December 28, 2011

December 30, 2011

Ngày 26 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

"Diamonds are a girl's best friend" thực ra không phải là câu nói của Liz Taylor như tôi vẫn nghĩ từ trước đến nay.

Câu này là tựa đề của một ca khúc, nhạc của Jule Styne, lời của Leo Robin viết năm 1949, nhưng không hiểu vì sao, nhiều người cứ nghĩ là của Liz Taylor. Có thể là vì cô đào này có nhiều kim cương chăng? Mỗi lần lấy chồng, cả thẩy tám lần, nếu tôi đếm đúng, tay cô đều đeo một cục đá mới to tổ bố, nên cô trở thành bạn thân của kim cương và kim cương trở thành bạn chí thiết của cô? Rồi một loại nước hoa mà cô quảng cáo hai mươi mấy năm trước , White Diamond, lại càng làm cho tên của cô đi sát với kim cương hơn.

Nhưng ngày nay, kim cương không chỉ là bạn của phụ nữ như tên của bài hát nữa, mà là bạn của nhiều thứ rất kỳ lạ. Thí dụ của Foday Sankoh, của Charles Taylor chẳng hạn. Mà Foday Sankoh hay Charles Taylor thì không thể là phụ nữ được. Foday Sankoh là người cầm đầu Mặt Trận Cách Mạng Thống Nhất (Revolutionary United Front), lực lượng phiến loạn ở Sierra Leone, một quốc gia ở tây Phi châu. Còn Charles Taylor là tổng thống của Liberia cũng ở tây Phi châu. Hai ông này không đeo nhiều kim cương, nhưng kim cương vẫn là bạn thiết của hai ông. Kim cương đã giúp những người như hai ông tiến hành những cuộc nội chiến chém giết khủng khiếp nhất trong lịch sử Phi châu.

Mới đây, người ta khám phá ra rằng chính kim cương đã gây ra bao nhiêu khổ nạn cho những người dân bất hạnh của Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia. Các nước này đều có những mỏ kim cương với sản lượng rất lớn. Và chính nhờ lợi tức thu được qua dịch vụ xuất cảng kim cương ra ngoài, mà các nước này mới có tiền mua võ khí để tiến hành những cuộc nội chiến kinh hoàng như thế. Những khẩu AK, những chiến xa T-54, những hỏa tiễn 122mm, những phản lực cơ MiG trong tay các lực lượng quân sự của các nước này đều được mua bằng tiền bán kim cương. Những viên kim cương ở các quốc gia Phi châu này không chỉ là kim cương, mà là "conflict diamonds", những cục kim cương giúp tài trợ cho các phong trào nổi dậy, phiến loạn ở Sierra Leone, Congo, Liberia và Angola. Ở Sierra Leone, thường dân bị đuổi ra khỏi những nơi có mỏ kim cương, quân của Foday Sankoh khủng bố, chặt tay những ai dám chống lại lệnh đi khỏi các khu này. Và mới đây, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã bị quân của Foday Sankoh tấn công khi định tiến vào khu vực có mỏ kim cương. Các chi tiết này cho thấy kim cương là bạn thiết của các ông này như thế nào. Các ông không đeo chúng.

Chỉ có các phụ nữ như Liz Taylor mới lóng lánh hột soàn trên tay, như những hứa hẹn của những cuộc hôn nhân lâu dài.

Tại cuộc họp của các nhà sản xuất và buôn bán kim cương nhóm tại Antwerp, Bỉ, mới đây, các phái đoàn tham dự hội nghị đã quyết định phải chặn đứng việc buôn bán những cục "conflict diamonds" này vì nó dính quá nhiều máu của những người dân Phi châu khốn khổ. Nhưng rất nhiều kim cương "conflict" này đã lọt được ra ngoài. Số lượng kim cương này không phải là nhỏ khi nhìn vào số võ khí mà các nước Phi châu này có trong tay để theo đuổi những cuộc chiến khủng khiếp từ mấy năm nay.

Những cục đá rực rỡ trên tay những người phụ nữ mà chúng ta gặp trong những đám cưới, những đám tiệc sang trọng ở đây, có rất nhiều cục, nhìn kỹ còn thấy những vết máu của người Phi châu khốn khổ khốn nạn ấy. Có những cục đã từng nằm trong hậu môn của những người phu mỏ Nam Phi khi những người phu này lén đánh cắp chúng để mang ra ngoài sau những buổi làm trong những mỏ kim cương như hình chụp trong một số báo National Geographic.

Những viên kim cương ấy có khi nằm trên những chiếc vương miện, những chiếc tiara, diadème... ngự trên những mái tóc, có khi trên những chiếc nhẫn ở những ngón tay...

Nghĩ như thế rồi liệu chúng ta có còn muốn đeo những viên kim cương này nữa không? Những người đàn ông nên nhắc những người đàn bà khi đứng trước những cửa hàng bán kim cương về những vết máu của những người dân Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia, Burkina Faso... Làm như thế, may ra những người phụ nữ nhân đức, biết thương người này (?) sẽ chạy sang K-Mart mua đại cái nhẫn rẻ tiền đeo tạm để máu của những người dân Phi châu không bám vào tay của họ nữa, và có khi nhờ đó, mà máu người Phi châu sẽ bớt đổ chăng.

Hay lúc đó, lại nổi cơn... khát máu người dân Phi châu vô tội, lôi câu để đời của Zsa Zsa Gabor (*), sửa đi một chút để nói rằng "tôi chưa ghét một người đàn ông nào tới mức để từ chối cục kim cương của chàng", và đòi cho bằng được cục kim cương dư sức ném vỡ đầu con chó để mấy con mụ khác tức điên lên chơi?

_________________

(*) Câu nguyên văn của Zsa Zsa Gabor là "I never hated a man enough to give him diamonds back" đọc được trong tờ Observer số đề ngày 25 tháng 8 năm 1957.


Ngày 27 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.

Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Đài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Ðiều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.

Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Đông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Đài Loan từ đó đến nay.

Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.

Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.

Đây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Đức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...

Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Đặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.

Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.

Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.

Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Đại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má (?) nữa vân vân.

Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?

Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói càm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?

Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.


Ngày 28 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Abby, như chúng ta đã đồng ý nhiều lần, nên về hưu, gác bút, log off cái computer của nàng, cất nó xuống basement, và nghỉ viết mục trả lời các thắc mắc của độc giả mà nàng đã phụ trách quá lâu trên các báo Mỹ.

Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục viết, và càng tiếp tục viết, nàng càng cho thấy là nên qui ẩn cho rồi. Nên, từ rất lâu mới đúng.

Mới đây, Abby góp ý với một độc giả muốn có câu trả lời cho những gợi ý, những thúc giục, những lời khuyên là nên đẻ thêm một hai đứa con nữa trong khi chiếc đồng hồ nội bộ (?) của người độc giả này đang hối hả chạy những vòng cuối trước khi sợi dây thiều lăn đùng ra khiến cái đồng hồ chết ngắc.

Cái internal clock -- đồng hồ nội bộ-- ở cái tuổi của chúng ta, hoặc đã ngưng chạy, hay vẫn còn đang chạy, nhưng bằng những nhịp cực kỳ rối loạn, làm những đêm mùa đông bỗng như hừng hực lửa của nắng hè (?), những đổi thay của tâm tính, những cáu bẳn vô lý hơn mọi vô lý thường ngày, mức estrogene càng ngày càng xuống thấp... mà lại còn bị nhắc thêm vài câu hối thúc như vậy thì người nghe khó chịu là phải.

Chẳng lẽ lại hét lên câu hăm dọa mà tôi mới đọc được trên cản sau chiếc xe đậu gần sở: My estrogene is low and I have a gun -- này, estrogene của tôi đang xuống thấp và tôi có súng trong tay đấy nhé.

Với những đề nghị như thế, không thể chỉ nói không phải việc của ông / bà. Câu này thường quá, những góp ý sẽ còn trở lại nữa. Câu trả lời như thế nghe như những che dấu không cần thiết. Người nghe nhất định sẽ nghĩ ra trong đầu những lý do khác ghê rợn hơn nhiều.

Cũng không thể hăm dọa, răn đe mà không kèm theo những hành động đi kèm, thí dụ nói rằng nếu muốn, tôi có thể đẻ thêm một chục đứa nữa (bằng cách sinh mười chẳng hạn, cho kịp vòng quay cuối của chiếc kim đồng hồ nội bộ) trong khi không cách nào làm được nữa.

Lại cũng không nên nói rằng mấy quả grade A còn lại trong hộp... trứng đã thối hết như một phụ nữ tôi quen vẫn nói. Không được. Ai lại vạch... trứng cho người xem như thế.

Abby trả lời người độc giả nọ rằng cứ nói là xưởng của chúng tôi đóng cửa thế là xong. Our factory is closed. Xưởng đóng cửa, tiệm đóng cửa, phẹc mê bu tích, không sản xuất nữa. Chấm dứt.

Abby tưởng trả lời như vậy là xong. Như trường hợp xưởng đóng cửa trong lúc khó khăn kinh tế, sản xuất đình lại tại các xí nghiệp quốc doanh không lời lãi cuối cùng phải dẹp như ở các nước Cộng sản cũ để cắt bỏ những gánh nặng đè lên các quốc gia này. Trong những trường hợp đó, đóng cửa là chấm dứt, là không còn một hoạt động nào khác nữa. Là công nhân thất nghiệp dài cổ, là chủ nghĩa Cộng sản với hệ thống kinh tế do trung ương thiết kế phá sản thê thảm là đúng.

Nhưng thực ra, không phải xường máy nào, sau khi đóng cửa cũng buồn bã, chán nản như thế. Một số nhà máy, khi đóng cửa, phải bồi thường cho nhân viên bị cho nghỉ việc. Nhiều khi công nhân được những món tiền đáng kể. Do đó, cửa nhà máy có thể đóng, nhưng đó không phải là chấm dứt mọi chuyện. Người công nhân có tiền, có thể vui chơi tiếp (?) hay đi kiếm một xưởng máy mới (?) còn tiếp tục thu dụng họ. Nên trả lời như Abby có thể là không đúng.

Tôi đọc câu trả lời của nàng xong, thì ấm ức ghê lắm. Trả lời thiếu sót như vậy mà cũng đòi trả lời, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tơ lòng cho người khác. Nhưng tôi cũng không biết phải thêm vào câu trả lời của nàng những gì để cho hợp lý hơn.

Thì hôm trước, một độc giả ở Lansing, Michigan viết cho Abby với một đề nghị nhỏ để thêm vào câu trả lời của Abby. Người độc giả này, mà tôi tin chắc là một phụ nữ, đề nghị Abby thêm vào câu này: But the playground is still open.

Xưởng máy tuy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, vì không thể sản xuất được nữa, vì không có nhu cầu sản xuất nữa, vì khó khăn kinh tế hay vì những nguyên do khác, nhưng sân chơi, sân giải trí của xưởng máy thì vẫn tiếp tục mở cửa (?) cho các công nhân của xưởng máy bị đóng cửa vào chơi như thường.

À, như thế mới được. Xưởng máy đóng cửa, nhưng tại sao phải đóng cửa một tiện nghi (?) mà các công nhân trước kia vẫn được phép sử dụng?

Phải mở cửa chứ. Xưởng máy của Abby có thể đã đóng cửa, và sân chơi của cái xưởng đó có thể cũng đã dẹp luôn, những cái cầu tuột (?) những cái đu, những bồn cát để xúc cát (?) chơi có thể đã đóng như trường hợp xưởng của Abby, nhưng những sân chơi ở các xưởng máy khác vẫn tiếp tục mở thì sao?

Ồ, trả lời như Abby là sai sót thấy rõ. Khi không cho đóng cửa sân chơi luôn mà cũng gỡ rối tơ lòng độc giả thì sao được!


Ngày 29 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Nếu tò mỏ một chút, mở những trang rao vặt trong các báo Mỹ, người ta thấy một điều ít người có cuộc sống bình thường ngoài đời có thể tưởng tượng ra được.

Trong tờ Los Angeles Time xuất bản tại Los Angeles , California ngày nào trung bình cũng có từ 2 đến 4 lời rao tìm bạn.

Chuyện tìm bạn thì không có gì lạ, nhưng lời rao của những người đang ở một nơi mà chuyện đi lại rất khó khăn mói là chi tiết đáng lưu ý.

Mấy tháng trước, trong internet, có người đăng một đoạn tìm bạn, khai rõ rằng ông là một người đàn ông bình thường khỏe mạnh, không tứ đổ tường, đời sống gương mẫu, giờ giấc bao giờ cũng đúng, đúng giờ làm việc, giờ ăn, giờ ngủ rất điều độ. Ông cho biết đã làm như thế được từ ba, bốn năm nay. Ai muốn quen với ông thì viết thư về điạ chỉ một nhà tù, khu các tù nhân thọ án chung thân.

Đọc lời rao, ngưòi ta nghĩ đó là chuyện đùa. Trên đời làm sao kiếm được một người đàn ông có những hành động gương mẫu, điều độ và lành mạnh như thế, ngoại trừ ở nhà tù.

Nhưng những lời rao tìm bạn thư tín đọc thấy trên tiờ Los Angeles Time thì lại không đùa chút nào. Gần như tất cả những người rao đều là đàn ông.

Tất cả đều nói rõ tuổi tác, tầm vóc, mầu da, và không dấu diếm gì chi tiết là đang ở tù. Sau đó , những người này cho biết còn phải ở tù thêm bao nhiêu lâu nữa. Cuối cùng là một lời hứa sẽ gặp khi ra tù để tính chuyện lâu dài.

Người bình thường thì ai lại nghĩ là có người viết thư làm quen với những người như thế. Riêng chuyện người ấy đang vòng lao lý mà chưa đủ làm nản lòng hay sao?

Nhưng người ta cũng thấy là ở Mỹ, gần như ai cũng có vợ chồng, bạn trai, bạn gái và những thứ liên hệ khác.

Thế thì trong những cuộc hôn nhân hay tác hợp đó chắc chắn phải có những cựu tù nhân.

Vậy thì chắc chắn những người tù, khi mãn hạn, trở lại đời sống bên ngoài vẫn có thể làm lại cuộc đời. Người Mỹ rất công bình trong chuyện này. Ai phạm tội thì đi tù. Trả nợ xong xã hội thì lại được cho trở lại sống cuộc đời bình thường và xâ hội, luật pháp bảo đảm chuyện đó.

Thế nên những người tù vẫn muốn kiếm bạn, và những người bên ngoài vẫn đi tìm bạn ở trong tù.

Và đó là lý do xuất hiện của những mối tình trong tù.

Nhưng ai là những người đi kiếm bạn trong tù?

Đa số là các phụ nữ. Bộ họ không sợ những người có một quá khú kinh khủng như vậy hay sao?

Chắc là phải có. Nhưng uớc muốn có một nguời thuộc về mình và một người để mình thuộc về thường lớn hơn những nỗi sợ kia.

Ngay cả những người tù chung thân và không có cơ hội bước ra khỏi khám đường cho đến lúc mãn đời, vẫn có những nguời muốn làm quen, muốn trở thành một người bạn trai hay một người bạn gái của người tù đó.

Cách đây mấy năm, Scott Peterson, 1 người đàn ông trẻ tuổi ở San Francisco bị phạt chung thân về tội giết vợ và con trai trong bụng của vợ.

Ngay sau khi có án, người tù này nhận được cả mấy chục thư làm quen , và xin thành hôn.

Luật lệ ở Mỹ KHÔNG cấm những cuộc hôn nhân như thế. Và một số không ít người đã lập những hôn thú như thế.

Những người tù này sẽ không bao giờ ra khỏi được ngoài cửa của khám đường.

Thế thì tại sao lại lập hôn thú với những người như vậy?

Các chuyên gia tâm lý nói rằng cả hai đều rất cô đơn. Một ngưòi thì sẽ phải sống hết đòi trong nhà tù, không có cơ hội được trả tự do. Một đằng có thể có một hai vấn đề tâm lý. Người ấy muốn kiểm soát hoàn toàn nguời phối ngẫu. Nhưng việc này không phải lúc nào cũng làm được với nhưng người đàn ông bình thường sống ở ngòai xã hội.

Nhưng với những người tù với những bản án dài lâu thì việc kiểm soát, giờ giấc , nơi chốn đi lại là một việc có thể làm được gần như 100%.

Một số phụ nữ sẵn sàng làm đám cưới với những ngưòi đàn ông như vậy để có được cảm tưởng thuộc về ai đó, để thư từ, liên lạc điện thoại bất cứ lúc nào cũng được và không phải gặp những trường hợp phải nổi ghen dùng đùng lên bao giờ.

Một số những người đàn ông này đã được thả, và đứng đợi họ ngoài cửa khám đường, là những người bạn thư tín trong những tháng năm ở trong tù.

Có những cuộc hôn nhân thành công và cũng có những chuyện đi tới đổ vỡ. Nhưng ngay cả những cặp vợ chồng bình thường, không có bên nào vào tù ra khám mà cũng vẫn gặp chyện đổ vỡ thì đổ vỡ trong những cặp hôn nhân với một người từng ở tù thì có gì lạ.

Và vì thế, càng ngày người ta càng thấy nhiều cuộc hôn nhân với người phối ngẫu đang thọ án là như thế.


Ngày 30 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tối hôm qua, khi đi tìm một bài báo trong tờ Harper's số phát hành cách đây mấy tháng, tình cờ tôi đọc được quảng cáo của một tổ chức bảo vệ cây rừng thật là tuyệt.

Nửa trên của trang quảng cáo là bức hình chụp một khu rừng cây với những thân cổ thụ xanh mướt, và phía dưới là câu hỏi liệu những cây mọc đã vài trăm năm ấy, ngày mai có bị biến thành giấy đi cầu không.

Mỗi ngày, theo tổ chức bảo vệ cây rừng, hàng ngàn mẫu rừng đang bị phá trụi, từ British Colombia ở Gia Nã Đại, đến Amazon ở Nam Mỹ, sang California và Alaska ở Hoa kỳ, luôn cả Siberie thuộc Nga và Malaysia để biến thành bột giấy, hay gỗ để đóng đồ đạc.

Nhưng quảng cáo nhấn mạnh nhất vào sự kiện cây rừng bị đem nghiền nát, làm bột chế giấy đi cầu. Người viết rất khéo khi nhấn mạnh vào chi tiết này, làm cho việc đốn cây trở thành vô lý, phải ngăn chặn cho bằng được.

Thực ra thì cây rừng còn được dùng vào nhiều việc khác nữa rất cần thiết cho đời sống. Sản phẩm gỗ không thể thiếu trong thế giới con người mặc dù rất nhiều vật liệu khác không chế biến từ cây rừng cũng đang được dùng như plastic, và các kim khí chẳng hạn.

Những thứ chế biến hay lấy từ cây rừng cũng không phải là không cần thiết cho đời sống. Rất cần thiết là khác. Nên việc khai thác cây rừng không phải luôn luôn là điều có thể tránh được. Người ta vẫn trồng rừng để thay thế cho những khu bị phá. Chỉ có thể nói là diện tích rừng mới trồng để thay cho diện tích bị phá không đủ mà thôi.

Giấy đi cầu đưa ra hình ảnh một sản phẩm nghe qua rất tầm thường tưởng là không cần thiết cho đời sống nhưng thực ra thì ngược lại. Những cuộn giấy tròn mà chúng ta không bao giờ đặt lên một ưu tiên cao trong những thứ cần có trong nhà, thực ra, lại rất cần, không có không được. Cứ thử tưởng tượng không có nó, làm sao chúng ta sống nổi.

Ngay cách treo chúng trong buồng tắm, theo một số chuyên gia về luật gia đình, cũng có thể là nguyên nhân đi tới chuyện vợ chồng bỏ nhau. Người muốn treo cho những tờ giấy nằm sát tường, người muốn treo để nó nằm phía bên kia, không ép vào tường. Những bất đồng giữa hai bên từ chuyện treo cuộn giấy đã đưa tới bao nhiêu tan vỡ tại tòa.

Không có chúng làm sao có thể sống được. Dùng giấy báo thì mực in có thể để lại những mầu sắc không cần thiết, ngoài ra, đường ống có thể bị nghẹt, làm hỏng hệ thống thoát nước.

Những cuộn giấy đi cầu, do đó, không phải là những sản phẩm không cần thiết, chỉ làm phí bột giấy, làm cho cây rừng bị đốn xuống một cách vô ích.

Giấy dùng vào những việc khác thì có thể đừng được, chứ giấy đi cầu thì không.

Thí dụ những tờ giấy gói quà chẳng hạn. Những tờ giấy này, bất kể được in lên những hình vẽ, mầu sắc đẹp đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ để bị xé một cách thô bạo trong những tiệc sinh nhật, trong những ngày sau hôm Giáng Sinh hay năm mới. Không bao giờ chúng được dùng lại, hay có được một đời sống lâu dài hơn.

Hay những tấm thiệp vô bổ của Hallmark để thương mại hóa những ngày sinh nhật, những dịp lễ lạc mà người ta bầy ra để bắt chúng ta tiêu tiền một cách phi lý.

Tại sao tổ chức bảo vệ cây rừng lại cứ nhắm vào giấy đi cầu để vận động thế giới đừng đốn cây, phá rừng trong khi những cuộn giấy đi cầu hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta đang sống?

Tại sao không dùng một sản phẩm khác, và sửa câu viết trong quảng cáo thành: Có nên biến những cây cổ thụ này thành những tập thơ của các mầm non thi ca vừa tổ chức ra mắt tuần qua hay không?

Viết như thế, chắc chắn sự hưởng ứng sẽ rất đáng kể. Cây rừng sẽ thoát những lưỡi cưa, rừng sẽ được tha cho sống. Và để nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khỏi phải than thở trong mấy trang đầu của cuốn "Thơ, v.v...và v.v..." ( Văn Nghệ xuất bản năm 1996) rằng ông đã mua phải hàng trăm tập thơ dở. Ông có vẻ rất không vui về chuyện đó.

Nếu có tiếc thì nên tiếc là giấy, chế từ bột gỗ của cây rừng, được dùng để in những tập thơ dở như thế. Chứ còn dùng bột gỗ để làm những cuộn giấy đi cầu thì hoàn toàn hợp lý và rất nên làm. Không có giấy đi cầu thì vất vả ngay.

Không có những tập thơ dở mà Nguyễn Hưng Quốc mua phải, thì thế giới vẫn hạnh phúc như thường. Thiếu những cuộn giấy đi cầu thì không hạnh phúc chút nào.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 125)

THE FUTURE IS HERE

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 125 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Thưa anh, QA biết là Trúc Giang sau mấy tuần vắng mặt hôm nay trở lại lớp với ít nhất hai câu hỏi để gửi ông thầy. Mời Trúc Giang.

TRÚC GIANG

Thưa chú, hôm cháu từ bệnh viện về nhà, ông bác sĩ nói với cháu, nguyên văn, rằng : I SEE YOU AND THE BABY NEXT MONTH. Thưa chú, ông ấy là người Mỹ nói thì chắc là đúng, không thể sai văn phạm được, nhưng cháu vẫn thắc mắc tại sao ông không nói I WILL SEE YOU AND THE BABY NEXT MONTH mà lại nói là I SEE YOU NEXT MONTH? Câu I SEE YOU là PRESENT TENSE, là thì hiện tại, tại sao ông lại dùng cho một việc làm sẽ diễn ra trong tương lai?

BBT

Trúc Giang và QA nên hiểu là KHÔNG hề có MỘT THÌ TƯƠNG LAI, MỘT FUTURE TENSE duy nhất trong tiếng Anh. Người ta có thể diễn tả những chuyện trong tương lai bằng 3 cách khác nhau ngoài cách dùng WILL và SHALL của thì SIMPLE FUTURE. Một trong những cách đó là dùng thì hiện tại, PRESENT TENSE để nói về những chuyện sẽ xẩy ra, sẽ diễn ra trong tương lai. Đó là khi chuyện đó, việc đó, hành động đó gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong một tương lai gần. Tương lai đó không phải một, hai năm nữa, vài chục năm sau này, mà một thời điểm gần hơn như một tiếng đồng hồ, hai, ba ngày, vài ba tuần.

QA

Thưa anh, ngoài việc những hành động đó sẽ diễn ra trong tương lai gần, còn một chi tiết đặc biệt nào khác nữa không?

BBT

Cô QA hỏi một câu rất đúng lúc vì tôi đang định nói thêm chi tiết đó. Người ta dùng PRESENT TENSE để nói về một việc sẽ diễn ra trong một tương lai gần, IN THE NEAR FUTURE, khi chuyện đó đã được sắp đặt để diễn ra, đã được giàn xếp và có nhiều phần chắc chắn sẽ diễn ra, sẽ không có những đối thay nào, có thể do luật lệ qui định, do những điều kiện, những đòi hỏi buộc nó phải diễn ra. Trúc Giang sẽ phải trở lại bệnh viện trong tháng tới vì ông bác sĩ muốn cân đo cho cháu bé, theo dõi sức khỏe của mẹ, và bệnh viện đã định ngày trở lại để tái khám theo lịch làm việc của bác sĩ.

QA

Như vậy không thế nói IT RAINS HARD ON THE 19th OF NEXT MONTH vì tiên đoán thời tiết vẫn có thể sai như thường phải không thưa anh? Nhưng nói tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2013 chẳng hạn thì được chứ?

BBT

Đúng vậy, vì ngày đó đã được qui định bởi Tu Chính Án số 20 của hiến pháp Mỹ, và không gì có thể thay đổi được ngày đó. Trúc Giang sẽ nói bằng tiếng Anh như thế nào?

TRÚC GIANG

THE NEXT OATH TAKING CEREMONY IS ON JANUARY THE 20TH OF 2013.

BBT

QA cho nghe hai thí dụ dùng PRESENT TENSE để nói về những chuyện chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai coi.

QA

MY SON GRADUATES NEXT YEAR WITH A BACHELOR DEGREE.

MISTER OBAMA LEAVES OFFICE MAYBE AFTER 2 TERMS.

BBT

Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với PRESENT TENSE diễn tả hai việc trong tương lai coi.

TRÚC GIANG

MY FIRST CHILD STARTS THE GATE PROGRAM IN THE FALL.

I RETURN TO WORK AFTER 2 MORE MONTHS.

BBT

Cách thứ 2 để nói về những chuyện trong tương lai mà không dùng WILL và SHALL là dùng PRESENT CONTINUOUS tức là thì HIỆN TẠI LIÊN TIẾN. Thì PRESENT CONTINUOUS này chúng ta đã biết là được dùng để nói về những việc đang diễn ra vào lúc chúng ta nói chuyện. Thí dụ WE ARE SITTING IN THE STUDIO RIGHT NOW. THE CAMERA MAN IS SHOOTING A NEW TV PROGRAM.

Nhưng chúng ta cũng có thể dùng PRESENT CONTINUOUS TENSE để nói về một dự tính, một chủ ý, một việc mà chúng ta đã thu xếp để làm ở một thời điểm nào đó trong tương lai, và thường là tương lai gần. QA thử dùng PRESENT CONTINUOUS để nói về một việc mà cô có dự tính, có dự định làm trong một tương lai rất gần coi.

QA

I AM BAKING A BIRTHDAY CAKE FOR MY DAUGHTER THIS EVENING.

WE ARE HAVING A BIRTHDAY PARTY FOR HER TOMORROW.

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I AM CHANGING THE OIL FOR THE CAR THIS WEEKEND

WE ARE REMODELLING THE KITCHEN NEXT MONTH.

BBT

Chúng ta nhớ nói rõ thời điểm tương lai, một mốc thời gian trong tương lai như NEXT MONTH, TOMORROW, THIS EVENING…để khỏi bị hiểu làm là việc đó đang diễn ra vào lúc chúng ta nói.

Bây giờ qua cách thứ 3 để nói về những chuyện trong tương lai gần mà không dùng WILL và SHALL. Trong cách này, chúng ta dùng TO BE GOING TO, theo sau là một động từ nguyên mẫu INFINITIVE.

Chúng ta dùng cách này khi chúng ta đã có quyết định là sẽ làm chuyện đó vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Thí dụ khi tôi nói I AM GOING TO CUT THE GRASS THIS SATURDAY, thì tôi đã quyết định là làm sạch cái sân vào thứ Bẩy này. Tôi đã mua thêm bao plastic để hốt cỏ và lá khô. Tôi đã xem xét lại cái máy xén cỏ không dùng từ cả năm nay trong garage. Tôi đã hứa là sẽ xắn tay áo lên để dọn cái vườn… Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với cách dùng này coi.

TRÚC GIANG

I AM GOING TO TAKE THE KIDS TO CANADA IN APRIL.

WE ARE GOING TO GET A BIGGER HOUSE THIS SUMMER.

BBT

Còn QA?

QA

MY DAUGHTER IS GOING TO TRANSFER TO USC NEXT QUARTER.

SHE IS GOING TO GET A PART-TIME JOB IN THE SUMMER.

BBT

Đặc biệt cách thứ 3 này với TO BE GOING TO, chúng ta KHÔNG bao giờ dùng với động từ TO GO. Thí dụ chúng ta không bao giờ nói HE IS GOING TO GO TO ITALY. Chúng ta bỏ hẳn TO GO để thành HE IS GOING TO ITALY là đủ.

QA

Đó là câu hỏi số 1 của Trúc Giang. Câu số 2 là gì, hỏi luôn đi Trúc Giang.

TRÚC GIANG

Thưa chú, mấy ngày lễ lạc đã qua, gặp nhau là chúc nhau đủ thứ, và cũng vì thế, cháu thấy cháu không hiểu rõ lắm về động từ TO WISH . Nhờ chú nói lại về động từ này, làm sao dùng nó cho đúng. Cháu biết là chú đã một lần nói về nó.

BBT

Động từ TO WISH có hai cách dùng. TO WISH là chúc, là mong ước người đối thoại có được những chuyện tốt đẹp. Cách dùng này rất giản dị. Chúng ta dùng một danh từ ngay sau TO WISH là được. Thí dụ chúc ai, mong ai có được một năm mới tốt lành, sức khoẻ dồi dào, một đời sống hạnh phúc, một tương lai thoải mái… Chắc Trúc Giang đã biết dùng TO WISH trong những câu như thế. Cho nghe thử vài lời chúc coi.

TRÚC GIANG

I WISH HIM A LONG AND HAPPY LIFE . WE WISH OUR PARENTS THE BEST OF LUCK FOR THE COMING NEW YEAR.

QA

MY CHILDREN WISH THEIR GRAND MOTHER GOOD HEALTH ALL THROUGH THE YEAR. THEY ALSO WISH THEIR GRAND FATHER A LUCKY NEW YEAR.

BBT

Cách dùng thứ hai của động từ TO WISH có hơi rắc rối một chút nhưng cũng không khó lắm. Chúng ta dùng TO WISH khi chúng ta ước ao tình hình khác với thực tế mà chúng ta đang đối mặt. Thí dụ trời đang mưa, chúng ta ước trời khô ráo. Một người thân của chúng ta không có mặt ở đây vào lúc mọi người đang dự party quá vui, chúng ta ước gì người ấy có mặt ở đây. Tình hình kinh tế đang khó khăn, chúng ta ước ao tình hình sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn. Những điều ước đó đều không phải là thực tế chúng ta đang có trước mặt hay trong tầm tay. Trong những trường hợp như thế, động từ đi theo sau TO WISH (present tense) luôn luôn được cho lùi lại một thì, một TENSE để thành past tense. Thí dụ nói I WISH (present tense) HE IS (present tense) HERE thì không đúngIS là thì hiện tại. I WISH (present tense) HE WAS (past tense) HERE mới đúng. Cũng thế, nói WE WISH (present tense) THE ECONOMY IS (present tense) BETTER có đúng không QA?

QA

Không đúng, phải nói là WE WISH (present tense) THE ECONOMY WAS (past tense) BETTER. QA có cô bạn bao giờ cũng đến muộn. Những lúc chờ cô ấy , I WISH (present tense) SHE CAME (past tense) EARLY. I WISH (present tense) SHE ARRIVED (past tense) ON TIME.

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I WISH (present tense) MY HUSBAND COULD (past tense) COOK.

MY GIRLS WISH (present tense) THEY HAD (past tense) A BABY BROTHER.

BBT

QA sửa lại hai câu này cho đúng coi: I WISH IT IS RAINING NOW.

WE WISH THEY ARE SITTING RIGHT HERE AT THIS TABLE.

QA

QA thấy dùng PRESENT CONTINUOUS là không đúng. Phải là PAST CONTINUOS mới được. I WISH IT WAS RAINING (past continuous) NOW.

WE WISH THEY WERE SITTING (past continuous) RIGHT HERE AT THIS TABLE.

BBT

Nhớ là sau WISH, thực tế không như chuyện đang xẩy ra trước mặt chúng ta. Ước gì trời mưa ào lúc này thì thực tế trời không đang mưa. Ước gì họ ngồi ngay ở bàn này thì họ hiện không có mặt ở đây.

Thí dụ tôi định tuần tới đi Canada nhưng nay lại có cái đám cưới rất quan trọng ở đây thì Trúc Giang sẽ nói thế nào?

TRÚC GIANG

I AM GOING TO CANADA NEXT WEEK BUT NOW I WISH I WAS NOT GOING .

BBT

QA cho một thí dụ tương tự coi.

QA

AT 40, HE STILL LIVES AT HOME WITH HIS MOTHER. WE WISH HE HAD HIS OWN APARTMENT.

BBT

Đó là những chuyện đang xẩy ra. Ông ta 40 tuổi rồi mà còn ở với mẹ. Tôi định đi Canada vào tuần tới. Chúng ta dùng WISH với PAST TENSE. Nhưng khi thực tế là những chuyện đã xẩy ra hay không xẩy ra trong quá khứ thì sau WISH chúng ta dùng động từ ở thì PAST PERFECT. Thì PAST PERFECT được tạo thành bằng quá khứ (PAST TENSE) của HAVE là HAD và theo sau là quá khứ phân từ của động từ chính tức là PAST PARTICIPLE. Bạn tôi có cơ hội để đi khỏi Việt Nam năm 1975 nhưng ông không đi nên phải đi tù hơn 10 năm. Nghe chuyện của ông xong, tôi phải nói thế nào đây Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I WISH HE HAD LEFT VIETNAM IN 1975. HAD LEFT là PAST PERFECT của động từ chính là động từ TO LEAVE, LEFT, LEFT.

BBT

QA cho một thí dụ với WISH và PAST PERFECT coi.

QA

Hồi sang Mỹ, QA đi làm ngay thay vì đi học nên I WISH I HAD ENROLLED IN COLLEGE AND (I HAD) TAKEN A FEW COURSES IN COLLEGE. I WISH I HAD STUDIED NURSING.

BBT

Có một điều này nữa về TO WISH tôi muốn nói ở đây. Hồi nẫy chúng ta dùng những thí dụ với TO WISH và động từ TO BE theo sau như WE WISH HE WAS HERE hay I WISH I WAS ON TIME. Thực ra, nói như vậy không đúng. Đáng lẽ phải là HE WEREI WERE thay vì HE WAS và I WAS mới đúng. Đáng lý chúng ta phải dùng SUBJUNCTIVE MOOD tức là bàng thái cách. Động từ TO BE ở SUBJUNCTIVE MOOD bao giờ cũng là WERE cho tất cả các ngôi cho dù đó là ngôi thứ nhất, thứ hai hay thứ ba, để thành I WERE, YOU WERE, HE WERE, SHE WERE, IT WERE, WE WERE, THEY WERE. Nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng bỏ cách dùng bàng thái cách này đi để dùng PAST TENSE của TO BE cho tiện. Cách dùng này không đúng trong văn viết, nhưng trong văn nói, trong khi nói thì càng ngày càng có nhiều người dùng và chấp nhận. I WISH I WAS… HE WAS, SHE WAS vân vân.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.