January 4, 2012

January 6, 2012

Ngày 2 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Có lẽ nay đã đến lúc phải dẹp hẳn, vĩnh viễn, cho về hưu, và lấy ra khỏi các tự điển thành ngữ "khổ như một con chó", vì cách ví von này không còn đúng nữa.

Nếu muốn, người ta có thể nói ngược lại, thí dụ "sung sướng, hạnh phúc hay may mắn như một con chó" chứ khổ thì nhất định là không đúng. Lý do là vì phúc lợi của những con chó ở nước Mỹ được chăm sóc, lo lắng chu đáo, kỹ lưỡng hơn là những chăm sóc, lo lắng dành cho con người nhiều.

Đã lâu, tôi được xem tấm thiệp với đôi dòng an ủi in sẵn mà người ta có thể mua để gửi cho những con chó sau đại nạn của chúng. Ở bìa trước, là hình vẽ một con chó mặt mũi buồn bã, mở qua trang trong, người ta đọc được hàng chữ rõ ràng là để chia buồn: I did not know you were fixed!

Chuyến đi tới phòng mạch thú y đã chấm dứt đời sống tình ái của con chó.

Nhưng chuyện không ngưng ở tấm thiệp chia buồn trước mất mát đó.

Cách đây mấy năm, Greg Miller, ở thị trấn Independence tiểu bang Missouri nghĩ ra một giải pháp để giúp những con chó này khỏi bẽ mặt -- nguyên văn: neutered dogs would somehow feel embarrassed after castration. Greg Miller thay thế những dịch hoàn bị cắt bỏ của những con chó này bằng những viên bi nhỏ mà chàng gọi là neuticles, ghép từ hai chữ neutered (thiến) và testicles (dịch hoàn) mà chàng khâu vào cái túi (?) của chúng.

Nhờ phát minh của Greg Miller, rất nhiều con chó ở nước Mỹ đã có thể ngẩng mặt cao lên trong những lúc ra đường, khỏi phải cúi gầm mặt ngó xuống đất trong tủi nhục nữa. Lời hô hào của đại tá Gamal Abdel Nasser trên đài phát thanh Cairo sau khi lật vua Farouk (hỡi những người anh em Ả Rập, hãy ngẩng mặt lên, những ngày tủi nhục đã qua rồi) có lẽ cũng chỉ đem lại kết quả như thế mà thôi.

Nhưng làm sao biết được những con chó này mắc cở, bẽ mặt, tủi hổ thì chỉ có Greg Miller nói được.

Sau khi lo cho phúc lợi, danh dự, tự ái của những con chó, Greg Miller mới quay sang người ta.

Người ta, nếu gặp phải cảnh như những con chó này thì chắc chắn là mắc cở, bẽ mặt, tủi hổ lắm. Vậy thì cũng phải có những cái neuticles cho người. Chuyện giản dị như thế mà không ai nghĩ ra, cho đến khi Greg Miller ra tay.

Cơ quan FDA (Food and Drugs Administration) của chính phủ liên bang đã chấp thuận để người cũng có thể được gắn những neuticles mà Greg Miller phát minh và sản xuất cho khỏi phải sống trong tủi hổ. Người đầu tiên được khâu vào người những viên neuticles là Jim Webb ở California. Cuộc giải phẫu thành công, Jim Webb không còn phải chịu cảnh "hàm răng tuy có, hàm răng rụng / túi đạn tuy còn, túi đạn không" như hai câu thơ của Nguyễn Khuyến nữa.

Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao Jim Webb phải khâu vào người những vật ngoại nhập như thế.

Greg Mille nói rằng những con chó cần được khâu những cái neuticles vào vì chúng mắc cở, bẽ mặt, tủi hổ vân vân.

Điều đó có thể hiểu được, vì mấy anh chó đi đứng cứ hồn nhiên ra đường, thỉnh thoảng đứng lại làm phiền cái gốc cây hay cái cột đèn thì có thể bị mấy chị chó trông thấy và mắc cở với mấy chị. Nhưng đó là mấy anh chó, quần áo của các anh cũng giản dị thôi: chiếc áo len chủ mặc cho trong những ngày đông lạnh lẽo chỉ vừa che cái lưng và phần ức phía trước.

Những người như Jim Webb, quần áo bình thường, như bạn, như tôi thì... ai biết mà phải lo đi khâu nhưng vật ngoại nhập đó vào người?

Mà khâu chúng vào người thì có hết bẽ mặt với tủi hổ không? Hay là lại càng mất mặt thêm?

Tại sao phải nói lớn cho mọi người biết sự không toàn vẹn của mình? Tại sao phải... phô ra cho mọi người thấy? Hay là lãnh tụ, phải có mấy hòn bi cho các nhà thơ quốc doanh... nâng cho có việc mà làm?

Ai trả lời được những câu này ngoài ông Tố Hữu của chúng ta?

Sướng như thế chẳng trách Michelle Obama, đệ nhất phu nhân Hoa kỳ trong khi trả lời cuộc phỏng vấn của Barbara Walters cách đây ít ngày đã nói thẳng là nếu được cho tái sinh nàng xin được trở lại làm con chó.


Ngày 3 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Liền ngay sau ngày Giáng Sinh, là ngày nước Mỹ đi trả lại, hay đổi những món quà mà người ta nhận được mấy hôm trước đó. Thí dụ cái ca vát hay chai nước hoa không... vừa chẳng hạn.

Những người đi trả hay đổi quà, tuy có mất thì giờ, mất công một chút, nhưng họ là những người hạnh phúc vô cùng. Không thích những thứ đó, họ đem đổi hay trả lại, lấy lại tiền. Nhưng tôi thì không, vì món quà tôi nhận được thì không cách nào đem trả lại được, và mãi tới hôm nay, tôi vẫn còn khổ sở, vất vả với nó.

Tôi nhớ rất rõ hôm tôi nhận được nó. Người tặng tôi là một người đàn ông thỉnh thoảng gặp ở nhà một vài người bạn khác, cũng có khi ở tiệm phở quen khi ghé qua ăn sáng. Và tuần trước, trong một buổi sáng ghé tiệm phở, thì tôi lại gặp ông.

Sáng hôm ấy, trông ông như cái giẻ lau cũ và rách. Ông xấu trai không thể nói hết. Cái áo len mặc bên ngoài, cái khăn quàng quanh cổ, cái mũ xùm xụp che gần hết mặt. Ông đi thẳng về bàn tôi đang ngồi, thò tay bắt tay tôi và tôi chưa kịp chào hỏi, bầy tỏ đôi điều quan tâm về dung nhan và sức khỏe của ông, thì ông kéo ghế ngồi xuống, và cho biết ông đang bị cúm hành gần chết.

Tôi không thể bưng tô phở di tản sang bàn khác, cũng không thể đứng dậy đi rửa tay bằng xà phòng antibacteria như tôi vừa được căn dặn khi chích ngừa cúm mấy hôm trước. Xã hội văn minh không cho phép chúng ta làm như thế. Cái điện thoại di động dở chứng tự nhiên không thấy kêu réo như những lúc khác, để ít nhất tôi có ngay được một lý do để bỏ tô phở, nín thở, chạy ù té ra ngoài, nhẩy lên xe trốn những con cúm của ông đang bay lượn, nhẩy múa, uốn éo, bẹo hình bẹo dạng trong không khí của tiệm phở...

Tôi đang nghĩ cách để bỏ đi, thì ông lên tiếng hỏi tôi mấy câu, lại còn ghé sát sang nửa bàn của tôi cho thêm nét thân tình. Tôi cố gắng vừa trả lời vừa nghĩ cách để kiếu ông. Mấy năm gần đây, cơ thể của người đàn ông sống trên nửa thế kỷ này không còn đủ sức để đánh lại được những con cúm khủng khiếp nữa. Gặp chúng, tôi thua ngay, liệt giường ít nhất mười ngày, cơ thể rũ ra, chán đời không thể tả được. Chỉ muốn chết ngay cho rảnh nợ. Đúng lúc tôi đang nghĩ như thế, thì ông bỗng chớp chớp mắt, cái miệng trễ xuống... tôi biết ông sắp làm gì, nhưng tôi cũng không có cách nào để phản ứng. Thực ra thì ông cũng tìm cách quay đi, nhưng chỉ mới xoay cái cổ được khoảng ba mươi độ, thì ông hắt xì một cái long trời lở đất. Bàn tay tôi đang để trên bàn thì nhận được mấy hạt chất lỏng bay xuống như mưa bụi, chỉ khác là chúng nóng hôi hổi. Tôi kín đáo thu bàn tay về, đưa xuống gầm bàn, chùi vào quần. Ông xin lỗi, lấy giấy xì mũi, cẩn thận lau và ngoáy kỹ lưỡng cả hai lỗ mũi rồi vo viên tờ giấy, bỏ xuống gần ly cà phê của tôi. Trong khi đó, những con cúm vừa thoát khỏi cổ họng của ông đã vội vàng nhào đến phía tôi. Tôi biết chắc như vậy. Tôi muốn bóp cổ ông vô cùng. Buổi sáng của tôi hỏng hoàn toàn. Tô phở chưa hết một nửa, ly cà phê chưa uống. Tôi ngó đồng hồ và hét lên:"Thôi chết rồi ... tới giờ đi làm rồi, tôi phải chạy đây ông ạ..."

Ông nhất định giữ tôi lại ăn tiếp tô phở có những con cúm của ông đang bơi lội tung tăng ở trong. Nhưng tôi nhất định "say NO" với tô phở và những con cúm đó. Cuối cùng, ông còn bắt tay tôi một cái để bỏ vào tay tôi vài trăm ngàn con cúm làm bonus.

Tôi chạy ra xe, vừa chạy vừa lau tay vào quần. Và chiều hôm đó, ở trong sở, món quà ông tặng tôi bắt đầu làm khổ cái cổ họng của tôi.

Hôm sau, những con cúm tìm được nơi vui chơi giải trí trong cái cơ thể rã nát của tôi và đến hôm nay vẫn còn lưu luyến chưa chịu rời đi.

Tôi muốn đem trả món quà lại cho ông mà không sao làm được.


Ngày 4 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Hôm qua, đọc một tờ báo trên internet, tôi thấy một lời rao kiếm bạn rất đáng để cho bộ quốc phòng Mỹ quan tâm nghiên cứu.

Lời rao của người phụ nữ Việt còn rất trẻ tuổi ở Pháp cho biết cô là người có dung mạo giống một nữ ca sĩ nổi tiếng về dân ca ở hải ngoại. Dựa trên sự mô tả đó, và cứ theo "nguyên bản" mà suy ra, thì người cô là người có nhan sắc. Cô cho biết cô có giọng nói "thỏ thẻ" rất hay. Như thế, thanh cô cũng có, mà sắc cô cũng không thiếu. Ngay sau đó, ở chi tiết sở thích, cô cho biết thêm một điều khác nữa về cô, một chi tiết tôi ít thấy ở các phụ nữ trong những lời rao kiếm bạn trên các báo Việt ngữ: cô thích môn box Thái, không phải chỉ là người xem, mà cô là người thích chơi môn võ này. Thai boxing là một môn võ hung bạo hơn rất nhiều môn võ khác mà chúng ta biết. Các võ sĩ Thái cũng đeo bao tay, nhưng lại không đi giầy, vì loại võ này cho phép dùng chân để đá. Sau những trận đấu box Thái nhà nghề, thế nào cũng có người thương tích trầm trọng.

Tuy thế, chuyện phụ nữ chơi box Thái cũng có thể hiểu được. Tại sao phụ nữ lại không được cho chơi môn võ này trong khi họ đã từng chơi nhu đạo, thái cực đạo, hiệp khí đạo, kiếm đạo rất xuất sắc, và con gái Muhamad Ali cũng nối nghiệp cha trong môn quyền Anh nhà nghề?

Nhưng điều kiện cô đặt ra cho người mà cô kiếm để làm bạn mới là điều đáng nói ở đây. Sau khi cho biết hạng tuổi mà cô muốn kiếm, cô ra điều kiện là người bạn trai của cô phải không được biết đánh box. Cô muốn là người duy nhất biết chơi box Thái. Bạn cô không được quyền biết đánh box.

Cô là người có những hiểu biết chiến lược. Nhưng cô chỉ đi tìm những đối phương không tương xứng để nắm phần chắc khi cần phải giao tranh. Mà như vậy thì không thể nào có được hòa bình lâu dài được.

Trong suốt mấy chục năm chiến tranh lạnh, sở dĩ Hoa kỳ và Nga không xẩy ra chiến tranh trực diện bao giờ vì hai bên hiểu là nếu xẩy ra đụng độ, thì bên này sẽ tiêu diệt bên kia -- mutual destruction -- và sẽ không có bên nào chiến thắng, thoát được cảnh bị san bằng thành bình địa. Chiến lược của hai phía dựa trên nguyên tắc răn đe nguyên tử -- nuclear deterrence -- và nhờ đó, Hoa kỳ và Liên Xô đã không bao giờ dám nghĩ tới việc dùng đến võ khí nguyên tử mà cả hai bên đều có. Một bên ra tay, bên kia trả đũa thì sẽ không bên nào thoát.

Nhưng khi đối phương không đồng cân đồng lạng, không cùng có những võ khí tương đương có sức hủy diệt qui mô như của bên kia, thì phe mạnh nhất định sẽ gây chiến.

Chính vì thế mà năm 1972, Hoa kỳ và Liên Xô đã ký với nhau bản hiệp ước chống phi đạn đường đạn tức là Anti-Ballistic Missile Treaty, gọi tắt là ABM. Hiệp ước không cho phép hai bên phát triển những hệ thống phòng thủ chống phi đạn, vì nếu một phe có được hệ thống chống phi đạn hữu hiệu thì sẽ không sợ phi đạn phía bên kia nữa, và như thế bên kia sẽ phải tìm cách phát triển một hệ thống tương tự và những phi đạn mới mạnh hơn, nhanh hơn, có khả năng né được phi đạn chống phi đạn và phải bố trí nhiều phi đạn hơn để trừ hao những phi đạn bị đối phương bắn rơi.

Hai bên sẽ lao đầu vào một cuộc chạy đua võ trang mới.

Nhưng Hoa kỳ nói là vẫn cần một hệ thống phòng thủ để tự vệ chống lại phi đạn của các nước sống ngoài vòng pháp luật như Iran hay Bắc Hàn.

Người phụ nữ trong lời rao tìm bạn, nếu tìm được người đàn ông không biết box Thái mà hai bên vẫn có thể sống chung hòa bình như chủ trương của ông Nikita Khruschev mà không cần dùng tới chiến lược răn đe, thì người phụ nữ này nên được chính phủ Hoa kỳ mời làm trưởng đoàn thương thuyết để thuyết phục Nga rằng Hoa kỳ nên được cho phép phát triển và bố trí một hệ thống chống phi đạn mà thế giới vẫn có thể sống trong hòa bình được.

Nhưng nếu người đàn ông của cô lén đi tập và lấy được cái đai đen cùng với ba, bốn cái gạch trắng của thái cực đạo, thì thế giới khó mà có được hòa bình, và một cuộc chạy đua võ trang sẽ lại làm cho hai phía phải chi tiêu rất nhiều cho võ khí mới trong một thế giới có bao nhiêu vấn đề cần được giải quyết như hiện nay.


Ngày 5 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Trong cái thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa như hiện nay, để có được sự nể trọng của thế giới, nhiều nước đã làm những việc hết sức kỳ lạ.

Người dân Tân Tây Lan nhất quyết chê hối lộ nên được xếp lên đầu danh sách của những nước lương hảo nhất, theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc cách đây không lâu.

Trong khi đó, thị trấn Suwon ở Đại Hàn thì đi tìm sự nể trọng của thế giới bằng một cách khác. Cách đây mấy tháng, Suwon mời quan khách đến thăm 580 cái cầu tiêu công cộng của thành phố, những cái cầu tiêu mà theo một giới chức đặc trách văn hóa của thành phố, sẽ làm cho thế giới phải nể trọng Suwon về sự sạch sẽ của chúng. Giới chức này nói không úp mở rằng Suwon nhất định trở thành lãnh tụ của thế giới trong khía cạnh sạch sẽ của những chiếc cầu tiêu công cộng.

Gần sáu trăm chiếc cầu tiêu này, mỗi chiếc đều có tiếng nhạc vĩ cầm nhè nhẹ thổi vào, bàn cầu được làm cho ấm lên cho khách khỏi bị lạnh đít, trên tường có treo họa phẩm và ở góc là những bình hoa tươi trang hoàng cho thêm mỹ thuật.

Chỉ nghe mô tả, và tuy chưa thể bay sang Đại Hàn đóng góp một chút phế thải và dùng thử những chiếc cầu tiêu này của Suwon ngay, người ta cũng đã phải nhìn nhận thành phố Đại Hàn này xứng đáng làm đàn anh thiên hạ. Các cầu tiêu công cộng này, theo tập tài liệu mà thành phố phân phát cho các nhà báo hôm khánh thành, đã được một số người giàn xếp giữ chỗ trước để tổ chức họp mặt, ăn uống.

Tưởng tượng những tập quảng cáo mời khách du lịch ghé thăm Suwon có những câu như "Hãy đến thăm chúng tôi, thành phố có những cầu tiêu sạch sẽ nhất thế giới, sạch sẽ đến độ quí vị có thể ăn được..." Hay "Quí vị đã ăn món galbi trong cầu tiêu của Suwon chưa?" Hay "Tại Suwon, chúng tôi lo lắng cho cái khoái đầu (?) và cái khoái cuối (?) trong bốn cái khoái của quí vị ở cùng một nơi, thuận tiện không đâu bằng..."

Nhưng thực ra, Suwon vẫn đi sau nước ta vài chục năm về khoản "ăn đâu, ỉa đó" (nói đúng ngôn ngữ của Tô Hoài, trong cuốn Chiều Chiều xuất bản năm 1999.)

Tô Hoài, trong cuốn Chiều Chiều, ở các trang 300 đến 307 đã tả những cái cầu tiêu ở Hà Nội dùng kỹ thuật hố xí hai ngăn mà ông được trao trách nhiệm trông nom khoảng hai trăm cái. Người dân Hà Nội ở khu vực mà Tô Hoài trách nhiệm, như gia đình anh Vân, ăn và ỉa ở ngay một chỗ. Đoạn Tô Hoài viết về chuyến đi điều tra một cái nhà xí rỉ nước qua tường sang nhà bên cạnh, nơi một gia đình ăn, ở, ngủ, nằm bệnh ngay sát chỗ nước phân ngấm qua, "dưới rãnh, những con ròi trắng hếu bò lổm ngổm" (trang 306) thì đó không phải là nước ta đi trước Suwon hay sao?

Đưa cuốn sách cho một người bạn đọc cái đoạn ghê khiếp đó, bạn tôi liếc nhanh mấy trang rồi trả lại. Chàng nói với tôi rằng sở dĩ những cái nhà cầu ở Hà Nội dơ dáy khủng khiếp như thế là vì chính phủ dồn mọi nỗ lực vào xây một cái nhà cầu lớn nhất, đẹp nhất, sạch sẽ nhất ở quảng trường Ba Đình mất rồi thì còn đâu vật liệu để lo cho cái nhà xí của những người như vợ chồng anh Vân mà Tô Hoài viết lại nữa...

Ông Bút Tre, một nhà thơ lục bát đại tài của nước ta ghi lại cảnh tôn kính khi người ta đi vào thăm cái nhà cầu ấy bằng hai câu lục bát này:

Vào thăm lăng Bác âm u
Các chị phụ nữ ngả mũ ra chào...

Thơ thật hay, chỉ phải chữ thứ sáu ( MŨ) của câu bát vần viếc, bằng trắc hơi có nét khiên cưỡng, đọc lên chỉ muốn sửa một chút cho... gợi tình.

Cái nhà cầu ấy thì có sạch hơn của gia đình anh Vân trong cuốn hồi ký của Tô Hoài thật. Có muốn có được sự nể trọng của thế giới, cứ mang nó ra khoe là vượt Suwon xa ngay ấy mà.


Ngày 6 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Jeannine Stein, một fashion police người chuyên có ý kiến, mà thường là những ý kiến đầy giọng đả kích về thời trang của tờ Los Angeles Times cách đây không lâu có đăng bức thư của một độc giả không ký tên thật, nêu thắc mắc và than phiền tại sao quần áo phụ nữ không có nhiều túi như quần áo của đàn ông để phụ nữ cũng có thể, như đàn ông, bỏ bút và những thứ cần dùng khác, khỏi phải cầm trong tay, bận tay bận chân.

Jeannine Stein cho biết là có thể các nhà họa kiểu quần áo sẽ không bao giờ cho quần áo phụ nữ nhiều túi như quần áo của đàn ông.

Mà quần áo của đàn ông thì nhiều túi thật. Nếu mặc một bộ suit ba mảnh (?) thì số túi có thể lên đến gần hai chục cái.

Sơ mi ít nhất có một túi. Quần dài bốn cái, có thể là năm nếu có thêm một chiếc túi đựng bật lửa hay chìa khóa. Áo gilet có bốn túi. Jacket ba túi ngoài, ba túi trong. Tổng cộng là mười sáu cái túi. Móc mệt nghỉ.

Người nữ độc giả viết thư cho Jeannine Stein ghen tức là phải.

Nhưng nếu Jeannine Stein nói đúng, nghĩa là thời trang sẽ không bao giờ để phụ nữ có nhiều túi như quần áo đàn ông, thì đó phải là tin mừng cho những người đàn ông.

Con số túi trong quần áo đàn ông là thành trì cuối cùng chưa bị phụ nữ xâm phạm (?) và nên được bảo vệ đến cùng. Lý do là trong khoảng ba chục năm trở lại đây, nhiều khu vực thời trang của đàn ông đã bị lấn chiếm tàn bạo. Những chiếc ca vát chẳng hạn. Phụ nữ cũng đã lôi ra đeo khi mặc sơ mi, cũng của đàn ông. Hay quần dài, có cả zipper ở phía trước mặc dù không biết dùng để làm gì. Những chiếc quần dài này cũng có túi trước, túi sau để người mặc có thể tay trong túi đi tung tăng như những người đàn ông không biết làm gì với đôi tay trơ trẽn của mình. Quyền bỏ tay vào túi quần của đàn ông bị xâm phạm thô bạo vì những cái túi quần đó.

Trong khi váy của phụ nữ thì đàn ông không bao giờ lấn chiếm (?) hay vi phạm (?) ngoại trừ đàn ông Tô Cách Lan với những cái kilt, họ hàng rất xa của những "cái thúng mà thủng hai đầu" của phụ nữ.

Sự thực thì các nhà họa kiểu thời trang không may nhiều túi cho phụ nữ không phải vì họ không muốn phụ nữ lấn chiếm thêm nữa vào lãnh vực quần áo đàn ông, mà việc không may nhiều túi cho phụ nữ là vì lý do địa lý hình thể (?).

Thí dụ những cái túi áo sơ mi mà đàn ông vẫn dùng để đựng một trăm thứ chẳng hạn. Bút mấy cái, thẻ ra vào sở, vài ba thứ giấy không bỏ vào ví được. Những thứ ấy, khi cần, đều có thể lấy ra rất dễ dàng, không hề gây trở ngại lưu thông bao giờ. Nhưng tưởng tượng Demi Moore hay Julia Roberts, hay Sharon Stone tìm cách lấy những thứ họ đựng trong túi ra mà xem. Việc làm đó sẽ khó khăn hơn việc làm của những người đàn ông rất nhiều. Những cái túi của họ, không để gì ở trong cũng đã cộm (?), đã như nhồi nhét (?) một triệu thứ. Bây giờ lại phải tìm cách lấy cái bút ra thì khổ đời những người qua lại (?) biết là chừng nào.

Như vậy thì nhất quyết là không nên cho họ những cái túi áo như người độc giả muốn.

Thế còn túi quần?

Cũng không nên. Lý do như đã nói ở trên, là cảnh thọc tay trong túi quần, huýt sáo đi tung tăng là đặc quyền của đàn ông. Đàn bà không có lý do gì để thọc tay trong túi quần hết.

Hơn nữa, có những lúc đàn ông phải để tay trong túi quần. Thí dụ như khi bị hỏi một câu tương tự như câu của Mae West: "Is that a gun in your pocket or is it because you are glad to see me?"

Bị hỏi như thế, lại không dấu súng trong người, không thọc tay vào túi quần, bỏ đi lập tức thì phải làm gì bây giờ? Đàn ông phải có túi quần, đàn bà thì không là vì thế.

Không cần thì đòi túi làm gì?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 126)

THE SIMPLE PRESENT TENSE AND THE PRESENT CONTINUOUS TENSE

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 126 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, kỳ trước, chương trình có nói về thì hiện tại liên tiến, PRESENT CONTINUOUS TENSE, một thính giả gửi thư cho chương trình yêu cầu anh nói thêm về thì này để cụ không còn bất cứ một thắc mắc nào về thì này nữa.

BBT

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày xin cám ơn cụ và hôm nay chung ta sẽ nói thêm cho hết về thì PRESENT CONTINUOUS như cụ yêu cầu. Thì hiện tại liên tiến thực ra không khó và cũng không rắc rối như các thì PERFECT gồm PRESENT, PAST và FUTURE PERFECT chẳng hạn, nhưng nó có hai ba cách dùng khác nhau và cũng nên để ý một chút.

Trúc Giang nhắc lại cách hợp thành của thì PRESENT CONTINUOUS coi.

TRÚC GIANG

Tất cả các thì CONTINUOUS như PAST, PRESENT và FUTURE CONTINUOUS đều dùng động từ TO BE và theo sau là PRESENT PARTICIPLE tức là hiện tại phân từ, động từ có gắn cái đuôi ING ở phía sau. Nói rõ hơn, PRESENT CONTINUOUS TENSE được thành lập bằng I AM, YOU ARE, HE và SHE IS, WE ARE, THEY ARE, rồi theo sau là động từ chính cộng thêm cái đuôi ING. Thí dụ WE ARE TALKING ABOUT THE PRESENT CONTINUOUS TENSE. WE ARE SITTING IN THE CLASS.

BBT

Cám ơn Trúc Giang. Chúng ta dùng thì PRESENT CONTINUOUS TENSE để nói về một chuyện đang xẩy ra, đang diễn ra vào lúc này, vào lúc chúng ta đang nói chuyện, hay cũng có khi về một chuyện không đang xẩy ra vào lúc này. QA cho nghe hai thí dụ với PRESENT CONTINUOUS coi.

QA

WE ARE TALKING ABOUT THE PRESENT CONTINUOUS TENSE RIGHT NOW.

THEY ARE NOT WATCHING TELEVISION AT THIS MOMENT.

BBT

Chúng ta cũng có khi dùng PRESENT CONTINUOUS TENSE cho những việc đang xẩy ra, đang diễn ra nhưng không nhất thiết phải đang xẩy ra vào đúng lúc này. Thí dụ HE IS STUDYING DENTISTRY IN SAN FRANCISCO.

Câu này nghĩa là anh ấy đang học nha khoa ở San Francisco. Nhưng vào lúc chúng ta nói câu này, thì anh ấy đang nghỉ, đang đi trượt tuyết ở Colorado chứ không bắt buộc là đang ngồi học trong giảng đường.

Trúc Giang nói thử hai câu, dùng PRESENT CONTINUOUS TENSE về hai chuyện đang diễn ra, nhưng không nhất thiết phải đang diễn ra đúng vào lúc này coi.

TRÚC GIANG

MY HUSBAND IS WORKING FOR A BIG COMPANY IN LOS ANGELES.

THE CHILDREN ARE GOING TO SCHOOL IN THE MORNING.

BBT

Và hai cô cũng biết thì PRESENT CONTINUOUS cũng còn được dùng để nói về một việc sẽ diễn ra trong một tương lai rất gần nữa. QA còn nhớ bài kỳ trước không?

QA

Đây là cách dùng cho tương lai gần, NEAR FUTURE như trong bài kỳ trước: WE ARE NOT GOING TO THE PARTY TONIGHT.

WE ARE VISITING OUR PARENTS THIS WEEKEND.

BBT

Còn một cách dùng nữa của PRESENT CONTINUOUS TENSE, đó là để nói về một chuyện gây khó chịu cho chúng ta hay tạo kinh ngạc cho mọi người. Ý nghĩa thì hệt như thì SIMPLE PRESENT TENSE nhưng có ngầm ý là gây khó chịu cho người nói và người nghe. Trong trường hợp đó, chúng ta luôn luôn thêm các trạng từ ALWAYS hay ALL THE TIME, hay CONSTANTLY để diễn tả cho người nghe hiểu là việc ấy gây ra sự khó chịu cho mọi người. Thí dụ SHE IS ALWAYS COMING LATE. Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với cách dùng này coi.

TRÚC GIANG

HE IS CONSTANTLY COMPLAINING ABOUT EVERYTHING.

SHE IS RAISING HER VOICE ALL THE TIME.

BBT

Còn QA?

QA

THE DOG NEXTDOOR IS BARKING ALL NIGHT LONG.

MY OTHER CAR IS GIVING ME A LOT OF PROBLEMS ALL THE TIME.

TRÚC GIANG

Thưa chú, cháu nhớ là có một hai lần chú nói là có một số động từ không thể dùng với các thì CONTINUOUS TENSE. Chú có thể nhắc lại đó là những động từ nào không?

BBT

Có khá nhiều, ít nhất cũng khoảng gần 40 động từ nên tôi không thể kể hết ngay ra ở đây. Nhưng có một số động từ chắc chắn hai cô đã biết như TO HATE, TO LIKE, TO LOVE, TO NEED, TO WANT, TO WISH, TO KNOW, TO REMEMBER, TO OWN, TO HEAR, TO SEE vân vân. Có thể nói chung đó là những động từ không diễn tả những hoạt động hay nói về những hành động nào đó. Một số các động từ này nói về những tư tưởng, ý tưởng, suy nghĩ như TO KNOW, TO RECOGNIZE hay đề cập đến sự sở hữu như TO OWN, TO BELONG, hoặc về tình cảm như TO LOVE và TO NEED, hay những nhận thức của giác quan như TO FEEL, TO SEE… Tất cả đều không thể dùng trong các thì CONTINUOUS TENSES. Trong khi đó, động từ TO WALK là động từ diễn tả một hành động. Động từ TO OPEN cũng diễn tả một hoạt động. Chúng ta có thể dùng chúng trong các thì CONTINUOUS.

QA

Thưa anh, tại sao không dùng TO HEAR và TO SEE được? Hai động từ này cũng có hoạt động cả đấy chứ.

BBT

Không. TO HEAR là nghe thấy. TO HEAR dùng trong trường hợp tiếng động tự nhiên lọt vào tai chúng ta trong khi chúng ta không hề cố gắng lắng tai để nghe. Nếu cố gắng nghe, nghiêng đầu, lấy tay khum lại ôm lấy vành tai, cố gắng để cho tiếng động lọt vào tai thì đó mới là có hành động. Khi đó, chúng ta dùng TO LISTEN. Chúng ta không dùng TO HEAR với CONTINUOUS TENSE nhưng chúng ta có thể dùng TO LISTEN với CONTINUOUS TENSE. Cũng tương tự là trường hợp của TO SEE và TO LOOK. TO SEE là thấy. TO LOOK là nhìn. TO SEE là không có cố gắng hay nỗ lực mà vẫn nhiìn thấy, trong khi TO LOOK thì phải có cố gắng, phải vận dụng sự chú ý của đôi mắt.

TRÚC GIANG

Như vậy tại sao cháu lại thấy công ty hamburger McDonalds, một công ty lớn với các nhân sự chỉ huy chắc chắn phải là những người có khả năng viết lách chính xác tiếng Anh thì lại dùng I’M LOVIN’ IT trong khi văn phạm nói là TO LOVE không thể dùng trong thì PRESENT CONTINUOUS?

BBT

Trúc Giang nói rất đúng. Nhưng đó là chính là chủ ý của McDonalds. Quảng cáo của họ rất thành công, bằng cớ là nó đã làm cho Trúc Giang phải khó chịu, và nhớ nó ngay lập tức. Nếu như quảng cáo viết I LOVE IT thì nghe thường quá. Nhưng khi viết I’M LOVIN’ IT trong những quảng cáo dựng lên ở đầy đường thì ai cũng chú ý và nhớ nhập tâm ngay như chúng ta đã thấy. Trúc Giang biết là trong các quảng cáo, và luôn cả trong lời của những bản nhạc, nhiều khi người ta cố ý không tôn trọng các luật lệ bình thường của văn phạm để làm cho người đọc và người nghe phải nhớ. Justin Timberlake có một ca khúc tên là I‘M LOVING IT. Rồi ban The Scorpions cũng có một ca khúc tên là STILL LOVING YOU.

Quảng cáo này của McDonald chắc có nhiều người ghét lắm nên đã có hai cách chiết tự để diễu nó. Chiết tự là trò chơi hoán chuyển, thay đổi vị trí những chữ để tạo thành những tiếng mới có nghĩa khác như THẾ LỮ là chiết tự từ tên thật của ông là Nguyễn THỨ LỄ mà ra, hay Trần KHÁNH GIƯ trở thành KHÁI HƯNG cũng bằng cách chiết tự. Bằng cách chiết tự đó, I AM LOVING IT trở thành AILING VOMIT nghĩa là đau bệnh, muốn ói luôn, hay hoán chuyển vị trí của những chữ I‘M LOVING IT để thành OMIT LIVING nghĩa là dẹp bỏ cuộc sống đi. Đến đây chắc cũng đã đủ về PRESENT CONTINUOUS TENSE rồi chứ hai cô? Hồi còn dậy học ở Việt Nam, để các học sinh nhớ ngay thì PRESENT CONTINUOUS, tôi dậy họ mấy câu này:

ARE YOU SLEEPING?

ARE YOU SLEEPING?

BROTHER JOHN, BROTHER JOHN?

MORNING BELLS ARE RINGING!

MORNING BELLS ARE RINGING!

DING! DING! DONG!

Hai cô nghe bao giờ chưa?

TRÚC GIANG

Cháu chỉ nghe như thế này thôi… (hát theo điệu bài FRÈRE JACQUES) Giờ ăn đến rồi… Giờ ăn đến rồi... Mời anh sơi… Mời anh sơi…

QA

Bây giờ, QA muốn hỏi anh một câu hơi ra ngoài một chút. Hôm nọ, QA nghe thấy con trai QA nói với bạn qua điện thoại một câu bắt đầu bằng AS FAR AS I AM CONCERNED, QA muốn hỏi anh câu ấy nghĩa là gì, và dùng nó trong những trường hợp nào?

BBT

Hai cô nghe câu này nhé: AS FAR AS I AM CONCERNED, THE GAS PRICE WILL KEEP GOING UP AND UP. Dịch tạm sang tiếng Việt, câu này nghĩa là theo chỗ tôi hiểu, theo chỗ tôi biết, theo chỗ tôi quan tâm thì giá xăng sẽ tiếp tục gia tăng thêm nữa.

Nếu chúng ta bỏ hẳn mệnh đề AS FAR AS I AM CONCERNED, chỉ còn mệnh đề sau: GAS PRICE WILL KEEP GOING UP AND UP thì ý nghĩa của câu có thay đổi gì không?

QA

QA không thấy có gì khác giữa hai câu. Như vậy, mệnh đề AS FAR AS I AM CONCERNED được dùng để làm gì?

BBT

Chúng ta dùng mệnh đề AS FAR AS I AM CONCERNED chỉ là để tạo sự chú ý của người nghe trước khi chúng ta đi vào câu chính, dẫn tới ý chính mà chúng ta muốn chuyển đạt.

TRÚC GIANG

Thưa chú nếu không muốn dùng AS FAR AS I AM CONCERNED thì còn có những cách dùng khác nữa không, với cùng một ý nghĩa như mệnh đề AS FAR AS I AM CONCERNED?

BBT

Có chứ. Có nhiều cách. Chúng ta có thể nói AS FAR AS I CAN SAY; AS FAR AS I CAN TELL; AS FAR AS I KNOW; AS FAR AS I COULD REMEMBER; AS FAR AS I CAN POSSIBLY SEE

Chúng ta cũng có thể thay AS FAR AS bằng SO FAR AS như SO FAR AS I CAN SAY, hay SO FAR AS WE CAN TELL; SO FAR AS THEY CAN SEE; SO FAR AS YOU CAN PREDICT

TRÚC GIANG

SIR, SO FAR AS WE CAN SAY, OUR TIME IS UP. WE WILL MEET AGAIN NEXT WEEK.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.