March 26, 2021

TƯỞNG NIỆM KÝ MỤC GIA BÙI BẢO TRÚC (1944-2016) - Biên soạn: Phan Anh Dũng

  Nhà Báo Bùi Bảo Trúc Từ Trần

                                               Việt Báo online - 20/12/2016

WESTMINSTER (VB) -- Nhà báo Bùi Bảo Trúc đã từ trần lúc 11:45 tối 16 Tháng 12 năm 2016, tại Bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ở tuổi 72, theo tin của Báo Người Việt và của Đài Little Saigon Radio.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Lan kể với Việt Báo về một kỷ niệm:

“Lan có một kỷ niệm với anh Bùi Bảo Trúc, rất nhiều năm đi uống cà phê, đi ăn với anh, nhưng thỉnh thoảng mới nghe anh nói chuyện nghiêm túc, còn toàn nói nói chuyện đùa giỡn, ví dụ anh kể, "có cô kia tên Châu, tốt nghiệp báo chí nên chảnh với tôi, tôi giả ngu hỏi, how to spell your name, t r a u, right..."

                                      

Câu tiếng Anh nêu trên của nhà báo Bùi Bảo Trúc có thể dịch là:

đánh vần tên của cô thế nào, có phải t r a u, đúng không...

Nhà báo Bùi Bảo Trúc nổi tiếng với lối viết và cách nói chuyện hài hước, dí dỏm, thông minh...

Bản tin Người Việt kể rằng nhà báo Bùi Bảo Trúc, có bút danh khác là Bảo Lâm, sinh năm 1944 tại Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954, học trung học Chu Văn An, Sài Gòn. Ông đi du học tại Tây Tây Lan, về nước năm 1967 làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau đó là phát ngôn viên chính phủ đến năm 1974, rồi được cử qua London làm việc.

Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, khi miền Nam thất thủ, ông từ London qua Canada sống một thời ngắn, rồi sang Washington DC làm việc cho Ban Việt ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Năm 2002, ông rời đài VOA về sống tại Nam California, tiếp tục làm việc tại đài Little Saigon Radio, tuần báo Viet Tide đồng thời là gương mặt quen thuộc trên đài Hồn Việt TV.

Nhà báo Bùi Bảo Trúc nhiều năm viết cho báo Người Việt trong mục Thư Gửi Bạn Ta bằng lối viết dí dỏm được rất nhiều độc giả yêu thích.

Nhà thơ Trần Mộng Tú trong bài viết “Bùi Bảo Trúc, Tài Hoa và Lận Đận” trên Diễn Đàn Thế Kỷ đã ghi nhận:

“...Bùi Bảo Trúc, một đời người với chữ nghĩa. Ở nơi nào anh tới, có truyền thanh, truyền hình, báo chí là có anh cộng tác. Những bài viết của anh được độc giả ưa chuộng tìm đọc nhiều nhất dưới tựa đề “Thư gửi Bạn Ta” Anh viết rất sâu sắc, thông thái, chua chát với đời sống, cười cợt với con người, mắng mỏ kẻ ác, chế diễu Cộng Sản trong suốt bao nhiêu thập niên tung hoành trên báo giấy rồi đến những trang mạng. Chưa có ai viết như anh. Chưa có ai mỗi khi viết, gửi vào bài viết những lầu thông kim cổ như anh. Văn Học Tây Phương, Đông Phương anh thu thập và nhớ rất nhiều. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể mang ra chứng minh trong những bài viết của mình. Độc giả thích thú theo dõi những bài anh viết...

...Chúng ta đọc Thơ anh, đọc những bài viết cho “Thư Gửi Bạn Ta”, chúng ta dễ dàng nhận ra lòng thù ghét Cộng Sản của anh, nhận ra tình yêu quê hương, yêu đất nước Việt Nam của anh. Anh gửi tình yêu đó vào những câu thơ trong bài.”

                  

                                                        Cáo Phó từ Báo Người Việt


           Ký mục gia BÙI BẢO TRÚC (1944 - 2016)

       

Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình. Đi học ở tỉnh Hải Phòng năm 1952, sau lại dời lên Hà Nội vào năm 1953 để theo học Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ. Thời gian này ông cư ngụ ở ngõ Yên Sơn, đối diện với Chùa Bà Ngô, là một ngôi chùa nhỏ kế cận Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ông thường nói ông đã từng có tuổi thơ vui đùa chạy nhẩy trong Văn Miếu với những cây muỗm cây xoài rậm rạp và những con rùa đội bia tiến sĩ ở nơi này.

Năm 1954 ông di cư theo gia đình vào Nam, theo học nốt chương trình bậc Tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, sau đó tiếp tục bậc Trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần, Ban C năm 1963.

Sau đó ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965 để dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.

Thời gian sau ông qua làm việc với Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã.

Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ, mà trong cương vị này, với khả năng Anh ngữ lưu loát, ông đã đối phó với nhiều ký giả ngoại quốc một cách thích đáng và hữu hiệu để bảo vệ lập trường của Việt Nam Cộng Hòa trong tình thế khẩn trương – Hồi đó, do cuộc chiến càng lên cao độ, ký giả ngoại quốc càng hay soi mói, đặt ra nhiều vấn đề.

Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc, và sau biến cố tháng 4-1975, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.

Năm 1977 ông làm việc cho đài VOA ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta cho nhiều báo, được rất đông độc giả tán thưởng.

Ông cũng cộng tác với đài Little Saigon Radio, Hồn Việt TV trong hai chương trình Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn mỗi ngày, và Anh Ngữ Trong Đời Sống hằng tuần.

Sau vài tháng trở bệnh, ông từ giã cõi trần hồi 11:45 pm hôm 16-12-2016 tại Fountain Valley, California.

             Tang Lễ Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc - Saigon News TV

 

                                                      Tang Lễ (youtube)

 


          Tưởng niệm và tiễn biệt ký mục gia Bùi Bảo Trúc
                                     Ngọc Lan/Người Việt - December 30, 2016


Đồng nghiệp và thân hữu đến viếng ký mục gia Bùi Bảo Trúc. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Đúng 5 giờ, khi cơn mưa chiều vừa dứt hạt thì cũng là lúc chương trình lễ tưởng niệm ký mục gia Bùi Bảo Trúc được bắt đầu một cách trang trọng tại phòng số 5 nhà quàn Peek Family, Westminster, với số người tham dự vượt quá sức chứa của gian phòng.

Trong khi những người sau cùng đến thắp hương cho ông lần tìm về chỗ ngồi, Luật Sư Derrick Nguyễn Hoàng Dũng, trong vai trò người dẫn dắt chương trình, bắt đầu giới thiệu về tiểu sử của nhà văn, nhà báo, nhà giáo Bùi Báo Trúc, người mà theo Luật Sư Dũng không chỉ “là một người thông thái, mà còn là người có óc khôi hài, dí dỏm,” “người đã ra đi nhưng để lại cho chúng ta biết bao nhiêu là kỷ niệm.”

Qua những video clip được trình chiếu lại, người tham dự được nghe xướng ngôn viên Quỳnh Anh nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ với người đã cùng cô thực hiện chương trình “Ngày Này Năm Xưa” ghi đậm dấu ấn Bùi Bảo Trúc qua bút danh nhà báo Bảo Lâm; cũng như được nghe những mẫu chuyện thú vị về ông, do cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã kể qua phần phỏng vấn của xướng ngôn viên Ngọc Ân, trong thời gian ông làm việc ở Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi.

Nói về Bùi Bảo Trúc, nữ tài tử Kiều Chinh cho rằng ông là “bậc thầy của chữ nghĩa văn chương.”



Nhà báo Đỗ Quý Toàn nói lời chia buồn cùng gia đình nhà báo Bùi Bảo Trúc. (Hình: Dân Huỳn/Người Việt)

“Anh ít nói, nhưng đã nói thì ra nói. Người ta biết anh như nhà báo, như nhà văn. Nhưng tôi yêu anh như một nhà thơ. ‘Tôi cũng như ông, đời biệt xứ/Trẻ ra đi, già vẫn tha hương/Mấy chục năm buồn trên xứ lạ/Tôi đọc thơ ông nát cả hồn,” bà Kiều Chinh đọc những câu thơ cuối cùng của ông Trúc trong bài “Xa Nhà Đọc Thơ Hạ Tri Chương” như một lời tiễn biệt của người cùng thế hệ tha hương.

Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, trưởng ban Việt Ngữ đài RFA, từ Washington DC cũng bay về đưa tiễn ông, người đã “chọn một nghề đầy khó khăn và sống trọn đời với cái nghiệp khó khăn, đó là nghề phát thanh.”

“Anh Bùi Bảo Trúc thành công tới mức, có lẽ, chính anh cũng không ngờ. Thử tưởng tượng mỗi ngày từ buổi sáng, anh có cơ hội làm bạn với biết bao nhiêu người, ngay cả lúc tối về, cũng lại có biết bao nhiêu người làm bạn với anh, trong suốt bao nhiêu năm trời.”

“Chính vì thế, chúng ta thường nói với nhau rằng Bùi Bảo Trúc là người bạn thân tình nhất của mọi gia đình, chữ thân tình đó phải viết hoa, vì mọi người ai ai cũng đều cần có một người bạn thân, và không mời cũng chẳng gọi, chúng ta may mắn cùng có một người bạn mang tên Bùi Bảo Trúc,” ông Khanh nhận xét.


Nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt tiễn đưa ký mục gia Bùi Bảo Trúc bằng nhạc phẩm “Let It Be.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, người khá gắn bó với ký mục gia Bùi Bảo Trúc, chia sẻ suy nghĩ của mình về người bạn cao niên gói trong ba chữ “Tâm-Tài và Tật.”

Ông nhắc đến những nghĩa cử mà nhà báo Bảo Lâm dành cho những người tranh đấu cho tự do nhân quyền tại quê nhà, cho những người dân nghèo khó gặp phải những nghịch cảnh đau thương trong đời sống.

“Nói về tài thì anh nhiều tài lắm. Kiến thức của anh ‘cực’ rộng trong nhiều lãnh vực. Nhưng anh nhiều tài mà cũng lắm tật nên bị không ít người ghét, vì anh không kiêng dè, không chấp nhận những giả trá hay thói rởm của người khác, nhất là khi liên quan đến ngôn ngữ. Không biết bao nhiêu lần, anh cay nghiệt nói như vỗ vào mặt người khác – ngay cả trên radio, trên mặt báo. ‘Chữ tài liền với chữ tai một vần’ là vậy,” nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói như tâm sự trong buổi tưởng niệm.

Người ta không chỉ biết đến một Bùi Bảo Trúc qua các chương trình phát thanh Little Saigon Radio, trên đài truyền hình Hồn Việt TV, mà người đời còn biết ông qua mục Thư Gửi Bạn Ta trên nhật báo Người Việt. Đây chính là lý do để ông Đỗ Quý Toàn, chủ tịch Hội Đồng Chủ Biên của nhật báo Người Việt, nói về ông, về “mối duyên” của Bùi Bảo Trúc với Người Việt bằng những tình cảm trân quý, tiếc thương. Ông nhắc lại những kỷ niệm gắn bó của người vừa đi xa với những người sáng lập Người Việt từ thủơ còn ở Sài Gòn và trải dài theo năm tháng, sang đến tận quê hương mới.

“Ở tuổi mà chúng tôi gọi là ‘tuổi già giọt lệ như sương’ không thể nào bày tỏ lòng thương tiếc nhiều hơn được, chúng tôi chỉ xin gia đình anh Bùi Bảo Trúc chứng giám cho nỗi thương tiếc của tất cả bạn bè đối với người bạn quý và rất có tài là Bùi Bảo Trúc,” ông chia sẻ.

Nhà văn Bồ Đại Kỳ, một cựu sĩ quan Không Quân VNCH, nhắc đến nét “cười cười” cố hữu của linh hồn “Ngày Này Năm Xưa” và chỉ muốn “mọi người buồn nhưng đừng buồn nhiều vì chưa chắc anh Trúc buồn, mà giờ này có lẽ anh đang ở đâu đó nhìn chúng ta cười cười. Chúc anh bình an nơi miền cực độ.”

Nhà thơ Du Tử Lê, người bạn một thời thân thiết với nhà báo Bùi Bảo Trúc, thì cho rằng, “Nhà báo, nhà văn Bùi Bảo Trúc là một nhân vật ‘ngoại khổ.’ Do đó, sự ra đi của ông, không chỉ là một mất mát lớn cho các cơ quan truyền thông, báo chí ông từng cộng tác mà, còn là một thiệt thòi lớn cho hàng triệu độc giả, thính giả, của ông ở khắp nơi trên thế giới nữa.”

“Sống và làm được những việc ý nghĩa cộng với tài năng như ông, tôi trộm nghĩ, chúng ta không có được nhiều người lắm,” tác giả của “Khúc Thụy Du” kết luận.

Đến viếng nhà báo Bùi Bảo Trúc, MC Đào Đại Dương, bày tỏ, “Cách đây chừng 6-7 năm, khi nhóm The Friends tổ chức một chương trình nhạc chủ đề mang tên Đá Xanh của Lê Uyên Phương, tôi may mắn được làm MC cùng chú trong chương trình đó. Hai thế hệ cùng nhìn âm nhạc qua một lăng kính như thế. Tôi yêu thương, kính trọng kiến thức, sự uyên bác của chú. Tôi học hỏi ở chú rất nhiều và chính sự học hỏi to lớn đó mà tôi có mặt ngày hôm nay.”

Bà Loan Nguyễn, hiện sống ở Anaheim, người biết đến nhà báo Bùi Bảo Trúc từ những ngày còn ở quê nhà, nói trong xúc động, “Anh là người hiểu biết nhiều, rất dí dỏm, lại còn hát hay nữa. Tôi không biết có ai đã từng được nghe anh hát chưa? Như bao nhiêu khán thính giả khác, tôi rất mến mộ anh. Tôi thấy buồn và xem đây là một mất mát lớn khi anh ra đi như vậy. Thật ra 72 tuổi là còn trẻ, còn trẻ lắm. Đúng ra anh phải sống đến 102 tuổi để anh kể chuyện cho thính giả nghe, viết cho độc giả đọc cũng như chia sẻ những hiểu biết vui buồn của anh với mọi người khắp nơi.”

Cũng trong buổi tưởng niệm này, quyển sách mang tên “Chuyện Thật Mà Như Đùa” của tác giả Bùi Bảo Trúc, một tổng hợp của các bài viết “Thư Gửi Bạn Ta,” cũng được nhà xuất bản VietStream phát hành, như thực hiện tâm nguyện cuối đời của ông, “Để lại cho con một gia tài, không bằng viết lại cho con một cuốn sách.” Toàn bộ số tiền bán sách được dành cho quỹ bảo trợ cô nhi quả phụ tại quê nhà.

Chỉ còn trong khoảnh khắc nữa thôi thì thân xác ông sẽ về với cát bụi. Nhưng điều ông đã làm và điều ông có được không phải ai trên đời này cũng đều có được.

Tạm biệt ông, ký mục gia Bùi Bảo Trúc.



Tác phẩm “Chuyện Thật Mà Như Đùa” của Bùi Bảo Trúc được phát hành đúng ngày tưởng niệm, như thực hiện tâm nguyện cuối đời của ông. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

 

                                     Lễ tưởng niệm ký mục gia Bùi Bảo Trúc (Youtube)           

 

 

 

                     

                    

                    

                    

                    

 


             Bao Giờ Chợ Huyện?  - Bài viết của Phạm Thế Định

Cuộc đời vô thường, tin buồn đến ngày hôm qua để có bài viết ngày hôm nay. Báo mạng đưa tin anh Bùi Bảo Trúc vừa từ trần tại California (ngày 16 tháng 12, 2016).  Thế là anh mất sau anh cả tôi nửa năm, anh Trúc sinh năm 1944 thọ 72 tuổi, anh Hãn tôi lớn hơn anh Trúc  2 tuổi, mất ngày 26 tháng 4 năm 2016 vừa qua, thọ 74 tuổi.

Sự ra đi của hai anh trưởng, đối với tôi, là một khúc quanh có thể tạo khuất mờ thêm trong tình bạn giữa hai giòng họ Bùi và Đinh của quê hương Trình Phố, Thái Bình.

0o0

Họ Bùi và họ Đinh quen nhau và thân nhau từ thuở nào, tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn, nên không rõ lắm. Nghe chuyện người lớn kể thoang thoảng và còn đọng trong ký ức, lẫn lộn với mùi nhang ngày giỗ, hay thủy tiên ngày Tết,  sự giao tình dễ đã có từ mấy trăm năm trước. Có lẽ từ thời nhà Lê Trung Hưng, tổ phụ hai họ, nhờ có chút ít công lao kháng Minh, đã được nhà vua cấp đất để khai khẩn.  Nhờ vậy, một số giòng họ Việt cổ (Mường), sinh sống  gần vùng Cẩm Thủy Thanh Hóa cùng thân tộc, đã  đến lập nghiệp tại nhiều nơi trên đất Bắc, trong đó có một vùng sát biển của tỉnh Thái Bình, vùng ấy lúc đó còn có tên là Diêm Phả, sau nhiều năm đổi là Trình Phả vì đất đã lấn biển khá lâu không còn ruộng muối (diêm điền). Thời nhà Nguyễn rồi qua thời Pháp thuộc, với sinh hoạt sầm uất lên, làng lại được đổi tên thành Trình Phố, và nay tên mới dưới thời cộng sản là làng An Ninh.

0o0

Bác Bùi Văn Bảo, thân phụ anh Trúc và cha tôi là bạn “nối khố” với nhau, có lẽ từ thời cả hai vừa biết nói. Tương kính như tân mà vẫn đằm thắm thân tình. Tình bạn vượt qua bao thăng trầm thời sự, mấy lần dâu biển, để ngay cả khi đã luống tuổi gặp lại nhau bên Mỹ, lúc thân mật, hai người cũng vẫn còn nắm tay, xưng nhau là “cậu tớ".

Nhà bác Bảo thuở bé nghe kể phải gọi là hàn vi, trẻ nhỏ vào trời lạnh nhiều lúc phải rúc vào ổ rơm cho đủ ấm. Nhưng bác rất chăm học và hiếu thảo. Bác là dòng cháu gọi cụ Bùi Viện bằng ông (?), tức bác thuộc khoảng đời thứ 10 của họ Bùi Trình Phố.

Chuyện thâm cung bí sử lọt ra ngoài phong phanh cho biết, cụ Bùi Viện vì  bị đám quan lại thủ cựu thời Tự Đức, xàm tấu rằng cụ đã “mạo phạm tội khi quân” chưa có lệnh vua mà đã dám tự ý qua Mỹ, “giả dạng chiếu thư” cầu viện Mỹ đánh Pháp. Nên dù có công, nhưng bị triều đình mật xử trọng tội, phải uống thuốc độc tự tử. Chẳng hiểu vua Tự Đức đóng vai trò gì trong vụ này, sử chỉ chép rằng nhà vua đã có lời phê: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho”. (Hàm ý tự quyết định làm chuyện nước?)

Có lẽ vì “bị triều đình mật xử” nên dù vẫn theo đuổi nghiệp nhà, dòng cụ Bùi Viện qua đến thời bác Bảo không còn đi thi để làm quan nữa, mấy đời theo nho học ruộng đất không có, nên con cháu phải chịu sống nghèo. Sống nghèo dưới cái đình đã được dựng kèo bằng gỗ quí mà cụ Bùi Viện đã tặng cho làng từ rừng cao đem về.

0o0

Sau khi triều đình Huế, dưới áp lực của Pháp, phải bỏ chế độ khoa cử và lối học tiếng Hán, bác Bảo lại có dịp trở lại nghiệp quan trường. Bác và cha tôi cùng lên Hà Nội theo học trường Bưởi. Nhưng bác chỉ học qua brevet (bằng trung học), sau đó vào trường sư phạm rồi khi ra trường được cử lên Thái Nguyên Phú Thọ dạy học. Trong lúc đó cha tôi vẫn ở lại học hết bậc trung học rồi ghi danh học đại học y khoa nhưng bỏ dở, về quê Thái Bình mở trường tư thục Bùi Viện (Trần Lãm).

Vào năm 1946, bác Bảo về Trình Phố làm hiệu trưởng trường tiẻu học công lập cho đến năm 1952; bác cũng nhận lời cha tôi để dậy thêm Việt Văn và Pháp Văn cho trường Bùi Viện.

0o0

Đó là chuyện xưa tích cũ, tôi chỉ nghe hay đọc đâu đó, góp nhặt để tìm hiểu thêm. Nhưng điều gây ảnh hưởng trên cuộc đời tôi và để lại nhiều ấn tượng nhất là tờ báo Tuổi Xanh mà bác Bùi Văn Bảo đã khai sinh và điều hành vào vài năm cuối thời đệ nhất cộng hòa tại miền Nam. Cha tôi cũng đóng góp cho tờ báo dưới tên giáo sư Vi Lô, chuyên về việc dạy toán qua thơ, hay đố vui ông nghĩ ra, theo cách giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chẳng hạn 4 câu thơ sau: (xin xem chú thích)

Một đàn thiếu nữ hái hoa hồng
Mỗi cô hai đóa hai cô không
Mỗi cô một đóa thừa hai đóa
Bó hồng mấy đóa biết hay không?


0o0

Những năm đó, tức chỉ sau chưa tới 7-8 năm di cư vào Nam, bác Bảo đã gây được một sự nghiệp khá giả, và nếu tôi nhớ không lầm, bác đã lập được nhà xuất bản Nhật Tảo cũng như đã sắm được một chiếc xe ô tô, có lẽ một phần nhờ bởi việc người Mỹ có giúp Việt Nam xuất bản một số sách giáo dục nhi đồng. Trong lúc đó, sinh kế gia đình tôi coi như cũng tạm hồi phục, sau khi đã mất gần như sạch nhẵn mọi đất đai của cải ngoài Bắc.

Sau khi tờ Tuổi Xanh được cho ra đời một vài năm, anh Trúc được bác Bảo gửi đến học toán tại nhà tôi. Anh Trúc lúc đó khoảng 15-16 tuổi gì đó, có hai đặc điểm mà tôi còn nhớ, là anh cận rất nặng, và nói lắp cũng nhiều.

Nhà tôi lúc đó ở trong một căn hẻm đường Yên Đổ, cạnh hiên có giàn hoa giấy đỏ, anh Trúc cùng anh cả và anh hai tôi và mấy cô em họ cùng lớp, lợi dụng lúc cha tôi chưa về tới, chơi bắn súng nước inh ỏi như con nít dưới giàn hoa đó.

0o0

Có lẽ nhờ vào nguồn gốc là cháu “người đại sứ” đầu tiên Việt Nam tại Mỹ, anh Trúc có khả năng nói và viết tiếng Anh lưu loát. Sau khi đỗ tú tài hai, anh Trúc được học bổng Colombo đi du học tại Tân Tây Lan, cho đến năm 1967 thì về lại nước.

Vào giai đoạn đó, anh Trúc không đến thăm nhà tôi nữa, dù có thời anh đã là bạn học Chu Văn An với anh thứ hai của tôi, lúc này đã nhập ngũ. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp anh tại đầu ngõ nhà mới dọn về ở hẻm 220 đường Trương Minh Giảng, nhưng cũng chẳng kịp chào hỏi gì nhau. Tôi không nghĩ là anh còn nhớ tôi. Lúc đó có thể anh đến nhà ông Phạm Kế Viêm hay Dương Phục gì đó.  Lúc này anh chạy chiếc xe vespa (hay lambretta?), hay mặc áo trắng ngắn tay kiểu Mỹ, có lúc thắt cravate loại nhỏ mặt, không còn đeo kính cận dầy như cái đáy chai thủy tinh nữa. Đặc biệt nhất là tôi được người quen cho biết rằng anh đã chữa được tật nói lắp, lại giữ chức vụ khá quan trọng trong ngành truyền thông hay ngoại giao.

Cho đến lúc tôi qua Nhật, tình cờ ở chung phòng với anh Sơn, em kế của anh Trúc. Nhưng tôi và anh Sơn ít trao đổi thông tin về bác Bảo và anh Trúc, chỉ biết qua báo chí trong nước là anh Trúc có vẻ thân với Hoàng Đức Nhã, cháu ông Thiệu, và được cử làm phát ngôn viên chính thức của phủ Tổng thống, cho đến khoảng cuối năm 1974, được chuyển qua làm việc tại Luân Đôn.

0o0

Vào những ngày tháng cuối của miền Nam, một số tin tức cho biết anh Trúc đã đào nhiệm và qua Canada di trú. Tai đây đã có anh Th. là em anh Sơn du học qua trước đó nhiều năm.

Có lẽ nhờ vào đó mà anh Sơn và sau đó đại gia đình bác Bảo sau khi vượt biển cũng đến Canada định cư.

0o0

Sự định cư và hội nhập của người Việt trong giai đoạn đầu rất mạnh mẽ và lạc quan. Tôi theo dõi những hoạt động của bác Bùi Văn Bảo và các ông Đinh Thạch Bích, Đào Hữu Dương… trong công việc bảo tồn văn hóa, và tinh thần tự do không cộng sản trong các cộng đồng tại Bắc Mỹ. Bốn câu thơ vào lúc đó được phổ biến mạnh là:

Khắp nẻo non sông bừng khói lửa
Ai người yêu nước động lòng chưa?
 (Phan Bội Châu)



Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ
Đừng lo lũ trẻ kém Anh văn.
 (Bùi Văn Bảo)

Bác Bảo còn nhờ họa sỹ vẽ và cho xuất bản bộ sử Việt bằng tranh, cũng như bảo tồn nhiều băng thơ nhạc Việt Ngữ, vì trong nước vào giai đoạn gọi là “trước đổi mới”, người cộng sản đã phát động chiến dịch đốt sách, hủy diệt văn hóa mà họ cho là “phản động” hay “đồi trụy”, trên thực tế là muốn Mác Xít hóa toàn bộ văn hóa Việt Nam.

Trong lúc đó anh Trúc cũng dời qua Washington DC làm việc trong Ban Việt ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cho mãi đến năm 2002, mới rời đài VOA về sống tại Nam California, tiếp tục làm việc tại đài Little Saigon Radio, tuần báo Viet Tide đồng thời là gương mặt quen thuộc trên đài Hồn Việt TV. Trong lãnh vực văn học, anh Trúc giữ mục “Thư Gửi Bạn Ta” cho báo Người Việt và để lại nhiều ưa thích trong lòng độc giả, qua giọng văn “đặc Bắc Kỳ Chu Văn An” dí dỏm nhiều tình cảm.

0o0

Vào năm 1998, ở Úc, tôi nhận được một lá thư của cha tôi từ Mỹ báo tin “bác Bảo đã mất”, tôi đọc được trong mấy chữ ngắn ngủi đó, biết bao là xót xa, thương cảm và mất mát. Tôi đã nhớ đến khuôn mặt rạng rỡ của cha tôi và của bác Bảo mỗi lúc họ gặp nhau, nhớ đến bộ áo màu nhạt 4 túi mà giai đoạn sung túc bác hay mặc vào dịp Tết, nhớ đến hình ảnh “chợ huyện Trình Phố tại thôn trung”, vẽ qua hồi ức của cha tôi khi kể về tình bạn hai người, nhớ về những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Khuyến đã khóc bạn Dương Khuê của mình:

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai đường lệ rơi


0o0

Sáu năm sau cha tôi từ trần tại quận Cam vào ngày 24 tháng 5 năm 2004.

Trong suốt gần 3 ngày canh quan tài tại nhà quàn, chờ thân bằng quyến thuộc cùng bạn bè, đồng nghiệp và học trò mọi nơi, đến thắp nén nhang chào từ giã lần cuối cha tôi, điều làm tôi cảm động vô cùng là sự có mặt của anh Trúc.

Mặc dù anh bận nhiều việc, nhưng trong cả ba ngày, bắt đầu từ khoảng 9-10 giờ sáng anh đều đến ngồi ngay hàng ghế thứ nhì để cùng dự lễ với gia đình chúng tôi.  Anh tới như một người học trò cũ, như người con một người bạn thân giữ lễ cho gia đình, như một kẻ sĩ trọng luân thường đạo lý, như một người cùng làng cùng gốc, hay một người trưởng họ tôn trọng nếp cũ…, tôi không rõ.

Anh ngồi im lặng ngoại trừ khi phải tiếp chuyện với một số người trong gia đình tôi đến hỏi thăm. Đó cũng là lý do tôi đã không đến trò chuyện lâu cùng anh.

Trên chuyến máy bay dài thênh thang về lại Úc, tôi nghĩ rằng “anh đến và ngồi như chứng tích cho tình bạn lâu bền của hai giòng họ Bùi và Đinh Trình Phố”

0o0

Anh đã mất, nhưng mong rằng chứng tích đó đừng nhạt phai.

Bao giờ chợ Huyện lại vui
Cho bao quá khứ bùi ngùi qua đi


Phạm Thế Định

(19 Dec. 2016)

Chú thích:
(Học sinh đã học đại số, chỉ cần dùng cách hai phương trình hai ẩn số, chọn x là số thiếu nữ, y là số hoa, rồi cân bằng phương trình, là có thể tìm ra số hoa là 8 và có 6 cô tất cả).

   Nam Lộc viết về Bùi Bảo Trúc - Trích trong bài "Món Quà Cuối Năm" (pdf)

                                                       MC Nam Lộc

... Tôi không có cái may mắn được cơ hội làm việc hoặc sinh hoạt gần gũi với Bùi Bảo Trúc, mặc dù anh và tôi luôn thân thiện và tương kính mỗi khi gặp nhau. Tuy nhiên có 3 kỷ niệm nhỏ đối với Trúc mà tôi nhớ mãi. Kỷ niệm đầu tiên cách đây khoảng vài chục năm khi nhà văn Mai Thảo còn sống, trong một buổi vinh danh ông tại Orange County, tôi được ban tổ chức mời lên phát biểu đôi lời về người viết văn nổi tiếng này mà tôi đã may mắn được gặp gỡ, quen biết và đọc tập truyện ngắn đầu tay của ông từ ngày mới di cư vào Nam. Hôm ấy anh Trúc là người điều khiển chương trình, trước giờ khai mạc, vừa gặp tôi, Trúc đã vui vẻ “thông báo”, anh nói “Đêm nay tôi có chuẩn bị những lời giới thiệu Nam Lộc thú vị lắm khi đến phần mời bạn lên nói chuyện”! Anh làm tôi vừa tò mò, vừa nôn nao để nghe anh nói những gì, bởi vì ở Trúc mỗi câu nói là một sự chau chuốt dù không chuẩn bị, là một sự dí dỏm dù rất tự nhiên và cũng có thể ngầm trong đó một điều châm biếm. Thế nhưng bất ngờ đến tiết mục tôi xuất hiện thì người giới thiệu lại là anh Phạm Long. Tôi còn nhớ mãi câu phân trần của Trúc nói với tôi sau đó là “Ơ cái ông PL này nhanh tay thật nhỉ, mình đã dặn rồi! Thôi để lần sau vậy Lộc nhé”. Thế là tôi mất một cơ hội được nghe anh nói về mình trên sân khấu.

Kỷ niệm thứ hai là vào khoảng 10 năm trước đây, tôi nhận lời điều khiển một chương trình nhạc do nữ ca sĩ Lệ Thu thực hiện. Nhưng gần đến ngày tổ chức thì Trung Tâm Asia có lịch trình thu hình mà tôi là MC chính nên cần phải có mặt. Tôi đành năn nỉ chị Lệ Thu cho phép được tìm người thay thế, nói mãi chị mới bằng lòng với điều kiện người đó phải được chị đồng ý. Tôi đề nghị khoảng 4 MCs nổi tiếng khác nhau, nhưng chị đều từ chối, sau cùng chị đồng ý chọn anh Bùi Bảo Trúc, và anh đã hiện diện trong đêm nhạc “Nước Mắt Mùa Thu” năm ấy! 

Kỷ niệm sau cùng xẩy ra cách đây không lâu, chừng một tháng trước mà thôi, khi tôi đang đi trình diễn ở bên Úc, trở về nhận được một lô tin nhắn và “missed call” của Phương Hồng Quế. Tôi gọi lại cho Quế, vừa lên tiếng hỏi “Quế hả, anh NL đây” thì nghe cô thở một tiếng rất dài rồi im lặng một lúc mới nói “Trời ơi, em mừng quá”! Tôi hỏi, sao vậy? Quế bảo “mấy hôm nay cô MK bên LSR bảo em, nghe đồn hình như anh NL vừa qua đời thì phải? Em không tin nên gọi anh liên tục, đã vậy anh lại không trả lời, em càng thêm lo, hôm nay nghe được giọng ông anh em mừng quá”!!! Sau khi tìm hiểu tôi mới được Nguyễn Hữu Công cho biết, tin này do anh Bùi Bảo Trúc nghe từ đâu nên đã “dè dặt thường lệ” chia sẻ với các bạn đồng nghiệp ở trong đài phát thanh. Tôi dự định sẽ ghé thăm anh rồi hỏi thêm về nguồn tin “cá tháng Tư” này, nhưng chưa kịp thì Trúc đã ra đi. Thế là tôi lại mất thêm một cơ hội được nghe anh nói về mình... dưới sân khấu!

Rất tiếc là đúng vào ngày tang lễ anh, tôi phải bay đi shows bên Âu Châu nên không được tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, mà chỉ đành gởi điện thư phân ưu cùng Bùi Bảo Sơn và tang quyến. Nhưng tôi tin rằng, Bùi Bảo Trúc cũng đang mỉm cười ở bên kia thế giới khi biết được đã có hàng vạn điện thư, hàng ngàn bài báo và bao người thương tiếc anh. Vĩnh biệt Bạn Ta!..."

   Thương tiếc Bùi Bảo Trúc - Tạp ghi Huy Phương- December 18, 2016

                                

                 Bùi Bảo Trúc tại tòa soạn Người Việt năm 2015. (Hình: Huy Phương)

Người ta nói, người dậy sớm “có cả thế giới trong tay,” thì tôi cũng xin nói thêm, “biết được tất cả mọi chuyện sớm hơn mọi người.” Cũng vì cái tội dậy trễ, mãi đến 12 giờ trưa Thứ Bảy tôi mới được tin Bùi Bảo Trúc qua đời qua điện thoại của Phan Dụy ở Houston, mà nguồn tin này lại phát xuất từ gia đình Trần Duy Đức, một người ở không xa tôi đến mấy dặm đường.

Đây cũng là một tin khá đột ngột, vì mấy năm nay tôi biết tin Bùi Bảo Trúc mổ tim rồi sau đó được một thời gian, bỗng yếu đi, bỏ rất nhiều sinh hoạt đang thực hiện, qua làn sóng phát thanh thì lúc có lúc không. Ngày trước lúc còn khỏe, chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau ở quán Song Long, rồi Bùi Bảo Trúc bỏ thói quen ngồi quán. Sau này ông không còn đủ sức đến trụ sở của Little Saigon Radio cũng là đài truyền hình Hồn Việt, mà chỉ còn nói chuyện từ nhà với thính giả qua mục “Ngày Này Năm Xưa,” phát thanh mỗi ngày vào lúc 10 sáng, từ California.

Cách đây hai tuần, còn được gặp Bùi Bảo Trúc qua điện thoại, gần đây có ngày mừng nghe tiếng ông trở lại trên đài phát thanh, ngày Thứ Tư, texting với ông câu nhắn, không thấy hồi âm, thì đêm Thứ Sáu, ông đã ra đi. Không ngờ! Hai tiếng “không ngờ” chúng ta vẫn thường dùng, vì chẳng bao giờ hiểu nỗi sự sống sự chết, và biết được lúc nào chúng ta bỏ cuộc đời này ra đi.

Bùi Bảo Trúc ra đi, để lại trong lòng bạn bè, độc giả, thính giả của ông nhiều thương tiếc. Thương là vì chúng ta đã mất đi một người bạn thân tình, tiếc là tiếc cho một con người lịch lãm, tài hoa khó kiếm. Những trang báo, những câu chuyện qua làn sóng phát thanh, những talk show, Bùi Bảo Trúc đang thực hiện trên đài truyền hình, khi ông ra đi, có thể nói là không có người thay thế. Bùi Bảo Trúc uyên bác hay Bùi Bảo Trúc có một trí nhớ tốt cũng là một cách nói. Sách vở và giấy bút không thể nào giúp cho một người “host” trong vòng nửa giờ trên đài phát thanh hay truyền hình làm việc trôi chảy, nếu không có một trí nhớ tốt.

Có trí nhớ tốt chưa đủ, mà người dẫn chương trình dù chúng ta thấy mặt hay chỉ nghe tiếng nói phải có cái duyên dẫn dắt câu chuyện. Trong vòng nửa giờ, người nghe cảm thấy chưa hả dạ thì đã đến giờ tạm biệt, xin hẹn gặp lại chương trình sau, và có cái gì đó để người nghe có thể mong đợi, đến giờ này, ngày mai mở lại chương trình để đón nghe giọng nói thân quen của một chương trình kế tiếp.

Bởi vậy, khi Bùi Bảo Trúc ra đi, chúng tôi thật sự mất một người bạn quý, nhưng tôi hiểu sự mất mát lớn lao khó bù đắp của chương trình “Ngày Này Năm Xưa” của Little Saigon Radio và “Chào Hoàng Hôn” của Hồn Việt TV. Giọng nói và khuôn mặt của Bùi Bảo Trúc đã là một điều gì đó rất quen thuộc, hẹn giờ, với tất cả khán, thính giả của các cơ quan truyền thông rất phổ cập này.

Người ta dùng nhiều danh xưng để nói về Bùi Bảo Trúc, nhà văn, ký mục gia, nhà báo, ký giả, có sự hiểu biết rộng rãi, hay một MC lịch lãm, duyên đáng trên sân khấu. Ông cũng là giáo sư Anh Ngữ tại Hội Việt Mỹ từ năm 1965 và London School ở Sài Gòn của ông Nguyễn Ngọc Linh, nhưng ít ai gọi ông là giáo sư. Đối với ông hai tiếng gọi thân thiết “nhà báo” là đủ: “Nhà báo Bảo Lâm.”

Bùi Bảo Trúc là một người sinh hoạt từ trong nước ra đến ngoài nước, có dịp đi đây đó nhiều, được nhiều người biết và biết đến nhiều người, nhưng không thể dùng tiếng “quảng giao” để nói đến ông, nếu hiểu theo đúng nghĩa “quảng giao” là giao thiệp rộng rãi với nhiều người. Bùi Bảo Trúc có nhiều bạn bè nhưng con số giao tiếp không nhiều, vì ông có một cá tính đặc biệt, kiêng nể ai thì thấy rõ, nhưng ghét bỏ ai thì cũng ra mặt. Đối với Bùi Bảo Trúc, không có chữ “xuề xòa,” không phải ai cũng là người ông vui vẻ bắt tay xã giao, kiểu “quảng giao” cho xong chuyện, “chín bỏ làm mười,” mà “thương ai thì nói rằng thương, ghét ai thì nói rằng ghét,” dù đó là một kẻ thù chính trị khác ranh giới hay cả một người ông vẫn thường gặp ngoài đường, hay trong sở làm.

Có lần, trong một tiệm ăn, một bác sĩ “dược thảo,” chưa quen biết gì, đã bước đến bàn ăn của Bùi Bảo Trúc, ngỏ lời nhờ ông đứng ra quảng cáo giúp cho thương vụ bán thuốc của mình, ông đã đáp lại rất nặng lời, những lời mà tôi nghĩ không tiện ghi lại ở đây. Bùi Bảo Trúc là vậy!

Đó là xấu tốt phân minh, thiện ác rõ ràng, qua lối viết của ông. Khi ghét ông dùng chữ rất thậm tệ, khi thương kính ông không tiếc lời trang trọng. Bùi Bảo Trúc thường công nhận lối viết của ông không “hiền,” là rạch ròi, nếu cần dùng chữ nghĩa để diễn đạt ý nghĩ và tâm tính của ông.

Bởi vậy, ông có nhiều người thương mà cũng không thiếu người ghét, ngay cả khi ông mất, còn có người theo đuổi kê kích ông.

Trên đời, người đào hoa và hào hoa chưa hẳn là người có hạnh phúc. Bùi Bảo Trúc không nằm trong những người có biệt lệ. Trong sinh hoạt thường ngày, ông vẫn nhận mình là người “cơm hàng cháo chợ,” ăn uống thất thường, không có người thân sống gần bên cạnh, có lẽ vì như vậy, mà lúc đã luống tuổi, sức khỏe ông giảm sút rất nhanh.

Có những câu chuyện xảy ra trong đời, mà Bùi Bảo Trúc cảm thấy ray rứt khôn nguôi, hối hận, xem đây như là những chuyện sai lầm nhất của cuộc đời mình. Một người sống như thế làm sao có thể là một con người hạnh phúc trên đời này được.

Trong những ngày cuối đời, thấy Bùi Bảo Trúc không được vui. Một người thân thiết với ông, qua dòng nước mắt, đã nói với chúng tôi rằng, Bùi Bảo Trúc thấy không còn tha thiết với cuộc sống này nữa. Vậy cuối cùng, thì sự ra đi cũng là ý muốn của ông.

Bùi Bảo Trúc ơi! Mong ông đừng chấp trách, phiền lòng, ông thích nói thật thì nhớ đến ông hôm nay, tôi cũng nói sự thật mọi điều.

Bùi Bảo Trúc đã không còn ở trên đời này nữa! Bùi Bảo Trúc ra đi rồi thật sao!

Thất thập cổ lai hy! Mới bước qua ngưỡng cửa “thất thập” chưa bao lâu mà ông đã bỏ anh em ra đi. Cái chết của Bùi Bảo Trúc không phải là non yểu mà cũng là một cái chết sớm, vì ông còn những việc đang làm và phải làm. Vẫn biết sống chết là lẽ vô thường, nhưng sao cái chết của ông làm cho chúng tôi ngậm ngùi khôn xiết.

Chung quanh đây người ta đang rộn ràng chuẩn bị đón Giáng Sinh và Năm Mới, mà Bùi Bảo Trúc lại vẫy tay từ biệt cuộc đời. Hình như đối với những người luống tuổi, những ngày cuối năm không bao giờ là những ngày vui. Rồi sẽ còn ai nữa, sắp bỏ “cuộc chơi?”

Sáng mai này, thức dậy, rất nhiều người theo thói quen mở đài phát thanh hay đài truyền hình, sẽ nhớ nhiều đến ông.

Thôi, “Bạn Ta!” Xin đừng nói lời vĩnh biệt!

Người xưa nói, cái chết như trở về đi trên con đường làng xưa! Ông đã được trở về, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về thôi!

 

TƯỞNG NHỚ BÙI BẢO TRÚC - Huy Phương & Ngọc Lan, Người Việt on-line thực hiện:  Phần 1   Phần 2


             THƯ GỬI BẠN TA của BÙI BẢO TRÚC
                                                     http://thuguibanta.blogspot.com/  

                                                    


August 26, 2016
CÁO PHÓ

Tôi không nhớ đã đọc cái cáo phó đầu tiên hồi nào nhưng chắc không phải ở Hà Nội. Hồi ấy (trước năm 1954) ở Hà Nội chỉ có hai tờ nhật báo là tờ Tia Sáng và tờ Giang Sơn mà tôi (mới biết "đọc báo" ) cầm chúng lên, ở tuổi lên 8 hay lên 9, tôi chỉ thích xem những bức hí họa của hai họa sĩ Mạnh Quỳnh và Dzuy Nhất cùng với những truyện bằng tranh mà phòng thông tin Hoa Kỳ cung cấp cho các báo này, trong đó có một truyện tuyên truyền chống Cộng rất hấp dẫn của George Orwell, Trại Thú Vật (Animal Farm). Thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đọc những bản tin về chiến sự và nhờ đó, biết lơ mơ về những trận đánh ở Na Sản, Cánh Đồng Chum, Điện Biên Phủ, rồi hội chợ ở Bờ Hồ, đức Quốc Trưởng Bảo Đại đi đâu, làm gì... Nhưng những mẩu cáo phó thì không và cũng vì hình như chúng rất ít thì phải. Ngay hồi chú tôi tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu năm 1954 gia đình tôi cũng không đăng cáo phó trên hai tờ Tia Sáng và Giang Sơn ở Hà Nội. Có lẽ phải tới khi vào Sài Gòn khoảng cuối những năm 50 tôi mới đọc những thứ tin này.

Tôi không biết những tờ báo tiên phong của nền báo chí Việt Nam có đăng những cáo phó không, nhưng khi tôi biết đọc "nhựt trình" thì chúng đã có rồi, khoảng những năm cuối của thập niên 50 ở Sài Gòn. Rất tiếc cụ Vương Hồng Sển không còn nữa để hỏi cụ.

Phải tới khoảng giữa những năm 50 tôi mới tìm đọc chúng. Cáo phó là thông báo về sự qua đời của một người mà gia đình của người đó muốn gửi tới bạn bè và quyến thuộc. Nhưng chúng được viết theo một lối văn đặc biệt không biết ai là người đầu tiên viết xuống để sau đó được những người khác viết theo. Có thể trong lúc tang gia bối rối, gia đình không có thì giờ cho câu cú văn chương để viết mẩu tin thông báo chuyện buồn của gia đình. Thế là cứ theo những cáo phó đã đọc thấy trước và viết lại. Chính vì thế mà tôi tìm đọc chúng trên những tờ báo hồi ấy. Và cũng đó mà lần đầu tiên tôi biết những từ ngữ như vãng sinh miền cực lạc, qui tiên, phiêu diêu nơi tiên cảnh, hưởng nhan Thánh Chúa...
Bẵng đi mấy năm không ở trong nước, không đọc báo Việt ngữ, đến khi đọc lại báo chí trong nước, thì bỗng một hôm đọc thấy tên một người bạn cũ thời trung học. Người bạn này nhập ngũ sau khi hỏng kỳ thi tú tài. Sau đó thỉnh thoảng chàng trở lại trường thăm bạn bè. Có người đùa chúc chàng sớm vinh thăng lon mới. Và ít lâu sau, chàng được vinh thăng thật. Rồi xuất hiện trong những cáo phó những từ ngữ mới như truy thăng, anh dũng hy sinh, truy tặng bảo quốc huân chương với nhành dương liễu...

Thế là những mẩu cáo phó lại nghe khác hẳn những cáo phó vẫn đọc được trước đó. Và cũng từ đó, tôi chú ý đọc chúng thường hơn. Đó là trong những buổi chiều tan sở ngồi ở một quán cà phê đọc mấy tờ báo vừa phát hành. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt thì những trang cáo phó càng nhiều tên tuổi hơn. Và tuổi tác của người chết cũng gần với tôi nhiều hơn. Có những người hơn hai hay ba tuổi, có những người bằng tuổi và có những người thua vài tuổi. Có những người chưa vợ con và có những người để lại mấy đứa con còn rất nhỏ. Đó là những mẩu cáo phó của thời chiến. Cuộc chiến càng dữ dội cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 thi những cáo phó như thế càng đọc thấy nhiều hơn. Tuổi của những người ra đi cũng xấp xỉ tuổi của tôi hồi ấy.

Rồi bẵng đi một vài năm sống ở Mỹ, tôi bỗng thấy trong những tin cáo phó đọc thấy trên mấy tờ báo Việt ngữ, tuổi tác của những người ra đi rất gần với tuổi của mình trong hoàn cảnh không còn chiến tranh tang tóc nữa. Lác đác không còn nhiều những trướng hợp hưởng dương dưới 50 tuổi nữa mà đã được coi là hưởng thọ nghĩa là đã sống được trên tuổi 50. Rồi thoắt một cái, những cái tuổi trên 60 cũng ập tới, và nay, những tuổi trên 70 cũng trở thành rất thường. Thỉnh thoảng lại thấy tên một người bạn vừa gặp vài tháng trước.

Nhưng vẫn có một cách viết cáo phó tôi thấy rất kỳ lạ. Đó là những câu như "... đau đớn báo tin XYZ đã được Chúa gọi về..."Tôi nghĩ là được Chúa gọi về phải là một hạnh phúc, môt ân sủng thì tại sao gia đình phải đau đớn ? Tôi có đem hỏi một linh mục thì được ngài cho biết nói như vậy là không đúng. Chúa không bao giờ muốn con của người phải chịu những khổ đau. Nhưng một bữa tôi đã bị một người đàn ông phản bác kịch liệt nói rằng bài báo tôi viết đề cập tới chuyện đó là xúc phạm tới tôn giáo của ông và tôi hoàn toàn sai lầm mặc dù tôi có dẫn lờì của linh mục T.Q.T. nay đã khuất.

Mấy chục năm đọc những cáo phó từ khi những người ra đi hơn tuổi, rồi bằng tuổi và nay là những người ít tuổi hơn có khi cả chục tuổi. Một ông bạn tôi tuần trước viết cho cái e-mail và kết bằng câu "Chẳng cũng khoái ư!"

Nghe cứ như Nguyễn Hiến Lê dịch Lâm Ngữ Đường vậy.



September 18, 2015
NỖI BUỒN PHÂY BÚC (facebook)

Là người ngồi trước cái computer mỗi ngày một khoảng thời gian lâu hơn ngó mặt … người thật, tôi phải nói ngay và thú nhận ở đây rằng tôi rất chậm tiến và rất nhà quê về facebook. Trò chơi này đã có mặt từ cả hơn một chục năm, nó đã đi tới khắp hang cùng ngõ hẻm, tận rừng già Phi châu, đã về tận Việt Nam, tới cả những nơi chó ăn đá, gà ăn muối, luôn cả những nơi tôi không có thể ngờ tới… đến nỗi nó đã trở thành “thân thương” và được gọi thân mật (?) là phây búc thì cho mãi tới gần đây, tôi vẫn không biết gì về nó.

Đủ mọi loại người đã dùng nó cho đủ mọi thứ việc, đủ mọi thứ chuyện, như làm quen với nhau, thông tin với nhau, kể cho nhau về đủ mọi thứ chuyện trong đời sống, trăm thứ bà dằn không thể nào kể ra cho hết được. Làm quen nhau, biết nhau, tìm gặp nhau, hò hẹn nhau, rồi đè ra cưỡng hiếp ngay sự quen biết (mới) đó, rồi đem sự quen biết (mới ấy ) bán vào những ổ điếm như đã nhiều lần báo chí trong nước loan tin. Hay rủ nhau ra trước cổng trường thanh toán vài ba chuyện bất bình rồi nhờ bạn dùng điện thoại smart phone thu hình lột quần áo của nhau, đăng lên phây búc cho cả năm châu bốn biển coi chung cho biết. Thì trong lúc đó, con người cù lần này vẫn không biết gì về phây búc.

Con người cù lần vẫn tiếp tục đi cạnh cuộc đời, vẫn ái ân lạt lẽo của … phây búc. Cho đến tận cuối tháng 8 của năm 2015, hôm tôi đến thăm một người bạn và phải nuốt một cục tự ái to tổ chảng, bẽn lẽn thú nhận là chưa có phây búc, cũng không biết phây búc là gì. Người bạn hỏi là có muốn có phây búc không rồi khi được trả lời là có, thì người bạn hỏi thêm dăm ba câu về thân thế, về cuộc đời ái tình và sự nghiệp (không huy hoàng mấy), và những ngón tay thoăn thoắt của nàng lập cho tôi một phây búc cho đỡ mắc cở với bạn bè.

Nhờ đó, tôi hiểu ngay tại sao chung quanh tôi, ở đâu ai cũng chăm chú ngó vào cái màn ảnh nhỏ xíu, ngón tay lúc thì gạt, lúc thì chọc chọc vào cái màn hình. Ngay cả những cô bé chú bé nhỏ xíu cũng thoăn thắt những ngón tay trên những chiếc smart phone.

Và từ hôm ấy, gần hai tháng nay, đời sống của tôi cũng có những thay đổi. Tôi phải nạp thêm điện vào điện thoại mỗi ngày hai lần thay vì một lần như trước. Lý do là thời gian mà tôi ngó vào cái điện thoại rõ ràng là đã gia tăng. Thời gian nhìn vào cái computer giảm bớt đi nhiều. Nhưng vừa có phây búc thì tôi liền thấy mình nộ khí xung thiên ngay lập tức. Dựa trên mấy chi tiết bạn tôi cung cấp, phây búc liền ghi xuống một chi tiết tôi không bao giờ đồng ý và cung cấp. Phây búc tự tiện cho tôi là người của thành phố Hồ Chí Minh! Chi tiết này khiến tôi phải lập tức sử dụng ngay những chữ chửi thề tục tĩu nhất trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt để nói rõ tôi không bao giờ, không một ngày nào sống ở cái thành phố mang tên một thằng bồi tầu rồi chính cái thằng ấy lại trở thành một thằng bồi Tầu (!).

Nhưng tôi bắt đầu ghiền phây búc từ lúc nào không biết. Thỉnh thoảng, nói đúng ra là cứ vài ba phút, tự nhiên tôi lại mở phây búc ra, check vài ba cái trang của mấy hãng tin, dăm ba người bạn xem có gì mới không. Hầu hết những lần như thế thì cũng chẳng có gì mới. Nhưng chuyện mở phây búc trở thành một thói quen, một hành động vô thức: tôi mở ra không vì một lý do gì hết.
Tự nhiên những chuyện ấm ớ đập vào mắt, bất kể tôi có đi kiếm hay không. Có những chuyện hoàn toàn vô bổ có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu người quan tâm hay muốn biết. Một cái sinh nhật, một món ăn vừa được thưởng thức, một cái áo mới, một quen biết tình cờ mới gặp lại, một đứa con, một đứa cháu mới ra đời, một chuyến đi mới thực hiện…Những chuyện đó được “bốt” lên phây búc thì cũng chẳng sao, cũng chẳng gây phiền não cho bất cứ ai. Nhiều khi những chuyện đó lại làm được việc thông báo một số chuyện về những quen biết lâu không gặp hay không có tin tức.

Thế nhưng nhiều khi phây búc cũng lại rất vô tình. Cũng không thể trách những vô tình đó được. Phây búc nhận được gì thì “bốt” lên cái ấy. Nhất là những cái ấy lại được gửi tới bằng tiếng Việt. Có bao nhiêu người biết tiếng Việt trong số hơn một ngàn bẩy trăm người làm việc cho phây búc. Hơn nữa làm sao đọc hết được hàng tỉ phây búc mỗi ngày. Thí dụ một bản tin về một người bị một tai nạn mất hết khuôn mặt, mắt mũi, hay về một phụ nữ trẻ bị vẩy nến vừa qua đời… rồi ngay phía dưới là những bức ảnh của một phụ nữ uốn éo với những trang phục rất đẹp mời đi dự một party sang trọng…

Đồng ý là phê búc không có lỗi trong những chuyện như thế. Mà thật ra cũng chẳng phải là những cái lỗi nào hết. Chúng ta vẫn phải sống đời sống của chúng ta bất kể những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh. Không một ai có lỗi cả.
Nhưng những chuyện như thế vẫn xẩy ra. Đó là những chuyện rất là obscene, chữ mà tôi không biết dịch sang tiếng Việt ra làm sao.

Đọc mấy trang phây búc này bỗng chán đời không thể tả được. Thà không có trang phây búc còn hơn.

December 12, 2014
KIÊNG TÊN

Tin mới đây từ Bình Nhưỡng cho biết nhà cầm quyền nước này đã ban hành lệnh cấm dân chúng Bắc Triều Tiên dùng tên của Kim Chính Ân, lãnh tụ tối cao, đồng thời cũng còn là đương kim bí thư thứ nhất đảng Lao Động, chủ tịch thứ nhất Hội Đồng Quốc Phòng, chủ tịch Quân Uỷ Trung Ương, nguyên soái Bắc Triều Tiên, đặt cho con cái.

Như thế, trò kiêng tên lãnh tụ tưởng như không một quốc gia văn minh, dân chủ nào trên thế giới ngày nay còn làm nữa thì ở cái nước nằm ở phía bắc vĩ tuyến 38 và phía nam sông Áp Lục vẫn có đứa làm.

Dưới thời Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Chính Ân và dưới thời Kim Chính Nhật, cha của Ân, người ta cũng không thấy có cái luật lạc hậu đó. Theo luật này thì những người dân Bắc Triều Tiên nào lỡ có tên là Chính Ân thì phải đổi tên, khai sinh lại, không được dùng tên Chính Ân nữa. Và từ nay, các trẻ mới sinh sẽ không được mang tên là Chính Ân. Không biết những biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng cho các vụ vi phạm. Nhưng chắc luật kiêng tên sẽ không ảnh hưởng tới những người dân Bắc Triều Tiên xưa nay vẫn khinh bỉ ông cháu nhà thằng ranh con Kim Chính Ân. Thử hỏi những người cha và những người mẹ tỉnh táo và biết suy nghĩ nào lại muốn cho con cái của mình đeo cái tên ấy vào đầu để cả đời bị khinh ghét và nguyền rủa, dẫu cho sự khinh ghét và nguyền rủa đó phải được làm một cách kín đáo nếu không muốn có cái nơi cư trú mãn đời tại một trong hàng trăm cái trại tù gulaq kiểu Stalin mà cái chế độ khốn nạn của thằng ranh con Kim Chính Ân vẫn còn tiếp tục duy trì ở Bắc Triều Tiên.

Luật kiêng húy đó chắc chỉ ảnh hưởng tới những đứa tay đầy mùi bi, mũi mầu nâu (brown nosers) suốt đời nịnh bợ ông cháu nhà thằng ranh con, trót dại dùng cái tên lãnh tụ đặt cho con cháu để thỏa mãn thú tính, cho bõ những ngày cơ cực, thì nay bị cấm làm chuyện nâng bi, dụi, cạ (?) mũi vào những khu vực nhậy cảm (?) của lãnh tụ mới là đau. Muốn nịnh lãnh tụ thân thương (?) một tí tẹo cũng không được thì có chán không cơ chứ!

Tưởng tượng mang cái tên đó, ra đường được tung hô, kính mến chưa chắc đã thấy, thay vào đó, lại là những lời nguyền rủa tục tĩu kinh hoàng nhất thì độc lập tự do hạnh phúc (?) cái chỗ nào. Thế nên chỉ có những thứ chó dại ấy là đau hơn cả.

Nhưng nhìn lại thì thấy coi vậy mà Việt Nam vẫn còn khá hơn Bắc Triều Tiên rất nhiều. Dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, người Việt thoải mái trong chuyện đặt tên con cái, chẳng phải kiêng tên lãnh tụ nào hết. Muốn Diệm là có Diệm, muốn Thiệu là có Thiệu. Cũng may hai ông tổng thống này tên tuổi đều đẹp cả. Có đặt cho con cái những cái tên ấy thì chúng cũng không đến nỗi xấu hổ.

Tuần này đọc báo trong nước, không ít người đã ngỡ ngàng khi đọc thấy một cái tên mới nổi lên ở Việt Nam. Một phụ nữ trẻ vừa được bầu làm hoa hậu. Cô có một cái tên rất đặc biệt, trùng tên với một phụ nữ rất nổi tiếng ở cả trong nước lẫn ở hải ngoại. Cô trùng họ đã đành. Họ Nguyễn thì rất nhiều người có. Họ Nguyễn là họ đông nhất Việt Nam. Cô lại có tới hai cái tên lót rất kỳ cục (?) cũng trùng với người phụ nữ nổi tiếng ở hải ngoại. Và tên của cô cũng trùng luôn để tất cả tên họ của cô, bốn chữ, giống hệt như tên người phụ nữ kia.

Nhiều người đã phải đọc bản tin về tân hoa hậu Việt Nam đến cả mấy lần mới tin đó là tên thật của cô. Tôi phải xem đi xem lại mấy bức ảnh trong báo mới tin hoa hậu mới của Việt Nam có cái tên ít người có ấy.

Chuyện cô hoa hậu mới của Việt Nam mang cái tên khai sinh ấy khiến tôi nghĩ tới hai chuyện.

Thứ nhất là cái tên ấy, nhất là hai cái tên lót luôn luôn làm phát sinh ra những tình cảm khinh ghét cũng có, thù hận cũng có ở nhiều người Việt Nam. Trên dưới hai chục năm trước mà đem cái tên ấy đặt cho con mình thì người cha, người mẹ ấy quả là liều mạng.

Trong khung cảnh cái tên ấy còn bị khinh bỉ và thù ghét mà cho con gái của mình mang cái tên ấy thì nếu không phải là người điên cũng phải là ngu lắm.

Ngu là vì người cố tình dùng một cái tên đã nổi tiếng đó đặt cho con vì muốn con mình giống người phụ nữ kia. Người cha đó có còn cá tính không? Tôi nghĩ là không. Người có cá tính thì không muốn giống hay bắt chước một người nào khác. Tôi nghĩ có thể cảm thông nếu chuyện đặt tên đó mang kỳ vọng đứa con sau này sẽ thành một người tốt đẹp như người có cái tên được đặt cho đứa bé. Thiếu gì người được đặt tên là Hưng Đạo, Khánh Dư, Quốc Toản… Nhưng có ai được cho mang tên Long Đĩnh, Chiêu Thống, Ích Tắc… đâu.

Thứ hai là thái độ của những người trong nước khi nghe cái tên ấy mà không làm gì thì cũng lạ. Có phải là Việt Nam ngày nay đã cởi mở hơn một chút nên người phụ nữ trẻ kia ở trong nước mới giữ được cái tên gốc gác rất phản động mà cũng chẳng hay ho gì mà lại còn trở thành hoa hậu Việt Nam.

Hay có phải đó chỉ là phần thưởng cho một người đã trở về với bọn khốn nạn ở Hà Nội?


DUYÊN DÁNG VIỆT NAM

Vài ba chương trình mà người ta xem được do Việt Nam sản xuất và đưa ra hải ngoại có cái tên nghe rất đẹp: Duyên Dáng Việt Nam.
Tôi tin là bao giờ thì rồi sẽ vẫn có một Việt Nam rất đẹp. Bao giờ cũng sẽ vẫn có một Việt Nam duyên dáng và tươi đẹp của quan họ Bắc Ninh, của hò mái đầy trên sông Hương, của bài ca nghe tiếng trống nhớ chồng, mà ông già Cao Văn Lầu viết trong một đêm canh lúa ngoài đồng Nam bộ.

Nhưng cũng có những người không thấy được những cái đẹp, những cái duyên dáng đó… em chưa hát ca dao một lần, em chỉ thấy quê hương căm hờn… (Trịnh Công Sơn).

Một cuốn phim nhan đề Nông Dân Hiện Đại của Đại Hàn cũng có nhắc tới Việt Nam. Những đoạn đối thoại đề cập tới Việt Nam này, theo nhiều người, chỉ nghe qua cũng thấy hình ảnh Việt Nam không được tốt đẹp lắm dưới mắt của người Hàn. Tôi chưa xem nguyên cuốn phim đó nhưng theo những người đã xem và kể lại thì một nhân vật trong cuốn phim, vì có một đời sống không mấy gương mẫu, đã bị mẹ quở trách bằng một câu có đề cập tới người Việt Nam.

Câu đối thoại ấy thực ra cũng không phải là một câu nói nặng, lời nói thậm từ mang tính cách nhục mạ phụ nữ Việt. Mẹ người thanh niên trong cuốn phim nói với con rằng nếu anh ta cứ rượu chè tối ngày như thế thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được vợ đâu.
Câu nói chỉ có thế. Không biết trong phim còn có những câu nào khác nặng nề hơn hay không. Chắc là không vì mấy tờ báo khác cũng chỉ trích dẫn có một câu ấy. Tôi không nghĩ đó là một câu nói quá nặng. Nặng đến nỗi theo tờ Tuổi Trẻ, cả ngàn người đã thấy “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã khi thấy cuốn phim Hàn quốc đánh giá cô dâu Việt Nam rẻ như bèo”.

Nếu tỉnh táo một chút thì người ta không nghĩ như thế. Câu nói của bà mẹ khuyên răn con chỉ muốn nói rằng sống bê tha rượu chè như vậy thì có đi Việt Nam cũng không tìm được vợ mà lấy mặc dù ở Việt Nam, kiếm được vợ không phải là chuyện quá khó khăn. Người đàn bà trong phim chắc đã nhìn thấy cả những người già, đui què mẻ sứt qua Việt Nam vẫn kiếm được vợ. Đó là chuyện thật. Người mẹ của người thanh niên không hề nói sai. Vậy thì tại sao lại cả ngàn người nghe câu nói ấy rồi thấy “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã”?

Nghe lại câu nói ấy thì người ta có thể hiểu là phụ nữ Việt Nam cũng không thèm lấy cái thứ đàn ông say sỉn tối ngày đâu.
Vậy thì không nên “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã” .

Nếu thấy buồn, xấu hổ và nhục nhã thì vì nhiều chuyện khác chứ không phải chỉ vì câu nói của người mẹ nói với người con trai để khuyên răn anh ta.

Tôi nghĩ nếu nói là xúc phạm thì phải là những tấm bảng cảnh cáo những người ăn cắp trong các siêu thị, các cửa hàng ở Nhật, ở Đại Hàn, ở Đài Loan… viết bằng tiếng Việt.

Ở Mỹ cũng có những tấm bảng nói rõ các shoplifters sẽ bị truy tố tối đa (prosecuted to the fullest extent of the law). Nhưng tôi chưa thấy những tấm bảng ấy được viết bằng tiếng Việt một cách thoải mái như ở Nhật, Đại Hàn, Đài Loan và Thái Lan. Mấy tháng trước, cảnh sát Nhật đã tới khám xét văn phòng của Hàng Không Việt Nam để tìm hàng hóa ăn cắp. Tại một thị trấn gần Tokyo, một số cảnh sát Nhật đã ghi tên học tiếng Việt, không phải để tìm hiểu văn chương bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du… mà để điều tra những vụ phạm pháp của người Việt ở Nhật.

Nhục nhã, xấu hổ là ở những chuyện như thế chứ một câu nói của một nhân vật trong phim thì nhằm nhò gì!

Coi cô dâu Việt Nam rẻ như bèo là những bài báo, những quảng cáo những chuyến đi mua vợ ở Việt Nam, cô dâu Việt Nam rẻ mà lại còn trinh, về nhà chồng mà bỏ trốn thì được đền ngay cô khác, là cảnh phụ nữ Việt bầy hàng khỏa thân cho bọn khách mua vợ ngay ở Sài Gòn chứ cần gì phải tìm trong phim ảnh Hàn quốc!

Nói gì được khi mà chính lãnh tụ Việt Nam trong một chuyến xuất ngoại còn ăn nói như ma cô chào hàng rằng phụ nữ Việt Nam đẹp lắm, đi Việt Nam chơi đi!

Như vậy thì hãy nên thấy xấu hổ và nhục nhã.

                     

 Hình anh em Hưng Ca (tình cờ) chụp chung với Bùi Bảo Trúc trong buổi ra mắt sách  Đại Học Máu của nhà văn Hà Thúc Sinh năm 1985 tại Washington, D.C, Hoa Kỳ.


                     

                                     Phiến Đan LSTVNetworks phỏng vấn Bùi Bảo Trúc (2014):     

              Phần 1   Phần 2   Phần 3    Phần 4   Phần 5   Phần 6   Phần 7   Phần 8

                    


               Bạn tôi, Bùi Bảo Trúc Bài viết của Du Tử Lê
                                                          24 Tháng Mười Hai 2016


Tôi không biết, có phải cú điện thoại của Trần Duy Đức, đêm qua, đã hất tôi trở lại nguy cơ mất ngủ? Đó là lúc 10 giờ tối. Tôi mới “text” cho Topaz Trần biết rằng, muốn viếng thăm nhà báo Bùi Bảo Trúc, Topaz sẽ phải đợi đến Thứ Sáu tuần tới, phòng số # 5, từ 11AM tới 5PM, nhà quàn Feek Famiy. Tôi dợm bước khỏi bàn làm việc thì có Tel. của Đức.

                              


Đức báo tin tình trạng tuyệt vọng của bạn chúng tôi, chị T. Mai. “Đã phải thở bằng máy trợ thở. Bác sĩ cho biết, chỉ còn trông vào phép lạ…” Tôi nói với Đức, tới nước này thì chúng ta bất lực. Chỉ mỗi điều làm được là, hiệp lời cầu nguyện cho chị T. Mai mà thôi.”

Tắt máy. Thay vì đi nằm (dù ngủ được hay không) như thói quen tôi đã có được từ hơn một tuần qua, kể từ ngày bị nhận chìm cùng một lúc, bởi hai căn bệnh tồi tệ: Cúm và, ngộ độc thực phẩm - - Thì, tôi lại ngồi trơ trước màn ảnh computer – Như thể muốn tìm kiếm một điều gì mà chiếc máy không muốn cho tôi biết!?!

Tôi ngồi như thế tới hơn một giờ khuya.

Sớm mai, tôi kể chuyện T. nghe về cú điện thoại của Đức và, tin nhắn của Topaz. T. hốt hoảng hỏi, làm sao có được tên nhà thương để đi thăm chị T. Mai? Tôi hứa.

Khi ra xe để T. chở tới hiên café TB. Đoạn đường ngắn. Bầu trời mù. Những đám mây mẩy, mọng hơi nước, thả “âm khí” xuống ngang tầm mấy vòm cây phong thấp, đổi màu. T. nói, rồi đây, anh em văn nghệ của tôi, như những chiếc lá vàng, rơi, rụng dần! Trong khi lá xanh chưa kịp mọc! Tôi nói, đúng vậy. Số còn lại, đếm được trên đầu ngón tay!…

T. im lặng, đưa tôi một tờ A 4, gấp đôi. Đánh máy. Đã ngả mầu. Ít chữ thôi. Xuống dòng nhiều. Có thơ nữa:

“Annandale ngày 25 tháng 4 năm 1994.

“Bạn ta,

“Đây là 100.00 của cậu Toàn và 100.00 của cậu Trúc gửi cậu Lê cà phê, thuốc lá, trà Tầu, tắm hơi.

“Vật giá bất thường, cậu khéo... co cho ấm. Thích cái này thì chịu khó bỏ cái kia.

“Thích tất cả thì chỉ có chó nó mới lo được cho cậu.

Thơ rằng:

Một trăm một quả tắm hơi
Tắm xong, thấy "phẻ", thảnh thơi về nhà
Về nhà thèm một ấm trà
Tiền trót tắm hết, ngồi nhà "tru keo"...


“Chúc cậu gặp lành bất kể cậu... ăn ở thế nào đi chăng nữa. Gặp cậu sau ở Canada vậy.

BBT.”

Thư bạn tôi viết cách đây trên 20 năm...

Đó là một trong rất nhiều mẩu giấy bạn tôi gửi cho tôi mà, T. còn giữ được!

Tôi điếng, lặng trong bất ngờ sống lại giữa khe hở hẹp của cảm nhận đã có một cuộc “đoạn bào” tức tưởi, giữa chúng tôi!!!

T. kể ngày 16 tháng 12 mới đây, khi T. báo cho Orchid biết “Bố Trúc” không còn nữa, Orchid đã bật khóc nức nở…

Tôi biết, sau bác Mai Thảo thì, Bố Trúc là người gần gũi nhất với Orchid. Mỗi khi có dịp, Orchid đều không quên mua bánh đậu xanh, gửi Bố Trúc…

Đó là thời kỳ tình bạn đặc biệt của chúng tôi chưa bị “khai tử” thình lình, vì những trớ trêu của định mệnh. Tôi không than phiền, không oán giận gì về đổi thay này, kể từ đầu thập niên 2000, khi bạn tôi từ Virginia, chính thức dời về Cali. Tôi chỉ tiếc, tiếc cho sự ngắn ngủi của một tình bạn, tôi nghĩ, tôi may mắn có được.

Khi T. thả tôi xuống hiên Café TB, buổi sáng vẫn mù. Những đám mây mẩy, mọng hơi nước, thả nhiều “âm khí” xuống ngang mấy vòm cây phong thấp, đổi màu. Tôi im lặng, ngồi nán trong xe. Trời chưa mưa.

Nhiều phút sau, khi ĐP. Phong tới, tôi kể Phong nghe vắn tắt nội dung cuộc điện đàm đêm trước của TD. Đức. Phong lắc đầu. Không biết Phong nghĩ gì? Lát sau, Phong hỏi tôi tin tức về tang lễ Bùi Bảo Trúc…

Đó là lúc mưa sáng, bắt đầu. Mỗi lúc hạt nước một mẩy, mọng hơn và, gió cũng buốt hơn - - Như muốn xua đuổi chúng tôi khỏi hàng hiên lặng. Vắng.

Nhớ lại, tôi nghĩ, có dễ không có một giao tình nào mà, người ta có thể vượt qua vạch phấn cấm kỵ! Đó là sự kiện bất cứ lúc nào, ở đâu, trên trang báo, nơi công cộng, một người bạn dù tâm giao, có thể đem văn chương của bạn ra “giễu nhại” một cách thoải mái, thích thú như người bạn họ Bùi đã dành cho tôi, nhiều năm, quá khứ.

Tỷ như đầu năm 1996, tôi cho in tập thơ “Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà”; trong đó có bài “Em khoan thai trả áo quần lại tôi”, viết hồi tháng 7- 1994, những ngày tôi có mặt thường xuyên ở Montreal, khi T. mới từ VN sang.

Bài thơ có hai câu:

“Mùi hương? Mùi? Hương nhang? Trầm
Em khoan thai trả áo quần lại tôi
.”

“Mùi hương” ở đây, mang tính hoán dụ / metonymy.

Tôi muốn nói, với tôi, tình yêu nào cũng mang lại cho những người yêu nhau, nhiều hương thơm. Kể cả hương thơm có tính tôn giáo, như mùi nhang hay, dân gian, như mùi trầm. Hương thơm tình yêu, theo tôi, làm thành một thứ y phục riêng. Nó có khả năng đưa người được yêu, lên những tầng cao “hư ảo” khác… Tuy nhiên, một khi tình yêu không còn nữa, mọi mùi hương sẽ biến mất. Người được “nâng, niu” trong tình yêu, bị ném trả trở lại mặt đất. Tuy nhiên, tôi không thể nói, kẻ thụ hưởng hương thơm tình yêu kia, trở thành trần truồng, trơ trẽn… vì nó thiếu thi-tính! Nên từ ý niệm một thứ y phục khác, tôi viết “em khoan thai trả áo quần lại ta”.

Ngay khi “chộp” được câu này, bạn tôi với máu tiếu lâm dồi dào, phong khú, đã ra Phở Xe Lửa của ông Toàn-Bò, oang oang nói rằng, tôi mới có hai câu thơ cực kỳ… hậu hiện đại:

“Sức anh chỉ có một lần
Em khoan thai trả áo quần lại tôi!”


Thời gian đó, tôi còn “tỵ nạn tình cảm” ở Virginia. Những ai không đọc bài thơ hoặc tập thơ, đều tin rằng đó là thơ của tôi. Người thì cười thích thú. Kẻ lắc đầu…ngao ngán!!!

Được hưởng ứng mạnh mẽ, bạn tôi thêm hào hứng mang 2 câu thơ đã sửa của tôi, đi “rao giảng” khắp nơi.

Một người bạn thân chung của chúng tôi, mà bạn tôi nhắc đến trong thư ngắn ở trên là “Cậu Toàn” có lần hỏi tôi:

“Sao tao không thấy mày đính chính?”

Tôi nói, đâu cần. Miễn bạn mình vui là được. Thêm nữa, đó chỉ là một trong hàng chục “nỗ lực xuyên tạc thơ tôi” một cách thương yêu của bạn, dành cho tôi…

Bẵng đi một thời gian rất dài, dù “định mệnh đời riêng” hay, “biến cố đời thường” trong tình trường quá nhiều “sôi động” của bạn, liên quan tới tôi, qua đi rất nhanh…, chúng tôi vẫn không thể “khâu lại” cái vạt áo tình thân riêng mà bạn tôi đã xuống tay cắt đứt… Mãi tới cuối tháng 5 – 2016, trong đêm nhạc “Thầy tôi” của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, khi bạn tôi được mời phát biểu, bạn tôi đã bất ngờ đọc lại 2 câu thơ “tự chế” kể trên, cho mọi người nghe.

Tiếc thay, khi ấy, tôi đã ra ngoài hút thuốc. Tôi không biết phản ứng của khán giả… Nhưng sau đó, T. và Orchid không che dấu niềm vui. Họ cho rằng, đó là dấu hiệu “tan băng” của tình bạn hiếm hoi giữa chúng tôi. Sau này, T. kể, trước khi ra về, T. và Orchid đã chận bạn tôi lại, nói lời “cảm ơn anh Trúc”.
Tôi không nghĩ bạn tôi bị bất ngờ trước lời cảm ơn, không chờ đợi này.

Cũng như tôi không chờ đợi điện thoại từ bạn tôi… Khi đầu năm 2015, xót bạn bị “ném đá” tơi tả trên không gian…ảo, tôi đã viết một bài khá dài về bạn tôi: Bùi Bảo Trúc, nhà văn. Viết xong, tôi đưa T. đọc. T. post ngay lên trang nhà (tháng 2-2015).

Hôm nay, ráp nối hai diễn biến không báo trước, tôi chợt nhớ một trong những nhận định của đạo Phật mà tôi cho là cực kỳ uyên áo. Đó là quan niệm “Ngọn lửa tắt: Không mất”. “Thanh âm tan: không mất.” Huống chi tình bạn, tấm lòng tử tế với nhau…

.
ĐP.Phong chở tôi về nơi ở mới của chúng tôi, đường Catherine, Garden Grove, lúc 12:30PM. Dù P. thả tôi xuống ngay bậc thềm, nhưng gió và mưa lớn bẻ gập tôi xuống. Vào nhà, cảm giác đầu tiên của tôi là nghe mình muốn trở lại cơn sốt mới tạm lui chân vài ngày trước. Thả mình xuống giường, dù khó thở, tôi co rúm trong giấc ngủ li bì. Lạnh.

Trong giấc ngủ phập phều, tôi trôi qua nhiều giấc mơ ngắn. Một trong những giấc mơ gập ghềnh ấy, tôi thấy bạn tôi ngồi cạnh tôi (như ngày nào). Vẫn phong cách, thói quen có từ nhiều chục năm trước, bạn tôi cho tôi một loạt câu hỏi, trong tình thân, cũ:

“Cậu Lê hồi này ra sao? Có còn ra thăm anh Cảnh?”

“Con Orchid dạy học nhiều giờ như vậy, thì ai lo cho hai đứa con của nó?”

“Cậu có còn thường đi Virgina, khu Falls Church? Có gặp lại mấy con đ… chó của cậu?”

(…)

Tôi nhớ, tôi định nói với bạn tôi rằng, tôi mới đọc lại bài thơ “Trở về căn nhà cũ ở Saigon”… Nhưng bạn tôi đã khoát tay, bảo:

“Thôi! Tớ có việc, tớ phải đi đây. Hẹn gặp lại cậu dịp khác.”

Rồi, bạn tôi quay lưng đi ngay!

.
Tôi tỉnh dậy giữa căn phòng vắng. lặng. Trời tối xầm. Như đã rất khuya. Gió vẫn mang tiếng sóng biển ì uồm đuổi nhau trên mái. Mưa lớn?

Tôi nhoài người tìm chiếc cell phone. Đồng hồ chỉ 4:15. Màn hình hiện ra hai tin nhắn. Một của Ngụy Vũ ở Virginia. Một của Vũ Thành An ở Portland, Oregon. An trả lời thư Trần Duy Đức, báo cho An và tôi biết về cái chết của chị Tuyết Mai. Tôi tựa vách tường, viết lại cho An mấy chữ. Nhân tiện nhắc Bùi Bảo Trúc. Tôi tin An không ngạc nhiên.

Nhiều chục năm trước, khi chập chững bước chân vào sân trường CVA, Saigon, cả ba chúng tôi được sắp chung vào Đệ thất B1. Năm sau, ba chúng tôi lại cùng được chuyển qua Đệ lục B4. Đúng như tôi nghĩ, ít giờ sau, An viết lại cho tôi, nói, An đã cầu nguyện không chỉ cho chị Mai mà, cho cả Bùi Bảo Trúc nữa.

Bốn rưỡi, tôi ngồi vào bàn computer. Mở trang nhà. Đọc lại bài thơ “Trở về căn nhà cũ ở Saigon” của bạn; đúng lúc Nguyễn Vũ Nhã ở San Jose gọi. Tôi đoán Nhã muốn nói với tôi về sự không còn nữa chị Tuyết Mai hay Bùi Bảo Trúc. Hoặc cả hai? Tôi những muốn đọc cho Nhã nghe vài đoạn của bài thơ duy nhất (?) bạn tôi đề “gửi các con”. Nhưng khi Nhã thấy tôi thở khó khăn vì những cơn nấc liên tục… Nhã nói:

“Thôi anh nghỉ đi. Lúc khác, em gọi lại…”

Dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cả bạn tôi và Nguyễn Vũ Nhã đều không muốn nghe tôi đọc thơ bạn; tôi vẫn đọc thầm, bài thơ “gửi các con” của bạn:

“Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng


“Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten”



Đọc lại thơ bạn, với mưa đem theo tiếng sóng biển ì uồm trên mái, tôi không chỉ thấy thương bạn, thương mình mà, thương cả những người còn sống hay đã chết!!! Người nào thì “trên cổ (cũng) vẫn tòn ten chiếc chìa khóa (một thời đã) gẫy!” Như “mặc niệm” một tình bạn. “Mặc niệm” chính mình!
.

Cậu Trúc,

Tôi thực sự không muốn mình sa đà thêm trong bài viết này. Trước ra khỏi, tôi muốn mượn chính lời nói của cậu, dành cho tôi, cách đây hơn hai mươi năm rằng:

“Dù bây giờ cậu đã ở cõi khác. Nhưng tớ vẫn muốn nhắc cậu đừng tiếp tục hoang đoàng nữa… Vì hoang đoàng như cậu “thì chỉ có chó nó mới lo được cho cậu” mà thôi!!!

Cách gì, cậu Trúc, Thứ Sáu tới đây, cả bà T., Orchid, và tớ cũng sẽ đi… “thăm” cậu; trước khi tớ sẽ gặp lại cậu, như ngày nào hẹn nhau ở Canada… cậu còn nhớ chứ?

Du Tử Lê
(Garden Grove, Dec. 21-2016)

                      “khi tôi chết...”  - Bùi Bảo Trúc
                 
Hoa Thịnh Đốn, ngày 29 tháng 7 năm 1999
 
Bạn ta,

Những chuyện xảy ra hồi tuần trước cho thấy một bài thơ của tác giả Việt Nam viết khoảng cuối năm 1977 đã tạo được những ảnh hưởng ghê gớm ở nước Mỹ.

Bài thơ là ao ước của một người muốn được biển đón nhận thân xác mình một mai khi ông bước ra khỏi cuộc đời. Tác giả muốn nhờ dòng nước đưa trở lại miền đất ông đã bỏ đi vì trong khi còn sống ông không thể trở về. Ông không thể trở về với rặng tre xanh, những mắt buồn đầy lệ của lũ con thất lạc, ông chỉ xin trên đường ra nơi yên nghỉ ở đại dương, cho ông nghe lại bài quốc ca lâu không còn ai hát…

Đó là khoảng thời gian hơn hai năm sau ngày tác giả sang tị nạn tại Mỹ.

Vọng âm của bài thơ về tới tận Việt Nam, và bài Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Biển của Du Tử Lê được in lại ở trong một hai tuyển tập thơ xuất bản ở trong nước như để nhiếc móc những người di tản rằng chạy ra nước ngoài khổ như thế đấy, đến nỗi khi chết chỉ muốn xin được quăng ra biển cho đỡ buồn đời lưu vong mà chưa chắc đã làm được.

Bài thơ đã được dịch ra tiếng Anh làm cho nhiều độc giả bản Anh ngữ cảm động:

When I die, take my beautiful, sexy, hot, atomic body to the sea.
Do not hesitate and do not feel sorry for me
Fastfood for fish…


Tôi không có nguyên bản của ông nên đành phải hiểu qua bản dịch Anh ngữ mà một người bạn cho mượn, và tin là ông đã viết như thế này: Khi tôi chết làm ơn đem cái thân hình đẹp, gợi tình, nóng hổi, nguyên tử của tôi ra ngoài biển. Đừng dùng dằng, đừng ân hận cho tôi. Tôi sẽ là fast food (thức ăn nhanh như McDonald’s Burrger King…) cho cá…

Bản dịch Anh ngữ bài thơ chắc chắn đã được gia đình của John Fitzerald Kennedy Junior, người đàn ông trẻ tuổi tử nạn cùng với hai người thân trong tai nạn máy bay ngoài bờ biển Martha’s

Vineyard đọc kỹ. Lễ thủy táng ba nạn nhân mà ống kính của các đài truyền hình thu được làm cho người xem có cảm tưởng như bài thơ của Du Tử Lê được diễn lại, được làm cho sống động bằng các diễn viên thượng thặng. Cũng trao quốc kỳ lại cho thân nhân, cũng gửi xuống biển đám tro tàn, cũng nỗi lo “vùi đất lạ thịt xương e khó rã” cũng “…đừng vội vuốt mắt cho tôi”, cũng…”sá gì thêm một xác cong queo”.

Gia đình Kennedy nhờ đọc bài thơ ấy, tang lễ mới chu tất tốt đẹp như vậy, mặc dầu có một vài đoạn làm hơi quá. Nhưng những đoạn hơi quá đó cũng là cảm tưởng từ bài thơ của Du Tử Lê.

Chính vì muốn làm đúng như lời căn dặn trong bài thơ của nhà thơ Việt Nam mà chính phủ Mỹ đã không hề đắn đo trong việc sử dụng tất cả những phương tiện nào có trong tay để kiếm cho được chiếc phi cơ Piper Saratoga lâm nạn. Đó là đoạn hơi quá, vượt hẳn ý nghĩa bài thơ của Du Tử Lê.

Tờ Los Angeles Times, số ra ngày 27 tháng (?), trong mục Letters To The Times đăng lại những ý kiến của độc giả, có một bức thư của Matthew P. MacKenzie ở Temple City. Tác giả bức thư gửi tờ L.A.Times hình như rất vui mừng về việc làm của chính phủ. Ông viết rằng sau khi chứng kiến những nỗ lực của chính phủ, ông rất an tâm khi biết rằng những người thân của ông ngộ nạn máy bay ngoài biển, thì lực lượng tuần duyên, hải quân, tòa Bạch Ốc, các cơ quan công lực và truyền hình, truyền thanh, báo chí sẽ dốc toàn lực để tìm cho ra các nạn nhân. Ông chợt nhớ rằng ông không phải là người giầu có, nhưng chuyện có tiền đâu có dính dáng gì đến sự hết lòng sốt sắng của chính phủ, có phải vậy không (I just remember that I am not wealthy that would not have anything to di with it, wouldn’t it?)

Không, không hề có chuyện đó. Chính phủ cứ thấy người muốn đưa ra biển là đưa ngay sau khi đọc bài thơ của ông Du Tử Lê. Chỉ có thế thôi, không hề có chuyện chỉ những người nhà giầu, có tên tuổi mới được đối xử đặc biệt như JFK Jr bao giờ. Ai nghĩ khác là xuyên tạc, là bêu xấu chính phủ.

Và vì thế, những ước muốn tưởng chừng như vô vọng hồi năm 1977 của Du Tử Lê bây giờ lại là điều chắc chắn sẽ được toại nguyện.

Chỉ sợ người làm thơ mang bệnh ít tắm và sợ nước cuối cùng lại không chịu để người nhà đưa ra biển thì đưa đi đâu bây giờ?

Bùi Bảo Trúc
 

===========


Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Tác giả: Du Tử Lê

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

12-77


                     

                                             Chào Hoàng Hôn - Bùi Bảo Trúc & Ngọc Ân (youtube)

                   

            Bùi Bảo Trúc - Hồn Việt TV - nói chuyện với GS Nguyễn Mạnh Hùng:    Phần 1    Phần 2

   Bùi Bảo Trúc: Tâm, Tài và Tật - Bài viết của Đinh Quang Anh Thái

Ba tuần trước ngày nhắm mắt, anh Trúc gọi điện thoại nói, “cậu Thái ghé qua Little Saigon Radio lấy 300 tiền mặt và chuyển về Việt Nam biếu các con bà Cấn Thị Thêu giùm tôi.”

Sau khi nhận được thư hồi báo của gia đình bà Thêu, tôi chuyển bằng email tgbt@yahoo.com của anh nhưng không thấy anh trả lời. Gọi anh ba lần cũng chỉ nghe lời nhắn trên máy.

Vậy là lần nói chuyện đó là lần cuối cùng tôi nghe được giọng anh, vẫn ấm tuy có hơi yếu. Và đó cũng là lần chót tôi nhận tiền của anh để gửi giúp những người lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã tại Việt Nam.

Ngày Việt Khang thoát khỏi nhà tù nhỏ, anh nói trên làn sóng Little Saigon Radio về người nhạc sĩ can trường này và nhắn ai muốn góp tay giúp Việt Khang thì cứ ghé tòa soạn báo Người Việt giao cho tôi, “bảo đảm quà sẽ tới tận tay người nhận.” Nhiều người tin anh, mến anh đã đến và tôi đã làm tròn ước muốn của anh.

Một lần, buổi sáng sớm năm 2008, tôi vừa dứt chương trình Chào Bình Minh của Little Saigon Radio, ra ngoài sân “liều một đám” tức “làm một điếu” thì cô thư ký của đài bước ra nói, nhiều thính giả gọi vào kiếm tôi để nhờ gửi tiền cho một phụ nữ bị chết đuối ở Quảng Bình. Tôi chẳng biết ất giáp gì, nhưng ngay sau đó thì hiểu ngay. Chả là anh Trúc nói trên đài qua cuốn băng thâu trước về hoàn cảnh của một người đàn bà vì lao ra sông chống chỏi với giòng nước lũ cuồn cuộn để cứu hai nữ sinh chới với sắp chìm. Hai nữ sinh sống sót, người thiệt mạng chính là tấm lòng quên mình giúp người này. Báo chí trong nước chụp tấm ảnh người chồng cùng 7 đứa con nheo nhóc, có đứa con phải bế trên tay, ngồi bên bờ sông đón cón đò đưa xác mẹ vào bờ. Anh Trúc nói anh nhờ tôi chuyển 300 cho gia đình người xấu số và kêu gọi mọi người cùng tiếp tay. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày, số tiền do nhiều người đến cho tổng cộng lên đến gần 14 ngàn dollars. Tôi phải liên lạc với hai người bạn của Hội Quảng Bình sống ở Cali và nhân chuyến họ về thăm quê nhà cầm theo số tiền lớn nói trên đem về tận tay cho người chồng và 7 đứa con. Tôi còn cẩn thận dặn nhớ quay phim để khi hai anh trở lại Mỹ, tôi chiếu tại phòng sinh hoạt của đài để cho những người có tâm giúp đỡ biết tôi đã hoàn tất nhiệm vụ được ủy thác.

Anh Trúc là vậy đó. Anh có cái TÂM không ngần ngại dang tay giúp nhưng hoàn cảnh khốn khó. Và sở dĩ tiếng nói của anh được hưởng ứng vì nhiều người yêu mến cái TÀI của anh.

Nói về tài thì anh nhiều tài lắm. Anh viết và nói lưu loát cả Tiếng Mẹ Đẻ lẫn Anh Ngữ. Có người nghe anh nói tiếng Anh bèn nhận xét rằng, giá nhắm mắt thì có thể nhầm là một người Anh chính cống đang phát biểu. Thời còn làm phát ngôn viên Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, anh đã dùng ngoại ngữ đối đáp và tạo được sự nể trọng của giới ký giả nước ngoài.

Kiến thức của anh “cực” rộng trong nhiều lãnh vực, thậm chí anh biết rành rẽ cả những chi tiết về trang phục “trong” và “ngoài” của nữ giới. Có lần tôi đùa với anh, rằng đọc mục Thư Gửi Bạn Ta mà anh khởi đầu đăng hàng ngày trên báo Người Việt, khi anh viết về chính trị, anh rõ là một người “thông kim bác cổ”; còn khi anh viết về nữ giới, độc giả cứ ngỡ người viết phải là một phụ nữ lúc thì quý phái, lúc thì đanh đá chua ngoa, lúc thì nhu mì thục nữ. Tôi còn nhớ, có lần nhà văn Mai Thảo lúc sinh thời nói rằng, thú vui của tác giả “Mười Đêm Ngà Ngọc” là mỗi buổi sáng, từ căn hộ sau lưng quán Song Long, lững thững cuốc bộ ra xạp báo trên đường Bolsa mua tờ Người Việt và đọc ngấu nghiến bài mới của Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta.

Nhưng cũng phải nói, anh nhiều tài và cũng lắm TẬT nên bị không ít người ghét, vì anh không kiêng dè, không chấp nhận những giả trá hay thói rởm của người khác, nhất là khi liên quan đến ngôn ngữ. Không biết bao nhiêu lần, anh cay nghiệt nói như vỗ vào mặt người khác – ngay cả trên radio, trên mặt báo. Anh còn bị cả cánh đàn ông và các bà ghét vì anh …đào hoa quá. Thực tình chẳng ngoa, anh cũng gieo rắc buồn phiền cho nhiều người và anh biết điều đó chứ chẳng phải không. “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần,” cụ Tiên Điền Nguyễn Du mấy trăm năm trước đã nói thế rồi cơ mà.

Nhớ năm 1985, cũng vào những ngày cuối tháng 12, anh đón tôi tại nhà một người bạn chung ở Virginia. Tôi vừa “chân ướt chân ráo” đến Mỹ, chưa cảm được những giây phút trầm uất của những người vẫn còn khát khao một ngày quay về cố hương như anh Trúc. Trên xe chở tôi về nhà anh, anh đưa cho tôi tấm ảnh chụp tại Trung Tâm Dân Vụ trên đường Tự Do Sài Gòn trước 1975. Trong hình, anh Trúc và tôi đứng cạnh nhau, anh cà vạt chỉnh tề, kính trắng trí thức, còn tôi thì mặt non choẹt áo quần học trò. Anh Bảo “tôi giữ tấm ảnh này 10 năm qua làm kỷ niệm về cậu, vì có tin nói cậu bị chúng nó bắt và chết trong tù.” Đêm tái ngộ anh Trúc, tôi cũng gặp lại một anh bạn vong niên mới chia tay nhau ở Sài Gòn 6 tháng trước khi tôi vượt biên: Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả “Kẻ Tà Đạo.” Căn nhà anh Trúc đêm đó ấm hẳn lên vì những chuyện xưa chuyện nay. Đột nhiên anh Trúc như chìm vào nỗi buồn riêng của mình. Anh giơ bàn tay trái có một vết sẹo nhỏ li ty khá dài đã mờ nhạt. Anh bảo, anh đang làm cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ V.O.A, công việc vững vàng, chưa một ngày biết cuộc sống khổ sở ra sao trong chế độ cộng sản, vậy mà có những lúc anh buồn đến độ đã cầm con dao cứa vào tay mình vì không thiết tha sống nữa, nhưng sau những phút trầm uất như thế, nghĩ đến nhiều bằng hữu đang thoi thóp vật vã bên trong các chấn song sắt nhà tù, anh thấy mình hành xử như thế là không đúng. Nên vẫn sống. Dù vẫn buồn chán.

Những khoảnh khắc buồn chán đó thỉnh thoảng tôi vẫn chợt bắt gặp nơi anh trong hơn 30 năm kể từ cái đêm mùa Đông Virginia năm nào.

Nhiều người nhìn Bùi Bảo Trúc trang phục đỏm dáng, cách ăn cách nói cách cười lúc nào cũng thể hiện một người hạnh phúc, thành đạt, nên có thể không thấy ẩn dấu đâu đó trong giọng cười là những góc khuất u trầm của anh. Một lần, chỉ có hai anh em, anh kể tôi nghe kỷ niệm một buổi chiều buồn ở Sài Gòn trước 1975. Anh bảo, cậu Thái nghĩ xem, tôi làm phát ngôn viên chính phủ, có vợ đẹp con ngoan, có nhà, có xe, có tài xế, có người giúp việc; vậy mà một hôm trên xe do tài xế chở về nhà, tôi nhìn thấy một người lính lái chiếc xe Honda cũ kỹ, phía yên sau, người phụ nữ ngả đầu vào vai anh và hai cánh tay ôm ngang hông chàng. Chao ôi sao họ hạnh phúc dường ấy và “tôi thèm cái hạnh phúc đó đến nỗi toi tóp hồn suốt cả đêm!”

Khoảng 2 tháng cuối đời của anh, đến thăm anh tại một nursing home trên đường Garden Grove, nhìn anh gầy yếu, giọng mệt hẳn, anh tâm sự dạo vài tháng gần đây, anh không ăn gì cả, luôn ngất ngưởng cơn say để rồi chìm vào giấc ngủ. Lần trở lại thăm anh, đột nhiên sức sống của anh bừng dậy, anh bảo sẽ tiếp tục chương trình phát thanh trên đài Little Saigon Radio và còn căn dặn tôi khi đặt bút viết điều gì nếu không hiểu cặn kẽ thì phải tra cứu vì chữ nghĩa không phải trò chơi đùa. Lời dặn thể hiện cá tính của anh khi ngồi vào bàn viết. Bài anh viết, từng câu, từng chữ, là sự chọn lựa, cân nhắc, ngay cả những từ ngữ dung tục, sỗ sàng anh mắng những người anh cho là bất xứng. Nhất là đối với chế độ đang cai trị tại quê nhà Việt Nam, anh chửi không tiếc lời bằng những ngôn ngữ thậm tệ. Ngay cả nói cũng thế, chẳng phải tự dưng lời vọt ra khỏi miệng mà anh không cân nhắc trước. Có lần, anh kể tôi nghe thời còn bé, anh gần như bị liệu lưỡi khi nói, nhưng anh cương quyết vượt qua trở ngại này bằng cách tập nói chậm từng câu một; và vì phải nói chậm nên anh có thì giờ chọn câu chữ. Thành ra, anh ít khi nào rút lại lời mắng ai. Hậu quả là anh gây thù và có lúc đã phải chuốc oán.

Bây giờ với anh, “Thị – phi, thành – bại, chuyển đầu không” yêu-thương-oán thù, quay đầu lại, tất cả không còn nữa. Anh đi rồi. Và chắc đang ngất ngưởng bù khú như bắp rang nơi nào đó với những người bạn thân thiết đã đi trước anh: Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Dương Hiển, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Lê Thiệp, Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm, Giang Hữu Tuyên…

Tôi sẽ nhớ đến anh với cách gọi thân tình “cậu Thái” kể từ ngày đầu quen anh ở Sài Gòn năm 1972.

http://www.cothommagazine.com/nhac1/NhatNgan/DinhQuangAnhThai.jpg Ðinh Quang Anh Thái

                 Bùi Bảo Trúc rạng danh Ký Mục Gia
                                                  Bài viết của Phạm Quốc Bảo

Nghe tin, trong lòng tôi thấy lặng lẽ đau… và thoáng đôi chút chua xót nổi lên lẫn với tiếc thương… Ký ức của trên 50 năm qua lần lượt trở lại, đậm nhạt khác nhau, nhưng không được rõ bất cứ một thời điểm nào cả… Có điều những hình ảnh đang hiện ra ngay trước mặt tôi như những khúc phim đứt đọan…

Xuất sắc trong hoạt động sinh viên

Trong thời sinh viên Văn Khoa Sàigòn, người ta ghi nhận hai sự kiện sống động:

Một là cuối năm 1967, trong một liên danh dự trù ra ứng cử Ban Chấp Hành Sinh Viên Đòan Văn Khoa, Bùi Bảo Trúc được đề nghị giữ chức vụ Chủ Tịch. Muốn tổ chức sinh họat để giới thiệu họat động, liên danh đã cử Ngô Vương Tọai (dự trù làm Tổng Thư Ký ban đại diện này) đứng ra lo thực hiện đêm ca nhạc sinh viên vào giữa tháng 12 tại giảng đường lớn nhất thuộc khuôn viên mới của trường bên đường Cường Để. Trong giờ giải lao, nhóm nằm vùng đã nhẩy lên cướp micro tuyên truyền cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tọai vội giật lại micro và bị họ bắn vào bụng đứt mấy khúc ruột, may mà Tọai khỏe quá và được cứu chữa kịp thời nên sau 1975 Tọai còn sang định cư ở Mỹ, lần lượt thực hiện các tờ  báo Việt Chiến, Xác Định với Đặng Đình Khiết và Hoa Thịnh Đốn Việt Báo với Giang Hữu Tuyên, tại Washington DC, rồi cuối cùng mất vì bệnh vào năm 2014… Đúng cái đêm giữa tháng 12 năm 1967 ấy, Bùi Bảo Trúc tổ chức đám cưới nên thóat!

Hai là cũng giữa tháng 12 năm sau, 1968, nhóm thân hữu đang tổ chức trại họp bạn quốc tế ở Trung tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn-Vũng Tàu thì ở trường Ngô Vương Tọai gọi ra báo rằng nhóm nằm vùng quậy quá, chúng muốn tổ chức bãi khóa, thầy Khoa Trưởng bảo phải có một anh uy tín về gấp lo đối phó. Được anh em cử, Bùi Hồng Sỹ sáng sớm hôm sau về thẳng khuôn viên trường Văn Khoa thì ngay trên đường đi ăn trưa đã bị một tên bắn lén sau gáy, may mà không trúng chỗ nhược nên cũng “tai qua nạn khỏi”. Hai ngày sau, Tổng Thống ra tham dự trại họp bạn, các bài diễn văn đón tiếp đã sọan trước liền bị hủy bỏ mà thay vào đó là đại diện ban tổ chức ứng khẩu lên án chính quyền đã hành xử thiếu hữu hiệu trong công việc bảo vệ an tòan cho các họat động của sinh viên. Đuợc giao nhiệm vụ thông dịch, Bùi Bảo Trúc cũng ứng khẩu dịch theo trên micro, ông vừa nói vừa tuôn trào nước mắt cảm thương bạn hiện lúc ấy chưa biết sống chết ra sao!

Nổi bật từ giáo chức tiến sang viên chức

Từ Tân Tây Lan (New Zealand) về nước vào giữa thập niên 1960, Bùi Bảo Trúc ghi danh học tại Văn Khoa Sàigòn, đồng thời ông đã là giảng viên tại Hội Việt Mỹ Sàigòn lẫn trường London School. Và ông ‘nổi tiếng’ trong  nhóm anh chị em đi dạy học thuở ấy thường tụ tập nhau uống cà phê ăn sáng tại La Pagode với những câu chuyện tiếu lâm ý nhị rút ra từ Playboy- Penthouse, hai tạp chí ông mua dài hạn. Nhưng tiếp sau đấy, ông lại nổi danh khắp miền Nam Việt Nam ở nhiều vị trí khác:

– Trong chương trình “ Đố Vui Để Học” của Trung Tâm Học Liệu thuộc bộ Quốc Gia Giáo Dục đều đặn phát hằng tuần trên đài Truyền Hình, 2 nhân vật điều khiển đầu tiên dí dỏm – duyên dáng nhất phải là Đinh Ngọc Mô và Bùi Bảo Trúc.

– Không dừng ở đấy, ông sau đó còn được chọn làm Phát Ngôn Viên Chính Phủ; và cuối cùng giữ chức vụ Trung Tâm Trưởng Trung tâm Luân Đôn, cục Quốc Ngọai, bộ Thông Tin-Dân Vận-Chiêu Hồi.

Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc

Vào giữa thập niên 1980 gặp lại trên một chuyến sang Washinton DC, tôi được Bùi Bảo Trúc dẫn vào thăm Ban Việt Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), gặp anh Lưu Văn Khoa trưởng ban, gặp anh Lê Văn hồi ấy là nhân vật nổi danh nhất cộng đồng hải ngọai đang phụ trách sinh họat văn nghệ ca nhạc Việt.

Và “Thư Gửi Bạn Ta” do Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc viết, xuất hiện hằng tuần trên mặt báo Người-Việt. Tôi còn nhớ rằng cuối thập niên 1980 sang 90, nhật báo L.A.Times có cho biết, mỗi năm trung bình báo chí – truyền thông Hoa Kỳ “đẻ” từ 3 đến 5 từ ngữ mới (thí dụ hồi đó có chữ Hooligan, chỉ sự kiện hỗn lọan…) để diễn đạt chính xác những hiện tượng mới xuất hiện. Thì cùng thời, trong báo chí-truyền thông Việt ngữ ở hải ngọai cũng có 2 từ ngữ mới là Dương cầm thủ của Lê Đình Điểu và Ký Mục Gia của Bùi Bảo Trúc.

Sau đó Nhà Xuất Bản Người Việt đã gom lại in ra thành từng tập Thư Gửi Bạn Ta. Đây là một bộ sách bán khá chạy trên thị trường thời gian ấy…

Nói chung lại, mặc dù khi giao tế ông có đôi lúc tỏ thái độ thẳng thắn trực tiếp quá và khi viết thì ông hay để sót trên bài của mình những từ ngữ thô nhám, theo cá nhân tôi nghĩ, hai sự kiện này đã làm giảm đi cái tinh chất dí dỏm duyên dáng cố hữu của ông…, nhưng đặc biệt là mỗi khi xuất hiện ở các sinh họat văn học nghệ thuật cộng đồng, cũng như trong bài viết, ông luôn luôn có phong thái lịch lãm, tài hoa và uyên bác.

Sự nghiệp họat động trong giáo dục - truyền thông trên năm mươi năm qua của Bùi Bảo Trúc rõ rệt là xuất sắc, hiếm ai trong cộng đồng chúng ta có thể bì kịp.

 Phạm Quốc Bảo


Nhớ Bùi Bảo Trúc, Cựu Phát Ngôn Viên Chánh Phủ VNCH
                                                   Bài viết của Đỗ Xuân Tê


Làng báo hải ngoại vừa mất đi một cây bút uy tín, tài năng và chuyên nghiệp. Cộng đồng người Việt hải ngoại mất đi một tiếng nói thân thương, một đồng hương thân kính, luôn gắn bó với sinh hoạt đời thường của những người con xa quê hương.

Từ nay, khó có một khuôn mặt thay thế không phải chỉ có kiến thức đa dạng uyên bác như ông, mà về mặt truyền thông phát thanh, báo chí khó có ai viết được như ông, nói được như ông, không hẳn chỉ bằng thể lọại, tùy bút ký mục mà thương hiệu văn bút Thư gửi Bạn ta đã đưa ông trở thành Ký mục gia được bạn đọc chấp nhận, yêu mến như cây viết hiếm hoi trong làng báo hải ngoại từ nhiều thập niên qua.

Các bài báo không hẳn phong phú về nội dung, độc đáo về tường thuật, mà nét dí dỏm, hóm hỉnh, pha chất trào phúng khi nhẹ khi nặng, khi sâu cay khi cảnh báo, chưa kể lúc quyết liệt, lúc báng bổ, huỵch toẹt theo ngôn ngữ giang hồ, khiến đối tượng, sự việc được phơi bầy, lên án mang hệ lụy từ chết đến bị thương. Văn phong ông viết, chữ nghĩa ông dùng, đều có tính toán cho từng vụ việc, mà hiệu quả của nó khó lường nhất là về mặt chính luận nếu ai đó cố tình đụng chạm đến lá cờ, phá rối cộng đồng và coi thường đồng hương.

Tuy bản chất là người được ăn học, du học, xuất thân gia đình trí thức, dân Hà nội chính gốc, có diện mạo lịch sự, có giọng nói nhẹ, ấm nhưng đụng chuyện ông sẵn sàng đối mặt, không hề tránh né, chẳng hề khoan nhượng, và nếu với tư cách nhà báo người ta có thể đánh giá và cho ông credit cao bởi tố chất này.Tất nhiên là người của đám đông, người viết cho quần chúng, người trong lòng đồng hương, dù tế nhị cách mấy cũng không khỏi không có người thương kẻ ghét, nhất là những bài viết của ông phải trực diện với thực tế hàng ngày của một cộng đồng phức tạp, một xã hội đổi thay mà sự đồng thuận trong nhiều vấn đề, trong nhiều lãnh vực chưa tìm được mẫu số chung.

Tôi cũng là một người thích viết tạp ghi ký mục, không che dấu sự mến mộ cá nhân về vài người trong làng báo Quận Cam, mà Huy Phương và Bùi Bảo Trúc cùng nữ ca sĩ Quỳnh Giao là ba cây bút tôi đánh giá cao. Có người bảo HP là số 1, BBT số 2, nhưng cả hai ông đều có sự tương kính nhau khi chẳng ai nhận mình là số một. Tôi nhớ có lần tham dự ra mắt sách Tạp Ghi Huy Phương, anh Trúc được mời phát biểu. Chàng MC tên Khoa khi giới thiệu đã ví von hai cây viết này như hai ca sĩ có khi nào lại chịu thua nhau. Tác giả Thư Gửì Bạn Ta đã nhã nhặn chỉnh lại, chúng tôi không phải là ca sĩ, mà chỉ là đồng nghiệp, cùng viết một thể loại, có điều Huy Phương hay tập hợp lại để in thành sách, còn tôi viết xong để gió bay đi.

Bùi Bảo Trúc nếu có dịp tiếp xúc, anh là người dáng dấp như nhà giáo, (mà thực sự anh là nhà sư phạm bậc thầy về ngữ học, tiếng Anh cũng như tiếng Việt), lối ăn vận luôn chỉnh chu, luôn có cái áo vest hay jacket phủ ngoài, nhưng trong giao tiếp lại rất xuề xòa, thoải mái, trong ăn uống rất giản dị, ít nề hà. Có lần thấy anh đơn chiếc, dù có rất nhiều đàn bà quí và mến anh, tôi gợi ý sao không kiếm người nâng khăn sửa túi, mà cứ nhiều buổi chiều về chuyên đề mì gói. Con người có số đào hoa nhưng hạnh phúc lại ít mỉm cười, dù quanh anh ít khi tôi thấy anh đi một mình, hay ngồi một mình. Cái logo cho căn cước tác giả của các bài viết, anh không dùng dung nhan của mình mà lại là một con khỉ già nhe răng cười như trêu tức độc giả nhưng về lâu về dài lại là hình ảnh các bạn ta rất ư quí mến. Tôi ngờ rằng anh vốn tuổi Thân, cầm tinh con Khỉ nên sự chọn lựa không phải là không có chủ ý.

Anh có lối viết và ăn nói có duyên, ai cũng phải công nhận điều này mà chính vậy anh than công cả hai lãnh vực phát thanh và báo chí. Anh có chất giọng trời cho và lối kể chuyện chuyên dùng điển tích, chưa kể có phụ họa của vài giọng nữ đưa đẩy góp ý, làm cho các giờ phát thanh của anh luôn hấp dẫn và là tiết mục khó quên với các thính giả nghe đài. Sự ra đi đột ngột của anh theo tôì là một sự mất mát khó bù đắp, khi tìm được một khuôn mặt am hiểu những điều quanh ta và có một chất giọng chuyển tải lôi cuốn những gì cần chia sẻ.

Anh là người của đám đông, dù chẳng có một chức danh cho kêu cho nổ trong hàng chức sắc quận Cam, nhưng vừa nghe tin anh mất, người ta đã truyền tai nhau trong nỗi bàng hoàng, cụ thể trong giới H.O., các vị cao niên, các cháu sinh viên kể cả giới bán buôn hay đọc báo Việt, hay nghe đài mình. Anh xa trần gian trong tư thế của người bị bệnh tim, và hành trình về miền viên miễn coi như giấc ngủ dài. Tuổi 70 anh thường cho là đủ, cái chết như được dự báo, nhưng anh vẫn làm việc và chỉ ngưng vìệc khi tim ngừng thở.

Dông dài đôi điều về con người và tính cách của Bùi Bảo Trúc, tới đây tôi mới chia sẻ ít giai thoại về anh, của một thời vang bóng ít người nhắc đến. Cái thời Bùi Bảo Trúc được cử làm Phát Ngôn Viên Chánh Phủ trong chế độ ta trước ngày mất nước.

Trở lại những ngày của nhiệm kỳ 2, sau ngày độc diễn của Tổng Thống Thiệu, ông muốn thay máu cho hệ thống phụ tá quanh ông, thường là tướng lãnh, các thầy tu-bíp, các ông đốc phủ sứ cựu quan lại bằng những khuôn mặt mới, trẻ, từ ngoại quốc về, đặc biệt tăng cường cho hai khâu truyền thông báo chí và kinh tế tài chánh. Trong số những người này tôi nhớ có Nguyễn Tiến Hưng, Hoàng Đức Nhã (từ Mỹ), Nguyễn Xuân Nghĩa (từ Pháp), Bùi Bảo Trúc (từ Tân Tây Lan) v.v…mà HĐN là họ hàng thân tín được giao chức Bộ trưởng Thông tin Dân Vận, chưa kể là người thông dịch riêng cho ông Thiệu trong các cuộc họp Mỹ-Việt cấp cao. Không hiểu quan hệ thân thiết thế nào mà ông Hoàng chọn Bùi Bảo Trúc làm Phát Ngôn Viên Chánh Phủ, thay mặt cơ quan nhà nước chuyển tải và xác minh các nguồn tin liên quan đến chính sách và quan điểm của Hành pháp.

Chức vụ này trước đây bị lu mờ và thường giao cho mấy ông già thâm niên trong Bộ Thông tin đảm nhiệm. Bản thân các ông chẳng làm được gì mà chỉ là cái loa đọc lại những bản tin viết sẵn, nên chi giới ký giả trong nước và ngoại quốc thường tiếp cận và khai thác các tin tức chiến sự qua Người phát ngôn của quân đội lúc ấy là Trung tá Lê Trung Hiền.

Nhưng gió đã đổi chiều từ ngày BBT đảm nhận chức vụ. Ông canh tân và tái cấu trúc Văn phòng Phát ngôn, trực tiếp chủ tọa và trả lời các câu hỏi của báo chí bằng cả tiếng Anh, tiếng Việt, trong các buổi họp báo hàng ngày tại Trung tâm quốc gia báo chí đường Lê Lợi Sàigòn. Các lời phát ngôn của ông có sức nặng vì có người chống lưng và nguồn cung cấp là ông Hoàng, lại đủ sức đối đáp, đương đầu với các ký giả quốc tế nhất là các ký giả thường trú của Mỹ. Lúc này tình hình chính trị miền Nam khá phức tạp, nhất là sau khi có Hiệp định Paris, tiếng tăm Phát Ngôn Viên Chánh phủ Bùi Bảo Trúc khá phổ biến khi nhu cầu thông tin cần có những tin tức mới, cập nhật, có thẩm quyền từ Phủ đầu Rồng.

Cũng có cái hay là hai người phát ngôn của chế độ, một thay mặt quân đội, một đại diện chánh phủ đã có sự phối hợp đồng bộ, tương kính lẫn nhau nên đã hóa giải nhiều luận điệu tuyên truyền của địch và giảm nhẹ thông tin ác ý của bọn ký giả phản chiến muốn chính phủ họ bỏ rơi Miền Nam.

Có một giai thoại khi muốn loại bỏ tư cách thường trú của một ký giả báo NYT, anh chàng này hay có những câu hỏi móc họng và hay gửi những bài báo về Mỹ bất lợi cho chính phủ ta, Bảo Trúc đã dùng kế dụ hổ lìa rừng lựa lúc cuối năm anh ta đi nghỉ vacation ở Hongkong, hết hạn phép xin visa trở lại Việt nam, ông Trúc đã nhờ ông Hoàng điện cho tòa tổng lãnh sự của ta không cấp gia hạn, chàng ký giả ngậm bồ hòn trở lại Mỹ và NYT phải cử người thay thế!

Nay thì mọi chuyện trở thành hư không, nhắc lại tích xưa cũng chỉ là nhắc nhớ và tiếc thương một khuôn mặt suốt đời miệt mài với chữ nghĩa. Ký giả Bùi Bảo Trúc, bằng sở học và lối viết, lối nói của mình sẽ còn được trân trọng và thương yêu trong lòng người Việt tha hương trong nhiều thập niên sau.

Bùi Bảo Trúc, xin chào Bạn ta!

Quận Cam, cuối năm Thân 2016
 Đỗ Xuân Tê

   Bùi Bảo Trúc / giữa ma-trận của Ngôn Ngữ & Cuộc Đời
                    Bài viết của Bùi Vĩnh Phúc - 31 tháng 12 năm 2016

                   

           Bùi Bảo Trúc, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo, Ngọc Hoài Phương

1.
Lại một người bạn nữa của tôi ra đi. Bùi Bảo Trúc. Sự lên đường của anh làm tôi, cũng như rất nhiều người khác, buồn, tiếc. Riêng tôi, lại còn có một điều gì đó như nghèn nghẹn. Một nghèn nghẹn trong nỗi hồi tưởng. Và tôi bắt đầu cuộc nhớ miên man của mình về anh. Một nỗi nhớ có mình ở trong.
Khi từ bỏ bạn bè mình, anh chỉ mới 72 tuổi. Nói chung, với cái sống của người đời, ra đi vào độ tuổi này là đúng nhẽ. Người xưa còn bảo là “thất thập cổ lai hy”, 70 tuổi xưa nay hiếm thấy. Thế nhưng, với con người của Bùi Bảo Trúc (BBT), một người hết lòng thiết tha với việc viết lách, việc “làm báo”, một người năng động, thích chia sẻ đủ mọi thứ chuyện với bằng hữu cũng như với người đọc, người nghe, cùng với bao nhiêu việc mà anh đang dự định hoàn tất nhưng vẫn còn đang dang dở, sự ra đi của anh, trong cảm nhận riêng tôi, vẫn là khá sớm.
Từ những năm hai mươi mấy tuổi, khi còn là sinh viên, BBT đã bắt đầu chính thức bước vào nghiệp chữ nghĩa. Trước hết là trong những bài viết trên mục “Lá Thư Tân Tây Lan” (nơi tác giả du học) trên nhật báo Tự Do ở Sài Gòn, sau đó là trong vai trò phát ngôn nhân chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa vào giai đoạn cuối cuộc chiến, rồi đến những ngày làm việc tại đài VOA (Tiếng Nói Hoa Kỳ), cùng lúc bắt đầu viết tạp ghi trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong ngay từ những năm đầu thập niên ’80. Trong tất cả những vùng đất, những không gian đòi hỏi phải sử dụng chữ nghĩa ấy, BBT đã cho thấy anh là một người của ngôn ngữ. Anh gắn bó với chữ nghĩa. Và cũng thích đùa cợt với nó. Một cách sâu sắc. Nhiều khi đi kèm với một thái độ châm biếm. Nhưng hầu như lúc nào anh cũng giữ được sự duyên dáng trong cung cách tiếp cận với ngôn ngữ của mình.

Bùi Bảo Trúc là một người “phức tạp”. Có nghĩa, khi nói về con người anh, người ta có thể đứng từ nhiều góc độ, để xét về những khía cạnh khác nhau. Có nhiều mặt rất tích cực; nhưng ở một vài phương diện (như đời sống của hầu như bất cứ ai trong chúng ta), người ta cũng có thể phê phán, thậm chí chê trách anh. Đó là số phận của những con người có cá tính mạnh. Sống thẳng. Nhất là những con người đó, ở một số khía cạnh, lại là những người thuộc về quần chúng, những người tự phơi bày cuộc đời mình dưới những ngọn đèn hàng trăm nến của dư luận. Có lẽ, hơn nhiều người trong chúng ta, anh đã sống hết sức mãnh liệt, thậm chí có những lúc rất cực đoan, và anh sẵn sàng bày tỏ ý kiến riêng của mình trước công luận trên nhiều mặt. Có rất nhiều điều, thuộc phạm vi “nhậy cảm”, anh đã lên tiếng trên những trang báo của mình. Như những vấn đề chính trị, phái tính. Những cái yêu, cái ghét, cái giận, cái bực, cái thương, cái chủ quan của con người trong cuộc sống. Vân vân. Loạt bài “Thư Gửi Bạn Ta” của Bùi Bảo Trúc, được viết liên tục mỗi ngày từ năm 1989 cho đến tháng Chín 2016, tức là gần 30 năm, lúc đầu trên các báo Người Việt ở Westminster và Việt Nam Nhật Báo ở San Jose, và sau này trên nhiều tờ báo khác (và sau đó lại được phổ biến rộng khắp trên nhiều diễn đàn mạng), trước khi tác giả của nó ra đi khoảng hai tuần trước lễ Giáng Sinh 2016, đã cho anh rất nhiều cơ hội để nói lên bao suy nghĩ của mình về đủ mọi mặt của cuộc sống. Tất cả những hỉ nộ ái ố ai lạc dục của người đời, kể cả của anh nữa, đều được anh bày biện trong đó. Một cách rất duyên dáng, tài hoa, gần như lúc nào cũng với ít nhiều châm biếm. Và sâu sắc.
Bây giờ Bùi Bảo Trúc đã nằm xuống. Rất nhiều điều anh đã làm, đặc biệt những điều anh đã viết ra, đều có thể được nhìn ngắm và đánh giá ở những góc cạnh khác nhau, tùy theo vị trí nhìn ngắm cũng như chủ kiến của những người có thể đưa ra những lời phẩm bình, phê phán, khen tặng và đánh giá. Sau khi anh không còn nữa, tôi đã được đọc một số bài báo/tùy bút viết về anh. Có thể nói tất cả đều cho rằng anh là một nhà báo chuyên nghiệp, tài hoa và sâu sắc. Và tận tụy với nghề. Tôi cho rằng tác giả những bài viết ấy có những lý do khách quan, chính đáng và có cơ sở để lên tiếng như thế. Ở đây, trong vị trí của một người có khá nhiều kỷ niệm riêng tư với anh, cũng như đã chia sẻ với anh một số sở thích, tôi muốn viết về Bùi Bảo Trúc chủ yếu như một người bạn. Một người bạn yêu văn chương, chữ nghĩa. Và đã để hết cả cuộc đời mình để học hỏi, dùi mài cái sở thích cũng như cái niềm vui có nhiều nét cao nhã này.
Tôi sẽ thử viết về Bùi Bảo Trúc, một kẻ lăn lộn giữa ma-trận (matrix) của ngôn ngữ và cuộc đời. Và, một cách nào đó, ở một khía cạnh nào đó, viết về một người bạn, như thế, cũng có nghĩa là viết về chính mình."

                                            Toàn bài viết (pdf)

                    

                                 TẾT VIỆT NAM:     Phần 1     Phần 3    Phần 4 

                      TỤC NGỮ VIỆT NAM:     Phần 1    Phần 2    Phần 3    Phần 4   Phần 5                    

                     

                                                   Bùi Bảo Trúc, Quỳnh Anh và Nhã Lan

                 

                   Đào Đại Dương - SaiGon TV - nói chuyện với Bùi Bảo Trúc, Lê Uyên và Luân Vũ

                                             Phần 1    Phần 2    Phần 3    Phần 4 

                 

                          Bùi Bảo Trúc nhớ về Sài Gòn

Trở về căn nhà cũ ở Sài Gòn
gửi các con

Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng

Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten

Này buổi tối, cứ nằm yên ở đó
Đèn ơi đèn, đừng trở dậy đêm nay
Ta nhớ kỹ ở đây là chiếc ghế
Tủ sách ngày xưa đứng ở chỗ này

Chiếc bàn viết chắc còn nguyên trong góc
Những đêm buồn ngồi dậy viết lăng nhăng
Giấy mực ơi, biết có còn trong hộc
Hãy ra đây, nói tiếp chuyện văn chương

Ở dưới bếp vẫn những đồ thân thiết
Bể nước mưa ngày đó phải nằm đây
Chiếc ống máng vẫn lạnh tanh mùi thiếc
Từ bếp này xưa khói ấm xa bay

Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ
Ta vẫn thường rón rén tối về khuya
Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây

Phòng bên cạnh ta đã nằm đêm cuối
Ngó trần nhà mà nước mắt rưng rưng
Ngoài cửa sổ lao xao giàn bông giấy
Cỏ cây ơi, phút chốc đã như sương

Đêm còn tối trên tàng cây trứng cá
Ta phải đi, buổi sáng sắp lên
Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ
Đường sá xác xơ, thành phố cũng thay tên.

 Bùi Bảo Trúc

==================================

Gửi căn nhà cũ

Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui

Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
Mấy bức thư đọng lại những năm qua
Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa

Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa

Hãy tưởng tượng khi bước chân lên gác
Bàn ghế còn nguyên, sách vở còn bầy
Bỗng nghe thoáng tiếng mưa khuya dìu dặt
Những giọt buồn rơi mãi xuống đêm nay

Hãy tưởng tượng đêm sẽ nằm nghe gió
Trên chiếc giường thân thiết mấy năm xưa
Mấy con muỗi nhận ra người bạn cũ
Chú thạch sùng trong vách cũng bò ra

Hãy tưởng tượng trở về nơi hẹn cũ
Thăm hàng sao và bể nước đầy mây
Trên ghế đá vọng âm lời tình tự
Nét chữ mờ quấn quýt vẫn còn đây

Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly

Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn

Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Đường thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi

Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.

Bùi Bảo Trúc

====================================

Gửi người sắp rời Sài Gòn

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang theo chút trời và chút đất
tẩm trong mái tóc
nhớ mang theo chút gió, chút mưa
chút nắng mùa hạ
gói trong vạt áo
nhớ mang theo tiếng guốc trên đường về học
những chiều tan trường
những bàn tay thơm
và những trang sách
cất trong ngăn kéo bàn học từ mấy chục năm nay

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang cho anh miếng môi
miếng mắt
miếng tóc
miếng đồng tiền
miếng cằm chẻ, miếng nốt ruồi duyên
miếng chanh chua, miếng hay hờn, miếng làm cao, miếng điệu
miếng ngúng và miếng nguẩy, miếng mắc cỡ, miếng bày đặt
miếng nguýt, miếng lườm, miếng làm lành, miếng nói mát...

Em Sài Gòn bao giờ em qua đây
làm ơn mang theo chút bụi đường tội nghiệp
chút thổ mộ khốn khổ
chút xích lô nhọc nhằn
chút xe lam chật chội khói mù
và chút xe buýt ngột thở buổi chiều
chút xe lô mệt mỏi qua cầu

Em yêu dấu bao giờ em đi
mang cho anh miếng nước mía Viễn Đông
mang cho anh miếng đậu đỏ bánh lọc
mang cho anh miếng bò khô, miếng bò bía, miếng bia 33
miếng chanh muối, miếng bánh cuốn Phan đình Phùng
miếng bia ôm, miếng quán cóc, miếng phở đêm, miếng mì thất nghiệp...

Em Sài Gòn bao giờ em lên đường
nhớ mang cho anh
thật nhiều Việt Nam
thật nhiều Sài Gòn, thật nhiều Chợ Lớn, thật nhiều Phú Nhuận, Đa Kao
nhớ mang cho anh thật nhiều Thủ Đức và Gia Định
thật nhiều ngã năm, ngã bảy
thật nhiều ngoại ô, thật nhiều ngõ tối
thật nhiều ổ gà, thật nhiều mái tôn, thật nhiều ngõ lội
thật nhiều bùn lầy đêm mưa
và thật nhiều số nhà năm bẩy lần chồng chất lên chúng ta

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ thăm hộ anh những hàng cây trong sở thú
đọc hộ anh những hàng chữ viết trên tường
thăm hộ anh những chiều mưa
những đêm cúp điện
những đầu ngày nóng hổi mệt nhoài trước mặt
những rạp ciné thường trực
những quán nước, những hàng hiên đã giữ chúng ta trong cơn mưa hạnh phúc
nhớ mang câu vọng cổ trưa buồn não nuột xuyên qua vách ván
nhớ mang truyện tình kết rất đẹp đêm cải lương thứ bẩy
và nhớ mang cho anh một chút dịu dàng mà ở đây anh rất thiếu

Em Sài Gòn, bao giờ em đi...

Bùi Bảo Trúc

Luân Hoán viết về Bùi Bảo Trúc

“bạn ta” không bạn ta
chỉ quen biết qua loa
vài ba lần gặp mặt
như gió thoảng qua nhà

nhưng không phải vì vậy
không có tình kính thân
“bạn ta” sao không biết
riêng ta vẫn ân cần

đón đọc ông đều đặn
thú vị lối gợi hình
bày ảnh ra bình luận
cuộc sống thật chân tình

người thật và việc thật
bớt u u minh minh
trộn trắc ẩn châm biếm
nhân ảnh càng lung linh

nét bi không quá thảm
nét hỉ không thiếu buồn
tài hoa nhờ tế nhị
nền tảng từ tình thương

ngoài hình thức thư gửi
còn nhận định phê bình
nghiêm túc giàu trí tuệ
luôn cõng theo chữ tình

ông viết về “nhạc Trịnh”
về thơ Du Tử Lê...
hình như tôi cũng được
một bài ông điểm phê

sau ngày rời nhiệm sở
xướng ngôn đến bốn phương
ông gia tăng nói chuyện
trước đám đông đồng hương

nhiều người nghe và đọc
đâu cần tôi tán thêm
kiến thức cùng kinh nghiệm
viết nói tăng vững bền

ra đời năm bốn bốn
gốc bắc kỳ di cư
“con nhà giàu du học”
vừa Kim Trọng vừa Từ...

ông cao ráo bụ bẫm
dềnh dành như quan công
nhưng mặt trắng kính cận
kinh thư thuộc nằm lòng ?

với thân thể cao lớn
chắc cái gì cũng to
điều này muốn kiểm chứng
đã sẵn sàng nhiều o

dĩ nhiên không mấy chắc
sự tương phản bất ngờ
chính tôi là ví dụ
và còn nhiều ảnh sao !

bông đùa chơi nửa phút
tuy có phần vô duyên
mong ông cười thành tiếng
đừng nhúng vào bút nghiên

Thư Gửi Bạn Ta đã
in được mấy tập rồi ?
ông chọn riêng một chiếu
đâu khác chi ông trời

chúc ông vững sức khỏe
tiếp tục một cuộc chơi
tiếp tục thay đổi ngựa
để đi cho thảnh thơi


 Luân Hoán

        Một cái nhìn về nhạc tiền chiến - Bùi Bảo Trúc

(Bài viết cho chương trình đêm Nhạc Thính Phòng Chủ đề Nhạc Tiền Chiến ngày 4 tháng Hai tại San Jose và 17 tháng Hai, 2001 tại Orange County)

Thử tìm một dấu mốc

Âm nhạc, cũng như thơ, hội họa, tiểu thuyết không bùng lên trong một ngày, và cũng không ra đi, chấm dứt trong một ngày để hôm trước còn là một nền Nhạc hùng, vang vọng tiếng quân hành và ngày hôm sau, là những âm thanh lãng mạn chứa chất tình yêu trữ tình.

Bởi thế khó mà có thể định được một nền nhạc, một khuynh hướng nhạc bắt đầu chính xác từ lúc nào. Nó có những khoảng lấn sang phía sau, nó có những khoảng còn vương lại từ phía trước.

Nhạc tiền chiến, danh từ này xuất hiện từ lúc nào và ai là người dùng nó lần đầu tiên? Ðây là những câu hỏi khó trả lời.

Nhưng có điều chắc là danh từ Nhạc tiền chiến phải ra đời sau khi cuộc chiến Ðông Dương thứ nhất chấm dứt với sự chia cắt đất nước. Nó ra đời sau khi có một phân định văn học, gọi sinh hoạt chữ nghĩa của giai đoạn trước ngày chiến cuộc bùng nổ là văn học tiền chiến, lấy năm 1945 là cái mốc để nhìn về trước và cũng là điểm đế nhìn về phía sau. Ðó là năm cuộc chiến Ðông Dương bắt đầu đồng thời nó cũng chấm dứt một giai đoạn tương đối yên bình của xã hội Việt Nam.

Các sinh hoạt văn học như tiểu thuyết, thơ trong những năm trước 1945 được gọi là văn học tiền chiến, các nhà văn, nhà thơ hoạt động trong những năm này là các nhà văn, nhà thơ tiền chiến.

Và khi đã có một dòng văn học được đặt tên cho là văn học tiền chiến thì việc gọi những sinh hoạt âm Nhạc trong cùng giai đoạn đó là Nhạc tiền chiến là điều sẽ phải xẩy ra. Lê Thương, một trong những Nhạc sĩ đi đầu của tân Nhạc Việt Nam thì khẳng định đó là thời gian giữa những năm 1938 và 1945 (1).

Những bước đầu

Ảnh hưởng của văn hóa Pháp bắt đầu bén rễ khá vững từ năm 1930. Trước đó, trong những năm từ 1900 đến 1930, là giai đoạn sửa soạn cho những sinh hoạt sau năm 1930, khi chữ quốc ngữ thật sự phát triển với những tác phẩm bước ra khỏi truyền thống văn học từ chương cũ viết bằng Hán văn. Các tiểu thuyết Tây phương, nói rõ hơn, là của Pháp từ năm 1925 cho đến những năm của thập niên 30 đã được giới thiệu, đưa tới độc giả Việt Nam và được ưa chuộng ngay. Trường Mỹ Thuật Ðông Dương được thành lập ở Hà Nội mở đầu cho một phong trào mới của các họa phẩm mang ảnh hưởng của Tây phương. Và trong khung cảnh này, là những bản Nhạc mới do các Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác ra đời, để sau này mang tên là Nhạc tiền chiến.

Theo Phạm Duy, năm 1938 là một năm quan trọng vì đó là năm khai sinh ra loại Nhạc cải cách (2).

Các Nhạc sĩ Việt Nam sau một thời trình tấu các bài ta theo điệu Tây mà các Nhạc sĩ tiền phong như Tư Chơi Huỳnh Hữu Trung và Năm Châu Nguyễn Thành Châu đề xướng trong những năm 1933, 1934, muốn viết những bài hát hoàn toàn Việt Nam thay vì vay mượn Nhạc điệu của Tây.

Một trong những bài hát đầu tiên của loại Nhạc này, là bài Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên, một thanh niên sinh trưởng tại Huế, làm việc tại Sài Gòn, học Nhạc lý và thanh Nhạc tại Hội trường Philharmonique (3). Sáng tác đầu tay này được giới thiệu trên đài phát thanh Radio Indochine . Ðược trợ cấp của thống đốc Nam Kỳ Rivoalen, ông Tuyên đi diễn thuyết ở Huế, Hải Phòng, Hà Nội (tháng 4 năm 1938). ông Nguyễn văn Cổn làm việc cho Radio Indochine, một người ủng hộ và bảo trợ cho ông Tuyên đã đặt tên cho loại Nhạc này là âm Nhạc cải cách (Musique Renovée).

Ông Tuyên viết thêm bài Anh Hùng Ca, thơ của Nguyễn Văn Cổn và Bông Cúc Vàng phổ thơ của Nguyễn Quí Anh. Cùng với bài Kiếp Hoa, đó là ba ca khúc đầu tiên của tân Nhạc Việt Nam. Chuyến du thuyết của ông được báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng và Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn hết lòng ca ngợi và trân trọng giới thiệu. Báo Ngày Nay sau đó còn cho đăng tải những tác phẩm đầu của nền Nhạc mới. ảnh hưởng của chuyến đi đó được thấy ngay sau đó.

                                             Toàn bài viết (pdf)


           VỀ TRỊNH CÔNG SƠN – LẶNG LẼ NƠI NÀY
                                                         Bùi Bảo Trúc

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người mà ai cũng biết nhưng cũng không ai biết ông bao nhiêu ngoài gia đình và một vài người bạn rất thân.

Sinh ngày 28 tháng hai năm 1939. Trịnh Công Sơn quê ở Huế nhưng ra đời ở Đắc Lắc. Tiểu sử, ông chỉ ghi như thế.

Trời cao đất rộng, một mình tôi đi
Đời như vô tận, một mình tôi về
một mình tôi về với tôi. . . .


Từ căn nhà cũ ở Phú Cam, Huế, Trịnh Công Sơn lớn lên, bỏ vào Sài Gòn, theo bạn bè, âm nhạc. Ông không ồn ào những bước đưa nhạc của mình vào với người nghe.

Năm 1965, ở trụ sở sinh viên đại học góc đường Duy Tân Hồng Thập Tự, người thanh niên có cái vẻ rất thư sinh, gầy gò ấy cầm chiếc Tây Ban cầm bước lên bục, sau đôi lời giới thiệu rất ngắn và giản dị của một người trong ban tổ chức, cất lên tiếng hát chưa mấy ai biết ở Sài Gòn thời ấy, và từ đó, nhạc Việt Nam không bao giờ còn như cũ nữa.

Trong số những ca khúc ông hát hôm ấy có bài Gọi tên bốn mùa. Sài Gòn hôm ấy vừa xong một cơn mưa. Cơn mưa vào hạ những giọt thì thầm, cành khô bơ vơ, buổi chiều xao xác, tuổi thơ, tin buồn... Không khí ấy, cứ nghe lại vài ba đoạn trong ca khúc Gọi tên bốn mùa, lại trở về, như mùa thu cũ, một thời, một đời...

Trịnh Công Sơn tới với người thưởng ngoạn bằng nhạc nhưng căn bản, ông là một thi sĩ.

Ông như người nhạc sĩ mù trong một bức vẽ của Picasso, thời kỳ xanh.

Người nhạc sĩ cầm cây đàn không có dây, giơ lên những âm thanh mà chỉ ông nghe thấy, vì nó đi ra thẳng từ quả tim của ông.

Trịnh Công Sơn cũng thế. Ông viết rất dễ dàng. Trong trí, trên một mảnh giấy lau tay trong một tiệm nước, bất cứ chỗ nào. Như một thi sĩ, vì ông chính là một thi sĩ.

                                                   Toàn bài viết (pdf) 

 

                Nhớ họa sĩ Ngọc Dũng (1931-2000) - BÙI BẢO TRÚC

Trong những tháng cuối của Mai Thảo, hễ có dịp sang miền tây, tôi đều đến thăm anh. Lúc ở căn apartment sau nhà hàng Song Long, lúc ở bệnh viện, cuối cùng ở một khu điều dưỡng ở Orange County.
Mỗi lần đến chơi với anh, tôi tránh không hỏi về tình hình sức khỏe của anh. Chúng tôi châm thuốc cho anh, rót cho anh ly cognac. Toàn những thứ cấm kỵ. Nhưng làm sao từ chối anh được. Làm sao từ chối khi biết không có điếu thuốc, không có ly cognac, anh cũng sẽ không bao giờ còn có thể mặc áo, đi giày, đi ăn với chúng tôi, lêu bêu lên đồi Cam, hay ra một quán rượu ở Laguna ngồi uống nhìn ra biển đen xanh buổi tối.
Chúng tôi không hỏi anh về sức khỏe sau lần thấy một phụ nữ đến thăm, hỏi anh có khỏe không, anh gắt lên "Khỏe cái đếch gì!"
Từ đó, tôi thấy câu hỏi ấy vừa thừa thãi vừa vô duyên trong những trường hợp như vậy. Mỗi lần đến thăm sau đó, chúng tôi chỉ đốt thuốc và rót rượu cho anh, và không nói gì.

 

                                                     Toàn bài viết (pdf)


            NHỚ VÕ PHIẾN, MỘT NGƯỜI TINH QUÁI
                                                  October 2, 2015 - Bùi Bảo Trúc

Hồi còn đi học, tôi có mấy cái hộp giầy bằng các tông để trên nóc tủ sách, mỗi lần nhận được thư từ gia đình, bạn bè… đọc xong tôi đều bỏ vào đó. Những bức thư cứ đều đặn tới và tất cả được giữ lại trong những cái hộp giầy ấy. Một hôm tôi viết vài chữ trên chiếc hộp đựng thư để phân biệt chúng với những hộp đựng các thứ giấy tờ khác. Tự nhiên không hiểu tại sao tôi lại viết xuống hai chữ “thư nhà” trên những cái hộp giầy đựng những lá thư của gia đình và bạn bè từ Việt Nam gửi sang. Đáng lẽ tôi đã có thể viết “thư gia đình” hay “thư Việt Nam”. Nhưng không biết tại sao tôi lại viết thành “thư nhà”. Nghe “thư nhà” tôi thấy nó thân tình hơn, gần gũi hơn là những chữ kia. Những bức thư nhận được từ nhà, từ những người bạn ở cái thành phố thân quen đó.

Một thời gian sau, tôi không nhớ là bao nhiêu lâu, kể từ lúc tôi đặt tên cho mấy cái hộp giầy đựng những thư từ của gia đình và bạn bè, thì một người bạn gửi cho qua đường bưu điện một cuốn sách của Võ Phiến có tên là Thư Nhà vừa được xuất bản. Đó là năm 1962.

Những bức thư mang dấu bưu điện Việt Nam hồi đó, đến bây giờ, sau nửa thế kỷ, tôi vẫn còn giữ và vẫn gọi chung chúng là “thư nhà”, cái tên Võ Phiến đặt cho cuốn sách của ông và tôi vô tình chọn để gọi chung những lá thư nhận được từ quê nhà.

Những gần gũi với tác giả của Mưa Cuối Năm, Nửa Đêm Trăng Sáng … cũng bắt đầu từ đó. Bạn tôi gửi cho tôi gần như tất cả những tác phẩm của Võ Phiến xuất bản ở Việt Nam. Phải nói ngay là những cuốn sách đó đã ảnh hưởng không ít tới đầu óc, cảm quan của một thanh niên mười chín hai mươi vừa rời trung học. Tôi đọc ông với một thái độ hệt như người đọc kinh thánh, nhưng không như người bị bịt mắt dẫn đi. Đó là suốt những năm đầu của thập niên 60. Rồi sau đó tôi về nước, và trong công việc hàng ngày, khi có dịp tôi vẫn đọc ông, mãi cho đến năm 1975.

Ra khỏi Việt Nam, trong số sách vở tôi đem theo được, là mấy cuốn sách của Đinh Hùng, Mai Thảo, Nhật Tiến và của ông. Vậy là tôi lại mang được ông, những thứ tưởng là không còn bao giờ còn ở được với mình nữa.

Những đẩy đưa của cuộc sống mới đưa tôi tới một công việc với một đài phát thanh ở Washington, và sau vài tháng, một hôm tôi thấy trong số sách tôi mang đến đài, có một cuốn Tùy Bút của ông. Tôi đề nghị với người phụ trách chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Tiếng nói Hoa kỳ để thực hiện mục Điểm Sách cho đài, một mục nhắm gìn giữ và phổ biến di sản văn học cho những cộng đồng người Việt ở những nơi ngoài Việt Nam. Và cuốn sách đầu tiên được đem giới thiệu cho những người đọc còn ở Việt Nam sau việc đốt cho bằng hết những sách vở thời Việt Nam Cộng Hòa là cuốn Tùy Bút 1 của Võ Phiến. Liền ngay sau khi cuốn sách này được gửi tới thính giả ở Việt Nam thì tác giả liên lạc với tôi và cho biết một người trong gia đình ở Việt Nam đã cho ông biết điều đó qua một bức thư gửi từ Việt Nam qua. Một người khác liên lạc với chúng tôi là một người có rất nhiều công trong việc gìn giữ nền văn học Việt Nam sau chiến dịch “phần thư khanh nho” ở trong nước, đó là ông Võ Thắng Tiết, người đàn ông hiền lành mà chúng tôi gọi tên một cách thân mật là anh Năm, người đã xuất bản toàn bộ tác phẩm của Võ Phiến ở hải ngoại, và nhờ đó, những tác phẩm của Võ Phiến đã tới được với người Việt ở nước ngoài .

Sau những bài viết về Võ Phiến được phát thanh về Việt Nam, chúng tôi mới quen ông, nhưng phải tới khi ông về hưu và dọn về ở tại Santa Ana tôi mới có dịp gặp ông, và theo mô tả của Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Phiến là một ông già rất tinh quái. Và càng đọc, càng nhớ lại những tác phẩm của ông thì càng thấy đó là những mô tả rất đúng về ông. Nhất là trong những tùy bút của ông. Ông chẻ những sợi tóc không phải làm tư, mà thành 16, 18. Một cọng giá ông tìm thấy trong một tô hủ tiếu ở Gia Nghĩa, cái bóng đèn hột vịt, tiếng rao hàng buổi trưa, ly cà phê ở một tiệm nước tỉnh lẻ, sợi khói quằn quại từ một cánh đồng … đọc lên mà ứa nước mắt nhớ về quê hương cũ.

Võ Phiến cho người đọc nhiều thứ lắm, như một ngày để tùy nghi, giọt mưa bên một hàng hiên, những cánh chim én chao đi trên trời, ly trà tầu trong một tiệm mì, tiếng một con chó hực lên trong đêm tối, dấu bùn trên bắp chân của một người đàn ông, vài ba câu đối thoại dấm dẳn… Gấp lại những chi tiết ấy, càng thấy yêu ông hơn…   .  

Cách đây khoảng mấy năm, bà Võ Phiến gọi tôi, nói qua điện thoại rằng “ông già” , hai chữ bà vẫn dùng để gọi ông, rằng ông muốn gặp tôi. Tôi vừa dọn sang sống tại miền Tây, đồ đạc còn ngổn ngang trong phòng. Tôi thấy bộ đồ trà mua ở New York chưa bao giờ dùng. Tôi mang biếu ông cùng với một gói trà Long Tỉnh. May mà tôi làm việc đó, vì trong chuyến viếng thăm ông hôm đó, ông cho tôi một cái gói nhỏ rất đẹp. Mở ra, là một chiếc hộp đựng cây bút có khắc tên của ông. Ông nói là ông muốn cho tôi. Tôi nghĩ ngay đến chuyện một kiếm sĩ lên núi tầm sư học đạo và sau khi thọ giáo, người kiếm sĩ được vị thầy trao tặng một thanh gươm làm kỷ niệm. Cây bút vẫn còn đây và nó sẽ còn được giữ mãi.

Sang sống ở miền Tây tôi có nhiều dịp gần ông trong những bữa ăn với sự có mặt của Trúc Chi Tôn Thất Kỳ, Ngự Thuyết, Phạm Phú Minh…Những thân tình với ông càng ngày càng sâu đậm thêm. Bà Viễn Phố liên lạc với tôi nhiều lần khi có vài ba chuyện không vui. Chính vì thế tôi thấy mình được coi là thân tình. Cám ơn chị Võ Phiến. Hôm nay tôi chỉ xin được nói lên vài ba chuyện ít nhiều có dính dáng tới những thân tình ấy.

Hôm trước tự nhiên có hai câu này hiện ra trong óc, cũng chưa phải là những câu đối, xin đọc lên ở đây, gọi là để tiễn chân ông già tinh quái nhân dịp ông ra đi:

Võ Phiến vẫn mãi gần bên Viễn Phố
Thế Nhơn luôn còn ở với người đời


Chào anh Võ Phiến…

Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan


Xin được nhỏ những giọt nước mắt chân tình nhất như của Nguyễn Khuyến với Dương Khuê, như đã với Mai Thảo, Trần Hồng Châu, Trần Bích Lan, Thanh Tâm Tuyền … như đã khóc trong ngày qua đời của hai người thân yêu nhất trong đời tôi.

Vĩnh biệt ông già tinh quái của tôi.

Bùi Bảo Trúc


                       Bùi Bảo Trúc viết về Nhạc sĩ Phạm Duy


Phạm Duy có một số lượng ca khúc hết sức đồ sộ. Nói rằng ông là người viết nhiều nhất trong số các nhạc sĩ Việt Nam thì chắc chắn không phải là điều còn cần phải đem ra tranh cãi nữa. Ông viết đủ mọi thể nhạc: trường ca, kháng chiến ca, bé ca, đạo ca, tục ca, tình ca. . Nhưng căn bản, đầu tiên và cuối cùng ông vẫn là một nhạc sĩ  viết tình ca, trước sau vẫn như thế. Ông có thể được biết tới qua những loại nhạc khác, nhưng ông vẫn trung thành và thủy chung với nhạc tình hơn hết.

Bản nhạc đầu tiên ông viết là bài Cô Hái Mơ, ca khúc ông đóng góp phàn nhạc cho một bài thơ của Nguyễn Bính. Cô Hái Mơ ra đời năm 1942, như ông cho biết, là một trong những ca khúc cải cách sơ khởi của nền tân nhạc Việt. Bài hát này, cũng như tác phẩm của các nhạc sĩ tuổi tác trên dưới, cùng thơì với ông, được viết để đáp ứng đòi hỏi của giới thanh niên thời đó, thế hệ chỉ được nghe các ca khúc Tây phương du nhập vào Việt Nam với những giọng ca của âm nhạc Pháp. Tuổi trẻ muốn có những ca khúc mà Lê Thương gọi là "bài hát ta, điệu Tây" viết về tình yêu sử dụng ngôn ngữ và nhịp điệu mới, trình tấu bằng nhạc cụ Tây phương đi ra khỏi những dòng nhạc cổ truyền với nhịp xênh, tiếng phách không còn hấp dẫn giới nghe nhạc trẻ tuổi và Tây học nhiều nữa. Như  thế, ông bước  chân  vào con đường sáng tác, khởi đầu bằng một tình khúc. Ông có thể không coi đó là một đóng góp hoàn toàn của riêng ông vì phần lời ca vẫn là của một người khác. Bài Cô Hái Mơ được ông đem đi hát ở nhiều nơi trong nước, đem tới người nghe nhạc Việt, một sinh hoạt mới mẻ đầu thập niên 40, một ca khúc khác hẳn những gì người ta được nghe trước đó. Thành phần thính giả trẻ tuổi, Tây học ở các thành thị lúc ấy đang muốn có những đổi mới trong âm nhạc. Khởi đi bằng một tình khúc, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 đã kéo Phạm Duy đi sang một hướng đi khác. Con đường kháng chiến chống Pháp mà ông và những người cùng tuổi ông từ bỏ cuộc sống ở các thành thị, một cuộc sống tương đối yên lành để dấn thân vào. Điều này thấy rõ qua tư tưởng trí thức thành thị, tiểu tư sản trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Cuộc kháng chiến, có cái lãng mạn và rất nhiều nét làm dáng tiểu tư sản mời gọi. Những thành phần này lần đầu tiên có được chuyến lên đường có một mục đích hẳn hoi, không chỉ là "rũ áo phong sương trên gác trọ", không chi để đi một chuyến, để có thể làm" người ấy bên sông đứng ngóng đò" nữa. Kháng chiến và cách mạng là những cái cớ rất thuận tiện cho trí thức trẻ để làm một chuyến lên đường mặc dầu không ai có thể phủ nhận lòng yêu nước rất có thực của họ.

 

  Ba bài: Phạm Duy, Người Viết Nhạc Tình/ Đêm Thu nghe nhạc Phạm Duy / Không Có Phạm Duy (pdf)


           THƯ GỬI BẠN TA của BÙI BẢO TRÚC
                                                    http://thuguibanta.blogspot.com/

                                               

Ngày 31 tháng 3 năm 2014

Vô Tư

Vô tư, theo các từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn, là không tư vị, không thiên lệch, là công bình, là đối xử ngang bằng với tất cả mọi bên, mọi phe, là không vì lợi ích riêng.
Như vậy thì ngày nay, ở trong nước, hai chữ này đã bị đem ra hiểu hoàn toàn khác với các định nghĩa trước đây. Hay cũng có thể nói rõ hơn là cách hiểu mới này không thấy tại miền Nam trước năm 1975.

Ở hải ngoại, cách hiểu hai chữ vô tư theo lối mới cũng thấy xuất hiện khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây. Lối nói ấy được những người từ trong nước mang ra hải ngoại dùng một cách rất ... vô tư. Mua cái thẻ điện thoại để gọi viễn liên với phí tổn rất nhẹ thì khi dùng cứ “vô tư,” cứ gọi “vô tư.” Gọi vô tư thì chắc chắn không có nghĩa là gọi không thiên lệch, gọi công bằng, gọi không vì lợi ích riêng.
Mua cái xe mới xong thì lái vô tư về nhà. Vào nhà hàng gọi vài chai bia uống vô tư...

Dần dần thì cái nghĩa mới của hai chữ vô tư cũng rõ ra, và cách dùng hai chữ này đang từ từ mất đi sự kinh ngạc nó tạo ra trong lúc ban đầu. Nó được đem dùng rất rộng rãi. Ðâu cũng thấy ... vô tư. Hai chữ đó được dùng một cách thoải mái. Ðó là về mặt tiếng nói. Cái gì cũng vô tư cả.

Cách đây mấy hôm, một tờ báo điện tử trong nước có phổ biến một video clip khá dài với những tai nạn giao thông kinh hoàng ở Việt Nam. Có những tai nạn xe hơi đụng nhau, xe vận tải đụng xe nhỏ, xe lớn đụng xe hai bánh, xe đạp đụng người đi bộ gây thiệt hại vật chất không nhỏ cho các xe bị tai nạn và luôn cả cho người đi đường. Nhưng có một chi tiết gây kinh ngạc cho người xem là thái độ vô tư (lại vô tư) của những người đi đường. Lái xe đụng xe người khác, cứ vô tư lách sang một bên, chạy tiếp. Xe nhỏ đụng xe lớn cũng vô tư bỏ đi ngay, nếu còn đi được. Xe lớn đụng xe nhỏ cũng bỏ đi, vô tư không thèm ngó lại. Không cả một cái nhún vai.

Nạn nhân đứng dậy, dắt xe vào lề, rồi leo lên xe đi tiếp rất vô tư.

Mấy hôm trước, bộ trưởng y tế bị chất vấn về những vụ tiêm chủng làm chết trẻ em thì trả lời thật khó là tránh được, và rất khó mà ngăn chặn được những chuyện như thế. Lại cũng vô tư.

Rất nhiều vụ học sinh đánh nhau lột áo của bạn học thì các bạn cùng lớp, bạn trai cũng như bạn gái đứng chung quanh cổ vũ, lấy điện thoại cầm tay ra thu hình đưa lên Internet rất vô tư.

Học sinh đi thi thì ngang nhiên quay cóp, dùng phao để... tham khảo rất vô tư. Thầy cô giáo làm giám thị trong phòng thi cũng đi lại ung dung trong lớp, thỉnh thoảng ghé lại bàn cố vấn cho các học sinh chép bài một cách rất vô tư như một vài video clip cho thấy.

Mở báo ra đọc, mỗi ngày, không báo nào có dưới 10 tin giết người, cha giết con, cháu giết bà lấy tiền đi chơi game, chồng giết vợ, hàng xóm giết nhau rồi ... đi nhậu vô tư như không có chuyện gì xảy ra.

Giải phẫu thẩm mỹ không xong gây tử vong thì đem xác ném xuống sống rồi vô tư về nhà. Thanh niên lừa bạn gái đem bán cho các ổ điếm ở Trung Quốc. Hàng xóm bán hàng xóm sang Trung Quốc, dụ người đưa sang các nước bên cạnh để bán thân cũng một cách vô tư. Hàng hóa, thực phẩm nhập cảng từ Trung Quốc vào chứa toàn hóa chất độc hại vẫn bầy bán vô tư trước mắt công an. Người dân vô tư mua những thứ ấy về ăn uống với nhau một cách vô tư. Cầu cống đường sá xây cất cẩu thả, vừa xây vừa chấm mút với nhau khiến cầu sập, đường đầy ổ gà, xa lộ hầm hố trong lúc quan chức (chữ của bọn huênh hoang là bài trừ phong kiến) vẫn vô tư làm như không có chuyện gì xảy ra.

Ăn cắp từ trên xuống dưới, hở ra là ăn cắp trong cũng như ngoài nước. Lộ chuyện thì tuyên bố vài ba câu huề vốn rằng sẽ xử lý nghiêm túc rồi lại vô tư ăn cắp tiếp.

Bằng giả đầy đường, bằng lớn bằng nhỏ đều giả cả, muốn gì có nấy mua về đem dùng vô tư. Chính quyền cũng vô tư nói là bằng giả chỉ co thể kiếm việc với nhà nước. Có đứa không học luật bao giờ, vẫn khai là có bằng luật rồi nhơn nhơn cái mặt và vô tư làm tới thủ tướng. Một con ranh tên là Kiều Trinh cứ xuất ngoại là giở trò ăn cắp, vậy mà vẫn tiếp tục được trao việc dẫn chương trình Văn Hóa Dân Tộc trên truyền hình một cách rất vô tư vì bố nó làm tới ủy viên trung ương đảng. Sao mà không vô tư cho được. Rồi con ranh con lại còn vô tư nhận là bệnh tâm thần để Thụy Ðiển và Anh Quốc tha tội ăn cắp vặt. Rất vô tư.

Bọn chó dại mở hết công ty này, công ty nọ để làm ăn nhưng chính ra là chỉ để ăn cắp với nhau cho các cơ sở ấy lỗ chỏng gọng rồi phủi tay. Lại cũng vô tư.

Ngày kỷ niệm giặc Tàu đánh phá mấy tỉnh miền Bắc thì bọn ngợm và đười ươi lôi nhau ra múa đôi ở công viên ăn mừng rất vô tư. Ngư dân bị bọn khốn nạn Tàu ô bắt nạt, cướp tàu, bắn giết thì vô tư gọi đó là những tầu ... lạ. Bỏ bạc tỉ ra mua mấy cái tàu ngầm mang về Cam Ranh trưng chơi rồi để đó lại cũng rất vô tư.
Thành ra Việt Nam bây giờ đã trở thành quốc gia vô tư nhất thế giới. Cho nên cái gì cũng vô tư là vậy.

Người ta thấy là chỉ cần thay vài ba chữ trong một bài viết của cụ Nguyễn Văn Vĩnh đăng trong Ðông Dương Tạp Chí số 23 là đúng ngay: “Việt Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng ... vô tư. Người ta khen cũng vô tư, người ta chê cũng vô tư. Hay cũng vô tư, mà dở cũng vô tư; quấy cũng vô tư. Nhăn răng vô tư một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.”

Thật là khốn nạn cho cái nước ta.

Bùi Bảo Trúc


April 11, 2014

PHÚNG ĐIẾU


Phúng là lễ vật mang cúng người chết. Phúng có thể là thức ăn, có thể là tiền bạc để giúp cho tang gia chi trả cho những chi phí của đám tang.
Điếu là viếng thăm người chết. Có thể là tới thăm người quá vãng lần cuối, thắp nén hương, cúi lạy trước quan tài, dừng lại trước linh cữu của người ra đi. Phúng và điếu thường đi đôi với nhau. Đã mang phẩm vật đến cúng thì tiện thể viếng thăm người chết luôn. Ít khi chỉ có phúng mà không điếu. Nhưng cũng có thể đến phúng nhưng không điếu. Chỉ phúng mà không điếu có thể là do ý muốn của tang gia. Chuyện từ chối nhận phúng có thể có nhiều lý do. Tang gia có thể là đã giầu có, dư thừa, không muốn gây khó khăn cho bạn bè. Người ta đã cất công tới điếu mà lại phải mang theo đồ phúng, với nhiều người có thể không tiện.
Cũng có thể tang gia không muốn mắc nợ ai, ngay cả trong chuyện tang ma nên nhất quyết không nhận đồ phúng. Hay tang chủ có thể là người nhiều tự ái: chúng tôi lo lấy được, không cần những giúp đỡ từ bên ngoài, theo những dặn dò của người đã ra đi.

Nhưng vì phúng và điếu hay đi kèm với nhau, và cũng là hai chữ không thể rời nhau được nên hai chuyện phúng và điếu vẫn lại cứ dính liền với nhau. Hễ có phúng thì phải có điếu. Thế nên tang gia tuy không muốn nhận phẩm vật cúng người chết thì lại thuận miệng để nói là "miễn phúng điếu".
Vậy là xin đừng đến thăm (phúng) hay sao? Chắc không phải vậy.
Nhưng bạn bè của người chết, những quen thuộc của tang quyến thì hiểu là điếu thì cứ điếu, nhưng phúng thì đừng. Tuy vậy, chẳng lẽ gia đình người chết lại nói rõ ra thành "xin phúng nhưng đừng điếu". Không thấy một cái cáo phó nào nói rõ ra như thế.

Có một số gia đình viết trong cáo phó là xin miễn vòng hoa, và thay vì vòng hoa thì xin gửi tặng tiền chi phí vòng hoa cho một tổ chức từ thiện, hay cho một chương trình nghiên cứu căn bệnh mà người nằm xuống đã ra đi vì căn bệnh đó.

Nhưng cũng có nhiều người tuy được nhắn nhủ là miễn vòng hoa thì vẫn cứ vòng hoa như thường. Tang gia cũng không phản đối. Bầy tỏ lòng thương nhớ người đi bằng vòng hoa thì sao lại cấm? Chuyện ấy, là bạn bè thì cho dù có cấm thì vẫn cứ làm như thường.

Tang gia mặc dù không nhận đóng góp tiền bạc (phúng), nhưng chỗ thân tình, bạn bè biết tình hình tài chính của tang gia thì cứ gửi chút ít. Chắc không ai nỡ từ chối, không nhận những giúp đỡ của bạn bè.
Những căn dặn như "xin miễn phúng điếu" trên các trang cáo phó, chúng ta đọc được không ít. Chúng ta vẫn phúng, và vẫn điếu như thường.

Cách đây không lâu, tôi có người bạn đau nặng đã mấy năm. HXS, một người bạn rất thân của anh ở Canada, quen nhau cả hơn nửa thế kỷ từ Huế rồi lại vào đến Sài Gòn và ra hải ngoại. HXS đến thăm bạn và sau đó có viết một e-mail cho những người cũng quen biết người bạn đau nặng và nói thẳng về hoàn cảnh gia đình không mấy khả quan của người bệnh và kêu gọi những người bạn gửi quà cho gia đình người bạn đang đau nặng. HXS nói thẳng là bạn bè nên "phong bì" cho gia đình bạn.
Chúng tôi chuyển cho nhau lá thư e-mail đó và một số người hưởng ứng đã "phong bì" ngay. Cả những người không quen biết bạn tôi bao nhiêu cũng đáp ứng liền.
Nhưng lập tức, ngay sau e-mail của HXS thì một người nhận là quen biết thân tình với người bạn đang đau nặng và gạt phăng đề nghị "phong bì", nói rằng vợ của người bệnh rất tự ái và việc "phong bì" sẽ bị chị coi là rất "phản cảm". Ông ta yêu cầu là đừng "phong bì" gì hết. Cứ cầu nguyện cho người bệnh là được rồi.
Cũng may là những người bạn khác đã "phong bì" liền ngay sau khi đọc e-mail của HXS và không làm theo đề nghị ấm ớ của người đàn ông kia.
Gia đình đang gặp nhiều chuyện khó cùng một lúc thì chắc chắn khi nhận được những "phong bì" của bạn bè nhất định sẽ không thấy "phản cảm" gì hết mặc dù có thể vợ người bạn tôi rất tự ái.

Còn riêng tôi thì tôi thấy rất là "phản cảm" về cái e-mail của người đàn ông vớ vẩn nọ.
Gia đình chưa kịp "xin miễn phúng điếu" trong cáo phó thì ông ta đã nhanh nhẩu đoảng e-mail một cái để xin miễn "phúng điếu" hộ rồi.
Rõ là vớ vẩn.

Bùi Bảo Trúc 



RESOLUTION (29/12/2015)

Một câu hỏi người ta hay hỏi nhau là cái gì ở Mỹ có đời sống ngắn nhất. Câu trả lời nhiều người đưa ra và cũng nhiều người đồng ý là các toa xe điện mới và sạch sẽ của hệ thống xe điện ngầm ở New York. Các toa xe điện mới này có một đời sống rất ngắn: chỉ sau vài tiếng đồng hồ sau khi ra khỏi nhà máy và được đem sử dụng là chúng được phủ đầy kín ngay bằng những graffiti nhảm nhí cùng với những nét vẽ rùng rợn của các nghệ sĩ đường phố của thành phố New York, thành phố không bao giờ đi ngủ này.

Thế còn cái gì có những đời sống dài hơn những toa xe điện này một chút, một chút xíu thôi? Tôi chắc đông đảo sẽ trả lời rằng đó là những điều tâm nguyện, những quyết tâm mà người Mỹ viết xuống mỗi cuối năm. Thực ra thì chẳng riêng gì người Mỹ làm công việc này, mà gần như ai cũng làm. Thí dụ sáng  sớm mai thức dậy, chính chúng ta cũng tự hứa với mình là sẽ làm cho xong một số việc cần làm trong ngày. Những lời tự hứa ấy đôi khi chúng ta làm được và cũng có những lần không thực hiện được đầy đủ. Làm được thì tốt, không làm được thì, theo tôi, cũng... chẳng sao cả.

Trong những ngày cuối năm sắp bước qua năm mới, rất nhiều người chúng ta sẽ ngồi xuống viết những điều tâm nguyện, quyết làm cho bằng được trong năm mới. Có thể là diet để xuống một ít cân, lo cho sức khoẻ nhiều hơn, bỏ thuốc lá, chừa rượu, bớt cà cái thẻ mua chịu, ít đi shopping... Nhưng chỉ vài ba ngày, có khi mấy tuần sau, hay dăm ba tháng sau là đâu lại vào đó: vẫn hút mỗi ngày một bao thuốc, uống một sâu bia, trông thấy cái treadmill là như bò thấy nhà táng...
Như Kiều đã có lần thú nhận với Kim Trọng về tiếng đàn của mình"...rằng quen mất nết đi rồi..." nên có viết xuống những điều tâm nguyện, những cam kết với chính mình thì rồi cũng chẳng đi đến đâu. Viết xuống những điều tự hứa với mình thì vẫn viết nhưng có làm được đúng những cam kết ấy hay không thì lại là chuyện khác. Nên năm nay tôi cũng vẫn lại cam kết tâm nguyện rằng:

- Mỗi ngày sẽ chỉ uống một chai nước cốt nho lên men, thứ nước mầu đỏ thẫm tục gọi là Cabernet Sauvignon, hay Pinot Noir... mà khi ánh sáng chiếu qua cái ly đựng nó thì hết sức đẹp.
- Không để ý tới những người không làm được gì cho mình nhưng lại luôn luôn có ý kiến về những việc mình làm.

- Tử tế với chính mình.
- Không bỏ quên bất cứ một niềm vui nào cho dẫu niềm vui thỉnh thoảng cũng bỏ quên chúng ta.
- Tin rằng Khổng Tử không phải lúc nào cũng đúng.
- Thời biểu làm việc mỗi ngày là thứ cần phải theo cho thật đúng, lâu lâu phải quên nó đi.
- Không làm nô lệ cho cái đồng hồ nữa.
- Cà phê là thứ không thể đếm được nên không đếm những ly cà phê uống trong ngày.
- Thịt đỏ không làm chết người nên phải tử tế với nó. Nên yêu và thỉnh thoảng nên thưởng thức những cái tatar steak máu chẩy ròng ròng.
- Đời sống quá ngắn không nên uống vang dở và rẻ tiền.
- Không cho dù chỉ một tràng pháo tay mỗi khi emcee năn nỉ, khẩn khoản xin.
- Mỗi sáng đọc báo đều hy vọng trang cáo phó có tên của mấy tên chóp bu ở Hà Nội.
- Tin là con ranh con Nguyễn Thanh Phượng đẻ đứa con sắp tới sẽ là quái thai.
- Cầu mong những đứa như Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh... sớm ra đi cho đỡ bẩn quả đất này.
- Xin cho Michelle Obama xinh một chút xíu.
- Mong cặp giò Hillary Clinton được thon thả để nàng khỏi phải mặc pant suit vì nhiều người trông sốt ruột lắm rồi.
- Tin những điều đọc thấy trong face book đều là sự thật.
- Không ghét cay ghét đắng hai chữ "chia sẻ" hay "sẻ chia" nữa mặc dù vẫn không dùng chúng.
- Nghĩ là Nguyễn Thanh Phượng càng béo càng đẹp giống con mẹ nó.
- Tin là Nguyễn Tấn Dũng quả thật có bằng cử nhân Luật mặc dù không biết nó học ở đâu và hồi nào.
- Cố gắng cười theo khi mấy emcee pha trò vô duyên chưa nói đã cười.
- Cố chải mái tóc cho giống tóc của Donald Trump.

...

Cầu mong ơn trên giúp làm được những điều tâm nguyện viết ở trên. Nếu không làm được thì cũng... chẳng sao cả.


December 18, 2015

BẤT THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI GIÀ


"User friendly" là những từ ngữ xuất hiện cách đây không lâu lắm. Hai chữ đó có nghĩa là dễ sử dụng, là ai cũng dùng được, không khúc mắc đòi hỏi những hiểu biết nhiều về kỹ thuật, nhất là các loại máy tính, hay các thứ sản phẩm sử dụng kỹ thuật cao. Các sản phẩm được xếp vào loại "user friendly" là chúng "thân thiện" với người dùng thay vì làm khó người dùng. Trong rất nhiều trường hợp, người dùng càng trẻ, thì các sản phẩm hi-tech này càng thân thiện thì phải. Không tin cứ nhìn lũ con cháu nhỏ trong nhà là thấy liền. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt lúc mổ, lúc gạt trên mặt những chiếc iPad, những chiếc iPhone, hay những bàn phím máy điện toán cũng phải đồng ý. Tuổi trẻ được ưu đãi rất nhiều, trong khi những thành phần cao tuổi thì đọc bao nhiêu lời chỉ dẫn rốt cuộc vẫn lại phải chịu thua chờ hỏi mấy đứa cháu nội ngoại.

Mới đây tôi còn nhận ra thêm một điều nữa, đó là có rất nhiều thứ không thân thiện với người cao niên chứ chẳng phải chỉ những cái máy điện toán, những cái iPhone hay iPad. Ngay cả những thứ không kỹ thuật cao chút nào cũng làm khó những người già.

Không còn là tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu nữa. Hai con số chỉ tuổi tác không nhất thiết phải là con số đảo ngược của 17 để thành 71 mới đụng đầu phải những khó khăn do những sản phẩm đó gây ra.
Mấy tuần trước, ngồi nói chuyện với một người bạn tôi mới biết chuyện của chàng cũng không khác gì chuyện của tôi: bỗng nhiên không nhớ đích xác từ bao giờ, hai bàn tay trở nên vụng về, lúng túng kỳ lạ như việc cài mấy cái nút áo cũng khó khăn, lính quýnh, luôn cả việc cởi những cái nút áo ấy cũng trở thành không dễ dàng như mấy năm trước nữa. Rồi tới chuyện buộc dây giày cũng làm khổ cái thân già này. Tôi chợt nhớ những đôi giầy dùng những miếng velcro để khỏi phải buộc giây mà vài năm trước tôi nghĩ là xấu không để đâu cho hết xấu. Bây giờ thì tôi thấy nó đẹp biết bao. Những đôi moccasin cũng không tiện như thế.

Tôi nghĩ nước Mỹ đang bỏ quên những người già nếu không nói nặng ra là người già đang bị đối xử không tốt lắm, hay nói phũ một chút là thế giới đang tuyên chiến với người già.
Thí dụ những lọ thuốc tôi phải uống hàng ngày chẳng hạn.Tất cả đều có những cái nắp "child proof" để tránh trẻ con tưởng là kẹo mở ra... ăn chơi. Mục đích thì hay lắm, đúng lắm. Nhưng một ông già ở một mình, không có con hay cháu nhỏ để phải cẩn thận thì tại sao phải làm khó cái thân già với đôi bàn tay không còn bẻ gẫy được sừng trâu nữa. Ai đời mỗi khi lấy thuốc về là phải lôi kìm búa ra hì hục mãi mới mở được mấy chai thuốc. Phải dặn cô dược sĩ mấy lần cô mới nhớ mấy đứa con đã lớn cả còn lũ cháu thì lâu lâu mới gặp, xin cô đoái thương đôi bàn tay của một người già lẩy bẩy ở một mình mà tha cho, không dùng những cái nắp child proof nữa.

Nhưng đã hết đâu. Ngay cả những cái gói kẹo, những cái bao plastic bọc cái bóng đèn, cái kìm, cái bàn chải đánh răng, cái cắt móng tay, cái dao cạo râu... cũng được bọc lại một cách rất... kiên cố. Nhiều khi phải dùng kìm, kéo... cắt mãi mới lôi ra được. Trẻ con có đứa nào... ăn những thứ đó không? Chắc là không. Những cái bọc plastic quá chắc chắn đó chỉ làm cho chi phí gia tăng và làm khổ những người già. Và ngay cả chai nước cam mua ở Starbucks đem vào sở mỗi sáng cũng không mở được đành để ngó chơi cho đỡ buồn trên bàn chờ người mở hộ.

Tuy thế, những khó khăn đó cũng lại có những niềm vui nhỏ. Một đồng nghiệp thấy cảnh loay hoay không cài được cái nút cổ áo để thắt cái ca vát thì ghé lại cài cho. Mùi nước hoa, son phấn sao mà quyến rũ là thế!
Và sáng nay, một người bạn thương tình ghé qua, cho một cái mở chai bằng điện. Tuy mở chai rượu không kêu cái bốp một cái nhưng đỡ khổ hơn là loay hoay với cái tire bouchon từ mấy năm nay.

Già bỗng nhiên lại chân yếu tay mềm trở lại thế có khổ không...    

 

               Nhớ Anh Bùi Bảo Trúc… Bài viết của Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày 30 tháng Mười Hai, 2016
Anh Trúc ơi,

Cuối tháng Tám năm ngoái, 2015, chúng mình ngồi ăn trưa với nhau ở nhà hàng Seafood Paradise ở Westminster, California cùng với gia đình cô Trang (em gái anh), gia đình chị Dương (chị cả anh), và gia đình anh Đức (chú anh). Trông anh đã hơi yếu, giọng nói không còn mạnh mẽ, và dáng đi không còn vững vàng như lần trước. Nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa đến nỗi nào… Không dè đó là lần cuối tôi gặp lại người bạn, người anh, và người hay… sửa lưng tôi về chữ nghĩa.

Anh nhớ lần đầu mình đầu mình gặp nhau ở đâu không? Mùa thu năm 1967, anh vừa ở Tân Tây Lan về, tôi trọ học ở nhà anh Đức, và nhà ông bà cụ anh trên đường Nhật Tảo Chợ Lớn ở ngay đầu hẻm. Tôi học cùng với Sơn (em trai kế anh) ở trường kỹ sư, dạy kèm cho mấy người em anh, và được ông bà cụ anh mến thương, xem như người trong gia đình, và mọi dịp giỗ chạp đều mời đến dự. Lúc đó anh học Đại học Văn khoa và dạy Anh văn ở trường Ziên Hồng của hai ông Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh. Những buổi tối đi về khuya, anh sang ngủ nhà anh Đức, và nhờ đó chúng mình có dịp chuyện trò. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất!

Anh kể các hoạt động sinh viên ở trường Văn khoa và các cuộc thảo luận văn nghệ với bạn anh ở quán La Pagode nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do, nơi gặp gỡ của giới ký giả và văn nghệ sĩ Sài gòn. Anh là người đầu tiên kể cho tôi nghe về ca sĩ Khánh Ly đi chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn ở sân trường Văn khoa. Anh đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới làm, kể chuyện xứ Tân Tây Lan đẹp như mộng và có… quá nhiều cừu, kể chuyện nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác bản nhạc “Thu Vàng,” v.v. Tuy phục anh, nhưng là một đứa cứng đầu tự phụ, thỉnh thoảng tôi cũng cãi lại anh về văn chương chữ nghĩa. Thường thì tôi thua, không phải vì kém lý lẽ mà vì lối châm biếm khéo léo và sâu sắc của anh.

Trong biến cố Tết Mậu Thân (1968), anh và các bạn Văn khoa trong Tổng hội Sinh viên Sài gòn xung phong ra trận tuyến ở vùng Chợ Lớn, bắc loa kêu gọi cán binh Cộng Sản buông súng, trở về với chính nghĩa quốc gia. Các cán binh trẻ tuổi này, phần lớn là những chú bé con mười bốn, mười lăm tuổi, đã bị cưỡng buộc phải chiếm cứ và tử thủ trên các cao ốc hay nhà của dân chúng. Hình như biến cố này đã đưa anh vào con đường hoạt động chính trị, phải không?

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Anh văn, anh được mời tham chính và trở thành phát ngôn viên của chính phủ Việt nam Cộng hòa. Những cuộc họp báo hàng ngày với báo chí trong và ngoài nước của anh được trực tiếp truyền thanh và truyền hình và thu hút hằng trăm ngàn khán và thính giả, trong số đó có tôi. Kiến thức rộng rãi và tài ứng đối lưu loát của anh đã khiến các phóng viên ngoại quốc thán phục. Tôi nhớ, sau khi cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” được thành lập, một phóng viên ngoại quốc hỏi ý kiến anh về “quốc gia” này. Anh trả lời đại khái là,

Quốc gia là một thực thể pháp lý gồm ba yếu tố: lãnh thổ, dân chúng, và chính phủ. Bất cứ một sinh viên trường Luật năm thứ nhất nào cũng biết điều này. Cái gọi là “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” không có lãnh thổ, không có dân chúng, và chính phủ thì chỉ lèo tèo một nhúm người hữu danh vô thực, làm sao gọi là ‘quốc gia’ cho được?

Anh Đức, chú anh, thường nói hai đứa mình có một điểm rất giống nhau: làm ra nhiều tiền, nhưng không bao giờ có tiền trong túi – vì cái tật tiêu xài hoang phí. Khi tôi còn ở trọ nhà anh Đức, anh và tôi hay rủ nhau đi thăm Thành Cổ Loa ở Gò Vấp; có lần tôi lỡ miệng nói đùa,

“Nếu tính số tiền chúng mình chi tiêu từ trước đến giờ, cộng lại cũng đủ mua được chiếc xe Toyota.”

Từ đó, mỗi lần gặp nhau (ngoại trừ lần cuối năm ngoái), anh luôn luôn mở lời chào hỏi tôi bằng câu nói,

“Thế nào, cậu tiêu thêm mấy chiếc Toyota rồi?”

Tôi tốt nghiệp trường kỹ sư và đi dạy học. Có lần khi soạn bài dạy, tôi bỏ ra nhiều thì giờ và xoay xở dịch chữ “frequency discrimination” ra tiếng Việt là “phán biệt tần số” (“a” với dấu sắc), một danh từ thích hợp cho một loại mạch điện có khả năng lựa chọn (phán xét) tần số để đáp ứng. Tôi vừa ý lắm và hãnh diện khoe với anh; anh không đồng ý,

“Không có chữ ‘phán biệt’ và phải dịch ra là ‘phân biệt’!” “Phân biệt” với “â” và không có dấu.

Khi tôi đem cuốn tự điển Pháp-Việt dày cộm của Đào duy Anh ra dẫn chứng, anh kết thúc cuộc bàn cãi bằng lời chế giễu,

“Cậu phải biết trên đời này có một chuyện đáng tin. Đó là lỗi typo!” Thế là tôi cứng họng.

Sau đó, anh được bổ nhiệm sang phục vụ tại Tòa Đại sứ Việt nam tại Anh quốc, và tháng Tư năm 1975 chúng mình mất nước, bỏ xứ ra đi. Tôi không gặp lại anh cho đến giữa thập niên 1980, trong thời gian anh phục vụ ở đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) ở Washington, DC. Không gặp mặt, nhưng tôi vẫn theo dõi tin tức và liên lạc với anh qua Sơn, em anh. Sơn là chủ nhiệm Tạp chí Lửa Việt, một nguyệt san chống Cộng ấn hành ở Toronto từ năm 1980 đến 1993. Tôi phụ trách mục “Đố Vui Để Học,” và anh viết bài “Thư Gửi Bạn Ta” dưới bút hiệu Ký giả Bê Tê trong tạp chí này.

Tôi say sưa đọc những bài “Thư Gửi Bạn Ta” dí dỏm, thâm thúy, giúp cho sự hiểu biết, và lôi cuốn người đọc, nhưng không kém phần thâm độc và chua cay khi châm biếm sự ngu dốt, gian ác, lưu manh, và dối trá của bọn Việt Cộng. Trong ngần ấy năm, có tất cả hai lần tôi tìm ra chỗ sơ hở trong các bài viết của anh để “trả đũa” vụ “lỗi typo” ngày trước. Lần thứ nhất, anh dịch “White House Chief of Staff” là “Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc”; tôi không chịu, gọi điện thoại bảo là phải nói “Bộ trưởng Phủ Tổng Thống” như chức vụ của ông Nguyễn Đình Thuần dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm mới đúng. Lần thứ hai, anh dịch “Chairman of the Joint Chiefs of Staff” là “Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên Quân”; tôi không đồng ý, bảo phải dịch là “Tổng Tham mưu trưởng Quân lực” như danh xưng của Đại tướng Cao văn Viên. Anh cười và chấp nhận, có lẽ không muốn tranh luận với tay “xạ thủ súng cối” chuyên cãi cày cãi cối này.

Thời anh làm đài VOA, hàng năm tôi đi công tác ở Washington và tìm gặp anh. Anh vẫn hóm hỉnh, duyên dáng, hào hoa, và bay bướm như thuở Sài gòn – “nói chuyện hay đến đỗi rắn trong hang cũng phải bò ra mà nghe.” Anh xem tôi như một người em nhỏ, rộng rãi và độ lượng. Khi nào anh cũng dành trả tiền ăn, dù tôi phản đối, nói là đi công tác công ty trả tiền ăn ở và tôi cũng làm ra tiền khá… bằng anh. Đưa tôi ra phi trường về nhà, anh dành xách va-li cho tôi, vì anh thân hình cao lớn hơn. Anh đưa tôi lên trụ sở đài VOA, hãnh diện giới thiệu tôi với các bạn đồng nghiệp, và chỉ cho tôi xem câu tiếng Việt trên tấm bảng chào mừng khách (bằng nhiều thứ tiếng khác nhau) trong tiền phòng của đài,

“Cậu thấy không, chúng nó dốt không thể tả!” Đó là câu nói quen thuộc của anh, vì đối với một người chữ nghĩa uyên bác như anh, ai cũng dốt… gần bằng tôi.

Khi biết anh phụ trách mục điểm sách Việt ngữ hàng tuần trên đài VOA dưới bút hiệu Bảo Lâm, tôi viết thư cho giám đốc đài, nhân danh quyền được có tin tức của chính phủ liên bang mà Đạo luật Tự do Tin tức (Freedom of Information Act hay FOIA) cho phép, và xin gửi cho tôi các bài điểm sách đã phát thanh. Ba tuần sau, bà Giám đốc Truyền thông của đài VOA gọi điện thoại và ra công thuyết phục tôi rút lại lời yêu cầu – vì chuyện ấy (vào cuối thập niên 1980) nhiêu khê quá.

Khi anh nghỉ hưu ở đài VOA và dọn nhà về Orange County, California, tôi không còn có cơ hội theo dõi các hoạt động báo chí, truyền thông, và văn chương của anh. Nhưng trong những chuyến ghé thăm Calfornia thường xuyên, tôi vẫn tìm gặp anh và thăm hỏi. Nếu không có dịp đi ăn với nhau một bữa thì anh ghé lại nhà anh Đức thăm tôi. Một lần, anh đưa tôi về ngôi nhà anh ở lúc đó ở Santa Monica gần biển có lối đi vào dưới giàn hoa cao và rộng, hai bên trồng trúc xanh làm rào che – biểu hiệu cho tên anh. Một lần khác, chúng mình đi ăn bún chả Hà nội sau khi anh đi bộ tập thể dục quanh công viên Mile Square Regional Park hình vuông mỗi bề dài một dặm Anh; anh chỉ cho tôi “kỹ thuật” để tự thúc đẩy mình,

Cái khó nhất là đi mile đầu tiên. Sau đó là gần nửa đường. Sau mile thứ hai, cậu không còn lựa chọn nào khác, đi tới hay đi về cũng như nhau. Đến mile thứ ba là gần xong, và mile thứ tư là hoàn tất.

Đến nay, tôi vẫn dùng phương pháp ấy để tự nhủ mình khi đi exercise hàng ngày. Tiếc thay, anh bắt đầu exercise khá trễ và năm sau không tránh khỏi cuộc giải phẫu tim. Có một điều tôi đã dấu kín trong đáy lòng từ nhiều năm nay: Bạn bè phê bình là trong các bài viết cho Lửa Việt ngày trước cũng như các truyện ngắn trong những năm gần đây, tôi có cái lối kết thúc thật nhanh, gọn, bất ngờ, và “ngọt” – sắc như lưỡi dao. Anh biết tôi học lối viết ấy từ ông thầy nào không? Không tin, anh đọc lại các bài “Thư Gửi Bạn Ta” thì biết.

Anh tuổi Thân, tuổi con khỉ, cùng tuổi với ông anh lớn của tôi; anh tôi đi lính, chết trận năm 1970, và đã ra đi. Sơn thường nói đùa, anh như con khỉ ham chơi, leo trèo trên cây, chuyền từ cành này sang cành khác, và không lúc nào chịu ở yên một chỗ. Giờ đây chúng mình chia tay nhau, xin chúc anh về khu rừng an lạc và tha hồ vui đùa. Vài năm nữa, khi mình lại gặp nhau, nếu anh không hỏi chuyện “xe Toyota” thì tôi hứa sẽ không cãi vã và sẽ… hiền như ma soeur.

Thân mến,
Nguyễn Ngọc Hoa


                       Bùi Bảo Trúc và Cuộc Tình Đã Chết
                          Bài viết của Nguyễn Xuân Nghĩa - December 28, 2016

                                     Nguyễn Xuân Nghĩa

 Với Bùi Bảo Trúc, có lẽ “Khi Cuộc Tình Đã Chết” là ca khúc ông thầm hát nhiều nhất, từ trong tiềm thức.

Với Bùi Bảo Trúc, vì Tình Yêu là tuyệt đối thì Người Tình phải là siêu nhân. Ông đòi hỏi “ý trung nhân,” một người tuyệt vời giữa nhiều người, những điều bất khả cho nên gieo họa cho mọi người. Khi cuộc tình đã chết, xác pháo ngày cưới cứ nổ như tạc đạn và Bùi Bảo Trúc lãnh đạn. Nhiều lần, quá nhiều lần. Bạn bè của ông cũng bị văng miểng. Người viết này chẳng thoát được mối họa từ bụi trúc, và đâm ra thương bạn.

Ai cũng sợ ngòi bút Bùi Bảo Trúc sau các thiên tình hận ấy mà ít ai thấy rằng mũi tên ông bắn ra đều gặp “hiệu ứng boomerang”: bay ngược và bắn thẳng vào tim người viết. Sau đó, kẻ tình si hay người bạc tình – xấu đẹp tùy người đối diện – càng thêm chua chát với Tình Yêu. Ông hơi bất công vì các ý trung nhân đó đều là người xuất sắc, chứ không là nữ nhi thường tình đâu.

Chuyện này, ít ai nói ra, nhưng người viết vẫn nói!

Ngoài Tình Yêu Đôi Lứa, Bùi Bảo Trúc còn có một mối tình lớn khác, là với chữ nghĩa.

Ông khó tính chừng nào với tình yêu và với người tình thì lại khó tính gấp bội với văn chương chữ nghĩa. Hạnh phúc của ông quả là ngắn ngủi, trong giai đoạn làm phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, khi ông dùng chữ nghĩa và còn tận dụng tài đốp chát cả Anh lẫn Việt ngữ để bảo vệ chính nghĩa miền Nam tự do của ông đang bị bức tử và bị nhục mạ. Người ta có thể quên rồi những giai thoại kỳ thú ấy vì sau đấy là thảm kịch cho cả nước.

Nhưng còn lại cho tới sau này, đến những ngày giờ cuối của ông, vẫn là tinh thần quốc gia và cái thói khinh miệt sự giả trá phản ảnh qua cách viết và cách nói.

Về tình yêu với chữ nghĩa, Bùi Bảo Trúc có sự trái ngược với thói đốp chát chanh chua làm ông nổi tiếng hay mang tiếng. Ông tuyệt đối tôn trọng văn chương và bậc đàn anh trên văn đàn. Ông cúi đầu lặng thinh nhiều tiếng đồng hồ khi bị nhà văn Mai Thảo nặng lời trách móc vì tật xấu trong tình trường. Ông ân cần theo dõi tình trạng sức khỏe của nhà văn Võ Phiến qua tiếp xúc và điện đàm thường xuyên với bà Võ Phiến Viễn Phố. Bùi Bảo Trúc kính trọng bậc trưởng thượng chứ không hề nổi loạn hay chửi bậy. Chỉ trong giới bạn thân người ta mới thấy nét khiêm cung nhẫn nhục của Bùi Bảo Trúc. Cũng chỉ ở “vòng trong,” người ta mới thấy ông trân quý văn chương đến chừng nào khi đọc thơ và diễn giải về từng tác phẩm của thi ca Việt Nam.

Bùi Bảo Trúc thật ra vẫn giữ được truyền thống của một gia đình mô phạm.

Độc giả và thính giả của Bùi Bảo Trúc, đông lắm, đều khâm phục và ngợi ca trí thông minh và sự uyên bác khác thường của ông nên có thể bỏ qua hoặc thông cảm với sự giận dữ và cay độc mà ông dành cho những kẻ đánh bạc giả, phường làm dáng hay lũ rởm đời. Người viết này nhớ ông ở một khía cạnh khác: Bùi Bảo Trúc là người bất đắc chí và cô đơn. Một trong nhiều lý do có thể là thời sự, vận nước và số phận hẩm hiu của người dân Việt.

Bùi Bảo Trúc dành cho thủ phạm, bọn cầm quyền tại Hà Nội, hai chữ khinh miệt và thịnh nộ, nhưng ít nói về nhiều việc ông dành cho nạn nhân. Ồn ào mạt sát bạo quyền chừng nào ông kín đáo chừng đó khi tìm cách cứu giúp nạn nhân. Con người thô bạo ấy lại là người đầy từ tâm. Nghịch lý ấy của Bùi Bảo Trúc toát ra từ những bài tùy bút hàng ngày dưới tiêu đề Thư Gửi Bạn Ta.

Thật ra, gần ông mà phải tinh ý, thì chúng ta có thể thấy ông sống với nỗi niềm tự sát. Nơi ông, cái sống sôi nổi lại ôm ấp cái chết. Không nói ra, đã nhiều lần ông muốn tự tử. Mà còn có gì kinh hoàng cô độc hơn khi lởn vởn giáp mặt tử thần gần như mỗi ngày vì chẳng thiết sống? Ông gặp Mai Thảo trong ý định sâu kín đó: không muốn ăn mà chỉ còn uống để đi cho nhanh.

Người ta có thể sống nhờ tình yêu, sự nghiệp hay vì thói quen, vì lười biếng. Bùi Bảo Trúc thiết tha với tình yêu, ân cần với sự nghiệp chữ nghĩa, nhưng có thói quen của người cực đoan là không thỏa hiệp. Nhiều người phật ý về cái tánh quyết liệt không muốn thỏa hiệp của ông, nhưng ở vòng trong thì mới hiểu là ông không còn thỏa hiệp với chính đời sống.

Bùi Bảo Trúc sống cho đến chết mới thôi. Khi còn sống, vào những ngày tháng hay giờ phút cuối cùng, ông vẫn tận tụy với chữ nghĩa và thính giả trên làn sóng điện. Rồi gục ngã trong ước nguyện sau cùng. Giữa chốn thân tình, người viết này ưa cười khẩy cùng bạn: “Khi trời không cho là trò không chơi.” Bùi Bảo Trúc chơi tới bến – cho đến lúc dạt bờ.

Còn lại là gì? Chúng tôi có ba tên trời đánh là Phan Nhật Nam, Bùi Bảo Trúc và Nguyễn Xuân Nghĩa. Một trong ba tên vừa được trời tha là Bùi Bảo Trúc! Còn lại, có hai đứa ngơ ngác…

Bài này mở đầu bằng nhạc, lời cuối cho bạn ta cũng lại là nhạc.

Trong một dịp không xa, người viết này nhắc đến Thuyền Viễn Xứ và cả đoản khúc Nước Non Ngàn Dậm Ra Đi trong bản trường ca của Phạm Duy. Chưa ai hiểu gì thì Bùi Bảo Trúc đã bật cười sảng khoái vì chữ Cố Lý trong hai ca khúc. Cố Lý là quê cũ đã không còn, hay là mối tình cuối cùng ở một nơi xa xôi mà rất gần gụi trong mấy ngày chia tay?

Trời tha rồi, Trúc ơi. Hãy ra đi bình an thanh thản. 
 

                      Đọc Lại Bùi Bảo Trúc – Nguyễn Ngọc Chính

Các bạn trẻ ngày nay chắc ít người biết đến Bùi Bảo Trúc (1944-2016) vì một lẽ dễ hiểu: Ông là viên chức chế độ cũ và mãi đến năm 1977 ông mới chính thức bước vào làng văn, làng báo khi tịỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Bùi Bảo Trúc theo gia đình di cư vào Nam và tốt nghiệp tú tài toàn phần (Ban C) năm 1963 tại Sài Gòn. Sau đó, ông du học Tân Tây Lan và trở về nước năm 1965 để dạy tiếng Anh tại Hội Việt Mỹ và Trường London School của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh.

Bùi Bảo Trúc trở thành công chức khi ông làm việc tại Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của Hoàng Đức Nhã. Đến năm 1973 ông là phát ngôn viên chính phủ VNCH. Năm 1974 ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Anh Quốc và 30/4/1975 ập đến, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.

Năm 1977, ông sang Hoa Kỳ và làm việc cho đài VOA tại Washington D.C. cho đến khi về hưu năm 2001. Đó là khoảng thời gian ông tạo nên một sự nghiệp văn chương với một loạt bài viết lấy tựa đề “Thư Gửi Bạn Ta” rất được người đọc tán thưởng.

Ngoài ra, ông còn cộng tác với đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV trong hai chương trình “Ngày Này Năm Xưa” và “Chào Hoàng Hôn” được phát hình hàng ngày. Chỉ sau vài tháng trở bệnh, Bùi Bảo Trúc trở về với cát bụi ngày 16/12/2016 tại Fountain Valley, California.

Người đọc Bùi Bảo Trúc thích ông có lẽ vì ông có một giọng văn trào phúng rất “đời thường” về những chuyện xảy ra cả ở trong nước lẫn hải ngoại. Thế nhưng, với cách viết “tưng tửng” đó lại mang một ý thức hệ “chính trị” rất… nghiêm túc. Chẳng hạn như bài viết “Chuyện… Cái Nòn” (*), người đọc vừa buồn cười lại vừa thấy Bùi Bảo Trúc bài bác và “dị ứng” với cái “nón cối” xuất hiện sau năm 1975 như thế nào.

Trong “Thư gửi bạn ta” đề ngày 9/9/2016, tác giả “nhại” lại bài văn “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh bằng “Hôm nay tao đi học”. Câu chuyện xoay quanh một cậu học sinh thuộc loại “trẻ trâu” dưới mái trường của thời đại ngày nay, xưng “tao” một cách ngọt sớt:

“Hôm nay là hết những ngày lang thang bẻ me trèo sấu của bọn chúng tao, thế là lại phải quần áo để trở lại trường. Tao ghét nhất là cái khăn đỏ lúc nào cũng phải đeo trên cổ đã suốt mấy năm nay mà không đeo thì không được. Không đeo là bị kiểm điểm ngay. Mà tao biết ngay cả cái đứa đem tao ra kiểm điểm chính nó cũng chẳng ưa gì cái trò tròng cái khăn ấy vào cổ. Tao biết điều đó vì chính thằng con của nó nói với bọn tao chứ đâu. Nó là con mụ chủ nhiệm một lớp trong cái trường này. Thôi thì quàng vào cổ cho đủ lệ bộ….”

Cậu học trò thời nay trở lại trường cũng vui chứ không buồn như mọi người tưởng. Năm học mới cậu có “đồ chơi” mới trong túi. Không phải là mấy món đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền, cũng không phải là mấy cái “gêm” vớ vẩn, chơi vài bữa là hỏng. Đó là chiếc điện thoại di động mà ngày nay người ta gọi là… con dế!

“Trong túi tao có con dế rất xịn. Mẹ tao gửi tiền từ Đài Loan về cho tao mua nó. Tao chắc mẹ tao muốn tao im mồm về chuyện mẹ tao gì gì với thằng đàn ông mẹ tao ấm ớ với nó ở Cao Hùng từ mấy năm nay. Ối giời ơi, làm gì thì làm chứ dính dáng gì với tao nữa. Tao lo được thân tao. Ông bà nội ngoại tao tháng tháng có ít tiền gửi về là vui rồi, con chị tao hát karaoke trong cái quán khu Cửa Nam son phấn kiểu sao Hàn quốc thì kệ nó. Hai năm nay nó không còn làm phiền tao nữa. Con dế mới của tao là con Samsung 7”.

Đọc đến đây người ta hiểu cậu học trò đang sinh sống tại thủ đô. Ngôn ngữ của cậu là một thứ “hiện đại” một cách tự nhiên như người Tràng An thời @! Theo như lời kể, cậu có ông bố cũng rất “đặc biệt”. Vì sao ư? Cậu viết về bố:

“Ông ấy ngày nào cũng mang về một đống đồ mà tao thừa biết là ông ấy lấy từ Nội Bài, nơi ông ấy làm việc bốc rỡ hành lý ở phi trường. Bố tao kiếm được khá lắm: bao nhiêu là quần áo, đồ điện tử, máy móc sịn cho con nhân tình của ông ấy bán ra ngoài chợ nên tiền bạc lúc nào cũng đầy túi có tiền đi ăn uống bia rượu, gái gú ngày nào cũng như ngày nào nên mẹ tao muốn làm gì với thằng ở Cao Hùng, Đài Loan cũng được.”

Cuối cùng thì cậu học trò cũng tìm ra một thứ triết lý rất… “thời thượng”. Đi học thì vẫn cứ đi, nhưng học để là gì lại là một chuyện khác. Những tấm gương của người đi trước là bài học “sâu sắc” đối với cậu:

“Tao thấy bây giờ chỉ cần tiền như bố tao nói. Có tiền là muốn cái éo gì cũng có. Muốn có tiến sĩ, thạc sĩ cũng có ngay. Việc éo gì phải học. Có thằng chẳng bao giờ ra khỏi nước, mà vẵn có bằng ở Mỹ, có đứa trong rừng ra vẫn xưng có bằng cử nhân luật thì tại sao tao phải mài nát cái đũng quần ở cái trường khốn nạn này… Nhưng hôm nay tao vẫn đi học.”


Ngày 5/8/2016, Bùi Bảo Trúc viết một bức thư với nhan đề “Fashion Show” về một cuộc biểu diễn thời trang mà cho đến bây giờ cộng đồng mạng vẫn còn nhắc tới. Cách đây 3 năm chưa có vụ 300 chiếc áo dài của nhà thiết kế thời danh VVC dành cho quan chức, bức thư mở đầu bằng những dòng sau:

“Em thua tôi 10 tuổi, nên có gọi bằng “em” thì cũng đúng. Đọc tiểu sử của em thì em gốc gác người Bến Tre, lên Sài Gòn ghi tên học ở Đại Học Văn Khoa năm 1973 nhưng chỉ khoảng hơn một năm sau, việc học của em bị gián đoạn vì “chính quyền Cộng Hòa Miền Nam kiểm soát toàn bộ miền Nam…”

Đó là ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn được đổi tên. Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, “người đẹp” của Bùi Bảo Trúc được mô tả một cách hài hước như sau:

“Người ta chú ý ngay đến chiếc áo thêu hoa hoét em mặc. Đó là một chiếc áo dài rất kiểu cọ, không hề giống như những chiếc áo của mấy em đười ươi khác. Áo em mặc có cổ thấp, vai raglan, mầu sắc tươi tắn hoa hòe hoa sói tưng bừng, khiến phe chợ Đồng Xuân phát điên lên vì ghen tức.

“Và cũng từ đó, em xuất hiện nhiều hơn, lần nào cũng áo dài kiểu cọ rất dã man, cứ như vừa đi vừa ưỡn ẹo “la plus belle pour aller danser…” không bằng. Những chiếc áo em mặc đều được may khá đẹp, trước ngực có thêu hay vẽ như những chiếc áo của các buổi trình diễn thời trang áo dài. Thôi thì đủ kiểu cổ cao, cổ thấp, cổ thuyền… nhưng vẫn phải là tay raglan mới được…

(hết trích)

Quả thật, Bùi Bảo Trúc hài hước đến độ chua chát. Người đọc còn ngỡ ngàng hơn nữa khi đọc tiếp bức thư:

“Nhưng những chuyện như vậy thường hay đi những bước quá độ. Em mặc áo dài kiểu cọ lia chia. Mỗi lần xuất hiện là lại phải một chiếc áo với một design mới, cho dù là để cho cá ăn cho Obama tởn hồn hay vài ba dịp khác.

“Nhưng gần đây, em thừa thắng xông lên khiến em lộ nguyên hình một con nhà quê bầy đặt học làm sang nhân dịp em xuất hiện cạnh mấy đười ươi đực trong buổi lễ thương binh liệt sĩ. Trong khi mấy đười ươi đực mặc Âu phục, ca vát thì em chơi nguyên một quả áo dài đỏ loét hoàn toàn không thích hợp trong một dịp cần một (chút) không khí trang nghiêm.

“Em lại chơi một quả fashion show trình diễn thời trang cho bõ những ngày cơ cực. Em không hề biết trang phục cũng phải cho hợp thời và đúng lúc: không phải lúc nào cũng có thể y phục giống như mọi lúc.

(hết trích)

Tuyên thệ nhậm chức chủ tịch quốc hội

Chuyện Việt Nam còn nhiều lắm, kể không hết. Xin điểm qua vài chuyện bên Hoa Kỳ, nơi Bùi Bảo Trúc sống cho đến ngày cuối cùng. Trong bài “Nỗi buồn Phây Búc” tác giả tiết lộ tình trạng “chậm tiến” của mình trong khi thiên hạ ở Mỹ đang rầm rộ tham gia “phong trào” Facebook:

“Cho đến tận cuối tháng 8 của năm 2015, hôm tôi đến thăm một người bạn và phải nuốt một cục tự ái to tổ chảng, bẽn lẽn thú nhận là chưa có phây búc, cũng không biết phây búc là gì. Người bạn hỏi là có muốn có phây búc không rồi khi được trả lời là có, thì người bạn hỏi thêm dăm ba câu về thân thế, về cuộc đời ái tình và sự nghiệp (không huy hoàng mấy), và những ngón tay thoăn thoắt của nàng lập cho tôi một phây búc cho đỡ mắc cở với bạn bè…”

Kể từ ngày có “phây búc”, cuộc sống của ông đã thay đổi nhiều lắm. Kèm theo là những chuyện bực mình vô cớ.

“Tôi phải nạp thêm điện vào điện thoại mỗi ngày hai lần thay vì một lần như trước. Lý do là thời gian mà tôi ngó vào cái điện thoại rõ ràng là đã gia tăng. Thời gian nhìn vào cái computer giảm bớt đi nhiều. Nhưng vừa có phây búc thì tôi liền thấy mình nộ khí xung thiên ngay lập tức. Dựa trên mấy chi tiết bạn tôi cung cấp, phây búc liền ghi xuống một chi tiết tôi không bao giờ đồng ý và cung cấp. Phây búc tự tiện cho tôi là người của thành phố Hồ Chí Minh!”

Tuy bực mình nhưng Bùi Bảo Trúc lại ghiền “phây búc” từ lúc nào không biết. Cứ vài ba phút ông lại mở smart phone, chỉ để check xem có ai like bài viết của mình hoặc click vào vài ba cái trang của mấy hãng tin, dăm ba trang của friends xem có gì mới không.

Thường thì mỗi lần như thế thì cũng chẳng có gì mới. Đúng ra, cũng chỉ toàn những chuyện không đâu. Nhưng chuyện mở “phây búc” trở thành một thói quen, đúng ra là một hành động vô thức, không vì một lý do cụ thể nào cả.

“Tự nhiên những chuyện ớ đâu đâu đập vào mắt, bất kể tôi có đi kiếm hay không. Có những chuyện hoàn toàn vô bổ, có lẽ cũng chẳng có bao nhiêu người quan tâm hay muốn biết. Một cái sinh nhật, một món ăn vừa được thưởng thức, một cái áo mới, một quen biết tình cờ mới gặp lại, một đứa con, một đứa cháu mới ra đời, một chuyến đi mới thực hiện…”

Những chuyện đại loại như vậy được “bốt” (post) lên thì cũng chẳng sao, cũng chẳng gây phiền não cho bất cứ ai. Nhiều khi những chuyện đó lại làm được việc thông báo một số chuyện về những quen biết lâu không gặp hay không có tin tức.

Thế nhưng nhiều khi “phây búc” cũng lại rất vô tình. Cũng không thể trách những vô tình đó được. “Phây búc” nhận được gì thì “bốt” lên cái ấy. Thí dụ một bản tin về một người bị tai nạn mất hết khuôn mặt, mắt mũi, hay về một phụ nữ trẻ bị vẩy nến vừa qua đời… rồi ngay phía dưới là những bức ảnh của một phụ nữ uốn éo với những trang phục rất đẹp được mời đi dự một party sang trọng!

Đồng ý là “phây búc” không có lỗi trong những chuyện như thế. Mà thật ra cũng chẳng phải là những cái lỗi nào hết. Chúng ta vẫn phải sống đời sống của chúng ta bất kể những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh. Không một ai có lỗi cả. Và Bùi Bảo Trúc kết thúc bất ngờ:

“Đọc mấy trang phây búc này bỗng chán đời không thể tả được. Thà không có trang phây búc còn hơn…”

Nỗi buồn Facebook

Bây giờ chúng ta theo chân Bùi Bảo Trúc đến với cuộc sống tại xứ “tư bản giãy chết”. Theo ông, người Mỹ sống ở hai miền Đông và Tây rất khác nhau. Ít nhất là ở một chuyện. Đó là chuyện xe cộ và quần áo.

“Người Mỹ ở miền đông thích quần áo hơn người miền tây. Mấy năm trước nhân sinh nhật của cậu bé con một gia đình tôi quen ở New York, tôi muốn mua cho cậu một món quà nhưng không biết mua gì. Tôi điện thoại hỏi thì cậu cho biết là muốn có một cái t-shirt nhưng phải là của Armani Exchange mới được. Tôi hỏi mấy người mới biết tiệm ở đâu. Cuối cùng rồi cũng kiếm ra tiệm ở South Coast Plaza. Tôi mua một chiếc mầu đen đúng như lời căn dặn cho sinh nhật thứ 12 của cậu. Cái áo tôi thấy không đẹp đẽ gì cho cam nhưng cái debit card của tôi bị trừ nghiến đi $75. Đó là người New York 12 tuổi.

“Người miền tây thì thích xe hơi. Tôi được nghe kể một cậu nhỏ một hôm nhất định không chịu để mẹ đón ở cổng trường vì hôm đó, mẹ cậu đến bằng chiếc Corolla mượn của người bạn cùng sở vì xe của mẹ cậu, chiếc Lexus, bị trục trặc máy. Cậu sợ các bạn biết là cậu phải lên chiếc Toyota Corolla mẹ cậu lái đến trường hôm ấy. Cậu là người California, cũng 12 tuổi.

(hết trích)

Trong bài “Mua Xe Cali”, Bùi Bảo Trúc nhận xét người California cẩn thận với xe của mình, họ đối xử nhẹ nhàng với nó hơn, không phá xe như người ở các tiểu bang khác nên nếu mua xe cũ thì nên mua ở California.

Cứ lái xe đi ở trên những con đường ở California là thấy ngay. Người lái xe rất gượng nhẹ với những chiếc xe họ lái, chủ xe ở California giữ gìn xe hết sức cẩn thận. Ngoài chuyện những cái gạt nước ít khi phải dùng tới vì California ít mưa, người ta còn ít dùng và hà tiện luôn cả việc sử dụng những cái đèn hiệu khi quẹo trái hay quẹo phải nữa!

“… Rất ít người dùng đèn signal để ra hiệu cho những người lái xe khác biết họ sắp quẹo. Những người ấy, nếu biết cách, chắc họ còn sửa luôn cả những cái đèn stop để khi đạp thắng, đèn sẽ không báo xe sắp stop cho đỡ tốn điện và không cháy bóng rồi hư thì … khổ.

Ngoài những đức tính “trùm sò” đó còn phải nói đến những khuôn mặt quạu cọ từ những “parking lot” lao ra nhập vào đường lớn mà cũng không thèm ban cho nhân gian một nụ cười! Dân Cali là vậy đó.

Xe Cũ Cali

***

Bình luận về Bùi Bảo Trúc, Báo Người Việt Online qua bài viết của Trần Mộng Tú cho rằng “Bùi Bảo Trúc tài hoa và lận đận”. Ông có một đời sống nhiều thay đổi, ông như ngựa chạy đường trường, không dừng vó lâu được. Cũng có thể ông là một con ngựa chứng, cần một “nài” giỏi mà ông chưa may mắn gặp, nên cuối đời không được vui.

“Bùi Bảo Trúc, một đời người với chữ nghĩa. Ở nơi nào anh tới, có truyền thanh, truyền hình, báo chí là có anh cộng tác. Những bài viết của anh được độc giả ưa chuộng tìm đọc nhiều nhất dưới tựa đề “Thư Gửi Bạn Ta” Anh viết rất sâu sắc, thông thái, chua chát với đời sống, cười cợt với con người, mắng mỏ kẻ ác, chế diễu Cộng Sản… trong suốt bao nhiêu thập niên tung hoành trên báo giấy rồi đến những trang mạng. Chưa có ai viết như anh. Chưa có ai mỗi khi viết, gửi vào bài viết những lầu thông kim cổ như anh. Văn Học Tây Phương, Đông Phương anh thu thập và nhớ rất nhiều…”

Đinh Quang An Thái của Little Saigon Radio lại tóm gọn 3 chữ Tâm, Tài và Tật dành cho Bùi Bảo Trúc. Tâm & Tài có lẽ là chuyện khỏi bàn, còn về Tật, An Thái viết:

“Nhưng cũng phải nói, anh nhiều tài và cũng lắm “Tật” nên bị không ít người ghét, vì anh không kiêng dè, không chấp nhận những giả trá hay thói rởm của người khác, nhất là khi liên quan đến ngôn ngữ. Không biết bao nhiêu lần, anh cay nghiệt nói như vỗ vào mặt người khác – ngay cả trên radio, trên mặt báo. Anh còn bị cả cánh đàn ông và các bà ghét vì anh… đào hoa quá. Thực tình chẳng ngoa, anh cũng gieo rắc buồn phiền cho nhiều người và anh biết điều đó chứ chẳng phải không. “Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần,” cụ Tiên Điền Nguyễn Du mấy trăm năm trước đã nói thế rồi cơ mà…”


***

(*) Đọc Chuyện “Cái Nòn” tại 
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/09/chuyen-cai-non.html

 


      VUI LÒNG GỞI THÊM TÀI LIỆU HAY Ý KIẾN XÂY DỰNG VỀ Phan Anh Dũng: dathphan1@gmail.com