March 28, 2021

Thư Gửi Bạn Ta 1999

 Hoa Thịnh Ðốn ngày 16 tháng 7 năm 1999

Bạn ta,

Tôi vẫn còn chiếc áo của Banana Republic bạn mua cho tôi hơn 10 năm trước và thỉnh thoảng vẫn lôi nó ra mặc, trong những chuyến đi xa, hay trong những ngày hè nóng như hôm nay.

Như vậy là kích thước của nó và của tôi vẫn không thay đổi từ hơn 10 năm nay. Nó không chật đi hay rộng ra chút nào. Chúng tôi không khó chịu về kích thước của nhau như nhiều cặp khác.

Trong cái hộp đựng nó mà bạn gửi cho tôi, có một tờ giấy nói về chiếc áo mà Banana Republic gọi là correspondent's jacket, áo ký giả, tôi vẫn còn giữ. Ðoạn viết ngắn nói rằng chiếc áo cho người mặc nó nhiều tự do, trong đó có cả tự do di chuyển, những thứ mà các thông tín viên của thông tấn xã TASS và của nhật báo Pravda, hai cơ quan thông tấn của Liên Bang Xô Viết thường không có. Ðoạn văn viết thật khéo khiến người mặc nó, chưa làm báo bao giờ cũng muốn bỏ việc đang làm để đi làm báo, lúc ở Afghanistan bên cạnh những mujahedin trong trận phục kích đoàn quân xa Nga ở đèo Khyber, lúc ở Beirut theo dõi phi cơ Do Thái oanh tạc du kích Hezbollah...

Muốn gọiù là correspondent's jacket hay safari jacket thì nó cũng chỉ là một. Có điều nó phải may bằng kaki mầu cát sa mạc Sahara, 4 túi, có cầu vai để khi đeo chiếc Leica hay chiếc Nikon F-1 khỏi bị tuột, trên túi ngực trái, là những cái túi nhỏ để đựng mấy cuộn phim 35mm, vai bên phải được lót thêm một lớp vải độn bông ở trong để khi gác lên vai, khẩu Remington bắn đạn thủng da voi khỏi làm đau vai Ernest trong những lúc chàng lần mò theo dấu chân bầy sư tử ở Serengeti dưới chân núi Kilimanjaro...

Và cứ mỗi lần mặc nó vào, là lại như nhìn thấy Ernest đứng trong khung cửa sổ của Grand Hotel des Iles Boromeés ở Stresa ngó xuống hồ Maggiore tại Ý, hay khi chàng quì bên cạnh con trâu rừng (Cape buffalo) vừa bắn được trong một chuyến đi săn ở Phi châu, hay khi chàng cúi trên chiếc máy chữ, tay cầm chiếc bút Montblanc hai mầu đen và đỏ hí hoáy sửa bản thảo bằng những chữ trông như những đoạn dây kẽm soắn vào nhau.

Ðặc biệt trong những ngày hôm nay, khi càng ngày những ngày ghi trên cuốn lịch càng nhích lại gần hơn kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của chàng...

Ernest Miller Hemingway, ông già và biển cả, giã từ võ khí, mặt trời cũng mọc, chết lúc xế trưa, bên kia sông trong những lùm cây, tuyết núi Kilimanjaro, chuông gọi hồn ai... ra đời ngày 21 tháng 7 năm 1899. Một viên shot gun tự bắn vào họng năm 1961 biến chàng thành bất tử . Thỉnh thoảng người ta lại tìm thấy một cuốn sách chưa in của chàng: A Moveable Feast, Island In The Stream, và mới đây, True at First Light.

Những thứ chàng đụng tay vào , đều như có ma thuật biến thành những vật được bao nhiêu người yêu mến. Cách viết hết sức giản dị, không một dấu chấm than trong bằng ấy trang sách, những chữ "and" đếm được ở mỗi dòng như kéo, như giữ người đọc ở lại với chàng...

Và luôn cả cái kiểu áo chàng mặc, cũng thành một món thời trang: Hemingway Safari Jacket mà bạn gửi cho tôi.

Trước đây, tôi chỉ nghĩ cái áo đó làm cho đời sống tôi giản dị đi được khá nhiều: không phải ủi cho thẳng nếp, vì Ernest không bao giờ nhà quê như thế. Không thể mặc cái áo đó mà lại còn nguyên hồ cứng sột soạt mỗi lần cử động. Ðể sư tử nghe thấy nhẩy tới vồ chết hay sao? Không ủi là phải.

Vì thế , nó đỡ hẳn cho người đàn ông trung niên việc đứng lom khom loay hoay với cái bàn ủi mỗi lần lôi nó ra mặc.

Nhưng một vài chi tiết trong cuốn tiểu sử Hemingway của Kenneth S. Lynn lại còn có thể khiến cho đời sống của nhiều người đàn ông trung niên giản dị đi rất nhiều hơn thế nữa.

Kenneth S. Lynn kể rằng một lần, Martha Hemingway có việc phải đi xa ít ngày, bà đã phải cẩn thận nhờ một người bạn chăm sóc chồng hộ vài ba ngày. Martha dặn bạn rằng phải để ý ông hề (the big clown) này, nhớ nhắc chàng cạo râu, tắm rửa mỗi khi ra đường... Kenneth S. Lynn viết rằng trong câu dặn dò tuy có nét đùa nghịch trìu mến ở trong, nhưng chuyện Ernest ở dơ lúc đó đã bắt đầu khiến cho Martha phiền hà không ít. Nàng gọi chàng bằng một cái biệt hiệu khác, vừa âu yếm, vừa hơi chút bực bội: "The Pig".

Hemingway ở bẩn.

Chao ơi, sao mà tuyệt diệu như vậy! Không những từ nay, chiếc safari jacket đó không cần phải ủi thẳng nếp (đã làm), mà còn có thể mặc ít nhất 1 tuần không cần giặt.

Ði săn (sư tử, tê giác, trâu rừng) hay đi săn tin thì cái áo có 1 tuần không giặt cũng chẳng sao.

Thế là lại càng có thêm lý do để thích Ernest hơn nữa, ngoài văn chương của chàng.

Bùi Bảo Trúc