Ngày 24 tháng 5 năm 2010
Bạn ta,
Thì cùng là hối thúc cả, nhưng câu của nhà thơ tiền chiến (... mau lên nhé, vội vàng lên với nhé...) nghe không khẩn trương, thúc bách bằng câu "yêu nhau đi, chiều hôm tới rồi".
Câu này xuất xứ ở đâu tôi chịu không thể nói chắc được nhưng rất nhiều người đã nghe, đã biết, và đọc nó lên ít nhất cũng phải một lần trong đời.
Tưởng tượng hai bên cứ loay hoay mãi mà chưa đi đến đâu, trong khi có cánh rong vàng bên suối vẫn chưa đưa được người em bé bỏng vào ngắt (cánh rong vàng?) mà trời thì chiều đến nơi, thì giờ không còn bao nhiêu nữa.
Chiều hôm lỡ chuyến thì làm sao.
Nhưng nói như một người tôi quen, chuyện tình cảm chứ có phải mì ăn liền 5 phút có ngay đâu mà nhắng lên như thế.
Ðó là hồi xưa, khi chúng ta còn có nhiều thì giờ hơn bây giờ.
Bây giờ, chiều đang lấp ló, mặt trời còn cách mặt biển có một gang tay như hôm tôi và bạn cùng đứng ngắm ở San Diego. Ngậm ngùi biết là bao nhiêu. Ngày sắp qua không bao giờ lấy lại, tìm lại được thời gian đã mất như Marcel Proust đã cố gắng làm.
Mới đây, mở đọc trang rao vặt một nhật báo Việt ngữ, tôi tin là mì ăn liền đã lấn sang rất nhiều lãnh vực trong cái xã hội sống vội vã này. Ðã có fast food restaurant bán thức ăn ăn nhanh, đã có mì gói trong vòng 5 phút đã tiệc tùng thịnh soạn cho những người trai cao niên xa quê hương nhớ mẹ hiền thì tại sao lại không thể "yêu nhau đi, chiều hôm tới rồi"?
Một đoạn rao vặt nhỏ của tờ báo này đã cho những người trai cao niên đó biết bao nhiêu là can đảm và tin tưởng vào đời sống rất ít thì giờ này.
Rao vặt này chắc chắn là để cạnh tranh với mì ăn liền hiệu hai con cua về thời gian cần thiết để thiết lập một quan hệ mà thường là phải sau khá nhiều bữa mì gói mới làm được. Ðó là trong thời gian 5 phút, cơ sở đăng rao vặt này sẽ giúp các thân chủ làm được công việc đó.
Và đây là nguyên văn: "Tìm bạn 4 phương trong 5 phút".
Như thế, "từ tôi phút trước sang tôi phút này" sẽ có thể có bao nhiêu là thay đổi nhờ dịch vụ tìm bạn này.Từ một hoàn cảnh không có con ma nào thèm làm bạn, các thân chủ của dịch vụ này sẽ không còn phải sống một cuộc đời nhàm chán nữa. Trong có 10 phút, cuộc sống sẽ huy hoàng tốt đẹp bội phần: 5 phút để nấu tô mì gói, sau đó, 5 phút có ngay người bạn bốn phương xấu đẹp tùy người đối diện, yêu mầu trắng, thích mầu tím, mê nhạc họ Trịnh, thích dạo biển, tính nhõng nhẽo, ưa đi shop, giỏi nội trợ, khâu vá, bánh trái, không tứ đổ tường(?), vui vẻ, hoạt bát, thích chìu (?) và chìu (?) lại... ngồi lù lù bên cạnh chia xẻ thương đau, buồn vui, cùng nhau tâm sự, học hỏi, chỉ dẫn cho nhau trên bước đường tị nạn, nếu hợp sẽ tiến xa hơn...
Ôi, còn gì vui bằng.
Người ta sẽ đỡ phải qua bao nhiêu cây cầu đắng cay, vượt qua bao nhiêu cuộc phục kích, bao nhiêu kịch bản (?) phải đóng những vai công tử nhà giầu, học hết chương trình cử nhân(?) thì phá ngang ra đi làm, vai con nhà lành, chưa sửa sắc đẹp bao giờ, mũi cao là nhờ cha mẹ cho, chân rặt giống Giao Chỉ, không bao giờ cạo sửa ngày tháng trong khai sinh như Zsa Zsa Gabor, khoe nhắng lên rằng mẹ em ngày xưa là hoa khôi phố Hàng Bông, Hàng Ðào mà em thì lại chẳng giống ông cụ chút nào thế mới là tức cái mình chứ lị... vân vân.
Cuộc sống sẽ bớt phức tạp và nhăng nhố đi biết là bao nhiêu.
Sẽ không phải mời nàng đi cơm Tây rượu chát năm bẩy lần để về nhà chay tịnh mì hai con cua, mì Ðại Hàn kim chi cay lè lưỡi mà "sầu trong dạ vẫn(?) mang mang" vì chưa đi đến đâu (đâu là chỗ nào hè?) hết trơn.
Hôm nay, trong phụ trang Southern California Living của tờ L.A. Times có một bài viết, theo đó, sau những vụ khủng bố ở New York và Washington, một số đông đảo, vì nhìn thấy sự mong manh, nay còn, mai mất của đời sống, đang quay sang với... mì ăn liền.
Một thành ngữ mới -- terror sex -- vừa xuất hiện trong ngôn ngữ của người Mỹ. Thành ngữ này cũng tương tự như end of the world sex. Tình yêu khủng bố, tình yêu tận thế.
Nhưng những cách nói ấy thì cũng chỉ là "yêu nhau đi, chiều hôm tới rồi" mà thôi. Lối nói ấy, chúng ta dùng đã từ bao nhiêu lâu nay, lại còn đầy chất thơ hơn nữa chứ.
Tuy vậy, cách nói của người Mỹ có hay hơn, vì sự hăm dọa tiềm ẩn ngay trong câu nói: "Này... hôm nay tới cữ rồi đó nghe ông già... Còn nhớ mấy vụ khủng bố ở New York và Washington không? Coi chừng mai không có mà xài đó à nha! "
Ăn nói như thế mà chưa bị gọi là khủng bố thì oan cho Osama Bin Laden biết là chừng nào.
Ngày 25 tháng 5 năm 2010
Bạn ta,
Nước Mỹ thỉnh thoảng lại cuống cuồng lên vì một vài chuyện nghĩ lại thì đúng là không đâu vào đâu cả.
Thí dụ thái độ cuống cuồng lên về bệnh than chẳng hạn.
Bệnh than, còn gọi là thán thư, đã xuất hiện từ rất lâu và số người mắc bệnh này không phải là ít. Ngó chung quanh người ta thấy ngay trong nhà, hay trong số những người quen biết chung quanh, gần như ai cũng mắc bệnh này thì phải.
Bệnh không gây chết người nhưng có thể đem lại những hậu quả tâm lý vô cùng khốc hại nơi những người sống gần bên hay có những tiếp xúc lâu dài với người bệnh.
Ảnh hưởng của bệnh ở những người phải ở gần người bệnh về mặt tâm lý thường là trạng thái bần thần, buồn nản, thất vọng, u sầu, chán chường, không còn bất cứ một tha thiết nào với đời sống nữa, ý chí muốn sống hoàn toàn từ bỏ những người này.
Ảnh hưởng về mặt sinh lý nơi những người ở cạnh hay có tiếp xúc với những người bị bệnh than là một sự mệt mỏi toàn diện thể xác, tứ chi rã rời, tai ù, miệng đắng và khô đắng, chỉ muốn mở cửa tung chạy ra ngoài.
Bệnh thường phát ra vào buổi tối, có khi khuya khoắt, nửa đêm về sáng. Lúc bệnh phát, bao giờ người bệnh cũng bắt đầu bằng mấy câu để gọi ông Trời, thí dụ như "Ối Trời ơi, sao mà tôi khổ thế này, sao ông Trời không cho tôi chết đi cho rảnh nợ..." làm như bệnh đã trở thành hết thuốc chữa, chỉ còn đợi ngày ra nghĩa địa.
Tiếp theo, là những kể lể không sót bất cứ một chi tiết nhỏ nào về những chuyện tưởng như đã chìm lấp vào lịch sử của mấy chục năm nội chiến. Tất cả những điều mà người bệnh cho là đã gây khổ đau, phiền não cho người bệnh đều được nhà chép sử lôi ra biên chép đầy đủ, chú thích cẩn thận với phần thư mục sách đọc thêm, các sử liệu hết trang này sang trang khác tưởng như không bao giờ hết.
Những quen biết đã chấm dứt từ nhiều năm nay đều được đem ra làm mới lại, quan hệ được tái thiết lập giữa hai người không còn thấy nhau từ rất nhiều năm để những kể lể có thêm tài liệu dẫn chứng, những lời buộc tội khó gỡ hơn. Những chuyện bé được xé ra to, để những cáo buộc trầm trọng thêm.
Nhưng nhiều nhất vẫn là những lời phàn nàn, ta thán về đủ mọi người chung quanh. Ðàn ông, phụ nữ, già trẻ lớn bé... tất cả đều bị gán cho đủ các thứ tội kinh khủng nhất trên đời, nào nhà quê, nào thất học, cà chua và cà chớn... rồi thòng câu "vậy mà chúng nó vẫn còn được đối xử tử tế hơn tôi (bệnh nhân của bệnh than)..."
Bệnh nhân cũng lại mang những điều ấy đem đi nói cùng khắp, tạo cho mình hình ảnh của nạn nhân khủng khiếp của những đàn áp, những trù giập, những vi phạm nhân quyền không cách gì tưởng tượng ra nổi.
Bệnh than này, chúng ta thấy rất nhiều mà có bao giờ chúng ta hốt hoảng như nước Mỹ hiện nay đâu. Bệnh than chúng ta quan sát lâu nay không hề được truyền qua những chiếc phong bì gói anthrax bao giờ. Bệnh cứ tự phát, chẳng cần lây từ bất cứ ai truyền qua.
Người sống cạnh lúc nào cũng như ôm cái hồ... Than Thở ở Ðà Lạt, cả ngày cả đêm nghe than van không lúc nào dứt. Lúc khác thì cứ hệt như đang đi đụng phải ông Trần Khánh Dư vừa bị vua Trần Nhân Tôn lột chức, đuổi về Chí Linh Hải Dương, vừa đi vừa ngâm nga:
"Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng "Chi đấy?" gửi rằng "Than!"... "
Gì chứ bệnh than chúng ta có từ bao nhiêu lâu nay có chết ông Ả Rập nào đâu?
Than lắm chúng tôi bịt tai, bịt mắt, bịt miệng, không nghe than, không nhìn than, không... than là hết chứ gì!
Ngày 26 tháng 5 năm 2010
Bạn ta,
Mấy năm trước, khi còn ở Virginia, trong một buổi đi garage sale sáng thứ bẩy, tôi tìm được một bình hương rất đẹp, mà thoạt trông qua tôi cũng biết ngay quê quán của nó là ở đâu.
Làm sao nó lưu lạc sang tận nước Mỹ rồi sáng hôm đó được đưa ra nằm cạnh những chổi cùn, rế rách của gia đình nọ? Nó đã nằm dưới cái basement ẩm thấp đó trong bao nhiêu năm để cuối cùng được đưa ra hưởng chút nắng mặt trời mùa hạ Bắc Mỹ? Ðời sống trước đây của nó như thế nào, nó từ cái bàn thờ nào, nó có nhớ mùi hương từng một thời thân thiết không?
Chủ nó thấy tôi cầm lên, đoán ngay tôi là người Việt, và câu chuyện sau đó với ông kéo dài gần nửa tiếng, tôi tìm đủ mọi cách để dứt mà không được. Ông ta có vẻ lâu ngày không được nghe nhắc vài ba địa danh ông đã đi qua và gửi lại một cái chân hồi trước năm 1968. Ông mặc quần áo trận của tiểu đoàn 5 trung đoàn 3 thuộc Sư Ðoàn 1 Không Kỵ, khoe nói được vài câu chửi thề tục tĩu lơ lớ bằng tiếng Việt, học ở đâu thì tôi cũng mường tượng ngay ra được. Cuối cùng ông nhất định tặng không tôi cái bình hương mà ông tâm nguyện từ mấy chục năm qua là sẽ đưa lại cho một người Việt Nam để đem gửi lại ngôi chùa cũ. Mặc dù tôi nói rằng có lẽ không bao giờ tôi kiếm lại được ngôi chùa ở miền Trung, ông vẫn bắt tôi cầm về. Ông cho biết kiếm được nó ở đó, nhưng trong trường hợp và hoàn cảnh nào thì không chịu nói rõ.
Tôi mang về nhà, thỉnh thoảng vẫn thắc mắc vài ba điều về nó và từ đó, nó vẫn nằm trên kệ sách của tôi.
Mấy chục thùng sách vở và đồ "tế nhuyễn" của tôi sau chuyeán doïn nhaø, khi mở ra, thì đà trâm gẫy, bình rơi bao giờ... Thực ra, trâm thì không có để mà gẫy, nhưng bình hương thì bị tung quăng ném quật, đã vỡ thành năm, sáu mảnh.
Tuy thế, chỉ một tuýp Crazy Glue là... bình vỡ lại lành. Nó lại trở về chỗ đứng cũ trên tủ sách của tôi.
Và hôm qua, tình cờ, trong khi xếp lại đống sách vở, tôi đọc được bài thơ của William D. Ehrhart trong tập thơ nhan đề Beautiful Wreckage mà một người bạn cho tôi mấy năm trước. William D. Ehrhart, một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, thơ không hay lắm, nhưng mỗi bài thơ của ông là một câu truyện nhỏ, có đầu, có kết, viết bằng thứ ngôn ngữ bình dị như những đoạn nhật ký ngắn. Tôi đọc bài thơ này, và tự nhiên thấy nó trả lời được cho tôi những thắc mắc về cái bình hương đó:
Souvenirs
"Bring me back a souvenir," the captain called.
"Sure thing," I shouted back above the amtrac's roar.
Later that day,
the column halted.
we found a Buddhist temple by the trail.
Combing through a nearby wood,
we found a heavy log as well.
It must have taken more than half an hour,
but at last we battered in
the concrete walls so badly
that the roof collapsed.
Before it did,
I took two painted vases
Buddhists used for burning incense.
One vase I kept,
and one I offered proudly to the captain.
Kỷ Niệm
Ðại úy bảo tôi kiếm món quà
Ðể làm kỷ niệm chuyến đi xa
Ðoàn xe ngừng lại bên đường cái
Thấp thoáng sau rừng một mái chùa
Toán quân đổ xuống súng như mưa
Nửa tiếng sau, mãi đến xế trưa
Chúng tôi mới tiến vào sân trước
Thì pháo làm tan mất mái chùa
Dưới đống gạch tan nát khói bay
Là hai chiếc bình của ông thầy
Chắc xưa để cắm hương thờ Phật
Tôi lấy một, cho đại úy chiếc này
Bây giờ, cái bình hương của tôi đã có tiểu sử. Hay cứ tạm coi như vậy. Bề nào thì nó cũng không bao giờ có thể trở về ngôi chùa cũ. Mà có về, đơn lẻ như vậy thì về làm gì nữa...
Ngày 27 tháng 5 năm 2010
Bạn ta,
Hơn maáy chuïc năm trước, sau cố gắng làm hai quả ốp la không đi tới đâu, tôi bỏ hẳn mọi nỗ lực trở lại cái bếp.
Hai quả trứng cháy đen dính chặt vào lòng chảo, cậy cách nào cũng không ra, nên mặc dầu sau đó được bầy cho cách tráng lòng chảo trước bằng một lớp Spam, tôi vẫn không thử vào bếp thêm một lần nào nữa.
Rồi những loại nồi soong có tráng teflon để không làm dính đồ ăn cũng không kéo được thiên tài nấu bếp trở lại với bếp nước mặc dầu nó có thể giúp tránh những thảm họa như lần thử làm đĩa ốp la đầu tiên và duy nhất trong đời.
Những ứng dụng của chất teflon không dừng ở đó, mà còn được đem dùng để giúp tránh mọi hình thức... dính dáng ở những nơi khác nữa.
Như trên người (?) của ông Clinton chẳng hạn. Có lẽ vì ông Clinton được tráng teflon, nên không có gì bám hay dính được vào người ông, và lần nào ông cũng thoát hiểm như mọi người đều đã thấy. Ông được báo chí gọi là tổng thống teflon không phải là không có lý do.
Mới đây, teflon còn được đem dùng trong lãnh vực thời trang, may mặc như ở những bộ veste của Ted Baker, một công ty sản xuất quần áo của Anh vừa xuất cảng sang Mỹ các sản phẩm của họ. Những bộ suit, những chiếc tuxedo của Ted Baker được đảm bảo là không gì có thể dính vào, làm hỏng được nhờ có tráng một lớp teflon.
Tưởng tượng không bao giờ còn phải nhìn thấy cảnh các chàng rút khăn tay ra, lau hay phủi bụi trước khi ghé ngồi xuống như các tay chơi rẻ tiền trước đây ( sợ dơ bộ đồ vía, coi cái đít quần hơn giai nhân trước mặt), những người đàn ông mặc bộ suit của Ted Baker bạ đâu cũng có thể ngồi ngay xuống, lết trên đất, quì gối để tỏ tình thì còn gì lãng mạn và cảm động cho bằng.
Với giá $625, chắc chắn những bộ quần áo teflon của Ted Baker sẽ bán rất chạy trong dịp lễ cuối năm này.
Những bộ suit này còn được đặt cho cái tên là Party Animal, như một cam kết là ở party, đồ ăn thức uống có lỡ đổ vào cũng không làm hư quần áo, tốn tiền giặt khô chưa chắc đã hết, mà còn có thể ngăn ngừa được bao nhiêu chuyện khác, chẳng cứ chỉ là những ly Bloody Mary hay mấy miếng roast beef, vài tảng mỡ cừu mà thôi.
Những bộ quần áo teflon còn có thể tạo một cảm tưởng rất an toàn cho những giọng hát trên sân khấu. Những thứ mà khán thính giả ngồi dưới ném lên sân khấu nhắm vào người hát để bầy tỏ thái độ không thân thiện với giọng hát sẽ không tiếp tục ở lại trên các bộ quần áo có chất teflon. Chỉ cần phủi nhẹ, các giọng hát này sẽ có thể tiếp tục đứng trên sân khấu hát cho đủ quota ( 3 hay 4 bài) để trừng phạt khán thính giả cho bõ ghét mà không sợ quần áo giữ lại các vết tích của lập trường phản đối tỏ bầy với giọng hát của mình.
Tương tự, các tác giả ra mắt sách, rất nhiều người, cũng sẽ thấy an taâm hơn khi mặc những thứ quần áo có teflon. Ngoại trừ trường hợp những giọng ca hay các nhà văn, nhà thơ e ngại các lời xưng tụng, ngợi khen hiếm hoi đụng phải teflon cũng như nước đổ đầu vịt, nước đổ lá khoai, trôi tuồn tuột xuống cống hết, không còn gì mang về nhà hăm dọa mẹ cháu thì mới không ưa teflon.
Nhưng nếu những lời ngợi khen đụng phải teflon lập tức trôi tuột đi, không bám lại được, thì những lời cằn nhằn, mè nheo, eo sèo, ỉ ôi, nhiếc móc, cũng có trôi đi không?
Nếu có thì tại sao không mua bộ... áo giáp này về mặc?
Ngày 28 tháng 5 năm 2010
Bạn ta,
Thực ra, chữ ethnic không có nghĩa xấu. Nó chỉ có nghĩa là thuộc về dân tộc, sắc tộc, hay chủng tộc. Gốc gác của nó là từ chữ ethnikos của tiếng Hy Lạp.
Nhưng càng ngày tôi càng thấy ghét nó và những người dùng nó. Chính cái cách dùng chữ ethnic của những người này đã khiến nó gợi ra toàn những điều không tốt đẹp, đầy kỳ thị.
Trong cách dùng của những người này, chữ ethnic mang theo ý nghĩa ở dưới, thấp kém, bán khai, thiếu văn minh, không cùng một trình độ văn hóa với họ. Và thường là không thuộc nước Mỹ của họ, hay không thuộc nền văn hóa chung, cùng gốc gác với họ.
Thí dụ những món ghi trong thực đơn của một tiệm ăn Ái Nhĩ Lan hay Tô Cách Lan thì không bao giờ bị gọi chung là ethnic foods cả. Vì hai dân tộc Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan gần gũi với họ hơn.
Nhưng nếu đó là món kebab của Afghanistan, của Li Băng, món xôi của Lào, món chả giò của Việt Nam, món hủ tiếu của Căm Bốt... thì lập tức chúng bị gọi chung là ethnic foods ngay. Có mù mới không thấy là các nước Afghanistan, Lào hay Việt Nam... bị họ coi là không văn minh, không cao như nước Mỹ của họ.
Mở những trang báo viết giới thiệu hay quảng cáo cho các tiệm ăn mà coi. Chúng ta thấy ngay nhan nhản những chữ ethnic đáng ghét này.
Không cùng văn minh Ango Saxon, nhưng nếu nó là món ăn họ ưa thích hay nghe nói nhiều lần, thì không bị gọi là ethnic. Thí dụ món trứng cá caviar của Nga chẳng hạn. Vừa đắt tiền, vừa sang thì làm cách nào dám gọi là ethnic food được.
Cũng thế, món sushi không bị gọi là ethnic food nữa. Lý do là làng quạng vào mấy cái sushi bar kiểu cọ một chút là bị quất tối tăm mặt mũi, bóp đựng tiền rách bươm ngay.
Nhưng hễ họ thấy là có thể coi thấp hơn họ, là họ gom lại gọi chung là ethnic hết.
Ở sở cũ tôi làm cũng có những thứ Mỹ ngu dốt, trịch thượng và tự tôn, kỳ thị như thế. Một năm hai ba lần, các xếp lớn muốn ăn chả giò mà không chịu chi tiền ngoài tiệm, các xếp bèn gợi ý tổ chức ăn Tết, ăn Giáng Sinh trong sở để mấy chị... ethnic nấu cho ăn. Thông cáo về bữa tiệc, cạnh chữ entertainments là ethnic foods.
Ý nói khách tham dự sẽ được... giúp vui bằng mấy món ăn " sắc tộc."
Tại sao không ghi rõ ra là Vietnamese Spring Rolls, Laotian Sticky Rice... mà phải là ethnic foods?
Cái lối gọi đó cho người ta thấy thái độ mất dậy và ngu xuẩn của mấy anh Mỹ già, đầu óc thuộc địa, lúc nào cũng nhìn xuống đám dân không chung gốc Anglo Saxon của mấy anh. Hỗn đến thế là cùng.
Tôi từ chối không dự những bữa tiệc trong sở từ khi đọc thấy cái thông cáo với lối dùng chữ vô giáo dục như vậy. Các chị đồng nghiệp nào cần được cất nhắc lên trật cao hơn thì cứ cong đít nấu các món ethnic foods cho mấy Mỹ già ăn. Người tự trọng phải ngồi nguyên tại bàn của mình, công khai mở chai Heinekein mang theo ra tu là cõi phúc. Nhất định không chấp nhận cái thái độ nhục mạ, kỳ thị vô giáo dục đó của mấy cậu Mỹ già.
Chữ ethnic cũng được dùng cùng với cách dùng của chữ native. Người Mỹ đến Afghanistan, gọi chung tất cả những người Tajik, Uzbek và Pashtoon là natives hết. Native là người địa phương. Nhưng bạn nghĩ lại coi: khi họ tới nước Anh, đi lên miền bắc, tới Tô Cách Lan, có bao giờ họ gọi người Tô Cách Lan là natives không? Không bao giờ. Luôn luôn là the Scots, the Scottish. Cũng thế, lên miền bắc, họ gọi người da trắng là Canadians, không hề là natives, nhưng nếu đó là người da đỏ Hurons, Crees... thì những người này lại là natives ngay.
Chữ native và ethnic, như thế, chỉ được đem dùng khi người ta muốn play daddy, tức là muốn chơi cha người khác mà thôi.
Bởi thế nên tôi ghét chúng và những bọn dùng chúng vô cùng.
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 76)
Bản ghi chép do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 76 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.
QUỲNH ANH:
Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, đây là thắc mắc của QA. Bữa nọ đứng ở trong bếp với hai cô con gái, QA lấy một cuốn sách dậy nấu ăn của Mỹ ra để làm món roast beef. Bên cạnh món roast beef, QA muốn pha gravy để đi cùng với món chính. Ðọc lời chỉ dẫn thì QA hiểu. Món roast beef rất thành công. Vậy thì thắc mắc của QA là gì? Thưa anh và Lãm Thúy, giản dị lắm. QA đọc nhẩm thì được. QA đọc thí dụ 1/3 cup thì nói tiếng Việt rất OK nhưng khi nói với hai cô con, không lẽ nói một phần ba cup. QA không biết nói 1/3 như thế nào bằng tiếng Anh. QA cũng không biết đọc những phân số trong sách toán nên QA muốn nhờ anh chỉ cho.
LÃM THÚY
Thúy cũng không biết cách đọc những con số tỉ lệ. Tuy không biết thì cũng … chưa sao cả. Nhưng sẵn có ông thầy ở đây thì phải hỏi. Không hỏi cũng … uổng.
BBT
Trước khi đi vào những thắc mắc của hai cô, xin nhắc trí nhớ của hai cô là trong Anh ngữ có hai loại số. Số đếm và số thứ tự. Số đếm là ONE, TWO, THREE…
QA
Nghe giống đánh tù tì quá. Mà người Anh có chơi trò này không thưa anh?
BBT
Có. Nhưng không gọi là oẳn tù tì hay đánh tù tì, mà là SCISSORS ROCK PAPER, nghĩa là kéo, đá thay vì búa như chúng ta nói, và giấy. Oẳn tù tì chính là ONE, TWO, THREE vậy.
Số thứ tự cho chúng ta biết một vật, một người được xếp vào thứ mấy, hạng mấy.
ORDINAL NUMBERS là những số như FIRST, SECOND, THIRD, FOURTH, FIFTH, SIXTH, SEVENTH, EIGHTH, NINTH, TENTH, ELEVENTH, TWELTH… Sau đó, cứ thêm TH vào cuối là được. Nhớ là THỨ hai mươi mốt, THỨ hai mươi hai, THỨ hai mươi ba là TWENTY FIRST, TWENTY SECOND, TWENTY THIRD… Rồi TWENTY là TWENTIETH; THIRTY là THIRTIETH; FORTY là FORTIETH; FIFTIETH…SIXTIETH ...
Bây giờ hỏi cô Thúy, giai đoạn cầm quyền của tổng thống Ngô Ðình Diệm chúng ta gọi là Ðệ Nhất Cộng Hòa. Nói tiếng Anh thì như thế nào? Tiện thể, cô cho một thí dụ về THỨ NHÌ…Rồi đến cô QA với THỨ NĂM và THỨ SÁU…
LÃM THÚY
THE FIRST REPUBLIC ENDED WHEN PRESIDENT DIEM WAS KILLED IN 1963.
THE FIRST WORLD WAR ENDED IN 1918 .
THE SECOND WORLD WAR STARTED IN 1939.
QA
THE THIRD WORLD là thế giới đệ tam, là những nước chưa phát triển phải không anh? Ðệ tứ quyền là báo chí, QA vừa gặp phải chữ này trong khi làm tin cho radio hồi tuần trước: THE FOURTH ESTATE.
BBT
Cám ơn hai cô. Có danh từ này khá lý thú: cái bánh xe thứ năm, THE FIFTH WHEEL… Ðố hai cô nó là cái gì?
LÃM THÚY
Là một vật, một người thừa, không cần thiết phải không QA?
QA
QA cũng nghĩ vậy. Cái xe có 4 bánh là đủ rồi, có thêm cái bánh thứ năm làm gì nữa. Bỏ vô thùng xe cho rồi.
LÃM THÚY
Cũng như có hai cặp đi ăn tối, nhẩy đầm với nhau. Tự nhiên thêm ông hay bà thứ năm thì có gọi đó là THE FIFTH WHEEL không thưa anh?
BBT
Có chứ. Hai cô có nghe nói giác quan thứ sáu bao giờ chưa?
QA
QA biết ngũ quan là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Còn sự nhậy cảm, nhận biết, đoán trước được những điều, những chuyện chưa diễn ra thì chắc đó là giác quan thứ sáu, THE SIXTH SENSE phải không Thúy.
LÃM THÚY
ALL WOMEN HAVE SIXTH SENSE. OUR SIXTH SENSE IS NEVER WRONG.
BBT
Như chúng ta vẫn nói là con ruồi bay ngang qua là biết ngay nó là ruồi đàn ông hay ruồi đàn bà phải không.
Trong một bài hát cổ của nước Anh, vào ngày thứ BẨY của Giáng Sinh tức là ngày mồng 1 tháng Giêng, người đàn ông trong bài hát mang cho nàng món qùa gì cô Thúy còn nhớ không nào?
LÃM THÚY
…ON THE SEVENTH DAY OF CHRISTMAS, MY TRUE LOVE SENT TO ME SEVEN SWANS A SWIMMING … Như vậy là chàng tặng nàng 7 con thiên nga.
BBT
Cô QA đi nhà thờ siêng năng lắm. Vậy hỏi cô QA lời răn chớ trộm cắp là lời răn thứ mấy?
QA
THOU SHALT NOT STEAL là THE EIGHTH COMMANDMENT
BBT
Còn thứ CHÍN có gì đáng đem ra làm thí dụ?
LÃM THÚY
Thúy chịu thua. Chắc QA cũng thế.
BBT
Hai cô nghe nhạc cổ điển thì biết CURSE OF THE NINTH nghĩa là lời nguyền rủa của hợp tấu khúc số 9. Ðây là một điều dị đoan. Người ta tin là một nhạc sĩ sau khi viết xong symphony thứ 9 thì phải chết. Ðiều đó đúng trong trường hợp của Beethoven, Schubert và Dvorak. Trường hợp của Mahler thì ông không dám đặt tên các symphony bằng số nữa, mà dùng tên. Nhưng sau khi viết xong symphony thứ 9 thì ông cũng chết. Bây giờ đến thứ mười. Mời cô QA.
QA
AN TIÊM WHO GAVE US THE WATER MELONS WAS THE SON OF KING HÙNG VƯƠNG X (THE TENTH)
BBT
Cám ơn hai cô. Nhớ 20th là TWENTIETH như TWENTIETH CENTURY; 30th là THIRTIETH…FORTIETH, FIFTIETH, ONE HUNDREDTH vân vân. Dĩ nhiên chúng ta còn POPE BENEDICT THE SIXTEENTH, QUEEN ELIZABETH THE SECOND, OLIVER BARRET THE FOURTH, KING GEORGE THE SIXTH, KING EDWARD THE EIGHTH… và chai cognac LOUIS 13th (THE THIRTEENTH) giá chỉ có 2 ngàn đô la mà thôi.
Ðó là số thứ tự. Bây giờ chúng ta qua cách đọc phân số. Một nửa, ½ là ONE HALF; 1/3 là ONE THIRD; ¼ là ONE FOURTH; 2/5 là TWO FIFTHS; 4/8 là FOUR EIGHTHS .
Lãm Thúy nhận ra được điều gì trong cách đọc phân số như ở trên?
LÃM THÚY
Thúy thấy là 4/8 thì tử số tức là số 4 thì đọc theo số đếm (CARDINAL) trong khi mẫu số là số 8 thì đọc theo số thứ tự (ORDINAL) Nếu tử số là số nhiều (HƠN 1) thì mẫu số phải có S ở cuối. Thí dụ 1/5 là ONE FIFTH. Nhưng 2/10 thì phải đọc là TWO TENTHS.
QA
QA thấy ¼ là ONE FOURTH nhưng cũng có khi là A QUARTER phải không thưa thầy? QUARTER là ¼ của một năm, là BA tháng, là QUÍ. LAST QUARTER là 3 tháng cuối năm. Còn QUARTER POUNDER là cái hamburger con trai QA phải ăn hai cái mới tạm đủ.
BBT
Cô Lãm Thúy chắc biết chữ này: Thay vì nói FIFTEEN MINUTES PAST TWO, người ta còn nói thế nào nữa?
LÃM THÚY
A QUARTER PAST TWO đúng không thưa anh?
BBT
Ðúng vậy, vì khi chia mặt đồng hồ ra làm 4 thì ¼ là 15 phút.
Nhân tiện, có chữ này hai cô cũng nên biết: FORTNIGHT. Danh từ này nghĩa là HAI TUẦN. Nguyên gốc của nó là FOURTEEN NIGHTS. FORTNIGHT là 14 ngày, là hai tuần. Nhưng chữ này ít còn có người dùng. Nói để hai cô biết thôi.
QA
Thưa anh, khi nói cách nhật thí dụ con trai QA đi tập cách nhật thì nói thế nào?
BBT
Cách nhật là EVERY OTHER DAY. Cô nói lại bằng tiếng Anh coi.
QA
MY SON GOES TO THE GYM EVERY OTHER DAY.
LÃM THÚY
Có dùng IN với ngày được không thưa anh?
BBT
Khi nói VÀO ngày nào đó thì chúng ta dùng ON. Thí dụ ON THE FIRST DAY OF THE YEAR. Hay nói VÀO ngày thứ HAI, ngày 25 tháng 12, ngày cuối cùng… chúng ta phải dùng PREPOSITION ON, giới từ ON. Cô Lãm Thúy cho nghe một thí dụ coi.
LÃM THÚY
I LIKE TO STAY HOME WITH A CUP OF COFFEE ON RAINY DAYS.
QA
I WENT WITH MY DAUGHTER ON HER FIRST DAY IN COLLEGE.
BBT
Chúng ta dùng IN khi nói về chiều dài của thời gian, mấy ngày, một ngày… Thí dụ tục ngữ Anh có câu La Mã không được xây lên trong một ngày nghĩa là công việc mất nhiều thời giờ mới hoàn thành, cũng có thể hiểu là dục tốc bất đạt, chuyện gì cũng phải từ từ mới được. Thúy nói bằng tiếng Anh coi.
LÃM THÚY
ROME WAS NOT BUILT IN A DAY.
BBT
Ngòai ra, với tháng và năm, tuần lễ … chúng ta dùng IN như IN 1975; IN DECEMBER; IN THE SECOND WEEK OF MAY. Với TODAY, YESTERDAY, TOMORROW, THE DAY AFTER TOMORROW … chúng ta KHÔNG dùng PREPOSITION IN hay ON thí dụ I WILL SEE YOU TOMORROW OR THE DAY AFTER TOMORROW.
Có một cách nói này tôi cũng muốn hai cô biết. Thí dụ hôm nay là thứ TƯ. Hai cô muốn hẹn nhau đi shop vào thứ HAI nhưng không phải là thứ HAI TUẦN TỚI mà là THỨ HAI TUẦN TỚI NỮA, nghĩa là BỎ THỨ HAI NÀY, THỨ HAI SAU ÐÓ, thì thay vì nói LET’S MEET ON MONDAY OF THE WEEK AFTER NEXT, người ta nói LET’S MEET AGAIN ON MONDAY WEEK.
Nhân nói tới PREPOSITION IN, tôi nhớ tới chuyện ông Richard Blumenthal, ứng cử viên thượng nghị sĩ Connecticut vừa bị rắc rối với chữ "IN" này. Ông kể thành tích làm việc của ông và mấy lần nói rằng I SERVED IN VIETNAM. Nhưng đối thủ của ông khui ra rằng ông không hề đi chiến trường Việt Nam bao giờ. Ông bèn chữa lại rằng ông dùng sai chữ. Thay vì nói I SEVED DURING VIETNAM (WAR) thì ông lại nói là I SERVED IN VIETNAM. Ông chữa … lửa rất khéo. DURING và IN đều có nghĩa là TRONG cả. Nhưng DURING là trong thời gian. IN vừa nghĩa là TRONG thời gian và trong không gian. I SERVED DURING VIETNAM (WAR) là tôi đã phục vụ TRONG THỜI GIAN CHIẾN TRANH VIỆT NAM. Nhưng khi nói I SERVED IN VIETNAM là tôi phục vụ TẠI Việt Nam.
QA
Còn ít phút, QA muốn anh dậy cho một vài idioms có chữ FACE ở trong. Chắc chắn là tiếng Anh có nhiều idiom với chữ này vì như anh nói, cái gì ở gần chúng ta thì có nhiều idiom về nó.
BBT
Ðúng thế. FACE là mặt. Mặt đối mặt là gì cô Thúy?
LÃM THÚY
Là FACE TO FACE. Thí dụ WE HAD A FACE TO FACE MEETING WITH HIM là chúng tôi họp trực tiếp với ông ấy. Nhưng thưa anh, OUT OF MY FACE có phải là xa mặt không? Có nói OUT OF MY FACE OUT OF MY HEART không?
BBT
Không phải. Khi nói GET OUT OF MY FACE hay OUT OF MY FACE! Thì câu ấy nghĩa là cút đi, bước, xéo, đi cho khuất mắt. Còn xa mặt cách lòng thì phải nói là OUT OF SIGHT, OUT OF MIND.
QA
Thưa anh, QA dịch đại Việt Anh thế này có đúng không… HE DOES NOT WANT TO LOSE FACE nghĩa là ông ấy không muốn bị mất mặt.
BBT
Ðúng chứ không sai. Người Mỹ cũng nói TO LOSE FACE là mất mặt.
LÃM THÚY
Bắt chước QA, Thúy nói thế này có được không…HE IS A MAN WITH TWO FACES. HE IS TWO-FACED.
BBT
Cô định nói ông ta là người hai mặt phải không? Vậy thì rất đúng . Ðó là người lá mặt, lá trái, phản phúc, không thể tin được.
Idiom sau đây cũng rất đáng để biết: TO FACE THE MUSIC. Thành ngữ này nghĩa là đối mặt, trực diện vớùi trách nhiệm, đối phó với những thách đố, khó khăn, thường là sau khi phạm phải những lỗi lầm, hay làm một điều gì sai trái nay phải lãnh trách nhiệm, bị xát xà bông, bị trừng phạt. Thí dụ nói SOON NORTH KOREA WILL HAVE TO FACE THE MUSIC AT THE SECURITY COUNCIL.
QA
Bài học Anh ngữ thứ 76 của chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.