December 1, 2011

December 1st, 2011

Ngày 28 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Đã có không biết bao nhiêu người quả quyết rằng người Việt là một dân tộc yêu thơ và thích làm thơ.

Cứ mở thử những tờ báo Mỹ ra coi là thấy ngay điều đó. Tờ Time và tờ Newsweek chẳng hạn. Mấy chục năm nay hai tờ báo này có đăng bài thơ nào đâu. Nhưng gần như tất cả, nếu không muốn nói là tất cả những tờ báo Việt Nam ở đây bao giờ cũng phải có mấy trang để đăng thơ độc giả gửi đến.

Thơ hay thì không có bao nhiêu nhưng phải có thơ mới được. Gom được vài ba chục bài là tác giả, thường là tự nhận cũng như được bạn bè thân hữu phong cho danh xưng là nhà thơ, đều có thể in thành tập ngay. Chuyện in thơ không khó khăn như ở Việt Nam trước kia.

Nguyễn Hưng Quốc, một nhà phê bình văn học, giáo sư tại một đại học ở Úc, tác giả của ít nhất là hai cuốn sách viết về thơ, sau một chuyến về thăm Việt Nam với các sinh viên của ông, đã viết trong một cuốn sách rằng ông rất bực bội vì mua phải mấy cuốn thơ dở ơi là dở.

Như vậy, chuyện làm thơ dở đâu phải chỉ có ở hải ngoại mà còn ở cả trong nước nữa.

Đọc được một bài thơ hay, như một nhà thơ rất nổi tiếng đã có lần phát biểu, có thể làm cho người ta sướng cả một ngày. Nhưng đọc phải một bài thơ dở thì sao? Chắc là chán mất cả tháng.

Liếc qua một bài thơ lục bát mà thấy vần tầm bậy tầm bạ là không thể đọc tiếp được. Hay đọc một bài thơ thất ngôn bát cú mà niêm luật, đối không chỉnh thì làm sao chịu nổi. Mà những thứ thơ như thế không phải là ít. Có những tập thơ in ấn cẩn thận rồi tác giả còn vận động vài ba người quen làm việc trong những tòa báo để đem ra đăng dần cho độc giả thưởng lãm. Độc giả đọc chán quá, than phiền với tòa báo thì tòa báo nói là thơ của bạn của chủ báo nên đem đăng. Dẫu cho cả hai người đều đã từng đi học ở đại học văn khoa trước kia.

Chuyện nể nang để đăng thơ của nhau, dẫu là thơ dở chắc cũng làm bực bội nhiều người lắm.

Chuyện bực bội khi đọc phải mấy thứ thơ cóc nhái đó không phải chỉ có bây giờ mới thấy. Nhà thơ phường Khán Xuân cách đây cả hai trăm năm cũng đã có lần phát bực lên:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dậy làm thơ…

Đến là khổ, thơ phú không nên thân lại làm thơ ghẹo gái, "chị" mới mắng cho một trận nát mặt.

Tuy vậy, làm thơ dở là một quyền. Hiến pháp không nói rõ ra nhưng có thể hiểu đó là một quyền được hiến pháp bảo vệ. Vì thế, không thể bắt bỏ tù hay truy tố những người làm thơ dở được. Nhưng đọc phải những thứ thơ ấy thì chịu không nổi. Nhất định phải có ý kiến.

Nếu nhà thơ dở chỉ làm thơ rồi "viết vào giấy dán ngay lên cột, hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay" như ông Tú dán bài thơ của ông lên cột bếp thì kệ ông. Nhưng nếu đem in ra sách rồi đem tặng hay bán (cho chó mua), rồi lại ra mắt sách thì người đọc có quyền có ý kiến. Hay thì khen và dở thì phải đi kiếm phòng mạch tai mũi họng để nhờ giải quyết.

Sáng hôm nay, đọc một tờ nhật báo ở đây (*), tôi thấy mẩu quảng cáo nguyên văn như thế này:

"Nhận dậy làm thơ văn và sửa thơ văn miễn phí cho những quý vị nào đang tập tành viết thơ văn và cho cả các ông bà nào đã tự xưng hoặc được bạn bè lăng xê tâng bốc là thi văn sĩ. Liên lạc Tony Thành 714-556-xxxx."

Đọc lời rao của ông, người ta thấy có vài chi tiết đáng để ý. Ông không nhận thù lao, không muốn được trả công. Trong tình hình kinh tế hiện nay, dùng thì giờ của mình để giúp người khác miễn phí là điều rất ít thấy. Ông đăng quảng cáo cũng mất tiền chứ đâu có miễn phí. Đây cũng lại là chi tiết đáng ghi nhận. Ông không ngại tốn kém, chỉ muốn giúp đời một chút. Ông muốn giúp những quí vị đang " tập tành" viết lách. Rõ ràng ông không mấy tôn trọng các mầm non. Hai chữ "tập tành" nghe thật nghiêm khắc mà lại đầy giọng chê bai, dè bỉu. Nhưng ông cũng không dừng ở đó. Ông còn muốn giúp luôn cả những người "tự xưng hoặc được bạn bè tâng bốc là thi văn sĩ". Ông tình nguyện dậy làm văn thơ vàm sửa thơ văn cho các vị này.

Tôi tin chắc ông bực bội lắm. Lục bát, thể thơ của người Việt xuất hiện trong ca dao, trong các điệu hát và là phương tiện chuyên chở cho các tác giả Nhị Độ Mai, Trê Cóc, Lục Vân Tiên, Kiều… thì ai lại nỡ lòng nào ngồi không khi thấy thể thơ này bị bôi bẩn . Hay sau khi đã đọc song thất lục bát của bản dịch Chinh Phụ Ngâm, Tì Bà Hành mà vẫn không biết gieo vần thì làm thơ cái … củ gì? Bực tức là phải. Bực đến độ phải đăng báo nhận làm công việc của Hồ Xuân Hương khi đụng bọn học trò dốt.

Tôi đọc đoạn lời rao trên và nghĩ mãi về việc làm của ông. Tôi khâm phục ông là một người có lòng. Ông muốn dọn dẹp những thứ rác rưởi mà nhiều người không thèm đụng tới. Nhưng ông làm được việc đó hay không thì không biết. Tôi xin chúc ông có nhiều người đến nhờ ông dậy dỗ và chỉ bảo.

Ông nên khoan thứ với những người đến nhờ ông. Chỉ tại khi còn học lớp đệ lục hay đệ ngũ, khi thầy dậy về luật thơ (trong cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm hay trong cuốn Việt Nam Văn Phạm của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm) thì các thiên tài thi ca này ngồi lén chơi cờ ca rô với nhau nên già đời mà vẫn còn làm thơ dở, lạc vận toàn sản sinh ra những con cóc…

(*) Nhật báo Viễn Đông số 4855 đề ngày 28 tháng 11, trang B7.


Ngày 29 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,


Svetlana Alliluyeva

Svetlana Alliluyeva qua đời hôm 22 tháng 11, hưởng thọ 85 tuổi, tại một nhà dưỡng lão ở Wisconsin nhưng mãi tới hôm nay tin mới được phổ biến.

Svetlana chết hơi muộn, vì nếu người phụ nữ này qua đời hơn nửa thế kỷ trước, đúng ra là 58 năm trước, hay trước đó, thế nào bà cũng được khóc bằng một bài thơ rất thối tha làm bằng tiếng Việt.

Nhưng lúc ấy, năm 1953 bà mới chỉ 27 tuổi. Bài thơ nếu có được làm thì tác giả chắc cũng phải muối mặt thêm nhiều nữa để tôn vinh bà lên là bà cố nội, bà cố ngoại của chàng. Việc đó kỳ lắm.

Vì khi cha của Svetlana chết, nhà thơ Việt Nam nọ khóc còn hơn cha của mình chết và thương nhớ ông ta còn gấp mười lần những tình cảm thương nhớ mà ông nhà thơ dành cho cả nhà chàng cộng chung lại.

Svetlana là con gái duy nhất và là con út của Stalin, người mà chính Svetlana gọi là một con quái vật đạo đức và tinh thần (a moral and spiritual monster).

Chẳng phải là vì "nhà kia lỗi đạo con khinh bố" như cảnh gia đình mà Trần Tế Xương ghi lại, mà vì cha của Svetlana là một con quỉ thực sự. Bàn tay của Stalin đầy máu của hàng mấy chục triệu người như Nikita Khruschev và Robert Conquest (The Great Terror) đã trưng ra đầy đủ bằng cớ. Svetlana xác nhận những chi tiết đó.

Svetlana chứng kiến cảnh mẹ tự tử chết vì những khổ đau trong đời sống với Stalin. Sau cái chết của Stalin, Svetlana gần như bị nhà nước quay mặt đi. Rồi những năm sau đó, khi những sự thật về Stalin dần dần được phơi bầy ra, Svetlana nghĩ phải đi khỏi cái đất nước khủng khiếp mà cha của Svetlana để lại. Năm 1966, trong chuyến đi Ấn độ để đem tro cốt của người chồng thứ ba về Ấn, Svetlana đến sứ quán Mỹ xin đào tị. Svetlana để lại hai người con ở Liên Xô và sang Mỹ sống. Bà lập gia đình thêm một lần nữa, với một kiến trúc sư Mỹ và có thêm một con gái đặt tên là Olga.

Sau khi li dị với người chồng Mỹ này, Svetlana có trở về Liên Xô năm 1984 nhưng sau 2 năm, bà lại trở về Mỹ, rồi sang Anh sống hồi những năm 90. Cuối cùng, Svetlana lại quay về Mỹ sống cho đến khi chết.

Stalin, như bà nói rõ , không bao giờ là "cây đại thọ, rợp bóng mát hòa bình" như trong thơ thẩn thối tha của anh nhà thơ nhà quê nọ. Stalin là con quái vật kinh hoàng đến nỗi chính bà phải ghê tởm và quyết định rời xa nước Nga. Bà có thể đi Pháp, Anh, Thụy Sĩ hay bất cứ một nước nào khác để sống. Nhưng bà chọn đi Mỹ, quốc gia mà cha của bà coi là kẻ thù ghê tởm nhất.

Như thế, ngoài Svetlana bỏ nước Nga của Stalin sang Mỹ sống, còn có Sergei Nikitich Khrushchev, cũng bỏ nước Nga của cha già Nikita Khrushchev để đi Mỹ và nhập tịch công dân Hoa kỳ. Cái di sản của hai người đàn ông đó, Stalin và Khrushchev, khủng khiếp đến như thế nào mà cả hai người con của hai ông đều phải bỏ đi sang Mỹ hết để sống?

Nhất định cái di sản ấy phải kinh hoàng lắm nên những người con đó mới phải bỏ chạy, trốn những cái di sản kinh hoàng đó.

Vậy mà vẫn có những đứa ngu dốt và xuẩn động tiếp tục ôm lấy cái di sản ghê khiếp đó.

Có điều bọn chúng đã gửi con cháu đi ra nước ngoài, hay chân trong chân ngoài từ lâu rồi.

Trong khi đó, ít nhất mấy người con của Muamar Qaddafi và Saddam Hussein cũng ở lại với cha để sống chết với quê hương rồi cũng chết như những con chó dại.


Ngày 30 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Chiếc Honda Passport đã rất tử tế với tôi trong suốt những năm qua. Hệ thống vận hành bốn bánh của nó bao giờ cũng đưa tôi đi đến nơi, về đến chốn.

Vậy mà có lần, tôi suýt nghĩ đến chuyện xa nó.

Chỉ vì cái quảng cáo chiếc Jeep Cherokee mà tôi thấy trong tờ Time.

Quảng cáo dùng bức hình chụp một chiếc Cherokee mầu đỏ đậu giữa một vùng núi đồi cây cỏ xanh tươi, cửa trước phía người lái mở toang, không thấy người lái xe ở đâu. Quảng cáo cho biết những đặc trưng của chiếc xe như máy 4 lít 7, thắng không khóa bánh lại, rất an toàn trên những đoạn đường trơn tuyết hay đá. Sàn xe cao, rất tiện cho những chuyến đi trên đường xấu có ổ gà hay mấp mô đá tảng, không kể những túi hơi để bảo vệ người lái xe cũng như hành khách khi xẩy ra tai nạn.

Chiếc Honda của tôi không còn mới nữa, nếu so với chiếc Jeep Cherokee của Daimler Chrysler, đã có lúc tôi muốn bán quách, mua cái SUV mới chạy cho sướng cái thân già, và sáng nay, khi xem cái quảng cáo của chiếc Jeep, tôi đã định đổi chiếc Honda lấy chiếc Jeep.

Thứ nhất, máy chiếc Cherokee lớn hơn, chạy phải khỏe hơn, mấy chỗ thỉnh thoảng tôi đi câu rất cần một lòng máy lớn như thế. Quảng cáo khoe là kiểu Jeep Cherokee mới này có những bộ phận an toàn cho hầu hết mọi trường hợp. Tôi rất cần một chiếc xe như thế trong những chuyến đi chơi xa. Nhưng đọc tiếp thì thấy chiếc Jeep Cherokee vẫn không bảo vệ người lái chống lại một mối đe dọa nguy hiểm khác, đó là nếu người lái chiếc Jeep Cherokee này bị Montezuma trả thù.

Except Monterzuma's revenge. Chiếc Jeep Cherokee này không bảo vệ người lái nó chống lại được sự trả thù của Montezuma. Montezuma mà trả thù thì Jeep Cherokee cũng chẳng làm gì được.

Và đọc đến đó, thì tôi hiểu tại sao trong hình, tìm mãi tôi vẫn không thấy người lái xe ở đâu, trong khi cửa trước mở toang, và chung quanh, chỉ có cây cối mọc um tùm, xa xa là một ngọn núi.

Tôi tin chắc ông ta đang ở đâu đó sau một lùm cây, không muốn cho ai bắt gặp trong cơn thịnh nộ trả thù của Montezuma.

Montezuma là ai mà hành động trả thù lại kinh khiếp đến như thế?

Montezuma là hoàng đế của đế quốc Aztec, nay thuộc Mễ Tây Cơ từ năm 1502 đến 1520. Khi Cortez, nhà thám hiểm chinh phục đất đai người Tây Ban Nha tiến chiếm Mễ Tây Cơ, thì Montezuma bị bắt, bỏ tù khi quân Aztec tấn công lực lượng Tây Ban Nha vào lúc lực lượng này sửa soạn rời Tenochtitlán, thủ đô của Aztec. Montezuma dĩ nhiên đã chết trong tù từ lâu, nhưng hồn của Montezuma vẫn lẩn quất đâu đó ở Mễ Tây Cơ, và thỉnh thoảng những người tới Mễ Tây Cơ chơi vẫn bị Montezuma rượt chạy gần chết, nhất là ghé Mễ Tây Cơ mà ăn uống bậy bạ.

Người lái chiếc Jeep Cherokee chắc cũng uống nước không tinh khiết hay ăn nhiều tamales, tacos quá, lại còn phá phách, khuấy lộn những phế tích của người da đỏ Aztec khiến Montezuma giận điên lên và tung đòn thù ra cho biết thân mà lần sau chừa đi.

Ông Carter hồi còn làm tổng thống Mỹ, trong một chuyến đi thăm Mễ Tây Cơ cũng bị Montezuma trả thù, chạy có cờ... hoa.

Có điều chúng ta thì không gọi là bị Montezuma trả thù. Chúng ta không có bất cứ một liên hệ nào với Montezuma, mà cũng chẳng bao giờ làm cho Montezuma phải bực bội như khi bị quân Tây Ban Nha bắt hạ ngục.

Cái quảng cáo đó, nếu qua Việt Nam, hay quảng cáo qua báo chí Việt Nam, thì Montezuma sẽ không bị lôi ra để gây sự chú ý của người đọc. Vì người Việt Nam không có lý do gì để chọc quê hoàng đế của đế quốc nay đã bị diệt vong là Aztec như thế.

Nếu cần, chúng ta đã có một nhân vật Đông phương gánh hộ để Montezuma khỏi bị lôi ra làm cho vất vả.

Montezuma trả thù những người đến Mễ Tây Cơ thì có thể hiểu được. Đang là một đấng quân vương oai hùng, thì bị quân Tây Ban Nha bắt bỏ tù chàng phải tức chứ. Do đó người ta mới nói là bị Montezuma trả thù. Chứ chúng ta thì mắc mớ gì tới Mễ Tây Cơ đâu mà bị ông ta trả thù như trong lối nói của người Bắc Mỹ?

Chúng ta liền lôi ông Tào Tháo, một nhân vật trong Tam Quốc, người đời Hán, làm tới chức thừa tướng, là một nhân vật giỏi nhưng gian hùng và rất đa nghi ra để thay cho Montezuma. Chúng ta không nói là bị Montezuma trả thù, mà nói là bị Tào Tháo đuổi. Nhưng bị trả thù hay bị đuổi thì cũng đều phải tông cửa xe chạy ra kiếm cái lùm cây mà ra phía sau giải quyết cho kín đáo.

Và như vậy thì Jeep Cherokee cũng chẳng thể cứu được.

Nhưng tại sao lại đổ cho ông Tào Tháo cái trò ác đức như thế thì tới nay tôi cũng không biết.

Chỉ biết rằng bị Tào Tháo đuổi thì nên chạy, không chạy thì vất vả nặng, kìa như Đổng Trác mà cũng còn phải sợ, còn phải khó khăn mấy phen như trong Tam Quốc Chí đã ghi lại, huống chi là chúng ta. Bị Tào Tháo đuổi thì chỉ có tìm đường chạy mới thoát.

Lúc ấy thì quả thật Jeep Cherokee hay Honda Passport thì cũng làm sao mà bảo vệ được.

Nghĩ vậy nên tôi ở lại với chiếc Honda này vậy. Dẫu sao, nó cũng đâu có thua chiếc Jeep Cherokee mấy.

Montezuma hay Tào Tháo đuổi thì ai mà chẳng phải chạy kiếm cái lùm cây mà nương náu! Trong những lúc như vậy thì Honda hay Cherokee cũng chẳng hơn gì nhau. Chịu khó bỏ thêm vài cuộn giấy Charmin hay White Cloud trong thùng xe là hết sợ Montezuma trả thù hay Tào Tháo rượt ngay.


Ngày 1 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Bạn không phải là người duy nhất cho rằng câu 70 của truyện Kiều phải là "HOA" thay vì "TRÂM" (thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ) mà các bản Kiều vẫn chép.

Dương Quảng Hàm trong Quốc Văn Trích Diễm (trang 115) ghi là "trâm" nhưng không chú thích. Đào Duy Anh trong cuốn hiệu khảo và chú giải Truyện Kiều do nhà xuất bản Văn Học Hà Nội xuất bản năm 1984 ở trang 22 cũng chép là "trâm" và giải thích "cái trâm gẫy, cái bình bị rơi vỡ là tỷ dụ về người đàn bà chết."

Trong Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi phiên chú, phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa tái bản năm 1972, nơi trang 21 ghi là "trâm", và giải thích bằng câu "bình truy trâm chiếc (sic) thị hà như (sic)" của Bạch Cư Dị.

Nhưng Vân Hạc ở trang 21 Truyện Kiều Chú Giải viết rõ rằng "phải chép là hoa gẫy bình rơi mới đúng." Rồi Đào Duy Anh trong Từ Điển Truyện Kiều ở trang 412 cũng cho rằng "Nguyễn Du đổi hình tượng bình chìm hoa gẫy thành trâm gẫy bình rơi." Hà Như Chi trong Việt Nam Thi Văn Giảng Luận trang 350, thì viết ở phần chú thích rằng "nếu đổi chữ trâm thành chữ hoa thì đúng với ý câu thơ Đường: nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thời."

Như vậy, câu 70 của Nguyễn Du trong tất cả các bản đều chép là trâm gẫy, nhưng ít nhất có ba người cứ muốn đổi "trâm" thành "hoa", cho rằng "trâm" là không đúng, Nguyễn Du đã đổi "hoa" thành "trâm" vì một lý do nào đó.

Tất cả đều dẫn hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn/ bình trầm hoa chiết dĩ đa thì", nghĩa là một mảnh thuyền tình đã đến bờ, bình chìm hoa gẫy đã lâu rồi, để nói đến sự muộn màng, khi người khách phương xa đến tìm, thì người phụ nữ đã ra đi vĩnh viễn. Bông hoa bị gẫy, cái bình kéo nước từ giếng lên, chưa lên đến nơi thì đứt dây rơi xuống. Hai hình ảnh đều là những đứt đoạn ở giữa lưng chừng, là cái chết khi còn thanh xuân, tuổi trẻ.

Nhưng có thể Nguyễn Du không định dùng chữ "hoa", mà ông đích thực chỉ muốn dùng chữ "trâm" thì sao?

Sở dĩ có những ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã đổi chữ "hoa" thành " trâm" có thể là vì trong câu 69 ở ngay dòng trên, ông đã dùng hình ảnh một con thuyền ghé bến. Các nhà chú giải cho rằng vì Nguyễn Du dùng con thuyền trong câu 69, nên chắc chắn ông phải mượn ý của hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì". Vì thế, nên câu 70 không thể là "trâm" được, mà phải là "hoa" mới hợp lý và mới đúng như chữ dùng trong nguyên bản hai câu chữ Hán.

Đồng ý "hoa" mang nhiều hình ảnh của một người đàn bà hơn là "trâm" và chính Nguyễn Du, ở câu 66 cũng đã dùng bông hoa để nói về người đàn bà: "nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương". Cành thiên hương gẫy, người đàn bà đẹp chết.

Nhưng cũng chính vì thế, Nguyễn Du không muốn nhắc lại chữ "hoa" ở câu 70 nữa. Ông dùng "trâm" lấy từ một điển khác trong thơ Bạch Cư Dị: "bình trầm, trâm chiết, trị nại hà, tự thiếp kim triêu dữ quân biệt" nghĩa là bình chìm, trâm gẫy biết làm sao, tựa thiếp sáng nay cùng chàng từ biệt. Hai câu của Bạch Cư Dị đại ý nói việc sắp thành mà hỏng, có làm mà cũng như không, như một người đẹp chết non yểu.

Trong cổ nhạc phủ có những câu này cũng nói về trâm gẫy, bình rơi:"thạch thượng ma ngọc trâm, ngọc trâm dĩ thành trung ương chiết. Tỉnh thượng văn ngân bình, ngân bình vị thượng ty thằng tuyệt" nghĩa là trên đá mài trâm ngọc, trâm ngọc vừa thành, bị gẫy ở chỗ chính giữa, trên giếng kéo bình bạc, bình bạc chưa lên đến nơi, dây tơ đứt.

Cây trâm đang mài gần xong thì bị gẫy ở giữa, chiếc bình bằng bạc thả xuống giếng múc nước lên chưa tới miệng giếng thì dây đứt. Toàn là những chuyện dang dở, giữa đường đổ vỡ, gẫy nát.

Trong câu 69, Nguyễn Du đưa ra hình ảnh người khách phương xa tới bằng thuyền, nên các nhà chú thích suy luận cho rằng ông mượn ý hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì" nên câu 70 phải là "hoa" chứ không thể là "trâm" được. Nhưng giả sử Nguyễn Du cho người khách viễn phương đi ngựa, mà không dùng thuyền để đi tìm người đẹp thì chắc chắn sẽ không có chuyện "hoa" hay "trâm" nữa.

Hơn nữa, ở câu 749, đoạn Kiều mộng thấy Đạm Tiên, Nguyễn Du cũng lại dùng "trâm" chứ không dùng "hoa": "bây giờ trâm gẫy, gương tan". Hình ảnh cái trâm gẫy lại được đem dùng để chỉ người đàn bà (Đạm Tiên) chết. Và ở câu này thì không thể là "hoa" được. Nó phải là trâm (gẫy) vì nó đi cạnh tấm gương (tan), hai món trên bàn trang điểm của người phụ nữ.

Vậy nên tôi tin chắc rằng Nguyễn Du không đổi, không thay, không dùng sai chữ "hoa" thành "trâm", mà ông đã cố ý dùng như vậy, và điển mà ông mượn có phần chắc là mấy câu của Bạch Cư Dị và cổ nhạc phủ chứ không phải là hai câu có thuyền ghé bến, hoa gẫy như Vân Hòe, Đào Duy Anh và Hà Như Chi đã giải thích.


Ngày 2 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tuy là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu -- European Union -- từ năm 1973 và chỉ thua Đức về con số đại biểu trong Nghị Viện Âu Châu, nước Anh không bao giờ hoàn toàn hài lòng về tư cách hội viên của mình trong tổ chức này.

Anh không muốn bị buộc phải thay thế đồng Bảng của họ bằng đồng Euro để thống nhất về mặt tiền tệ với các nước trong lục địa; những tranh chấp về thịt bò của Anh trong vụ bò điên với các nước hội viên khác chỉ là hai trong số những bất đồng giữa Anh với Liên Hiệp Âu Châu.

Và những bất đồng đó, hầu như người ta có thể đọc thấy rất thường trên báo chí Anh, nền báo chí mà Liên Hiệp Âu Châu mô tả là chuyên bóp méo sự thật, và những bài viết về đường lối của Liên Hiệp Âu Châu trên các trang báo Anh là những thứ bài vở đầy thành kiến và sai lạc (.. a digest of bias and error ) chỉ toàn đưa ra những chuyện không tốt đẹp và bất lợi cho Liên Hiệp Âu Châu.

Thí dụ khi viết về những giới chức có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn chung cho Âu châu, báo Anh so sánh những người này với những thành phần cộng tác với Đức Quốc Xã -- Nazi collaborators. Viết như thế thì quả là có thành kiến và sai lạc thật, đúng như nhận xét của Liên Hiệp Âu Châu trong một phúc trình mới đây.

Nhưng báo chí của Anh cũng nổi tiếng là rất ái quốc sô vanh, cứ của Anh là đúng, là hay, là tốt, là đẹp. Cái mặc cảm cường quốc, lúc nào cũng muốn làm đàn anh thiên hạ nay vẫn còn. Anh vẫn bám lấy ghế của mình trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mặc dầu kể từ sau thế chiến, nhiều nước đã qua mặt nước Anh về nhiều phương diện để xứng đáng hơn Anh, và luôn cả Pháp, để trở thành hội viên chính thức và thường trực của Hội Đồng Bảo An, như Đức, như Nhật Bản, hay luôn cả Ấn độ, Á Căn Đình...

Cái mặc cảm tự tôn, cái thái độ ái quốc sô vanh của Anh còn được thấy qua một bài báo viết về việc tiêu chuẩn hóa cỡ của những bao cao su ngừa thai -- condom size standardization-- mà nhiều nước Âu châu đang kêu gọi.

Việc tiêu chuẩn hóa có khi là việc cần thiết. Thí dụ các lực lượng trong Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương có thể được trang bị nhiều kiểu súng khác nhau, nhưng dùng chung một thứ đạn. Việc này sẽ giúp công tác tiếp tế đạn dược ngoài chiến trường giản dị đi rất nhiều. Các nước trong liên minh Varsovie của Cộng Sản trước đây cũng đã làm như thế.

Nhưng có thể Anh cũng đúng khi phản đối việc tiêu chuẩn hóa cỡ của bao cao su ngừa thai.Tại sao phải tiêu chuẩn hóa? Đạn thì tiêu chuẩn hóa vì nòng súng có thể chế tạo cùng cỡ. Nhưng đây không phải là trường hợp võ khí dùng ngoài chiến trường để binh sĩ Hòa Lan hết đạn, sẽ có thể dùng đạn tiếp tế cho các binh sĩ Pháp hay Anh chẳng hạn. Làm thế được là vì súng Anh, Pháp hay Hòa Lan có thể khác về khả năng tác xạ, tốc độ bắn, nhưng nòng súng thì cùng một cỡ để có thể dùng cùng một cỡ đạn.

Đề nghị tiêu chuẩn hóa bao cao su ngừa thai không rơi vào trường hợp như vừa kể. Các bao cao su ngừa thai thường được chế tạo bằng những chất có khả năng đàn hồi, co giãn được. Con người ta sinh ra đời, đa số bình đẳng với nhau. Ngoại trừ một số rơi vào trường hợp ngoại lệ. Những trường hợp ngoại lệ đó không nhiều, vậy thì tại sao phải tạo rắc rối cho đời sống vốn đã nghiêu khê như hiện nay? Từ bao nhiêu năm nay, có bao nhiêu người phàn nàn mà nay phải đòi thay đổi?

Báo chí Anh rõ ràng không ưa đề nghị này, đề nghị mà người ta tin là do Ðức đưa ra. Một tờ báo người ta đọc được ở Anh, đã chạy hàng tít lớn này: BIG HANS, SMALL WILLI.

Hans là tên khá thường thấy tại Đức. Willi là tiếng lóng gọi cái xúc xích, nguyên thủy trong tiếng Đức là wiener, vẫn kẹp trong miếng bánh mì để thành món hotdog. Nghĩ là chưa đủ, tờ báo Anh này còn đăng một bức hình chụp một chiếc thước kẻ được lồng trong một cái bao cao su ngừa thai, và cái bao, khi mở hết, chỉ tới được ngấn 15cm5, tức là gần được 5 inches. Tờ Newsweek có đăng lại bức hình này.

Người Anh rõ ràng là khinh bỉ cái cỡ bao cao su của người Đức. Họ phản đối việc tiêu chuẩn hóa vì sợ sẽ gặp khó khăn với những bao cao su có cái cỡ tiêu chuẩn quá nhỏ của lục địa. Họ muốn cứ tiếp tục sản xuất những bao cao su với những cỡ khác nhau.

Chẳng gì sản phẩm này cũng do một công dân Anh, một sĩ quan cấp tá trong quân lực Anh sáng chế hồi thế kỷ thứ 17, được người Pháp gọi xỏ lá là capote anglaise để nước Anh phải đáp lễ lại bằng cách đổ sang cho Pháp: French letter. Người Anh không muốn tiêu chuẩn hóa chúng. Và do đó, trong tương lai, có thể nước Anh sẽ không tuân theo tiêu chuẩn chung của Liên Hiệp Âu Châu để cứ tiếp tục sản xuất những cỡ khác nhau, với cỡ lớn nhất được đặt cho cái tên là British size, trong khi những cỡ khác được gọi chung là European Union size.

Có thể nhờ đó, số du khách đến Anh để xem... Big Ben sẽ tăng lên chăng?

Nhưng người Anh có thể chưa nghe cái quảng cáo của một hãng thuốc lá Mỹ quảng cáo cho những điếu thuốc King Size của họ. Đó là câu: It is not what you make it long but it is how long you make it.

Câu này thì tôi thua, không dịch được. Nhưng đọc lên thì thấy yên tâm vô cùng.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 121)

YET, ALREADY, STILL, NO LONGER

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 121 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 2 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, tuần qua chương trình nhận được thư của một khán giả ở Texas muốn được giải thích rõ hơn về chữ YET vì chữ này có nhiều cách dùng khác nhau và ý nghĩa cũng rất khác nhau, làm sao dùng YET cho đúng.

BBT

YET có thể là một CONJUNCTION, một liên từ để nối hai tiếng (WORDS), hai nhóm chữ (PHRASES), hai câu (SENTENCES) lại với nhau. YET trong trường hợp này, tức là khi nó đóng vai trò liên từ, nó có nghĩa là mặc dầu vậy (IN SPITE OF THAT), tuy nhiên, tuy vậy, song le (STILL, NEVERTHELESS).

LÃM THÚY

Như thế, nó nối hai ý tưởng thường là tương phản, đối chọi, ngược lại với nhau có đúng không thầy?

BBT

Đúng vậy. Thí dụ khi nói cái xe trông cũ vậy chạy rất tốt thì chúng ta nói THE CAR LOOKS OLD YET IT RUNS VERY WELL.

QA

Vậy thì YET ở đây tương đương với BUT cũng là CONJUNCTION phải không thưa thầy. QA có thể nói THE CAR LOOKS OLD BUT IT RUNS VERY WELL cũng được chứ.

BBT

Được. Cô Thúy cho nghe hai câu với YET coi.

LÃM THÚY

RICHARD LIVES LIKE A POOR MAN YET HIS FAMILY IS ONE OF THE WEALTHIEST FAMILY IN TOWN.

MY NEIGHBOR DRESSES TERRIBLY YET HE DRIVES A NEW JAGUAR AND OWNS A ROLLS.

BBT

Cô QA cho nghe hai thí dụ với YET là CONJUNCTION coi.

QA

MY SON WEIGHS 110 LBS (POUNDS) YET IN THE GYM, HE CAN LIFT 160 POUNDS EASILY.

SHE NEVER SAID A WORD YET SHE KNEW ALL THE ANSWERS.

BBT

Đó là YET trong vai trò của CONJUNCTION (liên từ). Nhưng YET cũng còn là một ADVERB (trạng từ) có nghĩa là đến bây giờ, cho tới nay, cho tới lúc đó, đến khi đó. Trong cách dùng này, YET được dùng với những câu hỏi (QUESTIONS) hay những câu phủ định (NEGATIVES).

QA

YET trong những câu đó có nghĩa là "CHƯA" phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. YET được dùng khi nói về những chuyện chưa xẩy ra nhưng chúng ta chờ đợi là chúng sẽ diễn ra trong tương lai. Hồi trước, mỗi lần lái xe cho mấy đứa con đi đây đó, lúc đi thì tôi phải nghe cả chục câu "Tới chưa hả bố?", lúc về thì "Tới nhà chưa hả bố?" Hai cô có hay phải nghe những câu như vậy không?

LÃM THÚY

Có chứ. Cứ ghế sau vọng lên liên hồi kỳ trận, lúc đi thì hết "ARE WE THERE YET?" rồi lại lúc về thì "ARE WE HOME YET?"

QA

Mà đến nơi rồi thì bắt đầu hỏi "IS IT TIME TO GO HOME YET?" hay "ARE WE DONE YET?" hay "HAVE WE FINISHED YET?" và hễ trả lời "NOT YET" là lại nhao nhao hỏi qua chuyện khác. QA sợ trạng từ YET trong những câu như thế lắm.

LÃM THÚY

Thế còn AS YET là gì thưa anh?

BBT

AS YET là một IDIOM nghĩa là cho đến lúc này, thí dụ cho tới nay, cho tới bay giờ vẫn chưa có thuốc trị được bệnh AIDS thì chúng ta nói WE HAVE NOT FOUND THE WAY TO STOP THE SPREAD OF HIV AS YET. Có thể đặt AS YET ở đầu hay cuối câu đều được. Cũng có thể nói WE, AS YET, HAVE NOT FOUND THE WAY TO STOP… hay WE HAVE NOT, AS YET, FOUND THE WAY… QA cho nghe hai thí dụ với AS YET coi.

QA

I HAVE NOT RETURNED TO VIETNAM AS YET.

AS YET, HE HAS NOT DECIDED WHAT TO MAJOR IN COLLEGE.

BBT

Thế còn Lãm Thúy?

LÃM THÚY

AS YET, I HAVE NOT HEARD FROM HIM.

MY SON HAS NOT MADE UP HIS MIND AS YET.

BBT

YET tiếng Việt nghĩa là "chưa". Thế trái nghĩa với YET là gì?

QA

Là "rồi". Trái nghĩa của YET trong tiếng Anh là ALREADY.

BBT

Trước khi nói về ALREADY, tôi muốn hai cô phân biệt ALREADYALL READY.

ALREADY là ADVERB nghĩa là "rồi", trái với ALREADY là YET.

ALL READY là đã sẵn sàng hết rồi.

HE IS READY TO GO. HE IS ALL READY TO GO. Cũng có thể nói HE IS SET TO GO hay HE IS ALL SET TO GO.

Còn ALREADY là ADVERB trái nghĩa với YET. Trạng từ YET xuất hiện trong những câu hỏi và những câu phủ định. Trong khi đó, ALREADY được dùng trong những câu xác định, AFFIRMATIVE. Chúng ta có thể dùng ALREADY với các thì hiện tại (PRESENT), quá khứ (PAST) và PERFECT để nói về những chuyện đã xẩy ra hay đã bắt đầu trong quá khứ, và thường là những điều chúng ta không chờ đợi, không nghĩ là chúng đã xẩy ra.

Thúy dùng ALREADY trong câu PRESENT và PAST coi.

LÃM THÚY

PLEASE DO NOT SLAM THE DOOR. HE IS ALREADY ASLEEP. Đó là ALREADY dùng với PRESENT TENSE.

HE DID WELL IN THE EXAM. HE ALREADY KNEW ALL THE ANSWERS. Và đó là ALREADY với PAST TENSE.

BBT

QA có thể cho hai thí dụ với PRESENT PERFECT được không?

QA

HE HAS ALREADY LEFT FOR THE AIRPORT.

WE HAVE ALREADY BOUGHT THE HOUSE BEFORE HIS HOUSE WAS PUT ON THE MARKET.

BBT

QA và Thúy nghe kỹ hai câu này:

HAVE YOU FINISHED THE WORK ALREADY?

HAVE YOU FINISHED THE WORK YET?

Cả hai đều là câu hỏi, nhưng chúng có khác nhau. Khi hỏi câu HAVE YOU FINISHED THE WORK ALREADY? QA nghĩ gì trong đầu? Cô nghĩ người ấy đã làm xong công việc hay chưa làm xong công việc?

QA

QA nghĩ người ấy đã làm xong công việc. Công việc có thể đã xong, có thể chưa nhưng có nhiều phần là người ấy đã làm xong việc, hay ít ra đó cũng là điều QA nghĩ trong đầu và tin như vậy. QA lạc quan nghĩ là như thế.

BBT

Còn Lãm Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ người ấy chưa làm xong việc. Mà cũng có thể là người ấy đã làm xong. Nhưng theo sự suy nghĩ của Thúy thì người ấy chưa làm xong việc. Thúy có vẻ bi quan, không tin là công việc đã xong.

BBT

Một trạng từ cũng có họ hàng thân thuộc với YET và ALREADYchúng ta cũng nên biết ở đây, đó là trạng từ STILL.

STILL nghĩa là còn, vẫn còn. Chúng ta dùng STILL khi nói về một chuyện (SOMETHING), một tình hình (SITUATION), một hành động (ACTION) vẫn còn tiếp tục diễn ra, vẫn còn tiếp diễn, vẫn còn kéo dài hơn là chúng ta có thể nghĩ hay tưởng tượng trong đầu. Những chuyện ấy vẫn chưa thay đổi, vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta đặt STILL trước động từ chính. QA thử thêm STILL vào hai câu này coi: HE LIVES WITH HIS PARENTS. MY FRIEND IS UNEMPLOYED.

QA

HE STILL LIVES WITH HIS PARENTS.

MY FRIEND IS STILL UNEMPLOYED.

BBT

Thúy dịch hai câu này sang tiếng Anh coi: Rosemary và Paul vẫn còn sống với nhau. Họ vẫn còn ở địa chỉ cũ.

LÃM THÚY

ROSEMARY AND PAUL ARE STILL MARRIED TO EACH OTHER.

THEY STILL RESIDE AT THE SAME ADDRESS.

BBT

Hai cô đã biết cách dùng STILL rồi. Bây giờ câu hỏi là trái với STILL là gì? STILL nghĩa là vẫn còn. Không còn nữa nói tiếng Anh như thế nào?

QA

Trái với STILL là NO LONGER, là không còn nữa phải không thưa anh?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ NO LONGER cũng cùng nghĩa với NO MORE phải không thưa thầy?

BBT

Cả hai cô đều đúng. Trái nghĩa với STILL có thể là NO LONGER hay NO MORE. Cả hai đều được dùng để nói về những chuyện đã đúng, đã xẩy ra trong quá khứ nhưng nay không còn nữa. Cô QA cho nghe thí dụ với NO LONGER và Thúy với NO MORE coi.

QA

QA sẽ dùng lại hai thí dụ với STILL ở trên rồi thay STILL bằng NO LONGER. HE STILL LIVES WITH HIS PARENTS. HE NO LONGER LIVES WITH HIS PARENTS.

MY FRIEND IS STILL UNEMPLOYED. MY FRIEND IS UNEMPLOYED NO LONGER hay MY FRIEND IS NO LONGER UNEMPLOYED.

LÃM THÚY

ROSEMARY AND PAUL ARE STILL MARRIED TO EACH OTHER. ROSEMARY AND PAUL ARE NO MORE MARRIED TO EACH OTHER hay ROSEMARY AND PAUL ARE MARRIED TO EACH OTHER NO MORE.

THEY STILL RESIDE AT THE SAME ADDRESS. THEY NO MORE RESIDE AT THE SAME ADDRESS hay THEY RESIDE AT THE SAME ADDRESS NO MORE.

QA

Bây giờ là thời gian của lễ lạc, của những câu chúc tụng nên QA muốn anh giảng về động từ WISH vì QA biết động từ này có một hai cách dùng rất khác nhau.

BBT

Đúng vậy, động từ TO WISH có vài ba cách dùng.

TO WISH là ước ao, là chúc, là muốn.

Khi nó có nghĩa là muốn, chúc , thì theo sau nó chúng ta cứ dùng một danh từ hay một động từ là được. Thí dụ

YOU MAY GO NOW IF YOU WISH (TO GO). Ở đây, TO WISH đồng nghĩa với TO WANT, TO LIKE. YOU MAY GO IF YOU WANT/ IF YOU LIKE/ IF YOU DESIRE.

I WISH TO TRAVEL THE WORLD WITH HIM.

WE WISH THE NEW COUPLE THE BEST OF LUCK. WE WISH THEM A WONDERFUL HOLIDAY.

Nhưng chúng ta cẩn thận khi điều ao ước, điều ước là điều khó trở thành sự thật hay không thể diễn ra, không bao giờ có trong đời sống này thì động từ theo sau TO WISH phải ở SUBJUNCTIVE MOOD.

Thế nào là động từ ở bàng thái cách (SUBJUNCTIVE MOOD)? Dễ thôi. Sau TO WISH ở thì hiện tại (PRESENT), chúng ta cứ dùng PAST TENSE của các động từ sau đó là được. Riêng với TO BE thì luôn luôn là WERE.

I WISH YOU ARE HERE thì không đúng. I WISH YOU WAS HERE cũng sai. Phải nói thế nào đây Thúy?

LÃM THÚY

I WISH YOU WERE HERE.

BBT

Động từ TO WISH ở đây không có nghĩa là cầu chúc, mà nghĩa là ao ước. Thường chúng ta ao ứơc những chuyện khó xẩy ra chứ không bao giờ ước những chuyện có thể xẩy ra, diễn ra, có thể làm được. Thí dụ tôi ước gì nhẩy Tango đẹp như trong chương trình Dancing With The Stars thì QA nói thế nào?

QA

I WISH I COULD DANCE THE TANGO BEAUTIFULLY LIKE THE DANCERS IN DANCING WITH THE STARS.

BBT

Chúng ta sẽ trở lại với SUBJUNCTIVE MOOD trong một bài học sau với các động từ cần bàng thái cách theo sau như TO ASK, TO DEMAND, TO INSIST, TO ORDER, TO PRAY, TO PREFER, TO RECOMMEND, TO REGRET, TO REQUEST, TO REQUIRE và TO SUGGEST.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.