Ngày 8 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Sau nhiều năm áp dụng những luật lệ hết sức nghiêm ngặt để hạn chế sinh sản, kiểm soát mức gia tăng dân số, trừng phạt nặng những cặp vợ chồng có nhiều con hơn là số mà chính phủ cho phép, Singapore đã bắt đầu thấy hậu quả của những biện pháp đó: mức tăng trưởng dân số hạ giảm, và điều đó sẽ tạo ra những khó khăn cho nền kinh tế trong những năm sắp tới.
Sinh suất của Singapore đã xuống thấp tới mức phải báo động, và một số biện pháp nhắm đảo ngược chiều hướng hiện nay đã được đem ra áp dụng để gia tăng mức sinh sản cho người dân đảo quốc này.
Một trong những cơ sở lớn và quan trọng tại Singapore là DBS Group Holdings, một ngân hàng đầu tư với 8,000 ngàn nhân viên đã có một quyết định để ủng hộ cho mục tiêu gia tăng số sinh để giúp dân số Singapore tăng thêm ngõ hầu đáp ứng nhu cầu nhân công trong tương lai, khỏi bị bỏ lại đằng sau, khi việc toàn cầu hóa kinh tế đi tới khắp ngang cùng ngõ hẻm trên thế giới.
Ngân hàng DBS Group Holdings quyết định cắt ngắn giờ làm việc của các nhân viên, đang từ năm ngày rưỡi mỗi tuần, xuống còn năm ngày. Nửa ngày này các nhân viên được nghỉ để giúp cho chương trình Focus On The Family Programme nhắm gia tăng mức sinh sản của Singapore. Tờ Far Eastern Economic Review đã cho biết như thế.
Ngân hàng khi đã nói khá rõ với các nhân viên về cách tiêu nửa ngày không phải đi làm đó. Ngân hàng muốn nhân viên dùng nửa ngày được nghỉ vào việc giúp gia tăng số sinh của Singapore.
Như vậy, Singapore không hoàn toàn là nơi không đáng để sống như một vài người bạn của tôi đã nói. Nước gì mà cấm nhập cảng chewing gum, không giật nước trong nhà cầu bị phạt cả trăm Mỹ kim, ném mẩu thuốc lá đã hút xuống đường cũng bị phạt, đi qua đường không đúng chỗ cũng bị phạt, đi tiểu trong thang máy cũng bị phạt rất nặng. Ông kẹ Lý Quang Diệu tuy không còn nắm quyền, nhưng ảnh hưởng của ông với chính phủ Singapore vẫn không giảm bớt. Ông vẫn lấp ló đằng sau, đối lập không dám hó hé gì hết.
Nhưng Singapore lại có cái ngân hàng thật là dễ thương: cho nhân viên nghỉ nguyên nửa ngày để giúp gia tăng dân số.
Nhân viên được nghỉ ở nhà là phải làm đúng như ngân hàng đã nói. Không có chuyện nằm nhà chơi ô chữ, hát Karaoke, đọc sách, nuôi cá, đi câu hay làm bất cứ chuyện gì khác.
Vợ của các nhân viên ngân hàng sẽ nhắc nhở các ông chồng phải làm đầy đủ công việc mà ngân hàng DBS Group Holdings đã trao phó khi cho nghỉ một nửa ngày, khỏi phải đến sở. Như vậy, chuyện nài nỉ không còn cần thiết nữa, cứ lôi ngân hàng ra dọa là phía bên kia bỏ cả lồng chim, chậu cá, ô chữ... vào tuân lệnh răm rắp. Các ông không làm, các bà có thể khiếu nại với sở, tố cáo các ông không tuân lệnh của sở, tiêu phí nửa ngày vào những chuyện vô bổ khác thì mất việc là cái chắc. Ở một nước kỷ luật nghiêm ngặt như Singapore, chuyện vặn cái radio quá to còn bị phạt lè lưỡi ra thì hình phạt cho những người không tuân lệnh không thể coi thường được.
Tờ Far Eastern Economic Review không cho biết là các nhân viên được nghỉ mà không có hoạt động gì để giúp gia tăng dân số của Singapore sẽ bị những hình phạt gì, nếu có lý do chính đáng có được ân miễn không, làm thế nào để chứng minh là có làm đủ công việc trao phó vân vân.
Nhưng như vậy thì đâu còn được gọi là cho... nghỉ nữa? Ngân hàng gì mà ác quá vậy?
Có phải vì thế mà nhiều người không dám về hưu không? Sức người có hạn thôi chứ!
Ngày 9 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Phải thú thật với bạn rằng cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp, chưa thấy, và lại càng không biết nó là cái gì. Hay là đã gặp, đã quen, đã biết mà không biết, không ngờ?
Nhưng như bạn, tôi cũng nghĩ là chắc nó phải đẹp lắm.
Không biết nó là cái gì là vì sau khi nhờ mấy cuốn tự điển dẫn đi, tôi vẫn ở nơi khởi đầu của chuyến đi. Nghĩa là không biết thêm gì hơn về nó hết.
Nó đây là cái "dáng huyền", hay cái "bóng huyền" mà chúng ta đã nghe bao nhiêu lần trong lời của vài ba bản nhạc. Nhưng có lẽ nếu hỏi ngay những người viết những bài nhạc có nhắc đến nó ở trong, tôi cũng không nghĩ là sẽ có được những giải thích thỏa đáng.
Bởi vì những chữ đó không hề có trong các tự điển.
Bóng hồng thì có, như đoạn Kim Trọng nhìn thấy Kiều lần đầu tiên: bóng hồng nhác thấy nẻo xa...
Nhưng đây là bóng huyền và dáng huyền.
Tự điển có tất cả những chữ huyền khác, ngoại trừ dáng huyền, bóng huyền.
Những chữ huyền trong tự điển thì có nghĩa là sắc tím đen, là nghĩa lý sâu kín, là thanh tịnh, là dây đàn, là treo lên.
Tất cả những nghĩa vừa kể đều không thể đi với hai danh từ dáng hay bóng. Không lẽ đó là cái bóng... đen, tím rịm. Hay cái dáng của sợi dây đàn? Hay cái bóng của người được... treo lên?
Những cái bóng hay dáng như thế thì hà tất phải đau khổ, hạnh phúc như trong lời mấy ca khúc:
... ngây thơ dáng huyền...(Ngọc Bích)
Huyền vi thì có: ôi phút huyền vi môi sát môi / kề vai nghe tiếng gọi luân hồi (Ðinh Hùng)
Nhưng dáng và bóng huyền thì không.
Huyền đi với châu là đeo hạt châu. Huyền châu nghĩa bóng là mắt đẹp. Từ đó, chúng ta có mắt huyền. Rồi mắt mơ huyền, hay mắt huyền mơ để mô tả đôi mắt đẹp. Rồi đến mắt huyền nhung hay mắt nhung huyền. Tất cả đều dùng để tả đôi mắt rất đẹp.
Dáng huyền hay bóng huyền không lẽ chỉ để nói đến đôi mắt? Chúng tôi mất công đi sửa sang kỹ như thế, tốn không biết bao nhiêu tiền để các ông nhớ có mỗi đôi mắt thôi... á? Sao lại bất công như thế?
Hay dáng huyền, bóng huyền là cái dáng... đen, cái bóng đen thùi lùi?
Trắng da là bởi phấn nhồi
Da đen là bởi em ngồi chợ trưa...
Chắc không đúng, nghe chung toàn lời bài hát thì thấy em trắng bốp chứ đen hồi nào đâu.
Có thể từ mắt huyền, nghĩa là mắt đẹp: đôi mắt huyền ơi, xinh xinh cô em đôi mắt dịu dàng, hồn đắm mơ say, tim tôi rộn ràng tình cô thờ ơ...(Thông Ðạt)
Từ mắt huyền, là mắt đẹp do danh từ huyền châu ra, đẩy thêm một chút thì vẫn giữ được ý nghĩa đẹp, nhưng cái đẹp được chuyển sang một khu vực khác, không còn ở đôi mắt nữa, mà là toàn thể con người nhan sắc đó... hỡi người nhan sắc đa tình ấy, ta đã lòng son cháy ước mơ (Vũ Hoàng Chương).
Thế rồi chúng ta có dáng huyền và bóng huyền chăng?
Nhưng hai cái bóng này nó ra làm sao? Nghe nói hoài rồi đấy chứ, mà có biết nó to béo, cao hay lùn bao giờ đâu?
Mà bóng với dáng huyền thì có... dữ không? Biết hỏi ai cho ra điều đó bây giờ?
Ngày 10 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Một nhân vật phụ nữ của tiểu thuyết Lê Xuyên, trong những lúc tình tứ nhất, thỉnh thoảng lại vùng dậy hỏi người đàn ông: "Mà có thương tui hôn?" Người đàn ông trả lời, bao giờ cũng bằng giọng miễn cưỡng, là có thương. Những lúc khác, cô bắt người đàn ông phải thề bồi đủ thứ. Nhưng có vẻ cô còn rất nhiều nghi ngờ những lời thề cho qua chuyện của chàng nên thỉnh thoảng lại phải hỏi, để được trấn an bằng câu trả lời mà sự thực cô không tin lắm. Những khẳng định của chàng, tuy thế, cũng giúp để tiếp tục những cuộc hẹn hò mà tác giả Lê Xuyên có biệt tài kéo hàng mấy tuần lễ trên mặt báo.
May cho chàng, mà cũng may cho cô. Cô không biết chàng thực sự nghĩ sao về cô, chàng có yêu cô thật lòng không. Cô không biết nên vẫn hạnh phúc với chàng, mặc dù thỉnh thoảng lại phải hỏi để được nghe câu trả lời cô đã nghe bao nhiêu lần trước đó.
May cho chàng vì cô không thể có cách nào biết được là chàng có yêu cô không. Chàng có thể có, có thể không, cô không có cách nào biết được. Nên chàng thoát hiểm, nếu chàng không thực sự yêu cô.
Nhưng đó là mấy chục năm trước. Thời gian đã quá lâu, trước những khám phá mới trong lãnh vực khoa học, những khám phá có thể khiến cho chàng không cách gì dấu được tình cảm đích thực về cô. Hơn nữa, không gian nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa hai người thì cũng tiện cho cả hai. Không gian không phải là một phòng thí nghiệm để máy móc có thể theo dõi và đưa ra kết luận là chàng nói thật hay không nói thật.
Hai người chắc cũng biết lơ mơ rằng khi người ta yêu, đôi mắt sẽ sáng lên, khuôn mặt rực rỡ, hào quang chói lọi.
Nhưng cũng có khi đang cơn đói, mùi thức ăn từ bếp đưa lên, phản ứng ghi nhận trên mặt cũng không khác khi người ta yêu nhau là mấy. Những khám phá mới đây của Andreas Bartels, một sinh viên ban tiến sĩ tại đại học Luân Ðôn, vừa được đem thuyết trình trong cuộc họp của Society for Neuroscience ở New Orleans tuần trước, có thể soi sáng những xó góc còn khá tối tăm mà hiểu biết của con người chưa đến được.
Những bức hình chụp não bộ (MRI) có thể giúp tìm ra được câu trả lời thực cho nhân vật phụ nữ trong tiểu thuyết của Lê Xuyên. Những phản ứng ở một số khu vực trong óc con người, từ 6 đến 20 khu vực, có thể cho biết câu trả lời của người đàn ông trong tiểu thuyết Lê Xuyên nói thật hay không khi bị người phụ nữ hỏi có yêu cô không. Trong số những khu vực ấy, có 4 nơi các khoa học gia thấy là cùng có những phản ứng giống nhau khi 11 phụ nữ và 6 người đàn ông tham dự cuộc thí nghiệm có những tình cảm mãnh liệt về đối tượng tình yêu của họ. Những phản ứng đó có thể đo được và chụp thấy rõ trên não động đồ.
Những khu vực cho thấy hoạt động bất thường nằm ở anterior cingulate cortex, gần đường chia giữa bộ óc, cùng với những khu có tên là putamen và caudate.
Rồi đây, người ta có thể kèm với bó hoa cái não động đồ do một phòng thí nghiệm cung cấp và chứng thực là đương sự không nói... ghét thành yêu.
Hay phía bên kia cũng có thể đưa phía bên này tới phòng thí nghiệm chụp một cái coi thực hư ra sao.
Lúc ấy, chuyện thề bồi sẽ không còn cần thiết nữa. Lôi nhau đi chụp bức hình óc là biết ngay. Yêu cái trương mục với sáu hàng số của phía bên kia hình chụp cũng cho biết ngay. Cuộc đời sẽ bớt đi bao nhiêu là phiền toái.
Bấy giờ thử hỏi bao nhiêu người làm được như ông thân sinh của nhà thơ Phùng Quán vẫn dậy ông từ lúc còn rất nhỏ:
...Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
Mà nói ghét thành yêu là máy chụp hình não biết liền.
Vừa không thể nói dối được, và cũng không cần nói dối nữa.
Nhiều người có thể không thích nó vì coi nó là một sự vi phạm tự do tư tưởng của con người.
Nhưng một số thì lại rất thích nó, vì nó có thể được dùng như một biện pháp răn đe như võ khí nguyên tử đã được dùng một cách hữu hiệu trong mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ. Không phe nào có thể nói dối mà bên kia không biết được nữa.
Nhưng hay nhất, là nhờ nó, không cần phải nói dối, cũng chẳng cần cầm dao dọa giết.
Thế giới sẽ dễ sống biết là chừng nào!
Ngày 11 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Bài hát ru nghe mấy chục năm trước bỗng nhiên trở lại lẩn quẩn trong đầu, ám ảnh tôi từ mấy ngày hôm nay:
...
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Ngô
Ðêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương
...
Người đàn ông có một đời sống không lấy gì làm mực thước, khuôn mẫu, đi hết Ðồng Ðăng, Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, Lạng Sơn... vui thú sông hồ kiểu ông Tản Ðà cứ "túi thơ đi khắp ba Kỳ, lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng"... mà tại sao lại là nhân vật chính trong bài hát ru, để những hình ảnh của ông ta cứ ở lại mãi trong đầu của những đứa bé Việt Nam?
Mấy câu cuối là những trách móc rất nhẹ nhàng, bầy ra một sự chịu đựng, nhẫn nhục suốt đời của những người phụ nữ.
Anh đi nhậu, ngất ngưởng tay chai đế, tay gói nem, anh quên hết lời em dặn dò...
Bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế. Trong ca dao thì dịu dàng hơn: mảng vui quên hết lời em dặn dò...
Ngoài đời thật thì: tại sao anh không nhớ tôi nói gì? Bộ anh không nghe tôi nói gì sao? Anh có thèm nghe tôi nói bao giờ đâu! Nói với anh thì vào tai này ra tai kia, thà vạch cái đầu gối của cái chân rất đẹp này để mặc mini jupe (hồi xưa) của tôi ra nói với nó còn hơn là nói với anh...
Nhưng có lẽ bây giờ thì tôi bắt đầu hiểu tại sao mấy câu hát ru cứ lẩn quẩn trong đầu từ mấy hôm nay. Lý do có thể là bài báo tôi đọc được về hai cách nghe của đàn ông và đàn bà, theo đó, đàn ông và đàn bà có hai lối nghe khác nhau hoàn toàn, mà mấy câu ca dao có cả trăm năm nay cũng đã nhận ra.
Tôi không còn thắc mắc vì sao không có một câu ca dao nào than thở, phiền trách người phụ nữ không nghe những lời dặn dò của những người đàn ông, mà chỉ thấy có những lời thống trách của phụ nữ về chuyện nghe ngóng của người đàn ông.
Theo một khám phá mới của trường y khoa Indiana tại Indianapolis, thì đàn ông chỉ dùng có một nửa bộ não để nghe, phần bên trái, phần có tên là temporal lobe, khu vực được coi là liên hệ tới nghe và nói. Cuộc thí nghiệm của đại học dùng 10 người đàn ông và 10 người đàn bà, tất cả đều được cho nghe vài ba đoạn của một cuốn tiểu thuyết. Những hình chụp quang tuyến cho thấy là ở những người đàn ông, chỉ có khu vực temporal lobe là có hoạt động trong khi nơi các phụ nữ, cả hai phía của não bộ đều có những hoạt động. Cuộc nghiên cứu cho thấy là việc tiếp thu ngôn ngữ của đàn ông và đàn bà khác nhau và hiện nay, khoa học chưa thể nói chắc đó là vì cách nuôi dậy trẻ trai và trẻ gái khác nhau, hay vì những đường dây... được cho chạy khác nhau ở não người nam và người nữ.
Có điều là cùng một chuyện, hai người tiếp thu, hiểu, ghi nhận và hoài ức rất khác nhau.
Những người đàn ông chỉ nghe bằng nửa bộ óc thì dĩ nhiên không thể ghi nhận được nhiều như những người đàn bà. Không thể ghi nhận được nhiều thì hồi ức cũng thua kém. Hồi ức thua kém thì không thể nhớ được những gì đã nói, đã xẩy ra mười năm, hai mươi, ba mươi năm trước, nên khi bị lôi những chuyện cũ ra thì các chàng ú ớ thảm hại. Lúc ấy, các nhà khảo cổ mới ra tay làm việc. Cái tội mảng vui, không tay súng tay cầy mà tay chai, tay đĩa đồ nhậu thì chỉ có chết.
Lúc ấy, những cái tên cũ (cho dù rất đẹp ấy) làm sao nhớ cho hết được, những nơi chốn, những chuyện đã làm hay không làm... sẽ được lôi ra, đào bới, khai quật và hỏi cung thì ai mà toàn thây cho được?
May ra thì đức Ðạt Lai Lạt Ma mới có một quá khứ ngoài chuyện tranh đấu cho Tây Tạng thì mới không có gì để nói. Nhưng thế giới có được bao nhiêu người như Tenzin Gyatso, Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng?
Trong khi "chúng tôi" nghe bằng hai bên não, và "chúng nó" thì chỉ nghe bằng một bên nên mới khốn khổ đời trai.
Ngày 12 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Những con guinea pig, tiếng Pháp là cobaye hay cochon d'Inde, tiếng Việt, theo Ðào Duy Anh, là con chuột bạch hay chuột tầu, chưa bao giờ bị đưa vào danh sách những con vật có thể gặp nguy cơ tuyệt chủng, nhưng điều này không còn có thể nói chắc được nữa.
Gọi nó là chuột thì miệt thị nó quá. Nó sạch sẽ, trông không có vẻ du côn, mất dậy như chuột, mặt mũi không thể bị đem ra so sánh với bộ mặt quắt queo, không đẹp trai của người (mặt chuột kẹp) bao giờ. Trông nó giống thỏ hơn, chỉ khác là tai ngắn. Có lẽ gọi nó bằng một cái tên khác, con bọ, thì hơn.
Loài gậm nhấm gốc Nam Mỹ này thường được dùng trong phòng thí nghiệm, và cũng còn được nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, cá...
Ở trong nhà, nó sống lặng lẽ trong chuồng với cóng nước, vài ba thứ hạt và một cái bánh xe lồng để thỉnh thoảng leo vào chạy chơi cho đỡ cuồng cẳng.
Người ta vẫn nghĩ là nó hiền lành như thế, đời sống không có gì hào hứng, tẻ nhạt hết ăn rồi ngủ. Nhưng những điều một con bọ ở Pontypridd, South Wales thuộc miền nam nước Anh vừa làm mới đây có thể trở thành tai họa cho cả loài bọ không chừng. Nếu không may, chúng sẽ bị săn bắt cho đến khi tuyệt chủng.
Con bọ đực Sooty được nhốt riêng trong một cái chuồng cạnh chuồng của 24 chị bọ khác. Một đêm nó làm thế nào, đến nay, nhân viên của phòng thí nghiệm vẫn không biết, trốn được ra ngoài chuồng, rồi làm cách nào, cũng không ai rõ, chui được vào chuồng của các chị bên cạnh.
Sáng hôm sau, nhân viên không thấy nó trong chuồng, tưởng nó trốn ra ngoài đi bụi đời luôn. Nhưng có người đếm lại số bọ cái ở chuồng bên thì thấy thừa một con. Chính là nó, đang lăn ra ngủ ở góc chuồng. Người ta bắt nó đưa về chuồng của nó trở lại. Nó ngủ li bì suốt hai ngày sau, không ăn uống gì hết.
Rồi nó thức dậy, sinh hoạt bình thường. Nhân viên trong phòng thí nghiệm không có lý do gì để thắc mắc về chuyến đi bụi đời của Sooty nữa. Cho đến hơn một tháng sau, thì thình lình tất cả 24 chị bọ ở chuồng bên cạnh đều làm... mẹ cùng một lúc.
Tổng cộng số bọ con là 43 con. Như thế, nếu suy nghĩ theo lối thường tình nhất, thì có 19 chị đẻ đôi ra 38 con bọ con. Còn 5 chị kia mỗi chị 1 con. Tất cả là 43 con bọ nhỏ.
Vì không còn một con bọ đực nào khác ở phòng thí nghiệm nên mọi người nghĩ ngay thủ phạm là Sooty. Nếu đúng như vậy, thì trong đêm đi bụi đời đó, Sooty đã ghé vào thăm các chị, và lần lượt, các chị bọ xếp hàng nhờ Sooty giúp cho đời sống trong phòng thí nghiệm đỡ buồn tẻ.
Nghĩ đến cảnh ngày mai, ngày mốt bị lôi ra cấy cho đủ mọi loại vi khuẩn, vi trùng, chích cho đủ mọi loại thuốc để xem phản ứng, rồi chết thảm thương, xác bị mổ, cắt nát bấy trước khi quăng vào thùng rác, thì các chị, trong khung cảnh ấy, chắc dễ dãi hơn những lúc khác, không làm bộ làm tịch, khoe con nhà trâm anh, thế phiệt, quần áo toàn St John (không sale) nước hoa nước hoét thơm lừng, ỏn ẻn, đòi anh bọ phải Ph. D. từ mấy trường Ivy League mới cho cầm tay, cầm chân vân vân.
Các chị cứ thế "l'amour c'est pour rien... tình cho không biếu không" lia chia suốt đêm chơi tới cùng, giăng mùng chơi tới... sáng luôn.
Và sau đêm đó, mỗi chị vác 1 cái bầu kỷ niệm đêm yêu cuồng sống vội với anh bọ.
Chuyện anh bọ Sooty làm quá, nếu chỉ trong phòng thí nghiệm biết với nhau thôi thì không sao, nhưng những chi tiết về chuyến giang hồ của anh được phổ biến trên khắp các báo. Thông tấn xã Reuters còn đăng hình của anh trong bản tin sáng hôm qua nữa mới là phiền nặng.
Các ông Tầu săn cọp đến nỗi giống thú này gần tuyệt chủng, thế giới chỉ còn trên dưới 8 ngàn con chỉ để lấy một vài bộ phận đem nấu nướng ăn cho bổ khúc chiến lược của các ông. Cọp sắp hết, hải cẩu, tê giác cũng khốn đốn thì nay có chuột tầu, có bọ. Thuốc bổ có kinh hồn lắm, Ðường Minh Hoàng cũng chỉ rượt được Dương Quí Phi một... cái, trong khi ăn uống kham khổ như trong phòng thí nghiệm, thì Sooty rượt 24 chị chạy có... bầu luôn. Thế thì giống bọ này giỏi thật. Phải nấu mới được. Cái này thì chồng ăn, chắc chắn vợ phải khen rối rít mới đúng.
Và như thế, giống gậm nhấm này sắp khổ thân đời đến nơi. Bộ phận giúp vui các chị bọ sẽ được thu mua về, các tay đầu bếp sẽ nghĩ ra đủ cách để nấu phục vụ các Ðường Minh Hoàng tân thời. Của con cọp, thì nấu được mấy bát mà nay cọp cũng bị săn gần tuyệt giống. Của mấy con bọ thì bao nhiêu mới đủ một tô? Phải bao nhiêu con hy sinh mới giúp cho Dương Quí Phi vui được mấy phút?
Do đó, giống bọ sắp sửa phải đếm những ngày cuối cùng trên thế giới trong một tương lai rất gần chỉ vì tài của Sooty.
Sinh nghề, tử nghiệp là thế.
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 127)
CLICHÉS
Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 126 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
"Ðể thay đổi không khí", lần này tôi KHÔNG muốn hai cô học thêm những điều tôi sẽ đem ra nói và giải thích trong bài học hôm nay. Tôi không muốn các cô giữ lại những điều này trong đầu. Nghe có " buồn năm phút không"? Lý do là vì tôi rất ghét những cách nói này. Cũng chẳng phải tôi mới ghét, mà chính người Anh và người Mỹ cũng rất ghét chúng.
LÃM THÚY
Tại sao vậy, thưa anh?
BBT
"Một ngày đẹp trời" hai cô sẽ biết. Thôi để tôi nói ngay bây giờ vậy. Hai cô vừa nghe tôi dùng mấy câu ở trên mà tôi tin chắc hai cô cũng đã nghe nhiều lần. Có thể hai cô cũng không ưa chúng lắm. Chúng bị đem ra dùng nát bươm, những câu nam phụ lão ấu đều dùng được, trị bá bệnh, one size fits all. Ðó là những câu "để thay đổi không khí", "buồn năm phút", "một ngày đẹp trời", "xấu đẹp tùy người đối diện", "xin quí vị một tràng pháo tay", "từ A đến Z"…
QA
QA cũng thấy như vậy. Những câu anh vừa nói mỗi lần nghe, QA thấy chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Bộ trong tiếng Anh cũng nói to change the air, feel sorry for 5 minutes và on a beautiful day hay sao anh?
BBT
Không, đó là cách dịch đùa giỡn của tôi mà thôi, nhưng trong Anh ngữ cũng có những câu bị dùng nát ra, dùng rách bươm ra như thế khiến nhiều người ghét chúng không ít. Tiếng Anh gọi chúng là clichés, là những chữ, những câu bị đem dùng quá nhiều đến độ chúng trở thành nhàm chán, mất hẳn ý nghĩa ban đầu, ý nghĩa nguyên thủy của chúng, và đôi khi chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Người nghe thấy khó chịu vì phải nghe đi nghe lại chúng quá nhiều lần từ những người lười biếng trong cách sử dụng ngôn ngữ.
LÃM THÚY
Thúy không biết người ta lại ghét những câu đó, những cách ăn nói đó, những cái clichés đó đến như vậy. Anh kể cho nghe một thí dụ.
BBT
Năm 2008, Caroline Kennedy, con gái cố tổng thống Kennedy được một số người tìm cách đưa vào điền khuyết ghế thượng nghị sĩ New York mà bà Hillary Clinton bỏ trống để tham gia nội các Obama. Nhiều người tin chắc vì tên tuổi của gia đình, vì cảm tình dành cho người duy nhất con sống trong gia đình của tổng thống Kennedy, Caroline Kennedy, sẽ được trao chiếc ghế nghị sĩ New York này, nhưng cô mất đi nhiều mỹ cảm của người dân New York phần lớn cũng vì hai chữ YOU KNOW, cái cliché bị dùng nát bấy khi cô tiếp xúc với báo chí. Trong mấy cuộc phỏng vấn, Caroline đã dùng hai chữ "YOU KNOW" tất cả mấy trăm lần. Theo tờ New York Daily News, Caroline Kennedy dùng hai chữ "YOU KNOW" hơn hai trăm lần với báo Daily News, 130 lần với tờ New York Times và 80 lần với đài truyền hình số 1 ở New York. Những chi tiết này đã đóng góp nhiều nhất vào việc Caroline Kennedy bị mất đi sự ủng hộ và kỳ vọng của người dân New York. Người ta nghĩ ăn nói như thế thì làm sao làm thượng nghị sĩ cho được. Như vậy, việc sử dụng quá nhiều những clichés có thể tạo ra những phản ứng không tốt đối với người dùng nó.
QA
QA nhớ lại thì thấy chính QA cũng dùng hai chữ "YOU KNOW" này hồi gần đây khi nói chuyện với con cái . Nhưng QA có thể biện hộ việc làm này, vì QA nói tiếng Anh không thạo lắm, nên trong lúc tìm chữ để nói thì QA điền vào chỗ trống bằng hai chữ "YOU KNOW".
BBT
Vậy thì … tòa tạm tha. Nhưng hai cô đã dùng cliché này chưa… "FROM A TO Z"?
LÃM THÚY
Thúy nhớ là Thúy cũng đã dùng nó rồi. Trong tiếng Việt, Thúy cũng thấy có người nói "TỪ A ÐẾN Z" nhưng bộ mẫu tự quốc ngữ làm gì có chữ ZEE, hay chữ ZÉT. Thế nếu không muốn nói "FROM A TO Z" thì nói thế nào trong tiếng Anh?
BBT
Thì nói WE DO EVERYTHING, FROM START TO FINISH nếu muốn nói chúng tôi làm mọi việc, từ đầu đến cuối. Tôi chắc hai cô cũng đã nghe cái cliché này: "IT TAKES 2 TO TANGO."
QA
QA có nghe câu này mấy lần. Hình như ý của nó không tốt đẹp lắm phải không anh. Ðó là vụ hai vợ chồng người bạn của QA bỏ nhau. Mấy người quen cặp này nói rằng "IT TAKES 2 TO TANGO." Tức là hai người mê nhẩy đầm rồi bỏ nhau phải không?
LÃM THÚY
Thúy hiểu "IT TAKES 2 TO TANGO" là tại anh, tại ả, tại cả đôi đường. Cả hai đều có lỗi đều đã có những sai lầm để đưa tới chuyện tan vỡ, chứ chẳng phải tại một mình chồng hay một mình vợ mà gây ra chuyện không hay.
BBT
Ðúng rồi cô Thúy, "TO TANGO" chỉ là một cách nói. Nghĩa đen là phải có hai người mới nhẩy Tango được. Một người thì không được. Không lẽ ôm cái ghế mà tiến lui vài bước để thành Tango hay sao. "IT TAKES 2 TO TANGO" thường hàm ý không tốt. Chuyện xẩy ra không tốt, không hay là vì tại cả hai bên chứ chẳng tại riêng có một người.
Khi nói một việc không quá khó khăn, chẳng cần phải trèo non, lặn biển, phải bằng cấp đầy mình mới làm nổi, thì tôi hay nghe câu này: "IT DOES NOT TAKE A ROCKET SCIENTIST TO DO IT" nghĩa là làm việc đó không cần phải là một nhà bác học, không cần phải là khoa học gia chuyên về hỏa tiễn, phi thuyền, không cần phải tốt nghiệp đại học Harvard mới làm được "IT DOES NOT TAKE A HARVARD GRADUATE TO DO IT."
QA
QA còn hay nghe câu này nữa: "CAN’T COMPLAIN." Câu này nghĩa là gì thưa anh, và dùng nó trong trường hợp nào?
BBT
Thực ra phải nói đầy đủ hơn là "I CAN’T COMPLAIN" nghĩa là tôi không có gì để phàn nàn cả. Thí dụ được giàn xếp để làm một việc gì, nhận được phần thưởng, ân huệ nào đó mà chúng ta hoàn toàn vui vẻ thì đó là lúc dùng câu "I CAN’T COMPLAIN." Nhưng nói như vậy nhiều khi cũng lại bị hiểu là không có gì phàn nàn nhưng cũng chưa hoàn toàn vui vẻ. Chi bằng nói thẳng ra là THANK YOU SO MUCH FOR… có phải là rõ ràng hơn không?
LÃM THÚY
Câu này là câu cliché Thúy cũng ghét lắm, ghét từ lúc anh chưa nói về những clicheù trong bài hôm nay: "TO BE PERFECTLY HONEST". Câu này là câu Thúy nghe của con trai. Thúy thấy là khi nó nói câu này, thì đích thị là nó không nói thật. Thí dụ Thúy muốn nó học y khoa, nó muốn học luật. Ðể thuyết phục Thúy, nó bắt đầu bằng câu "TO BE PERFECTLY HONEST " thì hóa ra những lần trước nó không thành thật hoàn toàn với Thúy hay sao? Mà câu này lại là câu nó dùng rất nhiều. Cả trong những lúc nói chuyện bằng điện thoại với bạn gái của nó cũng thế. Thúy bảo nó đừng dùng câu ấy nữa, thì nó cười và nói "TO BE PERFECTLY HONEST WITH YOU, IT’S A HABIT I CAN’T KICK". Thế thì còn nói được gì nữa. Thúy phải nói là Thúy rất khó chịu với những cái clichés mà anh đã đề cập từ đầu giờ đến giờ.
BBT
Cô nói rất đúng. Tôi nhớ đài BBC mỗi năm, vào dịp đầu năm đều đưa ra một danh sách gồm những cái clichés bị ghét nhất. Cái danh sách đó gọi chung là THE MOST HATED CLICHÉS, trong đó có cả câu "TO BE PERFECTLY HONEST" mà cô Thúy ghét.
QA
Thế còn ông thầy, ông thầy ghét câu nào?
BBT
Kể ra thì nhiều lắm. Ngang ngửa với câu "YOU KNOW" là câu "YOU KNOW WHAT I MEAN?"Tương đương với câu này là "SEE THE POINT?" hay "GET IT?" hay "GET THE IDEA?"Mỗi lần nghe ai nói câu này vào mặt thì tôi lại muốn dùng một câu khác cũng đã bị dùng nát ra từ lâu rồi, để đáp lại, đó là câu "YOU INSULT MY INTELLIGENCE!" Ai đời cứ thỉnh thoảng lại hỏi anh hiểu tôi nói gì không thì đó không là câu lăng mạ trí thông minh của tôi hay sao?
Danh sách những cliché bị ghét nhất của đài BBC còn có 4 câu này nữa: THE FACT OF THE MATTER IS; AT THIS POINT IN TIME; HAVING SAID THAT; AT THE END OF THE DAY.
LÃM THÚY
Người Mỹ có ghét chúng như người Anh ghét chúng không?
BBT
George Bernard Shaw, một nhà soạn kịch người Anh có lần viết rằng nước Anh và nước Mỹ là hai nước bị chia cách bởi cùng một ngôn ngữ. Trước đây người ta vẫn nói hai nước bị ngăn cách nhau bằng Ðại Tây Dương. Nhưng Bernard Shaw thì nói là người Anh và người Mỹ nói chung một ngôn ngữ là tiếng Anh, nhưng có những lúc hai bên cũng khó hiểu được nhau. Trong trường hợp 4 cái cliché ở trên thì người Mỹ cũng ghét chúng hệt như người Anh vậy.
QA
Thưa anh, "THE FACT OF THE MATTER" là gì?
BBT
Câu này nghĩa là sự thật của vấn đề là, nhưng nghe kỹ thì những điều được nói ra sau đó không phải là chân lý, không bao giờ là sự thật, mà chỉ là ý kiến rất sai lệch của người nói. Thí dụ nghe ai nói "THE FACT OF THE MATTER IS THAT HANOI DOES NOT NEED CHINA." Thì chúng ta phải hiểu là Hà Nội rất cần Trung quốc. Ðừng tin những gì câu ấy nói, hãy nhìn kỹ những chuyện đang xẩy ra ở Ba Ðình.
LÃM THÚY
Thưa anh, theo dõi những cuộc vận động tranh cử, người ta nghe ông Romney dùng cliché này hơi nhiều "AT THIS POINT IN TIME", nhưng ý ông ấy định nói là gì?
BBT
Câu ấy chỉ có nghĩa là vào thời điểm này. Nhưng theo sau nhất định phải là những lời đả kích, chỉ trích nhắm vào chính phủ Obama. Toàn câu không có ý nghĩa gì đặc biệt cả, chỉ là những từ ngữ rõng tuếch được dùng để lôi kéo sự chú ý của người nghe mà thôi. Cũng hệt như câu "HAVING SAID THAT" vậy. Tại sao không nói là "AS I HAVE SAID BEFORE". Nhưng đó là thói quen của nhiều người. Khó mà một sớm một chiều mà bỏ được. Bởi thế nên ngay ở đầu bài, tôi đã nói là tôi không muốn hai cô nhớ những điều đề cập trong bài. Học thì dễ, nhưng làm cho quên đi thì rất khó. Cũng như thay vì nói LAST OF ALL hay IN THE END, hay IN ALL nghĩa là cuối cùng thì… tại sao phải dùng "AT THE END OF THE DAY"?
QA
QA nghĩ có thể người ta dùng những cliché này để cho người nghe thấy là mình cũng cập nhật về ngôn ngữ, để cho có vẻ bớt xa cách, để lại gần với người nghe hơn. Nhưng tiếc là nhiều khi nghe thứ ngôn ngữ ấy, người nghe lại thấy khó chịu như việc thảo một cái danh sách những câu cliché bị ghét nhất mà đài BBC đã làm vậy.
BBT
Ðúng vậy. Cũng có một list khác ghi một số tiếng cần phải đào sâu chôn chặt, không bao giờ đem dùng nữa hai cô cũng nên biết. Nhưng người ta thấy là nếu dẹp những tiếng này đi thì người Anh và người Mỹ còn nói năng thế nào được nữa: Ðó là 3 chữ … vàng AMAZING là kỳ diệu, WHATEVER là gì cũng được, và AWESOME là tuyệt vời. Hai cô về nhà nghe thử mấy đứa con nói chuyện với nhau mà coi. Hai cô sẽ thấy chúng không thể nào mở miệng ra được nếu không có 3 chữ vừa kể. Nhưng WHATEVER nghĩa là sao cũng được, gì cũng được là tiếng bị ghét nhiều nhất, đứng đầu danh sách những tiếng bị ghét nhất từ ba năm nay của đài BBC và của nhật báo USA TODAY.
LÃM THÚY
Cám ơn ông thầy…
BBT
WHATEVER…
QUỲNH ANH
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới. Bài hôm nay quả là AMAZING, AWESOME! I CAN’T COMPLAIN!