March 29, 2021

Giấc mơ gần cuối năm - Khóc một người đi - Khổng thị Thanh-Hương

Giấc mơ gần cuối năm
Khổng thị Thanh-Hương ( Nguồn Thư Viện Sáng Tạo)

bui_bao_truc_6
Nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Khỏang ba giờ sáng ngày hôm nay, Thứ Sáu 30 tháng 12 năm 2016, đúng vào ngày rất đông gia đình, bạn hữu và các khán thính giả cũng như độc giả ái mộ tiễn đưa nhà văn, nhà báo Bùi Bảo Trúc về nơi an nghỉ ngàn thu thì tôi đã được mơ thấy người “một đời với chữ nghĩa”.

Vẫn còn mơ mơ màng màng, tôi cho Adam biết là I just had a dream about Bảo Lâm. Lạ thật! Từ hồi nào tới giờ, ít khi nào tôi gọi nhà văn, bỉnh bút gia Bùi Bảo Trúc là Bảo Lâm. Thế mà trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ tôi gọi ông với một tên mà tôi không hay gọi thường ngày.

Trong giấc mơ ngắn ngủi của tôi, ông Bùi Bảo Trúc nhìn rất trẻ. Trẻ hơn lúc ông mất ít nhất 30 năm. Ông nhìn chưa đến 40. Tóc ông đen nhánh, dầy và bóng, chải ngược ra đằng sau, để lộ một vầng trán thông minh. Trong mơ, tôi không thấy ông đeo kính cận. Ông mặc một chiếc sơ mi ngắn tay và coi rất tráng kiện. Ông ngồi trên một băng ghế, dựa lưng vào vách tường và vai phải thì chạm vào một bức tường khác. Nhìn như chiếc băng ghế đã được kê sát một góc nhà, và ông đã chọn chỗ ngồi sát vách. Chỗ trống bên trái ông không có ai ngồi. Tôi đứng khi nói chuyện với ông.

Ông Bùi Bảo Trúc nhờ tôi gởi cho một phụ nữ 500 đô la. Tôi trả lời là tình trạng tài chánh của tôi hiện giờ không cho phép tôi biếu ai 500 đô la. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng gửi một phần mười món tiền mà ông muốn tôi gởi. Tôi còn cho ông biết là tôi sẽ ký một tấm ngân phiếu 50 đô la, sau khi về tới nhà. Ông Bùi Bảo Trúc hỏi tôi tại sao tôi không ký bây giờ mà phải đợi về nhà mới ký? Tôi cho ông biết là tôi không hề đem theo cuốn checkbook bao giờ, cho nên phải về nhà mới ký check được. Ông gật đầu, chấp thuận.

Trong khi chúng tôi đang nói chuyện về việc gửi tiền cho một người đàn bà đã không được ông nêu tên thì tôi thấy một người đàn ông khác, trạc tuổi với ông Bùi Bảo Trúc (trong mơ,) tiến gần tới nơi ông đang ngồi và đặt người ngồi xuống chỗ trống của băng ghế, đưa cánh tay phải ra quàng lấy vai ông, rồi nói điều gì tôi không nghe được. Tuy nhiên, tôi đã hiểu được là người đàn ông này vừa ngỏ lời chia buồn với nhà báo Bùi Bảo Trúc. Không biết tại sao ông Bùi Bảo Trúc không nói lời cám ơn hay nở một nụ cười mà mặt ông nghiêm lại. Thêm vào đó, ông còn kín đáo nhích người về phía tường, nơi vai ông đã chạm vào bức tường trước đó. Dường như ông muốn tránh né cái quàng tay của người đàn ông nọ. Tiếc thay, mơ tới đây, tôi tỉnh giấc.

Tôi nằm đó, ôn lại những gì vừa mới thấy trong mơ, rồi nhớ tới lời của một cụ tôi quen ngày hôm qua. Cụ cho biết là ông Bùi Bảo Trúc muốn người thân gửi về tặng các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa những gì đóng góp từ độc giả khi họ nhận được một cuốn sách của ông.

Tôi nhớ khi còn sinh thời, ngoài trí nhớ siêu phàm và lòng yêu mến chia sẻ sự hiểu biết bao la của mình cho khán thính gỉa cũng như độc giả, ông Bùi Bảo Trúc còn có lòng bác ái thương những người ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã nơi quê nhà. Những lần ông hô hào giúp đỡ từng trường hợp cá nhân trong chương trình Ngày Này Năm Xưa, ông đều đưọc sự ủng hộ tận tình của rất nhiều người có lòng hảo tâm như ông. Lòng bác ái của ông tiếp tục tồn tại, dù ông nay đã ra người thiên cổ.

Hiện giờ tôi vẫn chưa hiểu ý nghĩa của giấc mơ này. Người đàn bà mà ông muốn tôi giúp 500 đô la là ai, tên gì, ở đâu? Phải chăng bà là một người có thật trên cõi đời hay chỉ là một hình ảnh của bất cứ ai cần được tôi giúp, bất kể hoàn cảnh hay phái tánh? Hay là ông muốn nhắn nhủ tôi điều gì? Các cụ hay nói “sống khôn thác thiêng.” Ông Bùi Bảo Trúc khi sống rất khôn. Tôi tin chắc là sau khi ông thác, ông sẽ thiêng vô cùng. Tôi mong chờ hương hồn nhà báo, nhà bỉnh bút, ký mục gia Bùi Bảo Trúc hướng dẫn tôi tới người đàn bà mà ông muốn giúp. Mong lắm thay.

T.B. Không phải chờ đợi lâu. Chỉ một ngày, sau khi mơ thấy nhà báo Bùi Bảo Trúc, sáng nay sau khi đọc bài “Lễ tưởng niệm ký mục gia Bùi Bảo Trúc” của Ngọc Lan trên Người Việt on-line, tôi chợt hiểu rằng người đàn bà mà ông Bùi Bảo Trúc muốn tôi gửi tiền về trong giấc mơ sáng hôm qua là một qủa phụ điển hình.

Ngọc Lan nhắc đến việc ký mục gia Bùi Bảo Trúc muốn dành toàn bộ số tiền bán sách Chuyện Thật Mà Như Đùa vào quỹ bảo trợ cô nhi quả phụ tại quê nhà.

Khổng thị Thanh-Hương

Khóc một người đi

Khổng thị Thanh-Hương (Nguồn Thư Viện Sáng Tạo)


bui_bao_truc_4
Nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Papaikou, ngày 18 tháng chạp năm 2016

Ông Bảo Lâm kính mến,

Sáng hôm qua, có người quen cho biết ông đã qua đời, dù chưa có tin chính thức. Tôi hy vọng đây chỉ là một tin không thật và mong sao ông vẫn còn trên cõi đời, ít nhất 10 hay mười lăm năm nữa. Tiếc thay, tin ông ra đi vĩnh viễn thật 100%. Hèn chi, trong lần cuối nghe chương trình Ngày Này Năm Xưa (NNNX) tôi nhận thấy giọng của ông có khác thường. Giờ, người nhiều tài năng đã ra đi bất ngờ và qúa sớm!!!

Trước hết, xin ông thứ lỗi cho vì đã mạo muội viết lá thơ này gửi ông, vì cho tới ngày Thứ Sáu 16 tháng 12, chúng ta chỉ gặp nhau một lần trong buổi Hoà Nhạc mừng Sinh Nhật thứ 80 của nhạc sĩ Lê văn Khoa năm nào. Hy vọng khi đọc xong lá thơ này ông sẽ nở nụ cười bao dung và tha thứ cho sự đường đột của một ngưòi ông không hề quen biết.

Tôi không nhớ năm nào, có lẽ vào khoảng 2009 hay 2010, một chị bạn hỏi “Hương có nghe chương trình Ngày Này Năm Xưa trên đài Little Saigon, do ông Bùi Bảo Trúc (BBT) phụ trách?” Tôi trả lời là tôi chưa bao giờ nghe đến ông Bùi Bảo Trúc hay chương trình NNNX. Chị bạn nói “Hương nghe thử vì ông BBT nói giọng Hà Nội chính cống, rành tiếng Hán, cộng với sự hiểu biết bao la như một cuốn Tự Điển Bách Khoa sống.” Thế là sau khi nghe lần đầu, tôi rất thích và đón nghe chương trình NNNX khi có dịp. Ao ước học hỏi thêm nhiều hơn nữa nơi ông, tôi có ý tưởng táo bạo là nếu có dịp, tôi sẽ mời ông đi ăn, hay làm con ruồi đậu đâu đó, chỉ để nghe ông kể chuyện.

Không phài chỉ một mình tôi ái mộ ông mà nhiều bạn tôi cũng ái mộ ông. Một cô em tinh thần nói là mình nên cầu nguyện cho bác Bùi Bảo Trúc sống lâu để học hỏi những điều hay từ bác. Cô bé còn thêm là “mỗi lần nghe bác chửi cộng sản, em “đã” thì thôi!” Tôi đồng ý với em. Ông chống cộng triệt để. Ông chửi những kẻ bán nước thẳng tay. Ông không sợ cộng sản trả thù khi chống đối chế độ độc tài phi nhân của csVN qua ngòi bút hay qua lời nói. Ông không trở về Việt Nam từ ngày toàn thể nước VN yêu qúy bị hoàn toàn nhuộm đỏ. Ngoài ra, ông không sợ ai mất lòng vì ông lên tiếng khi thấy điều trái tai gai mắt. Ông qủa là người công chính. Thế mà tại sao ông ra đi qúa sớm? Ông khôn qúa. Ông bỏ mọi người ra đi khi công danh ông còn đang ở trên đỉnh cao, khi còn rất nhiều người yêu mến.

Dù chỉ được trao đỏi vài câu với ông nhưng qua việc nghe chương trình NNNX trong bao nhiêu năm, tôi không thể không ngậm ngùi, như khi nghe tin một người thân mới mất. Tôi nhớ những câu nói dí dỏm, những giai thoại rất lý thú trong cuộc đời làm việc của ông, khi làm phát ngôn viên cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, lúc làm cho đài VOA, khi ông trả lời thẳng thừng với một nhân viên người Mỹ về một điều gì, giờ tôi đã quên mất. Tôi chỉ nhớ là khi nghe ông kể truyện này, tôi lắc đầu thầm nghĩ, “ông này ba gai qúa!” và phục ông từ đó.

Có lần thắc mắc gì đó, tôi email hỏi ông. Ngày hôm sau, trong chương trình NNNX, ông nói là “có cô hay bà Thanh-Hương hỏi câu này” và trả lời kỹ càng. Tiếc qúa, giờ này không nhớ đã hỏi điều gì. Sau này, khi trả lời câu hỏi của thính giả, ông không hề nêu tên người đặt câu hỏi nữa.

Tháng 11, năm 2013, tôi đi nghe “A Lifetime of Music” cùng với một cô bạn, chương trình hòa nhạc mừng giáo sư Lê Văn Khoa được 80 tuổi. Trong 15 phút giải lao, khi thấy ông cùng với vài người bạn làm cùng Đài Little Saigon, tôi kéo cô bạn tới chào và giới thiệu bạn “cũng người Hà Nội” với ông. Tiếc thay, tôi chưa kịp hỏi ông một vài câu thì có ai kéo ông đi nơi khác.

Sáng nay, khi thức giấc tự dưng tôi nhớ tới sự ra đi vĩnh viễn của ông và bật khóc. Chàng của tôi hỏi có phải em đang nghĩ đến “your radio person”? Tôi gật đầu. Chàng an ủi, cứ khóc để vơi nỗi buồn một người bạn mới ra đi, dù tôi chưa bao giờ thực sự hân hạnh được ở bên trong vòng tròn bạn hữu của ông.

Ngày mồng 1 tháng 4 năm 2015, ông nói ông đích thân nấu món cá nướng da dòn. Tôi cứ muốn hỏi ông nói thật hay đùa, vì một người hay ăn mì gói chan nước mắt thì làm sao biết trổ tài món ăn này?

Gần như lần nào nghe chương trình NNNX, lúc ông cộng tác với Vũ Kiểm hay với Huỳnh Anh và Vân Yên, tôi cũng học được điều mới, từ những câu ông trả lời thính giả thuộc đủ đề tài: về ý nghĩa của những danh từ Hán Việt, về phong tục tập quán cũng như văn hóa Hoa Kỳ, về những điển tích của quê hương mình. Ông nhắc đến những biến cố, sự kiện xẩy ra năm xưa, trùng vào ngày chương trình phát thanh.

Vì muốn giữ lại những gì học được nơi ông, từ năm 2011, tôi ghi xuống 509 điều, từ A tới Y. Giờ này, khi đọc lại những điều này, tôi tạ ơn Chúa vì qua ông tôi học hỏi bao nhiêu điều mới lạ để mở mang kiến thức hạn hẹp của mình. Tiếc thay, một người tử tế, đầy văn chương chữ nghĩa và dí dỏm như ông nay đã ra người thiên cổ!

Không nhờ ông, làm sao tôi biết những điều lý thú như sự tích “thả cá Tháng Tư” là khi cá đẻ trứng vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư (Poisson d’Avril, April’s Fool;) Vương Hồng Sển và Vương Hồng Thanh là một; Vương Quang khác với Dương Quang trong Truyện Kiều. Những tên như Vườn Tao Đàn, Bờ Rô, Vườn Ông Thượng là một. Vũ Hoàng Chương là người đầu tiên phát triển Thư Pháp. Điều lý thú như Vô Tràng Công Tử là một loài cua không có ruột, “Tường đào, ngõ mận” là cửa nhà quan. Giờ tôi biết túi phong lưu là gì, tương tư thảo là gì? Tự tử là con nối dõi; tự kỷ là bipolar; tràn qúy tị (uống nói nhiều), toan về già chứ không phải soan về già; Tiêu phòng: trong phòng bà Hoàng hậu, tiêu được dùng tán nhỏ và bôi lên tường cho thơm. Hành động này được gọi là tiêu đồ.

Nhờ nghe chương trình NNNX mà tôi biết được thuốc lào điếu bát: ngậm vào xe điếu và đóm thuốc lào điếu cầy: ngoài đồng, tre dài, có nước, và thuốc lào điếu ống: ngậm một ngụm nước rồi hút khác nhau ra sao. Qua ông, tôi biết được Thệ Thủy là sự hoá sinh của trời đất tiếp tục, như nước chảy; Tàu tán thuốc là chén xay thuốc, cũng có nghĩa là vét sạch; thanh thiên bạch nhật là cờ Trung Hoa Đài Loan; thăm danh lam thắng cảnh là đi thăm chùa đẹp chứ không phải đi thăm cảnh đó đây; thượng hạng, chứ không phải cao cấp! Nhờ nghe nhũng lời sâu sắc của ông tôi “nghĩ ra” một câu triết lý cùn: “Thành kiến là cái tường cản trở lưu thông dầy nhất trong cuộc sống hằng ngày.”.

Nhờ ông mà tôi biết thêm: Tại ngoại hậu tra chứ không phải tại ngoại hầu tra. Nuôi nấn chứ không phải nuôi nấng. Sau Lê là Lý (Lý Công Uẩn). Sau nhà Lý là nhà Trần. Công chúa nhà Lý chạy sang Cao Ly. Nhà Trần sau đó cũng chạy sang Cao Ly. Đổi họ Trần ra chữ Hán là Bùi. Phi ở trên, Y ở dưới. Phi Y là “Bùi”. Quy thiên, không phải Quy tiên. Phi huỳnh là con đom đóm bay. Phố Da Bà Bầu là từ peau de Mme Enseign.

Ông giỏi chữ Hán. Lang bạt kỳ hồ (Dưới cổ chó sói có lớp da) có nghĩa là tiến thoái lưỡng nan, chứ không phải đi lang thang đây đó; gang tấc là gần vua; kiểm soát khác kiểm sát (giám sát).

Ông giải thích chữ khiêng khem có 3 nghĩa: Đằng trước cửa nhà treo một cành tre chẻ đôi, trong đó gài một thanh củi đang đốt dở. Nghĩa thứ hai: Chiều 30 Tết, đóng cửa không đón khách đến, cho đến sau Giao Thừa. Nghĩa thứ 3: Tục lệ của Quang Ánh.

Ông nói giọng Nam thật là … Nam! Ông hay nói câu “qúa đi mất thôi,” “tầm bậy tầm bạ” khi ám chỉ ai nói điều gì sai, vô căn cứ. Câu “niềm mơ ước thầm kín” và câu “chính hiệu bà Lang Trọc, con nai vàng cũng hay được ông dùng. Đôi khi ông nói lầm Chín-Một-Một khi muốn nhắc đến sự kiện Chín-Mười-Một.

Tôi đâu biết ông Chử Bá Anh (dòng dõi Chữ Đồng Tử) từng sống ở miền Đông nước Mỹ; Đinh Ngọc Mô là bạn nối khố của ông; ông Đào Tiềm chính là Đào Uyên Minh. Những điều lý thú ông chia sẻ như: Ông Điêu Họa Huệ cho hàng xóm ngồi trên lòng sưởi ấm; ông Nguyễn Hưng Quốc, sau khi xong Đại Học đã sang Pháp, được mời dạy học ở Úc và phê bình Văn học rất giỏi; nhóm Ngô Gia Văn Thái in cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí, một tiểu thuyết nói về vua Lê, Chúa Trịnh tới đời Quang Trung (của ông Ngô Thời Sĩ và Ngô thì Nhiệm hay Ngô Thời Nhiệm).

Ngày 2 tháng 5, năm 2006 ông giải thích về nhạc Sến: Nhạc Sến, loại Boléro, nhạc “máy nước”, “sến nương”. Mari Shel (tài tử người Áo) trở thành Mary Sến, nhạc Sến. Ông nhắc đến sự lầm lẫn của cô Phạm thị Hoài (có chồng người Đức) khi nói nhạc Sến từ cô hàng Xén mà ra. Ông qủa quyết nhạc Sến cũng không phải từ “đánh nhạc bằng đàn Sến (cổ nhạc). Ông còn thêm rằng sau này nhạc Sến trở thành nhạc quê hương và khen Tuấn Vũ hát nhạc Sến “qúa hay.” Ông nhắc lại truyện Ngưu Lang Chức Nữ như sau: Khi chưa lập gia đình Chức Nữ (cháu gái Trời – Từ sách Tục Tề Hài Chí) siêng năng việc nữ công. Nhưng khi có chồng lại biếng nhác thêu dệt. Trời phạt chia lià, mỗi năm chỉ được gặp lại một lần ở bến sông Thiên Hà đêm mồng 7 tháng 7.

Qua sự chia sẻ của ông tôi biết được nghĩa tử là nghĩa tận có nghĩa là người con nuôi phản cha mẹ đã nuôi họ; nghe phong thanh chứ không phải nghe phong phanh; ngẫu đoạn tì liên có nghĩa là xa rồi nhưng vẫn còn vương vấn; nền đỉnh chung có nghĩa là nhà quyền qúy có đông người, phải dùng vạc mà nấu ăn, dùng chuông để gọi người ăn cơm (đỉnh là cái vạc, chung là chuông;) môn đương hộ đối chứ không phải môn đăng hộ đối (cửa ngoài vừa hai cánh cửa bên trong;) mệnh phụ phu nhân (có chồng làm quan trong triều.) Không nên gọi ai là phu nhân, vì thời nay không có quan trong triều nữa; lục trầm là chết đắm trên cạn (không hạp tình đời – Trang Tử nói.) Lục có nghĩa là trên cạn, trầm là chìm đắm.

Ông có sự hiểu biết sâu rộng về các loại chiến đấu cơ. Ông còn cho biết Honkey là chữ người Úc gọi người Hungary sang Úc làm việc. Hòa văn là một tên khác của nuớc Nhật. Đồ my là một loại hoa leo như hoa lài kép, lá có nhiều chỉa và gai, như hoa Tường Vi. Hoàng môn là gác ngang cây gỗ, cậy tre, làm cửa ngõ tầm thường, nơi ở của người hèn. Hổ trợ: hai bên cùng giúp nhau. Nếu một bên chỉ nhận giúp mà không giúp lại thì dùng hai chữ trợ giúp.

Những chữ người ta hay dùng sai như hai chữ “xin khiếu” là sai. “Xin kiếu” mới đúng. Vị hôn thê là nói sai, vì “vị” có nghĩa là chưa. Đúng ra phải nói là Hôn thê. Nghiêu khê, nghiêu: núi cao; khê: suối (không phải nhiêu khê); giùm (không phải dùm); giâm là đám mây đen, (không phải dâm); dông tố (không phải giông tố); cái răng cái tắc (không phải cái răng cái tóc); chân nam đá chân chiêu (không phải chân nam đá chân xiêu.) Bốn chữ đối tác chiến lược chỉ nên dùng trong lãnh vực Quân Sự. Khi liên quan đến cả Kinh Tế lẫn Quân Sự thì dùng đối tác toàn diện; đậu hủ (không phải đậu hủ (nát), Công Hàm Ngoại Giao (Diplomatic memos between two countries) chỉ nên dùng giữa hai quốc gia. Giữa hai người thì gọi là Giấy Chứng Nhận Hôn Phu.

Nhờ nghe chương trình NNNX mà tôi biết được con két là một loại vịt, không phải kéc (là một loại chim); con bồ nông là con chàng bè; con chàng chuột là con nhác béng; con chàng niên là con khỉ độc; con chẫu chàng là con ếch; con chim én khác con nhạn; con chim giác ô là con partridge; bỏ đi Tám từ 35 cộng lại là 8; ba vạn chín nghìn là bộ phận của người nữ; ai giới thiệu bạn mình là Chỉ Huy Trưởng Hải Quân nước Lào và nước Thụy Sĩ là “cuội” vì hai quốc gia này không có … biển; bà Trưng Chắc, người Mê Linh có truyền thống nuôi tằm dệt tơ (không phải Trắc); ba vạn tám nghìn tư là vẻ đẹp người phụ nữ; truyện phong tình là tiểu thuyết (romance), thập niên 1950 gọi condom là túi phong lưu 1950. Thập niên 1960 gọi là ông đại sứ.

Những chi tiết trong Lịch Sử như Cố Bỉ Nhu Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, có tượng ở Lăng Cha Cả, bị đập phá bởi csVN sau 1975. Cầu Doumert (Long Biên) bắc ngang sông Hồng Hà.

Thứ Tư 5/4/16 ông cho biết hoa khiên ngưu là dây cát đằng; Lý Thường Kiệt họ Ngô, không phải họ Lý; Vua Lý Nhân Tông viết cuốn Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư; bát học (trốn học) là từ chữ bát phố từ chữ “battre le pavé” (gõ mặt đường) mà ra; cúp cua từ (couper le cours); Banarder có nghĩa là bát phố trên đường Lê Lợi; Catinater là bát phố trên đường Catinat; Đinh Hùng có bài thơ “Khi Mới Nhớn.”

Bây giờ, xin phép ông cho tôi hỏi ông đôi điều. Năm đó, khi thấy trên con đường làng, gần nơi tôi cư ngụ có vài cây Soan. Tôi vui mừng chờ mong hoa nở để hái một cành đem lại đài Little Saigon, nhờ một nhân viên đưa biếu ông. Không biết ông có nhận được? Lần kia, tôi gửi ông bài “Những Người Công Chính” vì thấy ông là người công chính, dám nói lên sự thật, không sợ ai mất lòng. Ông có nhận được? Hay là ông nhận được, nhưng vì bận rộn như Andy Rooney, ông đã không có dịp trả lời?

Vài dòng thăm ông. Hẹn gặp lại một ngày không xa.

Một người ái mộ thương tiếc ông vô cùng!

Khổng thị Thanh-Hương