December 22, 2011

December 23, 2011

Ngày 19 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Kim Chính Nhật đã chết cách đây mấy hôm. Nhưng nhà nước không loan báo ngay, có thể còn phải lo thu xếp một vài chuyện nội bộ có tính cách cấp bách hơn. Thí dụ như chôn cất phải diễn ra vào ngày nào, có mời khách ngoại quốc không? Ướp hay không ướp, có cho Kim Chính Nam tạm nghỉ đánh bài cào ở Macao về Bình Nhưỡng để dự tang bố không, có cho Kim Chính Triết xuất hiện cùng với bạn trai của thằng cu (?) này không, Kim Chính Ân phải làm sao cho xuống vài ba kí cho mọi người đỡ lầm tưởng là con heo quay vân vân.

Và chuyện dân chúng khóc lóc phải tổ chức như thế nào cho vẻ vang nhà nước. Dân chúng sẽ được lệnh khóc ra sao, nước mắt nước mũi, đờm giãi có được cho chẩy thả cửa không, bọn cá sấu khốn khổ ở sở thú có sản xuất đủ nước mắt để cho đám đảng viên cốt cán quệt lên mắt cho mắt đẫm lệ để ống kính truyền hình thu được hình không…

Chao ơi là bao nhiêu việc phải làm.

Ở khắp nơi, dân chúng được lệnh tụ tập, hàng ngũ chỉnh tề, có lệnh mới được khóc, phải vật vã khôn nguôi đúng theo kiểu nhà nước đặt ra. Không được rít lên đùng đùng rằng "thương cha, thương mẹ thương chồng, thương mình thương một, thương ông thương mười" như một anh nhà thơ vô duyên nọ đã thơ thẩn hồi Stalin chết. Thêm nữa, như vậy là còn ít dẫu cho khóc một người đàn ông lạ hoắc như Stalin cũng đã là thối nhất thế giới rồi. Phải đau đớn hơn nhiều nữa.

Nhưng thực ra, người dân Bắc Triều Tiên có thật lòng đau, khổ, khóc lóc rền rĩ, nhớ thương lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật của họ sau hơn nửa thế kỷ bị bắt sống như những con vật khốn khổ nhất thế gian này hay không?

Một người bạn Cao Ly của tôi nguyên là người đào thoát từ miền bắc sang Mỹ tìm tự do có cho biết về chuyện khóc lóc ở Bình Nhưỡng rất chi tiết. Ông nói rằng nếu ông bị điều động ra một quảng trường ở Bình Nhưỡng để khóc than trời sầu đất thảm, tiếc thương đồng chí Kim Chính Nhật, ông sẽ dùng tiếng Việt mà ông học của tôi để khóc như thế này:

Tổ cha mày thằng chó đẻ cu ly Cao Ly, thằng lùn mã tử đi giầy cao gót, tóc đánh rối, mắt đeo kính mát to tổ chảng, tại sao đến bây giờ mày mới chịu đi theo thằng bố mày cho chúng ông nhờ?

Mày có biết cha con nhà mày đã làm khổ dân tộc Cao Ly biết là chừng nào không? Rồi bây giờ mày còn truyền ngôi bạo chúa của bố con mày lại cho thằng nhãi con Kim Chính Ân để nối tiếp cái sự nghiệp khốn nạn từ thằng Kim Nhật Thành truyền xuống? Cả lò nhà mày toàn sống bằng những điều gian dối, bịa đặt tô vẽ ra nào là mày ra đời không ở Siberia, nơi bố mày trốn Nhật chạy sang lánh nạn, mà trên núi Paektu, nào là cầu vồng hiện ra khi mày ra đời, chim chóc bay lượn trên đỉnh núi báo hiệu kỳ nhân giáng thế, rồi hôm qua, bọn báo chí bồi bút lại kể là có một con hạc bay tới cạnh tượng của mày mà khóc nức nở vì tiếc thương mày.

Mẹ kiếp thử nhìn lại xem bố con mày làm được những gì cho cái vùng lãnh thổ phía bắc của vĩ tuyến 38 từ năm 1945 cho đến nay? Bố con nhà mày làm được gì ngoài một cuộc chiến chết cả triệu người , đất nước tan hoang mà có lấy được miền Nam đâu. Thêm những vụ khủng bố đánh bom lặt vặt ở Miến Điện, trên một chuyến bay của hàng không miền Nam, dùng thủy lôi đánh đắm một chiến hạm miền Nam rồi chối lại quệt mõm chối bay chối biến. Chính sách Tự Chủ của bố mày đặt ra có đem lại tự chủ cho xứ sở không, hay chỉ biến miền Bắc thành một thứ cùi hủi cả thế giới xa lánh? Đất nước cằn cỗi, dân chúng chết đói gần 2 triệu, người Cao Ly miền Bắc càng ngày càng cằn đi như người ta đã thấy hồi Thế Vận Hội Hán Thành 1988.

Trong khi đó, cha con nhà mày toàn lôi những trò lục sở ra dùng với thế giới để càng ngày càng bị cả thế giới khinh ghét.

Để có được sự nể trọng, không cần phải có vài ba quả bom nguyên tử trong khi dân chúng tiếp tục bị để cho đói khát, mọi thứ quyền căn bản đều bị bóp nghẹt, cả trăm ngàn tù chính trị bị giam cầm, tra tấn dã man trong khi bọn cai ngục được đối xử đặc biệt tử tế để hành hạ ngời dân cho bố con nhà mày nhập cảng mỗi năm cả mấy trăm ngàn đô la cognac, caviar, tôm hùm , gái tóc vàng từ Bắc Âu đem sang tận nơi cho chúng mày hưởng với nhau. Thằng lùn chết nhát sợ đủ mọi thứ, lên cái máy bay cũng không dám trong khi lại đòi dược đối xử như người lớn. Đòi phải được tay đôi ngang hàng với những lãnh tụ thế giới. Nhưng mấy quả bom nguyên tử có được trong tay vẫn chưa làm được việc đó. Như vụ bắt hai nhà báo Mỹ đưa ra tòa phạt tù để lại phải thả ra sau khi được một nhân vật không còn cầm quyền ở Mỹ sang gặp và đón về.

Nhục nào còn hơn những chuyện như thế.

Cho nên phải có cái đám tang để đời, nghe được tiếng khóc rống lên của những người dân khốn khổ được lệnh phải khóc than, hay nghe một hai câu thơ thối tha như hai câu của bồi bút Lưu Trọng Lư sau khi bán linh hồn cho bọn hồ cáo:

Tay dong tay thét nổ mặt trời
Lời cất vọng tung cao Kim Chủ Tịch…

Cha tiên sư bố nhà mày, bố tiên sư con mẹ mày, cả lò cả ổ nhà mày nhá…

Đó, khóc lóc, ít nhất phải như vậy đó.


Ngày 20 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Cuốn sách vừa phát hành tại Anh quốc của David Weeks và Jamie James, nhan đề Secrets of the Superyoung, bí mật của những người trẻ lâu, có thể sẽ khiến các ma đam chủ thẩm mỹ viện phải đổi nghề, hay nếu tiếp tục, thì các thẩm mỹ viện sẽ chỉ còn thứ khách hàng cơm đường cháo chợ, hằng đêm không biết làm gì hơn là nằm ngó trân trân lên chiếc trần nhà đầy mạng nhện.

Bản tin của Reuters gửi đi từ Luân Đôn về quyển sách này cho biết là những phương pháp căng kéo bơm hút, những loại kem dưỡng da, xóa vết nhăn sẽ không còn được dùng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng để níu kéo thêm chút thanh tân khi "Tuổi hoa niên úa dần mỗi năm, ngày xuân len lén bỏ đi, những đóa hoa ẻo lả chết vô ích "Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing / bài 46, The Gardener của Tagore)

Tất cả các kỹ thuật cũ vừa tốn kém vừa mang lại không bao nhiêu kết quả, ấy là chưa nói đến việc làm cho bạn bè thân quen không cách nào nhận ra với những cái mũi mới bằng plastic... nam nữ dùng chung, mắt hai mí, cằm chẻ một kiểu tạo sinh rập khuôn của những bàn tay giải phẫu thiếu sáng tạo.

Theo David Weeks, một nhà tâm lý học, và Jamie James, một khoa học gia, thì cách hay nhất để trẻ thêm được bẩy tuổi, quăng đi những đường rãnh quái ác mỗi ngày mỗi rõ thêm, sâu thêm, những cái chân quạ nhất định không chịu... bước ra khỏi khóe mắt, những buổi sáng buồn khi soi gương thấy những sợi tóc mai đã đổi mầu là chịu khó mỗi ngày yêu bố cháu một cái bằng tất cả sự hăng hái có được (vigourous regular sex).

Theo hai tác giả của cuốn sách, thì sinh hoạt đó giúp làm giảm những chất mỡ, đồng thời làm cho não tiết ra endomorphins, một chất giúp giảm đau và đánh tan những lo âu phiền não. Hai ông đã đi đến kết luận như vừa kể sau khi nghiên cứu trường hợp của 95 người có bề ngoài trẻ hơn tuổi thật trong căn cước rất nhiều. Tất cả đều cho biết sex là yếu tố lớn nhất đem lại nét trẻ trung của họ.

Bởi thế nên không cần phải kem dưỡng da như Melanie Griffith mới có thể thách đố thời gian mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong những quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Cứ cơm nhà, quà... cũng ở nhà là trẻ ra tới bẩy tuổi ngay tức thì.

Cuốn sách của David Weeks và Jamie James còn đưa tới những chuyện khác nữa. Thí dụ tối tối, mẹ cháu có thể cầm viên aspirine đứng trước mặt bố cháu nuốt cái ực, rồi nói lớn: "Cho nhức đầu đi chơi chỗ khác nhá..." Hay cũng có khi vuốt mái tóc điểm sương của bố cháu rồi âu yếm: "Bố già quá rồi... thôi để em làm cho bố trẻ đi bẩy tuổi nghe..."

Thế là lại làm ma đam chủ thẩm mỹ viện cho cả bố cháu lẫn mẹ cháu cho cả hai thành... đôi trẻ trở lại. Nhưng cứ giúp bố cháu trẻ lại như thế thì cũng mệt quá. Thế nào chẳng xẩy ra chuyện những cuốn sách quái ác đó bị đem đốt ngay từ khi được chở từ Anh sang nước Mỹ, trước khi chúng được đưa tới các tiệm sách để giúp những người đàn ông khốn khổ ở nước Mỹ tiếp tục già cho đỡ... mệt.

Ai cần bỏ đi bẩy năm trên mặt để mất đi bẩy năm ở những chỗ khác?


Ngày 21 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tôi nghĩ ông Tú Xương, tay chơi của làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, nếu còn sống chắc ông sẽ thích cái sản phẩm này lắm.

Ông có ở xa xôi đến đâu, thế nào tôi cũng phải gửi cho ông, như người phụ nữ gửi rau sắng chùa Hương đến tận nhà cho ông Tản Đà để ông già núi Tản khỏi phải lặn lội lên tận chùa Hương, hay ngồi ở nhà mà than "con đò ngại tốn, con đường ngại xa" vậy.

"Hoa hoa công tử ", hay là Playboy theo cách dịch của mấy ông bạn đồng văn của chúng ta, "giầy giôn anh diện, ô Tây anh cầm " là người xứng đáng để nhận món quà lịch lãm và hào hoa này hơn ai hết.

Chàng là tay chơi, mà lại thích chơi cho lịch, cho đài các thì phải có nó.

Nó đây là cái áo mưa của Prada.

Người tử tế như bạn, nghe nói cái áo mưa của Prada, chắc đã nghĩ ngay đến một cái trench coat mầu kaki nhạt, hai hàng nút phía trước, ngực cài chéo, cầu vai, thắt lưng. Nhưng bạn lầm to.

Prada tung ra loại áo mưa này để chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ không phải như cái trench coat có cái nhãn London Fog mà bạn mặc đi mặc lại mấy mùa thu vừa qua. Nó là thứ cần thiết còn hơn là cái ô mà ông Tú bị mất rồi chỉ lo "rầy gió mai mưa, lấy gì đi sớm về khuya với tình".

Không có nó thì phiền lắm, phiền hơn là cái ô ông mất ở nhà cô đầu nhiều. Nhất là vào thời đại hiện nay. Không có nó thì ông còn vất vả hơn là đã có lần ông từng đau khổ thú nhận:

Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la
...

Ông Tú cần những chiếc áo mưa, không phải bất cứ áo mưa gì cũng được, "hoa hoa công tử " thì phải áo mưa Prada.

Làm sao một người đã khăn nhiễu tím, ô lục soạn, bít tất tơ, giầy Gia Định bóng... mà lại chịu dùng mấy thứ áo mưa nhà quê của những hãng latex vô danh tiểu tốt được.

Phải là áo mưa Prada. Tay chơi mà. Áo mưa cũng phải có tên hiệu nổi tiếng, do các nhà vẽ kiểu thời trang sản xuất thì mới được.

Chẳng lẽ nàng mặc toàn St. John, Versace, Dior... còn chàng thì Hugo Boss, nếu không cũng là Ralph Lauren, hay hạng bét ra cũng là Banana Republic mà đến lúc ấy lại móc túi lấy ra cái của Sheik, hay Trojan, Lifestyles, Prime, Magnum, Gold Circle Coins... thì nhà quê nhà mùa quá. Có thể vì cái áo mưa cù lần, không có tên tuổi nổi tiếng, bị đuổi về nhà nhìn trần nhà thì còn gì chán bằng.

Và do đó, Prada đưa ra sản phẩm của họ.

Tưởng tượng với cái sản phẩm của Prada ấy, những tiếng suýt soa sẽ nghe thấy lớn hơn. Có thể còn có cả tiếng huýt sáo cùng với vài ba tràng pháo tay (mà không cần phải nhờ em-xi khẩn khoản nài nỉ xin quí vị một tràng pháo tay cho các nghệ sĩ (?) trình diễn) đầy ngưỡng mộ và thán phục thì còn gì vui hơn. Tự ái được vuốt ve tối đa. Ego được cho lên tầu bay, bay vòng quanh thế giới vài ba vòng. Cái tên Prada , như thế, có thể cứu nguy được cho những tự ái bầm dập bao nhiêu lâu nay.

Prada nhất định sẽ thành công với sản phẩm mới này.

Nhưng không phải là những chiếc áo mưa Prada này không gây rắc rối cho người tiêu thụ.

Thí dụ nhìn thấy cái nhãn hiệu Prada, biết đâu chẳng có người đề nghị đừng dùng, phí của, xin mang về làm kỷ niệm thì sao? Vất vả đấy.

Hay cũng có khi đương sự không ưa Prada, cho dù là ví tay, hay quần jeans, mà đòi của Versace hay Diane Von Furstenberg, Gucci... mới chịu thì biết làm sao giải quyết đây?

Giữa đêm đông Bắc Mỹ đang đổ chụp xuống thì khổ quá đấy. Mà không có thì cứ nghĩ đến cái nạn của ông Tú là lại sợ điên người lên mất thôi.


Ngày 22 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Cách đây ít lâu, một độc giả của mục Ann Landers có kể một lối để dành tiền đi du lịch khá lý thú.

Vợ chồng ông, theo thư ông viết cho Ann Landers, cứ mỗi lần yêu nhau, ông lại bỏ một Mỹ kim vào con heo đất ở đầu giường. Ông không nói hai người làm như thế (bỏ heo đất để dành) trong bao nhiêu lâu, mà chỉ cho biết vợ chồng ông đủ tiền để thực hiện một chuyến du lịch Hawaii, lại còn có vài trăm cầm theo để tiêu trong chuyến đi.

Một chuyến đi Hawaii, rẻ nhất cho mỗi người cũng phải $1,500.00, gồm vé máy bay đi Maui, và sáu đêm ở khách sạn Sheraton như phụ trang du lịch tuần này cho biết. Cứ cho là cầm theo $500.00 để tiêu vặt thì chuyến đi sẽ tốn khoảng $3,500.00 cho cả hai người.

Nếu cứ 4 ngày, ông lại để dành được một đô la thì một năm ông để được $91.00.

Cứ 4 ngày một đô la bởi lẽ không thể có chuyện ngày nào cũng để dành được một đồng. Lý do là vì có khi ông ốm, bà đau, thỉnh thoảng bà lại bắt chước Nam Hàn, Bắc Hàn ngưng bắn vài hôm, có khi giận nhau, không chiến đấu được. Lúc trẻ tuổi có thể khác, khi nhiều tuổi khoảng cách có thể dài hơn giữa những lần ra trận. Và muốn để dành được số tiền $3,500.00 ông bà phải mất 38 năm.

Bức thư của người độc giả này xuất hiện trên báo đã làm cho rất nhiều người ghen tức. Ghen tức vì không làm được như cặp vợ chồng hạnh phúc đó.

Trước hết, phải có 38 năm. Cộng trừ nhân chia nhiều... nơi để được 38 năm là không được.

Những lần lẻ tẻ đó, mỗi lần may ra mời nhau được một cái vé xe điện và tô phở là nhiều. Không có cách gì để dành được $3,500.00 để mà đi Hawaii.

Cũng có khi ghen tức vì có ở với nhau 38 năm thật đấy, nhưng sức vóc cũng có thể không đủ để có nổi $3,500.00 đi du lịch. Có khi cố gắng lắm cũng chỉ may ra mời nhau nổi một chầu bò bía là cùng. Thảm lắm.

Nhiều người tin là tác giả bức thư chỉ muốn chọc quê các độc giả khác. Nếu chủ tâm của ông là như thế, thì ông đã thành công rực rỡ. Suốt mấy năm nay, tôi hậm hực về thành tích của ông vô cùng.

Tôi không tin chuyện đó là chuyện thật.

Thì hôm tuần trước, một độc giả khác viết cho Ann Landers một bức thư cũng dùng lối để dành đó, và sau 50 năm ở với nhau, ông đã có thể mời bà đi ăn tối ở một tiệm ăn rất sang, cơm Tây rượu chát, bạch lạp lung linh, vĩ cầm nỉ non... Và tháng giêng năm 2012, ông sẽ mua vé đưa bà đi chơi vòng quanh thế giới. Tất cả đều bằng tiền bỏ heo đất để dành ở đầu giường.

Nhưng có khác với tác giả bức thư đầu một chút. Đó là tác giả bức thư đầu tiên chỉ có một con heo đất ở đầu giường. Đập con heo đất, ông đủ tiền đưa bà đi Hawaii, tiết lộ làm nhiều người vẫn còn ấm ức vì bị thua đậm.

Tác giả bức thư thứ hai cho biết ông và bà có hai con heo đất ở đầu giường.

Mỗi lần hai ông bà yêu nhau, ông bỏ một đồng vào con heo đất số 1. Và mỗi lần bà... nhức đầu, bà "hổng chiệu đâu", hay bà giận ông, hay bà chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với ông, ông cũng bỏ một đồng vào con heo đất số 2.

Ông cho biết trong bức thư gửi Ann Landers rằng bằng những đồng tiền để dành đó, ông đã có quà kỷ niệm cho bà nhân ngày kỷ niệm kim hôn ( 50 năm ).

Ông cho biết bữa ăn tối rất lãng mạn đó được trả bằng tiền để dành của con heo đất số 1.

Và chuyến đi vòng quanh thế giới được trả bằng tiền lấy từ con heo số 2.

Bạn có bao giờ ăn ở một tiệm ăn đắt tiền như thế không? Có thể nào tiền ăn to hơn tiền một chuyến đi vòng quanh thế giới không?

Hay là tổn phí cho chuyến đi du lịch vẫn lớn hơn bữa ăn tối.

Nếu vậy thì không ai thèm ghen tức với ông già viết lá thư thứ hai cả.

Tôi cũng thấy đỡ tủi nhiều lắm.


Ngày 23 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tuần qua, trong phụ trang quảng cáo địa ốc của tờ Washington Post, tôi đọc được một lời rao bán đất nghĩa trang rất lý thú.

Người rao bán chắc chắn phải là một người đàn ông tuy ông không nêu rõ tên mà chỉ cho biết số điện thoại. Và người đọc cũng tin rằng ông là người chồng trong một cuộc hôn nhân nửa đường đứt gánh. Ông muốn bán lô đất mà hai người mua chung khi bà còn sống.

Lời rao nguyên văn như thế này: Well kept cemetery lot for sale. Person occupying other half is very nice and beautiful, not the nagging, jealous type. All gentlemen over 65 are welcome to inquire with reasonable offers. Please call...

Miếng đất ông muốn bán không phải chỉ là một miếng đất bình thường như những miếng đất khác. Nó là một nửa của lô đất gồm hai miếng mà ông và bà đã mua với dự tính hai người sẽ ở cạnh nhau lúc sống cũng như lúc đã sang bên kia thế giới. Nhưng một nửa lô đất nay đã có người nằm, người chưa dùng đến nó muốn bán. Người rao bán không nêu lý do như chúng ta thỉnh thoảng đọc thấy trong những lời rao bán xe, bán nhà như đi xa, xuất ngoại vân vân. Chi tiết duy nhất về miếng đất như được gìn giữ, chăm sóc cẩn thận được ghi ngay trên đầu, để có thể hiểu là có trồng hoa, cỏ được cắt tỉa cẩn thận.

Nhưng chi tiết đó không phải là chi tiết đáng để ý nhất. Chính những chi tiết về người đang nằm ở nửa kia mới đáng nói.

Người đăng lời rao cho biết người đang nằm dưới đất là người đẹp và hiền, không phải là thứ hay mè nheo, ghen bậy, ghen bạ. Ông cho biết thêm một chi tiết khác về tuổi tác của người nằm dưới khi mời các ông trên 65 gọi điện thoại nếu muốn mua đất.

Đây là một người chồng tuyệt vời. Bà ra đi trước, ông làm đúng lời hứa của những cặp yêu nhau: Anh hứa là sẽ chôn em nếu không được thì em chôn anh. Ông sống với bà đến lúc bà đi. Như thế là ông đã chôn bà. Nghe thì rùng rợn nhưng nghĩ lại, những cặp vợ chồng nên đưa ra một lời hứa như thế. Phải hứa như thế mới nói được sự hết lòng với hôn nhân. Hứa yêu nhau đến lúc đầu bạc răng long là chưa đủ. Vẫn có thể tới lúc đầu bạc, răng long, một trong hai bỏ đi theo mái tóc bạc và hàm răng long khác thì sao? Phải đem chôn mới chắc ăn.

Ông chôn bà, lại sửa sang phần mộ cho đẹp, trồng hoa, lập bia cho bà. Còn chuyện xuống ngay với bà thì có thể ông chưa sẵn sàng. Có thể thỉnh thoảng ông mơ thấy bà hiện về, bà nhắc ông mau xuống với bà, bà cô đơn, không có người đấm lưng, kể truyện tiếu lâm, pha cà phê cho bà uống buổi sáng, bóp chân cho bà... Ông nghe nhiều lần mà không làm được gì để chiều bà ngay, nên ông đăng báo tìm người chịu xuống sớm hơn với bà. Để đề nghị thêm hấp dẫn, ông cho biết bà rất hiền và đẹp, không mè nheo, ghen lồng lộn.

Thế nào miếng đất ông rao bán cũng sẽ bán được rất nhanh. Có thể ông chưa sẵn sàng để xuống ngay với bà, nhưng thiếu gì người ở nước Mỹ thỉnh thoảng lại phát điên hét toáng lên rằng thà chết còn sướng hơn là sống với những mè nheo sáng trưa chiều tối đó. Và đó là những người sẵn sàng mua miếng đất mà ông đang kiếm người để bán. Đó có thể là những người không biết học đâu được câu nói lưu danh muôn thuở của Trần Bình Trọng, để thỉnh thoảng lại sửa đi một chút rồi gầm lên đưa ra so sánh giữa chuyện làm quỉ dưới âm còn hơn làm người đàn ông khốn khổ trên dương thế.

Tôi tin là số người điện thoại hỏi ông sẽ rất đông đảo. Nhất là những người biết là mấy năm trước, cái "ngăn kéo" bên cạnh cái " ngăn kéo"... đựng Marilyn Monroe ở một nghĩa trang tại Hollywood đã có người mua, Hugh M. Hefner, chủ bút tờ Playboy mua đứt.

Sau này, khi ông chủ miếng đất muốn thăm bà thì cũng dễ. Chỉ sợ lúc ấy, lại bị một cụ bà trông lạ hoắc kéo tay lôi phắt đi không cho đến gần cái nghĩa trang ở gần thủ đô mà thôi. Nhưng đã chắc gì cụ nằm dưới lại muốn cụ ông ghé thăm sau bao nhiêu lần nước đã chẩy qua cầu... ào ào?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 124)

SO / VERY/ TOO

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 124 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thúy có mấy câu hỏi của cả thính giả lẫn của Thúy nhờ anh giải thích cho rõ hơn. Đó là hai trạng từ (ADVERB) SO và VERY. Thúy đã gặp chúng nhiều lần nhưng vẫn sợ dùng không đúng, vậy thì hôm nay xin nhờ anh giảng lại kỹ hơn.

BBT

Thực ra cách dùng của hai trạng từ này không khó khăn gì. Có những lúc chúng gần như giống hệt nhau. Đó là khi hai trạng từ SO và VERY cùng có nghĩa là "rất". SO và VERY được dùng để làm cho nghĩa của tĩnh từ (ADJECTIVE) đi theo chúng trở nên mạnh hơn. Hai cô cũng còn nhớ rằng trạng từ ngoài việc đi cùng với động từ để làm rõ nghĩa của động từ, chúng còn được dùng để thêm nghĩa cho tĩnh từ. Trong câu HE WALKS FAST thì trạng từ FAST cho chúng ta biết thêm về động từ WALKS. Anh ấy đi như thế nào? Anh ấy đi FAST, đi nhanh. Trạng từ FAST cho thêm nghĩa cho động từ WALKS. Trong câu IT IS HOT nghĩa là trời nóng. Nóng, HOT, là tĩnh từ. Muốn cho tĩnh từ mạnh hơn, rõ nghĩa hơn, chúng ta dùng trạng từ như IT IS EXTREMELY HOT. IT IS VERY HOT. IT IS SOMEWHAT HOT. Các trạng từ EXTREMELY, VERY và SOMEWHAT cho chúng ta biết thêm về tĩnh từ HOT. Trời nóng nhưng nóng thế nào? Cực nóng, rất nóng hay hơi hơi nóng? Đó là việc của các trạng từ EXTREMELY, VERY và SOMEWHAT.

Trở lại với SO và VERY, trong thí dụ THE WEATHER IS SO HOT thì SO HOT cũng giống như khi chúng ta nói THE WEATHER IS VERY HOT. HOT là tĩnh từ (ADJECTIVE). SO và VERY là trạng từ giúp làm cho tĩnh từ HOT mạnh hơn. Hai cô thử bỏ SO và VERY đi thì chuyện nóng nực không quá quắt lắm ngay. THE WEATHER IS HOT.

QA

Thưa anh, anh nói hai trạng từ SO và VERY này "gần như" giống hệt nhau. Như thế, chúng có giống nhau hoàn toàn không?

BBT

Các sách văn phạm nói chúng PRETTY MUCH MEAN THE SAME THING, nghĩa là SO và VERY gần như có cùng một nghĩa. Chúng gần giống nhau thôi. Hai câu THE WEATHER IS SO HOT và THE WEATHER IS VERY HOT đều có nghĩa là thời tiết rất nóng. Nhưng SO hơi khác VERY một chút. VERY nghĩa là "rất". SO cũng có nghĩa là "rất". Nhưng SO còn có nghĩa là "quá" nữa. Quá nóng thì khác với rất nóng. Khi chúng ta nói quá nóng, người nghe còn chờ thêm một vài chi tiết gì đó đi theo sau nữa chứ chuyện trời nóng không hẳn là chỉ ngừng ở chỗ đó. Thí dụ trời quá nóng (SO HOT) nên tôi phải tắm nước lạnh. Trời quá nóng (SO HOT) nên chúng tôi phải mở hết cửa sổ vào ban đêm. Trời quá nóng (SO HOT) nên mọi người kéo nhau ra biển. Trong khi nếu nghe nói trời rất nóng, THE WEATHER IS VERY HOT, thì người nghe không chờ đợi để nghe thêm gì khi câu nói chấm dứt.

LÃM THÚY

Thế thì thưa anh, TOO có khác SO không? Thúy hiểu TOO là "quá". Mà anh lại vừa nói SO cũng có nghĩa là "quá". Vậy TOO và SO đều cùng một nghĩa là "quá" hay sao?

BBT

TOO cũng là trạng từ (ADVERB) như SO, nhưng hơi khác SO một chút.

Tôi vừa nói THE WEATHER IS SO HOT là trời nóng quá. Người nghe chờ đợi tôi nói thêm một điều gì đó vì nghĩ rằng chuyện nóng đó còn đưa tới một số những chuyện khác nữa như phải đi tắm, phải mở cửa sổ, phải đi ra biển… Tuy vậy, không nói gì thêm thì cũng được. Nhưng TOO thì khác. TOO có nghĩa là quá, hơn hẳn, vượt quá. Và thường là chúng ta phải nói thêm một vài chi tiết để minh họa, làm rõ nghĩa, giải thích về tình trạng được mô tả là vượt trội, là quá mức đó. Không có những chi tiết đi sau, câu nói của chúng ta trở nên thiếu thiếu điều gì, khiến người nghe phải lắng tai chờ đợi, câu nói nghe chưa đầy đủ, tới độ có thể nói là hơi què cụt một chút.

Thí dụ tôi nói THE NEWS WAS TOO HORRIBLE rồi ngừng ở đó thì người nghe chắc chắn chờ nghe thêm một hai chi tiết khác. Đến khi nói thêm chi tiết HE WAS SPEECHLESS thì người nghe mới thôi, mới thấy là câu phát biểu về tin tức xấu ở trên là đầy đủ.

QA cho nghe hai thí dụ với TOO coi.

QA

HE SNOW STORM WAS TOO BAD, ALL FLIGHTS WERE CANCELLED.

THE ASKING PRICE OF THE HOUSE WAS TOO HIGH, THEY DECIDED NOT TO BUY IT.

BBT

Còn Lãm Thúy?

LÃM THÚY

THE U.S. ECONOMY IS TOO TERRIBLE, MANY IMMIGRANTS HAVE TO GO HOME.

MY SON IS TOO BUSY WITH HIS STUDIES, HE HAS NO TIME FOR THE GYM.

BBT

Người ta cũng dùng SO trong một cách đặt câu với 2 mệnh đề, một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ. Mệnh đề chính đưa ra một nhận định, một phát biểu. Mệnh đề phụ nói về hậu quả của điều mệnh đề chính nêu ra. Mệnh đề phụ bắt đầu bằng THAT như trong thí dụ này:

IT WAS SO HOT THAT I HAD TO TURN ON THE AIR CONDITIONER.

Mệnh đề chính là IT WAS SO HOT. Mệnh đề phụ là THAT I HAD TO TURN ON THE AC. Việc phải vặn máy lạnh lên là hậu quả của tình trạng nóng bức mà mệnh đề chính nêu ra. Thúy cho nghe hai thí dụ với cách đặt câu này coi.

LÃM THÚY

THE ROOM WAS SO DARK THAT WE COULD NOT SEE ANYTHING.

HE WAS SO WEAK THAT WE HAD TO HELP HIM TO STAND UP.

BBT

Cô QA?

QA

COFFEE IS SO EXPENSIVE THAT HE STOPPED GOING TO STARBUCKS.

EVERYTHING IS SO COSTLY THAT MANY PEOPLE MUST CUT DOWN THEIR CHRISTMAS SHOPPING.

BBT

Trong những câu mà hai cô vừa đưa ra ở trên, chúng ta có thể thay SO bằng TOO mà ý nghĩa không khác nhau gì mấy. Nhưng SO và TOO còn có những cách dùng khá đặc biệt khiến ý nghĩa của chúng trở nên rất khác nhau.

Trước hết là cách đặt câu với SO…THAT. Trong tiếng Việt là QUÁ … ĐẾN NỖI. Đó là những câu hai cô vừa đưa ra ở trên. Trong mệnh đề bắt đầu bằng THAT nghĩa là mệnh đề "đến nỗi", chúng ta có thể đưa ra những ý tưởng hoặc phủ định hoặc xác định đều được.

Thí dụ IT WAS SO HOT THAT WE MOVED INDOORS. WE MOVED INDOORS là xác định. Trong câu sau đây thì mệnh đề phụ là phủ định: IT WAS SO HOT THAT BIRDS DID NOT SING.

LÃM THÚY

Đến đây thì Thúy nhớ là với TOO, cũng có cách đặt câu "quá … đến nỗi". Nhưng cách đặt câu "quá … đến nỗi" với TOO thì lại rất khác nếu không nói là ngược lại hẳn với cách đặt câu "quá … đến nỗi " với SO … THAT. Điều đó có đúng không thưa anh?

BBT

Rất đúng. Nhưng cách đặt câu đó dùng TOO … TO chứ không dùng TOO …THAT. Chúng ta dùng trạng từ TOO với một tĩnh từ và TO với một động từ chưa chia, một INFINITIVE.

QA

QA nhớ là lối đặt câu này luôn luôn mang ỹ nghĩa phủ định mà không cần phải dùng động từ phủ định.

BBT

Đúng vậy cô QA. Hai cô nghe câu này nhé : IT IS TOO HOT. WE CANNOT WORK IN THE SUN. Trời quá nóng. Chúng tôi không thể làm việc ngoài trời được. Người ta phải dùng tới HAI câu. Nhưng nếu dùng cách đặêt câu TOO…TO thì chúng ta chỉ cần nói: IT IS TOO HOT TO WORK IN THE SUN. Thúy cho nghe hai thí dụ với TOO…TO coi.

LÃM THÚY

IT WAS TOO LATE TO GO TO THE MOVIE.

HE WAS TOO OLD TO RUN IN A MARATHON.

BBT

Còn QA?

QA

THE TASK IS TOO DIFFICULT TO FINISH IN ONE DAY.

THE CAR IS TOO BIG TO FIT IN THE GARAGE.

LÃM THÚY

Nhưng thưa anh, khi nói IT WAS TOO LATE TO GO TO THE MOVIE và THE TASK IS TOO DIFFICULT TO FINISH IN ONE DAY, người nghe không biết ai là người không đi coi movie được vì trời đã quá khuya; cũng vậy, người ta không biết ai là người không thể hoàn tất công việc khó khăn đó trong một ngày như trong câu của QA. Làm thế nào nói rõ ra được điều đó, nghĩa là làm sao nói để người nghe biết ngay ai là người đi movie và hoàn tất công việc khó khăn đó.

BBT

Chúng ta dùng giới từ FOR và sau đó là một túc từ đại danh từ (OBJECT PRONOUN như ME, YOU, HIM, HER, US, THEM) hay một danh từ riêng như tên người hay một danh từ chung. Thí dụ IT WAS TOO LATE FOR US hay FOR RICHARD, hay FOR THE YOUNG BOY rồi tới TO GO TO THE MOVIE. Để xem cô QA đã hiểu rõ cách dùng này chưa nào.

QA

IT IS TOO SOON FOR ME TO SAY WHO IS THE NEXT PRESIDENT OF THE USA.

THE GARAGE IS TOO SMALL FOR ME TO PARK MY NEW CAR.

BBT

Thế còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I THINK IT IS TOO EARLY FOR MY SON TO HAVE A SERIOUS GIRL FRIEND.

IT IS NEVER TOO LATE FOR US TO LEARN A NEW LANGUAGE.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.