March 29, 2021

BÙI BẢO TRÚC - ĐỌC THƠ THÁI TÚ HẠP

 BÙI BẢO TRÚC ĐỌC THƠ THÁI TÚ HẠP

“MIỀN YÊU DẤU” mà Thái Tú Hạp nói tới trong tập thơ của ông là Đông Phương, là “bầu trời lấp lánh xanh ngắt những nhớ thương”, những “dấu tích trầm mặc”, là “lá trúc đôi bờ Hương Giang”, là “cõi khuya nghe rụng tiếng đàn Nam Ai”, là “hàng cau lưu luyến nồng vôi cưới”, là “vàng lụa nắng trên tà áo”, là “đường ngôi rẽ đôi miền phù vân”, là “lời xanh biếc ngọc vô thường”, là “đào hoa hương tích mây hoang vắng chiều...”. Những hình ảnh như thế được tìm thấy rải rác ở khắp 65 bài thơ của tập “Miền Yêu Dấu Phương Đông”, tập thơ thứ hai của Thái Tú Hạp, sau tập “Chim Quyên Lạc Ngàn”.

Những bài thơ trong tập thơ mới nhất cho thấy Thái Tú Hạp đã đưa được vào các sáng tác của ông những hình ảnh và không khí mới, cái không khí của mùi trầm hương, của hoa huệ, hoa lan thơm ngát những trang kinh, cái không khí siêu thoát của Thiền, của Phật Giáo cho dù đó là lúc ông nói về cảnh rừng bên ngoài một trại tù:

 

...em còn hái nắng trong vườn trúc

nghe đời như một thoáng hư không

 

Hay một đoạn khác về chuyến đi rời Ban Mê Thuột với những từ ngữ vừa nặng âm hưởng cao nguyên, lại vừa phù du, lãng đãng:

 

 cái buôn cái bản về đâu

cái đau để lại cái sầu mang theo...

 

Thái Tú Hạp thường viết về những nơi chốn, những con đường không có lối về, những chuyến đi không bao giờ thực hiện được, đó là Đông Phương, miền yêu dấu tội nghiệp:

 

trên nhánh sông xưa gầy guộc

trăng soi bóng mình quạnh quẽ tuổi thơ

hoa lá sớm mai gọi mặt trời thức dậy

quê hương trở về cháy rực cõi hư vô...

 

nếu một mai trí tưởng về có thật

bằng cá ngược giòng khe suối cũ yêu thương

tâm có động mười phương thao thức

cõi bình minh rạng rỡ hồn phương đông...

 

Đông Phương miền yêu dấu tội nghiệp của Thái Tú Hạp là đống xương trắng của những người bạn tù ở Kỳ Sơn, Tiên Phước, là chiếc nón thơ ngây ở Điện Bàn, là nỗi nhớ thương “ngàn dặm không phai, nơi yêu dấu mẹ bào thai tình người”. Hãy nghe Thái Tú Hạp nhớ Huế bằng lục bát:

 

...Huế bây giờ, Huế còn thơ

em như lá trúc đôi bờ Hương Giang

Nội Thành chim bỏ đồi trăng

cõi khuya nghe rụng tiếng đàn Nam Ai

 

 Nỗi nhớ thương người ta đọc được ở những tác giả khác có thể được bày tỏ bằng cường độ của ngôn ngữ xử dụng. Ở Thái Tú Hạp, ông dùng nhịp ngũ ngôn buồn bã để nói về nỗi nhớ nhung đó:

 

sáng mở ra hoàn vũ

hoa trúc đào đong đưa

tâm thoáng về đất cũ

rừng lá động chim khua

 

vườn xưa còn nguyệt hạ

giữ thơm tình cổ thư

mưa đời phai ý đá

còn chi nữa chân như

 

em về qua thị xã

trúc đào lẳng lơ bay

hoa sầu chia mấy ngã

trong hồn em thơ ngây

 

chùa quê gầy bóng mẹ

hoàng hôn ngắm trúc đào

máu về đâu trăm cõi

tim mẹ một niềm đau

 

kinh lặng vừng trăng khuyết

chiều tịch mặc đâu đây

phương nào thương cố quận

cho ta về am mây

 

đời giạt trôi viễn xứ

núi sông khói vô thường

bụi hoen giòng mật ngữ

chiều hoang vỡ tà dương

 

trăm năm chừng ghé lại

cõi tạm đầy thương đau

căn nhà xưa quạnh quẽ

trong mắt sầu thiên thu

 

hiên trăng ngàn dặm hỏi

vườn cũ nở bông trang

trong nhau còn hơi thở

trái tim người phương đông

 

tâm động trúc đào bay

gió đùa ngàn mây trắng

em qua vườn có hay

tình ta rơi giọt nắng

 

Thái Tú Hạp viết rất nhiều thơ năm chữ. Thơ năm chữ của ông có một không khí buồn bã, lãng đãng, trôi nổi, bềnh bồng tưởng như thoát hẳn khỏi cái thế giới vật chất của những công án Thiền:

 

không có gì ngọn đỉnh

mây biền biện bay qua

cỏ ngàn năm vách đá

gió hững hờ chia xa

 

không có gì ngọn đỉnh

hoa lá thiên thu nhòa

càn khôn như giọt nước

chảy hoài trong tâm ta...

 

 Phương Đông vẫn như một vầng trăng khi ngẩng đầu nhìn lên là cố hương lại trở về, dắt díu theo những giấc mơ lại về quê hương cũ. Hãy nghe lục bát Thái Tú Hạp:

 

thềm hoa xưa chợt nhớ về

bóng chim quan ải sầu tê tái lòng

nhớ em mùa động thu phong

đào hoa hương tích mây hoang vắng chiều

ta về khua ngõ thiên thu

tìm trong huyền sử lệ từ bi xanh

trăng khuya nằm ngủ lều tranh...

 

Trong tập “Miền Yêu Dấu Phương Đông”, nỗi nhớ về một mối tình, những bài thơ nói về nỗi nhớ đó là những bài hay nhất trong tập. Tình yêu mà ông viết cũng siêu thoát như mùi trầm hương ẩn giữa những trang Hoa Nghiêm:

 

mắt xưa trăng đẫm non ngàn

lời xanh biếc ngọc vô thường yêu em

lá theo tiếp lục đường chim

hồn mai phục giữa Hoa Nghiêm lặng tờ

 

Hay trong một lục bát khác:

 

tình xưa về ngự cõi riêng

đường ngôi em rẽ hai miền phù vân

còn bao nhiêu sóng trong lòng

đổ ra mấy nhánh trăng vàng biển khơi

có không trên ngọn cát bồi

sớm hôm rồi chợt qua đồi cỏ lau

lá xanh biếc núi ngàn sau

cụm hoa còn ngẩn ngơ sầu chia xa

em về hoang tịch đời ta

dấu hương khói muộn nhạt nhòa chân mây

 

Thái Tú Hạp gọi những bài thơ trong cuốn “Miền Yêu Dấu Phương Đông” là “những ngọn nến mùa đông đốt lên để tìm chút nắng ấm của buổi sáng mặt trời rực rỡ thơm ngát trong vườn cây” như ông đã viết trong bài tựa. Những ngọn nến của tháng giêng trong khu vườn của trí tưởng, của “mùa tịnh an” đâm những chồi non có lời chim đậu trên môi:

 

cơn sốt tình mùa đông rụng vỡ

lá lên xanh như ngọc ở đầu non

trong vườn em tháng giêng vừa nẩy lộc

con chim nào vừa hót dễ thương

sầu đã chia xa như con sóng

mùa tịnh an đã nhuốm lửa đêm qua

sáng thức dậy mở hồn trinh thơm ngát

vài cánh hoa lấp lánh hiên nhà

em hãy rót cho ta đôi mắt biếc

lời chim ngoan về đậu trên môi

mùa thanh xuân ngọt ngào cây trái mật

em cho ta hạnh phúc tinh khôi

ta ở đây tâm như giòng sông cũ

khói trầm quen hơi thở quê hương...

 

Miền Yêu Dấu Phương Đông với ngôn ngữ ân cần của lục bát và cảm động của bảy chữ là một tập thơ đáng yêu như phương đông yêu dấu của ông.