March 29, 2021

Không Cưỡng Nổi – Bùi Bảo Trúc

 

Không Cưỡng Nổi – Bùi Bảo Trúc

Không Cưỡng Nổi – Bùi Bảo Trúc

Bạn ta,

Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.

Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Đài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Ðiều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.

Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Đông Á mới có chủ trương “lưỡng quốc nhất chế” lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa Lục dựa vào đó làm vất vả Đài Loan từ đó đến nay.

Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.

Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục — shop till you drop– như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.

Đây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Đức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách…

Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Đặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.

Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi… Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.

Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.

Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Đại Học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, quy mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má (?) nữa vân vân.

Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?

Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói càm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?

Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.