March 30, 2021

Những Bài Tạp Ghi viết năm 2008 của Bùi Bảo Trúc

 1-2-2008

MẬU THÂN

Ðúng 40 năm trước, ngày 30 tháng 1 năm 1968, cuộc tổng công kích Mậu Thân đã khởi sự với việc các lực lượng Cộng sản tấn công 36 trong số 44 thành phố của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng tất cả nỗ lực của Cộng quân đã bị bẻ gẫy và chỉ sau vài ngày, các lực lượng này đã bị đánh bật ra khỏi các thành phố mà họ chiếm được, trong khi ở Huế, lực lượng Cộng sản giữ được thành phố này lâu nhất, 26 ngày.

Trận Mậu Thân là một thất bại chiến thuật của Việt Cộng và quân Bắc Việt nhưng là một khúc quanh của cuộc chiến Việt Nam. Phía Cộng sản, số thương vong là khoảng 32 ngàn, khoảng 5,800 bị bắt.

Tổng thống Hoa kỳ Lyndon Johnson ngày 31 tháng 3 năm 1968 tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa và ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt. Quyết định của tổng thống Johnson là hậu quả gián tiếp của trận Mậu Thân.

Và như thế, đúng như một câu nói về cuộc chiến mà chúng ta nghe đã nhiều lần, người Mỹ không thua tại Việt Nam, mà thua tại Washington.

Báo chí Hoa kỳ khẳng định rằng trận Mậu Thân là một thảm họa, thảm họa cho Hoa kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Các phái viên của những tờ báo, của các đài truyền thanh và truyền hình Mỹ đã viết sẵn cái cáo phó cho Việt Nam Cộng Hòa từ trước khi trận Mậu Thân diễn ra và biến thảm bại của Cộng sản thành chiến thắng như nhiều sử gia sau này nhìn lại cuộc chiến đã cho thấy.

Nhưng thực ra, theo những tiếng nói thẩm quyền nhất và uy tín nhất thì trận Mậu Thân là một đại bại cho Cộng Sản.

Don Oberdorfer trong cuốn Tet! ở trang 329 và 330 nói thẳng ra rằng lực lượng tấn công của Cộng Sản đã thua nặng. Hàng chục ngàn cán binh tinh nhuệ và kinh nghiệm nhất từ rừng tiến vào thành phố chỉ để bị mưa pháo và bom tiêu diệt. Du kích của Mặt Trận Giải Phóng bị thiệt hại nặng đến nỗi sau trận Mậu Thân, Hà Nội phải đưa quân chính qui vào để thay thế. Nhưng đau nhất cho Cộng Sản là các thành phố ở miền Nam đã không " đồng khởi " như những tiên đoán và mong muốn của Hà Nội.

Một ấn phẩm của Học Viện Nghiên Cứu Chiến Lược ở Luân Ðôn ấn hành năm 1969 viết rằng trận Mậu Thân đã khiến cho các đơn vị Bắc Việt thiệt hại nặng và trong năm 1969, quân Bắc Việt đã không hồi phục lại được sau những tổn thất đó.

Peter Braestrup, văn phòng trưởng của tờ Washington Post là người có mặt tại Sài Gòn khi trận Mậu Thân diễn ra, đã viết trong cuốn Big Story của ông rằng các sử gia ngày nay đã công nhận trận Mậu Thân là một thất bại nặng nề cho Hà Nội chứ không phải cho Washington.

Trong cuốn sách này, cuốn Big Story, Peter Braestrup đã phanh phui cho thấy cách làm việc đầy thiên kiến của nhiều nhà báo Mỹ.

Uwe Siemonnetto, một giáo sư thỉnh giảng tại đại học thần học Lutheran ở Irvine trong bài viết đăng trên tờ Orange County Register số ra ngày 30 tháng 1 năm 2008 kể lại chuyện ông đứng cạnh Peter Baestrup khi một mồ chôn tập thể thường dân bị Cộng Sản giết tại Huế được khai quật, Peter Braestrup có quay sang hỏi một chuyên viên thu hình cho một hệ thống truyền hình Mỹ là tại sao ông ta không quay cảnh những xác thường dân bị Cộng Sản giết được mang lên, thì người này nói rằng ông ta không làm công việc tuyên truyền chống Cộng.

Câu nói đó cho thấy cách suy nghĩ của khá nhiều nhà báo Mỹ ở Việt Nam. Họ chỉ viết, tường thuật và nói về những chuyện không tốt đẹp của Việt Nam Cộng Hòa, và nếu cần, bịa đặt ra để phù hợp với lập trường của họ. Những chuyện không tốt đẹp của phe Cộng Sản, thì họ không nghe, không thấy, không nói.

Họ nói rất nhiều về Mỹ Lai, nhưng họ không đề cập gì tới những mồ chôn người ở Huế, về thiệt hại khủng khiếp của Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Nhưng từ đó, cũng đã có những tiếng nói phản tỉnh.

Ðiển hình là Frances Fitzgerald, tác giả cuốn Fire In The Lake, một trong những người chỉ trích Hoa kỳ và Việt Nam Cộng Hòa gay gắt nhất, đã phải nhìn nhận trận Mậu Thân không phải là thắng lợi của Cộng Sản, rằng Việt Nam Cộng Hòa đã không sụp đổ, và trận Mậu Thân đã làm suy yếu Mặt Trận Giải Phóng. Hai nhà báo người Ý là Tiziano Terzani, Oriana Fallaci cùng với Olivier Todd của tờ Le Nouvel Observateur, là những người đủ liêm sỉ để nhìn ra những sai lầm của họ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

Nhưng một số khác vẫn tiếp tục bóp méo sự thật nếu việc đó đưa ra những hình ảnh xấu xa của nước Mỹ tại chiến trường.

Peter Arnett bịa đặt, dựng đứng ra một câu nói mà ông ta quả quyết là của một sĩ quan Mỹ theo đó, Hoa kỳ phải tàn phá tỉnh Bến Tre để cứu tỉnh lỵ này.

Năm 1998, Peter Arnett bịa đặt chuyện Hoa kỳ dùng chất độc sarin ở Lào để giết các binh sĩ Hoa kỳ đào ngũ. Hệ thống truyền hình CNN đã phải thu hồi phóng sự này và Peter Arnett phải từ chức.

Dan Rather, một thông tín viên kỳ cựu cũng nhiều lần bôi bẩn cuộc chiến Việt Nam. Cuối cùng, vì một bài viết không đúng sự thật về tổng thống Bush, Dan Rather đã bị hệ thống truyền hình CBS cho nghỉ việc.

Và những người Cộng Sản thì lại vừa đánh phèng la kỷ niệm trận Mậu Thân trong khi biến cố năm 1968 là một thất bại lớn của họ.

MỘT NIỀM VUI

Một trong những ca khúc mà Trịnh Công Sơn viết trong những năm cuối, bài Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui, có một câu ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi như điều ông làm ông phải dè sẻn, sợ dùng nhiều thì sẽ mất đi, hết đi. Mỗi ngày ông chọn cho ông một niềm vui, chỉ một thôi. Ở cái tuổi đã cao, dè sẻn một chút là phải. Dùng hết những niềm vui rồi sẽ có lúc hết, làm sao tiếp tục vui cho được.

Tôi cũng thế. Tin tức báo chí, truyền thanh truyền hình mở ra là phát chán, nguyên một ngày bị hỏng đi vì mấy cái tin Iraq, Afghanistan, Nam Phi, Kenya, Darfour vân vân.

Mỗi ngày tôi cần một niềm vui. Tuần qua, tôi có được một điều vui. Vui được cả một ngày, đến nay nghĩ lại vẫn thấy vui.

Chuyện kể năm 1967, một phụ nữ Việt Nam làm việc ở Hương Cảng gặp một người đàn ông Trung Hoa, hai người yêu nhau. Sau đó không lâu, người phụ nữ Việt Nam phải về nước, mang theo trong người một kỷ niệm mối tình ở Hương Cảng. Người đàn ông Trung Hoa không liên lạc lại được với người phụ nữ Việt Nam. Ông trở lại Ðài Bắc sống với gia đình, vợ, con. Người phụ nữ Việt Nam về nước sinh con gái đặt tên là Trần Thị Khâm. Nhưng hai năm sau, người mẹ qua đời, đứa con được người chị mang về nuôi. Mãi đến khi cô Trần thị Khâm 21 tuổi, trước khi về nhà chồng, bác của cô mới cho cô biết sự thật. Bác cô trao cho cô bức ảnh đen trắng của người đàn ông Trung Hoa, cha của cô và chiếc nhẫn có khắc tên Thái Hàn Triều mà ông cho mẹ của cô khi hai người chia tay ở Hương Cảng.

Cô Trần thị Khâm, qua lời kể lại của người bác, mới chỉ biết được có một nửa câu truyện về cô. Một nửa kia, người cha của cô, cô không biết là người như thế nào. Mấy năm trước, cô đi Ðài Loan để tìm cha nhưng không tìm được. Năm ngoái, cô xin đi làm việc ở Ðài Loan và được một trung gian giới thiệu đến giúp việc cho một gia đình ở Ðài Bắc, săn sóc một phụ nữ đau yếu. Bẩy tháng sau, người đàn bà này qua đời. Cô được đưa đi Kim Môn để làm việc cho một gia đình khác. Ðến Kim Môn cô mới biết mình để quên ở nhà cũ một cái túi trong đó có vài ba thứ bao giờ cô cũng mang theo bên mình. Cô nhờ cảnh sát Kim Môn giúp liên lạc với gia đình ở Ðài Bắc để xin lại cái túi. Người đàn ông già thuê mướn cô mấy tháng trước để lo cho vợ, mở cái túi ra, và trong túi rơi ra bức hình đen trắng và chiếc nhẫn. Ông nhận ngay ra đó là bức hình của ông, bức hình ông tặng người đàn bà Việt Nam hồi năm 1967, và chiếc nhẫn khắc tên của ông mà ông tặng bà.

Lập tức ông hiểu ngay ra mọi chuyện. Người phụ nữ làm việc cho gia đình ông chính là con gái ông. Ông bay đi Kim Môn để gặp con gái.

Chuyện có một đoạn kết hết sức đẹp. Ðẹp như những chuyện thần tiên cổ tích mà chúng ta nghe trong những năm thơ ấu. Những chuyện có những kết cuộc rất đẹp để làm vui người kể cũng như người nghe trong cuộc sống có những lúc quá nhiều nghịch cảnh. Những chuyện người lấy vợ cóc, bà già và quả thị, Tú Uyên, Giáng Kiều mà chúng ta chưa quên.

Chuyện người phụ nữ Việt Nam tìm được cha trong những trùng hợp ngẫu nhiên là chuyện khó tin nhưng lại đã xẩy ra.

Tại sao cô lại được giới thiệu vào làm việc đúng cho gia đình ông Thái Hàn Triều ở Ðài Bắc, trong khi có bao nhiêu người đi xin việc như cô và bao nhiêu gia đình cần người giúp việc như cô?

Tại sao cô để quên cái túi ở nhà cũ. Nếu cô không được giới thiệu đi làm cho gia đình ông Thái Hàn Triều, nếu cô không để quên cái túi ở nhà của ông, và nếu cái túi không đựng mấy kỷ vật mẹ cô để lại cho cô, thì làm sao cô gặp được người cha cô không biết mặt, và người cha cũng không bao giờ biết là có một cô con gái ở Việt Nam.

Chuyện của cô có thể viết thành một cuốn sách cảm động, có thể dựng được thành phim làm tốn không biết bao nhiêu là nước mắt.

Nhưng đọc được nửa bản tin về cô, tôi bắt đầu hồi hộp và lo sợ.

Hồi hộp và sợ vì bao nhiêu phụ nữ Việt đi làm ở Hoa lục, ở Ðại Hàn, ở Ðài Loan, ở Singapore, Iraq... đã gánh rất nhiều điều bất hạnh khổ sở đến độ những bài báo về họ không ai còn muốn đọc nữa.

Nhưng may làm sao, cô không bị gia đình thuê cô làm việc hành hạ, đánh đập, ngược đãi.

Tưởng tượng người đàn ông 77 tuổi, ông Thái Hàn Triều để cho gia đình hành hạ, đánh đập, bạo hành cô thì ông sẽ ân hận biết là bao nhiêu. Liệu ông có còn dám đi gặp người con gái của ông nữa không, sau những cách đối xử tàn ác dành cho người phụ nữ làm công đó.

Nhưng điều làm người đọc nhẹ nhõm nhất là người đàn ông Trung Hoa này đã không làm những hành động, mà nếu ông là người còn chút đạo đức, không biết ông phải hành xử như thế nào, có còn dám nhận cô Trần Thị Khâm là con nữa không.

May làm sao, những chuyện như thế, những chuyện đã xẩy ra cho những người phụ nữ Việt khác, lại đã không xẩy ra cho cô.

Câu chuyện của hai cha con ông Thái Hàn Triều làm cho người ta tin là trên đời vẫn còn có những người tử tế. Cô gái Việt Hoa cố đi tìm cha. Người cha sống cuộc đời tử tế, đạo đức.

Trời sui đất khiến cho hai cha con gặp nhau trong một hoàn cảnh không ai phải ân hận điều gì mà không vui sao?

1-8-2008

PHÚ QUÍ GIẬT LÙI

Sau khi những con số 4 ở các cây xăng có vẻ như không muốn ra đi để trả lại chỗ cho những con số 3 , thì những chiếc xe hai bánh bắt đầu xuất hiện trở lại nhiều hơn trên những con đường tôi đi làm mỗi ngày.

Hai chiếc xe tôi đi đều là nhũng con quái vật không biết phân biệt đâu là xăng và đâu là nước lã. Xăng trở thành máu huyết mà cứ uống như thế thì làm sao tiếp tục ở với nhau được.

Những khoái lạc của lúc nhấp nhẹ bàn chàn phải lên bàn đạp ga để chúng bứt đi khỏi những chiếc Corolla, những chiếc Honda Civic cù lần trong những lần chạy trên xa lộ 405 để đi làm suốt mấy năm nay thì bây giờ không còn nữa. Cả hai chiếc, mỗi lần cây kim ngả sang phía chữ R của đồng hồ chỉ mức xăng, là lại trên dưới 60 đô la bay ra khỏi túi ngay.

Cả hai chiếc đều lòng máy trên 300, không như chiếc Volkswagen con bọ hồi mới sang Bắc Mỹ đổ 5 đô la xăng chạy cả tuần không hết.

Hay là từ 4 bánh xuống 2 bánh chăng?

Câu phú quí giật lùi mẹ tôi vẫn nói lại hiện ra trong đầu. Người ta từ 2 bánh lên 4 bánh, bây giờ đang 4 bánh nghĩ tới việc trở lại với 2 bánh thì có phải là phú quí đi số de rồi không?

Chắc không phải vậy. Tại cái con số 4 ở các trạm xăng chứ nào phải cái khó bó cái khôn, kinh tế thăng trầm, tiền bạc giảm sút mà phải nghĩ bỏ những con quái vật 4 bánh để kiếm cái xe 2 bánh về.

Tôi nghĩ đến chiếc scooter thời ở Sài Gòn.

Trông cũng được lắm đấy chứ. Ðã lâu lắm tôi không ngồi lên chiếc Lambretta một thời thân thiết. Thỉnh thoảng lắm tôi mới thấy nó ở đây. Trong chuyến đi San Francisco năm ngoái, tôi thấy một chiếc leo lên một khúc đường giốc. Nó thở nặng nề tội nghiệp. Có thể là vì cái máy 150 phân khối hai thì của nó. Chứ 200 phân khối như cái của tôi biết đâu khá hơn.

Tôi ở với nó suốt mấy năm, để thay đổi những lúc không cần tới cái 2 CV lễ phép mỗi lần đến ngã tư đèn đỏ bao giờ cũng gật đầu chào ông cảnh sát công lộ rồi mới chạy.

Nó không hào hoa như những chiếc Vespa, và cũng chẳng bao giờ được đối xử tử tế như những chiếc Vespa Sprint được chủ yêu quí còn hơn vợ con, cha mẹ lúc nào cũng bóng lộn, con chim bay qua để lại kỷ niệm cũng không dám cào ra, phải đợi về nhà lấy nước nóng chùi nhẹ.

Chiếc Lambretta của tôi bị đối xử đúng như lời ông bố tôi nói: Nó làm đầy tớ cho mình, mình đừng bao giờ làm đầy tớ cho nó. Ôi câu nói có lý biết là chừng nào. Ðó là câu đánh tan mọi mặc cảm tội lỗi, tội lỗi không đối xử với nó nhẹ nhàng hơn, tử tế hơn một chút.

Thỉnh thoảng bỏ nó tại cây xăng gần trường cho rửa sạch sẽ, thay cho hộp nhớt, nếu cần, cho cái bu gi mới là tử tế lắm rồi. Khi thấy tiếng máy không nổ như mọi lần, mang nó ra cho mấy chú nhỏ ở tiệm sửa xe quen tháo cái ống khói ra, cào, đục cho hết những lớp than đóng ở trong là nó lại nổ dòn như trước.

Nó không bao giờ phản bội chủ. Ðạp một cái là nổ. Vài ba lần, thỉnh thoảng đạp cho ba hay bốn cái là cùng, ngồi lên sang số chạy lập tức.

Nó không vọt như những chiếc Honda máy bốn thì, nhưng muốn đi đâu, nó cho tới đó. Bên lề đường Lê Thánh Tôn, ngang cà phê La Pagode, ở trường dậy học, ngoài xa lộ, dưới những con mưa xối xả hay những trưa nóng đổ lửa xuống lưng, những buổi tối trăng sao lấp lánh trên trời, khuôn mặt nép vào lưng, những sợi tóc xòa bay ngược về phía trươc, mùi nước hoa nhẹ bay, cái vai ấm , bàn tay không có chỗ nào vịn phải vòng qua lưng phía trước…

Ở chỗ để chân, những ngày trong tuần là mấy cuốn sách dậy học, cuối tuần, là hai đứa con đứng lên đợi từ sáng sớm đòi cho đi vườn Tao Ðàn…

Trên nửa cái yên sau, là bao nhiêu kỷ niệm. Những buổi trưa trong rạp chiếu bóng ra, nắng Sài Gòn biến tất cả những gì tiếp xúc với mặt yên thành những chiếc bánh dầy nướng, nhất là khi những ngăn cách chỉ là lớp mousseline rất mỏng…

Hay là trở lại với một chiếc Lambretta như thế?

Nhưng làm sao mỗi ngày 40 dặm đi, 40 dặm về đến được nhà toàn thây? Làm thế nào toàn thây được trên con đường của những chiếc sáu máy, tám máy chạy như không còn có ngày mai nữa? Làm sao toàn thây khi một chiếc 18 bánh to hơn cái nhà chạy qua tạo một cơn lốc khủng khiếp? Làm sao toàn thây được khi chạy giữa đoàn xe ào ào lao đi với vận tốc 70, 80 dặm một giờ?

Chiếc Lambretta nào chịu nổi mỗi ngày 80 dặm trên đoạn xa lộ kinh khủng nhất California?

Chiếc Lambretta không còn giữ được hình ảnh cũ nữa. Ðầu đội mũ an toàn, quần áo sau chuyến đi buổi sáng sẽ đầy khói và bụi. Làm thế nào đến sở làm mà vẫn giữ được chút nhan sắc (?) càng ngày càng hiếm hoi ở cái tuổi này, tuổi gấp đôi cái tuổi khi còn ở với chiếc Lambretta ở Sài Gòn?

Cái Lambretta lúc này sẽ chán lắm. Có thể bớt đi được vài chục bạc xăng. Nhưng cái Lambretta thời tuổi trẻ không còn nữa.

Nửa yên sau của nó sẽ hết sức vô duyên và thừa thãi. Có kiếm được ai mời ngồi lên thì cảnh ngồi chàng hảng hai chân sang hai bên, cái mũ an toàn đội lên đầu thì còn đâu là vẻ hào hoa ngày xưa nữa.

Thôi thì đành ở lại vơi hai con quái vật uống xăng như uống nước lã vậy chứ biết làm sao bây giờ?

Người ta nói là không bao giờ tắm được hai lần ở cùng một giòng sông là như vậy.

2-5-2008

THUYỀN NHÂN, VÀI TRANG BI SỬ

Nhật Tiến là một nhà văn. Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc ông được trao tặng năm 1962 là cho sự nghiệp văn chương của ông. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, ông viết kịch, ông viết nhật ký, hồi ký, truyện thiếu nhi. Ông cũng là một dịch giả. Nhưng ông không phải là người biên khảo, ông không viết tài liệu, nghiên cứu, nếu Việt Nam không trải qua một chương sử bi thảm.

Cuốn sách ông gửi tới độc giả không phải là tác phẩm văn chương của Nhật Tiến. Ông bỏ văn chương sang một bên để đóng vai trò của một nhân chứng.

Có thể nói là ít có một nhân chứng nào phải chứng kiến tận mắt những điều Nhật Tiến trông thấy trong chuyến đi định mệnh ngày 19 tháng 10 năm 1979 của ông.

Là một nhà văn, ông Nhật Tiến đã phải quyết định bỏ đi khỏi cái quê hương của tiếng Việt mà ông rất yêu quí. Alexander Solzhenitsyn có lần, trước khi bị cưỡng bách lưu đầy, nói với tờ tuần san Time rằng ông là một nhà văn Nga, ông không thể sống ở bên ngoài nước Nga. Thanh Tâm Tuyền quyết định ở lại Việt Nam cũng vì lý do đó để rồi chịu tù đầy cả chục năm.

Nhật Tiến quyết định ra khỏi Việt Nam vì không thể sống ở đó được nữa.

Ông xuống thuyền ở Vũng Tầu, hướng về phía Malaysia dù biết chuyến đi sẽ hết sức vất vả.

Nhưng ông không thể tưởng tượng chuyến đi đó lại có thể vất vả và khốn khổ như thế.

Cuối thập niên 70 và đầu những năm 1980, những chuyến đi ra nước ngoài diễn ra càng ngày càng nhiều. Những người thoát được ra khỏi Việt Nam năm năm trước đó, năm 1975, lúc ấy đã có những cuộc sống mới. Báo chí tiếng Việt đã bắt đầu xuất hiện. Và nhờ đó, những người đi trước, qua những tin tức báo chí Việt ngữ, qua các đài phát thanh tiếng Việt của các nước ngoài, đã nghe được những chuyện bi thảm của những người Việt trên đường tị nạn. Chúng tôi nghe được tin Nhật Tiến cũng đi ra khỏi Việt Nam. Và chúng tôi nghe được khá rõ về chuyến đi đầy hoạn nạn của ông.

Những chuyến đi khác cũng đã được viết xuống. Nhưng những chi tiết mà chỉ có cặp mắt của nhà văn, của người quen với giấy bút kể lại thì phải chờ những bài viết, những tường trình của Nhật Tiến.

Một danh từ mới xuất hiện: boat people. Danh từ này, boat people, không còn có nghĩa là những người sống trên thuyền, trên du thuyền, trên những tầu thuyền nhỏ lớn ở Monaco, ở Miami, mà là một chữ mang theo một ý nghĩa mới, chua chát và bi thảm: người đi tìm tự do bằng thuyền.

Nhật Tiến đã viết lại những thảm cảnh mà ông chứng kiến tận mắt, những chuyện mà chính bản thân ông là nạn nhân, ngôi thứ nhất, đã trải qua.

Những bài báo do ông viết, những điều ông nói với các phái viên báo chí, các đài truyền thanh ngoại quốc đã là những chứng từ bi đát không của mình ông, mà của luôn cả những người Việt Nam khốn khổ.

Người ta không thể nói hết được những khổ nhục mà những người Việt này phải gánh chịu.

Sửa một vài chữ trong bài đại cáo của Nguyễn Trãi thì nước biển vịnh Thái Lan không thể đủ để rửa được những hành động ghê tởm, những tội ác của những con vật trên những chiếc tầu đánh cá treo cờ Thái Lan.

Nhật Tiến, trong một khoảng thời gian, phản ảnh lại qua những bài viết đầu tiên từ trại tị nạn, dường như đã không thể dùng đúng những chữ chính xác để nói về những hành động kinh khủng mà bọn cướp biển đã làm với các phụ nữ Việt Nam. Phải một thời gian sau, ông mới có thể dùng những chữ ấy trong các bài viết.

Ông đau cái đau của các phụ nữ Việt, ông vừa đau, vừa thương, vừa tôn trọng những đau đớn bất hạnh đó, đến độ ông không thể nói thẳng ra những chữ mô tả cảnh khổ nạn của các nạn nhân. Nhưng sau đó, là người tường trình sự việc, ông đã dùng những chữ phải dùng cho các hành động gây đau đớn và nhục nhã cho các nạn nhân.

Ðọc những tin tức, những bài báo về thảm nạn mà những người Việt Nam phải gánh chịu ở vịnh Thái Lan, người ta không thể tưởng tượng ra nổi những con người có thể đối xử với đồng loại một cách thú vật như những con thú trên những thuyền đánh cá của Thái Lan.

Nói như vậy cũng là nhục mạ, xúc phạm loài thú. Gặp tầu thuyền hoạn nạn, đã bao nhiêu lần những con cá heo, những con cá nhà táng xúm vào trợ giúp. Mới đây, mấy con chó hoang ở Ấn độ đã canh gác cho một hài nhi vừa ra đời cho đến khi dân làng tìm thấy đứa bé và mang về nuôi nấng.

Nhưng những người đánh cá Thái, những người đã có lúc xuống tóc vào chùa ở vài ba tháng, lại bỗng trở thành những con ác quỉ kinh hoàng trên biển.

Không thể hiểu được.

Cuốn Thuyền Nhân Vài Trang Bi Sử đúng như tựa đề của tập sách, chỉ mới là vài trang mà thôi.

Còn bao nhiêu chuyện không được nói ra. Lý do là vì một nhát mã tấu, vài ba viên đạn, một cái đạp xuống biển trong khi chân tay bị trói chặt thì những nhân chứng, những nạn nhân mãi mãi im tiếng.

Con đi được, con nuôi má

Những câu vè đùa nghịch như thế, nghe thì cười, mà bi thảm biết là bao.

Cuốn sách nhỏ của Nhật Tiến được gửi tới người đọc vào một lúc không thể thích hợp hơn. Ngày 30 tháng 4 cũng như ngày 11 tháng 9 nhưng bi đát hơn nhiều. Con số người chết trên đường vượt biên, chết vì lũ quỉ dữ, chết vì biển, bão táp, sóng cả, vì thuyền mỏng manh, vì bệnh hoạn không thể nào biết chắc là bao nhiêu người.

Ðến nay, những đoạn nhắn tin của đài Little Saigon mỗi sáng thứ Tư vẫn còn thấy những người cha, những người mẹ tìm con, anh em tìm nhau, con cái tìm cha mẹ bặt tin từ những chuyến vượt biên. Người ta vẫn bám víu vào chút hy vọng là những người đó đến được bến bờ bình yên. Nhưng nay đã hơn ba mươi năm. Thân nhân vẫn hy vọng, không dám nghĩ tới những chuyện quá khủng khiếp có thể xẩy ra cho những người thân của mình.

Ðã có một lúc, chúng tôi không muốn, mà cũng có thể là không muốn đọc những bài báo đó.

Ðó là những chi tiết làm hỏng một ngày, làm một hai buổi tối mất ngủ. Mà đó là những chi tiết bi thảm xẩy ra cho những người không phải trong gia đình.

Xưa kia phong gấm rủ là

Biết bao nhiêu phụ nữ thân còn nát tan hơn là Kiều cả ngàn lần. Chỉ nghĩ tới là đã đau, là đã muốn khóc, đã muốn không nghĩ tới nữa.

Nhưng cuốn sách của Nhật Tiến là cuốn sách nên đọc.

Phần tiếng Anh của cuốn sách cần phải có ở nhà để những thế hệ không đọc được tiếng Việt cũng có thể đọc. Ðọc để thấy cha, mẹ, anh chị đã đi một chuyến đi khủng khiếp đến như thế nào.

Cuốn sách của Nhật Tiến không thể gọi là một cuốn sách hay.

Hay làm sao được. Hay là phải nhiều hư cấu, tưởng tượng, sáng tạo chăng?

Cuốn sách như thế không thể hay được. Viết xuống được những điều đó mà vẫn giữ được sự tỉnh táo, không phát điên lên là đã quá giỏi.

Các đài truyền hình Mỹ trước khi chiếu những đoạn video có vài ba cảnh chết chóc như sau một tai nạn, như tại chiến trường Baghdad, Kabul đều cẩn thận cảnh cáo các khán giả là nếu dễ cảm động thì không nên xem tiếp nữa.

Mà những chuyện như thế thì đã thấm tháp vào đâu so với những chuyện Nhật Tiến ghi lại.

Tiếng kêu thảm thiết đó của Nhật Tiến đã đánh động được lương tâm của một số người. Các nạn nhân trên đảo Kra mà Nhật Tiến cũng có mặt đã được cứu khỏi cái địa ngục kinh khiếp đó.

Nhật Tiến không chỉ ghi lại những cảnh tượng hãi hùng đó. Tiếng kêu của ông đã cứu được một số người.

Những kỷ niệm bi đát, đau đớn đó, vài ba lời ghi lại trên mấy tấm bia hai năm trước còn bị đập phá cho tan tành. Những cái búa, những bàn tay đó là từ Hà Nội thò sang.

Một tấm bia ghi lại những khổ đau của các nạn nhân cũng bị tạo áp lực để đục cho tiêu hết. Vừa xóa tội cho mình, vừa xóa tội bọn ác quỉ.

Trong suốt những năm tháng xẩy ra những chuyện bi thảm của người vượt biển, nhà cầm quyền Hà Nội đã hoàn toàn im lặng, không nói lên được một câu để phản đối việc làm của bọn cướp biển, của thái độ nhắm mắt làm ngơ của chính phủ Thái, để bênh vực cho các nạn nhân người Việt. Hà nội hoàn toàn câm miệng chỉ vì những người Việt này bất đồng chính kiến với nhà nước. Hãy nhìn thái độ to mồm của chính phủ Mexico khi bênh vực cho những người nhập cảnh lậu vào Hoa kỳ để học lấy đôi ba điều.

Hà Nội đã câm miệng và nay, lũ đĩ điếm, bồi bếp, những chữ mà thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền dùng để thóa mạ hồi những năm 1970, lại trở thành núm ruột ngàn dặm được nhà nước rất ưu ái vì những đồng tiền họ gửi về.

Nhưng Hà Nội vẫn đòi phá cho bằng được những tấm bia ở Indonesia.

Tử tế là như thế đấy.

Cuốn Thuyền Nhân Vài Trang Bi Sử của Nhật Tiến sẽ không để cho những việc làm khốn nạn đó xóa đi những tội ác, những thảm nạn của những người Việt vì tự do phải gánh lấy những hy sinh to lớn nhất.

30 THÁNG 4

Như vậy, mùa mưa đã trở lại thành phố Sài Gòn 33 lần.

Khi mưa trở lại trên thành phố

Những con ve sầu cứ đúng chu kỳ 18 năm mới ngoi lên mặt đất một lần thì nay đã hai lần trở lại trên những cây me, những cây du của thành phố.

Năm 1975, Vũ Hoàng Chương, ông thầy học cũ nằm trong Chí Hòa được thả cho về để chết ở nhà đã ngán ngẩm đọc hai câu tình cờ vừa đối nhau chan chát vừa đúng không thể nào có thể đúng hơn:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý

Chẳng chỉ những cái tên đường, mà thành phố cũ cũng đã thay tên. Thỉnh thoảng được xem những bức hình mới chụp của những người về nước mang sang cho xem, thì những con đường cũ cũng đã rất khác. Hơn ba mươi năm rồi còn gì. Cái công viên vẫn đưa con ra chơi những sáng chủ nhật không còn nữa. Vài ba góc phố một thời thân quen không nhận ra nổi. Những chiếc xe taxi hiền lành đã qua đời, đã trở thành những đống sắt rỉ sét nằm đâu đó cùng với kỷ niệm của những chuyến đi với người bạn dưới những trận mưa tầm tã. Không còn thấy những chiếc xe thổ mộ, những chiếc xe lam, và nay, cả những chiếc xe ba gác tội nghiệp cũng không còn được phép hoạt động nữa.

Thì cũng phải cho thành phố tiến bộ chứ.

Chiếc Rolls Royce được mua với giá trên một triệu đô la được chở bằng máy bay phản lực từ Anh về cho tha hồ dềnh dang trên những con đường chật chội, bụi khói ô nhiễm. Cả những chiếc scooter, những chiếc Lambretta và Vespa cũ cũng chỉ thỉnh thoảng lắm mới thấy chạy cạnh những chiếc xe gắn máy mới hơn, chạy nhanh hơn. Người lái chúng trông như những người từ hành tinh, mặt đeo kín khẩu trang, áo chống nắng che kín mít.

Không còn Sài Gòn phóng Solex rất nhanh / đôi tay hoàng yến ngủ trong găng trong thơ Nguyên Sa nữa.

Ba mươi ba năm là thời gian đủ để một người ra đời lớn lên, lại qua khỏi cái tuổi tam thập nhi lập của Không Tử tới ba năm. Bao nhiêu chuyện đã xẩy ra.

Người đàn ông tuyên bố cương quyết ở lại chiến đấu ở sân nhà thờ Tân Sa Châu, vài ngày sau, mặt mũi thẫn thờ khi được đưa lên một chiến hạm Mỹ, bỏ chuyện chiến đấu cho người khác, thì nay đã lại trở về, không biết ông ta có lần nào đi ngang qua ngôi nhà thờ ở khu Hòa Hưng và nhớ lại những lời ông ta nói không.

Một người đàn ông khác mặt mũi hí hửng cầm tờ chứng minh nhân dân mới được cấp chụp hình khoe bằng một một nụ cười nham nhở. Ðợi coi khi ốm đau xem có đi Mỹ xin nằm bệnh viện Mỹ hay không.

Những người khác thì đã ra đi, vĩnh viễn. Ông Minh, ông Thiệu, cụ Hương mang theo những chuyện không ai biết về đất nước.

Hàng mấy trăm ngàn người cũng đã chết, xác tấp vào đâu đó trên những bãi biển Ðông Nam Á. Những con ác quỉ đội lốt người dao găm mã tấu nhẩy lên những chiếc thuyền tị nạn nay cũng có đứa đã già, chân tay lẩy bẩy chắc vẫn còn nhớ những việc làm thú vật của chúng. Và nhiều người đi trên những con thuyền ấy thì lại trở lại đất nước của những con ác quỉ đó để đi shop, để ăn trái cây như bao nhiêu người vẫn háo hức nói về các chuyến đi ấy.

Cảnh lếch thếch tất tả hốt hoảng chạy rạp người xuống để leo lên những chuyến trực thăng ở nóc sứ quán Mỹ, ở phi trường khi vừa xong trận pháo kích thì nay áo mũ sênh sang bước trên máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất, giả bộ nói tiếng Việt không còn sõi nữa, ngượng nghịu gọi những thanh niên, thiếu nữ đi cạnh bằng những cái tên không còn dính dáng gì tới những Phạm, Nguyễn, Trần, Vũ...

Sau những chuyến trở về ấy, nhiều người đàn ông sẽ trở lại Mỹ với những công việc không vẻ vang gì như họ đã khoe tại các tiệm hớt tóc, bia ôm ở Việt Nam, và kể lại những thành tích vui vẻ trên thân xác của những phụ nữ Việt Nam ra đời sau cái ngày oan nghiệt đó.

Ba mươi ba năm, vẫn có những người tiếp tục xa quê hương, nhớ mẹ hiền, không một lần trở lại.

Tôi không đi du lịch trên quê hương tôi.

Người nói câu ấy, một ông thầy cũ, nhà thơ Nguyên Sa đã làm đúng được điều ông nói. Cho đến lúc ông qua đời.

Những Việt điểu tan tác một bầy, đậu tứ tung chứ cũng chẳng tìm được sào nam chi mà đậu.

Ba mươi ba năm vẫn nhớ tiếng rao của người bán bánh khúc mỗi sáng ở trong cái ngõ nhỏ bình yên ấy. Vẫn nhớ những cái lớp học cũ, những người học trò nhỏ ngập ngừng nhờ viết cho vài dòng trong cuốn lưu bút, vẫn nhớ cái quầy bán báo ngoại quốc ở gần bên tiệm nước La Pagode còn thiếu nợ hai số báo Newsweek và Time quên không trả tiền. Vẫn nhớ mùi bánh croissant tỏa ra từ Brodard mỗi sáng đến sở làm bên kia đường, ly cà phê đầu ngày cô giúp việc nhà pha cho, mùi căn gác nơi hai đứa con ngủ, những câu nói ngọng díu của chúng thì nay lại thấy ở miệng mấy đứa cháu nội ngoại.

Và vẫn nhớ lõm bõm mấy câu thơ một người bạn gửi cho đại khái:

Xưa trực thăng bốc bạn lên trời

Vậy mà đã hơn ba chục năm. Hạ Chi Chương thì tình cảnh cũng đến thế mà thôi. Nhưng ít nhất, ông già này cũng về được nhà:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi

Trẻ ra đi, già mới về nhà

Bi thảm không thể tả được.

4-1-2008

BÁN ANH EM XA

Tục ngữ Việt Nam có mấy câu gần như giống hệt nhau về ý nghĩa, như anh em xa không bằng láng giềng gần; bà con xa không bằng lân la láng giềng; bán họ anh em xa, mua láng giềng gần; họ hàng ở xa không bằng láng giềng gần...

Tất cả đều nói về cái tình của chúng ta đối với láng giềng. Láng giềng nhiều khi tốt hơn, thân hơn, tử tế hơn cả những người anh em họ xa, hay những người anh em không ở gần. Hàng xóm láng giềng sớm tối có nhau, những lúc tối lửa tắt đèn có ngay. Bởi thế nên thà giữ thái độ tử tế, thân thiện với hàng xóm, tuy không liên hệ gia tộc, nhưng ở bên kề cận còn hơn là những liên hệ huyết thống hay gia tộc mà ở xa, không giúp đỡ được những khi cần tới nhau.

Nhưng không phải lúc nào anh em ở xa cũng nhạt nhẽo, không tốt hay không giúp đỡ được chúng ta, và cũng không phải lúc nào hàng xóm sát cạnh cũng là những người tử tế giúp đỡ được chúng ta.

Nước Mỹ có hai láng giềng ở sát vách. Láng giềng ở phía bắc là láng giềng tử tế. Hai nước thân tình đối xử với nhau tốt đẹp đến độ biên giới giữa hai nước vẫn thường được mô tả là the longest unprotected border, đường biên giới không phòng thủ dài nhất thế giới. Người hai nước qua lại lãnh thổ của nhau dễ dàng. Mãi tới hồi gần đây, mới có vài ba hạn chế trong việc nhập cảnh vì lý do an ninh sau loạt khủng bố 11 tháng 9 năm 2001. Canada và Mỹ ở cạnh nhau nhưng không bao giờ xẩy ra những tranh chấp đi đến đổ máu.

Trong khi đó, láng giềng phía nam của nước Mỹ là thứ láng giềng không ai muốn có. Nhất là trong những năm gần đây khi Mexico xuất cảng sang Mỹ hàng hai chục triệu di dân lậu, những thành phần mà Mexico không nuôi nổi hay cũng có thể là không muốn chứa chấp. Thêm vào đó, Mexico còn là cửa ngõ để đưa ma túy vào nước Mỹ.

Láng giềng như Canada thì phải mua. Còn láng giềng như Mexico thì có điên mới mua về để thay cho những người anh em ở xa như Ý, như Tây Ban Nha, như Phần Lan, Thụy Ðiển...

Nhưng những người láng giềng sống ở nhà bên cạnh, có khó chịu lắm thì cũng chỉ là con chó sủa hơi to, nhạc mở hơi lớn, trẻ con thích phá phách cây cối trong vườn, nước rửa xe chẩy ngoằn ngoèo từ bên ấy qua, con chó đặc biệt thích cái cột đèn trước cửa nhà mình, trong khi lại nhất định không ưa những cái gốc cây ở nhà nó.

Những chuyện như thế thì chín bỏ làm mười cho xong. Không chịu nổi, quá quắt lắm thì treo bảng bán nhà, dọn đi chỗ khác. Láng giềng ở cạnh, nếu không tử tế, nhiều khi có thể giải quyết như thế, tuy bán được căn nhà vào lúc này thì có hơi khó.

Nhưng khi căn nhà đang ở mang quá nhiều kỷ niệm, không muốn bán đi trong khi gia đình hàng xóm lại là những người không thể chịu nổi thì cũng khó xử thật. Có lẽ chỉ có thể tiếp tục chịu đựng, và cầu cho chủ nhà bên cạnh trúng sổ xố độc đắc để mua căn nhà khác dọn đi. Hay ác hơn thì cầu cho ông ta không trả được tiền nhà, ngân hàng lấy lại nhà cho chàng ra đầu đường làm homeless.

Nhưng cách giải quyết nào cũng đều là khó cả.

Ðó mới chỉ là một gia đình khó chịu nhưng không đến nỗi trộm cướp lưu manh.

Nước Mỹ không thể dọn tất cả 50 tiểu bang đi nới khác để khỏi ở cạnh Mexico. Lịch sử địa chất thế giới cho thấy Phi châu đã có lúc dính liền vào Mỹ châu, nhưng rồi chuyện chuyển dời, Phi châu trôi ra xa, và Ðại Tây Dương chẩy vào, ngăn cách hai châu. Như vậy, chuyện nước Mỹ dọn đi cho xa khỏi Mexico cũng có thể xẩy ra, nhưng thời gian phải mất vài ba trăm ngàn thế kỷ may ra Mexico mới trôi đi chỗ khác. Và sợ là khi trôi đi, thì người dân Mexico đã bỏ nước trốn sang Mỹ cả rồi. Thế thì chạy đâu cho thoát đây?

Dầu vậy, xét lại, Mexico cũng không quá khốn nạn trong những đối xử với nước Mỹ.

Tưởng tượng một nước cứ sơ kỳ bất ý là lại vác quân sang xâm lăng nước bên cạnh. Dân nước bị xâm lăng đuổi được nước kia ra ngoài, tặng cho mấy cái ống đồng chui vào để về nước, lại cho lương thực để quân sĩ có cái ăn trong chuyến trở về, rồi nước có cái tính xâm lăng kia lại tìm đủ mọi cách trở lại thì mới là khổ. Cứ như thế suốt một nghìn năm. Rồi lại bao nhiêu lần xâm lăng khác nữa. Ðánh trên bộ, chém cổ ở Chi Lăng, rồi dùng mưu đánh tan tầu thuyền trên sông Bạch Ðằng, kéo quân sĩ ngày đêm ra bắc đánh suốt mấy ngày tết, đánh cho chạy sập cầu đè lên nhau mà chết mới đuổi ra được. Rồi cái nước kia hễ gặp khó khăn thì không sao, nhưng cứ yên một chút là lai đem quân sang cái nước bên cạnh mà gây sự. Nước bên cạnh đã là nạn nhân, lại thỉnh thoảng còn có những đứa như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, cõng những con rắn to tổ chảng về ném vào cái chuồng gà mới là khổ. Cái nước khốn khổ ấy là nước Việt Nam, và anh hàng xóm khốn nạn là nước Tầu. Tầu nào cũng là Tầu hết. Không một triều đại vua Việt Nam nao không phải khốn khổ vì nước Tầu. Mới đây, vẫn lại cái nước Tầu ấy đang gây khó khăn cho tổ quốc Việt Nam.

Vừa khốn nạn, vừa hỗn. Phát ngôn viên của chính phủ Tầu thấy người biểu tình ở Việt Nam phản đối vụ Hoàng Sa, Trường Sa đã lên giọng sấc sược để hăm he đủ chuyện.

Nhưng xẩy ra như thế cũng chính chỉ vì thái độ nô dịch của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong khi nhũng thứ ngu muội ở Hà Nội sợ Tầu như sợ bố, chỉ lo làm phật lòng mấy anh chúa Tầu, thì Bắc kinh không cho Việt Nam bất cứ một sự nể trọng nào.

Ðọc lại bức thư của Phạm Văn Ðồng gửi cho Chu Aân Lai mà coi. Toàn một giọng bưng bô đội cứt, tự nguyện dâng hiến đất đai cho Tầu. Bọn nô dịch ở Hà Nội còn sợ bóng sợ vía không dám dùng cái tên Tầu vì sợ Bắc kinh phản đối cái tên đầy ý nghĩa khinh bỉ đó của người Việt đặt cho. Khiếp sợ đến độ phải sửa tên cuốn sách của Tản Ðà nguyên là Người Ðàn Bà Tầu thành Người Phụ Nữ Trung quốc khi đem in lại. Như nhà văn Phan Khôi bị khiển trách, không cho viết chè Tầu mà phải sửa thành chè Trung quốc, món thịt kho Tầu thành thịt kho Trung quốc.

Và những cuộc biểu tình của người dân phản đối đất đai lãnh thổ bị Tầu chiếm thì bị công an dùng bạo lực giải tán.

Cả bọn lãnh đạo câm miệng hến không dám hó hé một câu.

Bọn chó má đang trương cái cờ máu trên Hoàng Sa, Trường Sa sao không dám mở mồm chửi chúng nó được một câu?

Coi thử Bắc Triều Tiên, Tầu có dám đụng tới cái lông chân của Kim Chính Nhật không. Mà đó là cũng từng đem xương máu đổ ra hồi chiền tranh Cao Ly giúp Bình Nhưỡng đấy chứ. Cũng Cộng Sản với nhau cả đó.

Ðúng là ra đường trông thấy tơ người/ về nhà, trông thấy tằm tôi, tôi buồn.

Tằm của tôi toàn một thứ tồi bại, hèn hạ, ôm chân đế quốc một cách vô liêm sỉ không sao nói hết được. Toàn một bọn chó má khốn nạn.

Rất mong sẽ không có độc giả nào viết thư về tòa báo than phiền về bài viết này vì người viết đã dùng vài ba chữ không nhẹ nhàng này khi nói về nước Tầu. Người viết vẫn cho là quá nhẹ trong nhũng ngày như hôm nay.

TRA TẤN

Vụ ám sát bà Benazir Bhutto ở Pakistan đã làm cho một số đề tài tranh cử bị tạm gạt sang một bên.

Thí dụ chuyện những cuộn băng video thu cảnh các điều tra viên của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương đổ nước vào mũi của các nghi can khủng bố bị hủy đang là đề tài mà các nhân vật Dân Chủ xoáy vào thì cái chết của cựu thủ tướng Pakistan đã khiến cho không còn ai nhắc đến nữa.

Cách đây mấy ngày, Bill O’Reilly, có phỏng vấn một giới chức Dân Chủ, một chiến lược gia của đảng Dân Chủ mà tôi đã quên mất tên, về các ứng viên Dân Chủ. Người phụ nữ này ăn nói rất giỏi. Trong suốt mười mấy phút trả lời phỏng vấn, bà đã tấn công chính phủ Bush bằng giọng đầy tự tin và luôn luôn có một chút hài hước ở trong.

Thình lình Bill O’Reilly quay sang nói về vụ CIA hỏi cung các nghi can khủng bố. Lập tức chiến lược gia của đảng Dân Chủ liền đưa ra những lời đả kích dữ dội việc mà bà coi là tra tấn tù nhân và đem tất cả đạn dược có sẵn không được bắn suốt mấy hôm ra để bắn phá chính phủ Bush không nương tay và nhất định đề quyết rằng tổng thống Bush và chính phủ Bush đã có chủ trương tra tấn các nghi can khủng bố và rằng Hoa kỳ phải làm thế này, thế nọ để chấm dứt ngay mọi hình thức tra tấn. Bill O’Reilly nhắc bà rằng CIA chỉ dùng biện pháp đổ nước vào mũi với hai nghi can khủng bố Al Qaeda và chỉ mất dưới 40 giây, CIA đã có được những tin tức đủ để phá vỡ nhiều âm mưu tấn công Hoa kỳ.

Nhưng người phụ nữ này vẫn nhất định nói là Hoa kỳ không được tra tấn tù nhân vì bất cứ lý do nào. Việc đổ nước vào mũi nghi can khủng bố, theo bà và các nhân vật Dân Chủ, là tra tấn. Khi Hoa kỳ làm như vậy, binh sĩ Mỹ khi bị bắt sẽ bị tra tấn ngược đãi.

Người đàn bà này có thể giỏi ở những lãnh vực khác, nhưng nàng cho thấy là nàng quá ngây thơ và ngớ ngẩn khi đụng tới chuyện tra tấn và khủng bố.

Ði ngược lại một chút, người ta thấy rất nhiều người Mỹ bị bắt, tra tấn và giết tại Trung Ðông từ trước khi có những vụ ngược đãi tù Iraq ở trại Abu Graib, hay hai vụ CIA đổ nước vào mũi nghi can khủng bố. Một trong những trường hợp người Mỹ bị bắt cóc, tra tấn rồi giết là William Buckley, tham vụ sứ quan Hoa kỳ tại Beirut. Ông Buckley bị bắt hôm 16 tháng 3 năm 1984 và bị tra tấn rồi giết một tháng sau đó.

Hay nhà báo Daniel Pearl của nhật báo Wall Street Journal bị tra tấn và cắt đầu để quay video cũng không cần phải chờ tới sau khi có những vụ đổ nước vào mũi.

Nhưng những chi tiết vừa kể vẫn không thể lay chuyển được lập trường chống tra tấn của người phụ nữ này.

Bill O’Reilly liền hỏi tiếp rằng bà là một người mẹ, nếu có người bắt cóc con của bà, giữ một nơi, bà muốn biết in tức để giải thoát con của bà, người đàn ông này biết tin tức, có thể giúp giải thoát con của bà, nhưng y nhất định không nói thì bà phải làm gì. Người bị hỏi tìm cách trả lời quanh co, rồi cuối cùng thì nàng bị buộc phải nói là sẽ làm bất cứ gì để cứu con, nhưng, nàng vẫn nhưng một cái, và nói rằng tổng thống Bush không được tra tấn. Bill O’Reilly nhắc bà rằng ông Bush, nếu phải ra lệnh đổ nước vào mũi hai nghi can Al Qaeda thì cũng chỉ làm bất cứ những gì bà thấy phải làm để cứu cho các con của bà.

Người phụ nữ này vẫn lắc đầu, nói rằng Hoa kỳ không được tra tấn vì bất cứ lý do gì.

Ngồi nghe cuộc phỏng vấn, tự nhiên tôi thấy mình hơi ác một chút, đó là lúc xẹt ngang qua đầu tôi một điều ước, ước làm sao người phụ nữ này phải đối phó với một hoàn cảnh hệt như Bill O’Reilly tưởng tượng ra cho người phụ nũ này, để xem nàng làm ăn thế nào.

Nàng sẽ xin đổ cho một thùng nước vào mũi kẻ bắt cóc con của nàng hay vẫn tiếp tục thuyết giảng về sự phi đạo đức của tra tấn để cho con bị giết.

4-4-2008

KHIÊM TỐN VÀ TỰ TI

Hôm qua ghé thăm hai cụ thân sinh ra người bạn, tôi được cụ ông kể cho nghe về người hàng xóm khó tính của cụ.

Cụ kể là mấy bữa trước, cụ đậu cái xe lấn qua sân nhà hàng xóm có một chút, người đàn ông chủ nhà bên cạnh đang ngồi trong nhà, nhìn thấy, liền chạy ra yêu cầu cụ đậu lại, rồi nói với cụ rằng "Tại sao bao giờ mày cũng đậu xe mày lấn qua nhà tao như vậy" trong khi cụ chỉ một hai lần đậu hơi lố sang nhà ông ta một chút.

Tôi hỏi cụ sao đồng hương mà ăn nói vô lễ vậy, đâu cần phải mày tao với cụ.

Nhưng nghe cụ giải thích tôi mới biết là tôi lầm. Người hàng xóm của cụ không phải là một người Việt Nam, mà là một ông trung niên người Mỹ. Tôi lại hỏi cụ rằng bộ hàng xóm Mỹ của cụ nói được tiếng Việt hay sao. Và rồi lại phải nghe cụ giải thích thêm tôi mới vỡ lẽ ông hàng xóm nói tiếng Mỹ. Cụ thông dịch câu của ông hàng xóm Mỹ (chắc phải là một câu bình thường) Why do you always park your car that way? để thành câu tiếng Việt tại sao bao giờ mày cũng đậu xe mày như vậy, với những đại danh từ nghe không lịch sự, tử tế chút nào.

Như vậy, người hàng xóm Mỹ của cụ tuy có hơi khó chịu một chút, nhưng không hề mày tao, ăn nói hỗn hào với cụ.

Ông ta còn ít tuổi hơn là con trai cụ.

Ông ta không mày tao vói cụ. Mày tao là do cụ đưa vào.

Tôi nghĩ cụ là một ông già rất dễ mến, rất khiêm tốn. Cụ gọi tôi là "anh," xưng "tôi," chẳng bao giờ cụ xưng "bác" với tôi mặc dù có xưng thì cũng hoàn toàn thích đáng. Bạn với con trai cụ, tôi gọi cụ bằng "bác." Nhưng cụ chỉ xưng "tôi," lại gọi tôi bằng "anh."

Và cũng chính vì cái tính khiêm tốn, nhún nhường đó mà câu cự nự nhẹ của ông hàng xóm Mỹ biến thành một câu nghe nặng nề đến phát sợ.

Cụ dùng direct speech, tường thuật nguyên văn, từng chữ chứ không dùng indirect speech hay reported speech.

Bằng cách thứ hai, tường thuật nhưng không nguyên văn, cụ có thể dịch sang tiếng Việt đại khái ông ta hỏi tôi tại sao tôi cứ đậu xe lấn sang sân nhà ông ta.

Nhưng cụ cho ông hàng xóm mày tao vói cụ. Cụ khiêm tốn, tự hạ mình xuống một chút nên ông hàng xóm, thoạt nghe, tôi đã tưởng ông ta là một người thô lỗ, tục tằn, không biết kính lão chi cả.

Ngồi nói chuyện với cụ một lúc thì một chương trình truyền hình trong phòng khách, nơi cụ bà đang ngồi xem, vọng ra tiếng một ngưòi đàn ông Mỹ nói chuyện bằng tiếng Việt. Khán giả có vẻ phục người đàn ông Mỹ nói tiếng Việt này lắm. Cả hai cụ ông, cụ bà cũng cho thấy là hai cụ hết sức phục người đàn ông này sát đất.

Kể ra thì ông ta nói tiếng Việt như vậy là giỏi, lại biết mấy câu ca dao, tục ngữ, dẫn vài ba câu chuyện nghe được ở đường phố, người nghe cứ thế mà phục lăn ra thôi.

Người Mỹ và người Anh nói được tiếng Việt không phải là ít. Chương trình Việt ngữ của đài Mạc Tư Khoa trước đây có Irina Zisman nói tiếng Việt rất giỏi. Ỷ Lan tức là Penelope York biết cả nói lái những chữ có vần " ôn", hỏi đánh chung quanh tổng thống là gì thì trả lời ngay là beat about the bush, ngâm thơ, hò Huế. Cựu thứ trưởng ngoại giao Hoa kỳ Richard Armitage nói tiếng Việt rất giỏi, lấy tên Việt là Trần Văn Phú, còn giải thích là lấy vợ giầu nên phải có cái tên là Phú, cho thích đáng, lại gần với tên Rich của chàng. Ông này có một kho sách Việt đáng kể hồi còn ở Georgetown, một khu trong thủ đô Washington.

Tất cả đều nói tiếng Việt rất giỏi. Irina nói giọng Bắc. Ỷ Lan giọng sông Hương. Richard Armitage nói giọng miền Nam.

Nhưng hễ nghe mấy người này nói chuyện là chúng ta phục không để đâu cho hết.

Tại sao phải làm như thế? Tại sao phải chạy đến khen họ nói tiếng Việt hay?

Trong khi từ năm 1975 đến nay, có người Mỹ nào nghe chúng ta nói tiếng Anh rồi cứ thế mà phục lăn ra đâu.

Tôi nghĩ thái độ đó là từ mặc cảm tự ti của chúng ta mà ra. Tự ti, coi tiếng Việt của chúng ta có gì hay đâu mà phải học. Thế mà các ông tây bà đầm ấy lại đi học tiếng Việt để nay nói hay thế. Có người còn thuộc Kiều, còn thuộc ca dao nữa thì có giỏi không cơ chứ.

Nhưng chúng ta thỉnh thoảng cũng nên nhìn lại mình một chút. Chúng ta cũng bảnh lắm đấy chứ. Bị ném vào nước Mỹ, cả đời có biết chữ tiếng Anh nào đâu, thế mà chỉ ít lâu sau, tiếng Mỹ nói ào ào, dùng ngay tiếng Mỹ để đi làm, kiếm sống ngon lành. Có được bao nhiêu người Mỹ làm được công việc đó. Sang Tây, sang Ðức, sang Ý mà không nhờ những người dân ở Pháp, ở Ðức, ở Ý biết tiếng Anh thì các du khách Mỹ này xoay sở ra sao với hai bàn tay ra hiệu, chỉ trỏ lung tung?

Chúng ta ngon lành vậy tại sao lại phải mặc cảm như thế?

SÀI GÒN

Rhodesia, một quốc gia ở Nam Phi châu, khi tuyên bố độc lập và đổi tên thành Zimbabwe năm 1980 thì lập tức tên mới này được các nước trên thế giói công nhận và báo chí đều dùng ngay tên mới Zimbabwe thay vì tên cũ là Rhodesia.

Lý do là vì quốc gia này không còn là thuộc địa của Anh nữa. Một giai đoạn lịch sử chính thức chấm dứt.

Trường hợp của Miến Ðiện thì có hơi khác. Năm 1989, hội đồng quân nhân Miến thông qua một sắc lệnh, bỏ tên cũ là Burma trong tiếng Anh, Birmanie trong tiếng Pháp để dùng tên mới là Myanmar và không dùng Rangoon trong tiếng Anh để gọi thủ đô nữa, mà đổi thành Yangon. Lý do là vì Yangon nghe gần hơn và giống cách người Miến đọc tên thủ đô của họ hơn là Rangoon.

Yangon hay Rangoon thực ra nghe không khác nhau bao nhiêu, nhưng thôi các ông tướng muốn như vậy thì báo chí và các chính phủ thân hữu với Miến Ðiện cũng làm theo.

Duy có cái quốc danh mới, Myanmar thì lại là một chuyện khác. Một số quốc gia cho rằng việc đổi tên đó có ý nghĩa chính trị, lại do chính phủ quân nhân Miến đưa ra, cái chính phủ có một thành tích nhân quyền không tốt đẹp gì khi giam giữ một phụ nữ được giải Nobel Hòa Bình thế giới trong suốt hơn hai chục năm qua. Các nước này không dùng danh xưng mới Myanamar vì cho rằng dùng cái tên đó là công nhận chính phủ quân nhân tại Rangoon, nhóm quân nhân nắm quyền bằng những phương tiện độc tài chuyên chế đi ngược lại tự do và dân chủ .

Các quốc gia Tây phương vẫn tiếp tục dùng tên Burma thay vì Myanmar.

Chuyện thay tên đổi tính coi vậy mà cũng rắc rối.

Tờ Vanity Fair, một nguyệt san xuất bản ở Mỹ trong số báo tháng 4 có một bài viết nhan đề Good Evening Vietnam của mục Letter From Saigon cho thấy một chi tiết khá lý thú.

Thành phố Sài Gòn bị đổi tên từ sau tháng 4 năm 1975. Cái tên mới vẫn là một dị ứng với nhiều người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Tên cũ của thành phố này vẫn tiếp tục được dùng thay vì tên mới của nó.

Báo chí ngoại quốc, để cho tỏ ra thông thạo và giúp trí nhớ cho một số độc giả, những người có thể không biết được bao nhiêu điều về Việt Nam, thường viết Ho Chi Minh City, formerly known as Saigon, đại khái nghĩa là thành phố Hồ Chí Minh, trước đây mang tên là Sài Gòn.

Nhưng vẫn còn rất nhiều người không chịu dùng cái tên mới. Bề gì nói tôi, anh ấy, cô ấy, chúng tôi là người Sài Gòn nghe cũng hợp lý và thuận tai hơn là nói ông ấy là người Hồ Chí Minh.

Người Việt Nam không có thói quen dùng tên người để đặt tên cho các thành phố, thị trấn, làng xã.

Ở Việt Nam có tỉnh Bà Rịa, có giồng ông Tố, có kinh Nhiêu Lộc nhưng đó là những tên tuổi của những người được dân chúng yêu mến vì công đức cho địa phương và đem đặt tên cho sông ngòi, đất đai.

Những tên áp đặt chắc không thể sống lâu như những địa danh ở trên.

Trở lại bài báo của Brian McNally viết trong tờ Vanity Fair. Trong suốt 5 trang báo từ 154 đến 159 của số báo tháng Tư viết về Sài Gòn, thành phố mà ông rất yêu, như Graham Greene, Somerset Maugham, Hemingway, Camus đã yêu Singapore, Paris, Algier … Brian McNally đã chỉ dùng danh xưng cũ của thành phố. Thành phố Sài Gòn.

Mãi ở trang cuối của bài viết, trang 159 người ta mới đọc thấy tên Ho Chi Minh City. Và đó là lần duy nhất.

Không thể nói Brian McNally không biết gì về Việt Nam sau năm 1975 để nói rằng ông đã lầm lẫn. Sau năm 1975 Brian McNally sống một số năm tại Việt Nam, lăn lộn ở Sài Gòn, hang cùng ngõ hẻm nào cũng đã đi qua nên chắc chắn đó không phải là sai sót của ông.

Brian McNally cũng không phải là người của chính phủ Mỹ, bởi lẽ càng là người của chính phủ Mỹ, thì người ta lại càng phải cẩn thận để khỏi bị phản đối vì sai lầm ngoại giao đó.

Vậy thì tại sao Brian McNally lại làm như thế trong bài viết của ông, đó là 14 lần ông dùng tên thành phố Sài Gòn và chỉ một lần ông viết Ho Chi Minh City.

Ông không làm vậy để làm vừa lòng các độc giả Việt Nam ở Mỹ của tờ Vanity Fair. Ông cũng không làm như vậy để chọc giận nhà cầm quyền Việt Nam. Ông làm như vậy chắc như ý nghĩa của hai câu thơ người ta đọc đã lâu ở hải ngoại:

Tính danh là tính danh rồi

Cứ xét lại tên của các thành phố Leningrad nay trở lại với tên cũ là Saint Petersburg và Stalingrad nay lại được gọi bằng tên Volvograd thì người ta thấy chuyện thay đổi tên của Sài Gòn chắc không phải là chuyện sẽ trở thành vĩnh viễn.

4-7-2008

BANK OF AMERICA

Có một số điều người ta không hỏi nhau bao giờ.

Thí dụ lương lậu một năm ra sao, ở căn nhà giá bao nhiêu, tuổi tác thế nào vân vân.

Những câu hỏi như thế bao giờ, những câu trả lời, nếu kèm theo những con số, cũng bị tăng lên đáng kể. Và câu hỏi thứ ba, câu thắc mắc về tuổi tác thì bao giờ cũng bị giảm bớt đi.

Về lợi tức thì nhất định phải tăng lên. Giá của căn nhà đang ở cũng tăng lên, bất kể cuộc khủng hoảng nhà đất hiện nay. Và tuổi tác thì càng không có lý do gì để khai thật ra.

Những câu hỏi đó, trừ trường hợp của sở thuế đặt ra, không ai nói dại gì mà nói thật.

Vậy nếu không phải là sở thuế thì đừng hỏi. Hỏi cũng sẽ không được trả lời chính xác.

Ðừng hỏi cũng là vì đó là những câu hỏi đi quá sâu vào những chi tiết cá nhân. Người Mỹ rất cẩn thận về những chuyện như thế. Nhưng một câu hỏi liên quan đến một chi tiết hết sức riêng tư thì tôi lại vừa bị hỏi mới kỳ lạ.

Nguyên là thỉnh thoảng tôi vẫn dùng internet để xem mấy con số (ba hàng) trong trương mục của tôi với ngân hàng Bank Of America. Tôi vẫn làm chuyện này mà không gặp bất cứ một trở ngại nào. Nhưng hôm qua, tôi bị hỏi một câu không biết trả lời ra sao.

Sau khi cung cấp số an sinh xã hội như máy hỏi, và cho biết mật mã để vào website của ngân hàng thì tôi bị hỏi tiếp một câu, lý do là vì ngân hàng muốn biết chắc rằng tôi không phải là người khác tìm cách có được những chi tiết về trương mục của tôi.

Câu hỏi đó nguyên văn như thế này: What is the name of your first girl friend? Tên người bạn gại đầu tiên của tôi là gì.

Ðây là câu hỏi gây kinh ngạc và ngỡ ngàng cho tôi vô cùng. Trong các chi tiết cung cấp cho ngân hàng trước đây, khi mở trương mục cũng như khi truy cập vào website của ngân hàng, tôi không hề bị hỏi câu hỏi đó. Mà có hỏi, tôi cũng không biết đâu mà trả lời. Vậy thì tại sao ngân hàng lại hỏi tôi câu đó vào lúc này.

Thực sự, tôi không biết trả lời ra sao.

Không lẽ đó là cô bé sáu tuổi mỗi sáng đi đôi guốc đỏ lách cách qua cửa nhà tôi ở Hà Nội, cái lược bợp trên đầu, thấy tôi ngó say mê là nguýt cho một cái đổ nhà đổ cửa. Không phải cô này vì tôi không hề biết tên của cô. Tôi ngó cô mỗi sáng là vì cô cầm cái bánh rán mà tôi muốn cắn một cái mà thôi.

Chắc cũng không phải là người học đàn với tôi ở phố Cửa Nam, hơn tôi cũng phải sáu, bẩy tuổi, má thì hồng, tóc thì dài, mà tôi cũng không biết tên, chỉ nhớ cô hát bài Tình Thắm của Vũ Nhân hay không biết để đâu cho hết.

Tôi không biết tên của cả hai cô nên không thể nói tên của họ ra để trả lời câu hỏi của ngân hàng.

Không lẽ là người tháo cho tôi cái khuy ở tay áo trong lúc tôi đang quýnh quáng không làm sao cởi ra được khi đã đến giờ tập thể dục. Tôi không nhớ tên của cô bạn cùng lớp Nhì trường Sinh Từ nên chắc cả ba cô đều không giúp tôi trả lời câu hỏi quái ác đó.

Tôi chắc không phải là người mà tôi và người bạn ném bức thư vào cửa nhà nàng ở khu đại học xá đường Minh Mạng khi chúng tôi tan trường Chu Văn An về qua nhà của nàng, năm chúng tôi, theo những người lớn hồi ấy, mới nứt mắt ra. Cô có đọc bức thư của tôi, mấy hôm sau đi qua, cô bình thản coi bức thư của tôi như miếng giấy gói xôi. Chắc không phải là cô.

Cũng không phải người con gái học Trưng Vương tên là Hoàng mà bạn tôi và tôi đều mê mệt suốt năm đệ nhất, cứ mỗi lần thấy cô đi ngang qua, chúng tôi lại hát rất lớn " đại lộ Hoàng (?) hôn … Hoàng hôn (?) nhiều quá."

Năm sau, tôi đi học ở xa, không bao giờ gặp lại cô nữa. Như vậy cô cũng không phải là ngươi bạn gái đầu tiên của tôi.

Thế rồi đến người bạn học cùng suốt mấy năm hồi đó chăng? Chắc không phải. Bạn gái bao giờ. Thỉnh thoảng ở hai thành phố, gặp nhau nhân dịp lễ lạc rồi thôi. Chuyện không đi đến đâu, rồi ai đi đường ấy. Người này không còn trên đời này nữa. Tại sao xúc phạm đem tên ra trả lời cho ngân hàng biết?

Vậy thì là ai bây giờ? Kiểm điểm lại những quen biết trong những năm 60, rồi 70 vẫn không thấy ai có thể dùng tên để trả lời câu hỏi cắc cớ của ngân hàng nên đành tức quá tắt máy không thèm hỏi nữa.

Tại sao ngân hàng Bank Of America lại hỏi một câu ấm ớ đến thế? Cho dù là có cung cấp chi tiết đó thì đầu óc của một người đã có tuổi làm sao nhớ được để mà trả lời chính xác.

Nói ra chuyện đó, lỡ bị đổ cho cái tội là đệ nhất bạc tình lang thì sao? Tôi nhớ đến nhân vật trong một tiểu thuyết của Yasunari Kawabata, một ông già ngồi nhớ lại những mối tình cũ của ông. Ông già này cố lắm vẫn không nhớ lại được một người nào. Hay đầu óc của tôi cũng đã bắt đầu có vấn đề như ông già trong truyện?

Kiểm điểm mãi mà không sao nhớ ra được ai là mối tình đầu thứ nhất, thứ hai … thứ mười của mình.

Thế nên lại phải lò mò ra đầu đường, bỏ tấm thẻ vào máy ATM của ngân hàng mới biết được số tiền còn trong trương mục.

Có thế thôi mà tại sao ngân hàng phải làm khó nhau như thế!

5-9-2008

NHỮNG CUỐN LỊCH MỚI

Hôm qua, ghé tiệm Borders gần nhà kiếm cuốn sách, thì tôi lại được nhắc nhở một chuyện đã từ mấy năm nay tôi không muốn nghe nhắc nữa.

Những cuốn lịch mới của năm 2009 đã được bầy bán. Tôi hỏi người làm việc trong tiệm sách thì được cho biết là chúng đã xuất hiện từ tháng trước.

Nghĩa là vừa xong được nửa năm 2008 thì đã có lịch năm 2009. Như vậy, những cuốn lịch cho năm mới càng ngày càng xuất hiện sớm hơn. Khoảng một chục năm trước, mãi tháng 9 chúng mới được bầy bán. Nhưng rồi sau đó, chúng cứ nhích nhích dần để càng ngày càng xuất hiện sớm hơn.

Ở tuổi này, sự xuất hiện sớm của những cuốn lịch không làm cho người ta vui chút nào.

Mỗi năm một tuổi, như đuổi xuân đi. Một hai năm nay, mở tờ báo ra, sau những chữ "hưởng thọ" của những tin cáo phó đã bắt đầu thấy những con số càng ngày càng gần với số tuổi của mình. Những cuốn lịch mới chỉ làm một công việc duy nhất là nhắc những con số càng ngày càng lớn của tuổi tác. Như thế, có cuốn lịch mới thì cũng chẳng có gì vui.

Nhớ những năm còn học tiểu học, trong những cái nhãn dán ở ngoài những cuốn vở, con số năm luôn luôn là 195, để trống con số cuối, mãi cũng vẫn là con số 5, rồi mới đến con số 6 của thập niên 60.

Vậy mà nay, đã hơn nửa thế kỷ.

Trần Tế Xương, Cao bá Quát không qua được năm thập niên. Những con số chỉ niên kỷ đã sang số 2 từ gần 10 năm nay.

Một người bạn ở Houston tôi gặp cách đây hai, ba năm có chìa tay ra cho tôi xem và nói là sau tuổi 60, ông không đeo đồng hồ nữa. Thế thì ở nhà cũng chẳng nên treo nhũng cuốn lịch làm gì. Cho dù đó là những cuốn lịch với những bức hình đẹp nhất của báo Sports Illustrated thì cũng thế.

Tại sao phải nhắc chúng tôi những con số tàn nhẫn như vậy?

Nhưng làm sao chống lại được những chuyện ấy? Trái đất quay một vòng là mất một ngày. Ðứng ở Sunset Village buổi chiều ngó về hướng tây, mặt trời biến đi dưới mặt biển... một ngày, ngày đã qua, ôi một ngày ngày chóng qua.

Thấm thía Trịnh Công Sơn biết là chừng nào.

Nhưng tại sao phải xuống San Diego đến Sun Set Villlage xem mặt trời lặn?

Hãy cứ vui chơi cuộc đời.

Cho dù vừa năm mươi tuổi, Nguyễn Khuyến đã "rằng lão rằng ông tớ cũng ừ". Ngày ấy người ta già sớm hơn bây giờ. Sáu mươi là đã quá già. Người Ðại Hàn coi sống được đến sáu mươi tuổi là đủ. Sau đó không tính nữa.

Nhưng ngày nay, người ta càng ngày càng trẻ ra. Sáu mươi chỉ bằng 40 của ngày trước. Ngoài sáu mươi, tròm trèm bẩy chục vẫn tìm bạn bốn phương "nếu hợp sẽ tiến tới xa hơn." Tại sao phải gấp vội cuốn sách lại? Cứ mở sang trang tiếp coi ra sao. Bẩy mươi cổ lai hy nay chỉ như mấy người năm chục.

Hãy cứ vui như mọi ngày...

Vui như mọi ngày. Tại sao lại nói là cái ca vát ấy trẻ quá, đôi giầy này thanh niên quá, cái xe thể thao này không thích hợp với tuổi của mình?

Thế thì mầu gì thích hợp, đôi giầy nào thích hợp, cái xe nào thích hợp, mùi nước hoa nào thích hợp?

Tại sao không đeo cái ca vát đẹp ấy? Tại sao không dám lái cái xe ấy? Ðợi cho đến khi không đeo được nó nữa, chỉ nằm nhớ tới nó, tới cái mầu rất đẹp của nó mà không làm gì được khi dây nhợ đã chằng chịt ở cổ tay, ở mũi với bình dưỡng khí?

Vậy thì phải đeo cái ca vát ấy, phải cái sơ mi ấy, phải cái xe thể thao hai cửa, mở mui ấy... cho lũ cháu nội cháu ngoại sợ ông chúng nó chơi. Phải chai rượu đỏ ấy, phải mấy chai dầu gió xanh Heineken ấy. Kéo được quá sáu mươi năm, lũ con đã lớn, lũ cháu đã là những đứa bé rất khôn ngoan thì không còn sợ bất cứ gì nữa.

Bài Tình Già của Phan Khôi học năm đệ tam trung học kể chuyện cặp tình nhân xa nhau 24 năm mới gặp lại nhau. Ngày ấy, tuổi 16 của những đứa học trò lớp đệ tam chưa bằng số năm cặp tình nhân không gặp lại nhau. Ngày nay, đời sống đã trải dài được hơn gấp hai lần những năm dài xa cách của hai người trong bài thơ của cụ Phan. Nghĩ vậy là lại thấy không có gì phải ân hận về đời sống nữa.

Bèn đi mua cái ca vát rất lẳng lơ đó, thắt vào cổ để thấy người đàn ông trong gương (?) rất xứng đáng để đeo nó. Chai Eau Sauvage sắp hết phải kiếm chai mới. Và thích cái xe thể thao thì kiếm một cái mà đi.

Mặc kệ ai muốn nói gì thì nói. Bộ muốn để đến lúc không xin gia hạn được bằng lái xe ở DMV, lọm khọm đứng ngó cái xe ấy chạy qua mặt cái vèo mà ngửi bụi hay sao?

Lại nhớ mấy câu của Mai Thảo:

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ

Ghét mấy cuốn lịch như những người cân lượng có hơi nhiều vẫn thù ghét cái cân trong buồng tắm mà làm gì?

Nhưng dẫu sao thì cũng vẫn muốn nhắn với các nhà làm lịch mấy câu: "Cứ từ từ! Không cần phải bầy bán lịch 2009 từ tháng 7 năm 2008. Thế nào chúng tôi cũng sẽ tới năm 2009 và những năm sau đó mà."

6-6-2008

MẤY CHI TIẾT NHỎ VỀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH VIDEO

Cuối tuần qua, tại nhà một người bạn, tôi được xem một chương trình ca nhạc về những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Chương trình có một số bài hát đã lâu lắm không được nghe được trình bầy sống động bằng những lối diễn mới mẻ trên một sân khấu kỹ thuật công phu.

Nhưng có một vài chi tiết làm một số người có thể không đồng ý với nhà sản xuất. Những chi tiết này có thể làm mầt đi phần nào giá trị của chương trình video.

Cuộc chiến chấm dứt đã 33 năm. Hay cũng có thể nói là mới chấm dứt được 33 năm. Thời gian 33 năm có thể nói là dài mà cũng có thể là ngắn.

Dài, nhưng những hình ảnh về cuộc chiến vẫn còn nguyên, vẫn còn rất mới với chúng ta. Ngắn, nhưng những hình ảnh về cuộc chiến cũng đã bị trình bầy lại một cách sai lầm đáng để nói ra ở đây.

Những sai lầm đó có thể sẽ được giải thích là quá nhỏ, nhưng thực ra thì không nhỏ chút nào. Vì nó làm cho mức độ chính xác cần thiết không được tôn trọng.

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, chỉ mới 33 năm. Nhưng những hình ảnh về đội quân này đã bị ghi lại một cách sai lầm đến thề sao?

Chúng ta không thiếu những hình ảnh về đội quân này. Trong sách vở của chúng ta viết. Trong những bộ sưu tập ảnh của chúng ta. Trong các tài liệu của Hoa kỳ. Nên không thể nói là không tìm được những hình ảnh đích thực để phải thay thế bằng những hình ảnh khác.

Bức hình một khu trục hạm rõ ràng là của Hoa kỳ đã được dùng làm nền cho một bài hát. Các cựu quân nhân hải quân Việt Nam nhất định phải nhìn ra điều đó. Tại sao phải dùng bức ảnh này trong khi không thiếu gì hình ảnh rất dễ kiếm của các chiến hạm hải quân Việt Nam Cộng Hòa? Tại sao không thể dùng những bức ảnh trong một cuốn sách mới đây của một sĩ quan cao cấp hải quân, như những bức chụp các tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, khu trục hạm Trần Khánh Dư …?

Nhưng đó cũng không phải là sai lầm duy nhất về hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Một bức ảnh khác dùng trong chương trình video ca nhạc này còn sử dụng một bức ảnh chụp một hàng không mẫu hạm trong khi hải quân Việt Nam không hề có một chiến hạm nào lớn như thế.

Trong một đoạn khác, người xem còn thấy những phi cơ mà không quân Việt Nam không bao giờ sử dụng. Ðó là các phóng pháo cơ phản lực F-105 Thunderchief. Loại máy bay này chỉ được không quân Hoa kỳ sử dụng. Tại sao phải dùng hình các máy bay này trong khi không thiếu gì hình ảnh các chiến đấu cơ Skyraider A1-H, A-37 Dragonfly, T-6 Texan, T-28 Trojan, F-5B Freedom Fighter?

Không chỉ một lần, mà hình chụp các phản lực cơ F-105 được dùng tới hai ba lần.

Một sai lầm nữa của chương trình video này là hình chụp một phi cơ trực thăng võ trang Apache, loại trực thăng không hề xuất hiện tại chiến trường Việt Nam và không lực Việt Nam Cộng Hòa cũng không hề có loại máy bay này bao giờ. Trong khi không thiếu gì hình ảnh của các trực thăng Bell UH-1H, Sikorsky UH-34, Chinook vân vân.

Thêm vào đó, chiếc xe jeep được đưa lên sân khấu lại có một ngôi sao trắng trên nắp máy. Xe jeep của quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có ngôi sao trắng như thế.

Ðó là chưa nói tới một ca khúc rõ ràng là về hải quân lại do ca sĩ mặc quân phục của không quân trình bầy.

Mà rồi các chi tiết về quân phục của các chiến sĩ cũng thiếu phần chính xác như mầu mũ beret không đi cùng với quân phục của quân binh chủng.

Không thể nói rằng đó chỉ là những tiểu tiết không đáng nói.

Vì khi sử dụng hình ảnh các chiến hạm và máy bay của Mỹ thì việc vinh danh người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có còn đúng nữa hay không?

Một điều khác cũng cần nói ở đây là tại sao các ca sĩ lại chỉ mặc quân phục của các sĩ quan cấp úy trở lên? Những người lính đâu hết rồi? Chính những binh sĩ ở cấp dưới mới là những người hy sinh nhiều nhất đấy chứ.

Một công trình tốn kém và công phu như vậy chỉ vì những chi tiết như vừa kể trên đã làm giảm đi biết bao nhiêu giá trị và công sức.

Thế rồi thử hỏi những sai sót, sơ hở đó đưa lên sân khấu hình của những phản lực cơ MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21 thì chương trình này vinh danh ai?

Ðiều đó rất có thể xẩy ra với những người thiếu quan sát hay thiếu hiểu biết về cuộc chiến chỉ mới chấm dứt hơn 30 năm.

7-3-2008

CHÔN LENIN

Ðảng Nước Nga Ðoàn Kết, đảng đương quyền và cũng là đảng của tổng thống Putin đã viết xong một dự luật liên quan đến cố lãnh tụ Liên Bang Xô Viết Lenin, và theo phát ngôn viên của đảng là ông Andrei Isaev, dự luật đã viết xong và có thể đã được thông qua.

Ðiều đề cập trong bản dự luật, mà cũng có thể là bộ luật này, vì văn kiện dường như đã được thông qua, khoảng hai chục năm trước, hay nói rõ hơn là trước năm 1991, năm chủ nghĩa Cộng Sản bị dẹp và Liên Bang Xô Viết bị giải thể thì ít ai dám nói tới.

Ðó là đem cái xác ướp đặt trong lồng kính ở quảng trường đỏ từ năm 1924 đi chôn ở chỗ khác.

Việc đó không ai dám nghĩ đến mặc dù khi còn sinh thời, Lenin đã nhiều lần nói rằng ông muốn là khi chết, xác được đem chôn bên cạnh nơi yên nghỉ của mẹ ông.

Nhưng khi Lenin chết, những người Cộng sản muốn giữ lại cái xác của ông, đem ướp để bầy cho dân chúng đến chiêm ngưỡng, và cho nhà cầm quyền tiếp tục lợi dụng người lãnh đạo cuộc cách mạng, để nhờ đó, họ cũng được tiếp tục công việc lãnh đạo.

Ðảng Cộng Sản Liên Xô cần một chiêu bài, và không một chiêu bài nào tốt hơn là cái xác của Lenin.

Theo những cuộc thăm dò thì khoảng 1 nửa dân Nga không muốn chôn Lenin.

Trong số này, có một số không muốn cho Lenin, một kẻ chống lại Chúa được có một tang lễ theo nghi thức Thiên Chúa giáo. Một số khác là những thành phần Cộng Sản già muốn giữ lại cái quá khứ của họ, quá khứ mà họ đã lớn lên cùng. Còn chính quyền thì sợ là chôn ngay bây giờ, có thể họ sẽ mất đi một số phiếu. Thế nên nếu đợi đến sau khi bầu cử thì đem chôn tiện hơn.

Cho tới năm 1961, xác Stalin còn được đặt cạnh xác Lenin. Nhưng sau khi bị Krushchev hạ bệ, xác Stalin bị đem đi chôn ở chân tường điện Kremlin.

Năm 1999, ông Yeltsin cũng muốn đem xác của Lenin đem chôn nhưng ý kiến ấy bị bỏ dở. Nhiều người vẫn muốn giữ lại cái xác ấy để xem các kỹ thuật tẩm liệm giữ nó được bao nhiêu lâu.

Nay có thể ông Putin không muốn ai khác hơn là chính ông được tôn thờ sau khi ông ra đi nên việc đem xác Lenin đi chôn lại được đem ra thảo luận. Và lần này, sau cuộc bầu cử quốc hội, việc đem Lenin đi chôn sẽ được thực hiện.

Theo một số nguồn tin, thì xác của Lenin có thể chỉ có đầu và hai tay, những bộ phận được bầy ra là còn được giữ lại. Những bộ phận khác có thể không còn nữa vì việc tẩm liệm, giữ cho xác khỏi thối là một việc rất khó khăn và tốn kém.

Thỉnh thoảng các chuyên viên ướp xác lại phải đem xác đi ngâm và tu bổ lại.

Cuốn hồi ký của Lý Chí Tuy, y sĩ riêng của Mao Trạch Ðông cho biết Trung quốc đã phải đưa người đi Hà Nội để học hỏi cách ướp xác khi Mao Trạch Ðông qua đời. Và vì thế, người ta mới biết là xác của Hồ Chí Minh bị thối ở mũi và có thể cái mũi hiện nay ở quảng trường Ba Ðình không phải là mũi thật.

Nếu việc đem xác Lenin đi chôn ở một chỗ khác thực sự xẩy ra thì rồi đây cũng sẽ có lúc xác ướp của ông Hồ sẽ được đem đi chỗ khác khi mà cái xác này không còn công dụng nữa.

Khi Hồ Chí Minh chết năm 1969, bộ chính trị đã không làm theo lời di chúc của ông ta. Ông Hồ muốn hỏa thiêu và nói rõ là ông muốn làm như thế để khỏi phí đất, lại sạch sẽ. Ông định đem tro chia ra làm ba phần để trải tại Bắc, Trung và Nam.

Nhưng các đàn em của ông cũng muốn giữ xác của ông lại hệt như đảng Cộng Sản Liên Xô đã làm để giữ lấy cái chiêu bài cách mạng và giải phóng nên đã không hỏa thiêu ông ta mà đem ướp rồi đặt trong lồng kính như những người Cộng Sản Liên Xô đã làm.

Có thể sau khi Nga đem xác của Lenin đi chôn thì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cũng nên nghĩ lại về việc giữ cái xác ông Hồ ở Ba Ðình.

Việc đem nó đi chỗ khác có thể phải vài năm nữa mới nghĩ đến.

Nhưng việc đem xác Lenin ra khỏi quảng trường Ðỏ là việc Nga muốn đoạn tuyệt với cái quá khứ của Lenin.

Ngay chính nước Nga còn làm như vậy thì người ta lại càng thấy vô lý khi ở một quốc gia không phải là nơi ra đời của Lenin, tại sao vẫn có một bức tượng của người đàn ông mà chính quê hương của ông ta đã thẳng tay dẹp bỏ, lại vẫn còn được cho đứng ở một công viên tại Hà Nội.

Những câu hát của dân Hà Nội vẫn chưa có được câu trả lòi:

Lê Nin quê ở nước Nga

Bây giờ ở Nga, Lenin sắp bị đem ra khỏi quảng trường đỏ thì tại sao tượng của ông ta vẫn một tay chống, một tay khuỳnh như ở công viên Lenin?

Trong khi một bầy trộm cắp đứng rình phía sau?

CHUYỆN Ở ÐẠI HỌC HARVARD

Nước Mỹ là một quốc gia tự do và dân chủ. Nhưng cứ tự do và dân chủ như thế này thì chỉ trong một thời gian không lâu lắm, Hoa kỳ có thể sẽ trở thành một quốc gia không dân chủ và cũng không còn tự do nữa.

Trong một hệ thống dân chủ, ý kiến của đám đông phải được tôn trọng. Thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng thiểu số ở Mỹ đang bắt đầu lấn đa số. Và vì thế, tự do cũng có thể đang bị hạn chế lại.

Tại đại học Harvard mới đây, các nam sinh viên không được đến tập tại một phòng tập của trường mỗi tuần 6 tiếng đồng hồ.

Trong 6 tiếng đồng hồ ấy, tất cả các nam sinh viên không được phép vào phòng tập, sử dụng các phương tiện để tập. Ðó là lệnh của trường kể từ ngày 28 tháng Giêng.

Lý do đưa đến quyết định kỳ lạ này là để các nữ sinh viên Hồi giáo của trường có thể đến tập một cách thoải mái, khỏi cảm thấy khó chịu khi phải sử dụng chung phòng tập với các nam sinh viên và để khi tập, các nữ sinh viên này có thể tháo gỡ khăn trùm đầu, hay có thể mặc quần áo tập thể dục mà không bị những người khác phái nhìn ngó.

Một bản tin của tờ báo sinh viên đại học cho biết có tất cả sáu nữ sinh viên Hồi giáo ngỏ ý muốn sử dụng các phòng tập thể dục này. Theo lời yêu cầu của các sinh viên này, đại học Harvard đã đưa ra lệnh cấm các nam sinh viên không được vào các phòng tập mỗi tuần 6 tiếng đồng hồ.

Số nam sinh viên tại đại học Harvard không thể là dưới 6 người. Con số này phải lớn hơn con số 6 nữ sinh viên Hồi giáo rất nhiều. Nhưng để chiều theo những đòi hỏi, và tạo dễ dàng cho 6 nữ sinh viên này, đại học Harvard đã hạn chế quyền của các nam sinh viên, một thành phần đông đảo hơn con số 6 nữ sinh viên cần được cho dùng các phòng tập rất nhiều.

Việc cấm các nam sinh viên không được dùng các tiện nghi của trường để chiều theo yêu cầu của một thiểu số rất nhỏ không phải là một quyết định dân chủ. Quyền của đa số đã bị quyền của thiểu số lấn át.

Thử tưởng tượng trường Harvard cấm các sinh viên da đen không cho dùng phòng tập này một số ngày hay giờ nào đó để cho các sinh viên da trắng thoải mái hơn thì những gì sẽ xẩy ra?

Mà đó là chưa nói tói chuyện đa số hay thiểu số.

Nhất định sẽ có biểu tình, xuống đường, các nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền của người da đen sẽ phản đối ngày này qua tháng khác cho đến khi nào quyết định vô lý đầy nét kỳ thị đó được rút lại mới thôi.

Rosa Park, người phụ nữ da đen không chịu nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến xe bus ở miền nam nước Mỹ đã dấy lên phong trào đòi quyền cho người da đen trong những năm 50 và 60.

Chuyện kỳ thị tưởng là đã hết, thì nay, lối đối xử không công bằng lại vẫn thấy còn nguyên qua quyết định của đại học Harvard.

Nước Mỹ không cấm ai hành đạo của mình hết. Các tôn giáo đều được tự do hoạt động ở khắp nước Mỹ.

Không thể tưởng tượng tại nước Mỹ lại xẩy ra cảnh hai tượng Phật tạc vào sườn núi như ở Bamyan, Afghanistan bị phá tan tành. Cũng không thể tưởng tượng ở nước Mỹ lại xẩy ra cảnh các nhà thờ Thiên Chúa giáo bị ném bom xăng như ở Pakistan, Indonesia.

Nhưng ngay một nước tự do, dân chủ như nước Pháp, vẫn có luật cấm trùm khăn Hồi gíao trên đầu tại các trường công lập. Muốn trùm khăn thì cứ tới các trường tư.

Ðại học Harvard cũng có thể làm như chính phủ Pháp đã làm. Muốn tập mà không muốn nhìn hay để cho các nam sinh viên nhìn mình thì cứ đi kiếm trường khác có những phòng tập riêng, khỏi làm phiền các nam sinh viên.

Tự do của tôi không thể lấn sang tự do của người khác.

Ðại học Harvard cho biết việc này chỉ là một thử nghiệm. Có thể lệnh này sẽ được duy trì nhưng cũng có thể sẽ được thu hồi vào mùa xuân.

Từ nay đến đó, các nam sinh viên sẽ không được tới phòng tập từ 3 giờ đến 5 giờ chiều thứ Hai và từ 8 giờ đến 10 giờ sáng thứ Ba và thứ Năm.

Sau đây rồi chuyện gì sẽ xẩy ra?

Tại sao lại không thể xẩy ra chuyện cấm bán các món ăn có chứa thịt heo trong nhà ăn của trường? Các tín đồ Hồi giáo không ăn thịt heo. Thực đơn của trường phải tôn trọng những cấm kỵ của Hồi giáo.

Các nữ sinh viên bất kể theo tôn giáo nào cũng đều không được mặc quần áo để hở tay, hở chân, tóc phải quàng khăn che lại.

Một đại học Mỹ ở miền tây đã phải dành riêng một chỗ để các sinh viên Hồi giáo có thể mỗi ngày năm lần quì xuống, đầu hướng về Mecca để đọc kinh. Tại sao các đại học khác không làm như thế?

Càng nghĩ, càng thấy chúng ta là những di dân hiền lành và tử tế. Dĩ nhiên cũng có vài ba điều không hoàn toàn đúng theo ý của chúng ta trong cuộc sống tại Mỹ.

Nhưng chúng ta không đòi phải được cho ăn thịt chó, đòi được quyền đánh con, đòi biến ngày Tết thành ngày nghỉ hàng năm, đòi được cạo gió con cái dẫu cho có làm bầm tím cổ, mặt, lưng, ngực của chúng, cũng không đòi để được giữ nguyên thứ tự họ, rồi đến tên, khỏi phải đảo ngược thứ tự tên họ để các cụ nội ngoại dưới âm không nhận ra con cháu. Chúng ta cũng không đòi các dân cử phải mặc áo dài khăn đóng trừ khi những người này muốn nịnh chúng ta để kiếm phiếu.

Vậy nên thấy chuyện xẩy ra ở Harvard thì khó chịu và phải nói ra cho bớt bực mình một chút thôi.

8-2-2008

MẠNG GIÁO DỤC

Khi đi tìm những tài liệu và chi tiết liên quan đến người phụ nữ Việt Nam tên là Trần Thị Khâm để viết một bài về chuyến đi tìm người cha mà cô không bao giờ biết mặt ở Ðài Loan, tôi vào một địa chỉ có tên là Mạng Giáo Dục Edunet của bộ Giáo Dục và Ðào Tạo ở Việt Nam khi thấy trang web này cũng đề cập tới câu chuyện của cô Trần Thị Khâm.

Chuyện người phụ nữ Việt Nam 40 tuổi đi Ðài Loan tìm cha là một câu chuyện rất cảm động. Chuyện toàn những tình cờ, những trùng hợp, những điều xẩy ra như có sắp xếp của một bàn tay kỳ diệu nào đó khiến cả những người không tin cũng đến phải tin.

Chuyện được báo chí Ðài Bắc đăng tải đã đành, đài BBC cũng thuật lại, các báo Hoa ngữ, Thái ngữ, tiếng Tây Ban Nha và luôn cả những tờ báo viết bằng tiếng Ả Rập cũng phổ biến sâu rộng.

Ðiều đó cho thấy câu chuyện của cô Trần Thị Khâm là một câu chuyện làm cảm động cả những người không phải là người Việt trên khắp thế giới.

Mạng giáo dục Edunet đăng hai bản tin có bức ảnh cô Trần Thị Khâm và người cha của cô. Cả hai bài viết đều đưa ra những chi tiết cảm động về cha con người phụ nữ, những nghịch cảnh của một mối tình không chính thức, những vất cả của người mẹ sinh con mà không có cha, cùng với tình cảnh của cô Trần Thị Khâm từ khi mẹ chết lúc mới 2 tuổi. Chuyện người phụ nữ với cuộc sống không mấy hạnh phúc quyết tâm làm một công việc khó còn hơn mò kim dưới biển là một chuyện cảm động có đoạn kết vui vẻ.

Trang web của bộ Giáo Dục và Ðào Tạo để cho người đọc gửi những ý kiến vào diễn đàn của mạng.

Và chính những ý kiến của các độc giả gửi đến cho Mạng Giáo Dục Edunet là điều đáng nói ở đây.

Bình thường ra, đọc một câu chuyện cảm động như thế, người đọc chắc chắn sẽ vui mừng hộ cho người phụ nữ bất hạnh ấy. Gia đình cô thiếu thốn đến độ phải xin đi làm người giúp việc nhà ở tận Ðài Loan, phục dịch một phụ nữ bại liệt trên giường cho đến lúc chết rồi lại được đưa đi giúp việc cho một gia đình khác ở Kim Môn. Tình cảnh như thế không thể không làm cho người đọc cảm động, ai cũng nên vui cho cô Khâm và người cha Ðài Loan.

Nhưng những bức thư của các độc giả gửi tới cho Mạng Giáo Dục Edunet thì lại không có một bức thư nào nói được những điều đó. Tất cả những lá thư viết cho Edunet đều nói toàn những điều kỳ lạ, không một cảm xúc, một lời mừng cho hạnh phúc của người đàn ông già tìm được người con gái mà ông không hề biết và của người phụ nữ tìm được người cha sau bao nhiêu năm tìm kiếm.

Tất cả những lá thư viết vào Mạng Giáo Dục Edunet đều viết toàn bằng giọng đểu cáng, quay sang đề cập tới những chuyện bậy bạ, gọi người này sở khanh, người kia bỏ con đang khát sữa, người này thừa cái bộ phận này, người kia thiếu cái bộ phận nọ trong cơ thể.

Những lá thư đó đều được viết trong tháng Giêng năm 2008, tức là sau khi chuyện vạn dặm tìm cha của cô Trần Thị Khâm được loan đi.

Không có lấy được một bức thư tử tế viết về câu chuyện cảm động này.

Có hai điều đáng nói ở đây.

Thứ nhất, những người viết những lá thư cho Mạng Giáo Dục là những ai? Nhất định họ không thể là những thành phần không biết đến cái máy điện toán, cách vào internet, cách viết những e-mail bao giờ. Thế thì họ phải là những thành phần có đi học, có phương tiện và hiểu biết về internet, họ là học sinh, hay sinh viên. Nhưng học sinh hay sinh viên nào mà lại có cái thứ như thế. Tôi không thể tưởng tượng những người học sinh mà tôi đã gặp trong thời gian đi dậy học mấy chục năm trước lại có thể viết ra những điều như thế. Ngay cả những người học sinh Chu Văn An nghịch ngợm khủng khiếp của thời còn đi học, tôi cũng không nghĩ những người bạn tinh quái, nghịch ngợm của tôi lại có thể viết những lá thư như thế.

Nói chi đến những cô học sinh bẽn lẽn đưa viết vài giòng trong những cuốn lưu bút ngày xanh hay những người gặp ở trường Luật, trường Văn Khoa Sài Gòn. Họ không bao giờ có thể là tác giả của những e-mail tệ lậu như vậy.

Trước đây không bao giờ có cái thứ học sinh, sinh viên mất dậy đó.

Nhưng điều thứ hai còn kinh khiếp hơn là mạng web của bộ Giáo Dục và Ðào Tạo vẫn tiếp tục đăng những lá thư dễ sợ như thế mà không xóa đi. Bề gì website đó cũng là của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo.

Hay bộ đã giáo dục và đào tạo ra toàn những thứ học sinh và sinh viên như thế nên mới giữ những lá thư đó?

Có phải là vì những thứ thư từ như vậy cũng chỉ là những điều bình thường mà thôi?

BỨC HÌNH TƯỚNG LOAN

Bức hình mà nhiếp ảnh viên Eddie Adams chụp ngày mồng 1 tháng 2 năm 1968 tại gần chùa Ấn Quang ở đường Sư Vạn Hạnh, gần đường Lý Thái Tổ đã được đúng 40 tuổi.

Bức hình đó, xem một lần rồi không bao giờ có thể quên được.

Lúc ấy trận Mậu Thân đang diễn hết sức ác liệt. Người chỉ huy mặt trận Chợ Lớn là tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc Gia. Lực lượng của tướng Loan bị hỏa lực từ những căn nhà trên đường Sư Vạn Hạnh bắn ra dữ dội cầm chân không tiến được thêm nữa. Một người đàn ông mặc quần ngắn, một chiếc áo ca rô, mặt mũi hốt hoảng được binh sĩ của tiướng Loan bắt được và đưa ra đường Sư Vạn Hạnh nơi tướng Loan đang chỉ huy cánh quân ở đó. Ông Loan rút khẩu Smith Wesson nòng cụt đeo bên hông nhắm màng tang người đàn ông này nổ một phát. Trong hình chụp, người đàn ông nhăn mặt như cảm nhận được viên đạn sắp bay vào đầu. Một hai giây đồng hồ sau, người đàn ông này lảo đảo, ngã xuống mặt đường.

Eddie Adams phái viên nhiếp ảnh của thông tấn xã AP đứng ngay đó chụp được bức ảnh trước khi viên đạn bay vào đầu đặc công Nguyễn Văn Lém. Bức ảnh của Eddie Adams được gửi đi khắp thế giới. Những người chống chiến tranh Việt Nam lập tức hô hoán lên rằng việc bắn chết một tù binh Cộng sản của một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa là một hành động vi phạm công ước Geneve về tù binh. Một vài tiếng nói khác thì nói rằng tướng Nguyễn Ngọc Loan đã bắn chết một thường dân vô tội.

Bức ảnh của Eddie Adams mang về cho ông một giải Pulitzer năm 1969 và nhiều giải thưởng quốc tế khác. Ðồng thời bức hình cũng gây ra một vài khó khăn cho tướng Loan. Sang tị nạn tại Hoa kỳ, tướng Loan nhiều lần bị những thành phần chống chiến tranh Việt Nam đến làm phiền tại nơi ông và gia đình sinh sống ở tiểu bang Virginia.

Eddie Adams viết trên tuần báo Time về bức hình của ông rằng tướng Loan giết một du kích Việt Cộng, còn tôi, Eddie Adams, thì giết ông bằng cái máy chụp hình.

Eddie Adams nhìn nhận bức hình đó đã làm phiền ông Nguyễn Ngọc Loan không ít.

Nhưng người chụp bức ảnh ấy, Eddie Adams, cũng viết thêm rằng những bức ảnh là những võ khí mạnh nhất trên thế giới. Người ta tin ngay khi xem chúng. Nhưng hình ảnh do máy chụp cũng có thể không nói đúng sự thật. Những bức ảnh ấy chỉ nói được một nửa sự thật.

Eddie Adams nói rằng người xem bức ảnh ông chụp phải hiểu bức ảnh đã được chụp ỏ đâu, lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Nhưng người chụp bức ảnh đó không phải lúc nào cũng đứng cạnh để nói thêm rằng bức ảnh được chụp trong một buổi trưa nắng hừng hục, lửa đạn bay mờ mịt một khúc đường, một số binh sĩ dưới quyền chỉ hưy của tướng Loan vừa bị giết, xác bị trói ở trong một ngôi nhà trong khu nhà gần chùa Ấn Quang.

Tướng Nguyễn Ngọc Loan giắt khẩu súng lại vào bao và quay lại nói với các nhà báo đứng gần rằng người đàn ông mà ông vừa bắn chết đã giết mấy người lính của ông.

Trước khi tướng Loan chết, Eddie Adams có đến gặp ông và xin lỗi ông về việc bức hình làm cho ông gặp những chuyện bực mình trong đời sống tại Mỹ. Ông Loan nói với Eddie Adams rằng Eddie Adams không cần phải xin lỗi ông, vì ông làm việc của ông và Eddie Adams làm việc của Eddie Adams.

Sau khi tướng Loan qua đời, Eddie Adams viết một bài ngắn đăng trong tờ tuần báo Time, và ở đoạn cuối, Eddie Adams viết rằng tướng Loan là một người anh hùng. Hoa kỳ phải biết ơn ông. Tôi, Eddie Adams, rất buồn khi thấy ông ra đi trong khi vẫn còn nhiều người không biết được sự thật đằng sau bức ảnh.

Hai mươi năm sau trận Mậu Thân, một đài truyền hình Nhật, đài NHK, gửi một toán phóng viên đi Việt Nam và tìm gặp gia đình của đặc công Nguyễn Văn Lém. Toán truyền hình Nhật tìm được gia đình gồm vợ và mấy người con của người đặc công bị ông Loan bắn chết. Gia đình này sống tại một căn nhà hiu hắt, rách rưới và nghèo khổ cùng cực ở giữa một cánh đồng trong khu Phú Thọ Hòa cách trường đua Phú Thọ không bao xa.

Khi đoàn truyền hình Nhật hỏi là gia đình có mong ước gì vào lúc đó. Người vợ góa của Nguyễn Văn Lém trả lời rằng bà mong người Mỹ trở lại để lũ con kiếm được công ăn việc làm mà sống tiếp.

Bức hình chụp đã được 40 tuổi. Tướng Loan qua đời năm 1998. Eddie Adams năm 2004. Nguyễn Văn Lém năm 1968.

Gia đình của Nguyễn Văn Lém không biết đã kiếm được việc làm để sống chưa.

Có thể trên những bức tường nhà chỉ có treo một tấm bằng liệt sĩ là cùng.

8-8-2008

TOO GRAPHIC

Người Mỹ coi vậy mà nhát gan. Thỉnh thoảng trong các bản tin truyền hình, khán giả lại được cảnh cáo là những hình ảnh sắp xuất hiện trên màn ảnh có thể quá hiện thực, những hình ảnh đó có thể gây khó chịu cho người xem, làm cho người xem xúc động, để nếu khán giả thấy không thoải mái thì tắt máy, xem một chương trình khác hay nhắm mắt lại.

Nhưng rồi sau khi xem những hình ảnh đó, thì nhiều người thấy cũng chẳng có gì cần phải cảnh cáo cẩn thận như thế. Cảnh một chiếc xe bus nổ tung ở Gaza, một khu phố vừa bị bom phá tan tại Baghdad, những mảnh vụn của chiếc máy bay vớt lên từ dưới biển còn đong đưa cái chân người, cảnh xác một người lính Mỹ bị đốt cháy, lại còn bị cột dây kéo lê trên một cây cầu ở Fallujah...

Không phải là đã quá chai đá, quá blasé hay quá cynique để không thấy cái bi thảm của những bức hình ấy. Nhưng đó là những thục tế, những sự thực đang xẩy ra, đang diễn ra hàng ngày trong cái thế giới càng ngày càng tàn bạo này.

Cảnh những đứa bé đang chết đói tại Phi châu, cảnh nội chiến ở Darfur, cảnh nhũng cánh đồng giết người ở Kampuchea, cảnh xác người trôi sông sau trận bão ở Miến Ðiện là sự thực, không cần tô vẽ cho khủng khiếp hơn.

Tắt máy truyền hình đi, vặn sang đài khác là việc làm giống hệt như những con đà điểu vùi đầu xuống cát khi thấy nguy hiểm.

Nhưng thực ra, người ta nay đã thấy là đó chỉ là huyền thoại, loài đà điểu không hề làm công việc đó. Nếu chúng chui đầu xuống cát khi thấy nguy hiểm thì loài chim này đã tuyệt giống từ lâu.

Nước Mỹ không lạ gì với bạo động. Những vụ giết người, bạo hành vẫn xẩy ra hàng ngày, không một ngày nào không có ở New York, Detroit, Los Angeles...

Những cảnh thấy trên truyền hình đâu có thua gì cảnh ở những khu tội ác mà chính các tài xế taxi cũng không dám đi tới sau 5 hay 6 giờ chiều như ở Washington DC.

Người ta không thể tắt máy truyền hình đi, giả bộ như những chuyện đó không bao giờ xẩy ra. Nước Mỹ vẫn thanh bình thịnh trị như trong những họa phẩm của Norman Rockwell bầy ra toàn những cảnh sung túc ấm no, hòa bình.

Thế giới đã đổi khác rất nhiều. Bạo động ngay ở đầu đường vì một túi bạch phiến nhỏ, vài ba đồng trong túi áo người đi giao pizza...

Nhắm mắt lại là tự đánh lừa nình. Chuyện ấy có thể rất nguy hiểm.

Tuần trước, một nhật báo ở đây có đăng hình một nhà tu Việt Nam bị công an đánh có thương tích trên mặt.

Bức hình nói lên được không biết bao nhiêu điều mà nếu không được nhìn tbức hình, thì người ta không thể hiểu được sự tàn bạo và khốn nạn của bọn cầm quyền man rợ ở Việt Nam.

Bức hình cha Lý bị bịt miệng nếu không được đem ra nước ngoài thì những lời hô hoán rằng ở Việt Nam nay đã cởi mở rất nhiều, tự do nhiều lắm sẽ còn được nghe ở khắp nơi.

Một hai hôm sau khi bức hình đó xuất hiện, một độc giả viết thư cho tòa báo nói rằng bức hình đó quá ghê khiếp, ông không dám để cho con trai xem, sợ những ảnh hưởng tâm lý không tốt cho con nhỏ.

Người viết bức thư này có thể ở một trong hai trường hợp:

Thứ nhất, ông ta quá ngây thơ, ngây thơ đến độ ngớ ngẩn khi tin rằng con ông chưa bao giờ thấy cảnh người bị đánh có thương tích như thế. Ông ta tin rằng con trai ông 10 tuổi, vẫn ê a mấy bài hát đồng giao măng non, tuổi ngọc... và tin rằng cuộc đời vẫn như truyện thần tiên nghe trong lòng bà nội, bà ngoại. Ông có thể không biết là con ông đã nghe vài chục bài nhạc rap ở trường, chơi video game với cảnh bắn nhau tàn bạo, xem những cảnh chém giết nhau trong hầu hết các phim ảnh truyền hình như các cuộc nghiên cứu cho thấy.

Chứ bộ Bugs Bunny, The Road Runner mà không bạo động đó ư? Cảnh con Coyote bị đẩy xuống vực thét lên thảng thốt mà không bạo động hay sao?

Nhưng người ta cũng có thể nghĩ biết đâu ông chỉ không muốn những bức hình bầy ra khía cạnh bẩn thỉu đó được đưa lên mặt báo cho những người như tôi chưa một lần về nước được biết về trò du côn của nhà nước?

Nếu thế thì ông giỏi lắm.

Viettide số 367 cũng có một bức hình tương tự. Hình một người đàn ông tên là Nguyễn Phương Anh ở góc phải của bìa báo cho thấy một khuôn mặt sưng húp, mắt phải gần như không mở ra được. Mắt trái bị băng gần kín có vết máu. Tội vạ của ông là viết những bài báo châm biếm chế độ. Ông bị bắt giữ, hành hung ngay tại nhà, cơ sở làm việc bị đánh sập, vu cáo tội trốn thuế.

Bức hình này chắc chắn sẽ lại khiến người đàn ông viết thư cho báo phàn nàn về hình ảnh quá hãi hùng có thể gây chấn thương tâm lý cho con ông.

Vì nó cũng nói không tốt về chế độ.

Nhưng bức hình đó rất cần phải được phổ biến. Ông Nguyễn Phương Anh muốn cả thế giới biết về trò đểu cáng của nhà cầm quyền. Cái đám cầm quyền côn quang đầu trâu mặt ngựa ấy không hề cởi mở và tử tế gì như những chuyên viên nhổ, liếm, hút sạch trơn lỉn mà chúng ta vẫn thỉnh thoảng nghe.

Không muốn thấy những hình ảnh khốn nạn đó thì phải tranh đấu để không có chúng nữa. Chứ xin đừng đăng báo để trẻ khỏi kinh hoàng là ấm ớ nặng.

9-5-2008

NHỮNG LÁ CỜ TRUNG QUỐC Ở SÀI GÒN

Cách đây hơn hai năm, những người di dân bất hợp pháp đã tổ chức xuống đường đông đảo để đòi hỏi rất nhiều điều vô lý từ phía chính phủ Hoa kỳ.

Ðoàn biểu tình làm mất đi nhiều cảm tình của người dân Mỹ mà đa số vốn đã không có thiện cảm với những người vi phạm luật lệ di trú của nước Mỹ.

Việc làm khiến đoàn biểu tình mất thêm cảm tình tại các cuộc xuống đường vĩ đại ở Los Angeles, Houston, Washington DC là việc những người biểu tình này trương những lá cờ Mexico rất lớn tại các cuộc biểu tình.

Những người tổ chức biểu tình nghĩ rằng những lá cờ Mexico là tụ điểm tạo đoàn kết và sức mạnh để đòi chính phủ Hoa kỳ thỏa mãn những đòi hỏi có nhiều phần vô lý của họ.

Sự xuất hiện của lá cờ Mexico đã làm nhiều người khó chịu. Những cuộc biểu tình sau đó không thấy cảnh rước đại kỳ Mexico nữa.

Việc làm không khôn ngoan của những người biểu tình đã làm mất rất nhiều thiện cảm của dân chúng.

Chính phủ Mỹ không có phản ứng gì. Nước Mỹ là nước tự do. Chính phủ Mỹ hiểu sức mạnh của họ.

Việc làm thiếu ý thức và thiếu thông minh đó chính những người di dân lậu đã hiểu ra và sau đó, không thấy họ rước cờ Mexico tại những cuộc biểu tình nữa.

Một chuyện tương tự như thế mới đây đã diễn ra tại Sài Gòn khi đuốc thế vận được rước qua cái gọi là thành phố Hồ Chí Minh.

Ðằng thẳng ra, nếu không xẩy ra những vụ Hoàng Sa và Trường Sa thì chuyện ấy cũng đã là điều đáng nói, là chuyện không nên để cho xẩy ra.

Nhưng sau vụ nhà cầm quyền Bắc Kinh công khai chiếm lấy những chuỗi đảo của Việt Nam thì sự xuất hiện của đám người cầm cờ Trung Cộng ở những nơi đuốc thế vận được rước qua là điều đáng lẽ nhà cầm quyền Việt Nam không nên để cho xẩy ra.

Ðám người Hoa cầm cờ đỏ tung hô đuốc thế vận là việc không thể chấp nhận được.

Bắc kinh hiểu là thế nào cũng có những người Việt chống lại việc họ tuyên bố chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên đoàn rước đuốc chắc chắn sẽ bị chống đối.

Vì thế, Bắc kinh đưa người của họ vào Sài Gòn để át giọng những người biểu tình.

Và nhà cầm quyền Việt Nam đã để cho họ làm công việc đó.

Trong vụ này, thực ra Trung quốc đã làm một công việc thừa thãi. Nhà cầm quyền Hà Nội đã làm đủ mọi cách để ngăn chặn những cuộc biểu tình chống Bắc kinh sau khi phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc kinh đưa ra mấy câu hăm dọa rất hỗn láo. Mọi âm mưu xuống dường, dù chỉ là để nói lên quan điểm của người dân về việc lãnh thổ bị cướp đi đều bị Hà Nội cấm tuyệt. Quan điểm đó, lập trường đó đáng lý phải là lập trường của nhà cầm quyền Hà Nội khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị vi phạm một cách ngang ngược.

Nhưng Hà Nội đứng hẳn về phía Trung quốc và cấm mọi hoạt động có thể la,m mếch lòng Bắc kinh.

Vụ rước đuốc qua Sài Gòn đã được Hà Nội hứa với Bắc kinh là sẽ không để cho rắc rối xẩy ra. Nhưng nhà cầm quyền Bắc kinh vẫn muốn biết chắc là cuộc rước đuốc không bị phá rối. Ðể đảm bảo cho cuộc rước đuốc diễn ra thành công sau những rắc rối ở Luân Ðôn, Paris và San Francisco cũng như ở Ðại Hàn và Nhật Bản, nhà cầm quyền Bắc kinh đưa người của họ tới cầm cờ cổ vũ cho đám rước đuốc.

Trong số những lá cờ trương lên tại những nơi tụ tập của đám người mà Trung quốc đưa tới Việt Nam để làm đẹp mặt cho họ sau những vụ bẽ mặt ở những nơi đuốc đi qua trước đó, đồng thời cũng là để bảo vệ cho đoàn rước đuốc thì có được mấy lá cờ của Cộng sản Việt Nam?

Người tinh mắt nhìn những bức ảnh chụp không thấy có cờ đỏ sao vàng của Hà Nội.

Chuyện tương tự cũng đã thấy tại Jakarta. Ðám đông không hề cầm theo cờ Indonesia. Ở Úc, không thấy có cờ Úc.

Ðám đông mà Trung quốc đưa tới không phải chỉ để ủng hộ cho đuốc thế vận, mà nếu cần, những người này sẵn sàng hành hung những ai chống lại cuộc rước đuốc như người ta đã thấy trong ảnh chụp một công dân cao niên Ðại Hàn bị hành hung ngay ở ngoài đường.

Ở Sài Gòn đã không xẩy ra chuyện như ở Hán Thành nhờ sự đắc lực của công an Việt Nam.

Nhìn nhũng chuyện như thế, người ta lại nhớ những việc làm của chính phủ Ngô Ðình Diệm khi tổng thống Diệm lên cầm quyền với chính sách đối với Hoa kiều và những hạn chế một số những công việc mà các thành phần này không được làm. Thời đệ nhị cộng hòa không cho phép các bảng hiệu của các cơ sở thương mại trong Chợ Lớn được viết hoàn toàn bằng chữ Hán.

Nói chi đến việc để cho cầm cờ la hét ở ngoài đường phố.

Những việc làm của chính phủ Ngô Ðình Diệm và chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đối với người Hoa đã bị vài ba ý kiến chống đối, coi là những việc làm không dân chủ.

Nhưng nghĩ lại, hai nền cộng hòa lại đã làm được bao nhiêu việc để bảo vệ lãnh thổ và danh dự của tổ quốc.

Bây giờ, cứ nhìn bọn Tầu Cộng cầm cờ phất ở Sài Gòn là tức muốn ói máu.

11-1-2008

BA CON KHỈ

Phía trên cửa đền Tosho-Gu ở Nikko cách Tokyo khoảng 140 km về hướng Bắc có tượng tạc ba con khỉ. Con Mizaru hai tay bịt mắt; con Kikazaru hai tay bưng lấy tai và con Iwazaru dùng hai tay che miệng. Những cử chỉ của ba con khỉ diễn lại một câu cách ngôn của người Nhật, đó là không nhìn những cái xấu, không nghe những cái xấu và không nói những điều xấu.

Tượng ba con khỉ ở Tosho-Gu có từ thế kỷ thứ 17 nhưng ý nghĩa việc làm của chúng: không thấy, không nghe và không nói những điều xấu xa độc địa có thể đã tới nước Nhật từ thế kỷ thứ 8, từ Ấn độ qua Trung quốc rồi theo chân một nhà sư Phật giáo vào Nhật.

Ở nước Nhật, những điều biểu hiện qua những cử chỉ của ba con khỉ đã trở thành những khuôn vàng thước ngọc cho cách xử thế của nhiều người Nhật. Ngày nay, ba con khỉ trên cửa đền Tocho-Gu chỉ còn mang ý nghĩa những chủ trương hành xử của một người không muốn liên hệ vào một chuyện không hay, và cũng có thể là cái thái độ không muốn dính vào một chuyện không đẹp, vô luân, thiếu đạo đức.

Nếu chỉ che mắt, bịt miệng, che tai đối với những điều không tốt đẹp thì đó cũng có thể được coi là một thái độ tốt, một lối hành xử đáng làm theo.

Nhưng ba con khỉ ở Tosho-Gu chạy qua Việt Nam để dậy cho bọn đười ươi Hà Nội thì việc làm của chúng lại thành ra hỏng hết.

Ngày mồng 9 tháng 1 tới đây, một số sinh viên học sinh ở Sài Gòn dự tính sẽ tổ chức xuống đường biểu tình để phản đối việc Trung Cộng cưỡng chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam ở biển đông.

Tưởng đó là một việc làm đúng, hợp lý và cần thiết trước việc làm bất hợp pháp của Bắc kinh, nói lên lòng yêu quê hương đất nước của tuổi trẻ Việt thì nhà cầm quyền phải vui mùng đón nhận, phải khuyến khích, phải tạo mọi dễ dàng cho cuộc biểu tình để dựa vào khí thế đó mà nói chuyện với bọn ăn cướp đất ở Bắc kinh, đòi lại những phần đất bị ăn cướp.

Nhưng các sinh viên được đại học thông báo là họ không được phép làm như thế vì chính phủ chưa cho phép.

Một phụ huynh của một sinh viên nghe chuyện bèn gọi điện thoại để thảo luận với một giới chức giáo dục ở Sài Gòn thì gặp phải một con cù nhầy nói ngọng "L" thành "N", "N" thành "L". Ông phụ huynh sinh viên thu lại nguyên cuộc điện đàm rồi phóng lên internet (xin bấm để nghe) nên người ta mới biết ba con khỉ đã được mời để từ cửa đền Toshu-Gu sang Hà Nội giúp dậy bọn đười ươi về cách đối phó với vụ Tam Sa của Tầu Cộng. Nhưng thay vì học được những điều tốt đẹp của triết lý mà ba con khỉ ở đền Toshu-Go đã dậy cho người Nhật cách hành xử từ mấy trăm năm nay để trở thành những con người tử tế của thế giới thì bọn đười ươi tiếp nhận sai hoàn toàn những lời ba con khỉ dậy để hiểu láo lếu những điều được dậy dỗ.

Cuộc điện đàm giữa người cha của một sinh viên học trường đại học Bách Khoa ở Sài Gòn và một giới chức nhà nước cho thấy một đười ươi vừa ngu xuẩn vừa ngoan cố và hoàn toàn không hiểu biết gì hết.

Người cha của anh sinh viên hỏi tại sao nhà cầm quyền không cho các sinh viên và học sinh xuống đường bầy tỏ thái độ yêu nước và phẫn nộ trước việc đất nước bị ăn cướp, thì người của nhà nước nói là các sinh viên chưa có một tổ chức chính thức nên chưa thể cho phép. Hơn nữa, vấn đề đang được bộ ngoại giao của hai nước tích cực giải quyết. Hơn nữa, "lước mình chưa có nuật biểu tình." Người cán bộ của nhà nước nói thẳng ra là sợ các thế lực bên ngoài "nợi dụng để kích động lói xấu đảng, lói xấu nhà lước."

À thì ra là thế. Bọn đười ươi chỉ sợ những cuộc biểu tình quay ra chống lại nhà nước nên đã bóp nghẹt tiếng nói yêu nước của sinh viên. Thà chặn không cho sinh viên yêu nước lên tiếng còn hơn là đảng bị tấn công.

Người cán bộ giáo dục của nhà nước cứ loay hoay, quanh co đem hết các thứ chầy và cối ra để cãi, cù nhằng cù nhầy nhắc đi nhắc lại chuyện phải có phép mới được biểu tình, và rằng chính phủ đang giải quyết. Cuộc điện đàm có ghi được một câu mà anh cán bộ này bị buộc phải nói ra khi anh bị dồn phải nói là anh không đồng ý với bức thư nhường đất cho Tầu của Phạm Văn Ðồng. Nhưng anh ta lại nói là trong giai đoạn chiến tranh người ta có thể làm bất cứ gì.

Bác Hồ cũng ký cái này cái nọ với Pháp và Anh.

À thì ra thế, ở cái moment de verite, cái phút nói thật ấy, người ta đã thấy thảm cảnh của chúng ta, đó là bọn lãnh đạo ộng Sản chẳng ái quốc chẳng dân tộc quái gì hết. Chúng nó chỉ có cái đảng khốn nạn nhà chúng nó, và chúng nó sẵn sàng làm bất cứ gì để bảo vệ cái đảng phá sản đó.

Ba con khỉ dậy những điều tử tế, nhưng bọn đười ươi học láo học lếu để nhắm mắt, bịt tai, bịt miệng không dám đụng tới bọn xâm lược phương bắc như người ta đã thấy rất rõ từ mấy tuần nay.

NHỮNG TIẾNG NÓI ÐÓ ÐÂU RỒI?

Vụ Hoàng Sa và Trường Sa bầy ra những chuyện rất kỳ lạ.

Như một số người bỗng cho thấy có biệt tài về diễn xuất. Họ đóng vai những con hến rất xuất sắc. Ðó là không nói gì hết. Câm thin thít. Cậy răng cũng không nói được một câu.

Tự nhiên cứ ấp úng không ra được nửa lời như một câu thơ của nhà thơ tiền chiến nọ. Những cái miệng há ra không được. Há được một chút thì vướng cái quai. Những cái quai ở quanh những cái miệng từ mấy chục năm nay. Há ra, mắc phải chúng, thế là lại không há được.

Nhưng nói vậy cũng có thể không đúng.

Há miệng mắc quai là vẫn còn có toan tính há miệng để nói, nhưng miệng vừa há ra thì bị quai chặn lại. Trong trường hợp của vụ Hoàng Sa và Trường Sa thì chuyện muốn há ra để nói đã không có thì lấy đâu mà nói há miệng mắc quai như trong câu tục ngữ Việt Nam mặc dù câu tục ngữ này đang làm khổ nhiều người trong nước. Nói rõ ra là giới lãnh đạo ở Hà Nội.

Thực ra, nếu khốn khổ, loay hoay không biết ăn làm sao, nói làm sao đã là một điều quá tốt đẹp.

Sự thực họ không muốn, và không dám nói.

Không muốn nói vì chẳng lẽ vụ hai chuỗi đảo ở biển Ðông lại chỉ lọc lựa ra nói có một chuyện, đó là chuyện Trường Sa.

Mà nhắc tới Hoàng Sa, không lẽ dấu biến những chi tiết về trận hải chiến đầu năm 1974 của các chiến hạm Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Lý Thường Kiệt, Nhật Tảo của hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Mấy chục năm nay đổ cho miền Nam nô dịch, đầy tớ Mỹ, mà nay, lại nói về cuộc hải chiến của miền Nam chống Trung Cộng bảo vệ lãnh hải, đi ngược lại nội dung bức thư của Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai thì sao tiện.

Ðó là Hoàng Sa.

Nhưng không nói gì, không một lời phản đối việc làm của Bắc kinh đối với hai chuỗi đảo của ông cha Việt Nam để lại thì không được.

Và việc cấm cản những cuộc biểu tình của người dân phản đối những việc làm của nhà cầm quyền Bắc kinh cũng không được.

Thế nhưng người ta cũng lại không được nghe một vài lời phát biểu khác ở trong nước cũng như ở ngoài nước thì kỳ quá.

Người ta chờ nghe tiếng nói của ông nhạc sĩ vẫn nhận là người viết những bài ca gần gũi với quê hương đất nước, nay trở về Việt Nam sinh sống. Ông ta cũng không nói gì. Ông không muốn phổ biến một số ca khúc ông viết để về Việt Nam nên chuyện không dám lên tiếng cũng chỉ là chuyện người ta đã chờ đợi.

Một người khác người ta cũng không nghe được một câu phát biểu nào về vụ Hoàng Sa và Trường Sa. Người ta nghĩ ít nhất cũng phải có một đôi câu. Bề gì thì cũng là một quân nhân.

Nhưng chờ cho đến hôm nay, người ta vẫn không nghe được một câu bộc trực nào như mấy câu thề đánh tiếp ở nhà thờ Tân Sa Châu hồi tháng 4 năm 1975 khi ông ta tuyên bố đánh đến cùng. Nhưng nay, tuyên bố một câu như thế, rồi lại đi đánh... golf ở bên Mỹ thì nghe sao tiện.

Nhớ Nguyễn Công Trứ ngoài tám mươi tuổi nghe tin quân Pháp đánh Ðà Nẵng vẫn còn xin được ra trận. Làm tướng phải như thế.

Rồi lại một ông sư nọ dềnh dang về nước nói là để cầu siêu giải oan cho những người chết, tưởng ông ta là người hết dạ với quê hương đồng bào hóa ra cũng chỉ là trình diễn chơi cho vui.

Những cuộc biểu tình chống Bắc kinh chiếm đất của tổ quốc thì bị công an giải tán, chụp hình để theo dõi.

Bức dư đồ rách mà Tản Ðà đau đớn tự hứa là sẽ bồi nay lại càng thêm rách nát.

NHỚ MAI THẢO

Căn apartment của ông nằm trong một building khuất hẳn ngoài đường nhìn không thấy. Lúc đầu ông ở trên lầu. Khi chuyện leo mười mấy bực thang trở thành quá khó khăn, ông dọn xuống một căn phòng ở dưới.

Chiều hôm qua tôi ngồi ở cái bàn ông vẫn ngồi trong tiệm Song Long và nhớ Mai Thảo chết đã mười năm.

Tôi gặp lại ông ngay sau khi từ Malaysia đến Mỹ. Thời gian đầu đến Mỹ, ông ở trên vùng tây bắc. Ít lâu sau ông mới xuống nam California. Thỉnh thoảng tôi ở Virginia qua thăm ông và thỉnh thoảng ông cũng sang Virginia chơi.

Ông là một người bạn tốt. Bạn của ông cũng tốt với ông. Người ta thích cái tính chịu chơi của ông, không bao giờ phân biệt tuổi tác trong những giao tình. Ông sống một mình nên rất nhiều bạn, và cũng cần nhiều bạn. Không vợ con bao giờ ngoài một vài mối tình không đi đến đâu mặc dù cũng có lần chàng thất tình than "khổ bỏ mẹ đi ấy chứ."

Trong cái cách sống độc thân của ông, không có cái nét tội nghiệp của một người ở một mình. Ông quen sống như thế đã từ rất lâu. Hết cả cuộc đời. Ông thích như vậy:

Tôi tự do phơi phới một đời

Mai Thảo có tất cả những nét đẹp và lãng mạn, hào hoa của một người Hà Nội. Ông đã lớn lên ở thành phố ấy. Ở lại đêm cuối với thành phố ấy và viết Ðêm Giã Từ Hà Nội, một truyện ngắn ông mang vào Sài Gòn để từ đó khởi đi một con đường văn chương mà ông sống toàn thời gian.

Mai Thảo là một nhà văn sống bằng văn chương, bằng ngòi bút của ông. Ngòi bút, vì cho đến lúc cuối đời, ông vẫn không đặt những ngón tay lên bàn phím của cái máy vi tính

Tôi buồn quá bèn rút cây bút

Một điểm rất kỳ lạ ở Mai Thảo là ông uống cognac như vậy, mỗi ngày ít nhất một chai, mà gan của ông, cho đến những ngày cuối đời, theo Ngô Thế Vinh, vẫn còn rất tốt.

Trong căn phòng của ông, lúc nào cũng một góc là những chai chưa mở, một góc là những vỏ chai. Những VSOP, XO, những chai mờ … nhưng tất cả đều là cognac.

Căn phòng Mai Thảo ở là chỗ bạn bè hay kéo tới. Không đi khỏi California thì ông ở nhà, đi lang thang ra mấy tòa báo kế bên. Lững thững thế nào chàng vẫn bị một cái giấy phạt về tội đi băng ngang qua khu Phước Lộc Thọ không đúng luật. Sở cảnh sát Westminster sau đó, trong một buổi vinh danh chàng, đã đến tận nơi, lên sân khấu xé cái giấy phạt đó.

Hồi còn ỏ Sài Gòn, ông ở trên một căn phòng trong một cao ốc gần nhà thờ Huyện Sĩ. Khuya lắm ông mới trở về, người lái xích lô đưa ông về tận nhà. Có đêm say quá, ông xích lô phải dìu Mai Thảo lên tận phòng.

Ông có một phong thái uống rượu rất đẹp. Không bao giờ rượu dăm ba chén đã say nhè như Nguyễn Khuyến. Càng uống ông càng tỉnh. Càng uống và càng về khuya ông càng nói chuyện về thơ, về văn chương hay hơn những lúc tỉnh ban ngày

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy

Nguyễn Hưng Quốc cho rằng bài thơ này là bài thơ uống rượu hay nhất của Việt Nam. Ðọc lên là thấy cái lối ngồi uống rượu của ông, cho dù trong một cái quán, hay trên ba chục ngàn bộ

Ly rượu ở lưng chừng trái đất

Vây quanh Mai Thảo là bạn của ông. Nhưng lúc nào ông cũng một mình. Vẫn có một bức tường thuỷ tinh nào ngăn cách Mai Thảo và những người bạn, kể cả những người thân nhất. Ông ít khi nói về ông. Khó lắm mới thấy ra một vài liên hệ

Ðặt tay vào chỗ không thể đặt

Trong khi tiểu thuyết của ông là tiểu thuyết tình cảm, nhưng trong thơ, ông đề cập rất ít đến tình yêu. Bài thơ dài nhất mà ông viết về tình yêu lại là một bài thơ rất kín đáo. Ông sợ nói về tình yêu.

Thơ ông viết về đời sống, về cuộc sống, công việc, bạn bè, nhũng ngày xa xứ. Người ta không thấy những điều đó trong văn xuôi của ông.

Vì thế, muốn thấy được một góc nào đó của Mai Thảo, người ta phải đọc thơ của ông.

Suốt một đời với văn xuôi, trong những năm cuối, ông mới làm thơ. Việc ông làm thơ không hề là một ngạc nhiên với người đọc. Trong văn xuôi của ông, chữ nghĩa, cách chấm câu, lối giàn ý, hình ảnh, âm nhạc... người ta vẫn thấy từ lâu ẩn hiện đâu đó con người làm thơ của ông.

Tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền có thể nói không ngoa là tập thơ hay nhất của văn chương hải ngoại.

Mai Thảo là một người sống với chữ nghĩa nên ông rất yêu quí chữ nghĩa. Trong lúc tỉnh táo, ngồi nói chuyện với bạn, ông có thể nói đùa, nhưng không bao giờ nói độc ác về bất cứ một ai. Khi viết, ông lại càng không thế.

Trong căn phòng nhỏ ấy, những bức hình chụp bạn bè lúc ở Hà Nội, lúc ở Sài g òn. Những cuốn sách xếp ngay ngắn trên kệ

Sách một dẫy nằm trơ trên giá

Một bài thơ ông viết tặng Võ Phiến cứ mỗi lần đọc lại là lại thấy căn phòng ấy của ông

Ði vắng từ xa trở lại nhà

Tôi đã bao nhiêu lần đến căn phòng ấy. Căn phòng cửa không bao giờ khóa, cũng không đóng khi ông ở nhà, bao giờ cũng hé một chút

Nửa khuya đợi bạn từ xa tới

Từ mấy năm đầu của thập niên 90, sức khỏe của ông không còn tốt nữa. Ông biết thân thể của ông đang trải qua những biến chuyển

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện

Bệnh ở trong người thành bệnh bạn

Nhưng mỗi lần sang thăm ông từ miền đông hồi ấy, dù ông đã yếu đi nhiều, răng lợi đi chơi gần hết, nhưng hễ ghé vào, rủ ông đi chơi là ông đi ngay. Quán Song Long đặc biệt chiều ông già khó tính, để mặc cho ông hút thuốc mặc dù có lệnh cấm. Ông lôi chai cognac trong chiếc túi ra thì đã có ngay một ly nước đá. Ông gọi món ăn, chỉ lấy đũa khều khều vài miếng rồi uống rượu tiếp. Nhiều khi không nói gì. Những lúc ấy, mấy câu nay để tả ông là đúng nhất

Có lúc nghĩ điều này điều nọ

Tờ Văn mà ông tục bản tại Hoa kỳ được chuyển cho Nguyễn Xuân Hoàng coi sóc khi sức khỏe không cho phép ông tiếp tục nữa. Khoảng hai năm sau thì ông qua đời.

Mai Thảo chết không phải vì bệnh, mà chết là vì thiểu lực. Mấy con ốc chiên bơ không thể nuôi cái cơ thể mỗi ngày bị rượu lấy đi bao nhiêu calorie không bù lại được. Cơ thể muốn ra đi, mà đầu óc thì minh mẫn, nhớ đủ mọi chuyện. Bạn bè đến vẫn nhớ từng người một. Nằm đó, vẫn nghe tiếng còi tầu trên sông Hồng, vẫn nhớ buổi tối cuối cùng ở Hà Nội … đó là nỗi khổ của Mai Thảo.

Vài ba lần tôi đến thăm ông, không có ai ở đó. Ông nhờ châm hộ điếu thuốc và đổ bao thuốc ra cạnh gối để hết điếu này qua ngay điếu khác mà không cần phải dùng bật lửa hay diêm. Tôi biết ông muốn đi chơi với chúng tôi. Ông bị cấm uống rượu. Lần cuối, một người bạn ở xa đến thăm đã cho ông uống một ly cognac và có người nói là ông chết vì ly cognac đó vài ba ngày sau.

Tôi ở Virginia bay đi California, mang theo chai XO, nhưng không kịp gặp ông lần cuối.

Tại nghĩa trang, tôi mở chai rượu, mời những người đứng ở cạnh huyệt uống với ông một ly. Rồi ném hai cái ly và chai rượu còn khoảng một nửa xuống huyệt.

Thỉnh thoảng qua Califonia, tôi lại ghé thăm Mai Thảo ở nghĩa trang. Mấy lần, tấm bia của ông bị ngập nước nhưng vẫn đọc được mấy câu gia đình ông cho khắc như để tóm gọn con người của ông lúc còn sống

Thế giới có triệu điều không hiểu

Mộ của ông lúc nào cũng có mấy cây hương. Có khi là một điếu thuốc. Không phải là một mẩu thuốc của ai vứt trên cỏ, mà là một điếu thuốc được một chân hương cắm xuyên qua. Như vậy, vẫn có người mời ông điếu thuốc. Lâu lâu cũng thấy một cái ly thủy tinh, loại ly uống cognac làm nhớ đến mộ của Edgar Allan Poe ở Baltimore, năm nào đến sinh nhật của ông, từ gần 60 năm nay cũng có người lén để lại ba bông hồng và một nửa chai cognac.

Mai Thảo được cho nằm ở một nơi để nhìn ra con đường Bolsa mà ông vẫn đi hàng ngày.

Hai năm trước, trong lúc tìm một cuốn sách thì cuốn sổ điện thoại cũ rơi ra từ kệ sách. Ở trang chữ M, tôi đọc thấy cái số điện thoại của ông. Tò mò, tôi gọi thử cái số cũ này. Tiếng một phụ nữ nói tiếng Anh bằng giọng Tây Ban Nha trả lời.

Như vậy là Mai Thảo đã đi thật, dứt khoát hẳn với thế giới chúng ta. Như có lần đi kiếm một người bạn, tôi đi ngang căn apartment của ông thì vọng ra một tiếng hát hát một bản nhạc lạ hoắc.

Những người trả lời cú điện thoại và nghe bản nhạc vọng ra từ trong căn phòng cũ của Mai Thảo chắc không thể biết đã có lúc nhà văn lớn vào bậc nhất của văn học Việt Nam từng ở đó. Trên chiếc giường nhỏ kê sát vách, ấm trà dưới chân, có thời Mai Thảo ở đó, cô đơn, một mình cho đến chết:

Sớm ra đi sớm hoa không biết

Nhớ ông già này hết sức.

11-7-2008

ÐIỆN THOẠI CẦM TAY

Kể từ ngày 1 tháng 7, ở California trong lúc lái xe mà một tay lái, một tay cầm điện thoại áp vào tai là không được nữa.

Luật pháp khó khăn như vậy là để giữ an ninh cho người lái xe cũng như cho những người lái xe khác. Tôi không có gì phản đối chuyện này. Những cú điện thoại gọi đến cho điện thoại của tôi trong lúc đang lái xe chắc cũng không bao giờ là những cú điện thoại quan trọng cho thế giới. Shiite và Sunni ở Iraq vẫn giết nhau. Các tay đánh bom vẫn mơ lên thiên đàng được 72 trinh nữ ra đón. Ông Bush vẫn làm tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ. Bà Clinton quay ra thương ông Obama thật tình coi thấy tội hết sức.

Những tiếng chuông điện thoại trong khi đang lái xe bao giờ cũng làm tôi nhớ đến tên một cuốn phim tôi chưa xem nhưng lại rất thích cái tựa của nó: Heaven Can Wait.

Thiên đàng mà còn đợi được thì tại sao phải vội vã vồ lấy cái điện thoại trong lúc đang lái xe để trong chỉ vài tích tắc, cái xe có thể làm cái rầm vào một cái xe khác, cái cột điện, căn nhà, cái cây. Biết bao nhièu chuyện có thể xẩy ra vì cái rầm ấy. Vậy nên cứ lờ đi cũng chẳng sao. Bao giờ ngừng xe, xem lại cái số nào vừa gọi, lúc ấy gọi lại trả lời cũng không muộn. Duy có cái số nào có area code của thiên đường thì đừng trả lời vì có thể đó là của Trời gọi. Có trả lời thì cũng không nên "Dạ" mà rồi bức ảnh chụp đẹp nhất, đắc ý nhất và mới nhất lại được đem ra đặt bên đèn nến lung linh thì khổ.

Cấm trả lời điện thoại trong khi đang lái xe là đúng. Vừa lái xe vừa nói điện thoại, trò này đã làm cho một người bạn của tôi bực mình không ít. Bà nói rằng mấy lần đang lái xe, trông thấy "nó" đang chờ để từ bãi đậu xe ra đường lớn, mình ngừng lại, nhường đường cho "nó" đi, "nó" vẫn áp tai vào cái điện thoại, nói chuyện tiếp, không thèm ngó mình lấy một giây, mà có ngó, thì cũng cứ trơ mắt ra, không biết cảm ơn mình một câu. Bà bạn nói là bà đã chứng kiến vài ba lần như thế. Bà không biết "nó" đang nói cái gì trong điện thoại mà mặt mũi xưng sỉa như thế, không thèm "ngạo với nhân gian một nụ cười".

Một nụ cười thôi cũng đủ. Thôi bỏ qua cái khoát tay, cái vẫy tay đi cũng được. Hai tay thì một tay trên vô lăng, một tay ôm cái điện thoại mà vẫn còn một tay để vẫy thì có hơi không bình thường.

Thôi, bây giờ, có cái luật cấm ấy, một tay không cầm điện thoại chắc bạn tôi thế nào cũng bớt đi một vài chuyện không vui. Từ nay, nhường cho đi thế nào cũng được phía bên kia giơ tay vẫy rối rít. Chỉ sợ từ nay trở đi bạn tôi lái xe cứ chạy rề rề nhường cho người trong parking lot chạy ra để được vài cái vẫy tay cám ơn thì phiền cho những người lái xe đi đằng sau không ít.

Tôi muốn tin như bạn tôi tin. Nhưng từ những điều nhìn thấy trong quá khứ, tôi không nghĩ vơi bộ luật mới này, tình hình sẽ khá hơn. Tôi tin rằng điện thoại vẫn được gọi tới. Sau hai tiềng chuông, nếu có cái "răng xanh" thì đường dây được nối với nhau, và cuộc điện đàm được bắt đầu. Nội dung các cuộc điện đàm vẫn không có gì thay đổi. Sẽ không bao giờ là những điều có thể thay đổi vài ba chuyện trên thế giới, chuyện xăng nhớt, chuyện lò nguyên tử ở Iran, chuyện bầu cử ở Zimbabwe, mà toàn là những chuyện cuối tuần này nhẩy đầm ở đâu, ca sĩ ấy có tự tử thật không mà sao vẫn mặt mũi buồn bã quá vậy, Macy’s bán đại hạ giá tới hôm nào vân vân.

Toàn là những chuyện đại để như thế. Nhưng mặt mũi khi trả lời điện thoại thì vẫn nghiêm và buồn như vẫn còn quá đau khổ sau hơn ba mươi năm Sài Gòn thất thủ.

Tôi tin chắc là những người mà ông Bá Dương mô tả trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí của ông vẫn còn nguyên. Những người khi chúng ta đi trước, qua cửa, lấy tay giữ cánh cửa nhường cho đi mà cũng vẫn cứ khó đăm đăm, mặt mũi tỉnh bơ, không chịu ngạo với nhân gian một nụ cười.

Ông Bá Dương bực mình chỉ muốn buông tay ra cho cánh cửa đập vỡ mặt cái đứa bất lịch sự và vô giáo dục ấy đi.

Người Tầu đối với nhau là như thế. Chuyện ấy đã xẩy ra cho tôi nhiều lần nhưng không lần nào trong đầu tôi thoáng qua cái ý định buông tay cánh cửa cho "nó" vỡ mặt chơi.

Nhưng những khuôn mặt khó đăm đăm, đôi mắt tiếp tục ngó vào nơi xa vắng ấy thì vẫn còn. Tội nghiệp ông Bá Dương không có ở đây để mà thấy là không phải chỉ đồng bào ông sống trong cái vại tương mới hành xử như vậy.

Và như thế, không bao giờ nên vội vã mừng là từ nay, có luật mới cấm cầm điện thoại trong lúc lái xe người ta sẽ lịch sự, tử tế hơn. Chuyện rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Vẫn là những trò nhường nhau của bà bạn tôi ỏ trên mấy con đường chính ở quận Cam để lại vẫn chỉ gặp những con mắt thù hận cho ta đời lạnh căm.

Nghĩa là tay lái xe thì vẫn cứ lái, còn vẫy một cái cho bạn tôi thì không bao giờ.

Ðừng có mà vội mừng.

12-9-2008

CUỘI

Cuội là một nhân vật của thần thoại Việt Nam. Cuội là nhân vật đáng yêu nhất nhưng lại không được chúng ta dành cho bao nhiêu sự tử tế.

Cuội bao giờ cũng bị gọi là thằng. Lúc bé bị gọi là thằng thì đã đành:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Không bao giờ Cuội được một sự kính nể nào.

Ðến lúc lớn, có vợ hẳn hoi rồi, Cuội vẫn bị gọi là thằng. Già đời cũng vẫn không được thêm chút nể vì nào.

Nhạc sĩ Lê Thương, trong một ca khúc của ông, gọi Cuội là thằng chưa đủ, còn thêm một tĩnh từ đi sau cho gia tăng thêm sự coi thường đó:

Bóng trăng trắng ngà

Cuội bị coi không ra gì chỉ vì cái tính thích kéo dài sự thật cuả Cuội. Chuyện ấy ai trong chúng ta chẳng đã từng làm. Nhưng chỉ có Cuội là bị đặc biệt coi thường về cái tính ấy.

Hứa nhăng, hứa Cuội.

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ Nôm vẫn được tiếng là hiền lành, đôn hậu. Cụ Nguyễn hiền hơn Trần Tế Xương và Hồ Xuân Hương rất nhiều. Ông Trần Tế Xương viết về Cuội như thế này:

Tôi thấy người ta vẫn bảo rằng

Nhưng Nguyễn Khuyến cũng không cho Cuội được bao nhiêu sự nhẹ nhàng. Cụ gọi Cuội là ông, nhưng sau đó, trong toàn bài thơ vần trắc, cụ Nguyễn không nhẹ nhàng gì với Cuội. Cụ chỉ dùng Cuội để nói về cái tính hay nói dối ở đường Ngang.

Ðầu làng Ngang có một vũng lội

Rồi tiếng Việt dùng luôn tên của anh chàng này dể làm một tĩnh từ: Nói dối như Cuội.

Ông Chiêu Hổ và bà Hồ Xuân Hương vay mượn tiền của nhau, người hứa cho vay, người được cho vay thấy ít hơn con số hứa hẹn, thế là cũng lôi Cuội vào, đem cành đa với củ đa ra để nói rằng sao mà Cuội thế.

Nhưng Cuội không nặng bằng những tiếng khác trong ngôn ngữ của người Việt. Cuội chỉ có nghĩa là hứa mạnh hứa bạo mà không giữ đúng lời hứa.

Trong tiếng Anh, động từ to lie và danh từ liar nặng hơn nhiều. Bị gọi là liar là có thể phải thách đấu bằng súng như ngày xưa và đem nhau ra tòa kiện như ngày nay.

Cuội là người tử tế. Cuội tìm được cây thuốc có thể chữa lành những vết thương. Nếu tiếp tục, Cuội đã không bị coi thường như vậy. Biết đâu Cuội chẳng mở phòng mạch chữa được cho bao nhiêu người, đòi tiền Medicare, Medicaid của chính phủ lấy tiền sống thoải mái. Nhưng chỉ vì người vợ bực mấy câu căn dặn của Cuội, mà Cuội khốn khổ. Cây thuốc của Cuội bị vợ tưới bằng nước tiểu của nàng nên bay tuốt lên trời. Cuội bám vào rễ cây, bay theo cây lên mặt trăng ngồi từ đó, trở thành bạn của chị Hằng và là điều mơ ước thầm kín của ông Tản Ðà, mong chị Hằng cho lên chơi. Niềm mơ ước của ông Tản Ðà vẫn chưa thành sự thật nên Cuội vẫn một mình ở trên mặt trăng.

Mỗi năm, vào tháng này Cuội lại được nhắc tới nhiều.

Nhưng đặc biệt là trong năm nay, Cuội sẽ bị cạnh tranh dữ dội. Thực ra là cứ 4 năm, Cuội là bị cạnh tranh như thế, đó là những năm dương lịch mà có 29 ngày trong tháng Hai. Cuội bị đàn ông đàn bà Mỹ cạnh tranh, thi nói dối. Không phải họ tranh được cho lên ngồi cạnh chị Hằng ở cung quế, mà cạnh tranh để dọn vào căn nhà mầu trắng ở Washington.

Người Mỹ năm nay sẽ phải quyết định chọn hai người đàn ông, mỗi ông một mầu hay hai người khác, một mầu nhưng một đàn ông, một đàn bà.

Những thi đua và cạnh tranh của những người này đang càng ngày càng trở nên gắt gao và ráo riết.

Họ không thi nhau nói thật, mà thi nhau nói dối. Ai nói dối nghe lọt tai thì được chọn.

Người Mỹ sẽ chọn cặp nào Cuội nhất thì cho ngồi vào tòa nhà mầu trắng.

Chỉ khác là người Mỹ tử tế hơn, không gọi những người này là thằng, là con mà bao giờ cũng rất cung kính.

Ðó là sự khác biệt giữa Cuội Việt Nam và Cuội Mỹ vậy.

13-6-2008

CÁI BÚT MÁY

Những người làm công việc viết lách được gọi chung là giới cầm bút. Tổ chức gồm các nhà thơ, các nhà soạn kịch, các chủ biên báo chí, các cây viết tùy bút các tiểu thuyết gia được gọi chung là hội Văn Bút, một cách dịch thật là khéo từ danh xưng PEN Club của tiếng Anh. PEN là bút, lại là viết tắt của Poets, Playwrights, Editors, Essayists và Novelists.

Nhưng thử hỏi bây giờ còn bao nhiêu người viết bằng bút nữa? Nhìn những trang bản thảo của Leon Tolstoy, của Victor Hugo, của Herman Melville mà phát sợ. Tất cả đều được viết bằng tay, từng chữ, từng chữ một, vài ba ngàn trang giấy.

Ðến thời những Albert Camus, Ernest Hemingway, William Faulkner, ít ai trong số những tên tuổi vừa kể còn cặm cụi với cây bút nữa. Gần như tất cả đều viết bằng máy chữ. Ernest Hemingway cẩn thận để cách một dòng để còn sửa chữa lại bản thảo.

Và bây giờ, thì khó lắm mới tìm được người viết bằng máy đánh chữ. Những cái word processor, rồi computer đã thay thế những cái máy chữ tay và điện. Công ty Smith Corona đã ngưng hoạt động từ đầu những năm 1990. Bây giờ, có muốn cũng không còn có thể mua được những cuộn ruban mực máy chữ nữa.

Ông Trần Tế Xương qua đời năm 1907. Nhưng trước đó, ông cũng đã thấy cái bút lông của ông bị thay bằng những cây bút chì: vứt bút lông đi, giắt bút chì.

Rồi ông lại hỏi những đổi thay như thế sẽ ảnh hưởng ra sao với cuộc đời của ông.

Bây giờ lông đổi sang thành sắt

Không ai viết chữ quốc ngữ bằng bút lông được, đổi sang bút chì là phải.

Nhưng rồi những cái bút sắt mà ông Trần Tế Xương nhắc tới cũng dần dần được thay thế bằng những chiếc bút máy. Thục ra cũng chẳng máy móc gì: cái bút có cái ruột gà bằng cao su để chứa mực, khỏi phải lách cách cái lọ mực mỗi khi đến trường.

Trong những năm 50, ở bậc tiểu học, chúng tôi phải viết bằng bút ngòi sắt. Ðó là thời của những chiếc ngòi bút Mallard bằng thép xanh. Cầm bút đè xuống là để viết những nét lớn, mạnh và đậm. Những giờ tập viết nhìn kỹ sẽ thấy những đứa bé miệng tròn lại khi viết chữ O, méo đi khi viết những chữ E, những ngón tay cái, tay trỏ và giữa lúc nào cũng dính mực tím.

Lên đến trung học mới được có cái bút máy. Thời những năm sau di cư, phổ thông nhất là những chiếc bút Pilot của Nhật. Lần đầu tiên có cái bút gài ở túi áo ngực, những đứa học sinh bỗng trỏ thành người lớn, không còn xách theo cái lọ mực như những năm tiểu học nữa.

Ngày nào học xong cũng lôi ra rửa, bơm cho hết mực trong ruột, rửa cho sạch cái ngòi đi, xóc cho sạch cái vỏ và cái nắp bút rồi mới bơm mực vào, bằng lọ mực Quink xanh tươi tắn hay mầu xanh đen, bleu noir không bị nhòe khi gặp nước.

Ông Trần Tề Xương chưa được có cái bút máy Pilot thì đã qua đời..

Con người hay chữ như thế mà lại không có cái bút máy viết cho bảnh, thơ phú biết đâu lại tuôn ra nhiều hơn, công trình văn học của ông to tát hơn nhiều.

Nhưng khoảng đệ lục hay đệ ngũ, những chiếc bút nguyên tử đã bắt đầu thay thế những chiếc bút máy. Những ông thầy chân phương và khó tính thì rất ghét chúng, nói rằng bút nguyên tử làm chữ xấu đi. Nhưng các ông không thể chống lại tiến bộ. Khoảng thời gian chúng tôi thi Trung Học Phổ Thông, cuối những năm 50, thì những cái bút máy Pilot, Wearever, Waterman, và luôn cả vài ba chiếc Parker trong lớp cũng hiếm thấy. Lên đến đại học thì không còn thấy bút máy nhiều nữa.

Có Tú Tài 1, tôi được thưởng chiếc Parker 61 mà tôi vẫn còn giữ được cho đến tận ngày hôm nay chỉ vì nó được dùng vài ba tháng thì bị bút BIC thay thế.

Chiếc bút Parker 71 Sterling Silver của người bạn cho trước khi rời Sài Gòn thì qua hai lần máy giặt, một lần máy sấy, cái quản bằng plastic nơi gắn ngòi bút bị chẩy cong queo không còn dùng được nữa.

Những chiếc bút máy,ít nhất với tôi, đã ra đi không còn trở lại nữa.

Và nay, luôn cả những chiếc bút nguyên tử cũng chỉ thỉnh thoảng lắm mới được đem dùng để ký ngân phiếu trả tiền điện, tiền nước. Chuyện viết bằng bút không còn làm được nữa khi mà chữ lâu ngày không viết trở thành quá xấu đến độ chính mình cũng không còn đọc được nữa.

Tất cả đều được viết trên mặt bàn chữ của những chiếc máy điện toán. Và bây giờ mà còn nói tới giới cầm bút thì không biết có còn đúng hay không nữa.

Mới chỉ một thế kỷ, mà đã đổi thay đến là như thế.

14-3-2008

CHÀO MỪNG NHỮNG NGƯỜI MỚI TỚI

Tin cho biết chính phủ Canada vừa đón ba gia đình Việt nam tị nạn tới định cư ở Canada. Cả ba gia đình đều đã kẹt ở Philippines trong suốt nhiều năm khi những rắc rối hay những lầm lẫn về hồ sơ xin đi định cư của họ bị bác.

Thế giới đã gần như hoàn toàn quên họ sau khi những trại tị nạn cuối cùng ở Ðông Nam Á đóng cửa và cũng vì thế giới có quá nhiều chuyện đau đầu phải đối phó.

Với những cuộc chiến tại Kosovo, tại Afghanistan, tại Iraq, tại Darfur, và nhất là sau loạt khủng bố 911, thì có nghĩa lý gì một hai trăm người Việt kẹt lại ở Philippines. Nói ra thì tàn nhẫn và lạnh lùng nhưng đó là sự thật. Nếu không nhờ những người có lòng vẫn tiếp tục tranh đấu cho họ, thì không biết họ còn ở lại Philippines cho đến bao giờ.

Những người như luật sư Trịnh Hội là những người đáng được kính trọng và biết ơn.

Với ba gia đình Việt Nam mới tới Canada cũng như một số gia đình khác sẽ được cho định cư tại Pháp, Úc hay Mỹ, những người may mắn được cho đi định cư trước xin gửi những lời mừng thành thật nhất. Xin mừng tất cả đến được bến bờ mà quí vị đã đặt ra và hướng tới trong chuyến đi khỏi Việt Nam ít nhất là hơn hai chục năm trước.

Cuối cùng quí vị đã tới được Canada, một quốc gia mà sau này, khi nhìn lại, quí vị sẽ thấy là rất xứng đáng để chờ đợi suốt bằng ấy năm.

Quí vị đến Canada vào cuối mùa đông, ở Vancouver hay Calgary thì thời tiết cũng vẫn còn rất lạnh.

Rất nhiều chuyện đang chờ quí vị trước mặt. Học một thứ tiếng mới, học một công việc mới. Làm quen với một đời sống mới. Chúng ta không ai được sửa soạn để phải làm những việc như thế. Chúng ta ra đời ở Việt Nam thì ai chẳng nghĩ là sẽ sống chết với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Người Việt Nam không có truyền thống bỏ xứ đi kiếm ăn ở những nơi khác như người Ấn, người Hoa.

Nhưng quê hương không còn là chỗ có thể tiếp tục ở lại nên chúng ta phải ra đi.

Mừng quí vị và cũng phải cám ơn quí vị đến Canada, Mỹ, Úc.

Mừng quí vị là chuyện đã đành. Thấy ai hạnh phúc, may mắn thì phải mừng.

Thế còn cám ơn?

Những người đến trước cũng cám ơn quí vị. Suốt bao nhiêu năm mỏi mòn chờ đợi trong những hoàn cảnh khốn khổ cùng cực, quí vị vẫn chờ để được đưa tới Canada. Ở Canada thì cũng không khác với ở Hoa kỳ là bao nhiêu. Quí vị đến Canada thì cũng như đến Hoa kỳ. Hai nước cùng gốc Anglo Saxon, cùng nói tiếng Anh, văn hóa văn minh chẳng khác nhau bao nhiêu.

Quí vị đến Canada sau bao nhiêu năm chờ đợi đã khiến cho việc được cho định cư ở Canada và ở Mỹ của chúng tôi vẫn là những việc làm rất là có lý.

Ðã có lúc, chúng tôi được nghe những câu nản lòng hết sức. Những câu có thể quí vị cũng đã nghe hay sắp phải nghe. Ðó là những câu đại khái là nếu biết sang Mỹ, sang Canada khổ như thế này thì chúng tôi (những người đó), đã chẳng đi, đã ở Việt Nam, vì đời sống của chúng tôi (những người ấy), ở Việt Nam sướng hơn nhiều.

Ðã nhiều lần chúng tôi nghe những câu như thế, những câu rẻ rúng, dè bỉu chúng tôi, những người tưởng là may mắn sang được Bắc Mỹ sớm sủa.

Thế ra đời sống của chúng tôi bị coi chẳng ra cái gì hết. Sống ở Mỹ gì mà vợ chồng hùng hục đi làm suốt ngày, con cái vừa đi học vừa đi làm, thua xa những đời sống ở Việt Nam của những người ấy.

Vâng, chúng tôi sống ở Hoa kỳ, ở Canada cũng khổ lắm. Không phải ai ở Hoa kỳ, ở Canada cũng là giám đốc công ty này, quản lý công ty kia, xếp lớn coi vài ba trăm người bản xứ... Chúng tôi sang đây cũng đầu đường xó chợ, đầu tắt mặt tối, cũng bơm xăng, cũng cọ nhà cầu McDonalds, cũng làm gác dan, cũng khuân vác, cũng ở những căn apartment dầy gián và chuột, cũng mặc quần áo của công ty Domybo tức là đồ Mỹ bỏ của các nhà thờ, các hội từ thiện cả.

Chúng tôi đổi cả mấy chục việc mà cũng không khá được ngoại trừ mấy cháu lớn lên ở đây, học hành bằng cấp của đại học Mỹ.

Chúng tôi đi xe cũ, bàn ghế đồ đạc trong nhà là của nhà thờ, của Salvation Army chở đến cho. Ăng lê chúng tôi nói mỏi tay đến nay vẫn còn vậy.

Chúng tôi cực khổ vô cùng.

Nhưng nhũng cực khổ đó chúng tôi gánh hộ cho lũ con cháu như quí vị sắp phải làm trong những ngày tháng tới.

Ðời sống có những lúc cũng chán, cũng nản. Thỉnh thoảng nhìn những người Nam Mỹ làm đủ mọi cách để tới được nước Mỹ, hay những người Hoa trả mấy chục ngàn đô la cho bọn Ðầu Rắn đưa sang Mỹ trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, chúng tôi mới thấy bớt đi được phần nào những chán nản.

Bây giờ, quí vị đến Canada, những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn. Thực tế sẽ không dễ dàng như quí vị đã nghe một số người từ Mỹ về Việt Nam nói lại.

Cộng đồng di dân Ý thường hay nói về anh chàng Antonio trước khi đến Mỹ thì cứ ngỡ là ở nước Mỹ, đường xá đều lát vàng hết. Qua đến Mỹ, Antonio thấy là không hề có chuyện đường phố ở Mỹ lát vàng, mà lát toàn lát đá, và người đi làm những con đường này lại chính là Antonio vậy.

Nước Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới đang gặp những khó khăn lớn về kinh tế. Quí vị đến Bắc Mỹ vào lúc đang khó khăn. Nhưng đời sống ở đây vẫn còn tốt đẹp và đáng sống hon rất nhiều nơi khác. Cứ nhìn biên giới phía nam của Hoa kỳ là thấy ngay.

Chúc mừng và cám ơn quí vị rất nhiều.

STAND BY YOUR MAN

Eliot Spitzer là một cái tên, nếu không có những chi tiết ly kỳ mà báo chí, tuyền thanh truyền hình lôi ra suốt mấy ngày qua, thì có thể nhiều người sẽ chẳng bao giờ nghe thấy. Thử hỏi không sống ở Iowa, không là cư dân của Montana, không ở Rhode Island thì làm sao biết, hay nghe tên của những người ngồi ghế thống đốc của những tiểu bang ấy.

Tiểu bang New York thì cũng thế. Người ta nghe nhắc về ông Rudolph Giuliani là vì vụ khủng bố 911 tuy ông chỉ là thị trưởng của thành phố New York. Còn ông Eliot Spitzer thì hoàn toàn không, nếu không có chuyện xẩy ra hôm 13 tháng 2 vừa qua tại khách sạn Mayflower trên đường Connecticut của thủ đô, mặc dù ông là thống đốc tiểu bang New York, chức vụ lớn hơn chức thị trưởng rất nhiều.

Nhưng người ta nghe tên ông thì cũng lại đúng vào lúc những chuyện không hay xẩy ra cho ông. Ðó là hôm ông họp báo để xác nhận chuyện truyền thông nói là đúng. Và vài hôm sau, là lúc ông tuyên bố từ chức, không còn ngồi ở ghế thống đốc tiểu bang New York từ ngày thứ Hai 17 tháng 3.

Thế là một người đàn ông tài giỏi, bằng cấp đầy mình, xuất thân từ hai đại học danh tiếng nhất nước Mỹ, Princeton và Harvard, không còn cơ hội nào để có thể dùng sở học của mình và những tấm bằng ông cầm trong tay vào những việc ông muốn làm nữa.

Nhưng phải như vậy thôi. Phải chi ông chỉ gây khốn khổ cho những tay tài phiệt ở Wall Street khi ông khui những việc làm xấu xa của họ và đưa họ ra tòa trước đây, thì việc ông làm ở khách sạn Mayflower cũng có thể tạm hiểu được. Tạm hiểu, chứ không nói tới chuyện tha thứ hay chấp nhận. Nhưng ông cũng lại từng đưa ra tòa cả những tổ chức cung cấp dịch vụ mà ông dùng ở khách sạn Mayflower thì ông không nên giữ chức thống đốc nữa.

Ông từ chức là phải.

Tại hai lần xuất hiện, trông ông thảm vô cùng. Hình ảnh của ông tại hai cuộc họp báo mới đây, sau khi vụ Mayflower, là hình ảnh của một người đàn ông bại trận, thảm bại, đại bại.

Bên cạnh ông, là người đàn bà cũng thông minh, giỏi giang mà chỉ khoảng hơn một năm trước, tại lễ tuyên thệ nhậm chức thống đốc của chồng, đã tươi cười rạng rỡ.

Người đàn ông đã đem lại vinh dự cho đời của bà. Nhưng tại hai lần xuất hiện mới đây, cũng bên cạnh người đàn ông ấy, bà Silda Wall Spitzer trông rất khác.

Ðó cũng là một khuôn mặt thảm bại.

Nhiều người hỏi tại sao bà lại ra đứng cạnh ông trong hai lần xuất hiện trước báo chí mới đây?

Không xuất hiện có được không?

Chiếc tầu tuy sắp chìm, nhưng cũng chưa nên đeo phao cấp cứu ngay lập tức. Cố đứng cạnh thuyền trưởng thêm vài phút nữa vừa đẹp cho mình, vừa thêm can đảm cho thuyền trưởng.

Tammy Wynette, một ca sĩ nhạc đồng quê Mỹ đã viết một ca khúc nổi tiếng, bài Stand By Your Man, hãy đứng bên cạnh chàng. Lời ca kể thân phận không mấy may mắn của những người đàn bà có những người chồng tệ bạc, xấu xa, những người vợ hy sinh yêu thương các chàng mà các chàng vẫn làm những chuyện không ra gì, làm buồn những người vợ. Ðiệp khúc của bài hát là một câu đại khái là nếu yêu chàng thì hãy đứng bên chàng, tha thứ cho chàng, vì dẫu sao chàng cũng chỉ là một người đàn ông mà thôi. After all, he is just a man.

Bài hát này được nhắc tới khi vụ ngoại tình của ông Clinton nổ ra hồi năm 1992. Bà Clinton đã làm đúng như lời bài hát của Tammy Wynette. Bà đã đứng tiếp bên cạnh chồng.

Rồi mới đây, khi tờ New York Times úp mở nói rằng thượng nghị sĩ John McCain có những liên hệ không chính đáng với một phụ nữ trẻ, thì bà McCain cũng đứng cạnh ông tại cuộc họp báo. May mà ông McCain đã không làm gì sai trái. Tờ New York Times không đưa ra được những bằng cớ cho thấy ông McCain đã có hành động không phải.

Tuần này, bà Silda Wall Spitzer đã hai lần đứng bên chồng khi ông Spitzer họp báo lần đầu thú nhận có đi Washington gặp một phụ nữ trẻ ở khách sạn Mayflower, và lần thứ hai tuyên bố từ chức.

Vài ba người thắc mắc tại sao bà Silda Wall Spitzer, nếu đã chịu xuất hiện bên cạnh ông Spitzer, lại mang khuôn mặt sầu thảm như thế.

Vậy nếu không thì bà phải làm gì? Cười cho tươi chăng?

Làm sao mà cười được. Nếu ông Spitzer làm những chuyện sai quấy khác như thua bạc, chơi với Mafia, phi bạch phiến, mê sushi, thích nhẩy tango, lén viết thư cho ông Fidel Castro, lái một chiếc Hummer uống xăng như uống nước lã, có cái tên khó đọc như thống đốc California Arnold Schwarzenegger, thèm ăn thịt con chó dễ ghét ở nhà bên cạnh, ăn phở bằng ngón tay, không chịu mua vài ba vốc kim cương về tích trữ để khỏi sợ nghèo … thì bà Silda Wall Spitzer có thể ở nhà, không ra đứng cạnh, hay ra đứng cạnh mà vẫn cười tươi như quảng cáo cho các phòng nha khoa.

Nhưng ông Spitzer đã làm một việc xúc phạm bà và ba cô con gái nhỏ ở một mức độ kinh khủng nhất, thì không thể có một nụ cười được. Ðứng cạnh cũng đã là một việc quá khó rồi. Một nụ cười thì không thể có được.

Ông Spitzer, như lời bài hát của Tammy Wynette, dẫu sao thì cũng chỉ là một người đàn ông. Mà những cám dỗ thì quá khủng khiếp.

Nhưng nếu bà Silda Wall Spitzer còn tiếp tục đứng bên cạnh ông, thì bà là một bà thánh.

Về nhà, ngồi xuống ăn với nhau bữa sáng, bữa tối cũng khó vô cùng. Sự im lặng bỗng trở thành những âm thanh chát chúa.

Ông Spitzer đã quyết định với chức thống đốc của ông. Có thể bà Spitzer cũng sẽ có quyết định của bà.

15-2-2008

KHÔNG ĂN TẾT

Tôi tin rằng tôi không phải là người duy nhất không ăn tết. Chắc chắn cũng phải có một số người như tôi. Tết với tôi thực sự chỉ có ý nghĩa trong những năm còn rất nhỏ. Hồi ấy đang ở tuổi lên năm nằm với chó thì tôi mong sao cho chóng đến tết để thành lên sáu, khỏi phải nằm với chó. Nhưng vừa hạnh phúc lên sáu thì đã phải nghĩ tới lên bẩy nhẩy vào một chỗ không thơm tho gì, qua năm lên tám thì lại phải ăn uống với lũ lợn để năm lên chín phạm phải một cái tội đến nỗi bị ông thầy bắt được bẻ què chân tay. (*)

Ðó là những cái tết đầu tiên, được nghỉ học, không phải làm bài, không phải học bài trong ba này tết, không bị mắng, không bị đòn để khỏi bị rông cả năm.

Nhưng người lớn trong nhà thì vẫn phải làm việc như thường. Mẹ tôi vẫn phải nấu nướng, không chỉ nấu nướng, mà còn phải nấu nướng nhiều hơn ngày thường. Thấy mẹ tôi vất vả dưới bếp, tôi nghĩ người lớn thật là khổ, tết cũng vẫn phải đi làm, vẫn phải nấu nướng. Nhưng không ở dưới bếp thì làm sao có món canh bóng, món mướp xào lòng gà, để chúng tôi ngồi cắn hạt dưa, hay trong trong những ván tam cúc, trong không gian đầy mùi hương trầm, mùi diêm sinh từ những tràng pháo, giữa tiết trời hơi lạnh của miền bắc.

Tôi bắt đầu chán tết từ những năm trung học vì chưa lớn hẳn để chơi những trò chơi của người lớn như đi lễ tại các đền ở Sài Gòn, hay đi thăm mấy chợ hoa ở Sài Gòn, mà cũng không còn bé để được tiền mừng tuổi nữa. Bộ quần áo dạ đẹp nhất mang từ Hà Nội vào ngay cái tết đầu tiên đã không vừa nữa, áo quần cộc tếch cộc tác trông không ra làm sao cả. Năm cuối ở trung học là năm còn được một cái tết vui vẻ. Những năm sau đó, đi học ở xa, không khí tết hoàn toàn không có. Cả thành phố có khoảng 10 sinh viên Việt Nam, mấy cô học trường tây thì không biết tết ta, mấy nam sinh viên thì dốt chuyện nấu nướng. Một hai người có gói mứt, chiếc bánh chưng gửi máy bay từ nhà qua, rủ nhau ngồi xuống với nhau một tối là hết tết.

Về nước, được một hai cái tết thì xẩy ra trận Mậu Thân. Từ sau năm Mậu Thân, tết không bao giờ còn ý nghĩa và vui như trước. Những tiếng nổ của pháo từ đó bao giờ cũng làm nhớ lại những loạt AK, M-16 ở sau dinh Ðộc Lập, nơi tôi ở trong suốt những ngày khói lửa Mậu Thân. Mấy hộp cá Sumaco, vài ổ bánh mì thay cho bánh chưng, dưa món, củ kiệu trong mấy ngày xuân năm ấy.

Rồi sau lần ra khỏi Việt Nam, từ đó chưa một lần về lại Sài Gòn, tết hoàn toàn không còn ý nghĩa gì khi chung quanh trẻ đi học, người lớn đi làm, tết rơi vào giữa tuần thì còn gì là tết.

Tết đến, ngồi nhớ lại chút hoài niệm của những mùa xuân thì có.

Nhưng kỷ niệm về những ngày tết với các bà nội ngoại, với cha mẹ dần dần cũng tan đi.

Những câu chúc nghe lại đã mất đi bao nhiêu lòng thành khẩn. Chúc gì bây giờ? Trẻ mãi không già? Chúc không thì làm sao có được những điều ấy. Muốn phía bên kia trẻ mãi không già thì trả cho phía bên kia tiền đi mỹ viện chứ chúc suông thì làm được gì?

Chúc công ăn việc làm, kinh doanh phát tài, bằng năm bằng mười năm ngoái ư? Có cố gắng chăm chỉ mà sở cần rút bớt nhân viên, thì vẫn bị gửi cho cái giấy thank you bye bye, những lúc ấy lời chúc nào đem lại phồn vinh phú cường, phát tài cho được.

Sức khỏe ư? Già thì cũng không bệnh nọ, thì bệnh kia, tránh làm sao được.

Nếu cứ chúc nhau điều gì thì sẽ được những điều ấy thì tại sao mấy năm nay, năm nào tôi cũng chúc rất độc ác cho Osama Bin Laden, cho Al Zawahiri mà sao mấy người đàn ông độc ác này vẫn còn sống trong khi những người tử tế thì vẫn chết. Tôi đâm ra nghi ngờ mấy câu chúc. Thôi thì cứ thấy nhau là vui, nói thêm làm gì?

Gặp nhau như Nguyễn Khuyến gặp Dương Khuê để mừng rằng bác vẫn tinh thần như xưa chắc cũng là đủ. Chúc sống lâu giầu bền chẳng bao giờ thấy, Chúa vẫn gọi về, Phật vẫn đón cho phiêu diêu miền cực lạc, chẳng kiêng gì cho đám nhân loại, chúng sinh khốn khổ, ngày tết các cụ Chúa và Phật vẫn gọi đi như thường.

Vài ba chuyện kiêng khem vì thế cũng biến mất. Chuyện đạp đất, xông nhà còn có được bao nhiêu ngươi tin nữa. Thôi thì sáng mở cửa lấy tờ báo vào là xông đất rồi. Còn mấy chuyện như kiêng quét nhà thì cũng chẳng thấy cần nữa. Cái máy hút bụi thì hút bụi xong vẫn để ỏ góc nhà nên làm gì có chuyện quét đi những điều may mắn trong năm? Cái bếp không nấu bằng điện thì cũng bằng gas nên làm sao còn có bộ ba Táo trú ngụ nữa. Vậy là không có ông Táo nào ở bếp để lên trời báo cáo Ngọc Hoàng nữa.

Thôi thì bầy mấy thứ trái cây lên bàn thờ, thắp hương đốt nến cho ông bà nội ngoại, ông bố bà mẹ ghé ngang qua dùng tạm. Bánh mứt nhiều đường, mỡ cholesterole phải kiêng cữ cho các cụ nên không dám bầy ra.

Lại nhớ ông Tú Xương

Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo

Không phải như giải thích của ông Trần Tế Xương, mà chỉ vì tết càng ngày càng mất đi nhiều ý nghĩa với một số rất nhiều người.

(*)

MỪNG TUỔI

Nước Mỹ là một quốc gia có nhiều tiêu chuẩn. Cái gì cũng có thể có tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn về tất cả mọi thứ. Từ cái tuộc nơ vít đến cái cắm điện. Tất cả đều có tiêu chuẩn hết. Chuyện có tiêu chuẩn giúp cho mọi chuyện dễ dàng đi rất nhiều. Cần thay cái bóng đèn, ra tiệm mua một cái bóng bất cứ của hãng nào sản xuất, về nhà vặn vào cái đèn là được ngay.

Nhưng có một số chuyện chưa có tiêu chuẩn nên những chuyện như thế cũng vẫn còn gây khó dễ cho một số người.

Thí dụ chuyện đi mừng đám cưới chẳng hạn. Hồi mới sang Mỹ, những năm 1975, 1976, tiền mừng đám cưới là 20 đô la, rồi 25 đô la. Bỗng một hôm, thấy phải mừng 50 đô la. Rồi từ 50 lên thành một trăm lúc nào không hay. Bây giờ ký cái check 100 đô la là thấy hơi ngượng tay. Chẳng lẽ đám cưới ở khách sạn lớn như thế, hoa lan bầy đẹp như vậy, lại một chai VSOP, có khi lại là một chai XO hay một chai Cordon Bleu bầy trên bàn, thì một trăm đô la sao tiện. Nhưng không một trăm thì cũng không thể là 150 đô la. Ai lại lẻ loi như thế. Không thể bắt chước cảnh sát California phạt những người lái xe trái phép trong đường dành cho những xe chở trên hai người để phạt 371 đô la được. Ba trăm đi, hay bốn trăm cũng được. Nhưng tại sao lại 370? Ừ thôi thì 370 cũng được. Tại sao lại một đồng lẻ để thành 371 đô la như thế bao giờ.

Nào phải làm như thế thì người bị phạt xe vui mà đóng tiền phạt đâu!

Thế là cái check mừng đám cưới không thể là 150 đô la, mà trở thành 200 đô la một người. Ði một cặp là 400 đô la. Cứ mỗi tháng chỉ một cái thôi, và chỉ đi một người thôi, là thấy một chiếc xe mới có thể nằm lù lù trước nhà sau 5 năm cưới xin như thế rồi còn gì là đời nữa.

Chính phủ Mỹ phải đặt ra giá biểu đi mừng. Thí dụ phải dựa trên mức độ thân sơ, phải dự bao nhiêu đám cưới một năm, gia đình có mấy con để sẽ đòi lại nợ hay trả những món nợ đám cưới trước đây. Người ta đi của mình, mình đi lại. Nhưng phải cộng thêm để thích ứng với mức độ lạm phát.

Có ít con hay không có con, hay con cái đã lớn, lập gia đình ở những chỗ khác, không mời được bạn bè để đòi nợ thì ráng chịu.

Chuyện đám cưới là như thế.

Bây giờ, Tết vừa mới qua đi. Tết tiếc phải mừng tuổi. Ðến nhà bạn, bạn cứ đẩy các con ra mừng tuổi bác thì bác khốn khổ ngay. Thế là phong bao mở ra, mừng tuổi các cháu. Một đồng ư? Không được. Trẻ con ở đây 4 tuổi là biết đọc số rồi. Lỡ chúng mở ngay phong bì đỏ, rồi hét tướng lên cho cả nhà biết rằng bác lì xì một đồng thì sao? Bác trông quần áo đẹp như thế mà lại lì xì một đồng ư? Một đồng mới cũng không thể bằng hai đồng cũ. Hay là hai đồng? Năm đồng? Thôi thì mười đồng vậy. Nhưng đi về, đứa con dẫn theo lôi phong bì ra đếm, lại thấy nhà bạn mừng tuổi gấp hai lần số tiền mình vừa mừng tuổi cho con bạn thì ngượng chết.

Như vậy cần phải đặt ra những tiêu chuẩn. Dưới 5 tuổi thì 10 đồng. Trên 5 tuổi và dưới 10 tuổi thì hai chục. Trên 10 tuổi đến 15 tuổi thì hai tờ giấy hai chục. Trên nữa thì tùy tiện.

Phải có những tiêu chuẩn như thế thì ngày tết mới thoải mái được.

Cũng nên đặt ra một số luật lệ khác nữa. Thí dụ dưới 5 tuổi phải nộp cho mẹ hết. Trên 5 tuổi được cho giữ 10 đồng. Trên 10 tuổi được cho giữ 50. Từ 15 trở lên được cho giữ 100 đô la. Số còn lại phải xung vào công quỹ. Ðưa cho mẹ để mua sắm quần áo. Ðưa cho bố để bố đi Pala, đi Pachanga để bố vui, được tiếp đãi như ông hoàng, tận hưởng những gì may mắn nhất trên đời (?) như những quảng cáo của các sòng bài.

Chưa hết, chuyện bánh trái mang đi mừng cũng vậy. Nên mừng sớm một chút để người nhận còn có thì giờ trả đũa, nghĩa là mừng lại. Không nên để sát đến tết mới lễ mễ mang quà đến mừng.

Nhận quà tết xong, nên đánh dấu hay ghi rõ để biết của ai mừng để khỏi mang mừng lại mà người mừng biết được thì kỳ lắm.

Ở Mỹ trong mấy năm gần đây có trò regifting nghĩa là đem quà nhận được tặng lại cho người khác.

Mỹ còn làm như thế, tại sao chúng ta không? Quà cáp vẫn luân lưu. Bánh chưng bạn bè cho không thể có cách nào ăn hết được. Thế thì phải regifting những thứ đó. Trong thế giới tài nguyên đang càng ngày càng cạn kiệt, phải recycle, phải tái chế biến. Không thể quăng đi, phí phạn như trước được nữa.

Và nhất đnh không gửi thiệp chúc tết. Cứ e-mail một cái, mà phải làm như loại võ khí mà ông Saddam Hussein muốn có, đó là võ khí có khả năng sát hại hàng loạt. E-mail thiệp chúc tết cho hai trăm năm mươi cái địa chỉ nằm sẵn trong máy điện toán. Bấm nhẹ cái nút là hai trăm năm mươi người được chúc cho sướng điên lên chơi.

Phải làm như vậy tết mới vui.

15-8-2008

WAITERS / WAITRESSES

Có một danh từ tôi không thích chút nào. Nó mang đầy ý nghĩa rẻ rúng dành cho người bị gọi. Nó rơi rớt lại từ thời người Pháp ở Việt Nam. Nó rất phong kiến, thục dân và phản dân chủ. Tự điển Pháp Việt của cụ Đào Duy Anh ở trang 181 đã định nghĩa chữ "boy" là bồi, đầy tớ, người bản quốc ở các thực dân địa. Bây giờ chẳng còn một thực dân địa nào trên thế giới. Và chúng ta cũng chẳng là một nước đi chiếm đất đai của các nước khác, biến những lãnh thổ này thành thuộc địa để rẻ rúng ngó xuống những người đầy tớ bản xứ.

Mà thực ra, chúng ta cũng chẳng còn đầy tớ để mà ngó xuống nữa.

Vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục dùng cái danh từ nghe đầy vẻ miệt thị đó để gọi những người rất tử tế với chúng ta, gọi họ là bồi, bồi bàn, thằng bồi, con bồi ét (boyette).

Tôi không bao giờ nấu ăn ở nhà từ bé đến bây giờ nên chuyện đi ăn ở bên ngoài là điều bắt buộc từ mấy chục năm nay. Phải nói thật là nếu không có những người mà tôi gặp mỗi ngày ở những tiệm ăn ở miền đông cũng như miền tây nước Mỹ, tôi không biết phải giải quyết chuyện ăn uống của tôi như thế nào nữa.

Dĩ nhiên những người đứng nấu trong bếp là những người rất quan trọng. Nhưng tôi không có những tiếp xúc với họ. Giữa khách ở ngoài phòng ăn và những người đứng cạnh nhũng cái bếp lửa nóng hừng hực mùa đông cũng như mùa hè, là những người tay cầm tấm menu đem đến bàn và chờ khách gọi món ăn. Những người đứng nấu bếp, thực khách gần như không bao giờ gặp, ngoại trừ một tiệm ăn lâu lâu tôi ghé lại, người phụ trách cái bếp của nhà hàng thỉnh thoảng đến bàn, giải thích một hai món do ông mới thêm vào menu.

Những người mà chúng ta gọi là bồi bàn, mà tôi thấy không thoải mái chút nào khi dùng hai chữ đó, lại là những người tôi quí mến nhiều nhất.

Sự quí mến đó là một con đường hai chiều. Họ cũng rất tử tế với tôi. Từ chị M. ở tiệm phở người bạn miền đông mỗi lần thấy tôi đến đều mang một cái ly mới, lau sạch rồi mới để trước mặt chỗ tôi ngồi. Đến cô S., nhận order mà luôn luôn có ý kiến về những món tôi gọi. Thí dụ hôm nay sao lại ăn món này, vừa hôm qua ăn rồi, món này nhiều mỡ lắm, ăn món này ngon hơn. Tại sao hôm qua không ăn hết tô mì vân vân.

Một người khác, cứ cách hai ba ngày không đến thì ra hạch hỏi đi ăn ở đâu, với ai mà không ghé lại...

Hay có mấy người đàn ông làm trong một tiệm khác thì hễ vừa ngồi xuống là hai chai Heineken được đặt trên bàn và đưa ra một menu đề nghị, hôm nay cái này ngon, cái kia dở. Thỉnh thoảng không gọi vẫn được dem ra mời một món mới, hai ba cái chả giò, và khi tính tiền thì nhất định không kèm theo những thứ ấy, rất nhiều khi, còn có thêm quà của hãng Heineken, hai chai bia miễn phía. Một trong những người đàn ông ấy là một cựu hoa tiêu trực thăng trong không lực Việt Nam. Ông vẫn có cái vẻ đàng hoàng, lương thiện khi làm việc. Một ông khác, nụ cười hiền lành, hễ vào tiệm thế nào ông cũng vào bếp kiếm một thứ đặc biệt đem ra đặt trên bàn. Ở một tiệm khác không có phép bán bia thì vẫn có một cái ly plastic bên trong đựng lon bia Heineken của chủ tiệm mời, mà ngay cả khi chủ tiệm không có mặt, lon bia vẫn được đưa ra một cách kín đáo.

Đồng ý là ăn bánh trả tiền, nhưng tất cả đều rất tử tế trong cách mang thức ăn ra cho khách như hỏi han còn cần gì không, có lấy thêm ớt trái không, hoặc ghé lại bàn đưa thêm mấy miếng giấy lau tay, ly thủy tinh lạnh không bỏ đá lấy từ trong freezer ra... Không có họ, làm sao giải quyết chuyện ẩm thực mỗi ngày mỗi phải làm?

Một thanh niên mặt mũi sáng như gương, hỏi ra mới biết cậu gần xong bằng cao học điện toán và đã từng dậy đại học Việt Nam, một cô làm cũng trong tiệm đang học tại một đại học, một cô đã tốt nghiệp tài chính và đang nghĩ tới việc đi học cao học quản trị kinh doanh, một cô khác thì đang học mỹ thuật...

Những người như vậy mà nỡ lòng nao gọi họ là mấy thằng, mấy con bồi bàn? Họ đâu có sống chết với những công việc ấy. Học xong, họ là những người khác. Và luôn cả những người lớn tuổi như người làm việc trong tiệm phở của người bạn miền đông, việc làm ấy chỉ là vì tình cờ hay những xoay chuyển của thời cuộc. Không có chuyện năm 1975, thì người đàn ông để bộ ria, tóc hói có thể là một sĩ quan cấp tá của không lực, hay cấp tướng không chừng.

Nếu tất cả không có những đổi thay hơn ba mươi năm trước, người phụ nữ trong tiệm phở có thể vẫn tha thướt chiều thứ bẩy đi mua quần áo ở Hàng Phong, Tô Châu trên đường Tự Do Sài Gòn, cô S. có thể đã là một nữ giáo sư trung học...

Họ vẫn giữ nguyên được tư cách đáng mến, đáng nể đó trong công việc làm lương thiện của họ. Ho mang cái menu lại chờ khách gọi, thỉnh thoảng bình luận vài ba tin tức thời sự, chuyện bầu cử ở nước Mỹ, giá xăng dầu trong tuần, những chuyện khiến cho bàn tay định ngoắc, định búng tay cái chóc để gây chú ý, để gọi thêm ly cà phê tự nhiên khựng lại.

Không thể vô lễ như vậy. Họ làm một công việc lương thiện, lương lậu không bao nhiêu, bị chủ mè nheo, bị khách khó tính. Đồng ý cũng có những người khó thương. Nhưng cũng có những người rất tử tế.

Là một người ăn tiệm quanh năm suốt tháng, tôi phải nói lên điều này, và cám ơn những người đã rất tử tế với tôi.

16-5-2008

ÐOẠN CUỐI CỦA CUỐN PHIM

Lâu lắm tôi không đi xem ciné vì không có thì giờ. Mà nếu có thì giờ thì cũng lại thấy nên để làm những việc khác. Cứ đợi cho đến khi phim ra DVD mua về, xem lúc nào cũng được. Ðang xem, cần đứng dậy là đứng dậy tha hồ. Cần xem lại một đoạn nào đó là quay ngược lại tùy thích.

Nhưng đi ciné có những cái thích của nó. Những cái thích đó thì lại chỉ có thể có trong những lần đi xem ciné hồi còn nhỏ, hồi trốn học đi ciné với mấy người bạn.

Một trong những người bạn mà tôi hay trốn nhà đi xem ciné là người luôn luôn có mấy trò chàng hay làm trong rạp. Thí dụ gác chân lên ghế phía trước, giả bộ ngáy thật lớn, hay làm ướt rạp trong bóng tối để khi đèn bật lên, ai cũng được thấy giòng nước chẩy ngoằn ngoèo suốt mấy hàng ghế.

Những chuyện như thế thì có khi chàng làm, có khi không, tùy theo lúc ấy rạp vắng hay đông người. Nhưng có một trò chàng bao giờ cũng làm, đó là vào đoạn cuối của cuốn phim, chàng đứng dậy ra về trước khi chữ FIN hay The End xuất hiện trên màn ảnh.

Chàng đứng vươn vai, ngó về phía sau, làm giật mình bao nhiêu cặp vẫn còn đang tiếp tục lợi dụng bóng tối và nói lớn: "Về đi … Bố đứng chờ ngoài cửa đấy nhá… Có mà chết đòn bây giờ … Con cái nhà ai mà hư thế này … "

Chúng tôi về theo. Chàng cao lớn nên không bị đánh bao giờ.

Những chuyện như vậy thoắt một cái đã hơn bốn chục năm, gần nửa thế kỷ.

Chàng ở lại Việt Nam, không có mặt tại nước Mỹ.

Chứ nếu chàng ở Mỹ, thì chắc mấy tuần qua, chàng đã mỏi miệng nhắc một người phụ nữ đang hăng hái đi khắp nơi rằng " Hết rồi … Thôi chứ … đi về đi …"

Nhưng chàng có thành công hay không thì khó biết được.

Hồi đi xem ciné ở Sài Gòn, chàng rất thành công. Nói là hết phim thì phim hết thật. Nói là phim sắp hết thì trên màn ảnh cũng có cảnh đúng như thế. Ai cũng phải đồng ý là hết phim, đến giờ về nhà.

Nhưng mấy hôm vừa qua, cũng có những người nói câu nói tương tự của bạn tôi mà vẫn không ăn thua gì cả.

Mà nào phải người nói câu đó là người dở đâu.

Ông cũng vai vế lắm trong đảng Dân Chủ, ông là cựu thượng nghị sĩ McGovern, người thân với cả gia đình hai ông bà Clinton. Ông McGovern khuyên bà Hillary Clinton nên chấm dứt việc tranh cử để cùng với ông Obama làm việc, cố gắng đánh bại ông McCain. Rồi thượng nghị sĩ Diane Feinstein cũng nói một câu tương tự, tuy không nói thẳng ra là bà Clinton phải rút lui.

Cựu thượng nghị sĩ John Edwards không nói ra điều đó mà chỉ tuyên bố ông ủng hộ thượng nghị sĩ Obama.

Nhưng bà Clinton vẫn tiếp tục nói là sẽ vận động tiếp cho đến đầu tháng 6.

Bà Hillary Clinton hình như rất dở toán. Làm vài ba con tính là thấy ngay bà không có cách gì thắng được thượng nghị sĩ Obama. Nhưng bà vẫn nói là sẽ tiếp tục.

Ở những lúc khác, đó là một thái độ can đảm của một người không bỏ cuộc.

Nhưng trong trường hợp không còn bất cứ một cơ hội hay một hy vọng nào để đánh bại ông Obama mà vẫn cứ nhất định phải tiếp tục tranh cử thì không thể hiểu được.

Thượng nghị sĩ Hillary Clinton nói là sau khi đại hội đảng Dân Chủ chọn xong đại diện ra tranh cử, thì bà sẽ hợp tác để đánh bại ông McCain.

Nhưng chờ đến lúc đó, sau bao nhiêu sứt mẻ và rạn vỡ mà bà gây ra cho đảng Dân Chủ thì sự phân hóa sẽ khó mà có thể hàn gắn lại được.

Và lúc ấy, nếu ông Obama được đảng Dân Chủ chọn, thì sau bao nhiêu tháng đả kích, nói xấu ông Obama, lúc quay lại, nói tốt cho ông, vận động cho ông thì còn ai tin bà nữa.

Khi ấy bà lại lộ ra là một con người nói láo suốt bao nhiêu lâu nay hay chăng?

Ngày xưa có nhiều lúc tôi rất bực người bạn đứng lên về sớm không cho xem đoạn cuối phim. Nhưng ngày nay, chắc đảng Dân Chủ rất cần người bạn này của tôi.

Cần có người thuyết phục bà Clinton rằng the game is over. Xong rồi, xong từ lâu rồi. Về nhà đi chứ.

18-1-2008

MỘT CÁI ÔM

Sống quá ¾ đời sống ở những nơi ngoài Việt Nam mà tới nay tôi vẫn chưa thấy thoải mái khi gặp nhau phải ôm nhau một cái. Chẳng phải vì là con cháu cụ Ðồ Chiểu, nhớ cảnh Nguyệt Nga vừa định rời kiệu xuống chào Lục Vân Tiên để cám ơn chàng cứu mạng đã bị chàng cho ngay một câu quê tận mạng dặn đừng đến gần vì nàng là phận gái, ta là phận trai.

Không đến nỗi dại dột và hậu tiến như thế. Mà đó chỉ là xuống kiệu, chưa nói đến ôm một cái. Nhưng tại bản tính tôi không thích ôm vậy thôi.

Ai muốn ôm thì cứ việc ôm. Nhưng thân trai này thì nhất định không ào ào chạy tới giang tay ra ôm một cái. Ngay chuyện bắt tay cũng ngại. Tay đàn ông thì sợ chàng vừa từ nhà cầu đi ra, lại cố gắng tiết kiệm nước để bảo vệ nguồn nước, không phí phạm và vì thế không rửa tay. Hay có khi chàng đưa một con cá chết ra cho nắm lấy, lắc lắc vài cái thì còn gì chán cho bằng. Hay cũng có khi người kia nghiến răng bóp cho một cái gẫy tay làm sao sống. Ðó là về phía đàn ông. Phía đàn bà thì cũng có đầy đủ tất cả những lo ngại ở trên nên cứ đến cách một thước, nghiêng cúi xuống một chút, lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy anh, lạy chị là đủ rồi.

Ôm cũng đã không, nói gì tới chuyện hôn mấy cái như các ông Ả Rập gặp nhau, cứ hôn lấy, hôn để hai bên má hàng năm, sáu lần là ít.

Ðã cẩn thận như thế mà vẫn không thoát được bị ôm, bị hôn thì có khổ cho cái thân già này không.

Tuần qua, một cái ôm, và hai cái hôn phớt trên má đã giúp cho 2 triệu 7 trăm 89 ngàn 327 con vi khuẩn cúm nhẩy cái bốp từ một xướng ngôn viên chương trình Hoa ngữ đài truyền hình LA-18 sang người đàn ông Việt Nam già và vô hại này.

Ðã biết thân biết phận mà vẫn không yên thân. Càng nhận là già, xấu trai và vô hại, thì người phụ nữ này càng tìm cách để chứng minh (?) ngược lại.

Cứ gặp là ôm hôn cái đã. Ngày thường thì kệ cô. Thôi thì muốn làm gì cái thân già này cũng được. Nhưng tuần qua, sau cái ôm hôn của Juliette Zhou, buổi tối về, cái cổ họng bắt đầu đau sau hơn một chục cái hắt hơi khiến mấy con chó hàng xóm sợ chết khiếp. Trời đất ơi, sao không mang cho đóa quỳnh để thắc mắc quỳnh thơm hay môi em thơm, mà lại tặng nhau 2 triệu 7 trăm 89 ngàn 327 con vi khuẩn cúm để chúng nó chạy sang cái cơ thể bèo nhèo này ở chơi vài bữa mới là ác.

Tống liền mấy viên Tylenol chặn trước. Nhưng nỗ lực phòng bệnh hơn chữa bệnh đã vô ích. Mấy triệu con hồi trưa đến tối chắc bọn chúng đã tiến vào được rất nhiều nơi trong người rồi còn chi. Hai viên Tylenol thì ăn thua gì. Bọn vi khuẩn khốn nạn và mất dậy đã xông vào các xoang phổi, dọn dẹp phòng ốc, giường chiếu để chúng ngủ lại chơi, phá phách vài bữa nên Tylenol, NyQuil, Bayer chỉ là chọc cho chúng giận mà thôi.

Tại sao cái thang máy hồi trưa đã đông, cô đồng nghiệp này còn nhẩy vào làm gì. Tại sao lại phải đứng sát vào nhau như thế? Tại sao lại mùi Madame Rochas cứ bay lung tung lên như vậy? Tại sao bọn vi trùng mất dậy lại cứ theo cái mùi ấy chui vào phổi làm hại dân lành thế này?

Nếu có cách nào mang trả tất cả mấy thứ ấy lại cho cô xướng ngôn chương trình L.A. Tea Time được ngay trong đêm hôm ấy thì cũng nhất định cũng phải làm.

Không thể ngu ngốc như Trương Ngọc Phượng bị bệnh phong tình sau khi ngủ với Mao Trạch Ðông mà cứ nhẩy tưng lên, mừng rỡ vì được những con vi trùng phong tình từ người Mao Chủ Tịch chạy sang.

Cúm của ai truyền sang thì cũng phải điên tiết lên chứ ngồi đó mà tưởng tượng ra vi khuẩn cúm của Juliette Zhou dịu dàng, dễ mến hơn vi trùng của một ông homeless chẳng hạn.

Qua một đêm mất ngủ vì căm hờn cái ôm và cái hôn trên hai má ở cửa thang máy trưa hôm trước thì sáng hôm sau, chân tay bắt đầu rũ liệt, miệng đắng, cổ họng dau rát, nhìn trong gương chỉ thấy một cái bóng thiểu não, xấu ơi là xấu, nhận không ra.

Cúm thật chứ không đùa nữa. Hơn mười năm nay, năm nào cũng chích ngừa mà có ăn thua gì đâu. Ai mà ngờ được là những con cúm của một người trông mặt mũi như thế mà dữ hết biết.

Nhưng làm được gì bây giờ, oán hận kẻ tặng mình hơn hai triệu con cúm mất dậy đó cũng không giúp đẩy được bệnh cúm đi.

Thì lâu lâu cũng phải để cho cơ thể thế này thế nọ một chút chứ. Bèn ngồi dậy, bắt chước ông Mai Thảo:

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện

Thế là thăm hỏi lục phủ ngũ tạng, dỗ dành nó ráng chịu mệt thêm vài bữa, mấy con cúm khốn nạn đó ghé chơi rồi chúng cũng đi chứ có phải viêm gan, ung thư gì đâu mà bảo là ở lại lâu. Hứa với mấy cái bắp thịt, mấy khớp xương là một tuần sẽ tống hết mấy con cúm mất dậy đi, để chúng ta bình thường trở lại.

Và vì thế, lại không thấy giận người tặng cho trận cúm nữa. Nhưng nhất định lần tới, hễ ai đang sụt sịt mà có đẹp như Diana thì cũng sẽ nhất định hét lên câu của Lục Vân Tiên, tuốt gươm ra tử thủ, nhất định không cho đến gần thêm một bước nữa.

Không ôm, không hôn, không bắt tay gì hết.

TÀNG HÌNH

Một trong nhũng ước mơ của nhiều người có thể là khả năng tàng hình, tự nhiên biến mất, không ai còn nhìn thấy nữa. Phi cơ F-117, phi cơ B-2 cánh dơi của không quân Mỹ đều dã làm được điều đó. Ít nhất là trên màn hình radar. Hệ thống radar của địch không phát hiện ra được thì tha hồ làm mưa làm gió trên trời, coi phòng không địch như không có vì phòng không địch mù mắt, không nhìn thấy làm sao mà bắn.

Giờ học trong lớp mà có được khả năng này thì không bao giờ sợ bị thầy giáo, cô giáo chỉ mặt gọi lên bảng đọc bài hay giải bài tập. Ði chơi khuya một chút về, lỉnh lên phòng, không bị bố cầm roi mây chận ở cửa thì còn gì hạnh phúc hơn.

Lớn lên, lén vào nhà sau một, hai giờ sáng mà mẹ cháu không thấy thì còn gì tuyệt cho bằng.

Nhưng tiếc một điều là khả năng tàng hình ấy đến nay vẫn là do người khác làm cho mình chứ tự mình thì vẫn chưa làm được.

Vẫn không biến mất được trong những lúc cần phải biến đi. Thế nên vẫn bị người ngồi sau vài hàng ghế nhìn thấy, bắt quả tang trốn học đi ciné, về nhà sớm nói là đi học cũng vẫn không được. Ở Mỹ thì bài Sad Movies cũng bầy ra một hoàn cảnh khốn khổ như thế. Chàng nói chàng bận đi làm, nàng đi ciné một mình. Phim vừa bắt đầu chiếu thì chàng đi vào với một chị. Hai đứa không nhìn thấy nàng, ngồi xuống hôn nhau thế là nàng khóc ré lên bỏ về nhà. Lúc ấy mà tàng hình được thì đã không có bài Sad Movies cho các ca sĩ country music khóc mùi mẫn, hát nghẹn ngào.

Lúc cần biến thì không biến đi. Lúc không cần thì cứ biến mất tiêu mất tích.

Như lúc ngồi xem TV, vợ con về nhà, đi ra đi vào không thèm ngó lấy một cái chẳng hạn. Nhiều ông bố đã đau khổ than thở bao nhiêu lâu nay, nói là mình đã biến thành tấm kính trong suốt, không ai nhìn thấy lúc nào không hay. Trong khi các họat động của chính phủ, nhất là chính phủ nước ta thì chẳng bao giờ transparent như ở các nước khác.

Những ai không tin vào khả năng làm cho người khác biến mất thì chỉ cần ghé vào một hai tiệm ăn Việt Nam ở Little Sài Gòn là thấy ngay.

Thực khách sẽ khám phá ra khả năng tàng hình của mình ít ra là trong hai hay ba lần trong thời gian ngồi tại quán.

Lần thứ nhất là sau khi ngồi vào bàn và được quăng cho tấm menu. Chưa đọc xong tấm menu, có khi chỉ đọc được chừng năm, bẩy hàng thì đã có người đứng cạnh hỏi "ó đơ" gì. Xin cho được vài phút để hỏi ý kiến cái dạ dầy thì người ấy liền biến mất. Mấy phút sau, thực khách muốn gọi món ăn thì người ấy không thấy đâu hết. Thấy một người đi thơ thẩn tay cầm cuốn sổ lấy "ó đơ" thì không sao gây được sự chú ý của chàng hay nàng. Giơ tay, vẫy tay, cầm tờ menu lên vẫy. Vẫn không được. Lạ một điều là mấy lần, mắt của những người này quét ngang về phía khách ngồi, nhưng tất cả đều vẫn không nhìn thấy những cái vẫy tay tuyệt vọng. Các ông, các bà ngó qua rồi hướng tầm mắt về phía khác, nhất định không ngó về phía bạn một giây.

Mà nào phải khách đang rên rỉ đừng nhìn anh nữa em ơi, hương trinh đã phai rồi đâu mà người ấy lại nỡ làm ngơ như thế. Các ông các bà có phân vân, băn khoăn không biết bầu cho Hillary hay Obama thì cũng còn mấy tháng nữa để quyết định. Vậy mà vẫn như tựa đề bài hát sao chưa thấy hồi âm làm nản lòng khách tới, bực mình khách đi như thế này.

Nhưng rồi cuối cùng thì ông Trời cũng ngó lại. Gọi được mấy món. Ðang ăn thì thấy thiếu trái ớt. Chai dầu gió xanh Heinekein gọi vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Lại vẫy tay chào buồn Charlie mà Charlie vẫn tỉnh queo không thèm ngó lại. Gọi mãi được quả ớt và chai Heinekein. Lại thiếu cái ly mặc dù đã dặn là xin cái ly không đá vì đã chán chuyện tu (?) lắm rồi. Mãi rồi cũng kéo được sự chú ý của một vị cứu tinh, và có được cái ly không đá cho chai dầu gió xanh.

Ðoạn tàng hình cuối cùng thì dễ giải quyết hơn. Quơ tay không thấy ngó lại, thì đứng dậy, thân chinh đi trả tiền nếu chủ tiệm nhìn thấy và ra quầy tính tiền sau khi bỏ ngang câu chuyện rất hấp dẫn trong bếp. Người thu tiền vừa bấm máy, vừa ngoái vào trong bếp để kể nốt chuyện cục hột soàn. Khách trả tiền lại tàng hình biến mất. Mấy đồng bạc được bàn tay hờ hững đưa ra, nàng vẫn ra rả nói tiếp câu chuyện với người trong bếp.

Khách bỏ tiền vào túi, quay đi. Vẫn không một câu nào của chủ tiệm. Thí dụ một câu cám ơn chẳng hạn.

Vì khách đã tàng hình mấy lần trong tiệm thì còn thấy được ai mà cám ơn nữa.

18-7-2008

TIPS

TIPS trong tiếng Anh, theo một cách giải thích, là những chữ viết tắt của TO INSURE PROMPT SERVICES.

Nguyên là ngày xưa, cách đây khoảng hai ba trăm năm, trong những quán rượu, quán ăn hồi ấy của nước Anh, trên quầy của nhà hàng thường có một chiếc hũ nhỏ với mảnh giấy viết mấy chữ vừa kể để khách bỏ vài đồng tiền thưởng cho nhân viên làm việc cho nhà hàng, để bảo đảm đươc phục vụ nhanh chóng, như dịch nguyên văn mấy chữ viết trong mảnh giấy dán trên cái hũ.

Như vậy, tips là tiền thưởng của khách bỏ vào trong hũ để các nhân viên phục vụ trông thấy mà nhanh nhẹn lên trong bếp, hay cũng để thấy vui sau khi phục vụ khách rồi được khách thưởng. To Insure Prompt Services là như thế.

Người Pháp có một cách nói khác khi để lại chút tiền trên bàn khi ăn xong và ra về. Số tiền ấy gọi là để cho người phục vụ khách uống ly cà phê, hay chai bia. Pour boire. Nhưng lẽ dĩ nhiên, đem số tiền nhỏ ấy để làm bất cứ gì khác thì cũng không có khách nào phản đối. Ðó là một cách nói lịch sự.

Chữ pour boire sống qua được bao nhiêu năm ở Việt Nam cho đến sau năm 1975 thì nó bị làm cho ngắn lại như nhiều tiếng khác mà chúng ta đã thấy ở Việt Nam để thành tiền boa.

Không có một thứ luật rõ ràng nào về số tiền chúng ta bỏ lại. Nhưng thường trước kia thì là 10%. Ngày nay, là 15% hay có thể hơn nữa.

Ðể lại 10% nay được coi là quá ít. Ngay cả 15% cũng có khi là quá ít. Thí dụ ly cà phê 5 đô la, bỏ lại 50 xu thì quá ít đã đành. Nhưng bỏ lại 15% thì lại cũng vẫn là quá ít. 15% của 5 đô la là 75 xu. Thôi thì để lại 2 đồng coi bộ có vẻ hợp lý hơn.

Là người không bao giờ biết làm bất cứ gì trong cái bếp, tôi phải đối phó với chuyện tips thường xuyên khi đi ăn ở ngoài.

Ðể lại bao nhiêu là đủ, sau một bữa ăn với vài ba người bạn chén đĩa đầy một bàn, vỏ chai ngổn ngang trên bàn dưới đất? Những lần như thế, 15% chắc không đủ, nhất là trong khi ăn, người đòi thêm ly đá, người nhờ lấy cho đôi đũa mới, hay thắp cho mấy ngọn nến trên cái bánh sinh nhật, lại hát bài Happy Birthday cho ông bà khách ngồi trong bàn vân vân. Ðể lại 20% thì thấy đỡ ngượng hơn, nhất là khi mấy người phục vụ còn thưa chú, thưa bác khi đưa ra cửa nữa.

Vậy nên chuyện tips thì không thể cứ nhất định là phải 10% hay 15% hay 20% được. Một vài tiệm ăn ở đây, theo một bài báo cho biết, không bao giờ chia tiền tips cho các nhân viên. Như vậy, khách muốn tỏ bầy đôi ba câu cám ơn về cách phục vụ chu đáo, thì người giúp việc mà khách rất hài lòng lại không hề được sự cám ơn ấy. Sử ân cần, tử tế của họ không hề được một chút gì đền lại vì chủ tiệm bỏ túi hết những đồng tiền tips.

Trong khi những tiệm khác thì trả cho nhân viên một số tiền rất nhỏ như không hề biết mức lương tối thiểu ở nước Mỹ là thế nào và cộng thêm tiền tips để mặc sức xoay sở bên ngoài.

Trong trường hợp sau, người nhân viên nhờ gần như hoàn toàn vào tiền tips của khách cho. Nhớ lại hồi mấy đứa con khi còn đi học đã có những lần phải làm trong nhà hàng để kiếm thêm tiền, thì lại bỏ thêm vài ba đồng nữa. Trước đây chúng nó cũng nhờ tiền tips đấy chứ. Chắc đã phải có nhiều người tử tế với chúng nên chúng mới có tiền mua cái này cái nọ. Vậy thì bây giờ phải tử tế với con của những người khác.

Thế là lại phải bỏ thêm mấy đồng nữa.

Nhưng ở một hai tiệm trong vùng Little Saigon, nhà hàng tính luôn tiền tips vào hóa đơn nếu số khách trên 5 hay 6 người. Ô hay, tips bày giờ trở thành bắt buộc rồi hay sao? Mở cái quán ra, chủ quán phải lo thuê người dọn dẹp và làm việc trong quán chứ. Ðâu phải khách đông là khách phải lo trả tiền dọn dẹp bàn ăn, xếp lại ghế, bưng thức ăn ra đâu?

Trong khi service thì rất là tệ hại. Chờ thì lâu, bưng thức ăn ra thì ngón tay thọc vào trong lòng đĩa, cầm cái ly thì cầm ngay vào miệng ly. Service như vậy mà bắt khách trả hết hộ cho nhà hàng hay sao?

Tips là cách để cho người phục vụ biết là khách hài lòng hay không hài lòng với dịch vụ của tiệm. Khách không thể bị bắt buộc trả luôn khoản tips cho nhà hàng. Mà biết khoản tips đó có đến tay các nhân viên không.

Rồi khi trả bằng thẻ ngân hàng, gần như bao giờ ở hàng cuối cũng có ghi thêm phần tips của khách để khách tự ý viết vào. Gặp như vậy thì phải gạch bỏ ngay cái hàng đó, viết hai con zero tổ chảng vào, rồi trở lại bàn, bỏ lại tips bằng tiền mặt.

Làm như thế, ít nhất những nhân viên rất tử tế với khách trong bữa ăn cũng nhìn thấy sự ân cần của mình có người nhận ra và đáp lại.

19-9-2008

THE SECOND DUDE

Vào lúc thượng nghị sĩ Hillary Clinton đang đà thắng thế, người ta nghĩ bà có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa kỳ.

Và nhiều người nghĩ đến hình ảnh của ông Clinton trở lại tòa Bạch Ốc, không trong cương vị tổng thống nữa, mà là phu quân của tổng thống.

Vợ của tổng thống là đệ nhất phu nhân. Ðệ nhất phu nhân, trong trường hợp Hoa kỳ, là danh xưng không chính thức của nữ chủ nhân tòa Bạch Ốc.

Vì các phụ nữ này thường là vợ của tổng thống đương nhiệm nên lập tức đệ nhất phu nhân được hiểu là vợ của tổng thống. Nhưng khi tổng thống góa vợ hay độc thân, hay phu nhân của tổng thống vì sức khỏe hay vì một lý do nào khác, không làm được công việc tiếp khách, gặp gỡ những người đến thăm Hoa kỳ, thủ đô hay tòa Bạch Ốc, thì những công việc đó do một phụ nữ trong gia đình tổng thống hay một người bạn của ông đảm trách như lịch sử Mỹ đã ghi lại.

Nếu thượng nghị sĩ Hillary Clinton đắc cử tổng thống, thì ông Clinton sẽ là gì, sẽ được nhắc đến bằng danh từ gì?

First husband chăng? Chắc là không. Danh từ này có thể gây hiểu lầm khi người nghe tưởng là chồng đầu tiên của nữ tổng thống.

Danh tù First Gentleman có lẽ đúng hơn. First Lady là đệ nhất phu nhân thì First Gentleman là đệ nhất phu quân.

Trong trường hợp nước Anh, Quận Công Edinburgh, hay hoàng tế Philip là chồng của nữ hoàng Anh Elizabeth đệ Nhị. Anh hoàng George đệ Lục phong cho đại tá hải quân Philip Mountbatten làm quận công Edinburgh năm 1947 trước khi ông thành hôn với công chúa Elizabeth ngày hôm sau.

Hoàng tế Philip ở nhà, hay rõ hơn, trong cung, thì là chồng của nữ hoàng, nhưng ra khỏi cửa, thì bao giờ cũng đi sau nữ hoàng 1 bước, tay chắp sau lưng, cũng như hoàng tử Albert, chồng của nữ hoàng Victoria. Những ý kiến độc ác và hài hước thường gọi những ông chồng này là sperm donor, những người cung cấp tinh trùng cho hai bà hoàng để một bà, Victoria có 9 con, một bà, nữ hoàng Elizabeth có 4 con.

Công nương Diana cũng bị báo chí gọi là egg donor, một người cung cấp trứng cho hoàng gia Anh.

Ông Clinton là đệ nhất phu quân. Thôi thì cũng được. Cách gọi ấy chắc không làm ông buồn phiền gì. Bề gì trước đây 8 năm, ông cũng đã là tổng thống. Nay có xuống làm đệ nhat phu quân thì cũng chẳng bớt oai đi chút nào.

Bây giờ có một chuyện hơi khác nhưng lại rất có thể xẩy ra. Nếu liên danh McCain Palin đắc cử, ông McCain lên làm tổng thống thì đệ nhất phu nhân sẽ là Cindy McCain.

Nhưng lần đầu tiên, nước Mỹ có nữ phó tổng thống. Ông Todd Palin, phu quân của nữ thống đốc Sarah Palin sẽ có một cuộc đời hoàn toàn mới.

Cứ theo tên gọi, ông là một lương phu, một người chồng tốt của bà Palin. Tên là Todd thì là chồng tốt chứ còn gì nữa.

Bà Sarah sau khi đắc cử thống đốc Alaska cách đây gần hai năm, ông chồng của bà quyết định bỏ việc để ở nhà làm Mister Mom giữ con cho vợ. Trong một phóng sự truyền hình của đài Fox Television, người ta thấy bà Palin vùa cột tóc cho con gái út, vừa trả lời hai ba cú điện thoại. Ông chồng cũng ở trong bếp lo ăn sáng cho con.

Vì chức thống đốc là chức cao nhất của tiểu bang nên ông Todd Palin được báo chí gọi là First Gentleman. Nhưng chữ này không đưọc dùng nhiều bằng chữ First Dude.

Dude là một danh từ lóng trong tiếng Mỹ dùng dể gọi một cách thân mật một người đàn ông. Nhưng cũng có một số người bị gọi là dude thì không vui, coi đó là một danh từ bất kính.

Danh từ dude đang càng ngày càng được dùng nhiều hơn.

Ông Todd Palin là First Dude của tiểu bang Alaska.

Nhưng cuối năm nay, nếu bà Sarah Palin trở thành nhân vật số hai của Hoa kỳ, thì danh xưng First Dude hay First Gentleman sẽ không còn có thể dùng cho ông nữa.

Mẹ cháu không còn là nhân vật số 1 thì bố cháu làm sao tiếp tục là đệ nhất phu quân được.

Chồng của phó tổng thống thì phải là Second Gentleman chứ. Hay nếu không thì cũng sẽ phải là Second Dude.

Thế là vợ thì lên chức trong khi chồng lại xuống chức.

Nhìn chung quanh, có thể ông Todd Palin sẽ tự hỏi không biết làm ông số một của bà số hai oai hay là ông số hai của bà số một là oai, như người ta vẫn nói vài ba chục năm trước, thà làm bà bé của ông lớn còn hơn làm bà lớn của ông bé, hay cũng có khi là thà làm bà lớn của ông bé còn hơn làm bà bé của ông lớn.

Thà làm đệ nhị phu quân Hoa kỳ còn hơn là làm đệ nhất phu nhân Alaska, thà làm đệ nhất phu quân Alaska còn hơn làm đệ nhị phu nhân Hoa kỳ... thôi rắc rối quá.

Cứ miễn là buổi tối, về nhà, ngay như nữ hoàng Victoria quyền uy là như thế mà vẫn phải thỏ thẻ ngọt sớt với Albert là được rồi.

Không thì làm sao có tới 9 hoàng tử và công chúa?

20-6-2008

CHIẾC VESPA

Bức ảnh chụp cảnh ở một cây xăng. Chiếc xe hai bánh mầu xanh đang được một người đàn ông đổ xăng vào bình. Chiếc yên xe được lật ngược lên. Ðã có đến hơn ba mươi năm, tôi không thấy nó gần, ngồi lèn nó, cầm lấy cái ghi đông, vặn cái tay ga, bóp thử cái thắng ở bên phải và thử xoay cái tay sang số ở bên trái, nhưng tôi vẫn nhận ngay ra nó. Nó là chiếc Vespa. Mấy chục năm trước, khi còn ở Việt Nam, tôi không thích nó lắm. Nó được o bế nhiều hơn những chiếc Lambreta như chiếc tôi có.

Những chiếc Vespa, đối với những người đi Lambretta như tôi, nó bao giờ cũng có cái vẻ đĩ thõa.

Có phải vì nó có cái nét nhóng nhảnh hơn những cái Lambretta của chúng tôi không. Nhưng nó quả có cái vẻ của một người phụ nữ sexy. Hai cái hông tròn, nở. Trong khi những chiếc Lambretta thì hông, sườn lép kẹp, thẳng đuỗn.

Chính cái hông tròn và nở của nó khiến cho những người ngồi sau, người được chở đi bao giờ cũng phải như ngả về phía trước, không thể không ôm lấy lưng người lái. Trong khi những người ngồi sau những chiếc Lambretta bao giờ cũng ngồi thẳng, không ngả vào người ngồi trước. Hai bên hông của những chiếc Lambretta cũng có chỗ để gác chân nên những người ngồi sau luôn luôn có chỗ để gác những đôi giầy cao gót.

Vì thế, cái sườn bên trái của những chiếc Lambretta bao giờ cũng sứt sát vì những chiếc gót giầy đó. Nhưng chủ của những chiếc Lambretta không bao giờ lấy làm phiền về chuyện đó. Những vết sứt sát đó là những vết chiến thương của những người vào sinh ra tử (?). Vậy thì phiền hà mà làm gì.

Cái Vespa để cạnh cái Lambretta trông như một phụ nữ tỉnh thành, tối tân, quần áo điệu bộ, son phấn thơm lừng trong khi những chiếc Lambretta thì như những cô giáo tỉnh nhỏ, son phấn một chút thôi, dáng điệu đứng đắn hiền lành.

Vespa tiếng Ý là con ong. Nhìn từ trên xuống trông nó giống con ong thật. Cái yên là điểm thắt lại, hai cái má bầu ra là cái bụng con ong. Chiếc Lambretta thì thẳng đuột một đường.

Bức hình của Yahoo! chụp người đàn ông đang đổ xăng cho nó. Thời buổi xăng vàng nhớt bạc đã lại làm cho chiếc Vespa hấp dẫn trở lại. Người ta bỏ nó một thời để, nếu không chạy theo những chiếc xe hơi, thì cũng là để theo những chiếc mô tô kiểu hùng hổ, du côn lúc nào cũng như đang lao về phía trước.

Những chiếc mô tô được đặt cho cái hỗn danh là street rocket, những chiếc hỏa tiễn của đường phố nổ thì ầm ầm, bánh trước bánh sau to như những bánh xe hơi, tiếng nổ thì gầm thét gào rú không có được một chút văn minh nào.

Những người ngồi đằng trước đằng sau đều xấu cả. Những chiếc nón an toàn không cách nào bầy ra được những mái tóc những khuôn mặt của những người ngồi sau những chiếc Vespa và nhữõng chiếc Lambretta của tuổi trẻ chúng tôi.

Bức hình chụp cảnh ở cây xăng là một bức ảnh rất ngậm ngùi. Nó làm nhớ lại những con đường có bóng mát, những trái sao rơi trong những cơn gió, những mặt đường mùa nóng chẩy ra dính dưới bánh xe, mùi nhựa đường, tiếng nổ nhẹ nhàng của nó, tà áo phía sau, những con mưa thình lình đổ xuống, mùi mái tóc phả lên phía trước. Bàn tay đặt trên lưng, tiếng nói thật khẽ thoảng trong gió.

Những chiếc Vespa, những chiếc Lammbretta mà chúng ta bỏ lại giờ chúng đâu mất rồi? Mấy năm sau ngày rời Sài Gòn, thỉnh thoảng trong những bức ảnh chụp đường phố Hà Nội lại thoáng thấy vài ba chiếc. Có chiếc Lambretta của tôi trong những chiếc xe ấy không?

Người ngồi lên nó là ai? Người ngồi sau có đôi giầy cao gót nào không, hay chỉ là những chiếc dép làm bằng lốp xe ô tô cả rồi?

Ở đây thỉnh thoảng cũng thấy vài ba chiếc scooter chạy lạc lõng. Người lại chúng cũng đầu đội mũ an toàn, chỗ bánh secours gắn một cái thùng nhỏ để chở mấy thứ. Không hề là cái cặp sách đặt trên chiếc vè, gác chân lên. Không hề là một chiếc yên liền với sợi giây quai vắt ngang bị kín đáo cắt đi để người ngồi sau không còn bất cứ một cái gì để vịn vào ngoại trừ cái lưng của người ngồi trước.

Bức hình chụp chiếc Vespa tại trạm xăng có thể là hình ảnh đẹp nhất từ mấy ngày hôm nay, khi giá xăng lên quá con số 4.

Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Chiếc Vespa xanh ở trạm xăng là bát cơm nguội lúc lòng thì đói và 1 thùng dầu thô sắp lên thành 150 đô la vào cuối tháng này.

21-3-2008

HOW ARE YOU?

Như rất nhiều vị đang cầm tờ báo, tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của người viết bài này. Mãi đến năm 11 tuổi, người viết mới học bài học Anh ngữ đầu tiên.

Ðã hơn nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn còn nhớ bài học đầu tiên ấy.

Bài đầu tiên là một câu chào hỏi. Về sau, tôi thấy là không chỉ cuốn Anglais Vivant là dùng câu chào hỏi để vỡ lòng cho những người học Anh ngữ. Mà luôn cả những bộ đĩa dậy tiếng Anh như Linguaphone, Assimil, và những bộ sách dậy tiếng Anh khác như Direct Method, English For Today, Let’s Learn English, Life With The Taylors đều dậy những người học tiếng Anh bằng câu chào đó.

How are you? I am fine, Thank you. And you?

Ngay trong ngày đầu, chúng ta đã được dậy và thuộc câu chào đó, và chúng ta vẫn tiếp tục dùng nó cho đến ngày hôm nay.

How are you? thực ra không còn có nghĩa là ông bà, anh chị, cô chú có mạnh không? Nó chỉ là một câu chào. Ít có ai cầm lấy tay người vừa nói với mình câu ấy mà đứng lại kể lể về sức khỏe, về đời sống, công việc, gia đình bao giờ.

Chẳng thế mà đã có một người nói rằng sau câu How are you? mà phía bên kia kể lể ngọn ngành, khai rõ hết về tình trạng sức khỏe, tài chính, tình cảm của mình thì ông ta, bà ta, đương sự hẳn là một người nếu không vô duyên thì cũng không bình thường.

Hơn nữa, đã chắc gì phía người nói câu ấy thực sự muốn biết về mình tới mức phải trình bầy, đầu cua tai nheo về mọi chuyện của mình.

Có lẽ tiếng Anh nên thay câu How are you? bằng một câu khác hay một tiếng khác.

Hi chẳng hạn. Hi không hề được dùng để thăm hỏi phía bên kia. Cũng như salut trong tiếng Pháp. Salut chỉ là chào. Không hỏi gì thêm cả.

Trong mùa bầu cử, người ta đã thấy nhiều lần các ứng cử viên gặp nhau, chào nhau trước khi lên diễn đàn tranh luận với nhau. Hai bên bắt tay, chào hỏi nhau một câu, rồi chỉ ít phút sau là bao nhiêu đòn độc, bao nhiêu chưởng tung ra, bom đạn bay mù mịt.

Tranh luận xong, hai bên lại bắt tay nhau, cười với nhau rồi ra về.

Ra về và nghĩ những mưu chước khác để đánh nhau trong lần tranh luận tới.

Hệt như hai võ sĩ, quần thảo nhau không còn nhẹ tay nhau một chút gì. Hễ thấy được chỗ nhược của đối phương là nhắm đánh một cách tàn bạo.

Trận đánh kết thúc, hai người võ sĩ lại ôm nhau cho đúng tinh thần thể thao, anh hùng mã thượng.

Nhưng bao nhiêu người đưa tay ra ôm người vừa đấm rách mắt, sưng mặt, chẩy máu mũi mình thục sự yêu mến mình?

Chắc không bao nhiêu.

Như mới đây, bà Clinton gọi điện thoại mừng ông Obama sau khi ông Obama thắng liên tiếp 11 tiểu bang.

Bà Hillary Clinton nói rằng bà đã điện thoại để chúc mừng ông Obama. Chúc mừng cái gì? Chúc mừng vừa đánh bại mình một cách thê thảm ư? Tôi không tin là như vậy. Chúng ta chỉ là những người thường, đầy đủ mọi thứ tình cảm yêu thương, thù hận. Người vừa đánh bại mình thê thảm thì không cách gì mà chân thành mừng thắng lợi của ông ta. Và quả là như thế, ngay mấy hôm sau, phía bà Clinton lại ra đòn trở lại nhắm vào ông Obama. Phe ông Obama thì cũng không vừa. Một cố vấn cho ông gọi bà Clinton là một con quỉ. Người phụ tá này phải từ chức. Rồi bà Ferraro, một cựu dân biểu ủng hộ bà Clinton hết mình cũng quay ra nói một câu khá nặng về con người của ông Obama khiến sau đó, bà Clinton phải xin lỗi và bà Ferraro phải từ chức.

Hai hôm trước đây, ông Obama và bà Clinton lại gặp nhau ở quốc hội. Hai người tiến lại bắt tay nhau. Không biết họ nói gì với nhau. Liệu hai bên có nói với nhau rằng chờ đấy, lần tới sẽ biết tay nhau hay không.

Nhưng thế giới chúng ta sống là thế giới văn minh và lịch sự nên mới có những cái bắt tay đó, và mới có những cú điện thoại gọi chúc mừng nhau như thế, thay vì đôi ba câu nói thật lòng nhau ra.

Cũng chắc hai người không nói với nhau những câu thông thường khác như thật vui mừng khi gặp ông hay bà. I am glad to see you.

Vui mừng cái nỗi gì để mỗi khi thấy sơ hở của nhau là bao nhiêu võ khí chiến lược lợi hại lôi ra đánh nhau cho hết tình hết nghĩa.

Ông thì nói bà không phải là người đáng tin. Bà thì nói ông không có kinh nghiệm.

Nhìn mấy bức ảnh chụp ba người ở thượng viện, ông McCain, ông Obama, bà Clinton, người ta thấy cả ba đều cười rất to mà trong lòng thì chẳng ai muốn bầy ra những nụ cười đó cả.

Nhưng câu How are you, I am fine, I am glad to see you vẫn tiếp tục làm khó chịu một số người.

Vì nó chẳng thật được chút nào cả.

22-2-2008

22-8-2008

NGƯỜI MỸ

Một người bạn của tôi sang Mỹ từ hơn 10 năm nay. Ông đã trở thành công dân Mỹ cách đây vài năm. Nhưng ông vẫn không ưa nước Mỹ bao nhiêu. Ông luôn luôn tìm ra những điều không đẹp của quốc gia này. Ông cứ nhắc mãi về nền văn hóa quần jeans và văn hóa Coca Cola, rồi bực bội về việc hai thứ văn hóa này đang xâm lăng khắp thế giới. Người Mỹ, theo ông, không có văn hóa, hoàn toàn thua kém các nước khác trên thế giới về mọi mặt. Nghệ thuật thì nước Mỹ không có Picasso, không có Gauguin, Van Gogh, Degas, Manet... Nhạc thì chỉ có nhạc rock bậy bạ, không có được một nhạc sĩ nào tầm cỡ như Beethoven, Tchaikovsky, Mozart... Văn học thì không có Sartre, Camus, Pasternak, Puskin vân vân. Ông nhiều lần nói rằng ông được đưa sang Mỹ vì Mỹ mắc nợ ông, vậy thôi. Nhưng rồi trong hơn 10 năm qua, con cái ông lớn lên ở Mỹ, học và tốt nghiệp đại học Mỹ, làm việc tại Mỹ và xây dựng được những đời sống tử tế, ông rất ít khi nói về những chuyện đó. Ông về Việt Nam hai ba lần, trở lại Mỹ thì khen nức nở bún chả Hà Nội mới là thứ thiệt, chả cá Lã Vọng thì mới đáng ăn chứ mấy thứ ở Bolsa làm sao sánh được.

Ông ở Mỹ hơn 10 năm, không đi làm ngày nào vì có tật ở tay sau hơn mười năm ở tù Việt Cộng. Ông được hưởng trợ cấp, dành dụm tiền bạc về Việt Nam chơi mấy lần. Nhưng ông vẫn không buông ra được một lời nào tử tế về nước Mỹ. Ông tiếp tục đi bên cạnh cuộc đời, chống lại mọi đề nghị hội nhập vào đời sống của quốc gia này, và không bao giờ nói được một câu tốt đẹp nào về nước Mỹ.

Nhiều người quen nói ông là người vô ơn bạc nghĩa, không chơi với ông. Nhưng tôi vẫn gặp ông, vẫn nói chuyện với ông để về nhà lại điên tiết lên vì những điều ông nói về nước Mỹ, quốc gia mà ông vẫn còn sống ở đó, vẫn nhận những trợ giúp của nước Mỹ mà ông nói là họ phải trả nợ ông, gia đình và các con của ông.

Nhiều lúc tôi nghĩ tại sao nước Mỹ không ra tòa xin án khánh tận để khỏi trả, để quịt luôn những món nợ mà ông nói là nước Mỹ nợ những người như ông.

Cách đây mấy hôm, xem tường thuật buổi lễ khai mạc thế vận hội, ông lại hết lời khen ngợi nước Trung Hoa và nói rằng thế vận hội mấy năm truớc ở Hoa kỳ là dở ẹc, không thể bén gót chân của Trung quốc.

Nhưng hôm qua, sau trận đấu giữa đội bóng rổ của Hoa kỳ, ông gọi điện thoại cho tôi và nói rằng đội bóng của Mỹ chơi hay tuyệt, và ông rất mừng đội của Mỹ thắng đội của Trung quốc.

Ông còn nói thêm một điều lạ khác. Sau khi nói rằng ông hết súc vui vẻ trước tin đội bóng rổ Hoa kỳ thắng trong trận đấu đầu tiên, ông nói rằng ông không thấy cùng một sự vui mừng đó khi nghe tin một lực sĩ Việt Nam được huy chương bạc về cử tạ. Ông hỏi tôi như thế là làm sao. Tại sao ông vui vì nước Mỹ thắng trận bóng rổ mà lại không vui bao nhiêu khi Việt Nam đoạt huy chương bạc.

Tôi không biết, nhưng từ mấy năm, từ khi xẩy ra chiến tranh tại Iraq, tôi rất buồn mỗi lần đọc thấy những tin tức tổn thất của quân đội Mỹ. Hình ảnh những người lính Mỹ chạy lúp xúp trên những con đường ở Iraq, những vụ nổ bom, thịt xương vương vãi của những người lính đó, tôi chỉ muốn nước Mỹ đưa kết binh sĩ về nước, kệ xác cho bọn Iraq giết nhau chơi. Việc gì phải phí sinh mạng của những người mỗi ngày tôi vẫn gặp trên những con đường trong những thành phố Mỹ này, những người mà cha chú của họ đã từng mở cửa nước Mỹ này cho gần một triệu người Việt tiến vào lập lại cuộc đời mới sau bi kịch của chúng ta. Tôi thấy đau xót về những cái chết của các thanh niên Mỹ, những người có thể từng là bạn của mấy đứa con tôi ở tiểu học, trung học, đại học, hay trong công việc và đời sống của chúng.

Tôi cảm thấy như thế không biết từ năm nào. Tôi không nhớ rõ, nhưng chắc phải là trước khi Hoa kỳ đưa quân sang Iraq lâu lắm. Như lần binh sĩ Bắc Triều Tiên dùng rìu giết một binh sĩ Mỹ ở Bản Môn Ðiếm hồi cuối thập niên 70.

Trước đó, tôi không thấy như vậy. Những cái chết của binh sĩ Hoa kỳ ở Việt Nam trong những năm chiến tranh ở Việt Nam tôi không thấy đau như khi nghe tin những người lính Mỹ chết ở Iraq, ở Afghanistan mấy năm nay.

Có phải vì tôi đã trở thành họ rồi hay không? Tôi vẫn muốn nghĩ là không. Tôi vẫn nói tiếng Việt, vẫn không đặt cho mình cái tên Mỹ, vẫn giữ cái tên Việt nghe rất kỳ cục với người Mỹ, vẫn viết con số 7 với cái gạch ngang, vẫn viết ngày rồi đến tháng, rồi mới đến năm, vẫn tìm mọi cách để giữ cái chất Việt Nam trong người.

Nhưng thấy Mỹ thắng thì vui, thấy những quân nhân Mỹ tử trận thì buồn, thấy ông Bush đẹp trai, tử tế hơn là ông Putin, ông Hồ Cẩm Ðào... Thế là làm sao? Tôi đã là Mỹ thật rồi hay sao? Có thể lắm đấy chứ. Hệt như lũ con, cháu của tôi.

Và như ông bạn của tôi vừa nhìn nhận rằng ông vui khi thấy Mỹ thắng Trung quốc nhiều hơn là khi thấy một lực sĩ Việt Nam đoạt huy chương bạc ở thế vận hội.

23-5-2008

BÁ DƯƠNG (1920-2008)

Ông Bá Dương là một nhà văn Trung quốc mà tôi rất hâm mộ. Ông vừa qua đời hồi cuối tháng trước. Tôi đọc cuốn Xú Lậu Ðích Trung Quốc Nhân của ông ít nhất cũng cả chục lần. Cuốn sách được Nguyễn Hồi Thủ dịch sang Việt ngữ với tựa đề là Người Trung Quốc Xấu Xí.

Trong chữ Hán, xú có ít nhất 2 cách viết. Cách nào cũng đều không đẹp cả. Xú là xấu, xú cũng là thối. Lậu là vụng về, thô kệch. Hai chữ được tác giả cho đi với nhau: xú lậu để mô tả người Trung Hoa. Người Trung Hoa bị một nhà văn Trung Hoa gọi là xấu xa, thối um, thô kệch. Ðây là một điều lạ vì từ trước tới nay, người Hoa luôn luôn nghĩ họ là dân tộc văn minh, văn hóa nhất thế giới. Ðất nước của họ thì ở giữa quả đất, họ tự nhận là Trung quốc. Người dân của quốc gia này thì tiến bộ với một nền văn minh cổ xưa nên họ coi khinh tất cả mọi giống dân khác. Chỉ có họ là giỏi nhất, tốt nhất, đẹp nhất. Ngoài nước Trung quốc, các nước khác đều là những thứ man di, mọi rợ.

Ðang mang trong đầu thái độ tự tôn đó, tự nhiên có người chỉ ra toàn những điều xấu xa hết sức về đất nước và con người Trung Hoa, ông Bá Dương được nhiều người yêu và cũng nhiều người ghét.

Ðám sinh viên tranh đấu cho dân chủ ở Thiên An Môn thì coi ông như một nhà đại anh hùng dám nói lên và nói khá đúng về nước Trung Hoa và người Trung Hoa. Trong khi đó, tại Hoa lục, cuốn sách này của ông không có được bao nhiêu độc giả yêu mến.

Cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí gồm những bài viết, những bài nói chuyện của ông từ năm 1977. Ông viết trên báo, ông đi nói chuyện ở khắp nơi, kể cả ở Hoa kỳ và những nơi có đông đảo người Hoa sinh sống để nói lên những suy nghĩ về nước và người Trung Hoa trong những cái nhìn bị mô tả là tiêu cực nhất.

Xú Lậu Ðích Trung Quốc Nhân có phần đầu là những bài nói chuyện. Phần thứ hai gồm những bài viết và phần thứ ba là những ý kiến của người đọc và người nghe ông nói về Trung quốc.

Nước Trung quốc mà ông Bá Dương nhìn ra là một đất nước hết sức xấu xa và ở đó, người dân Trung quốc cũng hết sức xấu xa.

Ông Bá Dương ra đời tại Hoa lục năm 1920. Năm 1949, gần 30 tuổi ông mới chạy ra Ðài Loan. Như vậy, ông có cái nhìn đã chững chạc về lục địa. Trong những năm sau của thập niên 50 trở đi, ông sống ở Ðài Loan và có cơ hội đi đây đó để nhìn rõ hơn về người Trung Hoa sống rải rác ở khắp nơi trên thế giới.

Và ông thấy cái nước Trung quốc và người dân Trung quốc sống ở trong cũng như ở ngoài Trung quốc đều tệ lậu, độc ác, ích kỷ, thù nhau, ghét nhau như không còn ai trên đời này có thể ghét nhau như thế. Người dân Trung quốc là một tập thể mặc cảm tự ti lẫn với tự tôn , ăn dơ, ở bẩn, to mồm, bất lịch sự, vô kỷ luật, ở với nhau là đánh nhau, giết nhau, tâm địa hẹp hòi, coi tất cả những người khác là những đống phân chó trong khi chính mình cũng chẳng hơn một đống phân.

Những mặc cảm nông cạn, nhỏ nhen ấy lại là cái lực cai trị và hướng dẫn Trung quốc ngay cả vào thời đại này của lịch sử .

Bá Dương cho là sẽ rất khó mà thay đổi được, xóa đi những điều xấu xa đó vì nó đã trở thành thâm căn cố đế từ bao nhiêu đời nay, sản phẩm của nền văn hóa Nho giáo của Trung quốc thối hoắc như cái vại tương mà ông cho là nếu có cho những thứ tốt đẹp nhất vào để nhào quyện thì hũ tương cũng sẽ vẫn còn đó, cũng vẫn thối hoắc như một cái hũ cứt.

Ông Bá Dương nêu lên những điều đó và đem so sánh với các nước và các dân tộc ông đã đi qua, đã có dịp tiếp xúc thì lại càng thấy ra những chuyện hết sức xấu xa, thô bỉ khác. Nhưng nêu ra những điều ấy, lập tức ông bị chống đối, bị đổ cho tội nói xấu, khinh bỉ ngay cả cái đất nước của ông. Thế là lại ái quốc sô vanh nổi lên đùng đùng, thóa mạ ông hết lời chỉ vì ông dám nói lên vài ba điều tốt của nước Mỹ khi để cạnh người dân và đất nước Trung quốc.

Và cứ cái tái độ tự tôn và tự ti ấy hòa lẫn với nhau đã khiến cho con người Trung quốc hành xử như vậy trong suốt bao nhiêu năm nay.

Thế vận hội Bắc kinh lại càng cho thấy những cái xấu xa của Trung quốc mặc dầu họ đã cố gắng hết sức để che đậy lại. Họ dậy cho dân chúng bớt ăn to nói lớn, bỏ thói quen khạc nhổ, ăn uống dơ dáy, tiểu tiện, đại tiện ngoài đường nhưng không ai tin là sau thế vận hội, sau khi du khách ra về, nước Trung Hoa sẽ khá hơn.

Vẫn mãi mãi là trò đổ vấy tội cho người khác để làm đẹp cho chính mình. Gian dối trong cách buôn bán cả thế giới đều đã biết, thủ lợi, không bao giờ nhận lỗi như người tiêu thụ ở nhiều nơi đã thấy. Chính trị được hướng dẫn bằng quyền lợi tốt cũng như xấu mà nhiều phần là xấu. Như ở Phi châu, như ở Miến Ðiện. Mồm thì nói là không can thiệp vào nội tình của nước khác nhưng họ làm gì ở Sudan, ở Somalia, ở Zimbabwe hay Miến Ðiện thì ai cũng đều đã rõ.

Chuyến rước đuốc vừa qua cũng bầy ra thêm cái mặt khó coi của Trung quốc. Họ bôi bẩn đức Ðạt Lai Lạt Ma, đổ cho ngài bao nhiêu tội ác trong khi đàn áp thẳng tay các nhà sư.

Ðối với một nước Cộng sản anh em, họ sẵn sàng chơi những trò đểu giả với Hà Nội.

Ðiều đáng buồn nhất là Hà Nội không nhìn ra những điều tác giả Bá Dương đã nhìn thấy và tiếp tục đi theo những con đường xấu xa đó và một lòng cúc cung với bọn vô cùng xấu xa ấy ở Bắc kinh trong rất nhiều việc làm của họ.

25-1-2008

25-7-2008

NGƯỜI THƯƠNG BINH

Khoảng giữa năm 1973, tôi hay nhìn thấy người đàn ông ấy tại mấy tiệm cà phê ở đường Tự Do Sài Gòn, không Continental thì cũng Givral, Brodard hay La Pagode, nơi chúng tôi hay đến ngồi trong những buổi chiều sau khi tan sở. Ông mặc một chiếc áo lính, hai tay ôm một sấp báo. Chiếc áo lính quá lớn đối với tấm thân còm cõi của ông. Lúc nào ông cũng có cái vẻ tất tả, vội vã khi đi qua bàn chúng tôi. Ông khoảng ngoài hai mươi, nhiều nhất là hai mươi bẩy, hai mươi tám là nhiều.

Thường thì khi vào những tiệm cà phê để gặp bạn bè, tôi đã có mấy tờ báo còn thơm mùi mực in mua của một chú bé ở ngay chỗ đậu xe. Ông thấy mấy tờ báo trên bàn tôi ngồi thì không mời mua báo nữa.

Một hôm, tôi vào La Pagode không cầm theo báo vì không thấy chú nhỏ bán báo quen đứng chờ ở chỗ đậu xe ngang tòa Ðô Chính. Ông ghé lại bàn, hơi cúi người xuống, chìa chồng báo trên tay cho tôi xem, mời mua báo. Tôi lấy hai tờ Tiền Tuyến và Chính Luận, đưa tiền trả cho ông thì ông nhờ tôi bỏ tiền vào túi áo bên trái và lấy lại mấy chục ở túi bên phải. Hai tay ông vẫn bưng sấp báo, không bỏ tạm xuống bàn để lấy tiền trả lại cho tôi. Tôi tự lấy trong túi áo kia mấy chục như ông nói. Ông cám ơn rồi đi. Và lúc ấy, tôi mới thấy dưới sấp báo mà ông bưng trước ngực, là hai cái tay áo đong đưa.

Ở chỗ tôi nghĩ là phải có hai bàn tay, thì tôi không thấy hai bàn tay của ông ở đâu. Lúc ấy, ông xốc chồng báo, và nâng những tờ báo cao lên ngang ngực. Và tôi chợt hiểu. Ông không còn hai bàn tay nữa.

Tôi vẫn còn cầm mấy chục bạc lấy từ túi áo của ông. Tôi thấy không thể cầm mấy chục vừa lấy trong túi áo của ông nữa. Tại sao tôi lại lấy mấy chục trong cái túi áo bèn phải của một người đàn ông bán báo không còn hai tay để nhận tiền của người mua và cũng không còn tay nào để lấy mấy chục trả lại cho tôi?

Tôi chưa kịp làm bất cứ gì thì ông đã rời bàn tôi, đi nhanh ra cửa. Tôi đứng lên, chạy theo ông, bắt kịp ông và vỗ nhẹ vào vai ông. Ông quay lại, cười, hỏi có phải tôi muốn mua thêm báo nữa không. Tôi lắc đầu, bỏ lại mấy chục đang cầm trong tay vào túi áo của ông.

Ông cười, cảm ơn và đi tiếp. Ông không hỏi tại sao tôi bỏ tiền vào túi áo của ông. Như thế, có thể chuyện đó đã vài ba lần xẩy ra cho ông. Ông đi tiếp về phía quốc hội, rảo bước, dáng điệu tất tả.

Tôi tưởng tượng một chuyện khủng khiếp lắm đã xẩy ra cho ông. Một quả mìn, hay một trái B-40, hay một loạt AK. Tỉnh dậy trong quân y viện, nhìn xuống, ông không thấy hai bàn tay nữa, chỉ có lớp băng trắng quấn ở chỗ hai cổ tay.

Còn chuyện gì có thể bi thảm hơn như thế nữa.

Ðang lành lặn, chân tay đầy đủ, bàn tay từng đã có lúc vuốt những sợi tóc của một người phụ nữ nào đó, bàn tay vỗ về người mẹ, xúc cơm cho đứa con... Không còn hai bàn tay thì không bao giờ còn làm được những chuyện ấy nữa.

Thảm kịch còn lớn hơn nữa vì ông vẫn còn rất trẻ. Cứ nghĩ là phải sống nốt cuộc đời mà không có hai bàn tay thì hãi hùng biết bao nhiêu.

Tôi tin ông là một người lính. Ông phải là một thương binh. Ở tuổi của ông, và tuổi của tôi thời ấy thì không thể không ở trong quân ngũ.

Hay tại như thế, ông mặc chiếc áo lính ôm báo đi bán trong những buổi chiều ở Sài Gòn?

Cũng cùng tuổi như ông, mỗi chiều tôi vào quán, ngồi uống ly cà phê trước khi về nhà để than thở với vài ba người bạn về công việc, về đời sống tù túng trong thành phố.

Còn ông, một người đàn ông cùng tuổi với tôi thì ôm sấp báo đi bán, không còn bàn tay để thối tiền lại cho khách.

Hôm sau, tôi đậu xe chỗ khác để không bị chú bé bán báo phục kích mời mua báo như mọi ngày nữa. Tôi vào La Pagode chờ mua báo của ông.

Ông ghé bàn mời tôi mua báo. Tôi hỏi ông trước kia ở đâu. Ở tuổi đó mà hỏi ở đâu thì câu trả lời bao giờ cũng là sư đoàn mấy, tiểu đoàn gì. Gần nguyên một thế hệ thanh niên Việt Nam đều có những câu trả lời như vậy. Ông nói là ở sư đòan 7, bị mìn hai năm trước, một vợ hai con nhỏ. Từ đó, mỗi chiều tôi đều đến tiệm nước chờ mua báo của ông. Chú nhỏ bán báo một hôm gặp tôi trên đường tay cầm tờ báo thì trách tôi sao không mua của chú nữa. Tôi phải nói là đã có báo ở sở mua cho mỗi ngày rồi.

Tôi mua báo của ông liên tiếp mấy tháng, rồi một hôm, khoảng thời gian nào tôi không thể nhớ đích xác, nhưng tôi nghĩ khoảng cuối năm 1973, tự nhiên ông biến mất. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng sau ông vẫn không trở lại. Hay lại có chuyện gì không hay đã xẩy ra cho ông.

Rồi ba mươi mấy năm vèo qua. Năm nay, ông cũng phải ngoài sáu mươi. Tôi không biết ông còn sống hay đã chết. Không có hai tay làm sao ông sống được trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước, nơi mà những người đầy đủ chân tay còn khốn khổ.

Tệ nhất là tôi cũng không biết cả tên của ông. Mà những người như ông thì không phải là ít để mà dễ kiếm ra.

Tên ông tôi không biết. Nhưng nhớ ông thì vẫn nhớ.

Nhớ những chiều mùa mưa Sài Gòn, hình ảnh người đàn ông còm cõi, sấp báo trên tay, độc lập, kiêu hãnh, lương thiện. Người thương binh ấy chạm nhẹ vào đời tôi và không bao giờ ra khỏi trí nhớ của tôi nữa.

Cầu mong ông bình an đâu đó ở quê hương mà tôi có chung với ông.

*****

Trả lời độc giả hoanttran@yahoo.com

Xin đọc trang cuối (160) của tạp chí Vanity Fair số tháng Tám và coi đó là câu trả lời cho e-mail không mấy lịch sự của ông / bà.

26-9-2008

NHO XANH

Trong một bài ngụ ngôn của La Fontaine, bài Le Renard et les raisins, tác giả kể con cáo đói gần chết tìm thấy trên giàn nho cao những trái nho chín mọng thì thèm muốn điên lên. Nhưng nó nhẩy hoài không tới, nên đành phải bỏ đi. Nó khổ lắm, bèn vớt vát lại bằng một câu chê những trái nho đó cho đỡ tiếc: Ils sont trop verts, dit-il, et bon pour les goujats. Con cáo nói là nhng trái nho còn quá xanh, chỉ ngon với bọn người thô tục. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch thành "nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu."

Câu chê bai của con cáo là một lối nói kiểu như Ả Q của Lỗ Tấn. Trong những trường hợp muốn mà không được, thì dìm phía bên kia xuống, chê bai đủ điều cho đỡ tiếc. Bị đánh, bị chửi thì dùng thái độ khinh bỉ đối phương để đỡ đau.

Nhưng câu nói của con cáo, nghĩ lại, cũng là một câu hay lắm chứ không phài là không.

Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu

Không thèm mấy quả nho xanh. Miệng người sang, quí phái phong lưu thì phải ăn cho ra ăn, phải nho chín hãy ăn. Ăn nho xanh làm gì cho phí cái mồm phong lưu đi.

Con cáo tự coi nó là quí phái, phong lưu, quí tộc. Nó tự an ủi là chỉ xứng đáng để ăn những của ngon vật lạ chứ thứ nho xanh mọc đầu tường thì ăn làm gì.

Thực ra, ai cũng biết con cáo chẳng danh giá, phú quí gì. Ðói gần chết, không vồ được chùm nho chín trên giàn thì chê bai cho đỡ đau khổ.

Bài ngụ ngôn của La Fontaine có thể dậy người đọc một bài luân lý, nhưng con cáo cũng dậy người đọc một bài học khác nữa.

Hãy tự coi trọng mình, hãy tử tế với chính mình.

Tại sao lại nghĩ mình không xứng đáng để đeo cái ca vát ấy, mặc cái áo ấy, đi cái xe ấy.

Tôi biết hai người có cái lối suy nghĩ như thế.

Con cái mua cho cái gì thì cữ giẫy nẩy lên. Mua làm gì cho tốn tiền. Cậu không cần đâu. Mợ có hết cả rồi. Mợ không cần gì hết. Thôi mua cho cô bạn của con đi. Cái này trông trẻ quá. Tôi già rồi mà các anh mua toàn mấy thứ chỉ hợp cho các cô trẻ tôi mặc thế nào được.

Cứ như thế, con cái cho cái gì cũng phản đối, không nhận. Con nhất định để lại thì đem cất đi.

Không biết cất để làm gì nữa.

Thế là sau ngày 30 tháng Tư, các anh cán bộ xông vào, lục tung căn nhà ấy ra, lấy hết những món để dành đó mang đi dùng hộ. Trên một cái áo kaki Nam Ðịnh thô tục nào đó tự nhiên có đeo cặp bút máy Parker Silver Sterling 71, cặp bút máy mà người con nghĩ là bố mình đeo trong túi áo khi ngồi ở cái ghế hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quí Cáp chắc phải đẹp lắm. Rốt cuộc nó ở trong túi áo một anh cán bộ đục cả đời chưa có nổi vài ba chữ trong đầu rớt ra. Ðúng là tủi bút, tủi nghiên...

Và thế là chiếc khăn lụa của chú em mua ở Tokyo gửi về cũng lại ngự trên vai của một chị cán bộ nhà quê nào đó. Cùng với cái máy cạo râu của chú em khác ở Canada gửi về, chiếc vòng của cô em ở Montreal mua cho, cái cặp Samsonite con mang từ Hương Cảng về tặng cũng ra đi theo các anh giải phóng hết.

Cũng là tại cái tính hay để dành, cứ nói mua phí tiền đi, không dùng đâu. Rốt cuộc tiền thì vẫn phí (?) rồi, lại còn kèm thêm chút tình cảm ở trong. Cũng bỏ trong tủ hết, không lôi ra dùng dù chỉ một lần.

Ðến lúc ra khỏi Việt Nam, thỉnh thoảng mấy người con mỉa mai, nói ra nói vào mãi, mới chịu là giá hồi ấy lôi ra dùng có phải đỡ phụ lòng các con không.

Hãy tử tế với chính mình. Hãy chiều chuộng mình một chút. Không được người khác chiều thì mình phải chiều mình. Con cái có thí (?) cho cái gì thì lôi ra mà dùng ngay. Không để dành nữa. Mình mới xứng đáng để dùng những thứ ấy.

Chiếc ca vát ấy có một chỗ rất xứng đáng, đó là cái cổ áo của chính mình. Tại sao lại nghĩ mình không xứng để đeo nó.

Bộ veste ấy cũng thế. Hugo Boss có đắt một chút thì đã sao?

Mấy đứa con rất nhiều tiền. Không phải lo cho chúng nữa.

Thế thì lo cho cái thân già vậy. Bài ngụ ngôn La Fontaine dậy chúng ta được một bài học khác là như vậy. Biết đâu cũng chẳng còn bao lâu nữa để mà tử tế với chính cái thân già ấy.

27-6-2008

CÁI CA VÁT

Ngày Father’s Day năm nay tôi không được tặng một chiếc ca vát nào. Những năm trước, ngay cả những người không có lý do gì để cho quà tôi vào ngày Father’s Day cũng cho tôi ca vát. Nói cách khác, những người không liên hệ phụ tử gì, không là con cái gì của tôi cũng vẫn làm quàn cho tôi một hai cái ca vát.

Có thể sau những lời khẩn cầu tha thiết xin đừng cho ca vát liên tiếp mấy năm, lời năn nỉ của tôi đã được lắng nghe. Không ai cho ca vát nữa. Ca vát cũng như nước hoa không ai có thể mua hộ, mua cho ai được. Phải chính người đeo nó đi mua, đi chọn mới được. Phải biết trong tủ áo của mình có những chiếc áo mầu gì, những chiếc jacket, những bộ suit nào mới mua ca vát được. Như vậy mới biết nó đi với cái sơ mi nào, cái jacket nào. Và như thế mới quyết định được. Không thể nhận được con mực khô hoàn toàn không đi được với những thứ có trong nhà để rồi sau đó phải lựa một hôm nào gặp người cho quà, đeo nó vội vào cổ, trình diện cái ca vát vô duyên ấy, ngồi chịu trận suốt một buổi chiều cho đến lúc ra xe đi về mới tháo ra quăng ra ghế sau để thoát nợ.

Một trong những dấu mốc mà một thanh niên vượt qua để chính thức trở thành người lớn là học thắt cái ca vát. Ở những bộ lạc bán khai thì là con sư tử đầu tiên, con cá sấu đầu tiên mà người con trai ấy giết được. Ở xã hội văn minh hơn thì đó là biết thắt cái ca vát. Người dậy thắt cái ca vát thường là người cha. Biết thắt cái ca vát rồi thì thành người lớn.

Hữu sự, tháo nó ra thật nhanh, quăng lên thành ghế coi ngon lành, thành thạo, tay chơi hơn là lần mò, từ từ nới rộng cái cổ ra rồi tháo nó qua đầu, để xuống bên cạnh chỗ ngồi chờ lát nữa lại thòng vào cổ, đeo về nhà thì trông không giống James Bond chút nào.

Phải cái áo sơ mi lật cổ lên, quàng cái ca vát vào, thắt một lần, không lần thứ hai, là xong cái nút đơn, mũi nhọn của chiếc ca vát vừa vặn đụng vào dưới của chiếc khóa giây lưng mới là James Bond. Không cần phải môi ngậm điếu thuốc lá trễ một chút ở khóe miệng, nheo mắt nói: Bond, James Bond, my name is James Bond trông vẫn được như thường.

Một phụ nữ kể cho tôi nghe là bà thích ông chồng ngay khi gặp ông với cái lối thắt ca vát như thế.

Thật là dại dột, thích có cái ca vát mà phải đem nguyên 70 ki lô về nhà làm chồng.

Cách đây mấy chục năm, trước khi có trò ăn mặc quần áo dơ dáy, quần trễ bầy ra cả mấy thứ mặc lót ở trong, chúng tôi muốn vào ăn trong nhà ăn ở trường là phải ca vát, jacket mới được cho vào. Cảnh đó, trong phim As Good As It Can Get cũng vẫn còn khi Jack Nicholson phải kiếm cái áo, quàng cái vát vào cổ mới được vào nhà hàng ăn tối.

Những phụ nữ của thời trang thế giới cũng lấy những cái ca vạt đeo vào cổ làm như những bộ suit của Yves Saint Laurent chưa lấn được sang vùng lãnh thổ của thời trang đàn ông.

Gần đây, càng ngày càng thấy ít người thắt ca vát ngoại trừ trong những lần bắt buộc không thắt không được. Ông Bush tiếp ông Putin ở trại Crawford Texas cả hai đều không ca vát gì hết.

Tờ Time cho biết năm 1995 là năm ca vát bán được nhiều nhất, khoảng 1 tỉ 300 triệu đô la trên khắp thế giới. Tuy thế, từ sau đó, số bán của những cái ca vát vô tích sự này đi xuống, không có cách gì vực lại được nữa.

Từ năm 2000, số người thắt ca vát càng ngày càng ít đi trong khi mấy cậu Cộng sản quen bưng biền, vô sản và xấu trai thì lại quay ra đeo ca vát trông mới là chướng. Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo nhuộm tóc đen bóng nhẫy như vừa ở tiệm thợ cạo bước ra, thắt những cái ca vát nút kép trông hết sức nhà quê. Thà như Mohamad Ahmadinejad của Iran trông còn đỡ chướng như khi chàng quăng những cái ca vát đi, nói là để chống ảnh hưởng đồi trụy của Tây phương. Thế là các đàn em cũng quăng hết ca vát đi, không kể mấy anh Aytatollah áo đen, đầu trùm khăn thì không đeo ca vát từ lâu.

Tuần qua, một công ty sản xuất nhiều ca vát nhất nước Mỹ loan báo đóng cửa vĩnh viễn. Như vậy, những chiềc ca vát sẽ vĩnh viễn ra đi hay chăng? Mong rằng không phải như vậy. Nó vô tích sự và thiếu văn minh thật, nhưng nếu nó ra đi vĩnh viễn thì cũng buồn. Nó ra đi mà không kèn trống như thế sao? Chẳng gì cũng nhờ nó mà có được bao nhiêu chuyện vui. Như anh chàng Fernadel trong phim Sous Le Ciel De Provence, được cô bạn mới quen gặp trên xe bus khen cái ca vát mầu tươi mà chàng không dám thắt ở nhà cũng đủ để chàng tươi cười sung sướng có bao nhiêu răng bầy ra bằng hết.

Thế nên tuy không còn yêu nó như mấy chục năm trước nữa nhưng để cho nó ra đi mà không ngậm ngùi một chút thì sao đành. Ông cụ tôi qua đời cách đây mười năm trên cổ áo có đeo chiếc ca vát người em thắt cho trước khi cử hành tang lễ trông vẫn đẹp hơn là không có nó.

Tiếc cái ca vát là như vậy. Ðó là chưa kể tới chuyện vụng về (giả vờ cũng như thật) không biết thắt ca vát được người khác thắt cho trong lúc không khí lãng đãng mùi nước hoa Tweed thì không gì có thể đáng yêu hơn là cái ca vát, dẫu cho người không quen nên thắt còn rất vụng. Vì vụng cũng vẫn còn hơn không mà.

28-3-2008

HILLARY

Nước Mỹ coi vậy mà vẫn còn là một quốc gia bảo thủ và chậm tiến hơn nhiều quốc gia mà Hoa kỳ vẫn coi thường về các sinh hoạt dân chủ.

Hoa kỳ chưa có được một nữ tổng thống trong khi nhiều quốc gia Á châu, Phi châu và Mỹ châu La Tinh đã có những nhân vật lãnh đạo là phụ nữ.

Hơn hai chục năm trước, năm 1984, nữ dân biểu Geraldine Ferraro được mời đứng chung liên danh với ứng cử viên Walter Mondale. Liên danh của ông Mondale thất cử. Phải đợi đến năm nay, năm 2008 mới lại thấy có một ứng cử viên phụ nữ là thượng nghị sĩ Hillary Clinton.

Theo dõi các hoạt động của bà Clinton mới đây người ta thấy nước Mỹ vẫn chưa hoàn toàn muốn tổng thống sắp tới của Hoa kỳ là một phụ nữ.

Một lập luận không mấy nghiêm túc trước đây nói rằng phụ nữ không nên được trao cho chức vụ lãnh đạo nước Mỹ, chức vụ có trong tay một kho võ khí nguyên tử khổng lồ vì mỗi tháng, người phụ nữ có những ngày tính khí bất thường rất nguy hiểm cho hòa bình thế giới. Lập luận ấy không đứng vững, vì ở tuổi có thể được bầu làm tổng thống như bà Hillary Clinton, hay bà Geraldine Ferraro thì tuổi tác của họ đã khiến cho những lo ngại đó không còn nữa.

Nhưng bà Clinton vẫn bị rất nhiều người không ưa.

Có những tên tuổi tưởng là phải ủng hộ bà Clinton thì lại quay ra ủng hộ đối thủ của bà.

Gia đình cố tổng thống Kennedy mà ông Clinton rất ngưỡng mộ, muốn đi theo chân của cố tổng thống Kennedy thì quay ra tuyên bố ủng hộ ông Obama. Không những chỉ tuyên bố ủng hộ, mà thượng nghị sĩ Edward Kennedy, cùng với con gái của cố tổng thống Kennedy là Caroline Kennedy còn đi vận động cho ông Obama.

Một thượng nghị sĩ của tiểu bang Connnecticut là thượng nghị sĩ Christopher Dodd, một nhân vật vai vế trong đảng Dân Chủ cũng không ủng hộ bà Clinton.

Và mới đây nhất, thống đốc Bill Richardson, người từng là bộ trưởng trong chính phủ Clinton cũng ủng hộ thượng nghị sĩ Obama.

Ðây là những tin không vui cho giấc mơ làm tổng thống của bà Cinton.

Những tên tuổi vừa kể đều là những người nhiều ảnh hưởng trong đảng Dân Chủ. Cứ theo lối suy nghĩ bình thường thì họ phải ủng hộ nữ thượng nghị sĩ Hillay Clinton mới phải.

Lý do đầu tiên là tất cả đều quen biết thân tình với cựu tổng thống Bill Clinton, và cùng là đảng viên Dân Chủ, cùng lập trường với bà Clinton.

Lý do thứ hai mặc dù sẽ không có ai nhận, là dẫu sao, bà Clinton cũng là một ứng củ viên da trắng.

Một số các tên tuổi da đen ủng hộ ông Obama thì là chuyện đã đành. Nhưng gia đình Kennedy, thượng nghị sĩ Christopher Dodd, thống đốc Bill Richardson đều là nhũng tên tuổi da trắng. Tại sao họ lại bỏ bà Clinton để quay ra ủng hộ ông Obama, một nhân vật da đen?

Bà Hillary Clinton được khá đông phụ nữ ủng hộ là vì bà là phụ nữ. Số ủng hộ viên này vừa là những thành phần da đen và da trắng. Nhiều người nói thẳng họ ủng hộ bà Clinton là vì bà là phụ nữ.

Nhưng các tên tuổi lớn trong các tổ chức phụ nữ cấp tiến, phụ nữ giải phóng thì lại chưa thấy tuyên bố ủng hộ bà Hillary.

Trong khi đông đảo các cử tri đàn ông thì lại ủng hộ ông Obama nhiều hơn. Ðó là theo những cuộc thăm dò mới nhất.

Trong một số báo Newsweek mới đây, người ta đọc được một số ý kiến phụ nữ chống lại bà Clinton khá nặng.

Tại sao lại có chuyện như thế?

Phải nhìn nhận bà Hillary Clinton là một phụ nữ giỏi. Bà tốt nghiệp luật khoa đại học Yale, một trong những đại học danh tiếng nhất Hoa kỳ.

Trong hai năm 1988 và 1991, bà được bầu vào danh sách 100 luật sư tạo được nhiều ảnh hưởng nhất tại Hoa kỳ.

Bà là người nhan sắc trên trung bình.

Bà còn là một nạn nhân trong những giao du ngoài hôn nhân của chồng. Tư thế nạn nhân ấy rất dễ gây được cảm tình mà nhiều người đã tận dụng với những kết quả rất tốt.

Vậy thì tại sao bà bị nhiều đàn ông Mỹ không ưa đến như vậy?

Phải chăng đàn ông Mỹ không chịu được con người của bà.

Bà bị coi là quá nhiều tham vọng. Thực ra thì tham vọng thì cũng không có gì xấu. Nhưng tham vọng rồi làm bất cứ gì để đạt được tham vọng ấy thì rất đáng sợ. Bà Clinton bị coi là một phụ nữ như thế.

Cũng rất có thể là một cách vô thức, nhiều người đàn ông rất sợ bà. Bà bị coi là một người phụ nữ không hiền lành.

Coi bà Bush thì thấy ngay. Bà luôn luôn đi đằng sau ông Bush, ủng hộ các việc chồng làm. Bà được báo chí coi là võ khí bí mật rất lợi hại của ông Bush. Bà sống không một điều tiếng. Một cuốn sách gọi bà là người vợ toàn hảo, the perfect wife.

Bà Carter không được ưa lắm vì mấy lần ngồi trong các phiên họp nội các, tay hí hoáy ghi chép, tuyên bố nhiều câu không vừa tai người Mỹ. Bà Reagan có rất nhiều quyền trong tòa Bạch Ốc, từng hết đuổi người này, sa thải người kia. Bà Teresa Heinz, vợ thượng nghị sĩ John Kerry làm mất nhiều phiếu của chồng chỉ vì những phát ngôn quá đáng của bà.

Một ý kiến cho rằng đàn ông Mỹ nhìn thấy nơi bà Hillary Clinton một bà mẹ nghiêm khắc, một cô giáo khó khăn, một người vợ bắt nạt chồng và một người con gái khó dậy.

Nếu bà Clinton chứng minh ngược lại được những nỗi lo sợ kể trên, bà sẽ thắng cử dễ dàng.

LẠI CHUYỆN QUÀ CÁP

Chuyện này đáng lẽ phải được đem ra nói từ mấy tháng trước nhưng tôi nghĩ không biết làm như vậy thì mình có phải là người khó tính lắm hay không. Và cũng không biết điều đó là chuyện bực bội riêng của mình hay cũng là những khó chịu của nhiều người khác nữa. Nếu chỉ có mình không vui về chuyện ấy mà mang ra nói thì không nên chút nào.

Nhưng sáng nay, đọc mục Dear Abby, mục tâm tình gỡ rối của báo Mỹ thì tôi thấy là ít nhất cũng có một người đồng ý với mình.

Ðiều làm tôi khó chịu là những quảng cáo trên các đài truyền hình với những cảnh quà cáp cho nhau nhân dịp Giáng Sinh, đầu năm mới.

Như cảnh một người phụ nữ đang nằm ngủ thì một người đàn ông, chắc là người chồng, lén vào, nhè nhẹ đeo vào cổ của nàng một cục hột soàn to tổ chảng. Nàng ngọ nguậy, thức dậy, tìm ngay được cục hột soàn mấy carat, cười hạnh phúc ôm lấy người đàn ông mà hôn.

Hay trong một quảng cáo khác, người phụ nữ đang ngồi ăn sáng, thì ngó ra cửa đã thấy một chiếc Lexus đậu ở trước nhà, người đàn ông đưa cho người phụ nữ chiếc chìa khóa xe. Thế là vợ chồng hạnh phúc lại ôm nhau hôn thì có chán không cơ chứ.

Xin lỗi ạ.

Liệu có được mấy chuyện như thế ngoài đời. Thử hỏi có bao nhiêu ông Bill Gates trên đời này? Có bao nhiêu ông CEO, CFO tiền bạc mỗi năm kiếm vài ba chục triệu để có thể quăng ra vài chục ngàn, hai ba trăm ngàn mua cái nhẫn hột soàn ném bể đầu mấy con chó về lén đeo vào tay, vào cổ của nàng để nàng ngọ nguậy thức dậy, cười thỏa mãn biết ngay đó là quà của chồng, rồi hai người hôn nhau lia chia như trong mấy cái quảng cáo?

Không, chúng tôi tiền bạc không dễ như vậy, mà nếu có bầy đặt lãng mạn một chút, lén đeo vào cổ của nàng thì những gì xẩy ra cũng sẽ hơi khác một chút. Ít ra thì cũng nghe được mấy câu hành văn kiểu Hồ Biểu Chánh đại khái thế này:

Ủa, ông làm cái giống gì vậy… cái này là cái gì? Mèn ơi, hột soàn à… Mua làm gì cho phí tiền vậy cha nội… Mà có một ly thế này thôi sao? Con mụ X mới mua một cục to tổ chảng sao không hỏi nó mua đâu mà mua, tại sao lại mua cái cục nhỏ … híu như vầy?

Còn cái Lexus thì cũng làm gì có cảnh như thế. Hai tuần sở ký thác thẳng tiền lương vào trương mục, lấy tiền đâu ra mà mua cái Lexus cho mẹ cháu. Mà mua xe Lexus chứ có phải mua ổ bánh mì thịt đâu mà dễ quá như thế.

Cũng phải đi coi vài ba nơi, mặc cả điên cuồng lúc nào cũng chỉ sợ bị các ông các bà "xeo-men" lừa cho vỡ mặt đi ấy chứ. Làm gì có chuuyện những bước chân âm thầm đi mua, lén lái cái xe về nhà, lại còn thắt cho cái nơ đỏ cho chiếc xe, đậu ngay trước cửa nhà, chờ cho mẹ cháu ngó ra mới cười ngỏn ngoẻn đưa cho nàng cái chìa khóa.

Mà đưa cái chìa khóa vào tay đã chắc gì bảo đảm là mẹ cháu hiểu ngay đó là chiếc Lexus bố cháu mua cho mẹ cháu làm quà Giáng Sinh hay năm mới.

Biết đâu là lại nghe hét lên rằng "Ô hay, xe đứa nào đậu ở nhà mình thế này, gọi cảnh sát câu nó đi chứ… Ai cho cái quân này đậu xe ở ngay cửa nhà tao!"

Người đàn ông ở Austin trong thư gửi Dear Abby khi xem những quảng cáo đó thì bực lắm. Ông nói với vợ ông rằng nhũng cái quảng cáo vô duyên ấy chỉ có một mục đích duy nhất là làm cho những người đàn ông mặc cảm tội lỗi đầy người vì đã không làm cho vợ được những điều đó.

Chao ôi, tại sao lại có người nói đúng ý của tôi như thế.

Xem xong những cái quảng cáo vớ vẩn như vậy chắc chắn phải có nhiều người phụ nữ thở dài lôi hai câu ca dao Việt Nam ra đọc bâng quơ:

Ra đường trông thấy tơ người

"Tơ" người tình tứ, lãng mạn như thế chứ đâu có cả ngày quần xà lỏn áo may ô, mồ hôi dầu, ăn nói thô lỗ, nhờ đem cái bao rác ra cửa là nhăn nhăn nhó nhó như khỉ ăn gừng, lầu bầu, ủng oẳng nghe thấy mà ghét.

"Tằm" tôi nghe mà cứ lịm người đi, nói không nên lời.

Trở lại mục Dear Abby, bà vợ của ông nghe ông nói vậy thì cho rằng ông sai lầm nặng vì đàn ông ở ngoài thiếu gì người lãng mạn, tình tứ. Nhưng rồi bà thú nhận là không tìm được ai để đem ra làm thí dụ cho chồng tin. Bà thắc mắc không biết trên đời có những người đàn ông chuyên môn chờ vợ ngủ là đeo vòng kim cương vào cổ, rồi lại kéo cái Lexus về đậu ngoài cửa cho vợ đứng tim một cái hay không.

Dear Abby trả lời là vẫn có những người đàn ông làm những công việc đó, chỉ ít thôi. Những quảng cáo chỉ cốt dụ người tiêu thụ chịu tiêu tiền, và đã rất thành công. Cứ coi con số nợ nần của nước Mỹ là thấy ngay. Nhưng nhiều khi không cần phải cục hột soàn và cái Lexus. Dear Abby trả lời như thế.

Và hệt như mọi lần, lần này, Dear Abby cũng lại vẫn sai nặng.

29-2-2008

TIỆM ĂN ÐÓNG CỬA

Sáng hôm chủ nhật, ra cửa nhặt tờ Orange County Register mang vào nhà ngồi đọc thì ngay trang đầu có một bài báo khá dài, đọc xong tôi không biết phải làm gì trong những ngày tới.

Có thể là một việc tôi tránh né từ mấy chục năm sẽ không còn tránh né được nữa.

Tôi bị mẹ tôi làm hư như rất nhiều người đàn ông Việt nam khác. Hồi còn nhỏ ở nhà, thỉnh thoảng xuống bếp là bị đuổi ngay bằng câu "đàn ông đàn ang không được vào bếp", bất kể luận cứ tôi đưa ra rằng Ðức Khổng Tử hiền triết, thông thái, bậc thầy của hàng vạn đời như thế, mà cũng xuống bếp thắc mắc chuyện nấu nướng với phu nhân huống chi là tôi.

Nhưng tôi vẫn bị mẹ tôi đuổi ra khỏi bếp.

Sau đó là một thời gian sống xa nhà, thì lại mấy người bạn sinh viên thỉnh thoảng nấu cho ăn để thay món thịt cừu vừa hôi vừa chán ở lưu học xá. Về nước thì người đàn ông Việt Nam này lại tiếp tục bị làm hư bằng cách bị đuổi lên nhà, không cho xuống bếp.

Thế là chuyện bếp nước, nấu nướng lại bị gác sang một bên từ đó. Sang đến Mỹ thì lại thấy là tại sao còn phải chui xuống bếp trong khi đã có sẵn bao nhiêu ông đầu bếp giỏi và nổi tiếng khắp năm châu như các ông McDonalds, Burger King, Colonel Sanders, Arbys...

Vì thế, những cái bếp của những căn nhà tôi đã ở đều sạch như lau như ly hệt như cái bếp của ông bạn già Mai Thảo. Cái microwave chỉ được dùng để hâm cà phê mỗi sáng. Ly giấy, chén giấy, đũa tre dùng một lần rồi quăng. Khăn bàn cũng thế. Nồi niêu soong chảo, bát đĩa thì có một bộ để lỡ có khi các rồng đến nhà tôm hùm còn có để mà đãi khách.

Ở California thì lại càng thấy là không còn cần phải phát triển khả năng nấu nướng nữa. Căn nhà tôi đang ở được chọn để có thể đi bộ một quãng là ra tới ngay các tiệm ăn, đề phòng vài ba năm sẽ không còn lái xe được nữa. Cô chuyên viên địa ốc tính thật khéo.

Nhưng ở cái khu có những tiệm ăn mà cô chỉ cho tôi, và làm tôi yêu ngay căn nhà ấy, tờ Orange County Register cho biết, có một hai tiệm ăn tôi đã ghé lại cùng với mấy người bạn trong mấy năm qua, là những tiệm ăn vi phạm nhiều điều lệ về vệ sinh nhất.

Một tiệm đã phạm phải 32 qui luật vệ sinh nghiêm trọng trong năm 2007, tức là năm mà tôi đã ghé khoảng 7 hay 8 lần.

Ðó là chuyện nhân viên không rửa tay, chén đĩa dơ dáy, cống nghẹt, nước cống chẩy ngược lại vào bếp. Ngoài ra, những tiệm này còn nuôi sẵn những bầy gián và chuột cho vui ở dưới bếp. Các nhân viên sở vệ sinh không đồng ý vói những chuyện ấy nên đã ra lệnh đóng cửa, phạt, rút giấy phép các tiệm này mấy lần.

Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.

Các ông Mỹ đến là bầy đặt và khó tính. Chúng tôi vẫn sống, có sao đâu. Ở bẩn sống lâu. Bà nội và bà ngoại tôi đã dậy tôi mấy chục năm trước.

Hồi còn ở Washington, một sáng đi làm, tôi mang theo một chai nước suối vào sở, đi ngang bàn người bạn thì nghe một câu nói bâng quơ: "Uống nước suối thì rồi cũng chết."

Chao ôi là chân lý. Câu nói ấy làm tôi nhớ tới một bức hí họa của Gary Larson vẽ một góc nghĩa địa, ở đó, trên một chiếc cột với cả chục tấm bảng chỉ đường dẫn tới các khu khác nhau của nghĩa địa, người ta thấy những mũi tên chỉ chỗ của những người ăn thịt, chỗ của những người hút thuốc, chỗ của những người chỉ ăn rau trái, chỗ của những người uống rượu, chỗ của những người kiêng mỡ, chỗ của những người kiêng đủ thứ và chỗ của những ngưởi không kiêng gì hết.

Như thế thì kiêng khem có lợi gì? Rồi cũng vào chung một chỗ nằm như một câu thơ của Ðinh Hùng.

Ăn lầm vài ba con gián thì đã sao? Cứ nghĩ gián cũng như mấy con cào cào, châu chấu, dế cơm thì sẽ thấy chẳng sao cả. Vài ba con sâu thì có khác gì mấy con nhộng, mấy con đuông. Và đã chắc gì trong những tô canh rau muống trước đây của chúng ta không có một vài con sâu chui vào cái ống của cọng rau muống?

Ðã sao đâu!

Nhớ lại những chiếc xe bò viên thân thiết một thời, cái thùng nước đen nâu nhúng vài ba chục cái đĩa nhôm vào, lau qua bằng chiếc khăn lông cũng đen kịt, những đôi đũa tre ngấm nước miếng, xì dầu, tương ớt, những miếng gan cháy hôm trước còn nằm phơi trên mặt đường mà chính mắt chúng tôi đã thấy tận mắt đen kịt những đàn ruồi. Sạch sẽ vệ sinh ở đâu? Tôi đã thấy người đàn ông bán bò khô ở đường Cường Ðe đang bào đu đủ, thì cái bàng quang nhắc ông phải xả nước, ông liền vội quay ra, làm ướt cái gốc cây, xong việc, chẳng rửa tay, lau tay gì hết, ông quay lại bào tiếp những sợi đu đủ trắng ngần.

Ai mà biết được mấy phút trước, ông đã cầm trong tay cái gì.

Có sao đâu.

Cục nước đá để trong cái thùng được lôi lên, phủi qua loa cho hết những mảnh trấu bám vào, bào xoèn xoẹt vài cái là đã có ly chanh muối. Ai thắc mắc giữa buổi trưa nóng bên cạnh sân trường?

Nơi tôi ở, Orange County, từ một tháng nay, người ta đã bắt đầu dùng một nhà máy lọc nước lớn nhất thế giới để lọc lại nước cống rãnh, cầu tiêu, cầu tiểu cung cấp nước uống cho người dân.

Nghĩ thì ghê, nhưng khuất mắt khôn coi. Chẳng sao cả.

Thế nên, giữa chuyện phải đi học nấu ăn, đi chợ, xuống bếp hì hục nấu cho sạch một bữa cơm cho mình, và chạy ào ra vài ba tiệm ăn gần nhà để giải quyết chuyện ẩm thực, thì việc chạy ra tiệm và quên đi bài báo ghê rợn đọc được sáng hôm chủ nhật vẫn là điều nên làm nhất.

ROLLS ROYCE

Nguyễn Công Trứ, trong một bài hát nói chúng tôi học hồi trung học đệ nhất cấp có một câu mà đã nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ:

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc

Biết đủ tức là đủ, đợi cho đủ thì biết đến bao giờ mới đủ.

Cứ đuổi theo những thứ ở trên đời này thì biết bao giờ mới có được hết, mới có được đủ, mới hết khổ.

Phải giản dị đi một chút:

Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường

Ðồng ý là cái giường tròn tự động xoay, muốn rung nhẹ thì bấm cái nút, giường cũng có thể thay đổi nhiệt độ như cái giường của ông già chủ nhiệm tờ Playboy thì cũng vui thật.

Nhưng tầu lá chuối thì nhiều khi cũng là đủ.

Một người bạn vừa gửi cho xem mấy bức hình chụp chiếc Phantom của hãng Rolls Royce sản xuất được chở từ Anh quốc về Sài Gòn cho một phụ nữ Việt Nam. Chủ nhân trả 1 triệu 300 ngàn đô la để mua nó.

Chủ của chiếc Phantom quả là người chịu chơi. Chịu chơi hơn mấy ông hoàng dầu hỏa, hơn cả Bill Gates, qua mặt luôn nhiều tỉ phú ỏ Mỹ, ở Anh, Pháp, ở khắp thế giới.

Mấy năm trước, nhìn một chiếc Lamborghini đậu ngoài đường ở Hollywood, tôi nghĩ chủ của chiếc xe đã để ngoài đường một vật trị giá bằng ba căn nhà tôi đang ở. Như thế, tối tối trở về nhà, tôi chỉ dùng có khoảng 1/3 của chiếc xe mà đã thấy hạnh phúc vô vàn rồi. Vậy mà người phụ nữ Việt Nam này mang về nhà chiếc Phantom đắt gấp đôi chiếc Lamborghini đó.

Tôi không có điều gì phản đối việc bà làm. Bà có tiền, kiếm được một cách lương thiện, bà làm gì với số tiền đó là tùy bà. Bà thừa tiền để mua chiếc Phantom về lái chơi ở Việt Nam, bà cứ làm. Không ai được quyền có ý kiến.

Tôi không chê chiếc Phantom này. Không lẽ lại là con sói của De La Fontaine đang đói rã họng, nhẩy lên cố đớp chùm nho, nhưng rồi vồ không tới thì quay ra nói "Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu" hay sao?

Không, đó là chùm nho rất ngon, rất ngọt, không xanh, không chua gì. Người phong lưu không có được chùm nho đó thì đi chỗ khác chơi.

Có tiền thì mua cái Phantom để đi. Tại sao không?

Nhưng hỏi tôi có mua nó không thì không. Hồi còn lái chiếc VW Beetle, trên chiếc cản sau, tôi dán cái bumper sticker với hàng chữ: When I grow up, I’ll become a Rolls.

Khi tôi, tức là chiếc VW lớn lên, tôi sẽ thành chiếc Rolls Royce. Nói như vậy để thấy là tôi cũng thích một chiếc Rolls Royce, nếu có được một anh tài xế võ công đầy người như trong một cuốn phim James Bond, lái cho đi khắp nơi thì cũng nên lắm.

Nhưng mua để đem về Việt Nam lái thì không.

Tưởng tượng đang lái đi Hội An thăm phố cổ thì cái xe dở chứng, nhất định không chạy nữa. Mà chuyện dở chứng thì có thể xẩy ra bất cứ với một chiếc xe nào, cũ cũng như mới. Lỡ cái alternator lăn đùng ra thì sao?

Những người thợ sửa xe ở Hội An liệu có biết mở cái nắp máy xe ra không? Mở được rồi, có thấy cái alternator đâu không? Thấy được nó rồi có cái khác để thay cho nó không? Hay phải chờ chuyên viên của Rolls Royce từ Singapore, hay từ Hương Cảng tới sửa?

Lúc ấy làm sao đi Hội An kiếm chỗ ngủ qua đêm? Rồi bao nhiêu ngày sau xe mới sửa xong?

Chao ôi, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

Chi bằng cứ cái 2CV Citroen, cái xe song mã, mui vải cuộn lên như hộp cá Sumaco, tính tình thì lễ phép, đến ngã tư đèn đỏ bao giờ cũng gật đầu chào mấy ông cảnh sát rồi mới chạy. Chao ôi, những buổi tối Sài Gòn mở mui ra, hai đứa con nhẩy đùng đùng ở ghế sau trong lúc trăng sao đầy trời chiếu vào tận trong xe, mùi hoàng lan, mùi dạ lai hương gần công viên con rùa bay vào mà không đã đời hay sao? Hỏng cái gì, cứ ghé công ty Citroen ở đường Lê Thánh Tôn, mở cuốn catalogue ra, chỉ đúng món bị hư là có ngay, lại còn được cho lựa chọn mua đồ "gin" hay đồ Chợ Lớn rẻ bằng một nửa, đem ra sửa ngay tại chỗ mà không khoái ư?

Thế nên tôi vẫn vui với chiếc xe đang đi cho dù nó cũng chẳng ra làm sao cả. Cuối tuần này phải đi kiếm một cái bumper sticker dán vào sau xe chơi. Chiếc bumper sticker với hàng chữ "Don’t laugh, it is paid for!"

Ai ơi xin chớ có cười

Nhất định không cần một chiếc Rolls Royce, đậu đâu cũng được, không sợ cọ quẹt, không sợ nằm đường.

Và nhất là không sợ bị ai ghét cào cho một vạch từ đầu đến cuối xe.

Biết đủ là đủ, chờ đến lúc đủ thì biết đến bao giờ mới đủ?

29-8-2008

GIÁ XĂNG

Người đàn bà làm nghề bán những con lươn ở chợ thì làm gì mà lại bị lôi vào cho xuất hiện trong câu dần dà con mẹ bán lươn? Tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Trong những cuốn từ điển tôi có cũng như những cuốn sách giải thích tục ngữ ca dao tôi đều không tìm thấy câu ấy. Nhưng nghe thì nhất định tôi phải nghe câu ấy rất nhiều lần. Nghe nhiều lần đến nhập tâm từ hơn nửa thế kỷ nay.

Dần dà là từ từ. Những người phụ nữ bán lươn, tôi nghĩ có chậm chạp, dề dà thì cũng chỉ như những người bán hàng khác ngoài chợ là cùng. Bán những con lươn không cần phải vội vã, hối thúc chụp giật. Cửa hàng lươn chắc không khác gì những cửa hàng bán các món khác.

Thế thì tại sao lại dần dà con mẹ bán lươn? Mà dần dà con mẹ bán lươn thực sự ra là gì?

Rõ ràng không có chuyện lề mề, chậm rịt trong công việc. Nhưng tất cả những trường hợp đưa tới phê phán đó đều có nét chậm chạp, từ từ, tàm thực, dần dần, vết dầu loang.

Có khi là ngừng lại một chút, đi lui một hai bước, rồi tiến tới. Ðó là dần dà con mẹ bán lươn.

Hồi tôi mới tới Mỹ, một ga lông xăng thường giá 1 đô la 16. Khi giá leo lên thành 2 đô la, người ta đã kêu rên thảm thiết.

Lúc ấy, ít ai dám nghĩ tới có ngày một ga lông xăng thường là 4 đô la như hiện nay.

Tháng trước, khi xăng lên thành 4 đô la 1 ga lông, thì người ta tưởng như trời đã sập ở đây. Các loại xe lòng máy lớn bán không được, trong khi số bán của các xe nhỏ tăng vọt. Xe gắn máy hai bánh thấy xuất hiện nhiều hơn. Người ta hủy những chuyến đi chơi xa, thay vào đó, dân Mỹ ở nhà, tìm những thú giải trí khác. Tình hình giá xăng đang ảnh hưởng rất mạnh tới cuộc bầu cử năm nay. Các nhà làm luật đòi chính phủ phải có biện pháp để hạ giảm giá xăng.

Nhưng đầu tháng 8, giá dầu thô trên thị trường thình lình giảm xuống. Ðang từ trên 147 đô la 1 thùng trong ngày 11 tháng 7, xăng hạ xuống tới tấp để thành 113 đô la một thùng.

Tại các trạm xăng, con số 4 không còn thấy là giá của 1 ga lông xăng thường nữa. Sáng hôm nay, cây xăng rẻ nhất đề giá 3 đô la 85 xu một ga lông.

Tự nhiên mọi người thấy nhẹ hẳn, vui mừng khi thấy con số 3 trở lại. Mặc dù đó vẫn còn là gần 4 đô la 1 ga lông.

Cả nước Mỹ vui hẳn lên vì xăng xuống dưới 4 đô la.

Nhớ lại giữa năm 2007, khi xăng mới nhích lên quá 3 đô la 1 ga lông, nước Mỹ đã nhốn nháo, các kinh tế gia đưa ra những tiên đoán hết sức đen tối nghe nản lòng vô cùng. Nước Mỹ tưởng chừng như không thể nào sống nổi với giá xăng 3 đô la 1 ga lông.

Vậy mà nay, giá 1 ga lông là gần 4 đô la thì cả nước đã mừng lớn. Các hãng bán xe hơi hy vọng các xe lòng máy lớn không còn bị chê nữa. Thống kê của bộ giao thông cho biết người Mỹ lại bắt đầu dùng xe nhiều hơn. Tuy chưa vượt quá được mức của những tháng đầu năm nay, nhưng rõ ràng là người ta lại lái xe nhiều hơn. Không ai muốn nó lên quá con số 4 nữa. Ðó là dần dà con mẹ bán lươn vậy.

Thôi, cứ 3 đô la cũng được rồi. Hoàn toàn vui vẻ với giá 3 đô la 1 ga lông. Và như vậy, người Mỹ lại chấp nhận sự gia tăng khủng khiếp của giá xăng. Ðang từ 4 đô la 60 một ga lông xăng thường, nay chỉ trả 3 đô la 85 thì phải vui chứ.

Nhưng nghĩ lại coi, hơn một năm trước, cả nước Mỹ nói là không chịu nổi xăng 3 đô la 1 ga lông. Nay thình lình hạ xuống một chút. Thế là lại OK, lại không thấy xót cái ruột nữa. Lại bắt đầu lái xe vòng vòng đi chơi. Lại mua xe với lòng máy lớn, về nhà thấy cái con quái vật vừa bị đổ cho cái tội không biết đâu là xăng, đâu là nước lã thì nay trông lại ngon lành đáng yêu trở lại, không đáng ghét, không tính chạy ra đầu đường vắng, tháo bảng số mang về cho ai muốn lấy thì lấy nữa.

Vậy là dần dà con mẹ bán lươn.

Con mẹ bán lươn có thể làm được rất nhiều thứ ngoài chuyện xăng nhớt.

Mấy đứa bé thường xuyên chơi trò dần dà con mẹ bán lươn với cha mẹ chúng bằng cách thử coi cha mẹ chúng có thể chấp nhận cho chúng nó hư đốn thế nào. Ðòi thức khuya chẳng hạn. Bố của chúng lúc đầu bị cấm ra khỏi nhà sau 9 giờ. Thế là bố chúng nó bèn đi thử đến 12 giờ khuya, 1 giờ sáng coi sao. Thì nhất định là bị mè nheo cả tuần lễ. Nhưng sau đó, bố của chúng về sớm hơn, khoảng 10 giờ rưỡi là không việc gì hết. Ðài phát thanh ở nhà tạm ngưng hoạt động.

Trò này được lôi ra dùng thường xuyên. Những trường hợp như thế, người ta gọi là lờn mặt.

Ở Iraq khi con số binh sĩ Hoa kỳ tử trận lên thành 1 ngàn thì cả nước Mỹ hốt hoảng. Nhưng nay, hỏi thử xem số quân nhân Mỹ thiệt mạng tại Iraq là bao nhiêu thì chắc chắn không có nhiều người biết.

Vụ Georgia cũng thế, thế giới đã quá quen chiến tranh rồi, thêm một vụ nổ súng nữa cũng không thấy lớn lắm. Không có biểu tình phản đối như những vụ Liên Xô mang quân sang Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc đàn áp nổi dậy như trước đây nữa.

Tăng giá xăng, rồi hạ xuống đôi chút thì không lờn mặt ai cả, nhưng đó là dần dà con mẹ bán lươn vậy.

3-10-2008

MỘT ÐOẠN CHIA BUỒN

Hôm qua, một đoạn chia buồn trên một trang báo ở đây đã khiến tôi nghĩ lại một số điều mà trước đây tôi tưởng là chẳng quan trọng bao nhiêu.

Trang cáo phó và chia buồn cũng như những đoạn tin vui trên các trang báo là nguồn lợi tức đáng kể của những tờ báo, đồng thời những chi tiết đọc thấy ở đó cũng là những tin tức về bạn bè quen biết, người còn người mất, ai là bạn của ai, ai là thân nhân của ai vân vân.

Nhưng chính những chi tiết về bạn bè quen biết đó cũng là những điều rất quan trọng với khá nhiều người. Chi tiết ai quen với ai chẳng hạn. Chi tiết đó cho biết bạn bè của người quá cố là những ai. Họ quen biết với người ra đi và tang quyến như thế nào mà tên lại xuất hiện trong danh sách những người chia buồn với gia đình người quá vãng.

Một người bạn của tôi vừa cho thấy chi tiết ấy quan trọng như thế nào. Ông nói một cách không vui rằng ông không biết ai là người cho tên của ông vào cái danh sách ấy. Tôi nhớ lại mấy lần được hỏi là có đồng ý để ghi tên của tôi vào danh sách những người chia buồn cùng tang quyến của vài ba người thì tôi luôn luôn đồng ý và xin đóng góp cho chi phí đăng báo để bao giờ cũng bị từ chối, nói là không bao nhiêu, những đóng góp của danh sách dài đó đã thừa trang trải cho chi phí gửi cho tòa báo.

Tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp như người bạn khi ông điện thoại sáng hôm qua than phiền việc tên của ông bị ghi trong danh sách bạn bè của người ra đi.

Trước đây, tôi vẫn nghĩ thân sơ không quan trọng bao nhiêu, quen biết người vừa nằm xuống ít hay nhiều thì ghi tên của mình vào danh sách không là điều đáng phản đối.

Trở lại chuyện bạn tôi có tên ở danh sách chia buồn. Ông có vẻ rất phiền về chuyện tên của ông bị ghi vào danh sách đó mà không được hỏi trước. Thoạt đầu tôi nghĩ ông là người khó tính. Nhưng nghe ông giải thích, tôi thấy ông là người rất có lý.

Ông nói rằng ông chỉ tiếp xúc với người quá cố vài ba lần trong đời là cùng. Ông và người quá cố không ưa nhau nên trong thòi gian ở cùng thành phố, ông tránh gặp người ấy và người ấy cũng tránh mặt ông. Ðó là chưa kể tới chuyện hai người không những không ưa nhau mà còn ghét nhau là đằng khác.

Ðiều đó nhiều bạn bè biết rõ.

Chuyện một người ra đi là đau buồn cho những người thân trong gia đình và bạn bè. Những đau đớn đó có thể rất lớn. Ai trong chúng ta cũng đã có lần trải qua những mất mát đó.

Nhưng không phải cái chết nào cũng tạo những xúc động và đau đớn.

Mỗi ngày thế giới này có bao nhiêu người ra đi. Có những sự ra đi bình thản, nhẹ nhàng. Có những sự ra đi vô cùng kinh khủng. Những cái chết của vụ đánh bom hôm thứ Bẩy tại Pakistan chẳng hạn. Chết mà xương thịt còn vương vãi khắp một khu đất trước khách sạn Marriott ở Islamabad.

Ðó cũng là những cái chết thương tâm vậy. Chúng ta xem tin truyền hình, đọc trên báo đều biết về những cái chết đó. Nhưng ai trong chúng ta mất ăn mất ngủ mấy ngày về những cái chết ở Pakistan hôm thứ Bẩy? Bảo là đó không thương tâm ư? Có chứ. Như những người đi làm ở Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở New York sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, ra khỏi nhà, chào vợ con, rồi không bao giờ trở lại nữa. Chết như thế cũng bi thảm lắm đấy chứ. Nhưng chúng ta không đăng báo chia buồn, ghi tên trong danh sách những người đau sót về những cái chết đó.

Cứ thấy người chết là lại xúc động thì làm gì còn thì giờ để sống nữa. Hàng trăm ngàn người chết vì nội chiến ở Darfur, ở Ðông Nam Á trong vụ sóng thần, trên đất nước chúng ta ngày nào chẳng xẩy ra những cái chết bi thảm, thương cảm.

Vậy thì sự ra đi của người đàn ông mà bạn tôi biết qua loa cũng không khác gì nhũng cái chết kia. Mức độ bi thảm nhiều khi lại không bằng. Quen biết thì không bao nhiêu. Xúc động, thương tiếc thì chắc không có. Vậy thì cái tên xuất hiện trong danh sách những người chia buồn cùng với tang quyến có thể quả là vô lý như lời bạn tôi nói.

Những người biết rõ về liên hệ giữa hai người đàn ông sẽ đánh dấu hỏi về người sống. Ðại khái là có thật đau khổ, thương tiếc không, hay đó chỉ là đau khổ giả vờ, kịch cỡm. Và đó là lý do bạn tôi không muốn có tên trong danh sách chia buồn trên báo.

Biết đâu người quá cố lại đã có lúc nghĩ như một nhạc sĩ nổi tiếng mới qua đời cách đây mấy năm khi ông căn dặn là không cho một vài ba người đến viếng ông ở nhà quàn?

Lỡ có những căn dặn như thế thì đến nhà quàn đã không tiện, ghi tên của người ấy trong danh sách lại càng không nên là vậy.

7-11-2008

CON HAI

Cách đây khoảng hơn ba tháng, ngươi ta đọc thấy một đoạn nhắn tin như thế này:

Tìm con đi lạc. Con tên là Hai ở đâu về gấp. Cả nhà nhớ con. Ai cũng yêu con. Con muốn gì nhà cũng chiều. Về nhà ngay. Ông bà ai biết cháu ở đâu, xin đưa giúp cháu về nhà. Chúng tôi xin hậu tạ. Khi đi, cháu mặc chiếc áo thun có số 3.

Ðoạn nhắn tin nghe đầy vẻ khẩn khoản. Ðúng là của một gia đình yêu thương và nhớ con. Nhưng có điều không thấy đề rõ họ, chỉ cho biết đứa trẻ đi lạc tên là Hai. Ðặc biệt lại mặc cái áo có số 3 lúc bỏ nhà đi lạc. Nhưng người đọc nghĩ đương sự tự ý đi giang hồ thì đúng hơn. Nó có thể đòi vài ba điều mà gia đình không chịu. Tức mình, nó bỏ đi như nhiều trường hợp đã đọc thấy trong các báo ở trong nước hồi trước năm 1975. Ở trên thì nói là đương sự đi lạc. Nhưng ngay ở câu dưới thì lại thấy có vẻ nó chẳng hề đi lạc gì hết. Nó bỏ nhà đi chơi với bạn bè, hay cũng có thể đi lập tổ ấm với một cậu nào đó. Lớn tồng ngồng mà đi lạc cái nỗi gì. Thế nên đoạn trên thì nói là đi lạc. Ðoạn dưới thì dỗ dành, con muốn gì cũng được, muốn lấy chồng, ngay cả muốn lấy cái đứa cả nhà gọi là cà chớn thì cũng được. Cứ về nhà cái đã. Thế là trẻ lạc nhưng thực ra là tự ý bỏ nhà đi giang hồ lại trở về nhà trong vinh quang, cả nhà chịu thua, hết đường bèn phải nhượng bộ tối đa.

Ðọc những đoạn tin như vậy, ai cũng muốn biết cháu nó có trở về không, hay là cháu từ cha mẹ luôn, vài ba năm sau ẵm con về thăm nhà. Lúc ấy, con mọc răng nói năng gì nữa. Cả nhà lại thua liểng xiểng.

Nhưng cách đây hai hôm, gia đình có con bé tên là Hai đó lại đăng báo cám ơn, nên người ta mới biết con bé tên Hai đó đã trở về bình yên.

Ðoạn tin trên báo viết: Chúng tôi xin cám ơn ân nhân đã dẫn cháu Hai về cho gia đình chúng tôi, lại còn mua cho cháu cái áo mới có số 2 như tên của cháu. Gia đình chúng tôi xin đội ơn.

Thế là đứa con gái tên Hai đi giang hồ một hồi, sau mấy tháng lại về nhà với gia đình. Cả nhà mừng rỡ.

Ôi cái con Hai ấy tưởng không bao giờ gặp lại được nữa thì nay nó lù lù dẫn xác về. Cả nhà mừng mừng tủi tủi, cảnh Kiều trở về nhà sau 15 năm luân lạc chắc cũng chỉ vui được đến như vậy mà thôi.

Ðọc thấy đoạn cám ơn đăng trên báo mà thấy vui trong lòng, vui hộ cho gia đình có con bé Hai giả bộ đi lạc. Nó đi chơi đã đời, chán đi, dừng bước giang hồ, trở về, cả nhà chạy ra mừng, cứ như cảnh Kiều về nhà , gặp lại Vương ông, Vương bà, Vương Quan, Thúy Vân và Kim Trọng không bằng. Kiều lôi đàn ra đánh cho Kim Trọng nghe vài bài cho bõ những ngày cơ cực bên Thuý Vân, rồi này chồng, này mẹ, này cha, này là em ruột, này là em dâu.

Thấy cảnh gia đình người ta vui quá nên người viết bài này liền lấy xe chạy ra đầu đường chơi. Ði qua trạm xăng thì thấy con số 3 ở bảng giá ngày hôm trước đã biến mất, thay thế bằng con số 2 yêu quí. Chao ơi, sao mà giống cảnh gia đình nọ vậy! Cũng như con bé Hai trở về, mặc cái áo có số 2. Cảnh gia đình gặp lại con bé tên Hai là chuyện tuỏng không bao giờ có thể xẩy ra thì có khác gì những con số 2 trên bảng giá của các cây xăng đâu. Cũng con số 2 tưởng như nhất khứ bất phục phản, cảnh tráng sĩ Kinh Kha vác dao sang Tần giết hụt Tần Thủy Hoàng, một đi không trở lại, cả nước Mỹ rên xiết đau khổ vì sự ra đi của nó, con số 2 yêu quí. Giữa tháng 7, giá một thùng dầu thô lên thành 124 đô la, giá xăng leo lên trên 4 đô la 1 ga lông làm điêu đứng không biết bao nhiêu người.

Lúc ấy, các ông chuyên gia về giá dầu còn hăm là đến cuối năm, xăng sẽ lên thành 200 đô la 1 thùng dầu thô, và chúng ta nên sửa soạn tư tưởng để nghĩ tới lúc xăng sẽ lên tới 500 đô la 1 thùng. Lúc ấy, giá mỗi ga lông sẽ thành 15 đô la.

Và người ta tưởng con số 2 sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại tại các trạm xăng nữa. Các trạm xăng cũng tin như thế, một số quăng luôn con số 2 đi, nghĩ là chẳng bao giờ phải đem nó ra dùng nữa. Gia đình con bé Hai thì cũng đã định tặng hết đồ đạc quần áo của nó cho các trung tâm giúp người nghèo như Goodwill, Purple Heart... May sao trong nhà có người cản lại, cản mà cũng không nghĩ là nó trở về nên quần áo của nó vẫn còn nguyên. Nay nó trở về. Hệt như con số 2 trở về với các trạm xăng. Con Hai lúc đi thì mặc cái áo có số 3 như những cầu thủ thể thao. Lúc về, người ta mua cho nó cái áo có số 2, hệt như chuyện giá xăng vậy.

Gia đình con Hai mừng thấy lại được con bé như thế nào thì người Mỹ cũng vui khi thấy lại con số 2 ở các trạm xăng, mặc dù con số 2 đó còn mắc cở, nên vẫn còn kéo theo những con số lẻ đằng sau. Nhưng vậy thì đã sao. Cứ 2 đô la 99 xu 9/10 cũng vẫn còn hơn là cái con số 3 mất dậy nhẩy lên bảng giá xăng từ mấy tháng nay.

Ngó nó, thấy nó mà chỉ sợ nó lại bỏ đi lần nữa.

Cứ như sợ bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.

Số 2 ơi, ở lại đây nhá. Ðừng có bỏ đi nữa. Muốn gì cũng được, miễn là đừng ra đi để cho con số 3 tệ lậu kia thay thế mày nữa. Cũng như con Hai, cháu nhớ ở lại nhà với cha mẹ nhá. Ðừng có bỏ đi đâu hết. Cả nhà sẽ nhớ cháu như câu thơ của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã viết ngày nào: Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. Mà có đi thì cũng nói cho nhà biết một chút. Ðừng có như người thiếu nữ trong thơ Nguyên Sa: Nhưng sao đi mà chẳng bảo gì nhau.

Ði như thế nhất định sẽ để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại. Nhớ ở lại nhá, đừng có đi đâu hết. Có đi, bỏ lại số 1 cũng được. Ðừng có em đi bỏ lại con đường để cho đường xa cỏ dại vô thường nhớ em. Tội lắm.

Chim xa rừng thương cây nhớ cội

Ở lại lâu lâu nhé 2.

10-10-2008

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ÐẾN TA

Giữa lúc những tin tức về cuộc khủng hoảng tài chính được đưa lên hàng đầu trong các bản tin truyền thanh, truyền hìmh cũng như báo chí, thì cái tin ấy bị đẩy vào những trang trong của tờ Los Angeles Times. Nhưng ở Bắc và Nam Hàn, chắc nó phải là tin trang đầu. Ở Việt Nam thì nhất định cái tin ấy không được một giòng trên báo.

Theo tin của tờ Los Angeles Time, mấy hôm trước, tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Cao Ly đã xẩy ra hai vụ đụng độ dữ dội giữa những người đánh cá Trung quốc và hải quân của Bắc và Nam Hàn.

Lực lượng tuần duyên Nam Hàn đã bắt giữ 11 người từ Hoa lục tới đánh cá tại vùng biển thuộc Nam Hàn. Những người đánh cá này đã dùng gậy đánh chết một sĩ quan tuần duyên Nam Hàn khi người này tìm cách leo lên tầu đánh cá của ngư dân Trung quốc.

Cũng trong tuần qua, hải quân Bắc Hàn đã nổ súng vào một tầu đánh cá Trung quốc làm bị thương một người trên tầu.

Theo chính phủ Hán Thành thì trong 4 năm qua, hải quân Nam Hàn đã bắt gặp 1750 tầu Trung quốc đánh cá tại biển của Nam Hàn, vi phạm bản hiệp ước về đánh cá giữa Bắc Kinh và Hán Thành ký năm 2001.

Cái chết của sĩ quan tuần duyên Nam Hàn đã khiến cho báo chí ở Hán Thành đòi chính phủ phải có thái độ với nhà cầm quyền Trung quốc bằng các biện pháp chế tài.

Người ta tin là sẽ có biểu tình của sinh viên chống Trung quốc vi phạm hải phận Nam Hàn.

Nhưng người ta không tin là chính phủ Nam Triều Tiên sẽ bỏ tù những người biểu tình. Cảnh sát Nam Hàn sẽ không xông vào đám biểu tình, cướp lấy các biểu ngữ chống Trung quốc, đòi Trung quốc tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Nam Hàn, đòi Bắc kinh phải bồi thường cho cái chết của viên sĩ quan tuần duyên...

Chính phủ Nam Hàn chắc chắn sẽ không làm những việc đó.

Còn Bắc Hàn thì phải mang ơn Trung quốc biết là bao nhiêu, về những hy sinh của cả trăm ngàn binh sĩ Trung quốc trong trận chiến Cao Ly hồi thập niên 50 khi chí nguyện quân Trung quốc vượt sông Áp Lục tiếp cứu Bắc Hàn lúc ấy đang bị Hoa kỳ đánh cho tơi tả. Không có những hy sinh quí báu đó của các chí nguyện quân Trung quốc thì Bắc Hàn không còn hiện diện nữa.

Ơn lớn như thế mà Kim Nhật Thanh, rồi nay đến Kim Chính Nhật không chịu ký một cái công hàm nào xác nhận chủ quyền của Trung quốc tại mấy cái đảo ở Hoàng Hải. Cũng lại chẳng chịu lén dân chúng Bắc Hàn vẽ lại biên giới ở gần sông Áp Lục, cho đường ranh lấn xuống miền nam một chút.

Trả ơn nhau như thế ư? Không biết xấu hổ khi biết thủ tướng của một quốc gia ở Ðông Nam Á ký một công hàm nhường quách mấy chuỗi đảo ở biển đông và vài cái làng ở quanh khu Bản Giốc cho Trung quốc.

Bọn độc tài ở Hán Thành đã không làm gì để chặn không cho báo chí nói xấu nước bạn Trung quốc. Những cuộc biểu tình mà người ta tin là chắc chắn sẽ diễn ra ở Hán Thành sẽ được để cho tự do diễn ra, không ma trắc, lựu đạn cay, không đưa cảnh sát dã chiến tới bắt gom hết lại về tội chống nước bạn.

Bọn cầm quyền Hán Thành đáng lẽ đã phải xua công an đàn áp thẳng tay những đoàn biểu tình ở Hán Thành như quốc gia Ðông Nam Á nói ở trên khi dẹp những đám biểu tình dám hó hé nói về chuyện mấy chuỗi đảo bị mất vào tay Trung quốc.

Những vụ ngư dân của quốc gia ấy bị tầu đánh cá Trung quốc lao vào đánh đắm hay bị những tầu hải quân Trung quốc nổ súng bắn chìm làm chết cả mấy chục người, thì cái chính phủ của cái quốc gia ấy cũng đâu có làm gì để gây sứt mẻ tình anh em đồng chí môi hở răng lạnh, sông liền sông, núi liền núi...

Bọn côn đồ Nam Hàn còn dám bắt giữ 11 ngư dân Trung quốc gây khó dễ cho các ngư dân hiền lành này chỉ vì họ đi lạc vào hải phận của Nam Hàn rồi lỡ tay đánh chết người.

Bọn Bắc Hàn là một bọn vô ơn bạc nghĩa. Ðược Trung quốc giúp đỡ tận tình đánh người anh em miền nam rồi nay quay súng bắn lại tầu thuyền của Trung quốc.

Cả hai bọn Nam và Bắc Hàn đều là những thứ thổ tả, không đáng làm đầy tớ cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Mẹ kiếp có đứa nói không gì quí hơn độc lập và tự do mà hành động thì khốn kiếp, hèn hạ, đốn mạt và đê tiện như thế đấy.

Ðể lấy sức đục cái tượng Ðức Mẹ đi hay sao?

Bọn Nam Bắc Hàn là chỉ biết đá đáp người ngoài, còn gà cùng một mẹ thì để mặc cho chúng chửi bố mấy thằng Trung quốc lên.

Ðểu không chịu được.

17-10-2008

MADE IN CHINA

Mấy năm trước, trong chuyến đi San Francisco, tôi ghé một tiệm bán kỷ vật ở chân cầu Golden Gate kiếm mua chiếc ly cà phê để đem về bầy trên tủ sách cùng vói những chiếc mua trong các chuyến đi ghé qua những thành phố khác.

Tôi tìm được một cái khá đẹp có vẽ hình cầu Kim Môn, xe cable car, nhưng khi lật cái đáy ly lên xem giá tiền thì thấy một hàng chữ khiến tôi quyết định không mua nữa. Kỷ vật của thành phố San Francisco, có hình vẽ cảnh ở San Francisco, đem chút hơi hướm của thành phố mà tôi nghĩ là có cá tính nhất của nước Mỹ về nhà làm kỷ niệm mà lại có hàng chữ ấy thì không thích hợp chút nào. Ít nhất thì cũng phải là Made In USA nếu không ghi rõ là Made In San Francisco chứ.

Ai đời cái ly cà phê kỷ niệm chuyến đi San Francisco lại được làm ở Trung quốc. Made In China.

Trung quốc thì dính dáng gì tới chuyến đi San Francisco của tôi? Ðịnh mua để thỉnh thoảng ngó lên nhớ chuyến đi lên cái thành phố gió lộng ấy, nhớ chuyến đi trên chiếc cable car leo lên tận những vì sao như một câu hát của bài I Left My Heart In San Francisco, để một hôm nào, có ai đến nhà chơi, kể lại chuyến đi ấy mà cái ly cà phê lại có hàng chữ Made In China thì còn gì chán cho bằng.

Người bạn đến thăm có thể cầm cái ly, lật cái đáy lên, thấy hàng chữ Made In China rồi hỏi về chuyến đi Trung quốc mà tôi chưa bao giờ thực hiện thì sao tiện.

Made In China thì phải sang Trung quốc mang về chứ tại sao lặn lội mấy chuyến xe đi lên San Francisco chỉ để mua cái ly cà phê làm tại Trung quốc.

Mà đem kể chuyện chuyến đi San Francisco thì mấy ai tin khi hàng chữ Made In China chình ình ra ở đáy cốc.

Có ở đáy cốc thì chỉ nên như mấy câu thơ của Quang Dũng:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Chứ đáy cốc kỷ niệm chuyến đi San Francisco mà có hàng chữ Made In China thì nhất định là không nên.

Tôi không mua cái ly cà phê kỷ niệm chuyến đi San Francisco tại cái tiệm ở chân cầu Golden Gate là như thế.

Trong khoảng hai chục năm trở lại đây, người ta thấy càng ngày càng khó kiếm được những thứ sản phẩm làm tại Mỹ. Nhiều hãng Mỹ đem mẫu hàng sang Trung quốc để sản xuất cho rẻ. Và dần dần nước Mỹ biến Trung quốc thành một xưởng máy sản xuất tất cả các thứ người Mỹ cần, từ cái chăn, cái gối trong phòng ngủ đến cái nồi, cái chảo trong bếp, bộ sa lông da trong phòng khách, cái máy VCR, DVD, cái TV đều được làm tại Trung quốc, cái quần, cái áo, đôi giầy, cho chí những cái lốp xe đều mang hàng chữ Made in China.

Thôi thì những thứ làm ở Mỹ, ở các quốc gia Âu châu đắt hơn, khó kiếm, phẩm chất có cao hơn trong khi những thứ sản xuất tại Hoa lục cũng làm được cùng những việc cần làm trong nhà, nhưng lại rẻ và dễ kiếm hơn, thì khuân cái VCR, cái TV, bộ chén đĩa, những con dao, cái nĩa Made In China về nhà dùng cũng chẳng sao.

Những thứ ấy có hàng chữ làm tại Trung quốc thì cũng tạm chấp nhận được đi.

Nhưng năm qua, người ta khám phá ra là nhiều món đồ chơi làm tại Trung quốc có chứa chất chì, trẻ em bỏ vào miệng, máu có thể bị nhiễm độc.

Tin vừa loan ra, thì phản ứng của Trung quốc là chối bay chối biến, phủ nhận những báo cáo nói là sản phẩm của Trung quốc có thể gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu thụ. Nhưng sau đó, một số chó mèo ở Mỹ lăn ra chết vì ăn phải thực phẩm làm tại Trung quốc. Kế đó, những bánh xe làm tại Hoa lục cũng bị coi là không an toàn cho các xe Mỹ.

Không thể cứ bác bỏ mãi được trước những bằng cớ rõ ràng đó, Bắc kinh quay ra trả đũa bằng cách nói là thịt bò của Mỹ không an toàn nên ra lệnh ngưng nhập cảng thịt bò Mỹ.

Trò trẻ con này được đưa ra để bắt chẹt các nước khác dám có ý kiến về các sản phẩm của Hoa lục. Tưởng mọi chuyện có thể qua đi sau vài tháng, thì mới đây, người ta khám phá ra sản phẩm sữa chế tạo tại Trung quốc có chứa một hóa chất độc ở trong có thể gây tử vong cho các em nhỏ. Lần này, nhà cầm quyền Hoa lục, sau khi tìm cách ém nhẹm những tin tức nói về sữa nhiễm độc để tránh tạo ra những hình ảnh không tốt trước ngày diễn ra Thế Vận Hội mùa hè, Trung quốc đã phải nhìn nhận là sữa bột của 22 công ty trong số 175 công ty sản xuất sữa tại Hoa lục có chứa chất melamine. Nhưng Trung quốc cũng nói thêm rằng chỉ có sữa tiêu thụ trong nước mới bị nhiễm độc. Tuy vậy, người ta thấy nhiều sản phẩm khác dùng sữa bột của Trung quốc và sản xuất tại Trung quốc như kẹo, bánh, chocolat cũng có chất melamine.

Trung quốc không thể bưng bít chuyện hơn 50 ngàn trẻ bị bệnh vì uống sữa bột làm tại Trung quốc nữa và phải nhận trách nhiệm. Bắc kinh bắt giữ một số người của các hãng xưởng sản xuất sữa và nói là sẽ cố gắng để các sản phẩm của họ không gây nguy hại cho người dùng. Một số nước mua hàng của Trung quốc cũng tìm thấy các sản phẩm có chất melamine ở trong như Miến Ðiện, Bangladesh, Hương Cảng, Ðài Loan.

Trung quốc tuyên bố thu hồi các sản phẩm này lại để hủy đi.

Nhưng ai dám chắc điều ấy sẽ diễn ra. Khi Trung quốc có thể đưa 2 triệu đôi giầy làm tại Hoa lục nhưng dán nhãn MADE IN ITALY để giả là hàng của Ý đem bán tại Ý như tin tức tuần trước cho thấy, thì tại sao lại không thể có những sản phẩm bị thu hồi được dán cho cái nhãn làm tại Hongkong, Singapore, Hòa Lan, Ðức, Ý... để bán sang các nước không có những hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm hay có nhưng không làm được việc như nước Việt Nam chẳng hạn. Ai sẽ chặn không cho các sản phẩm ấy đi qua Lào Kai, Móng Cái và những tỉnh biên giới miền bắc.

Tội nghiệp các em bé Việt Nam. Ðau đường tiểu, sạn trong thận làm sao chữa đây!

Rồi cha mẹ các em khi phản đối sản phẩm của Trung quốc, chống các sản phẩm này bị công an bắt giữ thì làm sao!

19-12-2008

BA XU

Ðơn vị xu không còn được dùng trong hệ thống tiền tệ của Việt Nam đã lâu lắm. Nhưng tên của đơn vị tiền tệ rất nhỏ và không còn được lưu hành này vẫn tiếp tục theo chúng ta trong lối ăn nói của người Việt cho đến tận ngày hôm nay.

Vì giá trị của đồng xu không bao nhiêu nên cứ cái gì rẻ, hay không đáng kể, chúng ta đem đồng xu ra để đo.

Không một xu dính túi là hết tiền. Hết nhẵn thì nói là không một xu teng trong túi.

Không cho ai một xu là ghét người ấy lắm, cho dù giúp đỡ tối thiểu là 1 xu cũng nhất định không làm.

Trị giá cao hơn của một xu không là hai xu, mà là ba xu. Không biết tại sao lại nhẩy từ 1 xu lên thành ba xu rồi đứng lại đó.

Ba xu trị giá không bao nhiêu. Khi tôi bắt đầu hiểu biết thì những đồng xu không còn được tiêu nữa. Phải đi ngược vài chục năm trước, khoảng đầu thế kỷ 20, thì mới còn những đồng xu, như cảnh tiền bạc ông Tú Trần Tế Xương đã cực tả trong một câu thơ của ông:

Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe

Người dân tộc thiểu số tết đến xuống thành phố du xuân, chắc bán được hàng, chàng gọi cái xe kéo ngồi lên đi xem phố phường. Bị ông Tú nhìn thấy, thế là ông cho ngay vào thơ của ông.

Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe. Cảnh phong lưu ngược đời xã hội nhiễu nhương, giá trị càng ngày càng mất dần đi. Có tiền xu, tiền hào là cũng nhẩy phắt lên xe kéo vênh cái mặt lên.

Nhưng ba xu thời ấy cũng đã không được bao nhiêu giá trị và mãi lực, nên người ta ác ý, chê bai gọi những cuốn sách không hay lắm là tiểu thuyết ba xu. Ba xu ma mua được cuốn sách thì giá trị của cuốn sách không nhiều lắm. Thế là cứ sách dở thành tiểu thuyết ba xu hết.

Giọng hát dở, theo chiều hướng đặt giá như thế, cũng bị đánh giá là giọng ba xu.

Những kiểu nói đó cho đến ngày hôm nay vẫn còn được dùng cho các tác phẩm, sách vở cũng như giọng hát.

Sang đến nước Mỹ, xu lại sống lại. Một đô la trị giá 100 cents. Không lẽ gọi là cent nghe không thuận tai. Thôi thì gọi là xu vậy. Dưới đô la là xu.

Những đồng xu Mỹ mất giá tàn tệ. Có lúc, loại kim khí dùng để đúc những đồng xu này có trị giá còn cao hơn cả những đồng tiền kim loại mang chân dung nhìn nghiêng của tổng thống Abraham Lincoln.

Những đồng xu này không còn ai muốn giữ nữa. Ði phố về, móc trong túi quần lấy hết những đồng tiền kim loại, ném hết vào một cái hũ. Thỉnh thoảng vài ba tuần đem đi đổi lấy tiền giấy tiêu cho đẹp. Không ai muốn giữ những đồng xu nặng mà lại trị giá chẳng bao nhiêu trong túi nữa.

Bực nhất là mua mấy thứ, cộng thêm thuế má vớ vẩn thành 30 đô la 1 xu chẳng hạn. Ðưa tờ giấy 50 đô la thì bị phá nát ra, trả lại 19 đô la 99 xu thì có tức không cơ chứ. Lại phải vác 99 xu đó về nhà ném vào hộc. Thỉnh thoảng có một tiệm để một cái đĩa nhỏ trong đó có mấy đồng xu để nếu có vài ba đồng xu, không muốn mang về nặng túi, thì bỏ lại, và nếu thiếu 1 xu thì lấy trong đĩa đưa cho người tính tiền để khỏi bị phá nát tờ giấy hai chục ra. Chỉ còn có các trạm xăng là còn tiêu những đồng xu này. Nhiều khi, trạm xăng còn tính cả những đơn vị không ai hiểu nổi. Thí dụ 3 đô la 99 xu 9/10. Cái 9/10 này là cái gì? Thôi thì trả cho xong tiền mua bình xăng rồi đi làm chứ đứng đó mà thắc mắc làm gì.

Nhưng mới đây, tôi tự nhiên thấy mình lại quá chú ý vào vài ba xu lẻ. Thay đổi tính tình của tuổi già ư? Chắc cũng có. Nhưng tự nhiên tại sao lại so kè vài ba xu? Thôi chắc là tại vì kinh tế đang khó khăn rồi. Cũng chẳng phải.

Như hôm qua, đổ đầy bình xăng ỏ gần lối lên xa lộ 405 để đi làm, vừa đậy nắp bình xăng lại, ngó sang bên kia đường thì thấy 1 ga lông được bán với giá 1 đô la 86 trong khi trạm xăng vừa đổ là 1 đô la 89.

Phải chi chịu khó nhìn đường xá một chút thì đã thấy trạm xăng bên kia rẻ hơn bên này 3 xu một ga lông không nào.

Tự nhiên thấy bực mình tại sao không chịu để ý. Lái xe vào xa lộ mà lòng còn ấm ức. Ðể tuần tới, khi hết xăng sẽ đến đổ ở trạm xăng bên kia đường. Nhất định không đổ bên này đường nữa.

Và như thế, tự nhiên 3 xu mà gây ra thắc mắc cả buổi sáng.

Từ hơn nửa năm nay, những con số ở các trạm xăng đã làm cho nhiều người mất đi cái thú lái xe. Cứ nhìn những con số 3, rồi số 4 là không ai muốn lái xe đi chơi nữa.

Và nay, xăng đang ở mức dưới 2 đô la thì quay ra khó chịu vì đổ xăng ở cây xăng bên này đường đắt hơn cây xăng bên kia đường.

Nhưng nghĩ lại, thì có là bao nhiêu. Ba xu mà đổ 17 ga lông thì cũng chỉ đắt hơn bên kia có 51 xu thôi mà tại sao lại để cho tâm bị bận như thế.

Năm mươi mốt xu thì làm được gì? Ðể lại trên bàn ăn số tiền tip như thế thì không bao giờ nên trở lại tiệm ăn đó nữa. Năm mươi mốt xu ấy nếu mang về nhà thì cũng lại bị ném vào trong cái hũ thủy tinh góc phòng.

Thôi, cố không nghĩ tới ba xu ấy nữa. Người Mỹ có một câu tục ngữ hay tuyệt: Penny wise, dollar foolish. Tiết kiệm một xu để phung phí 1 đô la.

Dẫu cho là chưa phung phí 1 đô la nhưng cứ thắc mắc mãi về 3 xu thì cũng là điên thật.

24-10-2008

Càng ngày, tôi càng thấy câu nói đùa của người bạn Kampuchea là đúng. Khi tôi nói với ông, một cách đùa nghịch, rằng nước ông chỉ có một người thông minh, đó là ông hoàng Sihanouk, người sống qua được bao nhiêu thăng trầm, đổi thay của thế giới chung quanh và luôn cả ở trong nước của ông. Tôi nói câu đó, không hề có ý chê dân tộc Khmer là những người thiếu thông minh, thua người Việt Nam, dân tộc lúc nào cũng muốn thôn tính xứ chùa tháp của ông.

Người bạn Khmer này nói với tôi rằng đúng như thế, dân Kampchea không thông minh bằng dân Việt, cả nước Kampuchea chỉ có một mình ông Norodom Sihanouk là khôn ngoan. Còn người Miên của ông đều ngu hết. Nhưng nước Việt Nam, ông nói, là một dân tộc rất thông minh thì cả nước mấy chục triệu người lại do một lũ xuẩn động cai trị.

Hình như nhiều người Kamopuchea cũng nghĩ vậy nên câu ông nói, tôi lại cũng nghe được ở một hai người Khmer khác.

Những chuyện mới đây ở vùng bên giới Thái Khmer lại làm tôi nhớ những lời của mấy người bạn Khmer.

Tại biên giới giữa Kampuchea và Thái Lan có một ngôi đền tên là Preah Vihear xây từ gần một ngàn năm. Ðền nằm trên một khu đất mà cả Thái và Kampuchea đều nhận là của mình.

Năm 1962, toà án quốc tế tại The Hague tuyên bố chủ quyền của đền thuộc về Kampuchea. Ðền được xây từ thế kỷ thứ 9 tại vùng đất thuộc đế quốc Khmer hồi đó. Những thay đổi đường ranh sau đó đã có lúc biến ngôi đền này thành một tài sản của Thái. Những tranh chấp giữa hai nước kéo dài đã cả mấy trăm năm nay. Người Thái gọi Preah Vihear là Prasat. Người Pháp, khi cai trị Ðông Dương, đã vẽ lại bản đồ biên giới Thái Kampuchea và đem đền Preah Vihear trở lại với lãnh thổ Kampuchea. Năm 1954, Thái đem quân chiếm Preah Vihear sau khi quân Pháp rút khỏi Kampuchea. Năm 1959, Kampuchea đem vụ tranh chấp nay ra trước tòa án quốc tế và tòa tuyên bố khu đất có đền Preah Vihear thuộc về Kampuchea. Thái vẫn không công nhận chủ quyền Preah Vihear là của Kampuchea.

Những tranh chấp tiếp tục diễn ra suốt từ đó cho đến nay, qua những năm nội chiến ở Kampuchea. Trong những năm chiến tranh, Thái đã giúp Kampuchea rất nhiều từ việc trợ giúp người tị nạn tràn sang Thái đến việc Thái đứng về phe Khmer Ðỏ để chống lại quân đội Việt Nam.

Những tranh chấp về chủ quyền vùng đất này tiếp tục cho đến ngày hôm nay và âm ỉ từ tháng 6 đến nay.

Tuần qua đã xẩy ra đối đầu dữ dội giữa Thái và Kampuchea. Những đối đầu này đã biến thành nổ súng giữa hai bên khiến một số binh sĩ tử trận. Hiện nay, hai bên đã ngồi xuống thương thuyết tránh đổ máu thêm.

Nhưng diễn biến tại biên giới Thái Kampuchea đã làm cho người ta không thể không nghĩ tới những tranh chấp khác trong vùng nhưng cách giải quyết thì có khác.

Khi một số đảo của Việt Nam Cộng Hòa bị Trung quốc chiếm bằng võ lực, thì cái quốc gia miền bắc của vĩ tuyến thứ 17 đã trở thành những con hến. Không mở miệng nói ra được một câu. Trước đó, một ít năm, thủ tướng của cái nước ấy còn ký một công hàm nhìn nhận các đảo ở biển đông là của Trung quốc.

Nói đó là bán nước cũng không đúng, vì bán là trao đổi tiền bạc để lấy hàng hóa. Nếu nói là tặng không các đảo đó cho Trung quốc thì đúng hơn.

Chưa hết, cái quốc gia ấy còn vẽ lại bản đồ, dấu nhẹm không cho dân biết để trao thêm một diện tích khác của họ cho Trung quốc ở biên giới phía bắc.

Rồi khi Bắc kinh tuyên bố biến những đảo ở ngoài khơi là một quận mới của họ, thì quốc gia ấy cũng im như thóc.

Nếu chỉ im mồm không dám lên tiếng thì việc đó cũng đã là quá chó má, khốn nạn rồi. Nhưng cái quốc gia ấy còn đàn áp và cấm đoán cả những người dân bầy tỏ sự phẫn nộ đối với việc làm của Tuung quốc thì chính phủ của cái quốc gia ấy không những không cho phép mà còn đàn áp thẳng tay những người dân yêu nước.

Cái quốc gia ấy là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, quốc gia mà một tu sĩ Thiên Chúa giáo đã phải nói rằng cầm sổ thông hành của quốc gia ấy cấp phát đã làm cho ngài xấu hổ.

Xấu hổ là phải. Thua cả Kampuchea về nỗ lực bảo vệ tổ quốc. Cho dù lấy lại cái đền Preah Vihear ấy thì được bao nhiêu đất. Trong những tranh chấp trước đây, người dân thủ đô Phnom Penh đã tấn công sứ quán và các cơ sở của Thái khiến Thái phải rút các cơ sở đại diện về nước. Còn Bắc kinh thì sau vụ Hoa kỳ oanh tạc sứ quán của họ ở Nam Tư, đã tổ chức biểu tình đập phá sứ quán Mỹ. Những việc đó không bao giờ là những việc tốt đẹp trong thế giới văn minh hiện nay, nhưng lại là những việc làm cần thiết.

Vì ít ra thỉnh thoảng cũng phải du côn một chút như vậy. Chứ im như hến rồi quay ra đánh đập những người dám nói lên thái độ đối với việc tổ quốc bị xâm phạm thì chỉ đó chỉ là hành động của một lũ chó.

31-10-2008

NHẠC ỦY MỊ

Tôi nhận là phải mất khoảng hơn hai chục năm tôi mới thấy những cấm đoán của ông cụ tôi là đúng và hợp lý. Mặc dầu khi nghĩ lại, thì tôi vẫn mấy bài hát bị kiểm duyệt cấm không được hát hồi ấy cũng không có gì quá đáng.

Dâng sóng sầu, đàn ơi ta nhớ xuân nào... Hay gió chiều thầm vương bao nhớ nhung thì đã sao. Những lời ca ấy, mỗi khi đứng chơi một mình ngoài cửa, hát lên cùng với vài ba câu nghe được từ trong cái radio của ông chú ở nhà dưới, hay hai ba câu hát đổi lời nhảm nhí học của mấy người bạn nhỏ ở trường về chuyện gấu ó nhau giữa con chó và con mèo, hai con cắn nhau là tôi lại bị gọi vào nhà mắng cho một trận nên thân. Nào là con còn bé, không được hát những thứ nhạc tình ái, ủy mị đó. Tức làm sao kể được cho hết. Nhưng hệt như văn chương samizdat, văn chương chui ở Nga thời Solzhenitsyn, những bài hát ấy vẫn được hát lén lút mỗi khi không thấy bóng ông bố cho bớt ấm ức.

Cho đến mười mấy năm sau, ở Sài Gòn, khi thấy trên màn ảnh truyền hình một cặp hai đứa bé mặc quần áo nhà binh hét lên em ơi, em ơi chiều nay một trăm phần trăm thì tôi mới thấy quả thật, như lời của ông bố tôi nói, những bài hát ấy không nên được phát ra từ những cái miệng của những đứa bé. Trẻ thơ không được cho sống tuổi những hồn nhiên của chúng thì bậy biết chừng nào.

Ít năm trước đó, một bài hát đưa ra giả thiết là nếu những ước mơ tốt đẹp của hai người không đi đến đâu cũng được chúng tôi đem ra hát, nhưng lời ca sửa đổi đưa ngay ra giải pháp là một gói thuốc chuột. Bài hát được hát để diễu cợt nhiều hơn là lãng mạn tình ái ở cái tuổi còn ở trung học lúc ấy.

Chuyện yêu nhau, không đi tiếp được với nhau con đường của hai người là chuyện quá thường. Không phải ai gặp nhau xong là cũng phải kéo nhau đến nhà thờ cho Thiên Chúa kết hợp, hay đến chùa để Phật chỉ cho con đường hạnh phúc.

Người ta không đi tiếp con đường ấy vì nhiều lý do. Tình cảm thay đổi. Hoàn cảnh sống thay đổi. Con tim của một trong hai người có những thay đổi. Hạnh phúc như Từ Thức mà rồi cũng đến phải chia tay Giáng Hương. Những hạnh phúc bền lâu chỉ thường thấy trong lòng của bà nội, bà ngoại, và toàn là những người lấy vợ dê, lấy vợ cóc, lấy quả thị mới đời đời hạnh phúc với nhau.

Chia tay nhau mỗi người đi một ngả. Chuyện ấy thường quá. Nhưng sáng hôm qua, khi ngày còn mới, bình minh nắng còn rất đẹp, khi ghé một tiệm uống ly cà phê, kiếm cái gì lót dạ thì tôi bị tấn công một trận dã man tàn bạo. Nói theo một người bạn, buổi sáng đang yên lành, bãi biển nước đêm qua rút ra để lại một bãi cát mịn thì một chiếc xe tăng vài chục tấn xấn xổ chạy ào đến, cầy nát.

Không thô bạo như vết xích xe tăng mà người bạn tôi đã ví, nhưng buổi sáng vẫn bị hỏng vì bài hát phát ra từ mấy cái loa của tiệm.

Một giọng hát tôi không thể nhận ra là của ai. Nhưng đó là một giọng đàn ông. Nếu phải dậy cho một người Mỹ hay một người Việt không rành tiếng Việt lắm về ý nghĩa của từ ngữ "giọng hát kêu đường" thi nhất định tôi phải lôi người ấy đến nghe giọng hát của người ca sĩ trình bầy bài hát đó. Nó thê thiết, nức nở và hèn hạ không thể nào tả ra được hết.

Tôi cố gắng nghe lời hát thì hiểu đại khái nàng bỏ chàng đi lấy một cậu nhà giầu nào đó. Chàng liền than thân trách phận, kể lể bị nàng tham tiền bỏ ngãi, để chàng một mình ở lại với trái tim tan nát... Chàng bèn hát rống lên như khóc để thống trách nàng.

Nhạc như thế mới là ủy mị chứ như Cô Láng Giềng khi chàng dừng bước phiêu linh về thăm nhà, hỏi cô có còn nhớ đến chàng không thì đã ăn thua gì.

Ngay cả người đàn ông mà TTKH viết trong mấy bài thơ ấm ớ lúc đan áo, khi về vườn Thanh cũng còn bảnh hơn người đàn ông trong ca khúc ở tiệm phở sáng hôm qua. Nàng lấy chồng, chàng ra đi, đứng bên sông ngóng đò, hình ảnh oai biết là bao nhiêu, cứ như là Dũng trong Ðoạn Tuyệt không bằng, cho nàng điên lên với hình ảnh chàng "Giũ áo phong sương trên gác trọ" chiều cuối năm nhìn thiên hạ đón xuân sang, như trong thơ Thế Lữ, hay buồn bã rót hết chén này sang chén khác, hết đông lại sang tây trong Hồ Trường Nguyễn Bá Trạc chứ kêu đường giống như ngất đi thì làm cái gì.

Phải hăm dọa như trong một ca khúc của Beatles rằng em đập vỡ quả tim của anh, anh sẽ đập nát hết mấy quả tim của các em bé khác mới là hung chứ. Ai đời đau khổ than thở nàng ham tiền bỏ chàng đi theo cậu nhà giầu thì nếu nàng biết, không sợ nàng cười cho thối xác ra hay sao? Cứ đứng đó mà hát vớ vẩn như thế, nàng đi qua thế nào cũng hết hồn chạy về nhà cám ơn ông già bà già đã có quyết định sáng suốt ngăn không cho nàng tiếp tục cuộc tình với thứ người không ra người, ngợm không ra ngợm đó, đàn ông đàn ang mà yếu xìu, bị gái bỏ là khóc nhắng lên chẳng ra làm sao cả.

Bài hát làm hỏng tô phở buổi sáng hôm qua. Ðã mất công chạy sang Mỹ mà còn bị những thứ nhạc cóc nhái tầm bậy tầm bạ như thế từ Việt Nam chạy sang tận đây để hành hạ, làm bẩn buổi sáng ra thì làm sao mà chịu nổi.

Nhạc như thế thì hãy cấm chứ mấy bài tôi hát thời mấy chục năm trước mà đã thấm tháp gì. Nhưng vẫn phải biết ơn ông cụ mắng cho một trận nên mới thấy phải cấm tuyệt thứ nhạc vớ vẩn đó. Trời đánh còn tránh người đang ngồi trước tô phở buổi sáng.

Tôi vẫn không biết ai là người nghe những thứ nhạc nhiếc như vậy.