thêm năm đồng khác, bất kể có ăn hay không, ăn ở đâu, đứa nào cho năm đồng bỏ túi cho... chị nhà vui. Là mua đôi giầy, chiếc áo, cái quần... rồi về nhà nói với mẹ cháu chỉ nửa giá tiền. Là ngày nào cũng cơm nhà, quà mẹ cháu: cơm thì rẻ hơn cả cơm chỉ, cơm bình dân ở Bolsa, còn quà thì lúc nào cũng có và luôn luôn miễn phí. Là thứ bẩy, chủ nhật theo vợ đi chợ để khuân vác, đi Home Depot mua vài thứ vặt vãnh về sửa sang nhà cửa. Là không bao giờ mua sách, báo, CD nhạc cho tốn tiền, để tiền cho mẹ cháu đi mua nữ trang về đeo cho sáng nhà, lâu lâu đem lại tiệm đổi, chỉ mất tiền công, còn vàng... y nguyên, không mất đi đâu cả. Là không đi ăn tiệm, không đi xập xình, không bạn bè tụ họp...

Sống hạnh phúc như vậy, mỗi năm tiết kiệm được bao nhiêu là tiền cũng phải lắm.

Trong khi đó, những người đàn ông cơm thì không nhà (cơm homeless, theo một lối nói đầy khinh bỉ của một người bạn tôi ở đây) quà thì toàn là của người dưng nước lã nên những khoản chi cho... nước lã cũng làm thất thoát đi rất nhiều tiền bạc.

Thí dụ mời nước lã đi ăn, đi chơi, đi xập xình, quà cáp cho nước lã, lúc chai nước bông, lúc quần, lúc áo, lúc bó bông... khi trà chuyên dăm bẩy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu. Chi tiêu ở đâu, bất cứ lúc nào cũng phải nhân lên làm đôi. Rồi lại không thể chui vào những nơi rẻ tiền như những lúc đi ra ngoài với mẹ cháu như mẹ cháu đòi. Phải là những nơi chốn phồn hoa hơn, đô hội hơn mới được. Tốn kém là bởi như thế.

Nước lã tốn kém vô cùng, cho đến khi không còn là nước lã nữa thì mới hết. Lúc đó thì lại tiết kiệm theo kiểu đã mô tả ở trên.

Cuộc thăm dò của đại học Dartmouth chắc đã nêu ra những điều đó để đi đến con số tiết kiệm một trăm ngàn Mỹ kim mỗi năm nếu sống cuộc đời cuộc đời lứa đôi hạnh phúc.

Việc tiết kiệm được một trăm ngàn là việc có thể có thực. Nhưng nói rằng hai lối sống đều đem lại cùng một mức độ hạnh phúc thì chưa chắc.

Tiền chi cho Aspirine thì cả hai cách sống đều tốn kém ngang nhau. Mà đã phải uống Aspirine mỗi ngày thì làm sao có hạnh phúc được.

Duy có điều những cặp sống trong hạnh phúc hôn nhân, sau khi đọc kết quả cuộc nghiên cứu của đại học Dartmouth nên xem lại trương mục tiết kiệm ngân hàng. Nếu kết số không thình lình tăng thêm lên được một trăm ngàn Mỹ kim, thì chi tiết đó cho thấy mức độ hạnh phúc chắc cũng chẳng hơn gì những người đàn ông sống một mình thỉnh thoảng đi chơi với nước lã.


Ngày 3 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Một nữ độc giả viết thư hỏi Ann Landers trong số báo hôm nay rằng cô phải làm sao khi người chồng chưa cưới của cô cứ thỉnh thoảng lại gọi cô bằng tên người vợ cũ của chàng, và lần này, Ann Landers đã đưa ra được một câu trả lời tương đối nghe được.

Ann Landers trả lời rằng khi nào chàng gọi nàng bằng tên vợ cũ của chàng, thì nàng chỉ việc nhẹ nhàng nói rằng:" Tên em là Mildred, nhớ chứ..." Nhẹ nhàng như vậy thôi, không phải dùng đến búa tạ làm gì cho mỏi tay, nguyên văn của Ann Landers.

Nhưng thực ra, câu trả lời của Ann Landers tuy nghe được, vẫn còn thiếu hai phần.

Thứ nhất, là phải cho người phụ nữ này trả đũa một cái cho đồng đều. Không thể để cho người đàn ông dễ dàng thoát hiểm như vậy được.

Thứ hai, phải đưa ra một đề nghị cho người đàn ông để giúp ông ta tránh tái phạm những lầm lẫn chiến lược như thế trong tương lai.

Chuyện giúp nàng một câu trả đũa thì cũng dễ thôi. Khuyên nàng là chọn một lúc thuận tiện nhất, gọi chàng bằng tên người bạn trai cũ của nàng xem chàng phản ứng như thế nào. Nếu chàng mặt mũi một đống ra thì lúc ấy, kéo tay chàng ngồi xuống, chậm rãi giải thích cho chàng nghe rằng chàng bực bao nhiêu khi chàng bị gọi bằng cái tên của người đàn ông khác thì nàng cũng bực bằng ấy khi chàng gọi nàng bằng tên vợ cũ của chàng vậy. Và nếu chàng giải thích rằng chàng gọi nàng bằng tên vợ cũ vì không để ý, vì sơ ý, thì nói với chàng rằng điều chàng làm nguy hiểm hơn việc nàng làm, vì nàng thì chủ ý để chọc chàng trong khi chàng làm việc kia một cách vô thức. Việc chàng làm, như thế, nghiêm trọng hơn nhiều. Cam đoan sẽ không có lần sau nữa.

Nhưng còn người đàn ông lơ đãng kia thì ông ta phải làm gì? Nếu không thể kiếm toàn những người tên là, thí dụ, X, làm bạn, làm bồ, làm vợ, làm vợ... cũ, thì không bao giờ nên gọi những người đàn bà trong đời mình bằng tên thật của họ nếu muốn sống yên lành, không bị vợ lôi chuyện đem viết thành thư vấn kế Ann Landers.

Ðầu óc người ta không thể làm việc được như một chương trình điện toán được. Không thể cứ hỏi đáp liên tiếp những câu như trong đồ hành (flowchart) Cobol: Có đội hai bộ tóc giả không? Có dùng nước hoa Envy không? Có hai đồng tiền không? Có bôi mỗi lần một nửa hộp phấn không? Có lông nheo dài 2cm không? Có dữ không? Có hôi nách không? Có...

Ðể nếu trả lời CÓ thì tiếp sang câu hỏi khác, và KHÔNG thì theo mũi tên của flowchart đi tới câu trả lời và tùy theo câu trả lời để gọi là X hay Y. (Hay Z không chừng).

Không thể bắt đầu óc làm cái CPU của máy điện toán được. Ép nhau vừa thôi.

Vậy thì việc nên làm là đặt cho người X, Y hay Z một vài cái tên khác.

Nhưng đặt tên cũng phải khéo. Ðừng đặt những tên như "Con thiên nga lừng lững của anh" hay "Con hoàng yến nhỏ... híu của anh" cũng đừng đặt là "Con cá Koi xinh đẹp của anh"... Ðặt những tên như thế nghe thì có hay thật nhưng không phải lúc nào gọi cũng được. Thí dụ... con hoàng yến vừa xát xà bông chàng một trận nên thân thì không thể gọi... nó là "Con hoàng yến nhỏ... híu của anh" được nữa.

Nên đặt những cái tên để gọi lúc nào cũng được. Thí dụ "Con khủng long của anh" hay "Chằng lửa của anh" hay " Cọp cái đáng yêu ơi" hay "Sư tử nhu mì ơi" chẳng hạn.

Ðặt những cái tên ấy, khi hòa bình, thì chúng là những cái tên gọi thân mật theo cổ tục là đặt tên đẹp thì quỉ thần cướp đi, uổng lắm, nên phải đặt cho những cái tên xấu để quỉ thần tha mạng, cho sống tiếp đền lúc đầu bạc răng long... chứ!

Còn cũng những cái tên ấy, khi phía bên kia mắt long lên sòng sọc, tay chống nạnh, lửa và khói phì phì ra từ lỗ tai và lỗ mũi, giọng thét chát chúa thì có phải là rất giống cái tên "Con khủng long của anh" hay "Chằng lửa của anh" hay "Cọp cái đáng yêu" hay "Sư tử nhu mì" không nào?

Ðặt tên như thế, thì không thể nào lầm lẫn như người đàn ông trong thư được.

Cứ mấy cái tên ấy, gọi ai cũng trúng hết. Khỏi sợ gọi lộn. An toàn biết là bao nhiêu!


Ngày 4 tháng 6 năm 2010

Bạn ta,

Những vụ khủng bố ở New York và Washington sở dĩ xẩy ra được là vì nước Mỹ là quốc gia tôn trọng tự do của người dân tối đa, nhiều khi đi đến mức quá đáng.

Muốn xét nhà cửa, xe cộ của bất cứ ai, cảnh sát đều phải có trát của tòa. Mà trát của tòa thì không phải lúc nào cũng có sẵn. Tin tức cho hay FBI và CIA đã được mật báo về một vài cá nhân khả nghi từ nhiều ngày trước, nhưng cả hai cơ quan này vẫn không có bất cứ một biện pháp nào để ngăn chặn, bắt giữ hay kiểm soát các đương sự, khiến họ vẫn được hoàn toàn tự do đi lại hoạt động cho đến khi xẩy ra thảm họa.

Mất trộm rồi mới lo rào giậu.

Trong những ngày sắp tới, các biện pháp an ninh phi trường chắc chắn sẽ được tăng cường, gây ra không biết bao nhiêu phiền toái cho hành khách và những người sử dụng phi trường.

Vậy thì các biện pháp cũ không công hiệu hay sao? Chắc là như thế, vì nếu hữu hiệu thì làm sao các thủ phạm đưa được dao lên máy bay như trong những vụ khủng bố?

Biện pháp lục soát hành lý và hành khách phải được xét lại, các nhân viên phải được huấn luyện trở lại bởi các chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm trong việc khám xét và lục soát để đảm bảo một con ruồi bay ngang qua cũng có thể biết ngay đó là con ruồi đực hay ruồi cái. (Ðể làm gì thì không biết, nhưng hễ bay qua là biết ngay.)

Khủng bố không chỉ tìm cách mang dao kéo lên phi cơ như những hình chụp ở phi trường Los Angeles cho thấy. Tờ L.A. Times viết rằng hơn 5 ngàn vật nguy hiểm bị tịch thu trong 1 ngày từ khi phi trường được phép mở cửa hoạt động trở lại. Bức hình đi kèm bài báo cho thấy nguyên một thùng đựng toàn dao, kéo, nĩa, giũa, và các vật nhọn khác. Nhìn những con dao steak, người ta không hiểu tại sao có những người phải mang chúng theo trong người. Trong những trường hợp như thế, sở hữu chủ của các vật này phải bị đuổi khỏi máy bay lập tức.

Nhưng khủng bố còn mang theo nhiều thứ khác mà những nhân viên an ninh tay mơ không thể nào kiếm ra được. Thí dụ những số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ của các tòng phạm được viết bằng mật mã trên những tờ giấy trông rất vô tội được nhét trong gáy của những cuốn tự điển, giữa những trang của những cuốn sách mang những tựa đề hay những tên tác giả rất vô tình, như tác phẩm của các ông Võ Phiến, Huỳnh Văn Lang... Chúng chứa không biết bao nhiêu là dữ kiện của những thành phần không thân thiện nhưng lại được dấu trong những nơi chốn vô tội như thế thì cách gì nhân viên an ninh phi trường tìm ra được. Ðó, các ông ấy chứa chấp, tiếp tay cho khủng bố đấy, sao vẫn không ai động đến các ông ấy?

Thế rồi những tài liệu dấu dưới các chậu cây trong nhà, đằng sau những bức ảnh bầy trong phòng khách, trong ngăn kéo ở sở làm, dán dưới đáy những chiếc ngăn kéo, đằng sau bàn thờ Phật, phía trên cánh của những chiếc quạt trần đã lâu không vặn cho chạy, dưới thảm lót chân trong xe, dưới nắp máy xe, dưới bánh dự phòng trong thùng xe.. tất cả đều có thể là tài liệu học để lái Boeing 757 và 767 cả đấy chứ. Làm sao mà nhân viên an ninh cà chớn ở phi trường biết chỗ dấu mà tìm?

Rồi những bức hình chụp các tòng phạm (?) được dấu ngay đằng sau những bức hình của gia đình để ngờ ngờ ngay trong phòng khách, phòng ngủ... đố nhân viên phi trường cà chua nào tìm ra được.

Một cái số điện thoại nói là của một tiệm bún bò (?) nào đó có thể là ngày sinh nhật của một chị tên là Fatima hay Farah chuyên cung cấp nơi trú ẩn an toàn (safe house) cho các cậu khủng bố, làm sao an ninh kiếm ra được.

Cho nên an ninh Mỹ vẫn cần phải học hỏi rất nhiều về cách lục soát và hỏi cung của các chuyên viên này. Và nay là lúc các cộng đồng di dân, trong đó có cả cộng đồng Việt Nam, nên quay lại giúp nước Mỹ để đánh cho tiêu tùng, đánh cho nát thây bọn khủng bố ác ôn côn đồ bằng các kinh nghiệm lục soát, lùng để diệt của mình.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 77)

Bản ghi chép do LÃM THÚY thực hiện. Bài học số 77 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, tuần qua có một khán giả của chương trình muốn anh nói về EMPHATIC USE sau khi nghe một bản nhạc của The Beatles, bài LOVE, LOVE ME DO. Cách dùng này anh cũng đã có lần đề cập nhưng không chi tiết lắm. QA muốn nhờ anh nói lại. PLEASE DO TALK ABOUT IT AGAIN!

LÃM THÚY

Phải câu QA vừa nói cũng là câu EMPHATIC đó không? LOVE ME DO, hay DO LOVE ME có là một không thưa anh?

BBT

Cả hai đều đúng, đều là một. LOVE ME DO thường thấy trong thơ, nhạc. DO LOVE ME thường nghe trong ngôn ngữ hàng ngày. Nhưng trước hết, tôi sẽ nói về EMPHATIC USE trong tiếng Anh. EMPHATIC do động từ TO EMPHASIZE nghĩa là nhấn mạnh. EMPHATIC USE là cách nói với sự nhấn mạnh, với sự khẳng định ở trong để làm cho ý nghĩa của câu nói mạnh hơn.

Câu của QA nếu không cần nhấn mạnh thì chúng ta chỉ cần nói là TALK ABOUT IT. Thêm PLEASE ở đầu hay cuối câu, câu ấy không còn là một mệnh lệnh nữa. Nó mang ý nghĩa khẩn khoản để thành một lời yêu cầu. Mấy chục năm trước, hồi còn ở chung nhà với một chú bé 5 tuổi tên là Mathew, mỗi lần tôi bảo chú làm gì, chú đều khuỳnh tay nói lại với tôi : SAY PLEASE! làm tôi lại phải lễ phép giơ nắm đấm lên (?) và nói với chú với chữ PLEASE. Đó vẫn chưa phải là EMPHATIC USE. Muốn biến một câu bình thường thành một câu với ý nghĩa mạnh hơn, khẩn khoản hơn, năn nỉ hơn thì chúng ta dùng động từ TO DO. Thí dụ như câu của QA: DO TALK ABOUT IT AGAIN.

Cô Thúy, cô đang ngồi trong phòng, có tiếng gõ cửa, cô nhìn ra thấy là bạn của cô. Cô mời người bạn bước vào, có một chút vui mừng gặp lại bạn, có một chút khẩn khoản, hết lòng ở trong lời mời thì cô sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

DO COME IN. AND DO SIT DOWN.

BBT

QA muốn người bạn kể lại chuyến đi Âu châu của cô ấy, QA muốn người bạn nói về thủ đô Pháp cho nghe thì cô QA nói thế nào?

QA

DO TELL ME ABOUT YOUR TRIP TO EUROPE AND PLEASE DO TALK ABOUT YOUR WEEK IN PARIS.

BBT

Đó là EMPHATIC USE trong những lời yêu cầu. Bây giờ chúng ta quay sang những phát biểu, những DECLARATIONS . Để biến những câu phát biểu ở thì hiện tại, chúng ta thêm động từ TO DO vào trước động từ chính.

Thí dụ muốn làm cho câu I LIKE JAPANESE FOOD mạnh hơn, tôi chỉ cần thêm động từ TO DO vào trước động từ chính là động từ LIKE để thành I DO LIKE JAPANESE FOOD. Chuyện tôi thích sushi với động từ TO DO trở thành mạnh hơn, nhiều hơn. Cô Thúy cho nghe hai thí dụ dùng EMPHATIC USE coi.

LÃM THÚY

I THINK MY SON WANTS TO STUDY DENTISTRY.

Thêm TO DO vào, câu đó sẽ thành I DO THINK MY SON WANTS TO STUDY DENTISTRY hay I THINK MY SON DOES WANT TO STUDY DENTISTRY.

BBT

Cám ơn cô Thúy. Câu đầu của cô , cô nhấn mạnh vào điều tin tưởng, ý nghĩ của cô: I DO THINK… Trong câu sau, cô nhấn mạnh vào sở thích, chủ đích của chuyện học hành của con trai: MY SON DOES WANT TO STUDY DENTISTRY.

LÃM THÚY

WE PLAN TO VISIT SWITZERLAND ON THE NEXT TRIP. Dùng EMPHATIC USE, câu đó sẽ thành WE DO PLAN TO VISIT SWITZERLAND ON THE NEXT TRIP.

BBT

Bây giờ đến QA.

QA

MY BROTHER COOKS FOR HIS FAMILY EVERYDAY thành MY BROTHER DOES COOK FOR HIS FAMILY EVERYDAY.

THEY COME HOME EVERY HOLIDAY thêm TO DO vào để thành THEY DO COME HOME EVERY HOLIDAY.

BBT

Cám ơn hai cô. Đó là những câu dùng PRESENT TENSE. Chúng ta dùng PRESENT TENSE của động từ TO DO. Nhưng để nhấn mạnh vào những hành động trong quá khứ, chúng ta dùng PAST TENSE của động từ TO DO là DID.

Thí dụ HE STOPPED BY HERE YESTERDAY . Chúng ta dùng DID, PAST TENSE của TO DO để thành HE DID STOP BY HERE YESTERDAY nghĩa là anh ấy quả thực là có ghé đây hôm qua. Mời cô Thúy…

LÃM THÚY

WE TRIED TO LEAVE SAIGON ON THE LAST DAY OF APRIL 1975.

WE DID TRY TO LEAVE SAIGON ON THE LAST DAY OF APRIL 1975 nghĩa là chúng tôi quả thực đã cố ra khỏi Sài goon hôm cuối tháng Tư năm 1975.

QA

MISTER OBAMA LIVED IN INDONESIA FOR A FEW YEARS.

MISTER OBAMA DID LIVE IN INDONESIA FOR A FEW YEARS nghĩa là chuyện ông Obama ở Indonesia mấy năm là có thực.

BBT

Với các động từ khác như TO BE, CAN, MUST, MAY… chúng ta không thể dùng với TO DO để nhấn mạnh thì chúng ta dùng CERTAINLY, SURELY, ACTUALLY, AS A MATTER OF FACT, NO DOUBT vân vân. Thí dụ nói bà Clinton quả thật là một phụ nữ tài ba, chúng ta có thể thêm những từ ngữ vừa kể trên để cho ý nghĩa mạnh hơn: CERTAINLY SECRETARY CLINTON IS A VERY TALENTED WOMAN. Thay CERTAINLY bằng NO DOUBT, bằng ACTUALLY… đều được.

QA

QA có vài lần quan sát anh nói tiếng Anh, QA thấy anh hay nói THANK YOU VERY MUCH INDEED. Như vậy trạng từ INDEED cũng có thể dùng để nhấn mạnh phải không ?

BBT

Đúng vậy. Câu ấy tôi nghe lần đầu từ ông chủ nhà trọ cách đây cũng hơn 40 năm. Nghe rồi quen từ đó hễ nói cám ơn là lại lôi nó ra dùng. INDEED nghĩa là quả thực, đích thực. Nhân đây tôi cũng muốn hai cô biết câu tục ngữ khá xưa này của người Anh: A FRIEND IN NEED IS A FRIEND INDEED.

LÃM THÚY

Có phải câu anh vừa nhắc cũng cùng nghĩa với câu "Nhà khó mới biết con có hiếu" không thưa anh?

BBT

Đúng thế, lúc khốn khó mà người bạn ấy vẫn đến với chúng ta, vẫn ở bên cạnh chúng ta thì đó mới chính là người bạn đích thực của chúng ta. Nhưng tôi cũng nghe câu này nữa, câu cải biến từ câu nguyên thủy để thành A FRIEND IN NEED IS A PEST nghĩa là lúc khốn khó mà ông bạn cứ bám lấy mình thì ông ấy chính là của nợ. Hệt như người Việt cũng hay sửa tục ngữ để đùa giỡn như Gần mực thì đen, gần đèn thì nóngTrăm năm bia đá thì mòn, bia hơi cũng hết, chỉ còn bia ôm

Bây giờ qua một cách nhấn mạnh khác. Với cách này, ý nghĩa của những chữ như WHEN, WHERE, WHICH, WHO, HOW, WHAT đều được làm cho mạnh hơn khá nhiều.

QA

QA đoán thử có đúng không. QA học của lũ con đây. QA thấy chúng nó thêm cái đuôi EVER vào cuối để thành WHENEVER phải không thưa anh?

BBT

Đúng là như thế. EVER là bất cứ. WHENEVER là bất cứ khi nào. Thí dụ nói WHEN I NEED HIM, HE IS HERE nghĩa là khi nào tôi cần là có anh ấy giúp . Thêm EVER vào, chúng ta có WHENEVER I NEED HIM, HE IS HERE . WHENEVER đồng nghĩa với AT ANY TIME là bất cứ lúc nào, đêm hôm khuya khoắt hay sáng sớm tinh sương hay trưa hè nắng đổ, giữa cơn bão tuyết… cần là anh ấy đến giúp ngay. Cô Thúy cho nghe hai thí dụ với WHEREVER và WHOEVER…

LÃM THÚY

WHEREVER YOU GO, PLEASE ALLOW ME TO GO WITH YOU. I WILL BEAR HUNGER AND COLD WITHOUT COMPLAINING.

THE TOAD IS THE UNCLE OF GOD. WHOEVER HARMS HIM WILL BE PUNISHED BY GOD.

BBT

Hay lắm … chàng ơi cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam … con cóc là cậu ông Trời, ai mà đánh nó thì Trời đánh cho…Còn cô QA, làm thử hai câu với HOWEVER và WHATEVER coi.

QA

MY MOTHER BELIEVES WHATEVER MY BROTHER SAYS.

HOWEVER LATE YOU MAY BE, PLEASE CALL HOME.

BBT

Như vậy là tạm đủ về EMPHATIC USE. Chuyển qua một câu hỏi tôi nhận được qua e-mail. Thư của ông độc giả này nhờ nêu ra những khác biệt trong cách dùng của ALMOST, MOST.

ALMOST là trạng từ (ADVERB) nghĩa là gần, suýt nữa, chỉ còn chút xíu nữa thì vân vân. Chúng ta dùng ALMOST với một động từ. Thí dụ HE ALMOST HAD AN ACCIDENT. Cô QA cho nghe một thí dụ với ALMOST coi.

QA

THEY ALMOST WENT TO CANADA IN 1975 tức là suýt nữa họ đã đi Canada nhưng họ đã không đi.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

THE US ALMOST CAUGHT OSAMA BIN LADEN SEVERAL TIMES nghĩa là Hoa kỳ suýt bắt được Osama Bin Laden mấy lần.

BBT

Vì ALMOST là một ADVERB nên chúng ta dùng nó với một động từ để phụ nghĩa cho động từ đó như hai thí dụ của Thúy và QA vừa đưa ra. Nhưng chúng ta biết là ADVERB, trạng từ cũng được dùng để phụ nghĩa cho ADJECTIVE, tĩnh từ. Thí dụ IT IS ALMOST DARK WHEN WE GOT HOME nghĩa là trời đã gần tối khi chúng tôi về đến nhà. DARK là tĩnh từ. ALMOST là trạng từ phụ nghĩa cho tĩnh từ DARK. Cô Thúy cho nghe một thí dụ với ALMOST phụ nghĩa cho một tĩnh từ coi.

LÃM THÚY

I WAS ALMOST LATE FOR THE DENTIST APPOINTMENT là tôi suýt nữa thì đã không đến đúng giờ hẹn với nha sĩ. LATE là tĩnh từ.

QA

MY BROTHER WAS ALMOST RIGHT ABOUT THE ECONOMY là anh tôi gần đúng khi tiên đoán về kinh tế.

BBT

Đúng. RIGHT là tĩnh từ ALMOST phụ nghĩa cho RIGHT. ALMOST đồng nghĩa với NOT QUITE là chưa hẳn và cũng tương đương với NEARLY là gần.

Trong khi đó, MOST là Adjective, là so sánh hơn nhất, cao nhất của MANY và MUCH. MANY dùng với danh từ đếm được (COUNTABLE NOUNS). MUCH dùng với danh từ không đếm được (UNCOUNTABLE NOUNS) Cả hai đều nghĩa là nhiều. Nhiều hơn là MORE. Nhiều nhất, gần hết, hầu hết là MOST. Sau MOST chúng ta dùng một danh từ. Thí dụ NOWADAYS, MOST VIETNAMESE IN VIETNAM DO NOT CARE ABOUT COMMUNISM là ngày nay, hầu hết người Việt không coi Cộng Sản là gì nữa.

Mời cô Lãm Thúy…

LÃM THÚY

MOST PEOPLE IN OUR NEIGHBORHOOD ARE GONE AFTER 1975.

BBT

Còn cô QA?

QA

MOST AMERICANS SPEAK ENGLISH.

BBT

MOST cũng giống hệt như ALMOST ALL. MOST là tĩnh từ. ALMOST là trạng từ phụ nghĩa cho tĩnh từ ALL. Cả hai đều có nghĩa là gần hết, hầu hết. Do đó câu của Thúy có thể nói là ALMOST ALL PEOPLE IN MY NEIGHBORHOOD ARE GONE AFTER 1975 và câu của QA có thể đổi thành ALMOST ALL AMERICANS SPEAK ENGLISH.

MOST cũng đồng nghĩa với MOST OF nên người ta cũng có thể nói MOST OF US, MOST OF THEM, MOST OF MY TIME, MOST OF THE MONEY ….

QA

Nhưng thưa anh, trong bài DIANA của Paul Anka có câu OH MY DARLING YOU’RE THE MOST thì THE MOST nghĩa là gì?

BBT

THE MOST là tiếng lóng nghĩa là nhất, hay nhất, đẹp nhất, tốt nhất, lớn nhất. OH MY DARLING YOU’RE THE MOST nghĩa là em cưng ơi, em là số một.

LÃM THÚY

Gần hết giờ, Thúy muốn hỏi anh mấy câu này: BEATS ME! nghĩa là gì?

BBT

BEATS ME! là tôi chịu thua. Nhớ khi nói phải lắc đầu, mắt hơi trợn lên một chút.

LÃM THÚY

Thế còn THAT SERVES YOU WELL! là gì?

BBT

THAT SERVES YOU WELL! hay YOU DESERVE IT! đều có nghĩa là đáng đời nhà ông …

QA

Còn SUITS ME! thì nghĩa là gì thưa anh?

BBT

SUITS ME! là tôi đồng ý. Thí dụ YOU WANT TO GO HOME? SUITS ME!

QA

Và với sự đồng ý đó, bài học Anh ngữ thứ 77 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television cũng xin tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.