March 29, 2021

Bùi Bảo Trúc qua Trang của Luân Hoán

 Bùi Bo Trúc

Luân Hoán

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“bạn ta” không bạn ta

chỉ quen biết qua loa

vài ba lần gặp mặt

như gió thoảng qua nhà

 

nhưng không phải vì vậy

không có tình kính thân

“bạn ta” sao không biết

riêng ta vẫn ân cần

 

đón đọc ông đều đặn

thú vị lối gợi hình

bày ảnh ra bình luận

cuộc sống thật chân tình

 

người thật và việc thật

bớt u u minh minh

trộn trắc ẩn châm biếm

nhân ảnh càng lung linh

 

nét bi không quá thảm

nét hỉ không thiếu buồn

tài hoa nhờ tế nhị

nền tảng từ tình thương

 

ngoài hình thức thư gửi

còn nhận định phê bình

nghiêm túc giàu trí tuệ

luôn cõng theo chữ tình

 

ông viết về “nhạc Trịnh”

về thơ Du Tử Lê...

hình như tôi cũng được

một bài ông điểm phê

 

sau ngày rời nhiệm sở

xướng ngôn đến bốn phương

ông gia tăng nói chuyện

trước đám đông đồng hương

 

nhiều người nghe và đọc

đâu cần tôi tán thêm

kiến thức cùng kinh nghiệm

viết nói tăng vững bền

 

ra đời năm bốn bốn

gốc bắc kỳ di cư

“con nhà giàu du học”

vừa Kim Trọng vừa Từ...

 

ông cao ráo bụ bẫm

dềnh dành như quan công

nhưng mặt trắng kính cận

kinh thư thuộc nằm lòng ?

 

với thân thể cao lớn

chắc cái gì cũng to

điều này muốn kiểm chứng

đã sẵn sàng nhiều o

 

dĩ nhiên không mấy chắc

sự tương phản bất ngờ

chính tôi là ví dụ

và còn nhiều ảnh sao !

 

bông đùa chơi nửa phút

tuy có phần vô duyên

mong ông cười thành tiếng

đừng nhúng vào bút nghiên

 

Thư Gửi Bạn Ta đã

in được mấy tập rồi ?

ông chọn riêng một chiếu

đâu khác chi ông trời

 

chúc ông vững sức khỏe

tiếp tục một cuộc chơi

tiếp tục thay đổi ngựa

để đi cho thảnh thơi

 

Luân Hoán


Ngày 10 tháng 8 năm 2012

Bạn ta,

Tục ngữ Việt Nam có câu "câm như hến", trong tiếng Anh, thành ngữ "to clam up" là làm con "clam", làm con hến, con sò, con nghêu, con ngao, là không nói năng gì hết, là câm miệng, là ngậm miệng.

Tưởng đã là hến, là ngao, hay sò thì đều kín tiếng cả, nhưng cũng có thứ hến, ngao, sò... nói được, mà lại nói rất nhiều nữa mới kỳ lạ.

Cả hai thứ tiếng chúng ta quen dùng, tiếng Việt và tiếng Anh, đều gọi nó là... hến. Có thể vì hình thù của nó. Và cũng có thể nó ít nói. Thực ra thì là vì nó không nói năng gì hết. Nhưng theo Eve Ensler, tác giả của vở kịch (?) nhan đề The Vagina Monologues, thì nó nói nhiều lắm. Nó nói một mình. Nó độc thoại, như trong tên của vở kịch: Những Đoạn Độc Thoại Của Con Hến.

Vở kịch này đầu tiên diễn ở New York, không ở Broadway như các danh tác khác. Nhưng nó cũng rất thành công.

Ngày nay, The Vagina Monologues đã được đưa đi Chicago, Los Angeles, San Francisco... diễn tiếp. Như thế, rõ ràng là nó được hoan nghênh dữ lắm.

Và theo tờ Eastern Economic Review, nó đã được đem đi diễn ở Manila, Hongkong và ở Singapore.

Tác giả Eve Ensler cho biết chất liệu dùng để viết vở Những Đoạn Độc Thoại Của Con Hến được lấy từ hơn 200 cuộc phỏng vấn các phụ nữ, về những con... hến (?) của họ. (Nhưng có lẽ phải nói là CÁI hến thì mới đúng. Cụ Phan Khôi nói rằng trong tiếng Việt, hễ vật gì động đậy được thì dùng mạo tự "CON", không động đậy gì hết, thì dùng mạo từ "CÁI". Tuy nhiên hến trong kịch biết... nói, vậy thì dùng CON hay CÁI đều được chăng?)

Vở kịch có ba vai, tất cả đều do phụ nữ đóng gồm những đoạn độc thoại kể lại cuộc đời, kinh nghiệm, ái tình và sự nghiệp của hến.

Tưởng tượng ba người đàn ông trong một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi trên sân khấu, mô tả những khu vực cơ thể kín đáo nhất của họ, nói rõ họ dùng chúng như thế nào, thì nhất định khán giả sẽ đùng đùng đứng dậy, bước ra khỏi rạp hát để khỏi phải nghe những đoạn độc thoại thô tục và như trẻ con mới lớn đó.

Nhưng đó chính lại là những gì người ngồi xem vở The Vagina Monologes được nghe từ sân khấu vọng xuống. Vì nó là những tâm sự của hến. Vì hến nói được nên cũng làm cho nhiều người lo. Nó nói được, nó đem chuyện của mình đi kể thì xấu hổ chết mất.

Những ông thầy địa lý phong thủy tha hồ nói láo vì các ông thừa biết cái gọi là long mạch, khu đất có hình con hổ ngồi, có con rồng phục... đều không lên tiếng nói được. Ông thầy muốn khen, muốn chê sao cũng tha hồ, không sợ bị phản đối. Chứ "hòn đất mà biết nói năng / thì thầy địa lý cái răng không còn".

Cũng thế, nếu loài hến biết nói như vở kịch The Vagina Monologues gợi ý, thì nhiều người đàn ông trên thế giới này sẽ vất vả lắm. Chuyện phét lác, khoe khoang, nổ bậy bạ của chúng tôi cũng bớt đi nhiều.

Những thứ chuyện đại khái để tuyên dương thành tích của chính mình, nào là đánh đông dẹp bắc, xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan sẽ không còn được đem ra để huênh hoang nữa.

Lỡ những con hến nghe được, chúng hét lên rồi lêu lêu thì mắc cở lắm. Những vụ "khóc ngoài biên ải" sẽ được tường thuật ngay tình và đầy đủ, cảnh đánh cờ "pháo nổ đùng" sẽ được nói lại cho rõ nét bi thảm thì phiền vô cùng.

Cho nên khán giả lại yên trí ngồi xem nốt, biết rằng hến chẳng bao giờ đem chuyện đi kể trên sân khấu, dẫu cho hến có buồn, có đau, có chán đời mấy đi chăng nữa.

Có điều chưa biết bao giờ thì có một vở để phản bác lại. Như đã có Tây Hồ Phú của Nguyễn Huy Lượng thì sau phải có Chiến Tụng Tây Hồ Phú của Phạm Thái để đả lại chứ.

Lúc ấy "thủy hỏa tương giao sôi sùng sục" như cảnh hút thuốc lào mới là... đã điếu chứ!

Bùi Bảo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 8 tháng 8 năm 2012

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Đến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết/

Bùi Bảo Trúc


 

 

 

 

 

 

 

Ngày 28 tháng 2 năm 2011

Bạn ta,

Tôi biết Malawi là một quốc gia Phi châu. Đâu đó ở Phi châu. Tôi không rõ nó nằm ở đâu, cũng không muốn lôi cuốn Atlas ra kiếm coi trong bản đồ Phi châu nó nằm ở chỗ nào nữa. Kiếm bản đồ của nó để làm gì? Đi du lịch một chuyến chăng? Tại sao phải đi Malawi trong khi có biết bao nhiêu chỗ khác để đi? Một cuốn sách tôi có trong tủ sách với cái tựa đọc lên đã thấy muốn nổi máu giang hồ: 1000 Places To Visit Before You Die.

Trong cuốn sách đó không thấy có ghi Malawi.

Bản tin đọc được hôm qua của AFP lại càng cho thấy không nên đến Malawi làm gì cho mệt xác. Một dự luật đang nằm ở quốc hội xứ này sẽ được đem ra biểu quyết trong một hai tuần nữa, và nếu được thông qua, việc thỉnh thoảng thả cái trung tiện cho đời lên … hương một chút chắc không thể làm được ở Malawi nữa. Luật khi được ban hành sẽ cấm những người dân Malawi, luôn cả du khách ghé ngang qua, già trẻ lớn bé đều không được thả trung tiện ở những nơi công cộng nữa. Dự luật nói rõ như thế này: Bất cứ ai làm ô nhiễm bầu không khí công cộng, gây tổn hại cho sức khỏe công chúng tại những nơi người dân sinh sống, sinh hoạt, làm việc, qua lại, luôn cả dọc theo xa lộ, bến sông, bờ hồ đều bị phạt.

Nói rõ ra là luật cấm đánh rắm. Cấm đánh rắm tại những nơi công cộng.

Như thế thì cuộc sống còn gì vui nữa! Xin vào internet đánh hàng chữ này thì sẽ đọc được ngay bản tin quái ác đó: No fart in Malawi.

Chuyện rắm rít là những hoạt động tự nhiên của cơ thể con người. Thức ăn vào trong bụng được biến chế thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Những phản ứng hóa học trong dạ dầy, trong ruột cho chất bã thêm chút hương hoa cho đời (?), rồi cơ thể đẩy mới đẩy nó ra ngoài. Tự nhiên nó chẳng có gì xấu xa cả. Nhưng rồi xã hội dậy chúng ta rằng cái mùi ấy là mùi khó chịu. Thế thôi. Có những mùi khác còn kinh hoàng hơn nhiều, nhưng chúng đâu có bị khinh bỉ, thù ghét như mùi rắm đâu. Nếu chúng ta nhìn lại vấn đề như thế, chúng ta sẽ thấy bớt ghét chúng đi rất nhiều.

Ông Trời cũng ác. Phần bã của những thứ đồ ăn sau khi được gạn lọc, chế biến thành chất nuôi cơ thể thì cơ thể tống ra ngài. Cớ sao ông Trời lại phải biến nó thành mùi thối ghê khiếp như thế? Thì cứ nhuộm cho chúng chút mầu vàng, mầu nâu là chúng tôi biết để tránh, không đạp chân lên rồi. Tại sao phải làm cho nó thối khủng khiếp như thế? Và chút hơi nằm chung với những chất bã này trong ruột già một thời gian ngắn cũng bị làm cho thối theo, trước khi được đẩy ra ngoài. Chưa hết, cùng với cái mùi không thơm đó, còn có một loạt âm thanh đi theo phụ họa để mọi người nghe mà biết mùi hương ấy sẽ theo sau để mà bịt mũi hay chạy ra xa.

Ông Trời quả là có độc. Rồi lại dậy cho con người là cái mùi, cái âm thanh đó không hay ho gì nữa mà làm chi?

Luôn cả các chị đẹp người, lịch sự như Tây Thi, Bao Tự, Cleopatre… và các anh đàn ông văn học nghệ thuật đầy mình như Shakespeare, thơ hay như Verlaine, hát hay như Trương Chi, vẽ đẹp như Renoir… anh nào anh nấy đều thủ sẵn một ít bom ngạt, lâu lâu ném ra cho thiên hạ sợ.

Thiên hạ sợ thôi chứ chính các anh, các chị này đâu có sợ gì cái mùi hương ấy. Các anh các chị, lâu lâu thả quả bom ngạt còn thú vị là khác. Thả xong chắc chắn thế nào cũng thần người ra, suy nghĩ xem cách đó vài tiếng ăn những gì mà mùi rắm kinh hoàng như thế. Dương Quí Phi thì nhớ lại mấy quả vải vừa được người tiến, đang tha thướt " vân tưởng y thường, hoa tưởng dung" như Lý Bạch viết trong Thanh Bình Điệu thì bỗng vãi ra một hơi rắm dài. Nếu ở Malawi, là cảnh sát đã rượt biên phạt Dương Quí Phi về tội đánh rắm.

Thế thì chán thật. Đẹp như Dương Quí Phi vẫn bị dí cho cái giấy phạt vì đánh rắm to quá và thối quá. Bố Lý Bạch cũng không dám viết tiếp câu đầu trong đệ nhị thủ: Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương… nữa cho mà coi.

Và như thế, ở Malawi chắc sẽ không còn những thứ mà tiếng Anh gọi là fart catcher nữa. Bọn này sẽ phải nghĩ ra cách khác để nịnh xếp chứ ở đó còn ai được quyền đánh rắm một cách thơ thới hân hoan như ở các nước khác để mà rượt theo đằng sau, bắt lấy cái rắm rồi hít hà khen lấy khen để như mấy cậu thi sĩ quốc doanh ở nước ta …


 

 

 

 

 

 

 

Ngày 1 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Dustin Hoffman, diễn viên đóng vai chính trong The Rain Man sau khi được cho hưởng mùi đời lần đầu tiên: một cái hôn của một phụ nữ không đến nỗi ma chê quỉ hờn, đã quệt miệng, ngao ngán báo cáo lại cho Tom Cruise rằng:"It’s wet…"

Chàng có vẻ không vui bao nhiêu. Trong một ca khúc của Burt Bacharack, bài I’ll Never Fall In Love Again có một câu đại khái nghĩa là bạn được gì khi hôn một cô gái, bạn được tặng cho một đống vi trùng để sưng phổi mà chết…

Do đó, không nhất thiết cứ nhận được cái hôn là sướng có thể gần chết được như không ít người đã nghĩ.

Vấn đề cái hôn đó từ đâu đến cũng quan trọng nữa. Các thứ ông nội, ông ngoại được những đứa cháu cho mấy cái ướt nhẹp trên má là có thể sướng cả tuần lễ chưa hết sướng.

Nhưng nếu đó là những cái hôn không đến từ những đứa cháu, không từ … thí dụ Nicole Kidman, Cindy Crawford … thì sao?

Thì phải tránh cho bằng được. Bức hình tôi nghĩ là ghê khiếp nhất mà tôi đã thấy phải là bức hai anh trùm Cộng sản Leonid Brezhnev và Eric Honecker hôn nhau (vào internet xem Honecker Brezhnev Kiss). Hai người đàn ông "khóa môi" nhau khi gặp nhau để tình đồng chí keo sơn bền vững rốt cuộc vẫn tan nát cuộc đời.

Tôi rất sợ bắt tay người lạ. Vừa rửa tay sạch sẽ (như lời mẹ dặn) trước khi ngồi xuống đối mặt với tô phở, thì chàng từ trong nhà cầu bước ra, chìa tay cho bắt một cái cho đỡ buồn đời di tản thì tôi phải làm sao đây? Bắt cái tay ấy xong, lại phải vào nhà cầu rửa tay cho sạch trở lại, len lén đi ra với tô phở, mong không một ai nhìn thấy và chìa cho bàn tay dính đủ thứ trong nhà cầu đòi bắt một cái.

Chỉ mới có bắt cái tay là đã có thể làm khổ nhau như thế, nói chi đến tặng nhau cái hôn trên má, trên trán trong khi chàng không bao giờ là Kate Middleton, Catherine Zeta Jones...

Ở đây, mỗi lần đến tiệm ăn quen thuộc nọ, tôi đều bị một người đàn ông ôm hôn ngon lành không thua gì Thanh Tâm Tuyền trong Dạ Tâm Khúc… Đi đi em, đến một góc công viên, nơi anh sẽ hôn em đắm đuối… ôi môi em như mật đắng, như móng sắc thương đau

Gần như lần nào gặp tôi, ông cũng đều tìm cách hôn tôi đắm đuối…

Mà tôi thì sợ những cái hôn của ông gần chết. Ông cứ hết má, lại đến trán của tôi mà hôn có khổ cái thân già không cơ chứ. Về sau, tôi nghĩ ra một cách để không bị hôn nữa: ngồi vào góc, tuốt phía trong, để cho mấy người bạn ngồi chắn phía bên ngoài. Nhờ thế, tôi thoát được những cái hôn như vậy. Có thể vì ông thấy đường xá ngăn sông cách núi quá chăng? Nhưng nếu đi một mình thì làm sao? Thì đành phải bò đến quán ăn khác vậy. Vì thế, hễ đi một mình thì phải cố mà né ông bằng cách đi tiệm khác vậy.

Nhưng chuyện bị hôn không phải là chuyện duy nhất khó khăn xẩy ra cho đời tôi. Đến một tiệm ăn khác, hễ bước vào là thế nào tôi cũng bị ông chủ đến bên bàn, gạ chuyện. Mà hình như cứ trông thấy tôi, là ông đem tất cả những chuyện vô duyên nhất lôi ra tặng tôi thì phải. Tôi hoàn toàn không thắc mắc gì về những chuyện ông làm như lâu lâu về Hà Nội một cái, làm chuyện này chuyện nọ… Ông có kiểu nói không chủ từ, túc từ nên nhiều lúc tôi cũng không biết ai nó với ai nữa.

Tôi vào ăn, chỉ cốt cho xong bữa rồi về nhà hay đi làm việc khác. Nhưng ông không tha tôi. Nói của đáng tội, tiệm của ông nấu thì rất được. Nhưng chuyện của ông thì nghe không được. Tôi nghĩ ra một cách là hễ thấy ông đến gần, thì cầm cái cell phone lên, nói vài câu vào máy như đang nói chuyện với ai. Quả nhiên, nhìn thấy thế, ông tha tôi. Ông lảng ra phía khác. Nhưng khi đồ ăn dọn lên, tôi bắt đầu ăn thì ông lại rề rề đến bên cạnh. Đã mấy lần, tôi muốn đứng dậy, nói với ông rằng: " Ông ơi, Trời đánh còn tránh miếng ăn… Tôi có tội gì mà đang ăn cứ bị ông rề rề bên cạnh như thế này…"

Nhưng rồi tôi sợ những món trong menu vừa gọi, trong chuyến đi từ bếp ra bàn của tôi, biết bao nhiêu chuyện kinh hoàng có thể xẩy ra, nên lại thôi.

Từ đó, tôi ít đến tiệm của ông để khỏi nghe chuyện vô duyên của ông. Tưởng mình là người khó tính, nên thỉnh thoảng tôi cũng thấy hơi ân hận. Người ta muốn thân mật một chút, tại sao lại phụ lòng … đồng hương như vậy?

Nhưng một bữa đến ăn cơm tại nhà ông bà V. P. thì tự nhiên chuyện đi ăn tiệm được khơi ra. Và bà chủ nhà, bà V.P., một phụ nữ hiền lành, tử tế mà tôi rất kính trọng, tự nhiên đề cập đến chi tiết hay nói chuyện vô duyên của ông chủ tiệm. Bà cho biết ông bà đều rất ngại đến tiệm ăn này chỉ vì chuyện nói nhiều của ông chủ tiệm.

Nghe xong, buổi trưa hôm ấy tôi lại thấy mình bình thường trở lại, không quá khó tính như mình vẫn nghĩ

Hai ông bà V.P. thì ai dám nói là khó tính. Mà cả hai cũng vẫn phải có ý kiến về ông chủ tiệm ăn nọ.

Tôi thấy mình chỉ là một khách hàng ăn bình thường, không có gì là quá khó tính cả.


Ngày 3 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Đến bây giờ thì tôi phải tin là quả thực có những âm mưu hại người già, hay nếu không thì cũng là gây khó khăn cho rất nhiều người già ở nước Mỹ này.

Khi tuổi tác còn trẻ, tay chân còn khỏe mạnh, tôi không thấy như thế bao giờ. Chỉ mới gần đây tôi mới nhận ra rất rõ điều đó. Cũng có thể đó là nỗ lực cố ý để giúp cho người già, nhưng ý tốt đó được đẩy đi quá đà chăng?

Lúc đầu tôi không để ý. Lại còn thán phục những việc làm đó. Hộp chewing gum chẳng hạn. Tại sao lớp giấy bóng bọc ở bên ngoài lại có thể dai và khó xé đến như thế. Cứ thử xem những hộp bánh kẹo làm ở Việt Nam bán sang đây là thấy ngay. Cũng bọc bằng giấy bóng kính chứ có phải không đâu. Gỡ nhẹ là bao giấy bóng kính gần như vỡ vụn ra ngay trong tay. Trong khi cái bao hộp chewing gum thì tháo mãi, xé mãi không được.

Thôi thì cũng tạm hiểu được đi. Sau vụ Tylenol bị bỏ thuốc độc hồi cuối thập niên 70, chúng ta đồng ý là những cái bao giấy kính hay plastic đó sẽ bảo đảm không ai làm được chuyện trộn thêm ít hóa chất độc hay bỏ thêm vào chai thuốc vài viên capsule có đựng thuốc độc vào trong. Gói cho chắc, bao cho chặt như vậy thì cũng có lý. Những sản phẩm khác cũng được gói kỹ để không ai có thể lén vào trong 1 góc tiệm, mở ra, rồi cạo râu cho mình và để lại trên giá cho người khác mua về, lãnh theo những sợi râu không sạch sẽ gì... Nhưng cái lọc đặt trong bồn rửa bát thì bọc cứng lại làm gì? Mua xong mang về nhà, muốn lười một chút cũng không được. Lại phải cái kéo, hay có khi phải nhờ cả cái kìm mới tháo được lớp plastic bọc bên ngoài.

Nhưng những hộp đựng thuốc mới là quá đáng. Các công ty dược phẩm mua những chiếc hộp plastic để đựng thuốc bán cho khách. Những chiếc hộp được đậy bằng những cái nắp gọi là child proof để trẻ em không thể mở ra và lôi… kẹo ra ăn. Ý kiến thì rất hợp lý. Nhưng sau chuyến vào bệnh viện mới đây, tôi về nhà với vài ba chục hộp thuốc xếp trên bàn phòng khách để mỗi tối đem ra dùng theo lời của y sĩ tôi mới thấy tất cả những chai thuốc đó đều được đậy bằng những cái nắp child proof đó để làm nản lòng những bàn tay nhỏ ở trong nhà, mà trong trường hợp của tôi thì không có. Sau trận mổ tay chân của tôi, vốn đã không còn khỏe như hai ba chục năm trước, lại càng yếu đi, vụng về hơn rất nhiều.

Stock photo : Tops Of Pill Bottles

Vậy mà những cái nắp ấy đòi hỏi tới ba cách mở khác nhau. Thứ nhất là vừa đè mạnh cái nắp xuống, vừa đè vừa xoay cái nắp ngược chiều kim đồng hồ để mở. Thứ hai là dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp mạnh vào thành nắp đậy rồi xoay cái nắp theo ngược chiều kim đồng hồ. Thứ ba là xoay cái nắp để góc nhọn của tam giác trên nắp chĩa đúng và góc nhọn của lọ thuốc rồi dùng ngón tay cái bẩy ngược lên.

Tôi loay hoay cả hơn nửa tiếng cũng chỉ mở được 5 lọ thuốc. Còn hơn 10 lọ kia thì thua. Bỗng có tiếng gõ cửa. Nghe tiếng gọi mới biết có ông hàng xóm qua thăm. Ông dẫn theo một đứa cháu nội tên là Eric. Tôi cũng quen Eric. Thỉnh thoảng nó quăng hộ tờ báo vào sân để "ong noi" khỏi phải ra đừơng từ sớm mới có báo đọc. Tôi xin phép ông của Eric để nhờ nó mở thử mấy hộp thuốc xem nó có làm được không. Chú bé con học lớp Hai xoay xoay mấy cái là tất cả hơn một chục lọ thuốc của tôi đã được mở xong, bầy ngay ngắn lên bàn.

Tôi cám ơn nó và cho nó 5 đồng. Nó không nhận, nói rằng "It was so easy ong noi!"

Tội nghiệp tôi biết là chừng nào. Những chai thuốc được vẽ kiểu để ngừa trường hợp mấy đứa con nít thì nay, chính"ong noi" của mấy đứa con nít mới không làm ăn gì được, khiến cho một đứa bé học lớp hai khinh bỉ không thèm lấy tiền thưởng vì việc mở mấy cái nắp ấy chúng coi là dễ … ẹc.


Ngày 3 tháng 3 năm 2011

Bạn ta

Ở Luân Đôn tuần qua, tại một tiệm cà phê, người ta đã có thể mua thử và thưởng thức một món mới. Đó là cà rem làm bằng sữa người.

breast-milk-ice-cream.jpg

The dessert, called Baby Gaga, is churned with donations from London mother Victoria Hiley, and served with a rusk and an optional shot of Calpol or Bonjela.

Việc uống sữa không phải là sữa của mẹ là chuyện không có gì lạ cả. Sữa …rừng (?) còn thay được sữa mẹ như một cuốn phim tình cảm ca vũ nhạc Ấn độ chiếu ở rạp Long Phụng vài chục năm trước mà.

Tôi còn được kể chuyện là hồi còn bé, có ba bà mẹ trẻ ở gần nhà nhau cùng sinh con trước sau vài ba ngày. Nên khi một bà bận chuyện gì, bà liền đem con gửi cho hai bà kia coi giùm vài ba tiếng. Trong vài ba tiếng ấy thì ba đứa bé được cho "bú rình" mẹ của nhau. Bây giờ, một trong ba đứa bé ấy đã chết cả gần hai chục năm trước. Còn ba bà mẹ thì chỉ còn có một cụ còn sống.

Cũng như chuyện nhà giầu hồi xưa thuê vú để nuôi con chủ nhà vậy. Trần Trung Phương có một bài thơ đọc rất cảm động kể chuyện chị vú em một bữa nghe được con bê nhỏ than thở không được bú bò mẹ, sữa của bò mẹ bị đem đi bán lấy tiền về cho chủ nhà. Chị vú nói với con bê rằng chị cũng có khá gì hơn đâu vì con của chị, chị phải để ở nhà cho chồng nuôi èo uột trong khi sữa của chị để nuôi cậu con chủ càng ngày càng xổ sữa.

Việc lấy sữa người làm ice cream cũng gần tương tự như những trò "bú rình" hay thuê vú về nuôi con của thời trước. Khác chăng là ở Luân Đôn, sữa được làm thành ice cream rồi bán ngoài tiệm.

Đọc bản tin tôi thấy thấy hơi ghê ghê. Chuyện ba đứa bé uống sữa từ mấy cái "bar" chung nghe thấy vui, mà không ghê ghê gì hết. Nhưng vào tiệm cà phê ở Luân Đôn, bỏ ra 22 đô la ăn cái ice cream thì hơi ghê thật.

Chẳng biết xuất xứ của nó ở đâu. Thủ đô Luân Đôn thì có biết bao nhiêu nguồn sữa. Sữa gốc Jamaica, Trinidad, Tobago… sữa gốc Nam Á, Pakistan, Bangladesh, Ấn độ… sữa gốc Trung Phi Sierra Leone, Uganda, Nam Phi … rồi sữa Anglo Saxon. Người tinh tường về vị giác chắc phải dễ dàng nhận ra có thứ sữa có mùi càri, có thứ phảng phất mùi thịt rừng, có thứ có mùi roast beef

Người dở về thính giác và vị giác thì chép miệng nhận xét rằng nó cũng có khác gì mùi … bò đâu. Nói như vậy là làm nản lòng chiến sĩ quá đáng. Một đằng cứ gắn cái máy vắt sữa vào là vài ba phút có một ga lông bỏ vào chai plastic bầy ở siêu thị. Nhưng đây là sữa người. Sao lại giống nhau được? Nhưng cính đó mới là chi tiết để thấy ghê ghê.

Thí dụ một người bỏ thuốc lá hơn 40 năm, nay lạng quạng bước vào tiệm ice cream gọi một ly kem ăn thử cho biết, nói rõ là không muốn mùi gì khác… Không vanilla, xúc cù là cũng không. Cứ ice cream là được rồi. Nhưng lúc tiệm mang ra, khách thử một chút đã phun phì phì ra, hai tay móc họng, khạc nhổ vang lừng nghe vọng tới tận điện Buckingham rằng sao ice cream sữa người mà lại có mùi thuốc lá Salem thế này hở Trời.

Thì đã bảo mà! Bò không hút thuốc lá Salem bao giờ hết.




 

 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoa Thịnh Ðốn ngày 5 tháng 7 năm 2000


Bạn ta,


Ðọc cuốn sách của Trần Ðăng Khoa, cuốn sách với một số giai thoại, chưa hẳn là một cuốn phê bình, về các nhà thơ, nhà văn trong nước, ở đoạn viết về Tố Hữu, người ta thấy ngay một điều: Tố Hữu lờ béng mấy bài thơ chàng viết để khóc Xít-Ta-Lin hồi đầu thập niên 50 đi, không nói, không nhắc gì đến những bài thơ ấy nữa.


Xấu hổ mà không nhắc tới chúng thì chắc không phải. Chàng lờ đi vì thực tế đã khác. Nhưng nét chữ ô nhục thì vẫn còn đó, làm sao xóa đi cho hết được. Chắc chắn chàng cũng đã có những lối giải thích để có thể đưa ra, khi nào bị lôi ra hỏi.


Có điều sau khi viết những câu thơ thối tha nói thương Xít-Ta-Lin gấp mười lần lòng thương yêu dành cho cha, mẹ, chồng thì việc giải thích ngược lại sẽ không dễ lắm. Chàng chưa nói ra, nên người ta cũng không biết chàng biện giải cách nào. Có thể đến chết người ta vẫn không được nghe những lời giải thích của chàng.


Nhưng chàng không phải là một người duy nhất cần đưa ra những giải thích cho những câu thơ ghê rợn vì dại dột và ngu xuẩn đã viết xuống trước đây.


Trong số những thứ thơ thẩn ca ngợi mấy anh Liên Xô lạ hoắc của các cậu, có hai câu tôi không thể nhớ là của cậu nào nhưng thối thì không thua cậu nào hết. Bài thơ đại khái là những lời nhắn nhủ của tác giả gửi một em cán gái được cho đi Matxơcơva "tham quan" một quả. Chàng ở nhà, chờ em mua vài món quà ngoại, đem bán kiếm ít tiền tiêu cho bõ những ngày cơ cực, nên vặn tim, nặn óc ra bài thơ gửi em, vừa nịnh em để vòi quà, vừa bầy tỏ lập trường kiên cường bồi Liên Xô vĩ đại cho có điểm với nhà nước.

Bài thơ này, tôi chỉ nhớ có hai câu:


"... Hôn hộ anh nền đá lát công trường,

Nơi yêu dấu Lê-Nin từng dạo bước..."

 
Nếu không dùng hình ảnh cậu Lê-Nin dạo bước, mà thay thế bằng một người khác, thí dụ em cán bộ gái đi guốc lẹp kẹp, tóc tai dễ sợ, nhan sắc tra tấn mọi người, như kết quả của nghệ thuật sửa sắc đẹp do mấy ma đam chợ Ðồng Xuân đảm trách thì có lẽ nghe còn được hơn. Thí dụ nhờ một người nào đó, trở về trường cũ của em, tìm lại chút dấu tích, chút "thơm rơi" em để lại, thì nghe cũng đỡ hơn một chút:

"... hôn hộ anh nền đá lát sân trường

nơi yêu dấu cán gái thường lê guốc..."


Sửa như vậy nghe đỡ đi chút xíu, tuy vẫn không hay, nhưng sẽ không phải giải thích lôi thôi sau này, khi Lê-Nin bị quăng vào sọt rác như ở các nước Ðông Âu ngày nay.

Tưởng tượng tác giả mấy câu thơ đồi trụy ở trên, lại không còn đúng lập trường chính trị, bị lôi ra chất vấn thì chàng sẽ phải nói như thế nào về việc nhờ em bé hôn những viên đá lát đường trước đây vài chục năm có gót giầy của Lê-Nin?

Trường hợp này không khó như trường hợp những câu như:

Hoan hô Xít-Ta-Lin

Ðời đời cây đại thọ

 Rợp bóng mát hòa bình...


hay:

...Lòng chúng tôi thề theo bước Liên Xô...

Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít-Ta-Lin bất diệt...


Nhưng phải nói như thế nào?


Cứ như thế này... "Thưa các đồng chí. Các đồng chí có dịp đi tham quan ở Matxơcơva đều đã thấy là đường phố thủ đô Liên Xô không sạch sẽ gì. Có những chỗ toàn cứt chó với cứt mấy đồng chí nghiện rượu. Vết chân của Lê-Nin sau mấy chục năm làm sao mà còn được ở những con đường ấy sau mấy chục năm tuyết giá, mưa nắng đổ lên mặt đường. Nguyên em có con bạn làm cán bộ gái dễ ghét không thể tả được. Con này lập trường lại có hơi chao đảo, theo phe xét lại của Khơ Rút Xốp nên em ghét nó mà không cách nào trả thù được nó vì nó dữ khiếp đảm. Nhân nó đi Matxơcơva, nói là đi học, chứ cái mặt nó mà học cái con gì, nên em lừa nó, em xúi nó kiếm cái công trường, đại khái cái nào cũng được, vì cái nào cũng nhiều cứt chó với cứt người cả, rồi cúi xuống hôn lia lịa như bác Hồ hôn các cháu nhi đồng gái cho cứt chó dính đầy mặt nó là em vui rồi. Thưa đấy, thơ của em là chỉ để cho cứt chó lên mặt nó cho bõ ghét chứ em uu ái quái gì cái thằng Lê-Nin ấy... Hồi ấy mà em đã ghét Lê-Nin rồi ấy chứ. Ghét lắm đấy ạ, thưa các đồng chí. Ghét như đào đất đổ đi ấy cơ!"

Nói vậy thì có thể thoát hiểm, vì cậu nào chẳng có một chị cán gái kinh hoàng. Chứ còn mấy câu về Xít-Ta-Lin thì không biết nói làm sao đây! Lờ béng đi là phải lắm.

Bùi Bảo Trúc





 

 

 

by Kenta

 

 

 

 

Bạn ta,

Gia đình một người bạn của tôi có một cách trả lời điện thoại rất kỳ lạ. Bất cứ ai gọi đến xin được nói chuyện với ông, nếu ông có nhà, thì người nhà không nói gì, chỉ lẳng lặng đưa điện thoại cho ông. Người nhấc máy điện thoại lên, bất kể là người nào trong nhà, cho đó là bà vợ hay mấy người con thì cũng chỉ làm như thế. Im lặng, đưa cái điện thoại, không nói gì thêm.

Khi ông không có nhà, thì những người trong nhà, bất kể già trẻ, lớn, bé, nhấc máy trả lời cũng chỉ hai tiếng "Ði rồi" và bỏ máy xuống. Không phải là "Ði vắng rồi … đi khỏi rồi … không có nhà … vắng nhà …"

Bao giờ cũng chỉ là "đi rồi".

Tôi bắt đầu sợ hai tiếng này sau chuyến đi mới đây lên miền bắc và hỏi thăm về một người lâu ngày không gặp. Người bạn đáp: "Ði rồi".

Tôi bỗng nhớ những câu trả lời trong điện thoại. Tôi thấy gia đình này phải đổi cách trả lời. Không nên bằng hai tiếng "đi rồi" nữa.

Ở tuổi này, chữ "đi" mang một nghĩa khác.

Trong những lúc nói chuyện với những người tuổi tác như những người bạn, và luôn cả chính tôi, không nên dùng chữ "đi" này nữa.

Ngày xưa, nói "khi nào anh đi " thì chẳng sao cả. Ngày ấy, câu "bao giờ, khi nào anh đi" có thể nghĩa là bao giờ anh đi chơi, đi học, đi lính, đi quân trường, đi đơn vị, đi Mỹ... Bây giờ, cũng câu đó, người nghe có khi rất chột dạ.

"Ði" có nghĩa khác mất rồi. Như một cú điện thoại cách đây mấy năm của cô em gọi từ Canada vào một buổi tối và nói: "Mợ đi rồi."

Không cần phải hỏi "Mợ đi đâu, đi Montreal, đi Toronto, đi chùa, đi thăm bác Tám, đi Việt Nam, đi sang Mỹ, đi Pháp, đi Thượng Hải, đi Hàng Châu …" mặc dù những nơi đó mẹ tôi đã đi ít thì một lần, nhiều thì vài ba chục lần.
Cú điện thoại trong đêm khuya mà lại nói một người có tuổi "đi rồi" thì chỉ có thể "đi" một chỗ. Ði là đi theo ông cụ tôi. Ông cụ tôi đi trước đó hai năm.

Ði không còn có nghĩa là ra đầu đường đón chuyến metro, ra phi trường lên cái máy bay đi thăm chúng tôi. Với người thân hay những người chúng ta yêu quí, chúng ta không dùng chữ "chết" vì chữ "chết" dữ dội quá.

Chết trận, chết vì tai nạn, chết đuối, chết vì sét đánh.
Không ai nói "đi" trận, "đi" tai nạn bao giờ.

Ði. Không cần phải nói đi đâu. Cứ đi là nghe biết ngay.
Hỏi thăm người bạn về một người khác. Người bạn đáp đi rồi. Ði cách đây hai năm.

Không cần phải hỏi đi đâu? Ði bao giờ về? Ði một mình hả? Ði sao không nói gì?

Ði rồi.

Tôi bỗng thấy sợ cái động từ này. Thôi, bây giờ không dùng động từ đi để nói về những di chuyển nơi chốn, từ nơi này đến nơi khác, từ tỉnh này qua tỉnh khác nữa.
Phải nói rõ: anh ấy, ông ấy vừa bay sang Washington… tuần tới lại về LA, sau đó lại lên đường qua Canada.
Không nói đi nữa. Không hỏi bao giờ anh đi, ông đi, bà đi nữa. Hỏi vớ vẩn có khi bị la không cãi được… ô hay tôi còn khỏe thế này sao lại nói là … đi ?

Thế thì bây giờ chắc cũng phải đổi một câu trong bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn.

Ông Sơn viết: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…
Không được, phải hát là ngày mai em đi, ngày mốt em quay trở về mới được.

Tuổi này mà cứ nói ngày mai em đi thì sợ lắm.

Bùi Bảo Trúc

hc thiên nga

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 8 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Câu tục ngữ "mẹ gà con vịt" vẽ ra một liên hệ rất bất bình thường nhưng không phải là không có.

Konrad Lorenz, một nhà tâm lý học loài vật đã nghiên cứu rất nhiều hiện tượng này nơi loài ngỗng, vịt và thiên nga và thấy là những loài chim này, ngay sau khi đục được cái vỏ trứng để ra ngoài, thì bất cứ một sinh vật nào chúng thấy ở cạnh chúng, chúng đều coi là mẹ ngay. Konrad Lorenz là người đầu tiên đặt cho hiện tượng này cái tên imprinting, và những khám phá của ông về imprinting đã được khoa học nhìn nhận. Hình ảnh ông đi trước, một bầy vịt, ngỗng đi sau đã được tạp chí LIFE dùng để thâu tóm công trình nghiên cứu của ông khi ông qua đời năm 1989.

Những con vịt, ngỗng này coi Konrad Lorenz là mẹ của chúng. Chúng đi theo ông mỗi sáng để được cho ăn, được dẫn ra hồ bơi lội.

Mới đây, ở North Carolina người ta thấy một liên hệ khá kỳ lạ của một con thiên nga không giống như những trường hợp mà Konrad Lorenz đã nghiên cứu. Liên hệ đó không phải là giữa mẹ và con như những trường hợp imprinting thường thấy. Một con hắc thiên nga với bộ lông đen tuyền và cái mỏ mầu đỏ, giống thiên nga chỉ thấy ở Úc, bỗng nhiên xuất hiện ở thị trấn Palm City thuộc tiểu bang North Carolina.

Tại sao nó tới đó, nó đi những đâu mà lại lạc tới Bắc Mỹ, cách xa nơi nó ra đời cả trên mười ngàn dặm? Nhưng dù có được những câu trả lời cho những câu hỏi đó thì người ta vẫn còn một thắc mắc khác về nó. Đó là liên hệ của nó và cái máy hors-bord gắn trên một chiếc thuyền nhỏ.

Con hắc thiên nga này quấn quít bên cạnh cái máy hors-bord ở một bến tầu tại Palm City suốt mấy tuần lễ từ khi nó lạc tới North Carolina. Nhưng liên hệ đó không phải là một liên hệ mẹ con.

Con hắc thiên nga ra đời cũng phải vài năm ở Úc trước khi nó giang hồ đến Mỹ. Vì thế cái máy tầu không thể là mẹ nó như trong hiện tượng imprinting. Cái máy hors-bord không ở cạnh khi nó nở từ trong trứng ra. Cái máy tầu cũng không dẫn nó đi ăn hay ra hồ tập bơi, tập bay như những con thiên nga mẹ, hay như nhà khoa học Konrad Lorenz. Và nhất là nó không hành động giống như một con thiên nga với mẹ. Nó rượt đuổi người chủ chiếc thuyền máy mỗi lần ông ra bến, đưa thuyền xuống nước. Hành động của nó có tất cả những nét của một người phụ nữ ghen.

Người ta tin chắc rằng con hắc thiên nga này đang yêu chiếc máy hors-bord. Chiếc máy tầu là tình nhân của nó. Ai đụng đến cái máy tầu là nó đuổi đánh.

Loài thiên nga trắng cũng như đen nổi tiếng là chung tình. Trống và mái ở với nhau suốt đời. Khi một con chết, con còn lại buồn đau trong một thời gian rất lâu. Robert Kincaid trong The Bridges of Madison County của Robert James Waller cũng nhắc tới chi tiết thủy chung này của một con thiên nga trong bức thư gửi Francesca Johnson.

Loài thiên nga Úc ưa sống hợp quần thành bầy hai, ba trăm con. Con hắc thiên nga ở Palm City xa nhà, xa bầy, tìm được đối tượng để yêu thì đối tượng chỉ cứ lù lù một cục thép cù lần, khét lẹt mùi xăng. Câu chuyện tình của nó được viết thành tin đăng trên báo địa phương, và làm cảm động Stan và Faith Chiras. Hai người xin phép đưa nó về trang trại với cái hồ nước khá rộng của họ để cho nó có bạn với bốn con hắc thiên nga khác và khoảng mười con ngỗng trời mà hai người đã nuôi từ lâu để con thiên nga lãng mạn này có bạn, đỡ đơn lẻ, phải tìm tình yêu nơi cái hors-bord.

Nó có hạnh phúc không, nó có tìm được tình yêu ở cái hồ nước trong trại của vợ chồng Stan và Faith Chiras không, những chi tiết đó không được báo chí cho biết. Nhưng chắc nó phải nhớ cái máy hors-bord lắm, nếu tính thủy chung có thật nơi loài thiên nga.

Nó sẽ nhớ cái máy tầu lúc nào cũng dịu dàng, không bao giờ to tiếng với nó, không bao giờ mè nheo, đay nghiến, nói dai, nói giang ca, nói chàm ràm, nói bậy, nói bạ, nói dấm, nói dẳn, nói ngoa, nói ngoắt, nói 629 kiểu mà nhà làm tự điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ đã ghi từ trang 973 đến 985 của cuốn Việt Nam Tự Điển hai ông hợp soạn.

Cái máy hors-bord mà tiếng Pháp, theo cuốn Petit Larousse tôi có, nơi trang 519 của ấn bản 1962, được xếp vào loại danh từ giống đực (nom masculin invariable).

Nên chắc gì đưa con hắc thiên nga tới trại của Stan và Faith Chiras lại là điều tốt đẹp cho nó. Biết đâu nó chỉ yêu cái máy hors-bord hiền lành và ít gây phiền nhiễu cho nó như ở bến tầu Palm City?


Bùi Bảo Trúc


ông biết tôi là ai không ?

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn ta,

Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi năm trước.   Một bữa đang ngồi trong quán Cái Chùa (La Pagode), đường Tự Do, Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: “Ông biết tôi là ai không?” Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết.   Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.   Ít lâu sau, tôi được cho biết ông đi theo, làm đàn em cho một ông tướng, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.  

Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ.   Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.  

Mấy tháng trước, trong chuyến về lại California, tôi phải ghé lại New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra. Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy. Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông. Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần:

“Do you know who I am?”

Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.  

Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước của ông, xin tới quầy 112.

Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa.   Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười. Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu:

“F… you!”  

Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này:

“I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too.” Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.  

Chao ôi, hay biết là chừng nào! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi.   Bây giờ, nếu người đàn ông ở La Pagode hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.

Nhưng còn một điều tôi hơi ngại, là nếu phía bên kia đưa ra đề nghị bắt đầu bằng chữ “F” thì cũng hơi phiền. Chẳng lẽ lại đòi những người ấy xếp hàng… cả ngày như ở nước ta hay sao?

 

 

 

 

Bùi Bảo Trúc


chuyn gn gàng,

th t,

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

Ngày 10 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Khi dọn đến địa chỉ hiện nay, tôi tìm được ở ngăn tủ trong phòng ngủ bức tượng nhỏ tạc hình một người ngồi sau chiếc bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, sách vở chất đống nghều nghễu cao hơn đầu người, và ở chân bàn, là hàng chữ neatness is the sure sign of a sick mind.

Tôi thích nó ngay, vì cái bàn của ông ta không khác gì bàn làm việc của tôi.

Ngay từ trước khi có bức tượng --mà tôi không cách gì trả lại chủ nhân nó-- tôi vẫn thấy chuyện gọn gàng, thứ tự, ngăn nắp có điều gì không... ổn. Nghĩa là cái bàn làm việc không bao giờ nên gọn gàng, ngăn nắp. Nó phải bừa bộn như của tôi thì trông nó mới có đời sống, có bàn tay người. Một cái bàn ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thì nó như cái bàn của một nhà hành chánh, một ông đốc phủ sứ, mỗi ngày có nhân viên vào thu dọn, phủi bụi. Cái bàn sạch sẽ nhưng chủ nó chỉ là một... đốc phủ sứ.

Hàng chữ ở chân bàn -- neatness is the sure sign of a sick mind -- nói đúng được điều tôi vẫn mơ hồ nghĩ trong đầu từ lâu mà không xếp lại thành một câu: sự gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ, ngăn nắp là dấu hiệu rõ ràng của một đầu óc bệnh hoạn.

Nhờ nó, tôi có được cách giải thích rất thuyết phục cho tình trạng bừa bộn nơi cái bàn làm việc của tôi. Sạch sẽ, gọn gàng là bệnh hoạn. Bừa bộn, không thứ tự, không ngăn nắp là một đầu óc bình thường và khỏe mạnh.

Tại sao phải ngăn nắp và thứ tự trong khi bừa bộn và mất trật tự vẫn làm được việc? Và cái bàn làm việc của tôi trong phòng ngủ tiếp tục bừa bộn, không thứ tự, không gọn gàng gì hết. Mẹ tôi sang thăm, nói là trông ngứa mắt quá, tôi đề nghị vài giọt thuốc nhỏ mắt cho đỡ ngứa, nhưng xin tha cho cái bàn của tôi.

Hôm nay, đọc được một khám phá của Home & Garden Television, tôi lại càng thấy không nên gọn gàng, ngăn nắp và thứ tự chút nào.

Một cuộc thăm dò do Home & Garden Television thực hiện cho thấy là có một số người tìm thấy được sự thỏa mãn qua việc giữ gìn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, thứ tự, nhiều hơn là làm tình (... get more satisfaction from keeping their homes neat and attractive than they do from sex.)

Biết được chi tiết này, tôi lại thắc mắc không biết người ở căn nhà này trước khi tôi dọn vào là người như thế nào, có giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không, hay cũng bừa bộn như tôi để phải khuân bức tượng nhỏ với câu nhận định tương quan giữa sự ngăn nắp, gọn gàng và sức khỏe tâm lý về nhà bầy chơi?

Tôi biết người ở căn nhà này trước tôi là một phụ nữ nhờ cái tên trên phong bì những bức thư tiếp tục tới nằm trong hộp thư của tôi sau khi tôi dọn đến cả mấy tháng trời.

Nàng có nhiều phần không phải là người gọn gàng ngăn nắp nên mới có bức tượng nhỏ đó. Nàng không thích thu dọn nhà cửa sạch sẽ, như vậy nàng tìm thấy sự thỏa mãn ở đâu?

Nàng có giống như người đàn ông Á châu cao niên sống bừa bãi thiếu ngăn nắp tìm thấy sự thỏa mãn trong sự biếng lười như Bạch Ngọc Thiềm trong cái thư trai ông gọi là Dong Am, cái am biếng nhác, hay nàng thấy được thỏa mãn nơi cái thú... khác?

Bức biếm họa trong tờ báo đi kèm bài viết vẽ một người đàn bà quần áo trên người rất ít trong khi người đàn ông, tay cầm thùng nước, tay kia vác cái chổi, mặt mũi tươi vui đi... dọn nhà, quét tước, lau chùi phòng ốc. Người đàn ông có vẻ như không nhìn thấy người phụ nữ rất sexy đứng bên cạnh vì chàng đã tìm thấy lạc thú trong việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như kết quả cuộc thăm dò của Home & Garden Television chăng?

Đúng hay không đúng thì khó biết được, vì sự bừa bộn của tôi chỉ là dấu hiệu của một đầu óc không... bệnh hoạn.

Nhưng có thể vì kết quả cuộc thăm dò này, nhiều người đàn ông sẽ không bị bắt dọn dẹp nhà cửa nữa không chừng!

 

Bùi Bảo Trúc


vĩnh bit

NguyĐức Quang

Bùi Bo trúc

 

 

 

 

 

 

 

 

Có thể nói chắc rằng ở Việt Nam, không có một thế hệ nào kém may mắn bằng thế hệ của những người ra đời trong những năm cuối của thập niên 30 bắt sang đầu thập niên 50.

Thế hệ này vừa ra đời thì đã phải chạm mặt ngay với hai cuộc chiến lên tiếp ở Đông Dương của những năm 50 , rồi những năm 60 và 70. Họ lớn lên, để tử trận nhiều nhất, góa bụa nhiều nhất và mồ côi nhiều nhất.

Mồ côi trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất. Tử trận và góa bụa trong cuộc chiến Đông Dương thứ hai.

Trong đời sống với cái chết cận kề rình rập như lúc nào cũng sẵn sàng ghé vào thăm, người ta vẫn cần, hay có thể nói là rất cần đến âm nhạc. Âm nhạc để vỗ về, an ủi, để khóc, để đau đớn cho những bất hạnh của thế hệ.

Kháng chiến có âm nhạc của kháng chiến trên những chiếc banjo, những chiếc mandoline, những Hạ Uy cầm, Tây Ban cầm trên vai của những thanh niên thành phố lên đường đổ máu cho quê hương với những bản nhạc của Hoàng Quý, Việt Lang, Văn Cao, Hoàng Giác, Tử Phác … quay quay thương nhớ quyến vào tơ, quay quay may áo rét dâng chàng… Những ca khúc hết sức lãng mạn của thành thị từ chàng ra đi lưng khoác chiến y, mà lòng vương bóng quốc kỳ… Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi … lờ lững đôi chim giang hồ bay.. dưới ánh trăng mơ màng, ngồi kề bên nhau nối tơ lòng, của Ngọc Bích, Nguyễn Thiện Tơ , Đào Thừa Liệt ...

Cuộc chiến Đông Dương thứ nhất kết thúc với cảnh đất nước bị chia cắt. Thanh bình tạm bợ ở với chúng ta vài ba năm thì lại một trận đao binh khác ập tới. Những khúc ca thanh bình của Lam Phương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh … bỗng thấy không còn hợp thời nữa. Thơ lãng mạn tiền chiến trở thành vô nghĩa, ngượng nghịu trên môi người đọc Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Thế Lữ, Xuân Diệu.. .

Tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy thỉnh thoảng lắm mới tìm được một hai bài hát cho họ.

Một buổi sáng mùa đông, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, chết không còn đôi chân…. Về đây nghe em, về đây nghe em, mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao …

Họ hát để quên đi những ca khúc đầy bi thảm, chết chóc : trực thăng sơn mầu tang trắng, em ngại ngùng dạo phố mùa xuân , viên đạn đồng đen, em sang ngang cho làm kỷ niệm

Không có mặt ở Việt Nam mấy năm, đến lúc về nước, thì tôi đã thấy có một phong trào nhạc đang lớn mạnh.

Đó là phong trào Du Ca. Du là đi đây đó. Du ca là vác đàn đi hát ở đây đó. Đây đó là những buổi lửa trại, là sân trường đại học, ở trường Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, ở đại học Đà Lạt, ở trụ sở sinh viên đại học quốc tế đường Duy Tân, Hồng Thập Tự.

Nhạc khí là những chiếc ghi ta với những accord giản dị. Và giọng hát là những tiếng hát bằng tâm tình, bằng lòng thành, bằng tất cả tấm lòng cho cái quê hương có một thời ngạo nghễ ấy, cho giống dân mà gọi là vua đấu tranh… .

Ở một quán nước trên đường Tự Do, tôi gặp hai người, hai tác giả có những ca khúc đặt cạnh nhau chỉ để nói lên những tương phản, nhưng lại cũng nói lên được những ưu tư, những quan tâm, khắc khoải của cái hế hệ bất hạnh ấy.

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang.

Trịnh Công Sơn đụng vào nhiều khía cạnh hơn Nguyễn Đức Quang. Những viên thuốc an thần của Trịnh Công Sơn được gửi đến người nghe, đồng thời vẽ ra một đất nước tan hoang với người yêu chết trận Pleime, đại bác ru đêm, đàn bò ngu ngơ vào thành phố, ngươi con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đầy tiếng súng...

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc khác hẳn của Trịnh Công Sơn.

TCS viết em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn.

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc như thế này: Đường Việt Nam ôi vô tận đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn. Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng mỗi xóm làng một dở dang…

Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng .Tiếng reo vui rộn ràng trong lòng. Gặp nhau do non nước xây cầu… Cùng đi lay Trường Sơn. Cùng đi xoay Hoành Sơn …

Hay: Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm. Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.

Rồi lại: Ta còn những người ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn chiến tranh. Ôi cùng đau thương cùng hoang mang giữa khi khó khăn. Xin chọn nơi này làm quê hương….

Nguyễn Đức Quang như thế đấy. Không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu như Nguyễn Bắc Sơn… Không một lời thù hận bên này hay bên kia. Nguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy.

Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng.
Nguyễn Đúc Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt.

Sự quyến rũ của Nguyễn Đức Quang là ở đó.

Mấy chục năm đã qua, nhưng Nguyễn Đức Quang không bao giờ rời xa hẳn chúng ta. Vẫn còn có những buổi sáng, hai ba câu hát của chàng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta.

Và như thế, có nói là thế hệ này đã tìm được người phát ngôn thì cũng không sai. Nguyễn Đức Quang nói hộ chúng ta biết bao nhiêu điều chúng ta loay hoay nói không được và có nói cũng không hết.

Nguyễn Đức Quang qua đời sáng hôm Chủ Nhật nhưng ông vẫn sống tiếp bằng âm nhạc của ông, chừng nào mà quê hương Việt Nam còn ngạo nghễ, chừng nào mà còn những người đi trên những nẻo đuờng Việt Nam, chấp nhận đó là quê hương.

Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.

Vĩnh biệt Quang.

Bùi Bảo Trúc

27/3/2011

Thanh Tâm Tuyn

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

 

Hai niên biểu nằm giữa hai cái ngoặc đơn, ở giữa là cái gạch nối đi theo sau một cái tên người là để báo một tin buồn. Những con số của sự khởi đầu của đời sống và sự chấm dứt với cái chết, của sự ra đi vĩnh viễn. Từ hôm nay, tên của Thanh Tâm Tuyền sẽ mãi mãi có những con số đó đi theo. Những hàng chữ và số sẽ được khắc trên mộ bia của người thi sĩ.

Thanh Tâm Tuyền vừa qua đời tại Minnesota vì ung thư phổi.

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm. Ông sinh tại Vinh ngày 15 tháng 3 năm 1936 và qua đời ngày 22 tháng 3 năm 2006, cũng tháng 3 và năm tận cùng cũng bằng số 6, sống băng ngang qua được hai thế kỷ, hưởng thọ 70 tuổi.

Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống. Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry không chọn một bài thơ nào của Thanh Tâm Tuyền để dịch và giới thiệu. Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam / Thơ chỉ cho Thanh Tâm Tuyền 1/3 trang và chọn của ông một bài thơ (trang 3077, 3078) trong khi ngay cạnh đó, Tô Thùy Yên được dành cho hơn ba chục trang, mặc dù trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến nhắc Thanh Tâm Tuyền 21 lần.

Con đường ông đi, không đúng như tên tập thơ của ông, tập Tôi Không Còn Cô Độc xuất bản năm 1955, đã có nhiều người đi theo bằng những bài thơ không vần, loại thơ ông đi những bước đầu tiên khai phá, nhưng ông vẫn là người một mình cho đến lúc chết.

Thanh Tâm Tuyền là một trong số các cây bút sáng lập tờ Sáng Tạo của Mai Thảo, tờ báo chỉ bằng mấy chục số, đã đưa tới những đổi thay hoàn toàn cho sinh hoạt văn học của Việt Nam. Ảnh hưởng của tờ tạp chí này vẫn còn thấy đến tận ngày hôm nay. Trong đó có ảnh hưởng của thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền để lại.

Thanh Tâm Tuyền đi những bước đầu cho thơ tự do Việt Nam. Trước ông có thể cũng đã có những loay hoay của một số người với loại thơ này, nhưng phải chờ đến Thanh Tâm Tuyền, thơ tự do, con đường ông chọn để đi, thuỷ chung suốt chiều dài đời sống, mới bước đi những bước dài từ đó.

Thanh Tâm Tuyền không chỉ từ bỏ những mô thức cũ, những cái khung cũ của thơ Việt Nam trước ông, mà ông còn chọn cho ông một thứ ngôn ngữ và những hình ảnh mới vào đúng lúc nền văn học Việt Nam cần những thứ máu mới, khác và lạ.

Thanh Tâm Tuyền biết có nhiều người không ưa ông, như ông đã viết trong mấy trang đầu của tập Tôi Không Còn Cô Độc.

Người ta độc ác với thơ của ông. Người ta thù ghét thơ của ông như ông đã nhận trong tập thơ vừa kể.

Thơ của Thanh Tâm Tuyền là thứ thơ trí tuệ, giản dị mà phức tạp, rất đẹp mà không một nỗ lực làm dáng...

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa
Đi đi, chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau...
...Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới...

Người ta phàn nàn thơ Thanh Tâm Tuyền khó hiểu. Có và không.

Tại sao phải hiểu đúng như người làm thơ đã viết xuống? Hiểu như thế, là bài thơ đã chết. Không còn đời sống nữa. Từ khi nó được viết xong và mực khô trên giấy.

Những bài thơ khác tiếp tục xuất hiện mỗi lúc mỗi khác, tùy theo cách nhìn ngắm của mỗi người. Nhà thơ đẩy đứa con ra đời, và để cho nó bước đi, sống tiếp đời sống chưa hoàn thành của nó. Những bài haiku là những tảng mực ném vào giấy, người đọc cầm lấy bút vẽ tiếp, nối liền những đứt đoạn của bức tranh. Haiku tiếp tục sống những đời sống khác của chúng sau khi Basho, Buson, Etsujin, Issa đã buông bút.

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền phải đọc như thế. Nguyễn Hưng Quốc khi viết về Thanh Tâm Tuyền, cho rằng người đọc phải động não khôi phục lại mối quan hệ kín đáo giữa các câu thơ (và cả những chữ trong bài thơ) bằng nhưng liên từ và giới từ mà Thanh Tâm Tuyền cố tình bỏ đi.

Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền có âm nhạc, nhưng không có vần. Cũng có thể nói là có vần nhưng vần bị dấu đi:

...Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng mình
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời, như mọi người...

Trong Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (1964), Thanh Tâm Tuyền khẳng định ông không ngợi ca tình yêu, ông nguyền rủa tình yêu... cái mà ông mơ ước và tưởng là cùng với tự do là những hy vọng cuối đời của ông. Nhưng trong thơ ông, chính tình yêu là đối tượng ca ngợi của ông. Ông không nói về tình yêu, nhưng người ta thấy ông rất yêu nó:

Chiều trên phi trường anh bỗng nhớ em
Nhớ chuyến đi xa đầy hẹn ước
Đây mùa xuân không đến
Đám cỏ hèn mọc trên diện tích xi măng khô...

Cũng như kỹ thuật sáng tác ông dùng, ông dấu đi tình yêu, bắt người đọc phải tự đi mà kiếm thấy:

Anh trở thành giấc mộng
Đường cỏ hoang em trở về
Đáy huyệt sâu hồn tóc cũ
Không ai biết chúng ta yêu nhau
Cuộc biệt ly nơi hư không
Con mắt nào ngó thấy
Mỗi lời như ngọn lửa
Đốt những kỷ niệm tội lỗi...

Bùi Vĩnh Phúc cho là hai tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc và Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy đã bầy ra cho độc giả thấy một Thanh Tâm Tuyền kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, lãng mạn, thiết tha, mệt mỏi.

Có phải vì thời đại của ông sống:

Ta vừa hai mươi tuổi
nhân loại cũng hai mươi
ôi nhân loại hai mươi
thóc gặt dư ăn
bột xay thừa nặn bánh
ta kêu lên hờn căm
khi quá thể chúng cắt tình ruột thịt
hời mẹ hiền nhìn mẹ rưng rưng
yêu chẳng được yêu, khóc không dám khóc
Hôm nay ta xông ra phố ngày hai mươi
nắm tay tròn cáu giận
má phừng lửa yêu thương
môi bỏng niềm tủi cực
đêm qua ai thét giữa đêm dài
tỉnh dậy ôi nao nức
ấy là tiếng hét trong hồn ta...

Và ở một chỗ khác, vừa nói về tình yêu xong, ông lại quay ra với giọng nghiệt ngã:

... Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như bàn ghế không bầy...

mà ông đã chọn cho thi ca của ông thứ ngôn ngữ và hình ảnh nhiều khi hung bạo như vậy?

Nhưng nói gì đi nữa, thì Thanh Tâm Tuyền vẫn là một thi sĩ lãng mạn khi nhìn qua khỏi những điều mà ông cố tình làm cho tầm thường đi:

Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh, không tím không hồng
Những ống khói tầu mệt lả...

Có thể trong một thời điểm khác yên bình hơn, Thanh Tâm Tuyền đã làm thơ khác những bài thơ chúng ta biết của ông.

Từ khi sang Mỹ, ông không làm thơ nữa. Ông làm đúng như một câu ông nói năm 1975: tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi.

Ông ở lại, trải qua nhiều năm tù, bị bắt giam nhiều lần. Khi không còn ở được với cái xứ sở ấy, ông không viết nữa.

Sự từ bỏ thơ của ông rất là thi sĩ, cũng hệt như khi ông đến với thơ lần đầu...

...Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời...

Bùi Bảo Trúc

(Thư Gửi Bạn Ta)

bái bit Huế

đọc thơ Kiêm Thêm

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những bài thơ năm chữ, lục bát, tám chữ, tự do trong tập thơ của Kiêm Thêm là những “trầm hương dâng đời lữ thứ” của một cọng “cỏ khô mọc trên vùng đất lạ”, là những gửi gắm của ông về một “mái tam quan”, một “hạt nắng bên cồn”, “tiếng guốc khua trong trí nhớ”, một “vai cầu” ngó xuống dòng sông cũ, “ngôi trường xưa còn thơm mùi phượng vĩ”, những “ngọn rêu trong thượng thành”, những “cây thông già trên lăng Thiệu Trị”, những “tối Kim Lăng, những chiều Vĩ Dạ”... Kiêm Thêm cũng nhớ Huế một cách thân mến như Hàn Mặc Tử nhớ về những “nắng hàng cau nắng mới lên”, những vườn “xanh như ngọc”, những “dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” và cũng như Nhã Ca nhớ “con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ”, những “cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ”, những “tháp cổ, chuông xưa, sông hiền, sóng mọn” một cách buồn tủi, hối tiếc.

 

Nhưng những thân mến, hối tiếc, buồn tủi mà người ta đọc ở Kiêm Thêm có lẽ còn ở một mức độ lớn hơn khi đặt cạnh những thân mến, hối tiếc, buồn tủi trong “Đây Thôn Vĩ Dạ” hay “Tiếng Chuông Thiên Mụ” của Hàn Mặc Tử và Nhã Ca, bởi lẽ Huế của Kiêm Thêm đã trở thành một nơi chốn không thể trở về được nữa.

 

vẫn ngơ ngác trên ngọn buồn năm tháng
vẫn vàng phai từng gót bước đi về
đời xiêu đổ tan tành thảm thiết
dấu chân đời xanh mù tắp chân trời
cơn hạnh ngộ tưởng gần trong gang tấc
phút tương phùng ngỡ ở giữa tầm tay
giờ sum họp mộng đời xanh lá biếc
ôi mù sa những mơ nước trong đời
ngày soi mặt thất thần lơ láo
tóc bạc phơ môi ngậm trái u buồn
tôi khâm liệm đời tôi trong dĩ vãng
chết từ khi xa ngọn cỏ quê hương

 

“Chút vườn xanh dĩ vãng” và “những vàng son” ông vẫn giữ trong những chuyến ngược xuôi tìm “nguồn vui thuở trước” đã nuôi ông sống tiếp từng ngày. Huế của Kiêm Thêm là hạnh phúc của ông, mong manh và tình cờ:

 

mỗi chúng ta với thời hạnh phúc
ôi thoáng nhanh như một tình cờ
như giọt sương muôn vàn thân ái
như trầm hương huyền hoặc trong đời

 

Hạnh phúc mong manh tình cờ đó vẫn lay động những giấc ngủ ở những nơi chốn cách thành phố cũ hơn một nửa vòng trái đất, trong những cơn mưa, những nắng vàng mầu nhiệt đời. Hãy nghe Huế trở lại khuấy động:

 

cơn mưa nào lay tôi dậy đêm nay
bão táp nào nói với tôi mùa đông đã tới...
nỗi nhớ nào nuôi tôi ở tuổi năm mươi
phải đó, bóng mát nội thành chính là điều tôi
phải tha thứ
con ve bầy phượng vĩ ngôi trường
khắc phiến đá nỗi niềm tôi ở đó
bằng hữu đâu chính là những nhân danh
uống cho hết cơn đau viễn xứ
hôm qua Huyền Trân công chúa chào mừng
nắng Kim Long chiều Gia Hội Trường Tiền
dậy đi thôi trí nhớ ươn hèn
suốt dẫy phố đèn lên một lượt
những gót chân hồng mấy lời nói nhỏ
là kinh điển đọc suốt dặm trường
vừa thấy Trần Hưng đạo và Gia Long
cơn mưa rực rỡ cuối đời...
chiều nay Vĩ Dạ nhớ tôi không
thắp dùm nén hương giữa vùng dĩ vãng
đi dùm tôi hỡi gót chân son
nghe thơm ngát hương sen Thượng Tứ.

Sau chuyến đi mà ông gọi là “theo con tầu cũ / sống cùng loài rêu xanh / đến bên trời lận đận / lưu lạc mái hiên người”, Kiêm Thêm đã ân cần nhờ người ở lại giữ hộ những cái thân thiết, nhỏ bé ông bỏ lại. Hãy nghe ông nhắn nhủ:

 

em ở lại liệm dùm anh cánh bướm
mới hôm qua tuyệt mệnh ở bên cồn
phúng điếu dùm mấy sợi tóc mong manh
cũng an ủi hồn thiêng chàng bướm nọ
thăm dùm anh suối bạc của riêng nhau
trôi chảy mãi ru đời hoa bướm mộng
đã tri kỷ với mây chiều nhạt nắng
đã chung thân cùng cây cỏ trên đời

 

Chút “hồn chìm” “nặng trĩu gánh ăn năn” đó trong những ngày xa Huế đã nhớ lại những tệ bạc của mình với thành phố cũ. Huế trở lại dằn vặt ông trong nỗi nhớ nhung quay quắt của một buổi chiều “dại khờ hong nắng giữa quê ai”:

 

tôi thất hẹn với cây mù u
tôi lỗi hẹn với ngày mưa cũ
tôi bạc ác bất nhân quên chiều nay
không về lại thăm một vùng hư ảo
tôi điêu ngoa quỉ quyệt khôn lường
tôi đánh lừa mùi hương dạ thảo
khi tôi đi hoa có bảo rằng chờ
sẽ nở nụ một lần rồi héo úa...

 

Ở những nơi chốn xa Huế mà ông đang sống, Kiêm Thêm vẫn cố đi tìm lại căn nhà cũ, “bát nhang của ôn mẹ để lại”, “chai rượu trắng chưa khui”, “ba ông núc bằng đất sét”. Ông trò chuyện với một cục đất như một người bạn cũ:

 

cục đất sét thân mến của ta đâu
tới đây cùng ta vui một ngày
có những điều xưa chưa nói hết
lần này sẽ trò chuyện cho xong...
 

Hãy nghe ông trong chuyến đi tìm ở lại thành phố cũ:

 

gởi cho anh hạt lúa
gieo thử xuống quê người
chiêu hồn đời đã mất
truy niệm thuở thanh xuân
hạt lúa không nảy mầm
bởi quá nhiều cay đắng
nuốt ngậm ngùi trong tim
ôi cuộc đời luân lạc

 

Nhưng Huế của Kiêm Thêm đã xa lạ như những thành cầu lạnh băng, như “sông đã trường giang, ngày đã lỡ”. Hãy nghe chuyến trở về tưởng tượng của đôi chân mệt mỏi tới một thành phố “khâm liệm cùng với mầu dĩ vãng”:

 

mắt đã mỏi bởi dặm đường phiêu bạt
ai chỉ dùm tôi ngọn nắng hiên ngoài
ai dẫn dắt tôi sờ vi tường cũ
hôn đọt hoàng lan còn đọng sương mai
tôi trở lại vai cầu thành xa lạ
dòng sông xưa đâu tiếng sóng êm đềm
áo ai bay xa xa ngoài dậu biếc
chiếc nón dịu dàng khuất dưới hàng me

 

Nhận định về Kiêm Thêm, nhà văn Mai Thảo có viết:

 

“Thơ Kiêm Thêm là một tiếng thơ địa phương... dịu dàng từ Hải Vân trở ra, êm đềm từ Trà Khúc trở vào, bóng mây Hương Giang chảy qua, bóng núi Ngự Bình ngó xuống. “Đọc thơ ông, Mai Thảo nói rằng người ta muốn đi lại một chuyến tầu thơ về dưới đất trời và cảnh thơ tuyệt vời của Huế với Kiêm Thêm.

 

Huế là một thành phố đã được viết bởi nhiều tác giả. Một thành phố đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, một trạng thái tâm hồn của những người đã sống ở đó. Với Kiêm Thêm, Huế thân mật và gần gũi như đã trở thành một phần thân xác của ông. Điều đó người đọc nhìn thấy rất rõ trong tập thơ của ông.

 

Kiêm Thêm trước 1975 là một nhà giáo. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ tại bộ Giáo Dục trước khi rời Việt Nam sang sống tại miền Tây nước Mỹ. Ông là tác giả của một số sách khác cũng viết về cố đô Huế xuất bản tại Hoa Kỳ.

 

BÙI BẢO TRÚC


“khi tôi chết...”

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

Hoa Thịnh Đốn, ngày 29 tháng 7 năm 1999

Bạn ta,

Những chuyện xảy ra hồi tuần trước cho thấy một bài thơ của tác giả Việt Nam viết khoảng cuối năm 1977 đã tạo được những ảnh hưởng ghê gớm ở nước Mỹ.

Bài thơ là ao ước của một người muốn được biển đón nhận thân xác mình một mai khi ông bước ra khỏi cuộc đời. Tác giả muốn nhờ dòng nước đưa trở lại miền đất ông đã bỏ đi vì trong khi còn sống ông không thể trở về. Ông không thể trở về với rặng tre xanh, những mắt buồn đầy lệ của lũ con thất lạc, ông chỉ xin trên đường ra nơi yên nghỉ ở đại dương, cho ông nghe lại bài quốc ca lâu không còn ai hát…

Đó là khoảng thời gian hơn hai năm sau ngày tác giả sang tị nạn tại Mỹ.

Vọng âm của bài thơ về tới tận Việt Nam, và bài Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Biển của Du Tử Lê được in lại ở trong một hai tuyển tập thơ xuất bản ở trong nước như để nhiếc móc những người di tản rằng chạy ra nước ngoài khổ như thế đấy, đến nỗi khi chết chỉ muốn xin được quăng ra biển cho đỡ buồn đời lưu vong mà chưa chắc đã làm được.

Bài thơ đã được dịch ra tiếng Anh làm cho nhiều độc giả bản Anh ngữ cảm động:

When I die, take my beautiful, sexy, hot, atomic body to the sea.

Do not hesitate and do not feel sorry for me

Fastfood for fish…

Tôi không có nguyên bản của ông nên đành phải hiểu qua bản dịch Anh ngữ mà một người bạn cho mượn, và tin là ông đã viết như thế này: Khi tôi chết làm ơn đem cái thân hình đẹp, gợi tình, nóng hổi, nguyên tử của tôi ra ngoài biển. Đừng dùng dằng, đừng ân hận cho tôi. Tôi sẽ là fast food (thức ăn nhanh như McDonald’s Burrger King…) cho cá…

Bản dịch Anh ngữ bài thơ chắc chắn đã được gia đình của John Fitzerald Kennedy Junior, người đàn ông trẻ tuổi tử nạn cùng với hai người thân trong tai nạn máy bay ngoài bờ biển Martha’s

Vineyard đọc kỹ. Lễ thủy táng ba nạn nhân mà ống kính của các đài truyền hình thu được làm cho người xem có cảm tưởng như bài thơ của Du Tử Lê được diễn lại, được làm cho sống động bằng các diễn viên thượng thặng. Cũng trao quốc kỳ lại cho thân nhân, cũng gửi xuống biển đám tro tàn, cũng nỗi lo “vùi đất lạ thịt xương e khó rã” cũng “…đừng vội vuốt mắt cho tôi”, cũng…”sá gì thêm một xác cong queo”.

Gia đình Kennedy nhờ đọc bài thơ ấy, tang lễ mới chu tất tốt đẹp như vậy, mặc dầu có một vài đoạn làm hơi quá. Nhưng những đoạn hơi quá đó cũng là cảm tưởng từ bài thơ của Du Tử Lê.

Chính vì muốn làm đúng như lời căn dặn trong bài thơ của nhà thơ Việt Nam mà chính phủ Mỹ đã không hề đắn đo trong việc sử dụng tất cả những phương tiện nào có trong tay để kiếm cho được chiếc phi cơ Piper Saratoga lâm nạn. Đó là đoạn hơi quá, vượt hẳn ý nghĩa bài thơ của Du Tử Lê.

Tờ Los Angeles Times, số ra ngày 27 tháng (?), trong mục Letters To The Times đăng lại những ý kiến của độc giả, có một bức thư của Matthew P. MacKenzie ở Temple City. Tác giả bức thư gửi tờ L.A.Times hình như rất vui mừng về việc làm của chính phủ. Ông viết rằng sau khi chứng kiến những nỗ lực của chính phủ, ông rất an tâm khi biết rằng những người thân của ông ngộ nạn máy bay ngoài biển, thì lực lượng tuần duyên, hải quân, tòa Bạch Ốc, các cơ quan công lực và truyền hình, truyền thanh, báo chí sẽ dốc toàn lực để tìm cho ra các nạn nhân. Ông chợt nhớ rằng ông không phải là người giầu có, nhưng chuyện có tiền đâu có dính dáng gì đến sự hết lòng sốt sắng của chính phủ, có phải vậy không (I just remember that I am not wealthy that would not have anything to di with it, wouldn’t it?)

Không, không hề có chuyện đó. Chính phủ cứ thấy người muốn đưa ra biển là đưa ngay sau khi đọc bài thơ của ông Du Tử Lê. Chỉ có thế thôi, không hề có chuyện chỉ những người nhà giầu, có tên tuổi mới được đối xử đặc biệt như JFK Jr bao giờ. Ai nghĩ khác là xuyên tạc, là bêu xấu chính phủ.

Và vì thế, những ước muốn tưởng chừng như vô vọng hồi năm 1977 của Du Tử Lê bây giờ lại là điều chắc chắn sẽ được toại nguyện.

Chỉ sợ người làm thơ mang bệnh ít tắm và sợ nước cuối cùng lại không chịu để người nhà đưa ra biển thì đưa đi đâu bây giờ?

Bùi Bảo Trúc

đêm thu

nghe nhc Phm Duy

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

Trong bốn mùa, Thu là mùa thơ mộng nhất, được nghệ sĩ yêu thích nhất. Vì vậy, các sáng tác lấy cảm hứng từ mùa Thu thường chiếm đa số so với ba mùa còn lại. Trong lãnh vực tân nhạc, nhắc đến Thu, mình có thể nghĩ ngay đến Thu của Nguyễn Văn Khánh, mang quá nặng âm hưởng của Stormy Weather nếu không nhờ hình ảnh lướt thướt bao áng mây Thu vàng kéo ta trở về Đông phương. Một bài khác về Thu được nhiều người ưa thích chính là Buồn Tàn Thu của Văn Cao. Bài hát có nhiều hình tượng thật đẹp nhưng... hỏng về nhạc.

Lúc đó, có lẽ Văn Cao còn non tay và viết theo cảm hứng liên miên bất tuyệt, rồi chợt thôi. Bài hát này hỏng vì chủ điểm khởi lên bất ngờ nhưng miên man không dứt mà lại có thể kết thúc bất cứ nơi nào. Mình cứ nghe thử lại mà coi, bài hát có thể dứt bất ngờ mà chẳng mất gì: mỗi đoạn lại là một bức tranh đẹp, kết hợp làm một mà thiếu giai điệu chủ đạo, thiếu cái nét chính trong toàn tác phẩm, thiếu cái khí Thu. Đây là ca khúc tả tình hơn tả cảnh, và không có cái hơi Thu đằng đẵng của Trường ca Sông Lô :


Sông Lô!

Sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu...

Chúng ta không biết phần đóng góp của Phạm Duy trong Suối Mơ của Văn Cao gồm những gì, nhưng, về nhạc thuật, ca khúc này rõ ràng là có carrure hơn, khai mở và kết thúc đâu ra đấy...

Suối ơi, bên rừng Thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...

Một ca khúc nữa về Thu, cũng được rất nhiều người ưa chuộng, có gặp nhược điểm của Buồn Tàn Thu, đó là Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ. Bài hát này mà được cắt vài đoạn -- là điều Vũ Thành đã làm năm xưa, trong hòa âm của ông -- thì thật tuyệt !

Nhưng vì sao, hình như nói về Thu, ta cứ hay nhớ đến các ca khúc "tiền chiến" như vậy? Phải chăng sau đó mùa Thu đã tàn tạ, hoặc đã "Nam tiến" và hòa vào hai mùa nắng mưa trong Nam? Thu Vàng của Cung Tiến là ca khúc ông không thích lắm, dù nhiều người cho là hay nhất, vì gợi lại hơi Thu của Hà Nội. Nhớ Hà Nội là chúng ta lại rộn ràng hát Thu Vàng với niềm luyến tiếc, nỗi bâng khuâng nhè nhẹ.

Nhắc đến Buồn Tàn Thu của Văn Cao chúng ta nhớ lại hình ảnh nàng chinh phụ ngồi đan áo, nhìn mùa Thu của đất trời và tuổi thanh xuân của mình lui dần vào Thu. Có tiếng động ngoài cửa là nàng lại ngoái nhìn, rồi lại tuyệt vọng. Vẫn chưa phải là chàng. Nên đành nghe mùa Thu rớt, rơi trên lá vàng... Gần như cùng một thời kỳ đó, với cùng chủ đề, một ca khúc khác đã xuất hiện mà thời nay ít người còn nhớ. Chính là Chinh Phụ Ca, của Phạm Duy.


Từ chàng ra đi
Lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ

Bài này ít được chúng ta nhớ có thể vì ngôn ngữ cổ phong, ý tứ diễm lệ với hình ảnh được cách điệu hóa về chinh nhân, nhưng là một bài cực hay về cả từ lẫn nhạc. Ca khúc không nói gì về Thu, mà nghe vẫn ra mùa Thu, kể cả câu cuối:


Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Đem theo biết bao nhiêu ngày vàng.

Ngày vàng đó có thể là những đêm ngà ngọc sau bao tháng ngày xa vắng, nhưng mình nghe vẫn thấy phảng phất hương Thu tỏa nắng vàng trên giây phút đoàn tụ. Một ca khúc nữa, có thể được Phạm Duy sáng tác trong cùng thời kỳ, ngày nay cũng bị lãng quên. Đó là Thu Chiến Trường.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, biến cố 19 tháng Tám được gọi là "Cách mạng mùa Thu" và mùa Thu vì vậy được đem vào rất nhiều hành khúc, thí dụ điển hình là Nhạc Tuổi Xanh (Một mùa Thu năm qua cách mạng tiến ra... ) Nhưng, khác hẳn những bản hùng ca lấy mùa Thu làm cái cớ, chính trị hóa mùa Thu, bài Thu Chiến Trường của Phạm Duy vẫn hùng mà lại có không khí bi thảm lạ thường, như báo trước những hoạn nạn chính trị sẽ xảy ra cho người nhạc sĩ vào thời kỳ tham gia kháng Pháp. Đây là một ca khúc "phản chiến" trước khi từ này được phát minh vì thường nhắc tới cái chết cùng với ước vọng hòa bình. Thực ra, mùa Thu chẳng là mùa của sự tàn tạ để chuẩn bị cho mùa Xuân đó sao?


Thu ơi Thu, ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái hòa cho muôn chúng ta.

Ngày nay, hình như chỉ còn Kim Tước nhớ và hát lại ca khúc này, một trong những bài hát về Thu độc đáo, vừa ngợi ca kháng chiến vừa ước mơ thanh bình, với nhịp trầm hùng, mà vẫn có nét bi thảm, giai điệu rất cổ mà có những chuyển khúc thật mới.

Bồi hồi nhớ lại thì hình như mình phát giác ra một điều... Hãy nghe lại Chinh Phụ Ca  Thu Chiến Trường của Phạm Duy rồi Buồn Tàn Thu và Thu Cô Liêu của Văn Cao, chúng ta thấy cuộc đời của hai người bạn nhạc quả là tương phản. Phạm Duy đam mê hơn nhưng nhân bản hơn, và nhất là lạc quan hơn. Cho nên, ngay giữa sự chết chóc trong biên khu, ông đã muốn hát câu thái hòa cho mọi người, ông đã nghĩ đến ngày chinh phu trở về trên ngựa hồng cùng nàng chinh phụ. Đêm Thu ở nơi đây mà nghe lại những ca khúc đó, mình hiểu vì sao chỗ của ông không thể là ở trong núi rừng Việt Bắc để rồi "kháng chiến thành công" sẽ trở về Hà Nội như một chính ủy hay Tổng thư ký hội Nhạc sĩ của cộng sản được! Như trong bài Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu và Tử Phác, khi người ta >i>nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh, thì Phạm Duy lại... mơ làm diều mang sáo thanh bình... Cái tội "không oán thù" đó to lắm.

Nhưng, đang nhớ về Thu mà nói chuyện đó, đâm mất thú!

*

Một ca khúc nữa của Phạm Duy, Đường Chiều Lá Rụng, được ông viết sau này, cũng gợi nhớ đến Thu:


Chiều rơi trên đường vắng
Có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng,
Theo làn gió đìu hiu,,,

Không phải vạt nắng hay làn gió đìu hiu, mà cũng chẳng vì :
Lá vàng bay, lá vàng bay
Như dĩ vãng gầy,
Tóc buông dài,
Bước ra khỏi tình phai

… mà cũng chẳng vì những chiếc lá vàng rơi, lá vàng rơi...

Bài hát gợi lên cảm xúc về mùa Thu của đời người, khi chuyện tử sinh đã lởn vởn trước mắt với sự dịu dàng, bình thản. Đây là một ca khúc trác tuyệt nhất của Phạm Duy mà mình chỉ nên nghe vào một đêm Thu thật sâu. Lời ca sang trọng, cao quý, đầy nét siêu thực về nhân sinh thì chỉ nên nghe và nên ngẫm vào mùa Thu. Mình cứ tưởng tượng là Phạm Duy viết bài này khi ông đã trọng tuổi. Thực ra không, ông viết bài này khi ở tuổi trung niên, với thân thể và trái tim của một tráng niên. Giữa Sàigon ngột ngạt không khí chiến tranh mà nghe Đường Chiều Lá Rụng thì chẳng thấy là mình văn minh lắm sao ! Hãy nghe Hà Nội thời bình hát ngày nay thì thấy. Ngoài Dương Thụ, Phú Quang hay Trịnh Công Sơn, mình hiếm thấy gì lọt tai... Có lẽ phải một thế hệ nữa.

Phạm Duy nổi tiếng nhất ở công trình cải biên dân ca, điều này, chúng ta quên rồi. Phạm Duy cũng nổi tiếng ở nhạc tình, điều này, có lẽ ai cũng nhớ vì ai chả có lúc mượn lời ca của ông để tỏ tình của mình ! Nhưng, đêm nay, có hai bản tình ca vào Thu của ông đáng được nhắc tới, hơn cả bài Nước Mắt Mùa Thu. Vì cả hai đều lấy cảm xúc từ thơ Pháp. Nước Mắt Mùa Thu là khúc bi ca bốn mùa, buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên. Nghe lại bài này, ta nhớ nhất giọng ca buồn bã vào trong đời úa, nhớ thương một tiếng hát, một đời ca sĩ hát trong buồn tênh hơn là nhớ về mùa Thu. Hai bài kia mới có hơi Thu rất lạ.


Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo...
Em nhớ cho,
Mùa Thu đã chết rồi....
Em nhớ cho, em nhớ cho...
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này
Trên cõi đời này...

Đó là một, Mùa Thu Chết, lấy cảm hứng từ bài thơ vỏn vẹn năm câu L'Adieu của Guillaume Apollinaire. Bài kia là Thu Ca Điệu Ru Đơn, ông cảm dịch từ thơ Verlaine nhưng thổi vào đó một khí Thu tệ tái rã rượi hơn.


Mùa Thu nức nở tiếng thở dài...
Tiếng vĩ cầm,
Buồn ơi mùa Thu ơi !
Lòng ta khốn khổ với mỏi mòn
Tiếng Thu buồn,
Buồn ru điệu ru đơn...

Chẳng cần biết hai bài thơ đã gợi hứng cho ông mình đã thấy hay. Biết hai bài thơ đó rồi, lại càng thấy thần tình hơn. Cái langueur monotone qui coule dans mon coeur của Verlaine nó tan biến đâu mất, mà mình cũng chẳng cần biết hoa "thạch thảo" là bruyère hay là gì khác, vì nó đã thành một chùm hoa mùa Thu của Việt Nam. Hai bài thơ chỉ gợi lên nỗi rung động của Phạm Duy về mùa Thu, và nỗi rung động đó hoàn toàn thoát khỏi thơ Tây để tạo ra một cảnh sắc khác, hoàn toàn khác.

Đêm Thu nghe tiếng vĩ cầm và tiếng thở dài nức nở, không ai liên tưởng đến một cabaret hay phòng nhạc của Tây phương, hoặc những vẫn thơ lãng mạn của Paris thời xưa mà chỉ thấy quặn đau niềm đau trước mắt, ở nơi đây. Hai ca khúc trở thành hoàn toàn Việt Nam và khí Thu cũng hoàn toàn Việt Nam, nghẹn ngào mà đầy não tính của một thành phố khắc khoải trong chiến tranh.

Từ Thu Chiến Trường viết thời kháng chiến âm u cho đến Thu Ca Điệu Ru Đơn viết tại Saigòn u ám, mùa Thu đã biến dạng, trở nên gần gũi hơn. Như từ một bức tranh cổ, nàng Thu đã bước xuống, vít lấy đầu chúng ta, để giọt lệ lã chã rơi, nóng hổi, trong tiếng vĩ cầm ai oán nức nở.

Sau này, Phạm Duy còn sáng tác một ca khúc không còn Thu, dù tên là Nghìn Thu. Nghìn Thu đó là thiên thu, là đời người vĩnh cửu, là khi ta đi về coi chung. Kẻ viết bài này trộm nghĩ rằng đó là bài "đạo ca thứ mười một", trong nhịp ba bốn rộn ràng về đời người, không phải về mùa Thu của thi nhân.

Một ca sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ là Bing Crosby, có nói như sau về một bậc sư của nhạc Jazz, Louis Armstrong: "Louis Armstrong là khởi đầu -- và cũng là kết cục -- của âm nhạc tại Mỹ."

Nói như vậy về Phạm Duy, dĩ nhiên, nhiều người sẽ ngạc nhiên, có khi nổi giận. Nhưng, xin nghe lại mà xem. Trong tháng tới đây, khi khí Thu đã già, hình như mình sắp có một buổi trình diễn nhạc Phạm Duy tại miền Nam California. Mãi rồi cũng phải có một lần, xin hãy đến nghe và tự hỏi lòng mình, rất thành thật: sau ông, còn mấy ai?..

Thu ơi, buồn vô hạn

 

 

 

 

 

Bùi Bảo Trúc



không có Phm Duy

Bùi Bo Trúc

 

 

 

 

 

 

 

Năm nay, nước Pháp tổ chức kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Victor Hugo. Ông là một nhà thơ lớn, một nhà văn, một người viết kịch và tranh đấu cho dân chủ của Pháp dưới thời Đệ nhị Đế chế chống lại Hoàng đế Napoléon đệ Tam. Khi Victor Hugo mất, nền Cộng Hòa Pháp đã tổ chức quốc táng có cả triệu người tham dự, và ông hiện an nghỉ tại điện Panthéon cùng các danh nhân vĩ đại của Pháp. Victor Hugo sinh năm 1802 và mất năm 1885, thọ 83 tuổi, để lại một dấu ấn văn học kéo dài suốt thế kỷ 19. Ông là văn hào của Pháp được cả thế giới ngưỡng mộ. Ngày nay, nhớ về ông, đại đa số dân Pháp đều nhắc đến sự nghiệp văn học đồ sộ, và có nói về cuộc đời tình cảm vô cùng sóng gió của ông thì cũng với sự trìu mến. Cuộc đời đó và những cuộc tình đó, ta có thể nghĩ như vậy, gắn liền làm một, và không có cái này tất khó có điều kia.

Thời gian thường để lại hào quang lộng lẫy trên vầng trán thiên tài và quên đi những chứng tật của con tim. Thời gian đó chưa có với Phạm Duy.

Nền Cộng Hòa thì không còn và đất nước còn tang thương giành giật miếng sống sau quá nhiều năm lầm than đói khổ. Ít ai nghĩ đến Phạm Duy như dân Pháp đã nghĩ về Victor Hugo khi sinh tiền và sau khi tạ thế.

*

 

Phạm Duy sinh năm 1921, năm nay cũng thọ gần bằng Victor Hugo, quá bát tuần. Và trung tuần tháng 11 này, ông vẫn lên đường qua Âu châu. Như thường lệ, đôi chân ông không biết ngơi nghỉ, như con tim của ông vẫn dội lên nhịp đập khác với chúng ta. Xin có lời cám ơn con tim đó. Một nhà phê bình âm nhạc người Gia Nã Đại đã có nhận xét, đại để là "không thể tưởng tượng được một Việt Nam không có Phạm Duy, và cũng chẳng thể tưởng tượng được một Phạm Duy không có Việt Nam". Dù không được ở Việt Nam, Phạm Duy vẫn có Việt Nam ở trong ông.

Chứ một Việt Nam không có Phạm Duy, thì ra sao nhỉ?... Xin đừng ai khó chịu nếu ta nhắc tới Victor Hugo để nói về Phạm Duy. Hãy nhìn sự việc với con mắt trăm năm, ngàn năm mà xem...

Sáu mươi lăm năm về trước, từ giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, cả một nước Việt Nam đang như ở trong một cơn sốt vỡ da mà chưa thoát ra được. Toàn bộ nền văn học nghệ thuật nước nhà bị đảo lộn đến tận cùng trong khi cả nước vẫn nằm dưới sự cai trị của chế độ thuộc địa Pháp. Vào đầu thế kỷ 20, chúng ta biết là mình không thể nói, viết, khóc than, ca hát như xưa được, như thời Nguyễn Sơ hay thời cực thịnh của văn học là thời Lê Mạt và Tây Sơn. Cú "sốc" của Tây phương và tình trạng Pháp thuộc đã làm thay đổi hết quan niệm sống, sáng tác và cả đấu tranh của dân tộc. Vài chục năm sau, khi những vận động của Cần Vương rồi Đông Du đều thất bại -- mà nào có phải vì thiếu ý chí đâu -- tiềm thức dân tộc bắt đầu cảm nhận được một cách chậm rãi và bàng bạc, rằng ta phải thay đổi cách suy tư, phải làm chủ được các phương tiện diễn đạt theo lối mới, để huy động lòng người, để toàn dân cùng nhìn về một hướng.

Hoàng Đạo viết ra trong điều tâm niệm thứ nhất của Mười Điều Tâm Niệm, là "theo mới, triệt để theo mới"... Từ thời điểm đó, ta không viết không vẽ như trước, không làm thơ như cũ, không duy trì tập quán cũ. Và không hát như xưa nữa. Nền tân nhạc Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đó, vào khoảng 1935-1938. Ở mọi địa hạt, các bậc tiền bối lúc đó đã dọ dẫm đi tìm. Trong lãnh vực âm nhạc, có một thanh niên với đôi kính tròn đã mở to đôi mắt theo dõi, rồi tham dự. Đó là Phạm Duy, đầu tiên với vai trò của một gã rong ca, của một người trình diễn, sau đó là người sáng tác.

Khi ông bắt đầu sáng tác, mọi sự bắt đầu đổi khác.

*

Đừng hỏi rằng ông học nhạc ở đâu. Phạm Duy học nhạc từ tiền kiếp, và học nhạc ở ngoài đời nhiều hơn là học chữ. Khác với một vị tiền bối hơn ông gần chục tuổi là Dương Thiệu Tước, con nhà văn học từ nhiều đời, Phạm Duy là kẻ phá ngang để rong chơi với đời. Nhưng nhờ đó, ông tiếp cận với đời nhiều hơn, rộng hơn, trong khi Dương Thiệu Tước vẫn là người quá tài hoa cho quần chúng. Hai người đều là cự phách của nền tân nhạc phôi thai thời đó, Phạm Duy trở nên phổ thông hơn, trong khi hiểu được để hát được nhạc Dương Thiệu Tước chỉ là một thiểu số. Và nay đang là thiểu số tuyệt đối.

Trong cuộc hành trình vào tân nhạc, Phạm Duy đi cùng một người trẻ hơn mình mà vẫn luôn luôn trân quý, chính là Văn Cao. Thực ra, và ngược với luận cứ của nhiều người, và của chính Phạm Duy, Văn Cao không thể so sánh được. Ông có một lý do giảm khinh là sự thúc bách của chế độ Cộng Sản, nhưng, thời nào mà nghệ sĩ chẳng bị chính trị thúc bách? Ông có tài, nhưng không dài hơi và đa diện bằng Phạm Duy. Và về nhạc thuật, "thiên tài" Văn Cao giậm chân tại chỗ trước khi bị chỉ đạo văn nghệ đóng gông, chứ Phạm Duy vẫn đi tiếp, và đi mãi, ngay cả khi chỉ đi loanh quanh trong các chiến khu trên khắp ba miền. Sau này, mãi tới sau này, chỉ có Trịnh Công Sơn là người mà chúng ta có thể tạm so sánh với Phạm Duy. Nhưng đó là chuyện về sau...

*

Trở lại chuyện xưa, thời xưa, dân ta hát bằng tai và bằng mắt. Nghe mãi rồi thuộc, nhìn mãi thì quen với cách diễn tả. Thời xưa, chúng ta chưa có ký âm pháp với khuông nhạc và các nốt Đồ Rê Mi... Vì vậy, nếu không gặp nhau, nhìn nhau, nghe nhau và hát cùng nhau thì cũng vẫn chỉ là mỗi nơi diễn tả sự rung động của mình theo một cách. Người trong Nam hát khác với người miền Bắc, và cũng khác với điệu hò miền Trung. Chúng ta quay trở lại thực tế đó để hiểu ra là khi cả nước đang tìm cách diễn đạt tư tưởng hoặc tâm hồn của mình, có một gã "du ca", "rong ca", là những chữ về sau ta nghĩ ra, đã đi vào tận sâu thẳm của dân tộc - chữ "tình tự quê hương" hay "tình tự dân tộc" là chỉnh nhất, và vì chỉnh quá nên bị lạm dụng, nên xin không dám nhắc tới ở đây - để bắt lấy nhịp đập đó ở cả ba miền và viết lại thành những giai điệu mà miền nào hát cũng được. Phạm Duy đã cải biên dân ca và làm cho cô gái Hậu Giang có thể ngân lên làn điệu Bắc Ninh, thậm chí Kinh Bắc, dù chưa hề ra khỏi đồng bằng Cửu Long. Tất cả những bài dân ca thời kháng chiến của Phạm Duy, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Trung và về Bắc, đều trở nên gần gũi với toàn quốc chính là nhờ Phạm Duy.

Và ông đi vào cuộc hành trình âm nhạc đó khi là một chú cán bộ đấu tranh trẻ măng trong mặt trận toàn quốc chống Pháp !

*

Ngay sau năm 1975, người ta thấy không thiếu các tổ "Thanh Niên Xung Phong" của Cộng sản hồn nhiên hát nhạc Phạm Duy mà tưởng mình đang thắng Mỹ một cách thần thánh. Cho tới khi "trên" ra lệnh cấm thì mới tiu nghỉu giật mình ! Vì nhạc Phạm Duy đã là phần hồn, và trác tuyệt nhất của thời kỳ "Ủy ban Hành kháng Nam bộ", từ những năm 1948 về trước ! Thế rồi, cứ đời này qua đời kia truyền nhau hát mà không hay ! Chúng ta cứ băn khoăn về bài quốc ca của mình lại do Lưu Hữu Phước góp phần sáng tác mà chẳng biết là bên kia, người ta hát nhạc Phạm Duy ông ổng trong khi lãnh đạo văn nghệ tố giác Phạm Duy không hết lời. Chỉ vì, lúc kháng chiến, ông có tham gia thật, và viết nhạc thật, với cả tấm lòng. Cùng với dân ca, Phạm Duy đã chuyển nhạc hành khúc của thanh niên, của thời phong trào Hướng đạo còn phôi thai thành kháng chiến ca, thành chiến trường ca. Và có hồn hơn, nên có tác động hơn những bài hùng sử ca của Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ.

Như trận đánh Sông Lô mà Việt Minh về sau đề cao như chiến công oai hùng thực ra chỉ là trò đùa cấp tiểu đội. Nhưng lời ca Phạm Duy đã biến thành một đại chiến công làm nức lòng chiến sĩ. Cũng từ đó mới có Trường Ca Sông Lô của Văn Cao hay Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận để thần thánh hóa trận phục kích cỏn con này ! Người nhạc sĩ chỉ có cây đàn thùng mà tạo thành chiến công cấp sư đoàn ! Cống hiến của Phạm Duy suốt năm năm rong ruổi với kháng chiến là điều làm đẹp cho kháng chiến. Không có Phạm Duy, chưa chắc là đời sau đã bồi hồi như vậy khi nói đến "kháng chiến". Ông viết rất nhiều, rất khỏe và rất hay trong thời đó, khi chưa đầy ba chục tuổi. Hãy nghe những người ba mươi tuổi thời nay viết gì và hát ra sao thì ta mới thấy Phạm Duy đi trước thời đại đến chừng nào.

Công của ông là ở đó, mà tội của ông cũng ở đó.

*

Chỉ vì ngay giữa kháng chiến, khi mọi người đều phải nghiến răng trợn mắt, đòi phanh thây uống máu quân thù, có chàng trai trẻ lại viết nhạc tình. Bên Cầu Biên giới, Cây Đàn Bỏ Quên, Tình Kỹ Nữ, và ngay trong Nương Chiều cũng có bóng dáng cô nàng về để suối tương tư... Suối nào tương tư đâu, Phạm Duy đấy ! Và khi viết đến Cành Hoa Trắng, người nhạc sĩ đã tỉnh ngộ, để rời bỏ kháng chiến đỏ lòm và mê chuyện khác. Mê tình yêu và viết tình ca.

Ông là một trong những nhạc sĩ viết tình ca và nhạc tình hay nhất của Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Ông "Nam tiến" rất sớm, từ năm 1951, và tự Nam hóa rất nhanh nhờ đã có vào Nam thời kháng chiến. Hai mươi mốt năm tự do ở miền Nam, dù có giới hạn và dù gặp chiến tranh, chưa chắc đã có phong thái văn nghệ như vậy nếu không có Phạm Duy. Hãy thương cho Văn Cao sau này chỉ vẽ chứ không còn được viết. Trong thời kỳ đó, Phạm Duy đã đưa nhạc tình đến đỉnh cao nhất và đó cũng là cống hiến đáng kể của ông, sau dân ca và chiến trường ca... Việt Nam không có Phạm Duy, lấy ai dìu nhau đi trong phố vắng để hát câu mùa Thu chết mà tôi còn yêu, tôi cứ yêu, trên cỏ hồng...?

Ở vào tuổi quá bát tuần của ông ngày nay, chúng ta kinh ngạc phát giác là trong bất kỳ lãnh vực nào, khi thấy xã hội cựa mình là lại thấy có nhạc Phạm Duy. Chúng ta có tục ca, đạo ca, có lời ca phản chiến, có tiếng hát âu ơ của con trẻ và nhất là có một thể tài khó thể nào cao điệu hơn: tình yêu và nỗi chết. Hơn hẳn Trịnh Công Sơn, Phạm Duy rong chơi bằng âm nhạc giữa hai cõi tử sinh như một triết gia với trái tim thật trẻ. Ông viết Tạ Ơn Đời lời tự thú, ông viết Đường Chiều Lá Rụng khi chưa đầy 50 tuổi như một nối tiếp tuyệt vời hơn của Lữ Hành thời xưa để nói về lẽ phù du của cuộc đời. Trong lúc đó, ông vẫn đi, đi rất nhiều, để cho chúng ta hai bản trường ca bất hủ, Mẹ Việt Nam và Con Đường Cái Quan. Phạm Duy viết rất nhiều về tình yêu, quê hương và xã hội, và các ca khúc của ông có làm thay đổi nếp suy tư, những giận hờn hay đam mê của người nghe. Việt Nam không có Phạm Duy, chưa chắc chúng ta đã mê đắm như vậy trong biển tình, hoặc tha thiết với quê hương đất nước như vậy.

Ông là người phù thủy khanh khách cười với những nổi trôi của chúng ta trong âm nhạc, nhưng đêm về, một mình một cõi, Phạm Duy khổ đau với từng nốt nhạc, từng khám phá mới như kẻ luyện đan. Để hôm sau lại bày ra phương thuốc mới. Ông là người nổi tiếng luông tuồng và còn khoái chọc thiên hạ với sự nổi tiếng nhưng tai tiếng đó, trong khi lại rất tận tụy ngăn nắp với cái nghiệp ngàn đời của mình, là âm nhạc. Giờ đây, ông còn tiếp tục đem cái tài lớn của mình làm đẹp cho một tác phẩm lớn của dân tộc là Truyện Kiều. Có cái gì ngăn cản được người nghệ sĩ quái đản này không ?

*

Dân ca, chiến trường ca, tình ca, đạo ca, trường ca về quê hương, bi ca về xã hội, thảm ca về thuyền nhân và chốn lưu vong... Phạm Duy là người hát lên cái thân phận Việt Nam, cái Vietnamitude một cách tuyệt vời nhất. Mai này, khi thảm kịch đã lắng, những xô bồ đã êm, chúng ta và con cháu sẽ còn phải nhắc tới Phạm Duy. Với lời biết ơn.

Việt Nam không có Phạm Duy ? Được lắm chứ, nhưng chúng ta sẽ diễn tả bao cảm xúc đa diện và phức tạp của mình trong một thế kỷ nhiễu nhương nhất, một cách rất ngọng nghịu, vụng về.

Bùi Bảo Trúc

Dương Nguyt Ánh

Bùi Bo Trúc

 



 



 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi là người thù dai. Thù dai có cái xấu và có cái tốt. Tôi nghĩ thù dai cũng có điểm tốt. Thù dai để không quên những chuyện xấu người khác làm cho mình. Không thù dai thì làm sao Nguyễn Trãi nằm gai nếm mật suốt mười năm để trả thù nhà, để đền nợ xã tắc, giang sơn ?


Thù từ năm 1975 đến nay thì có dai thật.


Năm 1975, với đợt tị nạn đầu tiên đến Mỹ, tờ Newsweek đăng một bài viết của Shana Alexander về những người Việt được đưa sang Mỹ tị nạn. Người đàn bà này lo ngại là những người Việt Nam tị nạn chưa biết sử dụng cái máy giặt, cái máy sấy, không biết Michaelangelo là ai, thì làm sao sống được ở Mỹ.


Ðó là những câu nhục mạ những người Việt quá nặng.

Nhưng chuyện không biết dùng cái máy giặt thì cũng dễ hiểu. Kìa, như thái tử Naruhito của hoàng gia Nhật, mãi đến khi sang học tại Merton College ở Oxford, ông hoàng tử này mới biết dùng cái máy giặt để khoe nhắng lên. Vậy thì dùng cái máy giặt không phải là chuyện đáng kiêu hãnh. Không biết dùng cái máy giặt thì cũng không phải là điều xấu xa gì như bài báo ngu xuẩn của Shana Alexander đã úp mở.

Từ đó, năm nào, cứ đến tháng Tư là tôi lại nhớ đến bài báo của Shana Alexander, và cứ nghĩ đến những câu nhục mạ ấy là lại run người lên vì giận.

Nhưng người Pháp vẫn nói là trả thù cũng như thức ăn nguội, ăn lạnh mới ngon. Shana Alexander nghỉ viết từ lâu, không biết đang ở đâu để rảnh rang kiếm nàng, mời nàng đi đến thăm vài ba đại học Mỹ, ghé lại Little Saigon chơi cho bỏ những ngày cơ cực và để cho nàng thấy tận mắt những người nàng khinh bỉ ấy đã sống như thế nào.


Ðó là cách trả thù vậy.


Nhưng chưa bao giờ tôi thấy hả dạ được như cuối tuần qua, khi nhận được tờ Newsweek, tờ báo 32 năm trước từng đăng bài báo của Shana Alexander, tôi đọc được bài viết của George Will trong mục The Last Word ở trang 84 số báo đề ngày 17 tháng 12 năm 2007 .


George Will dùng nguyên một trang để nói về đóng góp của một người Việt Nam, một phụ nữ Việt, một trong những người Việt lếch thếch kéo nhau sang Mỹ và bị Shana Alexander đem ra nhục mạ trong bài báo.


Tôi có thể nói là chưa bao giờ tôi đọc được một bài báo viết về một người khác như George Will đã viết.


Nếu bài báo ấy do một cây bút Việt Nam viết thì người đọc cũng dễ dàng coi đó là chuyện hai con mèo khen nhau có những cái đuôi dài.


Nhưng bài viết này là của George Will một trong những cây bút bình luận chính trị bảo thủ, lỗi lạc nhất của báo chí Mỹ, thì nó là một bài báo giá trị. Mười lần Shana Alexander cũng không thể bác được điều đó.


Bài báo của George Will viết về Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ ra một loại bom mói tên là Thermobaric. Chương trình nghiên cứu được hạn cho ba năm để hoàn thành, nhưng chỉ sau 67 ngày, bà Ánh đã thành công , chế ra được loại bom mới để dùng cho mặt trận Afghanistan. Loại bom mới này công hiệu hơn tất cả các loại bom khác của thế giới. Bom ném vào hang đá ở Afghanistan không công phá ngay như các loại bom cũ, mà sức nóng và sức nổ của bom ở lại lâu, tiến sâu vào các hang hốc khiến khả năng công phá và hủy diệt của bom hơn hẳn mọi loại võ khí khác.


Nước Mỹ đã phải cám ơn bà Dương Nguyệt Ánh về loại võ khi mới này. Tờ Washington Post mới đây có viết một bài khá dài về bà Ánh nhân dịp bà được trao tặng một huy chương về những thành quả và đóng góp của bà cho nước Mỹ.

George Will kể lại cảnh bà tiến ra trước máy vi âm, không đọc một bài viết sẵn, mà ứng khẩu trước một cử tọa rất đông đảo smoking, nơ đen trang trọng. Bà Dương Nguyệt Ánh nói rằng 32 năm trước, bà tới nước Mỹ với tư cách một người tị nạn, hai bàn tay trắng và một túi hành trang đầy những ước mơ tan nát.


Nhưng nước Mỹ, với bà, là một thiên đàng, không phải vì vẻ đẹp và tài nguyên phong phú, mà vì người dân Mỹ vị tha, rộng lượng đã giúp gia đình của bà khi mới tới Nước Mỹ và giúp hàn gắn những thương tích trong tâm hồn, đem lại lòng tin vào con người và cảm hứng cho công việc của bà. Bà muốn tặng lại danh dự của tấm huân chương bà nhận được cho 58 ngàn người Mỹ đã tử trận tại Việt Nam và hơn 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để cho những người như bà có được cơ hội sống trong tự do. Bà xin Thượng đế ban phúc cho những người sẵn sàng chết cho tự do, và nhất là những người sẵn sàng chết cho tự do của những người khác. Bà cám ơn nước Mỹ.


George Will kết bài viết của ông bằng mấy câu này:


Cám ơn Dương Nguyệt Ánh. Xin cô hiểu là cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ, cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một chút nào. Cô đã trả hết món nợ đó, và luôn cả tiền lời nữa.


Tiền lời, là đóng góp rất lớn của Dương Nguyệt Ánh cho tự do và an ninh của nước Mỹ, quốc gia đã mở cửa đón gia đình của bà.


Shana Alexander ở đâu, có đọc bài báo này chưa ?

 

Bùi Bảo Trúc


mt cái nhìn v

nhc tin chiến

Bùi Bo Trúc

 





 

 

 

 

 

 

 

Thử tìm một dấu mốc


Âm nhạc, cũng như thơ, hội họa, tiểu thuyết không bùng lên trong một ngày, và cũng không ra đi, chấm dứt trong một ngày để hôm trước còn là một nền Nhạc hùng, vang vọng tiếng quân hành và ngày hôm sau, là những âm thanh lãng mạn chứa chất tình yêu trữ tình.


Bởi thế khó mà có thể định được một nền nhạc, một khuynh hướng nhạc bắt đầu chính xác từ lúc nào. Nó có những khoảng lấn sang phía sau, nó có những khoảng còn vương lại từ phía trước.


Nhạc tiền chiến, danh từ này xuất hiện từ lúc nào và ai là người dùng nó lần đầu tiên? Ðây là những câu hỏi khó trả lời.

Nhưng có điều chắc là danh từ Nhạc tiền chiến phải ra đời sau khi cuộc chiến Ðông Dương thứ nhất chấm dứt với sự chia cắt đất nước. Nó ra đời sau khi có một phân định văn học, gọi sinh hoạt chữ nghĩa của giai đoạn trước ngày chiến cuộc bùng nổ là văn học tiền chiến, lấy năm 1945 là cái mốc để nhìn về trước và cũng là điểm đế nhìn về phía sau. Ðó là năm cuộc chiến Ðông Dương bắt đầu đồng thời nó cũng chấm dứt một giai đoạn tương đối yên bình của xã hội Việt Nam.


Các sinh hoạt văn học như tiểu thuyết, thơ trong những năm trước 1945 được gọi là văn học tiền chiến, các nhà văn, nhà thơ hoạt động trong những năm này là các nhà văn, nhà thơ tiền chiến.


Và khi đã có một dòng văn học được đặt tên cho là văn học tiền chiến thì việc gọi những sinh hoạt âm Nhạc trong cùng giai đoạn đó là Nhạc tiền chiến là điều sẽ phải xẩy ra. Lê Thương, một trong những Nhạc sĩ đi đầu của tân Nhạc Việt Nam thì khẳng định đó là thời gian giữa những năm 1938 và 1945 (1).



Những bước đầu


Ảnh hưởng của văn hóa Pháp bắt đầu bén rễ khá vững từ năm 1930. Trước đó, trong những năm từ 1900 đến 1930, là giai đoạn sửa soạn cho những sinh hoạt sau năm 1930, khi chữ quốc ngữ thật sự phát triển với những tác phẩm bước ra khỏi truyền thống văn học từ chương cũ viết bằng Hán văn. Các tiểu thuyết Tây phương, nói rõ hơn, là của Pháp từ năm 1925 cho đến những năm của thập niên 30 đã được giới thiệu, đưa tới độc giả Việt Nam và được ưa chuộng ngay. Trường Mỹ Thuật Ðông Dương được thành lập ở Hà Nội mở đầu cho một phong trào mới của các họa phẩm mang ảnh hưởng của Tây phương. Và trong khung cảnh này, là những bản Nhạc mới do các Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác ra đời, để sau này mang tên là Nhạc tiền chiến.


Theo Phạm Duy, năm 1938 là một năm quan trọng vì đó là năm khai sinh ra loại Nhạc cải cách (2).


Các Nhạc sĩ Việt Nam sau một thời trình tấu các bài ta theo điệu Tây mà các Nhạc sĩ tiền phong như Tư Chơi Huỳnh Hữu Trung và Năm Châu Nguyễn Thành Châu đề xướng trong những năm 1933, 1934, muốn viết những bài hát hoàn toàn Việt Nam thay vì vay mượn Nhạc điệu của Tây .

Một trong những bài hát đầu tiên của loại Nhạc này, là bài Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên, một thanh niên sinh trưởng tại Huế, làm việc tại Sài Gòn, học Nhạc lý và thanh Nhạc tại Hội trường Philharmonique (3). Sáng tác đầu tay này được giới thiệu trên đài phát thanh Radio Indochine . Ðược trợ cấp của thống đốc Nam Kỳ Rivoalen, ông Tuyên đi diễn thuyết ở Huế, Hải Phòng, Hà Nội (tháng 4 năm 1938). ông Nguyễn văn Cổn làm việc cho Radio Indochine, một người ủng hộ và bảo trợ cho ông Tuyên đã đặt tên cho loại Nhạc này là âm Nhạc cải cách (Musique Renovée).

ông Tuyên viết thêm bài Anh Hùng Ca, thơ của Nguyễn Văn Cổn và Bông Cúc Vàng phổ thơ của Nguyễn Quí Anh. Cùng với bài Kiếp Hoa, đó là ba ca khúc đầu tiên của tân Nhạc Việt Nam. Chuyến du thuyết của ông được báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng và Ngày Nay của Tự Lực Văn Ðoàn hết lòng ca ngợi và trân trọng giới thiệu. Báo Ngày Nay sau đó còn cho đăng tải những tác phẩm đầu của nền Nhạc mới. ảnh hưởng của chuyến đi đó được thấy ngay sau đó.



ảnh hưởng của Nhạc Tây phương



Bứt đi từ âm Nhạc dựa trên ngũ cung cổ truyền Việt Nam, các Nhạc sĩ trong giai đoạn đầu của tân NhạcViệt bị ảnh hưởng sâu đậm bởi NhạcTây phương qua việc sử dụng các Nhạc khí tây phương như dương cầm, Tây Ban cầm, vĩ cầm và các loại kèn. Một số học sử dụng các Nhạc khí này với các Nhạc sĩ Pháp, trong các ban quân nhạc, và qua các ca Nhạc đoàn của nhà thờ.


Hầu hết các Nhạc sĩ sáng tác thế hệ đầu của tân Nhạc Việt không được học đến nơi đến chốn về âm Nhạc Tây phương. Nhạc viện Viễn Ðông mở cửa tại Hà Nội năm 1927 nhưng năm 1930 phải đóng cửa vì những khó khăn kinh tế của thế giới thời đó. Nhiều người học với các Nhạc sĩ Pháp, Nga hay Phi Luật Tân. Số khác học sáng tác qua các lớp hàm thụ của Sinat.


Ngay từ những năm sau đệ nhất thế chiến, một số bài hát của Pháp đã bắt đầu đến với người Việt, từ những xuất hát cải lương ở miền nam với hai ban nhạc, một cổ truyền, một sử dụng Nhạc khí Tây phương cho đến những người hát rong ngoài đường trình tấu các ca khúc mang từ mẫu quốc sang (4). Các ca khúc này được thanh niên thời đó đón nhận nồng nhiệt cùng với tất cả các mốt quần áo, sách vở, báo chí Pháp tại các thành phố lớn.



Các giọng ca của Edith Piaf, Maurice Chevalier, Tino Rossi, Josephine Baker ... những bài hát như J'ai Deux Amours, La Marinella, Ma Petite Tonkinoise ... là những ca khúc trên môi của các thanh niên Tây học thời đó. ở Hà Nội lúc ấy có cả một hội ái mộ Tino Rossi, Hội ái Tino ...

Tuy nhiên vào thời đó, phương tiện truyền bá những bản Nhạc này vẫn còn quá ít, và máy thu thanh vẫn còn ở ngoài tầm tay của nhiều người. Chỉ những thành phần khá giả mới có được máy quay đĩa hay máy thu thanh để nghe những bản Nhạc này. Tại các đài phát thanh Hà Nội, Huế, Sài Gòn, đâu đâu cũng nghe hát theo kiểu Tino Rossi. Các phòng trà, các hộp đêm ở các thành phố lớn cũng là những nơi giúp phổ biến Nhạc Pháp đến cho giới thanh niên mà thú giải trí không còn là đi hát ả đào nữa. Họ cũng tụ tập trước các tiệm bán đĩa hát để nghe các bài hát mới từ Pháp đưa sang.


Sự lan tràn của các ca khúc này, theo Lê Thương trong một bài viết nhan đề Thời Tiền Chiến Trong Tân nhạc, có một ảnh hưởng quan trọng. Ðó là công chúng chuộng cái mới, muốn quên lãng đi những cái gì không thay đổi trong Nhạc cổ truyền.


Các Nhạc sĩ đi đầu


ở Hà Nội trong những năm cuối của thập niên 30, Dương Thiệu Tước đã là một Nhạc sĩ nổi tiếng sử dụng Hạ Uy Cầm rất điêu luyện. ông có một tiệm bán đàn và lớp dậy Hạ Uy cầm ở phố hàng Gai. Cùng với Thẩm Oánh, Trần Dư, Phạm Văn Nhường và Vũ Khánh, ông thành lập một ban Nhạc lấy tên là Myosotis. Lúc đầu, ban Nhạc chỉ trình diễn các ca khúc viết bằng tiếng Pháp như Joie D'Aimer, Souvenance , Ton Doux Sourire do Dương Thiệu Tước viết phần Nhạc và lời ca do Thẩm Bích, bào huynh của Thẩm Oánh viết.


Chuyến đi nói chuyện của Nguyễn Văn Tuyên với những ca khúc lời Việt của ông đã kích động các Nhạc sĩ ở Hà Nội như Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên, Trần Quang Ngọc đem các sáng tác mà các ông viết trước đó ra trình diễn trước công chúng lần đầu tiên. Ðó là những bài như Hồ Xuân, Khúc Yêu Ðương của Thẩm Oánh, Tâm Hồn Anh Tìm Em, Thuyền Mơ của Dương Thiệu Tước, Trên Thuyền Hoa, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung. Những ca khúc này được giới thưởng ngọan ưa thích lập tức.


Nhóm Myosotis có hai chủ trương: Thẩm Oánh theo con đường trung dung. Trong bài viết đăng trong tạp chí Nhạc Việt số 5 đề ngày 16 tháng 10 năm 1948, ông cho rằng các ca khúc Việt Nam phải theo ý Nhạc Việt và phải có cảm tưởng thuần túy á Ðông.


Trong khi đó, Dương Thiệu Tước thì chủ trương phải sọan theo âm điệu Tây phương hoàn toàn.


Người ta thấy là cả hai đã rất trung thành với chủ trương của mình. Thẩm Oánh rất Á Ðông. Dương Thiệu Tước đầy âm điệu khiêu vũ Tây phương.


Ngoài ra, từ năm 1938, nhóm Myosotis cũng đứng ra xuất bản các ca khúc mới, những bài như Ðôi Oanh Vàng, Hoa Tàn, Phút Vui Xưa ... cùng những bản Nhạc không lời của Dương Thiệu Tước. Các ca sĩ nổi tiếng như Ái Liên và Kim Thoa được hãng đĩa Beka thuê thu thanh các bài hát này trên đĩa hát 78 vòng.


Một nhóm khác tên là Tricea gồm 7 người, trong đó có Văn Chung, Lê Yên và Dzoãn Mẫn (mới đây, trong một bài viết về ông ở Hà Nội của Yên Ba, tên ông được ghi là Doãn Mẫn, không có chữ Z). Cả hai đều sáng tác, trình diễn và xuất bản các ca khúc họ viết. Trong số các sáng tác của nhóm được quần chúng ưa thích là các bản viết hồi năm 1939 như Khúc Ca Ban Chiều, Trên Thuyền Hoa của Văn Chung, Biệt Ly, Sao Hoa Chóng Tàn , Tiếng Hát Ðêm Thu của Dzoãn Mẫn , Bẽ Bàng , Vườn Xuân của Lê Yên. Văn Chung bị ảnh hưởng NhạcTrung Hoa. Dzoãn Mẫn và Lê Yên bay bướm nhịp tiết mang ảnh hưởng Nhạc Tây phương. Nhóm Tricea tan rã sau khi thành lập không lâu. Ðó là ở Hà Nội.


Hải Phòng có Lê Thương và Văn Cao là những người viết tân Nhạc trong thời gian này. Cùng với hai ông, là các Nhạc sĩ trẻ hơn như Canh Thân, Hoàng Quí, Phạm Ngữ, Hoàng Phú, Văn Trang ... Nhóm xuất hiện lần đầu tại nhà Hát Lớn Hải Phòng với các tác phẩm Tiếng Ðàn Ðêm Khuya, Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử, Thu Trên Ðảo Kinh Châu... Phạm Ngữ viết ca khúc Nhớ Quê Hương năm 1939, Hoàng Quí viết một lọat ca khúc trẻ với bài đầu là bài Chùa Hương rất trong sáng, tươi mát như những bản Nhạc sau của ông.


ở Nam Ðịnh có Ðặng Thế Phong, một Nhạc sĩ tài hoa mệnh yểu qua đời khi mới ngoài hai mươi tuổi. ông lưu lại các tuyệt phẩm Ðêm Thu, Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến. Cùng với Ðặng Thế Phong, Nam Ðịnh còn sản xuất ra Bùi Công Kỳ, Ðan Thọ và Hoàng Trọng. Phạm Duy, trong cuốn Hồi Ký (trang 278) gọi đây là những tên tuổi tiền phong của nền Nhạc mới.


ở Sài Gòn có Nguyễn Xuân Khoát và Phạm Ðăng Hinh. Phạm Ðăng Hinh cầm đầu một ban Nhạc vĩ cầm và đội vĩ cầm gồm 15, 16 Nhạc sinh của ông. Ban Nhạc có ra Hà Nội trình diễn các sáng tác của ông nhưng rồi cũng ngưng họat động ít lâu sau đó. ông sớm ra đi, để lại vài bài như Ðám Mây Hàng và Cám Dỗ, Nhạc đề cho phim Trận Phong Ba quay tại Hương Cảng năm 1940.


Bước qua thập niên 40, một khuynh hướng mới bắt đầu tìm thấy trong Nhạc Việt. Ðó là những bài hùng ca viết cho thanh niên, phong trào khỏe và hướng đạo, của nhóm Ðồng Vọng với Hoàng Quí cùng các Nhạc sĩ trong Tổng Hội Sinh Viên và Lưu Hữu Phước. Chính phủ Pháp, sau khi thua quân Ðức, đang muốn tìm đường đứng dậy. Phong trào Phục Hưng của thống chế Pétain lan sang Việt Nam, phát triển để chuẩn bị giúp Pháp sống lại, và thanh niên là cái đích người ta nghĩ đến đầu tiên. Chủ trương lãng mạn bị đả kích, dẹp bỏ để đào tạo một lớp thanh niên thuộc địa mới khỏe mạnh , cường tráng sẵn sàng phục vụ mẫu quốc.

Chủ trương lành mạnh hóa các sinh hoạt văn học, âm Nhạc đưa đến việc sách vở bị kiểm duyệt, vũ trường bị đóng cửa. Các bài hùng ca được phổ biến và cũng được yêu mến trong giai đoạn này là Việt Nam Bất Diệt của Hoàng Gia Lịnh, Trên Sông Bch Ðằng của Hoàng Quí...


Trong giai đoạn này, các nhóm Myosotis và Tricea cũng viết một số hùng ca và ca khúc thanh niên để tỏ một thái độ với thứ văn chương diễm lệ và quá ủy mị đang rất được thanh niên nam nữ ưa chuộng.


ảnh hưởng của Hoàng Quí và nhóm Ðồng Vọng của ông cùng với Lưu Hữu Phước và Tổng Hội Sinh Viên là những ảnh hưởng lớn, kéo dài cho cả đến những năm sau khi hai nhóm không còn họat động nữa. Với các sáng tác của hai nhóm, người ta thấy Nhạc hùng vẫn có thể hấp dẫn tuổi trẻ như Nhạc tình lãng mạn.


Tuy nhiên, theo Lê Thương, bất kể những tin tức chiến tranh vọng lại từ trời Âu, Nhạc tình cảm vẫn xuất hiện như Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong , Xuân Yêu Ðương , Bản Ðàn Xuân của Lê Thương , Hồn Xuân của Nguyễn Xuân Khoát, Trở Lại Cùng Anh của Dzoãn Mẫn...


Một nền Nhạc lãng mạn


Hoàng Nguyên, trong bài giới thiệu tập ca khúc Nhạc Tiền Chiến xuất bản ở Sài Gòn năm 1970 đã viết về Tiếng Hát Những Ngày Chưa Chiến Tranh. Ông nói về những ngày không khí trữ tình bàng bạc, thanh bình, nhẹ nhàng lâng lâng. ông ghi nhận nó còn có nét đơn sơ của cánh đồng, cái không-khó-khăn của những ngày bàn tay không quen máy móc, cái bình dị của những tâm hồn quán nhỏ.


Tập Nhạc gồm 27 ca khúc của 18 Nhạc sĩ mà hầu hết là những ca khúc lãng mạn. Nhạc tiền chiến là Nhạc lãng mạn. Có nói như vậy chắc cũng không sai là bao nhiêu. Âm Nhạc đi song song với sinh hoạt thơ của giai đoạn này. Trong lãnh vực thơ, là Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Nguyễn Bính thì âm Nhạc cũng có những dòng Nhạc lãng mạn không kém. Ða số các Nhạc sĩ sáng tác đều là các thi sĩ ở một nơi khác, thơ của họ được nâng đỡ bởi nhạc. Nên người ta không ngạc nhiên khi âm Nhạc trong giai đoạn này cũng đi con đường song hành với thơ.


Lời của Văn Cao, như trong ca khúc Thu Cô Liêu, theo Phạm Duy, nghe đầy âm hưởng Ðường thi. Nguyễn Mỹ Ca, Ngọc Bích (sau này), Phạm Ngữ, Tô Vũ, Thẩm Oánh , Dương Thiệu Tước, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Hiền, Anh Việt ... cho thấy họ làm thơ bằng nhạc. Phần lời ca chuốt lọc của các ca khúc có thể đọc lên như những bài thơ. Nhờ có nhạc, những bài thơ đó lại có thêm được một đời sống khác: đời sống âm nhạc.


Và đó là lý do các tác phẩm của giai đoạn này đã qua được tất cả các thử thách của thời gian để tiếp tục được yêu mến , có những bài, sau hơn nửa thế kỷ. Lời ca vẫn còn mới, vẫn còn như vừa được viết bằng thứ ngôn ngữ của ngày hôm nay.

Chuyển tiếp


Thực ra, không thể nói Nhạc tiền chiến ngưng lại vào năm 1945. Những ca khúc vẫn tiếp tục được các Nhạc sĩ viết xuống, và gửi đến người nghe trong một chiều hướng các Nhạc sĩ này đã vẽ được ra trong những năm trước đó. Dòng Nhạc này vẫn tiếp tục chẩy, và nó không hề đứng lại, với những Nhạc sĩ chọn ở lại với âm nhạc.


Dư Âm của Nguyễn Văn Tý năm 1949; Trách Người Ði của Ðan Trường năm 1949; các ca khúc về mùa Thu của Ðoàn Chuẩn trong những năm trước Genève; Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước ... là những thí dụ. Những bài ca này vẫn được coi, xếp hạng vào các ca khúc tiền chiến mặc dù chúng được viết sau khi súng nổ khá lâu. Các tác giả vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những cảm xúc có được trong những năm trước đó.


Năm 1950, tờ Việt Nhạc do đài phát thanh Hà Nội ấn hành cho biết đài đã phát thanh khoảng 300 Nhạc phẩm của các Nhạc sĩ tiền chiến, những người ở vùng quốc gia cũng như những người đi theo kháng chiến. Khi đài Hà Nội ngưng tiếng năm 1954, đài đã phát trên 2000 tác phẩm của khoảng hơn 300 Nhạc sĩ.


Các Nhạc sĩ tiền chiến một số vẫn còn sống, đều đã trọng tuổi, như Phạm Duy (sinh 1921), Dzoãn Mẫn (sinh1916), Nguyễn Văn Tuyên (sinh1909), Lê Yên (sinh 1917). Những người đã qua đời gồm Văn Cao (mất 1995), Văn Chung (mất 1984), Nguyễn Xuân Khoát (mất 1993), Bùi Công Kỳ ( mất 1985), Ðỗ Nhuận ( mất 1991), Thẩm Oánh (mất 1996), Ðặng Thế Phong (mất 1942), Lưu Hữu Phước (mất1989), Hoàng Quí (mất 1946), Lê Thương (mất 1996 ), Dương Thiệu Tước (mất 1995).



Dư âm cuả Nhạc tiền chiến


Nhạc tiền chiến vẫn tiếp tục những vang vọng của nó cho đến ngày hôm nay, trong người nghe cũng như trong những người viết nhạc.


Phạm Duy , Nguyễn Hiền , Dương Thiệu Tước... tiếp tục viết loại Nhạmà các ông đã rất thành công. Anh Việt với Bến Cũ, Thơ Ngây...Ngọc Bích, viết những ca khúc làm gợi nhớ cái không khí lãng mạn của thời tiền chiến , những Mộng Chiều Xuân, Trở Về Bến Mơ... Nếu Tô Vũ (tên thật là Hoàng Phú ) không ở một nơi chốn như ông đã phải sống trong mấy chục năm nay, thì tác giả Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa sẽ tiếp tục viết những ca khúc rất đỗi lãng mạn như thế, như Tiếng Chuông Chiều Thu, như Tạ Từ ...

Phải chờ đến Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương, ảnh hưởng Nhạc tiền chiến mới dứt để âm NhạcViệt Nam đi sang một con đường khác, cả về lối chuyển cung, chuyển điệu.

Bùi Bảo Trúc

(Bài viết cho chương trình đêm Nhạc Thính Phòng Chủ đề Nhạc Tiền Chiến ngày 4 tháng Hai tại San Jose và 17 tháng Hai, 2001 tại Orange County)


Chú thích:


1. Lê Thương, Nhạc Tiền Chiến Việt Nam in lại ở Hoa kỳ

2. Phạm Duy Hồi Ký trang 150

3. Huỳnh Thanh Nam báo Văn Nghệ ngày 27 tháng năm 2000 xuất bản tin Sài Gòn trang 5

4. Jason Gibbs The Origins of Vietnamese Popular Songs