May 20, 2010

May 21, 2010

HTML clipboard

Ngày 17 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Có một chi tiết mà ít người để ý khi xem bức ảnh chụp buổi gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Nixon và chủ tịch Trung quốc Mao Trạch Ðông diễn ra tại Trung Nam Hải ngày 21 tháng 2 năm 1972.

http://www.usdiplomacy.org/exhibit/images/Nixon%20reopens%20relations.jpg

Cuộc hội kiến diễn ra trong phòng làm việc của Mao Trạch Ðông. Trong hình, từ trái qua phải là Chu Ân Lai, Tần Văn Sinh thông ngôn của Mao, Mao Trạch Ðông, tổng thống Mỹ và Cố Vấn Anh Ninh Quốc Gia Henry Kissinger. Phía sau chủ và khách, là sách vở đầy trên bàn và trên kệ. Một chiếc bàn tròn phủ khăn trắng kê trước mặt, và ngay cạnh đó, dưới chân Mao Trạch Ðông, là cái ống nhổ tráng men trắng. Dưới chân Kissinger cũng có một cái.

Tưởng tượng sau khi nói vài ba câu thăm hỏi ông Nixon như ông đã sực phàn chưa, Mao chủ tịch tằng hắng, chúm miệng, nhổ phẹt vào cái ống nhổ dưới chân, đoạn đưa tay áo lên quệt ngang một cái thì tình tứ biết là bao nhiêu. Rồi Chu tổng tài, rồi thông ngôn Tần Văn Sinh cũng lục ục, lọc khọc trong cổ họng một hồi, sau đó, cả hai cùng khạc nhổ ầm ỹ làm vang động cả quảng trường Thiên An Môn vào cái ống nhổ thì khổ đời cho ông Nixon và Cố Vấn Anh Ninh Quốc Gia Henry Kissinger kể sao cho thấu.

Người Hoa, ngoài cái tật nói, ồn ào ở ngoài đường phố như một nhà báo Trung quốc, ông Bá Dương, đã viết trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, cuốn sách nói về những nét thô bỉ của dân tộc này, còn có thêm một cái tật khủng khiếp khác, đó là thói quen hay khạc nhổ bậy. Họ khạc nhổ ồn ào, đờm giãi được đưa từ cổ họng lên, hòa với nước bọt, phun ngay từ cửa miệng ra, cho rơi xuống bất cứ chỗ nào cũng mặc. Vách tường, gốc cây, sàn nhà, ngoài cửa sổ, dưới chân... bất cứ đâu, không cần biết tới người đứng cạnh, phẹt một cái. Vì người bên cạnh, cứ ba người, lại có một người cũng có cái thói khạc nhổ bậy đó. E dè, kiêng cữ làm gì cho mệt. Cứ khạc nhổ thoải mái miễn phí một cái đã.

Theo cuộc thăm dò khá công phu mới đây của một nhà xã hội học, ông Victor Yuan, đồng thời cũng còn là một chuyên gia nghiên cứu thị trường ở Hoa lục, thì ít nhất 300 triệu người Hoa, tức là 1/4 tổng số dân Trung quốc là những người hay khạc nhổ bậy thuộc loại khó chữa. Cuộc thăm dò cho thấy người Hoa, từ những nông dân nghèo thất học cho đến những thị dân giầu có văn minh, cứ ba người thì có một người mắc cái tật khạc nhổ bậy khó chữa này. Nhà xã hội học Victor Yuan cho rằng Trung quốc phải chữa dứt được cái tật ghê khiếp này thì mới hội nhập được vào thế giới bên ngoài. Không thể thỉnh thoảng lại quay ra cho cổ họng phát ra những âm thanh kinh khủng của đờm giãi bị đẩy từ họng lên miệng rồi nhổ đánh phẹt một cái xuống... bất cứ chỗ nào như từ bao nhiêu thế kỷ nay được.

Trung quốc cho đến bây giờ chưa bị lụt nặng thì cũng lạ.

Cuộc thăm dò phỏng vấn gần sáu ngàn người đàn ông, đàn bà từ 18 đến 65 tuổi tại nhiều nơi trong nước, cả thị dân cũng như nông dân. Kết quả cho thấy là tật khạc nhổ bậy là tật của đủ mọi loại người ở Trung quốc.

Theo một cách giải thích của một chuyên gia về Trung quốc, thì sở dĩ người Trung Hoa hay khạc nhổ bậy ở nơi công cộng là vì người dân quốc gia này không có truyền thống coi trọng người khác. Nói lớn, ăn uống ồn ào cũng phát sinh từ truyền thống này. Chính phủ, trong một nỗ lực cải đổi những nét xấu xa đó của xã hội Trung quốc, đã dùng biện pháp phạt tiền nặng nhắm vào những người hay khạc nhổ bừa bãi.

Nhưng làm sao một sớm một chiều dẹp được những trò chơi thú vị như vậy. Mà dẹp được trò khạc nhổ thì vẫn còn những trò khác vui hơn nhiều.

Thí dụ móc, cậy dỉ mũi, lôi ra, đưa lên xem như một chiến lợi phẩm, rồi nhìn trước nhìn sau, bôi vào gầm bàn, dưới đệm ghế hay búng lên trần nhà làm kỷ niệm. Ngồi xem những màn lấy dỉ mũi cũng là một trò giải trí không tốn kém, chỉ cần cẩn thận né để khỏi bị búng trúng vào người là được. Hay trò lấy ráy tai bằng ngón tay út có để móng dài, moi móc lấy chút ráy ra coi cho đỡ buồn cũng là chuyện vui lắm mà ông Kim Thánh Thán quên kể trong danh sách những niềm vui của ông.

Trung quốc có thể trở thành một cường quốc kinh tế nhờ dùng một lực lượng công nhân đông đảo sản xuất đủ mọi thứ hàng phục vụ đế quốc, nhưng nếu không bỏ được những thói tật thiếu văn minh như thế thì vẫn không thể là đàn anh thiên hạ được.

Có phóng được phi hành gia lên không gian, thỉnh thoảng lại phải mở cửa phi thuyền ra cho chàng khạc nhổ vài cái thì kỳ lắm.


Ngày 18 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Trung bình mỗi tháng tôi nhận được cả chục thứ thư từ kiểu gửi đại trúng ai nấy chịu, mời mua đủ thứ từ bảo hiểm đến son phấn, báo chí.

Thế nên hễ trông thấy người nhận được ghi là Current Resident, thì lập tức cái thùng rác bên cạnh hộp thư lại có thêm một chút rác rến.

Tôi chưa xin đổi cái tên ông cụ đặt cho trong khai sinh thành Current Resident thì những thứ thư từ đó không thể gửi cho tôi được. Tôi chỉ giữ lại những cuốn catalogue của Victoria's Secret, loại ấn phẩm rất hữu ích giúp cập nhật những thứ thời trang ít khi được quan sát thấy ở ngoài đường.

Nhưng hôm qua, thì người ta đã đi quá cái biên giới của sự dễ dãi mà tôi vẫn dành cho những thứ thư từ như thế. Thoạt đầu, liếc nhìn địa chỉ người gửi, tôi đã mừng quá. Tôi nghĩ sau bao nhiêu năm làm việc, có thể bây giờ, cuối cùng tôi sắp ra được khỏi nơi u tối của lãng quên để tiến vào vòng ánh sáng của những đèn rọi, cho vua biết mặt, chúa biết tên rồi chăng?

Ðịa chỉ bì thư cho biết đó là phong bì của National Register's Who's Who gửi đến tận địa chỉ của tôi. Niềm mơ ước thầm kín của đời tôi như vậy sắp trở thành sự thật rồi sao? Tiểu sử của tôi sẽ được đăng trong Who's Who, thì tôi cũng là ai rồi đó chứ! Tôi sẽ kiếm bức hình đắc ý nhất, với nụ cười nhiều răng nhất, đẹp nhất gửi cho Who's Who để in trong bản tiểu sử. Các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học nào đã học qua đều được ghi lại đầy đủ. Nhưng những điểm zéro to tổ bố, lại còn bị các thầy giáo dậy toán cẩn thận gạch hai gạch dưới đít bằng những nét bút giận dữ thì nhất định tôi sẽ lờ đi. Những consigne cấm túc hồi trung học chắc chắn sẽ không được khai ra. Thời gian trốn học đi lêu bêu với những người bạn tuyệt vời của tuổi trẻ sẽ được tạm quên đi.

Tiểu sử trong Who's Who không có chỗ cho mấy thứ chi tiết ấm ớ đó.

Nhưng tôi sẽ khoe những gì trong tiểu sử? Tôi sẽ cho biết là một connoisseur, một người rành rẽ, thông thạo về mì gói? Là người có cái bếp sạch nhất California, cái bếp gaz từ khi dọn đến không bật lên bao giờ, cái máy rửa chén bát làm được gì cho những cái đĩa giấy?

Rồi còn gì nữa có thể kể ra cho vẻ vang dân Việt nữa đây?

Tôi bắt đầu lo. Tôi không thể cấp đại cái Ph. D. cho mình, hay viết trước tên mình hai chữ T.S. để nhập nhằng mời mọi người đọc lầm là tiến sĩ được. Cũng không thể là trung sĩ hay thượng sĩ, vì chưa là binh nhì làm sao dám tiếm mạo quân hàm như thế.

Tôi sẽ phải làm gì? Cơ hội bằng vàng đến với tôi để một phút huy hoàng mà không làm được thì chán biết là bao! Tưởng tượng sách in xong, tôi sẽ mua một chục cuốn gửi đi lia chia, cho bạn bè vừa sợ vừa ghen tức chơi.

Có tên trong Who's Who chứ bộ!

Nhưng làm sao viết được cái tiểu sử để khi sách in ra, không phải dấu như mèo dấu những đống bài tiết của chúng, sợ bạn bè tìm được, đem ra đọc cho hậu thế chọc quê thì làm sao tiện?

Ðang khốn khổ vì những loay hoay đó, thì tôi đọc thấy tên người nhận. Ông ta không phải là tôi. Nhất định là như thế.

Người nhận có cái tên khác tên tôi nhiều. Ông ta tên là Unknown. Và bức thư mà National Register's Who's Who gửi cho ông ta nguyên văn như thế này:

Dear Unknown Unknown:

Congratulations, the National Register's Who's Who is considering you for possible biographical appearance in the 2011-2012 edition.

P.S. Unknown, due to our tight selection schedule, a prompt response would be appreciated.

Thưa ông Vô Danh Không Ai Biết:

Xin mừng ông, chúng tôi đang cứu xét việc in tiểu sử của ông trong ấn bản năm 2011 -2012.

Tái Bút: Thưa ông Vô Danh, vì thời gian lựa chọn rất eo hẹp, xin ông trả lời sớm.

Tội nghiệp nhân viên sở rác hôm qua lại phải vận dụng thêm chút bắp thịt để đổ cái thùng rác đã nặng thêm vì cái thư vớ vẩn đó.

Nhưng hình như ở nước Mỹ vẫn còn rất nhiều người bị bịp và đi bịp những người khác bằng cái thứ Who's Who tầm bậy như vậy.


Ngày 19 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Linda Evangelista, nữ kiểu mẫu hàng đầu từng ngự trị tất cả các sân khấu trình diễn thời trang, các cat walks ở Milan, ở Paris, ở London, ở New York... trong những năm 80, đã treo giầy cao gót... giã từ thế giới thời trang kể từ cuối thập niên 90.

http://www.contactmusic.com/pics/m/takashi_murakami_030408/linda_evangelista_5113363.jpg

Ngoài thành tích lẫy lừng về nghề nghiệp, Linda Evangelista còn để lại cho thế giới một câu nói chắc chắn rồi đây thế nào cũng sẽ trở thành một danh ngôn được nhắc đến mãi.

Trong lúc đang ở ngôi vị tột đỉnh của thế giới kiểu mẫu thời trang, mỗi ngày xuất hiện trước ống kính các nhiếp ảnh gia, Linda Evangelista được trả thù lao rất cao. Chỉ cần làm việc liên tiếp một tuần lễ, không ăn uống gì, một việc làm quá dễ của các nữ kiểu mẫu, Linda có thể trả xong chiếc condo mà tôi phải gánh è cổ trong ba mươi năm mới hết nợ. Thù lao của Linda trong những năm 80 và 90 là hơn mười ngàn Mỹ kim mỗi ngày. Một tuần lễ làm việc, Linda có thể dứt nợ cho người đàn ông khốn khổ này dễ dàng.

Với mức thù lao được trả đó, Linda Evangelista nói rõ nàng sẽ không ra khỏi giường nếu không được trả trên mười ngàn Mỹ kim -- I would not get out of bed for less than ten thousand dollars.

Nghĩa là nếu có ai cầm chín ngàn Mỹ kim đong đưa trước giường ngủ của Linda Evangelista thì người ta sẽ tiếp tục thấy một phụ nữ đẹp nằm ngủ và ngáy to như sấm. Chưa tới giá (mười ngàn) thì chưa thể giã từ chăn êm nệm ấm được. Câu nói của Linda xứng đáng là một danh ngôn của thế kỷ.

Nhưng câu nói đó cũng bầy ra một điều là Thượng đế không "thiên hạ chí công" chút nào cả. Hiến pháp Mỹ cũng sai bét khi nói rằng mọi người sinh ra đời đều bình đẳng. Nhìn Linda Evangelista, ai cũng thấy ngay là mọi người sinh ra đời không bình đẳng gì hết. Có lẽ George Orwell, tác giả truyện ngụ ngôn Animal Farm, nói đúng hơn cả: tất cả mọi thú vật sinh ra đời đều bình đẳng, nhưng vài loài thú bình đẳng hơn những con thú khác.

Cùng ra đời, cũng đầu óc, mặt mũi tay chân (?) giống nhau, mà sao người thì mỗi ngày uốn éo, ưỡn ẹo trước ống kính máy ảnh, quần áo ơ hờ khoác lên người cho có lệ thì được trả trên mười ngàn Mỹ kim, trong khi người từng làm công chức liên bang, sáng vác ô đi, tối nhiều khi lại còn để quên ô ở sở, lương lậu mỗi năm, sau khi bị thuế má cắn cấu tàn nhẫn, chỉ đủ tiền ngồi nhà hận đời đen bạc, ăn mì gói chan nước mắt lõng bõng?

Rõ ràng là những người như Linda Evangelista bình đẳng hơn chúng ta rất nhiều.

Trong khi Linda như thế, dưới mười ngàn Mỹ kim là không ra khỏi giường, thì người đàn ông Á châu này chỉ cần hai ba trăm bạc là đã nhanh nhẹn nhẩy ra khỏi giường, sửa sang qua tấm nhan sắc cuối mùa lãng mạn, vội vàng chạy đến sở để bị các thứ Mỹ già vô duyên, ngu dốt, Mỹ nhỡ ăn gừng, vừa lùn, vừa xấu, chân cẳng như Pelé, ăn nói vô duyên... nhào ra bắt nạt.

Chán biết là chừng nào.

Có phách lối thì cũng chỉ phóng tác câu của Linda Evangelista để tự an ủi, nói là dưới hai trăm Mỹ kim ($200) thì đừng hòng lôi được cậu ra khỏi giường.

Nhưng đó là ra khỏi giường. Còn... vào giường thì bao nhiêu?

Lôi Linda Evangelista vào giường thì quả thật chưa thấy có báo nào nói mặc dù tôi đã tìm hiểu về nàng khá kỹ. Những người đã lôi được thì không nói, nàng cũng không tiết lộ. Bản tin giá cả thị trường Mỹ của tờ nhật báo kinh tế tài chính Wall Street Journal cũng không thấy nói.

Nhưng không thể phá giá một cách bi thảm bằng giá của người đàn ông Á châu trung niên mà tôi biết. Giá của chàng chỉ là một tô mì gói và một ly cà phê uống liền (instant coffee) là lôi chàng vào giường được ngay.

Chàng vẫn tự chi cho chàng như thế mỗi tối từ hơn một chục năm nay.

Thảm vô cùng!


Ngày 20 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Mấy tháng trước, có việc, tôi phải đi Toronto, và ở cửa vào để lên máy bay của hãng Air Canada, tôi thấy có một tấm bảng với hàng chữ hơi khác thường: NO JOKE.

Không đùa, không tiếu lâm, không chuyện diễu.

Quốc gia láng giềng của nước Mỹ đã trải qua những đổi thay gì mà tôi không biết kể từ chuyến đi thăm mấy người em vài tháng trước? Gia Nã Ðại đã trở thành một quốc gia không còn óc hài hước nữa, không còn biết cười, biết đùa nữa hay sao?

Tấm bảng có hàng chữ NO JOKE được đặt ở quầy xét hành lý hành khách trước khi lên máy bay.

Tôi đặt chiếc va li nhỏ cầm theo lên bàn quay để chạy qua máy quang tuyến dò kim khí. Một nhân viên hỏi tôi một câu mà tôi đã nghe qua hàng trăm lần trong những chuyến đi trước đây ở các phi trường: "Ông chính là người xếp hành lý vào va li chứ? Có lúc nào ông rời hành lý của ông không? Có ai mở va li này từ lúc ông xếp nó cho đến giờ không? Có ai nhờ ông mang theo gì bỏ trong va li không?"

Và lần nào, câu trả lời cũng chỉ là "yes" cho câu đầu và "no" cho tất cả các câu sau.

Trả lời mãi bằng ấy câu thì cũng chán. Người hỏi, sau bao nhiêu lần, chắc cũng hỏi cho có lệ. Ai là người sẽ trả lời có bỏ trong va li khẩu Smith Wesson nòng cụt, một gói plastic, con dao Bowie? Bỏ bằng ấy thứ trong va li mà còn thành thật khai báo ư? Nên người trả lời cũng chỉ lơ đãng gật rồi lắc theo sau mỗi câu hỏi. Vâng, chính tôi xếp va li cho tôi. Không, không lúc nào tôi rời cái va li này. Không, không có ai mở nó ra sau khi tôi đóng nó lại. Không, không có ai nhờ tôi mang theo gì hết...

Chao ôi, óc sáng tạo cứ càng ngày càng bị những thứ câu hỏi "yes or no" đó làm cho thui chột đi. Tiếc biết là bao nhiêu!

Nên đã có mấy lần, tôi định trả lời khác đi một chút, cho đời nhẹ đi, bớt căng thẳng đi phần nào.

Thí dụ câu có phải ông là người làm va li không, thì thay vì trả lời "yes", đã bao nhiêu lần tôi cứ muốn nói rằng thưa phải, tôi không làm lấy va li thì ai làm cho tôi nữa? Tôi còn phải làm biết bao nhiêu việc khác ở nhà, việc xếp mấy thứ quần áo vớ vẩn này vào va li thì có đáng gì... tôi không làm thì ai làm cho tôi bây giờ? Bộ ông / bà nghĩ là sẽ có người âu yếm chạy vào garage lấy cái va li rách này của tôi, quăng hộ tôi mấy cái quần áo lót, vài ba cái sơ mi nhầu nhẹt vào hay sao? Nếu có được chuyện đó, chuyện làm va li hộ cho tôi, thì làm sao có được mấy cái ca vát tươi, trẻ và đẹp như thế này? Chắc chắn chỉ là một cái ca vát xấu, cũ mèm, mầu tối tăm nhạt nhẽo, nhăn nhúm để khỏi tạo chú ý nơi những người khác chứ làm sao có được mấy cái Versace, Giorgio Armani... này?

Tôi có rời cái va li này từ lúc bỏ quần áo vào không à? Thưa không. Rời nó ra để mà chết à? Rời nó ra để bị lục soát lần nữa sao? Ðể bị lấy lại mấy cái ca vát này ư? Không bao giờ. Người đâu va li đấy. Rời ra là khó toàn mạng. Ai ngu dại gì?

Có ai mở nó ra không? Thưa cũng không. Không ai mở nó ra hết. Mở ra để soát lại xem có mang theo các thứ cần dùng không à? Thưa không. Không ai quan tâm đến tôi nhiều như thế. Lục soát, kiểm soát thì có. Quan tâm thì không. Nhưng không. Tôi cũng cẩn thận không để bị kiểm soát như thế. Làm xong va li thì lên đường ngay. Rời nó một giây là khủng bố có thể ra tay. Osama Bin Laden có thể bỏ vào đó một cái lược, một thỏi son đã dùng, một chai nước hoa lạ... ngay tình lúc về bị nhân viên an ninh lôi ra thì chỉ có chết đứ đừ. Nên không bao giờ có những chuyện như thế xẩy ra.

Có ai nhờ mang theo gì không? Nhất định là không. Làm gì có chuyện đó được. Ra đi thì không. Nhưng về thì phải có. Quà cáp không đúng thì chết thưa ông / bà.

Tôi đã định trả lời như vậy mấy lần nên khi thấy tấm bảng NO JOKE của Air Canada, tôi thấy chán hãng máy bay này vô cùng. Lại càng chán phải nghe những câu hỏi mà tôi nghĩ là lấy lệ của các nhân viên an ninh.

Nhưng hôm nay, nghĩ lại, thì thấy Air Canada vô cùng có lý. Luôn cả những câu hỏi ở quầy vé về những món hành lý mang theo cũng lại rất có lý.

Những người cướp máy bay của American Airline và United Airlines khi lên máy bay ở Boston, ở Newark, ở Dulles có thể đã đùa giỡn hơi quá khi trả lời những câu hỏi nhàm chán ở phi trường. Và bao nhiêu người đã chết vì cái hài hước đó của họ.


Ngày 21 tháng 5 năm 2010

Bạn ta,

Trục Bá Linh, La Mã thành lập ngày 27 tháng 10 năm 1936, và sau có thêm Ðông Kinh gia nhập, rốt cuộc cũng tan sau khi Ðức, Ý và Nhật thảm bại trước Ðồng Minh và đệ nhị thế chiến hạ màn.

Tưởng tượng nếu Ý và Nhật tiếp tục ở lại với nhau, bỏ mặc Hitler chết với Eva Braun ở Bá Linh thì thế giới sẽ là một nơi... kỳ lắm. Hai nước này đến phải đổi tên mất thôi. Và xứ sở của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Toa Ðô, Áo Lỗ (?) Xích... chắc không còn dám nhận cái tên cũ nữa. Cái tên ấy phải nhường cho Ý và Nhật vì những sở thích của hai dân tộc này.

Ai cũng biết người Ý đặc biệt thích cái chỗ để ngồi của phụ nữ. Du khách đi La Mã du lịch thế nào cũng cố gắng ra phố đi ưỡn ẹo cho đến khi được những người đàn ông Ý cấu đít cho một cái mới yên tâm trở về nhà, để khoe không đến nỗi bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh, mà quả là có được xoa mông, cấu đít khi đi du lịch sang nước Ý.

Còn người Nhật thì đặc biệt thích cái cổ của phụ nữ. Xem những bức thủ ấn họa, những tranh khắc gỗ nghệ thuật của Nhật, nếu đề tài là phụ nữ, thì nhất định người xem phải thấy cái cổ áo kimono kéo trễ ra phía sau, mái tóc kéo lên cao để cho thấy cái gáy, cái cổ trắng của người trong tranh. Người Nhật rất mê cái gáy, cái cổ của phụ nữ, và những khu vực này, đối với người Nhật là những khu vực hấp dẫn và quyến rũ hơn hết nơi cơ thể người phụ nữ.

Người Ý thích mông, người Nhật thích cổ. Như thế thì liên minh với nhau mà không lấy tên là Mông Cổ cũng uổng. Ðất nước của Thành Cát Tư Hãn đã suy yếu đi nhiều, có bị liên minh Ý Nhật chiếm lấy cái tên thì cũng chẳng làm được gì. Nếu chuyện xẩy ra như thế, thì bây giờ chắc chắn không còn hai vùng... mông trong và mông ngoài (Nội Mông / Ngoại Mông) nữa.

Chỉ còn có một... Mông Cổ mà thôi. Thế giới đỡ phiền hà biết là bao nhiêu.

Một phán quyết mới đây của tòa án tối cao Ý lại càng cho thấy là quốc gia này không liên hiệp với Nhật để thành nước Mông Cổ thì uổng không biết để đâu cho hết uổng. Nguyên do là từ vụ một phụ nữ kiện một người đàn ông ra tòa về tội sách nhiễu tình dục sau khi ông ta bóp mông đít của cô. Bị can khai là đang đi, tự nhiên thấy bị một sức mạnh thôi thúc mãnh liệt, đòi ông ta phải cấu đít một người phụ nữ mới được. Và đương đơn là người đang đứng cạnh. Ông liền lấy tay chiếu cố ngoại mông, nội mông của cô. Nhưng ông chỉ bóp có một cái, không bóp lại lần thứ hai, và ông cho biết là nếu sau đó gặp lại, chưa chắc ông đã bóp đít cô.

Tòa dưới nghe ông giải thích và những lời biện hộ của luật sư, đã tha ông. Người phụ nữ kiện tiếp, nhưng khi lên đến tối cao pháp viện, thì mấy ông bà tòa phán rằng một cái cấu đít đơn lẻ, vì cảm xúc nhất thời (isolated, impulsive) thì không phải là một hành động sách nhieãu tình dục. Người đàn ông được tha bổng.

Phán quyết này chắc chắn sẽ đưa tới rất nhiều chuyện trong những ngày sắp tới.

Ðàn ông Ý sẽ bạo dạn hơn trong trò thể thao quốc gia này, không còn phải leo lên xe bus trong những giờ đông người để kín đáo bóp vài ba cái đít trên xe nữa.

Dịch vụ du lịch nhờ phán quyết này sẽ phát triển mạnh. Du khách phụ nữ không còn phải giả bộ đến nước Ý để đi xem các lâu đài ở Florence, Roma nữa. Các bà, các cô cứ đi vài ba con đường là có thể về khách sạn khoe nhau số vết ngón tay trên mông cũng đủ vui rồi.

Nhưng phán quyết của tòa tối cao Ý cũng lại đang làm cho một nhà ngoại giao của nước ta buồn nẫu ruột. Cách đây mấy năm chàng bị cảnh sát Hương Cảng vồ về tội bóp đít một phụ nữ, khiến chàng phải lôi quyền đặc miễn của ngoại giao ra mới được cho về nhưng nhà chức trách vẫn chưa tha cho chàng hẳn.

Tưởng tượng chàng làm việc ở Ý thì vui kể gì...

Ðã được cấu đít phụ nữ đều đều, mà cấu xong lại không phải ngu dốt chạy tội bằng cách nói một câu ngớ ngẩn đại khái ngoại giao cùng mình như chàng mà lại sờ đít phụ nữ hay sao...

Ngu ơi là ngu, làm ngoại giao và sờ đít phụ nữ là hai việc hoàn toàn khác nhau chứ có liên lạc như thờ kính Bác Hồ và... không đem Bác xuống xóm mua vui đâu.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 75)

Bản ghi chép do LÃM THÚY thực hiện. Bài học số 75 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, tuần qua có một khán giả Hồn Việt, ông Lê Trung ở Seattle, gửi cho Thúy một bức thư để Thúy chuyển lại cho anh nhờ giải thích sự khác biệt giữa BETWEENAMONG, giữa EVERYONEEVERY ONE.

BBT

Cám ơn ông Lê Trung. Tôi cũng định trong một bài sẽ nói về một số những chữ mà người sử dụng tiếng Anh hay lầm lẫn thì nay lại được thư của ông nhắc. Thế cô QA có thấy khác biệt giữa BETWEEN và AMONG không nào?

QA

Hình như không. BETWEEN và AMONG đều có nghĩa là giữa cả, phải không thưa anh?

BBT

Còn Thúy. Cô có nghĩ BETWEEN và AMONG khác nhau không?

LÃM THÚY

Thúy nghe nói BETWEEN YOU AND ME nhưng chưa bao giờ nghe nói AMONG YOU AND ME. Thế thì chắc nghĩa giống nhau, nhưng cách dùng chắc là khác nhau.

BBT

Đúng vậy. Cả hai đều nghĩa là giữa cả. BETWEEN YOU AND ME là giữa ông và tôi. Như vậy là có HAI người. Vậy thì BETWEEN dùng khi có HAI người, hai vật… BETWEEN THE TWO HOUSES là ở giữa HAI căn nhà. Nhớ khi nói BETWEEN YOU AND ME thì bao giờ cũng đặt YOU trước ME cho lịch sự. Nhưng một số người, nhất là mấy ông bà nhà quê ở miền nam nước Mỹ thì gần như luôn luôn là ME AND YOU. Có một bài hát dân ca tên là ME AND BOBBY McGEE của Kris Kristofferson.

QA

QA hiểu rồi. AMONG dùng với từ số BA trở đi. QA nghe AMONG US, giữa chúng ta. Chúng ta ở đây có thể là 3, 4 hay vài trăm, vài ngàn, vài triệu người. AMONG NATIONS OF THE WORLDAMONG THE VIETNAMESE vân vân. Phải không thưa thầy.

BBT

Như vậy hai cô, mỗi cô đã đúng được một nửa. TWEEN là từ gốc TWO mà ra. TWO là HAI, TWENTY là HAI MƯƠI.

Bây giờ đến EVERYONEEVERY ONE. EVERYONE viết liền là một đại danh từ nghĩa là TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Nhưng EVERYONE lại là đại danh từ số ít (SINGULAR). Động từ đi sau phải là NGÔI THỨ BA SỐ ÍT.

IN AUSTRALIA, EVERYONE HAS TO VOTE. VOTING IS A DUTY.

Thúy cho một thí dụ với EVERYONE coi.

LÃM THÚY

IN MY FAMILY, EVERYONE GETS UP AT 6 O’CLOCK DURING THE WEEK.

BBT

Còn QA?

QA

AFTER 1975, EVERYONE WANTED TO LEAVE THE COUNTRY. EVEN THE LAMP POSTS !

BBT

Trong khi đó, EVERY ONE, viết rời thành HAI : EVERY và ONE thì là một danh từ có nghĩa là MỖI NGƯỜI. EVERY ONE cũng giống như EACH. Thí dụ EVERY ONE OF THE STUDENTS IN MY HIGH SCHOOL CLASS HAS A BICYCLE.

Hai cô thử dùng EVERY ONE trong một câu thí dụ coi.

QA

I BUY CHRISTMAS PRESENTS FOR EVERY ONE OF MY NIECES AND NEPHEWS.

LÃM THÚY

I KNOW EVERY ONE OF MY CUSTOMERS.

BBT

Thay vì EVERY ONE trong các câu trên, chúng ta có thể dùng EACH, ý nghĩa không khác nhau.

Trả lời hai thắc mắc của ông Lê Trung xong thì tôi lại nhớ ra một số những trường hợp khác mà chúng ta cũng rất hay lầm. Cô Lãm Thúy có trường hợp nào cô nghĩ là có thể dùng lầm không?

LÃM THÚY

Thưa anh, nhân anh vừa giảng về EVERYONE và EVERY ONE, Thúy nhớ ra trường hợp của EVERYDAY EVERY DAY. Nhờ anh nói rõ hơn về EVERYDAY và EVERY DAY.

BBT

EVERYDAY viết liền là một tĩnh từ (ADJECTIVE) nghĩa là DAILY, hàng ngày. Thí dụ MY EVERYDAY SCHEDULE là thời biểu hàng ngày của tôi. MY EVERYDAY YOGA CLASS BEGINS AT 7 A.M. Cô QA cho nghe một thí dụ với EVERYDAY của cô.

QA

COOKING IS AN EVERYDAY JOB THAT I DO NOT ENJOY VERY MUCH.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

MY EVERYDAY CHORES INCLUDE BEING A TAXI DRIVER FOR MY DAUGHTER .

BBT

Nhưng EVERY DAY viết rời thì lại có nghĩa là EACH DAY, mỗi ngày.

Mời cô Thúy.

LÃM THÚY

I MUST CHECK MY DAUGHTER’S HOMEWORK EVERY DAY.

BBT

How about QA?

QA

I TALK TO MY ELDER DAUGHTER WHO IS AWAY IN COLLEGE EVERY DAY.

Thưa anh, hai câu này QA thấy hơi khó hiểu. Xin anh chỉ cho khác biệt của HAS GONE TO và HAS BEEN TO.

BBT

Hai câu đó rất khác nhau. Thí dụ khi cô nói MY DAUGHTER HAS GONE TO RIVERSIDE. SHE WILL BE HOME ON SATURDAY thì cô định nói gì đây?

QA

MY DAUGHTER HAS GONE TO RIVERSIDE nghĩa là con gái QA đã trở lại đại học ở Riverside và vẫn còn ở đại học, cuối tuần mới về nhà.

BBT

Đúng vậy. HE HAS GONE TO VIETNAM là ông ấy đi Việt Nam và chưa về

Trong khi đó, khi nói HE HAS BEEN TO VIETNAM thì câu này có nghĩa là ông ấy đã từng đi Việt Nam. Bây giờ ông ấy đã trở lại Hoa kỳ. Chuyện đi Việt Nam là một kinh nghiệm của ông đã xẩy ra cách đây 2 năm, 10 năm. HAS BEEN TO được dùng khi chúng ta muốn nói đến một kinh nghiệm, một chuyện đã làm trong quá khứ. HAS GONE TO là đã đi đâu đó, nhưng nay chưa về.

Nhân nói về HAS BEEN và HAS GONE, tôi lại nhớ ra hai chữ này mà có nhiều người cũng thường dễ dùng sai lắm. Đó là SINCEFOR. Muốn phân biệt thì cũng không khó. SINCE là kể từ. Sau SINCE chúng ta dùng một mốc thời gian, thí dụ năm nào, tháng nào, giờ nào đó. Thí dụ năm 2002, tháng MAY, giờ là 4:30 P.M. chẳng hạn. Cô Lãm Thúy nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: Tôi đã ở California kể từ năm 1995…

LÃM THÚY

I HAVE LIVED IN CALIFORNIA SINCE SEPTEMBER 1995.

WE HAVE NOT SEEN HIM HIM SINCE THE BEGINNING OF THE YEAR.

THEY HAVE WAITED FOR YOU SINCE 2 O’CLOCK.

QA

WE HAVE STUDIED ENGLISH WITH YOU SINCE 2008.

MISTER OBAMA HAS LIVED AT 1600 PENSYLVANIA AVENUE SINCE FEBRUARY 2009.

HE HAS RETURNED TO SCHOOL SINCE LAST WEEK.

BBT

SINCE được dùng với mốc thời gian trong khi FOR được dùng với chiều dài của thời gian như 3 năm, 2 tháng, 1 tuần, nửa tiếng.

Mời cô Lãm Thúy.

LÃM THÚY

MY SON HAS HAD THIS iPHONE FOR AT LEAST 5 MONTHS.

THE WAR IN AFGHANISTAN HAS GONE ON FOR 9 YEARS.

QA

THE KETTLE SAT ON THE STOVE FOR MORE THAN 30 MINUTES.

I HAVE DRIVEN THIS TOYOTA CAMRY FOR 3 YEARS.

I HAVE NOT BOUGHT A NEW PAIR OF SHOES FOR YEARS.

BBT

Có BA trường hợp này cũng khá lý thú. Đó là A LOT OF, LOTS OF A LOT. Các cô nên cẩn thận.

Trước hết là A LOT OF và LOTS OF. Hai trường hợp này giống nhau, cả hai đều có nghía là nhiều. Chúng có thể được dùng với danh từ không đếm được (UNCOUNTABLE NOUNS) cũng như danh từ đếm được (COUNTABLE NOUNS). Mời cô Thúy, rồi sau đó cô QA.

LÃM THÚY

A LOT OF PEOPLE LIKE KARAOKE.

LOTS OF BEER IS CONSUMED DURING THE WEEK-END.

QA

MY MOTHER CAN TELL LOTS AND LOTS OF FAIRY TALES.

A LOT OF STUDENTS ARE COMING FROM VIETNAM.

BBT

Bây giờ tôi sẽ nói về A LOT. Đây là một trạng từ (ADVERB). Nó luôn luôn đứng cuối câu, mang ý nghĩa là nhiều, nhiều lắm. Khác với A LOT OF và LOTS OF, nó KHÔNG ĐI CÙNG VỚI "OF".

Thí dụ I MISS SAIGON A LOT.

Cô Lãm Thúy cho biết phải dùng A LOT OF hay A LOT trong câu này: HE HAS CAMERAS.

LÃM THÚY

Thúy sẽ dùng A LOT OF. HE HAS A LOT OF CAMERAS.

BBT

Đúng. Còn QA sẽ dùng A LOT OF hay A LOT trong câu này: HE LOVES CAMERAS.

QA

HE LOVES CAMERAS A LOT.

BBT

Cám ơn hai cô. Tuần trước có một thính giả đài Little Saigon Radio viết e-mail cho tôi yêu cầu cho biết một vài idiom liên quan đến HOUSE. Đề nghị của ông rất lý thú và idioms với chữ HOUSE thì nhiều lắm. HOUSE là nhà. Nhà là thứ gần gũi với chúng ta nên có nhiều idioms, tục ngữ liên quan đến nó.

HOUSEKEEPER là người quản gia. Chữ KEEPER có thể đi kèm với những chữ khác như SHOPKEEPER, GAMEKEEPER

Zsa Zsa Gabor, một nữ diễn viên điện ảnh lấy chồng khoảng ít nhất 8 lần. Bà nói một câu rất hay: I AM A GOOD HOUSEKEEPER BECAUSE EVERY TIME I DIVORCE I KEEP THE HOUSE.

Nhưng KEEP HOUSE thì lại nghĩa là giữ cho nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. TO PLAY HOUSE là trò chơi con nít giả làm người lớn. MY HOUSE IS YOUR HOUSE là xin cứ tự nhiên như ở nhà, coi nhà tôi như nhà của bạn, cũng đồng nghĩa với MAKE YOURSELF AT HOME.

LÃM THÚY

Hình như câu này là câu của người Tây Ban Nha chứ không phải là của người Anh thì phải. Thúy nhớ ở cái thảm chùi chân nhà bà hàng xóm có mấy chữ MI CASA , SU CASA. Con gái Thúy nói tiếng Anh là MY HOUSE IS YOUR HOUSE phải không anh?

BBT

Có lẽ đúng là như thế. Người Anh nói A MAN’S HOUSE IS HIS CASTLE nghĩa là căn nhà của người Anh là cái lâu đài của ông ta. Có ý tưởng như thế thì ít khi nghĩ MI CASA , SU CASA được. Cô Thúy nói đúng.

Câu sau đây khá giống câu đánh chuột coi chừng làm vỡ lọ cổ của chúng ta: BURN NOT YOUR HOUSE TO FRIGHT THE MOUSE AWAY nghĩa là đừng đốt nhà để đuổi chuột.

A HOUSE OF CARDS là một kiến trúc, một công trình, một kế hoạch, một tổ chức có thể đổ tan bất cứ lúc nào cũng như đem những quân bài xếp lại thành cái nhà, chỉ đụng nhẹ là đổ. Thí dụ sau khi Hoa kỳ rút khỏi Iraq thì chính phủ ở đó sẽ như một căn nhà làm bằng những quân bài, thế nào cũng đổ: AFTER THE AMERICANS LEAVE, IRAQ WILL TURN OUT TO BE A HOUSE OF CARDS.

GLASS HOUSES là nhà làm bằng kính. Sống ở trong một căn nhà làm bằng kính mà cứ cầm đá chọi lung tung thì rồi thế nào cũng làm vỡ kính, tan cái nhà: PEOPLE WHO LIVE IN GLASS HOUSES SHOULD NOT THROW STONES. Câu này nghĩa là người ta không nên chỉ trích người khác về những sai lầm mà chính mình cũng có. Chân mình thì lấm bê bê/ đừng cầm bó đuốc mà rê chân người.

QA

Thưa anh, HOUSE cũng có nghĩa là hạ viện phải không? Thí dụ LOWER HOUSEUPPER HOUSE ở Việt Nam trước kia. HOUSE OF COMMONS là Thứ Dân Nghị Viện và HOUSE OF LORDS là Quí Tộc Nghị Viện như ở bên Anh.

BBT

Đúng như cô QA nói. HOUSE là hạ viện. Báo chí dùng chữ HOUSE để nói Hạ Viện Hoa kỳ. Tôi nhớ một cái bumper sticker dán trên cản một chiếc xe tôi đọc được hồi còn ở miền đông: A WOMAN’S PLACE IS IN THE HOUSE… Nếu câu này chỉ đến đó là hết thì nó mang ý nghĩa rất phong kiến, coi rẻ phụ nữ: chỗ của phụ nữ là trong nhà. Đó là quan niệm của một hai thế kỷ trước. Nhưng ngay ở dưới hàng chữ vừa kể, là những chữ này: AND THE SENATE. Tự nhiên chữ HOUSE không còn có nghĩa là nhà nữa, mà nó mang nghĩa là HẠ VIỆN, vì những chữ AND THE SENATE đi theo sau. Toàn câu trở thành A WOMAN’S PLACE IS IN THE HOUSE AND THE SENATE nghĩa là chỗ của phụ nữ là Hạ Viện và Thượng Viện.

Idioms về nhà đến đây coi là tạm đủ. Bây giờ đến lúc trở về mái nhà xưa rồi chăng hai cô?

QA

Thưa đúng. Bài học Anh ngữ thứ 75 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.