May 13, 2010

May 14, 2010

Ngày 10 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Mấy hôm trước tôi có chạy xuống Tijuana chơi một buổi chiều, và trong chuyến đi đó, tôi mua được vài ba món lặt vặt.

Bây giờ, một trong những món đó đang gây khó khăn cho tôi không ít.

Ở một tiệm nhỏ tôi ghé vào trên một con đường không cách gì nhớ nổi tên, tôi mua được cái túi đeo vai bằng da suede, con dao cắt xì gà cho người bạn, và một cái que gãi lưng.

Thực ra tôi cũng đã có một cái để dùng sau những bữa mải vui với bạn bè, không nhớ mà kiêng những con cua, những con mực khó tính hay bắt... gãi. Tôi thừa hưởng cái que gãi lưng làm bằng tre này của ông cụ, hình như cụ mua ở Hoa lục mang về, vẫn còn nguyên cái nhãn ghi xuất xứ nơi làm ra nó. Nó làm được đúng những việc tôi nhờ nó, gãi vài khoảng lưng mà cánh tay có triệu chứng tê thấp của tôi không với tới được, nhưng tôi chán nó vì nó không đẹp chút nào. Ở một đầu, người ta uốn đoạn tre cong lại, thêm vài cái khía để làm như một bàn tay. Nhưng là một bàn tay rất xấu, trông không khác gì bàn tay khỉ mà tôi đã bị một phen mất hồn, mất vía khi ghé Singapore thăm người bạn và được chàng rủ ra phố ăn cháo khỉ.

Cái que gãi lưng có bàn tay giống hệt bàn tay khỉ, bốn ngón dài bằng nhau, như bàn tay vớt lên từ đáy tô cháo khỉ mà tôi chỉ mới nhìn thấy đã muốn ói.

Ở Tijuana, tôi thấy cái que gãi lưng đẹp hơn cái tôi có ở nhà nên mua ngay. Gãi đúng chỗ ngứa đã là hạnh phúc, nhưng gãi bằng cái que đẹp vẫn thích hơn là gãi bằng... bàn tay khỉ.

Thay vì một bàn tay như tay khỉ, cái que gãi lưng tôi mua ở Tijuana có một bàn tay rất đẹp, giống như một bàn tay người, chỉ nhỏ hơn.

Nhìn sơ qua cũng thấy ngay đó không phải là bàn tay đàn ông. Người đẽo gọt nó nhất định không dùng bàn tay một ông Mễ nào làm kiểu mẫu, mà chắc phải mô phỏng theo bàn tay của một phụ nữ trẻ, trước khi nàng đẻ tám đứa con, ăn đủ các thứ đậu, hết tamales, lại tacos, để béo từ ngón tay béo đi...

Ðó là một bàn tay đẹp, một bàn tay phụ nữ. Tôi có thể nói chắc như thế. Những ngón tay có móng sơn đỏ tươi, và nhờ những cái móng đỏ, được sơn rất khéo đó, nó gãi chính xác và đã đời không thể tả được.

Ðang hạnh phúc với cái que gãi lưng, thì một người bạn, một cách bực bội, hỏi tôi rằng tại sao phải mua cái que có bàn tay móng đỏ như thế? Việc tôi mua nó về để gãi lưng, theo người bạn, là một hành động xúc phạm phụ nữ, coi phụ nữ như một món đồ dùng trong nhà, dùng bàn tay phụ nữ chỉ để gãi lưng là một việc làm mang đầy nét miệt thị phụ nữ.

Và như thế, tôi bỗng nhiên biến thành một người thù ghét, khinh bỉ phụ nữ, lúc nào cũng chỉ muốn biến phụ nữ thành một công cụ để... gãi lưng.

Thế thì cãi thế nào được.

Tôi nghĩ có thể tôi sẽ phải cạo những chỗ sơn đỏ và gọt cho cái móng bớt nhọn đi, lấy sơn đen vẽ lên mu bàn tay những sợi lông để đổi giống cho cái que gãi lưng, cho nó thành bàn tay đàn ông cho yên thân.

Biết đâu không làm vài sự sửa đổi ấy, có bữa cái bàn tay mua ở Tijuana bực mình chuyện gì nhẩy lên cào cấu, bóp cổ... ông chủ thì sao?

Nếu không chịu đổi giống cho nó, cứ để nguyên mấy cái móng đỏ chót và nhọn hoắt ấy là lại khổ đời mất thôi.


Ngày 11 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Ann Landers thực ra thỉnh thoảng cũng chua không thua gì vài ba người mà tôi biết, chứ chẳng phải lúc nào cũng hiền đến độ cù lần như người đọc vẫn thấy qua đa số những câu trả lời của nàng.

Thí dụ sáng nay, khi trả lời một độc giả kể khổ về cô con dâu độc ác sử dụng đủ mọi thủ đoạn để gây khó khăn cho những liên hệ giữa bà (độc giả) và các cháu nội, Ann Landers cho thấy khi cần, giấm của nàng cũng chua khủng khiếp. Sau khi trấn an vị độc giả này rằng bà không làm gì sai quấy cả, Ann chỉ thắc mắc một điều là cô con dâu ấy "đậu" cái chổi ở đâu: I wonder where she parks her broom.

Tuyệt.

Bây giờ, nhờ Ann Landsers, tôi đã có được một câu sẵn sàng để hỏi trong những trường hợp tương tự. Thí dụ những lúc đang tự nhiên khi không gây thù chuốc oán gì, thì bị quăng vào mặt vài ba câu nói độc ác, dăm câu móc họng, hay hành nghề phong thủy không giấy phép để nhất định đòi sắp xếp lại vài ba món đồ đạc trong nhà, đặc biệt là kê lại cái tủ đứng để nó ở vị trí giữa miệng tôi, hay nói vài câu đểu cáng châm chọc xỏ xiên...

Bạn tôi, ở một đám cưới nọ, vừa bị một trong những thứ sao... chổi đó phang cho một câu đại khái chê chàng là không có "kê đít" gì với phụ nữ, phụ nữ không còn tin tưởng gì nơi chàng nữa, khiến chàng choáng váng mặt mày không biết làm sao đáp lại. Bây giờ, sau khi đọc Ann Landers, chàng chỉ cần giả bộ ngó ra cửa, rồi quay lại hỏi người vừa ăn nói câu vô duyên ấy rằng chị, cô, bà "đậu" cái chổi ở đâu, là đủ.

Nhớ là "đậu" chứ không phải gác, hay để cái chổi ở đâu, như nguyên văn bằng tiếng Anh (park) của Ann Landers.

Cái chổi thường được dùng để quét nhà. Khi làm xong công tác quét tước, thì cái chổi được gác, hay để vào góc, không ai nói "đậu" cái chổi vào góc nhà bao giờ.

Ðậu (park) là động từ dùng cho các phương tiện di chuyển như xe hơi, xe gắn máy, máy bay... Khi nói "đậu" cái chổi, thì cái chổi đã được biến thành một phương tiện di chuyển, như những chiếc xe.

Người dùng cái chổi di chuyển trong những đêm không trăng, không sao, khi trời đất tối đen như mực, chiếc nón đen đội trên đầu có cái chóp nhọn hoắt, chiếc áo dài đen bay phấp phới với giọng cười the thé nghe rợn óc, thì chỉ có thể là một mụ phù thủy theo những cổ tích Tây phương.

Ann Landers, thay vì nói thẳng ra rằng người phụ nữ độc ác nọ trong thư là phù thủy, chỉ có một thắc mắc nhẹ và ngắn ở cuối phần trả lời: không biết cô / bà ấy "đậu" cái chổi ở đâu.

Hay đến thế là cùng. Nếu không muốn nhắc lại nguyên văn câu của Ann Landers, bạn tôi có thể hỏi người gây sự với chàng một trong những câu như:

Cô đậu cái chổi ở đâu?

Coi chừng cái chổi của chị bị giấy phạt đấy, cảnh sát ôû đây ác lắm, đi tuần liền liền, phạt nặng lắm đấy.

Thưa bà, trước nhà có cái bảng No Parking. Bà nên đậu cái chổi ở bên kia đường kẻo bị phạt.

Cái chổi của bà tốt nhỉ. Bay mấy trăm ngàn dặm mà không cần thay nhớt gì há.

FAA (Federal Aviation Agency) có khám cái chổi của cô thường niên như khám máy bay không nhỉ?

Hôm nọ vào viện bảo tàng không gian Smithsonian, tôi thấy có trưng bầy cái chổi nhưng không đẹp bằng của bà...

Cái hay của Ann Landers là không cần phải nói thẳng mà vẫn hiểu.

Sau khi đọc bài báo này, tôi nghĩ tối nay, nhiều người đàn ông có thể sẽ hì hục treo một tấm bảng với hàng chữ chưa ráo sơn: Broom Parking Only trong chiếc garage đậu được hai xe của các chàng.

Một hôm đã lâu, khi lái xe ở New York, tôi đọc được cái bumper sticker dán trên cản sau một chiếc xe: My Wife's Vehicle Is A Broom, phương tiện di chuyển của vợ tôi là cái chổi.

Chao ôi, tại sao lại có người đàn ông đối xử với vợ tồi tệ như thế được: mình thì đi xe, để vợ cưỡi chổi bay vù vù trên trời?

Ác như vậy, bị cho ở với người đàn bà cưỡi chổi là đáng đời!


Ngày 12 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Tôi chưa đọc cuốn Bee Season của Myla Goldberg và cũng không có ý định tìm đọc nó. Nhưng cuốn sách quả là tuyệt.

Bìa ngoài của nó được in để khi nhìn thấy và cầm lên, người ta phải nghĩ ngay rằng nó đã được đọc, đọc rất kỹ, vì bìa đã rách tơi tả, mặc dù nó còn mới tinh và vẫn còn đang nằm trong kệ của tiệm sách. Cuốn Bee Season chắc chắn sẽ làm thay đổi thái độ của những độc giả như bạn cũng như các tác giả có sách xuất bản.

Thường thì khi đi mua sách, chúng ta có thói quen phải mua cuốn sách mới, chưa có ai cầm lên, dẫu cho là chỉ lật qua đọc thử vài ba hàng. Chúng ta phải tìm cho được cuốn nằm ở phía dưới, mùi giấy mực còn thơm, gáy sách chưa gẫy, chưa có bàn tay thô bạo nào đụng vào. Ðã mất tiền mua sách, thì phải kiếm cuốn mới.

Hiểu được điều đó, nên những cuốn sách in ấn theo kiểu cũ chỉ xén hai chiều, chừa lại một chiều chưa rọc để cho người mua niềm sướng khoái là người đầu tiên đọc nó. Chỉ khi nào nó là cuốn duy nhất còn lại trong tiệm, và lại là cuốn sách cần phải mua ngay, chúng ta mới đành phải chấp nhận cuốn sách cuối cùng đã có bàn tay người khác đặt vào.

Nhưng khi tìm mua sách cũ, thì thói quen đó không được đem ra áp dụng. Gáy có gẫy, có long, chỉ đóng có đứt, mất một góc hay vài ba trang, bìa lem luốc, các trang đều úa nát... thì cuốn Kiều bản in của Phạm Quí Thích, hay ấn bản đầu tiên của Vang Bóng Một Thời vẫn đáng mua ngay, không mè nheo than phiền chi hết.

Như vậy, cũ hay mới, đã đọc một hay nhiều lần hay chưa có ai đọc, nhiều khi cũng không quan trọng bao nhiêu.

Có khi những dấu tích cho thấy cuốn sách đã được đọc, đã được đọc nhiều lần đến rách nát, lại là một chi tiết mà chủ cuốn sách muốn có.

Cuốn sách được đọc nhiều lần nói lên bao nhiêu điều về chủ nó. Nhất là nếu đó là những tác phẩm khó đọc. Chẳng hạn như The Sound and The Fury của William Faulkner, hay Ulysses của James Joyce...

Trên bàn ngủ của chàng có cuốn La Promesse de L'Aube của Romain Gary mở ra ở giữa sẽ làm nàng cảm động biết là bao nhiêu. Nàng sẽ thấy nơi chàng là một người đàn ông... mất ngủ kinh niên, đêm nào chàng cũng đọc sách cho đến lúc mệt quá thiếp đi. Sao chàng lại có cái bệnh dễ yêu mà làm vậy.

Như thế, cuốn sách cũ đọc đã nát coi bộ đem lại nhiều sự mến mộ (cho chủ nó) hơn là những cuốn sách mới tinh chưa mở ra trang đầu.

Cái vẻ cũ nát của cuốn sách còn là lời khen tặng lớn nhất mà người đọc dành cho tác giả của nó. Lớn hơn tất cả những lời phúng điếu hoa mỹ nghe được tại những buổi ra mắt sách làm khổ chúng ta, đóng góp không ít cho tình trạng ô nhiễm không khí và lỗ tai của xã hội con người trong những năm gần đây.

Cuốn sách cũ là cuốn sách được đọc. Người viết cuốn sách cảm động không sao nói hết khi thấy tác phẩm của mình được đối xử... tệ bạc như thế. Nó bị lôi đi khắp nơi: trong bếp, lên giường, ở bàn ăn, ngoài phòng khách, vào cả buồng tắm. Tác giả không bao giờ cần sự trang trọng mà các cụ xưa dành cho sách: đốt trầm lên rồi mới lần dở "cảo thơm" ra rung đùi đọc. Cứ lôi nó ra đọc đi đọc lại, đọc nát ra, cho bạn bè mượn đọc cũng không sao...

Cuốn Bee Season với cái bìa mới in được giả làm cho cũ nát chắc chắn sẽ làm cho nhiều tác giả nghĩ lại về kỹ thuật in những cuốn sách của mình trong tương lai. Cái bìa cũ nát ấy đẹp hơn cái bìa mới tinh in... ba mầu trên bìa láng do họa sĩ X. minh họa và trình bầy mà một số tác giả vẫn quảng cáo cho sách của họ rất nhiều.

Còn điều gì nản hơn là khi tác giả cuốn sách lại nhà bạn chơi, thấy cuốn sách của mình được để ở chỗ trang trọng nhất, chưa một vết bàn tay mở ra... đọc?

Mà các tác giả có sách bị đọc nát có những phản ứng rất kỳ lạ. Thí dụ khi tôi, bằng giọng ăn năn, hối hận, bẽn lẽn, bối rối, nói với tác giả cuốn Tùy Bút 1 rằng cuốn sách ông cho tôi mấy năm trước đã rách nát, long gáy, bìa một nơi, ruột một nẻo, thì ông liền gửi cho ngay một cuốn khác bằng phương tiện nhanh nhất của bưu điện Mỹ.

Chắc ông không giận tôi về cách đối xử tôi dành cho cuốn sách của ông. Có lẽ ông sẽ không bao giờ cần phải làm như Myla Goldberg, tác giả cuốn Bee Season.

Việc làm cho cuốn sách của ông rách tan nát, cũ mèm, là việc của tôi. Ông không cần phải nhờ nhà in làm việc đó. OÂng già này là ông Võ Phiến.


Ngày 13 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Thế ra Hugh Hefner, chủ biên tờ Playboy không phải là người duy nhất sau này được nằm cạnh Marilyn Monroe ở nghĩa trang Westwood như một bản tin của tờ Time đã cho biết.

Hôm ấy, đọc xong cái tin đó, tôi cứ ấm ức mãi. Hugh Hefner lúc sống thì làm … chồng hết người ta (lúc nào cũng có vài ba người em bé bỏng tóc vàng với những con số cân đo nghe phát nóng lạnh người, mà mỗi kỳ báo, chàng đều đứng cạnh chụp hình cho độc giả điên người), đến khi chết xuống, chàng vẫn lại làm ma có... người nằm bên cạnh.

Không phải chỉ là một người, bất cứ người nào, mà là một phụ nữ, một phụ nữ tượng trưng cho niềm ao ước thầm kín của 99% đàn ông thế giới: Marilyn Monroe. Chàng mua được cái "ngăn kéo" sát bên cạnh cái "ngăn kéo" có Marilyn ở trong. Chàng không xây kim tự tháp như các vua Ai Cập, cũng không xây Taj Mahal như quốc vương Jahan, lại cũng không xây lăng như các ông vua Việt Nam và Trung quốc.

Chàng mua cái "ngăn kéo" sát cạnh cái của Marilyn Monroe. Thỉnh thoảng qua lại cũng tiện.

Ðọc tin này trên báo, tôi chán quá. Tại sao trên đời lại có những người sướng như thế. Ðẻ thì đẻ bọc điều. Chết thì được cho nằm cạnh Marilyn Monroe. Sống thì chung quanh toàn những cung tần, mỹ nữ.

Nhưng bây giờ thì tôi biết là bên cạnh Marilyn Monroe còn một chỗ nữa. Hugh Hefner không phải là con ma duy nhất sẽ được nằm cạnh con ma Marilyn Monroe.

Cái "ngăn kéo" cuối cùng sát cạnh Marilyn Monroe vẫn còn trống và vừa được nghĩa trang Westwood đem tặng trường đại học UCLA. Dĩ nhiên chuyện tặng một đại học cái "ngăn kéo" thì cũng có kỳ cục thật. Nhưng quà tặng không phải là để các vị giáo sư trong trường chia nhau vào... nằm cho bõ những ngày cơ cực. Mục đích của Westwood là để cho trường bán đi, lấy tiền phát triển thêm đại học hay thiết lập các học bổng tặng sinh viên xuất sắc. Ðại học hy vọng có thể bán đấu giá được ít nhất $150,000.

Ý kiến của ban quản đốc Westwood thật tuyệt diệu. Người mua được cái "ngăn kéo" làm được hai việc cùng một lúc: trước mua vui, sau làm nghĩa.

Bỏ tiền tặng không đại học thì ai cũng làm được, nhưng chi $150,000 cho đại học, lại được miếng đất tốt mặc dù "bất tri kỷ nhân canh" không biết bao nhiêu người cầy đã... có ruộng cũng vẫn hơn là chỉ tiền cho không biếu không như nhiều nhà hảo tâm vẫn làm.

Nhưng điều làm cho nhiều người vui nhất, là Hugh Hefner không độc quyền nằm cạnh Marilyn Monroe. Sẽ có một nhà hảo tâm yêu đại học UCLA, có lòng nghĩ đến chuyện học hành của con trẻ được niềm hạnh phúc đó.

Nhưng nằm cạnh Marilyn Monroe, người mà buổi tối đi ngủ chỉ... "mặc" có Chanel số 5 có thích không? Chắc phải thích chứ. Những bức hình tôi có của Marilyn Monroe cho thấy như thế.

Nụ cười, cái nốt ruồi, đôi mắt, mái tóc đó. Nhưng đó là trước ngày 5 tháng 8 năm 1962. Sau ngày này, tức là sau ngày Marilyn được đưa vào nằm trong cái "ngăn kéo" ở Westwood, thì tôi không thể nói chắc được.

Hơn nữa, muốn được nằm cạnh Marilyn Monroe bây giờ lại còn phải đáp đúng được một điều kiện khác nữa.

Mà điều kiện đó thì hiện nay tôi nghĩ là tôi chưa thể thỏa mãn được.

Ðó là trước hết phải... chết một cái đã. Chuyện đó thì tôi rất chưa muốn làm vào lúc này. Thôi, ai muốn cứ vào nằm trước đi. Tôi có một chai Cordon Bleu chưa mở. Ông Mai Thảo trước khi chết có nói với chúng tôi rằng sống sướng lắm: chết đếch được uống Cognac, chán lắm!

Vậy nên ai muốn bỏ $150,000 mua cái "ngăn kéo" đó thì xin mời đi trước ạ!


Ngày 14 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Trong những năm 1950, người ta thường nói rằng mỗi khi có một phát minh nào ra đời, thì khoảng một tuần sau, người Nga tuyên bố nhận là chính họ mới là cha đẻ của phát minh đó, khoảng một tuần sau, người Nhật dựa trên những sáng kiến mới ấy để chế tạo các sản phẩm bán với giá rẻ mạt và chừng một tháng sau, người Tầu tràn ngập thị trường bằng hàng giả mạo.

Câu này đến nay vẫn còn khá đúng. Nạn hàng giả do các công ty ở Hoa lục sản xuất với những trợ giúp ngấm ngầm cũng như công khai của nhà cầm quyền đang gây thiệt hại hết sức lớn cho nước Mỹ, từ những CD nhạc, phim video, đĩa DVD đến các loại nhu liệu điện toán... Tất cả đều được các chú Ba làm giả mạo bạn với giá thấp không thể tưởng tượng được.

Ở Singapore, Viagra, loại thuốc cứu tinh của nhiều người đàn ông và nhiều người đàn bà, do một công ty dược phẩm Mỹ phát minh đang được làm giả, tung ra bầy bán đầy ngoài đường cùng với các loại hàng khác với nửa giá chính thức, khoảng mười đô la Singapore so với thuốc thật là hai chục đô la.

Singapore với đa số dân là người gốc Hoa sinh sống, nên người ta có thể tin, khá an toàn và chắc chắn, rằng lại chính mấy ông Tầu là những người chơi trò hàng giả.

Công ty được phẩm Pfizer, công ty phát minh và sản xuất thuốc Viagra, đã cho người sang Singapore điều tra để có biện pháp với sản phẩm giả mạo này.

Những viên Viagra giả bán với giá mười đô la Singapore không thể có được đầy đủ chức năng của thuốc thật. Ðó là điều chắc. Nhưng vấn đề ở đây là sản phẩm mạo hóa này có tạo ra những side effect, những ảnh hưởng phụ thuộc bên cạnh không, và những ảnh hưởng phụ này có gây nguy hại cho người dùng hay không?

Trường hợp thuốc Thalidomide, sau khi được công nhận là an toàn, vẫn tạo ra những trường hợp quái thai trong những năm 1960 khiến người ta có lý lo ngại.

Viagra giả không làm được công tác (?) trao phó đã đành, nhưng những nguy hại do nó tạo ra có thể còn kinh hoàng hơn là Thalidomide trước đây rất nhiều.

Trước tiên, chỉ có những người có "vấn đề" mới phải dùng nó. Tưởng tượng người tiêu thụ sau khi mua được mấy viên Viagra giả ở ngoài đường, liền hăm hở chạy về nhà, kiếm ly nước lạnh, cho một viên, hay cẩn thận hơn, hai viên vào miệng, ực một cái, rồi …quân ta ngồi xuống, chờ từ nửa tiếng đến một giờ đồng hồ, thời gian cần thiết để thuốc ngấm và có hiệu lực, để hy vọng làm được công việc "ngẩng mặt lên, những ngày tủi nhục đã qua rồi" như câu nói của đại tá Nasser trên đài phát thanh Cairo sau khi đảo chính lật đổ vua Farouk, ông vua cuối cùng của Ai Cập.

Thì chẳng có gì xẩy ra hết trơn hết trọi.

Nó vẫn cứ bất tuân thượng lệnh, ỳ ra không chịu làm việc gì hết.

Trong khi phía bên kia cũng chờ, cũng đợi. Hạnh phúc vẫn không chịu ghé ngang dẫu cho là "một phút huy hoàng rồi chợt tắt..." mà rồi cũng chẳng "le lói" được chút nào, nói chi đến suốt đêm thâu.

Phía bên kia, trong bóng tối âm u đè nặng không gian, vọng qua chỉ một tiếng: "Sao?" Rồi lại một tiếng nữa, một tiếng nữa. Im lặng đến rợn người. Và cứ sau những tiếng "Sao?" ấy, là im lặng lại càng thêm chát chúa thêm.

Người tiêu thụ hàng giả ngồi im như tượng trong bóng tối. Danh dự, lòng tin nơi chính mình tan biến nhanh chóng.

Câu ca dao "Làm trai cho đáng nên trai..." không dám đem ra đọc nốt nửa sau. Chỉ một nửa cũng đã tan nát cõi lòng. Làm sao "xuống đông" với "lên đoài" được? Hy vọng đặt tất cả vào những viên thuốc hình quả trám mầu xanh da trời vừa mua buổi chiều cũng tan theo.

Chuyện "làm-có-như-thế-mà-còn-không-nên-thân-thì- còn-cơm-cháo-gì-nữa" là những vết dao đâm lút cán vào tự ái của người tiêu thụ những viên thuốc giả, cái tự ái vốn đã bị lăng mạ, sỉ nhục bằng những lời lẽ khủng khiếp nhất từ bao nhiêu lâu nay, làm những buổi sáng đầu ngày không còn niềm hứng thú trở dậy, làm những buổi tối trở thành thời gian kinh hoàng nhất, làm những tiếng thở dài, tiếng trở mình nhẹ nhất ở bên cạnh trong đêm khuya cũng trở thành những trách móc, đay nghiến nặng nề không thể nói hết.

Và đó mới là những side effect mà những viên thuốc Viagra giả mạo đem lại. Mức độ nguy hại của nó thì không một hệ thống cân đo nào có thể đo lường chính xác được. Nó không tạo quái thai hay gây tai hại cho sức khỏe vật lý, nhưng tác hại của nó thì ghê gớm hơn Thalidomide rất nhiều.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 74)

Bản ghi chép do LÃM THÚY thực hiện. Bài học số 74 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Hôm nay QA và Thúy muốn thầy nói về PRESENT và PAST PARTICIPLE của tiếng Anh. Đây là hai từ loại không có trong tiếng Việt nên Thúy nghĩ cũng có nhiều người không quen với chúng lắm.

BBT

Cô Thúy nói rất đúng. Động từ trong tiếng Việt không thay đổi như động từ của tiếng Anh để có HIỆN TẠI PHÂN TỪ tức là PRESENT PARTICIPLE và QUÁ KHỨ PHÂN TỪ tức là PAST PARTICIPLE.

QA

QA cũng biết qua về hai từ loại này. QA thấy chúng rất hữu ích, vì chúng giúp người học tiếng Anh có thêm ngay được ít nhất HAI tiếng mới từ động từ mà chúng ta đã biết. Thí dụ từ động từ TO BOIL là nấu , là đun sôi, chúng ta có PRESENT PARTICIPLE là BOILINGBOILED là quá khứ phân từ, PAST PARTICIPLE. Như vậy, chỉ từ TO BOIL, QA biết thêm được hai chữ mới là BOILING và BOILED.

BBT

Đúng vậy. Bây giờ chúng ta nói về PRESENT PARTICIPLE trước. Muốn có PRESENT PARTICIPLE cô Thúy sẽ làm gì với động từ nguyên mẫu INFINITIVE?

LÃM THÚY

Thì cho nó cái đuôi ING phải không thưa anh? Nhưng Thúy thấy VERB+ING có khi còn gọi là GERUND nữa . Vậy thì PRESENT PARTICIPLE cũng là GERUND phải không QA?

BBT

Cả hai trông giống nhau nhưng PRESENT PARTICIPLE không phải là GERUND. PRESENT PARTICIPLE đi sau động từ TO BE để thành các thì LIÊN TIẾN, PROGRESSIVE hay CONTINUOUS TENSES. Chúng ta có PRESENT CONTINUOUS như khi nói HE IS WORKING ON A NEW BOOK; PAST CONTINUOUS như trong câu WE WERE WATCHING THE NEWS FUTURE CONTINUOUS trong câu THEY WILL BE FLYING TO EUROPE NEXT WEEK.

LÃM THÚY

Như thế, nếu VERB+ING đi cùng với động từ TO BE ở thì PRESENT TENSE thì chúng ta có PRESENT CONTINUOUS; với PAST TENSE của TO BE, chúng ta có PAST CONTINUOUS và với FUTURE TENSE của TO BE, chúng ta có FUTURE CONTINUOUS. Trong những câu anh vừa thí dụ, WORKING, WATCHING và FLYING là PRESENT PARTICIPLE để tạo thành các thì liên tiến, CONTINUOUS TENSES. Thế khi nào chúng là GERUND?

BBT

GERUND là danh động từ, là một danh tư, một NOUN được tạo thành từ một động từ. Vì thế, GERUND còn đươc gọi là VERBAL NOUN.

QA

Vậy thì nó cũng đóng vai trò của một danh từ. Nó có thể là chủ từ, SUBJECT cho một động từ. Thí dụ QA nói RUNNING MAKES YOU FEEL GOOD có được không?

BBT

Rất đúng. RUNNING là do từ động từ TO RUN. RUNNING là chủ từ cho động từ MAKES. Đúng chứ sai bao giờ? Cô Thúy cho một thí dụ với một VERB+ING làm túc từ, OBJECT coi.

LÃM THÚY

MY SON LIKES TELLING JOKES.

BBT

Nhân đây, tôi muốn nhắc hai cô là có một số động từ không thể dùng trong thì CONTINUOUS được. Có khoảng hơn ba mươi động từ như thế. Chắc chắn các cô phải biết vài ba động từ trong nhóm này. Cô QA biết những động từ nào không thể dùng trong thì CONTINUOUS ?

QA

QA thấy chúng ta không nói WE ARE KNOWING HIM bao giờ. Biết là biết. Không biết là không biết. Không thể nói chúng tôi ĐANG BIẾT ông ấy. Cũng thế, không thể nói HE IS SEEMING UNHAPPY hay I AM WANTING SOME COFFEE được.

LÃM THÚY

Thúy thấy động từ BELIEVE cũng ở trong nhóm ấy. Không thể nói I AM BELIEVING. Hoặc là tin, hoặc là không chứ không thể nói tôi ĐANG TIN được. Động từ TO SEETO HEAR cũng thế.

BBT

Cám ơn hai cô. Nhưng nếu TO SEE có nghĩa khác hơn là TRÔNG, NHÌN THẤY thì vẫn có thể dùng trong thì CONTINUOUS được. Thí dụ khi nói AFTER THE DIVORCE, HE IS SEEING A YOUNG WOMAN IN LOS ANGELES.

LÃM THÚY

TO SEE trong câu này là hò hẹn, là TO DATE phải không thưa anh? Thúy cũng thỉnh thoảng bị hỏi ARE YOU SEEING ANYBODY NOW? hoài đấy chứ.

BBT

Bây giờ chúng ta nói sang một công việc khác của PRESENT PARTICIPLE. Hai cô chắc cũng biết là khi đặt chữ này, PRESENT PARTICIPLE, ở trước một danh từ, thì nó phụ nghĩa, nó nói thêm cho chúng ta biết về danh từ đó. Nó đóng vai một TĨNH TỪ, một ADJECTIVE, nó cho chúng ta biết thêm về danh từ đi ngay sau nó.

Lúc đầu giờ, QA có thí dụ từ động từ TO BOIL, chúng ta có BOILING là một PRESENT PARTICIPLE của TO BOIL. Nhưng khi đặt nó ở trước một danh từ thì nó mô tả, nó nói thêm, nó phụ nghĩa cho danh từ đó, nó làm công việc của một tĩnh từ. QA muốn pha một ly cà phê bột instant coffee thì phải làm thế nào?

QA

I POUR WATER IN A CUP WITH ONE SPOON OF INSTANT COFFEE.

BBT

Như thế, cà phê của cô pha uống chán lắm. Đổ nước vào cái ly có 1 muỗng cà phê bột thì cà phê dở lắm.

QA

Ý quên. Phải nói là BOILING WATER mới được. BOILING WATER là nước sôi. Thầy uống cà phê khó quá.

BBT

Nếu nói BOILED WATER có được không Thúy?

LÃM THÚY

Được, nếu đang ở HAITI, ở những nơi tình trạng vệ sinh không lý tưởng lắm. Nhưng đó là nước đun sôi để nguội để sát trùng. Nước đã đun sôi nhưng nguội thì pha cà phê vẫn không được.

BBT

Cô Lãm Thúy nhìn đúng ra điều tôi muốn nói. PAST PARTICIPLE cũng có thể dùng làm tĩnh từ hệt như PRESENT PARTICIPLE nhưng nó mang ý nghĩa là công việc đã hoàn tất, đã xong. Thí dụ BOILED EGGS là trứng luộc, trứng đã luộc chín. COOKED SAUSAGE là xúc xích đã nấu chín. PRE-WASHED JEANS là quần Jeans đã giặt cho bạc phếch đi trước khi bầy bán cho cô Thúy, nhưng cô mua về rồi còn mài cho rách vài ba chỗ rồi mới mặc đi chơi. Bây giờ QA cho nghe vài thí dụ với PAST PARTICIPLE đóng vai trò tĩnh từ coi.

QA

REPAINTED CAR là cái xe đã được sơn lại. READY MADE CLOTHES là quần áo may sẵn. WRITTEN AGREEMENT là cam kết, hứa hẹn, thỏa hiệp đã được viết xuống. STAMPED ENVELOPE là phong bì đã dán tem sẵn. PRE-PAID PHONE CARD là thẻ gọi điện thoại đã trả tiền trước. A MARRIED COUPLE là một cặp vợ chồng có hôn thú.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

WASHED DISHES là chén bát đã được rửa sạch. OPENED LETTERS là những lá thư đã được mở ra. SENT MESSAGES là những e-mail đã được gửi đi. DRUNK DRIVERS là những người lái xe đã quá chén, đã uống, đã say rượu.

BBT

Như vậy là hai cô đã hiểu cách dùng PAST PARTICIPLE làm tĩnh từ. Trở lại với PRESENT PARTICIPLE thì PRESENT PARTICIPLE không nói về những chuyện đã xẩy a, đã hoàn tất.

BOILED EGGS là trứng đã luộc chín. Nhưng BOILING WATER thì là nước chưa nấu chín hẳn, vẫn còn đang reo trên bếp. BAKED BEANS là món đậu đã nấu chín, có thể còn nóng, có thể đã nguội nhưng đã chín, không còn sống nữa.

PRESENT PARTICIPLE có khi nghĩa là dùng vào việc gì đó.

Thí dụ COOKING WINE là gì cô Thúy?

LÃM THÚY

COOKING WINE là rượu dùng để nấu, để làm bánh. COOKING WARE là nồi niêu xoong chảo, đồ dùng để nấu bếp. COOKING OIL, COOKING RECIPES, COOKING APPLES, WALKING SHOES, DANCING LESSONS, DRIVING AIDS, WASHING MACHINES, WRITING SKILLS

BBT

QA cho một số thí dụ dùng PRESENT PARTICIPLES làm tĩnh từ coi.

QA

SPEAKING ART, SINGING VOICE, SWIMMING CONTEST, RUNNING WATER, FRYING PAN, SHAVING CREAM…

BBT

Cám ơn hai cô. Chắc bây giờ hai cô đã hiểu là PAST PARTICIPLE được dùng làm tĩnh từ khi công việc đã xong. Thí dụ PRINTED MATTER thì việc in ấn đã xong rồi, kết quả của việc in là cuốn sách, là tờ báo. PAST PARTICIPLE còn được gọi là PERFECT PARTICIPLE.

Nhưng FISHING TRIP thì có thể chuyện câu cá chưa hoàn tất, chuyến đi câu mới chỉ bắt đầu, người ta chỉ lên tầu hay vừa mắc mồi vào lưỡi câu mà thôi. DRINKING PARTY cũng thế. Vì vậy, PRESENT PARTICIPLE còn được gọi là IMPERFECT PARTICIPLE.

Cô Lãm Thúy cho mấy thí dụ dùng PRESENT và PARTICIPLE của cùng một động từ coi. Thí dụ TO FALL, FALLING và FALLEN…

LÃM THÚY

TO FALL là rơi. THE FALLING LEAVES là lá rơi, tựa đề một bài hát nguyên tác tiếng Pháp nhan đề LES FEUILLES MORTES của Prévert. FALLEN HEROES là anh hùng ngã ngựa.

TO SING là ca hát. SINGING VOICE là giọng hát, tiếng hát. SUNG là PAST PARTICIPLE. UNSUNG HEROES là anh hùng không tên tuổi, không được ai biết đến, không được tôn vinh.

BBT

Còn cô QA?

QA

TO READ là đọc. PRESENT PARTICIPLE là READING. READING GLASSES là kiếng đọc sách. PAST PARTICIPLE của TO READ là READ. WELL-READ AUTHOR là một tác giả được nhiều người đọc.

TO SPEAK là nói. SPEAKING là PRESENT PARTICIPLE. SPEAKING TOUR là chuyến đi diễn thuyết. PAST PARTICIPLE của TO SPEAK là SPOKEN SPOKEN ENGLISH là Anh ngữ thường đàm, trái với WRITTEN ENGLISH là tiếng Anh dùng trong khi viết.

TO TRAIN là dậy , là huấn luyện. TRAINING là PRESENT PARTICIPLE. TRAINING WHEELS là những chiếc bánh xe phụ gắn vào xe của người tập đi xe đạp. WELL TRAINED DOG là chó đã được huấn luyện, dậy kỹ.

LÃM THÚY

Cám ơn thầy về những giải thích và thí dụ của các phân từ hiện tại và quá khứ. Còn một chút thì giờ, xin anh dậy cho vài idioms với danh từ DAY. Thúy nghĩ là DAY cũng xuất hiện trong một số idiom lý thú lắm.

BBT

Để bắt đầu, tôi có hai idiom tưởng là giống nhau nhưng lại rất khác nhau. Clint Eastwood nói một câu hay tuyệt mà tổng tống Reagan cũng đem ra dùng, đó là câu Clint Eastwood , trong vai thám tử Harry Callahan nói nguyên văn: "GO AHEAD, MAKE MY DAY!" MAKE MY DAY nghĩa là cứ làm đi, làm rồi sẽ hối hận cho mà coi, cứ làm đi, rồi tôi làm lại cho thì chỉ có mà khóc. Câu này ông Reagan đem dùng để thách thức quốc hội, nói là cứ phủ quyết dự luật không tăng thuế của ông đi rồi sẽ hối hận cho mà coi.

Nhưng trong câu IT MAKES MY DAY! Hay YOU MADE MY DAY thì lại có nghĩa là tôi rất vui, rất mừng vì chuyện đó xẩy ra hay vì điều ông đã làm cho tôi.

Câu WE HAVE HAD OUR DAY nghĩa là thời của chúng tôi đã qua rồi.

CALL IT A DAY là ngừng tay, nghỉ làm. Thí dụ nói AT THREE O’CLOCK, I CALLED IT A DAY.

Còn A FIELD DAY như khi nói THEY HAD A FIELD DAY thì lại nghĩa là họ đã rất thành công.

A RAINY DAY không có nghĩa là ngày mưa, nhưng là khi hay lúc cần, khi gặp khó khăn, thường là khó khăn tiền bạc, vì ngày xưa, trong những ngày mưa người ta phải ở nhà, không đi làm được. THEY SAVED A LOT FOR RAINY DAYS.

Khi nói HE WILL NOT GIVE US THE TIME OF THE DAY thì câu này nghĩa là ông ấy không giúp gì chúng tôi, lại cũng không chịu gặp chúng tôi nữa.

DAYLIGHTS là ban ngày, là ánh sáng ban ngày, là trời ban ngày. Danh từ này xuất hiện trong những câøu dữ dằn lắm: THEY BEAT THE DAYLIGHTS OUT OF HIM là chúng nó đánh ông ta một trận nhừ tử. Hay THE FILM PSYCHO SCARED THE DAYLIGHTS OUT OF ME là phim Psycho làm tôi sợ hết hồn hết vía.

QA

QA có một lần xem phim bắt cá sấu của Steve Irwin và thấy anh chàng này nói cái gì QA nghe không rõ, hình như cũng có DAY trong đó. Anh có nghe kịp anh chàng này không?

BBT

Đó là một câu chào đặc biệt Úc. Thay vì nói GOOD MORNING, GOOD AFTERNOON… thì người Úc chào GOOD DAY. Úc hơn nữa thì phải nói đầy đủ: GOOD DAY, MATE! Danh từ MATE ở Úc nghĩa là bạn.

QA

Với câu chào rất Australian của ông thầy, bài học Anh ngữ thứ 74 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.