Ngày 5 tháng 12 năm 2011
Bạn ta,
Đọc cuốn sách của Trần Đăng Khoa, cuốn sách với một số giai thoại, chưa hẳn là một cuốn phê bình, về các nhà thơ, nhà văn trong nước, ở đoạn viết về Tố Hữu, người ta thấy ngay một điều: Tố Hữu lờ béng mấy bài thơ chàng viết để khóc Stalin hồi đầu thập niên 50 đi, không nói, không nhắc gì đến những bài thơ ấy nữa.
Xấu hổ mà không nhắc tới chúng thì chắc không phải. Chàng lờ đi vì thực tế đã khác. Nhưng nét chữ ô nhục thì vẫn còn đó, làm sao xóa đi cho hết được. Chắc chắn chàng cũng đã có những lối giải thích để có thể đưa ra, khi nào bị lôi ra hỏi.
Có điều sau khi viết những câu thơ thối tha nói thương Stalin gấp mười lần lòng thương yêu dành cho cha, mẹ, chồng thì việc giải thích ngược lại sẽ không dễ lắm. Chàng chưa nói ra, nên người ta cũng không biết chàng biện giải cách nào. Có thể người ta sẽ không bao giờ được nghe những lời giải thích của chàng.
Nhưng chàng không phải là một người duy nhất cần đưa ra những giải thích cho những câu thơ ghê rợn vì dại dột và ngu xuẩn đã viết xuống trước đây.
Trong số những thứ thơ thẩn ca ngợi mấy anh Liên Xô lạ hoắc của các cậu, có hai câu tôi không thể nhớ là của cậu nào nhưng thối thì không thua cậu nào hết. Bài thơ đại khái là những lời nhắn nhủ của tác giả gửi một em cán gái được cho đi Matxơcơva "tham quan" một quả. Chàng ở nhà, chờ em mua vài món quà ngoại, đem bán kiếm ít tiền tiêu cho bõ những ngày cơ cực, nên vặn tim, nặn óc ra bài thơ gửi em, vừa nịnh em để vòi quà, vừa bầy tỏ lập trường kiên cường bồi Liên Xô vĩ đại cho có điểm với nhà nước.
Bài thơ này, tôi chỉ nhớ có hai câu:
"... Hôn hộ anh nền đá lát công trường,
Nơi yêu dấu Lê-Nin từng dạo bước..."
Nếu không dùng hình ảnh cậu Lê-Nin dạo bước, mà thay thế bằng một người khác, thí dụ em cán bộ gái đi guốc lẹp kẹp, tóc tai dễ sợ, nhan sắc tra tấn mọi người, như kết quả của nghệ thuật sửa sắc đẹp do mấy ma đam chợ Đồng Xuân đảm trách thì có lẽ nghe còn được hơn. Thí dụ nhờ một người nào đó, trở về trường cũ của em, tìm lại chút dấu tích, chút "thơm rơi" em để lại, thì nghe cũng đỡ hơn một chút:
"... hôn hộ anh nền đá lát sân trường
nơi yêu dấu cán gái thường lê guốc..."
Sửa như vậy nghe đỡ đi chút xíu, tuy vẫn không hay, nhưng sẽ không phải giải thích lôi thôi sau này, khi Lê-Nin bị quăng vào sọt rác như ở các nước Đông Âu ngày nay.
Tưởng tượng tác giả mấy câu thơ đồi trụy ở trên, lại không còn đúng lập trường chính trị, bị lôi ra chất vấn thì chàng sẽ phải nói như thế nào về việc nhờ em bé hôn những viên đá lát đường trước đây vài chục năm có gót giầy của Lê-Nin?
Trường hợp này không khó như trường hợp những câu như:
Hoan hô Xít-Ta-Lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình...
hay:
...Lòng chúng tôi thề theo bước Liên Xô...
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít-Ta-Lin bất diệt...
Nhưng phải nói như thế nào?
Cứ như thế này... "Thưa các đồng chí. Các đồng chí có dịp đi tham quan ở Matxơcơva đều đã thấy là đường phố thủ đô Liên Xô không sạch sẽ gì. Có những chỗ toàn cứt chó với cứt mấy đồng chí nghiện rượu. Vết chân của Lê-Nin sau mấy chục năm làm sao mà còn được ở những con đường ấy sau mấy chục năm tuyết giá, mưa nắng đổ lên mặt đường. Nguyên em có con bạn làm cán bộ gái dễ ghét không thể tả được. Con này lập trường lại có hơi chao đảo, theo phe xét lại của Khơ Rút Xốp nên em ghét nó mà không cách nào trả thù được nó vì nó dữ khiếp đảm. Nhân nó đi Matxơcơva, nói là đi học, chứ cái mặt nó mà học cái con gì, nên em lừa nó, em xúi nó kiếm cái công trường, đại khái cái nào cũng được, vì cái nào cũng nhiều cứt chó với cứt người cả, rồi cúi xuống hôn lia lịa như bác Hồ hôn các cháu nhi đồng gái cho cứt chó dính đầy mặt nó là em vui rồi. Thưa đấy, thơ của em là chỉ để cho cứt chó lên mặt nó cho bõ ghét chứ em uu ái quái gì cái thằng Lê-Nin ấy... Hồi ấy mà em đã ghét Lê-Nin rồi ấy chứ. Ghét lắm đấy ạ, thưa các đồng chí. Ghét như đào đất đổ đi ấy cơ!"
Nói vậy thì có thể thoát hiểm, vì cậu nào chẳng có một chị cán gái kinh hoàng. Chứ còn mấy câu về Xít-Ta-Lin thì không biết nói làm sao đây! Lờ béng đi là phải lắm.
Ngày 6 tháng 12 năm 2011
Bạn ta,
Trong những năm trung học, tôi nói dối rất dở. Thí dụ khi không làm bài tập, bị giáo sư gọi lên khám vở thì chỉ biết có một câu cả trường đã dùng nát bấy: để quên ở nhà.
Học sinh Mỹ có câu hay hơn: the dog ate my home work, bài tập làm ở nhà bị con chó ăn mất rồi. Dĩ nhiên là không ai tin, nhưng ít nhất nó cũng khá hơn câu để quên vở ở nhà. Tuy thế, dẫu cho nói thế nào thì cũng vẫn bị cho ăn hai con zéro, cuối tháng tha hồ mà giải thích với ông cụ khi trình học bạ lấy chữ ký, nếu không biết bắt chước, giả mạo chữ ký của ông cụ như những chàng trai thế hệ (?) khác.
Chó nào ăn bài tập làm ở nhà? Nhưng chó quả có ăn nhiều thứ rất lạ.
Cách đây vài hôm, trong phần tin tức buổi sáng của ABC, tin closer -- một bản tin thường có nội dung vui một chút, tạo chút ấn tượng cuối cùng còn lãng đãng với người nghe sau khi nghe xong tin tức --là chuyện một con chó nuốt mất chiếc nhẫn cưới mà chú rể định đeo cho cô dâu tại buổi lễ ở nhà thờ.
Con chó nuốt chiếc nhẫn thì nhiều người thấy, không thể lầm được, mà cũng không có chuyện chú rể nói dối cô dâu như khi bị giáo sư đòi xét vở bài tập.
Nhưng con chó không nhả ra, cho dù có dỗ dành cách mấy đi chăng nữa. Mà lễ cưới thì chỉ còn vài tiếng nữa sẽ diễn ra.
Chiếc nhẫn vào một đường, không thể ra cùng một đường đã dùng để đi vào. Nếu ra, chiếc nhẫn sẽ ra bằng đường khác. Mà cũng không dễ gì, muốn là ra ngay được.
Chiếc nhẫn đã ở trong dạ dầy cùng với nhiều thứ khác. Dạ dầy bóp, nghiền, nhào các thứ, tiết ra cường toan để tiêu đi. Nhưng chiếc nhẫn thì không thể tiêu hay nghiền bóp nát ra được. Nó sẽ tiến ra khỏi dạ dầy, vào ruột non, đoạn ruột luộc lên, ăn với lá húng rất ngon đó để các chất bổ dưỡng được hút ra nuôi cơ thể con chó. Lần nữa, chiếc nhẫn không bị sứt sát gì, vẫn còn nguyên viên kim cương to mà chú rể đã phải moi móc hết tiền bạc trong nhà mới mua được để đeo lên ngón tay áp út bàn tay trái của nàng. Khi không rút được gì từ cái vòng platine đó, cơ thể con chó sẽ đẩy chiếc nhẫn sang khúc ruột lớn hơn mà người ta hay nhồi mỡ, tiết, hạt tiêu, đậu phọng vào, nướng lên ăn với lá mơ, thứ lá miền Nam đặt cho cái tên hơi kỳ quái đó cùng với những thứ cặn bã khác để chờ khi chủ cột cái xích vào cổ, dẫn ra đường, lén tặng cho hàng xóm một bãi cho đáng đời thằng cha Á châu ghét chó ở sân cỏ đằng trước.
Con chó yêu quí lúc ấy hơi khuỵu chân sau xuống, mặt mũi đau khổ như ông Tố Hữu nghe tin Sít-ta-lin chết, thân run lên, và từng khúc ngắn được tống ra ngoài, rơi lăn lóc trên những lá cỏ.
Lúc ấy, chủ chiếc nhẫn mới đến bên đống cứt chó còn đang nóng hổi đó, lấy cái que, khều thật khéo, mắt không chớp, tìm cái vòng làm bằng platine và cục kim cương to có thể ném vỡ đầu con chó... Tìm thấy, lau qua cho sạch là có thể đem đeo vào tay cho nàng được.
Lý thuyết là như thế.
Nhưng để đón chiếc nhẫn chạy ra ngoài, đám cưới có thể sẽ phải hoãn lại. Mà có hoãn thì cũng không biết hoãn đến bao giờ, vì việc hoàn tất chu trình vận hành của chiếc nhẫn qua những khúc ruột ấy không thể biết là sẽ mất bao nhiêu thì giờ. Chỉ có cách phải bám sát con chó, chờ con chó rít lên, cào cửa, quíu cẳng lại đòi ra đường thì chạy theo mà thu hồi cái nhẫn.
Còn đám cưới? Đám cưới vẫn phải diễn ra đúng ngày giờ. Khách khứa xa gần đã đến, không thể hoãn lại. Thế còn cái nhẫn, vật tượng trưng cho tình yêu của chàng dành cho nàng, vẫn phải có chứ.
Và bạn biết người đàn ông nhanh trí và đầy sáng tạo đó đã làm gì để có chiếc nhẫn tại đám cưới không? Chàng nhờ người đem con chó vào bệnh viện, đặt lên bàn, dùng máy quang tuyến chụp cái bụng nó. Tấm phim cho thấy rõ chiếc nhẫn trong bụng chó. Tấm phim được đem tới nhà thờ, và khi chàng tuyên bố: With this ring, I thee wed -- với chiếc nhẫn này, tao cưới mày ( theo kiểu dịch Anh Việt của người Việt tị nạn ở Mỹ), thì ring bearer, người mang chiếc nhẫn trao cho chú rể đeo vào tay cô dâu trong các lễ cưới ở đây, đưa ngay tấm phim cho cô dâu thấy... lòng thành của chú rể.
Con chó ăn mất chiếc nhẫn rồi. Bằng cớ đây. Ai mà giận được chàng.
Nhưng có điều sau khi lấy được chiếc nhẫn đeo cho nàng, có lẽ phải lâu lắm chàng mới dám hôn tay nàng, hôn ngón tay đeo nhẫn của nàng, hôn chiếc nhẫn chứng tích tình yêu của đôi ta.
Rửa cách mấy mà cứ nghĩ chuyến đi của nó từ đầu này sang đầu kia của con chó là lại thấy thoang thoảng mùi rất lạ.
Ngày 8 tháng 12 năm 2011
Bạn ta,
Trong suốt nhiều năm, tôi cứ nghĩ Gloria Steinem là tác giả của câu nói nổi tiếng "A woman needs a man like a fish needs a bicycle" hay: "A woman without a man is like a fish without a bicycle".
Cả hai câu có một chút khác nhau về cách sắp xếp chữ dùng, nhưng ý nghĩa thì giống nhau như hệt: đàn bà cần đàn ông cũng như con cá cần chiếc xe đạp. Con cá không cần chiếc xe đạp, nên đàn bà cũng không cần đàn ông.
Lập luận như thế thì ngay các sư tổ của luận lý học cũng không cách nào cãi được. Đó là một câu hay tuyệt, một câu khẩu khí, một câu không thể của ai khác hơn ngoài người phụ nữ đi hàng đầu của phong trào phụ nữ giải phóng, Gloria Steinem. Không những câu nói mang đầy nét khẩu khí, mà nó còn tóm lược đầy đủ cái nhìn của Gloria Steinem và của phe phụ nữ giải phóng về những liên lạc giữa đàn ông và đàn bà của họ. Nó cũng giải thích tại sao Gloria không có chồng. Và vì Gloria là một phụ nữ có sắc đẹp, nên sự khẳng định của câu nói đó lại càng mạnh hơn một cách đáng kể.
Người ta tin tác giả câu ví von đó là Gloria Steinem là điều dễ hiểu.
Và luôn cả những cuốn sách tham khảo, những cuốn sưu tập các danh ngôn rất đứng đắn, soạn thảo công phu mà tôi đọc trong thư viện cũng ghi tác giả câu nói đó là Gloria.
Nhưng tờ tuần san Time thì lại cho biết câu ấy không phải là Gloria Steinem. Thực ra thì chính Gloria viết một bức thư ngắn gửi cho tờ Time, nói rằng cô không phải là tác giả của câu nói đó.
Trong thư, Gloria Steinem cho biết người lần đầu tiên nói câu đó lên không phải là cô, mà là Irena Dunn, một nhà giáo dục, một nhà báo và cũng là một chính trị gia người Úc. Nhưng sự thật thì chính Irena Dunn cũng không phải là tác giả, mà chỉ là người sửa lại một chút câu nói của một triết gia "Man needs God like a fish needs a bicycle," khi cô còn đang đi học đại học ở Sydney.
Gloria Steinem viết lá thư cho tờ Time, không nhận chủ quyền câu nói rất hay đó.
Có điều tờ Time không phải là tờ báo duy nhất nói Gloria Steinem là tác giả, mà nhiều tờ báo, nhiều cuốn sách khác cũng đã viết như thế trong suốt nhiều năm qua.
Gloria Steinem không phải là người không đọc sách và đọc báo nên chắc chắn cô phải được đọc những bài báo, những cuốn sách nói cô là tác giả. Tại sao trong suốt bao nhiêu năm qua, Gloria không một lần nói cô không là tác giả câu nói đó, mà phải mãi mới gửi bức thư cho tờ Time? Không phải tự nhiên mà Gloria quyết định tôn trọng tài sản trí thức của người khác.
Chúng ta biết là Gloria đã làm một việc không ai có thể tưởng tượng ra được. Không ai có thể nghĩ rằng một lãnh tụ phụ nữ giải phóng, suốt bao nhiêu năm nay chỉ toàn nói những câu rất độc ác về đàn ông, lại làm đám cưới với một người đàn ông.
Như vậy, trái với những điều nàng nghĩ trước đây, hay nhận là đã nghĩ ra trước đây (câu về con cá cần chiếc xe đạp), Gloria Steinem cần một người đàn ông thật. Đưa người đàn ông về nhà rồi, Gloria Steinem sợ con cá nhẩy ra khỏi bồn, lấy chiếc xe đạp chạy ra đường đi rêu rao tầm bậy tầm bạ, nên nàng phải cải chính, phải nói lại cho đúng chăng?
Nếu không thì tại sao lại phải viết thư cải chính một điều không ai đặt thành vấn đề (chủ quyền, tác quyền) từ năm 1970 ?
Hay người đàn ông sau khi trở thành chồng của Gloria đã lấy lại được danh dự cho những người đàn ông bị khinh bỉ, rẻ rúng từ bao nhiêu năm nay bởi cái câu ví von dùng đàn ông, đàn bà, con cá, chiếc xe đạp? Có phải người đàn ông ấy đã tìm ra được một cách để Gloria phải vùng dậy, nhẩy ra khỏi giường, viết vội cái thư gửi cho tờ Time, đọc cho chàng nghe, thò tay vào bồn cá, bắt con cá vàng bỏ lên yên chiếc xe đạp, rồi vội vã, cười ngỏn ngoẻn chui vào chăn trở lại (với chàng) và năn nỉ xin tha?
Biết đâu tuần tới, Gloria lại chẳng viết lá thư khác phủ nhận đã nói câu "I can't mate in captivity" nghĩa là tôi không làm tình, tôi không thể có quan hệ tình dục được trong khi bị nhốt trong chuồng (mà nhiều sách cho là của nàng,) và nói đó là câu của mấy con gấu trúc (Giant Panda) trong sở thú ở với nhau cả chục năm mà cứ ỳ ra, chẳng động tĩnh gì như Ling Ling và Sing Sing ở vườn thú thủ đô?
Tôi nghĩ chồng của Gloria Steinem đáng lẽ phải bắt Gloria dậy cho con cá đi được xe đạp rồi mới... tha cho cái tội ăn nói bậy bạ đó. Chứ chỉ một bức thư cho tờ Time nói mơ hồ như vậy là chưa được.
Ít nhất cũng phải sửa câu nói đầy lăng mạ mà người ta vẫn nói là của Gloria thành "Con cá nó sống vì nước... Em mà không có anh thì cũng như con cá nằm trên... thớt...Chết đứ đừ mất anh ạ!"
Rồi hãy tha.
Ngày 9 tháng 12 năm 2011
Bạn ta,
Benjamin Franklin, một trong những cha đẻ của nước Mỹ, trong những lúc không giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa kỳ, thì hình như ông chỉ có một trò chơi ưa thích, đó là thả diều trong những khi trời nổi dông bão để đến nỗi suýt bị sét đánh, và thì giờ còn lại, có vẻ như ông chỉ dùng để nghĩ ra những câu nói làm khổ đời không biết bao nhiêu đứa bé trong những năm thơ ấu ngắn ngủi của chúng.
Thí dụ những câu như đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ làm cho người ta vừa giầu có vừa khôn ngoan (Early to bed and early to rise makes a man rich and wise), hay việc hôm nay đừng để đến ngày mai (Never put off until tomorrow what you can do today)... Ông không bao giờ đồng ý với những chuyện vô cùng thích thú đó của bọn trẻ con. Ông toàn nói những điều ngược lại với những chuyện đem lại quá nhiều niềm vui của chúng.
Ông cụ tôi là người thuộc rất nhiều câu dậy đời quái ác đó của Benjamin Franklin, và thường xuyên đem ra cho chúng tôi nghe. Tôi ghét cay ghét đắng ông già Franklin là vậy. Ông già Ben suýt bị sét đánh chết trong một buổi chơi diều và nhờ đó, chế ra cái thu lôi tiên để lại cho đời, không hề biết rằng thói quen để việc hôm nay đến ngày hôm sau, cái tính hay diên kỳ, trì hoãn, lần lữa, triển hoãn, để lại đến ngày khác mà ông khuyên nên bỏ, cũng có cái khía cạnh tốt đẹp của nó, đó là chúng ta luôn luôn có vài ba việc để làm trong ngày mai.
Nên con số những người hay để việc hôm nay đến ngày mai có vẻ khá đông.
Mười mấy măm trước, mẹ tôi sang chơi với tôi mấy ngày. Khi về, cụ để quên trong tủ áo phòng tôi chiếc khăn quàng lụa, không biết quà của ai trong mấy chị em chúng tôi biếu cụ. Tôi định gửi lại cho cụ, nhưng rồi cái tính mà Benjamin Franklin ghét lại nổi lên đùng đùng trong người, và chiếc khăn treo trong tủ áo vẫn tiếp tục được treo ở chỗ cũ đó.
Ít lâu sau, thì tôi quên luôn là trong tủ áo còn có cái khăn quàng của mẹ. Khi dọn nhà, xếp quần áo vào thùng, tôi thấy nó, định gửi đi, nhưng những việc lặt vặt khác lại thình lình hiện ra sau chuyến dọn nhà, đẩy chuyện gửi cái khăn quàng sang Canada xuống một ưu tiên dưới, vả lại, mẹ tôi nhất định còn có vài chiếc khăn khác.
Rồi một bữa, khoảng giữa mùa thu ở miền đông nước Mỹ nhiệt độ thình lình giảm đi hẳn hơn hai mươi độ, và buổi sáng đi làm đã cần chiếc áo lạnh. Mở tủ áo, thì tôi thấy từ chiếc mắc áo treo chiếc áo lạnh, rơi ra chiếc khăn quàng mầu nâu có in những chiếc lá vàng, chiếc khăn quàng mẹ tôi để quên ở nhà tôi trong chuyến sang thăm tôi.
Đã lâu lắm rồi, mà mùi nước hoa mẹ tôi dùng vẫn còn mơ hồ thoang thoảng trong những thớ lụa. Cái mùi mẹ tôi dùng đã bao nhiêu lâu nay, mùi Coco Chanel, vẫn còn nguyên một cách kỳ lạ. Chiếc khăn lúc vắt trên vai, lúc trùm mái tóc, mùi mẹ tôi, mùi tay, mùi tóc... tìm kỹ chắc cũng còn nguyên trong đó.
Tôi nghĩ những cái mùi mà mấy chị em chúng tôi đã biết, đã quen từ mấy chục năm nay vẫn còn trong những sợi tơ dệt chiếc khăn quàng lụa đó.
Mới vừa hôm nào...
Bây giờ thì tôi không cần phải gửi cái khăn ấy đi đâu nữa. Và lương tâm cũng không còn cắn về cái tội trì hoãn, không gửi lại cho mẹ tôi cái khăn quàng ngay nữa.
Trái lại, chuyện trì hoãn, lần lữa khiến tôi không gửi ngay chiếc khăn cho mẹ tôi lại hóa ra hay, một việc rất đáng làm, hay nói đúng ra, là rất đáng trì hoãn, rất đáng để không làm.
Chứ mau mắn, không để việc hôm nay đến ngày mai mà làm ngay, gửi lại cho cụ chiếc khăn thì làm sao bây giờ tôi có một kỷ niệm rất đẹp của mẹ tôi ở với tôi. Gửi rồi phải... tranh giành với mấy chị em tôi sau khi mẹ tôi mất hay sao?
Ông già Benjamin Franklin lần nữa, lại sai lầm nặng.
ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 122)
MỘT VÀI THẮC MẮC THƯỜNG GẶP
Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 122 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 2 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Hôm nay Thúy xin chuyển cho ông thầy câu hỏi của một cụ bà theo dõi rất kỹ chương trình Anh ngữ của thầy. Cụ hỏi là trong một bài học cách đây không lâu, khi giảng về POSSESSIVE CASE, thầy có nói rằng POSSESSIVE CASE tức là sở hữu cách chỉ được dùng với người, hay các sinh vật, tức là những danh từ có đời sống như THE QUEEN’S PALACE là lâu đài của nữ hoàng, hay THE TIGER’S STRIPES là vằn của cọp, chứ không được dùng cho các vật không có đời sống như cái bàn, quyển sách, căn nhà… Chúng ta không thể nói THE TABLE’S LEG, hay THE BOOK’S COVER, hay THE HOUSE’S ROOF mà phải nói là THE LEG OF THE TABLE, THE COVER OF THE BOOK, THE ROOF OF THE HOUSE… Nhưng tại sao cụ lại nghe nói A WEEK’S VACATION. Nói như vậy có đúng không? Đó có phải là ngoại lệ không?
BBT
Nói A WEEK’S VACATION như cụ nêu trong thư là hoàn toàn đúng. Và cụ nói đó là ngoại lệ thì cũng rất đúng. POSSESSIVE CASE thường chỉ dùng với người hay các sinh vật. Nhưng có những ngoại lệ như cụ nêu trong thư. Văn phạm tiếng Anh cho phép dùng POSSESSIVE CASE với những danh từ đã được nhân cách hóa, đã được cho có đời sống, tức là PERSONIFIED OBJECTS thí dụ như NATURE’S LAWS, luật của thiên nhiên; DUTY’S CALL là tiếng gọi của trách nhiệm. Những trường hợp như hai thí dụ vừa kể thì chúng ta ít nghe thấy nhưng A WEEK’S VACATION thì chúng ta nghe thường hơn.
QA
QA còn nghe mấy đứa con nói A DAY’S WORK nữa.
BBT
Đúng vậy, POSSESSIVE còn được dùng với những danh từ chỉ thời gian (TIME), không gian (SPACE) và trọng lượng (WEIGHT) nữa. QA nói thử bằng tiếng Anh những chữ này coi: thời gian của một năm, tiền lương của hai tuần.
QA
Thời gian của một năm là A YEAR’S TIME; tiền lương của hai tuần là A TWO WEEKS’ PAY.
BBT
Cô Thúy nói thử giấc ngủ kéo dài một tiếng và trọng lượng của một cân Anh coi.
LÃM THÚY
Giấc ngủ một tiếng là AN HOUR’S SLEEP; trọng lượng của một cân Anh là A POUND’S WEIGHT.
QA
Ban The Beatles có bài A HARD DAY’S NIGHT cũng ở trong trường hợp văn phạm này phải không thưa anh?
BBT
Đúng như vậy. A HARD DAY’S NIGHT là đêm của một ngày nhọc nhằn.
Chúng ta cũng còn thấy nhưng trường hợp thế này nữa: HE WENT TO THE BARBER’S và WE ARE DINING AT SAM’S. Trong hai câu trên, không cần phải nói rõ BARBER’S SHOP, và cũng không cần phải nói SAM’S HOUSE chúng ta vẫn hiểu đó là tiệm hớt tóc và nhà của Sam. Như vậy, POSSESSIVE CASE cũng được dùng để chỉ một cơ sở thương mại, như tiệm ăn, tiệm hớt tóc, tiệm sửa xe hay nhà của ai đó. Có một điều hai cô chắc đã biết là trong trường hợp các danh từ đã có chữ "S" ở cuối, hay cuối các tiếng này có âm của chữ "S" thì chúng ta không cần phải thêm chữ "S" để tạo thành POSSESSIVE CASE nữa. Thí dụ MISTER JONES’ HOUSE; MOSES’ LAWS; FOR CONSCIENCE’ SAKE hay FOR GOODNESS’ SAKE, FOR JESUS’ SAKE…
LÃM THÚY
Nhưng Thúy cũng thấy người ta viết MISTER JONES’S HOUSE, như thế là sau cái tên có chữ "S" ở cuối, người ta vẫn thêm dấu APOSTROPHE và chữ "S". Vậy có đúng không?
BBT
Theo các nhà văn phạm thuộc trường phái cổ điển thì viết như thế là sai. Nhưng càng ngày người ta càng thấy những trường hợp như thế xuất hiện nhiều hơn. Khuynh hướng hiện nay là chấp nhận cả hai lối viết đó. Nhưng khi nói, khi đọc lên thì rất khó phân biệt JONES’ và JONES’S. Nói thế nào để người nghe vẫn hiểu đúng ý là được rồi.
QA
Thưa anh, QA thỉnh thoảng nhận điện thoại, nghe phía bên kia hỏi muốn nói chuyện với QA thì QA phải trả lời thế nào? THIS IS SHE hay THIS IS HER?
BBT
Cô thử đảo ngược thứ tự của ba chữ trong câu trả lời thì thấy ngay cách nói nào đúng. Chúng ta nói THIS IS SHE, đảo ngược lại thành SHE IS THIS. Hay THIS IS HER, đảo ngược lại thành HER IS THIS. Theo cô thì SHE đúng hay HER đúng?
QA
QA thấy SHE có vẻ ổn hơn.
BBT
Đúng vậy. Như thế cô nên trả lời THIS IS SHE mặc dầu cũng có nhiều người trả lời THIS IS HER. Có một cách khác để trả lời mà không bị ai bắt bẻ là sai văn phạm hay bầy đặt khó khăn quá đáng là nói vào máy: SPEAKING. Chỉ cần vậy là đủ rồi. Không cần phải nói I AM SPEAKING.
LÃM THÚY
Thúy thấy người Việt ở đây đã chế ra được một lối nói mới thí dụ như ME thấy SHE vất vả quá, ME nói SHE nên kiếm công việc khác mà làm nhưng SHE nói HE không chịu cho SHE làm ban đêm nên SHE vẫn giữ cái job cũ. Thầy có nghe kiểu nói chuyện như vậy bao giờ chưa?
BBT
Có, cứ xuống phố Bolsa là nghe thấy kiểu nói chuyện đó ngay. Thì cũng giống như hồi xưa ở Việt Nam chúng ta xưng MOA (MOI), và gọi người kia là TOA (TOI) vậy mà. Hai cô nghe câu chuyện này có sợ không… một ông nói với bạn đồng hành trên một chuyến xe lửa rằng " Đêm qua, đang ngủ, moa mắc tiểu quá, moa phải lên đầu toa moa tiểu." Nghe chuyện này tôi chỉ hy vọng "toa" là cái toa tầu chứ không hải là "TOI" đại danh từ ngôi thứ hai số ít trong tiếng Pháp. Ngày nay, nhiều người dùng ME như thế hệ trước kia ở Việt Nam dùng MOA là để tránh khỏi phải xưng là TÔI nhạt nhẽo, hay ANH hay EM thì lại quá thân mật, chưa phải lúc. Bây giờ thì cứ YOU, ME, HE, SHE cho tiện, lại đỡ bị bắt bẻ lôi thôi, mặc dù ME thì không đúng vì ME là túc từ (OBJECT), không thể là chủ từ (SUBJECT) được.
QA
Thưa anh, QA muốn biết nói thế nào đúng thí dụ MY FRIEND AND I hay I AND MY FRIEND?
BBT
Khi còn đi học, trong những bài học và sách vở tiếng Anh, chúng tôi được dậy phải luôn luôn đưa ngôi thứ HAI và thứ BA lên trước ngôi thứ nhất, phải luôn luôn tỏ ra khiêm tốn, không nhắc tới mình trước, vì thế, gần như bao giờ cũng phải nói MY FRIEND AND I thay vì I AND MY FRIEND. Ngay cả khi ngôi thứ HAI và thứ BA là những người trẻ hơn, ở cấp dưới hơn cũng thế. MY SON AND I… thay vì I AND MY SON. Nhưng ở Mỹ, tôi lại thấy những trường hợp ngược lại. Nhất là ở lối nói của những người Mỹ bình dân, ít học, những người Mỹ ở những vùng đồng quê miền Nam. Có ít nhất hai ca khúc nổi tiếng với những tựa đề rất khác với những điều chúng tôi được dậy trước đây, đó là các bài ME AND MRS JONES và ME AND BOBBY McGEE. Nếu hai cô xem phim DRIVING MISS DAISY, thì hai cô cũng thấy lối ăn nói như vậy trong cuốn phim về một tình bạn giữa một người phụ nữ da trắng và người tài xế da đen ở một thị trấn nhỏ miền nam nước Mỹ.
Lối nói như vậy có thể không được chấp nhận bởi số đông nhưng càng ngày người ta càng nghe thấy nhiều hơn.
LÃM THÚY
Thúy muốn anh nói về hai chữ BORED và BORING. Chúng có cùng nghĩa không?
BBT
BORED và BORING có cùng một xuất xứ. Đó là cả hai đều từ động từ TO BORE, BORED là PAST PARTICIPLE và BORING là PRESENT PARTICIPLE. Cả hai đều được dùng làm tĩnh từ (ADJECTIVE). Nhưng chúng lại rất khác nhau. PAST PARTICIPLE "BORED"của động từ vừa kể ở trên, khi dùng làm tĩnh từ thì nó cho chúng ta biết người ta nghĩ gì về một chuyện nào đó.
PRESENT PARTICIPLE với tiếp vĩ ngữ ING ở cuối (BORING) được dùng để mô tả người hay vật tạo ra cái tình cảm hay sự suy nghĩ đó.
Đó cũng là trường hợp của các động từ TO INTEREST cho chúng ta hai tĩnh từ INTERESTED và INTERESTING; động từ TO EXCITE với EXCITED và EXCITING.
QA
QA thấy các tĩnh từ được tạo thành từ động từ INTEREST chẳng hạn, rất khác nhau nhưng lại cùng một gốc.
BBT
Đúng rồi. Động từ TO INTEREST là tạo chú ý, gây quan tâm. Thí dụ khi nói THE WATERS OFF VIETNAM INTEREST MANY NATIONS IN THE AREA nghĩa là vùng biển ở ngoài khơi Việt Nam ngày nay tạo chú ý của nhiều quốc gia trong khu vực. Nhưng INTERESTED và INTERESTING thì lại khác. INTERESTED là quan tâm, chú ý đến. INTERESTING là lý thú. Không ai tự mô tả mình là người rất lý thú bao giờ nên không thể nói I AM AN INTERESTING PERSON . Nói I AM INTERESTED IN BUYING A TOWN HOUSE. Nhưng có thể nói THE BOOK IS VERY INTERESTING. QA dùng BORED và BORING trong hai câu coi.
QA
HE STAYS HOME ALL DAY AND IS BORED WITH NOTHING TO DO.
THE MAN IS BORING: HE TALKS ABOUT HIMSELF ALL THE TIME.
BBT
Cô Thúy cho nghe hai câu với những tĩnh từ của động từ TO EXCITE coi. TO EXCITE là gây kích thích.
LÃM THÚY
THE SINGER APPEARED ON STAGE AND PEOPLE WERE VERY EXCITED.
THE NEWS ABOUT IRAQ THIS EVENING WAS EXCITING.
BBT
THANK YOU LADIES. THE CLASS TODAY IS SO INTERESTING. THERE WAS NOT ONE BORING MOMENT. WE WERE ALL EXCITED WITH THE GRAMMAR POINTS YOU BROUGHT UP. THANK YOU LADIES.
QUỲNH ANH
Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.