November 25, 2009

November 27, 2009

Ngày 23 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Cuốn sách phát hành tại Anh quốc của David Weeks và Jamie James, Secrets of the Superyoung, bí mật của những người trẻ lâu, có thể sẽ khiến các ma đam chủ thẩm mỹ viện phải đổi nghề, hay nếu tiếp tục, thì các thẩm mỹ viện sẽ chỉ còn thứ khách hàng cơm đường cháo chợ, hằng đêm không biết làm gì hơn là nằm ngó trân trân lên chiếc trần nhà đầy mạng nhện.

Bản tin sáng nay của Reuters gửi đi từ Luân Đôn về quyển sách này cho biết là những phương pháp căng kéo bơm hút, những loại kem dưỡng da, xóa vết nhăn sẽ không còn được dùng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng để níu kéo thêm chút thanh tân khi "Tuổi hoa niên úa dần mỗi năm, ngày xuân len lén bỏ đi, những đóa hoa ẻo lả chết vô ích " (Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing / bài 46, The Gardener của Tagore)

Tất cả các kỹ thuật cũ vừa tốn kém vừa mang lại không bao nhiêu kết quả, ấy là chưa nói đến việc làm cho bạn bè thân quen không cách nào nhận ra với những cái mũi mới bằng plastic... nam nữ dùng chung, mắt hai mí, cằm chẻ một kiểu tạo sinh rập khuôn của những bàn tay giải phẫu thiếu sáng tạo.

Theo David Weeks, một nhà tâm lý học, và Jamie James, một khoa học gia, thì cách hay nhất để trẻ thêm được bẩy tuổi, quăng đi những đường rãnh quái ác mỗi ngày mỗi rõ thêm, sâu thêm, những cái chân quạ nhất định không chịu... bước ra khỏi khóe mắt, những buổi sáng buồn khi soi gương thấy những sợi tóc mai đã đổi mầu là chịu khó mỗi ngày yêu bố cháu một cái bằng tất cả sự hăng hái có được (vigourous regular sex).

Theo hai tác giả của cuốn sách, thì sinh hoạt đó giúp làm giảm những chất mỡ, đồng thời làm cho não tiết ra endomorphins, một chất giúp giảm đau và đánh tan những lo âu phiền não. Hai ông đã đi đến kết luận như vừa kể sau khi nghiên cứu trường hợp của 95 người có bề ngoài trẻ hơn tuổi thật trong căn cước rất nhiều. Tất cả đều cho biết sex là yếu tố lớn nhất đem lại nét trẻ trung của họ.

Bởi thế nên không cần phải kem dưỡng da như Melanie Griffith mới có thể thách đố thời gian mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong những quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Cứ cơm nhà, quà... cũng ở nhà là trẻ ra tới bẩy tuổi ngay tức thì.

Cuốn sách của David Weeks và Jamie James còn đưa tới những chuyện khác nữa. Thí dụ tối tối, mẹ cháu có thể cầm viên aspirine đứng trước mặt bố cháu nuốt cái ực, rồi nói lớn: "Cho nhức đầu đi chơi chỗ khác nhá..." Hay cũng có khi vuốt mái tóc điểm sương của bố cháu rồi âu yếm:"Bố già quá rồi, mà lại không là... xếp của Mafia được... thôi để em làm cho bố trẻ đi bẩy tuổi nghe..."

Thế là lại làm ma đam chủ thẩm mỹ viện cho cả bố cháu lẫn mẹ cháu cho cả hai thành... đôi trẻ trở lại. Nhưng cứ giúp bố cháu trẻ lại như thế thì cũng mệt quá. Thế nào chẳng xẩy ra chuyện những cuốn sách quái ác đó bị đem đốt ngay từ khi được chở từ Anh sang nước Mỹ, trước khi chúng được đưa tới các tiệm sách để giúp những người đàn ông khốn khổ ở nước Mỹ tiếp tục già cho đỡ... mệt.

Ai cần bỏ đi bẩy năm trên mặt để mất đi bẩy năm ở những chỗ khác?


Ngày 24 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Một người bạn thấy trí nhớ của tôi bắt đầu lung tung, vừa gửi cho tôi một cái organizer để yểm trợ cho bộ nhớ cũ với 8 megabytes giúp ghi xuống những chuyện không thể quên được trong đời sống.

Như bạn biết, sau cái tuổi năm mươi quái ác, trí nhớ bắt đầu bỏ chúng ta mỗi ngày. Có khi đang nói giữa câu thì quên hẳn định nói gì, không sao nhớ ra được. Thình lình ai hỏi hôm qua làm gì, mặc cái áo nào, cái ca vát mầu gì, tối ăn gì, với ai, là chịu thua. Cái hẹn đến rồi đi, mãi mấy ngày sau mới nhớ. Một khuôn mặt rất quen mà cái tên thì biến mất. Hai tháng trước, một người bạn cũ của thời đi học gặp tôi ở một quán ăn. Vẫn cái giọng nói đó, vẫn tiếng cười đó, người bạn còn giúp trí nhớ bằng hai ba chi tiết khác, rốt cuộc đành mang tiếng là "thiên hạ đệ nhất bạc tình lang" vì không cách gì nhớ ra nổi. Mãi đến khi có tấm danh thiếp, mới... mừng mừng tủi tủi ôm nhau cứ như cảnh quán bên đường trong bài thơ của Bình Nguyên Lộc.

Cái organizer cầm gọn trong bàn tay ngoài khả năng lưu giữ 12 ngàn cái địa chỉ, một số hình ảnh ( để đề phòng trường hợp một người bạn cũ khác trắc nghiệm trí nhớ), còn giữ được trong bộ nhớ của nó những cái hẹn trong mười năm sắp tới.

Mười năm sắp tới, là từ nay đến năm 2019. Tất cả những cái hẹn, từ hẹn tới phở Nguyễn Huệ ăn sáng với ông chủ tiệm có những cái ca vát rất đẹp, đến bữa ăn tối ở Laguna, chuyến đi San Jose đầu năm tới, sinh nhật mấy đứa cháu nội ngoại, thay nhớt máy xe, gia hạn báo Time, thượng thọ của... mình... tất cả đều có thể được giữ trong bộ nhớ, đến ngày đến tháng phải làm những chuyện đó, một tràng tiếng bíp, màn ảnh hiện ra hàng chữ nhắc người đàn ông đãng trí việc phải làm. Trong mười năm sắp tới.

Mười năm là xong tới hai kế hoạch ngũ niên của nhiều nước thích dùng con số 5 để hoạch định những chương trình hoạt động quốc gia.

Nhưng chuyện nghĩ đến hai kế hoạch ngũ niên bây giờ hình như ít người dám làm. Chuyến ra đi của những người bạn trên dưới tuổi chúng ta bắt đầu làm cho chuyện nghĩ cho năm năm, mười năm trở nên hơi... khó nghĩ. Mà toàn là những người sống mực thước, điều độ, lành mạnh đều đã "bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" trong mấy năm trở lại đây.

Thế nên cứ mỗi năm, đứng trước một năm mới, là lại thấy như ông Mai Thảo chờ quà:

Sáu mốt cùng ta đứng trước thềm
Đợi trời thả tặng chút xuân thêm
Trời thôi tặng phẩm, xuân còn hết?

Quà của trời, của xuân cũng có khi hết, làm sao biết chắc sẽ xong nổi... hai cái kế hoạch ngũ niên?

Thì ông bạn gửi cho cái organizer giúp khỏi quên những cái hẹn của 10 năm tới.

Mấy hôm trước, tôi đọc được một câu nói của James Garner rất lý thú. Ông tài tử 72 tuổi này, khi được hỏi có những dự tính gì trong hai chục năm tới, đã trả lời rằng ông không hề dự phóng ra một tương lai xa như thế. Hãy cứ hỏi tuần tới có lẽ tiện hơn. Rồi ông cho biết ông lâu nay, khi đi chợ, không còn mua chuối xanh nữa.

Vậy mà hôm qua, ghé chợ mua ít trái cây và bình sữa để uống cà phê, tôi đã mua mấy quả chuối chưa chín, hy vọng còn có thể ăn được trong mấy ngày tới.

Như vậy là cũng đã chủ quan và yêu đời lắm rồi. Nhưng món quà của người bạn gửi cho thì có phải là lạc quan quá đáng không?

Chắc không, cái organizer do hãng sản xuất đã có sẵn bộ nhớ khá lớn đó. Người mua không đặt ra cái khả năng ghi nhớ những cái hẹn mười năm. Và người dùng thì lại càng vô can.

Cũng như những quả chuối còn xanh mua về chẳng phải là một suy nghĩ lạc quan gì. Chuối chín thì ăn với Danish blue cheese rất dở. Vậy thôi.


Ngày 27 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Có lúc, tôi cứ nghĩ trong hoàng gia Anh, chắc chỉ có bà già Victoria là khó chịu nhất, mặt mũi lúc nào cũng khó đăm đăm, cái quạt phành phạch trong tay, mặt vênh lên với câu "tao không vui" (I am not amused) làm điên đầu những người đứng gần nàng như mấy ông thủ tướng Peel, Palmerston hay Gladstone.

Nhưng Victoria vẫn không khó chịu bằng má của Charles.

Má của Charles mấy năm trước đi Úc chơi. Hành lý của nàng mang theo khoảng hơn hai mươi tấn. Trong đó có cả một cái bệ cầu bọc da mềm để đỡ cái đít vương giả. Nàng chê mấy cái bàn cầu ở Úc không xứng với người phong lưu. Nhưng chuyện mang theo cái bệ cầu trong chuyến đi thăm Úc không làm bao nhiêu người bực bội. Ai mà thèm mất công bênh vực cho những cái bàn cầu bao giờ. Cho dù nàng có mang cái bàn cầu bịt vàng, nạm kim cương thì những chất bã của đồ ăn, có đại yến đi chăng nữa, thì qua những phản ứng hóa học trong ruột, khi tiến ra ngoài, vẫn giống hệt như của bọn thường dân chỉ mì gói và hamburger, TV dinner cả đời.

Đi Úc, một nước vẫn còn trong khối Thịnh Vượng Chung, bề gì cũng dễ. Tuy khuynh hướng cộng hòa khá mạnh ở Đại Dương châu, nhưng việc Úc dẹp hoàng gia cũng còn lâu mới xẩy ra được. Nữ hoàng vẫn còn được người dân Úc trọng nể mặc dù những chuyến đi thăm của nàng không đem lại lợi ích gì mà trái lại, có khi chỉ mang lại toàn những điều không vui như người Maori ở Tân Tây Lan, bên kia biển Tasman, vẫn tin từ bao lâu nay. Bởi vậy, có nhõng nhẽo đòi có cái bệ cầu bọc da mềm mới chịu vào ngồi nghĩ việc nước thì các kangaroo và koala vẫn tha, không phiền trách gì nàng.

Nhưng một lần, khi nàng đi thăm La Mã, cái khó tính của nàng đã làm cho người Ý phẫn nộ.

Nàng có lẽ chưa bao giờ nghe câu của thánh Ambrose (340-397) khuyên thánh Augustine: "Si fueris Romae, Romano vivito more; Si fueris alibi, vivito sicut ibi", nghĩa là khi ở La Mã thì hãy sống như người La Mã; khi ở chỗ khác, thì hãy sống như người ta sống ở đó.

Nàng ra lệnh đồ ăn thức uống của nàng không được có một nhánh tỏi nào. Một chút hơi tỏi cũng không được. Hành cũng thế. Pasta cũng cấm luôn. Sốt cà chua cũng không được.Đến nước Ý, xứ sở của pasta, sốt cà chua, tỏi... nàng nhất định không đụng tới mấy thứ ấy. Không đụng đến chúng thì cứ nhẹ nhàng, sao phải nhắng lên như thế. Không coi tự ái dân tộc Ý ra chi hết.

Thế nhưng chê đồ ăn Ý thì nàng ăn gì ở nước Ý?

Mang theo mấy thùng saveloy, tức là món hot dog bán đầy đường ở Mỹ nhưng được người Anh trân quý nhé? Hay mấy món rau luộc mềm nhũn, nát bấy ra? Hay fish and chips gói trong giấy báo vừa đi vừa lấy tay móc ra ăn?

Sao mà khó thế? Khó lắm, tắm cũng... xát xà bông chứ có mặc triều phục lúc đi tắm đâu.

Khó như vậy cần phải bỏ xuống thuyền vượt biên sang Poulo Bidong hay Galang ở vài tháng, ném cho cái pizza vừa có tỏi vừa có sốt cà chua xem có mừng mừng tủi tủi ăn liền không hay là vẫn cứ cơm phải ba món, hai món xào một món canh mới chịu ăn như đòi hỏi của các nhà quí tộc di tản chúng tôi sau khi vào đất liền được một... tuần?

Nhưng tại sao chê tỏi? Có là Dracula không mà sợ tỏi, hay chê ăn tỏi không lich sự, sợ ăn tỏi rồi không ai dám đến gần quá một thước?

Bây giờ, ở tuổi nàng, thì ai ngay quận công Philip cũng còn phải chắp tay sau đít đi cách ba bước ở phía sau thì ai còn dám đến gần quá một thước nữa mà lo kiêng tỏi?

Hay là ghen với ban Spice Girls?

Đòi làm Old Spice cho chúng tôi... cạo râu chăng?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 55)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 55 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Tuần này, QA nhận được một bức thư của cô Nguyễn Đình Ngọc Bích ở Oregon muốn nhờ được chỉ cách dùng chữ EVER. Đó cũng lại là thắc mắc của cả Nhã Lan và QA. Vậy thì xin thầy nói về EVER trong bài học hôm nay vậy.

NHÃ LAN

Nhã Lan biết chữ EVER này nghĩa là bao giờ. Chữ này Nhã Lan hay gặp lắm, nhưng chắc nó có nhiều cách dùng phải không thưa anh?

BBT

Cô nói đúng. EVER là một trạng từ (ADVERB), nghĩa của nó, như cô Nhã Lan nói, là bao giờ, có bao giờ. Nó cũng có nghĩa là luôn luôn. Thí dụ EVERGREEN là cây vạn niên thanh, luôn luôn xanh mướt.

Trước hết, chúng ta có thể dùng nó để làm cho nghĩa của động từ mạnh thêm, nhấn mạnh vào động từ, làm cho nghĩa rõ hơn, mạnh hơn.

Thí dụ khi tôi hỏi DID YOU LIVE IN SEATTLE? thì tôi chỉ hỏi cho có chuyện, hỏi cho biết, hỏi nhưng cũng không mấy cần phải được trả lời, trả lời có cũng được, không cũng được, không có gì quan trọng cả. Nghe nói cô QA đã ở một tiểu bang miền tây bắc, tôi tò mò, thắc mắc không biết cô có ở Seattle, thành phố mà tôi cũng có lần đi ngang qua hay không.

QA

QA nghĩ là trong trường hợp anh quả tình muốn biết, vì Seattle là một thành phố rất đặc biệt, anh có vài ba người quen ở đó, có một hai tiệm ăn nổi tiếng ở đó, anh muốn biết QA có ở đó, có ở Seattle chưa, thì QA nghĩ lúc ấy QA sẽ dùng trạng từ EVER.

BBT

Đúng vậy. Thế thì cô nói thử coi.

QA

DID YOU EVER LIVE IN SEATTLE?

NHÃ LAN

Để nhấn mạnh thêm, Nhã Lan thấy người ta nhắc đi nhắc lại EVER một hai ba lần nữa đúng không thưa anh?

BBT

Đúng. DID YOU EVER, EVER, EVER LIVE IN SEATTLE? Bây giờ qua câu trả lời. Nếu đã có lần ở Seattle, thì chúng ta KHÔNG DÙNG EVER. Chúng ta dùng ALREADY.

QA

YES, I ALREADY LIVED IN SEATTLE đúng không ông thầy?

BBT

Đúng. EVER dùng cho câu hỏi. ALREADY dùng cho câu xác định ( AFFIRMATIVE) và trong câu phủ định (NEGATIVE), chúng ta dùng NOT EVER. Hay nói ngắn lại là NEVER.

Cô Nhã Lan chắc chưa ở Seattle bao giờ phải không?

NHÃ LAN

NO, I NEVER LIVED IN SEATTLE.

QA

Từ nay đến giờ, QA nghe mấy câu thí dụ anh đưa ra QA thấy hơi kỳ kỳ. Hình như QA thấy người ta dùng EVER với thì PRESENT PERFECT thường hơn phải không anh?

BBT

Đúng vậy. Cám ơn cô QA nêu ra chi tiết này. Cô nói rất đúng. EVER là bao giờ, có bao giờ. Thường khi nói bao giờ là chúng ta hàm ý là TÍNH TỚI NAY, CHO TỚI NGÀY HÔM NAY thì CÓ BAO GIỜ CHƯA.

Thì Present Perfect được dùng cho những chuyện bắt đầu trong quá khứ nhưng chưa chấm dứt, chưa hoàn tất, và cho những chuyện mà chúng ta còn tính tới ngày hôm nay, lúc này, bây giờ.

Vì thế, cô QA nói là cô nghe EVER thường được dùng với thì Present Perfect thì rất đúng. HAVE YOU VISITED THE ANGKOR WAT? nghĩa là cho đến ngày hôm nay, ông đã đi thăm Đế Thiên Đế Thích chưa? Nhưng thêm EVER vào thì nghĩa có mạnh hơn: HAVE YOU EVER VISITED ANGKOR WAT?

Hay thêm trạng từ BEFORE vào cũng sẽ làm cho nghĩa mạnh hơn: HAVE YOU EVER VISITED ANGKOR WAT BEFORE?

Cô QA, cô có thể cho nghe một, hai thí dụ với PRESENT PERFECT và EVER không?

QA

HAS HE EVER OWNED A FERRARI BEFORE?

HAS SHE EVER MET PRESIDENT OBAMA BEFORE?

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ đến lượt Nhã Lan

NHÃ LAN

HAVE THEY EVER BEEN INSIDE THE WHITE HOUSE BEFORE?

HAVE WE EVER TASTED THIS AUSTRALIAN WINE BEFORE?

QA

Thế trong những câu phủ định, chúng ta cũng dùng NEVER chứ ?

BBT

Đúng. I HAVE NEVER SEEN OSAMA BIN LADEN BEFORE.

NHÃ LAN

Đúng như vậy đó. Thầy Trúc gặp rồi thì chuyện gì sẽ xẩy ra đây?

QA

HE MAY NOT BE HERE TODAY. HE MAY BE IN GUANTANAMO.

BUT MISTER BUI, HAVE YOU EVER SET FOOT ON CUBA?

BBT

NO, I HAVE NEVER VISITED MISTER CASTRO’S CUBA BEFORE. AND MAY NEVER WILL. Cô Nhã Lan cho nghe hai câu với PRESENT PERFECT và EVER coi.

NHÃ LAN

HAVE YOU, QA, EVER MADE SUSHI AT HOME BEFORE?

HAVE THEY EVER SHOPPED AT HARRODS IN LONDON BEFORE?

QA

Thưa anh, có dùng EVER trong các câu xác định không?

BBT

Có, nhưng nghĩa NEGATIVE vẫn nằm ở trong. Thí dụ khi chúng ta nói thế này:

THAT WAS THE BEST BOOK I HAVE EVER READ. Câu này nghĩa là đó là cuốn sách hay nhất mà tôi đã đọc được. Đây là một câu xác định. Không hề có chữ NOT ở trong. Nhưng ý nghĩa phủ định đã nằm sẵn ở trong: I HAVE EVER READ tuy ở thể xác định (AFFIRMATIVE) nhưng lại được hiểu là từ bé đến lớn, tử thuở cha sinh mẹ đẻ, từ lúc hiểu biết, từ lúc ra đời đến nay, TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐỌC ĐƯỢC CUỐN SÁCH NÀO HAY NHƯ THẾ.

Cô Nhã Lan, khi cô nói HE IS THE MOST HANDSOME MAN THAT I HAVE EVER MET thì câu đó nghĩa là gì?

NHÃ LAN

Chàng là người đẹp trai nhất mà tôi đã gặp được trên đời này. Nhưng đó là thí dụ của anh đưa ra chứ Nhã Lan thì chưa bao giờ có dịp nói câu đó. I HAVE NEVER SAID THAT.

BBT

Cô QA, tưởng tượng sau khi ăn tối tại tòa Bạch Ốc xong, trên đường cô sẽ nói gì?

QA

IT WAS THE WORST DINNER THAT I HAVE EVER BEEN INVITED TO. Cầm cái muỗng, con dao cũng phải theo đúng cách, lấy cái khăn chùi miệng cũng phải làm điệu làm bộ. QA thích đi ăn cơm Thái, cơm Nhật với lũ con thoải mái hơn là được mời ăn tối với Michelle và Barrack Obama.

BBT

Cách nói như thế cũng không có gì khó cả. Chúng ta dùng thể so sánh cao nhất (SUPERLATIVE) trong mệnh đề đầu.

GREGORY PECK WAS THE BEST ACTOR THAT…

MISTER REAGAN WAS THE OLDEST PRESIDENT THAT…

MISTER OBAMA IS THE FIRST AFRICAN AMERICAN THAT…

THE LAMBORGHINI IS THE MOST EXPENSIVE CAR THAT…

THE WINTER OF 1980 WAS THE COLDEST WINTER THAT …

SANS SOUCI IN WASHINGTON DC IS THE NICEST RESTAURANT THAT…

Bây giờ mời hai cô nối vào sau những mệnh đề trên bằng những mệnh đề với trạng từ EVER coi hai cô đã hiểu chưa.

QA

GREGORY PECK WAS THE BEST ACTOR THAT HOLLYWOOD HAS EVER PRODUCED.

MISTER REAGAN WAS THE OLDEST PRESIDENT WHO HAS EVER LIVED IN THE WHITE HOUSE.

MISTER OBAMA IS THE FIRST AFRICAN AMERICAN THAT WAS EVER ELECTED TO THE PRESIDENCY.

NHÃ LAN

Bây giờ đến lượt Nhã Lan:

THE LAMBORGHINI IS THE MOST EXPENSIVE CAR THAT ITALY HAS EVER MADE.

THE WINTER OF 1980 WAS THE COLDEST WINTER THAT WE HAVE EVER KNOWN.

SANS SOUCI IS THE NICEST RESTAURANT THAT THEY HAVE EVER BEEN TO.

QA

Thưa thầy, một khán giả khác, ông Nguyễn Thiện ở Orlando, Florida hỏi cách dùng động từ TO NEED làm sao cho đúng.

BBT

NEED có thể vừa là danh từ, vừa là động từ. Khi là danh từ, NEED có nghĩa là nhu cầu, điều cần thiết, cái mà chúng ta cần.

Trong Anh ngữ có câu tục ngữ dùng danh từ NEED các cô nên biết. Cũng dễ nhớ thôi, đó là A FRIEND IN NEED IS A FRIEND INDEED.

IN NEED là vào lúc cần thiết, vào lúc đang thiếu, cần phải có. A FRIEND IN NEED nghĩa là người bạn đến với chúng ta trong lúc chúng ta gặp cảnh cùng quẫn nhất thì đó chính mới là bạn đích thực của chúng ta, IS A FRIEND INDEED, hay IS INDEED A FRIEND nhưng nói IS A FRIEND INDEED thì vần với IN NEED ở trên.

NHÃ LAN

Thế khi không cần thì nói NO NEED được không thưa thầy?

BBT

Được chứ. Thí dụ nói vào ngày 1 tháng 1, ngày đầu năm, các nhân viên không cần phải đến sở thì nói thế nào, cô Nhã Lan nói thử coi…

NHÃ LAN

ON NEW YEAR’S DAY, THERE IS NO NEED FOR US TO COME TO THE OFFICE.

QA

Hôm chở con QA xuống trường, QA đưa cho nó 100 đô la, nó đưa lại, và nói: MOM, I HAVE NO NEED FOR MONEY AT SCHOOL.

BBT

Như vậy, chúng ta hiểu cách dùng NEED khi nó là danh từ. NEEDY là tĩnh từ, nghĩa là nghèo. Thí dụ THE SALVATION ARMY TRIES TO HELP THE NEEDY PEOPLE AT CHRISTMAS.

NEEDLESS là không cần. Hai cô nên biết cách nói này để dùng IT IS NEEDLESS TO SAY. Cô QA đoán thử IT IS NEEDLESS TO SAY nghĩa là gì nào?

QA

IT IS NEEDLESS TO SAY nghĩa là khỏi cần nói cũng biết, cũng phải làm một chuyện gì đó. QA có nghe trong một bản tin mới đây câu đó nên mới biết khi bị ông thầy hỏi.

Thí dụ QA nói thế này có đúng không.

IT IS NEEDLESS TO SAY THAT THE REPUBLICANS DO NOT LIKE MRS PALIN NO MATTER WHAT SHE DOES OR SAYS.

BBT

Cô Nhã Lan cho nghe một câu với IT IS NEEDLESS TO SAY coi.

NHÃ LAN

WITH TWO DAUGHERS IN COLLEGE, IT IS NEEDLESS TO SAY THAT MY JOB AT HOME IS VERY DIFFICULT.

BBT

Khi nó là động từ, TO NEED có cách dùng hơi khác một chút. Các cô nên để ý.

NEED có thể được dùng như một trợ động tự (AUXILIARY VERB). Khi đó, NEED "cư xử" như CAN hay MAY, nghĩa là ngôi thứ BA số ít KHÔNG CÓ S, hệt như HE CAN, HE MAY. Theo sau là động từ nguyên mẫu không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO)

Thí dụ: HE NEED NOT COME. Cô Nhã Lan cho một thí dụ với NEED dùng như một trợ động tự coi.

NHÃ LAN

Để Nhã Lan … thời sự một chút nhé: PRESIDENT OBAMA NEED NOT BOW TO EMPEROR AKIHITO được không anh?

BBT

Được quá đi chứ. Còn cô QA?

QA

MY SON NEED NOT PAY TUITION FOR HIS UNDERGRADUATE DEGREE.

BBT

Trong thể hỏi, chúng ta đặt NEED lên đầu, theo sau là CHỦ TỪ (SUBJECT), tiếp theo là động từ nguyên mẫu không có TO. Đây là một câu phủ định về chuyện con trai cô QA được học bổng đi học nên không phải trả tiền học phí: HE IS ON SCHOLARSHIP SO HE NEED NOT PAY TUITION. Nhã Lan đổi thành thể hỏi, tức là thể nghi vấn (QUESTION FORM hay INTERROGATIVE FORM) coi.

NHÃ LAN:

NEED HE PAY TUITION?

BBT

Còn cô QA, cô đặt câu hỏi ông Obama có cần cúi đầu khi chào Nhật Hoàng thì cô nói làm sao?

QA

NEED HE BOW TO EMPEROR AKIHITO?

BBT

Nhưng khi NEED là động từ chính (MAIN VERB) thì chúng ta phải dùng nó như các động từ khác.

Thí dụ HE NEEDS A NEW PAIR OF GLASSES. Cô Nhã Lan thấy khác không?

NHÃ LAN

Lần này nó là động từ chính. Ngôi thứ BA phải có S. Khi nó trợ giúp cho một động từ khác, thì nó là trợ động từ ( AUXILIARY VERB), nó không có S trong ngôi thứ BA số ít.

I KNOW HE IS VERY BUSY SO HE NEED NOT ANSWER MY LETTER.

Khi nó là động từ chính, ngôi thứ BA số ít phải có S: SHE NEEDS A DRIVER.

BBT

Khi ấy, câu hỏi sẽ như thế nào, cô QA?

QA

Khi ấy chúng ta phải dùng TO DO để hỏi và TO DO cho thể phủ định.

SHE NEEDS A DRIVER là xác định (AFFIRMATIVE)

DOES SHE NEED A DRIVER? là nghi vấn, là thể hỏi (INTERROGATIVE).

SHE DOES NOT NEED A DRIVER là thể phủ định (NEGATIVE)

BBT

NHÃ LAN, DO YOU NEED MORE EXPLANATION?

NHÃ LAN

NO, I DON’T NEED MORE EXPLANATION. NEED WE SPEND MORE TIME ON THIS VERB?

QA

NO I NEED NOT.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Nguyễn Minh, Garden Grove, California

Cũng như ông, nhiều người rất khó chịu về danh từ "con chữ". Danh từ này trước năm 1975 không thấy ở miền Nam. Nó chỉ xuất hiện trong báo chí, sách vở ở miền Bắc và ở miềnNam sau năm 1975. Một số nhà văn Việt Nam không khởi đi tư miền Bắc cũng vồ lấy hít hà, lôi ra dùng. Việc sử dụng những từ ngữ như thế chỉ cho thấy một hành động bắt chước, chạy theo đuôi một cách thiếu trưởng thành và cá tính.

Tại sao lại là "con chữ" mà không là "thằng chữ". Hay đó là "nom féminin" và "nom masculin" mà chúng ta dùng khi phân tích tự vựng hồi học tiếng Pháp? Nhưng tiếng Việt thì có bao giờ phân biệt danh từ giống đực và danh từ giống ái đâu mà "con chữ" với lại "thằng chữ"?

Ma mút không phải là con mamouth. Ma mút nghĩa là con ma nhưng lại còn xấu lắm: xấu như ma mút.

Ma cà rồng hay ma cà lồ đều là một. Ma cà bông là chữ mượn từ tiếng Pháp: vagabond nghĩa là người vô lại, lêu lổng, sống lang thang…

Ông Trần Lễ, Irvine, California

Cà răng căng tai là tên gọi một sắc tộc sống ở cao nguyên Trung phần có tục mài răng và nong lỗ tai cho to.

Cà răng núc nác là người mắc nợ quá nhiều không chịu trả.

Đồ Long Đô là tên chúng tôi dùng để gọi đùa thành phố Toronto nghe cho có vẻ Kim Dung một chút. Toronto phiên âm qua chữ Hán và đọc theo lối Việt Nam là Đa Luân Đa.

Cô Hà Vân, Chicago, Illinois

Câu "He can sell a refrigerator to an Esquimo" có một câu tương đương trong tiếng Việt, đó là câu "bán nắng cho trời, bán sấm cho thiên lôi".

Câu "He can sell you the Brooklyn bridge" nghĩa có hơi khác. Người bán chiếc cầu Booklyn cho bạn là người bịp giỏi hơn người bán cái tủ lạnh cho ông Esquimo.

Đà là tiếng cổ có nghĩa là đã. Khách đà (đã) lên ngựa, người còn ngó theo (Kiều)

Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan (Kiều câu 1502)

Loi thoi là không đều, lộn xộn, không ngay hàng thẳng lối.

Lơ thơ tơ liễu buông mành (Kiều câu 269)

Lơ thơ là thưa thớt, không dầy, không rậm

Ông Phạm X.N. (xuannguyen1952@yahoo.com)

"Đã lòng dậy đến, dậy thì phải vâng…" Đây là hai bài 29 và 33 trong tập The Gardener của Rabindranath Tagore:

XXIX

Speak to me, my love! Tell me in words what you sang.

The night is dark. The stars are lost in clouds. The wind is sighing through the leaves.

I will let loose my hair. My blue cloak will cling round me like night. I will clap your head to my bosom; and there in the sweet loneliness murmur on your heart. I will shut my eyes and listen. I will not look in your face.

When your words are ended, we will sit still and silent. Only the trees will whisper in the dark.

The night will pale. The day will dawn. We shall look at each other’s eyes and go on our different paths.

Speak to me, my love! Tell me in words what you sang.

Anh yêu quí, hãy nói cho em nghe ! Hãy nói cho em nghe bằng những lời anh hát.

Đêm tối đen. Sao chìm khuất sau những đám mây. Gió thở dài qua những chòm lá.

Em sẽ xõa tóc ra. Chiếc áo choàng xanh quấn lấy em như bóng đêm. Em sẽ ôm đầu anh vào ngực; và ở đó, trong cô đơn ngọt lịm thì thầm bên trái tim anh, em sẽ nhắm mắt lại và lắng nghe. Em sẽ không ngó thẳng vào khuôn mặt của anh.

Khi anh ngưng tiếng hát, chúng ta sẽ ngồi yên không nói. Chỉ có tiếng rừng cây thầm thì trong bóng tối.

Đêm rồi cũng sẽ nhạt đi. Bình minh sẽ trở lại. Chúng ta sẽ nhìn vào mắt nhau và chia tay mỗi người đi một ngả.

Hãy nói với em, anh yêu quí! Hãy nói với em bằng những lời anh đã hát.

XXXIII

I love you, beloved. Forgive me my love. Like a bird losing its way I am caught. When my heart was shaken it lost its veil and was naked. Cover it with pity, beloved, and forgive me my love.

If you cannot love me, beloved, forgive me my pain.

Do not look askance at me from afar.

I will steal back to my corner and sit in the dark.

With both hands I will cover my naked shame.

Turn your face from me, beloved, and forgive me my pain.

If you love me, beloved, forgive me my joy.

When my heart is borne away by the flood of happiness, do not smile at my perilous abandonment. When I sit on my throne and rule you with my tyranny of love, when like a goddess I grant you my favour, bear with my pride, beloved, and forgive me my joy.

Em yêu anh, anh yêu của em, hãy tha thứ cho em.

Như chim lạc lối, em sa vào bẫy. Khi tim rung động, mạng che tuột rơi, bầy ra trái tim trần trụi. Hãy thương em, hãy đem tình thương bảo bọc lấy tim em, anh yêu, và tha thứ cho em.

Nếu anh không thể yêu em, anh yêâu ơi, hãy tha thứ nỗi đau này của em.

Xin anh đừng từ xa đó nhìn em ngờ vực.

Em sẽ len lén trở về góc phòng ngồi trong bóng tối, lấy hai tay che nỗi trơ trẽn trần trụi của mình.

Anh yêu ơi, đừng nhìn em nữa, hãy tha thứ cho nỗi vui của em.

Khi tim em bị cuốn đi cùng sóng nguồn hạnh phúc, đừng cười cợt sự buông thả đầy nguy hiểm của em.

Khi lên ngôi báu, trị vì anh bằng tình yêu hà khắc, như một nữ thần, em sẽ ban ân huệ cho anh, anh hãy gắng chịu đựng niềm kiêu kỳ ấy và tha thứ cho niềm vui của em.

November 19, 2009

November 20, 2009

HTML clipboard

Ngày 16 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,
Với những người Ả Rập nói riêng và thế giới nói chung, thì Guantanamo là một cái tên kinh hoàng nhờ việc làm của truyền thông báo chí Tây phương với những bản tin, nhũng bài báo tô vẽ lên những hình ảnh hãi hùng của Guantanamo.

Guantanamo là tên một trại tù nằm trong một căn cứ hải quân Mỹ ở ngay trên một khu đất của Cuba mà Hoa kỳ thuê mướn hiện nay giao kèo vẫn còn hiệu lực.

Ðã có lúc, trại tù này chứa khoảng trên dưới 500 tù nhân bắt được tại Afghanisan, Pakistan. Một số người được thả về đã đưa ra những hình ảnh hết sức kinh hoàng về Guantanamo. Gần như tất cả đều nói là họ bị hành hạ, tra tấn, nhục mạ, kinh Koran bị nhét vào cầu tiêu vân vân.

Thực hư không biết như thế nào. Nhưng với những người Ả Rập, không phân biệt ở nước nào, hễ nói tới Guantanamo, là những hình ảnh hãi hùng, tra tấn, kìm kẹp, ngược đãi lập tức hiện ra.

Và cũng chính vì cái tên của trại tù này, mà một người đàn ông Ả Rập Saudi đã bị vợ lôi ra tòa xin li dị. Chuyện bắt đầu không có gì là ghê gớm lắm. Người đàn ông này không hành hạ vợ, không ngoại tình, không bê bối gì hết. Nguyên một hôm, vợ của ông ta cầm cái điện thoại cầm tay của chồng lên xem trong lúc chàng đang vừa tắm, vừa hát karaoke ầm ỹ trong buồng tắm. Chẳng phải chàng hát karaoke quá dở nên vợ xin li dị. Vợ chàng mở cái điện thoại ra, và tò mò xem chàng chứa trong đó những số điện thọai của ai. Nếu có vài ba cái tên phụ nữ cũng chẳng sao. Ðàn ông Hồi giáo được quyền lấy 4 vợ thì vài ba cái tên ấm ớ đó mà nhằm nhò gì. Ở vần "G", nàng đọc thấy tên của trại tù Guantanamo. Nàng giật mình, không biết chồng tại sao lại có điện thoại của nhà tù kinh hoàng này. Chàng theo Osama Bin Laden từ hồi nào mà lại có người quen bị giam ở Guantanamo? Hay chàng bí mật làm việc cho CIA, cho Mỹ, phản lại những người anh em Hồi giáo đồng đạo của chàng? Nàng bấm thêm một cái nút nữa để xem số điện thoại của trại Guantanamo như thế nào, có mấy hàng số, gọi đi Guantanamo thì phải bấm bao nhiêu số vân vân. Nhưng khi số điện thoại của Guantanamo hiện ra thì nàng hết sức kinh ngạc vì đó là những con số rất quen. Nhìn kỹ lại thi nàng thấy những con số ấy chính là số điện thoại cầm tay của nàng. Hay là chàng lầm?

Không thể có chuyện lầm được, vì khi bấm và hồ sơ những số điện thoại chàng gọi đi, hay chàng nhận được, thì cái số điện thoại của nàng vẫn hiện lên cùng với cái tên Guantanamo. Nàng gọi cho chàng hồi sáng, số của nàng hiện ra bên cạnh cái tên Guantanamo chứ không hề là tên của nàng.

Như thế, chăùc chắn chàng đã dùng tên của cái nhà tù ác ôn của đế quốc Mỹ độc địa để thay cho tên nàng trong điện thoại của chàng. Vậy thì chồng nàng coi nàng độc ác đến như thế hay sao? Nàng đã làm gì để bị chàng đối xử với nàng như thế. Muốn quây cho kín mít dể không một khúc nào bầy ra ngoài cho mấy thằng đàn ông khác coi miễn phí, nàng làm theo lập tức. Muốn nàng học một khóa múa bụng về múa cho chàng coi, nàng học ngay mấy khóa cao cấp để chiều chàng. Chàng muốn ngồi ăn thịt cừu mỡ chẩy ròng ròng bôi tay lên tóc nàng, nàng cũng chịu… Nàng chiều chàng như vậy mà nỡ lòng nào chàng gọi nàng là Guantanamo? Guantanamo còn kinh khiếp hơn chằng tinh, gấu ngựa, chằng lửa sửa cầu tiêu, đứt dây thiều rơi xuống hố … rất nhiều.

Chàng nghĩ nàng như thế đấy.

Nàng liền đưa chàng ra tòa li dị, chấm dứt vĩnh viễn những chuyện khốn nạn đó.

Và Ả Rập Saudi bỗng có thêm một người đàn ông tự do, tha hồ muốn đi Pakistan, Afghanistan gia nhập mujahedin ôm bom nhẩy vào chiến xa Mỹ để lên thiên đàng v

i 72 trinh nữ … cũng được. Chẳng có chị vợ béo nào tha thướt chador hay burqa trong nhà làm phiền chàng nữa.

Tôi nghĩ chàng là người nhiều sáng kiến. Chỉ dùng có cái tên Guantanamo không thôi mà cũng đủ nói ra được bao nhiêu điều ấm ức.

Chứ như tôi thì thua chàng xa. Tôi không nghĩ ra được trò chàng làm. Ðó là với người này, thì là Trại Ðầm Ðùn, với người khác, thì là Lý Bá Sơ, người khác nữa là Con Ma Vái Dù (?)… Chỉ có thế thôi chứ tôi không nghĩ ra được Guantanamo trong khi Guantanamo dữ dằn hơn nhiều. Tù nhân bị giam, không được ăn uống tử tế, anh nào cũng béo quay ra như heo rẽo, kinh Koran lại bị ném xuống đất, trại lại không chịu thuê mấy em múa bụng qua múa cho các chàng coi. Guantanamo quả là một trại tù độc ác.

Nhưng chiếc iPhone của tôi thì cũng chỉ làm được có một vài trò nhà quê tận mạng. Thay vì dùng tiếng chuông reo, người ta có thể thay tiếng chuông bằng tiếng chó sủa gâu gâu, tiếng vịt cạc cạc là cùng. Ðang lái xe, nghe tiếng chó sủa là biết ai gọi liền. Tiếng vịt cạc cạc cũng thế. Lỡ đang lái xe, có người ngồi cạnh, bỗng nghe tiếng chó sủa ầm ỹ, thì … cứ để cho chó sủa tiếp. Lúc khác (vắng người) hãy trả lời. Khi bị nhắc trả lời điện thoại, thì cứ nhún vai và nói rằng "Ối giào ơi … mấy con chó ấm ớ nào ấy mà."

Những cái iPhone còn có thêm một trò này nữa. Cho một bức hình vào cạnh cái tên và số điện thoại, thì khi điện thoại reo, bức hình đó liền hiện ra lên trên màn hình. Vậy thì cứ kiếm một họa phẩm của Picasso cho vào để người gọi có cái mặït méo mó rất lập thể … chơi cho vui. Hay nếu không, cứ lấy bức hình Michelle Obama mặc quần đùi đi coi Grand Canyon mà đổ riệt cho là nàng là tốt nhất.

Chỉ đừng cho người không phải là Michelle ấy coi là được. Mà cũng đừng để cho nghe tiếng chó sủa là thoát nạn.

Như vậy, mỗi lần điện thoại gọi tới để hạch hỏi, sách nhiễu, mè nheo, õng ẹo, cứ cho sủa một hồi nghe cho sướng cái lỗ tai, rồi hãy trả lời, khi đó, tiếng sủa cũng dứt, mà bức hình Michelle Obama mặc quần đùi cũng biến đi. Chờ đến lúc ấy hãy nhẹ nhàng trả lời: "Em đó hả, cục cưng của anh đó sao? Con beo gấm ơi … cần gì vậy hả cưng …"

Chứ để cho phía bên kia biết điện thoại có cái tên Guantanamo thì bị lôi ra tòa li dị là đáng cái đời lắm rồi còn nói năng chi?


Ngày 17 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Bệnh cúm heo H1N1 chưa chi đã đem lại một số thay đổi khá nhiều trong đời sống của chúng ta. Ở một số nhà thờ, bánh thánh được bỏ vào tay, không cho vào miệng nữa.

Ông già Noel hôm qua đã phải trấn an lũ trẻ là tuy có cúm heo, nhưng ông vẫn sẽ lên đường đem quà cho chúng. Ông còn nói rõ là ông khỏe mạnh là nhờ có bà già Noel săn sóc rất kỹ. Ông khuyên trẻ phải cẩn thận giữ gìn sức khỏe để còn nhận quà của ông.

Chính phủ Pháp mấy tuần trước cũng khuyến cáo người dân khi chào, không nên ôm hôn nhau nữa. Cả việc bắt tay cũng nên hạn chế.

Thế là đang muốn làm cho giống Tây, giống đầm một chút thì lại thấy những đe dọa của cúm heo lởn vởn chung quanh, nên bèn đứng xa mà chào nhau vậy. Cứ đứng xa, cúi rạp người xuống, nhớ đừng bắt tay như ông Obama là được.

Không có cái "hug" kể ra cũng buồn. Ở đây, tôi có quen một phụ nữ, thỉnh thoảng gặp, mà hễ gặp là nàng kéo lại, "hug" một cái, hôn nhẹ lên hai má hai cái cứ như Tây và đầm ở đường phố Paris vậy. Không bao giờ phản đối. Nhưng nay, gặp nàng, chắc tôi không còn được chào hỏi theo kiểu Tây đầm như thế nữa.

Hơi tiếc nhưng đã lâu không gặp, thấy quen đi, nên không không thấy mất mát gì cả. Riêng có mục bắt tay thì phải cám ơn cúm heo.

Tránh bắt tay, nhất là tránh phải bắt tay vài ba người ở đây lại là điều hay. Tưởng tượng buổi sáng vào tiệm ăn sáng thì chàng nhào tới đúng lúc tô phở được mang ra, bầy trên bàn. Phải nói là chỉ mấy phút trước tôi đã vào toilet rửa xong đôi bàn tay đúng theo lời khuyến cáo bằng tiếng Anh (Wash Your Hands) ở quận Cam được một thiên tài dịch thuật nào đó dịch sang tiếng Việt là Hãy Rửa Tay Của Bạn. Cẩn thận rửa đúng tay mình, tay người khác thì kệ xác. Tay ai nấy rửa. Ðang định ngắt cọng rau sống để bắt đầu một ngày thơm ngát như mùi húng quế thì chàng chìa tay ra bắt.

Ừ thì bắt một cái cũng không sao. Nhưng chàng chìa con cá chết (?) ra cho tôi nắm trong khi chàng còn ngoái lại phía sau, nói qua bàn gần đó, "toa" "moa" rầm trời đất thì tôi rất khó chịu. Có bắt tay thì cũng tỏ ra ân cần một chút. Nhìn nhau một cái coi. Nỡ lòng nào tay chìa con cá chết, lại ngoái trông theo ngọn tử phần (?) sang bàn khác để oang oang với người khác, đuốc hoa cứ để cho mình ngồi trơ thân cụ ra thì có chán không cơ chứ!

Thế là hỏng (cha nó) bữa sáng. Lại phải lọ mọ vào toilet rửa cái tay trở lại. Mà đã chắc gì được yên cái thân già. Ðã chắc gì ra ngồi xuống bạn lại không bị một con cá ươn, cá thối chìa vào mặt đòi bắt tay một cái cho vui đời tị nạn?

Bây giờ nhờ có cúm heo, có thể chàng sẽ sợ lây cúm heo mà tha cho chăng?

Nhưng lỡ chàng cứ xấn vào mà bắt tay thì sao? Thì cũng đã có cách để đối phó. Một người quen gửi cho mấy chai xà bông nhỏ không cần dùng nước (antibacterial deep cleansing hand gel) với lời d

n dò y hệt như cái quảng cáo của American Express: Don’t Leave Home Without It! Ra cửa là phải nhớ mang theo. Nhờ đó, bây giờ có ai nhất định bắt cái tay thì cho bắt. Bắt xong, kín đáo thò tay vào túi quần, lấy cái chai xà bông đó ra, cho vài giọt vào tay, xoa hai tay vào nhau là cam đoan cái mùi, cái dấu tích của con cá chết nhất định sẽ không còn nữa.

Hai bàn tay lại sạch hết những bacteria, thơm phức bên tô phở buổi sáng.

Cám ơn cúm heo.

Tuần trước trong tờ Orange Couty Register có một bức hí họa vẽ hai con heo đứng nói chuyện với nhau. Một con mặt mày buồn bã. Con kia hỏi tại sao, thì con heo mặt mũi đau khổ đáp rằng nó vừa bị lây cúm … người.

Tại sao con người độc ác như thế? Ðã lôi mấy con heo ra làm thịt ăn với nhau, nay thấy cái bệnh cúm dễ ghét thì đổ riệt cho m

y con heo là làm sao? Bị cúm vớ vẩn lết cái thân vào buồng tắm, ngó trong gương rồi hốt hoảng chạy ra ngoài hét toáng lên là bị cúm … heo nên thuốc cúm H1N1 mới khan hiếm kinh khủng là như thế.

Tội nghiệp mấy con heo vô cùng. Cứ cái gì xấu nhất là đổ cho chúng. Cúm heo, trò con heo đến cơn gió hơi lạnh một chút là cũng đổ riệt cho đó là gió … heo may thì có ác không cơ chứ!


Ngày 18 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Hôm nay là còn đúng một tuần lễ nữa là đến ngày Thanksgiving. Mấy năm đầu khi mới tới Mỹ, trong những ngày lễ Thanksgiving ở miền đất mới này, tôi thấy không cần phải cảm ơn cái gì hết. Chuyện mấy ông Thanh Giáo đổ bộ lên Plymouth, qua mùa đông (của anh?) chết mất một số, đói bệnh liên miên may được mấy người da đỏ đến chỉ cách trồng ngô, trồng khoai, vào rừng săn bắn nên năm sau đã khá là chuyện của mấy ông. Ðể cảm cái ơn đó, các ông Thanh Giáo làm tiệc mời mấy ông da đỏ lại ăn. Ăn xong, mấy ông da trắng cướp lấy đất của người ta, bắn giết không thương tay hệt như những phim cao bồi John Wayne vậy. Thế thì chuyện cảm ơn không hề là chuyện của tôi.

Nhưng ở nước Mỹ hơn ba chục năm, nhiều khi ngồi lẩn thẩn nghĩ thì thấy cũng có vài ba chuyện cần cảm ơn thật. Nhân có ngày Thanksgiving, thôi thì lôi ra cảm ơn một lần cho hết.

Thí dụ cảm ơn không phải là con gà tây. Cảm ơn không phải là người da đỏ. Cảm ơn sáng ra không phải ngó thấy những cái cờ đỏ, những khuôn mặt ngu xuẩn như bọn nhà quê ở Hà Nội, không phải nhìn những thứ như Lê Khả Phiêu viết sách (nữa Giời ạ!), những thứ như Nguyễn Minh Triết diễn văn cóc nhái ở Cu3 Cu4. Cảm ơn trên đời còn có những người như Lê thị Công Nhân, như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, như Hòa Thượng Quảng Ðộ và rất nhiều những con người can đảm khác đang ở Việt Nam… Cảm ơn những người dám mặc những cái t-shirt có vẽ bản đồ Trường Sa và Hoàng Sa ở giữa Sài Gòn để nhắc cho bọn chó bọ biết về cái bản đồ Việt Nam, cái bản đồ Tản Ðà vẫn mong được bồi lại. Cảm ơn hải quân trung tá Ngụy Văn Thà, người làm cho tất cả người Việt đều muốn mang cái họ Ngụy đó của ông. Cảm ơn những người lính đã chết, những người lính còn sống với những thương tích của cuộc chiến ở Việt Nam. Cảm ơn những người lính đang ở Iraq, đang ở Afghanistan. Cảm ơn cái trí nhớ chưa hoàn toàn ra đi. Cảm ơn những cuốn sách. Cảm ơn tờ báo buổi sáng. Cảm ơn những ngưòi bạn. Cảm ơn miền Nam hiền lành, bao dung và tử tế. Cảm ơn những thứ mang đi được từ miền Bắc. Cảm ơn miền Trung của lãng mạn. Cảm ơn những bài hát cũ nghe lại vẫn bồi hồi như những chiều ngồi ở bờ sông Sài gòn. Cảm ơn những giọt mưa , mùi đất ẩm làm nhớ Việt Nam không biết bao nhiêu mà kể. Cảm ơn giọng nói buổi sáng. Cảm ơn cái điện thoại. Cảm ơn Ðinh Hùng và Nguyên Sa: lúc hạnh phúc nhất, lúc khổ đau nhất vẫn có hai ông. Cảm ơn Võ Phiến: không có ông đời sống mất đi bao nhiêu là vui. Cảm ơn ly cà phê đầu ngày. Cảm ơn chiếc xe cũ vẫn chạy. Cảm ơn mấy người em. Cảm ơn mấy đứa con, mấy đứa cháu. Cảm ơn mùi tóc thơm buổi tối. Cảm ơn sự tử tế và ân cần. Cảm ơn sự dịu dàng. Cảm ơn Salompas. Cảm ơn những cái ca vát làm vui những buổi sáng. Cảm ơn mấy cái computer: không có chúng mày làm sao tao sống? Cảm ơn những người bạn Mỹ. Cảm ơn nhũng cuốn tự điển yêu quí. Cảm ơn nhạc của Sơn, những bài hát không bao giờ rời trí nhớ đang càng ngày càng cằn cỗi này. Cảm ơn Heineken. Cảm ơn cái mở nút chai. Cảm ơn những chai đỏ lúc nào cũng đằm thắm. Cảm ơn em đi mắt có thơ mùa hạ, má phấn hồng lên dáng phượng hoa của Ðinh Hùng. Cảm ơn những lời thăm hỏi. Cảm ơn vài ba mối tình cũ. Cảm ơn những người thầy cũ. Cảm ơn Old Spice làm tỉnh người mỗi sáng. Cảm ơn những người phụ nữ rất tốt bụng và rất ân cần ở những tiệm ăn. Cảm ơn các đồng nghiệp. Cảm ơn những tấm ảnh cũ. Cảm ơn cái búa, cái kìm không có chúng làm sao đóng cái đinh, nhổ cái đinh? Cám ơn mùi nước hoa. Cám ơn những cái dao cạo râu. Cảm ơn mai anh về mắt vẫn lánh đen của Nguyên Sa. Cảm ơn cái bàn chải đánh răng: không có mày làm sao duy trì được những quen biết rất gần gũi (?) trong đời sống. Cảm ơn những kẻ thù. Không có họ làm sao vui được. Cảm ơn tiếng Việt. Cảm ơn tiếng Ăng lê. Cảm ơn Anglais Vivant. Cảm ơn Assimil, cảm ơn Linguaphone. Cảm ơn những ngày trốn học có tâm sự đi nói cùng cây cỏ (Ðinh Hùng). Cảm ơn kỷ niệm rất đẹp về cái thành phố hai mùa mưa nắng ấy. Cảm ơn những năm tiểu học và trung học. Cảm ơn tà áo mở khép nghìn tâm sự. Cảm ơn những sợi tóc để lại trong buồng tắm. Cảm ơn những bàn chân, những cái móng tay sơn đỏ. Cảm ơn Thanksgiving để có dịp nói lên những điều cần phải cảm ơn ở trên. Cảm ơn con gà tây tối thứ Năm tuần tới.


Ngày 19 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Sau bao nhiêu năm ra vào, lui tới mỗi tuần ít nhất cũng phải dăm ba lượt với ông McDonalds, cuối cùng nhờ mấy dòng ngắn trong tờ Playboy mấy tháng trước, tôi mới cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm và đỡ hậm hực đi được một chút.

Bạn coi, một bên thì cứ hamburger hoài hoài mà không thấy phía bên kia đáp lễ bằng tô bún bò để loay hoay với đôi đũa cho bên này vui, thì người dễ tính và hiền nhất cũng phải hậm hực.

Chúng tôi thưởng thức những thứ chẳng ra gì của các ông trong khi các ông không ăn thử vài ba món của chúng tôi thì các ông cũng phải để cho chúng tôi bất bình một chút chứ.

Thực ra thì thỉnh thoảng cũng có những người ở phía bên kia vào tiệm gọi tô phở, nhưng phở vẫn bị coi là món quà bình dân. Phở chưa bao giờ được đưa vào danh sách của những món của những tay ăn chơi sành sỏi. Niềm ấm ức vẫn tiếp tục là thế.

Nhưng chúng ta đã được "vô trường công tử" nhẩy ra cứu nguy, đem lại những kiêu hãnh cần thiết cho đời sống ở nước Mỹ, giúp chúng ta ngẩng mặt được lên một chút.

Ðó là công của "vô trường công tử".

Nhờ đọc đoạn tin của tờ Playboy, tôi mới biết là mãi đến bây giờ người ta mới biết đến công tử, biết và trân quí, trong khi công tử đã được Lý Lạp Ông, một nhà văn Trung Hoa thuộc thế kỷ thứ 17 đề cập đến trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Ký của ông từ mấy trăm năm nay.

Gặp "vô trường công tử " một lần, họ Lý nhớ suốt đời. Tại sao thích, yêu "vô trường công tử " thì Lý Lạp Ông không nói ra được. Duy có điều ông coi "vô trường công tử " là một thứ hết sức lạ trong trời đất. Ông để dành ra một số tiền mỗi năm để đợi tới mùa là đi kiếm mua "vô trường công tử " về cho bõ những ngày cơ cực, đến độ người nhà gọi đó là món tiền để chuộc sinh mệnh của ông. Suốt mùa, ông phải luôn luôn có "vô trường sinh mệnh" bên cạnh, không tối nào là không về với "vô trường công tử". (Xem Nhân Sinh Ðích Nghệ Thuật, The Importance of Living của Lâm Ngữ Ðường, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

"Vô trường công tử " là tên người Trung Hoa gọi con cua, loài sinh vật hình như không có ruột mà Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh cũng có ghi ở trang 563.

Tờ Playboy đã viết về một món cua của chúng ta và coi đó là một món cực kỳ văn minh, tiến bộ mà các tay ăn chơi sành điệu phải kiếm để thưởng thức.

Ðó chỉ là món cua rang muối, nhưng đọc trong tờ Playboy, thì ai cũng phải nghĩ món cua này là món ăn chơi quí phái lắm.

Sharon Boorstin, người viết mấy dòng ngắn ngủi đó, đã phải nhờ đến vị giác và khứu giác mới kiếm ra mùi tỏi và vị ngọt của đường, chút bơ và phó mát Parmesan để khuyên các tay ăn chơi sành sỏi đi kiếm "vô trường công tử" cho bõ những ngày cơ cực.

Ôi tưởng gì chứ món cua rang muối thì có gì là quí phái đâu. Chúng tôi đâu có thua gì Lý Lạp Ông trong chuyện ăn cua. Chỉ không làm như họ Lý là viết những câu thảm thiết mà Lâm Ngữ Ðường trích lại như "Ôi cua, cua, cua! đời của người và đời của ta kết liền với nhau từ lúc sinh ra cho đến lúc chết chăng!"

Nhưng có sao đâu, miễn là các tay chơi nhà quê của nước Mỹ thấy được cái đẹp, cái ngon của cua, thứ quà hạng bét của chúng ta, và coi đó là món ăn chơi cực kỳ quí phái là được rồi.

Trong khi mấy ai trong chúng ta viết được những lời lẽ tốt đẹp gần như thế về cái hamburger của McDonalds. Nhiều người vẫn nói rằng trả thù cũng hệt như thịt nguội, phải ăn lúc nguội mới ngon. Nhưng cua rang muối thì càng nóng càng ngon. Không thể nguội được.


Ngày 20 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Khiêm tốn, cái đức tính mà chúng ta bị nhồi vào đầu ngay từ những năm còn rất bé, đến nay vẫn không chịu bỏ đi hay bớt bớt đi như những điều dậy dỗ khác.

Bao nhiêu năm rồi mà hễ cứ đưa cái ý của mình ra thì phải gọi nó là "ngu" (ý), hay "thiển"

(ý); nói về mình, tự xưng thì là "thiểm" hay "thiệm", đề cập đến văn chương của mình thì "chuyết bút", cây bút vụng về của tôi; nhắc tới vợ thì "chuyết thê", chị vợ nhà quê thô lậu, vụng về, ấm ớ hội tề của tôi vân vân...

Cứ cái gì xấu xí, đần độn, ngốc nghếch, dở ẹc thì nhận là của mình cái đã. Bần tăng, bần đạo, bần sĩ cũng là những lối nói về mình một cách khiêm cung vậy. Hay nhận nhà mình là "nhà tôm", là tệ xá, là hàn gia, trong khi gọi tôn người khách đến thăm là "rồng".

Mỗi người Việt đi ra đường, mặc dù đi bộ, ai cũng cầm theo mấy cái... ống nhún thật tốt để mà nhún nhường, mà phải là ống nhún MacPherson hạng nhất chứ không chịu hạng nhì bao giờ.

Nhưng có những lúc thái độ khiêm cung ấy cũng làm điên đầu không biết bao nhiêu người.

Cuối tuần qua, ở nhà người bạn, chúng tôi bị một người rất khiêm từ trong cách ăn nói tra tấn hành hạ trong gần nửa tiếng đồng hồ. Sau mấy câu khiêm nhượng mở đầu, ông làm ngược hẳn lại những điều khiêm tốn đó. Ông nhất định không tự xưng là một ca sĩ, ông thề sống thề chết ông không biết hát, ông quả quyết ông không hát trước đám đông bao giờ. Mọi người bắt đầu hơi tin ông, vì thấy ông quần áo kim tuyến sáng lóng lánh ghê quá, không hát thì mặc mấy thứ ấy làm gì... thì ông cất tiếng hát.

Ông hát không phải chỉ một bài để chứng minh ông không phải ca sĩ, mà ông hát liên tiếp bốn bài. Ðến bài thứ tư, thì không ai còn dám vỗ tay nữa, sợ bị phục kích ở ngoài cửa, trùm poncho lên đầu đánh cho chừa cái tật hay vỗ tay làm hiểu lầm, gây ngộ nhận, tạo bực mình, phiền nhiễu cho những người khác. Chúng tôi chờ ông đi xuống rồi mới quyết định ở lại vui tiếp với chủ nhà, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp sợ ông hát cho một trận nữa đáng đời bọn khách khứa không biết đem cái tấm thịnh tình ra yêu cầu ông hát thêm.

Ông khôn kinh khủng. Ông rào trước rằng ông không phải là ca sĩ nên nếu ông hát dở nhiều thì phải tha thứ cho ông, mà nếu ông hát dở ít, thì phải nâng đỡ ông. Nhưng đằng nào ông cũng được lên hát cho bọn khách chết với giọng ca vàng của ông.

Trò chơi của ông rất nguy hiểm. Nó có thể lan sang những sinh hoạt khác nữa thì khổ chúng ta. Thí dụ sẽ có người nói rằng không phải là thợ cưa, rồi lôi cây vĩ cầm ra kéo. Người nghe sẽ không biết phản ứng cách nào. Ông không nhận là thợ cưa. Nên ông không cưa. Ông chỉ kéo violon. Ông kéo vĩ cầm chứ ông cưa hồi nào mà đòi làm khó ông?

Người khác có thể không nhận là nhà thơ, nhưng vẫn cứ ra mắt một tập thơ, thì làm sao bắt lỗi là thơ dở như thế mà vẫn in. Hay nhất định cãi rằng không phải là nhà văn mà cứ viết truyện đăng báo. Khiêm tốn thì có đấy nhưng tại sao làm thơ, in thơ lại không nhận là nhà thơ và viết văn thì lại không nhận là nhà văn? Cứ làm như thế, thì ở tòa sẽ có người không nhận là luật sư, ở phòng mạch cầm cái ống nghe luồn vào ngực áo bệnh nhân và nói không là y sĩ có được không?

Không được.

Cầm cái micro lên sân khấu, cứ hát. Không cần cà chua mang về cho vợ nấu canh thì đừng lên hát. Không nhận là thi sĩ thì đừng in thơ để cứu lấy những cái cây trong rừng. Không nhận là nhà văn thì cứ làm con... vịt. Chứ đi như vịt, kêu như vịt thì là con vịt, không thể là nhà văn hay nhà thơ được. "He walks like a duck; quacks like a duck... He must be a duck" như bạn tôi vẫn nói.

Muốn hát, cứ lên mà hành hạ người ngồi dưới. Muốn ra mắt sách thì cứ là nhà thơ, nhà văn. Dõng dạc, đường bệ. Muốn làm Hemingway thì nên làm nhà văn. Không nên vác súng đi bắn sư tử ở Phi châu rồi nhận là giống Hemingway-nhà-văn và bắt phu khuân vác gọi mình là nhà văn như trong The Snows of Kilimanjaro...

Hemingway sống, viết và chết luôn luôn, mãi mãi là một nhà văn.

Không cần vờ vịt khiêm tốn gì hết.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Trần Tập, Orange County, California

Lã Thị Xuân Thu không phải là tên người, mà là tên một tác phẩm do các học trò , môn khách, gia đồng cả ba, bốn ngàn người của Lã Bất Vi soạn. Lã Bất Vi là người đặt tên cho bộ sách đại diện cho Tạp Gia này. Không thể nói hết về bộ sách này vì không đủ sức. Một số truyện trong Lã Thị Xuân Thu có thể đọc thấy trong Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân.

Hạng Thác có thể là một nhân vật tưởng tượng mà những ngươi không ưa Khổng Tử dựng lên và đặt vào miệng cậu bé này những câu nói, những câu hỏi gây bối rối cho Khổng Tử.

Chữ "Bồn"

như trong Vu Lan Bồn là từ tiếng Phạn: Ullambana nghĩa là điều đau đớn.

Ông có thể mua tập thơ Chiến Tranh Việt Nam & Tôi của Nguyễn Bắc Sơn qua nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ P.O.Box 58 S. Bound Brook, NJ 08880 hay qua địa chỉ email: tranhoaithu@yahoo.com

Bà Nguyên, Bismark, North Dakota

Wilhelm Albert Vladimir Alexandre Apollinaire de Kostrowitski là tên thật của Guillaume Apollinaire (1880-1918), một nhà thơ Pháp gốc Ba Lan. Mẹ của ông là người Ba Lan. Cha ông có thể là một sĩ quan Ý.

Hai câu "Vienne la nuit sonne l’heure / Les jours s’en vont je demeure" (đêm tới, chuông đồng hồ điểm, ngày ra đi, ta ở lại) là những câu điệp khúc của bài thơ rất nổi tiếng của ông, bài Le Pont Mirabeau.

Hai câu này phảng phất trong bài Nghe Những Tàn Phai của Trịnh Công Sơn: "…ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ…" Bài thơ chắc đã nhập vào Trịnh Công Sơn. Bài hát cũng bầy ra cái không gian của bài thơ : "…ni temps passé / ni les amours reviennent …" (vòng tay quen hơi băng giá, nhớ một người tình nào cũ, khóc lại một đời người quá ê chề …"

Accident

é trong trường hợp terrain accidenté lại có nghĩa là một khu đất, một địa thế nhiều dốc, không bằng phẳng.

By accident là tình cờ, là không dự tính, không chủ ý.

I hit him by accident là tôi vô tình đụng phải anh ấy.

Margaret Mitchell became a writer by accident. Tác giả Gone With The Wind bị tai nạn phải nằm bệnh viện một thời gian. Bà viết cuốn tiểu thuyết này trên giường bệnh viện nên nói sao cũng được: Margaret Mitchell trở thành nhà văn một cách tình cờ hay Margaret Mitchell trở thành nhà văn vì tai nạn thì cũng được.

Ông Hoàng Ngọc Bích, Toronto, Canada.

Gặp ai thì NẤY là chồng hay gặp ai thì LẤY là chồng?

Ðây là một câu trong truyện Trinh Thử. NẤY đúng. LẤY không đúng. Không thể giải thích NẤY là do cách phát âm sai (L thành N).

Nấy ở đây có nghĩa là "người ấy" như khi nói "tiền ai NẤY giữ, nhà ai NẤY ở". Sở dĩ có chuyện hiểu lầm là vì có chữ "chồng" ở cuối.

Nếu đó là động từ LẤY thì phải nói là LẤY LÀM CHỒNG thì mới đúng. Không ai nói LẤY LÀ CHỒNG.

Ai nấy là tất cả mọi người. Thí dụ : Ðức Trần Hưng Ðạo là người AI NẤY đều tôn kính.

Phạm Văn Sơn là tên thật của tác giả nhiều bộ sử Việt. Ông sinh năm 1915 và đã qua đời sau năm 1975 trong trại tù Cộng sản vì chức vụ đại tá trong ngành quân sử của Việt Nam Cộng Hòa. Ông còn có một bút hiệu là Dương Châu. Phạm C. T. là bạn học của chúng tôi hiện ở Việt Nam có sang Hoa kỳ chơi cách đây mấy năm.

Nghè Tân là tên gọi cụ Nguyễn Quí Tân (1811-1858). Cụ đỗ tiến sĩ năm Thiệu Trị thứ 2, được bổ làm tri phủ nhưng không giữ chức này lâu. Cụ từ quan đi chu du thiên hạ. Cụ có bài khóc vợ rất nổi tiếng và có một số thơ văn hài hước được nhiều người ưa thích. Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân có dùng vài nét của con người cụ nghè để viết trong các tùy bút của ông.

Mister Charlie là một người đàn ông da trắng nhưng danh từ này được dùng một cách miệt thị.

Red neck là phu phen, lao động thất học.

Blue collar là người làm việc tay chân.

White collar là người làm việc văn phòng, trí thức.

Leather neck là một binh sĩ thủy quân lục chiến.

Ông Hà Thái (thaiha1234@yahoo.com)

Khi chào, người Nhật cúi mình xuống ở những góc độ khác nhau.

Mức độ nghiêng mình chào không phải với ai cũng giống nhau.

Một bài báo trong tờ National Geographic Magazine có nói rõ tại các department store, nhân viên được dậy và bắt buộc phải chào cho đúng. Khách có mua hàng chào khác (từ 60 đến 90 độ). Khách không mua hàng hay khách ra vào thang máy chào khác, khoảng 45 độ là đủ. Ðã cúi chào thì không bắt tay. Tổng thống Obama vừa cúi vừa bắt tay là không đúng cách.

November 12, 2009

November 13, 2009

Ngày 9 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Cuối tuần qua, tại nhà một người bạn, tôi được xem một cuộn video sản xuất ở trong nước đã khá lâu với một số bài dân ca của cả ba miền.

Bài đầu tiên, Giận Mà Thương, là một bài dân ca miền Trung do Thu Hiền hát, có phần phụ họa của một vai nam, đóng vai người chồng. Nhưng vai người chồng này đã khiến cho người xem hoàn toàn không thấy phần thương ở đâu cả, nghĩa là không có được bất cứ một lý do gì để không giận được, trong khi nhan đề của bài dân ca lại là Giận Mà Thương. Lời của bài ca là những nhẫn nhịn, những dịu dàng và đằm thắm, là những thủy chung không thay đổi, là những yêu thương để đối lại với những tệ bạc, phụ rẫy, vô tích sự...

Người đàn ông trong những đoạn diễn xuất phụ họa có vẻ không có nghề ngỗng gì hết, mà cũng không phải là một người học trò để được quyền "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm". Ông ta là một tay nghiện rượu, say sưa tối ngày. Thế thôi. Không thấy ông có cái nghiên, cái bút, quyển sách đâu cả. Nếu ông có được quyển sách trên tay, nếu ông là tay kiếm cung thao lược, nếu ông vai năm thước rộng, lưng mười thước cao, nếu ông là văn học, nghệ thuật thì có thỉnh thoảng lăn ra đất với vò rượu bên cạnh thì cũng tạm hiểu được đi. Nhưng ngay đầu bài hát, ông đã lăn quay trên một cái phản vì say rượu. Ông quờ quạng kiếm được cái nậm rượu, thấy đã hết, ông quăng ra sân. Người vợ, do Thu Hiền đóng, cầm cái quạt phe phẩy quạt cho ông đỡ nóng, thì ông giằng lấy cái quạt, lại cũng ném ra sân...

Lúc khác, video chiếu cảnh ông giúp vợ làm bún, giúp thôi, chứ không phải là người làm bún chính. Ông cũng lên thuyền, chắc theo vợ ra chợ để vòi tiền đi uống rượu. Ông lúc thì mặc áo nâu, lúc thì áo dài trắng, cầm ô, lúc say rượu ngã bò ra đất...

Người đàn ông được đạo diễn cho xuất hiện bằng những nét thô bỉ, xấu xa nhất. Ông không được bất cứ một cái nết nào, đã thế trông lại chẳng ra làm sao cả. Vậy mà người phụ nữ bị cha mẹ đánh trăm roi -- như lời bài dân ca-- vẫn cứ lăn vào mà thương ông mới khó chịu cho người xem video chứ.

Tôi không tin có những người đàn ông tồi tệ như thế. Mà nếu có người đàn ông như thế, thì không thể Giận Mà Thương được nữa. Phải dứt khoát, phải quăng ông ta ra đường, phải làm tất cả những gì làm được để chấm dứt ngay những liên hệ với ông ta. Ông ta xô người vợ ngã xuống đất. Cô Thu Hiền béo tốt, to khỏe nùng nũng như thế không thể và không nên nhường ông ta mãi được. Cô phải làm một cái gì. Một vòng tay co chặt quanh cổ ông ta, đưa nhanh cái đầu gối vào ngực ông ta, và cái cùi chỏ còn mắc cỡ gì mà không di chuyển mạnh vào cạnh sườn ông ta? Hai bàn tay sao không giơ lên thật cao, rồi hạ nhanh xuống má ông ta mấy cái cho tỉnh rượu?

Ðạo diễn cuốn video, vì thiếu những cảnh vừa mô tả rất cần thiết đó, đã làm một công việc vô cùng có hại cho các khán giả. Các khán giả sẽ hiểu sai lầm rằng người đàn ông Việt Nam có thể làm tất cả những chuyện xấu xa tồi tệ như trong video mà vẫn được... thương như thường. Trong khi thực tế thì tử tế gấp trăm lần đã chắc được thương chưa?

Khán giả cũng có thể hiểu sai lầm rằng người phụ nữ to khỏe, phốp pháp như cô Thu Hiền suốt ngày chỉ biết nhịn và... thương người đàn ông xấu xa, tồi tệ đó. Ðoạn video đã, muốn tôn vinh, muốn tạo ra một hình ảnh oai hùng của người đàn ông, thì lại dìm đầu ông ta xuống đất đen, và muốn làm đẹp cho người đàn bà, thì lại đưa ra hình ảnh của một phụ nữ dại dột, thiếu thông minh và đần độn. Tại sao không cho Thu Hiền vác củi tạ nện cho người đàn ông một trận thừa sống thiếu chết cho chúng tôi nhờ?

Cho chúng tôi được thương... hại, như nửa sau của tựa bài dân ca, như thế mới là Giận Mà Thương chứ!

Hay ít ra cũng kiếm ông tài tử nào trông kha khá cho chúng tôi đỡ tủi một chút.


Ngày 10 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.

Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.

Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Ðó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.

Tội ác của em học sinh 11 tuổi này là những gì? Theo tin của tờ báo địa phương, em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại, cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.

Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Ðoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:

Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...

Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.

Ðây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...

Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.

Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn quắn đít lại là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..." thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...

Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.

Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát (?) …Hình phạt cậu nhận được nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.

Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.

Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?

May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:

Con gái chơi với con trai
Về sau hái vú bằng hai quả dừa
...

Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.


Ngày 12 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

Cái cáo phó chiếm hết hơn nửa trang của tờ New York Times, trang A21 của số báo. Nhưng thực ra, đáng lẽ nó phải xuất hiện từ khoảng hai năm trước, theo những chi tiết đọc được ở phụ trang Fashion của bài báo đi kèm.

Thực ra, cái cáo phó chỉ chính thức hóa sự ra đi của nó. Cái váy ngắn không còn nữa: The Mini Rebellion Is Over: Long Skirts Reign. Cuộc nổi loạn của cái váy ngắn đã chấm dứt: váy dài khởi đầu giai đoạn trị vì từ nay.

Không còn có thể nghi ngờ gì được nữa. Tin từ "trên ấy" đã ban ra. "Trên ấy" là New York, là Midtown, là Upper West Side, là East Side, là từ những phòng trưng bầy thời trang của Prada, của Alessandro Dell'Acqua... Những cái váy ngắn, cuộc nổi loạn từ bốn mươi năm nay với Twiggy, với những vai phụ nữ đóng cạnh Sean Connery trong các phim James Bond của những năm 60 đã ra đi, đời sống đã chấm dứt.

Chấm dứt từ khoảng hai năm nay, và có lẽ Julia Roberts trong vai Erin Brockovich, là người cuối cùng còn mặc mini trong phim ảnh.

Nó khởi sự ra đi trong khoảng thời gian tôi còn lái chiếc SUV Honda Passport. Sự ra đi của nó sẽ khiến cho chuyện ra, vào, lên, xuống chiếc ghế bên phía hành khách của những chiếc SUV cao lêu nghêu trở nên khó khăn hơn và bớt đi rất nhiều phần hấp dẫn.

Sự ra đi của nó cũng còn tạo ra những điều không thuận lợi cho nếp sống văn minh của chúng ta. Thái độ hào hiệp, cao thượng, văn hóa, lịch sự của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nó ra đi, và đem theo phần nào cái thái độ vừa kể, nét anh hùng mã thượng của các hiệp sĩ thời Trung Cổ cũng sẽ ra đi theo. Nhiều người đàn ông sẽ không còn nhường phụ nữ đi trước khi lên cầu thang nữa. Trên những chuyến xe điện ở New York, ở Chicago, ở thủ đô nước Mỹ, số hành khách phụ nữ không được nhường ghế ngồi sẽ giảm đi đáng kể. Những chuyện đó không còn có lợi nữa. Nước Mỹ sẽ thay đổi nhiều trong cung cách đối xử với phụ nữ. Các nhà xã hội học chắc chắn sẽ nêu ra những điều này trong những cuộc nghiên cứu thực hiện những năm sắp tới.

Bài báo của tờ New York Times viết rằng các phụ nữ trong hạng tuổi từ hai mươi đến (mấy năm đầu của tuổi) ba mươi đã bỏ những chiếc váy ngắn trên đầu gối ở nhà từ khoảng hai năm trở lại đây. Các phụ nữ trẻ tuổi này đã dùng những chữ như inappropriate (không thích hợp) và sluttish (đĩ thõa) một cách thản nhiên, dễ dàng khi nói về những chiếc váy ngắn khởi đi từ phong trào Mod ở Luân Ðôn trong những năm đầu của thập niên sáu mươi.

Họ làm gì với những cái váy ngắn đó? Tái chế biến (recycle)? Sửa lại thành những chiếc khăn quàng? Không, bài báo cho biết các phụ nữ này đem chúng tặng lại cho các cơ quan từ thiện như Salvation Army, Purple Heart vân vân...

Bài báo chỉ viết về những phụ nữ trẻ tuổi, mà không đề cập gì đến những phụ nữ thuộc thế hệ có thể là mẹ của họ. Như vậy là các phụ nữ ngoài tứ tuần vẫn tiếp tục làm khổ chúng ta bằng những cái váy ngắn chăng? Thế là cảnh ông Tú Xương nhắc một cách đầy ghê sợ (váy ngắn, chơi hai củ xu hào trên đầu gối rồi ngồi xe làm... Mán) như trong câu "xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe" vẫn tiếp tục hay sao?

Chi tiết mà bài báo cho biết về nơi yên nghỉ (?) của những chiếc váy ngắn này (Salvation Army, Thrift Shop...) cũng sẽ là một câu mách nước để những chiếc váy ngắn tiếp tục đời sống của chúng ở những nơi khác.

Và từ nay, váy ngắn sẽ chỉ còn ngự trị nơi các phụ nữ trên bốn mươi và là khách hàng thường trực của Salvation Army, Thrift Shop, Purple Heart... thôi hay sao?

Những sự độc ác dành cho chúng tôi bộ không còn biên giới nào nữa sao? Và như thế, là xuân, hạ, thu, đông, tứ thời, bát tiết, thị giác của chúng tôi sẽ tiếp tục bị hành hạ và làm cho hỏng đi bằng những chiếc váy ngắn tớn tác trên những khúc đùi có từ nửa thế kỷ mà ông Tú Xương cực tả trong thơ của ông hay sao?

Thế thì đâu là "váy lĩnh cô kia quét sạch hè" đây? Tại sao cứ phải cho tay này, lấy lại bằng tay kia, lấy đi bằng tay kia, thì tống trở lại bằng tay này vậy?


Ngày 13 tháng 11 năm 2009

Bạn ta,

CD Hương Cố Nhân bạn gửi cho tuần trước mãi tối hôm qua tôi mới đem ra nghe.

Nghe ca khúc được chọn làm tựa chung cho CD, bài Hương Cố Nhân, một bài hát được viết đã khá lâu, người ta thấy Dzoãn Mẫn, cũng là tác giả của một ca khúc được nhiều người biết hơn, Biệt Ly, hình như vẫn còn e dè trong cách chọn chữ nhiều lắm. Nghe mãi bài hát này của ông mà vẫn không thấy hương cố nhân đâu hết, phải tới cuối bài hát, lúc gần hết, mới lờ mờ "...nhớ đây ta đắm say hương cố nhân, cùng quên mưa gió rung tiếng đàn suốt canh thâu."

Hương cố nhân gì mà nhạt thế! Cố nhân thì ít ra cũng phải có "mùi phấn em thơm mùa hạ cũ", hay "chút hương thầm kia mới quen" hay "lẻn trong nếp áo mùi hương thẹn", hoặc "lìa vai kỷ niệm bay mùi phấn"... như Ðinh Hùng chứ.

Hương cố nhân của Dzoãn Mẫn kiếm khó quá, mãi mới thấy. Hương đã vậy, còn người thì sao? Nàng nhan sắc như thế nào? Ở đâu? Bằng ấy điều thắc mắc nhất định không chịu đi khỏi đầu của người nghe.

Sáng nay, khi bỏ cái CD trở lại vào trong hộp, và ở mặt trong của chiếc hộp đựng CD, tôi thấy một bức hình với hàng chữ Hương Cố Nhân chạy dọc theo phía bên trái.

Bức hình chụp một phụ nữ đang cười rất tươi, khăn mỏ quạ, áo cánh, trên vai là một chiếc đòn gánh, hai bó rơm ở hai đầu đòn gánh, và trong bàn tay phải của người phụ nữ, nhìn kỹ, là hai miếng đậu phụ sống mầu trắng.

À thế thì đây có thể là cố nhân của bài hát, là người có mùi hương mà Dzoãn Mẫn cảm hứng để viết bài hát của ông chăng?

Bức hình do chính tác giả cung cấp để dùng cho mặt trong của hộp CD hay do nhà sản xuất CD nhạc chọn? Ai mà biết được

Nếu do chính tác giả cung cấp thì quí biết chừng nào!

Dzoãn Mẫn, người cùng thời với những Ðặng Thế Phong, Tô Vũ, Hoàng Quí... nay phải ở lớp tuổi 80, chắc chắn cố nhân của ông cũng phải ở trong hạng tuổi đó.

Người phụ nữ trong bức ảnh trông trẻ hơn tuổi 80, còn khỏe mạnh vì cụ còn gồng gánh được. Cụ có nụ cười tươi, hai mắt cũng cười theo, tóc còn đen nhánh dưới lớp khăn. Cụ không còn một cái răng nào. Cụ là một cụ già đẹp, không có nét đường bệ, nhưng tươi tắn.

Cụ không giống như hình ảnh tôi có trong đầu từ bao nhiêu lâu nay về cố nhân của Dzoãn Mẫn. Không vấn tóc trần, không áo Le Mur cổ thấp, lông mày kẻ một đường nhỏ.

Cố nhân của Dzoãn Mẫn, người mà ông "nguyền cùng người suốt đời chìm trong tiếng đàn thầm hận chơi vơi... chiều nay trên đường gặp người, hãy sánh giây tơ đồng cho lòng được thắm tươi" đó ư?

Có thật bức hình ấy do Dzoãn Mẫn cung cấp hay do... bà Dzoãn Mẫn gửi riêng cho nhà sản xuất CD Mimosa để dùng trong CD cho... đáng đời cố nhân?

Hay cố nhân thì cũng chẳng có gì như người đời vẫn nghĩ, cũng chỉ tầm thường như Henri Stendhal, tác giả của Le Rouge Et Le Noir, La Chartreuse De Parme đã có lần viết vào lúc sắp bước vào tuổi năm mươi rằng điểm lại những người đàn bà ông đã yêu, mặc dù tự dối mình, những người đàn bà đó rất tầm thường, chẳng có gì đáng để nhớ nhung, đau khổ.

Hay bức hình trong chiếc hộp CD mới đích thực là cố nhân. Những thứ thơm phức, chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Ðinh Hùng và... chúng ta mà thôi?

Còn Stendhal, khi viết về những người phụ nữ ông một thời mê đắm, là lúc ông mới đang sửa soạn bước vào tuổi ngũ tuần.

Còn chúng ta, ở tuổi này, thì còn nản chí bầu cua biết là chừng nào nữa đây? Nghĩ như vậy liệu có còn đi gặp... hương cố nhân nữa không? Hay là cứ để nó ở đâu tiếp tục ở đó luôn cho rảnh... nợ?


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 54)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 54 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay, tôi muốn nói về một chữ mà tôi thấy rất thường gặp, đó là chữø MATTER. MATTER có thể vừa là danh từ, vừa là động từ.

Khi nó là danh từ, MATTER có khá nhiều nghĩa.

Tự điển Anh Việt của giáo sư Nguyễn Ðình Hòa ghi MATTER nghĩa là chất, vật chất, chủ đề, chuyện, việc … Những nghĩa của chữ MATTER đó, chúng ta rất thường gặp. Thí dụ ra bưu điện, gửi sách báo, muốn được hưởng cước phí rẻ, chúng ta ghi ngoài phong bì hai chữ PRINTED MATTER nghĩa là ấn phẩm. Danh từ chất xám trong tiếng Việt là GRAY MATTER. Thực ra thì chúng ta gặp chữ này nhiều lần lắm. AS A MATTER OF FACT, WE SEE THEM VERY OFTEN. Trong câu vừa rồi, tôi cố tình dùng một idiom với MATTER, cô Nhã Lan hiểu idiom đó là gì nào?

NHÃ LAN

AS A MATTER OF FACT thì Nhã Lan nghĩ đó cũng cùng nghĩa với cách nói IN FACT hay IN REALITY phải không, thưa anh?

BBT

Ðúng AS A MATER OF FACT nghĩa là sự thật thì là cái gì đó. Chúng ta dùng idiom này trong nhữõng trường hợp nào, cô QA?

QA

Chúng ta dùng AS A MATTER OF FACT để nói lại cho đúng hay khi muốn xác minh một điều gì đó. Có thể người ta nghĩ khác, hiểu khác, thấy khác, nay chúng ta muốn nói lại cho đúng với sự thật, chúng ta dùng AS A MATTER OF FACT. Thí dụ con trai QA vừa bị té, tay nó còn rất đau. QA nấu cháo cho nó ăn, nó chỉ ăn một chút. Nó nói, giọng có vẻ xin lỗi: I DID NOT EAT MUCH BUT AS A MATTER OF FACT, I LIKE YOUR CHICKEN SOUP, MOM. Nó không ăn hết tô cháo, nhưng nó nói thực ra thì nó vẫn thích cháo của mẹ nấu. QA nghe nó nói thế cũng thấy vui trong bụng.

BBT

Cô Nhã Lan cho nghe một thí dụ với AS A MATTER OF FACT…

NHÃ LAN

AS A MATTER OF FACT, PRESIDENT OBAMA WAS BORN IN THE USA AND HE IS NEVER A MUSLIM.

BBT

Ðúng rồi. Một số người vẫn tiếp tục nói rằng ông Obama không ra đời ở Mỹ, lại còn là người theo Hồi giáo. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Ðể nói lại cho đúng, chúng ta dùng AS A MATTER OF FACT như cô QA đã nói ở trên, cũng như trong tiếng Việt chúng ta vẫn nói "sự thực thì, nói thật ra thì …" Thí dụ khi nói sau năm 1973, chuyện Việt Nam bị miền Bắc tiến chiếm là chuyện ai cũng đoán được từ trước. Chuyện ấy chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Câu này nói bằng tiếng Anh sẽ là IT WAS (ONLY) A MATTER OF TIME. Nhã Lan cho nghe toàn câu bằng tiếng Anh coi.

NHÃ LAN

IT WAS (ONLY) A MATTER OF TIME BEFORE THE NORTH ATTACKED US IN FULL FORCE.

BBT

Còn cô QA?

QA

IT IS A MATTER OF TIME BEFORE MY SON IS BACK ON HIS FEET AGAIN.

BBT

PEOPLE FROM OUTSIDE THIS PLANET WILL COME TO VISIT US. IT IS ONLY A MATTER OF TIME. Hai cô còn nhớ chuyện Anh Phải Sống của Khái Hưng chứ. Lúc hai vợ chồng Thức trôi dưới dòng nước lũ của sông Hồng, người vợ, Lạc, quyết định hy sinh để chồng sống về nhà nuôi con.

QA

Ðó là một quyết định có tính cách sinh tử. QA nghe câu này rồi mà nay quên nói thế nào. A MATTER OF … QA nhớ ra rồi, đó là chuyện sống chết, đó là vấn đề sinh tử. Người vợ phải chọn cái chết để chồng sống cho các con. Buông tay ra thì còn có người sống. Bám lấy chồng thì cả hai cùng chết. Ðó là lựa chọn giữa sống và chết … Ðây rồi, QA nhớ ra rồi: IT WAS A MATTER OF LIFE AND DEATH.

BBT

Cô Nhã Lan đã bao giờ gặp phải trường hợp sinh tử như vậy chưa? Nếu đã gặp thì cô phải nói làm sao bằng tiếng Anh?

NHÃ LAN

Trong chuyến vượt biên của Nhã Lan, Nhã Lan cũng gặp một chuyện có tính cách tử sinh. Nhã Lan phải quyết định rất nhanh. Nhã Lan là người rất nhát, sợ nước. Nhưng đi thì sống. Ở lại thì chết. Ðó là quyết định sinh tử. Nhã Lan nghĩ GOING OR STAYNG, IT WAS A MATTER OF LIFE AND DEATH AT THAT TIME. Ông anh của Nhã Lan còn đùa liền bị mẹ Nhã Lan la ngay rằng lúc ấy, chuyện đi hay ở không phải là chuyện cười nữa.

BBT

Chắc cụ nói IT IS NOT A LAUGHING MATTER chứ gì? Tôi nhắc hai cô một thành ngữ này nữa cũng có thể đem dùng ngay, khỏi nấu nướng gì mất công, như FAST FOOD ở McDonald vậy. Thí dụ nghe bản nhạc đó, bạn tôi thích, nhưng tôi không thích. Bạn tôi cứ thọc cùi chỏ xin tôi cho chàng một tràng pháo tay làm tôi càng ghét thêm. Bạn tôi hỏi tại sao tôi không vỗ tay, tôi đáp: IT IS A MATTER OF OPINION

QA

Như thế là anh định nói xấu đẹp tùy người đối diện, bản nhạc hay, hay không hay là tùy cái tai, cái ý kiến của mình, cái trình độ thẩm âm của mình phải không thưa anh?

BBT

Hay quá. Nhân cô QA nhắc xấu đẹp tùy người đối diện, tôi thấy trong tiếng Anh cũng có một lối nói gần gần giống như thế, đó là BEAUTY IS IN THE EYES OF THE BEHOLDER nghĩa là cái đẹp là ở trong mắt người nhìn.

Hai cô còn nhớ hồi bé nghe truyện thần tiên cổ tích không… Rất nhiều chuyện có cảnh Bụt hiện ra, hỏi người đàn ông buồn bã ngồi bên bờ ruộng, hay người đàn bà gặp chuyện không may, hay cô Tấm bị mẹ ghẻ hành hạ, hay chú bé làm mất con trâu sợ không dám về nhà… rằng "Làm sao vậy con…?" thì cô Nhã Lan sẽ thông dịch cho Bụt như thế nào?

NHÃ LAN

WHAT’S WRONG? Hay WHAT’S WRONG WITH YOU?

BBT

Ðúng, nhưng tôi muốn dùng chữ MATTER. Cô QA có biết không?

QA

À chữ này thì QA biết: WHAT IS THE MATTER WITH YOU? Câu này QA vừa nghe ở bệnh viện hôm qua khi đưa con trai vào khám cái tay đau. QA nghe ông bác sĩ Mỹ hỏi cháu WHAT IS THE MATTER WITH YOUR ARM?

BBT

Cám ơn cô. Tay của cháu chắc là đau. Nhưng nếu không đau, không bị gì cả, xe chạy tốt, tay chân khỏe mạnh, công việc vẫn còn ngon lành, được trả nhiều giờ OVERTIME thì trả lời là NO STAR WHERE phải không?

NHÃ LAN

Chắc không . Nói tiếng Anh như thế thì Mỹ cũng đến chịu. Nếu không đùa giỡn thì phải nói thế nào thưa thầy?

BBT

NOTHING IS THE MATTER. Nhưng thường chúng ta nói tắt thành NOTHING’S THE MATTER. Câu này rất tiện dùng. Thấy ông bạn Williams đi bộ đi làm, QA hỏi ông ấy thế nào ?

QA

MISTER WILLIAMS, WHAT IS THE MATTER WITH YOUR CAR TODAY?

BBT

Cô Nhã Lan thấy bà bạn đi kiếm cái nhà mới để mua, cô muốn biết tại sao bà bạn phải đi mua nhà mới, cô sẽ hỏi thế nào?

NHÃ LAN

WHAT IS THE MATTER WITH YOUR HOUSE?

BBT

Câu trả lời sẽ là, và thường là trong thể phủ định: NOTHING. NOTHING IS THE MATTER WITH OUR HOUSE. WE JUST WANT A SECOND HOUSE.

Bây giờ, chuyển qua một cách dùng nữa có chữ MATTER ở trong mà chúng ta cũng hay nghe nói. Ðó là NO MATTER. Khi muốn nói BẤT CỨ, BẤT KỂ, chúng ta sẽ dùng đến nó.

Thí dụ muốn nói BẤT CỨ CÁI GÌ, ÐIỀU GÌ, CHUYỆN GÌ, chúng ta nói NO MATTER WHAT… Cô QA nói thử câu này bằng tiếng Anh coi: BẤT CỨ ANH ẤY LÀM CÁI GÌ, NÓI CÁI GÌ, CÔ ẤY CŨNG COI LÀ SAI.

QA

NO MATTER WHAT HE DOES OR SAYS, SHE WILL NOT LIKE IT.

BBT

Ðúng. Nhưng phải nói ngay ở đây rằng liên hệ của hai người coi bộ không tốt đẹp lắm. Không ưa đến như thế thì không ít đâu. NO MATTER WHAT SHE WEARS, THE MAGAZINE WILL SAY IT IS MOST FASHIONABLE. Nhã Lan đoán coi ai là người phụ nữ may mắn và hạnh phúc này?

NHÃ LAN

Bà Michelle Obama chứ còn ai nữa. Mấy tờ lá cải cứ thấy nàng mặc cái gì cũng xúm lại mà khen lấy khen để.

BBT

NO MATTER WHAT SHE DOES, HE THINKS THE WORLD OF IT là gì cô QA?

QA

thương nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo phải không thầy? Bất cứ điều gì cô ấy làm, anh ấy cũng nghĩ là tuyệt hảo. Ðó là những chuyện,những điều, những thứ người ta làm. Thế nếu QA muốn nói BẤT CỨ CHỖ NÀO thì nói làm sao thưa anh?

BBT

Ðể nói về nơi chốn, chỗ, vị trí, địa điểm, chúng ta dùng WHERE. Thí dụ bất cứ nơi nào ông ấy tới, ông ấy vẫn có thể thấy có người nói tiếng Anh thì cô nói thế nào đây?

QA

NO MATTER WHERE HE GOES, HE CAN STILL FINDS PEOPLE SPEAKING ENGLISH. QA thấy đi Pháp, đi Ðức , đi Nam Mỹ người ta đều có thể nói tiếng Anh được.

BBT

Ở viện bảo tàng Louvre có treo tác phẩm Mona Lisa của Leonardo Da Vinci. Bức họa này rất kỳ lạ, người ta đứng ở bất cứ đâu trong phòng cũng thấy đôi mắt của Mona Lisa ngó theo. Cô Nhã Lan đã đi Paris, cô có thấy điều đó không?

NHÃ LAN

NO MATTER WHERE I STAND, I STILL SEE HER EYES LOOKING AT ME phải không anh?

BBT

Thế còn trong câu ca dao đại ý nói là chàng đi đâu chín sông thiếp cũng lội, mười đèo thiếp cũng leo thì cô QA giảng cho bà bạn Mỹ hàng xóm của cô như thế nào đây.

QA

NO MATTER WHERE HE GOES, SHE WILL FOLLOW HIM.

NO MATTER HOW MANY RIVERS, HOW MANY MOUNTAINS HE CROSSES, SHE WILL COME WITH HIM.

BBT

Ðó là nơi chốn. Thế còn thời gian thì chúng ta dùng gì, cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ chúng ta dùng WHEN. Thí dụ NO MATTER WHEN. Con gái Nhã Lan đi party với bạn nó. Nhã Lan dặn nó rằng bất cứ lúc nào nó muốn về, nó cứ gọi cho Nhã Lan đi đón thì chắc Nhã Lan phải nói thế này: NO MATTER WHEN YOU WANT TO GO HOME, CALL ME ON THE PHONE đúng không thầy?

QA

Có thể nói NO MATTER WHAT TIME thay vì NO MATTER WHEN không thưa anh?

BBT

Ðược chứ. NO MATTER WHEN (hay NO MATTER WHAT TIME) HE WANTS YOU TO COME, YOU MUST BE THERE.

NHÃ LAN

Thời buổi này, công việc khó khăn, boss muốn mình đến sở mấy giờ cũng phải đến nếu không muốn mất việc phải không QA?

QA

Ðúng vậy đó Nhã Lan. NO MATTER HOW MUCH THE JOB PAYS, WE WILL TAKE IT. Ði kiếm việc vào lúc này thì lương trả bao nhiêu cũng nhận ngay, không được quyền mặc cả nữa phải không thưa anh?

BBT

Ðúng. Bây giờ tôi sẽ chỉ hai cô cách diễn tả những ý hệt như trong những thí dụ kể trên, nhưng ngắn và gọn hơn.

Thí dụ NO MATTER WHAT HE SAYS, chúng ta dùng WHATEVER để thay cho NO MATTER WHAT. Cô Nhã Lan diễn lại ý của câu bất kể anh ấy nói gì, cô ấy cũng không đồng ý coi.

NHÃ LAN

NO MATTER WHAT HE SAYS, SHE STILL DISAGREES. Nhã Lan có thể nói như thế này mà vẫn không thay đổi ý nghĩa: WHATEVER HE SAYS, SHE STILL DISAGREES.

QA

Như vậy, nếu không muốn dùng NO MATTER WHERE, AQ sẽ thay bằng WHEREVER được không thưa anh? Thí dụ thay vì nói NO MATTER WHERE HE GOES, QA có thể nói WHEREVER HE GOES, SHE WILL FOLLOW HIM. Nói vậy đúng không thầy?

BBT

Ðúng vậy. Thế còn nếu không muốn nói NO MATTER WHEN thì chúng ta dùng gì bây giờ?

NHÃ LAN

Nhã Lan sẽ thay thế NO MATTER WHEN bằng WHENEVER.

BBT

Cô cho tôi một thí dụ với WHENEVER thay cho NO MATTER WHEN coi.

QA

Xin anh cho QA thay cho Nhã Lan đưa thí dụ về WHENEVER. QA nhớ bài MOULIN ROUGE mà Connie Frances có câu đầu thế này: WHENEVER WE KISS, I WORRY AND WONDER; YOUR LIPS MAY BE NEAR, BUT WHERE IS YOUR HEART…

BBT

Cám ơn cô QA. Bài hát này xưa lắm rồi mà sao cô còn nhớ được.

Trở lại bài học thì NO MATTER HOW MUCH I TALK ABOUT THIS TOPIC, IT IS STILL NOT ENOUGH. Thư bất tận ngôn. Ngôn bất tận ý. Ðể còn kỳ sau nữa.

QA

Thưa quí khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television cũng trong những ngày giờ thường lệ. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Santa Ana, California

Bài thơ ấy đã có người dịch :

Tea is one, wine another, women the third:
My three follies that leave me no peace.
I shall have to give up whichever I can
I should be able to give up tea, I think. And wine.

Dịch giả là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông có thể tìm thấy nhiều bài thơ Việt khác được dịch sang tiếng Anh trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry của Nguyễn Ngọc Bích, Burton Raffel và W.S. Merwin.

Cô Nguyễn Ngọc Tường Anh, Falls Church,Virginia

Ðội đá vá trời là tích bà Nữ Oa thấy bầu trời còn có chỗ thiếu, trống nên đem những tảng đá lấp lại. Cũng có câu khác nói là luyện thạch bổ thiên là rèn đá năm sắc để vá trời.

Trái vải còn có tên là lệ chi. Lệ Chi Viên là vườn vải, nơi theo truyền thuyết, Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi đã đầu độc chết vua Lê. Vì chuyện này, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Vụ này trong sử ghi là vụ án vườn vải. Nay không còn tìm thấy dấu tích của đồn điền này nữa.

Trái vải còn có một tên khác nữa là Phi tử tiếu do điển Dương Quí phi thích ăn trái vải của tỉnh Quảng Ðông mang tiến. Khi thấy người tiến vải đi ngựa về cung, Dương Quí phi cười lên vui vẻ nên Ðỗ Mục viết rằng:

Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu
Vô nhân tri thị lệ chi lai

(một con ngựa hồng chạy tung bụi đường lên làm Dương Quí phi cười, vậy mà không ai biết vải đã đến).

Tàn canh lãnh phạn là canh thừa cơm nguội, cảnh cơm nước của đầy tớ do chủ nhà để lại.

Trong một hoàn cảnh khác, cơm nguội cũng không dở lắm:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng

Nhất là cơm nguội chan nước phở thì không có gì bằng.

Ông Trần Tiến Học, Denver, Colorado

Tiếng Việt không có chữ CỨC. Trong chữ Hán, "cách" cũng đọc là "cức". Cức nghĩa là nguy cấp như trong hai chữ " bệnh cức" nghĩa là bệnh nặng, bệnh nguy kịch. Trong Việt Nam Từ Ðiển của Khai Trí Tiến Ðức không thấy ghi chữ này.

Gold digger là người đào mỏ (nghĩa bóng). Cũng có khi gọi là fortune hunter. Digger còn có nghĩa khác là người lính Tân Tây Lan và Úc. Nguyên là một ông tướng có dặn các quân nhân dưới quyền hồi đệ nhất thế chiến là "Dig, dig, dig until you are safe!". Từ đó, digger có nghĩa như trên.

Dig còn có nghĩa là thích. Peter Paul and Mary có bài I DIG ROCK AND ROLL MUSIC.

Birther Movement là danh từ chỉ những người tin là ông Obama không phải là công dân Mỹ vì không ra đời trong lãnh thổ Mỹ, và giấy khai sinh nói rằng ông ra đời tại Hawaii là giấy giả, do đó, ông không đủ điều kiện để giữ chức vụ tổng thống Hoa kỳ. Danh từ birther tương đối mới, tự điển Webster của chúng tôi, ấn bản 2001 không có ghi.